Phản ứng với mối nguy
– Một chuyến viếng thăm đêm
– Tai nạn trên thuyền. Chỉ là một khúc cây trên mặt đất. Chấp nhận rủi ro. Rủi ro và tính nhiều chuyện
Phản ứng với mối nguy
Một trong những chuyến đi đầu tiên của tôi đến New Guinea, khi vẫn còn thiếu kinh nghiệm và không cảnh giác, tôi đã dành một tháng để nghiên cứu các loại chim ở một ngọn núi có rừng phủ kín với một nhóm người New Guinea. Sau một tuần cắm trại ở chân núi để hệ thống lại các loài chim sống ở đó, tôi muốn xác định các loài chim sống ở độ cao cao hơn, vì vậy, chúng tôi di dời các thiết bị lên khu vực cao khoảng 300 mét so với chân núi. Tôi đã chọn một vị trí tuyệt đẹp trong vùng rừng cao để cắm trại suốt tuần tiếp theo. Nơi đây là một sườn núi cao và kéo dài đến một điểm bỗng trở nên bằng phẳng và mở rộng, tạo nên rất nhiều địa hình thoai thoải gần đó, nơi tôi có thể thoải mái đi bộ xung quanh và nhìn ngắm các loài chim. Chúng tôi có thể lấy nước từ một dòng suối gần đó mà không cần phải đi xa. Khu vực cắm trại nằm ở một bên của sườn núi bằng phẳng, nhìn ra một vách núi dựng thẳng đứng, nối liền xuống một thung lũng sâu bên dưới, nơi tôi có thể nhìn thấy những cánh diều hâu bay vút lên, cả chim én và vẹt, v.v… Tôi muốn dựng lều bên dưới một gốc cây cổ thụ có thân cây thẳng và to lớn được bao phủ bởi rêu. Phấn khởi trước triển vọng được ở cả tuần giữa khung cảnh thơ mộng, tôi đã đề nghị những người bạn New Guinea chuẩn bị khu vực để dựng lều của chúng tôi. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, họ tỏ vẻ phật ý và không chịu ngủ ở đó. Họ giải thích rằng thân cây đã chết và có thể đổ xuống lều đè chết chúng tôi. Tôi có nhận ra rằng thân cây đã chết, nhưng vẫn ngạc nhiên trước sự phản đối và phản ứng thái quá của họ, “Đó là một thân cây khổng lồ. Nhìn nó vẫn còn vững chắc và không hề bị mục rữa. Không có cơn gió nào có thể thổi bay nó, mà dù sao quanh đây cũng không hề có gió. Còn lâu thân cây này mới đổ được!” Nhưng những người bạn New Guinea vẫn sợ hãi. Họ tuyên bố thà ngủ lộ thiên, miễn là đủ xa để không bị thân cây đổ đè chết, còn hơn phải ngủ trong lều dưới thân cây đó.
Ban đầu, tôi đã nghĩ rằng nỗi sợ hãi của họ là hết sức vô lý và phần nhiều là do hoang tưởng. Nhưng sau nhiều tháng cắm trại trong những khu rừng ở New Guinea, tôi nhận ra rằng hầu như ngày nào tôi cũng nghe thấy tiếng cây đổ đâu đó trong rừng ít nhất một lần. Tôi được nghe cả những câu chuyện về việc người New Guinea bị cây đổ đè chết. Những người New Guinea dành phần lớn cuộc đời họ để cắm trại trong rừng – có lẽ một trăm đêm mỗi năm, tương đương khoảng 4.000 đêm trong suốt 40 năm tuổi thọ theo ước tính. Nếu bạn làm điều gì đó có xác suất dẫn đến tử vong rất thấp – dù chỉ là một phần nghìn – nhưng khi bạn làm điều đó một trăm lần mỗi năm, thì bạn có khả năng chết trong vòng 10 năm, thay vì sống hết 40 năm theo tuổi thọ dự kiến. Rủi ro từ việc cây đổ không làm chùn bước người New Guinea đi vào rừng sâu. Nhưng họ đề phòng rủi ro này bằng cách cẩn thận không ngủ dưới những thân cây đã chết. Sự sợ hãi của họ hoàn toàn có lý. Giờ đây, tôi nghĩ về nó như một chứng “hoang tưởng có căn cứ”.
Việc sử dụng từ ghép đối nghịch này, một cách gọi có vẻ khó chịu đối với một phẩm chất mà tôi ngưỡng mộ là hoàn toàn có dụng ý. Chúng ta thường sử dụng cụm từ “hoang tưởng” với ý miệt thị, để chỉ những nỗi sợ thái quá và vô lý. Đó là cảm giác ban đầu của tôi về cách phản ứng của người New Guinea về việc cắm trại dưới một thân cây chết và thật vậy, không lý nào chính thân cây chết này lại đổ vào chính cái đêm có người quyết định dựng lều bên dưới. Tuy nhiên, về lâu về dài, nỗi sợ có vẻ hoang tưởng này lại hoàn toàn có cơ sở: đó là điều cần thiết để sống sót trong những điều kiện truyền thống.
Không có điều gì khác học được từ những người New Guinea lại có ảnh hưởng đến tôi sâu sắc như thái độ này. Nó phổ biến khắp New Guinea và ở nhiều xã hội truyền thống khác trên khắp thế giới. Đối với những việc có nguy cơ thấp, nhưng nếu bạn làm điều đó thường xuyên, tốt hơn hết bạn phải luôn cẩn thận nếu không muốn bị chết hoặc trở thành tàn phế khi còn trẻ. Đó là một thái độ tôi đã học được để đối diện với những rủi ro có nguy cơ thấp nhưng thường xuyên xảy ra trong đời sống ở Mỹ, chẳng hạn như khi lái xe, đứng trong phòng tắm, leo lên thang để thay bóng đèn, đi lên xuống cầu thang và đi bộ trên vỉa hè trơn trượt. Hành vi thận trọng này khiến một số người bạn Mỹ của tôi phát cáu vì họ thấy tôi thật vô lý. Những người bạn phương Tây duy nhất chia sẻ sự hoang tưởng có căn cứ của tôi hầu hết là những người mà môi trường sống cũng đã dạy cho họ tính cảnh giác đối với rủi ro cộng dồn của những sự kiện có nguy cơ thấp nhưng lặp đi lặp lại: một người là phi công lái máy bay loại nhỏ, một người là cảnh sát không được trang bị vũ trang trên đường phố London và người thứ ba là hướng dẫn viên câu cá thường xuyên phải thả bè cao su xuống thượng nguồn sông từ trên những ngọn núi. Cả ba người đều học được qua những chuyện có thật từ những người bạn không thận trọng cuối cùng đã mất mạng sau nhiều năm làm cùng một việc đó.
Tất nhiên, không chỉ cuộc sống ở New Guinea mà cuộc sống ở phương Tây cũng có những mối nguy hiểm riêng, ngay cả khi bạn không phải là phi công, cảnh sát tuần tra hay hướng dẫn viên trên sông. Dĩ nhiên, những rủi ro giữa cuộc sống hiện đại phương Tây và cuộc sống truyền thống rất khác nhau. Dễ thấy nhất là loại nguy hiểm rất khác nhau: tai nạn xe, khủng bố, hay đột quỵ đối với chúng ta, còn đối với họ là sư tử, kẻ thù hay cây đổ. Đáng chú ý hơn là mức độ nguy hiểm tổng thể trong cuộc sống của chúng ta thấp hơn nhiều so với họ: tuổi thọ trung bình của chúng ta gấp đôi họ, có nghĩa là tỷ lệ rủi ro trung bình mỗi năm mà chúng ta phải đối mặt chỉ bằng khoảng một nửa của họ. Một điểm khác biệt quan trọng khác nữa là hầu hết các tai nạn người Mỹ phải đối mặt đều có thể phục hồi, trong khi tai nạn ở New Guinea phần lớn thường dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Một ví dụ điển hình là khi tôi bị tai nạn và không thể đi lại được lúc còn ở Mỹ, tôi đã khập khiễng đến được một buồng điện thoại công cộng gần đó để gọi cho bố tôi, ông đã đến đón và đưa tôi đi bệnh viện. Nhưng khi tôi bị chấn thương đầu gối trên hòn đảo Bougainville ở Papua New Guinea và không thể đi lại được, tôi nhận ra mình bị mắc kẹt ở nơi cách đất liền hơn 32km, mà không có bất kỳ phương tiện nào để cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài. Người New Guinea bị gãy xương không được phẫu thuật nối xương và hầu như sẽ bị tật vĩnh viễn.
Trong chương này, tôi sẽ mô tả lại ba sự cố xảy ra với tôi ở New Guinea, minh họa cho việc hoang tưởng có căn cứ. Vào giai đoạn sự cố đầu tiên xảy ra, tôi còn quá thiếu kinh nghiệm để nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm chết người: Tôi đã hành động như một người phương Tây bình thường trong một xã hội truyền thống nơi chỉ thích hợp với một tư duy hoàn toàn khác. Trong sự cố tiếp theo, hơn một thập kỷ sau đó, cuối cùng, tôi cũng học được thái độ trân trọng việc hoang tưởng có căn cứ – tôi buộc phải thừa nhận mình đã mắc phải một sai lầm và suýt chút nữa đã phải trả giá bằng mạng sống của mình, trong khi một người đàn ông khác thận trọng hơn trong hoàn cảnh tương tự cùng lúc đó đã không mắc phải sai lầm của tôi và nhờ vậy không phải trải qua cảm giác cận kề cái chết. Trong sự cố còn lại, cũng gần một thập kỷ sau đó, tôi cùng với một người bạn New Guinea cũng mang tính hoang tưởng có căn cứ đã nhận ra những chi tiết dường như không quan trọng mà tôi bỏ sót. Cho đến bây giờ, ông và tôi vẫn không biết rằng liệu một khúc cây có vẻ vô hại trên mặt đất mà người bạn của tôi phát hiện có thực sự là dấu hiệu hiện diện của kẻ thù (như bạn tôi e sợ) hay không, nhưng tôi hoàn toàn bị ấn tượng về sự thận trọng khi để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt của ông. Trong chương sau, tôi sẽ thảo luận về những loại nguy hiểm mà xã hội truyền thống phải đối mặt và những trường hợp họ đoán định được, đánh giá sai và đối mặt với nguy hiểm.
Một chuyến viếng thăm đêm
Một buổi sáng, tôi rời ngôi làng lớn với một nhóm 13 người Cao nguyên New Guinea để đi đến một ngôi làng nhỏ cô lập sau nhiều ngày đi bộ. Khu vực này nằm ở vùng chân đồi với mật độ dân số thấp nhất ở New Guinea bên dưới những thung lũng Cao nguyên đông dân cư có khí hậu phù hợp để canh tác khoai lang và khoai sọ; và bên trên vùng đất thấp nơi cọ phát triển tốt, có rất nhiều cá nước ngọt, đây cũng là khu vực có tỷ lệ sốt rét cao nhất. Trước khi bắt đầu, tôi đã báo trước cuộc hành trình sẽ kéo dài khoảng ba ngày, chúng tôi sẽ đi liên tục trong những khu rừng không có người ở. Toàn bộ khu vực này có dân cư rất thưa thớt và chỉ mới được chính phủ kiểm soát vài năm gần đây. Chiến tranh vẫn còn xảy ra cho đến gần đây và tục ăn thịt người (ăn thịt những người thân đã chết) vẫn còn diễn ra. Một số người đồng hành New Guinea của tôi là dân bản địa, nhưng hầu hết những người khác đến từ những khu vực cao nguyên khác và không hề biết gì về nơi này.
Ngày đi bộ đầu tiên không quá tệ. Tuyến đường của chúng tôi uốn quanh các sườn núi, cao dần lên để vượt qua vách núi, sau đó thả dốc xuống dọc một con sông. Nhưng ngày thứ hai là một trong những hành trình mệt mỏi nhất trong suốt sự nghiệp của tôi ở New Guinea. Trời bắt đầu mưa phùn khi chúng tôi dỡ trại lúc 8 giờ sáng. Không hề có đường mòn, thay vào đó, chúng tôi lội dọc theo triền núi sũng nước, leo lên leo xuống những tảng đá lớn trơn trượt. Ngay cả đối với những người New Guinea đã quen với việc di chuyển trên địa hình rừng núi, hành trình này vẫn là một cơn ác mộng. Đến 4 giờ chiều chúng tôi đã đi xuống gần 700mét thẳng đứng dọc theo con sông và hoàn toàn kiệt sức. Chúng tôi cắm trại dưới mưa, dựng lều, bữa tối là cơm, cá hộp và đi ngủ khi mưa vẫn còn dai dẳng.
Chi tiết về cách bố trí lều của chúng tôi là cần thiết để hiểu được những gì xảy ra trong đêm đó. Những người New Guinea ngủ dưới một tấm bạt lớn trải trên khung xương có một cọc ở chính giữa và những sườn chạy ngang, từ đó kéo căng xuống đất ở cả hai mặt, tạo thành những mặt cắt hình chữ V ngược. Lều có hai cửa mở; người ta có thể đi vào hoặc đi ra từ phía trước hoặc sau và cọc trung tâm đủ cao để ta có thể đứng thẳng lưng ở giữa lều. Lều của tôi là một chiếc lều Eureka màu xanh lá nhạt kéo căng trên một khung kim loại nhẹ, có một cửa chính lớn và một cửa sổ nhỏ phía sau mà tôi đều kéo kín lại. Cửa lều của tôi đối diện với một trong hai cửa lều lớn (cửa trước) của nhóm người New Guinea và chỉ cách khu lều lớn vài mét. Bất cứ ai đi ra từ cửa trước của lều lớn sẽ đụng ngay cửa lều chính của tôi đang đóng, sau đó, họ phải đi vòng qua lều để ra phía sau với cửa sổ kéo kín. Nhưng đối với một người không quen lều dạng Eureka, họ khó mà phân biệt được cửa chính và cửa sổ sau khi kéo khóa kín lại. Tôi ngủ quay đầu về phía sau và chân hướng về phía cửa trước, do lều của tôi không trong suốt nên không thể nhìn thấy tôi từ bên ngoài. Nhóm người New Guinea đốt đống lửa bên trong lều lớn của họ để sưởi ấm.
Tất cả chúng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, kiệt sức sau một ngày dài. Một lúc sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng bước chân của ai đó tiến đến gần. Người đó có vẻ như đang đứng gần phía sau lều của tôi, ngay sát đầu của tôi. Tôi những tưởng rằng một trong 13 người đồng hành vừa mới rời khỏi khu lều lớn để đi tiểu. Thật lạ khi họ không đi ra từ cửa sau của khu lều lớn – cách xa lều của tôi để kín đáo hơn. Song vì đang buồn ngủ và dù sao chuyện họ đi tiểu ở đâu cũng không quan trọng, nên tôi tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Một lát sau, tôi lại tỉnh giấc vì những giọng nói vọng lên từ lều của nhóm người New Guinea và bởi ánh sáng tỏa ra từ đống lửa họ vừa thêm củi vào. Điều này cũng không phải bất thường; những người New Guinea thường thức dậy giữa đêm và trò chuyện. Tôi la lên bảo họ nói nhỏ lại rồi tiếp tục ngủ. Và đó là toàn bộ các chi tiết của sự việc dường như vô nghĩa đã diễn ra vào đêm đó.
Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, mở cửa lều trước và chào những người New Guinea đang nấu bữa sáng dưới lều của họ chỉ cách tôi vài mét. Họ bảo tôi đêm qua họ ồn ào và nhóm thêm lửa vì nhiều người trong số họ bị đánh thức bởi sự xuất hiện của một người đàn ông lạ đứng phía trước cửa lều của họ. Khi người lạ nhận ra mình bị phát hiện, hắn đã làm một cử chỉ, có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của đống lửa, một tay giơ ngang và bàn tay quặp xuống từ chỗ cổ tay. Khi nhìn thấy điều này, một vài người New Guinea đã hét lên vì sợ hãi. Do ngái ngủ tôi đã nhầm tiếng hét của họ với tiếng trò chuyện trong đêm. Bị đánh động, những người khác tỉnh giấc và bật dậy. Kẻ lạ mặt lập tức bỏ chạy. Những người New Guinea chỉ vào những dấu chân trong bùn ướt nơi người đàn ông đã đứng. Tuy nhiên, tôi không nhớ họ đã nói bất cứ điều gì khiến tôi phải cảnh giác.
Đúng là tôi thấy lạ trước việc ai đó sẽ tới khu lều của chúng tôi trong đêm mưa giữa đoạn rừng không có người ở. Tuy nhiên, tôi đã trở nên quen với chuyện những việc không ngờ thường xảy ra ở New Guinea và chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ người New Guinea nào. Sau khi ăn sáng và gấp lều, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trong ngày thứ ba. Chúng tôi đã ra khỏi được bờ sông khủng khiếp và hướng đến một con đường quang đãng rộng lớn xuyên qua khu rừng cây cao, xinh đẹp dọc bờ sông. Tôi cảm thấy như đang đi trong một nhà thờ Gothic cao vút tôn nghiêm. Tôi thả bộ một mình vượt lên trước những người bạn New Guinea để khám phá các loài chim chưa bị họ đánh động và để thưởng thức khu rừng kì diệu như một giáo đường trong sự tĩnh lặng. Chỉ khi đến được một con sông lớn hơn bên dưới ngôi làng – đích đến cuối cùng của hành trình, tôi mới dừng chân ngồi chờ những người khác đã bị tôi bỏ lại khá xa.
10 ngày nghỉ tại ngôi làng nhỏ cô lập thú vị theo cách riêng của nó đến mức tôi quên khuấy sự cố kẻ lạ xuất hiện vào đêm hôm ấy. Mãi đến khi sắp phải quay lại ngôi làng lớn mà chúng tôi khởi hành, vài người trong số 13 người New Guinea đề nghị chúng tôi quay về bằng một con đường khác để tránh việc phải lội sông. Tuyến đường mới này có vẻ là một lối mòn khô ráo xuyên qua các khu rừng. Chúng tôi chỉ mất hai ngày để quay về ngôi làng lớn thay vì ba ngày dài khổ sở như chuyến đi ban đầu. Tôi vẫn không biết tại sao ban đầu những người dẫn đường địa phương của chúng tôi lại bắt bản thân họ và cả nhóm chịu đựng tuyến đường lầy lội mệt mỏi đó.
Về sau, một người truyền giáo đã sống trong khu vực này nhiều năm và cũng đã đến thăm ngôi làng nhỏ cô lập đó và hai người bạn New Guinea đồng hành cùng tôi trong chuyến đi đó đã cho tôi biết được người lạ mặt trong đêm ấy là một phù thủy điên, nguy hiểm và quyền năng nổi tiếng trong vùng đó. Hắn từng đe dọa sẽ giết nhà truyền giáo bằng cung tên và một lần đã thực sự cố gắng làm vậy bằng ngọn giáo ở chính ngôi làng mà tôi đã đến thăm. Hắn đã giết rất nhiều người dân địa phương, trong đó có hai người vợ của hắn và ngay cả đứa con trai tám tuổi của hắn chỉ vì cậu bé ăn một quả chuối mà không được hắn cho phép. Hắn hành xử như một kẻ hoang tưởng, không phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng. Đôi khi hắn sống trong làng cùng những người khác, đôi khi lại sống một mình trong vùng rừng mà chúng tôi đã cắm trại đêm hôm đó, cũng chính nơi đây hắn đã giết nhiều phụ nữ phạm sai lầm khi dám bén mảng đến đó.
Dù hắn điên rồ và nguy hiểm, nhưng người dân địa phương vẫn không dám can thiệp vì họ khiếp sợ hắn. Động tác hắn thực hiện vào đêm đó khi bị những người bạn New Guinea của tôi phát hiện – cánh tay dang ngang với cổ tay rũ xuống – đối với người dân New Guinea trong khu vực đó tượng trưng cho loài đà điểu đầu mào, loài chim lớn nhất New Guinea theo tín ngưỡng là hiện thân của một phù thủy quyền năng có thể biến thành một con chim. Đà điểu đầu mào là loài chim không thể bay, một họ hàng xa của giống đà điểu châu Phi và chim ê mu (đà điểu úc), nặng khoảng từ 25 đến 50kg và là nỗi kinh hoàng của người dân New Guinea với đôi chân vững chắc và móng sắc như dao cạo có thể mổ phanh bụng một con chó hoặc con người khi tấn công. Động tác ấy của tên phù thủy được cho là một phép thuật rất quyền lực, bắt chước hình dạng cổ và đầu của loài đà điểu đầu mào trong tư thế sắp tấn công.
Vậy tên phù thủy định làm gì ở trại của chúng tôi vào đêm đó? Hẳn bạn cũng suy đoán như tôi, mục đích của hắn chắc hẳn không hề thân thiện. Hắn biết hoặc có thể đoán được rằng túp lều màu xanh lá sẽ có một người châu âu bên trong. Theo tôi, việc hắn đi vòng ra phía sau thay vì phía trước lều của tôi, có hai khả năng, một là vì hắn không muốn bị phát hiện bởi nhóm người New Guinea ở ngay đối diện cửa trước lều của tôi khi hắn cố gắng đột nhập vào, hai là vì hắn bị nhầm lẫn cửa trước và sau (khi cửa bị kéo khóa kín) do cấu trúc lều của tôi. Nếu lúc đó tôi hiểu biết hơn về New Guinea như bây giờ, tôi ắt hẳn sẽ thực hành tính hoang tưởng có căn cứ, hét toáng lên để đánh động những người bạn New Guinea ngay khi tôi nghe và cảm thấy bước chân gần phía sau lều. Và chắc chắn tôi sẽ không đi một mình, vượt xa trước nhóm người New Guinea vào ngày hôm sau. Khi nhìn lại, tôi cảm thấy hành vi của mình thật ngu ngốc và có thể đã gây nguy hiểm cho bản thân. Nhưng lúc bấy giờ, tôi đủ hiểu biết để đọc được các dấu hiệu cảnh báo và thực hành việc hoang tưởng có căn cứ.
Tai nạn trên thuyền
Trong vụ việc thứ hai, tôi và Malik, một người bạn New Guinea, đang ở một hòn đảo New Guinea ngoài khơi Indonesia và muốn tìm cách đưa bản thân và các thiết bị của chúng tôi về đất liền cách hòn đảo cả một eo biển dài hàng chục ki-lô-mét. Khoảng 4 giờ của một buổi chiều quang đãng, còn khoảng hai tiếng trước khi mặt trời lặn, chúng tôi đã gia nhập cùng bốn hành khách khác trên chiếc xuồng gỗ dài khoảng 10m, điều khiển bởi hai động cơ phía ngoài và ba người đàn ông lái tàu trẻ tuổi. Bốn hành khách kia không phải là người New Guinea: một người là dân chài Trung Quốc làm việc trên đất liền New Guinea, cùng với ba người đàn ông từ các hòn đảo của Indonesia, Ambon, Ceram và Java theo thứ tự. Khoang chở hàng và khoang hành khách của chiếc xuồng được che phủ bằng một mái nhựa cao khoảng hơn 1m, dọc suốt chiều dài, được cột lỏng lẻo vào hai bên xuồng, mở rộng khoảng 1m về phía trước và 3m về phía sau. Ba người lái xuồng ngồi ở phía đuôi ở động cơ, Malik và tôi ngồi ngay trước họ, nhìn về phía sau. Với mái hiên che trên đầu và phủ xuống hai bên, chúng tôi hầu như không nhìn thấy gì bên ngoài. Bốn hành khách còn lại ngồi quay lưng lại với chúng tôi, hướng về phía mũi tàu.
Chiếc xuồng bắt đầu chạy và những người lái tàu nhanh chóng tăng tốc tối đa vượt qua những con sóng cao vài mét. Nước bắt đầu tạt vào xuồng. Khi nước tạt vào ngày một nhiều hơn, một trong những người lái tàu bắt đầu múc nước đổ ra ngoài ngay trước mặt tôi qua phía mái hiên cột lỏng lẻo. Nước văng vào xuồng làm ướt cả khoang hành lý phía trước. Tôi cất ống nhòm vào trong một túi nhỏ màu vàng mà tôi đang giữ trong lòng, cùng với hộ chiếu, tiền bạc và các bản ghi chép thực địa của tôi quấn bên trong một túi nhựa. Trong tiếng gầm rú của động cơ và tiếng sóng đập, Malik và các hành khách khác bắt đầu la hét, mất bình tĩnh, yêu cầu người lái thuyền giảm tốc độ hoặc quay trở lại. (Đoạn hội thoại này và toàn bộ phần còn lại trong suốt sự việc đều diễn ra bằng tiếng Indonesia, quốc ngữ và là ngôn ngữ chung của Indonesia New Guinea). Nhưng anh ta không hề giảm tốc độ và nước vào xuồng đang ngày một nhiều hơn. Trọng lượng tích lũy của khối nước đã làm xuồng bị kéo xuống đủ thấp để nước tràn vào từ hai bên mạn xuồng.
Tôi bắt đầu sợ mình sẽ bị mắc kẹt dưới mái hiên nhựa của chiếc xuồng khi nó bị chìm. Bằng cách nào đó, tôi và mọi người khác đều xoay sở thoát khỏi chiếc xuồng và nhảy xuống biển. Sau này, Malik kể lại với tôi rằng những người lái xuồng đã nhảy ra trước, sau đó đến tôi rồi Malik.
Những phút tiếp theo thậm chí còn đáng sợ hơn. Tôi đang mang giày leo núi nặng trịch, áo sơ mi dài tay và quần soóc, chìm trong nước cách chiếc xuồng vài mét đã bị lật úp. Sức nặng của đôi giày kéo tôi chìm xuống. Suy nghĩ đầu tiên của tôi rất rõ ràng và đầy sợ hãi, “Tôi phải bám vào cái gì để nổi lên?” Gần tôi, ai đó đã bám vào một tấm phao cứu hộ màu vàng mà tôi cũng cố gắng chụp lấy trong cơn hoảng loạn, nhưng người đó đã đẩy tôi ra. Từ nơi tôi đang cố gắng nổi lên hiện giờ, sóng có vẻ cao. Tôi đã bị uống một ít nước. Dù tôi có thể bơi trong một hồ bơi lặng sóng, nhưng chắc chắn sẽ không thể bơi hay nổi được quá lâu trước những đợt sóng liên tiếp. Tôi cảm thấy bị choáng ngợp bởi nỗi sợ, không có gì để giữ cho tôi nổi trên nước: hành lý của chúng tôi và bình xăng nổi gần đó không chịu nổi trọng lượng của tôi, thân xuồng lật úp giờ chìm sâu trong nước, và tôi sợ rằng nó sẽ chìm hẳn. Những đảo lân cận và nơi chúng tôi xuất phát cách xa hàng ki-lô-mét, không có tàu thuyền nào khác xung quanh trong tầm nhìn.
Malik bơi về phía tôi, nắm lấy cổ áo của tôi và kéo tôi về chiếc xuồng. Suốt nửa tiếng sau đó, anh đứng trên phần động cơ lật úp đã chìm và bám vào đuôi của chiếc xuồng. Trong khi đó, tôi bám vào mạn trái phía sau của chiếc xuồng và Malik luôn giữ chắc cổ tôi. Tôi giơ tay ra vòng lên thân xuồng trơn tuột, cố gắng lấy thăng bằng vì trên thân xuồng không có gì để bám. Thỉnh thoảng, tôi dùng tay phải để nắm một phần động cơ đã chìm, nhưng tư thế này làm đầu tôi thấp ngang mặt nước và nước liên tục táp vào mặt tôi. Bằng cách nào đó, chân của tôi đã quắp chặt vào bên trái mép xuồng chìm dưới nước. Chiếc xuồng nằm lộn ngược, chân của tôi bám trên mép xuồng đã chìm sâu dưới nước trong khi đầu tôi cách mặt nước không xa, sóng vẫn liên tục đánh vào mặt tôi. Vài mảnh gỗ hoặc mái che bị tuột ra khỏi mép xuồng, cọ xát và làm đầu gối tôi đau điếng. Tôi nhờ Malik giữ lấy mình trong khi tôi tháo bỏ đôi giày nặng trịch đang kéo tôi chìm xuống.
Thỉnh thoảng, tôi quay lại nhìn những con sóng đang tiến về phía mình và chuẩn bị cho những đợt sóng lớn. Tôi thường xuyên bị tuột một chân và cố bám chân còn lại vào mép xuồng. Nhiều lần tôi bị tuột cả hai chân, bị cuốn đi và phải bơi ngược lại hoặc được Malik kéo lại, sau đó lại vội vã dùng chân bám vào mép xuồng. Trong suốt thời gian kể từ khi xuồng bị chìm, cuộc đấu tranh để sống sót qua từng đợt sóng thật gian nan. Tôi không được nghỉ hay tạm dừng trong cuộc đấu tranh này. Mỗi đợt sóng xô tới khiến tôi tuột chân khỏi mép xuồng. Mỗi lần như vậy, tôi lại hoảng hốt tìm cách quay trở lại xuồng và bám chân vào đâu đó. Tôi thường xuyên phải ngoi ngóp thở giữa những đợt sóng táp vào mặt.
Vị trí của Malik trên phần động cơ có vẻ an toàn hơn, vì vậy cuối cùng tôi cũng di chuyển từ mạn xuồng xuống phần đuôi máy và đứng bằng một chân trên phần động cơ chìm bên cạnh Malik, nghiêng người về trước và tựa tay lên trên phần thân xuồng. Sau đó tôi tìm thấy và lập tức dùng tay phải chộp lấy một thanh gỗ gắn vào thân xuồng, có thể là một mảnh vỡ của mép xuồng. Đây là lần đầu tiên tôi dùng tay nắm chắc được thứ gì đó kể từ khi chiếc xuồng bị lật. Đứng trên động cơ và ngả người lên thân xuồng khiến đầu tôi được giữ cao hơn những đợt sóng so với khi bám trên mép xuồng, nhưng nó cũng có bất lợi là tạo nhiều sức nặng lên chân của tôi và tôi dễ bị mỏi hơn.
Chúng tôi dường như không trôi gần về phía hai hòn đảo chút nào. Tôi biết sẽ không thể giữ mình nổi lên hơn một phút nếu chiếc xuồng, hiện đã nằm dưới mặt nước, chìm xuống. Tôi hỏi Malik có phải chiếc xuồng chỉ được giữ nổi nhờ lượng không khí mắc kẹt dưới thân xuồng và có nguy cơ chìm nếu không khí thoát ra ngoài, nhưng anh ta nói rằng các tấm gỗ đóng xuồng mới là thứ giúp nó nổi. Tôi không làm được gì khác ngoài việc giữ vững, phản ứng với mỗi đợt sóng, chờ đợi và quan sát. Tôi liên tục hỏi Malik có ổn không – có lẽ chỉ để tự nói với bản thân rằng mình vẫn ổn.
Hành lý trôi ra từ bên dưới chiếc xuồng. Một số bị cột vào xuồng nên nổi xung quanh mũi xuồng, bao gồm ba chiếc vali của tôi. Nhưng những hành lý khác không được cột chắc đã trôi đi, bao gồm cả chiếc ba lô màu đỏ, túi du lịch màu xanh lá cây của tôi và hành lý của Malik. Tôi biết điều quan trọng nhất là tìm cách sống sót thay vì quan tâm đến việc hành lý, nhưng tôi vẫn rơi vào trạng thái giả định của mình và nghiền ngẫm cách đối phó với những vấn đề phát sinh về việc di chuyển. Nếu tôi bị mất hộ chiếu, tôi nghĩ, tôi luôn có thể làm lại, mặc dù sẽ vô cùng phiền phức khi phải đến Đại sứ quán Mỹ gần nhất ở thủ đô của Indonesia cách đây 3.000km. Nếu tôi mất hết tiền bạc và séc du lịch, tôi không chắc mình có giữ lại danh sách số séc du lịch của tôi không, mà dù sao danh sách đó hẳn cũng nằm trong đống hành lý đang nổi dập dềnh hay trôi đi mất rồi. Nếu được cứu sống, tôi sẽ phải vay rất nhiều tiền để bay đến thủ đô Indonesia để làm hộ chiếu mới: làm thế nào và từ ai tôi có thể vay được tiền? Những thứ quan trọng nhất – hộ chiếu, tiền bạc và séc du lịch, cả những ghi chú về các loài chim trong suốt chuyến đi của tôi đều nằm trong chiếc túi màu vàng mà tôi đã giữ trong lòng khi còn ở trên xuồng, bây giờ thì không nhìn thấy nó đâu nữa. Nếu tôi không tìm được chiếc túi đó, có lẽ tôi vẫn có thể nhớ mà ghi ra danh sách các loài chim ở những nơi tôi đã đến thăm. Sau đó, tôi nhận ra rằng thật điên rồ khi suy nghĩ về hộ chiếu, tiền hay danh sách các loài chim, trong khi tôi không biết mình có sống nổi được một tiếng nữa không.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi không biết liệu mình có thể sống sót được hay không. Tôi không thể thừa nhận cảm xúc của mình về cái chết đang rình rập. Thay vào đó, tôi lại nghĩ đến việc mẹ tôi và vợ chưa cưới của tôi sẽ đau buồn thế nào nếu tôi chết. Tôi tự tưởng tượng ra bức điện tín mẹ tôi sẽ nhận được: “Chúng tôi thành thật chia buồn khi phải báo tin con trai bà, Jared, đã bị chết đuối ở vùng biển Thái Bình Dương vào ngày hôm qua.”
Đến một lúc, tôi tự nói với bản thân rằng, nếu sống sót, tôi nên ngưng việc bị ám ảnh bởi những thứ khác trong cuộc sống không quan trọng bằng việc sinh tồn. Nếu thoát nạn, tôi sẽ làm gì khác với phần đời còn lại của mình? Một trong những ý nghĩ đến đầu tiên là tôi sẽ hết lòng với việc có con chứ không lưỡng lự như hiện tại. Tôi sẽ trở lại New Guinea nếu tôi sống sót không? Những nguy hiểm của New Guinea – rủi ro liên quan đến tàu thuyền, tai nạn với chiếc máy bay nhỏ mà tôi phụ thuộc hoàn toàn để đi lại, nguy cơ bị chấn thương hoặc bệnh tật trên một ngọn núi hẻo lánh nào đó có thể để lại dị tật – những rủi ro này không đáng để chỉ đổi lấy một danh sách các loài chim của một ngọn núi nào đó chưa từng được khám phá. Có lẽ đây sẽ là điểm kết thúc sự nghiệp ở New Guinea của tôi, ngay cả khi tôi sống sót. Nhưng tôi lập tức nhớ mình đang có những vấn đề cấp bách hơn vào lúc này thay vì suy nghĩ về những gì tôi sẽ làm nếu sống sót. Tôi nhớ lại rằng một trong những chiếc vali khóa kín của tôi đang nổi bập bềnh gần mũi xuồng có chứa hai tấm nệm khí gấp lại được và hai cái gối không khí, chúng sẽ là phao cứu sinh tuyệt vời nếu được bơm khí vào. Tôi bảo Malik nói với một trong những người đàn ông gần mũi xuồng mở vali để tìm nệm và gối. Tôi lục tìm chìa khóa vali trong túi và đưa cho Malik để chuyền đến tay một trong những người đàn ông gần mũi xuồng. Nhưng không ai mở vali của tôi ra và tôi không bao giờ biết vì sao.
Bảy người còn lại trên xuồng – bốn hành khách và ba người lái xuồng – đều đang ngồi hoặc bám vào phía trước chiếc xuồng bị úp ngược. Người khách từ Ceram lặn xuống dưới thuyền nhiều lần để tìm kiếm bất cứ thứ gì hữu ích và ông đã thành công trong việc kéo ra ba chiếc phao cứu sinh trong xuồng và đưa cho bảy người ở phía trước. Không ai làm gì để giúp Malik và tôi. Người khách từ Ambon không ngừng khóc lóc và lặp đi lặp lại, “Tôi không biết bơi, chúng ta sẽ chết!” Còn người khách từ Java thì cầu nguyện. Người dân chài Trung Quốc thì bảo rằng ông sợ chúng tôi sẽ gặp mưa và sóng lớn nếu vẫn còn sống và lênh đênh thế này sau khi mặt trời lặn. Malik nói rằng, nếu chúng tôi không được giải cứu trong vòng một giờ hoặc trước hoàng hôn thì hướng hải lưu sẽ cuốn chúng tôi ra biển, xa khỏi đất liền và chúng tôi sẽ không sống sót được qua đêm nay. Tôi thật sự không nghĩ gì nhiều về việc chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi nếu không được cứu trước khi mặt trời lặn, ngoại trừ việc vừa bị ướt, run vừa phải bám vào thân xuồng sẽ kinh khủng ra sao nếu tôi phải trải qua tình trạng như vậy qua cả một đêm. Nhưng ba người lái xuồng và người đàn ông từ Ceram dường như có vẻ an toàn và thoải mái. Một trong số họ ngân nga, một hoặc hai trong số họ thỉnh thoảng bơi lội gần thân tàu, còn người Ceram ngồi trên thân tàu ăn sầu riêng mà những người hành khách mang theo và hiện đang trôi nổi khắp nơi.
Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm xung quanh xem có tàu thuyền khác không, nhưng đều vô vọng, trừ những cánh buồm xa xa về phía đất liền New Guinea. Khoảng 5 giờ 30 phút chiều, một tiếng trước khi mặt trời lặn, chúng tôi thấy ba cánh buồm nhỏ của những chiếc thuyền đến từ đất liền theo trục đường sẽ đi ngang qua chúng tôi dù ở một khoảng cách xa. Một trong những hành khách chung cảnh ngộ với tôi lấy một cây gậy, gắn chiếc áo sơ mi vào, đứng lên trên thân xuồng và vẫy mạnh cây gậy để thu hút sự chú ý của bất cứ ai trên những chiếc thuyền đó. Người Ceram bảo tôi cởi chiếc áo màu xanh của mình và Malik gắn nó lên một cây gậy khác, đứng lên và vẫy mạnh. Tất cả chúng tôi đều la lớn “Tolong!” (tiếng Indonesia có nghĩa là “Cứu”), nhưng chúng tôi ở quá xa, nằm ngoài khoảng cách nghe được của những chiếc ca nô.
Tôi vẫn còn đứng trên phần động cơ chìm dưới nước ở đuôi xuồng, ít nhất nó vẫn còn khá vững chắc, trong khi bảy người còn lại ngồi hoặc đứng trên thân xuồng phía trước. Malik cũng mới vừa gia nhập nhóm đó. Tôi biết mình không thể đứng thoải mái trên phần động cơ cả đêm, thậm chí bây giờ chân tôi đã bắt đầu co cứng. Tôi hét lên để hỏi Malik xem liệu anh ta có nghĩ rằng ngồi phía trước trên thân xuồng cùng với mọi người có an toàn hơn đứng trên động cơ không và anh đã trả lời: “Có”. Để tôi di chuyển được từ đuôi đến trước mũi xuồng có nghĩa là phải đi qua phần thân kém an toàn hơn nhiều so với phần đuôi máy hay phần mũi: tôi phải đi dọc theo phần thân tròn trơn của xuồng. Tôi leo từ phần máy lên thân xuồng, đứng dậy và cố gắng bước tới. Nhưng tôi nhanh chóng bị rớt xuống biển, chật vật leo trở lên thân xuồng, cuối cùng tôi cũng leo lên được và ngồi ngay ngắn ngay sau người dân chài Trung Quốc. Vị trí này có một số nhược điểm: không có gì để tay và chân tôi bám vào, tôi phải điều chỉnh cơ thể mỗi lần thân tàu chuyển động, một vài lần tôi ngã dúi xuống biển và phải vất vả leo lên, tôi bắt đầu run vì lạnh. Thật mỉa mai trước nguy cơ bị hạ thân nhiệt ở vùng đất thấp nhiệt đới: trong khi bình thường, tôi đã cảm thấy nóng nực, nếu khô ráo chứ không phải liên tục bị tạt nước, ẩm ướt và phơi gió như thế này. Nhưng đầu tôi bây giờ cao hơn sóng, tôi không phải đứng lâu trên phần động cơ đến mức bị chuột rút và tôi nghĩ mình có thể duy trì được ở vị trí mới này lâu hơn ở đuôi xuồng.
Khi mặt trời lặn dần, hai trong số ba người lái xuồng lấy hai áo phao và bơi về phía hòn đảo nơi chúng tôi xuất phát cách xa hàng ki-lô-mét để tìm người giúp đỡ. Không ai chắc liệu ba chiếc thuyền có đi ngang qua xuồng của chúng tôi không, họ có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy chúng tôi không, hay có chiếc nào tiến đến gần hơn không. Những người đàn ông còn lại trên thân xuồng chỉ về phía mặt trời, lo lắng về việc mặt trời lặn và liệu những chiếc thuyền kia có nhìn thấy chúng tôi trong ánh sáng nhá nhem này không. Bên cạnh những chiếc thuyền, chúng tôi còn thấy một thuyền máy và có thể thêm một chiếc xuồng khác nữa nhưng họ đều ở quá xa.
Bây giờ, buồm của chiếc thuyền gần nhất có vẻ to hơn. Chúng tôi nhìn rõ chiếc thuyền đủ để tin rằng nó đã nhìn thấy chúng tôi và thực sự đang tiến lại gần. Khi còn cách chúng tôi chừng 100m, chiếc thuyền dừng lại và hạ buồm. Trên thuyền, chỉ có một người đàn ông đang chèo thuyền về phía chúng tôi. Bây giờ, chúng tôi thấy rõ đó chỉ là một chiếc thuyền nhỏ, dài khoảng 3m, lướt rất thấp trên biển với chỉ chừng hơn 10cm mạn thuyền nổi lên. Khi chiếc xuồng nhỏ đến cạnh chúng tôi, không đợi thảo luận, hai người đàn ông gần nhất trên thân tàu, người đàn ông Ambon không biết bơi và người Java, lập tức nhảy lên. Chiếc thuyền nhỏ không thể chở thêm ai khác một cách an toàn và người lái thuyền chèo đi. Ngay khi đó, chiếc thuyền thứ hai đến gần, nó cũng hạ buồm ở khoảng cách 100m. Nó lớn hơn chiếc thuyền trước, hai người đàn ông từ đó chèo thuyền về phía chúng tôi. Khi đến gần, lần này họ thương lượng trước với chúng tôi và những người trong nhóm cũng thảo luận với nhau về việc chiếc thuyền có thể chở được bao nhiêu người và ai sẽ được đi. Ban đầu, họ chỉ nhận hai hoặc ba người trong số chúng tôi, vì họ lo lắng về chính chiếc thuyền của mình sẽ bị nước tràn vào, nhưng cuối cùng, họ cũng đồng ý chở bốn trong số năm người còn lại trên thân xuồng lật. Chúng tôi thống nhất người ở lại sẽ là người lái xuồng thứ ba và ông sẽ giữ chiếc áo phao còn lại.
Khi tôi bước vào chiếc thuyền, Malik hỏi hộ chiếu của tôi đâu. Tôi trả lời nó nằm trong chiếc túi màu vàng của tôi, có thể vẫn còn nằm bên dưới thân tàu lật úp. Người đến từ Ceram – người đã lặn xuống dưới thân tàu nhiều lần để tìm áo phao, lại một lần nữa lặn xuống, trở lại với chiếc túi màu vàng và đưa nó cho tôi. Chiếc thuyền chạy xa khỏi thân xuồng bị lật của chúng tôi, mang theo sáu người: một trong hai người lái thuyền của nó ở phía trước và một ở phía sau, sau người thuyền viên phía trước là người dân chài Trung Quốc, tôi, Malik và người đàn ông Ceram. Tôi nhìn xuống đồng hồ của mình, vô cùng ngạc nhiên nhận ra nó vẫn còn chạy tốt sau khi ngâm trong nước biển. Bây giờ là 6 giờ 15 phút chiều, 15 phút trước khi mặt trời lặn. Chúng tôi đã bám trụ suốt hai tiếng đồng hồ.
Trời tối rất nhanh. Hai người giải cứu chúng tôi chèo thuyền về phía đất liền gần nhất, đó lại chính là hòn đảo mà chúng tôi đã xuất phát trưa nay. Thành của chiếc thuyền chỉ cách mặt nước chừng vài cen-ti-mét, một trong những người ngồi phía sau tôi phải liên tục múc nước ra. Tôi nhận ra chiếc thuyền quá tải này cũng có thể bị lật bất cứ lúc nào nhưng với chúng tôi thế là an toàn rồi. Tôi không cảm thấy nhẹ nhõm hay có bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ nào; mọi thứ chỉ đơn giản là xảy ra, như thể tôi là một người quan sát vô cảm.
Chúng tôi nghe thấy có tiếng người dưới nước phía bên trái chúng tôi. Tôi tưởng rằng đó là tiếng của hai người lái xuồng của chúng tôi đã bơi đi tìm cứu viện trước đó. Tuy nhiên, người bạn đồng hành của tôi có thể hiểu được những tiếng la hét bằng ngôn ngữ Indonesia tốt hơn tôi. Hóa ra đó là tiếng của ba người trên chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên (người lái xuồng, người Ambon và Java từ xuồng của chúng tôi). Chiếc thuyền đang chìm dần vì bị nước tràn do chở quá tải. Chiếc thuyền của chúng tôi cũng không thể chở thêm bất kỳ ai. Một người nào đó trên thuyền của chúng tôi hét lên trả lời với ba người dưới nước rồi họ tiếp tục chèo thuyền đi, bỏ lại những người kia cho số phận.
Tôi không biết mất bao lâu chúng tôi mới quay về được đến đảo. Khi đến gần đảo hơn, chúng tôi thấy những con sóng vỗ vào bờ và những đốm lửa trên bãi biển. Phía trước, tôi nghe thấy người ngư dân Trung Quốc trao đổi với người chèo xuồng phía mũi thuyền bằng tiếng Indonesia, trong đó lặp lại nhiều lần cụm từ “empat Pulu ribu” (có nghĩa là “40.000”). Ngư dân người Trung Quốc lấy tiền từ một túi nhỏ của mình tìm được từ chiếc xuồng bị lật đưa cho người chèo xuồng. Tôi đoán rằng lúc đó người chèo xuồng đã quá mệt và muốn thả chúng tôi xuống ngay bãi biển gần đó nhưng người này đã trả anh 40.000 rupiah Indonesia để họ tiếp tục đưa chúng tôi đến bến cảng chính của đảo. Nhưng về sau Malik dịch cho tôi những gì người chèo xuồng thực sự nói: “Nếu anh không trả tôi 10.000 rupiah [khoảng 5 đô-la] mỗi người trong số bốn người thì tôi sẽ đưa anh quay lại chỗ xuồng bị lật úp và để mặc anh ở đó.”
Thuyền cứu hộ của chúng tôi tìm được điểm cập bến trên hòn đảo và tiến vào khu vực vịnh được che chắn, nơi có lửa đốt trên bãi biển. Phía sau chúng tôi trong bóng tối có tiếng động cơ và một chiếc xuồng máy sáng đèn tiến tới từ từ. Chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi dừng lại ở vùng nước nông, Malik, ngư dân người Trung Quốc, người từ Ceram và tôi bước xuống thuyền, lội bì bõm và leo lên chiếc thuyền lớn, mà tình cờ lại chính là thuyền đánh cá của gia đình ngư dân người Trung Quốc. Khi chiếc thuyền này ra khơi đánh bắt, vô tình nhìn thấy hai thuyền viên ban đầu của chúng tôi đang bơi với 2 phao cứu hộ, vớt họ lên và tìm thấy chiếc xuồng bị lật úp của chúng tôi, họ đã vớt những túi hành lý còn gắn với chiếc xuồng (bao gồm cả vali của tôi, nhưng không thấy hành lý của Malik). Chiếc thuyền chở chúng tôi từ từ tiến về phía đất liền New Guinea. Chúng tôi kể với những người thuyền viên về ba người trên chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên bị chìm mà chúng tôi nghe thấy tiếng hét của họ từ dưới nước. Tuy nhiên, khi chúng tôi quay lại khu vực đó, chiếc thuyền đã thẳng tiến mà không lái vòng quanh hay kêu gọi gì. Malik nói với tôi rằng những người điều khiển thuyền giải thích rằng ba người đàn ông trên thuyền cứu hộ bị chìm có thể bằng cách nào đó đã vào được bờ.
Đoạn đường vào đất liền bằng thuyền mất khoảng một tiếng rưỡi, tôi ở trần và lạnh run. Chúng tôi đến nơi vào khoảng 10 giờ đêm, một đám đông đã chờ sẵn ở bến tàu, tin tức về tai nạn của chúng tôi bằng cách nào đó đã truyền đến đất liền trước cả khi chúng tôi về tới. Giữa đám đông đó, tôi lập tức chú ý đến một một bà lão nhỏ người, có thể là một người Java dựa trên diện mạo của bà. Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt nào mạnh mẽ đến vậy trừ các diễn viên trong phim. Bà dường như bị choáng ngợp bởi sự pha trộn các cảm xúc đau buồn, kinh sợ cũng như hoài nghi về sự việc khủng khiếp đã xảy ra. Bà bước ra khỏi đám đông và bắt đầu hỏi chúng tôi. Bà chính là mẹ của người đàn ông Java trên chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên bị chìm.
Cả ngày hôm sau tôi nghỉ tại một nhà khách nhỏ, giặt vali và cọ các vật dụng bên trong. Các loại thiết bị của tôi như ống nhòm, máy ghi âm, máy đo độ cao, sách và túi ngủ đã bị hỏng hoàn toàn; nhưng ít ra tôi cũng có thể giặt sạch quần áo của mình. Malik bị mất mọi thứ mang theo. Theo luật địa phương, chúng tôi không kiện những thuyền viên đã gây ra tai nạn do lơ đễnh trong việc điều khiển động cơ.
Vào buổi tối hôm sau, tôi leo lên mái một tòa nhà gần đó vào tầm 6 giờ chiều để cảm nhận lại sự tàn lụi nhanh chóng của ánh sáng lúc hoàng hôn. Gần xích đạo, ánh sáng vụt tắt nhanh hơn nhiều so với các vùng ôn đới, bởi mặt trời lặn theo chiều thẳng đứng chứ không theo góc xéo. Đến 6 giờ 15 phút, khoảng thời gian chúng tôi được cứu thoát vào hôm trước, mặt trời nằm ngay trên đường chân trời và ánh sáng của nó mờ dần. Mặt trời lặn lúc 6 giờ 30 phút và đến 6 giờ 40 phút thì trời đã quá tối để bất kỳ ai trên một chiếc thuyền khác có thể nhận ra chúng tôi và chiếc xuồng bị lật thậm chí ở khoảng cách chỉ vài trăm mét. Chúng tôi đã thoát nạn trong gang tấc và được cứu thoát đúng lúc.
Leo xuống từ mái nhà trong bóng tối, tôi cảm thấy bất lực và vẫn không thể ý thức được hết những gì đám thuyền viên liều lĩnh đó đã gây ra cho mình. Tôi mất hết các thiết bị có giá trị và suýt nữa là chính mạng sống của mình. Vợ chưa cưới của tôi, cha mẹ và em gái tôi, bạn bè của tôi đã gần như mất tôi. Đầu gối của tôi trầy xước và đầy sẹo do cọ xát với mép xuồng. Tất cả những điều này đều do sự liều lĩnh của ba người đàn ông trẻ tuổi, những người hơn ai hết phải hiểu rõ, họ đã lái xuồng quá nhanh trong khi sóng quá cao, mặc nước bắn tung tóe vào xuồng, không thèm giảm tốc độ hoặc dừng lại khi liên tục được yêu cầu làm như vậy, bọn họ đã bơi đi với hai chiếc phao cứu sinh kiếm được, không một lời xin lỗi và không tỏ ra hối tiếc dù chỉ một chút trước nỗi đau đớn và mất mát mà họ đã gây ra cho chúng tôi và với việc suýt nữa đã giết chết chúng tôi.
Khi đang đắm mình vào những suy nghĩ này, tôi gặp một người đàn ông ở tầng trệt tòa nhà mà tôi vừa leo lên mái để ngắm mặt trời lặn. Tôi kể cho ông nghe lý do tôi leo lên mái nhà và những gì đã xảy ra với chúng tôi vào ngày hôm trước. Thật trùng hợp, ông nói cũng có mặt trên hòn đảo đó cùng ngày hôm trước và cũng đã muốn quay về đất liền. ông đã nhìn thấy chiếc xuồng mà chúng tôi thuê, với phần máy to lớn, nhìn thấy các thuyền viên trẻ tuổi tự mãn cùng kiểu cười cợt của họ, quan sát cách họ đưa xuồng vào thẳng bờ để đón khách. Với kinh nghiệm đi tàu thuyền dạn dày, ông quyết định không mạo hiểm đặt tính mạng của mình vào đám thuyền viên và chiếc xuồng đó, thay vào đó, ông đã chờ một chiếc thuyền lớn hơn, chậm hơn để đi vào đất liền.
Quyết định của ông khiến tôi giật mình. Thực tế là tôi đã không hoàn toàn bất lực. Đám thuyền viên tự mãn không phải là người duy nhất gây nguy hiểm đến tính mạng của tôi. Tôi là người tự bước vào xuồng của họ; không ai bắt buộc tôi làm điều đó cả. Tai nạn xảy ra là trách nhiệm của tôi. Tôi đã hoàn toàn có khả năng ngăn chặn nó xảy đến với mình. Thay vì tự hỏi tại sao đám thuyền viên đó lại ngu ngốc như vậy, tôi cần phải tự hỏi tại sao tôi đã quá ngu ngốc như vậy. Người đàn ông lựa chọn chờ đợi một chiếc thuyền lớn hơn đã thực hành việc hoang tưởng có căn cứ theo kiểu New Guinea, nhờ vậy mà ông đã không bị tổn thương và suýt nữa thì mất mạng. Tôi lẽ ra đã nên tự thực hành việc hoang tưởng có căn cứ và từ giờ trở đi tôi sẽ phải làm điều đó cho đến cuối đời.
Chỉ là một khúc cây trên mặt đất
Sự cố vừa rồi trong số ba sự cố liên quan kể trong chương này đã thuyết phục được tôi về tầm quan trọng của tính hoang tưởng có căn cứ. Xa khỏi những vùng đất thấp của New Guinea là vô số những dãy núi cô lập riêng biệt thu hút rất nhiều nhà sinh học vì chúng giống như những “hòn đảo” mang theo môi trường sống trên núi cao nhưng bao quanh là “biển” của những vùng đất thấp khi xét về sự phân bố của các loài sinh vật giới hạn trong môi trường sống trên núi. Những vùng trên cao của hầu hết các dãy núi bị cô lập này đều không có người ở. Có hai cách để đến được những vùng cao này để khảo sát các loài chim cũng như các động vật và thực vật khác. Một là bay trực tiếp đến độ cao mong muốn bằng trực thăng, nhưng để thuê được một chiếc trực thăng ở New Guinea không phải là dễ và càng khó hơn để tìm được một khu vực đủ rộng để hạ cánh giữa khu rừng bao phủ những đỉnh núi New Guinea. Cách thứ hai là tìm một ngôi làng đủ gần đỉnh núi muốn khảo sát để vận chuyển các thiết bị nghiên cứu đến ngôi làng đó bằng máy bay, trực thăng, hoặc thuyền rồi từ đó đi bộ để leo lên núi. Một trong những khó khăn gặp phải do địa hình New Guinea là khó mà vận chuyển được các thiết bị xa gần 10km từ các ngôi làng. Một vấn đề thực tế nữa là đối với nhiều đỉnh núi bị cô lập, bản đồ có sẵn không có thông tin về vị trí và độ cao của đỉnh cao nhất hoặc những ngôi làng gần nhất; bạn phải tự tìm những thông tin này bằng một chuyến bay khảo sát thực tế.
Tôi đặc biệt quan tâm đến một dãy núi vì dù không đặc biệt cao, nhưng nó hoàn toàn bị cô lập. Do đó vào cuối một chuyến đi của tôi ở New Guinea để bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi của năm tới, tôi đã thuê một chiếc máy bay nhỏ để khảo sát dọc theo toàn bộ chiều dài của dãy núi đó và xác định được đỉnh cao nhất của nó. Không có ngôi làng nào trong vòng 40km quanh đỉnh cao nhất đó, không thấy rừng bị phá làm đất canh tác hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự hiện diện của con người gần đó. Khả năng leo lên đỉnh núi từ một ngôi làng lân cận bị loại trừ, bắt buộc cần đến máy bay trực thăng để tổ chức chuyến đi, do đó, tôi phải tìm được một vị trí đủ thoáng để hạ cánh (Một số loại máy bay trực thăng có thể giữ độ cao phía trên tán rừng trong khi hành khách, hàng hóa được hạ xuống bằng hệ thống dây đến mặt đất, nhưng đó phải là loại máy bay trực thăng chuyên dụng và hành khách phải được huấn luyện đặc biệt). Dù ấn tượng ban đầu về những khu rừng ở New Guinea là một mảng xanh nối dài liên tục, nhưng vẫn có những khu vực quang đãng tự nhiên do bị sạt lở vì một trận động đất đã làm sụp đổ một mảng rừng, hoặc gần một đầm lầy, một cái ao bị khô cạn, một bờ sông hoặc một ngọn núi lửa bùn đã khô. Trong chuyến bay khảo sát của mình, tôi may mắn phát hiện được một khu vực đất trống rất lớn cách đỉnh núi cao nhất khoảng 4km và nằm ở độ cao thấp hơn khoảng vài ngàn mét. Theo tiêu chuẩn ở New Guinea, như vậy là quá xa để dựng trại tại nơi đất trống và hàng ngày leo lên đỉnh núi để quan sát các loài chim. Thay vào đó, bạn phải vận chuyển các thiết bị bằng trực thăng đến chỗ đất trống đó, rồi phải tự mở đường và mang các thiết bị đến một vị trí cắm trại khác trong rừng gần đỉnh núi hơn: một công việc khó khăn, nhưng vẫn khả thi.
Giải quyết xong vấn đề chỗ đáp trực thăng, vẫn còn những vấn đề khác liên quan đến việc xin giấy phép và tìm người bản địa New Guinea phụ giúp cho chuyến đi. Tôi phải làm thế nào khi không hề có một dấu hiệu nào của con người quanh đỉnh núi? Tôi phải liên hệ với ai? Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết có những người du mục di chuyển xung quanh khu vực phía đông của dãy núi này ở độ cao thấp hơn. Tôi nghe nói có thể có những người du mục xa hơn về phía tây gần đỉnh núi, nhưng không có thông tin chính xác nào và tôi cũng không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của họ từ trên máy bay. Kinh nghiệm cũng cho tôi biết những người du mục trong các dãy núi cô lập này sống hoàn toàn ở dưới thấp, nơi thực phẩm chủ yếu của họ là cọ cao lương có thể phát triển được. Ở nơi cao hơn, lương thực không đủ để duy trì sự sống của một nhóm người. Hiếm hoi lắm những người du mục này mới đi săn ở các khu vực cao hơn độ cao tối đa mà cọ cao lương có thể phát triển, nhưng tôi đã đến một số dãy núi mà người du mục thậm chí còn không đi săn và động vật sống ở vùng cao nơi đây rất hiền vì chúng chưa bao giờ nhìn thấy con người và chưa bao giờ bị săn đuổi.
Thất bại trong việc tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của những người du mục gần đỉnh núi tôi muốn đến dẫn đến hai hậu quả. Đầu tiên, tôi không tìm được người New Guinea nào cai quản ngọn núi để xin phép. Thứ hai, không có ai để giúp tôi dựng và giữ trại, mở đường cũng như tìm kiếm và xác định các loài chim. Vấn đề thứ hai có thể giải quyết bằng cách đưa những người New Guinea ở vùng khác mà tôi quen biết đến. Vấn đề thứ nhất về giấy phép mới là vấn đề lớn.
Ở New Guinea, từng tấc đất đều được cai quản bởi một nhóm người, ngay cả khi họ không bao giờ đến đó. Điều tối kỵ ở New Guinea là đi vào đất của ai mà không được phép. Hình phạt nếu bị bắt quả tang bao gồm bị cướp, bị giết và/hoặc bị hãm hiếp. Tôi đã từng rơi vào những tình huống khó xử khi tôi đã xin phép những người sống gần đấy nhất – những người tự xưng là chủ quản khu vực tôi muốn đến và đã cho phép tôi, nhưng chỉ khi đến đó tôi mới phát hiện ra có một nhóm người khác đã tuyên bố sở hữu khu vực và vô cùng tức giận khi phát hiện ra tôi trong khu vực đó mà không được sự cho phép của họ. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi tôi không chỉ đến một mình, mà luôn đi cùng những người New Guinea từ các vùng khác. Điều này càng làm chủ đất và những người bản địa phẫn nộ vì không giống như tôi, người New Guinea có thể đến để ăn cắp phụ nữ và lợn hoặc để chiếm đất.
Tôi sẽ làm gì nếu sau khi hạ cánh xuống khu đất trống này, trực thăng bay đi và để lại tôi ở đó trong ba tuần, tôi gặp phải những người du mục? Trực thăng chắc chắn phải bay đi bay về nhiều lần để vận chuyển thiết bị, đồ dự trữ cũng như chở tôi và những người đồng hành đến khu đất trống. Vì vậy, nếu có người du mục sống trong vòng vài ki-lô-mét, họ chắc chắn sẽ nghe và nhìn thấy chiếc trực thăng, nhận ra rằng có người hạ cánh ở đó và ắt hẳn sẽ tìm ra chúng tôi. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn nếu những người du mục ở đây sống “biệt lập” và chưa bao giờ nhìn thấy một người da trắng hoặc một nhà truyền giáo hay một viên chức chính phủ. Kinh nghiệm lần đầu tiếp xúc với những người “biệt lập” trước đây thật đáng sợ. Cả hai bên đều không biết đối phương muốn gì hay sẽ làm gì. Rất khó hoặc gần như không thể truyền đạt được ý định hòa bình bằng cách ra dấu với những người “biệt lập”, những người mà bạn không biết ngôn ngữ của họ ngay cả khi họ chờ đủ lâu để bạn giao tiếp. Rủi ro thay, thường thì họ sẽ không chờ đợi; họ có thể bị khiếp sợ hoặc giận dữ, hoảng loạn và ngay lập tức sẽ bắt đầu giương cung tên lên bắn. Tôi sẽ làm gì nếu bị những người du mục tìm thấy?
Sau chuyến bay khảo sát, tôi quay về Mỹ để lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm đỉnh núi đó cho năm sau bằng trực thăng đến khu đất trống. Gần như trong suốt một năm chuẩn bị đó, đêm nào tôi cũng tưởng tượng ra những gì mình có thể làm nếu gặp phải những người du mục trong rừng. Trong một viễn cảnh đó là, tôi sẽ ngồi xuống, đưa hai tay ra để chứng minh tôi không có vũ khí và không có ý xấu, gượng cười, mở ba lô và lấy ra một thanh sô-cô-la, ăn trước một miếng để chứng minh nó không có độc và ăn được, rồi tặng họ phần còn lại của thanh kẹo. Nhưng họ có thể nổi giận ngay lập tức hoặc hoảng sợ khi thấy tôi mò mẫm trong ba lô của mình, như thể tôi sẽ rút ra một khẩu súng. Trong một kịch bản khác, tôi sẽ bắt chước tiếng kêu của những loài chim địa phương ở New Guinea để cho họ biết tôi chỉ đến để nghiên cứu các loài chim. Thông thường đó là cách tốt để làm quen với người New Guinea. Nhưng họ có thể nghĩ rằng tôi bị điên, hoặc đang giở trò phù phép có liên quan đến các loài chim với họ. Hoặc giả nếu chúng tôi và những cộng sự New Guinea gặp phải một kẻ du mục đơn độc, chúng tôi có thể bằng cách nào đó dụ anh ta ở lại trại của chúng tôi, kết bạn với anh ta, tìm hiểu ngôn ngữ của anh ta và thương lượng để anh ta không bỏ đi và quay lại với những người du mục khác trước khi chúng tôi được trực thăng đón trong vài tuần sau đó. Nhưng làm sao để dụ được một người du mục hoảng sợ ở lại trại của chúng tôi trong vài tuần cùng với những kẻ xâm lấn người New Guinea khác?
Tôi phải thừa nhận rằng không có kịch bản nào với cái kết có hậu do tôi tưởng tượng ra là hợp lý. Tuy vậy, thực tế đó không khiến tôi từ bỏ cả dự án. Vẫn có khả năng rất cao chúng tôi sẽ không gặp phải bất kỳ người du mục nào, bởi chúng tôi đã không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu của bất kỳ túp lều nào từ trên cao và vì kinh nghiệm trước đây của tôi cho biết người du mục ở vùng thấp thường không tìm đến các đỉnh núi cao. Nhưng khi thật sự quay trở lại New Guinea một năm sau đó để thực hiện chuyến thám hiểm đỉnh núi, tôi vẫn chưa có một kế hoạch nào mang tính thuyết phục để đối phó trong trường hợp gặp phải những người du mục.
Cuối cùng cũng đến ngày bắt đầu hành trình, tôi tập hợp bốn người bạn New Guinea từ những ngọn núi cách đó hàng trăm ki-lô-mét và một nửa tấn đồ dự trữ, thuê một chiếc máy bay nhỏ để bay đến đường băng gần nhất, một dải đất nhỏ tại một ngôi làng cách đỉnh núi tôi muốn đến 60km về phía nam. Khi bay dọc theo chân núi, chúng tôi phát hiện tám túp lều nằm rải rác dọc theo các con sông dưới chân núi phía đông, nhưng túp lều gần nhất vẫn cách đỉnh núi của chúng tôi khoảng 35km về phía đông. Ngày hôm sau, chúng tôi đến đón cả đoàn và bay mất 4 chuyến mới vận chuyển hết tất cả đến khu đất trống chúng tôi phát hiện từ lần trước. Chuyến đầu tiên chở hai người New Guinea cùng với một cái lều, búa và một số lương thực để giúp họ sống sót trong trường hợp có tai nạn nào đó mà trực thăng không thể quay lại trong một thời gian. Khoảng một tiếng sau, máy bay trực thăng trở lại đường băng của chúng tôi cùng với một tin mừng. Trong khi bay xung quanh đỉnh núi, họ đã phát hiện ra một vị trí cắm trại tốt hơn nhiều so với khu đất trống lớn đó: một khu đất nhỏ hơn, chỉ cách đỉnh núi chừng 1km, nằm ở độ cao cao hơn hẳn vị trí đầu tiên. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có thể đi lại giữa nơi cắm trại và đỉnh núi chỉ trong vòng vài giờ mà không cần phải mang vác thiết bị từ khu đất lớn rồi dựng trại gần hơn. Hai chuyến bay tiếp theo đưa hai người New Guinea còn lại và mang thêm lương thực dự trữ đến điểm cắm trại mới.
Chuyến bay cuối cùng chở tôi và phần lương thực còn lại đến khu cắm trại. Trong khi bay, tôi quan sát cẩn thận từ máy bay trực thăng xem có bất kỳ dấu hiệu nào của cư dân không. Khoảng 16km về phía bắc của đường băng và 40km về phía nam của đỉnh núi có một ngôi làng ven con sông nhỏ. Ngay sau ngôi làng đó, tôi phát hiện được hai túp lều tách biệt, có lẽ thuộc về người du mục vẫn còn nằm trong vùng đất thấp bằng phẳng trước khi chúng tôi đến được rặng đầu tiên của dãy núi. Khi chúng tôi đến rặng núi, không có bất kỳ dấu hiệu nào khác của con người: không lều, không khu trồng trọt, không có gì khác. Ở New Guinea, khoảng cách 40km từ khu cắm trại của chúng tôi trên địa hình gồ ghề cũng như ở bên kia bờ đại dương khi nói đến nguy cơ đụng độ những người du mục. Có lẽ chúng tôi may mắn và có lẽ những ngọn núi này thực sự không có người ở và chưa từng được khám phá!
Trực thăng bay vòng quanh khu cắm trại của chúng tôi, từ đó tôi có thể nhìn thấy bốn người New Guinea đang vẫy tay bên dưới. Khu đất trống nằm cạnh một dốc nhỏ dựng đứng chỉ mới lấm tấm thực vật, hai vách có vẻ đã sụp mất trong một vụ sạt lở (có thể do một trong những trận động đất thường xuyên xảy ra ở khu vực này), là nơi hạ cánh hoàn hảo. Xa khu đất trống nhỏ này và khu đất lớn theo kế hoạch ban đầu của chúng tôi, mọi thứ trong tầm mắt đều được bao phủ bởi rừng. Người phi công và tôi đã hạ cánh, bốc dỡ những kiện hàng hóa cuối cùng. Sau đó, tôi leo lên trực thăng một lần nữa và yêu cầu người phi công bay đến đỉnh núi gần đó để có thể lên kế hoạch mở đường. Từ cuối khu đất trống của chúng tôi có một sườn núi dẫn thẳng đến đỉnh, nhưng không quá dốc. Bản thân đỉnh núi lại rất dốc, khoảng 70m dựng đứng và rất khó để leo lên. Nhưng vẫn hoàn toàn không có dấu vết nào của con người, lều hay đất trồng trọt. Chiếc trực thăng thả tôi lại khu cắm trại và sẽ đến đón chúng tôi sau 19 ngày nữa.
Đó là hành động giao phó cho số mệnh của chúng tôi, từ những gì quan sát được về địa hình, chúng tôi sẽ hoàn toàn không thể đi bộ hết 40km để trở lại đường băng ban đầu. Dù tôi đã mang theo một máy radio nhỏ, nhưng trong địa hình đồi núi đó, chiếc radio của tôi không thể nhận hoặc truyền tín hiệu đến căn cứ trực thăng cách đó 200km. Thay vào đó, để phòng ngừa trong trường hợp có tai nạn hoặc bệnh tật cần phải sơ tán khẩn cấp, tôi đã sắp xếp cho một chiếc máy bay nhỏ có lộ trình không quá xa khu cắm trại của chúng tôi bay vòng qua khu trại của chúng tôi năm ngày một lần. Chúng tôi có thể cố gắng liên lạc với phi công bằng radio để xác nhận chúng tôi vẫn ổn và chúng tôi đã thống nhất sẽ trải một tấm nệm khí màu đỏ tươi trên đất nếu có trường hợp khẩn cấp.
Chúng tôi dành cả ngày thứ hai để dựng trại. Tin vui nhất là vẫn không có dấu hiệu nào của người dân: nếu có người du mục bị đánh động bởi máy bay trực thăng và đang cố gắng truy lùng chúng tôi đi nữa, thì điều đó vẫn chưa xảy ra. Những loài chim lớn bay quanh khu đất, không để tâm đến sự hiện diện của chúng tôi cách đó vài chục mét. Điều này gợi ý rằng những con chim này không sợ người và càng chứng minh rằng người du mục không ghé đến đây.
Vào ngày thứ ba, cuối cùng tôi cũng đã sẵn sàng để leo lên đỉnh núi, đi theo sau hai người bạn New Guinea của tôi, Gumini và Paia, những người mở đường. Ban đầu, chúng tôi leo khoảng hơn 150m từ rãnh đất lở của chúng tôi lên sườn núi, bao phủ bởi những mảng nhỏ gồm cỏ và cây bụi thấp, tôi đoán rằng do vụ sạt lở đất mà bây giờ chúng đã phát triển quá mức. Leo dọc theo sườn núi, chúng tôi nhanh chóng tiến vào khu rừng sâu và leo thẳng lên một cách dễ dàng. Việc ngắm chim càng trở nên thú vị hơn khi tôi bắt đầu nhìn thấy và nghe được những loài chim trên núi, trong đó có một vài loài không phổ biến và ít được biết đến như Perplexing Scrub-Wren và Obscure Honeyeater. Khi chúng tôi lên đến đỉnh, nó thực sự rất dốc, đúng như lúc tôi nhìn thấy từ trực thăng. Nhưng chúng tôi có thể leo lên đến nơi nhờ bám vào rễ cây. Từ trên đỉnh, tôi phát hiện một con chim White-breasted Fruit-Dove và một con Hooded Pitohui, hai loài sống trên núi cao mà không thể tìm thấy được ở vùng đất thấp hơn. Rõ ràng, đỉnh núi này chỉ đủ cao để một vài cá thể của từng loài sinh sống. Nhưng tôi không tìm thấy những loài chim núi khác thường phổ biến và ồn ào ở cùng độ cao này ở những nơi khác của New Guinea: có lẽ chúng thật sự không có ở đây vì đỉnh núi này quá nhỏ để đáp ứng số lượng của một quần thể bắt buộc đối với những loài này. Tôi bảo Paia đi về trại trước, trong khi Gumini và tôi từ từ đi xuống con đường mòn của chúng tôi, vừa đi vừa khám phá những loài chim.
Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Vấn đề mà tôi lo sợ vẫn chưa thành hiện thực. 17 ngày còn lại hoàn toàn lý tưởng để chúng tôi xác định loài chim núi nào có mặt và loài nào không. Gumini và tôi có cảm giác phấn chấn khi đi xuống theo con đường mòn mới mở, ra khỏi khu rừng đến một khoảng đất trống nhỏ tôi đoán là do sạt lở đất ở sườn núi phía trên trại của chúng tôi.
Đột nhiên, Gumini dừng lại, cúi xuống và nhìn chằm chằm vào một cái gì đó trên mặt đất. Khi tôi hỏi anh chỉ nói, “Hãy nhìn xem” và chỉ tay. Không có gì hơn một khúc cây nhỏ hay là một cây con cao khoảng vài mét với một vài chiếc lá trên thân. Tôi bảo anh, “Đó chỉ là một cây con thôi mà. Nhìn xem, có rất nhiều cây con khác mọc quanh khu đất trống này. Cây này có gì đặc biệt vậy?”
Gumini trả lời, “Không, nó không phải là một cây con. Nó là một khúc cây cắm xuống đất.” Tôi không đồng ý, “Sao anh lại nghĩ vậy? Nó chỉ là một cây con mọc lên từ mặt đất”. Thay vì trả lời, Gumini nắm lấy nó và kéo lên. Nó bị kéo lên một cách dễ dàng, mà không cần phải tốn công làm đứt rễ cây. Khi anh kéo nó ra khỏi mặt đất, chúng tôi không thấy rễ bám quanh gốc mà thân cây hoàn toàn trơn tru. Tôi nghĩ có lẽ khi kéo, Gumini đã làm đứt hết rễ của nó, nhưng anh đào xung quanh lỗ trên mặt đất và chỉ cho tôi thấy không hề có rễ ở xung quanh. Nó chắc chắn là một cành cây bị bẻ gãy và cắm xuống đất, như anh nhấn mạnh từ đầu. Làm sao nó lại nằm ở đó và bị cắm xuống đất?
Cả hai chúng tôi đều nhìn lên những cây nhỏ cao khoảng 5m phía trên. Tôi đưa ra giả thuyết rằng, “Một nhánh cây ắt hẳn đã gãy và rơi xuống rồi mắc kẹt trong đất.” Nhưng Gumini phản đối, “Nếu nhánh cây bị gãy và rơi xuống, nó thường sẽ không cắm đầu bị gãy xuống và lá hướng lên trên. Và đó lại là một nhánh cây nhẹ, không đủ nặng để tự cắm sâu vài cen-ti-mét xuống đất. Trông như đã có người bẻ cành và cắm đầu nhọn xuống đất với phần lá hướng lên trên, như một cách làm dấu.”
Tôi cảm thấy rùng mình và sởn gai ốc, nghĩ đến Robinson Crusoe lúc bước chân lên hòn đảo không có người và tự xưng là của mình rồi đột nhiên nhìn thấy dấu chân người. Gumini và tôi ngồi xuống, nhặt cành cây lên rồi nhìn xung quanh. Chúng tôi ngồi đó bàn luận về những giả thuyết có thể xảy ra cả tiếng đồng hồ. Nếu thực sự điều này do một người nào đó làm, vậy tại sao không có bất kỳ dấu hiệu hoạt động nào khác của con người, mà chỉ có khúc cây gãy này? Nếu một người cắm nó xuống đất, anh ta đã ở đây bao lâu? Chắc chắn không phải hôm nay vì lá đã hơi héo. Nhưng cũng không phải cách đây rất lâu vì lá vẫn còn xanh, chưa bị khô và quắt lại. Khoảng đất trống này có thật sự là khu vực bị sạt lở trước đây có cây mọc kín như tôi đã suy đoán không? Hay nó là một khu đất trồng trọt cũ bị bỏ hoang? Tôi vẫn giữ vững niềm tin rằng một người du mục sẽ không thể nào đi bộ đến đây trong vài ngày trước từ túp lều cách đây đến 40km, bẻ một cành cây cắm xuống đất và ra đi mà không để lại bất kỳ dấu vết nào khác. Gumini vẫn khăng khăng rằng cành cây không thể tự cắm xuống đất giống như có bàn tay người cắm nó xuống đến như vậy được.
Chúng tôi đi bộ một khoảng ngắn nữa để về trại, nơi những người New Guinea còn lại đang tụ tập, kể với họ về điều vừa nhìn thấy. Không ai nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào khác về sự hiện diện của con người. Giờ đây khi đã đến được thiên đường này, nơi tôi đã mơ về trong cả năm nay, tôi sẽ không trải tấm nệm màu đỏ như một dấu hiệu khẩn cấp để sơ tán cho chuyến bay kiểm tra tình hình của chúng tôi trong ba ngày tới chỉ vì có một cành cây cắm trong đất không lý giải được. Làm như vậy có nghĩa là thực hành hơi quá việc hoang tưởng có căn cứ. Tôi tự nhủ chắc chắn sẽ có lời giải thích tự nhiên nào đó cho cành cây này. Có thể nó thực sự đã rơi theo chiều thẳng đứng với đủ lực để cắm sâu xuống đất, hoặc có thể chúng tôi đã bỏ sót những rễ cây bị đứt khi kéo nó ra khỏi mặt đất. Nhưng Gumini là một tiều phu giàu kinh nghiệm, một trong những người giỏi nhất mà tôi gặp tại New Guinea và ít có khả năng anh đọc sai những dấu hiệu này.
Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là phải rất cẩn trọng, cảnh giác trước những dấu hiệu khác của con người và không làm bất cứ điều gì có thể làm lộ sự hiện diện của chúng tôi ở đây với những người du mục có thể đang ẩn nấp quanh đây. Bốn chuyến bay bằng trực thăng rất ồn ào của chúng tôi khi đến đây lập trại có thể đã đánh động bất kỳ người du mục nào trong bán kính hàng chục ki-lô-mét. Và chúng tôi sẽ sớm biết nếu có ai ở quanh đây. Để đề phòng, chúng tôi không hét lên gọi nhau từ xa. Tôi cố gắng giữ yên lặng tuyệt đối nếu đi xuống độ cao bên dưới trại để quan sát chim, nơi có nhiều khả năng có người du mục sinh sống hơn. Để lửa trại không làm lộ sự hiện diện của mình, chúng tôi chỉ nhóm lửa đủ lớn để nấu ăn sau khi trời tối. Đến khi phát hiện thấy vài con thằn lằn lớn đang rình mò xung quanh trại, tôi bảo những người New Guinea làm cung tên để tự vệ. Họ nghe theo nhưng không tích cực lắm có lẽ vì gỗ vừa cắt còn xanh sẽ không làm được cung tên tốt, cũng có thể vì bốn bộ cung tên xanh trong tay bốn người New Guinea sẽ không có tác dụng nếu thực sự có một nhóm người du mục giận dữ rình rập xung quanh.
Những ngày tiếp theo, không có cành cây bí ẩn nào, cũng không có dấu hiệu đáng ngờ nào của con người xuất hiện. Thay vào đó, chúng tôi nhìn thấy chuột túi sống trên cây vào ban ngày, chúng không sợ hãi hay bỏ chạy khi nhìn thấy chúng tôi. Chuột túi sống trên cây là động vật có vú bản địa có kích thước lớn nhất ở New Guinea và cũng là mục tiêu đầu tiên của thợ săn địa phương, vì vậy trong những vùng có dân cư chúng đã nhanh chóng bị bắn hạ. Những con sống sót học được cách chỉ hoạt động vào ban đêm và rất nhút nhát, lập tức bỏ chạy nếu bị phát hiện. Chúng tôi cũng gặp những con đà điểu đầu mèo không biết sợ, loài chim không biết bay lớn nhất của New Guinea, cũng là mục tiêu săn bắt và trở nên quý hiếm cũng như rất nhút nhát trong khu vực có người. Những con chim bồ câu và vẹt có kích thước lớn ở gần đấy cũng không hề e sợ. Tất cả đều khẳng định rằng động vật nơi đây chưa bao giờ gặp thợ săn hay du khách.
Khi trực thăng của chúng tôi trở lại và chở chúng tôi về sau lịch trình 19 ngày, bí ẩn của cành cây vẫn chưa được lý giải. Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của con người ngoại trừ cành cây ấy. Khi nhìn lại, tôi càng nghĩ rằng không thể nào những người du mục từ các vùng đất thấp cách xa hàng ki-lô-mét, leo lên hàng ngàn mét, phát quang trồng trọt, trở lại sau một hai năm, cắm một cành cây xuống đất một cách ngẫu nhiên vào vài ngày trước khi chúng tôi đến rồi không để lại dấu vết gì khác. Dù khó lý giải điều này, tôi đoán sự hoang tưởng có căn cứ của Gumini trong trường hợp này là không hợp lý.
Nhưng tôi đương nhiên có thể hiểu vì sao Gumini lại phản ứng như vậy. Nơi anh ở đã được kiểm soát bởi chính phủ trong thời gian gần đây. Nhưng cho đến lúc đó, những cuộc xung đột truyền thống vẫn xảy ra. Paia, lớn hơn Gumini 10 tuổi, lớn lên với những công cụ bằng đá tự làm. Trong xã hội của Gumini và Paia, những người không đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu của người lạ trong rừng thường không sống lâu. Chẳng có hại gì khi nghi ngờ một cành cây khó giải thích, hay dành cả tiếng đồng hồ kiểm tra và thảo luận về nó và sau đó vẫn giữ thái độ cảnh giác. Trước khi tai nạn trên xuồng xảy ra, có lẽ tôi sẽ cho rằng phản ứng của Gumini là thái quá, giống như cách tôi đã phản ứng lại những người New Guinea không chịu ngủ dưới gốc cây đã chết. Nhưng bây giờ, tôi đã sống ở New Guinea đủ lâu để hiểu được phản ứng của Gumini. Việc chú ý đến một cành cây vẫn tốt hơn gấp 1.000 lần dù cuối cùng nó chỉ là một nhánh cây gẫy rơi xuống một cách tự nhiên ở một tư thế không tự nhiên, còn hơn là phạm phải sai lầm chết người nếu bỏ qua một cành cây thực sự được cắm xuống đất bởi một người lạ. Phản ứng hoang tưởng có căn cứ của Gumini là một phản ứng hoàn toàn thích hợp đối với một người New Guinea cẩn trọng và giàu kinh nghiệm.
Chấp nhận rủi ro
Trong khi nói đến sự thận trọng căn bản mà tôi gọi là hoang tưởng có căn cứ thường gặp ở người New Guinea, tôi không muốn tạo ấn tượng sai lầm rằng họ bị bối rối hay do dự khi hành động. Những người thận trọng hoàn toàn có thể cân nhắc rủi ro và hành động. Họ có thể vẫn làm một số điều mà họ biết là nguy hiểm, nhưng họ không bao giờ làm điều đó thường xuyên và luôn cẩn trọng. Đó là khi họ cần tìm lương thực hay để thành công trong cuộc sống, hoặc bởi họ đánh giá cao những điều họ làm. Tôi nhớ lại một câu nói của cầu thủ khúc côn cầu vĩ đại Wayne Gretzky về rủi ro của những cú đánh khó dễ ra ngoài lưới: “100% cú đánh của bạn sẽ không vào lưới nếu bạn không thử!”
Những người bạn New Guinea của tôi sẽ hiểu câu nói của Gretzky và sẽ thêm hai chú thích vào đó. Đầu tiên, tương tự với cuộc sống truyền thống là bạn sẽ bị phạt nếu đánh hỏng, nhưng bạn sẽ vẫn thử, mặc dù thận trọng hơn. Thứ hai, một cầu thủ khúc côn cầu không thể mãi chờ đợi một cơ hội hoàn hảo, bởi trận đấu có giới hạn về thời gian. Tương tự như vậy, cuộc sống truyền thống cũng có những giới hạn về thời gian: bạn sẽ chết khát trong vòng vài ngày nếu không chấp nhận rủi ro đi tìm nước, bạn sẽ chết đói trong vòng một vài tuần nếu không liều đi tìm thức ăn. Trong thực tế, tuổi thọ trung bình trong xã hội truyền thống ngắn hơn nhiều so với tuổi thọ của những người từ các nước tân tiến, vì các yếu tố không kiểm soát được như bệnh tật, hạn hán và bị kẻ thù tấn công. Dù có thận trọng đến đâu, trong một xã hội truyền thống, mọi người thường chết trước tuổi 55 và điều đó đồng nghĩa với việc phải chịu đựng mức độ rủi ro cao hơn trong xã hội tân tiến với tuổi thọ trung bình là 80. Dưới đây là ba ví dụ về những rủi ro được mọi người trong xã hội truyền thống chấp nhận nhưng lại làm chúng ta khiếp sợ:
Thợ săn!Kung, không được trang bị gì ngoài một cây cung nhỏ và mũi tên tẩm độc, huơ gậy và hét lên để đánh lạc hướng sư tử hay linh cẩu khỏi xác con mồi. Khi người thợ săn bắn trúng một con linh dương, mũi tên nhỏ đó khó có thể giết chết con vật một cách trực tiếp. Thay vào đó, con mồi sẽ chạy mất, người thợ săn sẽ phải lần theo dấu vết và đến lúc con mồi ngã xuống do chất độc phát tác rất chậm trong nhiều giờ hoặc một ngày sau đó, thì lũ sư tử hay linh cẩu đã tìm thấy xác con mồi trước. Người thợ săn không dám đánh lạc hướng những động vật săn mồi này chắc chắn sẽ chết đói. Đối với tôi không có gì mang tính tự sát hơn việc bước về phía lũ sư tử đang say mồi, huơ gậy chọc tức chúng. Tuy nhiên, những người thợ săn người!Kung làm điều đó hàng chục lần mỗi năm, trong nhiều thập kỷ. Họ cố gắng giảm thiểu rủi ro bằng cách chỉ thách thức những con sư tử đã no nê và đã sẵn sàng rút lui, chứ không bao giờ chọc tức lũ sư tử đói mồi hay gầy ốm vừa mới phát hiện ra xác con mồi và sẵn sàng bảo vệ vị trí của nó.
Phụ nữ trong khu vực Fore ở vùng Cao nguyên phía Đông New Guinea sẽ đi từ làng cũ của họ đến làng của chồng khi kết hôn. Khi những người phụ nữ đã lập gia đình sau đó quay trở lại làng cũ với cha mẹ và người thân, họ có thể sẽ đi một mình hoặc cùng với chồng. Trong thời kỳ chiến tranh liên miên của xã hội truyền thống, một người phụ nữ di chuyển một mình có thể sẽ bị cưỡng hiếp hoặc giết chết khi đi ngang qua lãnh thổ đối phương. Họ sẽ cố gắng để tránh nguy cơ này bằng cách tìm kiếm sự bảo vệ của những người thân khác đang sinh sống trên vùng lãnh thổ mà họ đi qua. Tuy nhiên, những mối nguy và sự bảo vệ đều khó đoán trước. Họ có thể bị tấn công để trả thù cho vụ mưu sát nào đó đã xảy ra trong thế hệ trước; hoặc người bảo vệ của họ có thể bị áp đảo bởi những kẻ trả thù, hoặc chính người bảo vệ sẽ đồng tình với sự trả thù đó.
Ví dụ, nhà nhân chủng học Ronald Berndt đã kể lại câu chuyện về một phụ nữ trẻ tên Jumu, người làng Ofafina, đã kết hôn với một người đàn ông làng Jasuvi. Khi Jumu trở về làng cũ với đứa con của mình để thăm người thân, cô phải băng qua huyện Ora, nơi một người phụ nữ tên là Inusa đã bị giết gần đây bởi những người đàn ông Ofafina. Do đó, gia đình chồng ở Jasuvi của Jumu khuyên cô nên tìm kiếm sự bảo vệ từ một người họ hàng ở Ora tên là Asiwa, nhưng cũng đồng thời lại là con trai của một người anh em của Inusa quá cố. Thật không may, sau khi tìm thấy Asiwa trong vườn, Jumu bị những người đàn ông Ora khác phát hiện, chúng đã lừa và ép Asiwa cho phép một trong số họ hãm hiếp Jumu ngay trước mặt Asiwa, sau đó giết chết Jumu và đứa con. Asiwa đã không hết lòng bảo vệ Jumu, bởi ông cảm thấy việc giết chết Jumu và đứa con của cô là sự trả thù chính đáng cho cái chết của Inusa. Vì sao Jumu lại phạm phải sai lầm chết người hiển nhiên này khi giao phó tính mạng vào sự bảo vệ của Asiwa, Berndt nhận xét, “Chiến tranh, trả thù và trả thù ngược lại đã phổ biến đến mức mọi người trở nên quá quen với tình trạng này.” Jumu đã không sẵn sàng để từ bỏ vĩnh viễn hy vọng nhìn thấy cha mẹ cô một lần nữa nên cô đã chấp nhận và chỉ cố gắng để giảm thiểu rủi ro xảy ra.
Ví dụ còn lại của tôi về sự cân bằng mỏng manh giữa sự hoang tưởng có căn cứ và việc sẵn lòng chấp nhận rủi ro là về người thợ săn Inuit. Một phương pháp săn hải cẩu quan trọng của người Inuit trong mùa đông là đứng đôi khi hàng giờ liền, trên các lỗ thở của hải cẩu giữa biển băng, với hy vọng một con hải cẩu sẽ ló lên ở đấy để lấy hơi thở và có thể bị lao đâm trúng. Kỹ thuật này dẫn đến rủi ro tảng băng có thể vỡ ra và người thợ săn mắc kẹt trên băng sẽ phải đối mặt với khả năng tử vong do băng tan, chết đuối, phơi nắng hoặc chết đói. Sẽ an toàn hơn nếu người thợ săn ở lại trên đất liền và không đẩy mình vào tình trạng nguy hiểm đó. Nhưng ngược lại, điều này có thể làm họ chết đói, bởi săn bắn trên đất liền không thể được tưởng thưởng nhiều như việc giết được một con hải cẩu. Dù người thợ săn Inuit có cố gắng lựa chọn những tảng băng khó vỡ, ngay cả những thợ săn cẩn thận nhất cũng không thể dự đoán được khi nào băng có thể vỡ và các nguy cơ khác của cuộc sống ở Bắc Cực dẫn đến tuổi thọ trung bình rất ngắn đối với những thợ săn Inuit truyền thống. Điều đó tương tự như việc nếu trận khúc côn cầu chỉ kéo dài 20 phút, thì người ta sẽ phải mạo hiểm sút ngay cả bị phạt vì sút hỏng
Rủi ro và tính nhiều chuyện
Cuối cùng, tôi muốn phỏng đoán về một mối liên kết giữa hai đặc tính của đời sống truyền thống: sự rủi ro của nó và những gì tôi cảm nhận về tính nhiều chuyện của các dân tộc truyền thống. Kể từ chuyến đi đầu tiên đến New Guinea, tôi đã bị ấn tượng bởi việc người New Guinea dành nhiều thời gian để nói chuyện với nhau đến thế nào so với chúng ta, những người Mỹ và châu âu. Họ liên tục bình luận về những gì đang xảy ra, những gì đã xảy ra buổi sáng nay và ngày hôm qua, người nào ăn gì khi nào và những chi tiết cặn kẽ về việc ai đã nói gì về ai hoặc đã làm những gì với ai. Họ không chỉ nói chuyện suốt cả ngày, mà thỉnh thoảng còn thức dậy giữa đêm và tiếp tục nói chuyện. Hầu như không thể có được một giấc ngủ ngon khi ở chung lều với những người New Guinea. Nhiều người phương Tây khác cũng có cùng nhận xét trên về tính nhiều chuyện của người!Kung, người lùn Pygmy châu Phi và của nhiều dân tộc truyền thống khác.
Trong vô vàn ví dụ, một câu chuyện đã luôn in đậm trong tâm trí tôi. Một buổi sáng trong chuyến đi đến New Guinea lần thứ hai của mình, tôi đang ở trong lều cùng với hai người đàn ông Cao nguyên New Guinea, trong khi những người khác đã rời khỏi trại đi vào rừng. Hai người đàn ông này thuộc bộ lạc Fore và đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Fore. Cuộc trò chuyện của họ lặp lại về một chủ đề mà tôi có đủ vốn từ vựng tiếng Fore để có thể hiểu. Họ đang nói về một loại thực phẩm chủ yếu của vùng cao nguyên là khoai lang mà trong tiếng Fore gọi là isa-awe. Một người nhìn vào đống khoai lang lớn trong góc, sau đó ngồi đếm xem đống khoai thật sự có bao nhiêu củ. Họ sử dụng hệ thống số đếm Fore sắp xếp đồ vật tương ứng với 10 ngón tay, sau đó đến 10 ngón chân và cuối cùng là dọc theo một loạt các điểm trên cánh tay. Mỗi người kể cho người còn lại nghe sáng nay họ đã ăn bao nhiêu isa-awe. Rồi họ lại ngồi nhớ xem “người đàn ông đỏ” đã ăn bao nhiêu isa-awe (tức là, tôi: người Fore gọi người châu âu làtetekine, nghĩa đen là “người đàn ông màu đỏ,” chứ không phải “người da trắng”). Người đàn ông đầu tiên nói ông lại đang đói và muốn ăn isa-awe dù ông mới ăn cách đây một tiếng. Cuộc đối thoại lại tiếp tục với chủ đề ước tính xem đống khoai đó còn đủ cho đến bao giờ và khi nào thì người đàn ông màu đỏ (là tôi, một lần nữa) sẽ mua thêm isa-awe. Cuộc đối thoại đó không có gì bất thường, nhưng nó khiến tôi không thể nào quên được từ isa-awe và bởi tôi ấn tượng với khả năng kéo dài cuộc đối thoại của hai người đàn ông đó dựa trên các biến thể của một chủ đề duy nhất là isa-awe.
Chúng ta có thể đơn thuần xem đó là “chuyện nhảm”. Nhưng việc nói nhảm cũng có công dụng đối với chúng ta và cho cả người New Guinea. Một trong những chức năng của việc nói chuyện ở New Guinea là đối với những người truyền thống, họ không có các phương tiện giải trí thụ động như chúng ta để giết thời gian, chẳng hạn như truyền hình, radio, phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử và Internet. Thay vào đó, nói chuyện là hình thức giải trí chính ở New Guinea. Ở New Guinea, nói chuyện còn có chức năng duy trì và phát triển các mối quan hệ trong xã hội, việc này cũng quan trọng với người New Guinea như với người phương Tây.
Ngoài ra, tôi nghĩ việc liên tục nói chuyện giúp người New Guinea đối phó với cuộc sống trong một thế giới đầy hiểm nguy xung quanh. Mọi thứ đều được đem ra thảo luận: chi tiết của từng sự kiện, những gì đã thay đổi kể từ ngày hôm qua, những gì có thể xảy ra tiếp theo, ai đã làm những gì và tại sao họ làm vậy. Chúng ta nhận được phần lớn thông tin về thế giới xung quanh qua các phương tiện truyền thông; người New Guinea truyền thống nhận được mọi thông tin của họ từ những quan sát cá nhân và từ những người khác. Cuộc sống đối với họ nguy hiểm hơn đối với chúng ta. Bằng cách nói chuyện liên tục và thu thập càng nhiều thông tin, người New Guinea cố gắng hiểu được thế giới của họ và càng chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những mối nguy hiểm của cuộc sống.
Tất nhiên, việc trò chuyện cũng có chức năng phòng tránh nguy hiểm cho cả chúng ta nữa. Tuy nhiên, chúng ta ít có nhu cầu giao tiếp hơn, bởi chúng ta phải đối mặt với ít nguy hiểm hơn và có nhiều nguồn thông tin để tham khảo hơn. Tôi chợt nhớ đến một người bạn Mỹ tên là Sara, người mà tôi ngưỡng mộ vì những nỗ lực của cô trong việc chống chọi với thế giới đầy nguy hiểm xung quanh. Sara là một người mẹ đơn thân, làm việc toàn thời gian, sống với đồng lương khiêm tốn, chật vật chi trả cho các nhu cầu của con trai và của bản thân. Là người thông minh và hòa đồng, cô muốn tìm gặp một người đàn ông phù hợp để trở thành bạn đời của cô, cha của con cô, một người bảo vệ và đóng góp một phần vào kinh tế gia đình.
Đối với một người mẹ đơn thân, thế giới của những người đàn ông Mỹ luôn đầy rẫy những nguy hiểm khó có thể đánh giá chính xác. Sara đã gặp phải những người đàn ông không trung thực hoặc bạo lực. Song, điều đó không làm cô từ bỏ việc hẹn hò. Cũng như những thợ săn người!Kung không bỏ cuộc khi thấy sư tử đứng trên con mồi, họ sử dụng tất cả kinh nghiệm của mình để đánh giá nhanh chóng các mối nguy hiểm cụ thể có thể xảy ra từ những con sư tử này, Sara cũng đã học được cách nhìn người một cách nhanh chóng và nhận ra được những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Cô thường dành nhiều thời gian để tâm sự với bạn bè là phụ nữ trong tình huống tương tự, để chia sẻ kinh nghiệm về những người đàn ông cũng như những cơ hội và rủi ro khác trong cuộc sống, vì vậy, họ có thể giúp nhau giải thích những quan sát của mình.
Wayne Gretzky sẽ hiểu tại sao Sara vẫn tiếp tục gặp gỡ những người đàn ông bất chấp những chuyện đáng tiếc (Cuối cùng, Sara cũng có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc với một người đàn ông tốt, cũng là một người cha đơn thân). Và những người bạn New Guinea của tôi sẽ hiểu được tính hoang tưởng có căn cứ của Sara, cũng như tất cả thời gian mà cô ấy dành cho việc tâm sự mọi chuyện về cuộc sống của mình với bạn bè.