Hồi Ký Của Một Tay Súng Bắn Tỉa
Chương 2. Mỗi phát súng, một tên địch?
Một năm trước, tôi đóng quân tại căn cứ tại Đội SEAL số 6 ở bờ biển Virginia, Virginia. Trong thời gian trực chiến, tôi để tóc dài hơn so với quy định của lính Hải quân, vì thế tôi có thể đi đến bất cứ nơi đâu trên trái đất này mà không sợ bị phát hiện ra là một quân nhân. Tôi thường cạo râu nhẵn nhụi. Mặc dù trong lần triển khai dàn quân tới Na Uy cùng Đội SEAL số 2, tôi đeo râu giả, nhưng thực sự tôi không thích để râu mọc trên mặt tẹo nào.
Trong thời gian chờ lệnh triệu tập, tôi luyện tập tại khu nhà được gọi là “nhà tiêu diệt” (kill house) – khu vực được sử dụng để huấn luyện chống khủng bố trong đô thị và tại trường bắn.
Sau giai đoạn trực chiến sẽ là khoảng thời gian ba tháng huấn luyện cá nhân, khi đó chúng tôi được phép rời đoàn và đến các trường học như Trường bắn Bill Rogers, Trường lặn, leo tự do hay bất cứ nơi nào mà chúng tôi phải đến. Điều tuyệt vời khi là thành viên Đội SEAL số 6 là tôi có thể theo học tại hầu hết mọi ngôi trường tốt nhất, ở bất cứ đâu nếu tôi muốn. Giai đoạn huấn luyện cũng là cơ hội tốt cho chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi, có thể là một kỳ nghỉ ngắn với gia đình – những dịp như thế đặc biệt quýgiá đối với người vừa trở về từ những nhiệm vụ ở nước ngoài. Sau đó, chúng tôi có ba tháng tập trung để huấn luyện theo đội hình chung tại trường học lặn, nhảy dù và bắn súng. Sau mỗi nội dung huấn luyện, chúng tôi tham gia tác chiến giả để áp dụng những kỹ năng vừa học được.
Một buổi tối nọ, tôi ngồi trong một nhà hàng Pizza được gọi là Phòng chờ (giống như địa điểm mà Charlie Sheen và Michael Biehn đã đứng bên ngoài để tranh luận trong phim Navy SEAL (tạm dịch: Biệt đội hải sư)) và nói chuyện về golf với Blake, cậu con trai 7 tuổi của tôi và một anh chàng lắm chuyện vui tính có biệt danh là Smudge. Giai điệu của ban nhạc Def Leppard phát ra từ máy hát. Chúng tôi thưởng thức món xúc xích tiêu, lạp xưởng và bánh pizza hành – những món ưa thích của tôi. Trong giai đoạn trực chiến, tôi không được phép uống quá 2 cốc bia. Ở Đội SEAL số 6, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm túc các quy định ngặt nghèo.
Đồ uống ưa thích của chúng tôi là bia Coors Light. Mỗi khi đi chơi theo nhóm, tôi và đồng đội đều ngụy trang thành vận động viên của Đội nhảy dù nghệ thuật Bia Coors Light. Chuyện ngụy tạo ấy được dùng để giải thích cho việc vì sao 30 gã trai lực lưỡng, đẹp trai, lại vào quán với dép tông, quần soóc, áo ba lỗ và dao Spyderco CLIPIT ở túi trước. Mỗi khi chúng tôi vào quán, tức thì những gã trai ở đó đều chuyển sang dùng bia Coors Light, rồi sau đó đám phụ nữ cũng chuyển sang dùng đồ uống này.
Đáng lẽ hãng Coors nên tài trợ cho chúng tôi mới phải! Vỏ bọc này rất an toàn vì chúng tôi có thể trả lời mọi câu hỏi về nhảy dù biểu diễn. Không những vậy, trong quán, chúng tôi chỉ nói chuyện tầm phào nên chẳng ai quan tâm.
Khoảng 7 rưỡi tối, ngay trước khi thưởng thức xong món Pizza với bia Coors Light, tôi nhận được tin nhắn: T-R-I-D-E-N-T- 0-1-0-1. Đây là mật mã có nghĩa: “Có mặt tại căn cứ Đội SEAL số 6.” Mật mã luôn báo cho tôi biết cần phải đến căn cứ nào. Lần này tôi phải lên máy bay ngay.
Tôi sẽ nhận túi quân trang của mình trên máy bay. Mỗi chiếc túi đều được buộc và sơn màu sắc theo mã cho từng nhiệm vụ cụ thể. Nếu trước đó tôi không gói ghém chính xác mọi thứ, tôi sẽ không nhận được đúng túi quân trang của mình. Khi tham gia tác chiến, mỗi chúng tôi phải quên đi những chiếc giường êm ái, thay vào đó là những túi ngủ để ngăn nước ngấm vào bên trong. Giấc ngủ tuyệt vời của lính bắn tỉa thực tế chẳng dễ chịu chút nào.
Trong suốt thời gian trực chiến, chúng tôi thực hiện chế độ tập trung trong một giờ. Dù ở đâu đi chăng nữa, tôi cũng chỉ có không quá một giờ trên máy bay và ngồi nghe tóm tắt nhiệm vụ. Giờ thì thời gian đã bắt đầu đếm ngược. Hai cha con tôi nhanh chóng lên xe − một chiếc Pontiac Grand Am màu bạc. Tôi lái xe về nhà ở ngay phía cuối con đường xuất phát từ Phòng chờ. Về đến nhà, vợ tôi, Laura vặn vẹo: “Anh đi đâu đấy?”
Tôi nhún vai trả lời: “Anh không biết”. “Thật không đấy”, Laura hỏi.
“Không biết; và nếu có biết thì anh cũng không thể nói cho em biết được. Gặp lại em sau nhé.”
Smudge đón tôi tại nhà và thả tôi xuống phi trường của Căn cứ Không quân − Hải quân Oceana. Mắt tôi đảo quanh một chiếc máy bay C-130 mà bên trong tối thui. Có một vài máy bay phản lực được trang bị thiết bị hỗ trợ cất cánh (JATO) nhằm giúp nó cất cánh khỏi đường băng và vút lên không trung rất nhanh. Đây là thiết bị cần thiết khi máy bay của bạn đang là mục tiêu bị tấn công. Nếu có sự đồng hành của JATO, tôi biết ngay rằng nơi tôi sắp phải tới không dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, lần này máy bay chúng tôi không được trang bị JATO.
Tôi có mặt trên máy bay sớm hơn nhiều so với giờ chót là 8 giờ rưỡi. Bên trong máy bay, đèn bị tắt hết. Dưới ánh sáng màu đỏ từ chiếc đèn pin, tôi quan sát và chắc chắn những chiếc túi quân trang của mình đã được chuyển lên cũng như đảm bảo chúng đã được sắp xếp chính xác. Tôi cố ghi nhớ vị trí của chúng để quay lại lấy khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
Ba lính bắn tỉa khác tham gia cùng tôi là Casanova, Gã Mập lùn (Little Big Man) và Sourpuss. Trong đội SEAL, hầu hết mọi người được gọi theo biệt danh. Tôi bị một số người gọi là Waz- man. Số khác thì thích gọi tôi là Howie, nhưng nếu họ gọi tôi bằng cái tên thứ hai tôi sẽ không bao giờ trả lời. Thường thì mỗi biệt danh được đặt theo một hành động ngớ ngẩn nào đó của chủ nhân mang biệt danh, giống như việc phải có lý do thì một anh chàng mới bị gọi là “Drippy” (sướt mướt). Cũng có những cái tên khó đọc như Bryzinski lại được mọi người gọi thành “Alphabet”.
Một người bạn của chúng tôi ở Đội 2 lại được gọi là “Tripod” (Ba chân).
Casanova là bạn bắn phối hợp ăn ý của tôi. Chúng tôi đã làm bạn với nhau kể từ khi còn là học viên ở Trường đào tạo lính bắn tỉa tại Quantico, Virginia. Casanova đúng là gã sát gái. Đàn bà ném váy vào mặt anh ta còn nhiều hơn là ném xuống thảm phòng ngủ. Gã Mập lùn có tiếng là anh chàng phức tạp, điều này lý giải tại sao anh ta luôn kè kè con dao Randall có chuôi lớn bên hông. Mọi người thường trêu anh ta là “tiểu nhân, đại đao”. Sourpuss là một tay lính kỳ cựu nhưng không có điểm gì đặc biệt. Anh ta là người duy nhất trong đội chúng tôi không bao giờ pha trò hay thích thú với chuyện pha trò, chỉ chăm chăm sớm trở về với “vợ yêu” và có vẻ như chẳng quan tâm gì đến nhiệm vụ sắp tới hay những gì diễn ra với chúng tôi. Sourpuss cũng suốt ngày kêu ca nên chẳng ai trong chúng tôi có cảm tình với anh ta cả.
Cả bọn chúng tôi cùng ngồi trước một bảng kẹp giấy ngay cạnh buồng lái. Chỉ có bốn chúng tôi, có lẽ là một phi vụ tầm cỡ thế giới. Người đàn ông đang tóm tắt nhiệm vụ là người tôi chưa từng gặp bao giờ, có lẽ ông ta đến từ Bộ Chỉ huy Đặc nhiệm Liên quân (JSOC). Ông ta trông có vẻ quá nghiêm túc. Có nhiều khi trong lúc đang được giao nhiệm vụ, có tiếng cười khúc khích vang lên trong đội. Người giao nhiệm vụ có thể đùa một câu về anh chàng vừa cười với giọng hơi châm chọc, kiểu như: “OK, chúng ta sẽ đi tuần tra tại đây khoảng vài giây. Đây là nơi anh chàng Jimbo xả nước lần thứ nhất. Rồi đằng kia sẽ là nơi cậu ấy làm bậy lần hai.” Nhưng lần này, không có cú pha trò nào cả. Tất cả đều im lặng.
Sau thất bại trong nỗ lực giải cứu 53 người Mỹ bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Iran năm 1980, người ta thấy rõ rằng Lục quân, Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ không thể phối hợp tác chiến hiệu quả trong các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt. Năm 1987, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định tập hợp tất cả các lực lượng tác chiến đặc biệt của các quân binh chủng thành một đội, kể cả những đơn vị tinh nhuệ như Đội SEAL số 6 và lực lượng Delta. JSOC là cơ quan lãnh đạo chúng tôi.
Người chỉ huy từ JSOC lật tấm bản đồ để chuyển sang một bức ảnh chụp từ trên cao và nói: “Được rồi, thưa các anh, đây là chiến dịch TCS.” Hóa ra Thiếu tướng William F. Garrison, người đứng đầu JSOC điều chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ Điều kiện và Tiêu chuẩn (Task Conditions and Standard – TCS). Tướng Garrison lại chơi khăm chúng tôi rồi. Liệu chúng tôi có đủ sức làm được những điều mà bản thân tuyên bố – bất cứ việc gì, bất cứ khi nào, dưới mọi điều kiện, bao gồm cả tiêu diệt mục tiêu cách mình 800m không?
Người của JSOC tiếp tục: “Các bạn sắp thực hiện nhiệm vụ HALO đêm nhắm vào một mục tiêu định sẵn.” HALO có nghĩa là bay cao bung thấp, tức là chúng tôi sẽ nhảy ra từ máy bay và rơi tự do xuống gần mặt đất mới bung dù. Cách nhảy dù này cho phép người dưới mặt đất chỉ nghe hoặc thấy máy bay đang bay quanh khu vực đó mà thôi. Đối với cách nhảy bay cao bung cao (HAHO), chúng tôi sẽ nhảy ra từ độ cao gần 10.000 m, rơi tự do khoảng 5 giây rồi bung dù và tiếp tục bay lượn khoảng 65 km nữa trước khi tiếp đất, cách nhảy dù này giúp chúng tôi tránh bị phát hiện hơn. Trong một lần nhảy dù huấn luyện tại hai thành phố Pheonix và Tucson, Arizona − nơi cách địa điểm hiện tại hơn 160 km, chúng tôi rơi cách nhau khá xa. Khi nhảy HAHO, bạn phải đối mặt với cái lạnh cắt da cắt thịt ở độ cao gần 10.000m và cái lạnh đó còn kéo dài khá lâu. Khi xuống đến mặt đất, tôi phải kẹp tay vào nách để sưởi ấm. Nhưng lần này chúng tôi nhảy HALO nên cái lạnh không còn là vấn đề nữa.
Người hướng dẫn của JSOC chỉ cho chúng tôi xem lộ trình bay, điểm nhảy dù và quan trọng hơn là điểm đáp đất. Tại vị trí đáp, chúng tôi phải thực hiện các thao tác giấu dù. Ông ta thông báo cho chúng tôi địa điểm cất dù sau khi tiếp đất. Khi ở trên lãnh thổ của địch, chúng tôi thường đào hố để chôn dù, nhưng do đây chỉ là một cuộc thao diễn, nên chúng tôi không phải đào hố chôn những chiếc dù trị giá vài nghìn đô-la này.
“Đây là tuyến đường các anh sẽ hành quân vào.” Ông ta thông báo chúng tôi chỉ có tối đa 10 phút để tiêu diệt mục tiêu khi nó xuất hiện tại cửa sổ. Nếu đến muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm mục tiêu xuất hiện hay bắn trượt, chúng tôi sẽ không có cơ hội thứ hai. Một viên đạn, một tên địch.
Chúng tôi cởi bỏ đồ dân sự. Giống như mọi thành viên khác của Đội SEAL, tôi cũng thực hiện nhiệm vụ đột kích với trang phục dân sự mà không có áo chống đạn. Khi thực hiện nhiệm vụ bắn tỉa, tôi thường mặc quần xanh chất liệu polypro hiệu North Face, kể cả khi tác chiến vào mùa đông, để chống muỗi. Chúng tôi mặc quần áo rằn ri xanh lá cây và ngụy trang từ đầu tới chân. Với bít tất, tôi chọn loại tất len. Sau thời gian huấn luyện tác chiến mùa đông với Đội SEAL số 2, tôi hiểu được giá trị của một đôi tất tốt, vì thế tôi luôn mua những đôi tất dân sự tốt nhất và đi giày cao cổ. Tôi cất mũ ngụy trang vào trong túi quần để dùng khi hành quân. Mũ ngụy trang có vành rộng và móc đính xung quanh vành để gắn cành cây ngụy trang. Ở ngăn đựng dao trên thắt lưng, tôi găm con dao hiệu Swiss Army, đây là loại dao duy nhất tôi sử dụng khi thực hiện tác chiến bắn tỉa. Tôi sử dụng bộ đồ nghề quân trang nhỏ như hộp trang điểm của phụ nữ để bôi xanh (đậm và nhạt) mặt mình. Tôi cũng dùng nó để bôi vào tay, nhưng chỉ khi không đeo đôi găng tay phi công có tác dụng giữ ấm hiệu Nomex mà thôi. Đốt thứ nhất của ngón cái và ngón trỏ ở găng tay phải đã được cắt đi vì nó giúp tôi có cảm giác tốt nhất để điều chỉnh kính ngắm, lên đạn cũng như khi lên cò.
Vũ khí đeo hông của tôi là súng ngắn Hải quân mang số hiệu SIG SAUER P-226 9mm. Các bộ phận bên trong của loại súng này có lớp sơn bề mặt chống ăn mòn phốt phát, màu sắc của súng tương phản nhau với hình ảnh của chiếc mỏ neo được khắc ở thanh trượt. Hộp tiếp đạn của nó chứa được 15 viên. Được thiết kế riêng cho lực lượng SEAL, nó là loại súng ngắn tốt nhất mà tôi từng sử dụng. Thực tế tôi đã thử hầu như tất cả các loại súng hàng đầu của lực lượng SEAL. Hiện tôi đang có một hộp tiếp đạn lắp sẵn ở súng và hai hộp nữa đeo ở thắt lưng. Những trang thiết bị khác gồm bản đồ, la bàn và một đèn pin chiếu ánh sáng màu đỏ. Trong tác chiến thật, chúng tôi có thể sử dụng máy định vị GPS, song lần này Tướng Garrison muốn kiểm chứng kỹ năng sử dụng bản đồ và la bàn của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang theo túi nhỏ đựng các thiết bị y tế được gọi là túi y tế.
Không mang áo chống đạn khi tiến hành nhiệm vụ bắn tỉa thực địa như lần này, thay vào đó chúng tôi phải vận dụng khả năng ngụy trang của mình. Nếu thực hiện nhiệm vụ trong đô thị, chúng tôi sẽ mặc áo chống đạn và đội mũ bảo hiểm.
Mỗi người đều mang theo nước được đựng trong CamelBak.
Đó là một bóng nước đeo ở sau lưng, có ống hút chạy qua vai để người sử dụng có thể hút nước uống mà không phải dùng đến tay.
Chúng tôi dùng loại súng trường Winchester Magnum .300. Loại súng này có đường đạn ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, đường cong của đạn đạo thấp và tầm bắn xa. Nó có sức mạnh hạ gục đối phương lớn hơn nhiều so với các loại súng trường khác.
Nếu phải tiêu diệt mục tiêu cứng, ví dụ như động cơ của một phương tiện nào đó, tôi sẽ sử dụng súng trường 50 caliber, nhưng với mục tiêu là người, lựa chọn tốt nhất là Win Mag .300. Tôi đã lắp sẵn bốn viên đạn vào súng. Khi tiếp cận mục tiêu, tôi sẽ thêm viên đạn thứ năm vào ổ đạn. Hiện giờ trên người tôi đang có 20 viên đạn loại này nữa.
Tôi sử dụng kính ngắm bắn tỉa loại Leupold 10-power. Power là chỉ số phản ánh số lần mục tiêu ở gần mình. Như vậy thì với chỉ số 10-power, mục tiêu trong kính ngắm sẽ bằng 1/10 so với khoảng cách trên thực tế. Ký hiệu chấm millimet trên kính ngắm giúp tôi điều chỉnh khoảng cách. Chúng tôi cũng được trang bị thiết bị ống nhòm đo khoảng cách bằng tia laser chính xác gần như tuyệt đối, nhưng trong nhiệm vụ lần này chúng tôi không được sử dụng thiết bị đó. Phía trên kính ngắm Leupold, tôi gắn thêm một kính ngắm bắn đêm KN- 250.
Mặc dù Đội SEAL số 6 cũng có lúc sử dụng đạn xuyên thấu và đạn xuyên thấu đốt cháy, nhưng với nhiệm vụ lần này chúng tôi sử dụng loại đạn match − loại đạn tròn đối xứng. Loại đạn này đắt gấp bốn lần đạn thông thường và có tác dụng sát thương tương đương như loại đạn Win Mag do Winchester sản xuất.
Đối với các nhiệm vụ khác, chúng tôi sẽ mang theo máy liên lạc vệ tinh mã hóa LRT-5, nhưng đêm nay là tác chiến ngắn, do đó chúng tôi không phải báo cáo về trung tâm. Chúng tôi chỉ việc xâm nhập, nổ súng và rút lui. Chúng tôi mang theo máy liên lạc MX-300. Chữ X ở đây không phải là viết tắt của từ tiếng Anh “excellent” nghĩa là “tuyệt vời” mà nó là viết tắt của từ “experimental” –“thử nghiệm”. Loại máy liên lạc này vẫn có thể hoạt động dù bị ướt hay khi ở nhiệt độ thấp. Từ vị trí bắn tỉa, chúng tôi có thể trao đổi qua bộ đàm và dễ dàng tìm thấy nhau.
Đội SEAL số 6 luôn sử dụng những trang thiết bị đời mới tối tân nhất.
Là chuyên gia nhảy dù, tôi có trách nhiệm kiểm tra dù của anh em. Đó là loại dù MT-1X, chữ X ở đây cũng không phải là từ viết tắt của từ “excellent”.
“Còn 30 phút”, chỉ huy nhóm nhảy dù thông báo.
Nếu có nhu cầu đi vệ sinh, thì tôi có thể “giải quyết” nhờ một chiếc ống tiểu được gắn trên tường. Tôi không có nhu cầu, vì thế tôi tranh thủ chợp mắt.
“Còn 10 phút”, thông báo cất lên.
Tất cả đều thức giấc.
“Còn 5 phút”. Lúc này thang ở phần đuôi của chiếc C-130 từ từ được hạ xuống. Tôi kiểm tra lại lần cuối dù của từng người.
Chúng tôi di chuyển về phía thang nhưng chưa bước xuống thang.
Khi thang được hạ xuống, âm thanh quá ồn khiến chúng tôi không thể nghe thấy gì. Lúc này chúng tôi phải sử dụng ngôn ngữ cử chỉ. Khi còn 3 phút, tôi quay mặt về phía thang. Nhớ lại bức ảnh chụp từ trên cao vừa xem khi tóm tắt nhiệm vụ, tôi nhìn xuống dưới để đảm bảo rằng máy bay đang bay qua khu vực mà chúng tôi phải xuống.
“Còn một phút”. Lúc này mọi thứ trên mặt đất có vẻ quen thuộc hơn. Tôi rất tin tưởng vào phi công, nhưng do đã nhiều lần trước đây tôi phải cuốc bộ, nên tôi muốn xác nhận lại điểm hạ cánh.
“Còn 30 giây!” Máy bay hơi rung lắc. Tay trái của tôi giữ chặt vào thang, tay phải ra tín hiệu. Hướng ánh mắt vào bên trong máy bay, tôi giơ năm ngón tay lên, rồi đấm mạnh về phía bên phải nhằm ra tín hiệu chỉ đạo nhảy. Người chỉ huy yêu cầu phi công bẻ lái sang phải 5 độ. Nếu tôi giơ hai lần năm ngón tay, anh ta sẽ bẻ lái 10 độ. Tôi chưa lần nào cần phải bẻ lái hơn 10 độ cả, thậm chí có nhiều khi còn không cần phải điều chỉnh. Thật tuyệt khi được bay với phi công giỏi.
Đèn trên thang chuyển từ đỏ sang xanh. Lúc này chính là thời điểm để quyết định nhảy. Tất cả chúng tôi mất khoảng 5 giây để nhảy khỏi máy bay.
Tôi ra tín hiệu cho đồng đội. Gã Mập lùn là người đầu tiên nhảy ra khỏi máy bay, hiện tại đang ở độ cao khoảng 3.000m. Chúng tôi thường nhảy theo thứ tự từ nhẹ nhất đến nặng nhất để tránh trường hợp vị trí người nặng nhất đáp đất cách xa những người còn lại. Người nhảy tiếp theo là Sourpuss, rồi tiếp là Casanova. Tôi là người nhảy cuối vì với cương vị nhóm trưởng, tôi phải đảm bảo rằng tất cả đồng đội đều đã ra khỏi máy bay, hay trợ giúp khi có người bị mắc kẹt… Khi ở trên không, ba lô dù được buộc dây luồn ra phía trước ngực. Đã có lúc tôi nghĩ: Lạy Chúa cho cái thứ quái quỷ này hoạt động. Có lẽ trong khoảng 100 lần nhảy đầu, tôi đã luôn cầu nguyện: Cầu Chúa, xin hãy bung dù ra. Đến bây giờ, tôi đã có hàng trăm lần rơi tự do và tôi luôn tự gấp dù của mình. Một số người gặp phải tình huống dù chính không bung, do đó phải sử dụng dù phụ, nhưng tôi không nằm trong số đó. Dù của tôi luôn mở đúng lúc. Tôi chưa bao giờ bị thương, dù chỉ là một ngón chân, mặc dù tôi đã nhảy tổng cộng 752 lần.
Tôi điều chỉnh cơ thể để đáp xuống gần vị trí quy định. Sau khi rơi tự do khoảng gần một phút, tôi bung dù khi cách mặt đất khoảng 1.000m. Ở độ cao khoảng 800m, dù của tôi đã bung ra hoàn toàn. Tôi nhìn ngược lên để kiểm tra dù và nới lỏng dây nối với ba lô cho dễ thở. Hai chân giúp tôi cân bằng sức nặng của ba lô. Tôi bật thiết bị nhìn đêm (NOD) của mình lên. Ánh sáng hồng ngoại rực sáng phía sau mũ bão hiểm của chúng tôi. Bình thường
thì ánh sáng này được tạo ra từ những thanh nhựa phát sáng (glow stick). Thanh nhựa được uốn cong cho đến khi những hạt thủy tinh dễ vỡ ở bên trong vỡ ra, sự pha trộn của hai hợp chất hóa học này tạo ra ánh sáng đó. NOD phát ra ánh sáng hồng ngoại mà mắt thường không nhìn thấy được. Chúng tôi chỉnh hướng bay xếp chồng lên nhau. Phía trên Gã Mập lùn là Sourpuss, trên Sourpuss là Canasova. Trên nữa là tôi. Vị trí dù của chúng tôi xếp theo hình bậc thang khi hướng tới mục tiêu.
Khi gần tới mặt đất, tôi tách dù ra khỏi nhóm và từ từ hạ thấp độ cao. Tôi nới lỏng ba lô để nó không kéo ngã tôi khi tiếp đất. Gã Mập lùn tiếp đất đầu tiên. Do không có tác động của gió, dù của anh ta nghiêng 10 – 12 độ và ngay lập tức bị vùi trong cát bụi. Anh ta nhanh chóng thoát ra khỏi dù và sẵn sàng vũ khí, trong khi Sourpuss là người tiếp theo hạ cánh. Tương tự, Sourpuss cởi dù và chuẩn bị vũ khí. Casanova và tôi hạ cánh tiếp sau ngay trên dù Gã Mập lùn và Sourpuss. Cả bốn chúng tôi cùng hạ cánh trên một khu vực có diện tích rộng bằng một phòng khách. Gã Mập lùn và Sourpuss mỗi người cảnh giới một bên góc 180 độ, trong khi Casanova và tôi cởi dù. Sau khi tất cả đã giấu xong dù, tôi dẫn đầu cả nhóm thoát khỏi khu vực này.
Giám sát viên của JSOC đang đâu đó quanh đây chờ đợi nhằm phát hiện ra việc chúng tôi đi đường tắt. Cảm giác cám dỗ cứ xúi chúng tôi chơi trò bịp này, khi đó cả bốn chúng tôi có thể tháo dù cùng một lúc mà không phải bắt hai người đứng cảnh giới và có thể chúng tôi sẽ tiết kiệm được năm phút trong tổng thời gian tác chiến của mình. Tuy nhiên việc làm đó quá mạo hiểm và không đáng nếu bị giám sát viên phát hiện. Chúng tôi đều hiểu rằng tốt hơn là nên tập trung như đang ở trên lãnh địa của quân thù. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.
Gió thổi mưa táp vào mặt chúng tôi. Thời tiết này đúng là lý tưởng để dung thứ cho những sai lầm chiến thuật, khi chỗ này xuất hiện tiếng động, rồi chỗ kia là một cử động đột ngột. Chúng tôi hành quân khoảng gần 1 km, sau đó dừng lại ở điểm tập kết. Gã Mập lùn và Sourpuss cảnh giới, trong khi tôi và Canasova mở ba lô, lôi ra áo ghi lê và quần áo ngụy trang trông giống như một tán lá nặng nề được làm từ vải lòng thòng. Mỗi chúng tôi đều tự tay làm ra trang phục của mình, mỗi người có 2 bộ, một để dùng khi tác chiến trong rừng và một trên sa mạc. Tôi thay mũ tai bèo ngụy trang bằng mũ lưỡi trai ngụy trang. Trong lựa chọn trang phục, yếu tố quan trọng là phải làm sao để giúp mình hòa vào môi trường xung quanh. Trong môi trường tác chiến đô thị, màu trang phục thường tối để giống với màu đất, do đó quần áo có hai tông màu sẽ rất hiệu quả, quần dài ngụy trang màu tối như rừng nhiệt đới và mũ ngụy trang sáng màu cát sa mạc.
Casanova và tôi kiểm tra màu sơn tác chiến của nhau: tay, cổ, tai và mặt. Khi sơn màu lên da, điều quan trọng là phải làm cho mình xuất hiện trái ngược hoàn toàn so với một người bình thường, tức là biến màu tối thành sáng và biến màu sáng thành màu tối. Điều đó nhằm đảm bảo cho các phần của khuôn mặt tạo thành bóng (như là hốc mắt) biến thành màu xanh nhạt và những điểm phát sáng (trán, má, mũi, lông mày và cằm) biến thành màu xanh đậm. Nếu mặt của lính bắn tỉa vô tình bị phát hiện, thì nó không nên giống như một khuôn mặt. Chúng tôi phải biến mất và trở nên vô hình.
Chúng tôi chia làm hai cặp và đi theo hai tuyến đường khác nhau tới điểm đích. Thậm chí nếu một cặp có lỡ mất thời cơ, thì cặp còn lại vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tôi và Casanova âm thầm tiến lên xuyên qua màn đêm tới đích. Mỗi người dò dẫm từng bước tiến về phía trước, hai bàn chân luôn thẳng hướng, loại bỏ tất cả mọi chướng ngại vật, cảm nhận được cả những cành con hay bất cứ thứ gì mà chúng tôi giẫm lên. Tiến từng bước ngắn, tôi dùng cạnh ngoài bàn chân, chầm chậm chuyển từ mũi bàn chân sang gót bàn chân tiến về phía trước.
Chúng tôi tới khu vực trống, theo xác định là cách mục tiêu khoảng 900m. Casanova và tôi dựng lều trên mặt đất. Do vẫn giữ cự ly với nhau nên chúng tôi không bị trông giống như những đốm sáng đang chuyển động khi bò thấp. Chúng tôi phải di chuyển đủ chậm để không bị phát hiện, nhưng cũng phải đủ nhanh để kịp đến nơi và nổ súng. Tôi cẩn thận giữ cho nòng súng trường không cắm xuống đất vì bụi bẩn sẽ làm giảm độ chính xác của nó, nhưng đồng thời cũng không để nòng súng chĩa lên trời vì sẽ làm lộ vị trí của chúng tôi. Tôi nằm sấp, tay và chân phối hợp nhịp nhàng trườn về phía trước. Mặt tôi sát đất đến mức mà nó đẩy cả bùn đi theo khi tiến lên. Mỗi lần trườn, tôi tiến được khoảng 15 cm. khi tôi và mặt đất gần như hòa làm một, tôi xóa bỏ hết tất cả mọi suy nghĩ khỏi đầu. Trong suốt quãng đường đó, tôi thường tự nhủ: Tôi và mặt đất là một, tôi là một phần của Mẹ Đất.
Nếu tôi thấy mục tiêu hay đội tuần tra, tôi sẽ không nhìn trực tiếp hay nghĩ về nó. Chúng ta biết rằng loài hươu đực thường hít hít và nhảy chồm chồm trên mặt đất vì nó chỉ có thể ngửi thấy mùi của bạn chứ không thể xác định được vị trí của bạn. Nó hít hít và nhảy chồm là nhằm bắt bạn phải chuyển động để nó xác định vị trí của bạn. Con người không có khả năng bắt mùi như loài hươu, song họ có giác quan thứ sáu: biết mình có bị theo dõi hay không. Tất nhiên thì một số người có khả năng cảm nhận tốt hơn người khác. Khi bạn nghĩ là mình đang bị theo dõi và nhìn quanh để xác định ai đang làm điều đó, tức là bạn đang sử dụng giác quan này. Các tay súng bắn tỉa nếu không muốn đánh thức giác quan này của kẻ thù thì nên tránh nhìn trực tiếp vào mục tiêu. Khi đến thời điểm nổ súng đến, tất nhiên là tôi sẽ nhìn thẳng vào mục tiêu qua tâm ống ngắm; thậm chí ngay cả lúc đó thì tôi cũng chỉ nên tập trung vào tâm ống ngắm mà thôi.
Tôi ngừng lại trong giây lát rồi tiếp tục trườn.
Cuối cùng khi mục tiêu cách chúng tôi ước lượng chừng gần 500 m, chúng tôi đã tới được điểm bắn cuối (FFP). Lúc này là 2 giờ 20. Tôi kéo khăn trùm lấy ống ngắm nhằm không để xuất hiện đường sáng do đầu tôi và ống ngắm ban đêm tạo ra. Nếu bạn chưa từng nằm trong một vũng đầm với áo ghi lê ướt sũng, trong tiết trời mưa tầm tã với gió rít gào, trong khi phải liên tục giương mắt nhìn vào ống ngắm và thực hiện công việc của mình, thì bạn hẳn đã bỏ lỡ mất những giây phút tuyệt vời nhất của cuộc đời.
Trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà cũ kỹ. Đâu đó trong căn nhà này là mục tiêu của chúng tôi. Casanova và tôi thảo luận về tầm bắn, tầm nhìn… Chúng tôi sử dụng mã màu cho từng phía của ngôi nhà, bao gồm màu trắng cho mặt trước, màu đen cho mặt sau, màu xanh lá cho phía bên phải và màu đỏ cho phía bên trái của ngôi nhà. Màu dùng để mã hóa các phía bắt nguồn từ mã hóa tàu thủy, trong đó xanh lá nhạt dùng cho mạn phải của tàu, màu đỏ cho mạn trái. Chữ cái theo phát âm được dùng cho từng tầng, gồm Alpha, Bravo, Charlie, Delta… Cửa sổ được tính từ trái qua phải theo thứ tự một, hai, ba… Nếu ai đó di chuyển qua cửa sổ ở mặt trước trên tầng thứ hai, tôi sẽ ám hiệu về cái cửa sổ là: Trắng, Bravo, một. Do đó chúng tôi dừng nói chuyện tào lao để trao đổi một cách ngắn gọn và hiệu quả. Những khóa mã này quen thuộc đối với thành viên của Đội SEAL số 6, giúp chúng tôi nhanh chóng hiểu ý của nhau dù trước đó chưa từng cùng làm việc.
Chúng tôi cũng có một công thức, bao gồm các yếu tố kích thước, hoạt động, địa điểm, đơn vị, thời gian và trang bị của kẻ thù (viết tắt là SALUTE). Thông tin tuần tra của kẻ địch rất quan trọng đối với đội đột kích. Ví dụ, đội đột kích có thể xông vào ngay lập tức sau khi đội tuần tra đó trở vào trong. Nếu đội tuần tra chỉ có hai người, đội đột kích có thể sẽ quyết định bắt sống khi chúng đang tuần tra, hoặc ba lính bắn tỉa có thể ngay lập tức hạ hai tên lính tuần tra ở bên ngoài và mục tiêu ở bên trong. Nếu đây là tình huống giải cứu con tin, chúng tôi sẽ ghi nhớ địa điểm con tin đang bị giữ, địa điểm của bọn khủng bố, của bọn chỉ huy, giờ ăn, giờ ngủ… Chúng tôi vẫn đang phải ngâm mình trong nước, lạnh lẽo và khổ sở, song chúng tôi không bị bắt phải thích điều đó mà là phải làm điều đó.
Tôi dùng ống nhòm tính toán kích thước khung cửa sổ theo đơn vị milimet. Biết rằng cửa sổ thường có chiều cao khoảng 1 m, tôi nhân kích thước đó với 1.000, sau đó chia theo vạch milimet trên ống ngắm để xác định tầm bắn.
Một giám sát viên xuất hiện và hỏi “Tầm bắn tới mục tiêu là bao nhiêu?”
“600 m” là câu trả lời của tôi.
Một người trùm mũ kín đầu, mặc chiếc áo măng tô quân đội xuất hiện ở cửa sổ − đó là mục tiêu, nhưng chỉ là một hình nộm.
Thường thì chỉ một lính bắn tỉa trong cặp đôi nổ súng, những người còn lại có nhiệm vụ ghi lại thông tin, xác định mục tiêu và bảo vệ xung quanh. Nhưng lần này cả bốn chúng tôi đều nổ súng. Tướng Garrison muốn biết liệu mỗi người có làm được điều mà chúng tôi đã cam kết hay không. Tôi nghe tiếng súng nổ từ cặp kia. Mỗi người chỉ có duy nhất một lần bắn thử, gọi là phát đầu. Cú bắn đầu tiên luôn kém nhất vì viên đạn xuyên qua nòng súng lạnh. Sau khi viên đạn thứ nhất làm ấm nòng súng, thì phát bắn tiếp theo sẽ chính xác hơn, nhưng Tướng Garrison không cho chúng tôi bắn phát thứ hai. Quân thù cũng đâu cho chúng tôi thực hiện điều đó.
Một giám sát viền kiểm tra mục tiêu nhưng không thông báo kết quả cho chúng tôi. Rồi phát đạn thứ hai nổ, tương tự đội tôi không hề biết kết quả. Bây giờ đến lượt cặp chúng tôi. Casanova nằm bên phải tôi, đủ gần để tôi có thể nghe được tiếng anh thì thầm nếu cần. Khoảng cách cũng đủ gần để chúng tôi xem chung một bản đồ. Với vị trí hiện tại, Casanova có thể xác định được vệt khói do đường đạn tạo ra cũng như quan sát được viên đạn găm vào mục tiêu, nhờ đó anh sẽ giúp tôi chỉnh đường đạn chính xác cho phát bắn thứ hai. Tuy nhiên, chúng tôi phải chấp nhận năm ăn năm thua với một phát bắn duy nhất. Chỉ mới sáu tiếng trước thôi, tôi đang ngồi thưởng thức món pizza nóng hổi trong Phòng chờ ấm áp cùng con trai tôi. Còn giờ đây tôi đang ở trong khu rừng lạnh lẽo và ẩm ướt, giữa một nơi vô định và chỉ được nổ súng một lần duy nhất vào mục tiêu. Hầu hết mọi người chẳng ai có ý niệm gì về cường độ huấn luyện và yêu cầu cao về trách nhiệm đối với công việc của một lính bắn tỉa.
Báng súng trường nằm chắc chắn trong hốc vai phải của tôi.
Tay bắn của tôi ghì chặt tay nắm báng súng, trong khi ngón tay cò từ từ áp sát cò súng. Khuỷu tay phía sau giúp tôi giữ cân bằng. Má tôi tiếp xúc vững chắc với vùng ngay trên tay nắm báng súng, tôi hít một hơi thật sâu. Sau khi thở ra một phần, tôi nín thở − một kỹ năng mà người nhái làm rất tốt, giữ cho phổi ổn định để nó không làm lệch đường đạn của tôi. Tôi phải nín thở đủ lâu để chỉnh tâm ngắm trúng mục tiêu, nhưng cũng không được phép quá lâu đến mức có thể làm mờ tầm nhìn và gây căng cứng cơ bắp. Ngón tay tôi từ từ tăng cò – pằng.
Tôi cũng không chắc liệu mình có bắn trúng mục tiêu hay không. Điều này không giống như trong phim, khi mà viên đạn có thể làm đổ vật mục tiêu ngay lập tức. Trên thực tế, viên đạn đi xuyên qua thân thể nhanh đến mức mà có những lúc người bị bắn còn không cảm nhận được là họ bị bắn, giống như những gì mà tôi được chứng kiến rất nhiều ở Somali, với loại đạn 223.
Sau khi Casanova thực hiện phát bắn, chúng tôi bò thoát khỏi khu vực theo một lộ trình khác so với khi xâm nhập. Nếu ai đó đã phát hiện ra dấu vết của chúng tôi và chờ chúng tôi quay lại trên chính con đường đó thì họ sẽ phải đợi dài cổ. Chúng tôi hành quân tới khu vực hạ cánh đã xác định và chờ ở đó cho tới lúc trời sáng.
Khi trời sáng, chúng tôi lộ diện để trực thăng đón. Giám sát viên cung cấp mã hiệu thông báo nhiệm vụ đã chính thức kết thúc: “Tuna, Tuna, Tuna.” Giờ thì chúng tôi có thể xả hơi được rồi, chúng tôi đứng thẳng dậy, vươn vai, bẻ khớp xương, tự thư giãn và đùa giỡn với nhau.
Một chiếc trực thăng Black Hawk đón chúng tôi tại một sân bay dã chiến, sau đó thả chúng tôi ở một sân bay gần đó. Tại đó chúng tôi lên máy bay.
Sau khi về tới Đội SEAL số 6, cả bốn chúng tôi chưa được về nhà ngay. Chúng tôi phải trả lời thẩm vấn, sau đó lau chùi vũ khí trang thiết bị, kiểm tra hư hại và sửa chữa nếu cần. Rồi sau đó sắp xếp trang thiết bị chuẩn bị cho lần tập trung kế tiếp để tập dượt hoặc tác chiến thật. Công việc này khiến chúng tôi mất khoảng ba giờ để chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị cho những phi vụ tiếp theo.
Bốn chúng tôi đi tới phòng chỉ dẫn phi công số 1100 để báo cáo với tâm trạng như những kẻ bại trận. Tướng Garrison cùng với đội trưởng Đội SEAL số 6, chỉ huy Đội Anh cả Đỏ (Red Team), phụ trách Đội Anh cả Đỏ và khoảng 8 tới 10 cán bộ chủ chốt khác của các đơn vị lân cận ngồi trước mặt chúng tôi.
Tướng Garrison là một người không chọn con đường binh nghiệp mà chính quân đội đã chọn ông. Trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông đã tới đó hai lần và được tặng thưởng Huân chương Anh dũng bội tinh với Ngôi sao Đồng Bronze Star vì lòng dũng cảm và Huân chương với Trái tim Đỏ tía Purple Heart vì những thương tật trong chiến đấu. Ông đã tham gia vào Chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix Program) nhằm triệt phá mạng lưới lãnh đạo của VC. Sau đó, ông làm việc trong Cơ quan hoạt động hỗ trợ của tình báo quân đội Mỹ và lực lượng Delta từ năm 1985 đến 1989. Đó là một người đàn ông cao dong dỏng, tóc nâu được húi cua. Ông ta ngậm phân nửa điếu xì gà đen xịt trên mồm. Đó là vị tướng trẻ tuổi nhất trong quân đội từ trước đến nay.
Đội trưởng của chúng tôi không thường xuyên tham gia vào các buổi trả lời thực hành huấn luyện, nhưng ông luôn muốn đảm bảo rằng những chàng lính hải quân của mình an toàn và quan trọng hơn là có phần trong buổi ăn tối cùng với Tướng Garrison.
Phụ trách Đội Anh cả Đỏ là Denny Chalker, có biệt hiệu là Snake − người từng là lính nhảy dù Airborne thế hệ 82 của quân đội; trước khi là tham gia Đội SEAL số 6, ông cũng là thành viên của đội SEAL và thuộc đơn vị chống khủng bố mang tên Echo Platoon của Đội 1. Ông là một chiến binh thực thụ.
Chúng tôi báo cáo tóm tắt về hoạt động trên máy bay, việc nhảy dù và về toàn bộ nhiệm vụ tấn công và hạ mục tiêu. Giám sát viên đã bí mật theo dõi khu vực hạ cánh xác định của chúng tôi. Họ thấy hai trong số chúng tôi cảnh giới trong khi hai người còn lại giấu dù. Thật may là chúng tôi đã thực hành giống như trong tác chiến thật. Tướng Garrison phát biểu: “Tin vui là kỹ năng tác nghiệp của lính bắn tỉa đơn vị anh rất tốt. Các anh đã ẩn nấp, di chuyển, hòa vào môi trường, đến được vị trí, quan sát và hoàn thành phát bắn. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì khi tất cả các anh đều bắn trượt mục tiêu. Anh báo với giáo viên giám sát là mục tiêu cách 600 m, trong khi thực tế là cách 742m. Một trong số các anh bắn trượt xa đến tận bậu cửa sổ. Niềm hy vọng duy nhất của các anh là quân địch chết vì đau tim hơn là vì bị bắn.”
Cả bốn lính bắn tỉa chúng tôi nhìn nhau, mặt mày xị xuống giống như vừa bị sút vào bụng.
Khuôn mặt của đội trưởng chảy xuống.
Tướng Garrison vẫn giấu chúng tôi hai điều. Thứ nhất là lính bắn tỉa thuộc Đội Anh hai Vàng (Gold Team) cũng không thực hiện nhiệm vụ thành công. Chỉ huy nhảy dù của họ không chỉ đúng địa điểm cần nhảy, do đó lính bắn tỉa của Đội Anh hai Vàng phải hành quân xuyên qua rừng trên quãng đường dài 13 km để tới mục tiêu. Tuy nhiên khi họ tới được mục tiêu thì đã quá muộn, vì thời gian cửa sổ mở trong 10 phút đã hết từ lâu. Thậm chí họ còn chẳng bắn được phát đạn nào.
Bí mật thứ hai là lực lượng Delta của Tướng Garrison cũng thất bại.
Nhưng vấn đề tồn tại lớn hơn là ở chỗ tại sao Đội SEAL số 6 phải đột nhập vào máy bay khi nó đang chuẩn bị cất cánh trong khi Delta thực hiện việc đó tốt hơn? Rồi tại sao Delta lại phải đột nhập tàu khi nó đang di chuyển trong khi Đội SEAL số 6 có thể làm việc đó tốt hơn?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.