Pippi Tất dài

Chương 15: Pippi cùng đi Dã ngoại



Ngoài đường rộn rã tiếng bước chân, tiếng cười nói. Mọi người đang đến kia rồi. Thomas với chiếc ba lô sau lưng, Annika diện váy hoa vải bông mới tinh, rồi cô giáo và đủ mặt bọn bạn cùng lớp, trừ một đứa đáng thương bị viêm họng đúng vào ngày cả lớp đi dã ngoại. Dẫn đầu tất cả là Pippi trên lưng ngựa! Ông Nilsson ngồi sau lưng cô chủ, tay cầm chiếc gương nhỏ. Con khỉ dùng gương rọi ánh phản chiếu trêu chọc bọn trẻ và vô cùng khoái chí khi rọi trúng vào mắt Thomas. Annika đinh ninh thế nào ngày này trời cũng đổ mưa. Cô bé tin chắc đến nỗi mấy hôm nay tính tình đâm cáu bẳn. Vậy mà con người ta đôi khi mới may mắn làm sao! Mặt trời vẫn tiếp tục chiếu sáng rực rỡ theo lệ thường, dù hôm nay là ngày đi dã ngoại, và trái tim Annika rộn lên vì vui sướng trên đường tới đây trong chiếc váy mới. Chẳng riêng gì cô bé, mặt mũi bọn trẻ con đứa nào đứa nấy hớn ha hớn hở. Hai bên lề đường chúng đi qua đầy hoa dương liễu. Có lúc chúng còn thường xuyên qua một đồng cỏ đầy hoa anh thảo. Lũ trẻ định bụng trên đường về sẽ hái một búi to hoa dương liễu và một bó to hoa anh thảo.
“Một ngày đẹp ơi là đẹp!” Annika xuýt xoa và ngước nhìn Pippi đang ngồi thẳng thớm trên lưng ngựa.
“Ừ, kể từ hôm thượng đài với tay võ sĩ quyền Anh người da đen ở San Fransisco, chưa gì khiến tớ vui như thế này. Cậu có muốn cưỡi ngựa một lát không?”
Annika rất muốn, thế là Pippi nhấc nó lên ngồi trước mặt mình.
Nhưng nhìn thấy thế, những đứa khác đương nhiên cũng muốn cưỡi ngựa. Pippi chiều tất. Bọn trẻ lần lượt được lên lưng ngựa, Thomas và Annika được ưu tiên lâu hơn một tẹo. Có một đứa con gái bị đau chân, được Pippi cho lên ngồi sau lưng và cưỡi ngựa suốt chặng đường còn lại. Nhưng Ông Nilsson hễ túm được bím tóc cô bé là lại giật lấy giật để.
Đích đến của cuộc dã ngoại là một khu rừng mang tên Rừng Quái vật. Vì khu rừng đẹp tới mức kì quái. Khi gần đến nơi, Pippi nhảy khỏi yên ngựa, vuốt ve con ngựa của nó mà bảo:
“Nãy giờ mày thồ chúng tao lâu quá nên mày mệt đấy. Không nên tự đày đọa mình lâu như thế.”
Đoạn Pippi nhấc con ngựa trên hai cánh tay lực sĩ và bế nó đi, cho đến lúc cả bọn đến bên một khoảnh rừng thưa và cô giáo bảo dừng lại. Pippi ngó quanh, gọi to:
“Này lũ quái vật các ngươi, tất cả hãy ra đây để xem ai là người khỏe nhất!”
Nhưng cô giáo giải thích với Pippi rằng trong rừng chẳng có quái vật nào cả, khiến nó rất thất vọng.
“Rừng Quái vật mà lại không có quái vật sao! Thiên hạ cứ bịa ra những thứ gì vậy! Không khéo họ lại sắp bịa ra những đám cháy không lửa và những vụ cướp cây thông Giáng sinh không có cây thông Giáng sinh nữa cho mà xem. Chỉ vì bủn xỉn! Nhưng đến ngày mà họ bắt đầu giở trò với những cửa hàng kẹo không có kẹo, thì em sẽ tìm đến và cho họ biết thế nào là lễ độ! Thế đấy, có lẽ em đành phải tự mình trở thành quái vật vậy, em thấy chẳng còn cách nào khác.”
Pippi liền rống lên một tiếng khủng khiếp đến nỗi cô giáo vội bịt tai lại, nhiều đứa trẻ khác giật mình kinh hãi.
“Phải đây, chúng mình chơi trò Pippi giả vờ làm quái vật đi!” Thomas vỗ tay, reo lên hớn hở.
Cả lũ cho đó một đề nghị hay. Quái vật tìm một hang núi sâu làm chỗ ở. Lũ trẻ chạy qua cửa hang, trêu chọc nó:
“Quái vật ngu ngốc, ngu ngốc! Lêu lêu, quái vật ngu ngốc! Lêu lêu!”
Thế là quái vật gầm lên, lao ra đuổi theo đám trẻ con chạy tóe khắp ngả tìm chỗ trốn. Những đứa Pippi bắt được liền bị tha về hang, quái vật tuyên bố sẽ làm thịt chúng nấu bữa trưa. Nhưng đôi khi cũng có đứa lừa lúc quái vật mải ra ngoài đuổi bắt thêm trẻ con mà tẩu thoát khỏi hang. Những đứa này phải vượt qua các vách đá dốc, một việc thật khó khăn. Mà ở đó chỉ có mỗi một cây thông nhỏ để bám vào, hơn nữa phải rất khôn ngoan để biết nên đặt chân vào chỗ nào mới leo lên nổi. Nhưng trò chơi hồi hộp đến nỗi bọn trẻ cho rằng chưa có trò nào vui đến thế. Cô giáo nằm trên bãi cỏ đọc sách, chốc chốc lại đưa mắt nhìn bọn trẻ chơi đùa.
“Đây là con quái vật hoang dã nhất mình từng thấy,” cô lẩm bẩm.
Đúng thế thật, quái vật nhảy chồm chồm, gầm rú, quăng một lúc ba bốn thằng bé lên vai để vác về hang. Đôi khi nó trèo tót lên những cái cây cao nhất với một tốc độ điên cuồng rồi chuyền cành y như một con khỉ. Có lúc nó lại nhảy lên lưng ngựa, rượt theo những đứa đang tìm cách chạy trốn giữa rừng cây. Khi ngựa phi qua, từ trên yên ngựa trong thế phi nước đại, quái vật gập mình tóm lấy bọn trẻ, vắt chúng nằm ngang trước mặt trên lưng ngựa, và cứ thế phi như bay về hang, miệng thét:
“Ta sẽ nấu chín các ngươi làm bữa trưa!”
Chơi vui đến nỗi lũ trẻ chẳng muốn ngừng lại tí nào.
Nhưng mọi thứ bỗng im ắng hẳn. Khi Thomas và Annika chạy đến xem có chuyện gì xảy ra, thì thấy quái vật đang ngồi trên một tảng đá, dáng vẻ khác lạ, mắt đăm đăm nhìn vào vật gì đó trên tay nó.
“Nó chết rồi, nhìn mà xem, nó chết hẳn rồi,” quái vật nói.
Đó là một con chim non bị rơi khỏi tổ.
“Ôi, tội quá!” Annika thốt lên. Quái vật gật đầu.
“Pippi, cậu khóc kìa,” bỗng Thomas bảo.
“Khóc… Tớ hả?” Pippi nói. “Tớ khóc đâu nào.”
“Đúng, mắt cậu đỏ hoe lên thế kia.” Thomas khẳng định.
“Mắt đỏ hoe!” Pippi vừa nói vừa giằng chiếc gương con từ tay Ông Nilsson để soi. “Thế này mà cậu gọi là đỏ hoe sao? Giá như cậu từng đến Batavia với bố và tớ nhỉ! Ở đó có một ông già mắt đỏ đến nỗi cảnh sát phải cấm ông cụ thò mặt ra đường.”
“Tại sao?” Thomas hỏi.
“Tại vì người ta sẽ tưởng mắt ông cụ là đèn đỏ, cậu hiểu chưa? Ông cụ đi đến đâu, xe cộ ở đó sẽ dừng cả lại làm giao thông tê liệt hết. Mắt tớ mà gọi là đỏ! Thôi đi, cậu đừng có tưởng tớ lại khóc lóc vì một con chim nhỏ xíu như thế này.”
“Quái vật ngu ngốc, ngu ngốc! Lêu lêu, quái vật ngu ngốc! Lêu lêu!”
Bọn trẻ từ mọi phía chạy đến, xem quái vật biến đi đằng nào mất rồi. Quái vật bèn cẩn thận đặt xác con chim nhỏ lên lớp rêu mềm.
“Giá như có thể, tao rất muốn làm mày sống lại,” nó thở dài. Đoạn nó rống lên một tiếng khủng khiếp.
“Giờ ta sẽ nấu chín các ngươi!” Quái vật thét lên. Bọn trẻ ré lên hoan hỉ, lủi ngay vào giữa các bụi cây.
Một đứa con gái trong lớp tên là Ulla sống ngay cạnh Rừng Quái vật. Mẹ Ulla cho phép cô bé mời cô giáo và các bạn, dĩ nhiên cả Pippi, về nhà nghỉ ngơi và uống nước trong vườn. Sau khi bọn trẻ đã trêu đùa thỏa thuê trò quái vật, đã leo trèo quanh núi một hồi, đã chơi thả thuyền trong một vũng nước, và đứa nào bạo gan còn trổ tài nhảy xuống từ một tảng đá cao, thì Ulla bảo đã đến lúc tất cả về nhà nó uống nước dâu ép được rồi. Cô giáo, cũng vừa đọc xong quyển sách một lèo từ trang đầu đến trang cuối, nhất trí với Ulla. Cô tập hợp bọn trẻ thành một toán, rồi họ rời khỏi khu rừng.
Ngoài đường, một gã đàn ông đánh chiếc xe ngựa chở đầy bao tải đi ngược chiều cả lớp. Những chiếc bao tải vừa nặng, vừa nhiều. Con ngựa thì già nua và mệt mỏi. Bỗng một bánh xe sa xuống rãnh bên đường. Gã đàn ông – tên là Blomsterlund – nổi đóa lên. Gã cho rằng lỗi tại con ngựa, bèn rút roi quất đen đét lên lưng con ngựa. Con ngựa gồng mình, ra sức tìm cách kéo xe lên lại mặt đường nhưng không nổi. Chủ của nó càng tức lồng tức lộn, vụt mạnh tay hơn nữa. Đúng lúc đó cô giáo trông thấy, cô mất hết bình tĩnh vì quá thương con ngựa tội nghiệp.
“Sao ông nỡ đánh đập con vật như thế!” Cô kêu lên. Gã đàn ông ngừng tay roi một thoáng, nhổ nước bọt trước khi trả lời.
“Đừng có chõ mõm vào những việc chẳng liên quan đến mình,” gã nói. “Nếu không ta sẽ dùng roi này quất tất cả các ngươi đấy!”
Gã lại nhổ bọt và vung roi lên.
Toàn thân con ngựa đáng thương run rẩy.
Từ đám trẻ con lao ra một cái gì tựa tia chớp. Đó là Pippi. Quanh mũi nó trắng nhợt. Mà Pippi đã trắng nhợt quanh mũi, tức là nó đang nổi giận, Thomas và Annika biết vậy. Pippi lao thẳng đến Blomsterlund, tóm lấy gã và quăng lên trời. Khi gã rơi xuống, nó bèn bắt lấy và lại quăng lên. Cứ thế, gã được du hành trên không bốn, rồi năm, sáu lần, gã không biết chuyện gì đang xảy ra với mình nữa.
“Cứu tôi! Cứu tôi với!” Gã rống lên. Cuối cùng gã rơi phịch xuống mặt đường, chiếc roi văng đâu mất. Pippi đến trước gã, hai tay chống nạnh.
“Chú không được đánh con ngựa nữa!” nó tuyên bố dứt khoát. “Không được đánh nữa, chú đã hiểu chưa? Hồi trước ở thành phố Kapstadt có lần cháu gặp một chú cũng đánh ngựa. Chú ấy mặc bộ đồng phục cực kỳ đẹp và lịch sự. Cháu bảo chú ấy rằng nếu chú ấy lại đánh con ngựa lần nữa, cháu sẽ nện cho chú ấy một trận tơi tả, khiến ngay một sợi vải trên bộ đồng phục đẹp đẽ của chú ấy cũng chẳng còn. Thế mà một tuần sau chú ấy lại đánh con ngựa. Thế chẳng phải đáng tiếc cho bộ đồng phục ấy lắm hay sao?”
Blomsterlund vẫn ngẩn tò te ngồi dưới mặt đường.
“Chú định đánh cái xe này đến đâu ạ?” Pippi hỏi.
Gã đàn ông rụt rè chỉ vào một ngôi nhà nhỏ cách đó một quãng.
“Về nhà ở đằng kia,” gã nói.
Thế là Pippi tháo con ngựa vẫn đang run rẩy vì mệt mỏi ra khỏi càng xe, nựng nó:
“Nào, ngựa bé bỏng của tao, bây giờ mày phải được nếm chút mùi vị sung sướng chứ nhỉ.”
Nó bế con ngựa trên hai cánh tay lực sĩ , đưa về chuồng. Con ngựa lúc này trông cũng sửng sốt chẳng kém gì chủ mình.
Cô giáo và bọn trẻ vẫn đợi Pippi trên đường. Blomsterlund đứng bên cỗ xe, gãi đầu gãi tai. Gã không biết làm cách nào đưa nổi chiếc xe về nữa. Đúng lúc đó Pippi trở lại. Nó nhấc một trong những chiếc bao tải nặng đặt lên lưng Blomsterlund.
“Được rồi,” nó nói, “bây giờ chúng ta muốn xem xem chú có giỏi khuân vác như giỏi đánh ngựa không.” Pippi nhặt chiếc roi. “Đáng lẽ cháu phải dùng roi này vụt chú, vì chú thích như thế lắm mà. Nhưng hình như chiếc roi hơi bị hỏng rồi,” nó vừa nói vừa bẻ một mẩu roi. “Hỏng hoàn toàn rồi, tiếc quá!”
Dứt lời, nó cứ thế bẻ vụn chiếc roi.
Blomsterlund lẳng lặng vác chiếc bao tải, lê bước đi. Gã chỉ khẽ rên rỉ. Pippi nắm lấy hai càng xe, phăm phăm kéo về phía nhà Blomsterlund.
“Xin mời chú, cháu không lấy tiền công đâu,” nó nói sau khi đã cất cỗ xe trong chuồng ngựa của Blomsterlund. “Cháu giúp chú thôi mà. Chú cũng khỏi thanh toán tiền cho những chuyến du hành trên không vừa rồi.”
Nói đoạn nó bỏ đi. Blomsterlund đứng đực đó hồi lâu, mắt trân trối nhìn theo.
“Pippi muôn năm!”
Lũ trẻ gào lên khi Pippi quay ra. Cô giáo cũng hài lòng với Pippi, cô khen:
“Em đã hành động tốt đấy. Con người cần đối xử tử tế với loài vật. Tử tế với nhau nữa, tất nhiên rồi.”
“Chúng ta có mặt trên đời chính là để đối xử tử tế và thân thiện với những người khác,” cô giáo nói tiếp.
Pippi chúc đầu trồng cây chuối trên lưng ngựa, hai chân khua khoắng trong không trung.
“Hê hê,” nó cất tiếng cười, “thế những người khác có mặt trên đời để làm gì ạ?”
 
***
 
Trong vườn nhà Ulla đặt một chiếc bàn lớn, trên bày nhiều bánh mì và bánh ngọt đến nỗi bọn trẻ tứa cả nước miếng. Chúng vội vàng ngồi quanh bàn.
Pippi ngồi ở một đầu bàn. Việc đầu tiên nó làm là nhặt một lúc hai chiếc bánh mì con nhét vào mồm. Trông nó lúc này giống như các thiên thần nhỏ trong nhà thờ với hai má tròn phồng căng.
“Pippi, người ta thường đợi đến khi được mời,” cô giáo nhắc, giọng trách móc.
“Đừng khách sáo với em,” Pippi nhồm nhoàm đáp. “Em không để ý chuyện ấy đâu mà.”
Đúng lúc đó mẹ của Ulla đi đến chỗ Pippi, một tay bà cầm bình nước dâu ép, tay kia cầm bình ca cao.
“Cháu dùng nước dâu hay ca cao?” Bà hỏi.
“Nước râu và ca cao ạ,” Pippi đáp. “Nước râu để chiêu một cái bánh, còn ca cao chiêu cái bánh kia.”
Chẳng chút khách sáo, nó giành luôn từ tay mẹ của Ulla cả hai chiếc bình, đưa lên miệng tu mỗi bình một ngụm lớn.
“Cô bé này lênh đênh trên biển suốt từ nhỏ chị ạ,” cô giáo rỉ tai mẹ của Ulla lúc đó trông rất đỗi sửng sốt.
“Tôi hiểu,” bà này gật đầu, tự nhủ sẽ không để bụng cách cư xử khiếm nhã của Pippi.
“Cháu muốn dùng bánh quế phải không?” Bà chìa một đĩa bánh mời Pippi.
“Có vẻ như vậy đấy ạ,” Pippi đáp và thích chí cười khúc khích vì câu nói dí dỏm của mình. “Tuy bánh trông có phần xấu xí, nhưng cháu hy vọng chúng vẫn ngon.”
Nói đoạn nó bốc một vốc đầy.
Rồi Pippi lại phát hiện mấy chiếc bánh màu hồng bày trên bàn, hơi xa chỗ mình ngồi, bèn giật đuôi Ông Nilsson:
“Này, Ông Nilsson, chạy ra đằng kia lấy cho ta một chiếc bánh hồng. Ngoài ra mày có thể ăn hai, ba chiếc nữa cũng được.”
Ông Nilsson liền chạy xéo trên mặt bàn, khiến nước quả đựng trong những cái cốc sánh cả ra ngoài.
“Hy vọng bây giờ cháu đã no rồi,” mẹ của Ulla, khi lát sau Pippi tìm đến để cảm ơn bà.
“Không ạ, cháu không no, mà khát ạ,” Pippi gãi tai đáp.
“Phải, nhà bác chẳng có gì nhiều để mời mọi người,” mẹ của Ulla nói.
“Đúng thế, nhưng cũng chẳng sao đâu ạ,” Pippi ân cần an ủi.
Thế là cô giáo quyết định phải nói chuyện với Pippi về phép lịch sự.
“Em nghe này, Pippi bé bỏng, chắc em muốn khi lớn lên sẽ trở thành một quý bà thực sự thanh lịch chứ?”
“Chị muốn nói một bà đeo chàng mạng trước mũi và cằm sệ ba ngấn ấy ạ?” Pippi hỏi.
“Cô muốn nói một quý bà luôn luôn biết mình phải cư xử thế nào để luôn tỏ ra lịch sự và có giáo dục. Một quý bà thực sự thanh lịch… Em không muốn như vậy sao?”
“Để em suy nghĩ thêm đã,” Pippi đáp. “Nhưng chị ơi, em gần như đã quyết định khi lớn lên sẽ trở thành cướp biển rồi.”
Nó nghĩ ngợi một lát.
“Chị này, chị có nghĩ rằng người ta có thể cùng lúc trở thành cướp biển và một-quý-bà-thực-sự-thanh-lịch không?”
Cô giáo không nghĩ như vậy.
“Ôi chao, ôi chao! Thế thì em biết quyết định ra sao bây giờ?”
Cô giáo bèn nói rằng Pippi chọn con đường nào không quan trọng. Dù sao cũng chẳng hại gì nếu nó muốn học cách cư xử sao cho đúng. Đơn giản là người ta không được phép xử sự như những gì vừa rồi Pippi làm bên bàn ăn.
“Để biết cư xử cho đúng mới khó làm sao chứ!” Pippi thở dài than. “Chị có thể bày cho em vài đường cơ bản được không ạ?”
Thế là cô giáo đem hết khả năng ra giảng giải cho Pippi. Cô nói, còn nó chăm chú lắng nghe: Người ta không được phép ăn bất cứ thứ gì nếu chưa được mời. Mỗi lần không được lấy quá một chiếc bánh. Không được dùng dao đưa thức ăn vào miệng. Không được gãi khi đang nói chuyện với người khác…không được phép thế này, không được phép thế kia. Pippi gật gật đầu, vẻ nghĩ ngợi.
“Từ nay ngày nào em cũng dậy sớm hẳn một tiếng và chăm chỉ luyện tập,” nó tuyên bố, “để em nắm được các mánh khóe này, phòng khi em lại quyết định không trở thành cướp biển.”
Cách chỗ cô giáo và Pippi một quãng, Annika đang ngồi tư lự trên cỏ, tay ngoáy mũi.
“Annika,” Pippi lớn tiếng, giọng nghiêm khắc, “cậu đang làm trò gì vậy hả? Cậu hãy ghi nhớ rằng một-quý-bà-thực-sự-thanh-lịch chỉ ngoáy mũi khi có một mình thôi!”
Lúc này cô giáo bảo đã đến lúc lên đường trở về nhà. Tất cả lũ trẻ xếp hàng, riêng Pippi vẫn ngồi riêng trên cỏ, vẻ mặt căng thẳng như đang lắng nghe điều gì đó.
“Em làm sao vậy, Pippi bé bỏng?” Cô giáo hỏi.
“Chị ơi,” Pippi nói, “một-quý-bà-thực-sự-thanh-lịch có được phép sôi bụng không ạ?”
Nó ngồi thật yên, giữ nguyên nét mặt căng thẳng như nghe ngóng.
“Vì nếu một-quý-bà-thực-sự-thanh-lịch không được phép sôi bụng,” cuối cùng nó nói, “thì em có thể quyết định ngay sẽ trở thành cướp biển.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.