Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

CHƯƠNG 10: NÓI NHIỀU THỨ TIẾNG



Đa ngôn ngữ.
– Tổng số ngôn ngữ trên thế giới.
– Ngôn ngữ tiến hóa như thế nào?
– Địa lý về đa dạng ngôn ngữ.
– Sự đa dạng của ngôn ngữ truyền thống.
– Lợi ích của song ngữ. Bệnh Alzheimer.
– Sự biến mất của ngôn ngữ.
– Ngôn ngữ biến mất như thế nào?
– Ngôn ngữ thiểu số có hại không?
– Tại sao phải bảo tồn ngôn ngữ?
– Làm thế nào để bảo vệ ngôn ngữ?
Đa ngôn ngữ
Một buổi tối, khi tôi đã ở cả tuần tại một khu trại trong rừng cùng 20 người Cao nguyên New Guinea, cuộc trò chuyện xung quanh đống lửa diễn ra cùng lúc với nhiều ngôn ngữ địa phương khác nhau và với hai loại ngôn ngữ chung là Tok Pisin và Motu, một việc thường thấy khi một nhóm người New Guinea từ các bộ lạc khác nhau vô tình tụ tập lại. Tôi đã quen dần với việc gặp phải một ngôn ngữ mới cứ mỗi 15 đến 30km trên đường khi tôi đi bộ hoặc lái xe qua vùng Cao nguyên New Guinea. Tôi vừa đến từ các vùng đất thấp, nơi mà một người New Guinea kể với tôi rằng có 5 ngôn ngữ địa phương khác nhau chỉ trong vòng vài ki-lô-mét quanh làng của anh và anh đã học cả 5 thứ tiếng này khi còn là một đứa trẻ bằng cách chơi với những đứa trẻ khác, sau đó, anh còn học thêm 3 ngôn ngữ nữa khi bắt đầu đến trường. Vì tò mò, trong tối hôm đó, tôi đã đi xung quanh đống lửa và yêu cầu mỗi người ở đó kể tên các ngôn ngữ mà anh ta có thể “nói” được, tức là biết đủ để trò chuyện bằng thứ tiếng đó.
Trong số 20 người New Guinea, họ nói được tối thiểu 5 ngôn ngữ. Nhiều người còn nói được 8-12 loại, và nhiều nhất là một người có thể sử dụng 15 thứ tiếng. Ngoại trừ tiếng Anh mà người New Guinea thường được học ở trường qua sách vở, tất cả mọi người đều học được các ngôn ngữ khác qua giao tiếp xã hội mà không cần đến sách vở. Những ngôn ngữ trong buổi nói chuyện tối hôm đó đều là những ngôn ngữ khác nhau, chứ không chỉ là tiếng địa phương. Một số phát âm như tiếng Hoa, một số không có âm sắc và chúng thuộc những họ ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.
Trái lại ở Mỹ, hầu hết người Mỹ bản địa đều chỉ nói một thứ tiếng. Những người châu âu có học thức cao thường biết hai hoặc ba ngôn ngữ, đôi khi nhiều hơn, nhờ học các ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của họ ở trường. Sự tương phản về tính ngôn ngữ của những người New Guinea và những người Mỹ hay châu âu hiện đại minh họa cho sự khác biệt phổ biến về ngôn ngữ được sử dụng trong xã hội quy mô nhỏ và trong xã hội nhà nước hiện đại – sự khác biệt này sẽ càng tăng lên trong những thập kỷ tới. Trong quá khứ của chúng ta, cũng như trong xã hội hiện nay của người New Guinea, mỗi ngôn ngữ có ít người sử dụng hơn so với các ngôn ngữ của nhà nước hiện đại, có thể phần lớn dân số vẫn sử dụng đơn ngữ; và ngôn ngữ thứ hai được học từ xã hội thời thơ ấu nhiều hơn là được học chính quy trong trường lớp sau này.
Đáng buồn thay, ngôn ngữ đang biến mất nhanh chóng hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây trong lịch sử nhân loại. Nếu xu hướng này tiếp tục, 95% số lượng các ngôn ngữ được truyền lại cho chúng ta từ hàng chục ngàn năm lịch sử của loài người hiện đại sẽ tuyệt diệt hoặc suy tàn vào năm 2100. Phân nửa số ngôn ngữ của chúng ta chắc chắn sẽ biến mất vào lúc đó, phần lớn của nửa còn lại sẽ trở thành những ngôn ngữ đang chết dần chỉ được sử dụng bởi những người lớn tuổi và chỉ có một số lượng ngôn ngữ rất nhỏ còn “sống” được truyền từ cha mẹ đến con cái. Ngôn ngữ đang biến mất rất nhanh chóng (khoảng cứ sau 9 ngày, một ngôn ngữ sẽ bị biến mất) và có quá ít những nhà ngôn ngữ học tiếp tục nghiên cứu chúng, thậm chí ta còn không có đủ thời gian để mô tả và ghi âm lại hầu hết ngôn ngữ trước khi chúng biến mất. Những nhà ngôn ngữ học phải đối mặt với cuộc chạy đua với thời gian tương tự như các nhà sinh học hiện nay khi nhận ra rằng hầu hết các loài thực vật và động vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và biến mất trước cả khi họ kịp mô tả chúng. Chúng ta ít chú ý đến sự biến mất của ngôn ngữ và vai trò quan trọng của chúng trong sự tồn tại của những nền văn hóa bản địa. Mỗi ngôn ngữ là phương tiện tư duy và đối thoại độc nhất của một nền văn hóa, là một nền văn học đặc trưng và là cái nhìn độc đáo về thế giới. Do đó, việc đe dọa đổ ụp xuống đầu chúng ta ngày nay là bi kịch sắp xảy ra về sự mất mát của hầu hết các di sản văn hóa, liên quan tới sự tàn lụi của đa phần các ngôn ngữ của chúng ta.
Tại sao ngôn ngữ lại biến mất với tốc độ kinh hoàng như vậy? Liệu nó có thực sự quan trọng không? Sự đa ngôn ngữ trong hiện tại là tốt hay xấu đối với thế giới được xem như một tổng thể và đối với các xã hội truyền thống vẫn nói thứ tiếng bản địa đang đứng trước nguy cơ biến mất? Nhiều người trong số các bạn đọc có thể không đồng ý với tôi, về việc ngôn ngữ biến mất là một bi kịch. Có lẽ bạn nghĩ rằng sự đa ngôn ngữ dẫn đến chiến tranh và cản trở giáo dục, rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có ít ngôn ngữ hơn; sự đa dạng ngôn ngữ là một trong những thuộc tính của thế giới ngày hôm qua, chúng ta nên vui mừng khi vứt bỏ được nó – như những cuộc chiến giữa các bộ lạc, nạn giết trẻ sơ sinh, việc bỏ rơi người già và phổ biến hơn là nạn đói.
Chắc chắn, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, công sức để học một ngôn ngữ và để sử dụng nó thành thạo; liệu có tốt hơn không nếu chúng ta dành tất cả thời gian và công sức đó để học những kỹ năng rõ ràng là hữu ích hơn? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở câu hỏi về giá trị của tính đa ngôn ngữ truyền thống, đối với cả xã hội lẫn cá nhân, sẽ hấp dẫn độc giả như nó đã hấp dẫn tôi. Liệu chương sách này có thuyết phục được bạn nuôi dạy con mình thành người nói song ngữ, hay nó chỉ càng thuyết phục bạn tin rằng tốt hơn hết, cả thế giới nên nhanh chóng chuyển sang nói tiếng Anh?
Tổng số ngôn ngữ trên thế giới
Trước khi chúng tôi nói đến những câu hỏi lớn, hãy bắt đầu với những vấn đề căn bản, mở đầu bằng việc có bao nhiêu ngôn ngữ vẫn còn tồn tại ngày nay, chúng phát triển như thế nào và chúng được sử dụng ở đâu trên thế giới. Số lượng được biết của các ngôn ngữ khác nhau vẫn còn được sử dụng hay được sử dụng gần đây trong thế giới hiện đại là khoảng 7.000. Con số khổng lồ này có thể khiến nhiều độc giả phải sửng sốt, bởi hầu hết chúng ta chỉ có thể kể tên vài chục ngôn ngữ và phần lớn các ngôn ngữ đều xa lạ với chúng ta. Hầu hết các ngôn ngữ đều không có dạng chữ viết, chỉ được nói bởi một nhóm người, và tách biệt khỏi thế giới công nghiệp. Ví dụ, toàn bộ khu vực châu âu ở phía tây nước Nga có dưới 100 ngôn ngữ bản địa, nhưng châu Phi lục địa và tiểu lục địa Ấn Độ có hơn 1.000 ngôn ngữ bản địa, các nước châu Phi như Nigeria, Cameroon có lần lượt 527 và 286 thứ tiếng, đảo quốc Thái Bình Dương nhỏ bé Vanuatu (có diện tích dưới 5.000 dặm vuông) có đến 110 ngôn ngữ. Nơi có sự đa dạng ngôn ngữ cao nhất thế giới là đảo New Guinea, với khoảng 1.000 ngôn ngữ và các họ ngôn ngữ không rõ số lượng cụ thể nhưng chắc chắn rất nhiều ngôn ngữ tập trung dày đặc tại một khu vực chỉ nhỉnh hơn bang Texas một chút.
Trong số 7.000 ngôn ngữ, có 9 “ngôn ngữ lớn”, mỗi loại đều là ngôn ngữ chính của hơn 100 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số trên thế giới. Tiếng Hoa phổ thông, ngôn ngữ chính của ít nhất 700 triệu người Trung Quốc, chiếm ngôi vị đầu bảng, lần lượt theo sau là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Hindi, tiếng Bengali, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga và tiếng Nhật. Nếu linh động hơn trong định nghĩa về “ngôn ngữ lớn” để chỉ 70 ngôn ngữ dẫn đầu, chúng ta có thể bao quát được toàn bộ các ngôn ngữ chính của gần 80% dân số trên thế giới.
Nhưng phần lớn ngôn ngữ trên thế giới đều là ngôn ngữ “nhỏ”, rất ít người sử dụng. Nếu chúng ta chia 7 tỷ người trên thế giới cho 7.000 ngôn ngữ, thì phải có trung bình 1 triệu người sử dụng trên mỗi ngôn ngữ. Song, con số trung bình này bị thay đổi bởi có hơn 100 triệu người chỉ sử dụng 9 “ngôn ngữ lớn”, nên một vài ngôn ngữ sẽ có nhiều người sử dụng hơn, một số khác có ít người sử dụng hơn (có dưới vài ngàn người sử dụng và rất nhiều trong số đó chỉ có 60 đến 200 người sử dụng).
Tuy nhiên, việc thảo luận về số lượng ngôn ngữ và số lượng người sử dụng mỗi ngôn ngữ buộc chúng ta phải quay lại với câu hỏi mà tôi đã dự đoán khi mô tả buổi thăm dò về ngôn ngữ của những người New Guinea quanh lửa trại từ đầu chương này. Làm sao để phân biệt giữa các ngôn ngữ riêng biệt và những biến thể địa phương của cùng một ngôn ngữ? Sự khác biệt giữa ngôn ngữ nói của những quần thể láng giềng được phân loại cụ thể; những người láng giềng có thể hiểu hoàn toàn, hoặc 92%, hoặc 75%, hoặc 42% hay không hiểu gì cả những điều một người khác đang nói. Điểm phân cách giữa ngôn ngữ và tiếng địa phương thường được thống nhất ở mức 70% thấu hiểu lẫn nhau: nếu quần thể láng giềng nói thứ tiếng khác nhưng có thể hiểu được hơn 70% những gì người khác nói, thì (theo định nghĩa trên) họ được xem là sử dụng những biến thể tiếng địa phương khác nhau của cùng một ngôn ngữ, nhưng nếu họ hiểu dưới 70% thì họ được xem là nói những ngôn ngữ khác nhau.
Ngay cả định nghĩa đơn giản, chuyên biệt, hoàn toàn theo ngôn ngữ học về tiếng địa phương và ngôn ngữ cũng có thể trở thành mơ hồ khi chúng ta áp dụng nó vào thực tiễn. Một khó khăn trong thực tế là các chuỗi tiếng địa phương: trong một chuỗi các làng lân cận ABCDEFGH, mỗi làng có thể hiểu tiếng của hai làng lân cận, nhưng làng A và H có thể sẽ không hiểu được nhau. Một khó khăn khác là sự thấu hiểu qua lại không đối xứng của một số cặp cộng đồng: A có thể hiểu hầu hết những gì B nói, nhưng B gặp khó khăn khi hiểu A.
Đây là hai loại vấn đề trong việc phân biệt tiếng địa phương và ngôn ngữ chỉ dựa trên cơ sở ngôn ngữ học. Một vấn đề lớn hơn là các ngôn ngữ được định nghĩa là tách biệt không chỉ dựa trên sự khác biệt về ngôn ngữ học, mà còn do sự khác biệt về chính trị và dân tộc. Ví dụ, tiếng Tây Ban Nha và tiếng ý có thể không vượt qua được ranh giới 70% để được xem là hai ngôn ngữ khác nhau mà chỉ là các biến thể tiếng địa phương: những bạn bè người Tây Ban Nha và ý của tôi cho biết họ có thể hiểu được hầu hết những gì người kia nói, đặc biệt là sau khi luyện tập một chút. Song, bất kể một nhà ngôn ngữ học ủng hộ ranh giới 70% này nói gì đi nữa, bản thân người Tây Ban Nha, người ý và tất cả mọi người sẽ không ngần ngại tuyên bố rằng Tây Ban Nha và ý là hai ngôn ngữ khác nhau – vì họ đã có bộ máy chính trị và quân đội riêng, cùng với sự phân biệt rõ ràng về chính phủ và hệ thống giáo dục trong hơn 1.000 năm.
Ngược lại, nhiều ngôn ngữ châu âu đã phân hóa mạnh mẽ theo từng khu vực mà chính phủ cương quyết chỉ xem chúng là những tiếng địa phương khác nhau, dù người dân ở những vùng khác nhau hoàn toàn không thể hiểu được nhau. Tuy vậy, chính phủ các quốc gia này kiên quyết không cho phép các khu vực có ngôn ngữ khác nhau có quân đội riêng, vì vậy các tiếng nói khác nhau đều được gọi là tiếng địa phương và việc đề cập đến tiêu chí phân loại theo sự thấu hiểu lẫn nhau là một điều bất khả.
Những khác biệt theo khu vực của các nước châu âu thậm chí còn rõ ràng hơn trong 60 năm trước, trước khi truyền hình và sự di cư trong nước bắt đầu phá vỡ những khác biệt “phương ngữ” lâu đời. Ví dụ, lần đầu tiên đến Anh vào năm 1950, cha mẹ dẫn tôi và em gái Susan của tôi đến thăm gia đình một người bạn tên là Grantham-Hills sống trong một thị trấn nhỏ của Beccles ở phía Đông Anglia. Trong khi cha mẹ tôi và bạn bè của họ nói chuyện, tôi và em gái ra ngoài đi bộ xung quanh trung tâm thành phố cổ quyến rũ. Vì không chú ý, chúng tôi đã bị lạc, nên phải hỏi đường một người đàn ông trên phố. Người đàn ông rõ ràng không thể hiểu tiếng Mỹ của chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi đã nói rất chậm rãi và rõ ràng (chúng tôi nghĩ vậy). Tuy vậy, ông vẫn nhận ra chúng tôi bị lạc và đã chỉ đường cho chúng tôi. Song, cả Susan và tôi đều không thể hiểu nổi dù chỉ một từ. Nhưng thật may, ông đã chỉ tay về đúng hướng và cuối cùng chúng tôi cũng về được nhà an toàn. Những loại tiếng địa phương cổ của Beccles và các quận khác ở Anh đã trải qua quá trình đồng nhất và thay đổi theo tiếng Anh, khi truyền hình trở nên phổ biến hơn ở Anh trong những thập kỷ gần đây.
Nếu tuân theo một cách khắt khe định nghĩa phân chia ngôn ngữ dựa trên 70% sự thấu hiểu – phương pháp bắt buộc ở New Guinea khi không bộ lạc nào có quân đội riêng của mình – thì nhiều “tiếng địa phương” ở ý sẽ được xếp vào loại ngôn ngữ riêng. Ngay cả khi tuân theo quy tắc này, khoảng cách giữa ý và New Guinea về sự đa dạng ngôn ngữ sẽ được thu hẹp tuy không nhiều. Nếu số lượng người sử dụng trung bình của mỗi “tiếng địa phương” ở ý là 4.000 người – bằng với số người trung bình sử dụng một loại ngôn ngữ ở New Guinea, thì ý sẽ có đến 10.000 ngôn ngữ. Vì vậy, chúng ta có thể thực sự khẳng định rằng New Guinea có sự đa dạng ngôn ngữ vượt xa ý.
Ngôn ngữ tiến hóa như thế nào?
Thế giới làm thế nào để có đến 7.000 ngôn ngữ, thay vì tất cả mọi người đều nói cùng một thứ tiếng? Chắc chắn đã phải có nhiều cơ hội từ hàng chục ngàn năm trước khi ngôn ngữ lây lan qua Internet và Facebook để sự khác biệt ngôn ngữ biến mất, vì hầu hết các dân tộc truyền thống đều tiếp xúc với các dân tộc láng giềng bằng cách cưới xin hay giao thương và từ đó, họ có thể trao đổi từ ngữ, ý tưởng và hành vi. Một điều gì đó đã gây ra sự đa dạng hóa ngôn ngữ, duy trì sự phân tách này ngay cả trong quá khứ và trong điều kiện truyền thống bất chấp mọi tiếp xúc và trao đổi.
Bất kỳ ai trong chúng ta trên 40 tuổi đều có thể nhận thấy rằng ngôn ngữ thay đổi thậm chí chỉ trong một vài thập kỷ, với một số từ không còn được sử dụng, các từ mới được đặt ra và cách phát âm cũng thay đổi. Ví dụ, bất cứ khi nào tôi trở lại Đức, nơi tôi từng sống vào năm 1961, những người trẻ ở Đức luôn phải giải thích cho tôi một số từ mới trong tiếng Đức (ví dụ, từ mới Händi để chỉ điện thoại di động không tồn tại hồi năm 1961), và tôi thì vẫn còn sử dụng những từ Đức cổ không còn được sử dụng kể từ năm đó (ví dụ, jener/jene để chỉ “cái đó/những cái đó”). Nhưng dĩ nhiên người trẻ ở Đức và tôi vẫn có thể hiểu nhau. Tương tự như vậy, những độc giả Mỹ ở độ tuổi dưới 40 có thể không còn hiểu được một số từ tiếng Anh phổ biến trước đây như “ballyhoo” (“lời phỉnh gạt”), thay vào đó, bạn thường xuyên sử dụng hàng ngày động từ “Google” và dạng tiếp diễn của nó “Googling” (“tìm kiếm bằng Google”) – chúng không hề tồn tại trong thời thơ ấu của tôi.
Sau một vài thế kỷ phát triển độc lập trong hai cộng đồng bị ngăn cách về địa lý bắt nguồn từ một cộng đồng duy nhất ban đầu, tiếng địa phương của mỗi cộng đồng này sẽ trở nên khó hiểu đối với cộng đồng còn lại: ví dụ, sự khác biệt tương đối giữa tiếng Anh-Mỹ và tiếng Anh-Anh, sự khác biệt lớn hơn giữa tiếng Pháp-Québec và tiếng Pháp-Pháp; sự khác biệt mạnh mẽ giữa tiếng Afrikaans và tiếng Hà Lan. Sau 2.000 năm phân tách, tiếng địa phương của những cộng đồng này đã trở nên quá khác nhau để có thể hiểu được, mặc dù đối với những nhà ngôn ngữ chúng rõ ràng vẫn có liên quan, chẳng hạn như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Rumani có nguồn gốc từ tiếng La-tinh, hoặc tiếng Anh, tiếng Đức và các ngôn ngữ thuộc họ Đức khác có nguồn gốc từ tiếng Đức nguyên thủy. Cuối cùng, sau khoảng 10.000 năm, sự khác biệt này lớn đến mức các nhà ngôn ngữ sẽ xác định chúng là các ngôn ngữ không có liên quan.
Vì vậy, ngôn ngữ phát triển khác nhau bởi những nhóm người khác nhau độc lập phát triển các từ khác nhau và các cách phát âm khác nhau theo thời gian. Nhưng một câu hỏi khác vẫn còn bỏ ngỏ là tại sao những nhóm tiếng bị phân tách này không hợp nhất lại một lần nữa khi những người trước đây bị chia cắt và phân tán có thể nối lại liên lạc với nhau ở khu vực ranh giới ngôn ngữ. Ví dụ, ở biên giới hiện đại giữa Đức và Ba Lan, có những làng Ba Lan và Đức rất gần nhau, nhưng dân làng vẫn sử dụng tiếng địa phương Đức hoặc Ba Lan, thay vì một thứ tiếng hỗn hợp Đức-Ba Lan. Có lẽ bất lợi chính của việc sử dụng một thứ tiếng hỗn hợp có liên quan đến chức năng cơ bản của ngôn ngữ loài người: ngay khi bạn bắt đầu nói chuyện với người khác, ngôn ngữ lập tức trở thành phù hiệu để xác nhận danh tính của bạn. Các điệp viên trong chiến tranh dễ dàng mặc đồng phục của quân thù nhưng khó lòng bắt chước ngôn ngữ và cách phát âm của đối phương một cách thuyết phục. Những người nói ngôn ngữ của bạn là nhân dân của bạn: họ sẽ xem bạn là một người đồng hương và sẽ hỗ trợ bạn hoặc ít nhất là không lập tức nghi ngờ bạn, trong khi một người nói một thứ tiếng khác sẽ bị xem ngay là một mối nguy hiểm. Sự phân biệt kiểu này thậm chí vẫn tồn tại ngày nay. Việc nói thứ tiếng của ít nhất một cộng đồng nào đó là rất quan trọng, vì bạn cần một nhóm nào đó coi bạn là “người của chúng ta”. Nếu bạn sử dụng một thứ ngôn ngữ hỗn tạp ở khu vực ranh giới của ngôn ngữ, cả hai phe có thể hiểu được phần lớn những gì bạn nói, nhưng không nhóm nào xem bạn là cùng phe và bạn không thể trông chờ việc một nhóm sẽ chào đón hay bảo vệ bạn. Đó có thể là lý do các cộng đồng nói những thứ tiếng khác nhau trên thế giới có xu hướng giữ nguyên hàng ngàn ngôn ngữ riêng biệt, thay vì hợp nhất thành một ngôn ngữ chung trên toàn thế giới hoặc hình thành một chuỗi tiếng địa phương.
Đa dạng ngôn ngữ về mặt địa lý
Ngôn ngữ được phân bố không đều trên thế giới: khoảng 10% diện tích thế giới chứa một nửa số ngôn ngữ. Ví dụ, ba quốc gia lớn nhất thế giới là Nga, Canada và Trung Quốc, mỗi nước có diện tích hàng triệu dặm vuông – nhưng lần lượt chỉ có khoảng 100, 80 và 300 ngôn ngữ bản địa. Song, New Guinea và Vanuatu, với diện tích tương ứng chỉ khoảng 300.000 và 4.700 dặm vuông, lại có đến 1.000 và 110 ngôn ngữ bản địa. Điều đó có nghĩa là mỗi ngôn ngữ được sử dụng trên một diện tích trung bình khoảng ở Nga (66.000 dặm vuông), Canada ( 49.000 dặm vuông) và Trung Quốc (12.000 dặm vuông); nhưng chỉ trên 300 và 42 dặm vuông đối với New Guinea và Vanuatu.
Các nhà ngôn ngữ học nhận ra các yếu tố sinh thái, kinh tế xã hội và lịch sử góp phần vào câu trả lời. Sự đa dạng ngôn ngữ – nghĩa là, số lượng ngôn ngữ bản địa trên mỗi diện tích 1.000 dặm vuông – có tương quan với rất nhiều yếu tố có tiềm năng giải thích, nhưng những yếu tố này lại lần lượt tương quan lẫn nhau. Do đó, người ta phải dùng đến những phương pháp thống kê, như phép phân tích quy hồi, để tìm ra yếu tố nào có ảnh hưởng chính đến sự đa dạng ngôn ngữ cao hay thấp và những yếu tố nào chỉ có tác dụng gián tiếp thông qua mối tương quan của nó với các yếu tố chính. Ví dụ, có một mối tương quan thuận giữa việc sở hữu xe Rolls-Royce và tuổi thọ: những người sở hữu xe Rolls-Royce có tuổi thọ trung bình lớn hơn những người không sở hữu xe Rolls-Royces. Việc sở hữu xe Rolls-Royce không trực tiếp cải thiện khả năng sống còn của con người, nhưng vì người sở hữu xe Rolls-Royce thường có rất nhiều tiền, cho phép họ chi trả cho những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đó mới chính là nguyên nhân thực sự giúp kéo dài tuổi thọ của họ. Tuy nhiên, khi nói đến tương quan của sự đa dạng ngôn ngữ, người ta vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân căn bản trên thực tế.
Bốn mối tương quan sinh thái gần nhất với sự đa dạng ngôn ngữ là vĩ độ, biến đổi khí hậu, năng suất sinh học và đa dạng sinh thái địa phương. Đầu tiên, sự đa dạng ngôn ngữ giảm dần từ xích đạo về phía hai cực: khi cho các yếu tố khác là như nhau, thì những khu vực nhiệt đới có số lượng ngôn ngữ nhiều hơn so với những khu vực có diện tích tương đương ở các vĩ độ cao hơn. Thứ hai, tại cùng một vĩ độ, sự đa dạng ngôn ngữ giảm theo sự biến đổi khí hậu, cho dù là biến đổi theo mùa thường xuyên quanh năm hay những biến đổi không thể đoán trước giữa các năm. Ví dụ, đa dạng ngôn ngữ cao hơn ở khu vực rừng mưa nhiệt đới có khí hậu ẩm ướt quanh năm so với những khu vực thảo nguyên nhiệt đới có khí hậu thay đổi theo mùa (Yếu tố thời tiết theo mùa có thể ảnh hưởng một phần thông qua mối tương quan giữa vĩ độ và thời tiết, dẫn đến sự đa dạng ngôn ngữ cao hơn ở vùng nhiệt đới thời tiết ít thay đổi theo mùa so với những vùng ở vĩ độ cao có thời tiết thay đổi mạnh mẽ). Thứ ba, sự đa dạng ngôn ngữ có xu hướng tăng cao ở những môi trường màu mỡ hơn (ví dụ, rừng nhiệt đới cao hơn sa mạc), mặc dù hiện tượng này một lần nữa cũng có thể một phần do ảnh hưởng của xu hướng khí hậu thay đổi lớn theo mùa ở sa mạc và những môi trường khô cằn. Cuối cùng, sự đa dạng ngôn ngữ cao hơn trong vùng sinh thái đa dạng và đặc biệt có xu hướng cao hơn ở khu vực miền núi gồ ghề hơn là vùng đồng bằng.
Bốn quan hệ sinh thái này chỉ là những mối tương quan, mà không phải lời giải thích. Những giải thích cơ bản còn liên quan đến quy mô dân số, tính cơ động và các chiến lược kinh tế. Đầu tiên, khả năng tồn tại của một cộng đồng nói cùng thứ tiếng gia tăng theo số dân: một ngôn ngữ chỉ được sử dụng bởi 50 người có nhiều khả năng biến mất hơn khi những người nói ngôn ngữ đó chết dần hoặc từ bỏ ngôn ngữ của mình, khi so với một ngôn ngữ được nói bởi 5.000 người. Do đó, khu vực có hiệu suất sinh học thấp hơn (có khả năng nuôi sống được ít người hơn) thường có ít ngôn ngữ hơn và diện tích cần thiết cho cộng đồng của mỗi ngôn ngữ thường lớn hơn. Một cộng đồng sống sót được ở Bắc Cực hoặc sa mạc cần hàng chục ngàn dặm vuông để tồn tại, trong khi chỉ cần vài trăm dặm vuông là đủ ở những vùng đất trù phú. Thứ hai, môi trường càng ít thay đổi giữa các mùa trong năm và giữa các năm, thì khả năng tự cung tự cấp và tính ổn định của một cộng đồng càng cao trong một khu vực nhỏ, không cần phải di chuyển định kỳ hoặc giao thương trao đổi nhu yếu phẩm với các dân tộc khác. Cuối cùng, một khu vực sinh thái đa dạng có thể hỗ trợ nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau, mỗi cộng đồng có nền kinh tế sinh tồn đặc trưng riêng thích nghi với những hệ sinh thái địa phương khác nhau: ví dụ, vùng cao nguyên có thể hỗ trợ những người chăn nuôi miền núi, nông dân trồng trọt trên đồi, ngư dân đánh bắt trên sông ở những vùng đất thấp, những người chăn nuôi gia súc trên thảo nguyên ở những độ cao khác nhau và môi trường khác nhau.
Vì vậy, các yếu tố sinh thái đã đưa ra cho chúng ta nhiều lý do tại sao một đất nước nhỏ bé như New Guinea lại có nhiều ngôn ngữ hơn gấp 5-10 lần so với các quốc gia rộng lớn như Nga, Canada hoặc Trung Quốc. New Guinea nằm lọt trong một vài vĩ độ quanh xích đạo, nên chỉ có một sự thay đổi nhỏ về khí hậu. Đất đai của New Guinea thường ẩm ướt, màu mỡ và có năng suất cao. Người New Guinea hầu như không di chuyển từ mùa này sang mùa khác hoặc từ năm này sang năm khác; vì họ có thể tự đáp ứng mọi nhu cầu sống của mình trong một khu vực nhỏ; và không cần phải trao đổi gì ngoại trừ muối, đá để làm công cụ, những mặt hàng xa xỉ như vỏ sò, lông vũ. New Guinea có địa hình gồ ghề và hệ sinh thái đa dạng, từ những ngọn núi cao tới 5.000m, sông, hồ, bờ biển, thảo nguyên, đến những cánh rừng. Ai đó có thể phản đối rằng Trung Quốc và Canada có nhiều dãy núi cao hơn và có phạm vi cao độ lớn hơn New Guinea. Nhưng nhờ vào vị trí nhiệt đới của mình, New Guinea có thể sống quanh năm và trồng trọt với mật độ cao lên cho đến độ cao 3.000m, trong khi những vùng cao ở Trung Quốc và Canada thường bị đóng băng vào mùa đông và chỉ có thể nuôi sống một lượng dân số rất thấp (như ở Tây Tạng) hoặc thậm chí không có người ở.
Ngoài những yếu tố sinh thái, còn có các yếu tố kinh tế xã hội và lịch sử góp phần vào sự khác biệt về tính đa dạng ngôn ngữ trên toàn thế giới. Một trong những yếu tố đó là cộng đồng săn bắt – hái lượm thường có ít người hơn nhưng chiếm giữ các khu vực lớn hơn so với cộng đồng của những người trồng trọt. Ví dụ, thổ dân úc truyền thống đều kiếm sống bằng cách săn bắt – hái lượm chiếm giữ trung bình 12.000 dặm vuông trên mỗi ngôn ngữ, trong khi nước láng giềng New Guinea gồm chủ yếu là nông dân chỉ chiếm 300 dặm vuông trên mỗi ngôn ngữ. Ở Indonesia New Guinea, tôi đã làm việc ở những khu vực gồm cả nông dân (ở cao nguyên trung tâm) và những người săn bắt – hái lượm (ở Lakes Plains), với khoảng hai mươi ngôn ngữ của mỗi cách sống. Trung bình mỗi ngôn ngữ của nhóm săn bắt – hái lượm có 388 người sử dụng, trong khi trung bình mỗi ngôn ngữ của nhóm nông dân có đến 18.241 người. Lý do chính cho việc các cộng đồng săn bắt – hái lượm nói cùng một thứ tiếng thường khá nhỏ là vì khan hiếm lương thực dẫn đến mật độ dân số thấp. Trong cùng một môi trường, mật độ dân số của những nhóm săn bắt – hái lượm thấp hơn những nhóm nông dân từ 10 đến 100 lần, bởi thực phẩm cho những nhóm săn bắt – hái lượm là rất ít, chỉ một phần rất nhỏ của các loài thực vật hoang dã là có thể ăn được, so với lương thực sẵn có của những người nông dân có khả năng cải tạo môi trường xung quanh thành ruộng vườn để trồng cây ăn được.
Một yếu tố kinh tế xã hội thứ hai liên quan đến sự đa dạng ngôn ngữ là các tổ chức chính trị: sự đa dạng ngôn ngữ giảm xuống, các cộng đồng ngôn ngữ gia tăng về mặt dân số và diện tích khu vực cùng với sự gia tăng của tính phức tạp chính trị từ bộ lạc cho đến nhà nước. Ví dụ, Hoa Kỳ ngày nay là một nhà nước lớn với một ngôn ngữ duy nhất phổ biến từ bờ biển này đến bờ biển kia, có dân số gấp 30 lần dân số trên toàn thế giới vào thời điểm thế giới vẫn còn hoàn toàn là những bộ lạc săn bắt – hái lượm với hàng ngàn ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính của Mỹ là tiếng Anh đã thay thế hàng trăm ngôn ngữ địa phương khác được sử dụng ở những vùng – mà bây giờ chỉ còn là một phần lãnh thổ của nước Mỹ – cách đây năm thế kỷ khi nó còn bị chia cắt thành nhiều bộ lạc của người Mỹ bản địa. Ẩn sau xu hướng này là một thực tế, đã thảo luận trong Phần mở đầu, rằng sự gia tăng tính phức tạp chính trị đã trở nên cần thiết khi một xã hội tăng trưởng về dân số – vì một xã hội chỉ gồm vài chục người có thể đưa ra quyết định trong một cuộc họp nhóm mà không cần có người lãnh đạo, nhưng một xã hội của hàng triệu người đòi hỏi phải có những người lãnh đạo và các quan chức để có thể hoạt động được. Nhà nước mở rộng ngôn ngữ của mình bằng cách tiêu diệt ngôn ngữ của những cộng đồng bị chinh phục và hợp nhất. Việc mở rộng ngôn ngữ một phần là do các chính sách nhà nước nhằm mục đích quản lý, hợp nhất đất nước; đồng thời một phần là do sự tự phát của từng công dân chấp nhận ngôn ngữ quốc gia để giành được các cơ hội kinh tế và xã hội cho bản thân.
Yếu tố còn lại là một yếu tố lịch sử mà một trong những kết quả của nó vừa được nhắc đến – sự suy giảm về tính đa dạng của ngôn ngữ đi kèm với sự gia tăng về tính phức tạp của chính trị. Các khu vực trên thế giới đã liên tục bị càn quét bởi những “cỗ máy ủi ngôn ngữ”, trong đó một nhóm có lợi thế về dân số, nguồn thực phẩm, hoặc công nghệ biết khai thác những lợi thế đó để mở rộng bằng cách tiêu diệt các nhóm lân cận, áp đặt ngôn ngữ riêng của mình lên toàn khu vực và thay thế các ngôn ngữ địa phương trước đây bằng cách khai trừ hoặc giết chết những người sử dụng hoặc ép buộc họ chuyển sang ngôn ngữ của kẻ xâm lược. Các cỗ máy ủi quen thuộc nhất có liên quan đến sự mở rộng của những cường quốc đàn áp những nhóm không có nhà nước. Những ví dụ gần đây nhất phải kể đến sự mở rộng của người châu âu tiêu diệt các ngôn ngữ bản địa của châu Mỹ, Anh chinh phục úc và thay thế các thứ tiếng của thổ dân úc; sự mở rộng của Nga từ dãy núi Ural tới Thái Bình Dương thay thế những ngôn ngữ Siberia bản địa. Trong quá khứ, cũng có những tài liệu ghi nhận lại các cỗ máy nhà nước tương tự trong lịch sử. Sự mở rộng của đế chế La Mã trên khu vực Địa Trung Hải và hầu hết các nước Tây âu đã làm biến mất tiếng Etruscan, Celtic đại lục và nhiều ngôn ngữ khác. Việc mở rộng của đế chế Inca và những đế chế trước đó cũng dẫn đến sự diệt vong tương tự của các ngôn ngữ Quechua, Aymara vùng núi Andes.
ít quen thuộc hơn với những người không nghiên cứu ngôn ngữ là những cỗ máy ủi được các nông dân vận hành trên khu vực trước kia là của các dân tộc săn bắt – hái lượm, chỉ để lại những bằng chứng về ngôn ngữ và khảo cổ học không có bằng chứng lịch sử. Trường hợp được biết đến nhiều nhất là sự phát triển của nông dân Bantu và Austronesia, thay thế phần lớn các ngôn ngữ từng có của những dân tộc săn bắt – hái lượm ở khu vực châu Phi cận xích đạo và quần đảo Đông Nam á. Cũng có những dân tộc săn bắt – hái lượm “xóa nhòa” những dân tộc săn bắt – hái lượm khác nhờ cải tiến công nghệ: ví dụ, sự tiến hóa của người Inuit 1.000 năm trước về phía đông qua khu vực Canada ở Cực Bắc, nhờ những lợi thế về công nghệ như xe trượt tuyết chó kéo và thuyền kayak.
Một hệ quả của sự bành trướng trong lịch sử là việc một số khu vực trên thế giới có ít rào chắn địa lý bị đàn áp về ngôn ngữ nhiều lần. Kết quả tức thời là tính đa dạng ngôn ngữ rất thấp, bởi ngôn ngữ xâm lược sẽ quét sạch toàn bộ sự đa dạng ngôn ngữ trước đó. Theo thời gian, ngôn ngữ xâm lược biến chuyển thành các tiếng địa phương và sau đó thành những ngôn ngữ riêng biệt, nhưng tất cả vẫn có liên quan mật thiết với nhau. Giai đoạn đầu của quá trình này được minh họa bằng sự mở rộng của người Inuit 1.000 năm trước; tất cả người Inuit ở phía đông từ Alaska đến Greenland vẫn nói những tiếng địa phương của cùng một ngôn ngữ duy nhất. Sự bành trướng của La Mã và Bantu vào khoảng 2.000 năm trước đại diện cho giai đoạn sau: các ngôn ngữ gốc ý khác nhau (chẳng hạn như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Rumani) rất giống nhau nhưng không còn hiểu được nhau nữa, cũng như hàng trăm ngôn ngữ Bantu khác có liên quan với nhau. Ở giai đoạn sau đó, sự mở rộng của người Austronesian bắt đầu khoảng 6.000 năm trước đã tạo ra cả ngàn ngôn ngữ thuộc 8 nhánh, nhưng sự tương đồng vẫn còn đủ để chứng minh mối quan hệ giữa chúng.
Tương phản với những khu vực dễ bị đàn áp ngôn ngữ mà Johanna Nichols gọi là “vùng ngôn ngữ lây lan” là những khu vực mà cô đặt tên là “vùng dư ra” hay vùng bảo tồn: miền núi và những vùng khó bị các quốc gia và người ngoài xâm lấn, nơi ngôn ngữ tồn tại và phát triển phân tách trong một thời gian dài và nhờ đó mà những nhóm ngôn ngữ đặc trưng có thể sống sót. Những ví dụ nổi tiếng nhất là dãy núi Caucasus có ba nhóm ngôn ngữ đặc trưng và một số ngôn ngữ xâm lấn gần đây thuộc về ba nhóm ngôn ngữ phổ biến khác; miền Bắc nước úc chứa đến 27 nhóm ngôn ngữ của 26 nhóm thổ dân úc; khu da đỏ ở California có khoảng 80 ngôn ngữ khác nhau được phân thành khoảng 6 đến 22 nhóm ngôn ngữ; và tất nhiên phải nhắc đến New Guinea với hơn 1.000 ngôn ngữ riêng được phân loại vào hàng chục nhóm.
Vì thế có nhiều lý do giải thích tại sao New Guinea dẫn đầu thế giới về số lượng ngôn ngữ và số nhóm ngôn ngữ. Bên cạnh các yếu tố sinh thái đã đề cập trước đây – ít biến đổi theo mùa, dân số “tĩnh”, môi trường màu mỡ có thể nuôi sống mật độ dân số cao và hệ sinh thái cực đa dạng cho phép nhiều cộng đồng cùng tồn tại với những chiến lược sống khác nhau, chúng ta giờ đây còn có một số yếu tố kinh tế-xã hội và lịch sử. Những yếu tố đó bao gồm cả thực tế rằng xã hội truyền thống New Guinea không bao giờ phát triển chính quyền nhà nước, vì vậy không xuất hiện “cỗ máy ủi” của nhà nước nhằm đồng nhất các ngôn ngữ đa dạng; và do địa hình đồi núi bị chia cắt nhiều ở New Guinea, sự đồng hóa xảy ra do sự lấn chiếm của nền nông nghiệp trên cao nguyên (có liên quan đến họ ngôn ngữ Trans-New Guinea) vẫn không thể xóa nhòa được hàng chục nhóm ngôn ngữ cũ của New Guinea.
Sự đa dạng ngôn ngữ truyền thống
Đó là những lý do giải thích tại sao thế giới hiện đại kế thừa hơn 7.000 thứ tiếng từ thế giới truyền thống của ngày hôm qua, tại sao các cộng đồng săn bắt – hái lượm và nông dân có quy mô nói cùng một thứ tiếng không có chính quyền nhà nước có dân số ít hơn xã hội nhà nước hiện đại. Còn tính song ngữ và đa ngữ thì sao? Những xã hội truyền thống có tính song ngữ nhiều hơn, ít hơn, hay bằng các xã hội nhà nước hiện đại?
Sự khác biệt giữa song ngữ (hoặc đa ngữ) và đơn ngữ còn khó xác định và chủ quan hơn sự khác biệt giữa ngôn ngữ và tiếng địa phương. Bạn có nên xem mình là người song ngữ chỉ khi bạn có thể nói thông thạo một ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ không? Bạn có nên tính cả những ngôn ngữ mà bạn chưa nói lưu loát lắm? Còn những ngôn ngữ mà bạn có thể đọc nhưng không thể nói thì sao − ví dụ, tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp cổ đối với những người học chúng ở trường? Còn những ngôn ngữ mà bạn không thể nói, nhưng có thể hiểu khi nghe những người khác nói? Trẻ em sinh ra ở Mỹ có cha mẹ là người nhập cư thường có thể hiểu được nhưng không thể nói được ngôn ngữ của cha mẹ và người New Guinea thường phân biệt rõ giữa ngôn ngữ mà họ có thể nói và hiểu, ngôn ngữ mà họ chỉ có thể “nghe”, nhưng không nói được. Một phần do thiếu thống nhất trên quan điểm về song ngữ, chúng ta đã không có được dữ liệu so sánh về tần suất song ngữ trên thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải giơ tay đầu hàng và bỏ qua chủ đề này, bởi vẫn còn nhiều thông tin khác về song ngữ. Hầu hết người Mỹ bản địa có cha mẹ nói tiếng Anh sẽ nghiễm nhiên trở thành đơn ngữ vì những lý do rõ ràng: tại Mỹ có rất ít nhu cầu, đặc biệt đối với người Mỹ là rất ít cơ hội, để giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai; hầu hết người nhập cư sang Mỹ đều học tiếng Anh; và thông thường người Mỹ nói tiếng Anh sẽ kết hôn với người nói tiếng Anh. Các nước châu âu chỉ có một quốc ngữ chính thức và hầu hết người châu âu sinh ra có cha mẹ là người bản địa chỉ học quốc ngữ từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, do các nước châu âu đều có diện tích nhỏ và (ngày càng) ít có khả năng tự lập về kinh tế, chính trị, văn hóa hơn so với Mỹ, vì vậy những công dân châu âu hiện nay phải học thêm một ngôn ngữ khác trong trường và thường có thể nói trôi chảy. Nhân viên bán hàng trong nhiều cửa hàng bách hóa ở Scandinavia mang trên áo các huy hiệu là những lá cờ của các nước khác nhau mà họ có thể nói được ngôn ngữ của nước đó để hỗ trợ khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, sự đa ngôn ngữ phổ biến ở châu âu này là một hiện tượng gần đây nhờ sự phổ cập giáo dục cao hơn, sau hội nhập kinh tế, chính trị sau Thế chiến thứ II và sự lan truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng của tiếng Anh. Trước đây, đơn ngữ rất phổ biến ở các quốc gia châu âu, cũng như trong các xã hội nhà nước khác. Lý do rất rõ ràng: cộng đồng nhà nước nói cùng một thứ tiếng thường rất lớn, gồm hàng triệu người; xã hội nhà nước ủng hộ việc ngôn ngữ chính của nhà nước phải được sử dụng trong chính phủ, giáo dục, thương mại, quân đội và giải trí; (như tôi sẽ thảo luận dưới đây) các quốc gia đều chủ ý hoặc không chủ ý truyền bá ngôn ngữ của họ bằng cách tiêu diệt các ngôn ngữ khác.
Ngược lại, hiện tượng đa ngôn ngữ rất phổ biến hoặc thường xuyên xảy ra trong những xã hội truyền thống có quy mô nhỏ và không có chính quyền nhà nước. Lý do, một lần nữa, cũng rất dễ thấy. Chúng tôi đã thấy rằng các cộng đồng ngôn ngữ truyền thống thường nhỏ (một vài ngàn người hoặc ít hơn) và chiếm đóng những diện tích nhỏ. Các cộng đồng ngay sát bên lại thường nói các ngôn ngữ tách biệt nhau. Con người thường xuyên gặp gỡ và liên lạc với những người nói các ngôn ngữ khác. Để giao thương, đàm phán liên minh cũng như để tiếp cận với các nguồn tài nguyên, và (đối với nhiều người truyền thống) thậm chí để cưới xin và để giao tiếp với vợ/chồng đòi hỏi một người phải nói được đa ngữ. Ngôn ngữ thứ hai hoặc nhiều hơn thường được học trong thời thơ ấu và trong gia đình hay xã hội, mà không thông qua giáo dục chính thức. Theo kinh nghiệm của tôi, việc thành thạo năm hoặc nhiều ngôn ngữ hơn là một nguyên tắc bất thành văn trong xã hội truyền thống New Guinea. Bên cạnh những nhận xét về New Guinea, tôi sẽ bổ sung những thông tin ngắn gọn về hai châu lục: vùng thổ dân úc và vùng nhiệt đới Nam Mỹ.
Vùng thổ dân úc có khoảng 250 nhóm ngôn ngữ khác nhau, tất cả đều kiếm sống bằng cách săn bắt – hái lượm, với trung bình khoảng một ngàn người trên mỗi ngôn ngữ. Tất cả các báo cáo đáng tin nhất đều ghi nhận những thổ dân truyền thống ít nhất nói được hai thứ tiếng, và thường đều biết nhiều ngôn ngữ hơn. Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà nhân chủng học PeterSutton ở khu vực Cape Keerweer bán đảo Cape York Peninsula, nơi có dân số địa phương gồm 683 người được chia thành 21 dòng họ, mỗi gia tộc đều có những biến thể ngôn ngữ khác nhau và trung bình có 33 người trong mỗi gia tộc. Những thứ tiếng này được chia thành năm ngôn ngữ khác nhau cộng với khoảng 7 loại tiếng địa phương, do đó, dân số trung bình của mỗi biến thể là khoảng 53 người hoặc 140 người trên mỗi ngôn ngữ. Các thổ dân truyền thống ở đây nói hoặc hiểu ít nhất 5 thứ ngôn ngữ hoặc phương ngữ khác nhau. Một phần vì cộng đồng rất nhỏ, và một phần do xu hướng ngoại hôn theo ngôn ngữ (Kết hôn với một người nói tiếng khác với ngôn ngữ chính của mình), 60% hôn nhân xảy ra giữa những người nói tiếng khác nhau, 16% giữa những người nói tiếng địa phương khác nhau nhưng cùng thuộc một ngôn ngữ, và chỉ có 24% là nói cùng một tiếng địa phương. Điều này không tính đến thực tế là những gia tộc láng giềng thường có ngôn ngữ tương tự nhau, do đó sự lân cận thường dẫn đến hôn nhân trong cùng một tiếng địa phương nếu xu hướng trên không dẫn đến việc tìm kiếm đối tượng có phân cách về địa lý và ngôn ngữ xa hơn.
Bởi nhiều nhóm xã hội ở Cape Keerweer gồm những người có thể nói nhiều ngôn ngữ, các cuộc đối thoại thường là đa ngôn ngữ. Theo phong tục của họ, một cuộc trò chuyện thường bắt đầu bằng ngôn ngữ hoặc tiếng địa phương của người bạn đang trò chuyện cùng, hoặc (nếu bạn là khách) bằng ngôn ngữ của chủ trại. Sau đó, bạn có thể chuyển ngược lại ngôn ngữ của mình trong khi người kia có thể trả lời bằng ngôn ngữ của họ, hoặc lần lượt dùng ngôn ngữ của những người bạn đối thoại cùng, và sự lựa chọn ngôn ngữ này có thể chỉ ra người mà bạn đang nói chuyện với vào lúc đó. Bạn cũng có thể chuyển đổi ngôn ngữ phụ thuộc vào thông điệp ngầm mà bạn muốn truyền tải: ví dụ, sự lựa chọn ngôn ngữ như thế này có nghĩa là “Bạn và tôi không cãi nhau,” một cách khác lại có nghĩa là “Bạn và tôi có xích mích nhưng tôi muốn giảng hòa,” hay “Tôi là một người tốt và cư xử đúng mực”, và cách khách thậm chí có nghĩa là “Tôi sẽ xúc phạm bạn bằng cách nói chuyện một cách thiếu tôn trọng bạn.” Có vẻ như sự đa ngôn ngữ này là điều thường thấy trong xã hội săn bắt – hái lượm trong quá khứ, và vẫn còn xảy ra ngày nay trong những khu vực truyền thống ở New Guinea vì những lý do cơ bản giống nhau: cộng đồng nhỏ, chế độ ngoại hôn theo ngôn ngữ và gặp gỡ và trò chuyện hàng ngày với những người nói ngôn ngữ khác.
Những nghiên cứu khác của Arthur Sorensen và Jean Jackson được tiến hành ở khu vực sông Vaupés trên biên giới giữa Colombia và Brazil về phía tây bắc lưu vực Amazon. Có khoảng 10.000 người da đỏ, nói 21 ngôn ngữ khác nhau thuộc bốn gia đình ngôn ngữ chính, có văn hóa giống nhau, sinh sống bằng cách trồng trọt, đánh bắt cá và săn bắt dọc theo con sông trong những khu rừng mưa nhiệt đới. Cũng như thổ dân Cape Keerweer, người da đỏ ven sông Vaupés có chế độ ngoại hôn theo ngôn ngữ còn tuyệt đối hơn đến nỗi: trong hơn một ngàn cuộc hôn nhân trong nghiên cứu của Jackson, chỉ có một trường hợp có thể thuộc cùng một nhóm ngôn ngữ. Trong khi những chàng trai vẫn ở ngôi nhà dài của cha mẹ từ nhỏ cho đến lớn, con gái thuộc các nhà dài và các ngôn ngữ khác nhau sẽ chuyển đến nhà dài của chồng khi kết hôn. Một ngôi nhà sẽ chứa nhiều phụ nữ được cưới về từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau: con số đó là ba trong một ngôi nhà được Sorensen nghiên cứu rất kỹ. Tất cả trẻ con đều học cả hai thứ tiếng của cha và mẹ từ nhỏ, sau đó học thêm ngôn ngữ của những người phụ nữ khác trong nhà. Do đó, mọi người trong nhà đều biết 4 thứ tiếng (ngôn ngữ của những người đàn ông và ba nhóm ngôn ngữ của ba phụ nữ), và hầu hết đều học thêm một số ngôn ngữ khác từ các vị khách.
Chỉ sau khi những người da đỏ ven sông Vaupés biết một ngôn ngữ đủ nhiều bằng cách lắng nghe, thụ động tiếp thu từ vựng và cách phát âm, họ mới bắt đầu nói thứ tiếng đó. Họ cẩn thận giữ mỗi thứ tiếng riêng biệt và cố gắng phát âm mỗi ngôn ngữ một cách chính xác nhất. Họ nói với Sorensen rằng họ mất một hoặc hai năm để học thành thạo một ngôn ngữ mới. Mọi người đánh giá cao việc nói chính xác, việc dùng lẫn lộn từ của ngôn ngữ khác trong cuộc trò chuyện được coi là đáng xấu hổ.
Những giai thoại này từ những xã hội quy mô nhỏ trên hai châu lục và từ New Guinea cho thấy sự đa ngôn ngữ trong xã hội rất phổ biến trong quá khứ và sự đơn ngữ hoặc việc học nhiều ngôn ngữ từ trường lớp của các xã hội nhà nước hiện đại là một hiện tượng mới. Nhưng sự khái quát này chỉ là dự đoán và bị giới hạn. Sự đơn ngữ cũng có thể đặc trưng cho xã hội quy mô nhỏ ở những nơi khác có sự đa dạng ngôn ngữ rất thấp hoặc xảy ra sự mở rộng ngôn ngữ như ở các vĩ độ cao hoặc giữa cộng đồng người Inuit phía đông Alaska. Sự khái quát này vẫn chỉ dựa trên những giai thoại và suy đoán về những cộng đồng ngôn ngữ truyền thống nhỏ. Những khảo sát hệ thống sử dụng một số định nghĩa tiêu chuẩn về sự đa ngôn ngữ cần được tiến hành để chứng minh những kết luận này một cách chắc chắn hơn.
Lợi ích của song ngữ
Tiếp tục bằng việc đặt câu hỏi liệu sự đa ngôn ngữ hoặc song ngữ truyền thống có mang lại lợi ích, hoặc bất lợi, hoặc không có tác động nào đến các cá nhân song ngữ so với các cá nhân đơn ngữ. Tôi sẽ mô tả một số lợi thế thực tế hấp dẫn và có thể gây nhiều ấn tượng mới phát hiện gần đây của những người song ngữ hơn là những lợi thế thường được nhắc đến khi quảng cáo việc học ngoại ngữ. Tôi sẽ chỉ thảo luận về những ảnh hưởng lên cá nhân và để dành những câu hỏi tương tự về việc song ngữ là tốt hay xấu đối với cả xã hội cho phần sau.
Ở các nước công nghiệp hiện đại, tính song ngữ là một chủ đề thường xuyên được tranh luận đặc biệt là ở Mỹ, quốc gia đã tiếp nhận phần lớn người nhập cư không nói tiếng Anh vào dân số của mình trong hơn 250 năm. Một quan điểm thường gặp ở Mỹ cho rằng song ngữ có hại, đặc biệt là đối với con em của những người nhập cư, những người sau này sẽ bị cản trở trong việc hội nhập với nền văn hóa nói tiếng Anh của Mỹ và tốt hơn hết là không học ngôn ngữ của cha mẹ chúng. Quan điểm này không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Mỹ bản địa mà trong thế hệ nhập cư đầu tiên: ví dụ, ông bà của tôi và cha mẹ của vợ tôi luôn tránh nói với nhau bằng tiếng Yiddish và tiếng Ba Lan trước mặt con cái, để đảm bảo rằng cha mẹ tôi và vợ tôi sẽ chỉ học tiếng Anh. Những căn cứ khác cho quan điểm này đối với một bộ phận người Mỹ bản địa bao gồm sự sợ hãi và nghi ngờ về những điều ngoại lai, bao gồm cả tiếng nước ngoài; và một mối quan tâm chung đối với cả những người cha mẹ bản địa và nhập cư là sự lo lắng con em họ có thể bị lẫn lộn nếu tiếp xúc đồng thời cả hai ngôn ngữ và cho rằng chúng sẽ học nhanh hơn nếu chỉ tiếp xúc với một ngôn ngữ. Những mối lo lắng này cũng là hợp lý: một đứa trẻ học hai ngôn ngữ phải học nhiều gấp đôi số từ, cách phát âm và cấu trúc ngữ pháp so với trẻ đơn ngữ; vì vậy những đứa trẻ song ngữ chỉ có một nửa thời gian để dành cho mỗi ngôn ngữ; nên chúng (người ta e sợ rằng) có thể sẽ nói kém cả hai ngôn ngữ thay vì nói tốt chỉ một ngôn ngữ.
Trong thực tế, những nghiên cứu ở Mỹ, Iceland và xứ Wales cho đến năm 1960 đã báo cáo rằng trẻ em song ngữ gặp nhiều bất lợi về ngôn ngữ hơn nhiều so với trẻ em đơn ngữ, như thành thạo ngôn ngữ chậm hơn và có vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ ít hơn. Nhưng cuối cùng người ta đã nhận ra rằng những kết luận này bị tác động đáng kể bởi những biến số khác liên quan tới tính song ngữ trong khi nghiên cứu. Đặc biệt là ở Mỹ, tính song ngữ thường có liên quan với sự nghèo khổ. Khi những trẻ em song ngữ ở Mỹ được so sánh với những trẻ em đơn ngữ nói tiếng Anh, nhóm thứ hai thường xuất thân từ những cộng đồng giàu có hơn, được học ở các trường tốt hơn và cha mẹ của chúng thường giàu có cũng như có học thức cao hơn, có công việc tốt hơn và có vốn từ vựng lớn hơn. Những tác nhân tương quan này có thể đã dẫn đến sự yếu kém hơn trong các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em song ngữ.
Nhiều nghiên cứu gần đây ở Mỹ, Canada và châu âu hạn chế những biến số khác bằng cách so sánh trẻ em song ngữ và đơn ngữ học cùng một trường và có tình trạng kinh tế-xã hội của gia đình tương đồng nhau. Kết quả cho thấy trẻ em song ngữ và trẻ em đơn ngữ xuất phát từ những điều kiện giống nhau sẽ có khả năng học được ngôn ngữ ở những cột mốc như nhau (ví dụ, độ tuổi nói được từ đầu tiên, câu đầu tiên, hoặc học được 50 từ). Tùy thuộc vào mỗi nghiên cứu, trẻ em song ngữ và đơn ngữ đều lớn lên với kích thước vốn từ vựng căn bản giống nhau và tốc độ tra cứu từ như nhau, hoặc nhóm đơn ngữ sẽ có lợi thế hơn một chút (vốn từ vựng của một ngôn ngữ có thể nhiều hơn khoảng 10%). Tuy nhiên, sẽ dễ gây hiểu lầm nếu chúng ta tóm tắt kết quả này lại bằng cách kết luận, “trẻ em đơn ngữ có vốn từ vựng lớn hơn: 3.300 từ so với 3.000 từ”. Thay vào đó, kết quả chính xác là, “trẻ em song ngữ có một vốn từ lớn hơn nhiều: tổng cộng 6.000 từ, bao gồm 3.000 từ tiếng Anh cộng với 3.000 từ tiếng Hoa, so với chỉ có 3.300 từ tiếng Anh và không có từ tiếng Hoa nào”.
Cho đến nay các nghiên cứu vẫn chứa chứng minh được sự khác biệt về nhận thức tổng quát giữa những người sử dụng song ngữ và đơn ngữ. Không thể nói rằng nhìn chung nhóm này thông minh hơn hoặc suy nghĩ nhanh hơn so với nhóm kia. Thay vào đó, có những điểm khác biệt rất cụ thể, chẳng hạn như nhóm đơn ngữ (có lẽ) có khả năng tìm từ và khả năng gọi tên sự vật nhanh hơn một chút (vì họ không phải lựa chọn giữa các tên gọi khác nhau của những ngôn ngữ mà họ sử dụng). Trong số những khác biệt cụ thể này, một hiện tượng được nhấn mạnh liên tục nhất cho đến ngày nay là “chức năng điều hành”, theo cách gọi của các nhà khoa học về nhận thức, của nhóm song ngữ phát triển cao hơn.
Để hiểu được ý nghĩa của “chức năng điều hành”, hãy thử hình dung một người đang làm bất kỳ chuyện gì, ví dụ, băng qua đường. Chúng ta luôn bị tấn công dồn dập bởi thông tin từ các cơ quan thụ cảm bao gồm hình ảnh, âm thanh, mùi vị, xúc giác, đồng thời là suy nghĩ của chúng ta. Đập vào các thụ quan của người đi bộ là hình ảnh bảng quảng cáo và mây trên đầu, tiếng người nói và tiếng chim hót, cảm giác bàn chân đặt trên vỉa hè và suy nghĩ của anh ta về những gì vợ nói vào bữa sáng nay. Nếu không băng qua đường, người đi bộ sẽ tập trung vào tiếng người nói xung quanh hay vào các bảng quảng cáo hoặc lời nói của vợ mình. Nhưng khi băng qua một con đường, bản năng sinh tồn bắt buộc anh ta phải tập trung vào các hình ảnh và âm thanh của những chiếc xe đang phóng tới từ cả hai hướng, vào cảm giác bàn chân anh đang bước xuống lề đường. Có nghĩa là, để làm được bất cứ điều gì trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải ức chế 99% suy nghĩ và cảm giác của mình vào mỗi thời điểm, chú ý đến 1% thông tin có liên quan đến công việc đang làm. Phần não bộ xử lý chức năng điều hành này, hay còn được gọi là kiểm soát nhận thức, được cho là thuộc khu vực vỏ não trước thùy. Đó là khu vực cho phép bạn điều khiển sự tập trung có chọn lọc, để hạn chế bị phân tâm, chỉ chú ý vào giải quyết một vấn đề, thay đổi giữa các công việc và để truy cứu từ ngữ hay thông tin cần thiết vào một thời điểm nhất định từ kho dự trữ từ vựng, thông tin khổng lồ của bạn. Khả năng kiểm soát điều hành rất quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của chúng ta diễn ra trôi chảy. Ở trẻ em, khả năng kiểm soát điều hành phát triển chủ yếu vào năm đầu tiên hoặc một vài năm đầu của cuộc sống.
Người song ngữ gặp phải một vấn đề đặc biệt về việc kiểm soát điều hành. Khi người đơn ngữ nghe một từ chỉ cần so sánh nó với một kho từ vựng duy nhất và khi thốt ra một từ họ chỉ cần rút ra từ một kho từ vựng duy nhất. Nhưng người song ngữ phải và luôn giữ hai ngôn ngữ riêng biệt. Mỗi khi họ nghe thấy một từ phát âm ra, họ ngay lập tức phải biết chọn hệ thống quy tắc nào tùy theo để giải thích ý nghĩa của những âm thanh này: ví dụ, một người song ngữ Tây Ban Nha/ý đã học rằng những âm thanh b-u-rr-o có nghĩa là “con lừa” trong tiếng Tây Ban Nha nhưng có nghĩa là “bơ” trong tiếng ý. Mỗi khi người song ngữ muốn nói điều gì đó, họ phải tìm được từ đó trong loại ngôn ngữ đang được sử dụng trong cuộc đối thoại đang diễn ra, chứ không phải của ngôn ngữ còn lại. Người đa ngôn ngữ tham gia vào những cuộc trò chuyện của những nhóm song ngữ, hoặc như nhân viên bán hàng Scandinavia, phải chuyển đổi những quy tắc này mỗi vài phút hoặc thậm chí thường xuyên hơn.
Tầm quan trọng của việc kiểm soát điều hành đối với những người đa ngôn ngữ đến từ kinh nghiệm bản thân có phần xấu hổ của chính tôi. Khi tôi đến làm việc tại Indonesia vào năm 1979 và bắt đầu học tiếng Indonesia, tôi đã từng sống một thời gian dài ở Đức, Peru, và Papua New Guinea, tôi đã nói lưu loát tiếng Đức, Tây Ban Nha và Tok Pisin mà không còn nhầm lẫn các ngôn ngữ này với nhau hay với tiếng Anh. Tôi cũng đã học một số ngôn ngữ khác (đặc biệt là tiếng Nga) nhưng chưa bao giờ sống ở các quốc gia này đủ lâu để có thể nói trôi chảy. Khi bắt đầu nói chuyện với người Indonesia, tôi đã rất ngạc nhiên nhận ra rằng khi cố gắng phát âm một từ Indonesia, tôi lại hay thốt lên một từ tiếng Nga có ý nghĩa tương tự, mặc dù tiếng Indonesia và tiếng Nga hoàn toàn không liên quan! Tôi rõ ràng đã học được cách phân biệt tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha và Tok Pisin một cách rất tốt, nhưng tôi vẫn còn lẫn lộn đối với những “ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và Tok Pisin”. Chỉ sau khi ở Indonesia lâu hơn tôi mới có thể kiểm soát được những từ tiếng Nga để không cho chúng xen vào giữa những đoạn đối thoại bằng tiếng Indonesia của mình.
Ngắn gọn, người song ngữ hoặc đa ngữ luôn phải vô thức thực tập việc kiểm soát điều hành. Họ buộc phải sử dụng chức năng này bất cứ khi nào họ nói, suy nghĩ, hoặc nghe người khác nói – tức là, liên tục không ngừng khi họ không ngủ. Trong thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các đấu trường của cuộc sống, chúng ta biết rằng kỹ năng được nâng cao khi thực hành. Nhưng: những kỹ năng nào được cải thiện khi thực hành song ngữ? Liệu tính song ngữ chỉ đơn thuần phát triển kỹ năng cụ thể để chuyển đổi giữa các ngôn ngữ, hay song ngữ còn có những lợi ích khác?
Những nghiên cứu gần đây đã phát triển các phương pháp để kiểm tra câu hỏi này bằng cách so sánh khả năng giải quyết vấn đề của những người song ngữ và đơn ngữ từ trẻ em 3 tuổi đến người lớn 80 tuổi. Kết luận chung là những người song ngữ ở mọi lứa tuổi chỉ có lợi thế giải quyết một loại vấn đề cụ thể. Nhưng đó là một vấn đề cụ thể rất rộng: những nhiệm vụ giải quyết vấn đề bị phức tạp hóa vì các quy tắc của vấn đề thay đổi thất thường, hoặc bởi có những tín hiệu sai lệch và không liên quan được thể hiện rất rõ nhưng phải bỏ qua. Ví dụ, trẻ em được cho xem một loạt các lá bài in hình một con thỏ hoặc một chiếc thuyền có màu đỏ hoặc màu xanh và có hay không có một ngôi sao vàng. Nếu có ngôi sao vàng, trẻ em phải nhớ để phân chia các lá bài theo màu sắc; nếu không có, chúng phải nhớ để phân chia theo hình in. Trẻ đơn ngữ và song ngữ có tỷ lệ thành công ngang nhau trong các lượt chơi miễn là quy tắc giữ nguyên (ví dụ, “sắp xếp theo màu sắc”), nhưng trẻ đơn ngữ gặp nhiều khó khăn hơn trẻ song ngữ nếu các quy tắc này thay đổi.
Một thí nghiệm khác, trẻ em ngồi trước màn hình máy tính và/ hoặc một hình vuông màu đỏ sẽ đột nhiên nhấp nháy bên trái màn hình hoặc một hình vuông màu xanh sẽ nhấp nháy ở bên phải của màn hình. Bàn phím bên dưới màn hình bao gồm một phím màu đỏ và một phím màu xanh và trẻ em phải bấm đúng phím cùng màu với hình vuông nhấp nháy. Nếu phím màu đỏ nằm bên trái của bàn phím và phím màu xanh ở bên phải, tức là cùng vị trí như hai hình vuông nhấp nháy trên màn hình, thì trẻ em song ngữ và đơn ngữ đều đạt kết quả tốt như nhau. Nhưng nếu vị trí của các phím bị đảo ngược để tạo ra sự rối trí, tức là nếu phím màu đỏ ở phía bên trái của bàn phím nhưng hình vuông màu xanh nhấp nháy ở phía bên trái của màn hình, thì trẻ song ngữ chơi tốt hơn so với trẻ đơn ngữ.
Ban đầu ưu thế này của người song ngữ trong các bài kiểm tra được cho rằng chỉ liên quan đến những trường hợp có quy tắc thay đổi hoặc có thông tin dễ gây nhầm lẫn và chỉ áp dụng đối với những trường hợp có liên quan đến các tín hiệu ngôn ngữ. Tuy nhiên, lợi thế này được chứng minh là có ảnh hưởng rộng lớn hơn, cũng áp dụng cho các tín hiệu không phải là ngôn ngữ như không gian, màu sắc và số lượng (như trong hai ví dụ tôi vừa mô tả). Nhưng điều này không có nghĩa là người song ngữ giỏi hơn người đơn ngữ trong tất cả mọi thứ: cả hai nhóm đều có xu hướng làm việc tốt ngang nhau trong những trường hợp không có sự thay đổi về quy tắc cần phải đề phòng và không có các tín hiệu gây nhầm lẫn cần phải bỏ qua. Tuy nhiên, cuộc sống luôn đầy rẫy các thông tin sai lệch và quy tắc thay đổi thường xuyên. Nếu lợi thế của nhóm song ngữ so với nhóm đơn ngữ cũng áp dụng trong những tình huống dễ gây nhầm lẫn hoặc thay đổi liên tục trong thực tế, họ sẽ có một lợi thế đáng kể.
Một thử nghiệm thú vị gần đây mở rộng ra đối với trẻ sơ sinh. Người ta có thể cho rằng việc này là vô nghĩa hoặc không thể: trẻ sơ sinh không thể nói gì cả, không thể phân loại chúng là song ngữ hoặc đơn ngữ và cũng không thể yêu cầu chúng thực hiện các bài kiểm tra như nhận biết lá bài hay bấm bàn phím. Trong thực tế, trẻ sơ sinh đã phát triển khả năng phân biệt tiếng nói trước khi chúng có thể tự nói được từ rất lâu. Khả năng phân biệt của chúng có thể được kiểm tra bằng cách theo dõi xem chúng học được cách quay về những hướng khác nhau dựa trên những âm thanh khác nhau không. Kết quả cho thấy trẻ sơ sinh, chưa tiếp xúc với bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới, có thể phân biệt được nhiều sự khác biệt về phụ âm và nguyên âm trong các ngôn ngữ trên thế giới, dù đó có phải là ngôn ngữ “bản địa” của chúng không (chúng chưa từng nghe qua ngoại trừ từ bên trong bụng mẹ). Trong năm đầu đời, khi tiếp xúc với ngôn ngữ xung quanh, chúng mất dần khả năng phân biệt những thứ tiếng không phải bản địa mà chúng không được nghe từ xung quanh, tăng khả năng phân biệt đối với ngôn ngữ bản địa. Ví dụ, tiếng Anh phân biệt rõ giữa hai phụ âm l và r, trong khi tiếng Nhật thì không; đó là lý do tại sao đối với người nói tiếng Anh bản địa, người Nhật phát âm tiếng Anh như đang phát âm nhầm “lots of luck”(“nhiều may mắn”) thành “rots of ruck” (“nếp gấp thối”). Ngược lại, tiếng Nhật phân biệt rõ giữa các nguyên âm ngắn và dài, trong khi tiếng Anh thì không. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh Nhật vẫn có thể phân biệt được l và r, và trẻ sơ sinh Anh có thể phân biệt giữa nguyên âm ngắn và dài, khả năng này chỉ bị mất dần trong năm đầu đời vì sự phân biệt này không có ý nghĩa gì.
Những nghiên cứu gần đây đề cập đến hiện tượng được gọi là tính song ngữ từ trong nôi: tức là, trẻ sơ sinh có mẹ và cha có tiếng mẹ đẻ khác nhau, nhưng cả cha và mẹ của đứa trẻ đã quyết định mỗi người đều sẽ dùng tiếng mẹ đẻ của mình để nói chuyện với đứa trẻ ngay từ đầu, vì vậy đứa trẻ lớn lên nghe cả hai ngôn ngữ thay vì chỉ một. Những đứa trẻ song ngữ từ trong nôi có đạt được ưu thế so với trẻ đơn ngữ trong việc phát triển chức năng điều hành cho phép chúng ứng biến tốt hơn với những quy tắc thường xuyên thay đổi và thông tin dễ gây nhầm lẫn không và việc này có thể hiện rõ sau khi đứa trẻ thực sự biết nói? Và làm thế nào để kiểm tra chức năng điều hành ở trẻ sơ sinh trước khi biết nói?
Một nghiên cứu rất sáng tạo gần đây của nhà khoa học Agnes Kovács và Jacques Mehler, được thực hiện ở Trieste – một thành phố của ý, so sánh trẻ 7 tháng tuổi “đơn ngữ” với trẻ “song ngữ” tiếng ý và một trong những thứ tiếng sau – Slovenia, Tây Ban Nha, Anh, Ả Rập, Đan Mạch, Pháp hoặc Nga (tức là, nghe một ngôn ngữ từ mẹ và một ngôn ngữ khác từ cha). Trẻ nhỏ được huấn luyện, tập phản xạ có điều kiện và khen thưởng nếu chọn đúng khi được cho xem một tấm hình dễ thương của một con rối xuất hiện ở phía trái màn hình máy tính; những đứa trẻ học cách nhìn về hướng các con rối và rõ ràng tỏ ra rất thích thú. Cùng lúc đó trẻ em sẽ nghe phát âm một tiếng gồm ba âm vô nghĩa theo cấu trúc AAB, ABA, hoặc ABB (ví dụ, lo-lo-vu, lo-vu-lo, lo-vu-vu). Chỉ kèm theo một trong ba cấu trúc này (ví dụ, lo-lo-vu) thì con rối mới xuất hiện trên màn hình. Trong 6 lần thử, khi nghe lo-lo-vu cả hai nhóm trẻ “đơn ngữ” và “song ngữ” đều học được cách nhìn về phía bên trái của màn hình đoán và trước sự xuất hiện của các con rối dễ thương. Sau đó, quy tắc này bị thay đổi và các con rối chuyển sang xuất hiện ở bên phải (chứ không phải ở bên trái) của màn hình, kèm theo tiếng lo-vu-lo chứ không phải lo-lo-vu nữa. Trong 6 lần thử tiếp theo, trẻ sơ sinh “song ngữ” đã bỏ được bài học lúc trước và đã học được cách phản xạ đúng mới, nhưng trẻ sơ sinh “đơn ngữ” thậm chí sau 10 lần thử vẫn nhìn vào hướng bây giờ-là-sai của màn hình khi nghe những tiếng vô nghĩa bây-giờ-là-sai.
Bệnh Alzheimer
Có thể suy ra từ những kết quả này rằng người song ngữ có thể có lợi thế hơn người đơn ngữ trong việc thích nghi với thế giới khó hiểu hay thay đổi, chứ không phải chỉ trong những nhiệm vụ tầm thường như phân biệt lo-lo-vu và lo-vu-lo. Tuy nhiên, bạn đọc có thể sẽ cần bằng chứng về những lợi ích cụ thể hơn trước khi lảm nhảm liên tục hai ngôn ngữ khác nhau vào tai con hay cháu bạn. Do đó, bạn cũng sẽ hứng thú tìm hiểu về những lợi thế của người song ngữ được ghi nhận đối với người cao tuổi, khi thảm kịch Alzheimer và các bệnh khác về trí nhớ ở người già đe dọa rất nhiều người trong chúng ta.
Bệnh Alzheimer là một dạng phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ tuổi già, ảnh hưởng đến khoảng 5% số người ở độ tuổi trên 75 và 17% những người trên độ tuổi 85. Căn bệnh phát sinh bằng sự đãng trí và suy giảm trí nhớ ngắn hạn, diễn tiến trầm trọng hơn không thể phục hồi và không thể chữa trị cho đến khi dẫn đến tử vong trong vòng khoảng 5 đến 10 năm. Căn bệnh có liên quan đến tổn thương não bộ, có thể được phát hiện bằng cách khám nghiệm tử thi hoặc (khi còn sống) bằng phương pháp chụp ảnh não, bao gồm chứng teo não và tích lũy một số protein cụ thể. Mọi loại thuốc và phương pháp điều trị vắc-xin hiện đại đều thất bại. Những người có lối sống hoạt động nhiều về tinh thần và thể chất hơn – được giáo dục cao hơn, làm việc phức tạp hơn, hoạt động xã hội và giải trí nhiều hơn, tập thể dục nhiều hơn – ít bị các bệnh về trí nhớ hơn. Tuy nhiên, giai đoạn ủ bệnh rất dài có thể lên đến 20 năm từ lúc tích tụ protein cho đến khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer, điều này đặt ra câu hỏi về nguyên nhân và hệ quả khi suy diễn từ những phát hiện trên về cuộc sống năng động hơn: bản thân cuộc sống năng động có thực sự làm giảm các triệu chứng của bệnh Alzheimer không, hay những cá nhân đó có thể sống năng động hơn vì họ không bị ảnh hưởng bởi giai đoạn đầu tích tụ protein, hoặc vì những lợi thế di truyền đã bảo vệ họ khỏi căn bệnh Alzheimer? Với hy vọng rằng cuộc sống năng động có thể là nguyên nhân chứ không phải là kết quả của quá trình thuyên giảm bệnh, những người già lo sợ sẽ bị mắc bệnh Alzheimer đôi khi cố gắng chơi bài, hoặc các trò chơi thử thách trực tuyến, hoặc giải câu đố Sudoku.
Kết quả hấp dẫn trong những năm gần đây cho thấy tác dụng bảo vệ của sự song ngữ lâu dài chống lại các triệu chứng Alzheimer. Trong số 400 bệnh nhân được nghiên cứu tại các phòng khám ở Toronto, Canada, chủ yếu ở độ tuổi 70 và được chẩn đoán bệnh Alzheimer (hoặc một vài bệnh về trí nhớ khác), các bệnh nhân song ngữ bắt đầu có biểu hiện bệnh ở độ tuổi già hơn khoảng 4 hoặc 5 năm so với những bệnh nhân đơn ngữ. Tuổi thọ ở Canada là 79, do đó, biểu hiện trễ hơn 4-5 năm ở những người trong độ tuổi 70 đồng nghĩa với việc xác suất mà họ sẽ phát triển các triệu chứng của Alzheimer trước khi chết sẽ giảm đi 47%. Các bệnh nhân song ngữ và đơn ngữ có cùng địa vị nghề nghiệp, tuy nhiên, các bệnh nhân song ngữ có trình độ học vấn trung bình thấp hơn (không phải cao hơn). Bởi trình độ học vấn có liên quan với tỷ lệ mắc chứng Alzheimer thấp hơn, điều này có nghĩa là sự khác biệt trong giáo dục không thể giải thích tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn của các bệnh nhân song ngữ: tỷ lệ mắc bệnh của họ thấp hơn mặc dù họ được giáo dục ít hơn. Một phát hiện thú vị nữa là ở các mức độ suy giảm nhận thức nhất định, các bệnh nhân song ngữ bị teo não nhiều hơn qua các kết quả hình chụp não so với những bệnh nhân đơn ngữ. Nói một cách khác, bệnh nhân song ngữ bị suy giảm nhận thức ít hơn so với bệnh nhân đơn ngữ có cùng một mức độ teo não: sự song ngữ có tác dụng bảo vệ một phần chống lại những hậu quả của bệnh teo não.
Sự bảo vệ mà tính song ngữ mang lại không bị ảnh hưởng bởi những nghi vấn về tính nguyên nhân – kết quả như sự bảo vệ từ trình độ học vấn và các hoạt động xã hội tích cực. Sự bảo vệ nhờ hoạt động xã hội tích cực có thể là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer; và các yếu tố di truyền định hướng giáo dục và các hoạt động xã hội cũng có thể giúp bảo vệ chống lại căn bệnh Alzheimer. Nhưng việc một người có trở thành song ngữ hay không được xác định từ thời thơ ấu, nhiều thập kỷ trước khi bất kỳ tổn thương não nào do bệnh Alzheimer có thể phát triển và không phụ thuộc vào gen của một người. Hầu hết những người song ngữ trở thành song ngữ không do họ tự quyết định hay do gen, nhưng mà do vô tình lớn lên trong một xã hội song ngữ, hoặc do có cha mẹ di cư từ một nơi khác đến một vùng nói tiếng khác. Do đó, tỷ lệ các triệu chứng Alzheimer thấp hơn của nhóm song ngữ cho thấy tính song ngữ có khả năng tự bảo vệ chống lại các triệu chứng Alzheimer.
Điều này xảy ra như thế nào? Có thể trả lời ngắn gọn bằng một câu thành ngữ “Dùng nó hoặc mất nó”. Việc vận động bất kỳ cơ quan cơ thể nào cũng giúp cải thiện chức năng của nó; không được sử dụng sẽ làm suy giảm chức năng của nó. Đây là lý do tại sao các vận động viên và nghệ sĩ luôn phải tập luyện. Đó cũng là lý do bệnh nhân Alzheimer được khuyến khích chơi cờ hoặc các trò chơi trực tuyến khác, hoặc giải các câu đố Sudoku. Nhưng song ngữ là bài tập thường xuyên nhất cho não bộ. Trong khi một người nghiện cờ hay Sudoku vẫn chỉ có thể chơi trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, thì những người song ngữ luyện tập bộ não của họ trong mỗi giây từ khi thức dậy. Có ý thức hay vô thức, bộ não của họ liên tục phải quyết định, “Tôi phải nói, suy nghĩ, hoặc giải thích những âm thanh nghe thấy theo các quy tắc của ngôn ngữ A hay của ngôn ngữ B?”
Độc giả có lẽ sẽ chia sẻ mối quan tâm của cá nhân tôi về một số câu hỏi chưa được trả lời nhưng rất rõ ràng sắp tới. Nếu có thêm một ngôn ngữ có tác dụng bảo vệ, thì có thêm hai ngôn ngữ có được bảo vệ nhiều hơn không? Nếu có, sự bảo vệ có tăng tỷ lệ thuận với số lượng ngôn ngữ không, hay là ít hơn hay nhiều hơn? Ví dụ, nếu người song ngữ có thêm 4 năm được bảo vệ từ một ngôn ngữ phụ của họ, thì một người New Guinea, một thổ dân úc, một người da đỏ ven sông Vaupés, hoặc một nhân viên bán hàng Scandinavia có thể nói năm thứ tiếng (bốn ngôn ngữ phụ bên cạnh tiếng mẹ đẻ) vẫn chỉ có thêm 4 năm được bảo vệ, hay cô ấy sẽ có 4 × 4 = 16 năm được bảo vệ, hoặc (nếu sự tung hứng giữa bốn ngôn ngữ phụ là nhiều hơn bốn lần và ảnh hưởng mạnh hơn sự tung hứng với chỉ một ngôn ngữ phụ) cô ấy thậm chí có đến 50 năm bảo vệ? Nếu bạn bị bất lợi vì cha mẹ không tạo điều kiện song ngữ từ trong nôi cho bạn và nếu bạn không được học ngôn ngữ thứ hai cho đến khi bạn học trung học lúc 14 tuổi, bạn có thể được bảo vệ ngang bằng với những người song ngữ từ trong nôi không? Tất cả những câu hỏi này sẽ là mối quan tâm về mặt lý thuyết đối với những nhà ngôn ngữ học và là mối quan tâm thiết thực đối với bậc cha mẹ khi tự hỏi làm thế nào để nuôi dạy con cái một cách tốt nhất. Tất cả những điều này cho thấy rằng song ngữ hoặc đa ngữ có khả năng mang lại những lợi thế đáng kể trong thực tế cho những người song ngữ, bên cạnh một lợi thế ít thực tế hơn về việc bồi dưỡng cuộc sống văn hóa và bất kể sự đa dạng ngôn ngữ là tốt hay xấu đối với cả thế giới nói chung.
Sự biến mất của ngôn ngữ
7.000 ngôn ngữ của thế giới được xem là vô cùng đa dạng dù nhìn nhận từ khía cạnh nào. Ví dụ, một ngày khi tôi đang khảo sát các loài chim trong rừng xung quanh làng Rotokas ở vùng núi của các hòn đảo Thái Bình Dương ở Bougainville, những người dân trong làng hướng dẫn tôi và giúp tôi xác nhận tên của các loài chim địa phương bằng tiếng Rotokas, bỗng nhiên kêu lên “Kópipi!” khi chỉ cho tôi nghe điệu hót du dương nhất mà tôi từng nghe. Nó gồm những âm điệu trong vắt, sắp xếp theo từng đoạn cao dần lên cách nhau khoảng hai ba nốt, mỗi đoạn khác với đoạn trước và tạo nên một hiệu ứng như một trong những bản hoàn tấu có vẻ đơn giản của Franz Schubert. “Ca sĩ” là một loài chim chích chân dài cánh ngắn chưa từng được khoa học phương Tây biết đến.
Khi nói chuyện với người hướng dẫn của mình, tôi dần dần nhận ra rằng âm nhạc của núi rừng Bougainville không chỉ có những bài hát của kópipi mà còn bao gồm cả âm sắc của tiếng Rotokas. Người hướng dẫn của tôi lần lượt gọi tên từng loài chim cho tôi: kópipi, kurupi, vokupi, kopikau, kororo, keravo, kurue, vikuroi, v.v…Những phụ âm duy nhất từ những cái tên này là k, p, r và v. Sau đó, tôi biết được rằng ngôn ngữ Rotokas chỉ có 6 phụ âm, ít nhất trong tất cả những ngôn ngữ được biết đến trên thế giới. Tiếng Anh chẳng hạn có 24, trong khi ngôn ngữ Ubykh của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã tuyệt chủng có khoảng 80. Bằng cách nào đó, người dân Rotokas, sống giữa rừng mưa nhiệt đới trên những ngọn núi cao nhất phía tây nam Thái Bình Dương của New Guinea, đã xây dựng được một vốn từ vựng phong phú và giao tiếp rõ ràng chỉ dựa vào một số ít âm thanh cơ bản hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới.
Nhưng âm nhạc trong ngôn ngữ của họ đang biến mất dần khỏi rừng núi Bougainville và khỏi thế giới. Ngôn ngữ Rotokas chỉ là 1 trong 18 ngôn ngữ được nói trên một hòn đảo xấp xỉ ba phần tư kích thước bang Connecticut của Mỹ. Theo con số khảo sát gần nhất, chỉ có 4.320 người nói tiếng này và con số này đang giảm dần. Với sự biến mất của nó, 30.000 ngàn năm tiến hóa trong giao tiếp và phát triển văn hóa của con người sẽ tan biến theo. Sự biến mất này minh họa cho thảm kịch sắp xảy ra không chỉ của ngôn ngữ Rotokas, mà còn của hầu hết các ngôn ngữ khác trên thế giới. Chỉ đến bây giờ các nhà ngôn ngữ học mới bắt đầu ước tính tỷ lệ ngôn ngữ biến mất trên thế giới một cách nghiêm túc và tranh luận về việc phải làm gì. Nếu tỷ lệ biến mất hiện tại của ngôn ngữ vẫn tiếp tục, thì đến năm 2100 hầu hết các ngôn ngữ hiện nay trên thế giới hoặc đã bị tuyệt chủng, hoặc chỉ còn là những thứ tiếng đang hấp hối chỉ được sử dụng bởi những người già và không còn được truyền từ cha mẹ đến con cái.
Tất nhiên, sự tuyệt chủng của ngôn ngữ không phải là một hiện tượng mới bắt đầu từ 70 năm trước đây. Chúng ta biết được từ những văn bản cổ đại, suy luận từ sự phân bố của ngôn ngữ và các dân tộc, rằng ngôn ngữ đã trải qua quá trình tuyệt diệt qua hàng ngàn năm. Từ các tác giả La Mã, những tàn tích được viết trên các di tích cổ và tiền xu ở đế quốc La Mã cũ, chúng ta biết rằng tiếng Latin đã thay thế tiếng Celtic trước đây được nói ở Pháp, Tây Ban Nha và thay thế tiếng Etruscan, Umbria, Oscan, Faliscan cũng như các ngôn ngữ khác trong chính nước ý. Những văn bản cổ được bảo quản viết bằng tiếng Sumer, Hurrian và Hittite ngày nay trở thành bằng chứng của những ngôn ngữ đã biến mất, từng được sử dụng hàng ngàn năm trước đây ở Fertile Crescent. Sự lan truyền của hệ ngôn ngữ Ấn-âu vào Tây âu, bắt đầu trong 9.000 năm qua, đã loại bỏ tất cả các ngôn ngữ ban đầu có ở châu âu trừ tiếng Basque trên dãy Pyrenees. Chúng ta suy luận rằng những người săn bắt – hái lượm Pygmy châu Phi, Philippines và Indonesia, những người Nhật cổ từng nói những ngôn ngữ bây giờ đã biến mất và được thay thế tương ứng bằng các thứ tiếng Bantu, Austronesian và tiếng Nhật hiện đại. Chắc chắn còn nhiều ngôn ngữ khác đã biến mất không một dấu vết.
Để minh hoạ cho số phận của hầu hết các ngôn ngữ, hãy lấy trường hợp của 20 thứ tiếng Inuit bản địa và tiếng thổ dân ở Alaska. Tiếng Eyak, trước đây được nói bởi vài trăm người thổ dân trên bờ biển phía nam Alaska, đã giảm xuống chỉ còn hai người nói được tiếng bản ngữ vào năm 1982, Marie Smith Jones và người chị gái Sophie Borodkin. Con cái của họ chỉ nói tiếng Anh. Khi Sophie qua đời vào năm 1992 ở tuổi 80 và Marie vào năm 2008 ở tuổi 93, thế giới ngôn ngữ của những người Eyak đã im lặng vĩnh viễn. Mười bảy tiếng bản địa khác ở Alaska cũng đang hấp hối, khi không còn đứa trẻ nào học nói chúng. Mặc dù chúng vẫn còn được những người lớn tuổi sử dụng, nhưng rồi chúng cũng sẽ chịu cùng một số phận như tiếng Eyak khi người cuối cùng nói tiếng đó qua đời và hầu hết các ngôn ngữ này đều có ít hơn 1.000 người sử dụng. Vậy là chỉ còn hai ngôn ngữ Alaska bản địa vẫn đang được trẻ em học và do đó chưa bị đe dọa: tiếng Yupik vùng Siberia, với 1.000 người và tiếng Yupik vùng trung tâm, với tổng cộng 10.000 người.
Trong những đoạn chuyên khảo tổng kết lại tình trạng hiện tại của ngôn ngữ, chúng ta thường bắt gặp những cụm từ giống nhau lặp đi lặp lại đều đều. “Ubykh [ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ với 80 phụ âm]… người nói tiếng bản địa cuối cùng của ngôn ngữ này, Tevfik Esen, từ Hacı Osman, đã qua đời ở Istanbul vào tháng 10/1992. Một thế kỷ trước có 50.000 người nói tiếng này ở thung lũng Caucasus phía đông Biển Đen”. “Cupeño [một ngôn ngữ của thổ dân da đỏ ở miền nam California]… chín người sử dụng trong tổng dân số 150 người… tất cả đều trên 50 tuổi… gần như tuyệt chủng”. “Yamana [một ngôn ngữ của thổ dân da đỏ trước đây được sử dụng ở miền nam Chile và Argentina]… ba người phụ nữ nói tiếng đó [ở Chile], đã kết hôn với những người đàn ông Tây Ban Nha và nuôi con thành những người nói tiếng Tây Ban Nha… tuyệt chủng ở Argentina.”
Mức độ bị đe dọa của từng ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Lục địa bị đe dọa về ngôn ngữ nhiều nhất là khu vực của người thổ dân úc, cái nôi của khoảng 250 ngôn ngữ, tất cả đều có dưới 5.000 người sử dụng. Ngày nay, một nửa những thổ ngữ của úc đã bị tuyệt chủng; hầu hết những ngôn ngữ còn sót lại đều có dưới 100 người sử dụng; ít hơn 20 thứ tiếng vẫn còn được truyền lại cho trẻ em; và chỉ một vài ngôn ngữ có khả năng tồn tại đến cuối thế kỷ XXI. Cũng bị đe dọa gần như vậy là các ngôn ngữ bản địa ở châu Mỹ. Trong số hàng trăm ngôn ngữ bản địa của Bắc Mỹ, một phần ba đã bị tuyệt chủng, một phần ba khác chỉ còn một vài người già sử dụng, chỉ có hai thứ tiếng (Navajo và Yupik Eskimo) là vẫn đang được sử dụng để phát sóng trên các đài phát thanh địa phương – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy những vấn đề trong thế giới truyền thông đại chúng ngày nay. Trong số hàng ngàn hoặc hơn các ngôn ngữ bản địa trước đây được nói ở Trung và Nam Mỹ, chỉ có một ngôn ngữ có tương lai an toàn là Guarani, ngôn ngữ quốc gia của Paraguay cùng với tiếng Tây Ban Nha. Lục địa duy nhất với hàng trăm ngôn ngữ bản địa không rơi vào thảm họa này là châu Phi, nơi mà hầu hết những tiếng bản địa còn tồn tại có hàng chục ngàn, thậm chí hàng triệu người sử dụng và nơi có những cộng đồng nông dân định canh định cư nhỏ hiện nay vẫn gìn giữ ngôn ngữ của họ.
Ngôn ngữ biến mất như thế nào?
Ngôn ngữ bị tuyệt chủng như thế nào? Cũng như có nhiều cách khác nhau để giết người – giáng một đòn nhanh chóng vào đầu, bị nghẹt thở từ từ, hoặc bằng quá trình bỏ bê kéo dài – có nhiều cách khác nhau để xóa sổ một ngôn ngữ. Cách trực tiếp nhất là giết chết hầu hết những người sử dụng. Đó là cách những người da trắng California đã khai trừ ngôn ngữ của những người thổ dân “hoang dã” cuối cùng ở Mỹ, một người tên là Ishi thuộc bộ lạc Yahi có khoảng 400 người, sống gần núi Lassen. Trong các cuộc tàn sát hàng loạt giữa năm 1853 và 1870 sau khi cơn sốt vàng California đã đưa những người châu âu đến định cư ở California, họ giết hầu hết người Yahi, chỉ để lại Ishi và gia đình của ông, sau đó chỉ còn lại Ishi, sống sót bằng cách lẩn trốn cho đến năm 1911. Thực dân Anh đã loại bỏ tất cả các ngôn ngữ bản địa của Tasmania vào đầu năm 1800 bằng cách giết chết hoặc bắt nhốt tất cả người Tasmania, thúc đẩy bằng khoản tiền thưởng 5 bảng cho việc giết mỗi người Tasmania trưởng thành và 2 bảng cho mỗi đứa trẻ. Những phương pháp ít bạo lực hơn cũng dẫn đến kết quả tương tự. Ví dụ, từng có hàng ngàn người bản địa thuộc bộ tộc Mandan trên vùng Đại Bình nguyên của Mỹ, nhưng đến năm 1992 số lượng người thông thạo tiếng Mandan giảm xuống chỉ còn sáu cụ già, nguyên nhân đặc biệt là do bệnh tả và bệnh đậu mùa giữa năm 1750 và năm 1837.
Một cách trực tiếp khác để tiêu diệt một ngôn ngữ mà không cần phải giết người, là cấm họ sử dụng tiếng mẹ đẻ và trừng phạt nếu họ bị bắt quả tang đang nói tiếng bản địa. Trong trường hợp bạn tự hỏi tại sao các ngôn ngữ thổ dân Bắc Mỹ đã trở nên tuyệt chủng hoặc sắp chết, bạn chỉ cần nhìn lại chính sách áp dụng cho đến gần đây của chính phủ Mỹ đối với những ngôn ngữ này. Trong nhiều thế kỷ, chúng ta nhấn mạnh rằng người da đỏ có thể trở nên “văn minh” và phải dạy tiếng Anh cho trẻ em da đỏ bằng cách duy nhất là cách ly chúng với môi trường “mọi rợ” ở nhà cha mẹ chúng và chuyển đến các trường nội trú chỉ dạy tiếng Anh, nơi mà việc sử dụng ngôn ngữ bản địa hoàn toàn bị cấm, bị trừng phạt với các hình phạt nhục nhã về thể xác và tâm lý. Để biện minh cho chính sách đó, J. D. C Atkins, một ủy viên Mỹ chịu trách nhiệm về các vấn đề của thổ dân từ năm 1885 đến năm 1888, giải thích, “Việc học tiếng địa phương đối với người da đỏ [có nghĩa là, tiếng của thổ dân da đỏ] không chỉ không có lợi gì cho họ, mà còn gây hại cho các sự nghiệp giáo dục và nền văn minh của họ và nó sẽ không được phép dạy ở bất kỳ trường dành cho người da đỏ nào trực thuộc Chính phủ… Ngôn ngữ chính [tiếng Anh], đã đủ tốt cho cả người da trắng và da đen, nên chắc chắn phải tốt đối với cả người da đỏ. Việc giảng dạy thanh niên da đỏ bằng thứ ngôn ngữ địa phương man rợ cũng làm tổn hại lớn đến anh ta. Bước đầu tiên để tiến đến văn minh, để chỉ cho người da đỏ thấy sự lệch lạc và điên rồ khi tiếp tục lối sống man rợ của họ, là phải dạy cho họ tiếng Anh.”
Sau khi Nhật Bản chiếm Okinawa vào năm 1879, chính phủ Nhật đã thông qua nghị quyết “một quốc gia, một dân tộc, một ngôn ngữ.” Điều này có nghĩa là giáo dục trẻ em Okinawa nói tiếng Nhật và không cho phép chúng nói bất kỳ ngôn ngữ nào trong hàng chục tiếng bản địa ở Okinawa. Tương tự như vậy, khi Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc vào năm 1910, tiếng Hàn bị cấm ở các trường Hàn Quốc và thay bằng tiếng Nhật. Khi Nga tái sát nhập khối cộng hòa Baltic vào năm 1939, tiếng Estonia, Latvia và Lithuania bị thay thế bằng tiếng Nga ở các trường học, nhưng những ngôn ngữ Baltic này vẫn tiếp tục được sử dụng ở nhà và giành lại vị thế quốc ngữ của mình khi các nước cộng hòa này giành lại được độc lập vào năm 1991. Ngôn ngữ Celtic duy nhất còn tồn tại ở châu âu là tiếng Breton và cho đến nay vẫn là ngôn ngữ chính của nửa triệu công dân Pháp. Tuy nhiên, chính sách chính thức của chính phủ Pháp đã loại trừ tiếng Breton khỏi nền giáo dục tiểu học và trung học và do đó, việc sử dụng tiếng Breton đã suy giảm.
Nhưng trong hầu hết các trường hợp sự biến mất của ngôn ngữ đều bắt đầu bằng những quá trình âm thầm hơn như đang diễn ra tại Rotokas. Với sự thống nhất chính trị của một khu vực trước đây từng bị chiếm đóng bởi các bộ lạc tham chiến, hòa bình được thiết lập lại cùng với phát triển giao thông và gia tăng hôn nhân chéo. Những người trẻ tuổi tìm kiếm các cơ hội kinh tế từ bỏ thôn làng nói tiếng địa phương của mình, chuyển đến các trung tâm đô thị, nơi người nói tiếng địa phương tại đó nhanh chóng bị áp đảo về số lượng bởi những người có nguồn gốc từ các bộ tộc khác, và là nơi mà mọi người muốn giao tiếp với nhau không có lựa chọn nào khác ngoại trừ nói theo ngôn ngữ chiếm đa số. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau và phải dùng chung ngôn ngữ chiếm đa số để nói chuyện với nhau; rồi từ đó họ lại truyền ngôn ngữ này cho con cái. Ngay cả khi trẻ em học thêm ngôn ngữ của cha mẹ, chúng vẫn phải sử dụng ngôn ngữ chung trong trường lớp. Những người còn lại ở các làng quê cũng học ngôn ngữ chung để đạt được danh vọng, quyền lực, thương mại và tiếp cận thế giới bên ngoài. Công ăn việc làm, báo chí, đài phát thanh và truyền hình bị áp đảo bởi ngôn ngữ chung của phần lớn người lao động, người tiêu dùng, nhà quảng cáo và người đăng ký dịch vụ.
Kết quả thường thấy là nhóm thanh thiếu niên thiểu số có xu hướng trở thành song ngữ và con cái của họ trở thành đơn ngữ, sử dụng ngôn ngữ chiếm đa số. Việc lưu truyền các ngôn ngữ thiểu số từ cha mẹ đến con cái bị thất bại vì một trong hai hoặc cả hai lý do: cha mẹ muốn con cái học ngôn ngữ chung thay vì tiếng địa phương của họ, để chúng có thể vươn lên trong trường học và trong công việc; trẻ em không muốn học tiếng địa phương của cha mẹ, chỉ muốn học ngôn ngữ chung, để hiểu được chương trình truyền hình, bài giảng ở trường, và nói chuyện với bạn bè. Tôi đã chứng kiến quá trình này xảy ra ở Hoa Kỳ đối với những gia đình nhập cư từ Ba Lan, Hàn Quốc, Ethiopia, Mexico và nhiều nước khác, với cùng kết quả là trẻ em chỉ học tiếng Anh mà không học ngôn ngữ của bố mẹ. Cuối cùng, ngôn ngữ thiểu số chỉ còn được nói bởi những người lớn tuổi, cho đến khi người cuối cùng qua đời. Nhưng từ trước khi đi đến kết thúc này, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số đã bị thoái hóa với sự tàn lụi về tính phức tạp trong ngữ pháp, sự mất mát những từ vựng đã bị lãng quên và sự kết hợp từ vựng cũng như các tính năng ngữ pháp của tiếng nước ngoài vào.
Trong số 7.000 ngôn ngữ của thế giới, một số bị đe dọa nhiều hơn những ngôn ngữ khác. Quan trọng nhất trong việc xác định mức độ nguy cấp của ngôn ngữ là xem xét liệu ngôn ngữ đó có còn được truyền từ bố mẹ đến con cái trong gia đình hay không: khi việc lưu truyền này chấm dứt, thì ngôn ngữ này đã đến lúc diệt vong, ngay cả khi còn hơn 90 năm nữa cho đến khi người cuối cùng còn thông thạo ngôn ngữ này qua đời mang theo ngôn ngữ này với họ. Các yếu tố biểu hiện khả năng ngôn ngữ vẫn còn được truyền từ bố mẹ sang con cái là: số lượng người sử dụng ngôn ngữ khá lớn; tỷ lệ người sử dụng ngôn ngữ trên số dân cao; được chính phủ công nhận là một ngôn ngữ chính thức của quốc gia hoặc tỉnh thành; thái độ của người bản địa đối với ngôn ngữ của họ (tự hào hay khinh miệt); không có lượng lớn người nhập cư nói các ngôn ngữ khác gây áp đảo tiếng nước bản địa (như câu chuyện đã xảy ra với cơn bão tiếng Nga tràn vào Siberia, tiếng Nepal vào Sikkim và tiếng Indonesia vào Indonesia New Guinea).
Có lẽ những ngôn ngữ có tương lai an toàn nhất là quốc ngữ chính thức của các quốc gia có chủ quyền trên thế giới, hiện tại có khoảng 192. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đã chính thức sử dụng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nha hoặc tiếng Pháp, nên chỉ còn lại khoảng 70 quốc gia dùng các ngôn ngữ khác. Ngay cả khi tính cả những ngôn ngữ chính thức theo vùng, chẳng hạn như 22 thứ tiếng được quy định trong hiến pháp Ấn Độ, tổng cộng cũng chỉ có 100 ngôn ngữ được bảo vệ chính thức trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể xem những ngôn ngữ có hơn một triệu người sử dụng là an toàn, bất kể tình trạng của chúng được công nhận, nhưng định nghĩa này cũng chỉ đưa ra khoảng 200 ngôn ngữ an toàn, phần lớn giống với danh sách các ngôn ngữ chính thức. Một số ngôn ngữ nhỏ được an toàn vì có sự hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như tiếng Faroe, được sử dụng bởi 50.000 cư dân trên quần đảo tự quản Faroe của Đan Mạch, và tiếng Iceland là ngôn ngữ chính thức của 300.000 người Iceland. Ngược lại, một số ngôn ngữ có hơn một triệu người sử dụng nhưng không được hoặc chỉ được nhà nước hỗ trợ rất ít cho đến nay và đang bị đe dọa, chẳng hạn như tiếng Nahuatl (có hơn 1,4 triệu người sử dụng ở Mexico) và tiếng Quechua (khoảng 9 triệu người ở Andes). Nhưng ngay cả sự hỗ trợ của nhà nước cũng không đảm bảo được tương lai an toàn của ngôn ngữ, như ví dụ minh họa về sự tàn lụi của tiếng Iceland, ự gia tăng của tiếng Anh ở Iceland, mặc dù chính phủ Iceland ủng hộ ngôn ngữ của họ một cách mạnh mẽ và sử dụng tiếng Iceland như một ngôn ngữ chính thức ở các trường học. Đây là những cơ sở giúp các nhà ngôn ngữ học ước tính rằng tất cả ngoại trừ một vài trăm ngôn ngữ của 7.000 thứ tiếng hiện tại trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng hoặc hấp hối vào cuối thế kỷ này nếu xu hướng trong hiện tại vẫn tiếp tục.
Ngôn ngữ thiểu số có hại không?
Đó là những sự kiện quá choáng ngợp về sự tuyệt chủng toàn cầu của ngôn ngữ. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy đặt câu hỏi như nhiều hoặc hầu hết mọi người: vậy thì sao? Sự mất mát của ngôn ngữ có thực sự là một điều tệ không? Không phải sự tồn tại của hàng ngàn ngôn ngữ là có hại sao, vì chúng cản trở giao tiếp và thúc đẩy xung đột? Thay vì vậy, chúng ta có nên khuyến khích sự biến mất của ngôn ngữ không? Quan điểm này được thể hiện dồn dập qua các ý kiến của người nghe đài gửi về đài BBC sau khi họ phát sóng một chương trình cố gắng bảo vệ giá trị của những ngôn ngữ đang biến mất. Đây là trích đoạn mẫu:
“Quả là những thứ tình cảm rác rưởi quá lố! Lý do mà các ngôn ngữ chết dần chết mòn là vì chúng là biểu hiện của những xã hội suy tàn không còn khả năng truyền đạt tri thức, văn hóa và các vấn đề xã hội cần thiết cho sự tồn tại bền vững và phát triển lâu dài.”
“Thật vớ vẩn. Mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp. Nếu không có ai nói thứ tiếng đó, thì nó hoàn toàn vô dụng. Bạn cũng có thể học tiếng Klingon.”
“7.000 ngôn ngữ chỉ có ích đối với những nhà ngôn ngữ học. Các ngôn ngữ khác nhau chia cắt con người, trong khi một ngôn ngữ chung hợp nhất chúng ta. Càng có ít ngôn ngữ càng tốt.”
“Nhân loại cần được thống nhất, đó là cách chúng ta tiến về phía trước, không phải theo những bộ lạc nhỏ không thể giao tiếp với nhau. Có gì tốt khi có đến năm thứ tiếng? Cứ ghi chép thỏa thích, học những điều có thể rút ra từ chúng, nhưng hãy để chúng nằm yên trong lịch sử, nơi chúng thuộc về. Một thế giới, một dân tộc, một ngôn ngữ chung, một mục tiêu chung, có lẽ như vậy chúng ta mới có thể hòa thuận với nhau.”
“Trong 7.000 ngôn ngữ thì theo tôi có đến 6.990 ngôn ngữ là không cần thiết. Hãy để chúng biến mất.”
Có hai lý do chính mà những người cùng quan điểm với những người viết thư cho đài BBC dùng để biện minh cho việc xóa bỏ hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Một lý do có thể được tóm tắt trong một câu: “Chúng ta cần một ngôn ngữ chung để giao tiếp với nhau.” Vâng, tất nhiên là vậy; những người khác nhau cần một ngôn ngữ chung để giao tiếp với nhau. Nhưng điều này không dẫn đến việc loại bỏ các ngôn ngữ thiểu số; mà chỉ yêu cầu những người nói ngôn ngữ thiểu số trở thành song ngữ bằng cách học thêm ngôn ngữ đa số. Ví dụ, Đan Mạch là đất nước giàu thứ bảy trên thế giới, nhưng những người duy nhất nói tiếng Đan Mạch là 5 triệu người Đan Mạch. Đó là bởi hầu hết người Đan Mạch đều thông thạo tiếng Anh và một số tiếng của châu âu mà họ sử dụng để làm kinh doanh. Người Đan Mạch giàu có và hạnh phúc, vì họ nói tiếng Đan Mạch. Nếu người Đan Mạch muốn nỗ lực để trở thành người song ngữ nói tiếng Đan Mạch và tiếng Anh, đó là chuyện riêng của họ. Tương tự như vậy, nếu người Navajo muốn nỗ lực trở thành người song ngữ nói tiếng Navajo và tiếng Anh, đó là chuyện riêng của họ. Người Navajos không yêu cầu và thậm chí không muốn người Mỹ học tiếng Navajo.
Một lý do còn lại mà những người cùng quan điểm với những người viết thư cho BBC để ủng hộ việc loại bỏ các ngôn ngữ là niềm tin rằng có nhiều ngôn ngữ sẽ dẫn đến nội chiến và xung đột dân tộc, qua việc thúc đẩy mọi người xem các dân tộc khác là khác biệt. Các cuộc nội chiến đã xé nát rất nhiều quốc gia hiện nay theo ranh giới ngôn ngữ – họ tuyên bố như vậy. Dù việc đa ngôn ngữ có giá trị gì đi nữa, việc loại bỏ chúng có thể là cái giá mà chúng ta phải trả nếu muốn ngăn chặn việc giết chóc trên thế giới. Không phải thế giới sẽ trở thành một nơi an lạc hơn nhiều nếu người Kurd chuyển sang nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiếng Ả Rập, nếu người Tamil ở Sri Lanka sẽ bằng lòng nói tiếng Sinhal, nếu người Pháp ở Québec và người Mỹ gốc Tây Ban Nha chuyển sang nói tiếng Anh?
Đó có vẻ là một lập luận vững chắc. Nhưng giả định ngầm của nó về một thế giới đơn ngữ không tưởng là sai: sự khác biệt về ngôn ngữ không phải là yếu tố quan trọng nhất gây ra xung đột. Những người có thành kiến sẽ nắm lấy bất kỳ sự khác biệt nào để thù hằn người khác, bao gồm cả sự khác biệt về tôn giáo, chính trị, sắc tộc và trang phục. Vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất ở châu âu kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II có liên quan đến những người Xéc-bi Chính thống giáo Đông phương và những người Montenegro (sau này tách khỏi nhau), Công Giáo Croatia và Hồi giáo Bosnia trong khối Nam Tư cũ đã tự giết nhau, mặc dù tất cả đều nói cùng một ngôn ngữ Serbo-Croat. Vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất ở châu Phi kể từ cuối Thế chiến II là ở Rwanda vào năm 1994, khi người Hutu giết chết gần một triệu người Tutsi và gần hết người Twa ở Rwanda và cả hai bên đều nói cùng ngôn ngữ Rwanda. Vụ diệt chủng tồi tệ nhất trên toàn thế giới kể từ cuối Thế chiến II là ở Campuchia, khi người dân Khmer Campuchia dưới chế độ độc tài Pol Pot giết hại khoảng hai triệu người Campuchia không thuộc dân tộc Khmer. Vụ diệt chủng tồi tệ nhất trong lịch sử trên toàn thế giới là ở Nga dưới thời Stalin, khi người Nga sát hại hàng chục triệu người, hầu hết đều nói tiếng Nga, chỉ vì những khác biệt chính trị.
Nếu bạn tin rằng các dân tộc thiểu số nên từ bỏ ngôn ngữ của họ và sử dụng ngôn ngữ chung để thúc đẩy hòa bình, hãy tự hỏi liệu bạn có tin rằng các dân tộc thiểu số cũng nên thúc đẩy hòa bình bằng cách từ bỏ tôn giáo của họ, dân tộc của họ và quan điểm chính trị của họ. Nếu bạn tin vào tự do tôn giáo, dân tộc và quan điểm chính trị nhưng lại cho rằng ngôn ngữ không phải là một nhân quyền không thể nhượng bộ, thì làm cách nào bạn có thể giải thích sự không thống nhất của bạn với một người Kurd hoặc một người Canada gốc Pháp? Vô số các ví dụ xung quanh về những trường hợp ở Stalin, Pol Pot, Rwanda, và Nam Tư cũ đã cảnh báo chúng ta rằng sự đơn ngữ không đảm bảo được hòa bình.
Vì mọi người đều khác nhau về ngôn ngữ, tôn giáo, dân tộc và quan điểm chính trị, lựa chọn duy nhất để tránh khỏi chế độ độc tài hoặc giết người hàng loạt là mọi người phải khoan dung lẫn nhau. Đó không phải chỉ là một hy vọng khi nhàn rỗi. Bất chấp mọi cuộc chiến trong quá khứ về tôn giáo, những người thuộc các tôn giáo khác nhau vẫn tồn tại một cách hòa bình ở Hoa Kỳ, Đức, Indonesia và nhiều nước khác. Tương tự như vậy, nhiều quốc gia thực hiện chính sách hòa hợp về ngôn ngữ thấy rằng họ có thể chấp nhận nhiều người thuộc các ngôn ngữ khác nhau trong hòa bình: ví dụ, 2 ngôn ngữ bản địa ở Hà Lan (tiếng Hà Lan và tiếng Frisian), 2 ngôn ngữ ở New Zealand (tiếng Anh và tiếng Maori), 3 ở Phần Lan (Phần Lan, Thụy Điển và Lapp), 4 ở Thụy Sỹ (Đức, Pháp, ý và Romansh), 43 ở Zambia, 85 Ethiopia, 128 ở Tanzania và 286 ở Cameroon. Trong một chuyến đi đến Zambia khi tôi đến thăm một lớp học, tôi nhớ có một sinh viên đã hỏi tôi, “ông thuộc dân tộc nào ở Mỹ?” Rồi mỗi học sinh nói với tôi tên bộ lạc của chúng cùng với một nụ cười. 7 ngôn ngữ khác nhau tồn tại trong cùng một lớp học nhỏ đó, và không ai có vẻ xấu hổ, sợ hãi, hoặc có ý định giết hại lẫn nhau.
Tại sao phải bảo tồn ngôn ngữ?
Như vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ không gây ra tác hại hay hậu quả rõ ràng nào ngoại trừ nỗ lực học hai thứ tiếng của những người thuộc dân tộc thiểu số và họ có quyền tự quyết định việc có nỗ lực hay không. Vậy thì có bất kỳ lợi ích gì trong việc bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ không? Tại sao chúng ta không để mặc thế giới đồng nhất hóa năm thứ tiếng phổ biến nhất là tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Ả Rập và tiếng Hin-di? Hoặc giả chúng ta hãy thử đẩy lập luận này lên một bước nữa, trước khi các độc giả nói tiếng Anh của tôi hào hứng trả lời, “Vâng!” Nếu bạn nghĩ rằng các ngôn ngữ nhỏ nên nhường đường cho ngôn ngữ lớn, một kết luận hợp lý rút ra là tất cả chúng ta nên chuyển sang nói tiếng Hoa – ngôn ngữ được nói nhiều nhất thế giới và để cho tiếng Anh chết dần. Vậy tại sao chúng ta cần phải bảo vệ tiếng Anh? Trong số rất nhiều câu trả lời, tôi sẽ đề cập đến 3 lý luận.
Đầu tiên, biết được hai hoặc nhiều ngôn ngữ, mỗi cá nhân có thể trở thành song ngữ hoặc đa ngữ. Tôi đã thảo luận trong chương này những bằng chứng về lợi thế trong chức năng nhận thức của các cá nhân song ngữ. Ngay cả khi bạn vẫn hoài nghi về những kết quả báo cáo cho thấy sự song ngữ có thể bảo vệ chống lại các triệu chứng của bệnh Alzheimer, tất cả những người thông thạo nhiều thứ tiếng đều phải thừa nhận rằng kiến thức từ nhiều ngôn ngữ khác nhau làm phong phú thêm cuộc sống của họ, giống như việc có vốn từ vựng lớn hơn dù của chỉ một ngôn ngữ cũng làm cho cuộc sống phong phú hơn là một vốn từ hạn hẹp. Các ngôn ngữ khác nhau có những lợi thế khác nhau, chẳng hạn việc diễn đạt một điều gì đó, hoặc cảm thấy theo một cách nào đó sẽ dễ dàng hơn bằng ngôn ngữ này so với ngôn ngữ khác. Nếu giả thuyết còn gây nhiều tranh cãi của Sapir-Whorf là chính xác, thì cấu trúc của một ngôn ngữ sẽ tạo ra khuôn mẫu về cách thức mà người sử dụng ngôn ngữ đó suy nghĩ, với kết quả thú vị là một người có thể nhìn nhận thế giới và suy nghĩ khác đi khi chuyển đổi giữa các ngôn ngữ. Do đó, việc ngôn ngữ biến mất không chỉ làm giảm tự do của các dân tộc thiểu số; mà còn hạn chế sự lựa chọn của đa số.
Thứ hai, ngôn ngữ là sản phẩm phức tạp nhất của trí tuệ con người, mỗi ngôn ngữ khác nhau trong cách phát âm thanh, cấu trúc và mô hình tư duy. Nhưng bản thân ngôn ngữ không chỉ là điều duy nhất bị mất đi khi ngôn ngữ đó tuyệt chủng. Văn học, văn hóa và nhiều kiến thức khác được mã hóa bằng ngôn ngữ đó. Bởi vậy: mất đi ngôn ngữ, bạn sẽ mất cả nền văn học, văn hóa và những kiến thức khác. Mỗi ngôn ngữ khác nhau có hệ thống số, cách ghi nhớ và hệ thống định hướng không gian khác nhau: ví dụ, việc đếm số bằng tiếng Welsh hoặc tiếng Hoa dễ dàng hơn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các dân tộc truyền thống còn đặt tên bằng tiếng địa phương cho hàng trăm loài động thực vật xung quanh họ: bách khoa toàn thư chứa đựng những thông tin sinh vật dân tộc học này tan biến khi ngôn ngữ của họ biến mất. Trong khi Shakespeare có thể được dịch sang tiếng Hoa, chúng ta những người nói tiếng Anh sẽ xem đó là một sự mất mát cho nhân loại nếu câu nói của Hamlet: “To be or not to be, that is the question” (“Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề”) chỉ còn bằng tiếng Hoa. Những bộ lạc cũng có nền văn học nói của riêng họ và sự mất mát những nền văn học này cũng chính là sự mất mát của cả nhân loại.
Nhưng có lẽ bạn vẫn nghĩ rằng, “Đã quá đủ cho những cuộc nói chuyện mơ hồ này về tự do ngôn ngữ, di sản văn hóa độc đáo, hay quyền lựa chọn cách suy nghĩ và thể hiện khác nhau. Đó là những thứ xa xỉ không được ưu tiên giữa những cuộc khủng hoảng của thế giới hiện đại. Cho đến khi chúng ta giải quyết được những vấn đề kinh tế-xã hội tuyệt vọng của thế giới, chúng ta không thể lãng phí thời gian với chuyện không quan trọng như ngôn ngữ của người Mỹ bản địa.”
Hãy thử suy nghĩ lại về những vấn đề kinh tế-xã hội của những người nói ngôn ngữ bản địa ở Mỹ (và hàng ngàn ngôn ngữ thiểu số khác trên thế giới). Họ là những người nghèo nhất trong xã hội Mỹ. Vấn đề của họ không chỉ giới hạn ở công ăn việc làm, mà còn là vấn đề to lớn hơn về sự tan rã văn hóa. Những nhóm có ngôn ngữ và nền văn hóa bị tan rã thường có xu hướng đánh mất niềm tự hào của họ và khả năng tự nuôi sống mình và từ đó gặp phải các vấn đề về kinh tế xã hội. Họ bị tuyên truyền trong một thời gian dài rằng ngôn ngữ và mọi thứ khác về văn hóa của họ mà họ từng tin vào là hoàn toàn vô giá trị. Từ đó dẫn đến các vấn đề đặt ra cho chính phủ về phúc lợi, chi phí chăm sóc sức khỏe, tệ nạn liên quan đến rượu, ma tuý và làm tiêu tốn rất nhiều nguồn lực thay vì đã có thể dành để đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, các dân tộc thiểu số khác còn duy trì được nền văn hóa và ngôn ngữ của mình một cách nguyên vẹn như một số nhóm nhập cư ở Mỹ gần đây đã đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế thay vì bòn rút từ nó. Trong số các dân tộc thiểu số bản địa cũng vậy, những nhóm có nền văn hóa và ngôn ngữ nguyên vẹn thường có xu hướng vững mạnh về kinh tế và ít có nhu cầu về các dịch vụ xã hội hơn. Thổ dân Cherokee được học tiếng Cherokee ở trường và tiếp tục dùng cả tiếng Cherokee và tiếng Anh thường có trình độ học vấn cao hơn, có khả năng kiếm được việc làm và mức lương cao hơn những người Cherokee không thể nói tiếng Cherokee. Những người thổ dân úc được học về ngôn ngữ và văn hóa truyền thống của họ thường ít bị lạm dụng hơn những người đã cách ly với nền văn hóa truyền thống.
Những chương trình để khôi phục lại nền văn hóa của người Mỹ bản địa đã bị tan rã sẽ có hiệu quả hơn và rẻ hơn so với các khoản chi phí phúc lợi, cho cả người Mỹ dân tộc thiểu số lẫn đại đa số những người nộp thuế. Những chương trình như vậy nhằm mục đích đưa ra các giải pháp dài hạn; trong khi trả tiền trợ cấp thì không. Tương tự như vậy, các quốc gia bị phân cách bởi nội chiến theo biên giới ngôn ngữ sẽ phải chi trả ít hơn để phát triển đất nước (như Thụy Sỹ, Tanzania và nhiều nước khác) dựa trên quan hệ đối tác giữa các nhóm còn nguyên vẹn và vẫn tự hào về họ hơn là tìm cách đè bẹp ngôn ngữ và nền văn hóa của những nhóm thiểu số.
Ngôn ngữ như là trọng tâm của bản sắc dân tộc có thể tạo nên sự khác biệt giữa tồn tại và biến mất không chỉ với các dân tộc thiểu số trong một nước mà còn đối với cả quốc gia. Phân tích tình hình của Anh trong đầu Thế chiến II, vào tháng 5 và tháng 6/1940, khi khả năng phòng vệ của Pháp trước quân Đức Quốc xã xâm lược bị sụp đổ, trong lúc đó Hitler đã chiếm được áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch và các nước vùng đất thấp, khi ý, Nhật Bản và Nga đã ký kết liên minh hoặc các hiệp ước với Hitler và khi Hoa Kỳ vẫn cương quyết duy trì thái độ trung lập. Khả năng Anh chống lại cuộc xâm lược sắp xảy ra của Đức hiện ra vô cùng ảm đạm. Trong Chính phủ Anh có ý kiến cho rằng nước Anh nên tìm cách đàm phán với Hitler, thay vì cố gắng kháng cự trong vô vọng.
Winston Churchill trả lời trong Hạ viện vào ngày 13/5 và ngày 4/6/1940, với bài phát biểu bằng tiếng Anh được trích dẫn nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Giữa những chia sẻ khác, ông nói, “Tôi không có gì khác để hiến dâng ngoài máu, sự cực nhọc, mồ hôi và nước mắt… Bạn hỏi chính sách của chúng tôi là gì? Tôi sẽ nói. Đó là tiến hành chiến tranh, bằng đường biển, đường bộ và đường không, với tất cả sức lực của chúng tôi và với tất cả sức mạnh mà Chúa ban cho chúng tôi: tiến hành chiến tranh chống lại con quái vật của chế độ độc tài, chưa từng bị khuất phục trong bóng tối, chống lại danh sách đáng hổ thẹn những tội ác của con người… Chúng tôi sẽ không đầu hàng hay thất bại. Chúng tôi sẽ đi đến cùng, chúng tôi sẽ chiến đấu ở Pháp, chúng tôi sẽ chiến đấu ở các vùng biển và đại dương, chúng tôi sẽ chiến đấu với sự tự tin dâng cao và sức mạnh vững chắc trên không, chúng tôi sẽ bảo vệ những hòn đảo của mình bằng bất cứ giá nào, chúng tôi sẽ chiến đấu trên bãi biển, chúng tôi sẽ chiến đấu trên những đường băng, chúng tôi sẽ chiến đấu trên những cánh đồng và trên đường phố, chúng tôi sẽ chiến đấu trên những ngọn đồi; chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Nước Anh đã không bao giờ đầu hàng, không đàm phán với Hitler, tiếp tục chiến đấu, sau một năm đã có được Nga, sau đó là Mỹ là đồng minh và sau 5 năm đã đánh bại Hitler. Nhưng kết quả đó không hề được định trước. Giả sử rằng sự đồng hoá những ngôn ngữ nhỏ của châu âu bởi các ngôn ngữ lớn đã đi đến giai đoạn vào năm 1940 khi Anh và tất cả các nước Tây âu khác đã sử dụng ngôn ngữ lớn nhất Tây âu lúc bấy giờ là tiếng Đức. Điều gì đã có thể xảy ra nếu tháng 6/1940 Churchill đã trả lời trước Hạ viện bằng tiếng Đức, chứ không phải bằng tiếng Anh?
Điều tôi muốn nói ở đây là bài phát biểu của Churchill không phải là không thể phiên dịch được; mà ngược lại nó vẫn mạnh mẽ ngay cả bằng tiếng Đức như khi bằng tiếng Anh (“Anbieten kann ich nur Blut, Müh, Schweiss und Träne…”). Thay vì vậy, tiếng Anh chính là đại diện cho mọi thứ giữ cho người Anh tiếp tục chiến đấu trong một cuộc chiến dường như vô vọng. Nói tiếng Anh có nghĩa là thừa kế cả ngàn năm của một nền văn hóa và lịch sử độc lập, sự phát triển dân chủ và nguồn gốc của quốc đảo. Là thừa kế Chaucer, Shakespeare, Tennyson và những tượng đài khác trong văn học tiếng Anh. Là độc lập, tách biệt về lý tưởng chính trị với Đức và những quốc gia châu âu khác. Tháng 6/1940, nói tiếng Anh là một điều đáng để chiến đấu và hy sinh. Trong khi không ai có thể chứng minh điều đó, tôi không tin rằng nước Anh đã có thể chống lại Hitler năm 1940 nếu người Anh đã chuyển sang nói tiếng Đức. Giữ gìn bản sắc ngôn ngữ của một người không phải là một việc nhỏ. Nó giúp người Đan Mạch giàu có, hạnh phúc; giúp một số dân tộc thiểu số, người nhập cư thịnh vượng và đã giúp nước Anh giữ được độc lập.
Làm thế nào để bảo vệ ngôn ngữ?
Nếu cuối cùng bạn cũng đồng ý rằng sự đa dạng ngôn ngữ là không có hại và có thể có lợi, thì chúng ta có thể làm được gì để làm chậm xu hướng suy giảm hiện tại của sự đa dạng ngôn ngữ? Chúng ta có thật sự bất lực trước những thế lực dường như áp đảo tiêu diệt tất cả ngôn ngữ ngoại trừ một số ngôn ngữ lớn trong thế giới hiện đại?
Không, chúng ta không bất lực. Trước hết, các nhà ngôn ngữ học chuyên môn có thể làm được nhiều hơn những gì họ đang làm hiện nay. Phần lớn các nhà ngôn ngữ đều đánh giá thấp việc nghiên cứu những ngôn ngữ đang biến mất. Chỉ đến gần đây họ mới chú ý nhiều hơn tới những mất mát sắp xảy ra của chúng ta. Thật là mỉa mai khi nhiều nhà ngôn ngữ học vẫn đứng nhìn trong thời điểm ngôn ngữ, chủ đề nghiên cứu chính của họ, đang dần biến mất. Chính phủ và xã hội có thể đào tạo và ủng hộ nhiều nhà ngôn ngữ học hơn để nghiên cứu và thu âm lại những người cuối cùng còn nói những thứ tiếng đang chết, để giúp các thành viên còn lại của bộ tộc có thể làm sống lại ngôn ngữ đó ngay cả sau khi những người già cuối cùng sử dụng nó chết đi – như đã xảy ra với tiếng Cornish ở Anh và có thể đang xảy ra với tiếng Eyak ở Alaska. Một câu chuyện thành công đáng chú ý của việc hồi sinh ngôn ngữ là việc tái lập tiếng Do Thái như một ngôn ngữ bản địa trong thời gian gần đây, hiện đã được 5 triệu người sử dụng.
Thứ hai, Chính phủ có thể hỗ trợ các ngôn ngữ thiểu số bằng các chính sách và phân bố ngân sách. Ví dụ như gần đây chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ ngôn ngữ Frisian (được nói bởi khoảng 5% dân số của Hà Lan) và chính phủ New Zealand hỗ trợ ngôn ngữ Maori (được nói bởi khoảng 2% dân số của New Zealand). Sau gần hai thế kỷ chống đối tiếng Mỹ bản địa, chính phủ Mỹ đã thông qua nghị định khuyến khích việc sử dụng những ngôn ngữ này vào năm 1990 và sau đó đã phân bổ một khoản tiền nhỏ (khoảng 2 triệu đô-la mỗi năm) để người Mỹ bản địa học ngôn ngữ của họ. Mặc dù vậy, những con số này cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngôn ngữ đang bị đe dọa vẫn còn một chặng đường dài để đi. Số tiền Chính phủ Mỹ dành để bảo tồn các loài động thực vật đang bị đe dọa còn vượt ngân sách để bảo tồn ngôn ngữ gấp nhiều lần và chi phí để bảo vệ một loài chim (chim kền kền California) thậm chí còn vượt xa tổng chi phí để bảo vệ 100 ngôn ngữ của người Mỹ bản địa đang bị đe dọa. Là một nhà nghiên cứu chim nhiệt huyết, tôi hoàn toàn ủng hộ những chi phí để bảo vệ loài kền kền và tôi dĩ nhiên không muốn nhìn thấy tiền được chuyển từ các chương trình kền kền sang các chương trình ngôn ngữ Eyak. Thay vào đó, tôi đề cập đến sự so sánh này chỉ để minh họa sự mâu thuẫn chung trong hệ thống ưu tiên của chúng ta. Nếu chúng ta đánh giá cao những loài chim đang bị đe dọa, tại sao chúng ta không dành ít nhất sự quan tâm ngang bằng như vậy cho những ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng mà tầm quan trọng còn dễ thấy hơn đối với con người?
Thứ ba, có rất nhiều cách những người nói ngôn ngữ thiểu số có thể tự làm để thúc đẩy ngôn ngữ của họ, phát triển như tiếng Wales, tiếng Pháp ở Québec và nhiều ngôn ngữ bản địa Mỹ đã đạt được một số thành công gần đây. Họ là những người gìn giữ ngôn ngữ của chính họ – những người có thể truyền lại một cách tốt nhất ngôn ngữ cho con cháu của họ, cho các thành viên khác của bộ tộc và để vận động sự hỗ trợ của chính phủ.
Nhưng những nỗ lực này sẽ tiếp tục phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn nếu gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những nhóm đa số, như đã từng xảy ra quá thường xuyên. Những người nói những ngôn ngữ của số đông như chúng ta và đại diện Chính phủ của chúng ta không chủ động thúc đẩy các ngôn ngữ thiểu số nên ít nhất là giữ thái độ trung lập và tránh nghiền nát những nhóm thiểu số. Động cơ của chúng ta có thể đến từ những lý do cá nhân nhất cho đến những lý do to lớn hơn như quyền lợi của các nhóm thiểu số: để truyền lại một thế giới phong phú và mạnh mẽ, thay vì một thế giới nghèo nàn và suy sụp cho con em chúng ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.