Trăng Lạnh
CHƯƠNG 6
Vincent Reynolds đang đi bộ xuôi theo những con phố lạnh lẽo khu SoHo, trong ánh sáng màu xanh lơ của bầu không gian vắng tanh vắng ngắt, phía đông Broadway, cách các nhà hàng và cửa hiệu thanh lịch ở khu vực ấy vài khối phố. Gã đi chừng mười lăm mét đằng sau cô gái bán hoa – Joanne, cô gái sẽ sớm là của gã.
Ánh mắt gã đặt lên người cô, và gã cảm thấy một cơn đói, mạnh mẽ, cồn cào, mãnh liệt tựa cơn đói gã cảm thấy trong cái đêm đầu tiên gặp Gerald Duncan, nó đã chứng tỏ đó là một khoảnh khắc rất quan trọng đối với Vincent Reynolds.
Sau sự kiện Salli Anne – lần đó Vincent bị bắt giữ vì không kiềm chế được bản thân mình – gã tự nhủ sẽ phải khôn ngoan hơn. Gã sẽ đeo mặt nạ trượt tuyết, sẽ chiếm lĩnh người phụ nữ từ phía sau để họ không thể nhìn thấy gã, sẽ sử dụng bao cao su (nó dù sao cũng khiến gã chậm rãi lại), sẽ hầu như không săn đuổi, sẽ thay đổi các kĩ thuật và địa điểm tấn công, sẽ lên kế hoạch cho các vụ cưỡng đoạt cẩn thận và chuẩn bị tinh thần bỏ đi nếu có nguy cơ bị tóm.
Ờ, đấy là lí thuyết của gã. Nhưng trong những năm qua, việc kiềm chế nỗi đói khát càng ngày càng khó khăn hơn. Các cơn ham muốn bất chợt thường xuyên thao túng gã, gã nhìn thấy một phụ nữ một mình trên phố, và nghĩ, mình phải có cô ta.
Nỗi đói khát khiến người ta như thế đấy.
Hai tuần trước, Vincent đang ăn một miếng bánh ngọt sôcôla và uống một lon Coke tại nhà hàng nhỏ ngược bên trên con phố có cái văn phòng gã hay đến làm việc. Gã liếc nhìn cô gái phục vụ, một cô gái mới. Gương mặt tròn, thân hình mảnh dẻ, những lọn tóc quăn màu vàng đồng. Gã để ý thấy chiếc áo cánh chặt khít màu xanh lơ cô ta mặc mở hai khuy và, sâu trong tâm hồn gã, bùng lên nỗi đói khát.
Cô ta mỉm cười với Vincent khi mang hóa đơn tới và gã quyết định rằng gã phải có cô ta. Ngay tức khắc.
Gã nghe thấy cô gái bảo người chủ là sẽ đi vào trong hẻm hút điếu thuốc. Vincent trả tiền và bước ra ngoài. Gã bước đến chỗ con hẻm, rồi liếc nhìn vào trong. Cô ta đứng đó, mặc chiếc áo khoác, tựa người vào bức tường, không nhìn về phía gã. Lúc ấy đã muộn – gã thích làm ca từ ba giờ chiều tới mười một giờ đêm – và mặc dù vỉa hè vẫn còn vài khách qua đường, con hẻm hoàn toàn vắng vẻ. Không khí lạnh giá, lớp sỏi hẳn lạnh giá hơn, nhưng gã không quan tâm, thân thể cô ta sẽ giữ cho gã được ấm áp.
Bất chợt, Vincent nghe thấy một giọng nói thì thầm vào tai gã: “Hãy đợi năm phút nữa.”
Vincent giật nảy mình và xoay lại nhìn một người đàn ông có khuôn mặt tròn, thân hình rắn chắc, ở tuổi năm mươi, mang một cung cách điềm tĩnh. Gã đang nhìn chằm chằm qua Vincent vào trong con hẻm.
“Cái gì?”
“Hãy đợi.”
“Anh là ai?” Chính xác thì Vincent không sợ – gã cao hơn người đàn ông chừng năm phân, nặng hơn phải tới chừng hai mươi mấy kí-lô – nhưng vẻ lạ lùng trong cặp mắt màu xanh biếc kia làm gã kinh hãi.
“Điều ấy chẳng thành vấn đề. Hãy giả vờ như chúng ta là bạn bè, đanng nói chuyện.”
“Mẹ kiếp.” Tim nện thình thịch, hai bàn tay run rẩy, Vincent bắt đầu bước đi.
“Hãy đợi”, người đàn ông nhắc lại nhẹ nhàng. Giọng gã như có tác dụng thôi miên.
Và yêu râu xanh đã đợi.
Một phút sau, gã thấy một cánh cửa mở ra ở tòa nhà phía bên kia con hẻm, đằng sau quán ăn. Cô gái phục vụ bước đến chỗ ngưỡng cửa và nói chuyện với hai người đàn ông. Một người mặc com lê, còn người kia mặc đồng phục cảnh sát.
“Lạy Chúa”, Vincent thì thầm.
“Một cái vỏ bọc đấy”, gã đàn ông nói. “Con bé đó là cảnh sát. Theo tao tay chủ quán ăn còn làm nhiệm vụ ghi xổ số(27). Bọn chúng tạo vỏ bọc cho hắn.”
(27)Ghi xổ số: Thực ra là một dạng xổ số bất hợp pháp do các băng nhóm tội phạm có tổ chức điều hành.
Vincent nhanh chóng lấy lại tinh thần. “Thế thì sao? Chuyện đó đối với tôi chẳng thành vấn đề.”
“Nếu mày đã thực hiện điều mày dự định trong đầu, bây giờ mày lại chưa bị còng tay ư. Hoặc bị bắn bỏ.”
“Dự định trong đầu?”, Vincent hỏi, cố gắng để giọng nghe có vẻ vô tội. “Tôi không biết anh đang nói về cái gì.”
Người lạ chỉ mỉm cười, nhìn ngược lên con phố hỏi Vincent: “Mày sống ở đây à?”
Vincent trả lời sau chút im lặng: “Ở New Jersey.”
“Mày làm việc trong thành phố?”
“Phải.”
“Mày biết rõ Manhattan chứ?”
“Cũng khá rõ.”
Người đàn ông gật đầu, nhìn Vincent từ đầu đến chân. Gã tự xưng danh là Gerald Duncan và đề nghị cùng tới nơi nào đó ấm áp nói chuyện. Hai gã đi bộ qua ba khối phố tới một quán ăn nhỏ và Duncan gọi cà phê còn Vincent gọi một miếng bánh nữa và một lon soda.
Bọn gã nói chuyện về thời tiết, ngân sách thành phố và khu trung tâm Manhattan lúc nửa đêm.
Rồi Duncan nói: “Chỉ là một ý nghĩ thôi, Vincent. Nếu mày quan tâm đến cái công việc nho nhỏ mà tao vốn vẫn muốn có thể sử dụng ai đó không quá băn khoăn về chuyện pháp luật. Và nó sẽ cho phép mày thực hiện… sở thích của mày.” Gã hất đầu trở lại hướng con hẻm.
“Sưu tầm những bộ phim sitcom (28)từ thập kỉ bảy mươi à?”, Vincent Láu hỏi.
(28) Sitcom: Hài kịch tình huống hay sitcom (viết tắt của từ tiếng Anh: situation comedy) là một thể loại của hài kịch, lúc đầu được sản xuất cho radio nhưng hiện nay được trình chiếu chủ yếu trên ti vi. Sitcom có nhiều tập với những tình huống hài hước được lồng ghép vào nội dung câu chuyện phim và được thực hiện hầu hết trong trường quay.
Duncan lại mỉm cười và Vincent đi đến kết luận là gã ưa người đàn ông này.
“Anh muốn tôi làm gì?”
“Tao mới tới New York vài lần. Tao cần một người biết vẽ các con phố, đường tàu điện ngầm, mô hình giao thông, các khu vực… một người biết được gì đó về cách thức cảnh sát làm việc. Chi tiết thì tao sẽ để dành nói sau.”
Hừm.
“Anh làm ngành gì?”, Vincent hỏi.
“Kinh doanh. Chúng ta sẽ bắt đầu ở đó nhé.”
Hừm.
Vincent tự bảo mình hãy đứng dậy đi thôi. Nhưng gã cảm thấy sức quyến rũ trong những lời của người đàn ông đó – về việc thực hiện cái sở thích của gã. Bất cứ điều gì có thể giúp gã thỏa mãn cơn đói đều đáng để cân nhắc, thậm chí nếu nó đầy mạo hiểm. Bọn gã tiếp tục chuyện trò nửa tiếng nữa, chia sẻ một số thông tin, giữ lại một vài điều. Duncannói sở thích của gã là sưu tầm đồng hồ cổ và gã tự sửa chữa chúng. Gã thậm chí từng lắm một số chiếc từ đầu.
Và sau khi kết thúc món tráng miệng thứ tư trong ngày, Vincent hỏi: “Làm sao anh biết cô ta là cảnh sát?”
Duncancó vẻ suy nghĩ trong giây lát. Rồi gã trả lời: “Tao đã kiểm tra một người ở quán ăn ấy. Cái lão ngồi cuối quầy thu ngân. Nhớ không? Lão mặc bộ com lê màu sẫm.”
Vincent gật đầu.
“Tao đã theo lão suốt tháng qua. Tao chuẩn bị giết lão.”
Vincent mỉm cười. “Anh đang đùa.”
“Tao không đùa tí nào đâu.”
Và Vincent hiểu ra rằng đó là sự thật. Không có Gerald Láu. Hay Gerald Đói Khát. Luôn luôn chỉ có một: Gerald Điềm Tĩnh và Thận Trọng, kẻ đêm hôm ấy bộc lộ ý định giết người đàn ông ở quán ăn – một người tên là Walter – với cùng cung cách mà sau đấy gã đã thực hiện thành công lời giao hẹn: cắt cổ tay “thằng con hoang” và quan sát ông ta chiến đấu cho tới lúc rơi từ cầu tàu xuống dòng nước băng giá màu nâu của sông Hudson.
Thợ Đồng Hồ tiếp tục nói với Vincent rằng gã ở thành phố để giết cả những người khác. Trong số đó có phụ nữ. Miễn là Vincent cẩn thận và đừng mất quá hai mươi hay ba mươi phút, gã sẽ có thân thể sau khi họ chết rồi – làm những gì gã muốn. Đổi lại, Vincent sẽ giúp đỡ Thợ Đồng Hồ – hướng dẫn về thành phố, về các con đường, hệ thống giao thông và đứng gác, và thỉnh thoảng lái chiếc xe chạy trốn.
“Vậy, mày có quan tâm đến đề nghị của tao không?”
“Tôi nghĩ là có”, Vincent đáp mặc dù câu trả lời trong thâm tâm gã còn nhiệt tình hơn thế nhiều.
Và bây giờ Vincent đang tích cực với công việc, bám theo nạn nhân thứ ba: Joanne Harper, cô gái bán hoa của bọn gã, Vincnet Láu đã gọi cô như thế. Gã quan sát cô rút ra chiếc chìa khóa và biến mất sau cánh cửa giao hàng. Gã dừng lại, chén một thanh kẹo và tựa người vào một cột đèn, nhìn qua ô kính cửa hiệu đầy bụi.
Bàn tay Vincent chạm vào chỗ cạp quần căng phồng, chỗ giắt con dao Buck. Gã nhìn chằm chằm hình dáng mờ mờ của Joanne, cô bật đèn, cởi áo khoác, đi lại xung quanh xưởng hoa. Cô chỉ có một mình.
Nắm chặt con dao.
Vincent tự nhủ liệu cô có tàn nhang không, gã tự nhủ không biết mùi nước hoa cô xức như thế nào. Gã tự nhủ liệu cô có rên rỉ khi đau đớn. Liệu cô có…
Nhưng, không, gã không nên nghĩ như thế này! Gã ở đây chỉ để lấy thông tin. Gã không thể phá vỡ các quy tắc, không thể khiến Gerald Duncan thất vọng. Vincent hít vào một hơi lạnh đến buốt ngực. Gã phải chờ đợi.
Nhưng lúc ấy, Joanne lại bước tới gần cửa sổ. Vincent có thể nhìn rõ cô. Ôi, cô thật đẹp…
Lòng bàn tay Vincent bắt đầu đổ mồ hôi. Tất nhiên, gã có thể đơn giản là chiếm đoạt cô ngay bây giờ rồi trói cô để đó cho Duncan kết liễu đời cô sau. Đây là một việc mà một người bạn có thể hiểu được. Cả hai đều đạt được cái mình muốn.
Suy cho cùng, đôi khi người ta chẳng thể nào chờ đợi nổi.
Người ta thành ra như thế bởi nỗi đói khát.
Lần sau, hãy mang theo quần áo ấm áp vào. Lúc ấy mày đang nghĩ gì?
Ngồi trong một chiếc taxi, Kathryn Dance, trạc ba mươi tuổi, hơ đôi bàn tay trước thiết bị sưởi ở ghế sau, nó hóa ra làn không khí chẳng nóng tí nào, thậm chí cũng chẳng ấm, cùng lắm thì, cô đi đến kết luận, không tới nỗi lạnh. Cô cọ xát các ngón tay vào nhau, các ngón tay có những chiếc móng sơn đỏ thẫm, và rồi cho đôi đầu gối dưới lớp tất mỏng màu đen một cơ hội trước cái máy sưởi.
Dance vốn sống ở một nơi mà nhiệt độ suốt năm là khoảng bảy mươi lăm độ (29)và người ta phải ngược lên tuyến Thung lũng Carmel rất, rất xa mới tìm thấy đủ tuyết để đám con trẻ được sung sướng trèo lên xe trượt. Vào phút cuối cùng sắp xếp va li cho chuyến hội thảo ở New York này, làm sao đó cô lại quên biến rằng vùng Đông Bắc cộng thêm thời tiết tháng Mười thì ngang là ở trên dãy Himalayas.
(29)75oF, khoảng gần 42oC.
Cô đang tự nhủ: Mình không thể sụt mất hai ki-lô mà mình vừa tăng được khi ở Mexico tháng trước (ở bên ấy cô đã chẳng làm gì ngoài việc ngồi trong một căn phòng đầy khói thuốc, thẩm vấn một kẻ bị tình nghi phạm tội bắt cóc). Nếu mình không để sụt mất hai ki-lô này, ít nhất nó cũng đảm đương nhiệm vụ cách nhiệt. Không phải hợp lí sao. Cô kéo chiếc áo khoác mỏng và quấn chặt hơn xung quanh người.
Kathryn Dance là một nhân viên mật vụ của Cơ quan Điều tra California tại địa bàn Monterey. Cô là một trong những chuyên gia xuất sắc nhất nước về thẩm vấn và giám định ngôn ngữ hình thể – môn khoa học quan sát và phân tích ngôn ngữ cử chỉ cũng như lời lẽ của các nhân chứng, các đối tượng. Cô đến New York từ ba ngày nay, trình bày đề tài của cô về ngôn ngữ hình thể trước các cơ quan thực thi pháp luật ở đây.
Giám định ngôn ngữ hình thể là một chuyên ngành hiếm trong công việc của cảnh sát, nhưng đối với Kathryn Dance thì không có gì giống như thế. Cô say sưa con người. Họ mê hoặc cô, kích thích cô. Họ cũng thách thức và làm cô lúng túng. Hàng tỉ những sinh vật kì quặc này di chuyển suốt chiều dài thế giới, nói những điều lạ lùng nhất, tuyệt vời nhất, khủng khiếp nhất… Cô cảm thấy những gì họ cảm thấy, cô sợ hãi những gì đe dọa họ, cô sung sướng với những gì làm họ hân hoan.
Dance từng là phóng viên sau khi tốt nghiệp đại học báo chí, cái nghề nghiệp hoàn toàn thích hợp với sự không mục đích đi kèm theo thói hiếu kì vô độ. Rốt cuộc cô trở thành tay bút viết về lĩnh vực tội phạm, dành hàng tiếng đồng hồ trong những phòng xử án, quan sát các luật sư, các đối tượng và thành viên bồi thẩm đoàn. Cô nhận ra một điều về bản thân mình: Cô có thể nhìn một nhân chứng, lắng nghe lời lẽ của anh ta và ngay tức khắc cảm nhận được khi nào anh ta nói thật và khi nào không. Cô có thể nhìn các thành viên bồi thẩm đoàn và biết khi nào họ chán ngán hay bối rối hay tức tối hay sững sờ, khi nào họ tin tưởng vào đối tượng, khi nào không. Cô có thể nói luật sư nào không phù hợp với công việc, luật sư nào sẽ tỏa sáng.
Dance có thể nhận ra những cảnh sát toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp và những ai chỉ đang chờ thời. (Một trong số những người thuộc loại thứ nhất khiến cô chú ý đặc biệt, một nhân viên của FBI tóc bạc sớm đóng tại văn phòng San Jose, làm chứng với cung cách hài hước và thanh lịch ở phiên tòa xử một băng cướp mà cô phải viết bài. Cô bí mật có một cuộc phỏng vấn riêng anh ta khi tòa đã công bố phán quyết, và anh ta bí mật có một cuộc hẹn hò. Tám tháng sau, cô và William Swenson làm đám cưới.)
Cuối cùng, chán ngán đời phóng viên, Kathryn Dance quyết định chuyển nghề. Cuộc sống trở nên quay cuồng trong một thời gian khi cô tự tung hứng mình giữa các vai trò người mẹ của hai đứa con nhỏ, người vợ, và một sinh viên, nhưng cô đã nỗ lực để nhận tấm bằng thạc sĩ tâm lí và giao tiếp ở Đại học California, phân hiệu Santa Cruz. Cô thành lập một ban tư vấn về kinh doanh, tư vấn cho các luật sư chọn ai và không chọn ai trong quá trình thẩm tra tư cách bồi thẩm đoàn. Cô tài năng và kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng sáu năm trước, cô lại quyết định chuyển nghề. Với sự giúp đỡ của người chồng đầy lòng thông cảm và không biết mệt mỏi của cha mẹ cô đang sống gần Carmel, cô quay lại chốn giảng đường một lần nữa: học viện đào tạo thuộc Cơ quan Điều tra California ở Sacramento.
Kathryn Dance trở thành cảnh sát.
Cơ quan Điều tra California không coi giám định ngôn ngữ hình thể như một chuyên ngành nên danh chính ngôn thuận Dance chỉ là một trong số những nhân viên điều tra, làm việc với các vụ án mạng, bắt cóc, ma túy, khủng bố và đại loại vậy. Tuy nhiên, trong lực lượng thực thi pháp luật, tài năng luôn luôn sớm được phát hiện và người ta nhanh chóng lan truyền tin tức về tài năng của cô. Cô thấy mình trở thành chuyên gia phỏng vấn và thẩm vấn thường xuyên (điều đó cũng tốt, vì nó khiến cô có thể để từ chối các hoạt động đặc tình và giám định vật chứng mà cô chẳng mấy thích thú).
Dance liếc nhìn đồng hồ đeo tay, phân vân không biết nhiệm vụ tình nguyện này sẽ kéo dài bao lâu. Buổi chiều mới đến chuyến bay của cô nhưng cô phải có dư dả thời gian để tới được sân bay quốc tế John F. Kennedy. Giao thông ở thành phố này thật kinh khủng, thậm chí còn tồi tệ hơn xa lộ 101 chạy xung quanh San Jose. Cô không thể lỡ chuyến bay. Cô háo hức muốn trở về với con và – đến là buồn cười với những người mà một người làm công tác xã hội phải chịu trách nhiệm – hồ sơ trên bàn anh ta xem chừng chẳng biến mất khi anh ta vắng mặt tại văn phòng, chúng chỉ tăng thêm thôi.
Chiếc taxi phanh kít lại.
Dance nheo mắt nhìn ra ngoài qua cửa sổ xe.
“Đúng địa chỉ này à?”
“Địa chỉ chị đưa cho tôi đấy.”
“Trông không giống một đồn cảnh sát.”
Anh ta ngẩng nhìn tòa nhà lộng lẫy.
“Chắc chắn không giống rồi. Đồn cảnh sát là số sáu trăm bảy mươi lăm cơ.”
Phải và không phải, Dance tự nhủ thầm.
Nó là một đồn cảnh sát, tuy nhiên cũng không phải.
Lon Sellitto đón cô ở hành lang phía trước. Viên thám tử đã dự bài giảng của cô về giám định ngôn ngữ hình thể tại Sở Cảnh sát New York ngày hôm qua và đã gọi điện, hỏi xem bây giờ cô có thể đến giúp đỡ học một tay trong một vụ giết người hàng loạt không. Khi ông ta gọi điện, ông ta đưa cho cô địa chỉ này và cô nghĩ nó là một đồn cảnh sát khu vực. Tình cờ nó cũng chất đầy các thiết bị giám định vật chứng, nhiều gần bằng phòng thí nghiệm đặt tại bản doanh ở Monterey của Cơ quan Điều tra California, tuy nhiên lại là nhà riêng.
Và chủ sở hữu nó, chẳng phải người nào khác, chính là Lincoln Rhyme.
Một thực tế nữa mà Sellitto quên nhắc tới.
Tất nhiên, Dance đã nghe nói đến Rhyme – rất nhiều cảnh sát biết viên thám tử xuất sắc mắc chứng liệt tứ chi này – nhưng cô không biết chi tiết về cuộc đời anh cũng như vai trò của anh ở Sở Cảnh sát New York. Cô nhanh chóng không để ý cái thực tế là anh bị tàn tật, trừ phi cô cố tình xem xét toàn bộ ngôn ngữ cơ thể, cô có xu hướng tập trung vào ánh mắt người khác. Vả lại, một đồng nghiệp của cô ở Cơ quan Điều tra California cũng mắc chứng liệt và cô đã quen nhìn cảnh ngồi xe lăn.
Sellitto giới thiệu cô với Rhyme và một nữ thám tử cảnh sát cao ráo, mạnh mẽ tên là Amelia Sachs. Dance ngay lập tức nhận ra mối quan hệ giữa họ không chỉ là đối tác nghề nghiệp. Chẳng cần sử dụng kiến thức ghê gớm lắm về giám định ngôn ngữ hình thể mới nhận ra điều này. Khi cô bước vào, Sachs đang đan những ngón tay mình trong những ngón tay của Rhyme và vừa mỉm cười vừa thì thầm với anh điều gì đó.
Sachs nồng nhiệt đón Dance và Sellitto giới thiệu cô với mấy sĩ quan khác nữa.
Dance nghe thấy một âm thanh bé tí phía bên trên vai – hai núm tai nghe đang đung đưa đằng sau cô. Cô bật cười và tắt chiếc máy iPod bất li thân, như thể nó là thiết bị duy trì sự sống cho cô vậy.
Sellitto và Sachs nói với cô về vụ giết người họ cần được giúp đỡ – một vụ mà Rhyme xem chừng chịu trách nhiệm giải quyết, mặc dù anh không còn trong lực lượng cảnh sát.
Rhyme không tham gia mấy vào cuộc thảo luận. Ánh mắt anh liên thục đưa qua tấm bảng trắng lớn, trên đó là hệ thống kí hiệu về các chứng cứ. Những sĩ quan khác đang thông báo với cô chi tiết vụ án mạng, tuy thế cô chẳng tài nào ngăn nổi việc quan sát Rhyme – cái cách anh nheo mắt nhìn tấm bảng, thì thào điều gì đó và lắc đầu, y như tự nghiêm khắc trách móc mình vì đã bỏ lỡ mất điều gì đó. Thi thoảng anh nhắm mắt lại. Một, hai lần anh đóng góp bình luận về vụ án mạng nhưng hầu như phớt lờ Dance.
Cô cảm thấy buồn cười. Nữ nhân viên mật vụ vốn quen với thái độ hoài nghi ấy. Nó xuất hiện chủ yếu bởi đơn giản cô trông không giống một cảnh sát điển hình, người phụ nữ cao một mét sáu mươi tám này có mái tóc màu vàng sẫm thường xuyên, cũng như lúc bấy giờ, được tết bím theo kiểu Pháp, son môi màu tía nhạt, núm tai nghe iPod đung đưa, đồ trang sức bằng vàng và vỏ trai biển mà mẹ cô chế tác, chưa kể niềm đam mê của cô – những đôi giày kiểu cách (rượt đuổi các đối tượng đâu phải đặc điểm trong công việc hàng ngày của Dance).
Tuy nhiên, bây giờ, cô ngờ rằng cô hiểu tại sao Lincoln Rhyme thiếu quan tâm. Giống như nhiều chuyên gia giám định vật chứng khác, anh chẳng đánh giá cao giám định ngôn ngữ hình thể và phỏng vấn. Anh hẳn đã phản đối việc gọi cô.
Bản thân Dance, ờ, cô có nhận ra giá trị của các chứng cứ vật chất, nhưng nó không hấp dẫn cô. Khía cạnh con người của một vụ án và quá trình giải quyết vụ án mới khiến trái tim cô rộn ràng.
Giám định ngôn ngữ hình thể đấu với giám định vật chứng.
Đủ công bằng đấy, thám tử Rhyme ạ.
Trong lúc nhà hình sự học đẹp trai, đầy vẻ mỉa mai và thiếu kiên nhẫn tiếp tục nhìn đăm đăm các bảng chứng cứ, Dance tiếp thu những chi tiết của vụ án, một vụ án lạ lùng. Các vụ giết người do kẻ tự xưng danh là Thợ Đồng Hồ thực hiện, chắc chắn rồi, thật kinh khủng, nhưng Dance không bị choáng váng. Cô từng giải quyết nhiều vụ cũng đáng ghê tởm như thế. Và, suy cho cùng, cô sống ở California, nơi Charles Manson(30)đã định ra tiêu chuẩn của cái xấu xa.
(30)Charles Manson bị kết án tử hình năm 1971 với tám điểm buộc tội, bảy về giết người và một về âm mưu giết người, nhưng sau đó hưởng án chung thân vì Tòa án Tối cao bang California xóa bỏ án tử hình, hiện vẫn còn trong tù và chưa được quyền xin phóng thích trước năm 2012.
Dennis Baker, một thám tử khác của Sở Cảnh sát New York, lúc này đang nói với cô cụ thể điều họ cần. Họ phát hiện được một nhân chứng có lẽ biết những thông tin hữu ích nhưng anh ta không sẵn sàng khai báo chi tiết.
“Anh ta khẳng định anh ta chẳng trông thấy gì”, Sachs nói thêm. “Nhưng tôi có cảm giác là anh ta đã trông thấy gì đó.”
Dance thất vọng vì cô sẽ phỏng vấn một nhân chứng chứ không phải một đối tượng. Cô thích sự thách thức khi đương đầu với những kẻ tội phạm hơn, càng dối trá càng tốt. Tuy nhiên, phỏng vấn nhân chứng mất ít thời gian hơn nhiều so với việc áp đảo được các đối tượng và cô chắc chắn kịp chuyến bay.
“Tôi biết tôi có thể làm gì”, Dance bảo họ. Cô lục tìm trong chiếc túi xách tay của hãng Coach cặp kính mắt tròn, gọng màu hồng nhạt và đeo lên.
Sachs nói với cô chi tiết về Ari Cobb, vị nhân chứng bất hợp tác, về trình tự buổi tối hôm trước của anh ta, như họ đã có thể chắp các sự việc lại, và cách anh ta cư xử sáng hôm đó.
Dance cẩn thận lắng nghe trong lúc nhấm nháp cà phê mà anh thanh niên chăm sóc Rhyme rót cho cô và thưởng thức nửa chiếc bánh nướng kiểu Đan Mạch.
Sau khi nắm được tất cả những thông tin cơ bản, Dance sắp xếp các ý nghĩ. Rồi cô nói với họ: “Được, tôi xin phép trình bày suy nghĩ của tôi. Thứ nhất, một bài giảng cấp tốc. Lon đã dự ngày hôm qua nhưng tôi sẽ nói với quý vị ở đây tôi tiến hành phỏng vấn theo cách như thế nào. Giám định ngôn ngữ hình thể vốn là môn khoa học xem xét các hành vi về mặt cơ thể, tức ngôn ngữ cơ thể, để hiểu trạng thái tình cảm của một người, để xem liệu người ấy có dối trá không. Hầu hết mọi người, kể cả tôi, hiện nay sử dụng thuật ngữ này ám chỉ mọi hình thức giao tiếp, không đề cập riêng ngôn ngữ cơ thể, mà cả những lời khai nói và viết.
Đầu tiên, tôi sẽ tìm hiểu căn bản về nhân chứng, anh ta hành động như thế nào khi trả lời những điều chúng ta biết là thật, tên, địa chỉ, nghề nghiệp, đại loại vậy. Tôi sẽ để ý điệu bộ, tư thế, sự lựa chọn từ ngữ của anh ta, và độ chắc chắn trong những điều anh ta nói.
Có điểm xuất phát rồi, tôi sẽ bắt đầu đặt câu hỏi và phát hiện ra khi nào anh ta biểu lộ phản ứng căng thẳng. Nó đồng nghĩa với việc hoặc anh ta nói dối hoặc anh ta biết gì đó quan trọng về vấn đề tôi hỏi anh ta. Tới lúc này, cái tôi đang tiến hành là ‘phỏng vấn’ anh ta. Nếu tôi nghi ngờ anh ta nói dối, quá trình ấy sẽ chuyển thành ‘thẩm vấn’. Tôi bắt đầu áp đảo anh ta dần, sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau, cho tới lúc có được sự thật.”
“Hoàn hảo”, Baker nhận xét. Mặc dù Rhyme xem chừng là người điều hành, Dennis Baker, Dance suy luận ra, là người đến từ sở chỉ huy. Anh ta mang vẻ bề ngoài mạnh mẽ của người đàn ông mà đôi vai, rút cục – và về mặt chính trị – sẽ gánh vác một cuộc điều tra như thế này.
“Quý vị có bản đồ khu vực chúng ta đang đề cập chứ”, Dance nói. “Tôi muốn biết địa thế khu vực ấy. Nếu không, quý vị không thể thẩm vấn một cách hiệu quả. Tôi muốn nói tôi cần phải biét địa hình địa vật của đối tượng.”
Lon Sellitto bật cười gọn một tiếng. Dance mỉm cười với vẻ tò mò. Ông ta giải thích: “Lincoln cũng nói chính xác y như vậy về giám định vật chứng. Nếu anh mù mờ về địa thế, anh đang làm việc xa rời thực tế. Đúng không, Linc?”
“Gì cơ?”, nhà hình sự học hỏi.
“Địa hình địa vật, anh thích gọi như vậy?”
“À.” Nụ cười lịch sự của anh chẳng khác gì nụ cười của con trai Dance, nó muốn nói: “Thế nào cũng được.”
Dance xem xét bản đồ khu Hạ Manhattan, ghi nhớ chi tiết hiện trường vụ án và trình tự hoạt động sau giờ làm của Ari Cobb ngày hôm trước, như Sachs và một sĩ quan tuần tra trẻ tuổi, tên là Pulaski, chỉ ra.
Cuối cùng, cô cảm thấy thoải mái với các dữ kiện. “Được rồi, chúng ta bắt tay vào việc nào. Anh ta đâu?”
“Ở phòng bên kia hành lang.”
“Đưa anh ta sang đây.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.