Pippi Tất dài

Chương 14: Pippi viết một Bức thư và đến Trường học, nhưng chỉ đến một tẹo thôi



“Tối nay Annika và tớ vừa viết một bức thư cho bà nội chúng tớ đấy,” Thomas kể.
“Vậy à,” Pippi nói, tay tiếp tục cầm chiếc ô đi mưa mà quấy trong nồi. “Tớ sẽ có một bữa trưa ngon tuyệt nhé!” Nó khoe và cúi xuống hít hít phía trên nồi. “Phải vừa đun vừa quấy mạnh tay một giờ đồng hồ, sau đó ăn ngay mà không cần gừng. Cậu vừa nói gì ấy nhỉ? Cậu đã viết thư cho bà cậu à?”
“Ừ,” Thomas đáp. Cậu ngồi vắt vẻo trên nóc thùng củi của Pippi, hai chân đung đưa. “Và chúng tớ thế nào cũng sắp nhận thư trả lời của bà.”
“Tớ thì chẳng bao giờ nhận được thư cả,” Pippi rầu rĩ nói.
“Nhưng cậu cũng có viết thư đâu,” Annika bảo. “Tự mình không viết thư thì làm sao nhận thư được.”
“Mà chỉ tại cậu không chịu đến trường,” Thomas nói. “Cậu không thể học viết nếu cậu không đến trường.”
“Tớ biết viết quá đi chứ! Tớ biết cả đống chữ cái. Chú Fridolf, từng là một thủy thủ trên tàu của bố tớ, đã dạy tớ bao nhiêu chữ cái. Mà khi nào không xoay xở được với mớ chữ cái ấy nữa, thì các con số giúp tớ. Cố nhiên là tớ biết viết rồi. Nhưng tớ chỉ không biết phải viết gì thôi. Thường trong thư người ta viết gì hả các cậu?”
“Thì đầu tiên tớ hỏi bà có khỏe không. Rồi tớ kể một tí về thời tiết và chuyện gì đó tương tự. Hôm nay tớ cũng viết là tớ đã đập chết một con chuột cống ở dưới tầng hầm nhà tớ.”
Pippi vừa quấy súp vừa nghĩ ngợi. Đoạn nó bảo:
“Tớ thật sự thương cho mình vì chẳng bao giờ nhận được lá thư nào, trong khi mọi đứa trẻ khác đều nhận thư cả. Quả thật không thể cứ chịu như thế mãi. Nếu đã không có bà để bà có thể viết thư cho tớ, thì tớ sẽ tự viết cho mình cũng được chứ sao! Tớ sẽ viết ngay bây giờ đây.”
Nó mở cửa bếp lò, ngó vào:
“Nếu tớ nhớ không nhầm thì trong này có một cái bút chì.”
Có một chiếc bút chì thật. Pippi cầm lấy bút, xé một túi giấy to màu trắng thành một tờ giấy viết thư và ngồi vào bàn ăn. Nó nhăn trán ra chiều suy nghĩ rất lung.
“Bây giờ thì đừng quấy rầy tớ đấy, tớ đang nghĩ,” nó nói.
Thomas và Annika quyết định tranh thủ chơi với ông Nilsson một lát. Chúng thay nhau hết cởi lại mặc quần áo cho con khỉ. Annika còn thử đặt con khỉ vào chiếc giường búp bê màu xanh lá cây, nó muốn chơi trò y tá. Thomas thì làm bác sĩ, còn ông Nilsson là bệnh nhân.
Nhưng con khỉ cứ bướng bỉnh chui tọt ra khỏi giường, nhảy lên ngoắc đuôi treo mình lủng lẳng trên chiếc đèn giữa trần nhà. Pippi ngước một mắt khỏi bức thư đang viết dở lên nhìn nó.
“Cái ông Nilsson ngu ngốc này,” Pippi đe nẹt. “Trẻ con không được treo đuôi lủng lẳng trên đèn như thế. Chí ít là ở đất nước này. Bên châu Phi thì chuyện ấy là thường, tao nghe nói vậy. Bên ấy hễ đứa trẻ con nào hơi bị sốt là người ta treo nó lên đèn trần nhà, treo đến khi nào nó khỏe lại mới thôi. Nhưng lúc này bọn mình đang không ở bên châu Phi, mày hãy ghi nhớ điều đó!”
Cuối cùng Thomas và Annika cũng để ông Nilsson được yên và quay sang chải lông cho con ngựa. Con ngựa mừng rỡ khi thấy hai anh em bước ra hàng hiên, cứ hít hít tay chúng xem có đường viên cho mình không. Annika bèn chạy vào buồng đem đường ra.
Pippi cứ cặm cụi viết. Rốt cuộc bức thư cũng xong. Nó không có phong bì, nhưng Thomas nhanh nhảu chạy về nhà lấy. Cậu còn cho Pippi một con tem. Pippi nắn nót vẽ tên mình lên phong bì: Tiểu thư Pippilotta Tất dài, Biệt thự Bát nháo.
“Trong thư viết gì thế?” Annika hỏi.
“Làm sao tớ biết được?” Pippi ngạc nhiên. “Tớ đã nhận được thư đâu cơ chứ!”
Đúng lúc đó bác đưa thư đi ngang cổng nhà.
“Thật đúng là cầu được ước thấy! Đang cần gặp bác đưa thư thì vớ ngay bác ta,” Pippi nói và chạy ra đường.
“Bác làm ơn đưa ngay bức thư này đến cho tiểu thư Pippi Tất dài với ạ! Thư này khẩn lắm đấy!”
Bác đưa thư nhìn phong bì, rồi nhìn Pippi.
“Chẳng phải cháu chính là Pippi Tất dài đó sao?” Bác ta hỏi.
“Vâng, tất nhiên ạ, thế bác tưởng cháu là ai, là bà hoàng Trung Hoa chăng?”
“Thế sao cháu không tự cầm luôn bức thư cho rồi?” Bác đưa thư không hiểu.
“Sao cháu lại không tự cầm lấy ạ? Cháu phải tự cầm lấy thư sao? Không, như vậy thì quá lắm! Ngày nay thiên hạ phải tự chuyển thư của mình đến tay người nhận sao? Thế thì những người đưa thư là để làm gì? Đem mà nghiền tất cả bọn họ thành giấy cho xong! Chưa bao giờ cháu nghe một chuyện ngu ngốc như thế cả. Không đâu, thưa ông trẻ, nếu bác không hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì bác sẽ chẳng đời nào trở thành giám đốc bưu điện được, bác hãy tin như thế!”
Bác đưa thư nói mình có thể chiều lòng Pippi. Bác ta bèn bỏ thư vào thùng thư trước biệt thự Bát nháo. Bức thư vừa kịp rơi vào thùng, Pippi đã hăm hở lôi ra.
“Ôi, tớ tò mò quá!” Nó bảo Thomas và Annika. “Đây là bức thư đầu tiên tớ nhận được trong đời.”
Cả ba đứa ngồi xuống bậc tam cấp ngoài hàng hiên, Pippi bóc phong bì. Thomas và Annika ngó qua vai Pippi, hồi hộp đọc ké.
“Ôi,” Pippi phấn chấn reo lên, “thư của tớ cũng kể gần giống hệt thư cậu đã viết cho bà cậu ấy, Thomas ạ. Vậy thì có thể tin tưởng đây là một bức thư xịn rồi. Tớ sẽ giữ gìn nó cẩn thận chừng nào tớ còn sống trên đời.”
 
“Pippi tân mến, kậu có khẻo hông? Kậu hông ốm đấi chứ? Kậu khẻo tớ mấy 2` lòng. Tớ khẻo, dưng bị đau giăng, pải ăn thúc ăn đun 9 dừ! Hôm qa Thomas vết tư cho 3` và oánh chếd 1 con chộut. Gủi kậu nững lòi trào tân ái của Pippi.”
Pippi đút bức thư trở lại phong bì, rồi cất vào ngăn kéo nhỏ của chiếc tủ lớn có rất nhiều ngăn trong phòng khách.
Đối với Thomas và Annika thì không gì thích hơn được ngắm nghía tất cả những thứ đồ tuyệt vời của Pippi chứa đựng trong chiếc tủ này. Thỉnh thoảng Pippi lại giúi cho chúng một món quà nhỏ, nhưng trong các ngăn kéo vẫn còn rất nhiều thứ đáng xem.
“Dù sao thư cậu viết cũng có cả đống lỗi chính tả,” Thomas nhận xét khi Pippi đã cất thư đi.
“Phải đấy, cậu nên đến trường và học viết cho tốt hơn.” Annika góp ý.
“Xin kiếu,” Pippi đáp. “Tớ chẳng từng học ở trường suốt một ngày là gì, và tớ đã nhồi nhét nhiều kiến thức tới mức bây giờ vẫn còn váng cả đầu.”
“Nhưng chúng tớ sắp được đi dã ngoại đấy. Cả lớp nhé!” Annika khoe.
“Khổ thân tớ chưa,” Pippi vừa than vừa cắn cắn một bên bím tóc. “Khốn khổ cái thân tớ! Cố nhiên tớ không được đi cùng, chỉ vì tớ không đi học! Xem ra thiên hạ thực sự tin rằng họ muốn làm gì tớ thì làm, chỉ vì tớ đã không đến trường và không học nhép phân.”
“Phép nhân chứ!” Annika nhấn mạnh.
“Thì tớ chẳng nói nhép phân là gì.”
“Chúng tớ sẽ vào sâu trong rừng chơi hẳn một tiếng cơ,” Thomas nói.
“Khổ thân tớ chưa!” Pippi lại than vãn.
 
***
 
Ngày hôm sau, trời đẹp và ấm áp đến nỗi lũ trẻ thị trấn khó lòng mà ngồi yên, cứ nhấp nhổm hoài trong lớp. Cô giáo mở tất cả các cửa sổ cho nắng tràn vào. Sát đầu hồi trường học có một cây lê, trên ngọn cây, một con sáo sậu đang đậu và hót vui vẻ tới mức Thomas, Annika và lũ bạn cùng lớp cứ mải mê nghe hót chứ không mảy may quan tâm đến chuyện 56:7=8.
Bỗng Thomas sửng sốt nhảy dựng khỏi ghế.
“Thưa cô Lund, cô hãy nhìn xem, Pippi kìa!” Cậu kêu lên và chỉ ra cửa sổ.
Tất cả lũ trẻ tò mò quay đầu theo hướng Thomas chỉ. Mà thật kìa, Pippi đang ngồi vắt vẻo trên một cành lê. Nó gần như ngồi ngay trước cửa sổ, vì cành lê vươn vào tận bậu cửa.
“Chào chị gái!” Pippi reo to. “Chào lũ trẻ con!”
“Chào Pippi bé bỏng!” Cô giáo nói. Và Pippi đã ở trường suốt một ngày, nên cô giáo rất biết nó. Hồi đó cô và Pippi đã thống nhất rằng khi nào Pippi lớn hơn chút nữa và chín chắn hơn thì nó có thể sẽ lại đến lớp.
“Sao, em muốn gì nào, Pippi bé bỏng?” Cô giáo hỏi.
‘Dạ, em muốn nhờ chị ném nhép phân qua cửa sổ ra đây cho em,” Pippi đáp. “Đủ để em được phép cùng đi dã ngoại. Và nếu tìm thêm được một ít chữ cái mới nữa, thì chị ném ra cho em luôn thể.”
“Em không muốn vào lớp với chúng tôi một lát sao?”
‘Tốt nhất là không ạ,” Pippi thành thật đáp, và thoải mái ngả người vào cành cây. “Em sẽ chỉ rối óc lên thôi. Kiến thức đã lèn chặt đến nỗi đông cứng trong đầu em, tưởng có thể dùng dao mà xắn thành miếng được. Nhưng chị ơi, chị có nghĩ rằng chút ít kiến thức sẽ bay qua cửa sổ và dính được vào em không ạ?” Nó hỏi đầy hy vọng. “Vừa đủ để em có thể đi dã ngoại thôi mà.”
“Có thể được đấy,” Cô giáo đáp và tiếp tục giờ học tính.
Cả lũ học trò đều thích thú thấy Pippi ngồi trên cây. Tất cả chúng nó đều được Pippi cho kẹo và đồ chơi vào hôm mua sắm nọ. Tất nhiên Pippi còn tha theo Ông Nilsson, và lũ trẻ khoái chí nhìn con khỉ truyền cành ngoài kia. Thỉnh thoảng con khỉ lại chui tọt cả vào cửa sổ, nhảy một bước rõ dài, hạ xuống đầu Thomas và xoa bù tóc cậu lên.
Nhưng cô giáo bảo Pippi gọi con khỉ ra, vì Thomas đang phải tính 315:7 bằng bao nhiêu, và cậu không thể tính được nếu con khỉ cứ chồm chỗm trên đầu cậu. Tuy nhiên lớp học không sao giữ trật tự được nữa. Mặt trời mùa xuân, con chim sáo, rồi lại thêm Pippi và Ông Nilsson nữa – thật quá sức chịu đựng của lũ trẻ.
“Cô nghĩ các em hoàn toàn rối trí mất rồi, các em ạ,” Cô giáo nói.
“Phải đấy, chị biết không, chị gái,” Pippi từ trên cây chõ mồm vào, “thẳng thắn mà nói thì ngày hôm nay không được thích hợp với nhép phân cho lắm.”
“Chúng tôi đang học phép chia.” Cô giáo nói.
“”Dù là nhép phân hay phép chia thì vào một ngày như thế này người ta cũng không nên bận bịu với những thứ ép, ép ấy,” Pippi nói. “Hoặc nếu có thì phải là phép vui!”
Thế là cô giáo đành đầu hàng.
“Vậy em bày được trò gì vui vui cho chúng tôi chứ, Pippi?” Cô đề nghị.
“Không ạ, em không được tài lắm trong việc bày trò vui,” Pippi đáp, đoạn quắp kheo chân treo vào cành cây, treo người, chúc đầu xuống, khiến hai bím tóc đỏ của nó gần phết đất. Nó vui vẻ tiếp: “Nhưng em biết một trường học mà ở đó người ta không học gì khác ngoài phép vui. Trên thời khóa biểu họ đề: “Cả ngày học nhép vui.”
“Thế cơ đấy,” Cô giáo nói. “Trường đó ở đâu vậy?”
“Bên Úc ạ,” Pippi đáp. “Tại một vùng nhỏ cạnh đường tàu ở Úc. Thuộc miền Nam.”
Nó đu người ngồi dậy, hai mắt bắt đầu sáng rỡ lên.
“Vậy học sinh làm gì khi học phép vui?” Cô giáo hỏi.
“Đủ trò ạ. Phần lớn bọn chúng bắt đầu bằng trò phi thân qua cửa sổ ra ngoài, sau đó hét lên một tiếng man dại rồi quay trở vào lớp học. Tiếp nữa là trò nhảy qua các dãy ghế băng, cho tới khi không nhảy được nữa mới thôi.”
“Nhưng cô giáo của họ nói gì về chuyện đó?” Cô giáo lại hỏi.
“Cô giáo ấy ạ? Cô giáo cũng nhảy, cô còn nhảy hăng hơn tất cả lũ học trò cộng lại. Rồi bọn trẻ thường đánh lộn khoảng nửa giờ đồng hồ nữa. Cô giáo đứng cạnh hò reo cổ vũ. Gặp hôm mưa thì chúng chạy ra ngoài trời mưa mà nhảy múa. Cô giáo chơi một bản hành khúc trên đàn oóc-gan để các trò nhảy cho đúng nhịp. Một số đứa còn ra đứng ngay dưới chỗ máng xối nước mưa, tắm thoải mái như dưới vòi sen ấy ạ.”
“Lại còn thế nữa!” Cô giáo thốt lên.
“Vâng,” Pippi nói. “Đó là một ngôi trường tuyệt vời. Một trong những ngôi trường tốt nhất ở Úc. Nhưng nó ở mãi tận miền Nam kia.”
“Cô có thể hiểu được,” Cô giáo nói. “Nhưng cô không tin chúng ta có thể làm điều gì na ná như vậy dưới mái trường này.”
“Tiếc quá,” Pippi thốt lên. “Giá có trò nhảy qua ghế băng không thôi thì có phải là em đã dám vào trong lớp một lát rồi không.”
“Em đành phải chờ cái trò nhảy nhót ấy cho tới lúc chúng ta đi dã ngoại vậy,” cô giáo an ủi.
“Em được phép đi cùng thật sao?” Pippi reo lên, nó vui sướng đến nỗi ngửa người nhảy lộn luôn một vòng xướng đất. “Nhất định em sẽ viết thư kể chuyện này cho bọn trẻ ở bên Úc. Chúng nó muốn học phép vui bao nhiêu tùy thích, em chẳng thiết. Vì một cuộc dã ngoại sẽ vui hơn là cái chắc!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.