Pippi Tất dài

Chương 17.2: Pippi bị đắm thuyền



Trong lều tối như hũ nút, Annika nắm chặt tay Pippi để cảm thấy đỡ sợ. Trời bỗng đổ mưa. Mưa rào rào trên mái lều, nhưng trong lều khô ráo và ấm áp, nên cảm giác nghe tiếng mưa càng dễ chịu. Pippi đi ra ngoài, phủ thêm chăn cho con ngựa. Con ngựa đứng dưới một cây thông tán lá ken dày đến nỗi không hề bị dính mưa.
“Tụi mình sướng thật đấy.” Thomas xuýt xoa khi Pippi trở vào lều.
“Ừ,” Pippi nói. “Xem tớ nhặt được cái gì dưới một tảng đá này! Ba thanh sôcôla nhé!”
Ba phút sau Annika đã ngủ thiếp đi, mồm vẫn ngậm đầy sôcôla, tay nắm chặt Pippi.
“Tối nay bọn mình quên đánh răng rồi.” Thomas nói, đoạn cũng chìm vào giấc ngủ.
Khi Thomas và Annika tỉnh dậy, Pippi đã biến đâu mất. Chúng vội bò ra khỏi lều. Mặt trời toả sáng. Trước lều bập bùng một đống lửa mới, và Pippi đang ngồi đó nướng thịt chân giò và đun cà phê.
“Chúc mừng! Chúc Lễ phục sinh vui vẻ!” Nó nói khi trông thấy Thomas và Annika.
“Nào, hôm nay có phải ngày Phục sinh đâu!” Thomas nói.
“Thế hả.” Pippi đáp. ” Vậy thì để dành sang năm vậy.”
Mùi thịt nướng và cà phê thơm nức xộc vào mũi Thomas và Annika. Chúng ngồi xếp chân bằng tròn quanh ngọn lửa, Pippi đưa cho chúng thịt, trứng và khoai tây. Sau đó cả bọn uống cà phê và ăn bánh ngọt. Chưa từng có bữa điểm tâm sáng nào ngon đến thế.
“Tớ thấy bọn mình sướng hơn Robinson” Thomas nhận xét.
“Ừ, và nếu chốc nữa bọn mình lại có thêm món cá tươi để ăn trưa nữa, thì tớ e rằng Robinson sẽ tái mặt đi vì ghen tị đấy.”
“Ê, tớ không thích ăn cá.” Thomas nói.
“Tớ cũng không,” Annika phụ hoạ.
Nhưng Pippi đã nhặt một cành cây vót thành một cái que dài và mảnh, buộc vào đầu que một sợi dài, uốn một cái ghim nhọn thành hình lưỡi câu, móc vào lưỡi câu một mẩu vụn bánh mì, rồi ra ngồi trên tảng đá sát mép nước.
“Giờ bọn mình hãy chờ xem.” Nó nói.
“Cậu định câu con gì?” Thomas hỏi.
“Cá mực. Một món đặc sản không gì sánh được.” Pippi đáp. Nó ngồi suốt cả tiếng đồng hồ mà chẳng thấy con cá mực nào chịu đớp mồi. Một con cá rô mon men bơi đến gần, ngửi ngửi mẩu vụn bánh, nhưng Pippi đã nhanh tay giật cần cầu lên.
“Đừng hòng nhé, anh bạn trẻ,” nó nói. “Một khi tao đã bảo cá mực thì có nghĩa là cá mực. Mày đừng có mà tìm cách ăn chực!”
Lát sau nó quẳng cả cần câu xuống hồ.
“Các cậu gặp may đấy,” nó nói. “Như tớ thấy thì chắc bọn mình phải dùng tạm bánh trứng thịt mỡ thôi. Lũ cá mực hôm nay đến là ương ngạnh.” Thomas và Annika vô cùng mãn nguyện. Nước hồ lấp lánh dưới ánh mặt trời như mời gọi.
“Tụi mình tắm chứ?” Thomas đề nghị.
Pippi và Annika lập tức đồng ý. Nước rất lạnh. Thomas và Annika vừa ngó ngón chân cái xuống đã vội rút lên.
“Tớ biết cách này hay hơn,” Pippi nói.
Ngay sát mép nước có một ghềnh đá, trên ghềnh đá mọc một cái cây với những cành lá rủ xuống mặt hồ. Pippi trèo lên cây, buộc một sợi thừng vào một cành cây.
“Người ta làm thế này này!” Nó túm lấy sợi thừng, đu người ra và tuột theo sợi thừng rơi tòm xuống nước.
“Người ta bị nhấn chìm như thế đấy,” Pippi hoan hỉ reo khi ngoi lên.
Thoạt đầu Thomas và Annika hơi lưỡng lự, nhưng thấy trò này vui quá nên chúng quyết định thử xem sao. Và sau khi đã thử một lần, chúng dường như không thể dừng được nữa, vì chơi rồi mới thấy còn vui hơn là chúng tưởng. Ông Nilsson cũng muốn tham gia. Con khỉ tụt theo sợi thừng xuống dưới, nhưng một giây trước khi rơi tõm xuống nước, nó quay ngoắt người và cuống cuồng leo ngược lên trên. Nó cứ diễn mãi trò đó, mặc dù bọn trẻ chê nó hèn nhát ầm ĩ. Sau đó Pippi lại nảy sáng kiến ngồi lên một mảnh gỗ, rồi trượt từ ghềnh đá xuống nước. Trò này cũng nhộn, vì khi người rơi xuống nước nghe đánh ùm rất to.
“Liệu Robinson có ngồi trên một mảnh gỗ để trượt như bọn mình không nhỉ?” Pippi hỏi khi sắp trượt từ đỉnh ghềnh đá xuống.
“Không, ít nhất cũng không thấy trong sách kể.” Thomas đáp.
“Lẽ ra tớ phải sớm nghĩ tới điều đó,” Pippi nói. “Tớ cảm thấy ông ta bị đắm tàu cách đây chưa lâu. Thế suốt ngày ông ta làm trò gì? Chơi cờ ca-rô chăng? Ê, tớ phi xuống đây này”.
Pippi trượt xuống, túm bím tóc đỏ bay phần phật quanh đầu.
Sau khi bơi lội thoả thuê, bọn trẻ quyết định thám hiểm kỹ càng hòn đảo hoang này. Cả ba đứa ngồi lên lưng ngựa, bắt đầu phi nước đại, hết lên lại xuống dốc, xuyên các bụi cây, những đám thông rậm rịt, những vũng lầy và qua các khoảng rừng thưa xinh đẹp, nơi có bao nhiêu là hoa cỏ. Pippi tay lăm lăm khẩu súng lục, chốc chốc lại bắn một phát, khiến con ngựa giật mình nhảy dựng lên.
“Đi đời một con sư tử,” Pippi hài lòng nói, hoặc ” Giờ tận số của tên ăn thịt người kia đã điểm.”
“Tớ chỉ muốn hòn đảo này mãi mãi thuộc về bọn mình” Thomas nói khi cả bọn đã trở lại lều và Pippi bắt tay vào làm món bánh trứng thịt mỡ.
Pippi và Annika cũng chia sẻ mong muốn của Thomas. Món bánh trứng thịt mỡ rất ngon khi ăn ngay trên chảo. Không có đĩa lẫn dao nĩa, Annika hỏi:
“Bọn mình có được phép ăn bằng tay chăng?”
“Theo tớ thì cứ ăn thoải mái đi.” Pippi nói. “Riêng tớ muốn giữ thói quen cổ xưa, ăn bằng mồm.”
“Ôi, cậy thừa hiểu ý tớ mà!” Annika kêu lên.
Cô bé thò bàn tay nhỏ xinh bốc một chiếc bánh trứng và đưa lên miệng ăn ngon lành.
Rồi trời lại tối, đám lửa trại đã tắt. Nép sát vào nhau, mặt mũi nhoe nhoét bánh trứng, bọn trẻ nằm trong chăn ấm. Một ngôi sao lớn rọi ánh sáng qua một kẽ lều. Tiếng sóng biển ru chúng vào giấc ngủ.
“Hôm nay bọn mình phải về nhà rồi.” Sáng hôm sau Thomas buồn rầu bảo.
“Chán thật đấy,” Annika nói. ” Em muốn ở lại đây suốt mùa hè. Nhưng hôm nay bố mẹ về nhà rồi.”
Sau bữa sáng , Thomas tản bộ ra mép hồ. Bỗng cậu kêu thét lên. Chiếc thuyền! Chiếc thuyền đã không cánh mà bay ! Annika vô cùng hoảng hốt. Chúng làm sao rời khỏi đảo được đây? Đương nhiên nó rất muốn ở lại trên đảo cả mùa hè, nhưng khi biết rằng mình không thể về nhà lại là chuyện hoàn toàn khác. Mẹ tội nghiệp sẽ nói gì khi phát hiện Thomas và Annika đã biến mất? Nghĩ đến đó, hai mắt Annika đẫm lệ.
“Cậu làm sao thế Annika?” Pippi hỏi. “Cậu hình dung thế nào về một vụ đắm tàu chứ? Cậu nghĩ sao, Robinson sẽ nói gì nếu một con tàu đến đón ông ta sau hai ngày ông ta sống trên hoang đảo? Thưa ngài Crusoe, xin rước ngài lên tàu, ngài đã được cứu sống, đã tắm rửa, cạo râu và sẽ còn được cắt móng chân nữa ạ! Không, cảm ơn! Tớ tin chắc ông Crusoe sẽ bỏ chạy và trốn sau một bụi cây. Vì khi ai đó đã đến được một hoang đảo, thì anh ta nhất định muốn nán lại đấy ít nhất là bảy năm.”
Những bảy năm! Annika rùng mình, còn Thomas vẻ lo nghĩ.
“Phải, tớ không muốn nói là bọn mình – ai biết được – sẽ phải ở lại đây bao lâu,” Pippi an ủi. “Khi nào Thomas đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, thì hẳn bọn mình sẽ lại phải xuất hiện thôi, ấy là tớ nghĩ thế. Nhưng có lẽ cậu ấy có thể tạm lui nhập ngũ một, hai năm chẳng hạn.”
Annika mỗi lúc càng thêm tuyệt vọng. Pippi trầm ngâm nhìn cô bé.
“Nếu cậu thấy chuyện này nghiêm trọng đến thế.” Nó nói, “thì không còn lối thoát nào khác ngoài việc đút thư vào vỏ chai gửi đi.”
Nó lôi cái vỏ chai từ trong bao tải ra, rồi tìm mãi cũng được mảnh giấy và một cái bút chì. Nó đặt tất cả lên một tảng đá trước mặt Thomas.
“Cậu viết đi,” nó nói. “Cậu viết thạo hơn tớ.”
“Ừ, nhưng tớ biết viết gì đây?” Thomas hỏi.
“Để xem nào,” Pippi nghĩ ngợi, “Cậu có thể viết là: Hãy cứu chúng tôi trước khi chúng tôi bỏ mạng! Đã hai ngày nay không có thuốc hít, chúng tôi đang khố khổ trên đảo này.”
“Không được đâu Pippi, bọn mình không thể viết như thế!” Thomas nói đầy trách móc.
“Điều đó không đúng sự thật.”
“Thế sự thật thì thế nào?” Pippi vặn lại.
“Nhưng bọn mình không thể viết không có thuốc hít được.” Thomas nói.
“Không ư ? Cậu có thuốc hít à ?”
“Không” Thomas đáp.
“Annika có thuốc hít không?”
“Không, tất nhiên là không, nhưng…”
“Hay có lẽ tớ có thuốc hít chăng?” Pippi hỏi.
“Không, điều này có thể đúng,” Thomas đáp. “Nhưng bọn mình đâu có cần thuốc hít.”
“Thế sao! Tớ muốn cậu viết đúng như sau : Đã hai ngày nay không có thuốc hít…”
“Nhưng nếu tớ viết như vậy, mọi người chắc chắn sẽ tưởng rằng bọn mình hít thuốc.” Thomas nói.
“Cậu nghe rõ đây Thomas. Hãy trả lời tớ câu hỏi này: Những người nào có ít thuốc hít hơn, những người hít thuốc hay những người không hít thuốc?”
“Những người không hít thuốc, tất nhiên rồi.” Thomas đáp.
“Nào, thế thì việc gì cậu phải nhặng xị lên như vậy?” Pippi nói. ” Hãy viết như tớ bảo đi!”
Thomas bèn viết : ” Hãy cứu chúng tôi trước khi chúng tôi bỏ mạng! Đã hai ngày nay không có thuốc hít, chúng tôi đang khốn khổ trên đảo này.” Pippi cầm lấy mảnh giấy, gấp đút vào trong chai, nút lại và ném cái chai xuống nước.
“Chẳng mấy nữa những người cứu mạng bọn mình sẽ có mặt ở đây.” Pippi nói.
Cái chai trôi đi, nhưng chỉ được một quãng đã bị mắc lại ở một chùm rễ cây sát mép nước.
“Bọn mình phải ném nó ra xa nữa.” Thomas đề nghị.
“Đó là điều ngu xuẩn nhất mà bọn mình có thể làm.” Pippi nói. ” Vì nếu cái chai trôi xa quá, những người đến cứu sẽ không biết bọn mình ở đâu mà tìm. Nhưng nếu cái chai nằm đó, bọn mình có thể gào to gọi họ khi trông thấy và nhặt cái chai, thế là bọn mình được họ cứu tức thì.” Pippi bèn ngồi xuống, ” Tốt nhất là bọn mình không rời xa khỏi cái chai.”
Thomas và Annika ngồi xuống cạnh nó. Nhưng mười phút sau Pippi lại bảo: ” Dễ thường họ tưởng bọn mình không còn việc gì khác ngoài việc ngồi đây mà chờ được cứu chắc. Họ đang chui rúc ở đâu thế không biết?”
“Ai cơ?” Annika hỏi.
“Những người phải cứu bọn mình ấy. Một sự cẩu thả đáng ghét, vì nghĩ cho kỹ đây là vấn đề mạng sống con người!”
Annika gần như tin rằng mình sẽ phải chết dần chết mòn trên hòn đảo này. Nhưng bỗng Pippi giơ ngón tay trỏ lên trời, kêu toáng lên: ” Trời đất, sao tớ đãng trí thế kia chứ! Sao tớ lại có thể quên nó được nhỉ?”
“Quên cái gì?” Thomas hỏi.
“Chiếc thuyền!” Pippi đáp. “Tối qua, khi các cậu ngủ rồi, tớ đã vác nó lên đảo mà!”
“Nhưng cậu làm thế để làm gì vậy?” Annika trách móc.
“Tớ sợ thuyền bị ướt.” Pippi đáp.
Loáng một cái nó đã lôi chiếc thuyền được cất chu đáo dưới một gốc thông ra. Vừa ném thuyền xuống hồ, nó vừa làu bàu: “Đấy, bây giờ họ cứ việc vác xác đến. Vì nếu bây giờ họ mới mò đến cứu bọn mình, thì họ chỉ mất công vô ích. Vì bọn mình đã tự cứu rồi. Đáng đời họ! Họ cần ghi nhớ để lần sau nhanh chân lên một tí.”
“Hy vọng chúng tớ về nhà trước bố mẹ. Nếu không bố mẹ tha hồ lo lắng” Annika nói khi cả bọn đã ngồi trên thuyền và Pippi vung rất khoẻ mái chèo, chèo thuyền đi.
“Tớ không nghĩ thế.” Pippi nói.
Nhưng ông bà Settergren, bố mẹ của Thomas và Annika, đã về đến nhà trước lũ trẻ nửa giờ. Chẳng thấy Thomas và Annika đâu. Nhưng trong hòm thư nhà họ có một mảnh giấy viết như sau:
 
“Kác bák đừn ngĩ kác kon kuở kác bák đã trết hay mấd tík, vỳ kông pải tế. Chỷ đắn thyền 1 tí thôy và sắph vè nkà, tráu sin thề.
 
Pippi sin trào.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.