Mặc cho những chỉ trích đó, nếu một người đưa ra danh sách 59 món hàng giao thương, việc phân loại chúng vẫn hữu ích hơn là gom chúng thành một danh sách dài ngoằng không chia tách. Do đó, Bảng 1.1 đưa ra các ví dụ về các món hàng giao thương ở 13 xã hội quy mô nhỏ, chia thành bốn nhóm: các vật phẩm hữu ích trực tiếp để tồn tại, kiếm kế sinh nhai và duy trì cuộc sống hàng ngày, được phân chia hơn nữa thành nguyên vật liệu thô và vật phẩm chế tạo; xa xỉ phẩm hoặc trang sức không hữu ích trực tiếp đến sự sinh tồn; và nhóm vật phẩm trung gian được sử dụng nhưng cũng tạo ra đẳng cấp khiến giá trị của chúng cao hơn giá trị vật chất của vật phẩm có cùng tính năng nhưng không tạo ra đẳng cấp (ví dụ, áo khoác len cashmere so với áo khoác sợi tổng hợp rẻ tiền có cùng kích cỡ và độ ấm).
Bảng 1.1 cho thấy một số loại nguyên vật liệu thô hữu ích đã được buôn bán ở nhiều xã hội khắp thế giới: đặc biệt là đá và gần đây hơn là kim loại để tạo ra công cụ và vũ khí; cùng với muối, thức ăn, gỗ, da và lông động vật, nhựa thông trám lổ hỗng và đất sét để làm bình gốm. Các vật phẩm chế tạo có ích được mua bán phổ biến bao gồm các công cụ và vũ khí hoàn thiện, rổ và các vật chứa khác, sợi để đan, túi, lưới và dây thừng, vải và quần áo, thực phẩm chế biến như bánh mì, bột cọ cao lương và thức ăn khô. Danh sách dài những hàng xa xỉ và trang sức thỉnh thoảng được mua bán như nguyên vật liệu thô, nhưng thường xuyên hơn là các vật phẩm chế tác gồm lông chim; vỏ của động vật thân mềm và rùa, vòng cổ và băng tay thô hoặc đã được chế tác; hổ phách; chó, lợn và răng cá mập; ngà voi và moóc; hạt trang sức; màu và các chất kiềm tạo màu như chất tạo màu đất đỏ và oxit mangan đen; dầu cây; các chất kích thích như thuốc lá, rượu và trầu. Ví dụ, vào 2.000 năm trước, những thương gia đường xa từ châu á đã mang các chùm lông chim thiên đường từ New Guinea đến Trung Hoa, các chùm lông từ đó được buôn bán đến tận Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, các vật phẩm thương mại vừa hữu dụng vừa xa xỉ như lợn, hải sâm, gia vị và các loại thực phẩm nổi tiếng khác (các loại truyền thống tương đương với trứng cá muối) và các hàng hóa chế tạo đẹp nhưng hữu ích như đồ gốm, cung tên chế tác, túi xách, quần áo có trang trí và thảm.
Bảng 1.1 và phần thảo luận vừa rồi bỏ qua hai nhóm quan trọng khác mà người ta có thể chào mời cho người khác nhưng thông thường chúng ta không tính là hàng hóa giao thương: lao động và vợ chồng. Người Pygmy rừng nhiệt đới châu Phi, người Negrito rừng Agta của Philippine, và gần đây hơn là người!Kung, lần lượt làm việc không thường xuyên cho các nông dân Bantu, nông dân Philippine, và người chăn nuôi Bantu láng giềng. Đó là một phần quan trọng của thỏa thuận qua lại theo đó những nhóm người đi kiếm ăn sẽ nhận được sắt cùng với phần thu hoạch từ vườn hoặc sữa của những người sản xuất thức ăn láng giềng đó, đổi lấy các sản phẩm săn và thu gom được cùng với công lao động. Hầu hết những người láng giềng trao đổi vợ chồng, thỉnh thoảng như là những sự trao đổi diễn ra đồng thời trực tiếp (anh cho tôi em gái của anh và tôi sẽ cho anh em gái của tôi), thường xuyên hơn là những hành động tách biệt (bây giờ anh cho tôi chị của anh và tôi sẽ cho anh em gái của tôi khi nó đến tuổi dậy thì). Giữa những người Pygmy rừng nhiệt đới châu Phi và các nông dân Bantu láng giềng, những trao đổi vợ chồng như vậy gần như là một chiều, với phụ nữ Pygmy trở thành vợ của đàn ông Bantu nhưng không có chiều ngược lại.
Đó là những nhóm chính của các vật phẩm trao đổi. Về việc trao đổi hàng hóa, người Daribi của New Guinea, sống rải rác trong một khu vực vẫn còn rất rậm rạp bên rìa các thung lũng Cao nguyên đông dân và đã bị phá rừng, xuất khẩu đến người Cao nguyên các chùm lông chim thiên đường, vốn có rất nhiều ở những cánh rừng Daribi, để đổi lấy muối và rìu đá được đánh bóng nhập từ Cao nguyên. Các nhóm người Pygmy ở những cánh rừng nhiệt đới châu Phi xuất khẩu lâm sản như mật ong, thịt thú rừng và nấm cho các nông dân Bantu láng giềng rồi nhập từ đó nhập thực phẩm trồng vườn, bình, sắt, thuốc lá và rượu. Ở vùng eo biển Vitiaz, người dân đảo xuất khẩu răng nanh lợn, chó, trứng sam, cau, thảm, hạt trang sức, đá obsidian (đá vỏ chai) và đất son đỏ cho người lục địa, rồi từ đó nhập về lợn, khoai, răng chó, thuốc lá, bình, túi lưới, cung tên và màu đen. Trong thương mại giữa những người Inuit vùng biển và nội địa ở bờ bắc Alaska, người vùng biển có thể mời bán các sản phẩm từ động vật có vú ở biển như dầu hải cẩu để làm nguyên liệu và thức ăn, da hải cẩu và moóc, mỡ cá voi và nanh moóc, gỗ trôi dạt vào bờ biển, tàu gỗ, cùng với đồ gốm và túi xách mà họ làm ra. Đổi lại, người nội địa có thể cung cấp da, chân và gạc tuần lộc, lông chó sói và các động vật có vú trên cạn khác, nhựa thông để lấp lỗ hổng, đồ khô và trái dâu.
Ai buôn bán cái gì?
Những ví dụ về vật phẩm trao đổi này minh họa cho một mô hình mà những người hiện đại chúng ta xem như hiển nhiên, vì nó mô tả gần như mọi giao thương ngày nay: mỗi đối tác cung cấp các vật phẩm mình có hoặc có thể sẵn sàng tạo ra mà đối tác kia không có. Nguyên vật liệu thô và các kỹ năng cần thiết để sản xuất các sản phẩm hoàn thiện đều phân bổ không đồng đều trên thế giới. Ví dụ, Hoa Kỳ là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về thực phẩm thô và máy bay thành phẩm, vì họ có thể tạo ra thức ăn và máy bay nhiều hơn nhu cầu của mình. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại là nước nhập khẩu dầu, vì họ không sản xuất đủ dầu để đáp ứng nhu cầu, trong khi một số nước khác (như Ả Rập Saudi) sản xuất ra dầu nhiều hơn nhu cầu của họ. Những sự bất cân bằng nguyên vật liệu thô và kỹ năng như vậy cũng đặc trưng cho hầu hết, chứ không phải tất cả, hoạt động thương mại truyền thống.
Về những nguyên vật liệu thô phân bổ không đồng đều, một mô hình chung là để mỗi người láng giềng chiếm cứ các nơi cư trú khác nhau cung cấp cho nhau các nguyên vật liệu thô chỉ có ở hoặc dư thừa ở nơi cư trú của người xuất khẩu. Nhiều ví dụ bao gồm thương mại giữa những người ven biển và nội địa. Ở mỗi trường hợp như vậy, như tôi nêu chi tiết ở hai đoạn trên về người Inuit ở Alaska, đối tác ven biển có khả năng tiếp cận ưu tiên và duy nhất với các tài nguyên đại dương và ven biển như động vật có vú ở biển, cá và sò, trong khi đối tác nội địa có khả năng tiếp cận ưu tiên và duy nhất với các tài nguyên trên cạn như thú rừng, vườn và rừng.
Một mô hình phổ biến khác phải kể đến giao thương các nguyên vật liệu thô rất địa phương không gắn liền với các loại hình nơi cư trú cụ thể, nổi bật là muối và đá. Người Dani Dugum thu hoạch muối của họ từ hồ nước mặn Iluekaima, và tất cả đá của họ để làm rìu, rìu lưỡi vòm từ một mỏ đá đơn ở hồ Nogolo, trong khi ở hầu hết vùng Tây Bắc Thái Bình Dương nguồn đá obsidian chính (loại thủy tinh núi lửa được dùng để tạo ra những tác phẩm bằng đá sắc bén nhất) là các mỏ gần Talasea trên đảo New Britain. Đá obsidian Talasea đã trở thành sản phẩm thương mại trong phạm vi hơn 6.000km, từ Borneo hơn 3.000km về phía tây Talasea đến Fiji hơn 3.000km về phía đông Talasea.
Mô hình giao thương phổ biến còn lại trong nhiều dạng nguyên vật liệu thô khác nhau liên quan đến các nhóm láng giềng với những chiến lược sinh tồn khác nhau, tạo cho họ khả năng tiếp cận các nguyên vật liệu khác nhau. Ở nhiều nơi trên thế giới, những người săn bắt – hái lượm bán thịt, mật ong, nhựa thông và các lâm sản khác mà họ săn bắt và hái lượm được cho các nông dân trong làng để đổi lấy các sản phẩm thu hoạch do những người trong làng đó trồng. Các ví dụ gồm có những người săn bò rừng bizon ở đồng bằng với những nông dân Pueblo ở vùng Tây Nam nước Mỹ, thợ săn Semang với nông dân Malay của bán đảo Malaysia và rất nhiều nhóm săn bắt – trồng trọt ở Ấn Độ, cũng như những thợ săn Pygmy châu Phi với nông dân Bantu và thợ săn Agta với nông dân Philippine mà tôi đã mô tả ở trên. Có những quan hệ thương mại tương tự giữa những người chăn nuôi và nông dân ở nhiều vùng của châu á và châu Phi, giữa người chăn nuôi với người săn bắt – hái lượm ở châu Phi.
Thương mại truyền thống, giống như thương mại hiện đại, thường cũng liên quan đến các kỹ năng được phân bổ không đồng đều. Ví dụ như độc quyền đồ gốm và xuồng đi biển trong khu vực của những cư dân đảo Mailu nằm cách xa bờ đông nam New Guinea, được nhà nhân chủng học Bronislaw Malinowski nghiên cứu. Dù đồ gốm lúc đầu cũng được sản xuất bởi những người New Guinea lục địa gần đó, nhưng người Mailu được độc quyền xuất khẩu với việc đưa ra cách thức sản xuất hàng loạt các bình được chuẩn hóa mang tính nghệ thuật, bền hơn và mỏng hơn. Những bình như vậy có lợi hơn cho cả người làm bình ở Mailu lẫn khách hàng sử dụng bình của họ. Bình mỏng cho phép người làm bình sản xuất nhiều bình hơn từ cùng một lượng đất sét, phơi khô bình nhanh hơn và giảm rủi ro tổn thất khi nung bình. Với khách hàng sử dụng bình, họ thích các bình Mailu mỏng hơn vì tốn ít nhiên liệu để làm nóng chúng. Người đảo Mailu tương tự cũng độc quyền về sản xuất và vận hành xuồng đi biển dài ngày, vốn phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn để làm ra so với các xuồng đơn giản hơn mà người lục địa chế tạo để thực hiện các chuyến đi đến những vùng biển ven bờ an toàn hơn. Các vị thế độc quyền sản xuất tương đương cũng được những người làm gốm và làm giấy Trung Hoa nắm giữ một ngàn năm trước, cho đến khi các bí mật sản xuất của họ bị rò rỉ và sao chép. Trong thời hiện đại, với hoạt động do thám công nghiệp và sự phổ biến kiến thức ngày càng mạnh mẽ, việc duy trì vị thế độc quyền lâu dài trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ nhanh chóng (trong bốn năm) có được vị thế độc quyền chế tạo bom nguyên tử (mà không xuất khẩu), Hoa Kỳ cùng châu âu ngày nay thống trị thị trường thế giới về máy bay thương mại cỡ siêu lớn (được xuất khẩu).
Hình thức thương mại truyền thống còn lại này, mà ngày nay hiếm có hình thức tương đương, được gọi là “độc quyền thông thường”. Thuật ngữ này chỉ việc giao thương một mặt hàng mà hai bên đối tác đều có thể có hoặc sản xuất được, nhưng một bên chọn cách trông chờ đối tác kia cung cấp, như một lý do để duy trì quan hệ thương mại. Ví dụ, trong các mặt hàng người Dani Dugum nhận được từ vùng Jalemo, những mặt hàng độc quyền là các mũi tên gỗ có ngạnh rất phức tạp và đồ trang sức, cùng với túi lưới có những sợi len sáng màu đan xen các dây lưới. Người Dani tạo ra những mũi tên và túi xách không trang trí. Với tên và túi xách Jalemo trong tay, người Dani có thể rất dễ dàng sao chép chúng vì kỹ thuật chạm khắc và đan sợi không cao. Nhưng thay vì vậy, họ tiếp tục phụ thuộc vào vùng Jalemo để nhập tên và túi xách cũng như các nguyên vật liệu rừng mà vùng Jalemo có nhiều hơn ở vùng đất của người Dani. Việc người Dani công nhận “độc quyền thông thường” của người Jalemo về mũi tên và túi xách trang trí có lợi cho cả hai bên bởi điều này góp phần loại bỏ biến động về cung và cầu. Người Jalemo có thể tiếp tục mua muối từ người Dani kể cả khi sản lượng lâm sản của người Jalemo tạm thời sụt giảm và người Dani có thể tiếp tục bán muối cho người Jalemo kể cả khi nhu cầu lâm sản của người Dani ít hơn nguồn cung.
Các hình thức độc quyền thông thường phức tạp hơn phổ biến ở những người da đỏ Yanomamo của Brazil và Venezuela và giữa những người da đỏ Xingu của Brazil. Mỗi làng Yanomamo có thể tự cung tự cấp nhưng họ đã không làm vậy. Thay vào đó, mỗi làng chuyên môn hóa ở một số sản phẩm mà mình sẽ cung cấp cho các đồng minh, gồm mũi tên, trục mũi tên, giỏ, chén bát, nồi gốm, sợi bông, chó, thuốc gây ảo giác hoặc võng. Tương tự, mỗi làng Xingu tập trung sản xuất và xuất khẩu chén bát, đồ gốm, muối, thắt lưng vỏ sò hoặc giáo mác. Để tránh việc các bạn nghĩ rằng hầu hết người làng Yanomamo thật sự không thể tạo ra đồ gốm Yanomamo thô và không trang trí, hãy xem xét những thay đổi gần đây trong cách làng Yanomamo ở Mömariböwei-teri sản xuất nồi. Ban đầu Mömariböwei-teri nhập nồi gốm từ một làng khác có liên minh chính trị với họ, Möwaraöba-teri. Nghĩa là, người làng Mömariböwei-teri nhấn mạnh vào lúc đó rằng họ không biết cách làm nồi gốm, rằng trước đây họ có làm nồi gốm nhưng đã quên cách làm từ lâu rồi, rằng đất sét ở vùng họ không tốt để làm nồi gốm và họ đã có được tất cả số nồi cần thiết từ Möwaraöba-teri. Tuy nhiên sau đó, chiến tranh chia cắt liên minh giữa Mömariböwei-teri và Möwaraöba-teri, dẫn đến việc Mömariböwei-teri không thể nhập nồi gốm từ Möwaraöba-teri nữa. Kỳ diệu thay, người làng Mömariböwei-teri bỗng nhiên “nhớ ra” cách làm nồi gốm từ xưa, bất ngờ “khám phá” ra rằng loại đất sét trước giờ vốn bị khinh rẻ trong vùng của họ lại là loại đất hoàn hảo để làm nồi gốm và họ quay trở lại làm nồi gốm của chính mình. Do đó, rõ ràng rằng người làng Mömariböwei-teri trước đây đã nhập nồi gốm từ người Möwaraöba-teri là vì họ lựa chọn (để xây dựng liên minh chính trị) mà không phải vì họ cần.
Càng rõ hơn nữa rằng người!Kung tham gia vào hoạt động mua bán mũi tên là do lựa chọn, vì tất cả người!Kung đều có thể làm ra những mũi tên tương tự, nhưng họ lại giao thương với nhau. Nhà nhân học Richard Lee yêu cầu bốn người đàn ông!Kung nói cho ông biết ai sở hữu các mũi tên trong số 13 đến 19 mũi tên trong các bao tên của họ. Trong số bốn người, chỉ một người (Kopela Maswe) không có tên của những người kia. Một người (/N!au) có 11 mũi tên từ tổng cộng bốn người khác và chỉ có hai mũi tên của chính anh ta. Hai người kia (/Gaske và N!eishi) không có mũi tên nào của chính mình và thay vào đó, mỗi người họ mang theo tên của sáu người khác.
Mấu chốt của các hình thức độc quyền thông thường này và của việc mua bán tên – đổi tên là gì khi chúng có vẻ vô nghĩa đối với những người phương Tây chúng ta, vốn quen với việc chỉ mua bán những vật phẩm mà chúng ta không thể tạo ra cho chính mình? Rõ ràng, thương mại truyền thống có chức năng xã hội và chính trị cũng như chức năng kinh tế: không chỉ thu mua đồ vật vì chính chúng, mà còn “tạo ra” giao thương để thúc đẩy các mục tiêu xã hội và chính trị. Có lẽ mục tiêu trước nhất là để tăng cường liên minh hoặc liên kết mà người ta có thể kêu gọi khi cần. Các đối tác giao thương giữa người Inuit ở Tây Bắc Alaska có nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau nếu cần thiết: Nếu nạn đói diễn ra ở quận của bạn, bạn có quyền đi đến sống với đối tác của bạn ở một quận khác. Thợ săn Agta “giao thương” với nhau hoặc với nông dân Philippine coi những trao đổi của họ là dựa trên sự cần thiết thay vì dựa trên cung và cầu: người ta cho rằng các đối tác khác nhau có khả năng dư thừa hoặc cần vật phẩm ở những thời điểm khác nhau và rằng điều đó sẽ cân bằng trong dài hạn, do đó không có ghi sổ kế toán chặt chẽ. Mỗi bên trong một lần trao đổi của người Agta sẽ hy sinh lớn vào lúc khủng hoảng để giúp đối tác, ví dụ như vào đám cưới hoặc lễ tang, một trận bão, mùa màng thất bát hoặc khi đi săn. Đối với người Yanomamo, vốn mắc kẹt trong chiến tranh liên miên, thì các liên minh vốn được phát triển qua sự gắn kết láng giềng thường xuyên bằng hoạt động giao thương trở nên quan trọng đối với sự sống còn hơn rất nhiều các nồi gốm và những chiếc võng được mua bán – dù không người Yanomamo nào công khai nói rằng chức năng thật sự của thương mại là để duy trì liên minh.
Một số mạng lưới và nghi thức giao thương – chẳng hạn như vòng Kula của người đảo Trobriand, chu kỳ trao đổi nghi thức Tee của người Enga vùng Cao nguyên New Guinea và mạng lưới giao thương Siassi mà tôi vô tình chứng kiến ở đảo Malai – trở thành phương tiện chính để tìm kiếm và thể hiện đẳng cấp ở các xã hội đó. Chúng ta có thể thấy những người trên đảo Siassi thật ngớ ngẩn khi trải qua nhiều tháng ròng vận chuyển hàng hóa bằng xuồng qua các vùng biển tiềm ẩn hiểm nguy chỉ để tiệc tùng đình đám vào cuối năm và tiêu thụ càng nhiều lợn càng tốt – cho đến khi chúng ta nghĩ lại xem người đảo Siassi sẽ nói gì về những người Mỹ hiện đại làm việc vất vả chỉ để phô trương nữ trang và xe thể thao.
Các quốc gia tí hon
Do đó, các xã hội truyền thống trong quá khứ và các xã hội truyền thống còn tồn tại đến thời hiện đại hành xử như những quốc gia tí hon. Họ duy trì lãnh thổ hoặc các khu vực cốt lõi của riêng họ, chỉ tiếp nhận những vị khách đến từ một số quốc gia mà không chào đón các quốc gia khác và trong một số trường hợp, các ranh giới được phân định rõ, bảo vệ và tuần tra nghiêm ngặt như các quốc gia hiện đại. Họ bị giới hạn nhiều trong hiểu biết về thế giới bên ngoài so với công dân các quốc gia hiện đại, những người ngày càng sử dụng nhiều tivi, điện thoại và Internet để tìm hiểu về phần còn lại của thế giới kể cả khi họ không bao giờ rời khỏi quê nhà. Họ phân chia những người khác thành bạn hữu, kẻ thù và người lạ rất rõ ràng. Họ kết hôn với người của các quốc gia khác, dù chỉ thỉnh thoảng. Họ giao thương với nhau cũng như các quốc gia hiện đại và những động lực chính trị và xã hội đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong các quan hệ giao thương so với trong xã hội của chúng ta. Trong ba chương tiếp theo, chúng tôi sẽ khám phá cách các quốc gia truyền thống tí hon này duy trì hòa bình và cách họ giao chiến.