Trăng Lạnh

CHƯƠNG 4



Đó là những cái chết thật khủng khiếp.

Amelia Sachs từng chứng kiến rất nhiều, hay ít ra cô cũng nghĩ thế. Nhưng đó là những biện pháp giết người độc ác nhất mà giờ đây cô có thể nhớ lại.

Từ Westchester, cô đã trao đổi với Rhyme và anh yêu cầu cô nhanh chóng đến khu Hạ Manhattan, nơi cô sẽ khám nghiệm hiện trường hai vụ án mạng được thực hiện dường như vào hai giờ khác nhau bởi một kẻ tự xưng danh là Thợ Đồng Hồ.

Sachs khám nghiệm hiện trường đơn giản hơn trước – cái cầu tàu trên sông Hudson. Hiện trường này không mất nhiều thời gian khám nghiệm, không có ai và hầu hết dấu vết đã bị những cơn gió bạo liệt thổi dọc con sông quét đi hoặc làm bẩn. Cô chụp ảnh và quay video quang cảnh hiện trường từ mọi góc độ. Cô chú ý chỗ lúc trước đặt chiếc đồng hồ – điều phiền phức là hiện trường đã bị đội tháo bom làm xáo trộn khi họ lấy nó đi kiểm tra. Nhưng không có sự lựa chọn khác đối với một thứ có thể là một thiết bị phát nổ.

Sachs cũng thu lấy tờ ghi chú của sát thủ, một phần bám máu khô cứng lại. Sau đấy, cô lấy mẫu máu đã đóng băng. Cô chú ý vết móng tay trên cầu tàu nơi nạn nhân bám vào, treo người lủng lẳng bên trên mặt nước, rồi tuột xuống. Cô thu lấy một chiếc móng tay bị tước ra – nó to bè, ngắn và không sơn, cho thấy khả năng nạn nhân là nam giới.

Sát thủ lọt vào bằng cách cắt đứt dây hàng rào mắt cáo bảo vệ cầu tàu. Sachs lấy mẫu dây kẽm để kiểm tra dấu vết dụng cụ cắt. Cô không tìm thấy dấu vân tay, dấu chân hay vết bánh xe gần lối vào cũng như gần vũng máu đã đóng băng.

Chưa xác định được nhân chứng nào.

Nhân viên kiểm tra y tế báo cáo rằng nếu nạn nhân thực sự rơi xuống sông Hudson, theo như những chi tiết thấy ở hiện trường, anh ta sẽ chết trong vòng khoảng mười phút do giảm thể nhiệt. Các thợ lặn của Sở Cảnh sát New York cùng lực lượng Tuần tra Bờ biển vẫn đang tìm kiếm cái xác và bất cứ chứng cứ nào còn dưới nước.

Bây giờ, Sachs có mặt tại hiện trường thứ hai, con hẻm phố Cedar, gần Broadway. Theodore Adams, trạc ba mươi lăm tuổi, nằm ngửa, bị bịt miệng và trói hai chân hai tay vào với nhau bằng băng dính nhựa. Sát thủ đã tròng một sợi dây thừng vào một cầu thang thoát hiểm cách đất ba mét, và buộc một đầu sợi dây vào một thanh kim loại nặng gần hai mét có hai lỗ ở hai đầu trông giống lỗ kim. Thanh kim loại này được treo lơ lửng bên trên họng nạn nhân. Đầu kia sợi dây được đặt vào tay anh ta. Bị trói, Adams không thể trườn ra khỏi vị trí thanh kim loại buông xuống. Anh ta chỉ có thể hi vọng sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để giữ cho cái trọng lượng kia cứ treo lơ lửng cho tới khi ai đó tình cờ đi qua cứu.

Nhưng đã không có ai.

Adams chết đã khá lâu và thanh kim loại tiếp tục nén xuống họng anh ta cho tới khi thân thể đóng băng cứng lại trong cái giá lạnh tháng Mười hai. Cổ anh ta bị đè bẹp gí chỉ còn dày chừng hai phẩy năm centimét bên dưới thanh kim loại. Trên gương mặt anh ta là vẻ bợt bạt, không biểu cảm của cái chết, nhưng Sachs hình dung được gương mặt anh ta trông như thế nào trong – bao lâu? – Mười hoặc mười lăm phút vật lộn để sống, nó đỏ lên vì nỗ lực, rồi tím bầm lại, cặp mắt lồi ra.

Kẻ nào trên đời này giết người bằng những cách ấy, những cách rõ ràng được lựa chọn để đạt cái chết dai dẳng?

Mặc bộ đồ bảo hộ Tivek(15)màu trắng phòng trường hợp dấu vết từ quần áo và tóc cô làm ảnh hưởng đến hiện trường, Sachs chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị thu thập chứng cứ trong khi bàn bạc về quang cảnh hiện trường với hai đồng nghiệp thuộc Sở Cảnh sát New York, Nancy Simpson và Frank Rettig, sĩ quan Đơn vị Khám nghiệm hiện trường đặt trụ sở tại Queens. Gần đó là chiếc xe phản ứng nhanh của đơn vị họ – một chiếc xe thùng lớn chất đầy các thiết bị cốt yếu phục vụ cho việc khám nghiệm hiện trường.

(15) Tivek: Một dòng sản phẩm của công ti DuPont (nhà máy sản xuất đặt tại bangVirginia, Mỹ, và Luxembourg), bao gồm bộ đồ bảo hộ áo liền quần kèm mũ và bao chân, thường là màu trắng.

Sachs xỏ chân vào hai đai cao su để phân biệt dấu chân cô với dấu chân đối tượng. (Một ý tưởng khác trong số rất nhiều ý tưởng của Rhyme. “Nhưng tại sao phải phiền phức thế? Em mặc bộ đồ Tivek có bao chân mà, chứ có đi giày bình thường đâu”, Sachs từng một lần lưu ý như vậy. Anh nhìn cô vẻ chán ngán. “Ồ, xin lỗi. Anh đoán rằng một đối tượng khôngbao giờ nghĩ tới việc mua bộ đồ bảo hộ Tivek. Bao nhiêu tiền hả Sachs? Bốn mươi chín đô la chín mươi lăm xu à?”)

Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu cô là những vụ giết người này hoặc là kiểu hợp đồng thanh toán nhau của tội phạm có tổ chức hoặc là tác phẩm của một kẻ tâm thần. Kiểu hợp đồng thanh toán của tội phạm có tổ chức thông thường được dàn dựng như thế để gửi thông điệp đến các nhóm đối địch. Mặt khác, một kẻ tâm thần có thể sẽ tiến hành một vụ giết người cầu kì như thế vì chứng hoang tưởng hoặc vì cảm giác thích thú, cái cảm giác có thể mang tính chất bạo dâm – nếu nó có động cơ tình dục – hoặc đơn giản là sự độc ác. Sau những năm tháng trải qua thực tế nghề nghiệp, cô biết rằng bản thân việc gây ra nỗi đau đớn chính là một nguồn sức mạnh và có thể làm người ta nghiện.

Ron Pulaski trong bộ đồng phục và áo khoác da ngắn tiến đến. Chàng sĩ quan tuần tra tóc vàng của Sở Cảnh sát New York, thanh mảnh, trẻ trung, đã giúp đỡ Sachs trong vụ Creeley và được đề nghị hỗ trợ trong những vụ Lincoln Rhyme đang phải giải quyết. Sau thời gian dài điều trị ở bệnh viện do lần kkịch chiến với một đối tượng, anh được đề nghị nghỉ việc theo chế độ thương tật.

Chàng trai kể cho Sachs nghe rằng anh đã ngồi xuống với Jenny, cô vợ trẻ, và bàn bạc về vấn đề này. Liệu anh có nên quay lại làm việc không? Người anh em sinh đôi của Pulaski, cũng là một cảnh sát, góp thêm ý kiến. Cuối cùng, chàng thanh niên lựa chọn việc trải qua trị liệu và quay lại với lực lượng. Sachs và Rhyme rất ấn tượng trước nhiệt tâm tuổi trẻ của anh và gây sức ép để anh được phân công hỗ trợ cho mình bất cứ khi nào có thể. Sau này, anh thú nhận với Sachs (tất nhiên không bao giờ với Rhyme) rằng thái độ không chấp nhận để chứng liệt tứ chi loại bỏ mình khỏi đời sống và sự hăng hái tuân thủ chế độ trị liệu hàng ngày của Rhyme là nguồn cổ vũ lớn lao cho anh quay lại với nghề nghiệp đầy tính hoạt động.

Pulaski không mặc bộ đồ Tivek nên dừng lại phía ngoài dải băng vàng căng đánh dấu hiện trường. “Lạy Chúa”, anh lẩm bẩm trong khi nhìn chằm chằm cảnh tượng đáng sợ.

Pulaski nói với Sachs rằng Sellitto và các sĩ quan khác đang thẩm tra những nhân viên bảo vệ và quản lí văn phòng ở các tòa nhà xung quanh con hẻm để xem liệu có ai nhìn thấy hay nghe thấy gì liên quan đến vụ tấn công, hoặc có biết Theodore Adams không. Anh bổ sung: “Đội dỡ bom vẫn đang kiểm tra mấy chiếc đồng hồ và sẽ chuyển chúng cho Rhyme sau. Còn tôi sẽ đi lấy tất cả các biển đăng kí của các xe đỗ xung quanh đây. Thám tử Sellitto bảo tôi làm việc này.”

Vẫn quay lưng lại với Pulaski, Sachs gật đầu. Nhưng cô thực sự không chú ý lắm đến thông tin ấy, bây giờ nó không hữu ích cho cô. Cô sắp sửa khám nghiệm hiện trường và đang cố gắng tập trung suy nghĩ. Mặc dù theo định nghĩa thì công việc khám nghiệm hiện trường liên quan đến những vật vô tri vô giác, vẫn có một mối quan hệ gần gũi kì lạ giữa chúng với người thực hiện công việc. Người cảnh sát khám nghiệm hiện trường, để đạt kết quả như mong muốn, phải trở thành đối tượng về mặt tinh thần và tình cảm. Toàn bộ kịch bản khủng khiếp tự nó diễn ra trong trí tưởng tượng của họ: kẻ sát nhân lúc đó đang nghĩ gì, hắn đứng chỗ nào khi giơ khẩu súng hay con dao hay chiếc gậy tày lên, hắn điều chỉnh tư thế ra sao, hắn còn nấn ná quan sát cơn giãy chết của nạn nhân hay bỏ trốn ngay lập tức, cái gì tại hiện trường khiến hắn chú ý, cái gì xúi giục hoặc đẩy lùi hắn, lộ trình bỏ trốn của hắn. Đây không phải sự mô tả tâm lí sơ lược – kiểu vẽ chân dung đối tượng đặc trưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thi thoảng hữu ích – đây là nghệ thuật khai thác trong biết bao nhiêu thứ ngổn ngang trên hiện trường lấy được chút ít những manh mối quan trọng có thể dẫn đến cửa nhà của đối tượng.

Sachs giờ đây đang thực hiện điều này, trở thành một người khác – kẻ sát nhân đã sắp đặt cái kết thúc khủng khiếp đối với một đồng loại.

Cặp mắt quét xung quanh hiện trường, lên trên, xuống dưới, sang ngang: những viên sỏi, các bức tường, cái xác, thanh kim loại…

Mình là hắn… Mình là hắn… Những gì đã đến trong đầu óc mình? Tại sao mình muốn giết những người này? Tại sao bằng những cách thức này? Tại sao ở cầu tàu, tại sao ở đây?

Nhưng nguyên nhân của cái chết quá khác thường, những ý nghĩ của kẻ sát nhân quá cách xa những ý nghĩ của Sachs, tới nỗi cô không có câu trả lời cho các câu hỏi này, chưa có. Cô nhét tai nghe vào tai. “Rhyme, anh ở đó chứ?”

“Thế anh còn ở đâu nữa?”, anh hỏi, giọng có vẻ hơi buồn cười. “Anh đang chờ đợi đây. Em ở đâu? Hiện trường thứ hai hả?”

“Vâng.”

“Em đang kiểm tra cái gì, Sachs?”

Mình là hắn…

“Con hẻm, Rhyme ạ”, Sachs nói vào mic. “Nó là một con hẻm cụt để giao hàng. Nó không thông hai đầu. Nạn nhân nằm gần mặt phố.”

“Gần chừng nào?”

“Cách mặt phố chừng bốn mét rưỡi trong một con hẻm dài chừng ba mươi mét.”

“Làm sao anh ta ở đó được?”

“Không thấy vết bánh xe nhưng anh ta dứt khoát đã bị kéo lên đến chỗ bị giết, có muối và chất nhầy bám trên lưng áo vét tông cũng như mặt dưới quần anh ta.”

“Có những cửa ra vào gần cái xác chứ?”

“Có. Anh ta gần như nằm phía trước một trong những cửa ấy.”

“Anh ta vốn làm việc trong tòa nhà đó à?”

“Không ạ. Em có danh thiếp của anh ta. Anh ta là nhà văn tự do. Địa chỉ nơi làm việc của anh ta cũng chính là địa chỉ căn hộ.”

“Anh ta có thể đã có khách hàng ở tòa nhà đó hoặc ở một trong những tòa nhà kia.”

“Lon đang kiểm tra.”

“Tốt. Cánh cửa gần nhất ấy, xem liệu có phải là vị trí đối tượng đã chờ anh ta không?”

“Vâng”, Sachs đáp.

“Hãy đề nghị một nhân viên bảo vệ mở cánh cửa ấy và anh muốn em khám xét phía bên trong.”

Lon Sellitto gọi từ phía ngoài dải băng vàng căng đánh dấu hiện trường: “Không nhân chứng. Tất cả mọi người đều mù tịt hết cả. Ôi chà, và điếc nữa… Và phải tới bốn, năm mươi văn phòng xung quanh con hẻm. Nếu có ai biết anh ta, chắc phải lâu mới phát hiện ra được.”

Sachs truyền đạt lại yêu cầu của nhà hình sự họ là mở cánh cửa hậu gần cái xác.

“Sẽ thực hiện đúng như vậy.” Sellitto vừa xăm xăm bước đi vừa hà hơi ấm vào hai bàn tay khum lại.

Sachs quay video và chụp ảnh hiện trường. Cô tìm kiếm và không phát hiện ra chứng cứ nào về hành động tình dục trên cái xác hoặc gần đó. Cô bắt đầu bước đi theo đường bàn cờ – bước đi qua mỗi phân vuông của hiện trường hai lần, tìm kiếm các vật chứng. Không giống như nhiều chuyên gia khám nghiệm hiện trường, Rhyme khăng khăng đòi chỉ một người khám nghiệm – trừ trường hợp thảm họa lớn, tất nhiên – và Sachs luôn luôn bước đi ngang dọc hiện trường một mình.

Nhưng kẻ nào thực hiện tội ác này đã hết sức cẩn thận chẳng để lại đằng sau dấu vết gì rõ ràng, ngoài lời ghi chú, chiếc đồng hồ, thanh kim loại, những đoạn băng dính nhựa và sợi dây thừng.

Cô nói với Rhyme điều đó. Anh nói: “Những thứ thuộc loại ấy không khiến chúng ta thấy dễ dàng hơn, phải không Sachs?”

Tâm trạng vui vẻ của anh làm cô khó chịu. Anh đâu ở ngay bên cạnh một nạn nhân đã phải chịu một cái chết tàn tệ như thế này. Cô phớt lờ lời bịnh luận và tiếp tục công việc tại hiện trường: tiến hành xử lí cơ bản cái xác để nó có thể được chuyển cho nhân viên kiểm tra y tế, thu nhặt tài sản cá nhân của người chết, lấy dấu vân tay, in tĩnh điện dấu giày, thu thập dấu vết bằng một con lăn có bôi chất dính, giống loại dùng để nhặt lông chó, mèo bám vào quần áo.

Xét theo trọng lượng của thanh kim loại, có khả năng là đối tượng đã lái xe đến đây, nhưng không thấy vết bánh xe. Khoảng giữa con hẻm được rải đầy muối mỏ để làm tan băng và các hạt muối khiến người chết không tiếp xúc hẳn xuống lớp sỏi.

Rồi Sachs nheo mắt nhìn. “Rhyme, chỗ này có cái gì lạ lùng lắm. Xung quanh cái xác, gần một mét xung quanh cái xác, có cái gì đó trên mặt đất.”

“Em nghĩ nó là cái gì?”

Sachs cúi xuống kiểm tra bằng kính lúp một thứ có vẻ như cát mịn. Cô nói vậy với Rhyme.

“Để rắc lên băng chăng?”

“Không. Chỉ có xung quanh anh ta thôi. Những chỗ khác trong con hẻm không có. Người ta sẽ sử dụng muối cho băng, tuyết.” Rồi Sachs bước lùi lại. “Nhưng chỉ còn một ít hạt mịn thôi. Trông giống như… vâng, Rhyme. Hắn đã quét. Bằng một cái chổi.”

“Quét ấy à?”

“Em có thể nhìn thấy những cọng rơm. Trông giống như hắn đã vãi hàng vốc cát ra và rồi quét đi… Nhưng có thể hắn không làm vậy. Không có gì giống như thế này ở hiện trường thứ nhất, trên cầu tàu.”

“Có cát trên nạn nhân hay trên thanh kim loại không?”

“Em không biết… Khoan, có đấy.”

“Vậy thì hắn đã làm việc ấy sau khi giết chết nạn nhân”, Rhyme kết luận. “Nó có thể là một cách xóa dấu vết.”

Những đối tượng cẩn thận đôi khi sử dụng các chất dạng bột hoặc dạng hạt – cát, vật liệu lót ổ cho mèo con hoặc thậm chí bột mì – rắc trên mặt đất sau khi thực hiện tội ác. Rồi chúng quét đi hoặc dùng máy hút bụi để hút, xóa hầu hết các dấu vết.

“Nhưng tại sao nhỉ?”, Rhyme tự nói với mình.

Sachs đăm đăm nhìn cái xác, đăm đăm nhìn con hẻm rải sỏi.

Mình là hắn…

Tại sao mình phải quét hiện trường?

Đối tượng thường lau dấu vân tay và mang đi những chứng cứ rõ ràng nhưng hãn hữu mới có kẻ mất công xóa dấu vết bằng cách này. Sachs nhắm mắt lại và, thật là khó khăn, hình dung ra bản thân mình đứng nhìn xuống chàng trai trẻ đang cố gắng giữ cho thanh kim loại khỏi nén xuống họng.

“Có thể hắn đánh đổ cái gì đó.”

Nhưng Rhyme nói: “Điều ấy không có khả năng xảy ra. Hắn không thiếu thận trọng đến thế.”

Sachs tiếp tục suy nghĩ: Mình thận trọng, chắc chắn rồi. Nhưng tại sao mình lại phải quét?

Mình là hắn…

“Tại sao?”, Rhyme thầm thì.

“Hắn…”

“Không phải hắn”, nhà hình sự học sửa lại. “Em là hắn đấy, Sachs ạ. Nhớ nhé. Em.”

Em là một kẻ cầu toàn. Em muốn rũ bỏ chứng cứ hết mức có thể.”

“Chính xác, nhưng em được gì bằng cách quét?”, Rhyme nhận xét. “Em chẳng được gì vì phải lưu lại hiện trường lâu hơn. Theo anh có một lí do khác.”

Tư duy sâu hơn, cảm giác được mình nâng thanh kim loại lên, đặt sợi dây thừng vào bàn tay chàng trai, cúi nhìn chằm chằm gương mặt anh ta trong cơn nỗ lực, cặp mắt anh ta lồi ra. Mình đặt chiếc đồng hồ bên cạnh đầu anh ta. Nó đang kêu tích tắc, tích tắc… Mình quan sát anh ta chết.

Mình chẳng để lại chứng cứ nào, mình quét…

“Hãy suy nghĩ, Sachs. Hắn phụ thuộc vào cái gì?”

Mình là hắn…

Rồi Sachs buột thốt lên: “Em sẽ quay lại, Rhyme.”

“Cái gì?”

“Em sẽ quay lại hiện trường. Ý em nói hắn sẽ quay lại. Đó là lí do tại sao hắn phải quét. Bởi vì hắn tuyệt nhiên không muốn để lại bất cứ thứ gì khiến chúng ta mô tả được hắn: không một sợi vải, không một sợi tóc, dấu giày, bụi bẩn bám dưới đế giày. Hắn không sợ chúng ta sẽ sử dụng những dấu vết ấy để lần đến hang ổ của hắn – hắn quá cao thủ nên không đời nào để lại những dấu vết như vậy. Không, hắn sợ chúng ta sẽ tìm thấy thứ gì khiến chúng ta nhận ra hắn khi hắn quay lại.”

“Được, đó có thể là lí do đấy. Hắn có thể là kẻ thích rình rập quan sát người khác, thích quan sát người ta chết, thích nhìn cảnh sát làm việc. Hay có thể hắn muốn xem ai sẽ săn đuổi hắn… để chính hắn có thể bắt đầu một cuộc săn đuổi.”

Sachs cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Cô nhìn xung quanh. Như thường lệ, một đám những kẻ hiếu kì đang đứng giương mắt lên bên kia phố. Kẻ sát nhân đang ở giữa bọn họ, theo dõi cô ngay lúc này chăng?

Rồi Rhyme nói thêm: “Hay có thể hắn đã quay lại. Hắn đến từ sáng sớm xem nạn nhân đã chết thật chưa. Điều đó có nghĩa là…”

“Là hắn hẳn để lại chứng cứ nào đấy ở chỗ khác, bên ngoài hiện trường. Trên vỉa hè, trên phố.”

“Chính xác.”

Sachs chui qua dải băng vàng ra bên ngoài khu vực được đánh dấu là hiện trường và nhìn sang bên kia phố. Rồi đoạn vỉa hè phía trước tòa nhà. Ở đó cô tìm thấy nửa tá dấu giày in trên tuyết. Cô chẳng làm sao biết được liệu trong số ấy có dấu giày của Thợ Đồng Hồ không, nhưng mấy dấu giày – loại giày cao cổ đế rộng dùng khi đi bộ địa hình – cho thấy khả năng một người nào đấy, có lẽ là một người đàn ông, đã đứng ở đầu hẻm vài phút, chốc chốc lại đổi chân. Cô ngó nghiêng xung quanh và đi đến kết luận là không có lí do gì để ai đứng đó – không có điện thoại công cộng, hòm thư hay cửa sổ nào ở gần.

“Có mấy dấu giày cao cổ khác thường ở đầu hẻm, gần lề đường phố Cedar”, Sachs nói với Rhyme. “Dấu giày to.” Cô cũng xem xét khu vực này, đào vào một đống tuyết. “Có cái gì nữa ấy.”

“Cái gì?”

“Một cái kẹp tiền bằng kim loại màu vàng.” Những ngón tay Sachs buốt nhói vì lạnh bên dưới đôi găng cao su, cô đếm số tiền mặt trong cái kẹp. “Ba trăm bốn mươi đô la, tiền hai mươi đô la còn mới. Ngay bên cạnh các dấu giày.”

“Trên người nạn nhân có tiền không?”

“Sáu mươi đô la, cũng còn khá mới.”

“Có thể đối tượng đã rút cái kẹp tiền ra rồi đánh rơi nó khi bỏ đi.”

Sachs cho cái kẹp tiền vào một cái túi đựng chứng cứ, và kết thúc việc lục soát các khu vực khác của hiện trường mà không tìm thêm được gì nữa.

Cửa hậu của tòa nhà văn phòng mở ra. Sellitto và một người bảo vệ mặc đồng phục thuộc số nhân viên an ninh của tòa nhà đứng đó. Họ đứng lùi lại trong khi Sachs xử lí chính cánh cửa – chụp ảnh cái mà cô mô tả cho Rhyme là hàng triệu dấu vân tay (anh chỉ cười thầm) và dãy hành lang tối lờ mờ đằng sau cánh cửa. Cô chẳng tìm thấy cái gì có liên quan rõ ràng đến vụ án mạng.

Bỗng nhiên, một giọng phụ nữ hốt hoảng xé qua bầu không khí giá lạnh. “Ôi, lạy Chúa, không!”

Một người phụ nữ tóc nâu chắc nịch ở tuổi ba mươi chạy nhào đến dải băng vàng, ở đó chị ta bị một cảnh sát tuần tra chặn lại. Chị ta lấy hai bàn tay ôm mặt và khóc nức nở. Sellitto bước tới. Sachs cũng đến chỗ họ. “Thưa chị, chị có biết anh ta không?”, viên thám tử to béo hỏi.

“Chuyện gì đã xảy ra, chuyện gì đã xảy ra? Không… ôi, Chúa ơi…”

“Chị có biết anh ta không?”, viên thám tử nhắc lại.

Rũ rượi vì khóc lóc, người phụ nữ quay đi khỏi cảnh tượng khủng khiếp. “Anh trai tôi… Không, có phải anh ấy đấy không… ôi, Chúa ơi, không, anh ấy không thể…” Chị ta quỳ sụp xuống trên mặt băng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.