Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

CHƯƠNG 8: SƯ TỬ VÀ NHỮNG MỐI NGUY HIỂM KHÁC



Những nguy hiểm trong cuộc sống truyền thống
– Tai nạn
– Cảnh giác
– Bạo lực
– Bệnh tật
– Ứng phó với các dịch bệnh
– Nạn đói
– Tình trạng thiếu lương thực không thể đoán trước
– Phân tán đất canh tác
– Mùa vụ và tình trạng thiếu lương thực
– Mở rộng chế độ ăn uống
– Tập hợp và phát tán
– Ứng phó với nguy hiểm
Những nguy hiểm trong cuộc sống truyền thống
Nhà nhân chủng học Melvin Konner đã sống hai năm cùng với những người!Kung chuyên săn bắt – hái lượm trong một khu vực hẻo lánh thuộc sa mạc Kalahari ở Botswana, cách xa mọi con đường và thị trấn. Thị trấn gần nhất rất nhỏ chỉ với vài chiếc xe máy và trên con đường chạy qua thị trấn, lâu lâu xuất hiện một chiếc xe. Tuy nhiên, khi Konner đưa một người bạn!Kung tên là!Khoma đến thị trấn, người đàn ông này đã vô cùng hoảng sợ khi phải băng qua đường, ngay cả khi không nhìn thấy chiếc xe hơi nào. Cuộc sống của anh ta ở Kalahari chỉ liên quan đến việc đánh lạc hướng sư tử và linh cẩu ra khỏi xác con mồi.
Sabine Kuegler, con gái của cặp vợ chồng truyền giáo người Đức đã lớn lên bênh cạnh cha mẹ cùng những thị tộc Fayu ở các khu rừng đầm lầy của Indonesia New Guinea, nơi cũng không hề có đường sá, xe cơ giới hoặc thị trấn; cô cũng có phản ứng tương tự. Ở tuổi 17, cuối cùng cô rời New Guinea đi học nội trú ở Thụy Sỹ. “Không ngờ ở đây lại có nhiều ô tô như vậy và chúng chạy nhanh không thể tưởng được!… Mỗi khi phải băng qua đường mà không có đèn giao thông, tôi lại bắt đầu đổ mồ hôi. Tôi không thể ước tính được tốc độ của xe và sợ mình sẽ bị đâm phải… Xe ô tô chạy từ cả hai hướng và khi có một khoảng cách nhỏ giữa các làn xe, bạn bè tôi chạy vụt qua đường. Nhưng tôi cứ đứng như trời trồng ở đó… Tôi sợ đến phát khiếp. Tôi đi vòng cho đến khi tìm thấy một con đường có đèn giao thông để băng qua. Cho đến nay, tôi vẫn còn sợ giao thông tấp nập của các thành phố.” Vậy mà Sabine Kuegler lại quen với việc trông chừng lợn rừng và cá sấu trong các rừng đầm lầy ở New Guinea.
Hai câu chuyện tương tự này minh họa cho một số điểm. Con người trong mọi xã hội đều phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng những mối nguy cụ thể của từng xã hội thì khác nhau. Nhận thức của chúng ta về những rủi ro không quen thuộc và những rủi ro quen thuộc thường không thực tế. Người bạn!Kung của Konner và Sabine Kuegler đều có lý, tai nạn giao thông đúng là một trong những mối nguy hiểm hàng đầu ở phương Tây. Nhưng khi sinh viên và phụ nữ Mỹ được yêu cầu đánh giá các loại nguy hiểm trong cuộc sống, họ đều xếp hạng tai nạn hạt nhân nguy hiểm hơn tai nạn xe cộ, mặc dù trên thực tế, tai nạn hạt nhân (thậm chí tính cả số lượng tử vong do hai quả bom nguyên tử được thả vào cuối Chiến tranh Thế giới II) cũng chỉ giết chết một phần rất nhỏ so với số lượng người chết trong các tai nạn xe cộ. Sinh viên Mỹ cũng đánh giá thuốc trừ sâu là cực kỳ nguy hiểm (gần bằng súng và hút thuốc lá), nhưng phẫu thuật lại tương đối an toàn, trong khi phẫu thuật trên thực tế nguy hiểm hơn thuốc trừ sâu rất nhiều.
Người ta có thể cho rằng lối sống truyền thống nhìn chung là nguy hiểm hơn lối sống phương Tây, dựa trên tuổi thọ ngắn hơn. Mặc dù vậy, sự khác biệt này, chỉ mới đạt được gần đây. Trước khi thiết lập chính phủ liên bang cách đây khoảng 400 năm trước giúp làm giảm tác hại của nạn đói, đặc biệt là trước khi các biện pháp y tế công cộng và thuốc kháng sinh có tác dụng chống lại các bệnh truyền nhiễm nào chưa đến 200 năm trước, tuổi thọ ở châu âu và Mỹ không hề cao hơn so với trong xã hội truyền thống.
Những mối nguy hiểm thật sự trong cuộc sống truyền thống là gì? Chúng ta sẽ nhận ra sư tử và cá sấu chỉ là một phần của đáp án. Khi đối diện với nguy hiểm, những người hiện đại như chúng ta đôi khi phản ứng hợp lý bằng cách áp dụng các biện pháp có hiệu quả để giảm thiểu rủi ro, nhưng đôi khi, chúng ta phản ứng vô cùng “phi lý” và không hiệu quả, ví dụ không chấp nhận sự thật, cầu nguyện và hoặc các nghi thức tôn giáo khác. Những người truyền thống phản ứng với nguy hiểm như thế nào? Tôi sẽ thảo luận về bốn nhóm nguy cơ chính mà những người truyền thống phải đối mặt: các mối nguy hiểm từ môi trường, bạo lực, bệnh truyền nhiễm và các bệnh ký sinh trùng, nạn đói. Hai nhóm đầu tiên vẫn còn là những vấn đề lớn trong xã hội phương Tây hiện đại, nhóm thứ ba và đặc biệt là nhóm thứ tư không còn là mối đe dọa lớn (mặc dù chúng vẫn còn rất quan trọng ở một số nơi trong thế giới hiện đại). Sau đó, tôi sẽ đề cập đến cách thức đánh giá không chính xác các loại nguy hiểm của chúng ta, dẫn đến việc phản ứng thái quá với thuốc trừ sâu nhưng lại xem thường nguy cơ trong phẫu thuật.
Tai nạn
Khi nghĩ đến những nguy hiểm con người phải đối diện trong xã hội truyền thống, chúng ta thường nghĩ ngay đến sư tử và các nguy hiểm khác từ môi trường. Trong thực tế, những nguy hiểm từ môi trường chỉ xếp hạng thứ ba trong những nguyên nhân gây tử vong ở hầu hết các xã hội truyền thống, đứng sau bệnh tật và bạo lực. Nhưng nguy hiểm từ môi trường ảnh hưởng đến hành vi của con người nhiều hơn là bệnh tật, bởi đối với những nguy hiểm từ môi trường, mối quan hệ nguyên nhân và hậu quả diễn ra nhanh hơn; dễ tiếp nhận và thấu hiểu hơn.
Bảng 8.1 liệt kê các nguyên nhân chính gây tử vong hay chấn thương trong bảy dân tộc truyền thống mà tư liệu có thể thu thập được. Cả bảy dân tộc sống trong hoặc gần vùng nhiệt đới và đều sống bằng cách săn bắt – hái lượm, trừ hai dân tộc (tộc người Cao nguyên New Guinea và Kaulong) kiếm sống chủ yếu bằng cách trồng trọt. Hiển nhiên, mỗi dân tộc truyền thống khác nhau đối mặt với những mối nguy hiểm khác nhau có liên quan đến môi trường sống của họ. Ví dụ, chết đuối và bị cuốn ra biển trên một tảng băng trôi là những rủi ro của tộc người Inuit ở bờ biển Bắc Cực nhưng không xảy ra với người!Kung ở sa mạc Kalahari, trong khi bị đè chết bởi cây đổ, bị rắn độc cắn là rủi ro mà người lùn Aka và Ache phải đối diện nhưng không xảy ra với người Inuit. Việc rơi vào một hang động ngầm bị sụp xuống là nguy cơ chỉ xảy ra với tộc người Kaulong mà không phải bất kỳ nhóm nào khác trong số bảy dân tộc được nêu, bởi chỉ có người Kaulong sống trong môi trường có nhiều hang động ngầm có trần rất mỏng. Bảng 8.1 rõ ràng đã đánh đồng sự khác biệt giữa giới tính và các nhóm tuổi trong mỗi xã hội: mặc dù tai nạn giết chết đàn ông nhiều hơn phụ nữ đối với các tộc người Ache,!Kung và nhiều dân tộc khác, không chỉ vì việc săn bắt của đàn ông nguy hiểm hơn việc hái lượm của phụ nữ, mà còn vì đàn ông có xu hướng liều lĩnh hơn phụ nữ. Tuy nhiên, Bảng 8.1 vẫn cung cấp đủ thông tin để đi đến một số kết luận.
Bảng 8.1. Các nguyên nhân dẫn đến tử vong và chấn thương do tai nạn
Ache (Paraguay)
1. Rắn độc
2. Báo đốm, sét đánh, lạc đường
3. Cây đổ, bị ngã từ trên cây, nhiễm trùng do vết cắn côn trùng và trầy xước do gai đâm, cháy rừng, chết đuối, phơi mình dưới điều kiện thời tiết xấu, bị thương do búa rìu
! Kung (Nam Phi)
1. Mũi tên tẩm độc
2. Cháy rừng, thú dữ, rắn độc, cây đổ, bị nhiễm trùng vết thương hở, phơi mình dưới điều kiện thời tiết xấu
3. Lạc đường, sét đánh
Người lùn Aka (Trung Phi)
Rơi xuống từ trên cây, cây đổ, thú dữ, rắn độc, chết đuối
Người Cao nguyên New Guinea
1. Cháy rừng, cây đổ, bị nhiễm trùng do côn trùng cắn hoặc trầy xước
2. Phơi mình dưới điều kiện thời tiết xấu, lạc đường
Fayu (vùng thấp ở New Guinea)
Bọ cạp và nhện, rắn độc, lợn rừng, cá sấu, cháy rừng, chết đuối
Kaulong (New Britain)
1. Cây đổ
2. Rơi từ trên cây, chết đuối, bị thương do búa rìu hoặc dao, hang động ngầm bị sụp xuống
Agta (Philippines)
Cây đổ, rơi xuống từ trên cây, chết đuối, các tai nạn do săn bắn và câu cá.
Ngay lập tức, chúng ta nhận ra Bảng 8.1 không hề đề cập đến những nguyên nhân tử vong chính trong các xã hội phương Tây hiện đại: theo thứ tự giảm dần về mức độ, chúng ta bị tử vong trong các tai nạn xe hơi, rượu, súng, phẫu thuật và xe máy, trong đó, ngoại trừ uống rượu thỉnh thoảng có thể ảnh hưởng, còn lại đều không phải là mối nguy đến các dân tộc truyền thống. Ai đó có thể tự hỏi liệu có phải chúng ta đã đơn thuần đánh đổi những mối nguy hiểm như sư tử và cây đổ với những mối nguy hiểm mới như xe cộ và rượu. Nhưng có hai sự khác biệt lớn khác giữa nguy hiểm trong xã hội hiện đại và xã hội truyền thống bên cạnh những loại nguy hiểm cụ thể có liên quan. Thứ nhất là nguy cơ tử vong cộng dồn do tai nạn thấp hơn ở xã hội hiện đại, bởi chúng ta kiểm soát môi trường xung quanh nhiều hơn mặc dù điều này mang theo các mối nguy hiểm mới trong các ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi. Một khác biệt nữa là nhờ y học hiện đại, những thiệt hại do tai nạn của chúng ta thường được chữa trị nhiều hơn trước khi có thể dẫn đến tử vong hoặc gây ra dị tật lâu dài. Khi tôi bị bong gân tay, bác sĩ có thể nẹp tay để chữa trị cho tôi, nó có thể được chữa lành và hồi phục hoàn toàn trong vòng sáu tháng, nhưng một số người bạn New Guinea bị bong gân hay gãy xương không được chữa trị hay chữa trị không đúng dẫn đến tàn tật suốt đời.
Hai sự khác biệt trên là một phần lý do tại sao những người truyền thống sẵn sàng từ bỏ lối sống trong rừng luôn được ngưỡng mộ bởi những người phương Tây – những người không thật sự phải sống trong môi trường đó. Ví dụ, những khác biệt này giải thích tại sao rất nhiều người Ấn Độ Ache từ bỏ cuộc sống tự do như những thợ săn để sống định cư, đối với một số người ngoài, đó có vẻ là một sự xuống cấp. Tương tự như vậy, một người bạn Mỹ của tôi bay nửa vòng trái đất chỉ để gặp một tộc người săn bắt – hái lượm mới được phát hiện ở rừng rậm New Guinea và phát hiện ra rằng phân nửa số người đó đã quyết định di cư đến một ngôi làng Indonesia và mặc áo thun, bởi cuộc sống ở đó an toàn và thoải mái hơn. “Có gạo để ăn và không còn muỗi!” đó là lời giải thích ngắn gọn của họ.
Khi đọc qua bảy mục trong Bảng 8.1, bạn sẽ thấy có một số bối cảnh chung về những mối nguy hiểm đe dọa phần lớn hoặc tất cả các dân tộc truyền thống, nhưng hoàn toàn hiếm gặp hoặc thậm chí lạ lẫm đối với người hiện đại như chúng ta. Động vật hoang dã thực sự là một mối đe dọa lớn đối với các dân tộc truyền thống. Ví dụ, báo đốm gây ra 8% số ca tử vong của những người đàn ông Ache. Sư tử, báo, linh cẩu, voi, bò mộng và cá sấu đe dọa tính mạng người châu Phi, nhưng “tử thần” của người châu Phi lại chính là hà mã. Người!Kung và người lùn Pygmy châu Phi bị giết, bị cắn, bị trầy xước và bị húc không chỉ bởi các động vật lớn ăn thịt mà còn bởi linh dương và những con mồi bị thương khác bị họ săn đuổi. Trong khi chúng ta hoảng sợ khi nghĩ tới cảnh thợ săn người!Kung đánh lạc hướng đàn sư tử khỏi xác con mồi, người!Kung nhận ra rằng những con sư tử nguy hiểm nhất trên thực tế là những con đơn độc quá già, ốm yếu hoặc bị thương để săn những con mồi chạy nhanh nên quay sang tấn công con người.
Rắn độc cũng được xếp vào hạng nguy hiểm đối với người dân vùng nhiệt đới trong Bảng 8.1. Chúng gây ra 14% các ca tử vong ở đàn ông Ache (cao hơn cả báo đốm) và thậm chí dẫn đến tàn tật nhiều hơn nữa. Hầu hết những người Yanomamo trưởng thành và đàn ông Ache đều đã bị cắn ít nhất một lần. Chúng còn được xem là nguy hiểm hơn cả cây đổ – tính cả cây lớn và cành cây rơi đè lên người trong rừng và tính cả tai nạn của người leo lên cây để săn hoặc hái trái hay lấy mật ong bị ngã xuống. Nhóm lửa để sưởi ấm còn nguy hiểm hơn cháy rừng, đến nỗi mà hầu hết người Cao nguyên New Guinea và người!Kung đều bị sẹo bỏng do ngủ bên cạnh lửa khi lớn hay do nghịch lửa khi còn nhỏ.
Tử vong do phơi mình dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt và/hoặc ẩm ướt là mối nguy hiểm bên ngoài vùng nhiệt đới cũng như ở những khu vực cao ở New Guinea hay các nơi khác trong vùng nhiệt đới. Ngay cả đối với những người Ache sống ở Paraguay gần chí tuyến, nhiệt độ mùa đông có thể giảm xuống dưới mức đóng băng, một người Ache bị mắc kẹt trong rừng vào ban đêm mà không có lửa để sưởi ấm có nguy cơ tử vong cao. Trên một trong những ngọn núi cao nhất New Guinea trong chuyến leo núi được chuẩn bị kỹ lưỡng, mặc đủ ấm giữa mùa đông mưa và gió dữ dội ở độ cao 3.352m, tôi đã gặp một nhóm bảy học sinh New Guinea dại dột mặc quần soóc và áo thun đi leo núi vì khi họ khởi hành vào buổi sáng, trời rất quang đãng. Khi tôi gặp họ sau đó vài giờ, họ đã bị co giật và hầu như không nói được nữa. Những người đàn ông địa phương đi cùng với tôi, dắt họ đến một nơi trú ẩn, chỉ cho tôi một đống đá gần đó mà một nhóm 23 người đàn ông trú ẩn trong thời tiết xấu vào năm ngoái đã chết do bị phơi ngoài trời lạnh. Chết đuối và bị sét đánh cũng là những mối nguy hiểm khác đối với cả những người hiện đại lẫn truyền thống.
Người!Kung, New Guinea, Ache và nhiều dân tộc tìm kiếm thức ăn khác nổi tiếng về khả năng theo dấu, đọc được những tín hiệu của môi trường và phát hiện những đường mòn hầu như không thể thấy được. Tuy nhiên, ngay cả họ và đặc biệt là trẻ con đôi khi cũng phạm sai lầm, bị lạc, không thể tìm đường về trại trước khi trời tối, dẫn đến những hậu quả chết người. Những người bạn của tôi đã từng chứng kiến hai bi kịch như vậy ở New Guinea, một lần là một cậu bé bị lạc khi đang đi chung với những người lớn và không bao giờ được tìm thấy dù mọi người đã nỗ lực tìm kiếm cả ngày hôm đó và cả những ngày sau đó. Một tai nạn khác là một người đàn ông khỏe mạnh có kinh nghiệm bị lạc trong núi vào chiều muộn, không thể về được làng của mình và bị chết do phơi đêm trong rừng.
Vẫn còn những nguyên nhân khác gây tai nạn như chính vũ khí và công cụ của họ. Mũi tên của thợ săn!Kung được tẩm độc và chỉ cần vô tình bị đầu tên làm trầy cũng gây nên tai nạn săn bắn nghiêm trọng nhất của người!Kung. Những người truyền thống trên toàn thế giới cũng vô tình tự cắt vào mình bằng dao và rìu, hệt như thợ mộc hay đầu bếp hiện đại.
Không mang tính anh hùng và xảy ra thường xuyên hơn việc chết vì sư tử hay sét đánh là tai nạn chết người hoặc thương tích nhỏ do côn trùng cắn hoặc gai đâm. Ở vùng nhiệt đới ẩm, bất kỳ vết cắn hoặc trầy xước nào thậm chí chỉ từ một con đỉa, rận, muỗi, hay ve cũng có thể bị nhiễm trùng và trở thành một hiện tượng nhiễm trùng mưng mủ (áp-xe) nặng nếu không được điều trị. Ví dụ, một lần khi đến thăm Delba, một người bạn New Guinea từng cùng tôi đi xuyên rừng suốt nhiều tuần liền cách đây hai năm, tôi hoàn toàn bị sốc khi thấy anh phải nằm nhà và hoàn toàn không thể đi lại được do một vết thương nhẹ bị nhiễm trùng, mà có lẽ đã có thể nhanh chóng chữa trị bằng thuốc kháng sinh tôi mang theo nhưng dân làng New Guinea lại không có. Kiến, ong, rết, bọ cạp, nhện và ong bắp cày không chỉ cắn hoặc làm trầy xước mà còn chích nọc độc, đôi khi dẫn đến tử vong. Cùng với cây đổ, bị ong chích và kiến cắn là những mối nguy hiểm mà người New Guinea sợ nhất khi ở trong rừng. Một số loài côn trùng còn đẻ trứng dưới da, từ đó nở ra ấu trùng dẫn đến áp-xe nghiêm trọng gây biến dạng vĩnh viễn.
Trong khi có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn trong xã hội truyền thống, chúng có một số điểm chung. Hậu quả nghiêm trọng của những tai nạn này không chỉ là cái chết mà còn là việc bị tàn tật tạm thời hay vĩnh viễn, ngay cả khi sống sót, ảnh hưởng đến khả năng chu cấp cho con cái và người thân, giảm sức đề kháng, bị tê liệt hoặc phải cắt chi. Chính những hậu quả “nhỏ” này, chứ không phải nguy cơ tử vong, khiến tôi và những người New Guinea rất sợ kiến, ong bắp cày và những vết trầy xước bị nhiễm trùng. Một vết cắn do rắn độc tuy không giết chết nạn nhân nhưng có thể dẫn đến hoại tử và làm nạn nhân bị tê liệt, tàn phế hoặc mất tay hay chân.
Cũng giống nguy cơ nạn đói ở khắp nơi sẽ được thảo luận sau trong chương này, những mối nguy hiểm do môi trường ảnh hưởng đến hành vi của người dân nhiều hơn những gì có thể dự đoán được từ số ca tử vong hoặc chấn thương cụ thể. Trong thực tế, số ca tử vong có thể rất thấp vì con người có hành vi đề phòng hơn vào các mối nguy hiểm này. Ví dụ, sư tử và những loài động vật ăn thịt lớn khác chỉ gây ra 5 trong 1.000 ca tử vong của người!Kung, điều này có thể dẫn đến một kết luận sai lầm rằng sư tử không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người!Kung. Ngược lại, số người chết rất thấp phản ánh ảnh hưởng sâu sắc của sư tử đến cuộc sống dân tộc!Kung. Người New Guinea sống trong môi trường ít bị đe dọa bởi động vật ăn thịt thường đi săn vào ban đêm; trong khi người!Kung không bao giờ làm vậy vì khi đó rất khó để họ phát hiện động vật nguy hiểm và dấu vết của chúng, hơn nữa động vật ăn thịt nguy hiểm thường hoạt động tích cực hơn vào ban đêm. Phụ nữ!Kung luôn đi tìm thức ăn theo nhóm, liên tục gây tiếng ồn và nói chuyện lớn tiếng để đảm bảo động vật không bị bất ngờ, luôn quan sát dấu vết và tránh chạy nhảy (vì điều này sẽ kích động loài động vật ăn thịt tấn công). Nếu có bóng dáng động vật ăn thịt ở xung quanh, người!Kung có thể hạn chế việc đi ra khỏi trại của họ trong vài ngày.
Hầu hết các tai nạn do động vật, rắn, cây đổ, ngã từ trên cây, cháy rừng, phơi mình dưới điều kiện thời tiết xấu, bị lạc, chết đuối, côn trùng cắn và gai đâm – đều có liên quan đến việc ra ngoài tìm thức ăn hoặc sản xuất lương thực. Hầu hết các tai nạn như vậy có thể tránh được bằng cách ở nhà hoặc ở trong trại, nhưng điều này sẽ dẫn đến việc không có thức ăn. Những mối nguy hiểm từ môi trường minh họa rõ nguyên tắc Wayne Gretzky: “Nếu không thử ghi bàn, bạn sẽ không đá hụt nhưng chắc chắn cũng không có bàn thắng nào.” Những người nông dân và những người kiếm ăn truyền thống, thậm chí còn hơn cả Wayne Gretzky khi phải cân bằng giữa những mối nguy hiểm và nhu cầu thường trực phải ghi bàn liên tục. Tương tự, những cư dân thành phố hiện đại có thể tránh được nguy hiểm lớn nhất của cuộc sống đô thị là tai nạn xe hơi, bằng cách ở nhà và tránh đối diện với hàng ngàn người khác đang phóng xe thất thường từ 100 đến 160km/giờ trên đường cao tốc. Nhưng công việc và việc mua sắm của chúng ta hầu hết đều phụ thuộc vào việc lái xe.
Cảnh giác
Các dân tộc truyền thống làm thế nào để thích nghi với thực tế rằng họ luôn sống khi những mối nguy hiểm từ môi trường luôn rình rập? Phản ứng của họ bao gồm việc hoang tưởng có căn cứ, phản ứng tôn giáo (sẽ được thảo luận trong chương 9) và nhiều lối sống cũng như thái độ khác.
Người!Kung luôn cảnh giác. Trong khi tìm kiếm thức ăn hoặc đi xuyên qua các bụi cây, họ luôn quan sát, lắng nghe tiếng động vật và con người; đồng thời luôn kiểm tra dấu để lại trên cát để suy đoán đó là dấu vết được tạo ra bởi động vật hay người, nó đi về hướng nào, ở tốc độ nào, cách đó bao lâu và có nên hay làm thế nào để thay đổi kế hoạch của họ cho phù hợp. Ngay cả khi ở trong trại, họ vẫn phải tiếp tục cảnh giác vì dù có đông người, tiếng ồn và lửa có thể gây sợ hãi nhưng một số động vật đôi khi vẫn chui vào trại, đặc biệt là rắn. Nếu loài rắn độc có tên là Mamba đen được phát hiện có trong trại, người!Kung thường sẽ bỏ trại thay vì cố giết nó. Điều này có vẻ là phản ứng thái quá đối với chúng ta, nhưng Mamba đen là một trong những loài rắn nguy hiểm nhất châu Phi vì có kích thước lớn (gần 3m), di chuyển nhanh, những chiếc răng nanh dài và nọc độc rất mạnh có thể làm tê liệt hệ thần kinh của người bị cắn; hầu hết các vết cắn đều gây chết người.
Trong bất kỳ môi trường nguy hiểm nào, kinh nghiệm tích lũy dạy cho con người quy tắc xử lý để giảm thiểu rủi ro, những quy tắc này đáng tuân theo ngay cả khi người ngoài coi đó là phản ứng thái quá. Những gì Jane Goodale viết về cuộc sống của người dân Kaulong trong rừng nhiệt đới New Britain cũng có thể áp dụng với các dân tộc truyền thống ở những nơi khác, chỉ cần thay những ví dụ cụ thể: “Phòng chống tai nạn rất quan trọng, kiến thức về việc làm như thế nào, khi nào và trong hoàn cảnh nào nên hay không nên đấu tranh là cực kì quan trọng để thành công và tồn tại. Đáng chú ý hơn, bất kỳ sự đổi mới nào trong kỹ thuật hoặc trong hành vi có liên quan đến môi trường tự nhiên đều được coi là vô cùng nguy hiểm. Có một phạm vi khá hẹp của những hành vi đúng, vượt ngoài phạm vi đó là những nguy hiểm đặc thù và thường được nhắc đến với việc mặt đất dưới chân đột ngột bị nứt ra, cây đổ lên người đi bên dưới, hoặc nước lũ đột nhiên dâng lên khi một người cố băng qua sông. Ví dụ, tôi đã bị cấm ném đá trên mặt sông (‘lũ sẽ đến’); không được chơi với lửa (‘mặt đất sẽ mở ra’, hay ‘ngọn lửa sẽ đốt cháy bạn, chứ không nấu chín thức ăn của bạn’); không được gọi tên hang dơi khi đi săn dơi (‘hang sẽ sụp xuống’); và nhiều cái ‘không nên’ khác đi kèm với những biện pháp trừng phạt tương ứng từ thiên nhiên. Thái độ này ăn sâu vào nền tảng triết lý về cuộc sống mà một người bạn New Guinea tóm tắt cho tôi: “Mọi thứ xảy ra đều có lý do, vì vậy người ta phải thận trọng.”
Một phản ứng chung của người phương Tây đối với hiểm nguy, mà tôi không bao giờ gặp ở những người New Guinea giàu kinh nghiệm là tỏ ra là “đại trượng phu” (macho), là chủ động tìm hoặc thích tận hưởng những tình huống nguy hiểm, hoặc vờ không sợ hãi và cố che giấu nỗi sợ của mình. Marjorie Shostak đã ghi chú lại việc thiếu thái độ “macho” của phương Tây ở những người Kung: “Săn bắn thường rất nguy hiểm. Người!Kung đối diện với nguy hiểm một cách can đảm, nhưng họ không tìm kiếm hay chấp nhận rủi ro chỉ để chứng minh lòng can đảm của họ. Chủ động tránh các tình huống nguy hiểm được coi là thận trọng, thay vì là hèn nhát hay thiếu nam tính. Hơn ai hết, những chàng trai trẻ không được khuyến khích để chinh phục nỗi sợ hãi của họ và hành động như những người đàn ông trưởng thành. Đối với những rủi ro không cần thiết, người!Kung nói, “Nhưng người ta có thể chết!”
Shostak đã đi sâu vào mô tả cách một cậu bé!Kung 12 tuổi tên là Kashe cùng anh em họ và cha của mình thuật lại chi tiết một chuyến đi săn thành công, mà người cha đã đâm chết một con linh dương Nam Phi lớn, một con linh dương có sừng dài và sắc như dao cạo. Khi Shostak hỏi Kashe có giúp cha săn không, Kashe cười và tự hào trả lời, “Không, cháu trốn tuốt lên cây!” Nó cười to một cách thoải mái. Bối rối, ông hỏi lại và thằng bé trả lời rằng nó và những người anh em họ của nó đã lập tức trèo lên cây ngay khi con vật ngừng chạy và đứng trụ trên mặt đất. ông trêu nó, mọi người chắc đã chết đói nếu nó và anh em họ đi săn. Nó lập tức cười và nói: “Vâng, nhưng chúng cháu sợ quá!” Không chút bối rối hay cố giải thích về việc mà trong nền văn hóa của chúng ta được xem là thiếu can đảm… Còn nhiều thời gian để nó học cách đối mặt với động vật nguy hiểm rồi giết chúng mà không chút nghi ngờ trong tâm trí nó (hoặc của cha nó, đánh giá từ biểu hiện trên khuôn mặt ông), rằng nó chắc chắn sẽ làm được điều đó vào một ngày nào đó. Khi được hỏi, người cha cười rạng rỡ, “Trốn trên cây? Tất nhiên rồi. Chúng chỉ là trẻ con. Chúng có thể bị thương mà.”
Người New Guinea, người!Kung và các dân tộc truyền thống khác kể cho nhau nghe những câu chuyện dài khi con người đối diện với nguy hiểm, không chỉ để giải trí khi không có tivi và sách vở, mà còn vì tính giáo dục của những câu chuyện này. Kim Hill và A. Magdalena Hurtado đưa ra một số ví dụ từ những câu chuyện bên đống lửa của người Ache, “Những câu chuyện về tai nạn đôi khi được kể trong những buổi tối khi các thành viên trong tộc so sánh các sự kiện trong ngày với những việc từng xảy ra trong quá khứ. Trẻ em bị mê hoặc bởi những câu chuyện này và có thể rút ra những bài học vô giá về sự nguy hiểm của rừng sâu, những điều sẽ ảnh hưởng đến việc sống còn của chúng sau này. Một cậu bé từng chết vì quên không ngắt đầu con ấu trùng cọ trước khi nuốt nó. Hàm răng con ấu trùng đã móc vào cổ họng làm cậu bé bị nghẹn mà chết. Một vài lần, những cậu thiếu niên đi tách xa những người đàn ông trưởng thành khi săn bắt đã không bao giờ được tìm thấy nữa hoặc chỉ tìm thấy xác vài ngày sau đó. Một người thợ săn đào bẫy đã bị ngã cắm đầu xuống hố và chết vì ngộp thở. Có những người khác chết vì ngã từ trên cây cao gần 40m khi cố lấy lại mũi tên nhắm bắn một con khỉ. Một cô bé rơi vào hố do một thân cây bao báp bị mục tạo ra và gãy cổ chết. Nhiều người đàn ông bị báo đốm Mỹ tấn công. Phần thân thể còn lại của họ đôi khi được tìm thấy, nhưng nhiều người đã hoàn toàn biến mất. Một cậu bé bị một con rắn độc cắn vào đầu và qua đời khi đang ngủ trong trại. Một phụ nữ cao tuổi đã chết do cây đổ. Một người đàn ông bị gấu cắn và đã chết vì vết thương. Tương tự, một thợ săn bị cắn vào cổ tay, động mạch và tĩnh mạch chính của ông bị đâm thủng và ông chắc chắn sẽ chết nếu không được cứu sống bởi kỹ thuật y tế hiện đại. Một cô gái nhỏ bị ngã xuống sông trong khi băng qua cầu và đã bị cuốn đi… Cuối cùng là một sự kiện hoàn toàn do vận đen khi 6 người thiệt mạng do trại của họ bị sét đánh trong một cơn bão.”
Bạo lực
Xã hội truyền thống chứa đựng nhiều cấp độ và hình thức tử vong do bạo lực của con người, thường được xếp hạng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất hoặc thứ nhì (chỉ sau bệnh tật). Một yếu tố ảnh hưởng đến mức độ của bạo lực là sự quản lý của nhà nước hoặc sự can thiệp từ bên ngoài để ngăn chặn hoặc đàn áp vấn đề bạo lực. Hình thức bạo lực có thể khái quát chia thành hai dạng – chiến tranh (được thảo luận trong chương 3 và 4) hoặc mưu sát; chiến tranh được định nghĩa là cuộc chiến giữa các tập thể hoặc giữa các nhóm người khác nhau, trong khi mưu sát được xem là những vụ giết các cá nhân trong một nhóm. Tuy nhiên, ranh giới này nhiều khi trở nên không rõ ràng khi phải xác định việc giết người giữa các nhóm lân cận là mưu sát trong tộc hay chiến tranh ngoại tộc. Mơ hồ hơn nữa là việc giết người hàng loạt: ví dụ, đã có số liệu công bố về việc giết trẻ sơ sinh và người già ở người Ache, nhưng người!Kung thì không, dù các tác giả khác nhau vẫn còn tranh cãi về tần suất giết trẻ sơ sinh của người!Kung. Sự lựa chọn nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân và kẻ giết người, cũng rất khác nhau giữa các xã hội. Ví dụ, nạn nhân của bạo lực trong tộc người Ache chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong khi nạn nhân chính trong tộc người!Kung là nam giới trưởng thành.
Những nghiên cứu về vấn đề bạo lực của người!Kung được chú ý vì nhiều lý do. Những nghiên cứu đầu tiên về người!Kung của những nhà nhân chủng học mô tả họ như những người chuộng hòa bình và không bạo lực, nhận xét này phổ biến đến mức một cuốn sách nổi tiếng xuất bản vào năm 1959, giai đoạn mở đầu của lịch sử nghiên cứu người!Kung hiện đại, được đặt tên là Dân tộc Vô hại. Trong suốt ba năm sống giữa cộng đồng người!Kung vào những năm 1960, Richard Lee quan sát được 34 trận đánh nhau dữ dội nhưng không có người tử vong nào, và những người cung cấp thông tin khẳng định với ông rằng thực sự không có vụ giết người nào xảy ra trong những năm đó. 14 tháng sau khi Lee có mặt tại khu vực này và quen thân hơn với những người cung cấp thông tin của mình, họ mới sẵn sàng kể cho ông nghe về những vụ giết người trong quá khứ. Sau đó, bằng cách kiểm tra chéo thông tin giữa các nguồn khác nhau, Lee đã có được một danh sách đáng tin cậy với đầy đủ tên, giới tính và tuổi của những kẻ giết người lẫn nạn nhân, cũng như mối quan hệ giữa kẻ giết người và nạn nhân, hoàn cảnh, động cơ, thời gian và vũ khí sử dụng trong 22 vụ giết người từ năm 1920 đến năm 1969. Danh sách đó không tính đến các trường hợp giết trẻ sơ sinh và người già, mà Lee tin rằng hiếm khi xảy ra, nhưng các cuộc phỏng vấn phụ nữ người!Kung của Nancy Howell cho biết những trường hợp giết trẻ sơ sinh vẫn xảy ra. Lee kết luận rằng 22 vụ giết người này là tổng số trường hợp tử vong do bạo lực trong khu vực nghiên cứu của mình từ năm 1920 đến năm 1969.
Tất cả 22 trường hợp giết người này chắc chắn đều được coi là mưu sát mà không phải chiến tranh. Trong một số trường hợp, nạn nhân và kẻ giết người đều thuộc cùng một trại, trong các trường hợp khác họ thuộc các trại khác nhau, nhưng không có trường hợp nào liên quan đến nhóm người từ trại này tìm cách giết nhóm người từ một trại khác (chiến tranh). Trong thực tế, không có sự kiện nào có liên quan đến chiến tranh giữa những người!Kung xảy ra trong khu vực của Lee trong giai đoạn 1920-1969. Nhưng người!Kung khẳng định rằng họ từng có xung đột đánh phá, tương tự như những “cuộc chiến tranh” của các dân tộc truyền thống khác, trong thế hệ trước của những người!Kung cao tuổi nhất còn sống – tức là, trước khi những người chăn nuôi Tswana bắt đầu đến giao thương hàng năm với người!Kung trong thế kỷ XX. Chúng ta đã thấy trong chương 4 rằng sự xuất hiện của thương nhân cũng có tác dụng kìm hãm chiến tranh của người Inuit, mặc dù đó không phải là mục đích của bất kỳ thương nhân nào đối với người Inuit hay người!Kung. Thay vào đó, chính người Inuit tự nguyện dừng chiến tranh để có nhiều cơ hội phát triển giao thương hơn và người!Kung có lẽ cũng làm điều tương tự.
Tỷ lệ mưu sát của người!Kung là 22 vụ giết người trong 49 năm. Điều này nghe thật lạ thường đối với độc giả ở các thành phố của Mỹ, nơi mà bất kỳ ngày nào họ cũng có thể tìm thấy tin tức về hàng loạt vụ giết người xảy ra trong thành phố của họ trong vòng 24 giờ qua trên báo. Một trong những lý do của việc này đương nhiên là sự khác biệt về dân số nơi có các vụ giết người, đối với các thành phố của Mỹ là hàng triệu người trong khi chỉ có khoảng 1.500 người!Kung được Lee khảo sát. Nếu dựa trên cơ sở dân số này, thì cứ 100.000 người!Kung sẽ xảy ra 29 vụ giết người mỗi năm, con số này gấp ba lần tỷ lệ giết người ở Mỹ và gấp 10 đến 30 lần so với Canada, Anh, Pháp và Đức. Tỷ lệ này của người!Kung, cũng giống như ở Mỹ, không bao gồm số lượng tử vong trong những “cuộc chiến tranh”.
Con số 22 vụ giết người trong 49 năm của dân tộc!Kung còn mang ý nghĩa giáo dục vì một lý do khác. Đối với một nhà nhân chủng học thực hiện nghiên cứu thực tế về một nhóm người trong vòng một năm, tỷ lệ một vụ giết người trong vòng 27 tháng có nghĩa là hầu như sẽ không có bất kỳ vụ giết người nào xảy ra trong thời gian nghiên cứu, và các nhà nhân chủng học sẽ kết luận đây là một dân tộc hòa bình. Ngay cả khi các nhà nhân chủng học sống ở đó 5 năm, một khoảng thời gian đủ dài để xảy ra một vụ giết người theo tỷ lệ của người!Kung, án mạng đó cũng khó có thể diễn ra trước mắt họ, việc đánh giá mức độ bạo lực vì vậy sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc những người cung cấp thông tin cho họ có kể lại hay không. Tương tự như vậy, mặc dù Hoa Kỳ bị xếp hạng là nước có tỷ lệ giết người cao nhất trong Thế giới Thứ nhất, cá nhân tôi chưa bao giờ chứng kiến một vụ giết người nào và cũng rất ít trong số những người tôi quen biết thực sự tận mắt thấy án mạng xảy ra. Những số liệu của Nancy Howells cho thấy bạo lực là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong trong xã hội!Kung, đứng sau bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng, nhưng đứng trước các bệnh do thoái hóa và tai nạn.
Chúng ta cũng nên xem xét đến lý do tại sao tử vong do bạo lực lại chấm dứt thời gian gần đây trong xã hội!Kung. Vụ giết người cuối cùng được Lee ghi chép lại xảy ra vào mùa xuân năm 1955, hai người đàn ông!Kung giết chết một người đàn ông!Kung khác. Hai kẻ giết người đã bị cảnh sát bắt giữ, bị xét xử rồi tống giam và đã không quay lại quê hương của họ nữa. Sự kiện này xảy ra ba năm sau khi cảnh sát bỏ tù một kẻ giết người khác. Từ năm 1955 cho đến khi Lee công bố những phân tích của ông vào năm 1979, không có án mạng nào khác xảy ra trong khu vực ông nghiên cứu. Chuỗi sự việc này cho thấy vai trò to lớn của chính phủ trong việc kiểm soát bạo lực. Vai trò tương tự đó cũng trở nên rõ ràng qua những sự kiện chính trong lịch sử thực dân và hậu-thực dân của New Guinea trong 50 năm qua: lần lượt là sự giảm sút đáng kể trong vấn đề bạo lực sau khi thành lập chính quyền kiểm soát của úc và Indonesia tương ứng ở những vùng sâu vùng xa phía đông và phía Tây New Guinea, trước khi có chính quyền nhà nước; tỷ lệ bạo lực rất thấp được duy trì dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ ở vùng Indonesia New Guinea; và sự xuất hiện trở lại của các vấn đề bạo lực ở Papua New Guinea sau khi chính quyền thực dân úc nhường quyền lại cho chính quyền nhà nước quản lý ít nghiêm ngặt hơn. Xu hướng bạo lực giảm đi dưới sự kiểm soát của chính phủ nhà nước không phủ nhận thực tế là xã hội truyền thống vẫn có những phương cách phi bạo lực để giải quyết hầu hết các tranh chấp của họ trước khi chúng có cơ hội trở thành bạo lực thực sự (chương 2).
Chi tiết của 22 vụ án mạng người!Kung như sau. Những kẻ giết người và 19 trong số 22 nạn nhân, đều là đàn ông từ 20 đến 55 tuổi, chỉ có 3 nạn nhân là phụ nữ. Trong tất cả các trường hợp kẻ giết người đều biết nạn nhân là họ hàng xa; xã hội!Kung hoàn toàn không có các vụ giết người lạ – việc thường xảy ra ở Mỹ trong các vụ cướp bóc hoặc đua xe. Mọi vụ giết người đều diễn ra công khai trong trại, trước sự chứng kiến của những người khác. Chỉ có 5 trong số 22 vụ án mạng đó được tính toán trước. Ví dụ, trong thảm kịch xảy ra vào khoảng năm 1948, một kẻ giết người khét tiếng và có thể bị tâm thần tên là /Twi, kẻ đã giết hai người đàn ông, bị phục kích và bắn với một mũi tên độc bởi một người tên là /Xashe. Dù bị thương /Twi vẫn cố gắng đâm giáo xuyên qua miệng một phụ nữ tên //Kushe và bắn chồng của //Kushe tên là N!eishi từ phía sau với một mũi tên độc, trước khi mọi người tập trung bắn tên độc vào /Twi cho đến khi hắn trông như một con nhím, sau đó dùng giáo đâm vào xác của hắn. 17 án mạng khác của người!Kung chỉ là do các trận đánh nhau tự phát. Ví dụ, một trận đánh nhau đã xảy ra tại N≠Wama chỉ vì một người đàn ông từ chối không cho người đàn ông khác kết hôn với em gái của vợ hắn. Trận đánh trở nên nghiêm trọng hơn, người chồng bắn em dâu của mình; kẻ cầu hôn em dâu, cha và anh trai của hắn và người chồng lẫn đồng minh của ông ta, bắn tên và đâm giáo vào nhau; giữa vô vàn những trận chiến song song, cha của người cầu hôn bị trúng tên tẩm độc vào đùi và một mũi giáo cắm vào sườn.
Hầu hết các vụ giết người!Kung (15 trong số 22) đều là một phần của những mối thù truyền kiếp trong đó cái chết này dẫn đến cái chết khác và tiếp tục đến 24 năm sau đó; vòng luẩn quẩn của các vụ giết người trả thù này cũng chính là đặc trưng của chiến tranh truyền thống (chương 3 và 4). Trong số những động cơ giết người trong xã hội!Kung, ngoài việc mưu sát để trả thù cho một án mạng trước đó, ngoại tình là một trong những lý do thường được nhắc đến nhất. Ví dụ, một người chồng có vợ ngủ với một người đàn ông khác đã tấn công và làm bị thương kẻ ngoại tình, nhưng hắn lại xoay xở giết chết người chồng. Một người chồng bị cắm sừng khác đâm chết vợ mình bằng một mũi tên độc, sau đó bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.
Đối với những xã hội có quy mô nhỏ hơn, một số ít bạo lực hơn so với người!Kung (Ví dụ, người lùn Aka, người Siriono), trong khi một số khác lại bạo lực hơn (ví dụ, người Ache, Yanomamo, Greenland và Iceland Norse). Trong giai đoạn người Ache vẫn còn sống trong rừng bằng cách săn bắt – hái lượm trước năm 1971, bạo lực là nguyên nhân dẫn đến tử vong phổ biến nhất, trên cả bệnh tật. Hơn một nửa số người Ache bị giết bởi những người Paraguay không thuộc tộc Ache, nhưng số lượng người Ache giết người Ache vẫn chiếm đến 22% số tử vong. Ngược lại với xu hướng bạo lực của người!Kung nhắm chủ yếu vào người lớn, hầu hết (81%) các nạn nhân bị giết chết trong xã hội Ache là trẻ em hoặc trẻ sơ sinh – ví dụ, trẻ em (chủ yếu là bé gái) bị giết để chôn cùng với một người lớn khác, trẻ em bị giết hoặc chết vì bị bỏ rơi khi cha chúng bị chết hoặc bỏ trốn, hoặc trẻ sơ sinh bị giết vì chúng được sinh ra trong một thời gian quá ngắn từ khi anh chị em của chúng ra đời. Một điểm khác cũng đối lập với người!Kung, hình thức giết người cùng tộc phổ biến nhất trong xã hội Ache không phải là các trận đánh nhau tự phát với bất cứ vũ khí nào tìm được, mà là những nghi lễ và các trận chiến được lên kế hoạch trước và vũ khí được chuẩn bị riêng. Cũng như người!Kung, sự can thiệp của nhà nước đã làm giảm đáng kể mức độ bạo lực giữa các nhóm người Ache: kể từ khi họ bắt đầu sống định cư từ năm 1977 và chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà nước Paraguay, việc người Ache giết hại lẫn nhau đã chấm dứt và việc giết hại con cái hay trẻ sơ sinh cũng đã giảm.
Làm thế nào để mọi người trong xã hội truyền thống tự bảo vệ mình khi không có chính quyền nhà nước và cảnh sát trước sự đe dọa liên tục của vấn đề bạo lực? Phần lớn của câu trả lời là họ đã thực hành hoang tưởng có căn cứ. Một quy tắc phổ biến là phải cẩn thận với người lạ: họ thường giết chết hoặc xua đuổi những kẻ lạ mặt xuất hiện trên lãnh thổ của mình, vì người lạ có thể đến để trinh sát lãnh thổ của bạn hoặc để giết một thành viên của bộ lạc. Một quy tắc khác là phải cẩn thận về khả năng bị đồng minh phản bội, hoặc (ngược lại) phải phản bội lại những đồng minh có nhiều khả năng thay lòng. Một ví dụ điển hình là chiến thuật của Yanomamo trong chiến tranh với việc mời mọi người của làng lân cận đến dự tiệc tại làng của mình, và rồi giết họ khi họ đã hạ vũ khí và ngồi xuống ăn. Don Richardson ghi chú lại rằng những người Sawi phía tây nam New Guinea xem việc phản bội này là thượng sách, thay vì giết chết kẻ thù trực tiếp thì tốt hơn là thuyết phục kẻ thù tin vào tình bạn, mời chúng đến thăm và dự tiệc cùng bạn liên tục trong tháng, sau đó, nhìn sự hoảng sợ của chúng khi bạn tuyên bố trước khi giết chết chúng, “Tuwi asonai makaerin!” (Chúng tao đã vỗ béo chúng mày bằng tình bạn để sẵn sàng cho ngày hành quyết!)
Một chiến thuật khác để giảm nguy cơ bị tấn công là việc chọn vị trí của ngôi làng, thường phục vụ cho mục đích phòng vệ, nơi có tầm nhìn xung quanh tốt nhất. Ví dụ, làng của người vùng núi New Guinea điển hình luôn nằm trên đỉnh đồi, và những người định cư Anasazi giai đoạn sau tại phía Tây Nam nước Mỹ luôn chọn những vị trí chỉ có thể đến được bằng một chiếc thang mà họ có thể kéo lên và cắt đứt lối vào. Trong khi các vị trí như vậy bắt buộc người dân phải mang nước lên một đoạn đường dốc dài nhiều gian khổ từ con sông ở thung lũng bên dưới, sự vất vả này được coi là tốt hơn so với nguy cơ bị tấn công bất ngờ ở vùng thung lũng. Khi mật độ dân số hoặc tỷ lệ giao chiến gia tăng, người dân có xu hướng chuyển từ những túp lều phân tán không được bảo vệ, tập hợp lại tại những khu trại lớn để tự vệ tốt hơn.
Từng nhóm tự bảo vệ mình bằng cách thiết lập một mạng lưới liên minh với các nhóm khác, và từng cá nhân liên minh với các cá nhân khác. Mục đích của việc trò chuyện liên tục đã từng làm tôi ngỡ ngàng ở New Guinea, và cũng gây ngạc nhiên đối với các du khách đến những xã hội truyền thống khác, là để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về mỗi cá nhân trong vòng tiếp xúc của họ, và để liên tục theo dõi hoạt động của người khác. Nguồn thông tin tốt nhất là từ những phụ nữ được sinh ra trong một thị tộc, sau đó cưới người thuộc một thị tộc khác, được gọi là cư trú phụ hệ trong mô hình cuộc sống truyền thống phổ biến (ví dụ, các cô dâu đến sống chung với gia đình chồng thay vì người chồng chuyển đến thị tộc của vợ). Những người phụ nữ như vậy thường sẽ cảnh báo người thân của họ khi chồng hoặc những người thân bên chồng lên kế hoạch tấn công thị tộc của họ. Cuối cùng, cũng giống như những câu chuyện bất tận bên lửa trại trong buổi tối về các tai nạn, ngoài mục đích giải trí, còn có tác dụng giáo dục trẻ em (và mọi người khác) về các nguy hiểm của môi trường xung quanh; những cuộc trò chuyện không hồi kết về các cuộc tấn công cảnh báo người nghe về những nguy hiểm phát sinh từ những người khác, cũng như đem đến nguồn giải trí thú vị.
Bệnh tật
Tùy thuộc vào mỗi xã hội truyền thống, bệnh tật có thể được xếp là mối đe dọa hàng đầu đối với đời sống con người (ví dụ, với người Agta và!Kung, ước tính tương ứng 50-86% và 70-80% các trường hợp tử vong là do bệnh tật); hoặc xếp hạng thứ hai sau bạo lực (ví dụ, dân tộc Ache “chỉ” có 1/4 số ca tử vong trong điều kiện của cuộc sống trong rừng là do bệnh tật). Nhưng cũng phải nói thêm rằng những người bị suy dinh dưỡng dễ bị nhiễm trùng hơn, vì vậy tình trạng thiếu lương thực là một yếu tố góp phần quan trọng vào nhiều trường hợp tử vong được ghi nhận là do bệnh truyền nhiễm.
Trong số các loại bệnh, tầm ảnh hưởng của mỗi loại đối với các dân tộc truyền thống là khác nhau tùy theo lối sống, vị trí địa lý và tuổi tác. Nhìn chung, các bệnh truyền nhiễm tác động lớn nhất lên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dù vẫn có tầm ảnh hưởng quan trọng đến mọi lứa tuổi. Bệnh do ký sinh trùng rất nguy hiểm trong thời thơ ấu. Bệnh có liên quan đến ký sinh trùng giun (như giun móc, sán dây) và các ký sinh trùng đơn bào do côn trùng sinh ra (như sốt rét và các tác nhân gây ra bệnh buồn ngủ nhiệt đới) thường ảnh hưởng đến các dân tộc vùng nhiệt đới ấm hơn là các dân tộc ở Bắc Cực, sa mạc và trên đỉnh núi lạnh – nơi mà giun và các ấu trùng khó tồn tại. Giai đoạn về già, các bệnh thoái hóa của xương, khớp và mô mềm, chẳng hạn như viêm khớp, viêm khớp xương, loãng xương, gãy xương và rụng răng trở nên trầm trọng. Do lối sống của các dân tộc truyền thống đòi hỏi hoạt động thể chất cao hơn chúng ta trong xã hội hiện đại, nên khi lớn tuổi, họ bị ảnh hưởng bởi các bệnh thoái hóa nhiều hơn chúng ta. Ngược lại, các dân tộc truyền thống rất hiếm hoặc hầu như không có các bệnh nguy hiểm hàng đầu trong xã hội hiện đại ngày nay như bệnh động mạch vành và các loại xơ vữa động mạch, đột quỵ, bệnh cao huyết áp, bệnh béo phì ở người lớn và hầu hết các bệnh ung thư. Tôi sẽ thảo luận những lý do dẫn đến sự khác biệt rõ rệt này trong vấn đề y tế của xã hội hiện đại và xã hội truyền thống trong chương 11.
Chỉ trong vòng 2 thế kỷ qua, các bệnh truyền nhiễm đã không còn đe dọa con người trong xã hội hiện đại nhiều như trước. Lý do của sự thay đổi này bao gồm việc nâng cao vệ sinh môi trường; việc lắp đặt nguồn cung cấp nước sạch của chính quyền nhà nước, việc tiêm chủng và các biện pháp y tế công cộng khác; sự phát triển của kiến thức khoa học về các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm giúp phát triển được các biện pháp chữa trị hợp lý, hiệu quả; và việc phát minh ra thuốc kháng sinh. Việc giữ vệ sinh kém đã (và vẫn còn) tạo điều kiện lây lan cho các bệnh truyền nhiễm và bệnh do ký sinh trùng trong các xã hội truyền thống, những người thường xuyên sử dụng cùng một nguồn nước để uống, nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ, đi vệ sinh gần nguồn nước đó, họ không hiểu được giá trị của việc rửa tay trước khi ăn.
Kể lại một ví dụ về vệ sinh và bệnh tật đã để lại ấn tượng với cá nhân tôi, trong một chuyến đi đến Indonesia, tôi đã dành phần lớn thời gian mỗi ngày để quan sát các loài chim một mình trên những con đường mòn trong rừng tỏa ra từ khu cắm trại cùng với các đồng nghiệp người Indonesia. Trong chuyến đi này, tôi bất ngờ bị tiêu chảy không theo giờ giấc từ ngày này qua ngày khác. Tôi đã nghĩ nát óc để tìm nguyên nhân và điều gì có thể giải thích được sự thay đổi về thời gian tôi bị tiêu chảy mỗi ngày. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra manh mối. Mỗi ngày, một đồng nghiệp người Indonesia, cảm thấy có trách nhiệm về sự an toàn của tôi, sẽ ra khỏi trại và lần theo dấu của tôi ngày hôm đó cho đến khi gặp được tôi, để đảm bảo tôi không bị tai nạn hoặc lạc đường. Anh sẽ đưa cho tôi bánh quy mà anh đã chu đáo mang theo từ trại, trò chuyện với tôi vài phút để yên tâm rằng tôi hoàn toàn ổn, rồi trở về trại. Một buổi tối, tôi đột nhiên nhận ra mình bắt đầu bị tiêu chảy mỗi ngày khoảng nửa giờ sau khi gặp và ăn bánh quy mà người đồng nghiệp của tôi đưa: nếu gặp anh vào lúc 10 giờ sáng, tôi sẽ bị tiêu chảy lúc 10 giờ 30 phút và nếu anh gặp tôi lúc 2 giờ 30 phút chiều, tôi sẽ bị lúc 3 giờ chiều. Từ ngày hôm sau trở đi, tôi vẫn nhận bánh quy, nhưng kín đáo quăng đi sau khi anh đã đi khỏi và không hề bị tiêu chảy nữa. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn tôi cầm bánh như thế nào chứ không phải do chính những chiếc bánh, vì chúng tôi cất lương thực trong bao bì còn nguyên khi mua và tôi không bao giờ bị tiêu chảy nếu tự mở gói bánh. Thay vào đó, nguyên nhân tôi bị tiêu chảy chắc chắn phải là do các vi khuẩn đường ruột truyền từ tay của bạn tôi lên bánh quy.
Các loại bệnh truyền nhiễm phổ biến thay đổi rất khác nhau giữa một mặt là những quần thể du mục săn bắt – hái lượm nhỏ và xã hội trồng trọt ở cấp gia đình, với một mặt là những xã hội đông đúc hiện đại hoặc mới bị Tây hóa gần đây cùng với những xã hội chăn nuôi truyền thống đông dân số. Căn bệnh đặc trưng của những người săn bắt – hái lượm là sốt rét và các loại sốt do động vật chân đốt khác lây truyền, bệnh lỵ và các bệnh đường tiêu hóa, bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng da. Thường không xuất hiện ở những người săn bắt – hái lượm, trừ khi họ bị lây nhiễm từ du khách phương Tây, là những loại bệnh truyền nhiễm đáng sợ của dân định cư: bạch hầu, cúm, sởi, quai bị, ho gà, rubella, bệnh đậu mùa, thương hàn. Không giống như các bệnh truyền nhiễm truyền thống của người săn bắt – hái lượm thường mang tính kinh niên hoặc luôn xuất hiện rải rác, những căn bệnh của xã hội đông dân cư thường là cấp tính: nhiều người trong một khu vực bị nhiễm bệnh đồng loạt trong một thời gian ngắn, có thể lập tức hồi phục hoặc chết, sau đó bệnh biến mất ở địa phương đó trong một hoặc nhiều năm.
Lý do những dịch bệnh này có thể phát sinh và chỉ duy trì được trong một quần thể đông người đã được giải thích bởi những nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật trong thập kỷ gần đây. Nguyên nhân là những căn bệnh này được lây truyền hiệu quả, dạng cấp tính, có thể tạo nên miễn dịch suốt đời nếu nạn nhân sống sót và chỉ giới hạn trong loài người. Bệnh dễ lây truyền từ bệnh nhân đến người khỏe mạnh ở gần bằng vi khuẩn do bệnh nhân tiết ra qua da từ mụn mủ, hay do bệnh nhân ho và hắt hơi vào không khí, hoặc nhiễm vào các nguồn nước gần đó khi bệnh nhân đi vệ sinh. Những người khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào bệnh nhân hoặc đồ vật mà bệnh nhân đã đụng vào hoặc uống nước bị ô nhiễm. Tính cấp tính của bệnh có nghĩa là, trong vòng vài tuần bị bệnh, bệnh nhân hoặc chết hoặc phục hồi. Sự kết hợp giữa việc lây lan nhanh chóng và tính cấp tính của bệnh có nghĩa là, trong một thời gian ngắn, mọi người dân trong cùng địa phương đều tiếp xúc với mầm bệnh và hoặc đã chết hoặc phục hồi hoàn toàn. Khả năng miễn dịch suốt đời của những người sống sót có nghĩa là không có một người nào trong quần thể đó có thể mắc bệnh nữa cho đến vài năm sau khi những đứa trẻ chưa từng tiếp xúc với bệnh được sinh ra. Giới hạn của bệnh trong loài người có nghĩa là động vật hoặc đất đai không thể nuôi mầm bệnh – chúng sẽ chết trong địa phương đó và không thể bùng phát lại cho đến khi có một trận dịch khác lây lan từ một nơi xa. Tất cả những tính chất này kết hợp lại cho thấy các bệnh dịch này chỉ giới hạn trong những quần thể lớn, đủ nhiều để căn bệnh có thể tự duy trì trong quần thể bằng cách di chuyển liên tục từ vùng này sang vùng khác, mầm bệnh bị triệt ở địa phương này nhưng vẫn còn tồn tại trong một vùng dân số ở xa hơn. Đối với bệnh sởi, quy mô dân số tối thiểu cần thiết là vài trăm nghìn người. Do đó, những căn bệnh này có thể được tóm tắt là “bệnh truyền nhiễm đám đông miễn dịch cấp tính của con người”, hoặc ngắn hơn nữa là bệnh đám đông.
Các bệnh đám đông không thể xuất hiện trước khi nền nông nghiệp bắt đầu khoảng 11.000 năm trước đây. Chỉ với tình trạng dân số bùng nổ do nền nông nghiệp phát triển, quần thể người mới đạt được số lượng cần thiết để duy trì các căn bệnh đám đông này. Việc phát triển nông nghiệp cho phép những người du mục sống bằng cách săn bắt – hái lượm đến định cư tại những ngôi làng đông đúc và thường là mất vệ sinh, kết nối bằng cách giao thương với những làng khác, tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn truyền bệnh lây lan nhanh chóng. Những nghiên cứu sinh học phân tử gần đây đã chứng minh rằng các vi khuẩn gây ra nhiều và có lẽ là hầu hết các bệnh đám đông chỉ giới hạn trong loài người ngày nay có nguồn gốc từ những căn bệnh đám đông của gia súc mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc như lợn và trâu bò, đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn lây từ động vật sang người, khi động vật bắt đầu được thuần hóa khoảng 11.000 năm trước đây.
Tất nhiên, sự vắng mặt của bệnh đám đông trong các quần thể nhỏ của những người săn bắt – hái lượm không có nghĩa là họ tránh được bệnh truyền nhiễm. Họ vẫn mắc bệnh truyền nhiễm, nhưng các căn bệnh của họ khác với bệnh đám đông ở bốn khía cạnh. Đầu tiên, các vi khuẩn gây ra bệnh của họ không chỉ giới hạn ở loài người mà còn lây lan giữa động vật (như bệnh sốt vàng da cũng lây lan trên khỉ) hoặc chúng có khả năng sống sót trong đất (như các tác nhân gây ngộ độc và bệnh uốn ván). Thứ hai, phần lớn các căn bệnh này không phải cấp tính mà là mãn tính, như bệnh phong và bệnh ghẻ cóc. Thứ ba, một số căn bệnh không lan truyền rộng trong cộng đồng, ví dụ như bệnh phong và bệnh ghẻ cóc. Cuối cùng, hầu hết các bệnh này không được miễn dịch vĩnh viễn: một người hồi phục từ một cơn bệnh vẫn có thể nhiễm cùng bệnh đó một lần nữa. Bốn yếu tố này có nghĩa là những căn bệnh này có thể duy trì trong những quần thể nhỏ, lây nhiễm và tái nhiễm cho các nạn nhân từ động vật và đất đai và từ những người bị bệnh kinh niên.
Những quần thể săn bắt – hái lượm và trồng trọt nhỏ không miễn nhiễm với bệnh đám đông; họ chỉ đơn thuần là không thể duy trì được những bệnh này. Trong thực tế, những quần thể nhỏ đặc biệt dễ nhiễm bệnh đám đông truyền từ một người lạ đến từ bên ngoài. Mức độ lây nhiễm cao của họ là do có một số bệnh đám đông có tỷ lệ tử vong ở người lớn cao hơn ở trẻ em. Trong những đô thị hiện đại đông đúc dân cư, mọi người (ngay cả đến gần đây) đều từng tiếp xúc với bệnh sởi từ khi còn nhỏ, nhưng trong một quần thể săn bắt – hái lượm nhỏ bị cô lập, những người trưởng thành đều chưa từng mắc bệnh sởi và có nhiều khả năng tử vong nếu có dịch. Có rất nhiều câu chuyện kinh dị của người Inuit, người châu Mỹ bản địa và thổ dân úc đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn bởi dịch bệnh do tiếp xúc với người châu âu.
Ứng phó với các dịch bệnh
Đối với những xã hội truyền thống, dịch bệnh khác với ba loại nguy hiểm còn lại chủ yếu dựa trên sự hiểu biết của người dân về cơ chế cơ bản của nó, từ đó có phương pháp chữa trị hiệu quả hoặc biện pháp phòng ngừa. Khi một người bị thương hoặc chết vì tai nạn, bạo lực, hoặc đói, nguyên nhân và cơ chế cơ bản là rõ ràng: các nạn nhân bị cây đè, bị trúng tên của kẻ thù, hoặc bị đói do không đủ thực phẩm. Những cách chữa bệnh hoặc biện pháp phòng ngừa thích hợp cũng trở nên rõ ràng: không được ngủ dưới gốc cây đã chết, đề phòng kẻ thù hoặc giết chúng trước và đảm bảo nguồn lương thực đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh tật, sự hiểu biết thực nghiệm về nguyên nhân cũng như các biện pháp phòng ngừa và chữa trị dựa trên khoa học chỉ đạt được thành công đáng kể trong vòng hai thế kỷ qua. Cho đến lúc đó, các xã hội nhà nước cũng như xã hội truyền thống quy mô nhỏ vẫn có tỷ lệ tử vong cao vì bệnh tật.
Nói như vậy không có nghĩa là các dân tộc truyền thống hoàn toàn bất lực trong việc ngăn ngừa hoặc chữa trị bệnh tật. Người Siriono hiểu rõ rằng phân người có liên quan đến các bệnh như lị và giun móc. Một người mẹ Siriono luôn dọn sạch phân trẻ nhỏ ngay sau khi bé đi đại tiện, bỏ phân vào trong giỏ, để sau đó quăng xa trong rừng. Nhưng ngay cả những người Siriono cũng không nghiêm ngặt trong việc giữ gìn vệ sinh. Nhà nhân chủng học Allan Holmberg đã từng chứng kiến một đứa trẻ Siriono khi không được người mẹ trông chừng, sau khi đại tiện đã nằm lên đống phân của mình, trét đầy mặt rồi cho cả phân vào miệng. Khi mẹ đứa bé phát hiện ra, cô cho ngón tay vào miệng của đứa bé móc phân ra, lau người nhưng không tắm cho đứa bé, sau đó tiếp tục ăn uống mà không hề rửa tay. Người Piraha Ấn Độ cho chó ăn bằng chính đĩa của mình: làm như vậy dễ bị lây vi trùng và ký sinh trùng của chó.
Bằng cách thử và rút kinh nghiệm, nhiều dân tộc truyền thống đã xác định được các loại cây địa phương có khả năng chữa được một số bệnh cụ thể. Bạn bè New Guinea của tôi thường xuyên chỉ cho tôi những loại cây họ dùng để điều trị bệnh sốt rét, các loại sốt khác, bệnh lị hoặc để gây sảy thai. Những nhà thực vật học phương Tây đã nghiên cứu những kiến thức về thảo dược truyền thống này và nhiều công ty dược phẩm phương Tây đã chiết xuất nhiều loại tinh chất từ các loại cây đó. Tuy nhiên, dù những loại cây này rất thú vị nhưng nhìn chung hiệu quả của chúng tương đối hạn chế. Bệnh sốt rét vẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, tử vong phổ biến nhất ở vùng đất thấp và đồi núi ở New Guinea. Chỉ đến khi các nhà khoa học khẳng định được bệnh sốt rét gây ra do sinh vật đơn bào thuộc chi Plasmodium lây truyền qua loài muỗi thuộc chi Anopheles, căn bệnh này mới có thể được chữa khỏi bằng nhiều loại thuốc và tỷ lệ người vùng đồng bằng ở New Guinea bị mắc bệnh sốt rét mới có thể giảm từ 50% xuống còn dưới 1%.
Quan niệm về nguồn gốc của bệnh tật, từ đó dẫn đến những biện pháp nỗ lực để ngăn chặn và chữa bệnh là khác nhau giữa các dân tộc truyền thống. Một vài dân tộc còn có những người chuyên chữa bệnh, được người phương Tây gọi là “shaman” (pháp sư). Người!Kung và người Ache thường xem bệnh tật là chết người, hoàn toàn ngẫu nhiên và không thể cứu chữa. Nhưng trong một số trường hợp, người Ache vẫn đưa ra những lời giải thích sinh học: ví dụ, tử vong do bệnh đường ruột ở trẻ em là do cai sữa và ăn thức ăn rắn, sốt là do ăn thịt đã bị ôi, ăn quá nhiều mật ong, mật ong không pha với nước, có quá nhiều ấu trùng côn trùng, hoặc do các loại thực phẩm nguy hiểm khác, hay do tiếp xúc với máu người khác. Những cách giải thích này có thể đúng trong một vài trường hợp, nhưng chúng không giúp bảo vệ người Ache khỏi tỷ lệ tử vong cao do bệnh tật. Các tộc người Daribi, Fayu, Kaulong, Yanomamo và nhiều dân tộc khác tin rằng bệnh tật là do bị nguyền, ma thuật, hoặc do một phù thủy gây ra, dẫn đến việc trả đũa bằng cách cướp bóc, giết hại, hoặc thanh toán tên phù thủy. Người Dani, Daribi và!Kung đôi khi cho rằng một số căn bệnh là do ma quỷ hay linh hồn, nên những người chuyên chữa bệnh trong tộc!Kung có thể cố gắng chữa trị bằng cách thôi miên. Trong khi người Kaulong, Siriono và nhiều dân tộc khác tìm cách giải thích các căn bệnh theo đạo đức và tín ngưỡng: tức là, nạn nhân tự rước căn bệnh vào mình vì đã có hành vi phạm tội chống lại thiên nhiên, hoặc vi phạm một điều cấm kỵ. Ví dụ, người Kaulong cho rằng những bệnh đường hô hấp của đàn ông là do bị phụ nữ làm ô uế, như khi một người đàn ông mắc phải một sai lầm nguy hiểm khi chạm vào những đồ vật bị ô uế bởi một người phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc khi sinh nở, hoặc khi một người đàn ông đi dưới một thân cây đổ, đi qua cầu hay uống nước từ một dòng sông (mà một người phụ nữ có thể đã đi qua những nơi đó). Trước khi chúng ta chỉ trích những lý thuyết của dân tộc Kaulong về bệnh đường hô hấp ở nam giới, chúng ta nên nhớ đến tần suất những nạn nhân ung thư trong xã hội chúng ta tìm kiếm trách nhiệm đạo đức của họ để coi đó như nguyên nhân dẫn đến ung thư, những nguyên nhân này mơ hồ với chúng ta cũng như nguyên nhân bệnh đường hô hấp nam giới đối với người Kaulong.
Nạn đói
Vào tháng 2/1913, khi nhà thám hiểm người Anh A. F. R Wollaston đang thư thái thả dốc qua rừng núi New Guinea sau khi đã thành công trong việc chinh phục vành đai tuyết trên ngọn núi cao nhất của New Guinea, ông kinh hoàng nhìn thấy hai xác người mới chết gần đây trên đường đi. Hai ngày tiếp theo được ông mô tả là những ngày khủng khiếp nhất cuộc đời mình, ông đã gặp hơn 30 xác người dân miền núi New Guinea, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nằm đơn lẻ hoặc theo nhóm, trong những nơi trú ẩn rải rác trên đường mòn. Có một nhóm gồm xác của một phụ nữ và của hai đứa trẻ, trong đó có một cô bé khoảng 3 tuổi vẫn còn thoi thóp, ông ẵm cô bé đến trại của mình và cho ăn sữa nhưng cô bé đã chết trong vòng vài giờ. Sau đó có thêm một nhóm người nữa đến trại, gồm một người đàn ông, một phụ nữ và hai trẻ em, cả nhóm này chỉ trừ một trong hai đứa trẻ đều đã hoàn toàn kiệt sức. Cả nhóm đã bị suy dinh dưỡng trong một thời gian dài, nguồn lương thực của họ gồm khoai lang và lợn đã cạn kiệt và họ không tìm thấy bất kỳ nguồn thực phẩm nào trong rừng, ngoại trừ lõi cây cọ và những người yếu hơn đã chết dần, chết mòn vì đói.
So với tai nạn, bạo lực và bệnh tật, những nguyên nhân gây tử vong thường xuyên được công nhận và đề cập đến trong các xã hội truyền thống, những cái chết do nạn đói mà Wollaston chứng kiến lại ít được đề cập hơn. Khi nạn đói xảy ra có thể dẫn đến cái chết hàng loạt, vì những người trong xã hội quy mô nhỏ thường chia sẻ thức ăn với nhau, nên chỉ có một trong hai trường hợp xảy ra – hoặc không ai bị đói hoặc tất cả mọi người bị đói cùng lúc. Nhưng nhìn chung, nạn đói là một nguyên nhân gây tử vong bị đánh giá thấp. Trong hầu hết các trường hợp, khi con người bị suy dinh dưỡng nặng, thường sẽ có một điều gì khác xảy ra giết chết họ trước khi họ chết đơn thuần do đói. Sức đề kháng của họ bị suy giảm, họ dễ mắc bệnh hơn và thường chết vì những căn bệnh mà nếu đó là một người khỏe mạnh, họ đã có thể vượt qua. Khi thể lực suy yếu, họ dễ gặp tai nạn như rơi từ trên cây xuống hoặc chết đuối, hoặc bị giết bởi kẻ thù khỏe mạnh hơn. Mối quan tâm đến vấn đề lương thực trong các xã hội quy mô nhỏ, cũng như những biện pháp đa dạng và kỳ công mà họ thực hiện để đảm bảo nguồn lương thực của mình và những chi tiết tôi sẽ giải thích trong những trang tới đây, là bằng chứng cho mối quan tâm chung về nạn đói như mối nguy hiểm chính của cuộc sống truyền thống.
Hơn nữa, tình trạng thiếu lương thực không chỉ dẫn đến nạn đói đồng nghĩa với thiếu calo, mà còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin (gây ra các căn bệnh như bệnh tê phù, chứng nứt da, thiếu máu ác tính, bệnh còi xương và bệnh scurvy do thiếu vitamin C), thiếu khoáng chất (gây ra bướu cổ và bệnh thiếu máu) và thiếu protein (gây ra chứng suy dinh dưỡng ở trẻ). Những căn bệnh thiếu chất cụ thể này thường xảy ra với những người nông dân hơn là những người săn bắt – hái lượm vì họ có chế độ ăn uống đa dạng hơn những người nông dân. Cũng như thiếu calo, các bệnh thiếu chất thường dẫn đến tử vong do tai nạn, bạo lực, hoặc bệnh truyền nhiễm trước khi người đó chết vì chính căn bệnh thiếu chất của họ.
Nạn đói là một vấn đề mà người dân trong xã hội hiện đại thậm chí không quan tâm đến, vì nguồn thực phẩm của chúng ta luôn ổn định. Tất nhiên, một số loại thực phẩm sẽ đặc biệt chỉ thu hoạch theo mùa, nhưng nhìn chung nguồn thực phẩm của chúng ta về cơ bản là không thay đổi. Song, đối với những xã hội quy mô nhỏ, họ không thể lường trước năm đó là tốt hay xấu, dẫn đến tình trạng lượng lương thực bất ổn định. Kết quả là lương thực trở thành chủ đề chính trong những cuộc trò chuyện. Ban đầu, tôi đã rất ngạc nhiên về việc những người bạn Fore của mình dành nhiều thời gian nói về khoai lang ngay cả khi họ vừa ăn no nê. Đối với người da đỏ Siriono từ Bolivia, lương thực là mối bận tâm lớn đến mức hai trạng thái cảm xúc phổ biến nhất của người Siriono là, “Dạ dày của tôi trống rỗng” và “Hãy cho tôi thức ăn”. Tầm quan trọng của việc quan hệ tình dục và thức ăn bị đảo ngược giữa người Siriono và người phương Tây: người Sirionos lo lắng nhất là về lương thực, họ quan hệ tình dục bất cứ khi nào họ muốn và tình dục cân bằng lại cơn đói, trong khi chúng ta lại quan tâm đến tình dục hơn, chúng ta có thể ăn bất cứ khi nào chúng ta muốn và ăn uống bù đắp cho sự không thỏa mãn về tình dục.
Những xã hội truyền thống, đặc biệt là ở những vùng khô cằn hay Bắc Cực, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực dự đoán được cũng như không thể đoán trước và bị đe dọa bởi nạn đói nhiều hơn chúng ta. Lý do rất rõ ràng. Các xã hội truyền thống có ít hoặc gần như không có lương thực dự trữ để trông cậy vào, bởi họ không thể sản xuất dư thừa để dự trữ, hoặc vì khí hậu nóng ẩm sẽ làm lương thực dự trữ nhanh chóng bị hỏng, hoặc vì lối sống của họ là du canh du cư. Những dân tộc có khả năng dự trữ lương thực lại phải đối diện với nguy cơ bị cướp. Xã hội truyền thống còn bị đe dọa bởi việc không tìm thấy thức ăn trong khu vực vì họ chỉ dựa vào nguồn thực phẩm trên một diện tích nhỏ, trong khi chúng ta – những công dân trong xã hội hiện đại – vận chuyển thực phẩm khắp đất nước và thậm chí nhập khẩu từ các nước xa xôi nhất. Không có xe cơ giới, đường bộ, đường sắt và tàu thuyền, các dân tộc truyền thống không thể vận chuyển thực phẩm đi xa và chỉ có thể lấy từ những nhóm khác ở gần. Xã hội truyền thống thiếu một bộ máy chính quyền để tổ chức việc dự trữ lương thực, vận chuyển và trao đổi trên diện rộng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải công nhận rằng các xã hội truyền thống có nhiều cách khác để đối phó với nạn đói.
Tình trạng thiếu lương thực không thể đoán trước
Sự thay đổi về phạm vi thời gian ngắn nhất và không gian nhỏ nhất của việc cung cấp lương thực trong bộ lạc có liên quan đến việc săn bắn thành công của mỗi cá nhân trong mỗi ngày. Cây cối không di chuyển nên kết quả nhiều hay ít của việc hái lượm xung quanh vẫn có thể dự đoán trước được, nhưng động vật lại di chuyển, do đó bất kỳ người thợ săn riêng lẻ nào cũng có rủi ro không thành công vào bất kỳ ngày nào. Vấn đề này được hầu như mọi người săn bắt – hái lượm giải quyết bằng cách sống tập trung thành từng nhóm gồm nhiều thợ săn để tập hợp thức ăn lại, bù trừ sự chênh lệch lớn giữa kết quả săn bắt riêng lẻ của mỗi cá nhân trong ngày. Richard Lee mô tả hiện tượng này từ chính những quan sát thực tế của ông với người!Kung ở sa mạc Kalahari châu Phi, nhưng từ đó, ông đã khái quát cho mọi dân tộc săn bắt – hái lượm trên mọi châu lục và trong mọi môi trường: “Thức ăn không bao giờ được sử dụng chỉ bởi một gia đình; mà luôn (trên thực tế hoặc có khả năng như vậy) được chia sẻ giữa các thành viên trong cùng một thị tộc hay trong một bộ lạc lên đến 30 người (hoặc hơn). Mặc dù chỉ một phần nhỏ những người-có-khả-năng đi ra ngoài kiếm ăn mỗi ngày, lượng thực phẩm, thịt và củ quả thu về trong ngày vẫn được chia đều cho mọi thành viên trong trại. Bộ lạc hay trại săn bắn là một đơn vị chia sẻ.” Nguyên tắc tập trung và chia đều lương thực này giữa những người săn bắt – hái lượm cũng được áp dụng cho nhiều xã hội chăn nuôi và trồng trọt quy mô nhỏ, chẳng hạn như người Nuer từ Sudan trong nghiên cứu của EE Evans-Pritchard cũng chia sẻ thịt, sữa, cá, ngũ cốc: “Mặc dù mỗi gia đình có thực phẩm riêng của mình, tự nấu ăn riêng và tự đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình một cách độc lập; đàn ông, phụ nữ và trẻ em, vẫn ăn chung với các gia đình khác đến mức nhìn từ bên ngoài, toàn bộ cộng đồng giống như vẫn sử dụng một nguồn dự trữ chung. Thói quen hiếu khách và thỏa thuận về sự phân chia thịt và cá đã dẫn đến sự chia sẻ lương thực rộng rãi hơn bất kỳ tuyên bố nào về những nguyên tắc của quyền sở hữu.”
Phạm vi tiếp theo, lớn hơn và kéo dài hơn, của sự thay đổi trong nguồn cung cấp thực phẩm có liên quan đến sự thay đổi không thể đoán trước được của lượng thực phẩm có sẵn gây ảnh hưởng lên cả nhóm trong địa phương. Điều kiện thời tiết lạnh, ẩm ướt kéo dài trong một vài ngày có thể trở nên nguy hiểm và khó để săn bắn thành công đối với người da đỏ Ache, từ đó không chỉ dẫn tới việc họ bị đói mà còn có nguy cơ bị nhiễm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp. Việc thu hoạch trái chín của các loại cây trồng địa phương như chuối và quả cây cọ đào – thức ăn từ thực vật chủ yếu cho người da đỏ Yanomamo, xảy ra rất thất thường: hoặc không có gì để ăn, hoặc cực kỳ dư thừa. Vụ thu hoạch kê của người Nuer có thể bị hủy hoại hoàn toàn bởi hạn hán, voi, mưa to, châu chấu hoặc chim sâu. Hạn hán nghiêm trọng dẫn đến nạn đói uy hiếp những người!Kung chuyên săn bắt – hái lượm mà không thể lường trước được cứ 4 năm một lần, tuy không thường xuyên nhưng đây cũng là một vấn đề mà các nông dân đảo Trobriand luôn lo sợ. Sương còn hủy hoại mùa vụ khoai lang của những người nông dân Cao nguyên New Guinea cứ 10 năm một lần. Lốc xoáy tấn công quần đảo Solomon không đều đặn trong khoảng thời gian từ một đến vài thập kỷ một lần.
Những xã hội quy mô nhỏ cố gắng đối phó với những nguy cơ không có lương thực xảy ra thất thường trong địa phương bằng nhiều cách bao gồm chuyển trại, dự trữ lương thực trên chính cơ thể mình, thỏa thuận giữa các thị tộc khác nhau trong địa phương và phân tán đất sản xuất lương thực ở xa nhau. Giải pháp đơn giản nhất cho dân du mục chuyên săn bắt – hái lượm không gắn bó với những khu vực canh tác cố định và luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm ở địa phương là di chuyển liên tục đến một địa điểm khác có sẵn nhiều thực phẩm hơn. Còn về việc tự vỗ béo mình bất cứ khi nào có thể, vì thực phẩm có khả năng bị thối rữa hoặc bị kẻ thù cướp bóc nếu cất thức ăn ở trong tủ hoặc hộp, ít nhất bạn vẫn còn có thể lưu trữ nó dưới dạng mỡ trên cơ thể mà không sợ bị thối rữa hay đánh cắp. Trong chương 11, tôi sẽ đưa ví dụ về những xã hội quy mô nhỏ ăn ngấu nghiến khi thức ăn dồi dào đến mức không thể tin được với người phương Tây, ngoại trừ những người đã từng tham gia các cuộc thi ăn bánh mỳ kẹp xúc xích. Con người vì vậy có thể tự vỗ béo để có nhiều cơ hội sống sót hơn khi khan hiếm lương thực.
Dù việc nhồi nhét thức ăn có thể giúp bạn sống sót qua một vài tuần thiếu lương thực, nhưng việc này vẫn không thể giúp bạn chống lại nạn đói kéo dài hàng năm. Một giải pháp dài hạn là thỏa thuận với các thị tộc lân cận về việc chia sẻ thức ăn khi một thị tộc trong khu vực có đủ thức ăn và một thị tộc khác bị thiếu lương thực. Thực phẩm sẵn có trong địa phương thường biến động với thời gian ở bất kỳ vùng nào. Nhưng hai khu vực cách nhau đủ xa sẽ khó có khả năng cùng xảy ra những biến động về nguồn thực phẩm. Đây chính là mấu chốt để đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên khi họ cho phép bạn đến khu vực của họ hoặc gửi thực phẩm đến cho bạn khi họ có đủ thức ăn nhưng bạn thì không và ngược lại bạn sẽ trả ơn họ khi họ thiếu lương thực.
Chẳng hạn, trong khu vực sa mạc Kalahari mà người!Kung San cư ngụ, lượng mưa trong một tháng có thể thay đổi theo cấp số 10 giữa những vùng khác nhau. Kết quả, nói theo cách của Richard Lee, là “Trong sa mạc có thể mưa ở một nơi nhưng chỉ cách đó vài giờ đi bộ thì trời vẫn hoàn toàn tạnh ráo”. Để đưa ra ví dụ cụ thể, Lee so sánh lượng mưa hàng tháng tại 5 vị trí khác nhau trong quận Ghanzi trong vòng 12 tháng kể từ tháng 7/1966 đến tháng 6/1967. Tổng lượng mưa trong năm thay đổi ít hơn cấp số 2 giữa các vị trí, nhưng lượng mưa trong một tháng bất kỳ có thể thay đổi giữa các vị trí này từ tình trạng không hề có mưa cho tới lượng mưa cao khoảng 250mm. Cume là nơi có tổng lượng mưa hàng năm cao nhất nhưng cũng là nơi khô hạn nhất trong 5 vị trí vào tháng 5/1967 và khô thứ hai vào tháng 11/1966 và tháng 2/1967. Ngược lại, Kalkfontein có lượng mưa hàng năm thấp nhất, nhưng lại là nơi ẩm ướt thứ hai vào tháng 3/1967 và tháng 5/1967. Do đó, một thị tộc sống ở bất kỳ vị trí nào cũng chắc chắn sẽ trải qua nạn hạn hán và thiếu lương thực vào một thời điểm nhất định, nhưng sẽ luôn có thể tìm thấy một số thị tộc khác sống ở những nơi ẩm ướt và có lương thực dồi dào – với điều kiện các nhóm này đồng ý giúp đỡ lẫn nhau khi cần. Trên thực tế, sự giúp đỡ qua lại như vậy là điều kiện tiên quyết giúp người!Kung tồn tại ở môi trường sa mạc không thể đoán trước.
Việc giúp đỡ qua lại (đôi khi bị phá vỡ bởi sự thù địch) rất phổ biến giữa các xã hội truyền thống. Các ngôi làng trên Đảo Trobriand còn phân phối thực phẩm giữa các làng để cân bằng tình trạng thiếu thực phẩm trong địa phương. Đối với người Inupiat ở phía bắc Alaska, các gia đình riêng lẻ trong giai đoạn đói kém của địa phương thường chuyển đến sống với người thân hoặc thông gia ở các quận, huyện khác. Trái cây quan trọng nhất được tiêu thụ bởi người da đỏ Yanomamo ở Nam Mỹ là trái cọ đào và chuối lá, cả hai loại này (đặc biệt là loại đầu tiên) thường dồi dào hơn sức tiêu thụ của một nhóm địa phương. Các loại trái cây này bị hỏng sau khi chín và không thể dự trữ được, vì vậy, chúng phải được tiêu thụ khi vừa chín. Khi một nhóm địa phương thu hoạch được quá nhiều, họ thường mời hàng xóm đến dự tiệc với hy vọng những người hàng xóm ấy sẽ đền đáp trở lại khi những người đó dư thừa thực phẩm.
Phân tán đất canh tác
Các giải pháp dài hạn phổ biến khác đối với rủi ro thiếu hụt lương thực không thể đoán trước trong địa phương là phân tán đất canh tác. Tôi đã chứng kiến việc này ở New Guinea, trong một ngày đi quan sát các loài chim, tôi tình cờ phát hiện ra khu canh tác của một người bạn New Guinea ở giữa khu rừng cách làng của anh ta 1,6km về phía đông bắc, và vài ki-lô-mét cách những khu canh tác khác của anh ta rải rác về phía nam và phía tây của ngôi làng. Tôi không hiểu anh ta nghĩ gì khi chọn khu vực bị cô lập như vậy để canh tác? Có vẻ như đây là một việc không hiệu quả khi lãng phí thời gian đi lại như vậy và vị trí hẻo lánh này làm cho việc bảo vệ khu canh tác khỏi bọn trộm cướp và lợn rừng trở nên rất khó khăn. Nhưng người New Guinea là những thợ làm vườn thông minh và giàu kinh nghiệm. Thường vẫn sẽ có lý do ngay cả khi họ làm điều gì đó mà bạn không thể hiểu được. Động cơ của anh ta là gì?
Các học giả phương Tây và các chuyên gia nghiên cứu sự phát triển khác cũng đã rất ngạc nhiên bởi các trường hợp phân tán đất canh tác ở khắp nơi trên thế giới. Một ví dụ thường được thảo luận nhất là về những người nông dân Anh thời Trung cổ đã canh tác trên hàng chục thửa ruộng nhỏ phân tán khắp nơi. Đối với các nhà sử học kinh tế hiện đại, điều này rõ ràng là một ý tưởng tồi vì sự lãng phí thời gian đi lại, vận chuyển và không thể tránh khỏi việc sót lại những dải đất không được cày xới giữa các thửa ruộng. Một trường hợp tương tự trong thời nay là việc phân tán đất canh tác của những nông dân nghèo Andean gần hồ Titicaca, được nghiên cứu bởi Carol Goland, nó đã hoàn toàn khiêu khích các chuyên gia nghiên cứu sự phát triển, “hiệu quả nông nghiệp tích lũy của những người nông dân này thấp đến mức riêng việc họ có thể tồn tại cũng làm chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Do được thừa kế và nhận hồi môn theo truyền thống, khu vực canh tác của những người nông dân này tiếp tục bị chia nhỏ và phân tán trên nhiều làng mạc, trung bình, họ phải dành 3/4 ngày đi lại giữa các phần đất đôi khi chỉ chừng vài mét vuông của mình.” Các chuyên gia đề xuất việc trao đổi đất giữa những người nông dân để có thể hợp nhất đất đai của họ.
Nhưng nghiên cứu định lượng của Goland ở dãy Andes thuộc Peru cho thấy thực sự vẫn có cách để giải quyết vấn đề nan giải này. Ở vùng Cuyo Cuyo, những người nông dân mà Goland nghiên cứu trồng khoai tây và các loại cây lương thực khác trên nhiều thửa ruộng phân tán: trung bình là 17 thửa, tối đa là 26 thửa theo đầu người, mỗi thửa có kích thước trung bình chỉ chừng 20 x 20m. Họ vẫn thỉnh thoảng thuê hoặc mua ruộng, đây là cách hoàn hảo để hợp nhất đất đai của họ, nhưng họ không làm vậy. Tại sao?
Một chi tiết được Goland chú ý đến là sự dao động trong năng suất cây trồng giữa các thửa ruộng qua các năm. Chỉ một phần nhỏ của sự thay đổi này có thể dự đoán được từ các yếu tố môi trường như độ cao của đất, độ dốc, ảnh hưởng của môi trường xung quanh và từ các yếu tố có liên quan đến công việc trồng trọt thuộc kiểm soát của người nông dân (như nỗ lực bón phân và làm cỏ của họ, mật độ hạt giống và ngày gieo trồng). Còn hầu hết các dao động đều không thể đoán trước được, không kiểm soát được và bằng cách nào đó liên quan tới lượng mưa và thời gian bắt đầu mưa của khu vực trong năm đó, ngoài ra còn có các tác nhân khác như sương, bệnh cây trồng, sâu bệnh và mức độ trộm cắp của người dân. Năm nào cũng có sự khác biệt rất lớn về mặt sản lượng giữa các thửa ruộng khác nhau, nhưng người nông dân không thể dự đoán được thửa ruộng nào sẽ có sản lượng tốt vào một năm bất kỳ.
Một gia đình nông dân Cuyo Cuyo làm tất cả để không phải kết thúc mỗi năm với một vụ thu hoạch kém và đẩy họ vào tình trạng có thể phải đối mặt với nạn đói. Ở Cuyo Cuyo, nông dân không thể sản xuất dư lương thực-dự-trữ-được ngay cả trong những năm được mùa để chuẩn bị cho những năm xấu tiếp theo. Do đó, người nông dân không đặt mục tiêu đạt được sản lượng trung bình-theo-thời-gian cao nhất, được tính bằng cách lấy trung bình của nhiều năm. Nếu sản lượng trung bình-theo-thời-gian của bạn cao một cách phi thường sau khi kết hợp 9 năm được mùa và 1 năm mất mùa, bạn sẽ vẫn chết đói trong 1 năm đó trước khi có thể nhìn lại những năm tuyệt vời. Thay vào đó, mục tiêu của họ sản lượng hằng năm phải đảm bảo cho họ không bị đói, dù sản lượng trung bình-theo-thời-gian có thể không phải là cao nhất. Đó là lý do tại sao việc phân tán đất canh tác lại hợp lý. Nếu bạn chỉ có một thửa ruộng lớn, không cần biết sản lượng trung bình của nó cao thế nào, bạn sẽ vẫn chết đói khi năm mất mùa xảy đến và bạn không thu hoạch đủ lương thực. Nhưng nếu bạn có nhiều thửa ruộng độc lập với nhau, thì bất cứ năm nào bạn cũng sẽ có một vài thửa đạt năng suất cao ngay cả khi các thửa khác năng suất kém.
Để kiểm tra giả thuyết này, Goland đo sản lượng của tất cả các thửa ruộng của 20 gia đình – tổng cộng là 488 thửa – trong hai năm liên tiếp. Sau đó, cô tính toán tổng sản lượng thu hoạch của mỗi gia đình bằng cách cộng gộp tất cả các thửa ruộng của họ lại, theo hai cách trong khi vẫn đảm bảo giữ nguyên tổng diện tích canh tác, thứ nhất nếu tổng hợp các thửa ruộng gần nhau lại tại một vị trí hiện tại thật sự của họ, thứ hai nếu họ vẫn phân tán các thửa ruộng ở 2, 3 hoặc 4 và cao nhất là 14 vị trí khác nhau. Hóa ra có càng nhiều điểm phân tán, thì sản lượng trung bình theo thời gian càng thấp, nhưng nguy cơ thu hoạch thấp hơn mức xảy ra nạn đói cũng thấp hơn. Ví dụ, một gia đình mà Goland gọi là gia đình Q, gồm cặp vợ chồng trung niên và một đứa con gái 15 tuổi, ước tính cần có 1,35 tấn khoai tây trên mỗi mẫu Anh (0,4 hecta) mỗi năm để tránh được nạn đói. Đối với gia đình đó, trồng trọt tại một địa điểm duy nhất đồng nghĩa với việc có nguy cơ bị đói cao (37%) trong bất kỳ năm nào. Khi bị chết đói trong một năm tồi tệ như vậy thường xảy ra khoảng 3 năm một lần, việc nhìn lại sự lựa chọn tập trung canh tác ở một địa điểm duy nhất để đạt được năng suất trung bình theo thời gian cao nhất – 3,4 tấn trên mỗi mẫu đất, cao gấp đôi mức xảy ra nạn đói, cũng không đem lại cho họ niềm an ủi nào. Thậm chí, việc canh tác trên 6 địa điểm khác nhau cũng không làm giảm nguy cơ của nạn đói. Chỉ khi trồng trọt ở 7 hoặc nhiều địa điểm hơn, họ mới có thể giảm nguy cơ đói xuống bằng 0. Lúc đó, năng suất bình quân của họ cho 7 hoặc nhiều địa điểm canh tác hơn giảm xuống còn 1,9 tấn trên mỗi mẫu đất, nhưng không bao giờ xuống dưới 1,5 tấn, vì vậy họ không bao giờ bị đói.
Nhìn chung, tất cả 20 gia đình mà Goland nghiên cứu trên thực tế đều có nhiều hơn hai hay ba điểm canh tác so với số lượng tối thiểu cần để tránh nạn đói dựa trên các tính toán của cô. Tất nhiên, việc phân tán đất canh tác làm tiêu hao nhiều calo hơn cho việc đi lại và vận chuyển giữa các thửa ruộng. Tuy nhiên, Goland tính được rằng số calo bị đốt cháy nhiều hơn này chỉ chiếm 7% sản lượng cây trồng thu hoạch được, một cái giá chấp nhận được để tránh khỏi nạn đói.
Tóm lại, bằng kinh nghiệm lâu năm, mà không cần sử dụng các phương pháp phân tích thống kê hay toán học, những người nông dân Andean của Goland đã tìm ra cách phân tán đất đai của họ đủ để chống lại nguy cơ chết đói do những biến động không thể đoán trước được trong sản lượng lương thực địa phương. Chiến lược của những người nông dân này phù hợp với châm ngôn “Đừng cho tất cả trứng vào một giỏ”. Lập luận này cũng giúp giải thích việc phân tán đất đai của nông dân Anh thời Trung cổ. Tương tự, những người nông dân Hồ Titicaca, bị chỉ trích gay gắt bởi các nhà nghiên cứu phát triển nông nghiệp vì tính không hiệu quả, lại thực sự rất thông minh, và chính lời khuyên chuyển đổi ruộng đất của họ mới là vô lý. Còn đối với người bạn New Guinea của tôi, người canh tác ở một vị trí cô lập cách xa những vùng đất khác của anh đến vài ki-lô-mét, dân tộc anh đưa ra 5 lý do để phân tán đất canh tác của họ: để giảm nguy cơ tất cả đất canh tác của họ bị tàn phá cùng lúc bởi gió bão, sâu bệnh, lợn rừng hoặc chuột và để cây trồng đa dạng hơn, họ canh tác ở ba độ cao khác nhau với ba vùng khí hậu khác nhau. Những nông dân New Guinea này cũng tương tự như người Andean của Goland, ngoại trừ việc trồng ít hơn nhưng diện tích đất lớn hơn (trung bình 7 khu canh tác trong khoảng 5-11 khu đối với người New Guinea, và trung bình 17 trong khoảng 9-26 khu đối với người Andean).
Đã có quá nhiều nhà đầu tư Mỹ quên mất sự khác biệt giữa việc tối đa hóa sản lượng trung bình theo thời gian và việc đảm bảo sản lượng thu hoạch không bao giờ giảm xuống dưới mức nguy hiểm mà nông dân nghèo trên toàn thế giới đều nhận ra. Nếu bạn đang đầu tư một khoản tiền mà bạn chắc chắn không sớm cần đến, chỉ để dành cho tương lai xa hoặc để chi tiêu xa xỉ, thì bạn nên tối đa hóa sản lượng trung bình theo thời gian, bất kể có thể không thu hoạch được gì hay thậm chí âm trong những năm xấu. Nhưng nếu bạn phụ thuộc vào mức sinh lời của khoản đầu tư của mình để trang trải các chi phí hiện tại, bạn nên chọn chiến lược giống những người nông dân: đảm bảo thu hoạch hàng năm của bạn luôn trên mức cần thiết, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải chấp nhận sản lượng trung bình theo thời gian thấp hơn. Khi tôi đang viết những dòng này, một số nhà đầu tư thông minh người Mỹ đang phải gánh chịu những hậu quả của việc bỏ qua sự khác biệt này. Đại học Harvard là nơi nhận được những khoản đầu tư lớn nhất và có tỷ lệ đầu tư trung bình theo thời gian cao nhất, so với bất kỳ trường đại học nào tại Mỹ. Các nhà quản lý những khoản đầu tư này đều trở thành huyền thoại vì kỹ năng và sự thành công của họ, cũng như sẵn sàng khám phá những phương thức đầu tư có thể sinh lời thường bị từ chối bởi những người quản lý quỹ đầu tư cổ hủ. Mức lương của một người quản lý ở Harvard được quyết định bởi tốc độ tăng trưởng dài hạn trung bình của những kế hoạch đầu tư của Harvard do người đó đảm nhiệm. Nhưng thật không may, thu nhập từ những khoản đầu tư của Harvard không dành cho sự xa xỉ hoặc khoản chi cần trong tương lai mà đóng góp trực tiếp vào khoảng một nửa ngân sách hoạt động của Đại học Harvard trong hiện tại. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới 2008-2009, vốn đầu tư và thu nhập của Harvard bị sụt giảm, cũng như rất nhiều các khoản đầu tư khác nhằm tối đa hóa năng suất dài hạn, Harvard buộc phải đóng băng và trì hoãn vô thời hạn kế hoạch hàng tỷ đô-la để xây dựng một khu nghiên cứu khoa học mới. Khi nhìn lại, những người quản lý của Harvard đã nên làm theo chiến lược của những người nông dân.
Mùa vụ và tình trạng thiếu lương thực
Chúng ta đã thảo luận về việc các dân tộc truyền thống đối phó với nguy cơ của nạn đói phát sinh từ những biến động khó lường trong nguồn thực phẩm. Tất nhiên, còn có những biến động theo mùa dự đoán được. Cư dân của vùng ôn đới đã quen với sự khác biệt giữa các mùa xuân, hạ, thu, đông. Thậm chí ngày nay, khi việc bảo quản thực phẩm và vận chuyển đường dài đã giúp xóa đi sự biến đổi doanh nghiệp, nguồn thực phẩm theo mùa trong các siêu thị, trái cây tươi và rau quả địa phương vẫn xuất hiện vào những khoảng thời gian dự đoán được. Ví dụ, gần nhà tôi ở Los Angeles là một khu chợ nhỏ của những người nông dân chỉ bán những loại cây trồng tại địa phương và thu hoạch theo mùa, chẳng hạn như măng tây vào tháng 4 và tháng 5, anh đào và dâu tây vào tháng 5 và tháng 6, đào và mơ vào tháng 6 và tháng 7, bí từ tháng 7 đến tháng 1, quả hồng từ tháng 10 đến tháng 1. Trong vùng ôn đới ở khu vực Bắc Mỹ và âu á, sự có mặt của những loại thực phẩm khác ngoài trái cây tươi và rau quả cũng biến động theo mùa, cho đến khi khả năng bảo quản và vận chuyển hiện đại xóa bỏ những biến động này. Thịt trở nên dồi dào vào mùa thu, khi vật nuôi bị giết mổ; sữa vào mùa xuân và mùa hè, khi bò và cừu sinh nở; tương tự là các loại cá như cá hồi, cá trích khi thời gian cá bơi ngược dòng sông hay dọc theo bờ biển có thể dự đoán được; và khi các loài động vật hoang dã lớn di cư chẳng hạn như tuần lộc, bò rừng bizon vào những mùa nhất định.
Kết quả là, một vài tháng trong năm, thực phẩm ở khu vực ôn đới trở nên rất dồi dào, những tháng khác được tiên đoán là khan hiếm khi người ta biết rằng nguồn lương thực dự trữ có thể cạn và họ sẽ phải thắt lưng buộc bụng hay tồi tệ nhất là phải đối mặt với nạn đói. Ở vùng Greenland Bắc âu, mùa khan hiếm thường xuất hiện hàng năm vào cuối đông, khi họ gần như phải ăn bơ, phô mai và thịt khô được lưu trữ từ năm trước, khi bò, cừu và dê của họ vẫn chưa sinh con và vì thế chưa có sữa, những đàn hải cẩu di trú vẫn chưa về đến bờ biển và những con hải cẩu biển ở địa phương vẫn chưa leo lên bãi biển để sinh con. Có vẻ như tất cả cư dân của một trong hai khu định cư Greenland Bắc âu đều bị đói đến chết vào cuối một mùa đông khắc nghiệt năm 1360.
Người Mỹ, châu âu và các cư dân khác của vùng ôn đới thường cho rằng vùng nhiệt đới, đặc biệt là gần xích đạo, không có mùa. Tuy nhiệt độ dĩ nhiên là ít dao động hơn vùng ôn đới nhưng hầu hết các vùng nhiệt đới đều có mùa mưa và mùa khô. Ví dụ, thị trấn Pomio ở Papua New Guinea, nằm cách đường xích đạo chỉ vài trăm ki-lô-mét về phía nam, có khí hậu rất ẩm ướt (6.650mm nước mưa một năm) và nhận được hơn 2.150mm nước mưa ngay cả trong những tháng khô hạn nhất. Tuy nhiên, những tháng ẩm ướt nhất ở Pomio (tháng 7 và tháng 8) vẫn ẩm ướt hơn gấp 7 lần những tháng khô hạn nhất (tháng 2 và tháng 3), điều này gây nên những hậu quả lớn đối với nguồn thực phẩm sẵn có và điều kiện sống tại Pomio. Vì thế, những người sống ở các vĩ độ thấp hoặc thậm chí ngay trên đường xích đạo phải đối mặt với những mùa thất thu dự đoán được, giống như những người truyền thống sống ở khu vực ôn đới. Trong nhiều trường hợp, mùa khan hiếm trùng vào mùa khô ở địa phương, vào những khoảng thời gian khác nhau như tháng 9 và tháng 10 với người!Kung ở Kalahari và người Daribi trên các ngọn đồi của Papua New Guinea, tháng 12 đến tháng 2 với người lùn Mbuti ở những khu rừng Ituri thuộc Congo, và tháng 1 với người Kaulong ở New Britain. Nhưng một số dân tộc ở vĩ độ thấp lại trải qua một mùa khan hiếm trong những tháng ẩm ướt nhất của họ, tức là tháng 12 đến tháng 3 đối với thổ dân Ngarinyin ở phía Tây Bắc nước úc và tháng 6, tháng 8 với người Nuer từ Sudan.
Bảng 8.2. Dự trữ thực phẩm truyền thống trên toàn thế giới
KHU VỰC á – âU
Người chăn nuôi á – âu
Các sản phẩm từ bơ sữa: bơ, phô mai, sữa lên men
Nông dân châu âu
Lúa mì và lúa mạch, cá muối hoặc sấy khô, sản phẩm từ sữa, khoai tây và các loại củ khác, rau ngâm, bia, dầu
Hàn Quốc
Kimchi muối chua, bắp cải muối chua, củ cải, dưa chuột
Cá và tôm ngâm chua, ngâm muối, hoặc lên men
Ainu (Nhật Bản)
Hạt, cá khô và đông lạnh, thịt nai khô, tinh bột gốc
Nganasan (Siberia)
Thịt tuần lộc hun khói, sấy khô, hoặc đông lạnh. Mỡ ngỗng
Itenm’i (Kamchatka)
Cá sấy khô và lên men
CHâU MỸ
Hầu hết nông dân Mỹ bản địa
Ngô phơi khô
Thổ dân da đỏ vùng đồng bằng phía bắc
Pemmican thịt bò rừng khô, mỡ thắng và dâu rừng khô
Andes
Thịt đông, củ và cá
Inuit
Thịt cá voi đông lạnh, thịt tuần lộc đông lạnh hoặc khô, dầu hải cẩu
Thổ dân da đỏ bờ biển tây bắc
Cá hồi khô và hun khói, dầu thắng từ cá tuyết than, dâu rừng khô
Người Shoshone
Bột vỏ mesquite, hạt thông, thịt khô
Thổ dân da đỏ Nội địa phía Bắc California
Bột quả dầu, cá hồi khô
CHâU PHI
Nuer
Kê, bia
CHâU ĐẠI DƯƠNG
Phía Đông Polynesia
Khoai môn lên men và quả sa kê. Chuối khô và tinh bột
Maori (New Zealand)
Thịt chim, đun nóng rồi đậy kín với mỡ. Các loại củ
Quần đảo Trobriand (New Guinea)
Khoai lang
Vùng đất thấp New Guinea
Bột cọ và cá khô
Cao Nguyên New Guinea
Củ. Khoai lang được dự trữ, lợn sống
Thổ dân úc
Bánh làm từ hạt cỏ dại
Các dân tộc truyền thống đối phó với tình trạng thiếu lương thực theo mùa có thể dự đoán trước bằng 3 cách chính: dự trữ thực phẩm, mở rộng chế độ ăn uống của họ, phân tán và tập hợp. Phương pháp đầu tiên là một thói quen trong xã hội hiện đại: Chúng ta cất thức ăn trong tủ lạnh, làm đông đá, đóng lon hay chai và đóng gói để khô. Nhiều xã hội truyền thống cũng để dành thực phẩm dư tích lũy trong mùa bội thu (như vụ thu hoạch mùa thu ở vùng ôn đới) và tiêu thụ lượng thực phẩm này trong mùa khan hiếm thức ăn (như mùa đông ở khu vực ôn đới). Việc bảo quản thực phẩm được thực hiện bởi những xã hội ít thay đổi sống trong những môi trường phân mùa rõ rệt, luân phiên hai giai đoạn thực phẩm dồi dào và thiếu hụt thực phẩm. Điều này không phổ biến trong cộng đồng những người du mục săn bắt – hái lượm thường xuyên thay đổi trại, bởi họ không thể mang theo nhiều thực phẩm trên người (trừ khi họ có thuyền, chó kéo hay xe trượt tuyết), nguy cơ bị mất mát do động vật hoặc con người khiến việc tích trữ thực phẩm ở một trại và dự định quay trở lại sau đó là không an toàn (Tuy nhiên, một số dân tộc săn bắt – hái lượm, chẳng hạn như người Ainu của Nhật Bản, thổ dân da đỏ ở Bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương, người Shoshone ở Đại bồn địa, và một số dân tộc ở Bắc Cực, thuộc dạng ít di chuyển hoặc chỉ di chuyển theo mùa cũng có thói quen dự trữ thực phẩm). Thậm chí đối với một vài dân tộc định canh định cư, các gia đình nhỏ dự trữ rất ít thức ăn bởi họ có quá ít người để chống lại những kẻ cướp. Việc bảo quản thực phẩm phổ biến hơn ở các vùng ôn đới lạnh so với vùng nhiệt đới nóng ẩm, nơi mà thực phẩm dễ bị hỏng một cách nhanh chóng. Bảng 8.2 đưa ra một số ví dụ.
Vấn đề thực tế chính cần phải khắc phục trong việc dự trữ thực phẩm là ngăn thực phẩm bị thối rữa bằng cách phân hủy bởi vi sinh vật. Vì vi khuẩn, giống như tất cả các sinh vật khác, đòi hỏi nhiệt độ ấm và nước, nhiều phương pháp bảo quản thực phẩm đều liên quan đến việc giữ thực phẩm lạnh (không thực hiện được ở vùng nhiệt đới cho đến trước khi phát minh ra tủ lạnh) hoặc phơi khô thực phẩm. Một số loại thức ăn có hàm lượng nước thấp một cách tự nhiên nên chúng có thể được dự trữ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm bằng cách để nguyên hoặc chỉ cần phơi qua. Những loại thực phẩm này bao gồm các loại hạt, ngũ cốc, một số loại rễ cây và củ như khoai tây, củ cải và mật ong. Hầu hết những loại thực phẩm này được cất trong các thùng chứa hoặc tủ chứa chuyên dụng, nhưng nhiều loại củ rễ có thể được “dự trữ” rất đơn giản bằng cách cứ để yên chúng trong đất trong nhiều tháng cho đến khi họ cần.
Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm khác như thịt, cá, các loại trái cây mọng và dâu rừng, lại có hàm lượng nước cao và đòi hỏi phải được làm khô kỹ lưỡng bằng cách phơi trên kệ dưới ánh mặt trời hoặc hơ lửa. Ví dụ, cá hồi hun khói, hiện nay là một món sang trọng và tinh tế, từng là nguồn thực phẩm chủ yếu được làm sẵn với số lượng lớn bởi những người thổ dân da đỏ bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Thịt bò rừng khô, kết hợp với chất béo và dâu rừng thành hỗn hợp được gọi là pemmican, gần giống với một loại lương thực chủ yếu ở Đại Bình nguyên Bắc Mỹ. Thổ dân da đỏ Andean thường làm khô số lượng lớn thịt, cá, khoai tây và oca bằng cách đông khô (luân phiên đóng băng và phơi khô).
Các loại thực phẩm khô khác được xử lý bằng cách chiết xuất các thành phần dinh dưỡng từ nguyên liệu ban đầu có nhiều nước mà không giữ lại bất kỳ phần nước nào. Ví dụ quen thuộc trong xã hội hiện đại là dầu ôliu làm từ trái ôliu, pho mát làm từ sữa và bột mì làm từ lúa mì. Dân tộc truyền thống Địa Trung Hải, những người chăn nuôi á – âu và nông dân á – âu đã xử lý và dự trữ các sản phẩm tương tự từ hàng ngàn năm nay. Thắng mỡ để chiết xuất nó thành dạng có nồng độ nước thấp đã được áp dụng rộng rãi giữa những người thợ săn chim Maori của New Zealand, thợ săn bò rừng bizon bản địa ở Mỹ, và thợ săn của loài động vật biển ở Bắc Cực. Thổ dân da đỏ ở bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương thắng mỡ của một loại cá nhiều dầu đến mức được gọi là cá nến (cá tuyết than) bởi khi khô, con cá có thể đốt cháy được như một ngọn nến. Lương thực chính của vùng đất thấp New Guinea là bột cọ, được thu hoạch bằng cách chiết xuất tinh bột từ phần lõi của cây cọ cao lương. Người Polynesia và người Ainu từ Nhật Bản cũng chiết xuất tinh bột từ rễ cây, giống như thổ dân Shoshone ở Đại Bồn địa chiết xuất từ vỏ cây mesquite.
Có nhiều phương pháp bảo quản thực phẩm khác mà không cần phải phơi khô. Một phương pháp đơn giản ở Bắc Cực và khu vực Bắc âu với nhiệt độ mùa đông dưới 0oC là làm đông đá thức ăn vào mùa đông và chôn nó dưới mặt đất hoặc trong các khoang đá ngầm, nơi thực phẩm sẽ được giữ đông lạnh cho tới mùa hè sau. Tôi tình cờ phát hiện một vết tích của việc này khi còn là sinh viên đại học ở Cambridge, tôi đã đi ngắm cảnh qua các vùng nông thôn phía Đông Anglian với một người bạn gốc Anh có cùng sở thích khám phá hang động như tôi. Trong khi chúng tôi trò chuyện với một chủ đất ở địa phương, ông mời chúng tôi đến thăm một kiến trúc kỳ lạ nằm trên mảnh đất của mình mà không ai biết mục đích là gì. Nó là một tòa nhà có mái vòm bằng gạch được xây dựng từ những bộ gạch cũ rất đẹp và có một cánh cửa bị khóa. Vị chủ đất mở cửa cho chúng tôi, trước mắt chúng tôi là một lỗ thẳng đứng lót gạch có đường kính khoảng 3m, với một chiếc thang gỗ dẫn xuống dưới, sâu đến nỗi không thể nhìn thấy đáy.
Cuối tuần sau, chúng tôi quay trở lại với những dụng cụ thám hiểm hang động như dây thừng, đèn axetylen, mũ bảo hiểm và bộ áo liền quần. Tất nhiên, chúng tôi đã hy vọng sẽ tìm thấy một hầm sâu, hai bên thành đầy hình vẽ và một kho báu bị lãng quên. Là người Mỹ duy nhất và là người nhẹ nhất trong nhóm, tôi đã được chọn là người đầu tiên liều đi xuống chiếc cầu thang gỗ đã mục nát. Trước sự thất vọng của tôi, các bậc thang dẫn đến một sàn đất ở độ sâu 10m, không có hình vẽ, không kho báu, cũng không có bất kỳ gợi ý gì khác về chức năng của nó ngoại trừ các hàng gạch cũ đẹp hơn. Khi trở lại Cambridge tối hôm đó, tôi đã thuật lại việc khám phá bí ẩn này của chúng tôi. Một trong những người ngồi cùng bàn với tôi, một kỹ sư cao tuổi thường dành ngày cuối tuần của mình để đi bộ qua vùng nông thôn, thốt lên, “Đó rõ ràng là một nhà băng!” ông ấy nói với tôi rằng các ngôi nhà như vậy là một đặc điểm quen thuộc trong các ngôi nhà ở Anh cho đến khi tủ lạnh bắt đầu thay thế chúng vào cuối thế kỷ XIX. Chúng đã được đào xuống một độ sâu thấp hơn nhiều so với lớp đất ấm trên bề mặt, được lấp đầy với thức ăn và các khối băng trong mùa đông, có chức năng giữ thực phẩm đông lạnh đến mùa hè năm sau. Với kích thước của ngôi nhà băng mà chúng tôi phát hiện, nó có thể chứa được rất nhiều lương thực.
Một phương pháp truyền thống khác để bảo quản thực phẩm là đun sôi nấu chín để diệt khuẩn, sau đó, bịt kín hộp đựng trong khi nó vẫn còn nóng và vô trùng. Trong Thế chiến II, chính phủ Mỹ đã kêu gọi cư dân thành phố đóng góp thực phẩm cho quân đội bằng cách trồng trọt ở sân sau và dự trữ sản phẩm thu hoạch được sau khi đun sôi trong những lọ chân không kín. Trong ngôi nhà ở Boston nơi tôi lớn lên, cha mẹ tôi xây một tầng hầm chất đầy những lọ cà chua và dưa chuột thu hoạch vào mùa thu, mà gia đình tôi sẽ ăn dần trong suốt mùa đông. Thời thơ ấu của tôi là những tiếng kêu của chiếc nồi áp suất cũ kỹ mà mẹ tôi dùng để luộc thức ăn trước khi đóng hộp, nước luộc rau sền sệt bắn lên cả trần nhà bếp. Người Maoris ở New Zealand cũng dùng cách tương tự để bảo quản thịt, nấu và cho thịt vẫn còn nóng vào thùng kín sau đó bịt kín bằng chất béo lỏng để ngăn vi khuẩn xâm nhập. Dù không biết gì về vi khuẩn, người Maoris bằng cách nào đó vẫn phát hiện ra phương pháp này.
Các phương pháp còn lại để bảo quản thực phẩm mà không cần phơi khô, làm đông lạnh hoặc đun sôi bao gồm ngâm chua và/hoặc lên men với một số chất để ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật. Những chất này bao gồm muối hoặc giấm cho vào cùng với thực phẩm hoặc rượu, giấm, hay axit lactic sinh ra trong quá trình lên men của chính thực phẩm. Ví dụ như bia, rượu vang và các loại đồ uống có cồn khác; kim chi với nguyên liệu thường bao gồm bắp cải, củ cải, dưa chuột được lên men trong nước muối; sữa ngựa lên men của những người chăn nuôi châu á; khoai môn và quả sa kê lên men của người Polynesia; và cá lên men của người Itenm’i ở Kamchatka.
Cuối cùng, người ta có thể đạt được mục đích dự trữ thực phẩm dư thừa bằng cách chuyển đổi nó thành những mặt hàng phi thực phẩm có thể được đổi ngược thành thực phẩm trong mùa đói sau đó. Nông dân trong nền kinh tế hiện đại của chúng ta bán sản phẩm thu hoạch hoặc giết mổ để lấy tiền, gửi ngân hàng và cuối cùng chuyển đổi tiền ngược lại thành thực phẩm mua từ siêu thị. Việc chăn nuôi lợn của người Cao nguyên New Guinea là kết quả của việc hình thành ngân hàng thực phẩm, bởi nguồn thực phẩm chính của người cao nguyên là khoai lang chỉ có thể được dự trữ trong một vài tháng. Tuy nhiên, bằng cách cho lợn ăn khoai lang, chờ đợi vài năm để có thể mổ thịt, họ đã “gửi ngân hàng” sản lượng khoai lang của mình, biến chúng thành thịt lợn và bảo quản chúng hiệu quả trong một thời gian lâu hơn nhiều.
Mở rộng chế độ ăn uống
Một chiến lược khác bên cạnh việc bảo quản thực phẩm để đối phó với tình trạng khan hiếm lương thực theo mùa là mở rộng chế độ ăn uống và tiêu thụ cả những thực phẩm bị rẻ rúng trong lúc dư thừa thực phẩm. Trong chương 6, tôi đã kể một ví dụ về đảo Rennell, nơi người dân phân loại thực vật hoang dã ăn được thành hai loại: những loại ăn thông thường và những loại chỉ ăn trong lúc thiếu thốn nếu đất đai canh tác do bị một cơn lốc xoáy phá hủy. Nhưng người dân đảo Rennell thường thu hoạch lương thực chính từ việc canh tác, bảng phân loại thực vật hoang dã của họ còn rất sơ sài. Danh sách các thực vật hoang dã được phân loại kỹ lưỡng hơn nhiều trong xã hội!Kung, vì họ là những người săn bắt – hái lượm truyền thống và không trồng trọt. Họ đặt tên ít nhất 200 loài thực vật hoang dã trong địa phương, trong đó có ít nhất 105 loài ăn được và phân chia theo một hệ thống phân cấp ít nhất thành 6 loại. Được ưa thích nhất là những loại cây mọc nhiều, phân tán rộng rãi, có quanh năm, dễ thu nhặt, ngon và bổ dưỡng. Đứng đầu danh sách vì đáp ứng được mọi tiêu chuẩn đó là hạt mongongo, cung cấp gần một nửa số calo thực vật mà người!Kung tiêu thụ và chỉ cạnh tranh ngang ngửa với thịt về mức độ phổ biến. Xếp sau trong bảng phân loại là những loại cây khan hiếm, chỉ được tìm thấy trong khu vực nhỏ, chỉ có trong vài tháng nhất định, vị không ngon, khó tiêu hóa hoặc không có nhiều dinh dưỡng. Khi người!Kung đến một trại mới, họ sẽ thu nhặt tất cả hạt mongongo và 13 loại thực vật yêu thích khác của họ, cho đến khi chúng cạn kiệt ở cả những khu vực lân cận. Sau đó, họ phải chuyển xuống những loại cây khác xếp sau trong bảng xếp hạng và phải chấp nhận với những loại thực phẩm ngày càng ít chất lượng hơn. Trong các tháng khô nóng như tháng 9 và tháng 10, khi thực phẩm trở nên khan hiếm, người!Kung phải tiêu thụ các loại rễ xơ cứng thường không ai thèm ngó ngàng đến vào những thời điểm khác trong năm và giờ họ phải đào chúng lên ăn một cách cầm chừng. Có khoảng 10 loài cây tiết ra nhựa ăn được nhưng được đánh giá rất thấp, vì khó tiêu hóa, họ chỉ nhân tiện thu lượm chúng trong những dịp rất hiếm hoi. Ở cuối bảng xếp hạng, những loại cây ăn được là những loại họ chỉ tiêu thụ một vài lần trong năm, chẳng hạn như một loại trái cây có rất nhiều nhưng gây ra buồn nôn và ảo giác, thịt từ những con bò bị chết do ăn phải lá độc. Dù bạn có thể nghĩ rằng bảng xếp hạng thực phẩm này của người!Kung không liên quan gì đến cuộc sống của những người hiện đại, nhưng nhiều người châu âu đã từng làm tương tự trong tình trạng thiếu lương thực xảy ra vàoThế chiến II: ví dụ, người bạn gốc Anh của tôi kể rằng đã từng ăn chuột được chế biến như món chuột kem.
Trong vòng 500km về phía đông, khu tập trung người!Kung là quần thể nông dân Gwembe Tonga với mật độ dân số gấp 100 lần dân tộc!Kung. Khi vụ mùa thất thu, chính dân số quá đông của họ gây ra áp lực lên thực vật hoang dã trong môi trường lớn hơn rất nhiều so với người!Kung với dân số ít hơn và do đó, người Tonga phải chấp nhận ăn những thứ được xếp hạng thấp hơn trong bảng xếp hạng lương thực so với người!Kung. Kết quả là họ phải tiêu thụ 21 loài thực vật cũng có trong khu vực của người!Kung, nhưng thậm chí người!Kung còn không xét vào loại ăn được. Một trong những loại thực vật này là cây keo nhiều hạt nhưng vỏ hạt có độc. Người!Kung có thể thu nhặt hàng tấn hạt này nếu muốn nhưng họ không làm vậy. Tuy nhiên, vào thời điểm của nạn đói, người Tonga vẫn thu nhặt chúng và xử lý bằng cách ngâm, đun sôi và lọc chúng một ngày để rửa sạch độc tố trước khi ăn.
Ví dụ cuối cùng của tôi về chế độ ăn uống mở rộng là về những người Kaulong của quần đảo New Britain, sống chủ yếu bằng khoai môn trồng và thịt lợn. Thuật ngữ Bilong hanggiri trong tiếng Tok Pisin (nghĩa là “thời gian thuộc về nạn đói”) của người Kaulong được dùng để chỉ mùa khô địa phương từ tháng 10 đến tháng 1, khi thức ăn trở nên rất khan hiếm. Vào thời điểm đó, người Kaulong vào rừng săn bắn, bắt côn trùng, ốc sên và những động vật nhỏ đồng thời thu nhặt các loại cây hoang dã mà họ không mấy hào hứng. Một trong những loại này là một loại hạt hoang dã có độc phải được xử lý bằng cách ngâm trong vài ngày để rửa sạch chất độc. Một trong những lựa chọn thứ hai là cây cọ hoang, họ nướng thân cây để ăn, mà trong những thời điểm khác của năm, nó chỉ được dùng làm thức ăn cho lợn.
Tập hợp và phân tán
Cùng với việc dự trữ thực phẩm và mở rộng chế độ ăn uống, một giải pháp truyền thống khác cho vấn đề khan hiếm thức ăn dự đoán được theo mùa là áp dụng biện pháp phân bổ dân số theo chu kỳ hàng năm – tập hợp và phân tán. Khi nguồn thức ăn khan hiếm và chỉ tập trung ở một vài khu vực, mọi người sẽ tụ tập sống ở những vùng đó. Vào những thời điểm thuận lợi trong năm khi nguồn lương thực dồi dào và phân bổ đều ở mọi nơi, người ta chia ra sống rải rác ở khắp nơi.
Một ví dụ quen thuộc ở châu âu là nông dân ở dãy núi Alps thường trải qua mùa đông tại trang trại dưới các thung lũng. Vào mùa xuân và mùa hè, họ lần theo sự phát triển của cỏ non và sự tan chảy của tuyết bao phủ các sườn núi, dẫn đàn bò và cừu của họ lên những đồng cỏ trên núi cao. Những chu kỳ tập hợp và phân tán theo mùa tương tự cũng xảy ra ở rất nhiều xã hội nông nghiệp khác trên thế giới và cả những nhóm người săn bắt – hái lượm bao gồm thổ dân úc, người Inuit, thổ dân da đỏ bờ biển Tây Nam Thái Bình Dương, người Shoshone ở Đại Bồn địa,!Kung và người lùn Pygmy châu Phi. Thời gian tập trung dân cư trong những mùa khó khăn tạo điều kiện phát triển các nghi lễ, nhảy múa, lễ kết nạp, các cuộc đàm phán hôn nhân và các hoạt động khác của đời sống xã hội tập thể. Những ví dụ sau minh họa cho các chu kỳ này ở người Shoshone và người!Kung.
Thổ dân da đỏ Shoshone ở Đại Bồn địa thuộc miền Tây Hoa Kỳ sống trong môi trường sa mạc theo mùa rất khắc nghiệt, mùa hè khô và nóng (nhiệt độ ban ngày trên 30°C hoặc thậm chí gần 40°C), mùa đông lạnh buốt (nhiệt độ thường xuống dưới nhiệt độ đông đá ở tất cả các ngày) và lượng mưa hầu như rất thấp (dưới 250mm mỗi năm) dưới dạng tuyết rơi vào mùa đông. Các loại thực phẩm chính trong mùa đông – mùa khan hiếm thực phẩm, là hạt thông dự trữ và bột cây mesquite. Vào mùa thu, mọi người tập trung trong rừng thông để thu hoạch, chế biến và lưu trữ một lượng lớn hạt thông trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, mỗi nhóm từ 2 đến 10 gia đình cùng huyết thống sẽ cùng trải qua mùa đông trong một khu trại gần nơi trữ hạt và có sẵn nguồn nước. Vào mùa xuân, khi thời tiết ấm lên giúp cây cối xanh tốt trở lại và động vật phát triển, trại tập hợp lại chia nhỏ thành các đơn vị gia đình phân tán ra khắp nơi, ở mọi độ cao. Nguồn thức ăn phổ biến rộng rãi và đa dạng trong mùa hè cho phép người Shoshone mở rộng chế độ ăn uống của họ một cách đáng kể: họ thu nhặt hạt, rễ, củ, quả, các loại quả hạt và các nguồn thức ăn từ thực vật khác; họ bắt châu chấu, ấu trùng và các nguồn thực phẩm từ côn trùng khác; họ săn thỏ, động vật gặm nhấm, bò sát và động vật nhỏ khác, cùng với hươu, nai, cừu núi, linh dương, nai sừng tấm, bò rừng bizon và họ câu cá. Vào cuối mùa hè, họ tập hợp ở những rặng thông và nhóm trại mùa đông. Trong một môi trường sa mạc khác ở miền nam châu Phi, người!Kung cũng tuân thủ những chu kỳ tương tự hàng năm được quyết định bởi nguồn nước và nguồn thức ăn phụ thuộc vào nước. Họ tập trung quanh một vài hố nước trong mùa khô và phân tán rộng khắp 308 nguồn nước ít hơn hoặc thay đổi theo mùa trong mùa mưa.
Ứng phó với hiểm nguy
Cuối cùng, sau khi đã thảo luận về những mối nguy hiểm truyền thống và phản ứng đối với những mối nguy hiểm này, chúng ta hãy so sánh các biện pháp ước lượng nguy hiểm thực tế (dù nó được ước lượng theo cách nào) với phản ứng đối phó của chúng ta (chúng ta lo lắng về những mối nguy hiểm này như thế nào, và mức độ phản ứng bảo vệ bản thân của chúng ta). Một kỳ vọng ngây thơ rằng chúng ta hoàn toàn tỉnh táo và nắm rõ thông tin, rằng những phản ứng của chúng ta với những mối nguy hiểm khác nhau tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của từng loại ước định bằng số lượng người bị thương hay tử vong do mỗi loại nguy hiểm mỗi năm. Kỳ vọng ngây thơ này là không tránh khỏi ít nhất vì 5 lý do sau.
Đầu tiên, số lượng người chết hoặc bị thương hàng năm do một loại nguy hiểm nhất định có thể rất thấp chính bởi chúng ta nhận thức rất rõ về nó và luôn nỗ lực hết mình để giảm thiểu rủi ro. Cách đúng nhất để ước định nguy hiểm phải là số người chết mỗi năm do mối nguy hiểm đó nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp đề phòng (khó ước tính) thay vì số lượng tử vong thực tế hàng năm do mối nguy hiểm đó gây ra (dễ ước tính). Có hai ví dụ nổi bật trong số những ví dụ mà chúng tôi đã thảo luận trong chương này. Rất ít người trong xã hội truyền thống chết một cách trực tiếp vì nạn đói, chính vì có quá nhiều biện pháp được tổ chức bởi các xã hội nhằm làm giảm nguy cơ của nạn đói. Chỉ có vài người!Kung bị sư tử giết mỗi năm, không phải vì sư tử không nguy hiểm, mà ngược lại vì chúng thực sự rất nguy hiểm, đến mức người!Kung có rất nhiều biện pháp để bảo vệ mình khỏi chúng: không rời trại vào ban đêm, liên tục quan sát xung quanh để tìm dấu vết và tín hiệu của sư tử khi ra khỏi trại vào ban ngày, khi phụ nữ ra khỏi trại, họ liên tục nói chuyện lớn tiếng và đi theo nhóm, cảnh giác với những con sư tử già, bị thương, đói hoặc đơn độc, v.v…
Lý do thứ hai cho sự sai lệch giữa những mối nguy hiểm trên thực tế và nhận thức của chúng ta về rủi ro, là một phiên bản có sửa đổi của nguyên tắc Wayne Gretzky: sự sẵn sàng đối diện với nguy hiểm của chúng ta tăng lên đáng kể theo tiềm năng thu lợi từ tình hình nguy hiểm. Người!Kung đánh lạc hướng sư tử khỏi xác con mồi vẫn còn thịt để ăn, họ không chọc phá những con sư tử đang nghỉ ngơi và không có xác thú bên cạnh. Hầu hết chúng ta không ai xông vào một căn nhà đang cháy để cho vui, mà sẽ làm như vậy để cứu một đứa trẻ bị mắc kẹt trong tòa nhà đó. Nhiều người Mỹ, châu âu và Nhật Bản đang lên án việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bởi một mặt nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản là minh chứng cho sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân, mặt khác, những mối nguy hiểm này lại được bù trừ bởi những lợi ích trong việc làm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu khi giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các nguồn năng lượng từ than, dầu và khí đốt.
Thứ ba, con người đánh giá thấp các rủi ro một cách có hệ thống – ít nhất là ở phương Tây, nơi các nhà tâm lý học đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này. Khi người Mỹ được hỏi về những mối nguy hiểm ngày nay, họ thường đề cập đầu tiên đến khủng bố, tai nạn máy bay và tai nạn hạt nhân, mặc dù số lượng tử vong do cả ba mối nguy hiểm này tổng hợp lại trong bốn thập kỷ vừa qua vẫn ít hơn nhiều so với số lượng tử vong do tai nạn xe cộ, uống rượu, hoặc hút thuốc trong bất kỳ năm nào ở Mỹ. Khi bảng xếp hạng rủi ro của người dân Mỹ được đem ra so sánh với số lượng tử vong thực tế hàng năm (hoặc với xác suất tử vong mỗi giờ của các loài nguy hiểm), chúng ta nhận ra rõ ràng mọi người đang đánh giá quá cao nguy cơ tai nạn hạt nhân (xếp hạng nhất trong danh sách của các sinh viên đại học của Mỹ và những cử tri nữ), cũng như những rủi ro của công nghệ ADN, các công nghệ hóa chất mới và bình xịt. Người Mỹ đánh giá thấp những rủi ro từ rượu, xe, thuốc lá và cả (ở một mức độ thấp hơn) phẫu thuật, đồ gia dụng và chất bảo quản thực phẩm. Bởi chúng ta thường đặc biệt lo ngại những sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát, các sự kiện có khả năng giết chết rất nhiều người và những tình huống mới, không quen thuộc, hoặc khó đánh giá rủi ro (vì vậy chúng ta sợ hãi những kẻ khủng bố, tai nạn máy bay và tai nạn lò phản ứng hạt nhân). Ngược lại, chúng ta chấp nhận một cách vô lý những rủi ro quen thuộc có vẻ nằm trong tầm kiểm soát, điều này được chúng ta chấp nhận một cách tự nguyện, và những nguy cơ này chỉ gây hại đến cá nhân chứ không ảnh hưởng tới nhóm lớn. Đó là lý do chúng ta đã đánh giá thấp rủi ro của việc lái xe, uống rượu, hút thuốc và đứng trên cầu thang: chúng ta chọn làm những điều đó, cảm thấy mình kiểm soát được những rủi ro này và biết rằng những rủi ro này vẫn xảy đến với người khác, nhưng chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không bị ảnh hưởng bởi chúng ta tự cho rằng mình cẩn thận và mạnh mẽ hơn. Như Chauncey Starr đã nói, “Chúng ta không thích người khác làm những việc mà chúng ta có thể tự làm một cách vui vẻ.”
Thứ tư, một số cá nhân chấp nhận, hoặc thậm chí tìm kiếm và tận hưởng, nguy hiểm hơn so với người khác. Một số người kiểu này bao gồm những người chơi sky-diving14, những người nhảy bungee15, người nghiện đánh bạc và những tay đua xe. Cơ sở dữ liệu từ các công ty bảo hiểm là bằng chứng khẳng định những nhận định trực quan của chúng ta về việc đàn ông chủ động tìm kiếm nguy hiểm nhiều hơn phụ nữ và đỉnh cao của sự liều lĩnh này rơi vào những năm 20 tuổi sau đó giảm dần theo độ tuổi. Trong một chuyến đi gần đây đến thác Victoria ở châu Phi, nơi con sông lớn rộng khoảng 1,5km Zambezi đổ xuống khoảng 110m vào một vết nứt hẹp thoát nước vào một hồ bên dưới (được gọi bằng cái tên rất phù hợp là Nồi Sôi), từ đây cung cấp toàn bộ lượng nước của con sông. Tiếng gầm rú của thác, bóng tối của bức tường đá, sương mù bao phủ toàn bộ vết nứt và hẻm núi và cả mặt nước sôi sục bên dưới thác trông như một lối vào địa ngục, nếu địa ngục là có thật. Ngay phía trên Nồi Sôi, hẻm núi được nối liền bởi một cây cầu mà người đi bộ có thể băng từ nước Zambia qua nước Zimbabwe, biên giới hai nước được hình thành bởi chính dòng sông này. Từ trên cầu, khách du lịch luôn mong muốn được nhảy bungee xuống hẻm núi hẹp và tối, nước bắn tung tóe này. Còn tôi thậm chí còn không dám đi bộ về phía cầu nữa là nghĩ đến chuyện nhảy bungee.
Cuối cùng, một số xã hội chấp nhận việc tìm kiếm rủi ro hơn những xã hội còn bảo thủ. Sự khác biệt này có thể thấy ở các xã hội hiện đại và các bộ lạc thổ dân Mỹ hay giữa các bộ lạc ở New Guinea. Một ví dụ điển hình: trong hoạt động quân sự gần đây ở Iraq, lính Mỹ được xem là liều lĩnh hơn những người lính Pháp và Đức. Một giả thuyết nhằm giải thích điều này là do người Pháp và Đức rút kinh nghiệm từ thảm kịch gần 7 triệu công dân của họ bị giết trong hai cuộc Thế chiến xuất phát từ những hoạt động quân sự ngu ngốc và liều lĩnh; trong khi xã hội Mỹ hiện đại được thành lập bởi người di cư từ các vùng đất khác, những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để từ bỏ quê hương và đến một nơi xa lạ.
Tất cả xã hội loài người đều phải đối mặt với nguy hiểm, mặc dù các loại nguy hiểm mà những người dân tại các địa phương khác nhau hoặc với lối sống khác nhau phải đối mặt là khác nhau. Tôi lo lắng về xe cộ và cầu thang, trong khi những người sống ở vùng đất thấp New Guinea lại e ngại cá sấu, lốc xoáy, kẻ thù và người!Kung thì phải đề phòng sư tử, hạn hán. Mỗi xã hội đã tự phát triển một hệ thống các biện pháp đề phòng để giảm thiểu rủi ro của các mối nguy hiểm cụ thể mà họ nhận ra được. Nhưng chúng ta – những công dân của một xã hội kỳ lạ thường không hiểu rõ như chúng ta cần phải hiểu về những mối nguy hiểm xung quanh. Nỗi ám ảnh của chúng ta về sự nguy hiểm của công nghệ ADN hay bình xịt sẽ tốt hơn nếu được thay bởi sự tập trung vào các mối nguy hiểm khác gần gũi hơn như thuốc lá và lái xe mà không đội mũ bảo hiểm. Liệu các dân tộc truyền thống có đánh giá sai những mối nguy hiểm trong cuộc sống của họ như chúng ta hay không vẫn còn phải được nghiên cứu. Có phải chúng ta, những người hiện đại thường đánh giá sai những rủi ro vì tiếp nhận hầu hết thông tin một cách gián tiếp qua truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng luôn nhấn mạnh các tai nạn giật gân nhưng hiếm gặp hay các vụ giết người hàng loạt hơn? Các dân tộc truyền thống có đánh giá các rủi ro của mình một cách chính xác hơn không khi họ chỉ học hỏi từ kinh nghiệm bản thân hay từ những người thân và hàng xóm đã thực sự trải nghiệm? Liệu chúng ta có thể học được cách đánh giá thực tế hơn về những mối nguy hiểm hay không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.