Cái cười của thánh nhân

Phần Hai: Những Yếu Tố Chính Của U Mặc



U Mặc Và Bất Ngờ

Yếu tố quan trọng nhất của văn u mặc là sự bất ngờ, nghĩa là không thể dự liệu trước được.

Sứ mạng của u mặc không phải là ru ngủ với những tập quán, thành kiến cố hữu của con người, mà cốt là thức tỉnh con người bằng nghịch thuyết, một cách tự nhiên và đầy nhân ái.

Phàm việc gì trên đời, có “cùng” mới có “biến”, mà có “biến” mới có “thông” như Dịch Kinh đã dạy. Và sự biến ấy là một sự đột biến do sự tiệm biến lâu ngày… Nhờ vậy mới có chỗ “thông”. Thông, tức tiếng cười của ta đó.

Tâm tư con người bị trói buộc trong vòng lễ giáo chật hẹp quá, luật pháp và cấm kỵ bủa giăng, phong tục, tập quán và thàng kiến bao vây nghiêm nhặt quá, cho nên văn chương u mặc mang lại sự cởi mở bất ngờ như ngựa thoát yên cương, mới phát ra được tiếng cười chiến thắng: Cái cười “cởi mở” phá lao lung.

Định nghĩa về “cái cười”, Marcel Pagnol, trong thiên tiểu luận “Notes sur le Rire” cũng nhận xét đại khái sau đây:

1. Cười là tiếng ca đắc thắng. Nó là biểu hiện của một sự cao cả tạm thời, đột nhiên bị khám phá ra được nơi người cười đối với người bị chế nhạo.

2. Cười có hai thứ, rất kiên quan mật thiết với nhau như hai đối cực của quả địa cầu. Có cái cười tích cực: Tôi cười vì tôi cao hơn anh, cao hơn tất cả thiên hạ hay cao hơn tôi lúc trước. Lại cũng có cái cười “tiêu cực”, cái cười gắt gỏng chua cay, cái cười buồn bã, cười về chỗ thấp kém của kẻ khác, cái cười khinh bạc ngạo nghễ đối với người thất thế, cái cười trả thù và hằn học: Tôi cười, không phải vì tôi đắc thắng vinh quang hơn anh, mà tôi cười sự thất bại tủi nhục của anh.

3. Giữa hai cái cười ấy, còn có một thứ cười toàn diện gồm cả hai thứ cười tích cực và tiêu cực.

Để chứng minh, Pagnol đưa ra một thí dụ điển hình về tiếng cười vang của dân lành thành Paris bị quân Đức chiếm đóng, ngày Lecterc dẫn binh nhập thành. Người dân Pháp cười lăng cười lóc, cười đến nước mắt ràn rụa, vì nước Pháp đã được giải phóng và được hòa địa vị của mình trước vạn quốc. Họ cười sự chiến thắng của mình, mà cũng cười sự chiến bại của quân địch.

Định nghĩa của M. Pagnol, trên đây kể ra cũng đã khám phá được một phần khá lớn cái mật nhiệm của tiếng cười là giải phóng được tâm tư bị mặc cảm tự ty dồn ép đến tận cùng.

Bergson cũng định nghĩa tiếng cười cách khác: Hài hước là đem “hình thức máy móc mà trồng lên sự sống” (du mécanique plaqué sur du vivant). Thuyết ấy khá hay. Nó cũng không nghịch với Pagnol, mà còn chứng minh một cách rõ ràng hơn là khác.

Thật vậy, những cử động của thân thể con người mà gợi cười là khi nào nó không cử động được một cách tự nhiên nữa, mà chỉ hoạt động một cách máy móc, như những hình nộm bị giật dây. Cái khía cạnh đạo mạo và long trọng của đời sống xã hội hằng ngày luôn luôn có ẩn bên trong một cái gì lố bịch, hài hước. Một cuộc lễ trao giải thưởng, một phiên tòa án thường dễ trở thành hài hước khi mà người ta đã quên phần chính mà chỉ chú trọng đến những phần phụ thuộc, những hành động máy móc hình thức. Những sự méo mó của nghề nghiệp thường làm cho ta tức cười, những trường hợp các nhân viên nha quan thuế, sau khi lội xuống biển cứu xong những kẻ bị đắm tàu, quen miệng hỏi: “Các anh không còn gì khai nữa chăng?”

Bất cứ một cá nhân nào hành động như cái máy ở trước mặt ta, phải chăng tự họ đã tỏ ra thấp kém hơn ta nhiều, còn ta đã trở thành một tâm hồn tự do không bị xã hội biến thành một dụng cụ vô hồn.

Cũng nên nói qua về một công dụng khác của văn chương trào lộng: “nói tục”. Tục… mà thanh. Cái đó mới khó.

Cái mà xã hội gọi là phạm đến “thuần phong mỹ tục” phải chăng thực sự là những tội lỗi mà ở trong xã hội tự nhiên không có gì gọi là tội lỗi cả! Đó là những thỏa mãn, tự nhiên của con người, nếu bị cấm đoán sẽ bị dồn ép. Ở những xã hội tự nhiên, các sự thỏa mãn nhu cầu tự nhiên không thấy gì đáng cười cả, trái lại, ở những xã hội văn minh giả tạo, thì đó là những câu chuyện buồn cười! Nhà văn Lâm Ngữ Đường cho rằng: “Kẻ giỏi về hoạt kê, là kẻ nói lên được những cái hợp tình hợp lý ngoài dự liệu của mọi người. Và nó sẽ là những lời của kẻ khác không dám nói (…). Do đó, hoạt kê đổi sang “nói tục”, vì “nói tục” cũng có tác dụng buôn thả cởi mở sự bị ức chế trong tâm tư. Và trong hoàn cảnh tương đương như vậy, lời “nói tục” cũng hợp với tinh thần khang kiện (…). Bởi vậy ta thường thấy nhiều ông bà thời thường hết sực đoan trang đạo mạo, khi nóng giận bực tức việc chi, hay “văng tục” khinh khủng!

Ngày xưa, bên Trung Hoa, Thuần Vu Khôn đáp lời của Tề Uy Vương: “Hạ thần uống một đấu cũng say, mà uống một thạch cũng say!”

Uy Vương hỏi:

– Uống một đấu cũng đã say rồi, thì làm sao uống được một thạch?

Thuần Vu Khôn đáp:

– Khi hầu cận bên hoàng thượng, thì chỉ uống một hai đấu là đã say nhừ rồi! Nhưng, nếu khi ngồi lộn xộn với đám trai gái, nắm lấy tay không phạt, liếc mắt không cấm, trước rời hoa tai sau lỏng cài trâm… thì có thể uống tới tám đấu mới chịu say. Cũng như khi trời chiều rượu cạn, cùng tôn kính nhau mà ngồi sát bên nhau, trai gái đồng tịch, giày dép lộn xộn ngổn ngang, trên nhà nến tắt, chủ nhân giữ Khôn lại và màn mở tung ra, nghe hơi hương nồng thắm, trong lúc ấy Khôn quá vui thích, có thể uống cả một thạch!

Trương Vương vẽ mày cho vợ, bị nhà vua cật vấn, trả lời: “Trong khoảng buồng the, việc vợ chồng há chỉ có vẽ chân mày mà thôi đâu!” Đó là hoạt kê, khiến người ta cười, nhất là khi có sự cấm kỵ không nên nghe, mà lại nói ra được một câu hợp tình hợp lý không chối cãi.

Tương truyền có một người đến hỏi một đạo sĩ về thuật trường sinh bất lão. Đạo sĩ bảo phải tiết dục, ăn sương nằm gió, xa lánh đàn bà, cấm ăn cao lương mỹ vị… thì mới có thể trường sinh.

Người ấy nói:

– Như thế thọ đến nghìn năm cũng chả có ích gì! Thà chết yểu còn hơn!

Cái cười như đã định trước đây, là do sự khác biệt về địa vị, về giai cấp sang hèn trong xã hội.

Những rủi ro bất ngờ xảy ra cho những kẻ có một địa vị cao cả, tôn nghiêm dễ làm cho người dân đen cười lắm. Người khùng, không ai cười, mà một vị vua chúa, cao sang tôn quý lại rủi ro khùng khịu, nói lắp. Nói ngọng… sẽ làm cho thiên hạ cười vang.

Cũng như một cái lỗi chính tả, đối với thí sinh tiểu học không làm gì cho người ta cười được, vì cười nó đâu có chứng tỏ sự tài giỏi của ta hơn nó đâu. Trái lại, nếu là một ông giáo sư mà viết sai chính tả, sẽ làm cho học trò cười lên một cách sung sướng.

Chế giễu bọn người nhiều may mắn, nhiều uy quyền, nhiều tài hoa hơn thiên hạ là giúp cho đám người vô thiếu may mắn, thiếu uy quyền, thiếu tài hoa… cảm thấy trong một thời gian ngắn, cao hơn những hạng người trong thực tại cao sang tài giỏi hơn họ kia. Làm cho họ cười là giúp cho họ một cơ hội nhỏ bé và tạm thời lấy lại chút ít lòng tự tinđã mất, trước những thực tế phũ phàng.

Bởi vậy, những vở hài kịch, nhiều ít, đối với số đông khán giả, là một liều thuốc bổ, nâng đỡ tinh thần trong cuộc sống vất vả hàng ngày. Đối với những bệnh nhân vì nản chí, chán chường, mệt mỏi… cười quả là một liều thuốc bổ. Marcel Pagnol bảo rằng: Cười, làm tăng hồng huyết cầu, vì nó làm cho lá lách ta nở lớn hơn. Ông lại còn cho rằng: Những kẻ không còn cười nữa vì những lý do bên ngoài, lần lần sẽ mất sinh lực, mất cả sự nhanh nhẹn và mất cả lòng nhân ái.

Chính vì những lời lẽ nói trên mà ta thấy phần đông người dân rất thích đọc những bài văn chửi người, những bài thơ ngang, trào lộng châm biếm. Người ta không bao giờ cười đối với kẻ mà ta khi, nhưng sẽ cười những chở sơ hở của những kẻ hơn ta về nhiều phương diện. Người tađâu có cười kẻ si tình tầm thường trong dân gian, mà cười lăn ra khi gặp phải một ông sư cụ mà lại tương tư:

“Sư đang tụng niệm nam mô!

Thấy cô xách giỏ mò cua bên chùa.

Lòng sư luống những mơ hồ,

Bỏ cả kinh kệ, tìm cô hỏi chào

Ai ngờ cô đi đường nào,

Tay cầm tràng hạt ra vào ngẩn ngơ!

Ba cô đội gạo lên chùa,

Một cô yếm thắm bỏ chùa cho sư.

Cô về, sư ốm tương tư,

Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu!

Ai làm cho dạ sư sầu,

Cho ruột sư héo như bầu đứt dây!”

Cái cười trên đây, là cười sự sút kém của kẻ khác.

Bên La Mã ngày xưa, trong những ngày lễ chiến thắng, người ta cho phép các binh sĩ được quyền chế nhạo những vị anh hùng đã lập được chiến công oanh liệt… là để hạ bớt lòng tự kiêu, tự đắc rất có hại cho những kẻ thắng trận.

Những điều nói trên đây, có thể làm sáng tỏ phần nào nguồn gốc và tính chất của tiếng cười nói chung, nhưng đều là những loại hoạt kê uẩn ức theo cơ trí, thú trào lộng châm biếm của những tâm hồn còn phẫn thế.

Một bài văn trào lộng u mặc không phải như vậy. U mặc là châm biếm, nhưng châm biếm một cách tự nhiên vàđượm màu ưu ái.

U Mặc Và Tự Nhiên

Đặc điểm thứ hai của văn u mặc là tự nhiên. Đọc văn u mặc thượng thừa, ta không cảm thấy làm văn, không thấy sựđẽo gọt. Đơn giản và tự nhiên là chỗ cao tột của nghệ thuật và u mặc.

U mặc là khách quan mà nhìn xem sự thế, còn cơ kính là chủ quan, bóp tròn bẻ méo việc đời để tha hồ vu khống xuyên tạc. U mặc thì hư không, có mùi lạt lẽo, còn phúng thích thì chua cay và bén nhọn.

Viết văn u mặc phải có được một tấm lòng thản nhiên vô tư, nhìn xem thế sự có chỗ vui thích tự nhiên rồi dùng ngọn bút khinh khoái mà mô tả không thấy có gì ngượng nghịu, trở ngại, không gò ép, không lo sợ, không cầu được có kẻ tán thành cũng không sợ có người chỉ trích.

Du khách viếng chùa Hoàng Bích bên Nhật đều không ngớt trầm trồ bức hoành viết ba chữ “Thắng Nghĩa Đế” bằng đại tự, khắc ở cổng chùa.

Tương truyền ba chữ ấy do hòa thượng Kosen viết, cách đây lối hai trăm năm. Hòa thượng bắt đầu viết thử trên giấy rời. Bên cạnh, có một chú tiểu ngồi lo mài mực vừa chê khen. Viết lần đầu, chú tiểu chê xấu. Lần sau chú lại cũng chê xấu. Hòa thượng kiên nhẫn thử đến tám mươi tờ giấy. Chú tiểu cũng kiên nhẫn chê đến tám mươi tám lần.

Chú tiểu có việc ra ngoài

Hòa thượng cảm thấy nhẹ nhàng vì đã thoát khỏi cặp mắt quá quắt của chú tiểu, bèn múa bút, viết một hơi… quên mình, quên chú tiểu, quên cả chung quanh.

Viết vừa xong, thì chú tiểu trở vào.

Chú nhìn đứng sửng một hồi, khen:

– Thật là tuyệt bút!

Tóm lại, văn u mặc, tuy có nhiều hình thức cao thấp khác nhau, nhưng tựu trung đều có ngọn bút nhẹ nhàng, đều lấy tự nhiên là chủ yếu.

Cái u mặc sở dĩ khác với văn chương du hí của Trung Hoa, là không hoang đường, vừa trang trọng vừa hài hòa phát xuất tự chỗ tự nhiên để bàn đến nhân tâm thế sự và tuyệt đối không bao giờ thấy có giọng hề.

Đọc văn u mặc không bao giờ thấy sự cố cưỡng gò ép tử tư tưởng đến văn từ. Trên con đường nghị luận ít có sự ràng buộc, cho nên vui buồn, thương ghét đều phát xuất một cách chân tình. Văn u mắc khác văn trào lộng châm biến ở chỗ kín đáo của nó, thường thì chỉ nhận ở khóe mắt hơn nụ cười cửa miệng.

U mặc có nhiều thứ, có nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo Tây phương thường lại có ý nghĩa bao quát tất cả những gì khiến cho người ta cười, trong đó có những cái cười thô tục, bỉ lậu… Theo nghĩa hẹp, thì u mặc khác xa châm biếm cười đùa. Trong cái cười, có nhiều cách, như cười chua, cười đắng, cười nhạt, cười điên, cười nụ, cười vang… Lại cũng có cái cười lập đức… Nhưng trong tất cả mọi thứ cười, cái cười u mặc là một thứ cười hồn nhiên phát tự một trí huệ tuyệt vời, một tâm hồn siêu thoát, nặng về tình cảm nhẹ nhàng.

Tây phương bàn về u mặc có Aristote, Platon, Kant, nhưng đại để giống với Aristote, cho rằng: Cười, là lâm vào tình trạng khẩn trương đang đợi sự biến đổi thình lình. Tức là chỗ mà Dịch Kinh bảo: “Cùng tắc biến”.

Freud, có đưa ra một dẫn chứng rất lý thú: “Một hôm có người bạn nghèo, đến người bạn giàu vay một số tiền. Hôm sau, anh nhà giàu gặp người bạn mượn tiền đang ngồi tại quán ăn trước một món ăn rất sang. Anh bạn giàu đến trách:

– Anh vừa mượn tiền của tôi, lại rồi ra đây ăn uống sang thế à! Vậy, thì anh mượn tiền để đi ăn ngon sao?

Người bạn nghèo đáp:

– Tôi không hiểu anh muốn nói gì cả. Tôi không tiền, nên không thể nào thưởng thức được món ăn ngon này. Vậy khi có tiền, lại cũng không được ăn món ngon này, vậy xin hỏi anh, đến chừng nào tôi mới được ăn món ngon này?

Anh nhà giàu cười, vỗ vai anh bạn nghèo rồi bỏ đi.

Trong khi anh bạn giàu hỏi, tình trạng thật là khẩn trương. Đến khi nghe câu trả lời của người bạn nghèo, thì tình trạng căng thẳng trong tâm tư bèn được giải tỏa, nhẹ nhàng thư thái… Cười, có cái tác dụng giải phóng thần kinh là vậy. “Bí ẩn tắc thông” là thế, như Dịch Kinh đã nói.

U mặc mà càng được bao trùm rộng rãi ra thế nhân bao nhiêu càng lại được nhiều kẻ đồng tình bấy nhiêu, bởi vì trong đám người nghe không ai thấy là chính cá nhân mình bị chỉ trích. Cho nên u mặc mà cao là khéo nói những chuyện bông lông, không nhằm vào một cá nhân hay mộtđoàn thể nào cả. Lấy việc xưa mà nói việc nay, cũng như lấy mình làm mục tiêu chế nhạo thì không ai nhột nhạt khó chịu và oán ghét. Vì vậy mà thường văn chương u mặc hay có tính cách ngụ ngôn và tự trào

“Sô Kỵ, người nước Tề, tướng cao, mặt mũi khôi ngô. Một buổi sáng soi gương, hỏi vợ:

– Ta đẹp hay Từ công đẹp?

Vợ đáp:

– Tướng công đẹp, Từ công sao sánh được?

Kỵ không tin, hỏi lại người thiếp, thiếp nói:

– Từ công sánh gì nổi Tướng công!

Có khách đến, Kỵ cũng hỏi thế. Khách đáp:

– Từ công đẹp sao bằng ngài!

Hôm sau Từ công đến chơi. Kỵ nhìn kĩ, biết mình không bằng. Lại soi gương càng thấy mình kém xa.

Ngẫm nghĩ rồi vào triều, tâu với Tề vương:

– Thần vốn biết dung mạo không bằng Từ công, vậy mà vợ thần vì yêu, thiếp thần vì sợ, khách thần thì muốn cầu cạnh, đều nói thần đẹp hơn. Nay nước Tề, đất vuông ngàn dặm, thành quách trăm hai, trong cung không ai là không yêu đại vương, bốn phương không ai là không mong chờ đại vương. Như vậy, đủ thấy người ta đã che mắt đại vương rất nhiều rồi vậy!”

Chỗ u mặc của Sô Kỵ, là biết lấy các việc mình bị “che mắt” hoặc tự tạo ra để cảnh tỉnh sự bị “che mắt” của người khác, không riêng gì là của một ông vua, mà tất cả mọi người.

U Mặc Và Tình Thương

Tiếng cười u mặc vì vậy, có thêm một đặc điểm thứ ba là tình thương.

Tiếng cười u mặc là tiếng cười ôn nhu hòa hoãn, phát tự tâm linh siêu thoát, vượt lên xa những cái nhỏ nhen cố chấp của người đời.

Nếu châm biếm hài hước mà có tính cách cá nhân sẽ không còn phải là tinh thần u mặc nữa. Bởi vậy, những câu châm biếm có tính cách chua cay ác độc, hằn hộc nguyền rủa không phải là u mặc.

Tình cảm của u mặc là siêu thoát, là đạt thấu nhân tìnhđạo lý, người đọc văn không thể không vui mà nhận nó, như trường hợp Tề vương trên đây. Nguyền rủa, trịch thượng thì lời nói nặng nề, thô lỗ, kẻ bàng quan dù có cho là lẽ phải cũng rất khó mà đồng tình. Cười cái điên của một cá nhân nào. Jean Paul Richter nói rất chí lý: “Dưới con mắt của nhà văn u mặc, không có cái điên nào cho ai cả, mà chỉ có lũ con người điên, và cả một thế giới điên loạn mà thôi.”

U mặc và phóng thích có nhiều chỗ gần nhau, nhưng không nên xem phúng thích là mục đích của u mặc. Phúng thích hay đi đến chỗ chua cay. Phải bỏ cái vẻ chua cay mà đạt đến một tâm cảnh trống không và hờ hững. Lại còn phải thêm một vài điểm từ bi nhà Phật là khác.

Trào lộng u mặc phải có vẻ ôn hòa thuần hậu, có tính cách thương xót cho số phận của con người. Đùa cợt, nhưng không đùa cợt theo cách hằn thù định làm nhục đối phương, mà đùa cợt một cách âu yếm như bậc cha anh đùa những cái lầm khả ái của con em mình. U mặc là trào lộng với thâm ý làm cho giác ngộ. Công dụng của nó là lập đức, bởi vậy, trong tiếng cười có pha giọt lệ, hay nói cách khác, u mặc là “tương tiếu nhất thinh song lê lạc” là “những giọt lệ trong con mắt đang cười’ (des larmes dans un oeil quy rít). Bên Espana, người ta khuyên nên đọc sách trào lộng của Xervantès ba lần: Lần thứ nhất để cười, lần thứ hai để suy nghĩ, lần thứ ba để khóc. Thiết nghĩ, đọc bất cứ văn trào lộng thượng thừa nào cũng vậy, đều cũng phải như thế mới được.

U Mặc Và Nghịch Thuyết

Điểm then chốt của văn u mặc là nghịch luận, nghĩa là nói nghịch mới gây được sự bất ngờ, gây được lòng phẩn uất và bắt người ta phải đặc lại vấn đề. Là vì không có câu nói nghịch nào mà không có phần phải của nó, mặc dù nó không vừa lòng đẹp ý ta. Bất cứ một thứ chân lý nào cũngđều có hai mặt, cuộc biến động nào cũng có hai chiều: Thái cực nào cũng gồm cả hai nghi (lưỡng nghi), nói theo Kinh Dịch. Lão Tử bảo rất đúng: chánh ngôn nhược phản. Lời nói chính giống như là những lời nói nghịch: Nghịch để mà bỗ túc, chứ không phải để phủ nhận hoàn toàn đối phương. Bởi vậy, trong bất cứ chế độ tự do nào, phần đối lập là phần quan trọng nhất, vì thiếu nó, không có tự do. Trên đời này không bao giờ có chân lý tuyệt đối, cũng như không có sai lầm nào là sai lầm tuyệt đối, cho nên có thể nói, không có sai lầm, chỉ có những chân lý phiến diện mà thôi.

Nhà văn trào lộng nào mà hằn học, thù oán đối phươg, nhục mạ mạt sát không tiếc lời, chưa phải là nhà văn trào lộng u mặc. Họ thường muốn tỏ ra rất đạo đức và đóng vai trò “cảnh sát kiểm tục”, “thiết diện vô tư”… Nhà văn trào lộng u mặc có khác, họ có cái giọng “khinh thế ngạo vật”, chống đối đạo đức, thứ đạo đức giả trên đây. Đạo đức mà khắc nghiệt thường giúp cho tội lỗi càng thêm bành trướng, vì “ăn vụng” bao giờ cũng ngon hơn là bị bắt buộc phải ăn mà không dám cãi. Đúng như câu nói này của người xưa “tương dục phế chi, tất cố hưng chi!” (hòng muốn phê đó, lại làm cho đó hưng lên). Lạ gì cái thú “ăn trái cấm”, thủy tổ loài người mà còn phải sa vào tội lỗi đầu tiên ấy là “ăn vụng”! Pascal nói rất đúng: Người đâu phải là một ông thánh cũng đâu phải là một con thú… Và khốn nạn thay, kẻ chỉ muốn làm ông thánh, lại biến thành con thú.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.