Trăng Lạnh
CHƯƠNG 22
Vincent Reynolds đang thận trọng quan sát người phụ nữ trong tiệm ăn, một người phụ nữ tóc nâu mảnh dẻ, chừng ba mươi tuổi, mặc bộ đồ nỉ. Mái tóc ngắn được chải ngược ra phía sau và cặp lại bằng những chiếc cặp tăm. Bọn gã đã bám theo cô từ căn hộ cũ kĩ của cô ở Greenwich Village, đầu tiên là đến một quán rượu trong khu vực, và bây giờ là đến đây, một quán cà phê cách mấy khối phố. Cô và bạn gái, một thiếu nữ tóc vàng ở độ tuổi hai mươi, đang có khoảng thời gian hết sức vui vẻ, không ngớt nói cười.
Lucy Richter đang tận hưởng những khoảnh khắc ngắn ngủi cuối cùng trên trái đất.
Duncan nghe nhạc cổ điển qua hệ thống âm thanh của chiếc Buick. Trong gã bây giờ là cái bản chất thâm trầm, bình thản điển hình. Đôi lúc, người ta không thể nói điều gì đang diễn ra trong tâm trí gã.
Vincent, trái ngược lại, triền miên đói khát. Gã chén một thanh kẹo, rồi thêm một thanh nữa.
Cái kế hoạch chết tiệt này. Mình cần một đứa con gái…
Duncan lấy chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng ra xem, nhẹ nhàng lên dây cót.
Vincent đã nhìn thấy chiếc đồng hồ vài lần, nhưng nó luôn luôn gây ấn tượng đối với gã. Duncan giải thích rằng nó do Breguet chế tạo, một thợ đồng hồ người Pháp sống cách đây lâu lắm rồi (“theo tao đó là con người khéo léo nhất từng sống trên cõi đời này”).
Chiếc đồng hồ trông đơn giản. Nó có mặt màu trắng, những chữ số La Mã, mấy cái mặt nhỏ thể hiện các kì trăng và một lịch vạn niên. Nó cũng có một “cái dù”, một hệ thống chống sốc, Duncan giải thích. Phát minh của riêng Breguet.
Lần này, Vincent hỏi gã. “Nó bao nhiêu tuổi rồi, chiếc đồng hồ của anh ấy?”
“Nó được chế tạo năm mười hai.”
“Mười hai? Như là từ thời La Mã ấy à?”
Duncan mỉm cười. “Không, xin lỗi. Đó là năm ghi trên hóa đơn bán hàng gốc, nên tao nghĩ đó là năm sản xuất. Tao muốn nói năm mười hai theo lịch cách mạng Pháp. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ, chế độ cộng hòa tuyên bố lịch mới, bắt đầu vào năm 1792. Đó là thứ lịch rất kì lạ. Mỗi tuần có mười ngày và mỗi tháng có ba mươi ngày. Cứ sáu năm lại có một năm nhuận được dành hoàn toàn cho thể thao. Vì lí do nào đó, chính phủ cho rằng thứ lịch ấy sẽ mang tới nhiều cơ hội bình đẳng hơn thứ lịch truyền thống. Nhưng nó quá khó sử dụng. Nó chỉ tồn tại mười bốn năm. Cũng giống vô số những ý tưởng cách mạng, chúng có vẻ hay ho trên giấy tờ chứ chẳng thực tế lắm.”
Duncan ngắm nghía chiếc đồng hồ bằng vàng vẻ mê say. “Tao thích các loại đồng hồ được chế tạo thời kì đó. Thời kì đó, một chiếc đồng hồ là một thứ quyền lực. Không nhiều người có đủ tiền mà mua. Người chủ sở hữu một chiếc đồng hồ là người kiểm soát được thời gian. Mày đến chỗ hắn và mày chờ đợi cho tới lúc hắn ấn định cuộc gặp. Người ta sáng chế ra dây chuyền và dây xích để thậm chí khi một người mang một chiếc đồng hồ trong túi áo khoác, mày vẫn có thể thấy hắn đang sở hữu một chiếc đồng hồ. Vào thời đó, thợ đồng hồ là những đức Chúa.” Duncan thoáng ngừng lại. “Tao đang nói một cách hình tượng, nhưng ở góc độ nào đấy, đó là sự thực.”
Vincent nhướn một bên mày.
“Có một phong trào triết học vào thế kỉ XVIII sử dụng đồng hồ như một phép ẩn dụ. Người ta quan niệm rằng Chúa sáng tạo ra bộ máy vũ trụ, lên dây cót và cho nó bắt đầu chạy. Một thứ lịch vạn niên. Chúa được gọi là ‘Thợ Đồng Hồ Vĩ Đại’. Dù mày tin hay không tin, triết lí đó có rất nhiều tín đồ. Nó mang tới cho thợ đồng hồ địa vị gần như các cha cổ vậy.”
Ánh mắt đặt lên chiếc Breguet một lần nữa, Duncan cất nó vào túi. “Chúng ta phải đi thôi”, Duncan nói, hất đầu về phía hai người phụ nữ. “Bọn nó chuẩn bị rời khỏi đây bây giờ.”
Gã cài số, bấm xi nhan và cho xe chạy ra giữa đường, bỏ lại nạn nhân đằng sau, sắp sửa mất cuộc đời bởi một tên đàn ông, và ngay sau đó, mất nhân phẩm bởi một tên khác. Tuy nhiên, bọn gã chưa thể đoạt cô đêm nay, vì Duncan biết rằng cô có một người chồng làm việc giờ giấc thất thường và có thể về nhà bất cứ lúc nào.
Vincent thở sâu, cố gắng ngăn nỗi đói khát. Gã chén một gói khoai tây chiên. Gã hỏi: “Anh định sẽ làm việc đó ra sao? Tôi muốn nói là giết cô ta ấy.”
Duncan im lặng một lúc lâu. “Hôm trước mày đã hỏi tao một câu. Rằng mất bao lâu hai kẻ đầu tiên mới chết.”
Vincent gật đầu.
“Chà, sẽ mất khối thời gian con bé Lucy mới chết được.” Mặc dù bọn gã không còn cuốn sách về các phương pháp tra tấn, Duncan rõ ràng đã thuộc lòng phần lớn. Bây giờ, gã mô tả cái kĩ thuật mà gã định sử dụng để sát hại cô. Nó được gọi là kĩ thuật sàn nước. Người ta buộc dây ngang lưng nạn nhân cho treo lơ lửng lộn ngược. Rồi bịt miệng bằng băng dính nhựa và đổ nước vào mũi. Có thể kéo dài thời gian tra tấn tùy thích, nếu thi thoảng lại để nạn nhân hít lấy một chút không khí.
“Tao sẽ cố gắng giữ cho con bé vẫn sống chừng nửa tiếng đồng hồ. Hoặc bốn mươi phút, nếu được.”
“Cô ta đáng bị như thế, hả?”, Vincent hỏi.
Duncan ngừng lại một lát.
“Câu mà mày đang thực sự muốn hỏi là tại sao tao lại giết những con người này.”
“Ờ thì… Đúng như vậy.”
“Tao chưa bao giờ nói với mày.”
“Chưa, anh chưa bao giờ nói.”
Sự tin cậy cũng quý giá gần bằng thời gian…
Duncan liếc nhìn Vincent rồi lại quay ra phố. “Mày biết đấy, tất cả chúng ta đều ở trên trái đất này trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể chỉ tính bằng ngày, tháng. Nhưng chúng ta hi vọng sẽ là nhiều năm.”
“Đúng.”
“Như thế Chúa, hoặc bất cứ ai mày đặt đức tin vào, có một danh sách khổng lồ gồm tất cả những con người trên trái đất. Khi kim chiếc đồng hồ của Ngài chạm đến những giờ nhất định, thế là xong. Bọn họ ra đi vĩnh viễn… Chà, tao có một danh sách cho riêng mình.”
“Mười người.”
“Mười người… Sự khác nhau là Chúa không có lí do thích đáng để giết bọn họ. Tao thì có.”
Vincent im lặng. Trong khoảnh khắc, gã không đói khát và gã không thông minh. Gã chỉ là Vincent bình thường, lắng nghe một người bạn chia sẻ cái gì đó quan trọng.
“Cuối cùng, tao cảm thấy đủ yên tâm để nói với mấy lí do ấy.”
Và Duncan nói.
Mặt trăng là một dải sáng màu trắng trên mui xe, phản chiếu trong cặp mắt cô.
Amelia Sachs đang phóng xe dọc bờ sông Đông, chiếc đèn báo tình trạng khẩn cấp nằm lệch trên bảng đồng hồ.
Cô cảm thấy một sức nặng đè lên mình, hệ quả từ tất cả những sự kiện của mấy ngày qua: Khả năng đám cảnh sát thoái hóa biến chất có dính líu tới những kẻ giết người đã gây ra vụ Ben Creeley và Frank Sarkowski. Nguy cơ là thanh tra Flaherti có thể không để cho cô tiếp tục giải quyết vụ án bất cứ lúc nào. Hành động gián điệp của Dennis Baker và việc nhân vật quan trọng bỏ phiếu bất tín nhiệm vì Nick. Cơn thịnh nộ ở Phó Thanh tra Jefferies.
Và, trên hết, là thông tin kinh khủng về cha cô.
Cô đang nghĩ: Liệu có hi vọng gì ở nghề nghiệp, làm việc vất vả, từ bỏ sự thanh thản đầu óc, đánh liều với tính mạng, nếu làm một cảnh sát rốt cuộc sẽ phá hủy cái cốt lõi tốt đẹp trong con người ta?
Sachs giật mạnh sang số bốn, tăng tốc lên bảy mươi dặm. Động cơ xe rú tựa con sói tru lúc nửa đêm.
Không một cảnh sát nào chân chính hơn cha cô, đáng tin cậy hơn, tận tâm hơn. Và hãy nhìn những gì đã xảy tới với ông… Nhưng rồi cô nhận ra rằng, không, không, cô không thể nào suy nghĩ theo cách ấy được. Không có gì đã xảy tới với ông. Trở nên tồi tệ là quyết định của chính ông mà.
Cô vốn vẫn nhớ về Herman Sachs như một người đàn ông điềm tĩnh, hài hước, tận hưởng những buổi chiều với bạn bè, xem đua ô tô, lang thang cùng con gái suốt các bãi xe bỏ đi của hạt Nassau để săn tìm những miếng đệm, những ống xả hay những bộ chế hòa khí khó kiếm. Còn bây giờ thì cô đã biết đấy chỉ là vẻ bề ngoài của một tư cách, bên dưới nó là một con người đen tối hơn, một con người cô chưa hề quen.
Trong tâm hồn Sachs là một sức mạnh khiến cô không thanh thản, một cái gì đó khiến cô nghi ngờ và khiến cô đặt ra những câu hỏi, thúc đẩy cô sẵn sàng liều lĩnh, một sức mạnh lớn vô cùng. Cô phải chịu đựng sức mạnh này. Nhưng phần thưởng là cảm giác phấn chấn khi một cuộc đời vô tội được cứu thoát hay một đối tượng nguy hiểm bị tóm cổ.
Ngọn lửa đó lái Sachs đi theo một hướng, nó có vẻ đã đẩy cha cô đi theo một hướng khác.
Chiếc Chevy bị vẩy đuôi. Cô giữ cho xe cân bằng lại một cách dễ dàng.
Vượt qua cầu Brooklyn, một cú rê đưa xe ra quốc lộ. Thêm hàng chục lần rẽ nữa, lối này, lối khác, hướng về phía nam.
Cuối cùng, Sachs tìm thấy cái cầu tàu ấy và đạp mạnh phanh, dừng lại sau vệt lốp miết xuống đường chừng ba mét. Cô ra khỏi xe, đóng sập cửa. Đi xuyên một công viên nhỏ, vượt một lũy chắn bằng bê tông. Sachs phớt lờ tấm biển cảnh cáo và bước lên cầu tàu, trong gió thổi ù ù không ngừng.
Ôi chao là lạnh.
Cô dừng lại trước dãy lan can thấp bằng gỗ, đôi bàn tay đi găng túm chặt lấy nó. Kí ức ào ạt trở về trong cô.
Mười tuổi, một buổi tối mùa hè ấm áp, cha cô nâng bổng cô lên chiếc cột dựng ở đoạn giữa của cầu tàu – nó vẫn còn đó – và giữ cô thật chặt. Cô không sợ vì ông đã dạy cô bơi tại bể bơi công cộng và, kể cả nếu một cơn gió mạnh thổi bay hai cha con từ cầu tàu xuống sông Đông, hai cha con đơn giản sẽ bơi tới chỗ chiếc thang, vừa cười to vừa đuổi theo nhau, trèo lên cầu tàu – và có thể họ thậm chí sẽ lại cùng nhảy khỏi cầu tàu, nắm tay nhau trong lúc rơi vèo xuống dòng nước đục ngầu ấm áp.
Mười bốn tuổi, cha cô với cốc cà phê và cô với lon soda, nhìn dòng nước trong lúc ông nói về Rose. “Mẹ con, bà ấy có những nỗi phiền muộn. Điều đó không có nghĩa là mẹ không yêu con. Hãy nhớ như thế. Chẳng qua cung cách của mẹ vậy. Chứ mẹ vốn vẫn tự hào về con. Biết hôm trước mẹ vừa bảo cha gì không?”
Và sau này, khi cô đã trở thành cảnh sát, đứng đây, bên cạnh chính chiếc Camaro cô lái đêm hôm nay (tuy lúc đó nó được sơn màu vàng, một màu rất đẹp cho chiếc xe thể thao). Sachs mặc bộ đồng phục, Herman mặc vét tông bằng vải tuýt và quần nhung kẻ.
“Cha gặp phải một vấn đề, Amie.”
“Vấn đề ạ?”
“Đại loại là về sức khỏe.”
Sachs chờ đợi, cảm thấy móng ngón trỏ bấm sâu vào ngón cái.
“Một dạng ung thư. Không nghiêm trọng. Cha sẽ đi điều trị.” Ông cho cô biết chi tiết tình hình – ông luôn luôn nói chuyện thẳng thắn với con gái – và rồi ông trở nên trang nghiêm không giống lúc bình thường, lắc đầu. “Nhưng vấn đề lớn là… Cha vừa trả năm đô la tiền cắt tóc, thế mà bây giờ cha sắp sửa bị rụng hết.” Ông xoa xoa đầu. “Giá cha tiết kiệm món tiền ấy.”
Nước mắt lăn xuống má Sachs. “Chết tiệt”, Sachs tự lẩm bẩm với mình. Thôi.
Nhưng cô không thể nào. Nước mắt tiếp tục lăn và đóng thành băng làm mặt cô đau nhói.
Quay lại xe, Sachs nổ máy và trở về chỗ Rhyme. Khi cô về tới nơi, anh đang nằm ở giường trên gác, đã ngủ.
Sachs bước vào phòng tập thể dục. Pulaski lập những bảng chứng cứ về vụ Creeley và Sarkowski ở đây. Cô không thể nào không mỉm cười. Chàng cảnh sát trẻ cần cù không chỉ giấu chúng ở đây mà còn phủ vải lên. Cô kéo tấm vải ra, đọc kĩ lưỡng phần trình bày cẩn thận của anh, rồi bổ sung một số kí hiệu của riêng mình.
VỤ ÁN MẠNG BENJAMIN CREELEY
– Creeley, năm mươi sáu tuổi, có vẻ đã treo cổ tự tử. Bằng dây phơi. Nhưng bị gãy một ngón cái. Không thể buộc nút thòng lọng được.
– Thư tuyệt mệnh soạn trên máy vi tính nói tới tâm trạng chán nản. Tuy nhiên, xem ra không chán nản đến nỗi phải tự tử. Không có tiền sử về các vấn đề tâm thần/tình cảm.
– Khoảng dịp lễ Tạ ơn, hai gã đàn ông đã đột nhập nhà Creeley và có lẽ đã đốt hết chứng cứ. Hai gã đàn ông da trắng, nhưng không bị nhận diện. Một gã to lớn hơn gã kia. Bọn họ vào nhà trong khoảng một tiếng đồng hồ.
– Chứng cứ tại ngôi nhà ở Westchester:
+ Khóa bị bẻ, một cách khéo léo.
+ Dấu vết của chất liệu da trên dụng cụ lò sưởi và bàn làm việc của Creeley.
+ Đất bám phía trước lò sưởi có nồng độ acid cao hơn đất ở xung quanh ngôi nhà và chứa chất ô nhiễm. Từ một khu công nghiệp chăng?
+ Dấu vết của cocaine bị đốt cháy trong lò sưởi.
– Chỗ tro trong lò sưởi.
+ Là sổ sách tài chính, các bảng quyết toán, liên quan đến hàng triệu đô la.
+ Đang kiểm tra logo trên văn bản, gửi số liệu cho nhân viên giám định kế toán.
+ Về đoạn nhật kí: thay dấu xe, hẹn cắt tóc, và tới Tửu quán Thánh James.
– Phân tích chỗ tro do phòng thí nghiệm ở Queens tiến hành:
+ Logo phần mềm được sử dụng trong kế toán doanh nghiệp.
+ Ý kiến của nhân viên giám định kế toán: con số phụ cấp cho các giám đốc điều hành theo dung tiêu chuẩn.
+ Bị đốt vì thong tin chúng chứa đựng, hay để đánh lạc hướng điều tra?
– Tửu quán Thánh James.
+ Creeley đã tới đây vài lần.
+ Có vẻ không sử dụng ma túy ở đây.
+ Không chắc chắn về những đối tượng ông ta gặp, tuy nhiên có thể là những cảnh sát đồn 118 thuộc Sở Cảnh sát New York đóng gần đó.
+ Lần cuối cùng tới đây – ngay trước khi chết – ông ta cãi nhau với những người chưa xác định được danh tính.
+ Đã kiểm tra tiền do những cảnh sát trả tại quán Thánh James, số sê–ri không bị đánh dấu, nhưng phát hiện thấy dấu vết cocaine và heroin. Ma túy ăn cắp từ đồn chăng?
+ Ma túy thất thoát không nhiều, chỉ gần hai trăm gram cần sa và hơn một trăm gram cocaine.
– Một số vụ tội phạm có tổ chức được xử lí bất thường ở đồn 118, nhưng không phát hiện thấy chứng cứ của việc cố ý trì hoãn.
– Hai băng tại East Village có thể đã tiến hành giết Creeley, tuy nhiên không phải là đối tượng tình nghi đặc biệt.
– Phỏng vấn Jordan Kessler, đối tác của Creeley, tiếp theo phỏng vấn bà vợ.
+ Khẳng định là không trông thấy ông ta sử dụng ma túy.
+ Tỏ ra không liên quan tới các đối tượng tội phạm.
+ Uống rượu nhiều hơn bình thường, bắt đầu đánh bạc. Có những chuyến đi đến Vegas và Atlantic City. Thua lớn, nhưng không đáng kể đối với Creeley.
+ Không xác định được tại sao ông ta chán nản.
+ Kessler không nhận ra các sổ sách bị đốt.
+ Đang chờ đợi danh sách khách hàng.
+ Kessler có vẻ không được lợi gì từ cái chết của Creeley.
– Sachs và Pulaski bị một chiếc Mercedes AMG bám theo.
VỤ ÁN MẠNG FRANK SARKOWSKI
– Sarkowski, năm mươi bảy tuổi, không có tên trong hồ sơ của cảnh sát, bị giết ngày bốn tháng Mười một năm nay, để lại vợ và hai con đang tuổi thiếu niên.
– Nạn nhân là chủ sở hữu một tòa nhà và công ti ở khu Manhattan. Chuyên bảo trì các công ti và cơ sở dịch vụ khác.
– Thám tử Art Snyder chịu trách nhiệm vụ này.
– Không có đối tượng tình nghi.
– Giết người/cướp của?
+ Bị bắn chết trong một tình huống có vẻ là một vụ cướp của. Vũ khí thu được tại hiện trường – một khẩu súng làm nhái kiểu Smith & Wesson, cỡ ba mươi tám, không dấu vân tay, không sổ đăng kí. Thám tử chịu trách nhiệm vụ này cho rằng đây là một vụ giết người thuê chuyên nghiệp.
– Chuyện kinh doanh đi xuống?
– Bị giết ở Queens – chưa biết chắc chắn ông ta sang đó làm gì.
+ Tại một khu vực hoang vắng, gần các bể chứa khí tự nhiên.
– Hồ sơ và chứng cứ thất lạc.
+ Hồ sơ được chuyển đến đồn 158 vào/gần ngày hai tám tháng Mười một. Không được trả lại. Không xác định được sĩ quan yêu cầu.
+ Không xác định được nơi hồ sơ đến tại 158.
+ Phó Thanh tra Jefferies không hợp tác.
– Tỏ ra không có quan hệ với Creeley.
– Không có tiền án tiền sự – bản thân Sarkowski cũng như công ti.
– Tin đồn – tiền được chuyển cho cảnh sát đồn 118. Dừng lại ở một ai đó/một chỗ nào đó lien quan đến Maryland. Băng nhóm Baltimore có dính líu?
+ Không manh mối.
* * *
Sachs đăm đăm nhìn bảng chứng cứ trong nửa tiếng đồng hồ cho tới lúc cô bắt đầu gà gật. Cô quay lên gác, cởi quần áo, bước vào buồng tắm, đứng dưới vòi hoa sen và để những tia nước nóng xối xuống mình một lúc lâu. Cô lau khô người, mặc một chiếc áo phông, quần đùi lụa, và trở ra phòng ngủ.
Sachs trèo lên giường nằm bên cạnh Rhyme, dựa đầu vào ngực anh.
“Em không sao chứ?”, anh ngái ngủ hỏi.
Sachs chẳng nói gì, nhưng rướn lên hôn vào má anh. Rồi cô lại nằm xuống và đăm đăm nhìn những chữ số điện tử nhảy liên tục trên mặt chiếc đồng hồ để bên cạnh giường. Từng phút trôi đi, chậm chạp, chậm chạp, mỗi phút là cả một ngày dài, cuối cùng, gần ba giờ sáng, cô chìm vào giấc ngủ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.