Cái cười của thánh nhân

Phần Bốn Mươi: Cây Trân Núi



Trang Tử đi núi, thấy một cây lớn, cành lá rậm rà. Người thợ đốn cây, đứng một bên mà không đốn. Hỏi duyên cớ, thì thưa rằng:

– Không dùng đặng chỗ nào hết.

Trang Tử nói:

– Cây nầy vì bất tài mà hưởng tận tuổi trời!

Ra khỏi núi. Trang Tử ghé nghỉ ngơi nhà người quen. Người quen mừng rỡ, hối trẻ giết nhạn để đãi khách.

Trẻ thưa:

– Một con biết gáy, một con không biết gáy. Giết con nào?

Chủ nhân nói:

– Giết con không biết gáy!

Bữa sau đệ tử hỏi Trang Tử:

– Hôm qua, cái cây trong núi nhờ bất tài mà sống tận được tuổi trời. Nay con nhạn của chủ nhân, thì vì bất tài mà chết. Như thế, ở địa vị của tiên sinh phải sử như thế nào?

Trang Tử cười bảo:

– Châu này thì xử vào khoảng giữa của tài và bất tài. Tài và bất tài như nhau, đều không phải cả, sao khỏi phải lụy thân. Nếu lại biết cỡi trên Đạo Đức mà ngao du thì đâu còn phải lụy như thế: Không màng khen, không sợ chê, khi cần phải lên thì bay như Rồng, khi cần phải bò, thì bò như rắn. Cùng hóa với chữa “thời” mà không chịu khư khư theo một thái độ nào nhất định. Khi lên cao, khi xuống thấp, lấy chữ hòa làm cân lượng, ngao du nơi tổ của vạn vật, xem vật là vật, mà không để cho Vật xem mình là vật, thì sao có thể bị lụy? Đó là phép tắc của Thần Nông Hoàng Đế. Đến như lấy cái tình của vạn vật mà truyền dạy về nhân luân, thì không thể, hễ có hợp là có tan, hễ có thành, phải có hủy. Hễ ngay thẳng thì bị chống đối, được tôn quý thì bị chê bai. Có làm thì có sót: Giỏi thì bị mưu tật, mà dở thì bị khinh khi, có thể nào quyết hẳn được bên nào?

Thương thay! Các đệ tử hãy ghi lấy: Chỉ có Đạo và Đức là nền tảng vững vàng để theo đó mà hành động thôi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.