Giã từ vũ khí
Chương 41 – Phần 2 (Hết)
Tôi vặn tay quay đến hết mức và trong khi nàng hít thật sâu, tay nàng buông chiếc mặt nạ. Tôi khóa hơi và nhấc nó ra. Nàng trông như vừa mới hoàn hồn.
– Thật là tuyệt anh ạ. Ôi, anh tốt với em quá.
– Hãy can đảm lên. Anh không thể làm mãi thế được. Nó có thể làm nguy đến tính mạng em.
– Em hết can đảm rồi anh yêu. Em kiệt sức rồi. Người ta làm em kiệt sức rồi, em thấy thế.
– Mọi người đều ở đây cả.
– Nhưng mà khiếp quá. Họ để cho mình cầm cự cho đến lúc sức cùng lực kiệt.
– Chỉ một giờ đồng hồ là xong cả.
– Vậy hả anh. Anh yêu quý ơi, em sẽ không chết hả anh.
– Không, anh đoan chắc với em là không.
– Em không muốn chết và để lại anh, nhưng em mệt quá và em thấy như sắp từ giã cõi đời.
– Em đừng nói dại. Ai ai cũng có cảm giác thế cả.
– Đôi khi em biết chắc rằng em sắp chết.
– Không, em sẽ không chết đâu. Em không thể chết được.
– Nhưng ngộ nhỡ em chết thì sao?
– Anh sẽ không để cho em chết đâu.
– Cho em cái đó mau đi, cho em đi – rồi nàng tiếp – Em sẽ không chết đâu. Em sẽ không để cho mình chết đâu.
– Dĩ nhiên là em sẽ không chết đâu.
– Anh sẽ ở đây với em luôn nhé?
– Anh ở đây cũng chỉ nhìn suông.
– Không, miễn là anh ở đây với em.
– Nhất định là anh sẽ luôn luôn ở bên em.
– Anh tận tình với em quá. Mau đưa đây cho em, Đưa cho em đi. Không ăn thua gì cả.
Tôi vặn kim đồng hồ tới số ba rồi số bốn. Tôi chỉ mong bác sĩ trở lại. Tôi sợ những con số trên hai.
Cuối cùng một bác sĩ mới và hai cô y tá bước vào. Họ đặt Catherine lên chiếc cáng có bánh xe lăn rồi chúng tôi đi ra hành lang. Chiếc cáng được đẩy nhanh dọc theo hành lang rồi vào trong thang máy. Mọi người phải đứng nép vào vách cho rộng chỗ. Rồi thang máy lên, cửa mở, và trên bánh xe cao su, chiếc cáng được đưa ra khỏi thang, đẩy dọc theo hành lang tới phòng mổ. Tôi không nhận ra bác sĩ với chiếc mũ trùm kín đầu và chiếc khẩu trang. Có thêm một bác sĩ khác và nhiều y tá nữa.
– Phải cho tôi cái gì chứ – Catherine nói – Phải cho tôi cái gì chứ? Ôi bác sĩ ơi, hãy cho tôi cái gì để tôi đỡ đau một chút.
Một bác sĩ đặt chiếc mặt nạ lên mặt nàng. Qua cửa, tôi nhìn thấy phòng mổ sáng trưng.
– Ông có thể ngồi gần cửa ở đàng kia – Một cô y tá bảo tôi thế.
Có những chiếc ghế dài đặt sau lan can trông xuống bàn mổ trắng, chói chang ánh đèn. Tôi nhìn Catherine, mặt nạ đậy trên mặt. và bây giờ thì nàng im lặng. Người ta đẩy cáng tới. Tôi đi ra ngoài và bước dọc theo hành lang. Hai cô y tá vội vã đi vào cửa.
– Sắp mổ rồi đấy – Một cô nói – sắp tiến hành mổ để lấy hài nhi ra.
Cô kia cười.
– Chúng mình đến thật đúng lúc. Thật là may.
Họ bước qua cửa dẫn đến hành lang. Một cô y tá khác tới. Cô này cũng có vẻ vội vàng.
– Vào lối này đi. Vào đi – Cô ta nói.
– Không, tôi ở ngoài.
Cô ta lật đật bước vào. Tôi đi bách bộ ở hành lang. Tôi sợ nên không dám vào. Tôi nhìn qua cửa sổ. Trời tối, nhưng nhờ ánh đèn qua cửa sổ, tôi có thể trông thấy được trời đang mưa. Tôi bước vào một căn phòng ở mãi cuối hành lang, đứng xem những tờ nhãn dán trên chai lọ đặt trong tủ kính. Rồi tôi lại bước ra chờ ở hành lang, mắt dán vào cửa phòng mổ.
Một vị bác sĩ bước ra, theo sau là một cô y tá. Ông ta cầm trong tay một vật gì giống như một con thỏ bị lột da. Ông bước nhanh qua hành lang và biến mất sau một cánh cửa khác. Tôi tiến đến cánh cửa và ông vừa bước vào, xem ông ta làm gì với một trẻ vừa mới lọt lòng. Ông ta nâng hài nhi lên cho tôi xem. Ông nắm gót chân và phát mạnh và người nó.
– Đứa bé có khá không?
– Tuyệt. Nó cân đến năm kí lô.
Tôi hoàn toàn dửng dưng đối với đứa nhỏ. Nó có vẻ xa lạ đối với tôi. Tôi không cảm thấy chút tình phụ tử nào cả.
– Ông không thấy hãnh diện vì đứa con à? – Cô y tá hỏi tôi.
Họ đang tắm và bọc nó lại. Tôi nhìn thấy một khuôn mặt đen và bàn tay nhỏ xíu cũng đen, nhưng tôi không thấy nó cựa quậy, cũng không nghe nó khóc. Vị bác sĩ lại bận rộn với nó gì nữa đó, ông có vẻ bối rối.
– Không – Tôi nói – Nó suýt giết mẹ nó.
– Ồ, tội nghiệp, có phải lỗi tại nó đâu? Thế ông không muốn một đứa con trai à?
– Không – Tôi đáp.
Bác sĩ rất bận rộn. Ông nắm chân và phát mạnh vào người nó. Tôi không đứng nhìn nó ở đấy nữa. Tôi bước ra hành lang. Bây giờ thì tôi đi thăm nàng được rồi. Tôi bước qua cửa và tới phòng. Các cô y tá ngồi chỗ lan can làm hiệu cho tôi xuống chỗ họ. Tôi lắc đầu. Chỗ tôi đứng trông khá rõ rồi.
Tôi nghĩ rằng Catherine đã chết. Nàng giống như một xác chết. Mặt nàng mà tôi thấy được, xám ngắt. Phía dưới, qua ánh đèn, vị bác sĩ đang khâu lại vết mổ mà những chiếc kẹp banh lớn ra. Một vị bác sĩ khác đeo mặt nạ, đang cho thuốc mê. Hai nữ y tá đeo khẩu trang đứng trao dụng cụ… Quang cảnh y hệt như một pháp đình thời Trung cổ. Nhìn cảnh đó, tôi biết rằng nếu muốn thì tôi đã được chứng kiến đầy đủ, nhưng tôi mừng là mình không đứng coi. Tôi không tin rằng tôi lại có thể đứng nhìn họ mổ xẻ, nhưng tôi nhìn cái vành tròn vết thương mà vị bác sĩ, khéo tay như một bác thợ sửa giày, đang khâu kín lại bằng những nhát kim lớn. Tôi mừng thầm. Khi vết mổ được khâu kín lại xong, tôi quay ra đi bách bộ trong hành lang.
Một lát sau bác sĩ đi tới, tôi hỏi:
– Nhà tôi thế nào?
– Bà ấy khỏe. Ông có mục kích cuộc giải phẫu không? – Trông ông ta có vẻ mệt mỏi.
– Tôi đã thấy ông khâu lại. Vết mổ có vẻ dài lắm.
– Ông đã thấy à?
– Vâng. Vết sẹo rồi có xẹp xuống không?
– Có chứ.
Một lát sau họ đẩy chiếc cáng có bánh xe cao su đưa nhanh qua hành lang tới thang máy. Tôi đi bên cạnh Catherine đang rên rỉ. Xuống tới phòng dưới, họ đặt nàng lên giường. Tôi ngồi trên ghế phía đầu giường của nàng. Trong phòng co một cô y tá. Tôi đứng bên cạnh giường. Trong phòng tối đen. Catherine đưa tay ra và nói:
– Này anh yêu…
Giọng của nàng yếu ớt và mệt nhọc.
– Em, em yêu của anh.
– Đứa bé, trai hay gái?
– Suỵt, đừng nói chuyện – Cô y tá bảo.
– Con trai. Nó dài, to và đen.
– Nó khỏe chứ?
– Ừ, khỏe lắm – Tôi nói.
Tôi thấy cô y tá nhìn tôi với dáng điệu khác thường.
– Em mệt quá sức… và đau nữa. Còn anh, anh có khỏe không anh yêu?
– Anh vẫn mạnh. Thôi em đừng nói chuyện nữa.
– Anh lo lắng cho em quá. Ôi anh yêu của em! Em đau quá! Trông nó giống gì nhỉ?
– Trông nó giống như một con thỏ bị lột da, với cái mặt nhỏ tí dúm dó như mặt một ông già.
– Ông nên đi ra thì hơn – Cô y tá nói – Bà Henry không nên nói chuyện.
– Tôi sẽ ở ngoài cửa.
– Anh nên đi ăn một chút gì đi.
– Không, anh sẽ ở ngoài cửa.
Tôi hôn Catherine, da nàng xám ngắt, vẻ yếu ớt và mệt nhọc. Tôi nói với cô y tá:
– Tôi có thể nói ít lời với cô được chăng?
Cô ta cùng đi với tôi ra hành lang. Tôi đi vài bước rồi hỏi:
– Đứa bé làm sao thế?
– Ông không hay biết gì à?
– Không.
– Nó không còn sống.
– Chết rồi à?
– Người ta không thể nào làm cho nó thở được. Nó có tràng hoa hay vật gì như thế quấn quanh cổ.
– Vậy là nó chết thật rồi à?
– Vâng, thật uổng. Một đứa bé xinh đẹp. Tôi cứ tưởng là ông đã biết.
– Không – Tôi nói – Cô nên trở lại với nhà tôi.
Tôi ngồi trên ghế, trước một chiếc bàn, cạnh đó treo những bản báo cáo của cô y tá, và nhìn qua khung cửa sổ. Tôi chỉ thấy một màu đen và mưa rơi trong ánh đèn rọi ra từ cửa sổ. À, ra thế đấy. Đứa bé chết rồi. Vì thế trông bác sĩ có vẻ mệt mỏi. Nhưng tại sao họ lại làm thế trong phòng? Có lẽ họ nghĩ rằng đứa bé sẽ tỉnh lại và thở được. Tôi không theo đạo nhưng hiểu rằng lẽ ra đứa bé phải được rửa tội. Tuy nhiên nếu nó đã chẳng thở được tí nào nghĩa là nó không sống, ngoại trừ lúc còn trong bào thai. Tôi thường thấy nó đạp nhiều lần. Nhưng trong tuần lễ cuối cùng thì không còn thấy nữa. Có lẽ lúc ấy nó đã chết ngạt rồi. Tội nghiệp đứa hài nhi. Tôi muốn chết ngạt như thế để khỏi phải trải qua những giờ phút hấp hối… Bây giờ thì Catherine sẽ chết. Ai cũng vậy. Ai cũng phải chết. Chết mà không hiểu thế nào là cái chết, không khi nào có thì giờ cho mình luật lệ hoặc mình hơi lầm lỗi là họ giết mình ngay. Hoặc giả chết vô cớ như Aymo. Hoặc giả bị dương mai như Rinaldi. Nhưng rồi cuối cùng mình cũng chết. Cứ tin như vậy đi, cứ kiên tâm đi rồi sẽ đến lượt mình.
Có lần ở trại, tôi liệng một khúc củi đầy kiến vào đống lửa. Khi khúc củi cháy, bọn kiến bò tứ tung và lúc đầu còn chạy nhào vào chỗ có ngọn lửa, sau chúng quay lại chạy tới đầu kia khúc củi. Đến khi chúng bám đầy vào đầu khúc củi thì chúng lại rớt vào đống lửa. Có vài con chạy thoát, thân mình cháy xém và xẹp lép. Chúng chạy mà không rõ sẽ chạy đi đâu. Nhưng phần đông đều tới phía ngọn lửa, rồi lại bò tới đầu bên kia, để rồi tụ tập tại đó và cuối cùng rơi vào ngọn lửa. Tôi còn nhớ lúc đó tôi tưởng tượng rằng đó là giờ tận thế, đó là lúc đóng vai trò Chúa cứu thế bằng cách kéo khúc củi ra khỏi ngọn lửa và ném nó vào chỗ nào đó cho lũ kiến có thể trốn vào đất được. Nhưng tôi chỉ tưới khúc củi bằng chỗ nước trong cái li, để khi hết nước, tôi đựng rượu whisky pha với nước. Tôi nghĩ rằng nước dội lên khúc củi đang cháy chỉ tổ làm cho lũ kiến bị phỏng.
Và bây giờ tôi đang ngồi trong hành lang để chờ nghe ngóng bệnh tình của Catherine. Một lúc, vì y tá tới chậm, tôi bước tới mở cửa nhè nhẹ nhìn vào trong. Mới đầu tôi không trông thấy gì vì đèn ở hành lang sáng chói mà trong phòng lại tối om. Nhưng rồi tôi nhìn thấy cô y tá ngồi ở đầu giường, và đầu Catherine đặt trên gối, toàn thân nàng dẹp lép dưới lớp chăn. Cô y tá để một ngón tay lên môi ra hiệu rồi đi ra cửa.
– Nàng ra sao? – Tôi hỏi.
– Bà khỏe. Ông đi ăn đi, rồi một lát nữa ông trở lại, nếu ông muốn.
Tôi đi dọc theo hành lang, xuống thang và bước ra khỏi cổng bệnh viện, theo con đường tối om đến tiệm cà phê dưới cơn mưa. Đèn trong tiệm sáng trưng và mấy bàn đều chật hết. Tôi không tìm ra chỗ trống, một anh bồi bàn tới đỡ lây chiếc áo choàng ướt và chiếc mũ của tôi rồi chỉ một chỗ ngồi mà trước mặt là một ông già đang uống bia và xem báo chiều. Tôi ngồi xuống và hỏi anh bồi bàn món ăn trong ngày.
– Bò ra gu, nhưng hết rồi.
– Thế bây giờ có gì ăn?
– Trứng với dăm bông, trứng với pho mát, hay dưa cải bắp xắt nhỏ.
– Tôi đã ăn dưa cải bắp hồi trưa rồi.
– Vâng, đúng rồi. Ông đã dùng dưa cải bắp lúc trưa. Phải rồi.
Anh là một người vào độ trung niên, đầu hói với vài sợi tóc lưa thưa, nét mặt dễ mến.
– Thế ông dùng món gì? Trứng với dăm bông, hay trứng với pho mát?
– Trứng dăm bông và rượu bia.
– Một bia nâu li nhỏ chứ?
– Được.
– Tôi nhớ hồi trưa ông cũng uống một bia nâu li nhỏ.
Tôi dùng món trứng dăm bông và uống bia. Món dăm bông trứng đặt trong một chiếc đĩa tròn, dăm bông ở dưới và trứng ở trên. Món ấy nóng quá, và khi ăn miếng đầu tiên, tôi phải hớp một ngụm bia cho khỏi bỏng miệng. Tôi cũng khá đói nên kêu thêm một đĩa nữa và uống mấy li bia. Tôi không nghĩ gì cả và đọc báo của ông ngồi trước mặt. Đó là đề tài về phòng tuyến của Anh bị chọc thủng. Khi biết rằng tôi đang xem mặt sau của tờ báo của ông ta thì ông gấp lại. Tôi định gọi bồi cho một tờ báo nhưng tôi không thể tập trung tư tưởng. Bên trong tiệm cà phê rất nóng và không khí khó thở. Nhiều khách trong tiệm quen biết nhau. Nhiều người đang chơi bài. Bồi bàn lăng xăng lo bưng rượu đến các bàn. Hai người khách mới vào đứng nhìn quanh vì không còn chỗ trống, đứng tạm trước bàn tôi. Tôi gọi thêm một li bia nữa. Tôi chưa muốn trở về bệnh viện vội vì còn sớm quá. Tôi cố không nghĩ ngợi gì cả và giữ bình tĩnh tuyệt đối. Hai người đứng chờ một lát không có chỗ trống lại bước ra. Tôi uống thêm một li bia nữa. Trên bàn trước mặt tôi bây giờ có cả một chồng đĩa. Ông ngồi trước mặt tôi đã gỡ kính cất vào hộp, xếp tờ báo lại bỏ túi rồi cầm li rượu mùi nhìn quanh phòng. Bỗng nhiên tôi thấy cần phải trở lại bệnh viện. Tôi gọi bồi tính tiền rồi khoác áo đội mũ bước ra cửa. Tôi rảo bước dưới cơn mưa đến bệnh viện.
Tới hành lang tôi gặp cô y tá vừa mới đi xuống.
– Tôi mới gọi dây nói đến khách sạn của ông – Cô ta nói.
Tôi giật mình đánh thót.
– Có chuyện gì thế? – Tôi hỏi.
– Bà Henry bị băng huyết.
– Tôi vào được không?
– Không, chưa được. Có bác sĩ đang ở trong ấy với bà.
– Có nguy không?
– Rất nguy hiểm – Cô ta trả lời rồi vội vã vào phòng khép cửa lại.
Tôi ngồi ngoài hành lang. Đầu óc tôi trống rỗng hoang mang. Tôi không biết tính sao và cũng không thể tính gì được cả. Tôi biết rằng nàng sắp từ giã cuộc sống và tôi cầu nguyện cho nàng đừng chết.
Cô y tá mở cửa và vẫy tay gọi tôi. Tôi theo cô ta vào phòng. Catherine không ngước nhìn. Tôi vội đến gần giường. Vị bác sĩ đứng cạnh giường, phía bên kia. Catherine nhìn tôi nhếch môi. Tôi gục mặt xuống giường khóc oà.
– Tội nghiệp mình – Catherine se sẽ nói.
Da mặt nàng xám ngắt.
– Không sao đâu Catherine ạ, em sắp mạnh hẳn.
– Em sắp chết – Ngừng một giây, nàng nói tiếp – Em không muốn, em không muốn…
Tôi nắm lấy tay nàng.
– Đừng chạm vào em – Nàng nói. Tôi buông tay nàng ra. Nàng mỉm cười – Tội nghiệp mình quá… Được, nào, mình cứ nắm lấy tay em đi.
– Em sẽ khỏe, Catherine ạ, anh biết em sẽ khỏe.
– Em đã muốn viết cho anh bức thư phòng khi có chuyện gì nhưng em không viết được.
– Em có muốn anh mời một vị linh mục hay một ai khác tới thăm em hay không?
– Chỉ một anh thôi – Và lát sau nàng tiếp – Em không sợ chết, nhưng ý nghĩ về cái chết làm em khiếp.
– Bà đừng nói nhiều thế – Bác sĩ bảo.
– Vâng – Catherine bảo.
– Em có cần anh làm việc gì không? Catherine? Hay là anh đi kiếm cho em cái gì chăng?
– Không – Rồi một lát sau nàng tiếp – Những kỷ niệm chung sống giữa chúng ta, xin anh đừng san sẻ với người đàn bà nào khác, anh nhé? Và những lời ân ái, xin anh đừng trao gởi cho một ai khác, anh nhé?
– Không bao giờ.
– Nhưng dù sao em cũng muốn anh có một phụ nữ khác.
– Anh không thích.
– Bà nói chuyện nhiều quá – Bác sĩ nói – Ông Henry cần phải ra ngoài. Ông ấy có thể trở lại sau. Bà không chết đâu, bà đừng nói dại.
– Vâng – Catherine nói – Đêm đêm sẽ có em đến bên cạnh anh – Nàng nói với vẻ khó khăn.
– Xin ông hãy ra khỏi phòng – Bác sĩ bảo – Đừng để bà ấy nói.
Catherine mặt nhợt nhạt, hướng về phía tôi, chớp mắt.
– Anh sẽ chờ ở cửa – Tôi nói.
– Đừng lo ngại gì, anh nhé. Em chẳng lo sợ tí nào cả. Đó chỉ là một trò đùa xấu xa, thế thôi.
– Em can đảm lên, em yêu quý của anh…
Tôi chờ ngoài hành lang, tôi chờ rất lâu. Cô y tá mở cửa, đến gần tôi và nói:
– Bà Henry trầm trọng lắm. Tôi sợ bà…
– Nàng đã chết rồi sao?
– Chưa, nhưng bà đã mê man.
Hình như nàng băng huyết nhiều, không sao ngăn nổi.
Tôi vào phòng với Catherine và ở đó cho đến khi nàng tắt thở. Nàng không hồi tỉnh và chẳng bao lâu thì chết.
Trong hành lang, tôi hỏi bác sĩ:
– Tôi phải làm gì trong đêm nay?
– Không, không có gì cả. Để tôi đưa ông về khách sạn nhé?
– Thôi cám ơn bác sĩ. Tôi muốn nán lại đây giây lát.
– Tôi không biết nói gì hơn. Tôi không thể nói với ông rằng…
– Không – Tôi nói – Không có gì để nói cả…
– Tạm biệt – Ông ta nói – Ông thật không muốn tôi đưa ông về khách sạn à?
– Thôi, cám ơn bác sĩ.
– Chỉ có cách đó thôi. Cuộc giải phẫu chứng minh rằng…
– Tôi không còn muốn nhắc tới chuyện ấy nữa.
– Tôi muốn được đưa ông về khách sạn.
– Thôi, cám ơn bác sĩ.
Ông khuất dần trong hành lang. Tôi đến gần cửa phòng. Một cô y tá nói:
– Ông không vào được bây giờ.
– Xin lỗi cô – Tôi nói.
– Ông chưa vào được bây giờ.
– Cô đi ra đi, cả cô kia nữa – Tôi nói.
Nhưng sau khi bảo họ đi ra và đóng cửa, tắt đèn, tôi hiểu rằng tất cả đều vô ích. Cũng không khác nào lời nói từ biệt trước một pho tượng. Một lát sau tôi bước ra khỏi phòng, rời bệnh viện, và tôi trở về khách sạn dưới trời mưa.
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.