Giã từ vũ khí
Chương 27
Tôi choàng dậy khi Rinaldi bước vào phòng nhưng anh không nói gì với tôi cho nên tôi tiếp tục ngủ lại. Sáng hôm sau tôi mặc quần áo và ra đi trước bình minh, Rinaldi hãy còn ngủ say khi tôi rời phòng.
Tôi chưa biết gì về Bainsizza, và tôi thấy thật kì lạ khi phải leo lên sườn đồi thuộc bọn Áo, phía bên kia sông, nơi tôi bị thương dạo trước. Trên con đường dốc mới thẳng đứng có nhiều xe chạy. Xa xa, đến đoạn đường bằng phẳng, tôi nhìn thấy những khu rừng và đồi hiểm trở nằm ẩn khuất sau sương mù. Vài khu rừng đã bị đánh chiếm nhanh chóng và không hề bị hủy hoại. Xa hơn nữa, khi con đường không được đồi núi che khuất, thì nó lại được che phủ bởi những tấm ngụy trang ở hai bên và cả phía trên. Cuối đường là một ngôi làng đã bị tàn phá. Hầm hào ở cao hơn và người ta đã đặt nhiều trọng pháo chung quanh. Nhà cửa bị hoàn toàn phá huỷ nhưng tất cả đã được xếp đặt lại đâu vào đấy và người ta thấy nhan nhản những biển báo. Chúng tôi tìm gặp Gino, anh đãi chúng tôi một chầu cà phê, sau đó tôi theo anh. Tôi làm quen với nhiều người và đi thăm các trạm. Gino cho tôi biết những chiếc xe lửa của Anh đang đảm bảo công tác ở Ravne, cách xa Bainsizza một tí. Anh có vẻ phục công việc của người Anh. “Địch vẫn còn nã trọng pháo” – Anh nói “nhưng bị thương không bao nhiêu”. Lúc này đà bắt đầu mùa mưa nên có nhiều người bị ốm. Bọn Áo buộc phải tấn công nhưng anh không tin gì cả. Bên ta cũng định tấn công nhưng chưa nhận được viện binh nên anh nghĩ việc ấy cũng không thành. Lương thực thì khan hiếm nên anh hi vọng có được một bữa ăn thật sự ở Gorizia. Chiều nay tôi đã dùng gì? Tôi kể với anh và anh cho đó là tuyệt diệu. Anh ta đặc biệt ngạc nhiên về loại bánh Dolce, tôi không thể miêu tả tỉ mỉ loại bánh đó được mà chỉ nói vắn tắt đó là một loại bánh Dolce, và tôi tin rằng anh ta sẽ tưởng đó là một thứ gì bánh gì khác lạ hơn thứ bánh thường bằng ruột bánh mì.
Anh hỏi tôi có biết người ta sẽ cử anh đi đâu không. Tôi trả lời tôi không biết gì cả nhưng có vài chiếc xe của chúng tôi đang ở Caporetto. Anh hi vọng rằng người ta sẽ gởi anh đến đó. Caporetto là một nơi nhỏ hẹp nhưng rất nên thơ. Anh yêu thích những dãy núi cao ngất sừng sững phía xa. Anh là một thanh niên đáng mến. Anh bảo với tôi rằng San Gabrielle bây giờ thực sự là một địa ngục trần gian và cuộc tấn công vào Lom hoàn toàn thất bại. Anh nói bọn Áo đã đặt sẵn nhiều khẩu trọng pháo trong các khu rừng trên đỉnh núi Ternova, phía trên chỗ chúng tôi khá xa, và ban đêm chúng pháo kích dữ dội vào những con đường. Và có cả một đội đại bác hải quân đến quấy phá nơi đó. Anh nhận ra các trái phá do chúng bắn ra qua đường bắn thấp. Người ta nghe tiếng nổ ì ầm và tiếng rít liền sau đó. Chúng thường hay bắn hai cỗ đại bác cùng một lúc, thay phiên nhau. Anh đưa cho tôi xem một mảnh đạn bóng loáng, nhọn như răng cưa và dài khoảng ba mươi phân.
– Tôi không ngờ chúng bắn dai dẳng đến thế – Gino nói – Chúng cũng đã làm cho tôi khiếp sợ đấy. Ai cũng tưởng là chúng rơi trên đầu mình. Trước hết là người ta nghe thấy tiếng nổ, tiếp theo sau đó là tiếng rít rồi lại tiếng nổ. Người ta có thể chết vì bị khiếp đảm chứ đừng nói chi là bị thương.
Anh nói:
– Trong những hầm trú ẩn ở trước mặt chúng ta có những thổ dân và một vài người Hungari. Quân ta vẫn còn chiếm giữ vị trí tấn công. Không có một đường dây kẽm gai nào hoặc một hầm trú ẩn nào trong trường hợp bọn Áo tấn công. Dọc theo những ngọn núi thấp trên cao nguyên, có nhiều điểm tựa thích hợp cho sự phòng thủ nhưng người ta lại không tổ chức gì cả. Thực ra tôi liên tưởng đến Bainsizza ấy.
Tôi mong rằng Bainsizza là một vùng bằng phẳng hơn, hay ít nhất nó cũng giống như một cao nguyên. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao nó lại gồ ghề đến thế.
– Ước mong và thực tế không giống nhau – Gino nói.
Chúng tôi trở lại căn hầm chứa rượu trong ngôi nhà mà anh đã trú ngụ. Tôi nói:
– Theo tôi nghĩ thì đỉnh dãy đồi mà bằng phẳng nhưng lại có độ sâu đáng kể ấy sẽ giúp cho việc phòng thủ dễ dàng và thuận lợi hơn là một dãy núi nhỏ kế tiếp nhau. Tấn công lên một ngọn núi bao giờ cũng khó khăn hơn ở đồng bằng.
– Điều đó còn tùy thuộc theo những địa thế của ngọn núi. Cứ nhìn San Gabrielle thì rõ – Anh ta nói.
– Đúng rồi nhưng điều bất lợi từ trên cao nơi quá bằng phẳng. Người ta tiến lên đỉnh khá dễ.
– Không dễ dàng như thế đâu.
– Phải, tôi đồng ý với anh – Tôi đáp – Nhưng đó lại là một trường hợp đặc biệt vì nó là một thành lũy hơn là một ngọn núi. Nghĩa là trong một cuộc chiến tranh cơ động thì về mặt kĩ thuật, một dãy núi kế tiếp nhau cũng không hơn gì một chiến tuyến.
Tôi nói thêm rằng tôi không tin tưởng gì vào chiến trận ở rừng núi. Mình chiếm được ngọn này thì địch quân lại chiếm được ngọn khác, đến khi chiến trận trở nên thật sự quyết liệt thì cả đôi bên đều vội vã kéo nhau xuống đồng bằng.
– Làm thế nào được khi có biên giới núi non hiểm trở? – Anh nói.
Tôi trả lời:
– Tôi chưa hề nghiên cứu vấn đề đó. (Chúng tôi cùng nhau cười lớn). Nhưng ngày xưa bọn Áo luôn luôn bị càn quét trong một chu vi vuông vức quanh vùng Verona. Người ta để chúng xuống đồng bằng rồi quét sạch chúng ở đấy.
– Phải rồi – Gino nói – Nhưng đấy là những người Pháp, và giải quyết chiến sự dễ dàng hơn khi chiến đấu ở xứ sở của người khác.
– Vâng – Tôi đồng ý – Nhưng khi nơi đó là quê hương của anh thì anh không thể áp dụng lối giải quyết một cách khoa học như thế được.
– Người Nga đã làm như thế để gài bẫy Napoléon.
– Phải, nhưng nước của họ rộng mênh mông. Nếu anh giả vờ rút lui để gài bẫy Napoléon ở Ý thì anh sẽ gặp trường hợp ở Brindisi vậy.
– Một thành phố ghê tởm – Gino nói – Anh có đến đó bao giờ chưa?
– Chưa, tôi chưa đến đó bao giờ cả.
– Tôi là một người yêu nước – Gino bảo – Nhưng tôi không thể nào thích Brindisi lẫn Tarento.
– Vậy thì anh thích Brainsizza chứ? – Tôi hỏi.
– Đó là nơi đất lành. Nhưng tôi muốn ở đó được trồng nhiều khoai tây hơn. Anh biết không, khi chúng tôi mới để chân đến chốn này, chúng tôi đã thấy những cánh đồng mà bọn Áo trồng toàn khoai tây.
– Lương thực có thật là khan hiếm không?
– Riêng tôi, không bao giờ tôi được ăn no và tôi ăn rất khỏe. Tuy nhiên tôi không đến nỗi phải chết đói. Các bữa ăn vẫn bất thường. Ở các chiến tuyến, các đoàn quân được ăn uống khá đầy đủ, nhưng các đoàn quân yểm trợ thì lại thiếu thốn. Chắc chắn là lương thực vẫn dồi dào nhưng bị vướng mắc đâu đó.
– Bọn hậu cần lấy bán đi chứ gì?
– Phải, chúng phân phát đầy đủ cho các sư đoàn ở chiến tuyến, còn những đơn vị ở hậu tuyến thì chịu thiếu thốn. Họ đã ăn hết khoai tây bọn Áo trồng và cả hạt dẻ trong rừng nữa. Phải nuôi nấng họ tốt hơn thế này. Chúng tôi là những kẻ khỏe ăn. Tôi chắc chắn rằng lương thực rất dồi dào. Nhưng thực là một điều tàn nhẫn khi để cho quân lính chịu thiếu thốn thức ăn. Anh có nghĩ điều đó ảnh hưởng đến tinh thần thế nào không?
– Phải – Tôi nói – Như thế đã không thể nào chiến thắng được mà có thể lại chiến bại nữa là khác.
– Chúng ta không nên bàn đến việc thất trận nữa. Người ta đã nói đến nó nhiều rồi. Những sự kiện trong mùa hè này không thể nào bỏ qua được.
Tôi im lặng. Tôi luôn luôn bị bối rối vì những tiếng thiêng liêng, vinh quang, hi sinh và từ ngữ “bỏ qua vô ích”. Chúng tôi đã từng nghe những tiếng ấy khi đứng ngoài trời mưa, hầu như không lọt vào tai, chỉ nghe thấy những tiếng thét. Chúng tôi đã đọc những tiếng ấy trên tờ thông cáo đã dán lâu ngày chồng lên những tờ thông cáo khác. Tôi không thấy gì là thiêng liêng cả. Những điều người ta gọi là quang vinh thì không có gì là quang vinh cả. Nhưng sự hi sinh thì giống như những lò mổ lợn ở Chicago chỉ khác là thịt chỉ dùng để chôn đi thôi. Có nhiều danh từ người ta không thể nào chịu đựng được khi nghe và cuối cùng chỉ có những danh từ địa phương là còn giữ được đúng ý nghĩa của nó. Cả những con số, cùng với những ngày tháng năm cũng thế. Với những tên địa phương người ta còn thấy có một chút ý nghĩa. Còn những danh từ trừu tượng như vinh quang, danh dự, dũng cảm hay thiêng liêng đều là những tiếng thô bỉ so với những danh từ cụ thể như tên làng mạc, số các con đường, tên những con sông, số các tiểu đoàn và ngày tháng năm. Gino là một người giàu lòng yêu nước, vì lắm khi anh ta nói ra những câu làm chúng tôi cảm thấy cách biệt nhau, nhưng anh ta là một thanh niên tốt, dễ thương, tôi đã hiểu rõ lòng yêu nước của anh. Anh sinh ra để mà yêu nước. Anh cùng đi với Peduzzi trên một chiếc xe để đến Gorizia.
Suốt ngày hôm ấy trời xấu. Gió rít, mưa rơi, nước đọng, bùn lầy khắp nơi. Với cát vụn của các căn nhà đổ nát xám thẫm và ướt át. Đến quá trưa thì mưa mới dứt, từ trạm số hai tôi có thể nhìn tường tận cảnh khu thôn dã ướt át với mây ngang đỉnh núi và lớp rơm ướt sũng xấu xí phủ kín những quãng đường. Ở cánh rừng chơ vơ phía bên kia đỉnh đồi, ánh sáng mặt trời lóe lên vài tia sáng cuối cùng trước khi đi khuất vào hoàng hôn. Có nhiều khẩu đại bác của bọn Áo đặt trong cánh rừng bên kia đồi đó, nhưng chỉ có vài khẩu hoạt động. Tôi ngắm những cụm khói đen của đạn trái phá thình lình xuất hiện trên nền trời, nơi những trang trại đổ nát nằm gần chiến tuyến, những làn khói lung linh ở giữa có điểm những tia màu vàng sáng chói. Người ta thấy ánh chớp rơi, tiếp theo là tiếng nổ và khói cuồn cuộn nổi lên rồi tan dần trong gió. Có nhiều miểng đạn trái phá trộn lẫn trong đống gạch vụn của những ngôi nhà đổ nát và ngay cả ngoài mặt đường gần ngôi nhà sụp đổ nơi dùng làm trạm cứu thương, nhưng ngày hôm đó chúng lại không pháo kích vào trạm. Chúng tôi chất lên hai chiếc xe và cho xe chạy xuống con đường có rơm ướt phủ kín, những tia sáng cuối cùng của mặt trời chiếu xuyên qua các kẽ rơm. Chúng tôi ra khỏi con đường có phủ rơm ở phía sau đồi thì mặt trời đã lặn. Chúng tôi đi theo con đường trống trải và rẽ sang một nơi dẫn đến cửa vuông của một đường hầm lát rơm thì trời lại đổ mưa.
Đêm trời nổi gió và đến ba giờ sáng lúc trời mưa như thác đổ thì cuộc oanh kích bắt đầu. Những người Croat vượt qua cánh đồng cỏ và những chòm cây rồi xông vào chiến lũy thứ nhất. Chúng đánh trong bóng đêm dưới trời mưa và một cuộc phản công của những binh sĩ hốt hoảng ở chiến tuyến thứ hai đã đẩy lùi được chúng. Trong mưa, tiếng đạn trái phá, hỏa tiễn, súng liên thanh, súng trường nổ rền khắp chiến trường. Chúng không đến nữa và lúc bấy giờ chiến trường trở lại yên tĩnh. Giữa cơn gió lộng mưa sa, xa xa về phía Bắc chúng tôi có thể nghe thấy tiếng nổ rền rất mau của một loạt trọng pháo.
Thương binh ùn lên ở trạm. Một số được khiêng bằng băng ca, một số đi bộ và một số khác được các chiến hữu cõng trên lưng băng qua cánh đồng. Toàn thân họ ướt sũng nước mưa và tất cả đều lo sợ hãi hùng. Chúng tôi chất đầy hai xe những băng ca lấy trong hầm chứa rượu của trạm cấp cứu. Khi đóng cửa chiếc xe thứ nhì, tôi cảm thấy giọt nước mưa trên mặt đã biến thành tuyết. Những bông tuyết rơi dày đặc và dồn dập dưới trời mưa.
Lúc bình minh, dông gió vẫn còn nổi lên nhưng tuyết đã ngừng rơi. Tuyết đã tan ra khi rớt xuống đất và lúc bấy giờ trời lại mưa tầm tã. Một cuộc tấn công khác đã xảy ra ngay lúc tờ mờ sáng nhưng thất bại. Chúng tôi dự đóan sẽ có cuộc tấn công nữa vào buổi trưa, nhưng trận ấy chỉ xảy ra vào lúc mặt trời lặn. Tiếng trọng pháo bắt đầu rền vang ở khu rừng phía Nam, nơi tập trung nhiều súng đại bác của bọn Áo. Chúng tôi cũng chờ một trận pháo kích như thế nhưng không việc gì. Đêm đã buông. Đại bác bắn ở cánh đồng phía sau làng và những quả trọng pháo rơi nổ từ xa tạo nên một âm thanh ì ầm đều đều.
Chúng tôi được tin là trận tấn công ở phía Nam bị thất bại. Địch không tấn công đêm đó nhưng chúng tôi nghe tin rằng chúng đã tiến lên hướng Bắc. Đến đêm chúng tôi được lệnh sửa soạn rút lui. Viên đại úy cho tôi biết như thế tại trạm cấp cứu. Ông ta được lệnh từ bộ tham mưu của lữ đoàn. Một lát sau qua điện thoại, ông ta bảo rằng tin đó không đúng. Lữ đoàn đã được lệnh phải giữ mặt trận Bainsizza với bất cứ giá nào. Tôi hỏi tin về trận đột kích của địch thì ông ta bảo theo bộ tham mưu của lữ đoàn thì bọn Áo đã đột kích sư đoàn hai mươi bẩy gần Caporetto. Nơi đó đã xảy ra một trận đánh vô cùng ác liệt suốt cả ngày.
– Nếu tụi quỷ sứ đó để chúng tiến đến đây thì chúng ta sẽ bị nướng hết – Ông ta nói.
– Chính là bọn Đức tấn công – Một sĩ quan quân y nói. Tiếng “Đức” có điều gì khiếp đảm. Chúng tôi không muốn chạm trán với bọn Đức.
– Bọn Đức có cả thảy mười lăm sư đoàn – Viên sĩ quan quân y nói tiếp – Chúng nó đã chọc thủng phòng tuyến và chúng ta sắp sửa bị bao vây.
– Lữ đoàn muốn chúng ta giữ mặt trận này, việc chọc thủng phòng tuyến không có gì đáng ngại. Chúng ta chỉ lo phòng thủ giữ con đường từ Monte Maggiore xuyên qua núi.
– Ai đã bảo thế?
– Bộ tham mưu của sư đoàn.
– Sư đoàn đã ra lệnh cho chúng ta rút lui kia mà.
– Chúng ta làm việc theo lệnh của quân đoàn – Tôi bảo – Nhưng ở đây tôi thuộc quyền ông. Dĩ nhiên ông bảo đi đâu tôi sẽ đi đó. Nhưng ông cũng nên nhận những lệnh chính xác.
– Lệnh trên bảo chúng ta ở lại đây và đưa hết các thương binh đến trạm di chuyển.
– Đôi khi chúng ta cũng phải đưa họ từ trạm di chuyển ra xe cứu thương ở mặt trận nữa – Tôi nói – Vì tôi chưa bao giờ chứng kiến một trận rút lui. Vậy nếu có trường hợp như thế, tất cả thương binh phải được di chuyển như thế nào?
– Không phải đưa đi hết. Đưa được bao nhiêu thì đưa, còn thì để lại.
– Tôi phải đem theo những gì trên xe?
– Dụng cụ bệnh viện.
– Được rồi – Tôi đáp.
Đêm sau cuộc rút lui bắt đầu. Chúng tôi nghe tin bọn Đức và bọn Áo đã chọc thủng ở phía Bắc và đang di chuyển xuống núi về hướng Cividale và Udine. Cuộc rút lui tiến hành đúng theo lệnh, ướt át và gian khổ. Trong đêm tối, chúng tôi di chuyển chậm trên đường và gặp những đoàn quân đang đi dưới mưa, những con ngựa kéo xe, nào lừa, nào xe vận tải, tất cả đều rời khỏi mặt trận. Thật là một sự hỗn độn từ trước đến nay chưa bao giờ có.
Đêm đó chúng tôi giúp di chuyển những xe cứu thương đậu ở các cao nguyên và các làng mạc ít bị phá huỷ. Chúng tôi đưa thương binh đến Plava bằng đường sông. Và qua ngày hôm sau chúng tôi lại phải chạy xe suốt ngày dưới trời mưa để tản cư các thương binh ở bệnh viện và các trạm cứu thương ở Plava. Trời mưa tầm tã. Quân đội ở Bainsizza rời khỏi cao nguyên dưới những cơn mưa tháng Mười. Họ di chuyển qua sông, nơi họ đã đạt được nhiều chiến thắng vẻ vang vào mùa xuân năm ấy. Chúng tôi đến Gorizia vào chiều hôm sau. Trời đã tạnh mưa và thành phố gần như trống rỗng.
Chúng tôi cho xe chạy đến biệt thự nhưng ở đây không còn ai. Rinaldi đã đi theo bệnh viện, viên thiếu tá cũng đã đi theo các nhân viên bệnh viện. Người ta ghi lại cho tôi ở cửa, yêu cầu chất hết các dụng cụ văn phòng lên xe và đi đến Pordenone. Các cậu thợ máy đã đi hết rồi. Lúc tôi trở lại nhà xe thì hai chiếc xe khác cũng vừa tới, và hai người lái bước xuống. Trời lại đổ mưa.
– Từ Plava đến đây tôi buồn ngủ quá nên đã ngủ gật ba lần – Piani nói – Giờ đây chúng ta phải làm gì, thưa trung úy?
– Ta phải cho dầu, bôi mỡ, cho xăng đầy bình rồi đem xe ra trước nhà, chất hết những đồ đạc gì mà họ còn để lại.
– Và sau đó chúng ta có khởi hành không?
– Không, chúng ta phải ngủ ba tiếng đồng hồ đã.
– Chúa ơi, còn gì thích bằng được ngủ – Bonello nói – Tôi không còn thức nổi để mà lái xe.
– Chiếc xe anh thế nào, Aymo? – Tôi hỏi.
– Tốt lắm.
– Đưa hộ tôi chiếc áo làm việc, tôi sẽ giúp anh tra dầu.
– Không nên. Trung úy đừng làm thế. Có gì đâu. Trung úy nên lo sửa soạn công việc của trung úy.
– Tôi xong việc rồi – Tôi đáp – Tôi sẽ dọn ra tất cả những đồ đạc mà họ còn để lại cho chúng ta ở đây. Các anh đem xe ra ngay khi xong xuôi nhé.
Họ đưa mấy chiếc xe ra phía trước biệt thự và chúng tôi cho lên xe tất cả các dụng cụ chất đống trong phòng. Xong đâu đấy, ba chiếc xe đậu nối đuôi nhau trên đường, dưới tán cây và trong mưa.
– Nhóm lửa lên và hong quần áo đi – Tôi bảo.
– Tôi không cần quần áo khô – Piani nói – Tôi chỉ cần được ngủ.
– Tôi sẽ nằm ngủ trên giường của thiếu tá – Bonello nói.
– Tôi chẳng quan tâm đến chỗ ngủ – Piani nói.
– Trong này có hai giường – Tôi vừa nói vừa mở cửa phòng.
– Tôi luôn luôn tự hỏi không biết có cái gì trong phòng này – Bonello nói.
– Phòng này là của ông thợ cắt tóc – Piani trả lời.
– Hai anh ngủ cả ở đây, tôi sẽ đánh thức hai anh dậy.
– Bọn Áo sẽ đánh thức chúng mình dậy nếu trung úy ngủ quên – Bonello nói.
– Tôi sẽ không ngủ quên đâu, Aymo đâu rồi? – Tôi hỏi.
– Anh ta lẻn vào nhà bếp.
– Thôi ngủ đi – Tôi nói.
– Tôi sắp ngủ đây – Piani nói – Tôi đã ngủ đứng suốt cả ngày mà. Tất cả những gì trong óc tôi đều dồn xuống cả đôi mắt.
– Cởi bỏ đôi giầy ống ra – Bonello bảo – Giường này là của ông thợ cắt tóc đấy.
– Của ông thợ cắt tóc hay của ai đi nữa đối với tôi cũng thế thôi.
Piani nằm xuống giường với đôi ủng dính đầy bùn và gối đầu lên cánh tay. Tôi đi vào nhà bếp. Aymo đã nhóm lửa trong lò và bắc lên đấy một ấm nước.
– Tôi tưởng chúng ta cũng nên sửa soạn sẵn bữa ăn trước – Anh nói – Lúc thức dậy chắc mình đói lắm.
– Anh không buồn ngủ sao, Bartolomeo?
– Ít thôi. Khi nước sôi tôi sẽ để đấy, lửa sẽ tắt dần.
– Tốt hơn anh nên đi ngủ một lát, chúng ta có thể dùng đỡ pho mát và thịt khô vậy.
– Như thế càng hay. Nhưng nếu có cái gì nóng sốt sẽ đỡ khổ cho hai kẻ vô trật tự này. Thôi trung úy đi ngủ trước đi.
– Còn một cái giường trong phòng thiếu tá.
– Trung úy vào đó ngủ đi.
– Không, tôi lên phòng cũ của tôi. Anh uống tí rượu nhé Bartolomeo?
– Lúc chúng ta khởi hành trung úy. Bây giờ không có tác dụng gì.
– Ba tiếng đồng hồ nữa nếu anh thức được và nếu anh không nghe thấy tôi gọi, thì anh đánh thức tôi nhé. Anh bằng lòng chứ?
– Tôi không có đồng hồ, thưa trung úy.
– Đồng hồ treo trên tường trong phòng thiếu tá.
– Vâng, được rồi.
Tôi đi qua phòng ăn, phòng trước lên cầu thang bằng cẩm thạch vào gian phòng nơi mà tôi và Rinaldi đã cùng chung sống. Trời mưa. Tôi lại gần cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời tối đen như mực, tôi nhìn thấy ba chiếc xe đậu dưới hàng cây. Cây cối dầm mình dưới trận mưa. Trời lạnh như cắt và những giọt mưa đọng trên cành cây. Tôi trở lại giường của Rinaldi, nằm xuống và thiếp đi.
Chúng tôi dùng bữa tại bếp trước khi khởi hành. Aymo xào sẵn món mì thêm gia vị hành và thịt hộp. Ngồi ăn ở bàn, chúng tôi uống cạn hai chai rượu mà người ta để quên dưới hầm rượu trong tòa biệt thự. Bên ngoài trời tối và mưa vẫn chưa dứt. Piani ngồi ngủ gục bên bàn.
– Tôi thích lùi hơn là tiến – Bonello nói – Khi lùi người ta sẽ được nhậu rượu Barbera.
– Chúng ta đang nhậu rượu Barbera. Nhưng có lẽ ngày mai chúng ta sẽ uống nước mưa – Aymo nói.
– Ngày mai chúng ta sẽ có mặt tại Udine, chúng ta sẽ nốc sâm banh. Udine là thành phố của những người phục kích. Thức dậy đi thôi Piani. Ngày mai chúng ta sẽ nhậu sâm banh ở Udine.
– Tôi thức rồi đây – Piani đáp. Anh ta xúc mì và thịt đầy đĩa. – Anh không cho thêm nước sốt cà chua vào sao Barto?
– Không có – Aymo đáp.
– Chúng ta sẽ uống sâm banh ở Udine – Vừa nói Bonello vừa rót đầy rượu Barbera đỏ tươi vào li.
– Có thể uống nước tiểu trước khi đi đến Udine – Piani bảo.
– Trung úy ăn no rồi chứ? – Aymo hỏi.
– Tôi ăn no lắm. Cho tôi chai rượu, Bartolomeo.
– Tôi còn một chai rượu ngoài xe – Aymo bảo.
– Anh không ngủ tí nào cả à?
– Tôi không cần ngủ nhiều, tôi chỉ cần ngủ một tí cũng được.
– Ngày mai chúng ta sẽ ngủ trên giường của đức vua – Bonello bảo. Anh tỏ ra phấn chấn.
– Ngày mai có lẽ chúng ta sẽ ngủ trong đống phân – Piani nói.
– Ngày mai tôi sẽ ngủ với hoàng hậu – Bonello nói – Hắn nhìn xem tôi có nói đùa không.
– Có thể là anh sẽ ngủ với phân ấy – Piani gà gật nói.
– Đó là sự phản bội, trung úy ạ – Bonello nói – Đó có phải là sự phản bội không?
– Thôi các anh im đi – Tôi bảo – rượu vào làm các anh nói năng hơi lố rồi đấy.
Bên ngoài trời mưa như thác đổ. Tôi nhìn đồng hồ thấy chín giờ rưỡi.
– Đến giờ “lăn” rồi – Tôi vừa nói vừa đứng dậy.
– Trung úy thích đi với ai đây? – Bonello hỏi.
– Aymo, các anh sẽ theo tôi và Piani bám tiếp đến Cormons.
– Tôi e rằng tôi sẽ ngủ gật mất – Piani nói.
– Thế thì tôi sẽ đi với anh trước, rồi đến Bonello và Aymo.
– Như thế thì hơn – Piani nói – Vì tôi buồn ngủ quá.
– Tôi sẽ lái thay và anh có thể ngủ một lát.
– Không. Tôi còn có thể lái được cơ mà miễn có ai bên cạnh đánh thức tôi dậy khi tôi ngủ gật.
– Tôi sẽ đánh thức anh dậy. Tắt hết đèn đi Barto.
– Tại sao không rời cho sớm? – Bonello nói – Chúng ta không còn cần đến chỗ này nữa.
– Tôi còn cái rương trong phòng, anh giúp tôi đem hộ xuống được không, Piani?
– Chúng tôi sẽ đem nó xuống ngay – Piani trả lời – Nào, lại đây Aldo.
Anh ta trở ra hành lang với Bonello. Tôi nghe tiếng họ bước lên thang lầu.
– Chỗ này tốt thật Bartolomeo – Aymo nói. Anh ta nhét vội hai chai rượu và miếng pho mát vào trong một cái bao. – Không bao giờ tìm ra được một nơi bằng như thế này. Họ rút quân về đâu Trung úy?
– Nghe nói họ dường như ở phía sau con sông Tagliamento. Bệnh viện và quân nhu thì ở Pordenone.
– Ở đây có lẽ đẹp hơn Pordenone.
– Tôi không biết Pordenone – Tôi bảo – Tôi chỉ đi ngang qua đấy thôi.
– Chỗ đó cũng không có gì đáng kể – Aymo nói.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.