Hồi Ký Của Một Tay Súng Bắn Tỉa

Chương 14. Đứng dậy từ những mất mát



Khi mặt trời đã lặn, nhân viên y tế mới đưa tôi đến bệnh viện dã chiến của Thụy Điển. Đầu óc tôi chìm sâu trong ý nghĩ rằng tôi có thể phải cưa chân. Tôi vô cùng sợ hãi. Tại bệnh viện, một y tá tiêm cho tôi một mũi moóc phin giảm đau nhưng nó chẳng có tác dụng gì. Hóa ra tôi thuộc 1% số người không có tác dụng với thuốc moóc phin. Người y tá này lại tiêm thêm cho tôi mũi nữa. Chân tôi vẫn đau kinh khủng. Họ xử lý vết thương: khoét bỏ những tế bào hỏng, nhiễm khuẩn và chết để giúp tôi mau khỏi. Sau đó, họ chuẩn bị chuyển tôi sang Đức.
Các nhân viên y tế đưa chúng tôi lên máy bay. Nội thất bên trong máy bay thật ấn tượng, trông giống như bệnh viện biết bay: có giường bệnh, các chai dung dịch truyền, thiết bị máy móc. Một y tá đi ngang qua tôi.

Tôi đưa tay ra và nắm lấy chân cô ta “Tôi đau quá. Xin hãy làm cái gì đó giúp tôi?”.

Cô y tá nhìn vào phác đồ điều trị của tôi và nói “Anh đã được tiêm hai mũi moóc phin rồi thì làm gì còn đau đớn nữa.” Sau đó, cô ta bỏ đi để xem xét các bệnh nhân khác.

Lát sau, một bác sĩ đến bên cạnh và nhìn tôi.

Đây là vết thương trong xương − một loại thương tật tồi tệ nhất.

Với một vết cắt phần mềm, cơ thể thể sẽ bù đắp bằng cách thắt các động mạch để giảm lưu lượng máu đến vùng thương tật, ngăn không cho máu chảy mãi. Nhưng với vết thương từ trong xương, cơ thể không thể làm được điều đó. Cơ thể xanh xao, mất máu của tôi run lên bần bật và mồ hôi túa ra khi tôi nghiến chặt răng, cố gắng không để vết thương hành hạ. Ổn định mạch đập, thở chậm, cố gắng chịu đau. Tôi đã từng làm điều này khi còn là một đứa trẻ nhưng tại sao nó vẫn không hết đau? Tôi có thể làm điều này khi còn là một đứa trẻ nhưng tại sao bây giờ tôi không thể? Đó là một cách thức đơn giản tôi từng áp dụng khi bị đau trong những lần ẩu đả thời con nít: tự thoát ra khỏi sự đau đớn và không để thể xác xâm lấn tâm trí. Nhưng tôi vẫn không thắng nổi những biểu hiện sợ hãi của cơ thể: người cứ run lên bần bật và mồ hôi vã ra nên tôi lại cố gắng tập trung lý trí để chống lại sự giằng xé của cơn đau.

Vị bác sĩ nói: “Cậu lính này đang đau lắm đây”, rồi ông tiêm cho tôi mũi giảm đau Demerol và hỏi “Cậu thấy thế nào?”.

Ngay lập tức tôi thấy cơn đau dịu đi và cảm ơn vị bác sĩ đó.

Người bác sĩ nói gì đó với nữ y tá. Sau đó, cô quay trở lại và xin lỗi tôi.

“Tôi xin lỗi, thành thật xin lỗi. Tôi không biết anh bị đau.” Cô nói mà gần như muốn khóc.

Chẳng biết chân của tôi có bị cưa cụt không? Chúng tôi hạ cánh xuống căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Lính Không quân đưa chúng tôi lên một chiếc xe buýt. Những người lính Không quân này rất vui vẻ và thân thiện. “Chúng tôi nghe nói các anh đã giành chiến thắng. Chúng tôi đến để chăm sóc cho các anh đây”. Họ làm chúng tôi cảm thấy thật phấn chấn.

Khi đến Trung tâm y tế vùng Landstuhl của Lục quân, bệnh viện lớn nhất ngoài lãnh thổ Mỹ, các bác sĩ đưa thẳng tôi đến phòng phẫu thuật.

Trong phòng điều hành, họ làm công tác chuẩn bị cho tôi. Một y tá đang chuẩn bị gây mê toàn thân.

Tôi vội nói “Tôi không muốn ngủ”.

Cô ta lý sự với tôi “Chúng tôi cần phải đưa anh vào giấc ngủ để còn phẫu thuật.”

“Tôi không muốn ngủ. Tôi biết mọi người muốn cưa chân của tôi.”

Cô ta và một nam y tá nữa ra sức đè tôi xuống nhưng tôi đã đẩy bật họ ra.

Tình hình khá căng thẳng khi bác sĩ phẫu thuật bước vào “Đang xảy chuyện gì vậy?”.

Cô y tá giải thích: “Bệnh nhân đang chống đối không chịu hợp tác, anh ấy không để chúng tôi gây mê toàn thân”. Bác sĩ phẫu thuật nhìn tôi. “Có vấn đề gì không?”
“Tôi chỉ sợ các ông sẽ cưa chân của tôi khi tôi đang chìm trong giấc ngủ. Tôi không muốn ngủ. Tôi xin các ông đấy”.

Bác sĩ phẫu thuật nói với người nữ y tá: “Hãy gây tê ngoài màng cứng cho cậu ta”.

Cô ta tiêm cho tôi một mũi vào thắt lưng giống như gây tê cho bà đẻ. Kiểu gây tê này sẽ làm mất cảm giác từ phần thắt lưng trở xuống.

Ông ta cầm tay và nhìn vào mắt tôi rồi nói: “Tôi là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình giỏi nhất trong Không quân. Tôi sẽ giữ lại chiếc chân cho cậu”.

Thái độ chân thành của ông khiến tôi cảm thấy khá an tâm.

Người bác sĩ tiến hành phẫu thuật trong khi tôi vẫn thức để xem. Khi chắc chắn rằng họ sẽ không cưa chân mình, tôi chìm vào giấc ngủ.

Sau đó, tôi tỉnh dậy vì thấy đau bên đùi phải. Thuốc tê đã hết tác dụng. Bác sĩ phẫu thuật dùng dụng cụ để lấy một miếng da ở đùi tôi. Ông bỏ miếng da vừa lấy được vào một chiếc máy trông giống như máy vắt phô mai. Ông sử dụng chiếc máy này để làm cho các lỗ chân lông nở ra. Sau đó, ông đặt miếng da vào vùng vừa phẫu thuật. Dần dần, tôi bắt đầu cảm nhận được sự đau đớn. Khi họ tiến hành ghép da lần thứ hai thì tôi hơi ngần ngại.

Nếu trường hợp của tôi xảy ra trong thời Chiến tranh với Việt Nam, các bác sĩ hẳn đã cắt bỏ chiếc chân của tôi. Nhờ những tiến bộ y học, tôi đã giữ lại được chân của mình.

Sau khi hoàn tất việc phẫu thuật, họ đẩy tôi vào phòng hậu phẫu. Người y tá treo một bơm điện vào giường của tôi và căn dặn: “Nếu thấy đau, chỉ cần bấm nút này, anh sẽ hết đau. Tuy nhiên chỉ khi nào anh thực sự đau đớn thì mới bấm nút để tự tiêm cho mình liều thuốc giảm đau.”

“Thật tuyệt.” Tôi ấn nút hai lần liền và tôi chìm vào giấc ngủ.

Khi thức dậy, tôi không còn có khái niệm thời gian. Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng rên rỉ: “Trời ơi, đau quá! Trời ơi, đau quá!”

Giọng y tá vang lên: “Chờ một chút, chúng tôi sẽ tìm một chiếc bơm điện cho anh”.

Tôi đưa mắt nhìn sang và nhận ra người đang kêu đau chính là cậu biệt kích Ranger dũng cảm, người bị một vết thương ở chân, hai vết thương ở vai và một vết thương ở cánh tay nhưng vẫn kiên cường nạp đạn giúp chúng tôi trong trận đánh ở Mogadishu.

Sau một lúc khá lâu mà người y tá vẫn chưa mang bơm điện cho cậu ta. Có thể do bệnh viện chưa kịp chuẩn bị với nhiều thương binh đến cùng một lúc như thế này.

Cậu lính biệt kích tiếp tục kêu đau. Tôi gọi tên cậu ta.
Cậu ta đưa mắt nhìn tôi và thốt lên vui mừng “Chào, Thượng”. Lính biệt kích Ranger thường gọi tắt “Thượng sĩ” là Thượng.

Tôi vươn tay ra cầm lấy một đầu chiếc chổi lau sàn để dựa bên tường, ngay gần giường của tôi, rồi tôi đưa đầu còn lại cho cậu lính biệt kích và nói “Nắm lấy này”.

Cậu ta cầm lấy đầu cây gậy.

Tôi nói: “Chúng ta hãy kéo hai giường lại sát nhau nhé.”

Chúng tôi kéo cho đến khi bánh xe dưới gầm giường của mình chạm vào nhau. Khi hai chiếc giường đã sát vào nhau, tôi tháo kim của mình ra và cắm ven cho cậu lính biệt kích, sau đó ấn nút hai lần. Do đã sử dụng gần như toàn bộ sức lực nên tôi không còn đủ sức để đẩy hai giường rời nhau ra nữa. Cả hai cùng chìm vào giấc ngủ.

Khi người y tá trở lại, cô ta vô cùng tức giận và la toáng lên “Có chuyện gì với hai chiếc giường này vậy? Có chuyện gì? Tại sao anh lại cho cậu ta thuốc của anh? Nếu cậu ta có phản ứng với loại thuốc này thì hẳn anh đã giết chết cậu ta rồi đó!” Cô ta lấy chiếc kim ra khỏi cậu lính biệt kích và cắm trả lại cho tôi.

Một bác sĩ hàm đại tá nhìn tôi và nói “Này, cậu lính, cậu nghĩ cậu điều hành bệnh viện này hả?”.

Tôi vội giải thích, “chúng tôi cùng sát cánh chiến đấu bên nhau. Cậu ấy đang bị cơn đau hành hạ. Tôi chỉ muốn làm cho cậu ta hết đau thôi. Còn nếu ngài muốn thì ngài có thể bắn chết tôi.”

Vị bác sĩ này cười nụ với tôi. Ông kéo nữ y tá ra cuối phòng và nói: “Những chàng trai này được huấn luyện phải biết chăm sóc lẫn nhau. Bỏ qua cho họ lần này đi.”

Nữ y tá quay lưng lại với tôi trong khi vị bác sĩ quay lại và nháy mắt với tôi. Sau đó, ông rời khỏi phòng.

Ngày hôm sau, tôi thấy da đầu ngứa ngáy, khó chịu. Tôi đưa tay lên gãi. Một cục màu đen bám vào phần trong móng tay. Trong trận đánh ở Mogadishu, tôi đã cõng một cậu lính biệt kích Ranger, máu của cậu chảy ra đầu tôi. Những cục màu đen trên đầu tôi chính là máu đã khô lại.

Bác vợ tôi, Earl đến Đức thăm một chi nhánh công ty của ông tiện thể ghé thăm tôi sau khi nghe tin. Khi thấy tôi, ông chỉ nhìn chằm chằm một lúc rồi quay lưng rảo bước ra khỏi phòng đến gặp nhân viên chăm sóc và quát lên “Wasdin đang nằm lẫn với nước tiểu kia kìa!” Tôi không hề hay biết điều này bởi sau khi tiêm thuốc tê ngoài màng cứng, tôi không còn kiểm soát được bàng quang của mình nữa. Rồi tôi nghe thấy ông bác nói tiếp “Người cậu ta bẩn hết rồi!”

Các nhân viên bệnh viện cố tìm cách trấn tĩnh bác tôi.

Bác Earl mất bình tĩnh và tiếp tục quát: “Tôi muốn các người lau người cho cậu ấy! Thay quần áo sạch cho cậu ấy! Cho cậu ấy đánh răng! Tốt nhất là các người làm ngay đi nếu không tôi sẽ gọi điện cho Washington ngay bây giờ và không để các người yên đâu!”

Có thể do nhân viên bệnh viện quá bận rộn vì chúng tôi nhập viện đột xuất với số lượng khá đông nên họ chăm sóc không xuể. Dù vậy, chỉ sau vài phút một nhân viên chăm sóc đã có mặt gội đầu cho tôi. Tôi thấy thật mái. Sau đó, nhân viên đó đưa cho tôi chiếc bàn chải và tôi đánh răng. Người nhân viên này cũng thay luôn cả tấm đệm dù nó đã được bọc nhựa và không bị thấm ướt gì. Họ đưa cho tôi một chiếc áo choàng mới. Tôi thấy tốt hơn rất nhiều.

Bác Earl mang vào một chiếc xe lăn và nói “Cháu còn cần cái bác giúp gì nữa không?”.

“Dạ, cháu muốn ra ngoài”. Ông giúp tôi ngồi vào xe lăn và đẩy tôi đến cửa hàng đồ lưu niệm. Ông mua cho tôi một chiếc quần len, một chiếc áo len, một chiếc mũ tròn và một con gấu nhồi bông. Bác tôi bảo nhân viên thu ngân: “Cô có thể cắt bỏ hai ống chiếc quần len này lên ngang đầu gối được không?”

Cô ta nhìn bác tôi thoáng vẻ bối rối và quay ra nhìn tôi rồi ngọt ngào đáp “Được chứ ạ”. Nhân viên thu ngân lấy ra chiếc kéo và cắt bỏ ống quần theo yêu cầu của bác tôi, sau đó cô đưa chiếc quần cho bác tôi.

“Cám ơn”. Bác Earl đưa tôi vào phòng thay đồ của quầy lưu niệm và mặc chiếc quần len cho tôi trùm qua phần cố định bên ngoài. Bác sĩ phẫu thuật khoan bốn lỗ vào chỗ xương không bị thương, gần đoạn dập gãy, sau đó, cắm bốn đinh vào xương. Bên ngoài chân, họ dùng miếng thép gắn bốn đinh lại để cố định các đinh. Những chiếc đinh và miếng thép tạo thành bộ phận cố định phía ngoài. Sau đó, bác Earl mặc áo len và đội mũ giúp tôi.

Ông đẩy xe ra khỏi phòng thay đồ và đến quán ăn tự chọn lấy vài cốc bia Hefeweizen. Đây là loại bia lúa mạch không lọc truyền thống của Đức. Loại bia này không đắng và nhiều cacbon hơn loại bia lọc. Ông hỏi tôi: “Cháu muốn gì nữa không?”

“Bác có thể đẩy cháu ra sân phơi nắng được không ạ?”

Ông đẩy xe ra ngoài và chúng tôi ăn uống ở đó. Sau khi được lau rửa sạch sẽ, thay quần áo thơm tho và ngồi uống bia dưới ánh sáng mặt trời, tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Tôi uống nửa cốc bia rồi đi ngủ. Sau này, tôi tặng con gấu bông cho cô con gái Rachel.

Hôm sau, cậu lính của Delta bị thương ở vai đến thăm tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau về trận đánh. Cậu nói “Lúc đầu, tôi không đánh giá cao các anh vì nghĩ các anh không thực sự là thành viên trong đội của chúng tôi. Nhưng các anh thật tuyệt. Chúng tôi không nghĩ SEAL lại đánh hay như thế! Đặc biệt là anh! Tôi nhìn thấy anh vài lần trong trận đánh. Ước gì tôi được đi chung với anh nhiều hơn trước khi trận đánh diễn ra.”

“Cám ơn” – tôi nói.

“À này, Brad đang ở tầng dưới. Anh có muốn gặp anh ấy không?” “Đương nhiên là muốn rồi”.
Cậu đẩy xe đưa tôi đến gặp Brad, một trong số những tay súng bắn tỉa của Delta. Tôi thấy chân Brad bị cắt cụt – chân của Brad bị gãy lìa khi chiếc trực thăng anh ngồi bị trúng đạn RPG. Brad bắt tay tôi và nói: “Anh không cưa bỏ chân mà lại muốn đóng đinh à?” Brad nói tựa như mọi thứ vẫn rất bình thường với anh vậy. Anh chìa gói sợi thuốc loại Copenhagen ra mời tôi.

Tôi lấy một ít cho vào miệng.

Ba chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm với nhau.

“Ô, họ vẫn giữ được chân cho cậu à?” – Brad hỏi.

“Tôi nghe họ nói chỉ cần vết thương của tôi nhích lên trên một cm nữa, họ sẽ buộc phải cưa cụt. Brad đón nhận sự mất mát nhẹ nhàng hơn tôi mặc dù một chiếc chân của anh đã bị cắt bỏ. Lúc đó, tôi thấy buồn với chính mình. Giận Trời và Chúa. Anh ấy không còn chân nhưng vẫn giữ thái độ vui vẻ.

Nhìn thấy Brad vui vẻ, tôi cũng cảm thấy phấn chấn hơn. Brad là lính bắn tỉa của Delta ngồi trên chiếc Black Hawk 62. Cùng bay trên chiếc trực thăng đó là hai tay súng bắn tỉa khác của Delta, Gary Gordon và Randy Shughart. Họ bay phía trên chiếc trực thăng thứ hai bị bắn rơi và nhìn thấy Mike Durant đang di chuyển. Một đám đông người Somali khép dần vòng vây. Lúc này không còn ai bên cạnh, Mike đơn độc một mình. Ba tay súng bắn tỉa và các tay súng khác liên tục nhả đạn vào đám đông từ trên trực thăng.

Brad, Gordon và Shughart nhìn nhau và gật đầu. Gordon nói với viên phi công, “Hãy để ba chúng tôi đến hỗ trợ chiếc trực thăng Black Hawk 64”.

Viên phi công gọi về Trung tâm chỉ huy “Ba lính bắn tỉa đề nghị được giúp chiếc 64”.

“Không được. Có quá nhiều địch ở phía dưới. Không thể mạo hiểm được”.

Khi một tay súng bên cửa máy bay bị trúng đạn, Brad cầm luôn khẩu súng máy. Mọi người đều cần khẩu súng lớn trong trận đánh để chế áp đối phương.

Đám đông trên mặt đất tiến sát lại chỗ chiếc trực thăng bị rơi của Mike.

Gordon thét lên: “Cho hai chúng tôi xuống.”

Viên phi công lại gọi về Trung tâm chỉ huy “Hai lính bắn tỉa của Delta xin lệnh hỗ trợ chiếc máy bay bị rơi chừng nào lực lượng giải cứu tới.”

“Không được.”

Gordon nhất định đòi xuống bằng được.

Viên phi công hạ thấp độ cao máy bay. Brad dùng súng máy bắn yểm trợ để Gordon và Shughart đu dây xuống.

Trên mặt đất, hai tay súng bắn tỉa bình tĩnh đưa Mike và các thành viên phi hành đoàn khác đến vị trí an toàn hơn với vị trí bắn tốt hơn. Sau đó, Gordon và Shughart chiếm lĩnh vị trí phòng thủ ở phía đối diện với chiếc trực thăng bị bắn hạ, lạnh lùng bắn hạ từng tên địch một. Gordon sử dụng súng CAR-15, còn Shughart dùng khẩu M-14.

Đột nhiên, Gordon hét lên: “Tôi trúng đạn rồi”. Sau đó, tiếng súng của Gordon câm bặt.

Shughart lấy khẩu CAR-15 của Gordon đưa cho Mike. Shughart tiếp tục chiến đấu. Khi súng của Shughart hết đạn, anh quay lại chỗ chiếc trực thăng bị bắn hạ và gọi điện về Trung tâm chỉ huy.

Anh đi ra phía trước trực thăng và tấn công đám đông bằng khẩu súng lục, buộc đám đông phải lùi lại. Súng của Shughart hết đạn, đám đông phản kích, giết chết anh.

Xác các tay súng Somali nằm rải rác trên đất quanh xác các lính bắn tỉa đã ngã xuống. Shughart và Gordon là những người đen đủi nhất trong số những người bị sát hại. Đám đông trả thù họ bằng cách kéo lê xác của họ trên đường phố và sau đó cắt thành nhiều khúc. Họ bắt sống Mike và giữ anh làm con tin với hy vọng dùng anh để trao đổi tù binh. Sau đó, Mike được trả tự do.

Phần thưởng cao nhất trong quân đội là Huân chương được trao cho hai lính bắn tỉa của Delta: Gary Gordon và Randy Shughart.

Một hôm, Đại tướng Henry Hugh Shelton, Tư lệnh Bộ các chiến dịch đặc biệt của Mỹ, đến thăm tôi ở bệnh viện và tặng tôi huân chương Anh dũng bội tinh với Trái tim đỏ tía (Purple Heart) và Huy chương của Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt. Sự chân thành, chu đáo và những lời khích lệ của ông đã khích lệ tôi rất nhiều.

Ông hỏi: “Bệnh viện chăm sóc cậu tốt chứ?” “Vâng, thưa ngài.”
Tướng Shelton hỏi tôi về tinh thần chiến đấu của các biệt kích Ranger trong trận đánh ở Mogadishu.

“Họ chiến đấu dũng cảm, thưa ngài.” – Tôi trả lời.

Nghĩ một lát rồi tôi hỏi: “Thưa ngài, chẳng lẽ chúng ta lại bỏ dở sứ mệnh của mình?”

“Không, chúng tôi đưa xe tăng vào và hoàn thành nốt phần sứ mệnh còn lại.”

Tôi tin những điều ông nói là sự thật nhưng Nhà Trắng đã không bao giờ cho phép điều đó xảy ra.

Tôi ở Trung tâm y tế vùng Landstuhl khoảng một tuần trước khi họ dùng máy bay chở tôi và những người khác đến Căn cứ Không quân Andrews ở Mary Land. Khi họ đưa tôi xuống máy bay, Laura và hai con của tôi ùa ra đón. Cậu con trai Blake 8 tuổi chạy đến bên tôi và choàng tay quanh ngực. Laura đang mang thai, trên tay cô là bé Rachel 3 tuổi. Ở độ tuổi này, Rachel còn quá nhỏ để hiểu được những điều đang xảy ra.

Sau một đêm ở lại Mary land, tôi được đưa đến trụ sở của Đội ở Dam Neck. Tôi nói với họ rằng mình muốn vào Bệnh viện Lục quân Fort Stewart ở Georgia để phục hồi chức năng. Bệnh viện này cũng là nơi Blake cất tiếng khóc chào đời, cách nhà tôi khoảng 30 phút lái xe. Đội tặng tôi một chiếc xe lăn trọng lượng nhẹ, làm từ hợp chất composite, có giá tới hàng nghìn đô-la. Gia đình bốn người chúng tôi sống với bố mẹ vợ ở Odum, Georgia trong suốt thời gian phục hồi chức năng.

Khi nghe tin Delta sẽ tổ chức lễ truy điệu cho những binh lính tử trận, tôi cũng muốn đi dự. Quân đội điều một máy bay vận tải cỡ nhỏ C-12 đến đón tôi tại Sân bay Lục quân Hunter ở Savannah. Tôi bay đến buổi lễ truy điệu được tổ chức tại quân doanh của Delta ở Fort Bragg. Đón tôi tại sân bay là Tim Wilkinson và Scotty, PJ và Dan Schilling, CCT trong chiếc xe thể thao SUV. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được gặp lại những người bạn cũ từng sát cánh bên nhau ở nhà chứa máy bay tại Somali. Mặc dù họ là lính không quân nhưng chúng tôi đã cùng chiến đấu bên nhau ở Mogadishu. Điều này làm tôi cảm thấy gần gũi với họ còn hơn cả những đồng đội trong Đội đặc nhiệm SEAL số 6. Không quân trao huân chương Danh dự hạng nhì và Bội tinh chiến công cho Tim. Scotty được trao Ngôi Sao bạc, Huân chương danh dự hạng ba trong quân đội. Dan được nhận Ngôi Sao đồng, Huân chương danh dự hạng dưới của Ngôi Sao bạc.

Họ đẩy tôi qua một bức tường, ở đó có khắc tên của những đặc nhiệm Delta đã ngã xuống. Tôi thấy sáu đôi ủng dã chiến, sáu khẩu súng trường M-16 với các lưỡi lê giương lên, sáu lưỡi lê ở báng các khẩu súng trường này và các bức hình chân dung của các đặc nhiệm tử trận: Dan Busch, Earl Fillmore, Randy Shughart, Gary Gordon, Tim Griz Martin, và Matt Rierson.

Tôi nhớ Griz là người có một vết chàm lớn trên mặt. Griz là người vui nhộn, luôn nghĩ ra những trò đùa mới lạ và vui vẻ.

Tại buổi Lễ truy điệu tổ chức ở trong phòng, Đức Cha dẫn dắt mọi người đọc kinh cầu nguyện cho những người đã ngã xuống.

Những người vợ đầm đìa nước mắt. Nhìn vẻ mặt của cha mẹ Dan Busch thì biết ông bà hụt hẫng như thế nào. Dan là con một trong gia đình và mới chỉ 25 tuổi đời − một độ tuổi mà ít ai nghĩ đủ khả năng để được lựa chọn vào Delta.

Dan là một người rất ngoan đạo. Tôi chưa bao giờ nghe cậu ta báng bổ Chúa. Tôi nhớ có một ngày sau bữa ăn trưa, chúng tôi xoa dầu chống nắng và phơi nắng trên nóc của một tòa nhà bên ngoài nhà chứa máy bay ở Mogadishu. Trong khoảng thời gian rỗi ít ỏi này, tôi đã trò chuyện khá nhiều với Dan Busch.

Một trung sĩ điểm danh lần cuối. Mọi người đều đáp “Có” khi được gọi đến tên, ngoại trừ sáu người đã ngã xuống. Đội tiêu binh bắn ba loạt đạn. Đội kèn thổi bài hành khúc trong lễ truy điệu.

Trong nghề nghiệp của mình, ngay từ khi chấp nhận công việc này, chúng tôi biết sẽ có những buổi như ngày hôm nay. Tuy nhiên, chứng kiến sự đau khổ của các bậc sinh thành, của những người vợ và những đứa con thơ, tôi thực sự đau lòng. Các chàng trai này đã ra đi, Dan đã ra đi. Sao tôi vẫn còn sống mà họ thì không? Dan Busch là người tốt hơn tôi, ngoan đạo hơn tôi. Tại sao anh lại chết còn tôi thì không? Tôi cảm thấy tội lỗi khi sống sót trở về.

Kết thúc buổi lễ truy điệu, khi Scotty, Tim và tôi đang trò chuyện với nhau thì một đặc nhiệm Delta hỏi tôi là ai. Họ không nhận ra tôi trong bộ râu dài, rậm chưa cạo. Tôi quá yếu và chẳng còn hơi sức để cạo râu nữa.

Scotty và Tim nói cho cậu ta tôi là ai.

“Ôi, lạy Chúa”, cậu đặc nhiệm này đi đến chỗ các đặc nhiệm Delta khác và nói “Này Wasdin đang ở đây đấy!”

Họ vây quanh tôi, đưa tôi đến phòng đợi của Phi đội Charlie và nhét vào tay tôi hai cốc bia. Chúng tôi trò chuyện với nhau và họ cười ầm lên khi nghe tôi kể chuyện bơm thuốc cho cậu biệt kích Ranger ở bệnh viện Landstuhl. Sau đó, Delta tổ chức một bữa tiệc nhưng tôi bị sốt và không còn sức lực để vui cùng với họ. Tôi về phòng khách sạn của mình trước.

Chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Les Aspin tham dự lễ truy điệu. Phần lớn nội các trong chính quyền Clinton đều hy vọng trận đánh ở Mogadishu sớm đi vào dĩ vãng và muốn người dân Mỹ lãng quên trận đánh này.

Sáng hôm sau, tôi trở về Georgia. Ngay khi về tới Georgia, tôi đến bệnh viện khám định kỳ. Tôi bị chứng tiêu chảy. Cơn sốt làm bệnh trầm trọng thêm. Toàn thân đau nhức. Tôi cảm thấy mất phương hướng. Tôi nghĩ chắc mình đang chết đây. Một nhóm nhân viên y tế đến bên, tiêm vào mông hai mũi và cho tôi truyền dịch. Họ tháo băng trên chân tôi ra và bắt đầu kiểm tra. Một bác sĩ hỏi tôi: “Cậu vừa đi đâu về? Chúng tôi liên lạc với gia đình cậu nhưng cậu không có ở nhà. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cậu bị nhiễm khuẩn cầu chùm.” Khuẩn cầu chùm đã bò vào người tôi qua những chiếc đinh ghim ở chân. Điều này phần nào giải thích tại sao tôi thấy không còn chút sức lực nào để có thể dự tiệc cùng Delta sau buổi lễ truy điệu.

Trên giường bệnh, tôi nhổm dậy, nhìn xuống phần chân và lẩm bẩm: Mình đang chết đây. Loại khuẩn cầu chùm này còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh.

Ngày hôm sau, bác sĩ tỏ ra bực bội với tôi và nói “Nếu đồng ý để tôi chăm sóc thì cậu phải cho chúng tôi liên lạc với cậu. Nếu không, cậu phải quay trở lại Virginia để các bác sĩ hải quân chăm sóc.” Ông ấy thực sự sợ hãi. Người bác sĩ đã rất ưu ái khi để tôi phục hồi chức năng ở bệnh viện của ông ấy, vậy mà tôi lại đem đến cho ông sự sợ hãi.

“Vâng, thưa bác sĩ.”

Họ giữ tôi trong bệnh viện vài ngày cho đến khi tôi hồi phục.

Ngồi ở nhà trên chiếc xe lăn, tôi mới thấy rõ mình đã phạm lỗi về lòng dũng cảm và cảm thấy có lỗi với bản thân. Tôi trượt sâu vào khủng hoảng. Thức dậy vào sáng hôm sau, tôi phải chăm sóc các đinh ghim bằng cách sát trùng những phần xung quanh bốn chiếc đinh thò ra phía ngoài chân. Nếu tôi không làm, các vi khuẩn có thể lại bò theo các đinh ghim vào xương tôi – lại gây ra nhiễm khuẩn cầu chùm như lần vừa rồi và suýt chút nữa lấy đi tính mạng của tôi. Sau đó, tôi băng bó vết thương lại. Quá trình này mất khoảng 40 đến 50 phút. Cứ hai ngày tôi lại lau rửa một lần. Tự lau rửa các đinh ghim khá vất vả. Tôi nhờ vợ và em vợ giúp nhưng họ chẳng có bụng dạ nào làm việc đó cho tôi. Trông vết thương thật kinh tởm với bốn đinh ghim thò ra phía ngoài chân. Phần da ở chỗ đinh ghim trông muốn buồn nôn và có thể nhìn thấy phần thịt bên trong.

Cả ngày tôi chỉ quanh quẩn trong các bức tường. Tôi không quen bị nhốt trong nhà và sự trầm cảm ngày càng đè nặng lên tôi. Tôi phải ra ngoài mới được. Theo đó, tôi quyết định tự làm những công việc bình thường và thường nhật. Nhưng thật không ngờ những việc đơn giản như đi chợ mua sắm hàng ngày lại làm tổn hại lòng tự trọng của tôi. Một ngày nọ, khi đang tự xoay xe trong lối đi ở Siêu thị Winn-Dixie ở Jesup, Georgia, tôi bắt đầu cảm nhận được sự thoải mái khi ra khỏi nhà, góp chút công sức nhỏ mọn cho gia đình.

Một người phụ nữ béo phì nhìn chằm chằm vào chân tôi. Mặt bà ta nhăn mặt lại như thể vừa ăn phải chanh chua. Tôi đã mang bên ngoài chân là chiếc quần len để che lấp phần cố định vết thương, nhưng các đinh ghim vẫn lộ ra ngoài. Bà ta nói: “Tại sao anh không ở nhà? Anh không thấy vết thương của anh làm người ta phát ớn thế nào à?

Tôi bị thương ở chân là để bảo vệ tổ quốc của bà − tổ quốc của chúng ta. Có thể đây là cách một người dân Mỹ bình thường nhìn tôi. Có phải họ muốn nhìn thấy chúng tôi chết vì họ nhưng lại không muốn nhìn thấy chúng tôi bị thương như thế này? Tôi cảm thấy buồn cho bản thân vì bà ta không biết tôi là ai và vì sao tôi bị thương. Câu nói này đã xúc phạm tôi và lúc đó tôi muốn đáp trả nhưng lại không thể. Những lời lẽ xúc phạm càng làm tôi chìm sâu vào trầm cảm.

Ở nhà, tôi lăn xe quanh nhà, ăn uống và xem ti vi để giết thời gian. Tôi không thể tắm vì không được phép để các đinh ghim bị ướt. Tôi phải gội đầu bằng chậu và chỉ lau người bằng khăn tắm.

Tôi tiếp tục đến bệnh viện Fort Stewart để phục hồi chức năng. Họ sử dụng phương pháp bồn xoay nước nóng chữa chân trái của tôi. Phương pháp này làm bong phần thịt chết ra ngoài. Nó làm tôi đau muốn chết, như thể bị trúng đạn lần nữa vậy. Họ đưa cho tôi đôi nạng. Họ đỡ dậy và đặt tay tôi vào thanh nạng. Vết thương dày vò làm tôi không nén được sự đau đớn, nước mắt cứ tràn ra. Tôi đã không vận động trong một thời gian khá dài. Sau đó, họ phẫu thuật cho tôi. Họ còn tiến hành phẫu thuật thêm ba lần nữa.

Đồng hồ sinh học của tôi không kịp điều chỉnh vì tôi liên tục di chuyển, ban đầu là ở châu Phi, rồi sang Đức và bây giờ là Mỹ. Thời gian rảnh nhiều nên tôi hay ngủ vặt ban ngày và điều này làm tôi khó ngủ vào ban đêm.

Đau xương quả là vấn đề. Chừng nào những chiếc đinh còn trong chân, tôi vẫn còn đau. Thật dễ hiểu tại sao mọi người hay sử dụng thuốc giảm đau để cắt cơn đau. Nhưng tôi không đếm xỉa đến những loại thuốc này bởi nó chỉ làm người tôi tê dại đi mà thôi. Ở một mức độ nào đó, tôi muốn được nhấm nháp sự đau đớn, tội lỗi vì trong khi tôi sống sót thì rất nhiều đồng đội tốt của tôi, đặc biệt là Dan Busch đã ngã xuống. Tôi nghĩ có lẽ tôi thật kỳ cục khi gặm nhấm nỗi đau theo kiểu này.

Không còn ở quân doanh Đội đặc nhiệm SEAL số 6 và không còn đồng đội nào bên cạnh, tôi mắc triệu chứng khép mình lại do bị tách rời khỏi đồng đội. Tôi cũng vấp phải cú sốc về văn hóa. Mọi người trong khu phố có thể nói chuyện với tôi về cuộc sống của họ nhưng tôi lại không thể kể cuộc đời tôi cho họ nghe. Tôi không thể kể cho họ nghe về những tuần tập luyện vất vả, cũng không thể làm họ cười bằng chuyện tôi tiêm thuốc cho cậu biệt kích khi ở chung trong bệnh viện tại Đức. Mọi người xung quanh chẳng thể hiểu nổi. Tôi bắt đầu học cách im lặng trong các câu chuyện phiếm. Giờ đây tôi mới hiểu mình khác lạ với người xung quanh biết chừng nào. Không có đồng đội bên cạnh, tôi cảm giác mình bị lãng quên. Không còn các sứ mệnh phải thực thi, tôi mất đi cảm giác về chất hoóc-môn ở tuyến thượng thận tiết ra. Bây giờ, tôi thậm chí còn không đi lại được. Theo văn hóa của SEAL, tôi là kẻ bại trận đáng xấu hổ. Tôi ghét thế giới này nói chung và ghét Chúa nói riêng. Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?

Sau này ngồi ngẫm lại, tôi ngộ ra rằng hẳn Chúa muốn tôi hiểu, tôi chỉ là một người bình thường và rằng lính đặc nhiệm cũng chỉ là một nghề không hơn không kém. Howard, con quá cứng đầu mà không chịu nghe Ta sau khi con bị trúng đạn lần đầu. Con cũng không nghe Ta sau lần thứ hai bị trúng đạn. Nào lại đây, cậu bé, hãy để Ta cho con gánh chịu nỗi đau lần thứ ba. Bây giờ con đã hiểu chưa? Con không phải siêu nhân. Con chỉ là người Chúa phái đi thực hiện các sứ mệnh đặc biệt chừng nào còn đủ sức. Con ở đâu đều do Ta quyết định, chứ không phải do con. Đây chính là điều Ta muốn con nhớ lấy. Bây giờ, con đã hiểu, hãy để Ta tạo tác thêm cho con. Con vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh. Chúa đã làm cho tôi biết khiêm nhường và đưa tôi trở lại với thế giới thực, làm cho tôi trở thành người cha của những đứa con theo đúng nghĩa. Ở thời điểm đó, chẳng ai khuyên tôi những điều như thế cả nhưng nhìn lại, bị thương ở chân chính là món quà quý báu nhất đối với tôi.

Một ngày nọ, anh bạn thân của tôi gọi điện đến. Ở nông trại của anh, có một giống hươu lai đặc biệt được anh lai tạo từ loài hươu đuôi trắng Mỹ.

Anh ta bảo tôi: “Hãy đến chỗ tôi và chúng ta cùng săn bắn một chút.”

“Được! Được! Hãy đến đây và đưa tôi ra khỏi căn phòng chán ngắt này!”

Anh đi xe bán tải đến đón rồi đưa tôi đến nông trang. Anh đặt chiếc xe lăn của tôi xuống đất. Anh đẩy tôi đi khoảng 30 m qua các bụi cây nhỏ, rồi anh dừng lại. Anh chỉ tay về một chấm nhỏ cách chừng 150m và nói “Con hươu thường hay xuất hiện chỗ đó.”

Súng săn của tôi là khẩu Magnum cỡ nòng 7 li có kính ngắm chuẩn. Lòng tôi tràn ngập hạnh phúc. Tôi ngồi đó đợi khoảng một tiếng rưỡi.

Một con hươu đực xuất hiện. Ngồi trên xe lăn, tôi tì báng khẩu súng săn lên vai, bóp cò và con hươu gục ngã. Một cú bắn hoàn hảo. Sau khi đặt khẩu súng xuống đất, tôi đẩy xe đến chỗ con vật. Phải mất một lúc khá lâu tôi mới tới được chỗ con hươu bị trúng đạn.

Tôi dừng xe bên cạnh con hươu. Đó là con hươu đực rất đẹp. Nó ngước mắt nhìn tôi, khịt khịt mũi, rồi ngả đầu ra phía sau. Nó hộc lên lần cuối. Chứng kiến con hươu chết, tôi đâm ra nghĩ ngợi. Tao muốn ra ngoài và nhìn mày chứ không muốn lấy đi mạng sống của mày. Tao đã chứng kiến quá nhiều cảnh chết chóc rồi.

Tôi nhấc con hươu lên và cắt đầu nó treo vào xe lăn. Ở miền Nam Georgia, săn bắn là thú tiêu khiển được nhiều người ưa thích. Các chàng trai xuất phát từ lúc tảng sáng và ngồi nấp sau các cây đợi con mồi xuất hiện. Tôi luôn sẵn sàng giết người để cứu bản thân hoặc một người nào đó − sẵn sàng giết người khi thực thi nhiệm vụ − nhưng từ đó tôi không bao giờ đi săn bắn nữa.

Những người đến bệnh viện để phục hồi chức năng cư xử với tôi như một người nổi tiếng. Vào thời điểm đó, tôi là người duy nhất trong bệnh viện bị thương khi tham chiến. Cứ mỗi lần tôi đến bệnh viện, năm hoặc sáu người lại chạy đến bắt chuyện với tôi.

Sau sáu hay bảy tuần gì đó, cháu gái tôi kiếm cho tôi một thiết bị bịt vết thương bảo đảm nước không thấm vào. Nhờ thiết bị này, tôi đã có thể tắm được. Tôi đứng một chân trong bồn tắm và xoa dầu gội lên tóc. Tôi cảm thấy đây là món quà quý báu nhất tôi từng nhận được.

Đầu tháng Mười hai, sau hai tháng dài nhất trong cuộc đời mình, khu phố của tôi Screven, Georgia tổ chức lễ chào đón tôi − anh hùng của thành phố − bằng việc tổ chức tuần hành trong dịp Giáng sinh. Băng rôn, khẩu hiệu treo khắp mọi nơi. Một tấm bích chương lớn được treo trước khách sạn với hàng chữ: Chào mừng Howard trở về, người hùng của phố. Phía dưới là chữ ký của mọi người trong thành phố. Gần như tất cả 900 người trong khu phố đều ký tên vào tấm bích chương này. Mọi người từ Hạt Wayne đổ ra đường phố thành những hàng dài để nhìn mặt tôi và chúc tôi mau lành bệnh. Họ không hay biết những nỗi đau thể chất, tinh thần, sự mất mát, sự khủng hoảng đã tra tấn tôi như thế nào trước khi họ vinh danh tôi như hôm nay. Họ không thể hiểu hết những hành động này có ý nghĩa như thế nào đối với tôi. Giờ tôi không còn cảm giác là kẻ bại trận nữa.

Mike Durant, cơ trưởng của chiếc Black Hawk số hiệu 64, chiếc trực thăng thứ hai bị bắn hạ trong trận đánh ở Mogadishu, bị gãy cả chân và lưng. Abdullahi “Firimbi” Hassan, Bộ trưởng Tuyên truyền của Aidid, giữ anh làm tù binh khoảng 11 ngày. Sau đó, Mike và một tù binh của Nigeria được những tên bắt cóc đưa đến Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Somali. Một trong số những tên bắt cóc Durant đã kéo từ cổ ra chiếc thẻ an ninh, do Liên Hợp Quốc cấp cho hắn, đưa cho đưa cho lính canh. Họ ra hiệu cho hắn vào. Lực lượng canh gác ở trạm kiểm soát lúc đó không nhận ra Mike đang ngồi trong xe. Không ai biết điều này chỉ khi Mike đã được đưa đến đường băng. Những kẻ bắt cóc giao anh cho Tổ chức Chữ thập đỏ. Liên Hợp Quốc đã chứng minh với kẻ địch rằng họ là những người đáng tin cậy, nhưng tôi luôn cảm nhận Liên Hợp Quốc không chứng minh cho chúng tôi thấy mình có thể tin cậy họ. Bạn chỉ nên tin cậy những người cùng huấn luyện và chiến đấu với bạn. Tôi đã từng huấn luyện với các đơn vị chống khủng bố người nước ngoài và tôi tin tưởng họ. Sự vồn vã của lực lượng canh gác ở trạm kiểm soát của Liên Hợp Quốc dành cho tên bắt cóc Durant và kẻ bắt cóc Durant có thẻ an ninh do Liên Hợp Quốc cấp đã xác nhận sự mất niềm tin của tôi đối với Liên Hợp Quốc là đúng.

Mike Durant và tôi gặp nhau tại Căn cứ Không quân Fairchild ở Spokane, Washington. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau kể từ khi rời Somali. Chúng tôi đến đây để tham gia khóa học về cách tự tồn tại, lẩn trốn, chịu đựng và tẩu thoát. Mặc dù khóa học này giống với khóa học tại Căn cứ Không quân của Hải quân ở Brunswick, Maine với kịch bản bị kẻ địch săn tìm, rồi bị bắt giam và tra tấn nhưng khóa học này được tổ chức trong một căn phòng chỉ có từ 10 – 20 học sinh và chủ yếu tập trung vào khía cạnh tâm lý khi bị giam giữ. Với những trải nghiệm ở Mogadishu, Mike và tôi nhanh chóng trở thành diễn giả của lớp học đặc biệt này. Các giảng viên mời chúng tôi nói về những trải nghiệm và trả lời tất cả câu hỏi của học viên và giảng viên.

Lực lượng Hải quân đưa Casanova, Gã Mập lùn, Sourpuss, Đại úy Olson và tôi đến Lầu Năm Góc để trao Huân chương Ngôi Sao bạc cho chúng tôi. Tại Mogadishu, Đại úy Olson rời Trung tâm chỉ huy để tham gia chiến dịch giải cứu các binh sĩ. Buổi lễ trao giải thưởng được quay video. Người ta đã đọc to bản Tuyên dương chiến công của tôi giữa khán phòng:

Tổng thống Hoa Kỳ vinh dự tặng Huân chương Ngôi Sao bạc cho Howard E. Wasdin, thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ vì đã có chiến tích sau: Chiến đấu dũng cảm và gan dạ trong chiến dịch UNOSOM II ở Mogadishu, Somali vào ngày 3 và 4 tháng Mười năm 1993. Hạ sĩ Wasdin là thành viên của nhóm bảo đảm an ninh đã hỗ trợ lực lượng xung kích khi lực lượng này đột kích vào căn cứ địa của kẻ địch và đã thành công trong việc bắt sống hai nhân vật chủ chốt trong hàng ngũ địch cùng hai mươi tên khác. Khi bị quân địch phục kích tứ phía, Hạ sĩ Wasdin đã chiếm lĩnh vị trí bắn và kiên cường bắn trả quân địch. Khi cùng đồng đội tấn công kẻ địch, anh bị thương vào bắp chân. Sau khi được sơ cứu, anh đã tiếp tục nhiệm vụ và tiếp tục tiêu diệt địch. Khi đoàn xe của anh ra khỏi vùng chết cùng với các tù binh trên xe thì anh thấy đồng đội vẫn đang bị tấn công. Hạ sĩ Wasdin cùng với đội bảo đảm an ninh dừng xe lại và bắn trả địch, giải cứu cho lực lượng đánh chặn Ranger. Mặc dù bị thương hai lần, anh vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu và đẩy lùi kẻ địch. Sau đó, trong khi đang bắn trả kẻ địch với nỗ lực giải cứu những người bị nạn ở vùng máy bay rơi, Hạ sĩ Wasdin bị thương lần thứ ba. Tinh thần gan dạ của anh đã tiếp sức cho đồng đội cũng như toàn bộ đội hình. Với những hành động nhanh trí, quả cảm và sự tận tâm với nhiệm vụ được giao, Hạ sĩ Wasdin đã là tấm gương sáng, phát huy được truyền thống hào hùng của Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.

Bản tuyên dương chiến công này có chữ ký của tân Bộ trưởng Hải quân John Dalton. Casanova và tôi bước vào phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng và bắt tay ông. Vô cùng phấn khích, Casanova cho biết “Bộ trưởng là người có bàn tay mềm mịn nhất anh ta từng biết.” Sau đó, tôi còn bị khiển trách vì đã không tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, tự ý cứu chữa cậu bé Somali dẫm phải mìn bộ binh. Nhưng đối với tôi, đó là việc làm thành công và có ý nghĩa nhất khi ở Somali.

Casanova và tôi ngồi nhai thuốc sợi Copenhagen trong phòng đợi của Đội Anh cả Đỏ. Đó là một căn phòng lớn, rất hài hòa về màu sắc.

Casanova và tôi ngồi bên một cái bàn. Gã Mập lùn đến, cầm trên tay là chiếc phong bì của Công ty sản xuất dao Randall. Gã mập đã gửi con dao của gã cho công ty, kể câu chuyện của gã cho công ty biết và muốn quảng cáo cho công ty qua câu chuyện “Lính bắn tỉa của Đội đặc nhiệm SEAL thoát chết nhờ con dao Randall”.

Casanova hỏi “Họ trả anh bao nhiêu tiền?”

Gã Mập lùn mở bức thư ra và đọc “Cám ơn anh đã chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi. Chúng tôi sẽ giảm giá 10% nếu anh mua con dao khác.”

Gã mập tức giận chửi thề “Bọn chó chết này.”

Cả Cassanova và tôi cười ngặt cười nghẽo khi nghe nội dung bức thư. Suýt chút nữa tôi đã nuốt miếng thuốc đang nhai vào bụng.

Tôi hồi phục rất nhanh và trở lại đội. Lần đầu tiên tôi gặp Trung tá Chỉ huy trưởng Buttwipe là khi ông ta tiếp nhận chức Chỉ huy trưởng Đội Anh cả Đỏ. Buttwipe chuộng thành tích hơn là kết quả công việc. Do vậy, ông ta đã làm rối tung tổ chức lên. Một số người đã chuyển công tác khỏi Đội Anh cả Đỏ để sang Đội Anh hai Vàng và Đội Anh ba Xanh. Ông ta có điệu cười rất gian trá, đặc biệt khi có mặt Chỉ huy cấp trên. Khi cười với chúng tôi, tôi luôn có cảm tưởng ông ta đang nghĩ về một điều gì đó. Là người gốc Nhật Bản nên ông ta có vóc người thấp lùn và luôn để tóc ngắn, phần trước trán cắt bằng.

Có thể Buttwipe cũng ý thức được bản thân không có thực tài. Mặc dù ông bơi và chạy rất giỏi nhưng khả năng bắn súng thì lúc nào cũng đứng cuối bảng và thiếu tính quyết đoán. Có thể ông ta ghen tị với tôi vì chưa từng được tham chiến trực tiếp hay không được nhận Huân chương Ngôi Sao Bạc. Ngoài ra, bằng cách nào đó Buttwipe phát hiện ra rằng lực lượng Delta muốn có tôi. Các tay súng bắn tỉa ở bệnh viện tại Đức động viên tôi gia nhập lực lượng Delta với họ. Một Đại tá của Delta đã nói với tôi tại bệnh viện ở Căn cứ Không quân Andrew là muốn tôi chuyển sang phục vụ cho Delta. Giờ đây, ngồi ngẫm lại, tôi hiểu rằng Delta đã hiểu và tôn trọng tôi hơn. Về phần mình, tôi cảm thấy thân tình hơn với những người từng sát cánh chiến đấu bên nhau. Sợi dây tình cảm của tôi với Cassanova, Gã Mập lùn, các đặc nhiệm Delta, lực lượng CCT và PJ nồng ấm hơn so với các đồng đội khác của tôi ở SEAL.

Buttwipe nói với tôi “Tôi sẽ ủng hộ cậu nếu cậu ở lại SEAL nhưng nếu cậu nhất quyết rời bỏ SEAL, tôi sẽ là cơn ác mộng của cậu.”

Những hành động của Buttwipe thôi thúc tôi chuyển sang lực lượng đặc nhiệm Delta. Tuy nhiên, trong lời nói của mình, ông ta lại không muốn tôi đi. Ông ta chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định ở lại SEAL vì tôi được huấn luyện, đào tạo để trở thành một đặc nhiệm SEAL. Tôi vẫn muốn tiếp tục là một đặc nhiệm của SEAL. Đó là lựa chọn đúng đắn của tôi.

Trên thực tế, Buttwipe chẳng những không ủng hộ tôi mà còn gây khó dễ cho tôi. Ông đã lôi chuyện tôi đến dự lễ truy điệu các binh lính Delta tử trận trong trang phục dân sự, râu ria không cạo để quở trách tôi. Tôi thực sự không hiểu cách lập luận của ông ta là như thế nào nữa – Tôi đã suýt mất mạng vì nhiễm khuẩn cầu chùm trong quá trình bay đến dự lễ truy điệu. Việc phải chống chọi lại cái chết đã lấy đi gần hết sức lực của tôi. Khi đó, cạo râu là một hành động quá xa xỉ đối với tôi. Tôi xem thường sự yếu kém về năng lực của ông ta. Buttwipe nên làm một chính trị gia hơn là một nhà điều hành. Giờ đây, chỉ cần nghĩ về ông ta là tôi đã muốn ném một cục đá vào mặt ông ta rồi.

Laura và tôi ly dị. Đứa bé trong bụng Laura không phải là của tôi, thậm chí không cùng chủng tộc với tôi. Chuyện này xảy ra khi tôi đi công tác xa nhà. Chuyện này tôi không muốn đề cập đến nhiều. Bản thân tôi cũng từng không chung thủy. Rachel và Blake chuyển đến sống với mẹ vì tôi không thể chăm sóc chúng khi phải đi nhiều. Trước đây, tôi đã không dành nhiều thời gian cho Rachel, giờ tôi càng ít ở bên cạnh nó hơn. Laura để cho con bé làm tất cả những gì nó thích nhưng tôi thì không. Khi Rachel đã đủ khôn lớn để đưa ra lựa chọn của mình, con bé chọn sống chung với mẹ. Sau này, khi Rachel vào học cấp ba, mẹ con bé đã để nó đi chơi với bạn trai – điều này tôi không bao giờ cho phép. Quan hệ của tôi với con bé ngày càng xấu đi. Mặc dù, với Blake, tôi còn nghiêm khắc hơn cả với Rachel, ấy vậy mà Blake vẫn chọn sống với tôi khi cậu bé bước sang tuổi 13. Mặc dù tôi biết phải luôn đặt gia đình lên trên công việc nhưng tôi lại hy sinh gia đình, đặt mối quan hệ của đơn vị lên trên hết.

Tôi đã hy sinh tất cả cho đội nhưng vẫn không lấy lại được phong độ trước đây của mình. Suy nghĩ của tôi ngày càng tiêu cực hơn. Một ngày, tôi cầm khẩu súng lục SIG SAUER P-226 trên tay. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tự sát bằng khẩu súng này? Có những điều còn tồi tệ hơn cả cái chết. Cái chết đâu giải quyết được tất cả.

Blake đến thăm tôi và cất tiếng gọi: “Bố ơi!”.

Tiếng gọi đó đã làm tôi thức tỉnh. Kết liễu cuộc đời là hành động ích kỷ. Nếu tôi không còn mục đích gì để sống thì ít nhất tôi vẫn còn có con cái. Từ đó, những ý nghĩ đen tối không còn đọng lại trong tâm trí tôi nữa.

Chuyện này giống như việc ban đầu tôi tưởng mình sẽ không giữ được chân nhưng cuối cùng vẫn giữ được nó. Tôi đi được bằng nạng, đi không cần vật trợ giúp và bắt đầu tập bơi trước khi được yêu cầu làm những việc đó. Mọi người nghĩ rằng tôi sẽ đi tập tễnh nhưng lại không phải như vậy. Nhiều người nghĩ tôi sẽ chẳng thể chạy được nữa nhưng tôi đã chạy được. Sau khi trở lại đội, tôi tập thể hình và thể lực đều đặn vào mỗi sáng với đồng đội. Không phải lúc nào tôi cũng theo kịp mọi người nhưng vẫn kiên trì tập luyện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.