Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

PHẦN 3: TRẺ VÀ GIÀ – CHƯƠNG 5: NUÔI DẠY CON CÁI



Những so sánh về việc nuôi dạy trẻ Sinh con.
– Tục giết trẻ sơ sinh.
– Khoảng thời gian từ lúc mới sinh đến khi cai sữa.
– Cho bú theo nhu cầu
– Sự tiếp xúc giữa trẻ sơ sinh với người trưởng thành
– Cha và những người chăm sóc như cha mẹ
– Phản ứng với việc trẻ khóc
– Hình phạt về thể xác
– Sự tự chủ của trẻ
– Các nhóm trẻ đa tuổi
– Việc vui chơi và giáo dục của trẻ
– Con của họ và con của chúng ta
Những so sánh về việc nuôi dạy trẻ
Trong một chuyến đi đến New Guinea, tôi đã gặp Enu, một chàng trai trẻ với câu chuyện phi thường về cuộc đời. Enu lớn lên ở một nơi mà việc nuôi dạy trẻ rất hạn chế và trẻ em bị trói buộc bởi rất nhiều nghĩa vụ cũng như bởi những cảm giác tội lỗi. Lên 5 tuổi, Enu quyết định mình sống kiểu như thế này đã quá đủ. Anh rời bỏ gia đình và đa số họ hàng để chuyển đến một bộ tộc ở làng khác nơi có những người họ hàng sẵn sàng chăm sóc anh. Ở đó, Enu tìm thấy chính mình trong một xã hội với những phong tục nuôi dạy trẻ không can thiệp vào tự do lựa chọn và hành động cá nhân, hoàn toàn ngược lại với lệ làng nơi anh sinh ra. Trẻ em có trách nhiệm về hành động của chúng và được phép làm theo ý chúng. Ví như nếu một đứa trẻ đang chơi bên một đống lửa thì người lớn không được can thiệp. Kết quả là rất nhiều người trưởng thành ở xã hội này có những vết sẹo do bỏng và chúng được xem như “chiến tích” từ những hành vi thuở nhỏ của họ.
Cả hai cách nuôi dạy con trên đều sẽ bị phản đối kịch liệt ở xã hội ngày nay. Nhưng với cách nuôi dạy không can thiệp vào tự do lựa chọn và hành động của trẻ thì không phải là bất thường so với chuẩn mực của các xã hội săn bắt – hái lượm trên thế giới. Phần lớn các xã hội này xem trẻ em là những cá nhân tự chủ và không nên ngăn cấm mong muốn chơi với các đồ vật nguy hiểm như dao nhọn, nồi nóng và lửa của trẻ.
Vậy tại sao chúng ta nên quan tâm tới những phong tục nuôi dạy trẻ của các xã hội săn bắt – hái lượm, nông dân và chăn nuôi truyền thống? Một câu trả lời hàn lâm là trẻ em chiếm hơn một nửa dân số của một xã hội. Một nhà xã hội học phớt lờ một nửa các thành viên trong xã hội sẽ không thể khẳng định là thấu hiểu được xã hội đó. Một câu trả lời hàn lâm khác là mỗi đặc điểm của đời sống người trưởng thành đều có một nhân tố phát triển. Người ta không thể hiểu các tập tục về giải quyết tranh chấp và hôn nhân của xã hội nếu không biết trẻ em đã điều chỉnh cách ứng xử và hành vi của mình để thích nghi với những tập tục này như thế nào.
Tuy có rất nhiều lý do chính đáng để chúng ta quan tâm tới việc nuôi dạy trẻ ở những xã hội không thuộc phương Tây nhưng cho đến giờ, việc nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn rất ít. Một phần của vấn đề là rất nhiều học giả nghiên cứu về các nền văn hóa khác còn rất trẻ tuổi, chưa có con riêng và cũng chưa có kinh nghiệm trong việc nói chuyện hay quan sát trẻ em mà hầu hết đều miêu tả và phỏng vấn người trưởng thành. Nhân học, giáo dục, tâm lí học và rất nhiều lĩnh vực hàn lâm khác đều có hệ quan điểm riêng mà vào bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ tập trung vào một số mảng đề tài nghiên cứu và gây nên những điểm mù ở các hiện tượng được xem là đáng nghiên cứu.
Ngay cả các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ vốn được khẳng định là tiến hành ở nhiều nền văn hóa – ví dụ, so sánh giữa trẻ em ở Đức, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – thật ra đều lấy mẫu ở các xã hội thuộc cùng một lát cắt nhỏ trong sự đa dạng văn hóa của loài người. Tất cả những nền văn hóa vừa được đề cập đều giống nhau ở chỗ có một chính quyền trung tâm, chuyên môn hóa kinh tế, bất bình đẳng kinh tế xã hội, và rất không tiêu biểu cho sự đa dạng văn hóa loài người. Do đó, các xã hội này và các xã hội hiện đại cấp nhà nước khác đã hội tụ ở một số ít các tập tục nuôi dạy trẻ được xem là bất thường theo tiêu chuẩn của lịch sử. Các tập tục này bao gồm các hệ thống: giáo dục trường học do nhà nước quản lí (đối lập với việc học hỏi như một phần của cuộc sống và vui chơi hằng ngày), trẻ em được bảo vệ bởi cảnh sát chứ không chỉ bởi cha mẹ, các nhóm đồng trang lứa chơi với nhau (đối lập với việc trẻ em ở mọi lứa tuổi thường xuyên chơi với nhau), con cái và cha mẹ ngủ riêng (thay vì ngủ chung trên cùng một giường), các bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh (nếu đứa trẻ thật sự được chăm sóc) theo lịch trình do người mẹ xác lập mà không phải do đứa bé.
Hệ quả là những khái quát hóa về trẻ em của Jean Piaget, Erik Erikson, Sigmund Freud, các bác sĩ nhi khoa và các nhà tâm lí trẻ em đều căn cứ rất nhiều trên những nghiên cứu về các xã hội WEIRD (phương Tây, có giáo dục, công nghiệp, giàu có, dân chủ), đặc biệt là dựa trên các nghiên cứu của các sinh viên đại học và con cái của các giáo sư đại học ở các xã hội này, rồi được khái quát hóa thiếu chính xác cho phần còn lại của thế giới. Ví dụ như, Freud nhấn mạnh về động lực quan hệ tình dục và sự thất vọng thường xuyên trong quan hệ tình dục. Nhưng góc nhìn phân tâm học đó không áp dụng được cho xã hội thổ dân da đỏ Siriono ở Bolivia cũng như nhiều xã hội truyền thống khác nơi mà bạn tình luôn sẵn có nhưng tình trạng thiếu thức ăn và mối bận tâm về nguồn lương thực cũng như thất bại trong việc tìm kiếm thức ăn lại rất phổ biến. Các lí thuyết về việc nuôi dạy trẻ em phổ quát ở phương Tây trước đây nhấn mạnh nhu cầu của trẻ sơ sinh được yêu thương và quan tâm về mặt tinh thần, đồng thời nhìn nhận các tập tục ở các xã hội khác như cho trẻ bú theo nhu cầu là “quá nuông chiều” và phân loại theo thuật ngữ của học thuyết Freud là “sự thoả mãn quá mức ở giai đoạn mới sinh cho đến 1 tuổi về sự phát triển tâm sinh lý”. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng việc cho con bú theo nhu cầu gần như phổ biến và được khuyến khích trước đây, còn ngày nay việc cho con bú ở những khoảng thời gian phù hợp với người mẹ lại là một trường hợp ngoại lệ hiếm gặp theo góc nhìn lịch sử.
Những nguyên nhân hàn lâm nêu trên chính là lý do khiến chúng tôi quan tâm đến các tập tục nuôi dạy trẻ truyền thống. Tuy nhiên vẫn có những nguyên nhân phi hàn lâm có sức thuyết phục cao cho tất cả chúng ta. Các xã hội có quy mô nhỏ cung cấp cho chúng ta dữ liệu đáng kể về việc nuôi dạy trẻ. Chúng tiết lộ những đúc kết qua hàng ngàn năm của các thử nghiệm tự nhiên về cách nuôi dạy trẻ. Xã hội phương Tây sẽ không cho phép chúng tôi tiến hành các thử nghiệm mà người Enu đã từng trải qua ở cả hai trường hợp quá hạn chế hoặc quá tự do so với chuẩn thông thường. Có thể một số ít độc giả của cuốn sách này sẽ cảm thấy khâm phục việc cho con trẻ chơi đùa với lửa nhưng chúng ta cũng thấy rằng các phong tục nuôi dạy trẻ truyền thống khác cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Vậy nên, một lý do nữa để nghiên cứu chúng là để chúng ta có những sự lựa chọn riêng. Những tập tục đó có thể khác biệt so với những cách thức hiện đại ở phương Tây nhưng chúng ta vẫn có thể thấy rất đáng học hỏi khi biết được những tác động của chúng lên con trẻ.
Trong một vài thập niên gần đây, cuối cùng mối quan tâm đối với những nghiên cứu so sánh về việc nuôi dạy trẻ ở các xã hội nhỏ cũng đã gia tăng. Ví dụ, có khoảng sáu nghiên cứu tâm huyết, không chỉ dừng lại ở những nghiên cứu ngẫu nhiên về các quan sát khác liên quan đến nhân học, ở vài thị tộc cuối cùng trên thế giới còn duy trì sự tồn tại bằng cách đánh bắt và sống theo bầy đàn: người Efe và người lùn Aka của rừng nhiệt đới châu Phi, người!Kung của các sa mạc phía nam châu Phi, người Hadza ở Đông Phi, Thổ dân da đỏ Ache của Paraguay và người Agta của Philippines. Trong chương này, tôi sẽ thảo luận về các nghiên cứu ở những xã hội quy mô nhỏ đã cho chúng ta thấy về việc sinh con và tội giết trẻ con, chăm sóc và cai sữa, mối quan hệ thể chất giữa trẻ sơ sinh và người trưởng thành, vai trò của người cha và những người chăm sóc khác ngoài cha mẹ, phản ứng trước một đứa trẻ đang khóc, hình phạt đối với con trẻ, quyền tự do của con trẻ để khám phá, việc vui chơi của trẻ và giáo dục trẻ.
Sinh con
Ngày nay, việc sinh con ở các xã hội Tây hóa thường diễn ra tại bệnh viện với sự trợ giúp của các chuyên gia được đào tạo: bác sĩ, bà đỡ và y tá. Số ca tử vong của trẻ sơ sinh và người mẹ liên quan đến sinh nở thường thấp. Tuy nhiên, việc sinh con truyền thống lại khác. Trước đây hay trong các điều kiện thiếu thốn y học hiện đại, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và/hoặc người mẹ trong thời gian sinh nở cao hơn rất nhiều so với hiện nay.
Các điều kiện sinh con không giống nhau giữa các xã hội truyền thống. Trong trường hợp đơn giản nhất, rất khác thường, điều kiện lý tưởng về văn hóa là người mẹ sinh con một mình mà không có sự trợ giúp nào. Ví dụ như ở xã hội người!Kung sống tại các sa mạc phía nam châu Phi, một người phụ nữ sắp sinh theo tục lệ sẽ phải đi bộ vài trăm mét từ lều và tự sinh con. Trên thực tế, đặc biệt là ở lần sinh nở đầu tiên, người mẹ!Kung sẽ được trợ giúp bởi một người phụ nữ khác còn ở những lần sinh nở sau, người mẹ sẽ tự vượt cạn. Tuy nhiên, dù người mẹ có làm theo tập tục đó, họ sẽ vẫn ở gần lều đủ để những phụ nữ khác có thể nghe thấy tiếng khóc chào đời của đứa bé và sẽ trợ giúp người mẹ cắt cuống rốn, lau sạch đứa bé và đem bé quay trở lại lều.
Một thị tộc khác cũng có phụ nữ vượt cạn mà không có sự trợ giúp là thổ dân da đỏ Piraha của Brazil. Sự tuân thủ của người Piraha đối với việc này được thể hiện qua trải nghiệm của nhà ngôn ngữ học Steve Sheldon và được thuật lại bởi Daniel Everett: “Steve Sheldon đã kể một câu chuyện về một người phụ nữ tự vượt cạn trên bờ biển. Một ca sinh khó. Người phụ nữ đó đang ở trong tình trạng nguy kịch. ‘Làm ơn giúp tôi! Đứa trẻ sẽ không thể ra đời mất,’ cô ấy khóc nấc lên. Những người Piraha ngồi một cách bị động, một vài người không có động thái gì, số khác nói chuyện bình thường. ‘Tôi chết mất! Đau quá. Đứa trẻ sẽ không thể sống được mất!’ cô ấy hét lên. Không ai phản hồi. Đó là vào chiều muộn. Steve bắt đầu tiến về phía cô ấy nhưng người ta nói với anh ‘Không! Cô ấy không cần anh. Cô ấy muốn cha mẹ của mình cơ.’ Ngụ ý của họ rất rõ ràng rằng anh không được lại gần cô ấy. Nhưng cha mẹ cô ấy không ở gần và không ai khác sẽ cứu cô ấy cả. Bóng tối đã kéo đến và tiếng khóc của cô ấy càng dai dẳng hơn nhưng càng lúc càng yếu hơn. Cuối cùng, tiếng khóc đã dừng hẳn. Sáng hôm sau, Steve biết rằng cô và đứa bé đã qua đời trên bãi biển mà không hề có sự trợ giúp nào… [Bi kịch này] cho chúng ta biết rằng người Piraha để cho một phụ nữ trẻ chết một mình mà không có bất kỳ sự giúp đỡ nào bởi họ tin con người phải mạnh mẽ và tự vượt qua được những khó khăn thử thách.
Phổ biến hơn rất nhiều, các ca sinh nở truyền thống thường diễn ra với sự trợ giúp của những người phụ nữ khác. Ví dụ như ở tộc người Kaulong ở New Britain, nơi người đàn ông bị ám ảnh bởi sự ô uế từ kỳ kinh nguyệt và sinh nở của phụ nữ, người phụ nữ sắp sinh sẽ đến một nơi trú ẩn trong rừng cùng với một vài người phụ nữ trưởng thành hơn. Ở thái cực đối lập là các xã hội nơi việc sinh nở diễn ra ở chốn công cộng. Với người Agta ở Philippines, người phụ nữ sẽ sinh con trong một ngôi nhà ở khu trại và mọi người sẽ tập trung quanh ngôi nhà và la lên những lời hướng dẫn cho người mẹ và bà mụ (“đẩy”, “kéo”, “đừng làm như vậy”).
Tục giết trẻ sơ sinh
Tục giết trẻ sơ sinh – việc giết trẻ sơ sinh có chủ ý được công nhận – là bất hợp pháp ở hầu hết các xã hội nhà nước ngày nay. Tuy nhiên ở nhiều xã hội truyền thống, việc giết trẻ con là có thể chấp nhận được trong một số hoàn cảnh. Mặc dù phong tục này có thể khiến chúng ta kinh hãi nhưng thật khó để những xã hội này có thể làm gì khác trong một số điều kiện dẫn đến việc phải giết trẻ con. Một tình huống tiêu biểu là khi đứa trẻ sơ sinh bị khuyết tật hoặc ốm yếu. Nhiều xã hội truyền thống gặp phải mất mùa ở những nguồn cung thực phẩm chính, khi đó việc một nhóm nhỏ những người lớn trưởng thành có thể cung cấp thức ăn cho một số lượng người già và trẻ em lớn hơn trở nên khó khăn. Một miệng ăn phát sinh nhưng lại chưa có khả năng lao động sẽ trở thành gánh nặng mà xã hội khó có thể đảm đương.
Một hoàn cảnh khác dẫn đến việc giết trẻ sơ sinh là do quãng thời gian giữa hai lần sinh con quá ngắn. Để một người phụ nữ có đủ sữa nuôi cùng lúc một trẻ hai tuổi và một trẻ sơ sinh và để ẵm không chỉ một mà là hai đứa con khi di chuyển lều trại là việc rất khó hoặc không thể. Với cùng lý do, những lần sinh đôi của phụ nữ trong xã hội săn bắt – hái lượm sẽ dẫn đến việc giết hại hoặc bỏ bê ít nhất một trong hai đứa trẻ song sinh. Sau đây là cuộc phỏng vấn với một thổ dân Ache tên là Kuchingi được thực hiện bởi Kim Hill và A. Magdalena Hurtado: “Người [anh em][ra đời] sau tôi đã bị giết. Khoảng thời gian sinh giữa hai anh em là rất ngắn. Mẹ tôi giết em ấy bởi vì tôi nhỏ con và vì mẹ được bảo rằng, ‘Cô sẽ không có đủ sữa để nuôi đứa bụ bẫm hơn. Cô phải nuôi đứa anh.’ Sau đó mẹ tôi đã giết em trai tôi.”
Còn một tác nhân khác dẫn đến việc giết trẻ sơ sinh là bởi không có cha hoặc người cha đã qua đời nên không thể giúp chăm sóc vợ và bảo vệ con. Đối với một người mẹ đơn thân thì ngay cả ngày nay cuộc sống cũng rất khó khăn. Điều đó khó khăn hơn rất nhiều trong quá khứ, đặc biệt là ở các xã hội mà việc thiếu vắng người cha có xu hướng dẫn đến tỷ lệ trẻ tử vong cao hơn, ví dụ, vì người cha cung cấp hầu hết thực phẩm hoặc bảo vệ các con khỏi bạo hành từ những người đàn ông khác.
Cuối cùng, ở một vài xã hội truyền thống, tỷ lệ bé trai/bé gái tăng dần từ lúc mới sinh cho đến tuổi dậy thì vì bé gái sơ sinh thường tử vong do bị bỏ bê hoặc (trong một vài trường hợp cá biệt) bị giết có chủ ý bằng cách bóp cổ, vứt bỏ ngoài đường, chôn sống – vì rất nhiều xã hội trọng nam khinh nữ. Ví dụ, đối với thổ dân da đỏ Ache, trong những đứa trẻ bị giết trước khi lên 10, nam giới chiếm 14%, nhưng các bé gái lại chiếm tới 23%. Việc mồ côi sẽ làm tỷ lệ tử vong của một đứa trẻ Ache tăng lên 4 lần vì chúng sẽ bị giết chết và tỷ lệ này ở nữ sẽ còn cao hơn. Ở xã hội Trung Quốc và Ấn Độ hiện đại, việc trọng nam khinh nữ phổ biến đã dẫn đến tỷ lệ cao vượt mức của trẻ sơ sinh nam nhờ vào một cơ chế mới đó là xác định giới tính của em bé trước khi sinh để phá bào thai nữ có chọn lọc.
Người!Kung cho rằng người mẹ có trách nhiệm quyết định ủng hộ hay chống lại việc giết trẻ sơ sinh. Nhà xã hội học Nancy Howell viết, “Phong tục người phụ nữ cần hoặc có thể tự vượt cạn đã cho người mẹ quyền kiểm soát sự sống sót của con mình mà không bị chất vấn. Tại thời điểm sinh nở, thường là trước khi đứa trẻ được đặt tên và chắc chắn là trước khi được đem trở lại làng, người mẹ có trách nhiệm kiểm tra kỹ lưỡng đứa con của mình để xem có khiếm khuyết gì không. Nếu đứa trẻ bị khuyết tật, người mẹ có nghĩa vụ bóp chết con mình. Rất nhiều người!Kung cung cấp cho tôi thông tin về việc kiểm tra và quyết định là một phần thông thường và cần thiết của quá trình sinh con. Đối với người!Kung, việc giết trẻ sơ sinh không được coi là việc giết người vì họ không xem thời điểm ra đời là khởi đầu cuộc sống của một zun/wa [một người!Kung]. Cuộc sống bắt đầu với việc đặt tên và với sự chấp nhận đứa trẻ như một thành viên của xã hội trở về làng sau khi sinh. Trước thời điểm đó, việc giết trẻ là một phần đặc quyền và nghĩa vụ của người mẹ, theo văn hóa được áp dụng cho các khiếm khuyết sinh nở và cho một trong hai đứa bé song sinh. Không một cặp sinh đôi nào tồn tại trong xã hội…”
Tuy nhiên, việc giết trẻ con chắc chắn không phổ biến khắp các xã hội truyền thống và ít phổ biến hơn so với việc trẻ sơ sinh chết do bị “bỏ rơi” (ví dụ, người mẹ ngừng chăm sóc, hoặc chăm sóc ít hơn hay ít tắm rửa cho đứa bé hơn). Khi Allan Holmberg sống giữa một nhóm thổ dân da đỏ Siriono ở Bolivia, ông nhận thấy không ai biết đến việc giết trẻ sơ sinh hay phá thai. Mặc dù 15% trẻ Siriono sinh ra bị vẹo chân bẩm sinh và cứ 5 đứa trẻ thì chỉ có 1 đứa còn sống đến khi trưởng thành và lập gia đình, chúng vẫn nhận được sự yêu thương, nuôi nấng đầy đủ.
Khoảng thời gian từ lúc mới sinh đến khi cai sữa
Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ sơ sinh ở độ tuổi cai sữa được mẹ cho bú hoàn toàn đã giảm đáng kể ở thế kỷ XX. Ví dụ, đến những năm 1970, chỉ có 5% số trẻ sáu tháng tuổi ở Mỹ được cho bú. Ngược lại, ở những người săn bắt – hái lượm không được tiếp xúc với nông dân và không có nông phẩm, trẻ sơ sinh được cho bú lâu hơn sáu tháng tuổi vì sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất phù hợp cho trẻ: họ không có sữa bò, sữa bột, hay là những thực phẩm thay thế khác. Độ tuổi cai sữa trung bình của bảy nhóm săn bắt – hái lượm là ba tuổi khi đứa trẻ có thể tự phát triển bằng việc nhai được thức ăn cứng. Mặc dù một số thức ăn cứng trước khi nhai có thể bắt đầu được sử dụng ở tầm sáu tháng tuổi, một đứa trẻ ở xã hội săn bắt – hái lượm sẽ không được cai sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi người mẹ có thai đứa con tiếp theo. Trẻ người!Kung được tiếp tục cho bú sau 4 tuổi nếu đứa em chưa ra đời. Theo nghiên cứu, độ tuổi cai sữa của một đứa trẻ!Kung càng lớn thì khả năng sống sót của đứa trẻ đó đến khi trưởng thành càng cao. Tuy nhiên ở những xã hội sống định cư nhờ vào nghề nông và các xã hội săn bắt – hái lượm có giao thương với nông dân, độ tuổi cai sữa từ 2,5 đến 4 tuổi của người săn bắt – hái lượm chăn nuôi sẽ giảm xuống còn trung bình 2 năm vì những người nông dân có sữa gia súc và cháo ngũ cốc để thay thế cho sữa mẹ. Ví dụ như khi người!Kung định cư để trở thành nông dân, như đang diễn ra vài thập niên gần đây, quãng thời gian từ lúc mới sinh đến khi cai sữa đã nhanh chóng giảm từ 3,5 năm xuống còn 2 năm như điển hình ở những nông dân.
Những nguyên nhân tiến hóa sâu xa và các nguyên nhân trước mắt mang tính sinh lý lý giải cho khoảng thời gian dài từ lúc mới sinh đến khi cai sữa của những người săn bắt – hái lượm chăn nuôi luôn là chủ đề được bàn luận sôi nổi. Có vẻ như có hai nguyên nhân sâu xa. Đầu tiên, người mẹ khi không thể tiếp cận với sữa bò hay cháo ngũ cốc, và từ đó có xu hướng cho con bú đến khi trẻ 3 tuổi hoặc hơn, sẽ không thể có đủ sữa để chăm sóc một đứa con mới sinh và một đứa vẫn chưa cai sữa. Nếu cô ấy vẫn tiếp tục duy trì việc đó, một trong 2 đứa trẻ sẽ có thể bị đói do thiếu sữa.
Một lý do khác là chỉ khi một đứa trẻ khoảng 4 tuổi hoặc hơn mới đủ khả năng đi nhanh để bắt kịp với ba mẹ chúng khi họ chuyển lều. Những đứa con nhỏ hơn sẽ được ẵm bồng. Khi đi bộ, một phụ nữ!Kung nặng 45kg phải địu một đứa con dưới 4 tuổi nặng 12kg, một gùi rau rừng nặng từ 8 đến 20kg hoặc hơn và vài lít nước, cùng với đồ gia dụng. Đó thật sự là một gánh nặng lớn và nó sẽ nặng hơn nếu có thêm một đứa trẻ sơ sinh. Vậy nên chúng ta có một nhân tố tiến hóa sâu xa thứ hai góp phần làm giảm nhanh khoảng thời gian từ lúc mới sinh cho đến lúc cai sữa khi những người săn bắt – hái lượm chăn nuôi bắt đầu định cư để trở thành nông dân: hầu hết nông dân sống vĩnh viễn ở các ngôi làng và không gặp phải vấn đề ẵm bồng tất cả các đứa con nhỏ hơn 4 tuổi khi họ chuyển lều.
Độ tuổi cai sữa trễ cho thấy, đối với một người mẹ săn bắt – hái lượm, hầu như tất cả nguồn năng lượng thể chất và tinh thần đều sẽ tập trung vào việc nuôi một đứa con. Những người phương Tây có dịp quan sát người!Kung đều có ấn tượng rằng một đứa trẻ người!Kung có mối quan hệ rất gần gũi với mẹ và sự chăm sóc độc nhất đứa bé được hưởng trong những năm chưa có em đã tạo ra sự an toàn trong cảm xúc ở thời thơ ấu mà sau này chuyển hóa thành sự an toàn trong cảm xúc ở những người!Kung trưởng thành. Tuy nhiên khi một đứa trẻ săn bắt – hái lượm đã chính thức cai sữa hoàn toàn, hệ quả có thể khá đau buồn. Chỉ trong một thời gian ngắn, đứa trẻ nhận được ít hơn rất nhiều sự quan tâm từ mẹ, bị đói khi không có sữa mẹ, phải nhường chỗ ngủ đêm cạnh mẹ cho đứa em sơ sinh và có thể ngày càng mong muốn bước chân vào thế giới người lớn. Những đứa trẻ!Kung bị cắt sữa thường đáng thương và phải trải qua những cơn nóng giận. Những người!Kung sống sót được đến già vẫn còn xem trải nghiệm cai sữa hồi nhỏ là một kinh nghiệm đau thương. Ở các trại của thổ dân da đỏ Piraha vào buổi tối, người ta thường nghe thấy tiếng trẻ con la hét, hầu như luôn là vì chúng đang bị cắt sữa. Tuy nhiên, dù các xã hội truyền thống cắt sữa ở độ tuổi trễ hơn người Mỹ hiện đại, các mẫu hình cụ thể vẫn khác nhau giữa các xã hội. Ví dụ, trẻ em Bofi và người lùn Aka sẽ cai sữa từ từ chứ không dừng đột ngột, do đó, sự bực dọc thường hiếm gặp và việc cai sữa thường do tự đứa trẻ hơn là bởi người mẹ.
Cho bú theo nhu cầu
Hai nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc độ tuổi cai sữa trễ hơn của người săn bắt – hái lượm để ngỏ câu hỏi về cơ chế trước mắt mang tính sinh lý nhằm đảm bảo không có hai đứa trẻ quá nhỏ tuổi được chăm sóc cùng lúc. Một cơ chế là việc lựa chọn bỏ mặc hay (hiếm hơn) là giết trẻ sơ sinh: nếu một người mẹ săn bắt – hái lượm có thai khi đứa con trước vẫn còn nhỏ hơn 2 tuổi rưỡi thì cô ấy có thể phải bỏ mặc hoặc thậm chí là giết đứa trẻ mới sinh vì không thể cùng lúc chăm sóc đứa bé sơ sinh này tốt như chăm sóc đứa con lớn hơn. Một nhân tố khác là các cơ chế sinh lý của người mẹ đang cho con bú theo nhu cầu với lịch trình cho bú thường xuyên đặc trưng của trẻ săn bắt – hái lượm (trái với những lần cho bú không thường xuyên được xác định để tiện lợi cho người mẹ trong xã hội phương Tây) khiến việc một người mẹ đang cho con bú ít có khả năng mang thai hơn, kể cả nếu cô ấy quan hệ tình dục trở lại khi đang trong giai đoạn cho bú.
Ở các nhóm săn bắt – hái lượm mà việc cho con bú được nghiên cứu cụ thể, hoạt động này thường “theo nhu cầu”. Theo đó, đứa trẻ sơ sinh luôn được tiếp xúc với bầu sữa mẹ vì bé được mẹ ẵm vào ban ngày và ngủ bên cạnh mẹ vào ban đêm nên bé có thể bú vào bất kỳ thời điểm nào mình muốn dù mẹ ngủ hay thức. Theo thống kê giữa các xã hội người!Kung, trung bình một đứa trẻ sơ sinh sẽ bú khoảng 4 lần/giờ trong ngày, 2 phút/lượt và cách 14 phút giữa 2 lần bú. Người mẹ sẽ thức dậy ít nhất 2 lần/đêm để cho con bú và đứa trẻ sẽ bú mà không đánh thức mẹ mình dậy một vài lần mỗi đêm. Cơ hội được bú thường xuyên theo nhu cầu thường duy trì ít nhất trong 3 năm đối với một trẻ!Kung. Ngược lại, rất nhiều hoặc hầu như tất cả người mẹ trong xã hội hiện đại thường lên lịch cho con bú vào thời gian mà công việc của người mẹ cho phép. Cách tổ chức công việc của người mẹ, dù làm việc bên ngoài hay ở nhà, thường dẫn đến những chia cách mẹ con vài giờ trong ngày. Kết quả là số lần cho bú ít hơn rất nhiều so với một người mẹ săn bắt – hái lượm cũng như thời gian cho bú lâu hơn và khoảng thời gian giữa các lần cho con bú cũng dài hơn.
Tần suất cho con bú cao ở các bà mẹ săn bắt – hái lượm mang theo những hệ quả sinh lý. Như đã đề cập ở trên, người mẹ săn bắt – hái lượm đang cho con bú sẽ không thụ thai trong vài năm sau khi sinh, kể cả nếu khi quan hệ tình dục trở lại. Rõ ràng, cho con bú theo nhu cầu trở thành một hình thức tránh thai. Một giả thuyết được đặt ra là “hiện tượng không có kinh nguyệt do cho con bú”: việc cho bú đã sản sinh ra hoóc-môn ở người mẹ không chỉ giúp kích thích sản sinh ra sữa mà còn hạn chế sự rụng trứng ở phụ nữ. Tuy nhiên, việc hạn chế rụng trứng đòi hỏi chế độ cho con bú thường xuyên; một vài lần cho bú trong ngày sẽ không đủ để hạn chế hiện tượng này. Một giả thuyết khác được gọi bằng thuật ngữ “giả thuyết chất béo giới hạn”: việc rụng trứng đòi hỏi người mẹ phải có lượng chất béo vượt qua một ngưỡng nhất định. Ở người phụ nữ đang cho con bú ở xã hội truyền thống không có nhiều thức ăn, năng lượng lớn tiêu tốn nhiều để tạo ra sữa làm cho mức chất béo của người mẹ thấp hơn ngưỡng giá trị cần thiết. Do đó, không giống với người mẹ săn bắt – hái lượm, những người mẹ đang cho con bú và duy trì quan hệ tình dục ở các xã hội công nghiệp phương Tây hiện đại vẫn có thể thụ thai vì một hoặc cả hai nguyên nhân sau: tần suất cho con bú quá thấp so với hiện tượng không có kinh nguyệt vì cho con bú do hoóc môn gây ra và họ cũng được chăm sóc với đầy đủ dưỡng chất nên hàm lượng chất béo trong cơ thể vẫn duy trì trên ngưỡng rụng trứng, thậm chí dù đã tiêu tốn ca-lo khi cho con bú. Rất nhiều người mẹ trí thức ở phương Tây đã nghe về hiện tượng không có kinh nguyệt vì cho con bú nhưng ít người biết rằng nó chỉ có hiệu quả khi cho con bú với tần suất cao. Gần đây, một người bạn của tôi đã bị sa sút về tinh thần khi cô ấy thụ thai lại chỉ vài tháng sau khi sinh đứa con trước. Và cô ấy cũng như rất nhiều người phụ nữ khác đều thảng thốt, “Tôi tưởng mình không thể thụ thai trong giai đoạn đang cho con bú!”
Tần suất cho con bú khác nhau giữa các loài động vật có vú. Một vài loài có vú, gồm tinh tinh và hầu hết các loài linh trưởng khác, dơi, kangaroo đều cho con bú thường xuyên. Các loài có vú khác như thỏ và linh dương là ví dụ điển hình, cho con bú không thường xuyên: một con thỏ mẹ hay linh dương mẹ sẽ giấu đứa con sơ sinh của mình trong cỏ hoặc hang khi ra ngoài kiếm thức ăn và khi con mẹ trở về sau một quãng thời gian dài sẽ cho con bú chỉ một vài lần trong ngày. Loài người săn bắt – hái lượm cũng cho con bú liên tục giống tinh tinh và khỉ thời Cựu Thế giới (châu âu, châu á, châu Phi). Tuy nhiên, mẫu hình đó – mẫu hình chúng ta đã thừa hưởng từ tổ tiên linh trưởng và có thể đã duy trì trong hàng triệu năm quá trình tiến hóa của loài người tách biệt với của tinh tinh – đã thay đổi chỉ trong vài ngàn năm khi xuất hiện nông nghiệp, khi chúng ta phát triển lối sống có sự chia cách mẹ-con. Người mẹ hiện đại đã hình thành thói quen cho con bú giống loài thỏ trong khi vẫn giữ lại khả năng sinh lý tạo sữa giống tinh tinh và khỉ.
Sự tiếp xúc giữa trẻ sơ sinh với người trưởng thành
Có liên quan đến sự khác biệt về tần suất cho con bú giữa các động vật có vú là sự khác biệt ở phần trăm thời gian một đứa trẻ sơ sinh trải qua khi tiếp xúc với người trưởng thành (đặc biệt với người mẹ). Ở những loài cho bú không thường xuyên, trẻ sơ sinh chỉ tiếp xúc với người mẹ trong những lần cho bú và những lần chăm sóc ngắn. Đối với các loài cho bú thường xuyên, người mẹ sẽ đem con theo khi đi kiếm ăn: kangaroo mẹ giữ con trong túi của mình, dơi mẹ giữ con ở bụng của mình kể cả khi đang bay, còn tinh tinh và khỉ ở Cựu Thế giới địu con trên lưng.
Ở các xã hội công nghiệp hiện đại ngày nay, chúng ta làm theo mẫu hình của thỏ-linh dương: người mẹ hoặc một người khác sẽ thỉnh thoảng bồng đứa trẻ lên để cho bé ăn hoặc chơi với bé nhưng sẽ không luôn mang trẻ theo bên mình. Đứa trẻ trải qua phần lớn thời gian trong ngày ở nôi hoặc giường cũi và ban đêm đứa trẻ sẽ tự ngủ, thường là ở phòng riêng với phòng cha mẹ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đã làm theo mẫu hình của tổ tiên khỉ của chúng ta xuyên suốt hầu hết lịch sử của loài người, cho đến vài ngàn năm trước đây. Các nghiên cứu về người săn bắt – hái lượm hiện đại cho thấy trẻ sơ sinh được giữ bên cạnh người mẹ hoặc người trưởng thành liên tục trong ngày. Khi người mẹ đi bộ, đứa trẻ sẽ được đặt trong các vật dụng để kéo theo như túi dây địu con của người!Kung, túi đeo ở New Guinea và gùi ở các vùng ôn đới phía Bắc. Hầu hết những người săn bắt – hái lượm, đặc biệt là ở các vùng khí hậu ôn hòa, đều có sự tiếp xúc cơ thể thường xuyên giữa trẻ sơ sinh với người chăm sóc. Ở mọi xã hội người săn bắt – hái lượm và xã hội của các loài linh trưởng bậc cao được biết đến, mẹ và trẻ sơ sinh ngủ cạnh nhau. Một mẫu nghiên cứu đa văn hóa gồm 90 xã hội truyền thống cho thấy không có bất kỳ một xã hội nào mà người mẹ và con trẻ ngủ ở các phòng riêng. Như vậy cách thức của xã hội phương Tây hiện nay là một sáng kiến gần đây do những khó khăn khi cho con ngủ của các bậc cha mẹ phương Tây hiện đại. Các bác sĩ nha khoa Mỹ hiện nay khuyên không nên để trẻ sơ sinh ngủ chung giường với cha mẹ vì trong một vài trường hợp trẻ sẽ bị đè lên người hoặc bị nóng; nhưng gần như mọi trẻ em trong lịch sử loài người mãi cho đến vài ngàn năm trước đây đều ngủ cùng giường với mẹ và thường cùng cả với cha mà không hề có các báo cáo phổ biến về những hậu quả đau đớn như các bác sĩ nhi khoa lo sợ. Cũng có thể do người săn bắt – hái lượm ngủ trên nền đất cứng hoặc trên chiếu; trong khi ở các giường êm hiện đại, cha mẹ dễ lăn đè lên trẻ.
Ví dụ, trẻ sơ sinh người!Kung có 90% thời gian trong năm đầu tiên của mình tiếp xúc cơ thể với mẹ hoặc một người chăm sóc khác. Trẻ sơ sinh người!Kung được mẹ mang theo đi bất kỳ nơi đâu và chỉ xa cách khi người mẹ giao đứa trẻ cho những người chăm sóc khác. Khi được 1 tuổi rưỡi, trẻ người!Kung bắt đầu xa mẹ thường xuyên hơn, nhưng sự xa cách này chủ yếu là từ đứa trẻ để có thể chơi đùa với những đứa trẻ khác. Thời gian tiếp xúc hằng ngày giữa một đứa trẻ người!Kung với những người chăm sóc khác người mẹ thậm chí còn nhiều hơn toàn bộ thời gian tiếp xúc (gồm cả tiếp xúc với cả người mẹ) của trẻ em xã hội phương Tây hiện đại.
Một trong những vật dụng phổ biến nhất ở phương Tây để di chuyển trẻ em là xe đẩy, vốn không tạo ra sự tiếp xúc cơ thể nào giữa đứa trẻ và người chăm sóc. Ở nhiều xe đẩy, trẻ sơ sinh thường được đặt nằm ngang và thỉnh thoảng là nằm quay mặt vào bên trong. Do đó, bé sẽ không thấy thế giới bên ngoài như người chăm sóc. Trong một vài thập niên gần đây ở Mỹ, các vật dụng để di chuyển trẻ em theo chiều thẳng đứng đã trở nên phổ biến hơn như túi địu, túi địu trước ngực nhưng đa phần các thiết bị này lại để đứa trẻ nhìn về phía sau. Các vật dụng để mang trẻ truyền thống như các túi dây đeo hoặc giữ trẻ trên vai, thường sẽ đặt trẻ thẳng đứng hướng về phía trước và do đó, trẻ sẽ nhìn thấy thế giới như người chăm sóc thấy. Sự tiếp xúc liên tục ngay cả khi người chăm sóc đang đi, sự chia sẻ liên tục góc nhìn của người chăm sóc, và việc được di chuyển theo chiều thẳng đứng có thể góp phần thúc đẩy trẻ sơ sinh người!Kung phát triển nhanh hơn (so với trẻ sơ sinh Mỹ) ở một vài khía cạnh phát triển về thần kinh vận động.
Ở các vùng khí hậu ấm áp, những đứa bé trần truồng và người mẹ gần như khỏa thân được tiếp xúc cơ thể thường xuyên với nhau. Tuy nhiên, điều này lại khó được thực hiện hơn ở nơi có thời tiết lạnh. Do đó, khoảng phân nửa các xã hội truyền thống, hầu hết là ở vùng ôn đới, thường bọc trẻ sơ sinh trong những miếng vải ấm. Đứa trẻ được bọc ấm sẽ được buộc vào một tấm ván gọi là tấm ván gùi. Phong tục này vẫn rất phổ biến trên khắp thế giới, phần lớn ở các xã hội sống trên vùng cao. ý tưởng cơ sở của việc bọc và gùi là để bảo vệ đứa trẻ khỏi bị lạnh và để hạn chế việc đứa trẻ cựa quậy. Những người mẹ thổ dân da đỏ Navajo giải thích rằng việc sử dụng gùi là để dỗ trẻ ngủ hoặc để giữ cho trẻ tiếp tục ngủ khi đặt vào trong gùi. Họ cũng bổ sung là gùi giúp đứa trẻ không bị giật mình mà tỉnh giấc. Một đứa trẻ Navajo dành đến 60% – 70% thời gian ở trong gùi trong 6 tháng đầu đời. Gùi trước đây cũng khá phổ biến ở châu âu nhưng đã bắt đầu biến mất từ một vài thập kỷ trước.
Đối với những người trong xã hội hiện đại, ý tưởng về gùi hay bọc giữ ấm có vẻ không phù hợp – hoặc đã từng như vậy, cho đến gần đây, khi việc bọc con dần thịnh hành trở lại. Quan niệm về sự tự do con người rất có ý nghĩa đối với chúng ta và tất nhiên sử dụng gùi hay việc bọc con sẽ hạn chế sự tự do của trẻ sơ sinh. Chúng ta có thiên hướng cho rằng sử dụng gùi hay việc bọc con làm chậm sự phát triển ở trẻ và gây ra những tổn hại về mặt tâm lý lâu dài. Tuy nhiên trên thực tế gần như không có sự khác biệt nào về tính cách và vận động, hoặc về độ tuổi tự đi được, giữa trẻ em Navajo được hoặc không được đặt vào gùi, hay giữa trẻ Navajo được bọc-gùi với trẻ em Mỹ gốc Anh. Lời giải thích khả dĩ cho việc này là ở độ tuổi trẻ sơ sinh bắt đầu bò, trẻ dành nửa ngày không ở trên gùi và chỉ ở trong gùi khi đang ngủ. Trên thực tế, việc giữ cố định trẻ sơ sinh trong gùi giúp trẻ được gần với mẹ và được mẹ mang theo đi bất cứ nơi đâu. Do đó, người ta cho rằng việc không sử dụng gùi không đem lại một lợi ích thực tế nào về sự tự do, sự kích thích, sự phát triển thần kinh vận động. Trẻ em phương Tây điển hình ngủ ở phòng riêng, được di chuyển bằng xe đẩy và bị đặt trong nôi cả ngày thường cách biệt với xã hội hơn so với trẻ em Navajo được đặt trong gùi.
Cha và những người chăm sóc như cha mẹ
Sự đầu tư trong việc chăm sóc con của người cha có sự khác biệt rất lớn giữa các loài động vật. Ở một thái cực là một số loài, như đà điểu và cá ngựa, sau khi con đực làm cho con cái thụ thai và khi con cái đã đẻ trứng thì con cái sẽ bỏ đi và để toàn bộ việc ấp trứng cũng như chăm sóc những đứa con mới nở cho con đực. Ở thái cực ngược lại, nhiều loài động vật có vú và một vài loài chim sau khi con đực làm con cái thụ thai, chúng bỏ đi để theo đuổi những con cái khác và để lại toàn bộ gánh nặng chăm sóc con cho con cái. Hầu hết các loài như khỉ và đười ươi nằm giữa hai thái cực này nhưng có vẻ gần hơn với các loài động vật có vú và chim: con đực sẽ sống cùng với gia đình của mình trong một bầy đàn nhưng chúng chỉ chăm lo chút ít cho con cái ngoài bổn phận chính là bảo vệ.
Ở loài người, sự quan tâm chăm sóc của người cha thấp so với tiêu chuẩn của đà điểu và cao so với khỉ và các loài linh trưởng khác, nhưng sự chăm sóc của người cha thì ít hơn so với người mẹ trong mọi xã hội loài người. Tuy nhiên, người cha đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thức ăn, bảo vệ và giáo dục con cái ở hầu hết các xã hội loài người, với kết quả cho thấy việc qua đời của người cha ruột sẽ giảm khả năng sống sót của đứa trẻ ở một vài xã hội. Sự quan tâm chăm sóc của người cha thường nhiều hơn khi đứa trẻ lớn hơn so với lúc mới sinh (đặc biệt đối với con trai) và người cha ở xã hội hiện đại thường thành công trong việc giao phó nhiều phần việc trong chăm sóc con cái như thay tã, làm sạch mũi và mông cũng như tắm cho con mình.
Có sự khác biệt lớn trong sự tham gia của người cha giữa các xã hội, một phần liên quan đến hệ sinh thái sinh tồn của xã hội. Sự tham gia của người cha là cao nhất ở các xã hội có phụ nữ dành thời gian tìm kiếm hầu hết thức ăn. Ví dụ, những người cha Pygmy Aka dành thời gian chăm sóc trực tiếp cho đứa con sơ sinh của mình nhiều hơn bất kỳ một người cha nào khác ở các xã hội đã được nghiên cứu, có thể bởi người mẹ Pygmy Aka không chỉ thu lượm thực phẩm trồng trọt mà còn tham gia săn bắt bằng lưới. Ở mức trung bình, sự chăm sóc con của người cha và sự đóng góp của phụ nữ trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn ở các xã hội săn bắt – hái lượm cao hơn ở các xã hội du mục. Sự chăm sóc trực tiếp của người cha thường thấp hơn ở các xã hội của những người Cao nguyên New Guinea và các nhóm Bantu châu Phi, nơi đó người đàn ông hy sinh phần lớn thời gian và danh dự của mình để trở thành các chiến binh và bảo vệ gia đình của họ khỏi sự tấn công từ những người đàn ông khác. Ở hầu hết Cao nguyên New Guinea, theo truyền thống đàn ông sẽ sống ở các ngôi nhà cộng đồng dành riêng cho nam giới, cùng với con trai của họ sau khi chúng lên sáu tuổi, còn người vợ sống ở một túp lều riêng với con gái và con trai nhỏ. Đàn ông và con trai tự ăn uống, dùng thức ăn mà vợ và mẹ của mình đem đến ngôi nhà họ sinh sống.
Vậy còn về sự đóng góp trong việc nuôi dạy con cái của những người chăm sóc khác cha và mẹ? Ở xã hội phương Tây hiện đại, cha mẹ vẫn là những người giữ vai trò chính trong việc chăm sóc con cái mình. Vai trò của “những người chăm sóc với vai trò phụ huynh” – nghĩa là những người không phải là cha mẹ ruột nhưng vẫn chăm sóc trẻ – đã giảm đi trong vài thập niên gần đây bởi các gia đình di dời thường xuyên hơn và xa hơn, trẻ sẽ không còn có được sự hiện diện liên tục như trước đây của ông bà và cô dì chú bác sống gần nhà. Điều này tất nhiên không phải để phủ nhận rằng người giữ trẻ, giáo viên, ông bà và anh chị cũng có thể là những người chăm sóc và nguồn ảnh hưởng quan trọng. Tuy nhiên, ở các xã hội truyền thống, những người chăm sóc như cha mẹ quan trọng hơn rất nhiều và cha mẹ thì lại có vai trò ít ảnh hưởng hơn.
Ở các nhóm người săn bắt – hái lượm, việc chăm sóc con cái như thể cha mẹ bắt đầu trong giờ đầu tiên sau khi sinh. Những đứa trẻ mới sinh người Aka và Efe được trao từ người này sang người khác quanh lửa trại, từ người trưởng thành hoặc đứa trẻ lớn tuổi hơn đến người khác, để được hôn, được bế thốc lên và được hát, nói cho nghe những lời mà chúng chưa thể hiểu. Các nhà nhân học thậm chí còn đo được trung bình tần suất trao tay xoay vòng trẻ sơ sinh người lùn Aka và Efe là 8 lần/giờ đồng hồ. Người mẹ săn bắt – hái lượm chia sẻ sự chăm sóc con cái với người cha và những người chăm sóc khác, gồm ông bà, dì, bà dì, bà cô và anh chị lớn hơn. Một lần nữa, hiện tượng này được định lượng bởi các nhà nhân học vốn đo lường số người chăm sóc trung bình trong suốt quá trình quan sát vài giờ đồng hồ: 14 người cho một trẻ 4 tháng tuổi người Efe, 7 hoặc 8 người cho một trẻ sơ sinh người Aka.
Ở nhiều xã hội săn bắt – hái lượm, ông bà thường ở lại lều trại chăm sóc các cháu để cha mẹ chúng đi tìm thức ăn. Những chuyến đi đó có thể kéo dài hằng ngày hoặc hằng tuần. Trẻ em người Hadza có bà chăm sóc sẽ béo khỏe hơn trẻ không được bà chăm sóc. Cô dì chú bác cũng đóng vai trò chăm sóc quan trọng ở nhiều xã hội truyền thống. Ví dụ, nhóm người Bantu ở Đồng bằng Okavango thuộc Nam châu Phi, người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất lên một cậu bé không phải là cha của cậu mà lại là bác của cậu, người anh lớn nhất của mẹ. Ở nhiều xã hội, anh chị em chăm sóc con cái của nhau. Đặc biệt là người chị, trong các xã hội trồng trọt và chăn nuôi, thường đảm nhiệm việc chăm sóc cho đứa em nhỏ hơn.
Daniel Everett, người đã sống rất nhiều năm với thổ dân da đỏ Piraha ở Brazil, nhận xét rằng, “Sự khác biệt lớn nhất giữa đời sống của một đứa trẻ người Piraha với một đứa trẻ Mỹ là đứa trẻ người Piraha có thể chạy trong làng, được mọi người trong làng xem như người thân và mọi người đều có một phần trách nhiệm phải chăm sóc chúng.” Trẻ em người da đỏ Yora ở Peru có gần một nửa số bữa ăn của mình với các gia đình khác thay vì với cha mẹ đẻ của chúng. Đứa con trai của người bạn truyền giáo của tôi sau khi lớn lên ở một làng New Guinea nhỏ, nơi mà cậu xem tất cả những người lớn như cô dì chú bác của mình. Khi quay trở về Mỹ để học trung học, cậu bị sốc khi thiếu thốn sự chăm sóc giống của cha mẹ như ở New Guinea.
Khi những đứa trẻ của các xã hội quy mô nhỏ lớn lên, chúng càng dành nhiều thời gian để đến ở với các gia đình khác. Tôi có chuyến nghiên cứu về các loài chim ở New Guinea và phải thuê người bản địa mang hành lý để chuyển vật dụng từ làng này đến làng tiếp theo. Khi tôi đến nơi, hầu hết những người mang hành lý ở làng trước chuyển hàng cho tôi đã rời đi, tôi đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất kỳ ai có thể giúp tôi mang một túi hành lý và muốn kiếm tiền. Người tình nguyện làm là một bé trai 10 tuổi, tên là Talu. Chúng tôi dự định sẽ rời khỏi làng trong một vài ngày. Tuy nhiên, chúng tôi bị đến trễ hơn 1 tuần so với kế hoạch vì đường ray bị chặn bởi một con sông mùa lũ, tôi tìm kiếm một người có thể ở lại và làm việc với tôi và Talu một lần nữa lại tình nguyện. Cuối cùng, cậu bé đã đồng hành với tôi trong một tháng cho đến khi tôi hoàn thành nghiên cứu, sau đó cậu đi bộ về lại làng. Vào thời gian cậu khởi hành cùng với tôi, cha mẹ cậu không có ở làng, vì thế Talu chỉ đơn giản là đi theo tôi, vì biết những người khác trong làng sẽ báo với cha mẹ cậu ấy rằng cậu ấy đã đi với tôi vài ngày. Những người bạn trong làng cùng đi với chúng tôi khi quay trở về làng cũng sẽ nói với cha mẹ Talu rằng cậu ấy sẽ đi cùng tôi trong một khoảng thời gian chưa xác định dài hơn. Việc một cậu bé 10 tuổi tự quyết định rời làng trong một khoảng thời gian vô định rõ ràng được xem là một điều bình thường.
Ở một vài xã hội, những chuyến đi dài ngày của trẻ em không có cha mẹ đi cùng càng trở nên dài hơn khi chúng được nhận làm con nuôi. Ví dụ, trẻ em đảo Andaman ở độ 9 hay 10 tuổi sẽ rất hiếm khi sống cùng với cha mẹ đẻ của chúng mà được nhận nuôi bởi một cặp cha mẹ, thường ở thị tộc láng giềng và nhờ đó giúp duy trì mối quan hệ thân thiết giữa hai thị tộc. Những người Iñupiat của Alaska nhận nuôi con là việc phổ biến, đặc biệt ở các thị tộc người Iñupiaq. Việc nhận nuôi ở Thế Giới Thứ Nhất hiện đại chủ yếu là sự liên kết giữa con nuôi với cha mẹ nuôi – những người cho đến gần đây thậm chí vẫn chưa được cho biết về danh tính của cha mẹ đẻ – nhằm mục đích loại bỏ sự tiếp diễn trong mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ với đứa trẻ hay với cha mẹ nuôi. Trong khi đối với người Iñupiat, việc nhận nuôi là để tăng cường sự liên kết giữa hai cặp cha mẹ và giữa các nhóm với nhau.
Do đó, sự khác biệt đáng kể giữa các xã hội quy mô nhỏ với các xã hội nhà nước lớn là ở chỗ trách nhiệm với trẻ em được phân chia rộng khắp với không chỉ cha mẹ của đứa trẻ ở các xã hội quy mô nhỏ. Những người chăm sóc như cha mẹ đóng vai trò quan trọng về mặt vật chất vì họ là người cung cấp thêm thức ăn và sự bảo vệ. Do đó, những nghiên cứu trên khắp thế giới đều đồng ý rằng sự hiện diện của người chăm sóc như cha mẹ góp phần tăng cơ hội sống sót của đứa trẻ. Tuy nhiên, những người chăm sóc này cũng có vai trò quan trọng về mặt tâm lý, họ như những nguồn ảnh hưởng và hình mẫu xã hội ngoài cha mẹ của trẻ. Các nhà nhân học làm việc với các xã hội quy mô nhỏ thường ấn tượng nhất với sự phát triển chín chắn về các kỹ năng xã hội của trẻ em và họ cho rằng các mối quan hệ dồi dào với những người chăm sóc như cha mẹ có thể phần nào lý giải cho việc này.
Các lợi ích tương tự của người chăm sóc trẻ như cha mẹ cũng tồn tại ở các xã hội công nghiệp. Các nhà hoạt động xã hội ở Mỹ lưu ý rằng trẻ em có lợi khi sống trong các gia đình đa thế hệ với những người chăm sóc như cha mẹ. Con cái của các cặp thiếu niên Mỹ có thu nhập thấp và chưa kết hôn có thể bị bỏ bê bởi mẹ mình nhưng sẽ phát triển nhanh hơn và học hỏi được nhiều kỹ năng nhận thức hơn nếu có bà hoặc chị chăm sóc, hoặc thậm chí nếu một sinh viên đại học có đào tạo đến thăm và chơi với bé thường xuyên. Nhiều người chăm sóc trong một khu định cư (kibbutz) của Israel hay trong một trung tâm chăm sóc hằng ngày chất lượng cao cũng sẽ có vai trò tương tự như vậy. Tôi đã từng nghe rất nhiều câu chuyện từ những người bạn của tôi về những đứa trẻ được nuôi nấng bởi các bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn nhưng sau đó lại trở thành những người trưởng thành hoàn thiện về mặt nhân cách và xã hội. Các em kể với tôi rằng điều giúp các em có thể có một cuộc sống lành mạnh là nhờ mối liên hệ thường xuyên với một người trưởng thành ủng hộ các em hơn là với cha mẹ mình, cho dù người đó có khi chỉ là một giáo viên dạy piano mà các em học đàn mỗi tuần một lần.
Phản ứng với việc trẻ khóc
Có sự tranh luận dai dẳng giữa các bác sĩ nhi khoa và các nhà tâm lí nhí về cách tốt nhất để phản ứng trước việc trẻ khóc. Tất nhiên việc đầu tiên mà cha mẹ trẻ sẽ làm là kiểm tra xem đứa trẻ có bị thương hay có thật sự cần giúp đỡ gì không. Tuy nhiên nếu không có điều gì có vẻ bất thường, liệu việc bế và dỗ một đứa trẻ đang khóc có tốt hơn, hay người ta có nên đặt bé xuống và để bé tự nín, dù mất bao lâu thời gian? Đứa trẻ sẽ khóc nhiều hơn khi cha mẹ đặt xuống và bước ra khỏi phòng, hay khi được tiếp tục bế?
Các triết lý về câu hỏi này khác nhau giữa các quốc gia Tây phương và cũng khác nhau giữa các thế hệ trong cùng một đất nước. Khi tôi sống ở Đức cách đây khoảng 50 năm, một quan điểm thịnh hành lúc đó là nên để đứa trẻ khóc và việc chăm sóc khi trẻ khóc “vô cớ” là có hại. Nghiên cứu cho thấy khi một đứa trẻ Đức khóc, tiếng khóc của chúng sẽ bị phớt lờ đi trung bình một trong ba lần, hoặc nếu không cha mẹ sẽ chỉ phản hồi sau khoảng thời gian từ 10 đến 30 phút. Đứa trẻ bị để một mình trong nôi một thời gian dài, khi người mẹ đi mua sắm, hay làm việc ở một phòng khác. Những từ “thần kỳ” với cha mẹ người Đức mà trẻ con nên học càng sớm càng tốt làSelbständigkeit (gần nghĩa với “tự lực”) và Ordnungsliebe (theo nghĩa đen là “yêu sự trật tự”, gồm cả sự tự kiểm soát và tuân thủ ước muốn của người khác). Cha mẹ người Đức cho rằng trẻ em người Mỹ bị hư hỏng vì cha mẹ chúng can dự quá nhanh khi con khóc. Cha mẹ người Đức e ngại rằng sự quan tâm quá mức sẽ khiến đứa trẻ trở nên verwöhnt – một từ quan trọng và rất, rất xấu trong từ vựng Đức dùng cho trẻ con, nghĩa là “hư hỏng”.
Quan điểm của các bậc cha mẹ thành thị ở Mỹ và Anh vào các thập niên từ 1920 đến 1950 khá tương đồng với quan điểm của người Đức đương đại. Những người mẹ Mỹ được các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia khác khuyên rằng thời gian biểu đều đặn, sự sạch sẽ đều quan trọng đối với trẻ sơ sinh; việc phản hồi nhanh sẽ có thể làm hư đứa trẻ, đứa trẻ cần phải tự học, tự chơi và tự kiểm soát bản thân càng sớm càng tốt. Nhà nhân học Sarah Blaffer Hrdy miêu tả như sau về triết lý phổ biến ở Mỹ khoảng giữa thế kỷ XX về việc phản hồi một đứa trẻ đang khóc: “Vào thời mẹ tôi, những người phụ nữ trí thức luôn có một ấn tượng rằng khi đứa trẻ khóc và người mẹ vội chạy đến bế sẽ làm hư và tạo điều kiện cho bé khóc nhiều hơn.” Đến những năm 1980, khi vợ chồng nuôi hai đứa con trai sinh đôi thì triết lý đó vẫn còn rất phổ biến. Chúng tôi được khuyên nên hôn con mình và chúc ngủ ngon, đi rón rén ra khỏi phòng, phớt lờ đi tiếng khóc thổn thức khi chúng nghe thấy chúng tôi rời đi, quay lại sau đó 10 phút, chờ cho chúng im lặng, rón rén đi ra một lần nữa và lại phớt lờ tiếng khóc. Chúng tôi cảm thấy thật kinh khủng. Nhiều cha mẹ hiện đại khác đã và sẽ chia sẻ trải nghiệm này.
Ngược lại, những người quan sát trẻ em ở các xã hội săn bắt – hái lượm thường cho hay nếu một đứa trẻ sơ sinh bắt đầu khóc thì cha mẹ bé sẽ phản hồi ngay lập tức. Ví dụ, nếu một đứa trẻ bắt đầu om sòm thì người mẹ hoặc người chăm sóc sẽ cố gắng để dỗ dành đứa trẻ trong vòng 10 giây. Nếu một đứa trẻ người!Kung khóc, 88% số lần khóc sẽ nhận được sự phản hồi (bao gồm vuốt ve hoặc cho bú) trong vòng 3 giây và gần như mọi lần khóc sẽ nhận được sự phản hồi trong vòng 10 giây. Người mẹ người!Kung sẽ cho trẻ bú nhưng rất nhiều những phản hồi khác của các người chăm sóc không phải mẹ (đặc biệt là các người phụ nữ trưởng thành khác) là vuốt ve hoặc bế giữ đứa trẻ. Kết quả là các trẻ sơ sinh người!Kung dành ra tối đa 1 phút trong 1 giờ đồng hồ để khóc, mỗi lần khóc thường chưa đến 10 giây. Vì sự phản hồi của người chăm sóc đối với việc đứa trẻ khóc là nhanh chóng và đáng tin cậy nên tổng thời gian khóc trong một giờ của trẻ sơ sinh người!Kung chỉ bằng một nửa so với trẻ sơ sinh người Hà Lan. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy trẻ một tuổi sẽ khóc lâu hơn khi không nhận được phản hồi.
Để khẳng định lại một lần nữa cho mọi câu hỏi về việc liệu trẻ khóc mà bị phớt lờ có trở thành những người trưởng thành khoẻ mạnh hơn so với trẻ khóc có nhận được sự phản hồi nhanh chóng. Một thí nghiệm có thể chia các hộ gia đình trong xã hội thành 2 nhóm: một nhóm được yêu cầu phớt lờ việc khóc của con cái trong khi nhóm còn lại sẽ phản hồi khi con mình khóc trong vòng 3 giây. Hai mươi năm sau, khi đứa trẻ trưởng thành, người ta có thể đánh giá nhóm trẻ nào độc lập và an toàn trong các mối quan hệ, đáng tin cậy, tự lập, tự kiểm soát, không hư hỏng, được phú cho những phẩm chất khác được chú trọng bởi các nhà giáo dục và bác sĩ nhi khoa hiện đại.
Nhưng những thí nghiệm được thiết kế chỉn chu và những đánh giá toàn diện như thế không được tiến hành. Thay vào đó, người ta phải quay lại với những thí nghiệm tự nhiên lộn xộn và những câu chuyện không chính xác khi so sánh giữa các xã hội với những phong tục nuôi dạy con trẻ khác nhau. ít ra, người ta có thể kết luận rằng sự phản hồi nhanh với việc con khóc ở các cha mẹ săn bắt – hái lượm không hẳn dẫn đến việc đứa trẻ lớn lên thiếu sự tự chủ, tự lập và những phẩm chất khác. Chúng ta sẽ quay lại với những câu trả lời cảm tính mà các học giả đưa ra cho câu hỏi về hệ quả lâu dài này.
Hình phạt về thể xác
Liên quan đến những tranh luận xung quanh việc làm hư một đứa trẻ bằng việc phản hồi nhanh chóng khi bé khóc thì cũng có những tranh luận tương tự quanh việc làm hư trẻ bằng cách tránh không phạt con cái. Có một sự khác biệt rất lớn giữa các xã hội loài người ở quan điểm về việc phạt con trẻ: sự khác biệt trong một xã hội giữa thế hệ này với thế hệ khác và sự khác biệt giữa các xã hội láng giềng trong cùng thế hệ. Về sự khác biệt giữa các thế hệ trong cùng một xã hội, việc đánh vào mông con trẻ được thực hiện phổ biến hơn nhiều ở Mỹ vào thời cha mẹ tôi so với hiện nay. Thủ tướng Đức Bismarck nhận xét rằng, ngay cả trong một gia đình, các thế hệ bị đánh đòn thường xen kẽ các thế hệ không bị đánh. Điều này phù hợp với kinh nghiệm của rất nhiều người bạn ở Mỹ của tôi: những người bị đánh khi còn nhỏ thề sẽ không bao giờ hành động dã man như vậy đối với con của mình, trong khi những người không bị đánh lúc nhỏ lại giữ quan điểm rằng đánh đòn nhẹ sẽ tốt hơn bắt nhận lỗi hay các hình thức kiểm soát hành vi khác có thể thay thế việc đánh đòn, hoặc tốt hơn việc để trẻ tự do hoàn toàn.
Về sự khác biệt giữa các xã hội láng giềng, hãy xem xét Tây âu ngày nay. Người Thụy Điển nghiêm cấm việc đánh đòn; cha mẹ người Thụy Điển đánh con mình có thể bị kết tội hình sự vì ngược đãi trẻ em. Ngược lại, nhiều người bạn Đức và Anh trí thức có tư tưởng tự do, và những người bạn Tin Lành người Mỹ của tôi tin rằng sẽ tốt hơn nếu đánh đòn con cái. Những người ủng hộ việc đánh đòn rất thích câu nói của nhà thơ người Anh Samuel Butler (“Không dùng đến roi là làm hư đứa trẻ”) và của nhà soạn kịch người Athen Menander (“Người nào không bị bầm dập không bao giờ học được bài học nào cả”). Tương tự như vậy, ở châu Phi, những người Pygmy Aka không bao giờ đánh hay thậm chí là rầy la con mình và họ thấy những thói quen nuôi dạy con bằng việc đánh đập của xã hội láng giềng người Ngandu là kinh khủng và bạo lực.
Sự khác biệt giữa các hình phạt thể xác đã hoặc đang là đặc thù không chỉ ở châu âu, châu Phi hiện đại mà còn ở các thời kỳ và các vùng địa lý khác của thế giới. Ở Hy Lạp cổ, trẻ em Athen (mặc cho lời tuyên bố của Menander) chạy loanh quanh mà không bị ngăn cản, trong khi ở Sparta, bất cứ ai, không chỉ là cha mẹ đứa trẻ, đều có thể đánh trẻ. Ở New Guinea, trong khi một số bộ tộc không phạt con trẻ vì khua những con dao sắc nhọn, tôi lại gặp phải một thái cực trái ngược ở một làng nhỏ (Gasten) với một chục túp lều ở xung quanh một khoảng đất trống nơi cuộc sống của làng diễn ra với sự quan sát của tất cả cư dân. Một sáng nọ, khi nghe thấy một tiếng hét giận dữ, tôi nhìn ra ngoài xem chuyện gì đang xảy ra. Một người mẹ đang giận điên lên với đứa con gái lên tám của mình, la hét và đánh bé, còn bé gái thì khóc thổn thức và lấy tay che mặt để đỡ các cú đánh. Những người lớn khác chỉ nhìn mà không can thiệp. Người mẹ càng lúc càng điên tiết. Cuối cùng, người mẹ đi ra rìa mảnh đất, ngồi xuống và nhặt một vài vật gì đó, quay lại chỗ đứa bé và nhấn chúng vào mặt đứa trẻ, khiến cô bé hét lên thất thanh trong sự sợ hãi tột độ. Hóa ra đó là một bó lá cây tầm gai. Tôi không biết bé gái đó đã làm điều gì để kích động sự trừng phạt như vậy, nhưng hành vi của người mẹ rõ ràng được tất cả những người đang quan sát chấp nhận.
Làm sao lý giải được việc một số xã hội thực hiện trừng phạt thể xác với trẻ con, còn các xã hội khác lại không? Phần lớn sự khác biệt hoàn toàn là do văn hóa và không liên quan đến kinh tế sinh tồn. Ví dụ, tôi đã không nhận ra sự khác biệt nào giữa các nền kinh tế Thụy Điển, Đức và Anh – các quốc gia này đều là các xã hội dựa trên nông nghiệp được công nghiệp hóa và nói các ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Đức – có thể giải thích cho việc rất nhiều người Đức và Anh hiện đại đánh con nhưng người Thụy Điển thì không. Người New Guinea của hai bộ lạc nhận con nuôi Gasten và Enu là những người trồng vườn và người nuôi lợn, một lần nữa không có sự khác biệt nào rõ ràng để giải thích cho hình phạt thể xác bằng cây tầm gai lại được chấp nhận ở người Gasten trong khi một hình phạt dù nhẹ cũng rất hiếm ở người Enu.
Tuy nhiên, dường như có một xu hướng lớn: hầu hết các nhóm săn bắt – hái lượm có hình phạt thể xác tối thiểu với trẻ con, nhiều xã hội trồng trọt chăn nuôi có một vài hình phạt, còn người chăn nuôi đặc biệt có xu hướng trừng phạt con trẻ. Một cách giải thích là những hành động sai trái của một đứa trẻ săn bắt – hái lượm có thể chỉ làm tổn thương đứa trẻ mà không ảnh hưởng đến bất kỳ ai hoặc bất kỳ vật gì khác, vì người săn bắt – hái lượm thường ít sở hữu những thứ có giá trị. Tuy nhiên nhiều nông dân, đặc biệt là người chăn nuôi, lại có những thứ vật chất quý giá, đặc biệt là vật nuôi quý, nên người chăn nuôi trừng phạt trẻ nhỏ để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng đối với cả gia đình – ví dụ nếu một đứa trẻ không đóng cổng chuồng, bò và cừu có thể chạy mất. Khái quát hơn, so với các xã hội di cư của những người săn bắt – hái lượm bình đẳng, các xã hội định cư (ví dụ, hầu hết nông dân và người chăn nuôi) có những khác biệt quyền lực lớn hơn, sự bất cân bằng giới tính, tuổi tác và cá nhân lớn hơn, chú trọng hơn về việc học cách nghe lời, tôn trọng – do đó, họ sẽ trừng phạt trẻ con nhiều hơn.
Sau đây là một vài ví dụ. Ở các nhóm săn bắt – hái lượm, người Piraha, người Đảo Andaman, người lùn Aka và người!Kung có rất ít hoặc gần như không có các hình phạt về thể xác. Daniel Everett liên hệ câu chuyện sau đây từ những năm sống với người Piraha. Anh trở thành cha năm 19 tuổi và có nguồn gốc Cơ đốc giáo cho phép các hình phạt về thể xác. Một ngày nọ, cô con cái Shannon của anh đã làm một việc mà anh cho rằng đáng bị đánh. Anh cầm lấy một cây roi và bảo con gái đến phòng kế bên để anh đánh và cô bé bắt đầu hét lên rằng cô không đáng bị đánh. Người Piraha chạy đến khi nghe tiếng thét giận dữ và hỏi Daniel rằng anh đang làm gì. Anh không có một câu trả lời chính xác với họ, nhưng anh vẫn nhớ những lời răn dạy trong Kinh thánh về việc trừng phạt trẻ con, nên đã nói với con rằng anh sẽ không đánh con trước mặt người Piraha, rằng cô bé nên đi bộ đến cuối đường băng, tìm một cây roi khác, rằng anh sẽ đến gặp cô bé sau năm phút nữa. Khi Shannon bắt đầu đi, người Piraha hỏi rằng cô bé đang đi đâu. Hoàn toàn nhận thức được việc người Piraha sẽ nghĩ như thế nào về câu trả lời của mình, cô bé vui sướng đáp lời: “Cha cháu sẽ đánh cháu trên đường băng!” Kết quả là cả người lớn lẫn trẻ con người Piraha đi theo Daniel Everett vì anh sắp thực hiện một hành động dã man thiếu suy nghĩ khi đánh con mình. Cuối cùng, anh đã đầu hàng vô điều kiện. Cha mẹ người Piraha nói chuyện với con mình một cách tôn trọng, hiếm khi kỷ luật và không sử dụng bạo lực.
Quan điểm tương tự cũng phổ biến ở các thị tộc săn bắt – hái lượm khác được nghiên cứu. Nếu cha hoặc mẹ người Pygmy Aka đánh trẻ sơ sinh, người còn lại sẽ xem đó là lý do cho việc li dị. Người!Kung lý giải lối xử sự không cho phép trừng phạt trẻ em bằng việc cho rằng trẻ em chưa có trí khôn và không phải chịu trách nhiệm cho hành động của chúng. Thay vào đó, trẻ em người!Kung và Aka được phép tát và sỉ nhục cha mẹ mình. Người Siriono lại có tục phạt nhẹ đứa trẻ vì ăn đất hoặc ăn một con vật kiêng kỵ, bằng cách nhấc bổng trẻ lên, nhưng họ không bao giờ đánh trẻ, trái lại trẻ được cho phép nổi giận và đánh cha mẹ chúng đau nhất có thể.
Có sự khác biệt ở những người làm nông và hình phạt khắc nghiệt nhất thuộc về những người chăn nuôi có gia súc giá trị gặp phải rủi ro khi đứa trẻ chăm sóc gia súc hành xử không đúng. Ở một vài cộng đồng nông nghiệp, việc kỷ luật trẻ còn khá lỏng lẻo và chúng có ít trách nhiệm cũng như ít cơ hội gây thiệt hại đến những tài sản quý giá, cho đến khi chúng đến tuổi dậy thì. Ví dụ, giữa những người ở các Đảo Trobriand gần New Guinea – những người vốn là nông dân nhưng không nuôi gia súc khác ngoài heo – trẻ em không bị đánh cũng như không được kỳ vọng phải vâng lời. Nhà dân tộc học Bronislaw Malinowski viết về người dân các Đảo Trobiand, “Thông thường… tôi hay nghe những em nhỏ được bảo làm điều này điều kia và nói chung điều được bảo, dù là gì đi nữa, được yêu cầu như một sự giúp đỡ, tuy thỉnh thoảng lời yêu cầu có thể được hỗ trợ bởi một lời đe dọa bạo lực. Cha mẹ sẽ vừa dỗ ngọt vừa rầy la hay yêu cầu như giữa hai người ngang hàng với nhau. Một mệnh lệnh đơn giản, có hàm ý kỳ vọng về sự vâng lời tự nhiên, chưa bao giờ được cha mẹ nói với trẻ con người Trobiand… Sau những sai trái trắng trợn của một đứa trẻ, khi tôi khuyên rằng sẽ tốt hơn nếu đứa trẻ bị đánh hoặc nên trừng phạt chúng không thương tiếc, những người bạn Trobiand cho rằng ý tưởng của tôi đi ngược với tự nhiên và vô đạo đức.
Một người bạn tôi đã sống nhiều năm với những người chăn nuôi ở Đông Phi cho biết những trẻ em ở đây hành xử như những kẻ tội phạm nhí cho đến khi chúng trưởng thành và phải sống có trách nhiệm. Sau lễ trưởng thành, những chàng trai bắt đầu chăn những con bò đáng giá, những cô gái bắt đầu chăm em và cả hai đều trở nên có khuôn phép hơn. Với người Tallensi ở Ghana, Tây Phi, không ai do dự khi trừng phạt một đứa trẻ đáng bị phạt, ví dụ với việc đi lang thang khi phải chăn gia súc. Một người đàn ông Tallensi chỉ cho một nhà nhân học người Anh thấy vết sẹo do bị roi đánh lúc còn nhỏ. Một người Tallensi lớn tuổi giải thích, “Nếu bạn không làm đau con cái mình, nó sẽ không thể lớn khôn”.
Sự tự chủ của trẻ con
Cần bao nhiêu tự do và khuyến khích để con trẻ khám phá môi trường xung quanh? Liệu trẻ có nên được cho phép làm những việc nguy hiểm, với kỳ vọng rằng chúng phải học được gì đó từ những sai lầm của mình? Liệu cha mẹ có bảo vệ sự an toàn của con, hạn chế sự khám phá ở trẻ, kéo lũ trẻ ra khỏi khi chúng vừa bắt đầu làm điều có thể nguy hiểm?
Câu trả lời cho câu hỏi này không giống nhau giữa các xã hội. Tuy nhiên, một sự khái quát tương đối là tính tự chủ cá nhân, kể cả của con trẻ, là một quan niệm được tôn trọng ở các nhóm săn bắt – hái lượm hơn là các xã hội nhà nước, nơi nhà nước nghĩ rằng mình quan tâm đến trẻ em, không muốn chúng bị tổn thương khi làm những gì chúng muốn, và cấm cha mẹ để con cái tự làm tổn thương bản thân. Tôi viết những dòng này chỉ vừa sau khi bắt một chiếc xe ở sân bay. Đoạn ghi âm phát cho các hành khách trên chuyến xe trung chuyển từ nơi nhận hành lý sân bay đến chỗ cho chiếc xe thuê đã cảnh báo chúng tôi rằng, “Luật liên bang yêu cầu trẻ em dưới 5 tuổi hoặc nặng dưới 40kg phải được ngồi trên loại ghế đặt trong xe được liên bang chấp thuận.” Những người săn bắt – hái lượm sẽ cho rằng việc cảnh báo không thuộc thẩm quyền của bất kỳ ai ngoại trừ đứa trẻ và có thể là cha mẹ chúng cùng thành viên của thị tộc, nhưng chắc chắn không phải là của một quan chức từ xa. Với rủi ro của việc khái quát hóa thái quá, người ta có thể cho rằng những người săn bắt – hái lượm vô cùng bình đẳng, kể cả với một đứa trẻ. Khi khái quát hóa hay khái quát hóa thái quá hơn nữa, những xã hội quy mô nhỏ có vẻ gần như không bị thuyết phục như chúng ta, những người WEIRD hiện đại, về ý tưởng rằng cha mẹ chịu trách nhiệm cho sự phát triển của con cái và rằng họ có quyền gây ảnh hưởng lên việc đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào.
Chủ đề về tính tự chủ đã được nhấn mạnh bởi những nhà quan sát của các xã hội săn bắt – hái lượm. Ví dụ, trẻ em người Pygmy Aka có quyền tiếp cận với những nguồn tài nguyên như người trưởng thành, trái lại ở Mỹ có nhiều nguồn lực chỉ dành cho người trưởng thành và ngăn cấm trẻ tiếp xúc, như vũ khí, cồn và những vật dễ vỡ. Với người Martu ở sa mạc Tây úc, tội nghiêm trọng nhất chính là áp đặt ý muốn lên trẻ, kể cả nếu đứa trẻ mới chỉ lên ba. Thổ dân da đỏ Piraha lại cho rằng trẻ em cũng là một con người cho nên không cần chiều chuộng hay có sự bảo vệ đặc biệt nào. Theo lời của Daniel Evrett, “Chúng [trẻ em người Piraha] được đối xử công bằng và trợ cấp được phân phối theo kích thước cơ thể và sự yếu ớt về thể chất. Tuy nhiên nhìn chung, chúng không bị xem là khác biệt về chất với người lớn… Người Piraha ngầm hiểu với nhau về thuyết tiến hóa của Darwin xuyên suốt triết lý của tổ tiên họ. Cách nuôi dạy con này đã tạo nên những người trưởng thành rất rắn rỏi và bền bỉ, họ không tin ai đó nợ mình điều gì. Công dân của Piraha biết rằng sự sống còn mỗi ngày phụ thuộc vào các kỹ năng cá nhân và sự can trường… Quan điểm của người Piraha rằng trẻ em là những công dân bình đẳng trong xã hội có nghĩa rằng không có điều cấm kỵ nào áp dụng cho trẻ em mà không được áp dụng cho người lớn và ngược lại… Trẻ phải tự quyết định làm hay không làm những điều mà xã hội kỳ vọng ở chúng. Cuối cùng, chúng sẽ học được rằng lắng nghe cha mẹ một chút là tốt nhất cho chúng.”
Một số xã hội săn bắt – hái lượm và nông nghiệp quy mô nhỏ không can thiệp khi trẻ em hay thậm chí trẻ sơ sinh làm điều gì đó nguy hiểm có thể gây hại cho chúng và có thể khiến cha mẹ phương Tây bị khởi tố hình sự. Tôi từng ngạc nhiên khi biết rằng các vết sẹo bỏng ở nhiều người trưởng thành, thuộc bộ lạc nhận con nuôi Enu ở Cao nguyên New Guinea, có từ giai đoạn sơ sinh, khi một đứa trẻ chơi gần bên ngọn lửa và cha mẹ cho rằng quyền tự chủ của trẻ bao gồm quyền chạm hoặc đến gần ngọn lửa và gánh chịu hậu quả. Trẻ sơ sinh người Hadza được phép cầm và liếm con dao bén. Sau đây là một sự việc mà Daniel Everett quan sát thấy ở những thổ dân da đỏ Piraha: “Chúng tôi chú ý thấy một đứa bé người Piraha khoảng hai tuổi chập chững biết đi đang ngồi trong ngôi lều phía sau người đàn ông chúng tôi đang phỏng vấn. Đứa bé đang chơi với con dao bếp sắc nhọn dài. Nó đang vung vẩy con dao quanh người, thường gần mắt, ngực, tay và các bộ phận cơ thể khác mà người ta không bao giờ muốn bị cắt hoặc bị đâm phải. Dù vậy, điều thật sự làm chúng tôi chú ý là khi cậu bé làm rơi con dao, mẹ của cậu – đang nói chuyện với ai đó – đã thong thả quay trở lại với cậu bé mà không hề gián đoạn cuộc trò chuyện, cầm con dao lên và trao nó lại cho đứa con. Không ai yêu cầu cậu bé không được cắt hoặc làm tổn thương bản thân mình bằng con dao. Và cậu bé đã không làm vậy, nhưng tôi đã chứng kiến những đứa trẻ Piraha khác tự làm tổn thương bản thân một cách nghiêm trọng bằng dao.
Tuy nhiên, không phải mọi xã hội quy mô nhỏ đều cho phép trẻ em tự do khám phá và làm những việc nguy hiểm. Với tôi, những khác biệt về tự do của trẻ phần nào có thể hiểu được sau một vài cân nhắc. Hai trong số đó là những cân nhắc tôi đã trao đổi ở trên để giải thích vì sao hình phạt thể xác ở người chăn nuôi và nông dân lại nhiều hơn ở người săn bắt – hái lượm. Trong khi các nhóm săn bắt – hái lượm có xu hướng theo chủ nghĩa bình đẳng, nhiều xã hội chăn nuôi và trồng trọt công nhận các quyền khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ, giữa người trẻ và người già. Các xã hội săn bắt – hái lượm cũng có xu hướng ít sở hữu tài sản quý giá hơn nên trẻ em có thể gây thiệt hại ít hơn so với ở xã hội chăn nuôi và trồng trọt. Cả hai cân nhắc này đều góp phần giúp cho trẻ em trong xã hội săn bắt – hái lượm có nhiều sự tự do hơn để khám phá.
Thêm vào đó, trẻ được hưởng bao nhiêu không gian tự do có vẻ phụ thuộc phần nào vào mức độ nguy hiểm hay nhận thức về mức nguy hiểm ở môi trường xung quanh. Một vài môi trường tương đối an toàn cho trẻ, nhưng những môi trường khác lại nguy hiểm vì sự đe doạ từ thiên nhiên và hiểm họa từ con người. Hãy xem xét các mức độ môi trường sau đây, từ nguy hiểm nhất đến ít nguy hiểm nhất, tương ứng với các tập tục nuôi dạy trẻ từ việc người lớn hạn chế nghiêm ngặt sự tự do của trẻ cho đến việc cho phép trẻ tự do rong chơi.
Một trong số các môi trường nguy hiểm nhất là vùng rừng mưa nhiệt đới của Tân Thế giới, đầy những côn trùng cắn và chích độc (kiến lửa, ong, bọ cạp, nhện, ong bắp cày), các động vật có vú nguy hiểm (báo đốm, lợn lòi và báo), những loài rắn độc lớn (rắn mũi thương, rắn chúa bụi rậm), các loài cây có gai. Không một đứa trẻ sơ sinh hay một trẻ nhỏ nào bị bỏ một mình trong rừng nhiệt đới Amazon có thể sống sót lâu được. Do đó, Kim Hill và A. Magdalena Hurtado viết: “Trẻ sơ sinh [người Ache] dưới một tuổi trải qua 93% thời gian ban ngày của chúng được tiếp xúc thân thể với cha hoặc mẹ và chúng không bao giờ được đặt xuống đất hoặc bị bỏ một mình lâu hơn vài giây… Chỉ cho đến khi được khoảng 3 tuổi, trẻ con Ache mới bắt đầu có nhiều thời gian rời xa mẹ hơn 1m. Thậm chí khi đó, trẻ con Ache từ ba đến bốn tuổi vẫn ở cách mẹ chưa đến 1m trong khoảng 76% thời gian ban ngày và hầu như luôn được canh chừng.” Do đó, Hill và Hurtado nhận xét, trẻ con Ache không biết cách tự đi cho đến khi chúng được từ 21-23 tháng tuổi, muộn hơn 9 tháng so với trẻ em Mỹ. Trẻ con Ache từ ba đến năm tuổi thường được người lớn cõng theo khi đi trong rừng, thay vì được để cho đi bộ. Chỉ đến khi được năm tuổi, trẻ mới được bắt đầu tự khám phá khu rừng, nhưng dù vậy trong phần lớn thời gian, trẻ con Ache vẫn ở phạm vi 50m quanh một người trưởng thành.
Nguy hiểm, nhưng không bằng rừng nhiệt đới Tân Thế giới, là Sa mạc Kalahari, Bắc Cực và các đầm lầy ở Đồng bằng Okavango. Trẻ em người!Kung chơi đùa theo nhóm do người lớn thỉnh thoảng giám sát và vẫn đảm bảo an toàn; trẻ thường ở trong tầm quan sát hoặc lắng nghe của người lớn ở trại. Ở Bắc Cực, người ta không thể để cho trẻ chạy quanh một cách tự do vì các mối nguy hiểm, tai nạn dẫn đến mất nhiệt hoặc lạnh cóng. Các bé gái ở Đồng bằng Okavango Nam châu Phi được phép bắt cá bằng rổ, nhưng chúng phải đứng gần bờ vì mối đe doạ từ cá sấu, hà mã, voi và trâu. Tuy nhiên, những ví dụ này nên được làm dịu đi bằng cách đề cập đến việc trẻ em người lùn Aka bốn tuổi, dù chúng không tự đi vào rừng nhiệt đới Trung Phi, nhưng lại đi cùng những trẻ mười tuổi bất chấp các nguy hiểm từ báo và voi.
Môi trường ít nguy hiểm, nơi trẻ có thể được tự do hơn, là môi trường của người Hadza ở Đông Phi. Vùng này có báo và những loài săn mồi nguy hiểm khác, cũng như môi trường của người!Kung, nhưng khác ở chỗ là nó có nhiều đồi núi, nên có thể nhìn được từ khoảng cách xa hơn và do đó, cha mẹ từ trại Hadza có thể dõi theo những đứa con đang chơi ở xa hơn so với từ trại!Kung. Rừng nhiệt đới New Guinea cũng khá an toàn: không có những động vật có vú nguy hiểm, có rắn độc nhưng hiếm gặp và mối đe doạ chính đến từ những người khác. Vậy nên tôi thường thấy trẻ em ở New Guinea tự nô đùa, đi lại và bơi xuồng, còn những người bạn New Guinea của tôi cho biết họ cũng từng dành phần lớn thời gian ở trong rừng một mình khi còn nhỏ.
Một trong số các môi trường an toàn nhất là sa mạc úc và rừng Madagascar. Trong thời gian gần đây, các sa mạc úc không phải là nơi ẩn náu của nhiều loại động vật có vú nguy hiểm với con người. Cũng như New Guinea, úc nổi tiếng với các loài rắn độc, nhưng người ta hiếm khi gặp chúng trừ khi họ tìm kiếm chúng. Do đó, trẻ em người Martu ở sa mạc úc thường tự đi tìm thức ăn mà không có sự giám sát của người lớn. Tương tự như vậy, các khu rừng Madagascar không tồn tại các loài săn mồi lớn và có rất ít động thực vật có độc nên trẻ em có thể an toàn tự đi vào rừng theo nhóm để đào khoai.
Các nhóm trẻ đa tuổi
Ở biên giới Mỹ, nơi dân cư thưa thớt, các ngôi trường chỉ có một phòng học là hiện tượng phổ biến. Với quá ít trẻ em sống trong phạm vi di chuyển trong ngày, các trường học chỉ có thể cung cấp một phòng học và một giáo viên và trẻ em ở mọi độ tuổi sẽ được dạy chung trong căn phòng đó. Tuy nhiên, ngày nay, những ngôi trường một phòng học ở Hoa Kỳ chỉ còn là những hồi ức, ngoại trừ ở nông thôn nơi mật độ dân số thấp. Thay vào đó, ở các thành phố và vùng nông thôn có mật độ dân số trung bình, trẻ em có thể học và chơi theo nhóm tuổi. Các lớp học sẽ được phân theo tuổi, các học sinh thường chỉ chênh lệch nhau khoảng một năm tuổi. Trong khi những nhóm hay chơi với nhau trong khu vực láng giềng không quá khắt khe trong việc phân chia theo tuổi, những vùng đông dân ở các xã hội lớn có đủ trẻ con sống gần nhau trong phạm vi đi bộ nên trẻ mười hai tuổi sẽ thường không chơi với trẻ ba tuổi. Quy tắc về các nhóm tuổi áp dụng không chỉ với xã hội hiện đại có chính quyền nhà nước và trường học, mà còn với các xã hội đông dân trước các xã hội nhà nước vì có cùng đặc điểm nhân khẩu học: có nhiều trẻ em tuổi sàn sàn nhau và sống gần nhau. Ví dụ, nhiều tù trưởng quốc châu Phi đã và đang phân chia nhóm tuổi, từ đó trẻ em ở độ tuổi tương đương nhau được học những bài học vỡ lòng và cùng trưởng thành, (ở người Zulu) những chàng trai cùng tuổi sẽ tạo thành các nhóm quân đội.
Tuy nhiên, thực tế nhân khẩu học hình thành nên một kết quả khác ở các xã hội quy mô nhỏ, giống với các ngôi trường một phòng học. Một thị tộc săn bắt – hái lượm điển hình với khoảng ba mươi người sẽ chỉ có trung bình khoảng mười hai trẻ chưa dậy thì, thuộc cả hai giới tính và ở nhiều độ tuổi. Do đó không thể tổ chức cho trẻ chơi theo nhóm tuổi, mỗi nhóm có nhiều trẻ, như đặc trưng của các xã hội lớn. Thay vì vậy, tất cả trẻ em trong thị tộc hình thành một nhóm đa tuổi có cả hai giới tính. Quan sát này đúng với mọi xã hội săn bắt – hái lượm quy mô nhỏ đã được nghiên cứu.
Ở các nhóm đa tuổi, mọi trẻ đều học hỏi được từ nhau. Trẻ nhỏ sẽ học cách làm quen với không chỉ người trưởng thành mà còn với cả trẻ lớn hơn, trong khi trẻ lớn hơn có thể có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ. Kinh nghiệm của trẻ lớn hơn có được góp phần giải thích vì sao người săn bắt – hái lượm có thể tự tin trở thành những bậc cha mẹ khi mới chỉ là vị thành niên. Điều này trái ngược hẳn với xã hội phương Tây. Trái lại, ở xã hội quy mô nhỏ, thiếu niên khi trở thành cha mẹ đã có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc trẻ.
Ví như, khi tôi ở trong một làng New Guinea xa xôi, một cô bé 12 tuổi tên là Morcy được giao nấu ăn cho tôi. Khi tôi quay trở lại làng sau hai năm, tôi được biết Morcy đã lấy chồng và ở tuổi 14, cô bé đang ẵm bồng đứa con đầu tiên của mình. Lúc đầu tôi nghĩ: chắc chắn đã có một sự nhầm lẫn về độ tuổi của cô bé, chắc cô bé phải khoảng 16-17 tuổi? Tuy nhiên, cha của Morcy là người đàn ông giữ quyển sổ ghi chép ngày sinh và mất của cả làng, chính ông đã ghi ngày sinh của Morcy. Sau đó tôi nghĩ: làm thế nào một cô gái 14 tuổi lại có thể trở thành một bà mẹ tốt? Ở Hoa Kỳ, việc cưới chồng ở độ tuổi nhỏ như vậy còn bị cấm. Tuy nhiên, Morcy dường như rất tự tin khi nuôi đứa trẻ, không khác gì những người mẹ lớn tuổi hơn trong làng. Cuối cùng, tôi đã nghiệm ra rằng nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ, cô bé 14 tuổi này còn làm tốt vai trò của một bậc cha mẹ hơn cả khi tôi trở thành cha năm 49 tuổi.
Một hiện tượng khác bị ảnh hưởng bởi các nhóm đa tuổi là quan hệ trước hôn nhân, điều này đã được ghi nhận từ mọi xã hội săn bắt – hái lượm quy mô nhỏ. Hầu hết các xã hội lớn cho rằng một vài hoạt động phù hợp cho con trai, và những hoạt động khác phù hợp cho con gái. Họ khuyến khích con trai và con gái chơi riêng, có đủ trai lẫn gái để tạo ra những nhóm đơn giới tính. Tuy nhiên, điều đó là không thể trong một xã hội chỉ có khoảng một tá trẻ ở mọi độ tuổi. Vì trẻ con ở các xã hội săn bắt – hái lượm ngủ chung với cha mẹ, nên chúng không có sự riêng tư. Chúng còn chứng kiến cha mẹ mình quan hệ tình dục. Ở các đảo Trobiand, Makinowski được kể lại rằng cha mẹ không hề có cảnh báo đặc biệt nào để ngăn con cái không xem họ quan hệ: họ chỉ rầy la đứa trẻ và bảo chúng trùm đầu bằng chiếu. Một khi trẻ đủ lớn để tham gia vào các nhóm vui chơi cùng với các trẻ khác, chúng tạo ra các trò chơi bắt chước nhiều hoạt động khác nhau của người lớn mà chúng thấy, nên tất nhiên chúng có các trò chơi tình dục, bắt chước việc giao cấu. Người lớn không can thiệp vào việc trẻ chơi những trò chơi tình dục, và cha mẹ!Kung cũng không ngăn cản trò chơi này, họ cho rằng thử nghiệm quan hệ tình dục ở trẻ là bình thường và không thể tránh khỏi. Đó là điều mà cha mẹ!Kung đã làm khi họ còn nhỏ, trẻ thường chơi trò tình dục ở những nơi mà cha mẹ chúng không thấy. Nhiều xã hội, như người Siriono, người Piraha và người Cao nguyên phía Đông New Guinea, còn tha thứ cho trò chơi quan hệ tình dục công khai giữa người trưởng thành và trẻ em.
Việc vui chơi và giáo dục của trẻ
Sau đêm đầu tiên ở ngôi làng vùng cao New Guinea, tôi thức dậy và nghe thấy tiếng la hét của các cậu bé trong làng đang chơi ngoài lều của tôi. Thay vì chơi lò cò hay kéo xe trò chơi, chúng chơi đánh trận giả. Mỗi cậu bé có một cái cung nhỏ cùng với một bao đựng tên có cỏ dại bịt đầu chỉ làm đau nhưng không gây thương tích. Những đứa trẻ được phân làm hai nhóm và bắn cung vào nhau, một cậu bé của mỗi nhóm tiến đến gần “kẻ thù” trước khi bắn, nhưng cậu ta sẽ lượn lách để tránh bị bắn và sẽ nhanh chóng chạy về để lấy một mũi tên mới. Đó là một sự bắt chước như thật các trận chiến ở vùng cao, ngoại trừ việc các mũi tên không gây chết người, người tham chiến là các cậu bé thay vì đàn ông và chúng cùng thuộc về một làng, vừa đánh vừa cười đùa.
“Trò chơi” này – giới thiệu với tôi cuộc sống ở vùng Cao nguyên New Guinea – là điển hình cho những trò chơi được cho là mang tính giáo dục của trẻ em trên thế giới. Hầu hết những trò chơi của trẻ con là sự bắt chước từ các hoạt động của người lớn mà trẻ thấy hoặc nghe từ những câu chuyện người lớn kể. Ngoài việc giải trí, những trò chơi này giúp trẻ thực hành những việc mà sau này chúng sẽ làm khi lớn lên. Ví dụ, sống với người Dani ở vùng Cao nguyên New Guinea, nhà nhân học Karl Heider quan sát thấy các trò chơi mang tính giáo dục của trẻ em mô phỏng theo mọi thứ đang diễn ra trong thế giới của người Dani trưởng thành, ngoại trừ những nghi lễ đặc biệt chỉ dành cho người lớn. Các trò chơi của người Dani phỏng theo cuộc sống người trưởng thành bao gồm đánh trận với giáo mác làm từ cỏ, dùng giáo mác hay gậy để “giết các đội quân” bằng quả mọng và lăn qua lăn lại như thật để bắt chước các chiến binh tiến và rút quân; tập nhắm mục tiêu vào các đám rêu và bầy kiến; săn chim cho vui; xây dựng các lều và vườn giả với hào; lê lết xung quanh một bông hoa được gắn vào sợi dây như thể nó là con lợn, và gọi nó bằng tiếng Dani có nghĩa là “lợn-lợn”; tụ tập vào ban đêm xung quanh ngọn lửa, để xem một cây gậy đang cháy ngã xuống và giả vờ như người mà cây cậy chỉ tới sẽ trở thành người anh rể tương lai.
Trong khi những trò chơi của con trẻ và cuộc sống của người trưởng thành ở vùng Cao nguyên New Guinea xoay quanh chiến tranh và lợn, cuộc sống của người Nuer trưởng thành ở Sudan lại xoay quanh vật nuôi. Do đó, trò chơi của trẻ em người Nuer cũng tập trung quanh các vật nuôi: trẻ dựng lên các chuồng từ cát, tro và bùn, rồi bỏ vào trong chuồng các hình thù vật nuôi làm từ bùn, sau đó, chúng sẽ dùng để chơi chăn thả gia súc. Với những người Mailu sống ở bờ biển New Guinea và dùng thuyền buồm đánh bắt cá, trò chơi của trẻ bao gồm lái thuyền đồ chơi, sử dụng lưới đồ chơi và giáo mác để bắt cá đồ chơi. Trẻ em người Yanamamo ở Brazil và Venezuela lại khám phá các động thực vật của rừng nhiệt đới Amazon nơi mà trẻ sống. Nhờ đó, chúng trở thành những nhà tự nhiên học uyên thâm từ khi còn nhỏ.
Ở những thổ dân da đỏ Siriono của Bolivia, một bé trai sơ sinh khoảng ba tháng tuổi đã nhận được một cung tên nhỏ với mũi tên từ cha của mình mặc dù phải vài năm nữa cậu bé mới có thể sử dụng nó. Khi cậu bé được ba tuổi, cậu bắt đầu tập bắn vào những mục tiêu cố định rồi sau đó là côn trùng, chim chóc và lúc lên tám cậu bé bắt đầu theo cha mình trong những chuyến đi săn và lúc 12 tuổi, cậu đã trở thành một thợ săn hoàn thiện. Lúc ba tuổi, bé gái người Siriono bắt đầu chơi với những con suốt, con quay nhỏ, làm rổ, giỏ và giúp mẹ việc nhà. Cung và tên của con trai, con suốt của con gái là những đồ chơi duy nhất của người Siriono. Người Siriono không có những trò chơi tổ chức giống như những trò chơi đuổi bắt và trốn tìm của chúng ta, ngoại trừ trò chơi đấu vật ở con trai.
Trái với mọi “trò chơi mang tính giáo dục” bắt chước hành động người lớn và chuẩn bị cho trẻ em trưởng thành đã nêu trên, có những trò chơi Dani khác mà Karl Heider cho là không có tính giáo dục, theo đó các trò chơi này không huấn luyện trẻ thực hành các phiên bản quy mô nhỏ các hoạt động của người lớn. Các trò chơi này gồm chế tạo đồ vật từ dây thừng, tạo ra các mẫu thiết kế bằng cỏ, nhảy lộn nhào xuống đồi và dẫn một con bọ tê giác bằng dây bện từ cỏ móc vào trong cái lỗ được đục trên sừng con bọ. Đây là những ví dụ được xem là “văn hóa trẻ em”: trẻ học cách hòa nhập với các trẻ khác, chơi các trò chơi không liên quan đến việc trở thành người lớn. Tuy nhiên, lằn ranh giữa các trò chơi giáo dục và phi giáo dục có thể không rõ ràng. Ví dụ, trò chơi với những đồ vật từ dây thừng của người Dani bao gồm việc tạo thành hai vòng dây biểu trưng cho một người đàn ông và một người phụ nữ gặp nhau và “giao cấu”, trong khi việc dẫn một con bọ tê giác bằng dây có thể được xem là thực tập cho việc dắt lợn bằng dây sau này.
Một đặc điểm thường thấy nhất của các trò chơi ở những xã hội săn bắt – hái lượm và những xã hội chăn nuôi và trồng trọt với quy mô nhỏ là chúng thiếu tính cạnh tranh hay các cuộc thi. Trong khi rất nhiều những trò chơi ở Mỹ luôn có điểm số để phân định thắng bại, các trò chơi của người săn bắt – hái lượm hiếm khi tính điểm số hay xác định người thắng cuộc. Thay vì vậy, trò chơi của các xã hội quy mô nhỏ thường liên quan đến việc chia sẻ, nhằm chuẩn bị cho trẻ về cuộc sống trưởng thành vốn chú trọng việc chia sẻ và không khuyến khích thi đua. Một ví dụ là trò chơi cắt và chia trái chuối mà Jane Goodale miêu tả ở người Kaulong ở New Britain.
Xã hội Mỹ hiện đại khác với xã hội truyền thống về số lượng, nguồn gốc và chức năng của các đồ chơi. Các nhà sản xuất đồ chơi ở Mỹ thúc đẩy mạnh quảng cáo về các đồ chơi mang tính giáo dục nhằm phát triển các trò chơi được gọi là sáng tạo. Cha mẹ Mỹ được dạy để tin rằng các đồ chơi được mua từ cửa hàng rất quan trọng đối với sự phát triển của con trẻ. Ngược lại, xã hội truyền thống có rất ít hoặc gần như không có đồ chơi và bất kỳ đồ chơi nào từng tồn tại đều được tạo ra bởi chính đứa trẻ hoặc cha mẹ của chúng. Một người bạn Mỹ từng trải qua thời thơ ấu ở vùng nông thông Kenya kể cho tôi biết một vài người bạn Kenya của anh ấy đã sử dụng gậy, dây thừng để tạo ra những chiếc xe hơi riêng với bánh và trục xe. Một hôm, anh ấy và một người bạn Kenya đã cố gắng bắt một cặp bọ cánh cứng Goliath đẩy chiếc xe ngựa đồ chơi mà họ đã làm. Hai cậu bé khi đó dành cả một buổi chiều nhưng dù nỗ lực hàng giờ, chúng cũng không thể làm cho cả 2 con bọ cùng phối hợp để đẩy xe. Khi trở lại Mỹ trong tuổi niên thiếu và nhìn thấy trẻ em Mỹ chơi với những đồ chơi nhựa được làm sẵn từ cửa hàng, bạn tôi cho rằng trẻ em Mỹ không sáng tạo bằng trẻ em Kenya.
Các xã hội nhà nước hiện đại có một hoạt động giáo dục chính thống: các trường học và các lớp học thêm, ở đó các giáo viên được đào tạo đặc biệt sẽ dạy cho trẻ em những tài liệu do ban giám hiệu quy định, như một hoạt động tách biệt với việc vui chơi. Tuy nhiên, giáo dục ở các xã hội quy mô nhỏ không phải là một hoạt động riêng biệt. Thay vì vậy, trẻ em học hỏi trong quá trình đi với cha mẹ và những người lớn khác, nghe những câu chuyện được người lớn và các anh chị lớn kể quanh lửa trại. Ví dụ, Burit Bird-David viết như sau về người Nayaka ở nam Ấn Độ: “Vào thời điểm mà ở các xã hội hiện đại trẻ con bắt đầu đi học, thường khi lên 6, trẻ em Nayaka đã tự đi săn trong những cuộc săn nhỏ, thăm và ở với các gia đình khác, không chịu sự giám sát của cha mẹ ruột dù không hẳn là không có sự giám sát của những người trưởng thành… Hơn nữa, việc dạy dỗ được thực hiện theo một cách rất nhẹ nhàng. Không hề có một sự hướng dẫn chính thức cũng như ghi nhớ nào, không lớp học, không bài kiểm tra, không có những địa điểm văn hóa [trường học] nơi hàng núi kiến thức, được tóm tắt và được truyền từ người này sang người khác. Kiến thức không tách rời khỏi cuộc sống xã hội.”
Một ví dụ khác là ở những người lùn Pygmy Mbuti ở châu Phi do Colun Turnbull nghiên cứu, trẻ bắt chước cha mẹ bằng cách chơi với cung và mũi tên nhỏ, một sợi dây thừng từ lưới đi săn và một cái rổ nhỏ, bằng cách dựng những ngôi nhà mô phỏng nhỏ, bắt ếch nhái và đuổi theo người ông/bà trong bộ lạc đã đồng ý giả làm linh dương chơi cùng với chúng. “Đối với trẻ em, cuộc sống là chuỗi vui sướng kéo dài xen kẽ những trận đòn lành mạnh, mang tính giáo dục… Rồi một ngày, chúng nhận ra những trò chơi của chúng không còn là trò chơi nữa, mà đã trở thành sự thật, vì chúng đã trưởng thành. Săn bắt giờ đây trở thành cuộc săn thật sự; việc trèo cây trở thành cuộc tìm kiếm nguồn mật ong khó tiếp cận; đu dây di chuyển được lặp lại hầu như hằng ngày, dưới những dạng khác nhau, để theo đuổi một cuộc chơi khó, hay để tránh trâu rừng hung hăng. Nó diễn ra chậm đến mức chúng không nhận ra sự thay đổi ở giai đoạn đầu, vì kể cả khi chúng tự hào và là những thợ săn nổi tiếng, cuộc sống của chúng vẫn đầy ắp niềm vui, tiếng cười.”
Trái với ở các xã hội quy mô nhỏ, giáo dục diễn ra tự nhiên theo cuộc sống xã hội, ở các xã hội hiện đại thậm chí ngay cả những điều căn bản của cuộc sống cũng cần được giáo dục rõ ràng. Ví dụ, ở nhiều phần của các thành phố hiện đại nước Mỹ, rất nhiều người không biết mặt hàng xóm của mình và nơi đó mật độ xe hơi dày đặc, những kẻ bắt cóc trẻ em lẩn khuất, cùng việc thiếu các lối đi bộ khiến trẻ em không thể đi bộ an toàn để chơi với những đứa trẻ khác, trẻ em phải được dạy dỗ một cách chính thức về cách chơi với những trẻ khác trong các lớp học với tên gọi “lớp học mẹ và bé”. Ở đó, người mẹ hoặc người chăm sóc sẽ đem trẻ tới lớp học với một giáo viên và khoảng một tá các trẻ em cùng các người mẹ khác. Trẻ sẽ ngồi trong ở vòng tròn bên trong còn người mẹ và những người chăm sóc sẽ ngồi ở vòng ngoài để học kinh nghiệm cho con chơi, rồi trẻ được dạy để lần lượt phát biểu, lắng nghe và chuyền các đồ vật tới lui cho các trẻ khác. Có rất nhiều những đặc điểm của xã hội Mỹ hiện đại mà những người bạn New Guinea của tôi cho là kỳ dị nhưng việc khiến họ ngạc nhiên nhất là chuyện trẻ em Mỹ cần những địa điểm, thời gian và hướng dẫn cụ thể để học cách gặp gỡ và chơi đùa với nhau.
Con cái của họ và con cái của chúng ta
Cuối cùng, hãy cùng nhìn lại những sự khác biệt về các cách nuôi dạy con giữa các xã hội quy mô nhỏ và xã hội nhà nước. Tất nhiên, sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các xã hội nhà nước công nghiệp hiện đại. Những quan niệm và tập tục nuôi dạy con là khác nhau giữa Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản và các khu định cư ở Israel. Trong bất kỳ xã hội nào ở các xã hội nhà nước, luôn có sự khác biệt giữa nông dân, người nghèo thành thị với tầng lớp trung lưu. Cũng có những sự khác biệt giữa thế hệ này với thế hệ khác ở cùng một xã hội nhà nước: những cách nuôi dạy con ở Hoa Kỳ hiện nay gần như khác với các cách thức phổ biến trong những năm 1930.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm tương đồng căn bản giữa các xã hội nhà nước, những khác biệt căn bản giữa các xã hội nhà nước và các xã hội phi nhà nước. Chính quyền nhà nước có những lợi ích riêng của họ về trẻ em và những lợi ích đó không nhất thiết phải trùng khớp với lợi ích của cha mẹ trẻ. Các xã hội phi nhà nước cũng có lợi ích riêng của họ nhưng các lợi ích của xã hội nhà nước rõ ràng hơn và được quản lý bởi bộ máy lãnh đạo từ trên xuống tập trung hơn cũng như được hỗ trợ bởi các quyền thực thi rõ ràng. Mọi nhà nước đều muốn trẻ em và những người đã trưởng thành, sẽ là những công dân, người lính hay công nhân có ích và biết tuân thủ. Các nhà nước thường phản đối việc công dân tương lai bị giết khi mới sinh, hoặc để bị bỏng khi chơi với lửa. Nhà nước cũng có quan điểm về giáo dục cho công dân tương lai và về nguyên tắc quan hệ tình dục cho công dân của họ. Các mục tiêu chung đó giữa các nhà nước đã khuyến khích sự hội tụ của các nhà nước về chính sách cho trẻ em; các tập tục nuôi dạy trẻ ở các xã hội phi nhà nước lại thay đổi ở một phạm vi rộng hơn so với các cách thức nuôi dạy ở những xã hội nhà nước. Trong số các xã hội phi nhà nước, các xã hội săn bắt – hái lượm phải chịu các áp lực hội tụ của riêng họ: họ có cùng một số điểm tương đồng về cách nuôi dạy trẻ, nhưng nếu xét trên bình diện là một nhóm thì họ khác với nhóm các nhà nước.
Các nhà nước có những thuận lợi về mặt quân đội, công nghệ và có dân số lớn hơn rất nhiều so với xã hội săn bắt – hái lượm. Xuyên suốt một ngàn năm gần đây, những thuận lợi đó đã tạo điều kiện cho nhà nước chiến thắng các nhóm săn bắt – hái lượm, do đó, bản đồ thế giới hiện đại bị phân chia hoàn toàn giữa các nhà nước, rất ít nhóm săn bắt – hái lượm tồn tại. Tuy nhiên, dù nhà nước hùng mạnh hơn các nhóm săn bắt – hái lượm rất nhiều, điều đó không có nghĩa rằng nhà nước có cách nuôi dạy con tốt hơn. Một số tập tục nuôi dạy con của các nhóm săn bắt – hái lượm có thể là những điều chúng ta nên học hỏi.
Tất nhiên, tôi không nói rằng chúng ta nên noi theo mọi cách nuôi dạy con của người săn bắt – hái lượm. Tôi không khuyến khích việc chúng ta quay lại với tập tục lựa chọn trẻ sơ sinh để giết, tình trạng rủi ro tử vong cao lúc sinh và để cho trẻ chơi với những thứ nguy hiểm như dao hay lửa. Một vài đặc điểm khác ở thời thơ ấu của trẻ ở những thị tộc săn bắt – hái lượm, như việc cho phép trẻ chơi các trò quan hệ tình dục, khiến nhiều người trong chúng ta không đồng tình, mặc dù rất khó để xác định nó có tác hại ra sao với trẻ. Tuy nhiên vẫn có những tập tục được một số công dân ở các xã hội nhà nước lựa chọn, lại khiến những người khác cảm thấy khó chịu – như việc cho trẻ sơ sinh ngủ trong cùng một phòng hoặc cùng giường với cha mẹ, cho trẻ bú đến khi 3-4 tuổi và tránh các hình phạt về thể xác với trẻ.
Tuy nhiên, có một vài cách nuôi dạy con khác của người săn bắt – hái lượm sẽ dễ dàng tương thích với các xã hội nhà nước hiện đại. Di chuyển trẻ sơ sinh thẳng đứng và hướng về phía trước hoàn toàn khả thi với chúng ta, hơn là đặt nằm ngang trong xe đẩy hoặc để trẻ thẳng đứng trong túi nhưng lại hướng về phía sau. Chúng ta có thể phản hồi một cách nhanh chóng và nhất quán đối với việc trẻ khóc và tạo ra sự tiếp xúc cơ thể nhiều hơn giữa trẻ với người chăm sóc. Chúng ta cũng có thể khuyến khích việc tự sáng tạo ra các trò chơi của trẻ, thay vì ngăn cản chúng bằng cách thường xuyên mua những đồ chơi phức tạp được cho là mang tính giáo dục. Chúng ta có thể sắp xếp các nhóm vui chơi đa tuổi, thay vì những nhóm vui chơi đồng lứa tuổi. Chúng ta có thể phát huy tối đa sự tự do khám phá của trẻ, miễn là chúng khám phá một cách an toàn.
Tôi tự thấy bản thân đã suy nghĩ rất nhiều về những người New Guinea – những người mà tôi đã làm việc cùng trong suốt 49 năm qua – và về những nhận xét của người phương Tây từng sống nhiều năm ở các xã hội săn bắt – hái lượm và từng quan sát sự phát triển của trẻ em nơi đó. Một đề tài lặp đi lặp lại giữa những người bạn đó và tôi là sự an toàn về mặt cảm xúc, sự tự tin, óc tò mò và sự tự chủ của các thành viên trong các xã hội quy mô nhỏ, không chỉ ở người trưởng thành mà còn ở trẻ em. Chúng ta thấy rằng con người sống trong các xã hội quy mô nhỏ dành thời gian nói chuyện với nhau nhiều hơn chúng ta và họ không hề dành thời gian cho những thú vui giải trí thụ động được người ngoài cung cấp như tivi, video game và sách. Chúng ta đã rất ấn tượng bởi sự phát triển thuần thục về các kỹ năng xã hội của trẻ từ sớm. Đây là những điều chúng tôi khâm phục và muốn nhìn thấy ở chính con cái của mình, nhưng chúng ta không khuyến khích việc phát triển các phẩm chất đó bằng cách xếp hạng, chấm điểm trẻ và liên tục bảo chúng phải làm gì. Những khủng hoảng danh tính ở tuổi dậy thì lan truyền như bệnh dịch ở thanh thiếu niên Mỹ lại không phải là vấn đề đối với trẻ em trong xã hội săn bắt – hái lượm. Người phương Tây từng sống với người săn bắt – hái lượm cũng như các xã hội nhỏ khác đều cho rằng những phẩm chất đáng khâm phục này được phát triển nhờ cách trẻ được nuôi dưỡng: với sự an toàn và khuyến khích thường xuyên nhờ vào giai đoạn cho bú dài hạn, việc ngủ cạnh cha mẹ trong một vài năm, những người chăm sóc khác cha mẹ giúp trẻ kết nối với xã hội, sự tiếp xúc và gần gũi thường xuyên của những người chăm sóc, việc phản hồi ngay lập tức của người chăm sóc khi trẻ khóc cũng như việc ít trừng phạt trẻ bằng các hình phạt thể xác.
Tuy nhiên, những ấn tượng của chúng ta về sự an toàn, tự chủ và kỹ năng xã hội tốt hơn của người trưởng thành ở các xã hội quy mô nhỏ cũng chỉ là những ấn tượng: chúng rất khó để đo lường và chứng minh. Cho dù những ấn tượng này là thật, cũng rất khó để có thể kết luận đó là nhờ giai đoạn cho con bú dài, việc chăm sóc trẻ của những người chăm sóc khác cha mẹ và những việc khác. Tuy nhiên ít nhất thì người ta cũng có thể nói rằng các cách thức chăm sóc con cái của xã hội người săn bắt – hái lượm dường như rất xa lạ đối với chúng ta nhưng chúng không phải là thảm họa và họ không tạo ra các xã hội với chỉ toàn những người bất thường. Thay vì vậy, họ tạo ra những cá nhân có khả năng đương đầu với thử thách và nguy hiểm to lớn mà vẫn có thể tận hưởng cuộc sống. Cách sống của người săn bắt – hái lượm ít nhất cũng đã tồn tại tốt trong gần 100.000 năm lịch sử loài người hiện đại. Mọi giống người đều là người săn bắt – hái lượm cho đến khi nông nghiệp bắt đầu hình thành cách đây khoảng 11.000 năm và không một ai trên thế giới này sống trong chính quyền nhà nước cho đến 5.400 năm trước đây. Các bài học có được từ những thử nghiệm nuôi dạy trẻ tồn tại trong một thời gian dài như vậy đáng được xem xét một cách nghiêm túc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.