Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

CHƯƠNG 6: ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI GIÀ: THƯƠNG YÊU? RUỒNG BỎ? HAY GIẾT CHẾT?



Người già.
– Những kỳ vọng về việc chăm sóc người già.
– Tại sao lại ruồng bỏ hoặc giết chết?
– Sự hữu ích của người già
– Các giá trị của xã hội
– Những quy tắc của xã hội
– Ngày nay tốt hơn hay tệ hơn?
– Phải làm gì với người già?
Người già
Khi ghé thăm một ngôi làng trên đảo Fiji thuộc Viti Levu, tôi đã bắt chuyện với một người đàn ông địa phương từng đến Mỹ và ông kể cho tôi về những ấn tượng của mình. Cuộc sống ở Mỹ có một vài đặc trưng khiến ông ngưỡng mộ cũng như ghen tị, tuy nhiên cũng có những điểm làm ông kinh sợ. Tệ nhất là cách chúng ta đối xử với người già. Ở vùng nông thôn Fiji, người già tiếp tục sống trong ngôi làng nơi họ đã sinh ra và lớn lên, quây quần bên người thân và bạn bè lâu năm. Họ thường cư trú trong ngôi nhà của con cái họ, con cái chăm sóc họ ân cần đến mức thậm chí còn nhai trước và làm mềm thức ăn cho cha mẹ già đã rụng răng. Tuy nhiên ở Hoa Kỳ, người Fiji mà tôi quen đã bị sốc khi biết nhiều người già được gửi đến viện dưỡng lão, nơi con cái họ chỉ thỉnh thoảng ghé thăm. ông bất ngờ la lên lời buộc tội với tôi, “Các ông vứt bỏ người già và cha mẹ của chính các ông!”
Trong các xã hội truyền thống, một số thậm chí còn đối xử với người già một cách trân trọng hơn so với người Fiji. Họ cho phép người già ngược đãi con cái trưởng thành của họ, kiểm soát tài sản xã hội và thậm chí ngăn đàn ông trẻ kết hôn cho đến khi họ 40 tuổi. Những xã hội khác lại đặt người già ở vị thế thậm chí còn thấp hơn so với người Mỹ. Họ bỏ đói hoặc bỏ rơi, chủ động giết chết người già. Tất nhiên, có rất nhiều cá nhân khác biệt trong mọi xã hội: Tôi có một số bạn bè người Mỹ đưa cha mẹ vào một viện dưỡng lão và vào thăm họ mỗi năm một lần hoặc không bao giờ đến thăm, còn có một người bạn khác từng xuất bản cuốn sách thứ 22 vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của mình và kỉ niệm dịp này với tất cả các con, cháu và chắt, những người mà ông gặp gỡ thường xuyên trong suốt cả năm. Tuy nhiên, mức độ khác biệt trong thực tế về việc chăm sóc người già thông thường ở các xã hội truyền thống còn lớn hơn cả mức độ khác nhau giữa các hoạt động chăm sóc người già ở riêng Hoa Kỳ. Tôi không biết bất kỳ người Mỹ nào chăm sóc cha mẹ già chu đáo đến mức nhai trước thức ăn cho họ, cũng như không biết bất kỳ ai bóp cổ giết chết cha mẹ già và được công khai khen ngợi như một đứa con tốt vì đã làm như vậy. Rất nhiều người thừa nhận rằng người già ở Hoa Kỳ thường bất hạnh. Liệu chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ những khác biệt ở các xã hội truyền thống, cả những điều chúng ta có thể học theo và những điều chúng ta nên tránh?
Trước khi tiếp tục, hãy để tôi giải quyết hai lý lẽ phản đối thường xuất hiện. Một là không có định nghĩa chung nào về độ tuổi mà một người trở nên “già”: nghĩa là, quan điểm đó cũng khác nhau giữa các xã hội và với quan điểm cá nhân của mỗi người. Tại Hoa Kỳ, chính phủ liên bang xác định tuổi già bắt đầu từ tuổi 65, khi một người có đủ điều kiện hưởng phúc lợi xã hội. Khi còn là thiếu niên, tôi nghĩ về những người ở cuối độ tuổi 20 như họ đang ở đỉnh cao của cuộc đời và trí tuệ, độ tuổi 30 như đã trở thành tuổi trung niên và bất cứ ai từ khoảng 60 tuổi trở đi là người già. Bây giờ khi 75 tuổi, tôi coi độ tuổi 60 và đầu 70 là đỉnh cao của cuộc đời mình và tuổi già có thể bắt đầu vào khoảng 85 hoặc 90 tuổi tuỳ thuộc vào sức khỏe của tôi. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn New Guinea, có tương đối ít người sống được đến 60 tuổi, thậm chí 50 tuổi đã được coi là già. Tôi nhớ khi tới một ngôi làng Indonesia New Guinea, khi người dân địa phương biết rằng tôi 46 tuổi, họ thốt lên “setengah mati!”, nghĩa là “gần chết” và họ chỉ định một cậu thiếu niên liên tục đi bên cạnh tôi để đảm bảo tôi không bị ngã. Vì thế “tuổi già” phải được xác định theo các tiêu chuẩn của xã hội địa phương, thay vì bởi một số năm chung tùy ý.
Lý lẽ phản đối còn lại có liên quan đến lý lẽ thứ nhất. Ở những đất nước có tuổi thọ trung bình dưới 40, người ta có thể tưởng tượng rằng hầu như không ai đạt tới tuổi già theo quy định tại Hoa Kỳ. Trên thực tế, trong hầu hết các làng New Guinea nơi tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn, ngay cả khi rất ít người sống đến 50 tuổi và bất cứ ai trên 50 được coi là một lapun (người già), tôi vẫn thấy một hoặc hai người có tuổi ước tính khoảng hơn 70 bởi những ký ức của họ về các sự kiện có thể định ngày tháng (ví dụ như họ đã sống vào thời có cơn lốc xoáy lớn năm 1910). Họ có thể không đi lại được, mắt mờ hoặc mù và lệ thuộc vào người thân, nhưng họ vẫn đóng vai trò quan trọng (như chúng ta sẽ thấy) trong đời sống của làng. Những phát hiện tương tự cũng được xác định ở các tộc người truyền thống khác: Kim Hill và A. Magdalena Hurtado đã dựng lại phả hệ của 5 thổ dân da đỏ Ache sống ở Paraguay, những người này đã lần lượt chết ở độ tuổi ước tính là 70, 72, 75, 77 và 78, trong khi đó Nancy Howell chụp ảnh một người đàn ông!Kung chừng 82 tuổi song vẫn có thể đi bộ xa khi thị tộc của ông chuyển trại và vẫn có thể thu lượm nhiều thức ăn, xây lều riêng cho mình.
Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được sự khác biệt lớn trong chuẩn mực đối xử với người già giữa các xã hội? Một phần của lời giải thích, như chúng ta sẽ thấy, có liên quan đến sự khác biệt ở những yếu tố vật chất giữa các xã hội khiến người già có ít hay nhiều lợi ích cho xã hội, dẫn đến những người trẻ giúp đỡ người già ít hoặc nhiều. Phần khác của lời giải thích liên quan đến sự khác biệt trong các giá trị văn hóa của các xã hội, chẳng hạn như sự tôn trọng người già, tôn trọng sự riêng tư, sự chú trọng vào các gia đình so với các cá nhân và sự tự lực. Những giá trị này chỉ có thể dự đoán được phần nào từ các yếu tố vật chất khiến người già hữu ích hay trở thành gánh nặng.
Những kỳ vọng về việc chăm sóc người già
Hãy bắt đầu với một kỳ vọng ngây thơ về việc chăm sóc người già. Mặc dù rõ ràng kỳ vọng không phải là tất cả, nhưng xây dựng kỳ vọng sẽ có ích vì điều đó buộc ta phải đặt câu hỏi và ở những khía cạnh nào kỳ vọng của chúng ta không thành công. Một người bình thường nhìn cuộc sống màu hồng có thể lý luận rằng: cha mẹ và con cái phải yêu thương nhau. Cha mẹ đã hy sinh rất nhiều cho con cái. Con cái phải tôn trọng và biết ơn cha mẹ đã nuôi nấng mình. Do đó, chúng ta kỳ vọng con cái trên toàn thế giới sẽ chăm sóc chu đáo cho cha mẹ già.
Một nhà sinh vật học tiến hóa ngây thơ có thể rút ra cùng một kết luận như vậy với những lý do khác. Chọn lọc tự nhiên là về lưu truyền gen. Cách trực tiếp nhất để con người truyền lại gen là thông qua con cái. Vì thế chọn lọc tự nhiên ưu đãi cho những cha mẹ nào có gen giúp họ hành xử theo những cách thúc đẩy sự tồn tại và sinh sản của con cái. Tương tự như vậy, chọn lọc văn hóa là về lưu truyền các hành vi học được và cha mẹ vốn là hình mẫu về hành vi cho con trẻ. Do đó, việc cha mẹ hy sinh cho con cái, thậm chí phải hy sinh cả mạng sống là hợp lý nếu qua đó họ gia tăng khả năng tồn tại và sinh sản thành công của con cái. Ngược lại, cha mẹ lớn tuổi hơn dường như đã tích lũy các nguồn lực, địa vị, kiến thức và kỹ năng mà con họ chưa tích lũy được. Con cái biết rằng chính những lợi ích từ gen và văn hóa của cha mẹ họ sẽ có ích cho con cái của họ qua việc truyền lại những nguồn lực, địa vị, kiến thức và kỹ năng. Vì vậy, lý do của con cái là chúng cũng có lợi khi chăm sóc cha mẹ khi già để cha mẹ có thể tiếp tục giúp đỡ họ. Khái quát hơn, ở một xã hội có các cá nhân liên quan lẫn nhau, người ta kỳ vọng thế hệ trẻ nói chung sẽ chăm sóc những người lớn tuổi, những người truyền lại văn hóa và nhiều gen di truyền cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng những dự đoán lạc quan chỉ đúng một phần. Cha mẹ thường chăm sóc con cái và sau đó sẽ đến lượt con cái sẽ chăm lo cho cha mẹ mình cũng như toàn bộ thế hệ trẻ chăm sóc cho người già. Những kết luận này không đúng ít nhất với một số trường hợp con cái ở hầu hết các xã hội, cũng như với hầu hết con cái ở một số xã hội. Lý luận của chúng ta đã sai ở điểm nào?
Lỗi lầm ngây ngô của chúng ta (mà giờ đây các nhà sinh vật học tiến hóa đã tránh được) là chúng ta không xem xét những xung đột về lợi ích giữa các thế hệ. Cha mẹ không cần phải luôn hy sinh vô hạn, trẻ em không cần lúc nào cũng phải biết ơn, tình yêu có giới hạn của nó và con người cũng không phải là những thiết bị tính toán theo thuyết Darwin, liên tục đánh giá cách truyền tải gen và văn hóa tối ưu để hành xử theo đó. Tất cả mọi người, kể cả người già, đều muốn có một cuộc sống thoải mái cho bản thân, chứ không chỉ cho con cái của họ. Cha mẹ thường có những giới hạn sẵn sàng hy sinh cho con cái. Ngược lại, con cái lại nôn nóng tận hưởng cuộc sống thoải mái. Họ khá chính xác khi cho rằng cha mẹ càng sử dụng nhiều nguồn lực của bản thân, con cái sẽ càng có ít nguồn lực để tận hưởng. Thậm chí, nếu con cái hành xử theo bản năng như các thiết bị tính toán theo thuyết Darwin, chọn lọc tự nhiên dạy chúng ta rằng con cái không nên lúc nào cũng chăm sóc cha mẹ già. Nhiều trường hợp con cái có thể cải thiện việc di truyền gen hoặc văn hóa bằng cách tiết kiệm nguồn lực, ruồng bỏ, hoặc thậm chí giết chết cha mẹ mình.
Tại sao lại ruồng bỏ hoặc giết chết?
Trong loại hình xã hội nào thì con cái (và thế hệ trẻ nói chung) “nên” (theo cách lý luận này) lơ là, ruồng bỏ, hoặc giết chết cha mẹ (và thế hệ lớn tuổi nói chung)? Nhiều trường hợp như vậy được báo cáo từ các xã hội mà người già bị tàn tật nặng nề gây nguy hại cho sự an toàn của cả xã hội. Tình trạng này phát sinh từ hai loại hoàn cảnh khác nhau. Một loại đúng với những người du mục săn bắt – hái lượm phải liên tục thay đổi trại. Nếu không có động vật thồ, những người du mục phải mang mọi thứ trên lưng: trẻ sơ sinh, trẻ em dưới bốn tuổi không thể đi kịp tốc độ của thị tộc, vũ khí, công cụ, tất cả của cải vật chất khác, thực phẩm và nước cho cuộc hành trình. Thêm vào đó, việc mang theo người già hoặc người bệnh không thể đi bộ là rất khó hoặc bất khả thi.
Một loại hoàn cảnh khác phát sinh liên quan đến môi trường, đặc biệt là khu vực Bắc Cực và sa mạc, nơi tình trạng thiếu lương thực trầm trọng xảy ra định kỳ và lượng thực phẩm thặng dư chỉ đủ để cung cấp cho nhóm qua giai đoạn thiếu hụt chứ không thể tích lũy. Nếu không có đủ thực phẩm để giữ mọi người khỏe mạnh hoặc đơn giản là sống sót, thì xã hội phải hy sinh những thành viên ít có giá trị hoặc có năng suất thấp nhất; nếu không, sự sống còn của mọi người sẽ bị đe dọa.
Tuy nhiên, không phải mọi tộc người du mục, người Bắc Cực và người ở sa mạc đều hy sinh tất cả người già. Một số thị tộc (như người!Kung và người lùn Pygmy châu Phi) dường như miễn cưỡng hơn khi phải làm vậy so với các thị tộc khác (chẳng hạn như người Ache, Siriono và Inuit). Trong một thị tộc, việc đối xử với một cụ già có thể phụ thuộc vào việc người thân có sẵn lòng chăm sóc và bảo vệ người già hay không.
Những người già bị ruồng bỏ như thế nào? Với rủi ro ngôn ngữ sử dụng có thể trở nên vô cảm hay ghê tởm, có 5 phương pháp có thể sắp xếp theo thứ tự hành động trực tiếp tăng dần. Phương pháp thụ động nhất là bỏ bê người già cho đến khi họ chết: không quan tâm đến họ, cho họ ít thức ăn, để họ chết đói, để họ đi lang thang, hoặc để họ chết trong chất thải của chính họ. Ví dụ, phương pháp này đã được áp dụng ở người Inuit Bắc Cực, người Hopi ở các sa mạc Bắc Mỹ, người Witoto của vùng nhiệt đới Nam Mỹ.
Phương pháp tiếp theo, cố ý bỏ rơi một người già hoặc người bệnh khi những người còn lại trong nhóm chuyển trại, được thực hiện dưới các hình thức khác nhau bởi người Lapp (Saami) ở phía bắc Scandinavia, người San ở Sa mạc Kalahari, thổ dân da đỏ Omaha và Kutenai ở Bắc Mỹ và thổ dân da đỏ Ache ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Một biến thể của phương pháp này được áp dụng trong cộng đồng người Ache, với đàn ông cao tuổi (nhưng không phải với phụ nữ lớn tuổi: họ sẽ bị giết tức thì), là mang những người đàn ông đó ra khỏi rừng tới “đường của người da trắng” và bỏ rơi họ ở đó rồi không bao giờ nghe nhắc đến họ nữa. Phổ biến hơn, một người ốm yếu sẽ bị bỏ lại ở một nơi trú ẩn hoặc ở khu trại bị di dời và được cung cấp một số củi, thức ăn và nước, nhờ đó nếu người bị bỏ rơi hồi phục sức khoẻ, họ sẽ có thể cố gắng bắt kịp với những người còn lại của nhóm.
Nhà nhân học Allan Holmberg đã tình cờ được ở với một nhóm thổ dân da đỏ Siriono của Bolivia khi sự việc như trên xảy ra. Theo ghi chép của ông: “Nhóm quyết định di chuyển theo chỉ đạo của Rio Blanco. Trong khi họ đang chuẩn bị cho cuộc hành trình, tôi đã chú ý đến một phụ nữ trung niên đang nằm trên võng, bệnh quá nặng nên không thể nói được. Tôi hỏi người thủ lĩnh họ dự định làm gì với cô ấy. ông giới thiệu tôi với chồng cô ấy. ông ấy nói với tôi rằng cô ấy sẽ bị bỏ lại và chết vì đã quá yếu nên không thể đi bộ, bởi đằng nào cô ấy cũng sẽ chết. Việc khởi hành được dự kiến vào sáng hôm sau. Tôi đã có mặt để chứng kiến sự kiện này. Toàn bộ nhóm người bước ra khỏi trại mà không mấy ai, thậm chí cả chồng cô, nói lời chia tay với người phụ nữ đang hấp hối. Cô ấy bị bỏ lại với chỉ một bình nước và đồ dùng cá nhân. Cô ấy quá yếu để có thể phản kháng.” Chính Holmberg cũng bị bệnh và đã đi đến một trạm điều trị y tế. Ba tuần sau đó, ông trở lại khu trại, người phụ nữ không có ở đó, vì vậy ông đã lần theo đường mòn đến khu trại tiếp theo của nhóm, nơi ông tìm thấy thi thể của người phụ nữ nọ bị kiến và kền kền ăn đến tận xương. “Cô ấy đã cố gắng hết sức mình để theo kịp nhóm, nhưng không thành và đã chịu chung một số phận dành cho những người Siriono không còn có ích khác.”
Phương pháp thứ ba để ruồng bỏ người già, theo ghi nhận từ các tộc Chukchi và Yakut ở Siberia, thổ dân da đỏ Crow ở Bắc Mỹ, người Inuit và người Norse, là những cá nhân cao tuổi sẽ chọn hoặc được khuyến khích tự tử bằng cách nhảy xuống vách đá, đi ra biển hoặc tìm kiếm cái chết trong chiến trận. Vị bác sĩ kiêm thủy thủ người New Zealand, David Lewis, kể lại trường hợp người bạn già của ông, hoa tiêu Tevake từ quần đảo San hô ở phía Tây Nam Thái Bình Dương, đã chính thức chia tay, tự ra biển rồi từ đó ông không trở lại và rõ ràng cũng không có ý định trở lại.
Trái với phương pháp thứ ba được xem là tự tử không có sự hỗ trợ, phương pháp thứ tư có thể được mô tả như tự tử với sự trợ giúp hoặc giết người với sự hợp tác của nạn nhân, ví dụ bằng cách bóp cổ, đâm hoặc chôn sống. Những người Chukchi già khi chấp nhận tự nguyện chết sẽ được ca ngợi và đảm bảo rằng họ sẽ nhận được một trong những nơi trú ngụ tốt nhất ở thế giới bên kia. Vợ của nạn nhân ôm đầu ông trên đầu gối của bà, trong khi hai người đàn ông ở phía đối diện kéo chặt một sợi dây thừng quanh cổ ông. Trong số các tộc người Kaulong ở phía tây nam New Britain, việc người anh em hay con trai một goá phụ bóp cổ bà ngay sau cái chết của chồng bà là thông lệ cho đến tận những năm 1950. Hành động này, mặc dù sẽ gây ra sự đau khổ cho người thực thi, nhưng lại là một nghĩa vụ bị xem là đáng xấu hổ nếu né tránh. Một người con trai Kaulong đã mô tả cho Jane Goodale về việc mẹ anh ta đã làm bẽ mặt anh ta khi anh ta né tránh: “Khi thấy tôi do dự, mẹ tôi đứng dậy và nói lớn cho mọi người có thể nghe thấy rằng lý do tôi do dự là vì tôi muốn quan hệ tình dục với bà ấy.” Người ốm và người già ở quần đảo Banks xin bạn bè của họ chấm dứt nỗi khổ đau bằng cách chôn sống họ và những người bạn đã làm vậy như một hành động tử tế: “Một người đàn ông ở Mota chôn người anh em của mình, một người bị bệnh cúm rất nặng; nhưng ông [người sống sót] lấy đất lấp lên đầu [của nạn nhân] và khóc, thỉnh thoảng hỏi xem người anh em của ông có còn sống hay không.”
Phương pháp phổ biến cuối cùng là giết chết nạn nhân một cách bạo lực mà không có sự hợp tác hoặc đồng ý của nạn nhân, bằng cách bóp cổ hoặc chôn sống, hoặc gây ngạt, đâm, đập mạnh rìu vào đầu hoặc đập gẫy cổ hay lưng. Một người đàn ông thổ dân da đỏ Ache được Kim Hill và A. Magdalena Hurtado phỏng vấn đã mô tả phương pháp ông giết chết những người phụ nữ lớn tuổi (như đề cập ở trên, còn đàn ông lớn tuổi thì bị bỏ rơi): “Tôi giết phụ nữ lớn tuổi theo phong tục. Tôi đã từng giết những bà dì của tôi khi họ vẫn còn có thể đi lại (còn sống)… Tôi sẽ dẫm lên họ, sau đó, tất cả họ đều chết, ở đó cạnh con sông lớn… Tôi không chờ cho đến khi họ chết hẳn rồi mới chôn. Khi họ vẫn còn di chuyển được, tôi sẽ đập vào [lưng hoặc cổ họ]… Tôi không quan tâm những người phụ nữ lớn tuổi; tôi sẽ tự mình bắn họ [bằng cây cung của tôi].”
Kinh hãi thường là phản ứng của chúng ta với những câu chuyện về người vợ hoặc chồng, con cái, anh chị em hay người cùng tộc giết hoặc ruồng bỏ người già hoặc người bệnh. Tuy nhiên, cũng giống như những trường hợp trẻ sơ sinh, chúng ta phải tự hỏi: một xã hội du mục, hay một xã hội không có đủ lương thực cho toàn bộ cộng đồng có thể làm gì khác với người cao tuổi? Trong suốt cuộc đời họ, các nạn nhân đã chứng kiến người già hoặc người bệnh bị bỏ rơi hoặc bị giết và có thể đã đối xử như vậy với cha mẹ của chính mình. Đây là cách chết mà họ mong đợi và trong nhiều trường hợp, họ tỏ ra hợp tác. Chúng ta may mắn vì không phải đối mặt với thử thách tương tự, không phải trở thành nạn nhân hoặc người hỗ trợ việc tự tử hoặc trở thành kẻ giết người, vì chúng ta có may mắn được sống trong xã hội với thực phẩm dư thừa và được chăm sóc y tế. Như Winston Churchill đã viết về đô đốc người Nhật Kurita, người đã phải lựa chọn giữa hai hành động khủng khiếp ngang nhau trong thời chiến, “Những người đã phải chịu đựng sự kinh khủng tương tự mới có thể phán xét được ông ta”. Trong thực tế, nhiều bạn đọc của cuốn sách này đã phải chịu đựng hoặc sẽ phải chịu đựng sự kinh khủng tương tự, khi bạn thấy mình buộc phải quyết định có nên nói với bác sĩ chăm sóc cho cha mẹ già bị bệnh rằng đã đến lúc cần dừng sự can thiệp sâu về y tế, hay chỉ dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần và chăm sóc xoa dịu.
Sự hữu ích của người già
Người già có thể làm những điều hữu ích nào trong các xã hội truyền thống? Từ một quan điểm thích nghi máu lạnh, các xã hội, ở đó người già vẫn còn hữu dụng, sẽ có xu hướng phát triển thịnh vượng nếu chăm sóc họ. Những người trẻ tuổi thường xuyên chăm sóc cho người lớn tuổi hơn dĩ nhiên sẽ chia sẻ lý do của họ là vì tình yêu thương, sự tôn trọng và nghĩa vụ thay vì lợi thế tiến hóa. Tuy nhiên, khi một nhóm săn bắt – hái lượm đang thiếu lương thực và tranh luận xem họ có đủ khả năng để nuôi ai, người ta có thể đưa ra những cân nhắc thiếu tình người mà không hề suy tính. Những việc đầu tiên mà người lớn tuổi có thể làm được mà tôi đề cập tuy cũng được người trẻ thực hiện nhưng vẫn nằm trong khả năng của người già, còn các công việc sau đó đòi hỏi những kỹ năng được hoàn thiện bằng kinh nghiệm, đặc biệt thích hợp với người già.
Cuối cùng, con người cũng sẽ đạt tới một độ tuổi mà đàn ông không còn khả năng đâm chết một con sư tử và phụ nữ không còn có thể chạy hàng ki-lô-mét từ rừng cây hạt mongongo với một gánh hạt nặng. Tuy nhiên, có những cách khác mà người lớn tuổi có thể tiếp tục tìm được thức ăn cho cháu của họ và qua đó giảm bớt gánh nặng cung cấp lương thực cho con cái và con rể/dâu của họ. Đàn ông người Ache tiếp tục săn bắt và hái lượm cho đến những năm 60 tuổi bằng cách tập trung vào động vật nhỏ, trái cây và các sản phẩm từ cọ và bằng cách mở đường khi nhóm của họ chuyển trại. Đàn ông lớn tuổi người!Kung đặt bẫy động vật, thu lượm rau củ và tham gia vào các cuộc đi săn với những người đàn ông trẻ hơn để phân tích các dấu vết của động vật và đề xuất chiến lược. Trong số những người phụ nữ săn bắt – hái lượm Hadza ở Tanzania, nhóm tuổi làm việc chăm chỉ nhất gồm những người bà đã gần cuối độ tuổi trung niên, những người này dành trung bình 7 giờ/ngày để kiếm củi và trái cây dù họ không còn phải nuôi nấng con cái. Dù vậy, họ có những đứa cháu bị thiếu ăn và người bà Hadza càng dành nhiều thời gian tìm kiếm thức ăn, cháu của bà nhờ đó sẽ càng tăng cân nhanh hơn. Những lợi ích tương tự đã được mô tả ở những người nông dân Phần Lan và Canada thế kỷ XVIII và XIX: phân tích của nhà thờ và hồ sơ gia phả cho thấy rằng nếu người bà còn sống, số lượng trẻ em sống sót đến tuổi trưởng thành sẽ nhiều hơn trường hợp cả hai người bà của chúng đều qua đời và rằng ở mọi thập niên, một người phụ nữ sống qua tuổi 50 đồng nghĩa với việc con bà sinh thêm trung bình hai đứa con.
Một việc khác mà những người lớn tuổi có thể làm ngay cả khi đã qua độ tuổi đào củ 7 giờ/ngày là việc trông trẻ. Điều đó giải phóng cho con cái và con dâu/rể của họ nhiều thời gian hơn để tìm kiếm thức ăn cho con cái của người con, tức cháu của người già. Những người ông bà!Kung thường chăm sóc cháu trong nhiều ngày liền, nhờ đó cho phép con cái họ thực hiện các chuyến săn bắt và hái lượm qua đêm mà không phải lo lắng về con cái. Một lý do chính mà các cụ già Samoa hiện nay di cư đến Hoa Kỳ là để chăm sóc cho cháu họ, nhờ đó cho phép con cái của họ làm những công việc bên ngoài và ít phải gánh vác việc trong nhà hơn.
Người già có thể làm ra nhiều thứ để con cái trưởng thành sử dụng, chẳng hạn như công cụ, vũ khí, giỏ, bình, chậu và vải dệt. Ví dụ, những người săn bắt – hái lượm Semang cao tuổi ở Bán đảo Mã Lai được biết đến với việc làm ống phóng tên. Đây là nơi người già không chỉ duy trì những khả năng đã có mà còn trở nên xuất sắc hơn: những thợ làm giỏ và thợ gốm tốt nhất thường là người cao tuổi.
Các lĩnh vực khác mà năng lực con người phát triển theo độ tuổi bao gồm y học, tôn giáo, giải trí, mối quan hệ và chính trị. Bà đỡ và thầy mo truyền thống cũng như các thầy cúng và linh mục, các tiên tri và phù thủy, những người chỉ huy hát, trò chơi, múa và nghi thức thường là những người có tuổi. Người già được hưởng một lợi thế xã hội lớn đến mức họ đã dành cả đời xây dựng mạng lưới quan hệ để sau đó truyền cho con cái của họ. Các nhà lãnh đạo chính trị thường là những người lớn tuổi, phổ biến đến nỗi cụm từ “người già bộ lạc” đã trở thành gần như đồng nghĩa với từ lãnh đạo bộ lạc. Điều đó thường đúng ngay cả trong các xã hội nhà nước hiện đại: ví dụ, độ tuổi trung bình để nhậm chức Tổng thống Mỹ là 54 và thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ là 53.
Tuy nhiên, có lẽ chức năng quan trọng nhất của người già trong xã hội truyền thống là điều có thể không xảy ra đối với độc giả của cuốn sách này. Trong một xã hội trí thức, nơi lưu trữ thông tin quan trọng là các nguồn được viết lại hoặc số hóa: bách khoa toàn thư, sách, tạp chí, bản đồ, nhật ký, ghi chú, thư từ và cả Internet. Nếu muốn xác nhận dữ liệu, chúng ta sẽ tìm kiếm nó từ một nguồn thông tin bằng văn bản hoặc trên mạng. Tuy nhiên, lựa chọn đó không tồn tại ở một xã hội thuộc thời kì tiền văn tự, mà phải dựa vào trí nhớ của con người. Do đó, trí nhớ của người lớn tuổi là bách khoa toàn thư và thư viện của các xã hội. Rất nhiều lần ở New Guinea, khi tôi phỏng vấn người dân địa phương và hỏi họ một số câu hỏi mà họ không chắc về câu trả lời, người cung cấp thông tin cho tôi nói: “Hãy hỏi các ông già [hay bà già].” Người già biết các huyền thoại và bài hát của bộ lạc, ai có liên quan đến ai, ai đã làm những gì với ai vào lúc nào, tên gọi, thói quen và cách sử dụng hàng trăm loài thực vật và động vật địa phương, cũng như đi đâu để tìm thức ăn khi tình thế trở nên khó khăn. Do đó, việc chăm sóc người già trở thành vấn đề sống còn, tương tự như việc bảo vệ các hải đồ của các thuyền trưởng ngày nay. Tôi sẽ minh họa cho giá trị này của người già bằng câu chuyện về một trường hợp mà ở đó kiến thức cần thiết cho sự sống còn của bộ lạc.
Câu chuyện xảy ra với tôi vào năm 1976, trên Rennell − một hòn đảo Tây Nam Thái Bình Dương. Vì tôi được cử ra Rennell để chuẩn bị cho báo cáo tác động môi trường của một mỏ bauxite được đề xuất trên đảo, tôi muốn tìm hiểu bằng cách nào rừng có thể tái sinh một cách nhanh chóng sau khi bị phá để khai thác mỏ và những loài cây nào có ích để cho gỗ, hoa quả ăn được, hoặc các mục đích khác. Những người dân đảo độ tuổi trung niên kể tên cho tôi 126 loài thực vật ở Rennell theo ngôn ngữ Rennell (anu, gangotoba, ghai-gha-ghea, kagaa-loghu-loghu, v.v…). Với mỗi loài, họ giải thích vì sao động vật và con người không thể ăn được hạt và quả của loài đó, hoặc nếu không thì dơi và chim ăn được nhưng người thì không, hay những loài nào an toàn với con người. Trong số những loài con người ăn được đó, một số được tiếp tục phân loại như “chỉ ăn sau hungi kengi”.
Chưa bao giờ nghe nói về một kengi hungi, tôi hỏi đó là gì và làm thế nào thứ đó lại biến trái cây không ăn được thành những loại ăn được. Khi giải thích, người cung cấp thông tin đã đưa tôi đến một túp lều, nơi có một người phụ nữ rất già đến nỗi không thể đi lại nếu không được trợ giúp. Hóa ra hungi kengi là tên người Rennell đã đặt cho cơn lốc xoáy lớn nhất đã ập đến đảo theo những ký ức sống, theo hồ sơ thuộc địa châu âu thì dường như vào khoảng năm 1910. Lúc bấy giờ, người phụ nữ lớn tuổi đó là một đứa trẻ chưa sẵn sàng kết hôn, vì vậy bà có thể đã ở cuối độ tuổi 70 hoặc đầu 80 khi tôi gặp bà vào năm 1976. Cơn bão đã san bằng những cánh rừng ở Rennell, phá hủy vườn tược và nạn đói đe dọa những người dân còn sống sót trên đảo. Cho đến khi những khu vườn mới được trồng và đi vào sản xuất, người ta phải tận dụng ăn bất cứ thứ gì có thể tiêu hóa được, bao gồm không chỉ những loại trái cây dại bình thường được ưa thích mà cả những trái cây thường hay bị bỏ qua – tức là, các loại trái cây “chỉ ăn sau hungi kengi”. Sự việc đó đòi hỏi kiến thức về loại các hoa quả hạng hai nào là không có độc và an toàn để ăn, hoặc loại nào có độc nhưng có thể bị loại bỏ bằng một số phương pháp chế biến. May mắn thay, tại thời điểm kengi hungi xảy ra, có những người dân đảo còn sống vẫn nhớ về cơn bão trước đó và cách họ đương đầu với khó khăn sau bão. Giờ đây, bà lão này là người cuối cùng còn sống trong ngôi làng với những kinh nghiệm và kiến thức được truyền lại. Nếu một cơn bão lớn khác tấn công Rennell, những kinh nghiệm của bà về các loại trái cây dại có thể ăn được sẽ là tất cả những gì có thể giúp dân làng thoát khỏi nạn đói. Những câu chuyện về tầm quan trọng của những ký ức của người già đối với sự sống còn của người thân như vậy còn rất nhiều ở các xã hội thời kì tiền văn tự.
Các giá trị của xã hội
Như vậy, phần lớn lý do xã hội chăm sóc hoặc không chăm sóc người già phụ thuộc vào độ hữu dụng của họ. Một phần lý do khác phụ thuộc vào các giá trị của xã hội: người già được tôn trọng hay khinh miệt. Rõ ràng, hai lý do này có liên quan với nhau: người già càng hữu ích, họ càng có nhiều khả năng được tôn trọng. Tuy nhiên, như trong rất nhiều lĩnh vực khác của văn hóa nhân loại, sự song hành giữa hữu ích và giá trị không rõ ràng: một số xã hội đề cao sự tôn trọng đối với người già hơn những xã hội khác có hoàn cảnh kinh tế tương đương.
Chí ít, sự tôn trọng người già có vẻ đã phổ biến ở các xã hội loài người hiện đại. Tại Hoa Kỳ hiện đại, một hình thức tôn trọng tương đối nhẹ nhàng đang cùng tồn tại với một số thái độ đánh giá thấp: trẻ em Mỹ thường được dạy bảo phải tôn trọng người lớn tuổi, phải nhường chỗ ngồi trên xe buýt nếu thấy có người già đang đứng. Sự tôn trọng người già còn thể hiện rõ hơn ở người!Kung, một phần vì tỷ lệ người già ở người!Kung ít hơn người già ở Mỹ: chỉ 20% người!Kung được sinh ra sống đến độ tuổi 60, họ xứng đáng được tôn trọng vì đã sống sót sau khi đối mặt với những con sư tử, tai nạn, bệnh tật, các cuộc tấn công và các mối nguy hiểm khác vốn có trong lối sống của người!Kung.
Một hình thức đặc biệt cao của lòng tôn trọng là học thuyết về lòng hiếu thảo trong Nho Giáo, được thịnh hành từ lâu đời ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, đồng thời thực sự được viết thành luật cho đến khi pháp luật được thay đổi bởi Hiến pháp Nhật năm 1948 và Luật Hôn nhân của Trung Quốc năm 1950. Theo học thuyết Nho giáo, con cái phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ và việc không vâng lời hoặc thiếu tôn trọng được coi là một điều cực kỳ tồi tệ. Cụ thể, con cái (đặc biệt là con trai trưởng) có nghĩa vụ thiêng liêng là chăm sóc các bậc cha mẹ về già. Thậm chí ngày nay, lòng hiếu thảo vẫn còn tồn tại một cách mạnh mẽ ở Đông á, nơi (ít nhất là cho đến gần đây) hầu như những người già Trung Quốc và 3/4 người già Nhật Bản sống với con cái hoặc gia đình của họ.
Một hình thức cao khác của lòng tôn trọng là sự đề cao gia đình ở miền nam nước ý, Mexico và nhiều xã hội khác. Như mô tả của Donald Cowgill, “Các gia đình được khắc họa như là cốt lõi của cấu trúc xã hội và là ngọn nguồn sức ảnh hưởng rộng khắp đến các thành viên trong gia đình… Danh dự của gia đình rất quan trọng và cá nhân các thành viên được trông đợi sẽ ủng hộ quyền lực của nam giới, hy sinh cho gia đình, kính trọng cha mẹ và tránh gây xấu hổ cho gia đình… [Người đàn ông lớn tuổi nhất của gia đình đảm nhận hình ảnh của người đỡ đầu, có vai trò như] một quyền lực thống trị, quyền lực này đảm bảo phải thống nhất với mục tiêu của gia đình… Trong khuôn khổ này, có rất ít quyền tự do để thể hiện và dù trong trường hợp nào cũng đều phải phục tùng lợi ích gia đình… Con cái ở độ tuổi trung niên xem cha mẹ già như một phần trong các hoạt động của gia đình và đại đa số bác bỏ quan niệm bắt cha mẹ ở trong nhà dưỡng lão.”
Những người Trung Quốc, người miền nam nước ý và các hộ gia đình Mexico đưa ra các ví dụ về một hiện tượng phổ biến được gọi là gia đình “gia trưởng”, ở đó thẩm quyền chính được trao cho người đàn ông sống lâu năm nhất trong gia đình. Những ví dụ quen thuộc khác bao gồm nhiều hoặc hầu hết các xã hội chăn nuôi và các xã hội nông thôn khác (trong quá khứ là người La Mã cổ đại và người Do Thái). Để đánh giá đúng về cách thức tổ chức gia đình gia trưởng, hãy nghĩ tới sự đối lập trong những sắp xếp đời sống kiểu Mỹ hiện đại mà nhiều độc giả của cuốn sách này cho là hiển nhiên, được những nhà nhân học gọi là “neolocal”. Thuật ngữ đó có nghĩa là một cặp vợ chồng mới kết hôn lập một gia đình mới, tách biệt với gia đình của cả cha mẹ chú rể hoặc cha mẹ cô dâu. Hộ gia đình mới này có một gia đình hạt nhân, chỉ gồm cặp vợ chồng và (sau cùng) là con cái phụ thuộc họ.
Trong khi sự sắp xếp này có vẻ bình thường và tự nhiên với chúng ta, nó lại là ngoại lệ theo tiêu chuẩn địa lý và lịch sử: chỉ có khoảng 5% những xã hội truyền thống có hộ “neolocal”. Thay vào đó, cách tổ chức truyền thống phổ biến nhất là hộ gia đình “patrilocal”, trong đó, một cặp vợ chồng mới cưới đến sống với cha mẹ hoặc gia đình của chú rể. Trong trường hợp đó, đơn vị hộ gia đình không chỉ có các gia đình hạt nhân mà là một gia đình rộng lớn hơn mở rộng theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Mở rộng theo chiều ngang (nghĩa là, trong cùng thế hệ như người chồng) có thể bao gồm nhiều bà vợ của người chồng đa thê sống cùng một khu gia đình, cộng với chị em chưa lập gia đình của người chồng và có thể có một số người em trẻ hơn đã kết hôn của ông ta. Mở rộng theo chiều dọc đến các thế hệ khác là mang người chồng và vợ của ông, cùng một hoặc nhiều người con đã lập gia đình của họ và con cái của những người con đó – cháu của người chồng – về sống chung một gia đình hoặc một khu gia đình. Cho dù mở rộng theo chiều ngang hay dọc hay cả hai, toàn thể hộ gia đình là một đơn vị kinh tế, tài chính, xã hội và chính trị, mọi thành viên của gia đình sống phối hợp với nhau hằng ngày và người chồng là người có thẩm quyền chính.
Theo lẽ tự nhiên, một gia đình phụ hệ đặc biệt phù hợp với việc chăm sóc người già: họ sống trong cùng gia đình với con cái họ, họ sở hữu, kiểm soát một hoặc nhiều nhà và được hưởng an toàn về kinh tế lẫn thể chất. Tất nhiên, sự sắp xếp này không đảm bảo rằng con cái lớn sẽ yêu quý cha mẹ già; cảm xúc của người con có thể mâu thuẫn hoặc bị chi phối giữa sự sợ hãi và sự tôn kính quyền lực, người con có thể chỉ chờ đợi đến khi họ có thể hành hạ lại con mình. Một hộ gia đình “neolocal” khiến việc chăm sóc người già trở nên khó khăn hơn cho dù tình cảm của con cái đối với cha mẹ của họ có như thế nào vì cha mẹ và con cái sống tách biệt nhau.
Ở thái cực đối lập với địa vị cao của người già trong các xã hội phụ hệ truyền thống là địa vị của họ trong xã hội Mỹ hiện đại (với những ngoại lệ dễ thấy ở một số cộng đồng người di cư vẫn còn giữ những giá trị truyền thống). Trích dẫn trong danh sách các đặc điểm đáng buồn của Cowgill: “Chúng tôi liên tưởng tuổi già với sự mất đi tính hữu ích, tình trạng kiệt quệ, bệnh tật, lão hóa, đói nghèo, mất cảm giác tình dục, vô sinh và cái chết”. Những quan điểm đó có tác động thực tế lên cơ hội việc làm và hoạt động chăm sóc y tế dành cho người lớn tuổi. Tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho đến gần đây đã phổ biến tại Hoa Kỳ và chúng vẫn còn phổ biến ở châu âu. Những người sử dụng lao động có xu hướng cho rằng những người lớn tuổi thường làm theo cách thức của họ và khó quản lý cũng như đào tạo hơn, do đó những người sử dụng lao động thích đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ linh hoạt hơn và dễ đào tạo hơn. Trong một nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện bởi Joanna Lahey cho Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí của Đại Học Boston, sự phản hồi những hồ sơ xin việc giả chỉ khác về tên và tuổi của người dự tuyển được gửi đến nhà tuyển dụng tiềm năng cho thấy rằng một người phụ nữ 35-45 tuổi nộp đơn xin việc ở vị trí thấp nhất có khả năng được gọi phỏng vấn cao hơn 43% so với một người ứng tuyển 50-62 tuổi. Chính sách bệnh viện ghi rõ “phân bố các nguồn lực chăm sóc sức khỏe theo tuổi” để ưu tiên bệnh nhân nhỏ tuổi hơn bệnh nhân lớn tuổi bất cứ khi nào các nguồn lực chăm sóc sức khỏe bị hạn chế, với lý do thời gian y tế, năng lượng và tiền bạc không nên được đầu tư vào việc cứu sống người già được cho là “mong manh và suy yếu”. Có gì ngạc nhiên khi ở Mỹ và ở châu âu, những người thậm chí đã ở độ tuổi 30, đáp lại bằng cách đầu tư nhiều tiền của họ vào các biện pháp giữ gìn tuổi trẻ, chẳng hạn như nhuộm tóc và phẫu thuật thẩm mỹ?
Có ít nhất ba nhóm giá trị xã hội, một số trong đó được chia sẻ ở xã hội châu âu, góp phần tạo nên địa vị thấp của người già ở nước Mỹ hiện đại. Một nhóm giá trị, được nhấn mạnh bởi nhà xã hội học Max Weber, là đạo đức nghề nghiệp, mà Weber nhấn mạnh trong mối quan hệ với hình thức Cách mạng Tin Lành của John Calvin và được Weber rút ra từ nước Đức, nhưng cũng phù hợp rộng rãi với xã hội hiện đại phương Tây hơn. Weber coi công việc như trung tâm đời sống của một con người, là nguồn gốc của vị thế và nhân dạng, hữu ích cho tính cách của người đó. Theo đó, những người già về hưu không còn làm việc bị mất đi vị thế xã hội của họ.
Một nhóm giá trị cụ thể hơn của Mỹ là các giá trị liên quan đến việc đề cao cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là sự đối lập với việc đề cao dòng họ vốn đã thảo luận trong nhiều xã hội khác bên trên. Cảm giác tự hào về bản thân của một người Mỹ được đo bằng thành tựu của chính anh ấy/cô ấy, chứ không phải bởi những thành tựu chung của dòng họ anh ấy/cô ấy. Chúng ta được dạy phải độc lập và dựa vào chính mình. Sự độc lập, chủ nghĩa cá nhân và tự chủ đều được đánh giá cao là đức tính tốt và những đặc điểm trái ngược gồm sự lệ thuộc, không có khả năng đứng trên đôi chân của chính mình, không có khả năng chăm sóc bản thân sẽ bị xem thường. Trên thực tế, đối với người Mỹ, tính cách phụ thuộc là một chẩn đoán lâm sàng được sử dụng bởi các bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học và được xếp vào loại bệnh rối loạn tâm thần số 301.6 của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nhằm xác định một tình trạng cần điều trị với mục tiêu để giúp các cá nhân không may phải lệ thuộc đạt được tính cách độc lập của người Mỹ.
Ngoài ra, một phần của các giá trị Mỹ này là sự đề cao sự riêng tư của cá nhân, một khái niệm lạ theo tiêu chuẩn của các nền văn hóa trên thế giới, vốn hầu hết có rất ít sự riêng tư và không coi đó là một lý tưởng đáng khát khao. Thay vào đó, những sắp xếp đời sống truyền thống phổ biến gồm có một đại gia đình bên trong một căn nhà duy nhất, một nhóm các túp lều hoặc nơi trú ẩn xung quanh một khu đất trống, hoặc toàn bộ thị tộc ngủ ở một nơi trú ẩn chung. Thậm chí khó tưởng với hầu hết người Mỹ hiện đại, quan hệ tình dục giữa một cặp vợ chồng truyền thống cũng diễn ra với rất ít riêng tư. Võng hoặc chiếu của một cặp vợ chồng đều có thể thấy bị nhìn rõ và con cái của cặp vợ chồng đó có thể nằm trên cùng một tấm chiếu dù chúng được cho là phải nhắm mắt lại. Mô hình “neolocal” của chúng ta, theo đó con cái khi đến tuổi kết hôn sẽ lập hộ gia đình riêng, là một thái cực đối lập với sự sắp xếp truyền thống rất ít sự riêng tư.
Chăm sóc người già đi ngược lại mọi giá trị đan xen bên trên của người Mỹ về sự độc lập, chủ nghĩa cá nhân, sự tự chủ và sự riêng tư. Chúng ta chấp nhận sự phụ thuộc của trẻ em, vì chúng chưa bao giờ độc lập, nhưng chúng ta vật lộn với sự phụ thuộc của người già, những người đã tự lập trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, thực tế tàn nhẫn là người già cuối cùng cũng ở trong một tình trạng mà họ không còn có khả năng sống độc lập, không thể dựa vào khả năng của chính họ và không có sự lựa chọn nào ngoài việc trở nên phụ thuộc vào người khác và từ bỏ quyền riêng tư của mình. ít nhất sự phụ thuộc cũng đau đớn với người già như với người con tuổi trung niên khi phải chứng kiến điều đó xảy ra với cha mẹ mình trước đây vốn vẫn tự lực cánh sinh. Nhiều người không biết được rằng người già thực tế vẫn khẳng định lòng tự trọng bằng cách cố gắng tiếp tục sống độc lập, cho đến khi một tai nạn (như ngã và bị gãy một bên hông, hoặc không thể ra khỏi giường) khiến họ không thể tiếp tục sống độc lập. Những lý tưởng Mỹ buộc các cụ già người Mỹ mất đi lòng tự trọng và buộc những đứa con chăm sóc họ đánh mất sự tôn trọng đối với người già.
Giá trị còn lại tạo nên thành kiến với người già, chỉ có ở Mỹ, là sự sùng bái tuổi trẻ. Tất nhiên, đây không phải là một giá trị xã hội hoàn toàn tùy ý mà chúng ta tình cờ chọn làm mà không có lý do. Trong thế giới hiện đại với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, điều đó thực sự đúng khi tính chất của nền giáo dục hiện nay dành cho giới trẻ làm kiến thức của chúng ngày càng cập nhật và hữu ích cho những điều quan trọng như việc làm và những thách thức đời thường của cuộc sống hàng ngày. Tôi 75 tuổi, và người vợ 64 tuổi của tôi, được nhắc nhở về thực tại này và sự sùng bái tuổi trẻ của chúng ta bất cứ khi nào chúng tôi bật tivi. Chúng tôi đã quen với tivi chỉ ba nút bấm đều nằm trên tivi: một nút bật-tắt, một núm điều chỉnh âm lượng và một núm chọn kênh. Vợ tôi và tôi không hiểu vì sao phải cần đến cái điều khiển từ xa 41 nút như bây giờ chỉ để bật cái tivi hiện đại của chúng tôi và chúng tôi phải gọi điện cho đứa con trai 25 tuổi để nó hướng dẫn nếu nó không có ở nhà. Một yếu tố bên ngoài khác ưu tiên sự sùng bái tuổi trẻ của chúng ta là tính cạnh tranh của xã hội Mỹ hiện đại, tạo ra lợi thế cho những người trẻ tuổi may mắn có tốc độ, sức bền, sức mạnh, sự nhanh nhẹn và phản xạ tốt. Vẫn còn một yếu tố khác là gần đây rất nhiều người Mỹ là con cái của những người nhập cư vốn đã sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Những đứa con đó thấy rằng cha mẹ lớn tuổi của chúng không thể nói được tiếng Anh mà không chen thêm giọng địa phương và thực sự thiếu kiến thức quan trọng về hoạt động của xã hội Mỹ.
Tôi không phủ nhận có một số lý do chính đáng để người Mỹ hiện đại coi trọng giới trẻ. Tuy nhiên, việc sùng bái giới trẻ của chúng ta có vẻ đã lan đến mọi lĩnh vực một cách tùy ý và, trong một số trường hợp, rất bất công. Quảng cáo thời trang trên truyền hình, tạp chí và báo luôn sử dụng hình ảnh những người mẫu trẻ; ý tưởng quảng cáo áo cho đàn ông hoặc đầm cho phụ nữ với một người mẫu 70 tuổi có vẻ lạ lẫm, nhưng tại sao? Một nhà kinh tế học có thể trả lời rằng những người trẻ tuổi thay đổi và mua quần áo thường xuyên hơn, ít trung thành với các thương hiệu hơn người lớn tuổi. Giải thích theo góc nhìn kinh tế đó, tỷ lệ những người mẫu thời trang 70 tuổi so với người mẫu thời trang 20 tuổi nên tương đương theo tỷ lệ của việc mua quần áo, thay đổi thương hiệu của việc mua quần áo và thay đổi thương hiệu của những độ tuổi tương ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ mua quần áo và thay đổi thương hiệu của các cụ già 70 tuổi chắc chắn cao hơn tỷ lệ của các người mẫu thời trang 70 tuổi. Tương tự như vậy, quảng cáo nước giải khát, bia và xe hơi mới luôn có đặc trưng sử dụng những người mẫu trẻ, dù người già cũng tiêu thụ nước giải khát, bia và xe ô tô. Thay vào đó, hình ảnh của người già được sử dụng để bán tã người lớn, thuốc viêm khớp và những kế hoạch nghỉ hưu.
Những ví dụ từ thế giới quảng cáo có vẻ hài hước, cho đến khi bạn ngẫm lại rằng chúng chỉ đơn thuần là một biểu hiện của việc đối xử bất công đối với người già ở Mỹ: sự sùng bái tuổi trẻ và quan điểm tiêu cực về quá trình lão hóa của người Mỹ. Không có gì nghiêm trọng khi các người mẫu 70 tuổi không được thuê để bán nước giải khát, nhưng thực sự nghiêm trọng khi những người xin việc cao tuổi thường bị bỏ qua trong các cuộc phỏng vấn việc làm và khi các bệnh nhân lớn tuổi ít được ưu tiên khi các nguồn lực chăm sóc y tế hạn chế. Quảng cáo nước giải khát và bia nhắm cả vào người già và giới trẻ cũng cho thấy góc nhìn tiêu cực về tuổi tác không chỉ ở giới trẻ Mỹ mà còn trong nội bộ những người già ở Mỹ. Các khảo sát do Louis Harris và cộng sự cho thấy người Mỹ tin rằng người già thật buồn chán, không tiếp nhận cái mới, phụ thuộc, bị cô lập, hẹp hòi, quê mùa, thụ động, kém linh hoạt, không tỉnh táo, năng suất kém, sợ chết, luôn lo sợ tội phạm, đang trải qua những năm tháng tồi tệ nhất của cuộc đời – và dành quá nhiều thời gian để ngủ, ngồi và không làm gì hoặc lưu luyến quá khứ. Tỷ lệ người già được khảo sát đưa ra quan điểm này cũng nhiều bằng tỷ lệ người trẻ được khảo sát, mặc dù những cá nhân người già được thăm dò ý kiến cho rằng bản thân họ không giống như những mẫu người trên, chúng chỉ là điểm chung của những người già khác.
Những quy tắc của xã hội
Chúng ta đã xem xét một số nhóm yếu tố ảnh hưởng đến vì sao nhiều xã hội lại chăm sóc người già tốt hơn hoặc tệ hơn các xã hội khác: khả năng xã hội mang theo họ hoặc nuôi họ, sự hữu ích của họ và các giá trị của xã hội, các giá trị này có xu hướng phản ánh tính hữu ích đó nhưng cũng độc lập với tính hữu dụng ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, đây là mọi yếu tố giải thích sâu xa ít có khả năng được thảo luận trong những quyết định thực tế hằng ngày về người già, chẳng hạn như có nên chia cho ông một miếng thịt từ cuộc đi săn linh dương hôm nay không, dù ông không còn có thể đi săn một mình nữa. Người cháu xẻ thịt linh dương không hề đề cập đến nguyên tắc chung về giá trị xã hội sâu xa, chẳng hạn như, “ông nhớ được những loại thực phẩm để ăn sau hungi kengi, vì vậy chúng con sẽ đền đáp cho sự hữu ích của ông bằng cách chia cho ông miếng thịt này.” Thay vào đó, những quyết định thực tế được thực hiện theo các quy tắc xã hội, các quy tắc này chỉ định phải làm gì trong những tình huống đặc biệt và suy cho cùng cũng phản ánh sự hữu ích và giá trị xã hội, tuy nhiên cũng cho phép bạn chia con linh dương một cách nhanh chóng mà không cần đến các cuộc thảo luận triết lý về hungi kengi.
Có một loạt các quy định như vậy, khác nhau giữa các xã hội, để hướng dẫn một loạt lựa chọn. Các quy tắc này cho phép người già có quyền trưng dụng một số nguồn lực nhất định, nhưng không có quyền với các nguồn lực khác. Các quy tắc này được chấp nhận bởi người trẻ, những người chiều theo ý của người già và để cho họ có những nguồn lực, mặc dù có cuộc xung đột rõ ràng về lợi ích giữa người trẻ và già về các nguồn lực, mặc dù người trẻ đủ mạnh để lấy các nguồn lực đó. Tuy nhiên, họ không làm vậy, thay vào đó, họ đồng ý chờ đến khi họ cũng trở nên già nua và sẽ được chiều theo ý của mình. Tôi sẽ chỉ nêu ra ba trong số nhiều ví dụ khả dĩ.
Một ví dụ đơn giản liên quan đến những điều cấm kỵ về thực phẩm, theo đó quy định rằng một số loại thực phẩm nhất định cần được dành riêng cho người già theo niềm tin, được tán thành bởi cả giới trẻ lẫn người già, rằng các loại thực phẩm này sẽ gây nguy hiểm cho những người trẻ tuổi nhưng người già đã có được sự miễn dịch đối với các mối nguy hiểm này theo thời gian. Mỗi xã hội có những điều cấm kỵ về thực phẩm đặc biệt của riêng mình, những cấm kỵ đó lại có vẻ thiếu cơ sở ở các xã hội khác, dù vậy những điều cấm kỵ đều phổ biến trong xã hội truyền thống. Ví dụ, thanh niên nào của thổ dân da đỏ Omaha thường đập vỡ xương động vật để ăn tủy bên trong sẽ được những người lớn tuổi khôn ngoan cảnh báo rằng điều đó sẽ khiến họ bị bong gân mắt cá chân, nhưng người già thì có thể ăn tủy một cách an toàn. Với người Iban ở Borneo, người già được ăn thịt thú rừng, nhưng người trẻ lại bị cấm với những cảnh báo rằng nó sẽ khiến họ nhút nhát như nai. Người già tộc Chukchi của Siberia uống sữa tuần lộc nhưng cấm giới trẻ làm vậy, vì sữa sẽ khiến một người đàn ông trẻ bất lực và sẽ khiến phụ nữ trẻ có bộ ngực chảy xệ.
Một nhóm những điều cấm kỵ về thực phẩm đặc biệt phức tạp khác được báo cáo ở người bản địa Aranda (hay còn gọi là Arunta) gần Suối Alice ở sa mạc trung tâm nước úc. Các loại thực phẩm tốt nhất được dành cho người già, đặc biệt là đàn ông, người giải thích rõ ràng những hậu quả thảm khốc sẽ xảy đến với những người trẻ nếu họ ngu ngốc ăn những loại thực phẩm bị cấm. Họ cho rằng ăn một con chuột túi cái sẽ khiến một người đàn ông trẻ chảy máu đến chết khi anh ta được cắt bao quy đầu; chất béo của đà điểu gây nên sự phát triển bất thường cho dương vật; ăn thịt vẹt sẽ tạo ra một lỗ rỗng phát triển trên đỉnh đầu và ở cằm; ăn thịt mèo hoang gây những vết loét đau đớn có mùi hôi thối ở đầu và cổ. Phụ nữ trẻ được cảnh báo về những mối nguy hiểm lớn hơn: ăn chuột túi cái kích thích chảy máu kinh nguyệt liên tục, đuôi kangaroo gây ra lão hóa sớm và hói đầu, chim cút ngăn chặn sự phát triển của vú và diều hâu nâu ngược lại làm cho vú sưng lên, vỡ ra mà không tạo ra sữa.
Một nguồn tài nguyên khác mà người già trong nhiều xã hội đã thành công trong việc giữ độc quyền cho bản thân và cấm kỵ với đàn ông trẻ là phụ nữ trẻ. Các quy tắc xác định rằng những người đàn ông lớn tuổi nên kết hôn với người phụ nữ trẻ hơn nhiều và có nhiều vợ, rằng những người đàn ông trẻ tuổi không nên mong đợi để kết hôn cho đến khi họ đến tuổi 40 hoặc hơn. Danh sách dài các xã hội truyền thống với lễ nghi như vậy bao gồm người Akamba ở Đông Phi, thổ dân da đỏ Araucanian ở Nam Mỹ, người Bakong ở Tây Phi, dân đảo Banks ở miền Tây Nam Thái Bình Dương, người Berber ở Bắc Phi, người Chukchi ở Siberia, người Iban ở Borneo, người Inuit Labrador ở Canada, người Xhosa ở Nam Phi và nhiều bộ tộc người úc bản địa khác. Tôi đã gặp phải một trường hợp như vậy ở một bộ tộc đồng bằng Bắc New Guinea, khi một ông già bị què tên là Yono chỉ cho tôi một cô bé trông chưa đến 10 tuổi mà ông nói ông đã “đánh dấu” là cô dâu tương lai của mình. ông đã thanh toán một khoản tiền cho cô bé khi cô còn là trẻ sơ sinh, đã định kỳ thanh toán thêm cho cha mẹ cô và dự định sẽ kết hôn với cô ngay sau khi ngực của cô phát triển, trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
Đối với những điều cấm kỵ về thực phẩm và các ưu đãi khác của người già, có người hỏi lý do tại sao những người trẻ chấp nhận quy định đó và tuân theo thẩm quyền của người già. Đối với nam giới trẻ, một phần lý do là họ làm như vậy với hy vọng rằng cuối cùng cũng sẽ đến lượt họ. Trong khi đó, họ rình rập quanh khu trại và tìm kiếm cơ hội thỏa mãn tình dục khi người chồng già vắng mặt.
Hai nhóm ví dụ về các quy tắc nêu trên, mà nhờ đó người già ở nhiều xã hội truyền thống chắc chắn rằng họ sẽ được chăm sóc – nhờ những việc cấm kỵ về thực phẩm, và nhờ quyền chọn trước vợ trẻ cho đàn ông lớn tuổi – lại không xảy ra trong các xã hội công nghiệp hiện đại. Do đó, chúng ta tự hỏi tại sao giới trẻ ở những xã hội truyền thống chịu được những quy tắc như vậy. Ví dụ còn lại của tôi sẽ quen thuộc hơn với độc giả của cuốn sách này: sự duy trì quyền sở hữu tài sản của người già. Trong xã hội hiện đại, cũng giống như trong nhiều xã hội truyền thống, hầu hết người già từ bỏ quyền sở hữu tài sản của họ duy nhất thông qua việc thừa kế khi họ chết. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn là người già thay đổi ý định góp phần tạo động lực cho người trẻ chăm sóc họ.
Một ví dụ cho hiện tượng này xuất hiện ở một thị tộc người!Kung, nơi mà quyền sở hữu đất đai (được gọi là n!ore) được cho là có liên quan đến những thành viên cao tuổi nhất trong thị tộc, không phải với toàn thị tộc. Nhiều ví dụ mang tính cưỡng bức hơn gần như có ở mọi xã hội chăn nuôi và trồng trọt: thế hệ nhiều tuổi hơn, thường trở thành người đàn ông đứng đầu, tiếp tục sở hữu đất đai, gia súc, tài sản có giá trị khi già đi và thường là đến khi chết đi. Do đó, người đàn ông đứng đầu có vị trí chỉ huy để thuyết phục con mình cho ông ở trong nhà và chăm sóc ông. Ví dụ, Kinh Cựu Ước mô tả Abraham và những người Do Thái khác sở hữu nhiều gia súc khi họ già đi. Các cụ già tộc Chukchi sở hữu tuần lộc; cụ già người Mông Cổ sở hữu ngựa; cụ già người Navajo sở hữu ngựa, cừu, gia súc, dê; và các cụ già người Kazakh sở hữu bốn loài vật nuôi trên cộng thêm lạc đà. Bằng cách kiểm soát gia súc, đất nông nghiệp, và (ngày nay) tài sản khác cũng như các tài sản tài chính, những người lớn tuổi có lợi thế hơn thế hệ trẻ.
Trong nhiều xã hội, sức mạnh mà thế hệ già có trong tay mạnh đến nỗi chính phủ của xã hội đó được mô tả như một “gerontocracy” – tức là, chế độ độc tài của người lớn tuổi. Như Donald Cowgill đã tóm tắt, “Ở đây [ở Ireland] việc giữ lại quyền sở hữu và quyền kiểm soát các trang trại gia đình cho đến khi kết thúc cuộc đời được xem là phong tục đối với đàn ông lớn tuổi. Trong khi đó, những đứa con trai của ông tiếp tục làm việc như những người lao động không được trả lương trong gia đình, hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân để hỗ trợ kinh tế và không thể kết hôn vì thiếu phương tiện độc lập để xây dựng gia đình. Khi thiếu hệ thống thừa kế cụ thể và rõ ràng, người cha có thể kích một đứa con chống lại một đứa khác, bằng cách sử dụng triển vọng thừa kế như ‘một hình thức tống tiền’ để bắt con cái (ở độ tuổi 30 hoặc 40) phục tùng theo ý muốn của ông. Cuối cùng, ông có thể chuyển giao các trang trại cho một đứa con trai và giữ lại ‘căn phòng phía tây’ – căn phòng rộng rãi nhất, được trang bị tốt nhất – cho bản thân, vợ mình và để cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính cho quãng đời còn lại của họ.”
Nhờ đã quen thuộc với quyền lực mà người già có được trong xã hội của chúng ta thông qua quyền sở hữu, chúng ta có thể hiểu rõ hơn sai sót của mình khi ban đầu ngạc nhiên về thực tế rằng người già ở xã hội truyền thống đã thành công khi áp đặt những điều cấm kỵ về thực phẩm và quyền tiếp cận với những người vợ trẻ. Khi lần đầu tiên nghe nói về những phong tục đó, tôi đã tự hỏi, “Tại sao một người đàn ông trẻ trong bộ tộc không lấy và ăn những món ăn ngon như tủy, thịt thú rừng và kết hôn với một phụ nữ trẻ xinh đẹp thay vì phải chờ đến tuổi 40?” Câu trả lời là: anh ta không làm vậy, vì cùng một lý do mà những người trưởng thành trẻ trong xã hội của chúng ta hiếm khi thành công khi chiếm đoạt tài sản từ cha mẹ và làm trái với ý muốn của cha mẹ. Thanh niên của chúng ta không làm vậy, bởi họ sẽ bị phản đối không chỉ bởi cha mẹ già yếu của họ mà còn bởi toàn bộ xã hội đã áp đặt các quy tắc đó. Và tại sao tất cả những chàng trai trong bộ tộc không đồng thời nổi dậy và nói, “Chúng ta sẽ thay đổi quy tắc, do đó từ bây giờ chúng ta – những người đàn ông trẻ – có thể ăn tủy?” Những chàng trai trong bộ tộc không làm vậy, vì cùng một lý do mà tất cả thanh niên Mỹ không nổi dậy và thay đổi các quy tắc thừa kế: trong bất kỳ xã hội nào, đó cũng là một quá trình dài và khó khăn để thay đổi các quy tắc cơ bản, người già có rất nhiều lợi thế khi phản đối sự thay đổi các quy tắc và việc chiều theo ý muốn cũng như lòng tôn trọng đối với người già được dạy dỗ từ nhỏ không thể biến mất chỉ sau một đêm.
Ngày nay tốt hơn hay tệ hơn?
So với tình trạng của người già trong xã hội truyền thống, ngày nay tình trạng đó đã có thay đổi gì? Một nhóm các yếu tố đã thay đổi rất lớn theo chiều hướng tốt đẹp hơn, nhưng nhiều yếu tố khác lại thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Tin tốt là những người lớn tuổi trung bình sống lâu hơn, sức khoẻ tốt hơn, có nhiều cơ hội giải trí hơn rất nhiều và ít đau buồn trước những cái chết của con cái mình hơn bất kỳ thời nào khác trong lịch sử loài người. Tuổi thọ trung bình của 26 quốc gia thuộc Thế giới Thứ nhất là 79, với tuổi thọ trung bình cao nhất là 84 tuổi tại Nhật Bản – gần như gấp đôi so với những xã hội truyền thống. Những lý do phổ biến cho sự gia tăng tuổi thọ này là nhờ các biện pháp y tế công cộng (như cung cấp các nguồn nước uống sạch, kiểm tra mắt và chủng ngừa) để phòng chống bệnh truyền nhiễm – cộng với y học hiện đại, sự phân phối thực phẩm hiệu quả hơn để chống nạn đói (chương 8 và 11) và (bạn có thể tin hoặc không, thậm chí dù qua hai cuộc chiến tranh thế giới), số lượng tử vong từ chiến tranh được hạn chế đáng kể ở xã hội có chính quyền nhà nước so với các xã hội truyền thống (chương 4). Nhờ vào y học và phương tiện đi lại hiện đại, người già giờ đây có thể tận hưởng một cuộc sống chất lượng hơn nhiều. Ví dụ, tôi vừa trở về từ một cuộc đi săn ở châu Phi mà 3 trong số 14 người tham gia khác thuộc độ tuổi từ 86 đến 90 và vẫn có thể đi bộ bình thường. Rất nhiều người sống để nhìn thấy chắt của họ – 57% đàn ông Mỹ và 68% phụ nữ Mỹ sống qua độ tuổi 80 hơn so với trước đây. Hơn 98% trẻ em của Thế giới Thứ nhất sống sót qua giai đoạn phôi thai và thời thơ ấu, trong khi tỷ lệ này chỉ là 50% trong xã hội truyền thống. Do đó, trải nghiệm đau buồn với cái chết của một đứa trẻ vốn phổ biến trước đây trở nên rất hiếm hoi trong Thế giới Thứ nhất bây giờ.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tin xấu, một số tin là hệ quả trực tiếp của trạng thái nhân khẩu. Tỷ lệ người già so với trẻ em và lao động trẻ đã tăng vọt do tỷ lệ sinh giảm trong khi tỷ lệ sống sót của người già lại tăng. Điều đó có nghĩa là, tháp dân số đang trở nên đảo ngược: chúng ta đã từng có rất nhiều người trẻ tuổi và ít người già, nhưng hiện nay chúng ta lại có nhiều người già hơn là trẻ em. Không có lý do nào giúp thế hệ chúng ta ngày nay bớt lo ngại khi nghĩ rằng mọi thứ sẽ không quá tệ sau 80 năm nữa, khi nhóm trẻ em đang bị thu hẹp ngày nay cuối cùng sẽ trở thành nhóm người già nhỏ dần. Ví dụ, ngày nay tỷ lệ phần trăm dân số từ 65 tuổi trở lên chỉ có 2% ở các nước nghèo nhất, nhưng tỷ lệ đó của một số nước Thế giới Thứ nhất lại cao gấp 10 lần. Trước đây, chưa có bất kỳ xã hội loài người nào có tỷ lệ người già quá cao để giải quyết như bây giờ.
Một hậu quả tiêu cực rõ ràng của các thực trạng nhân khẩu trên là gánh nặng hỗ trợ người già trong xã hội sẽ đáng kể hơn, vì sẽ có nhiều người lớn tuổi hơn cần được hỗ trợ bởi ít người trong độ tuổi lao động hơn. Thực tế tàn nhẫn này là căn nguyên của cuộc khủng hoảng sắp diễn ra và đã được thảo luận rất nhiều về nguồn tài trợ cho hệ thống An sinh Xã hội Mỹ (cũng như các hệ thống ở châu âu và Nhật Bản) vốn phải cấp lương hưu cho lao động nghỉ hưu. Nếu chúng ta, những người lớn tuổi, tiếp tục làm việc, chúng ta sẽ ngăn con cái và thế hệ con cháu của chúng ta có công ăn việc làm, như hiện trạng đang xảy ra. Nếu, thay vào đó, những người lớn tuổi nghỉ hưu và kỳ vọng thu nhập của nhóm tuổi trẻ vốn đang thu hẹp dần có thể tiếp tục đóng vào hệ thống An sinh Xã hội và chi trả cho những thú vui của họ, thì gánh nặng tài chính của nhóm trẻ sẽ lớn hơn bao giờ hết. Và nếu những người cao tuổi muốn chuyển đến sống chung với con cái để chúng hỗ trợ và chăm sóc chúng ta trong ngôi nhà của chúng, chúng sẽ lại có những suy nghĩ khác. Có người tự hỏi liệu có phải những người già đang quay trở lại một thế giới mà họ sẽ tái cân nhắc các lựa chọn chấm dứt cuộc đời như ở các xã hội truyền thống – chẳng hạn như tự tử có trợ giúp, tự tử được khuyến khích và bị giết một cách không đau đớn. Khi viết những dòng này, tôi chắc chắn không đề xuất các lựa chọn trên; thay vào đó, tôi đang theo dõi tần suất ngày càng tăng của các biện pháp này trong các lần thảo luận, thực thi và tranh luận của các nhà lập pháp cũng như tòa án.
Một hậu quả khác của sự đảo ngược kim tự tháp dân số là, khi những người lớn tuổi vẫn tiếp tục có giá trị cho xã hội (ví dụ, do kinh nghiệm lâu năm và đa dạng của họ), mọi cá nhân cao tuổi vẫn sẽ có ít giá trị hơn vì rất nhiều cá nhân khác cũng cung cấp cùng một giá trị. Ví như người phụ nữ 80 tuổi ở đảo Rennell còn nhớ về kengi hungi sẽ kém hữu ích hơn nếu có một trăm người chứng kiến hungi kengi khác vẫn còn sống.
Quá trình lão hóa diễn ra khác nhau giữa đàn ông với phụ nữ. Trong khi phụ nữ ở Thế giới Thứ nhất có độ tuổi trung bình cao hơn đàn ông, điều đó cũng có nghĩa là một người phụ nữ có khả năng trở thành một góa phụ cao hơn nhiều so với một người đàn ông trở thành một người góa vợ. Ví dụ, ở Mỹ, 80% đàn ông đã lập gia đình và chỉ có 12% là đàn ông goá vợ, trong khi chưa đến 40% phụ nữ có gia đình và hơn một nửa là góa phụ. Điều đó một phần không chỉ do tuổi thọ của phụ nữ dài hơn, mà còn vì những người đàn ông góa vợ có nhiều khả năng tái hôn (hầu hết với những người vợ trẻ hơn) so với những goá phụ.
Theo truyền thống, những năm cuối đời, người già sẽ sống chung cùng một nhóm, hoặc (ở một xã hội định cư) tại cùng một khu dân cư hoặc thậm chí trong cùng ngôi nhà, nơi họ đã trải qua thời gian trưởng thành hoặc thậm chí toàn bộ cuộc đời. Ở đó, họ duy trì các mối quan hệ xã hội đã hỗ trợ họ suốt cuộc đời, gồm mối quan hệ với bạn bè lâu năm và ít nhất là với một số con cái của họ. Họ thường có con trai hoặc con gái hoặc cả hai sống gần đó, tùy theo phong tục trong xã hội của họ có bắt cô dâu phải chuyển đến nhà chồng hoặc bắt chú rể chuyển đến nhà vợ khi kết hôn không.
Ở Thế giới Thứ nhất hiện đại, việc duy trì mãi mãi các mối quan hệ xã hội ở tuổi già đã giảm sút hoặc thậm chí biến mất. Theo phong tục ở vùng dân cư “neolocal”, cô dâu và chú rể không sống gần cha mẹ của cả hai bên, thay vào đó, họ gây dựng một nơi cư trú riêng biệt của họ. Điều đó đã làm phát sinh một hiện tượng hiện đại được gọi là hội chứng trống tổ. Tại Hoa Kỳ vào đầu những năm 1900, ít nhất một người cha hoặc mẹ thường chết trước khi đứa con nhỏ nhất rời khỏi nhà và người đó sẽ không bao giờ phải trải nghiệm hội chứng đó. Thời gian trống tổ của một người cha hoặc mẹ trung bình kéo dài chưa đến hai năm. Còn ngày nay, hầu hết các bậc cha mẹ Mỹ sẽ sống và trải qua hiện tượng trống tổ trong hơn một thập kỷ, thường là nhiều thập kỷ.
Cha mẹ già ở một mình trong xã hội trống tổ của chúng ta thường nhận ra mình không thể sống gần bạn bè lâu năm. Khoảng 20% dân số Mỹ thay đổi nơi cư trú mỗi năm, do đó cha mẹ già, hoặc bạn bè của họ, hoặc có lẽ cả hai sẽ di chuyển liên tục từ khi còn nhỏ. Hoàn cảnh sống phổ biến với người già là họ đi đến sống với một trong những đứa con của họ, nhưng từ đó phải cắt đứt liên lạc với bạn bè của họ, vì con họ đã dọn khỏi ngôi nhà gia đình ở ban đầu; hoặc họ sống một mình đến khi không thể nữa, với một số bạn bè ở gần nhưng không nhất thiết với con cái của họ gần đó; hoặc họ sống tách biệt khỏi cả bạn bè lâu năm và con cái, trong một nhà dưỡng lão nơi họ có thể có hoặc có thể không được con cái thăm viếng. Đây là trường hợp đã khiến người Fiji từng nói lời buộc tội, “Các ông vứt bỏ người già và cha mẹ của chính các ông!”
Bên cạnh lối sống “neolocal” và những lần thay đổi nơi ở thường xuyên, một yếu tố khác góp phần vào tình trạng cô lập xã hội ở người già hiện đại là việc nghỉ hưu chính thức từ lực lượng lao động. Hiện tượng này chỉ trở nên phổ biến vào cuối thế kỷ XIX. Cho đến lúc đó, người ta chỉ làm việc cho đến khi cơ thể hoặc tâm trí của họ bị mai một đi. Ngày nay, việc nghỉ hưu gần như phổ biến như một chính sách ở các nước công nghiệp, ở độ tuổi từ 50 đến 70, tùy thuộc vào mỗi quốc gia (ví dụ, ở Nhật Bản sớm hơn ở Na Uy) và các ngành nghề (ví dụ, phi công máy bay thương mại nghỉ hưu sớm hơn giảng viên đại học). Ba xu hướng của xã hội công nghiệp hiện đại đã cùng thúc đẩy việc nghỉ hưu thành một chính sách chính thức. Xu hướng đầu tiên là tuổi thọ của chúng ta ngày càng tăng, đến nỗi nhiều người sống đến một độ tuổi mà họ không còn có thể tiếp tục làm việc. Không cần phải có các chính sách chính thức yêu cầu nghỉ hưu ở tuổi 60 hoặc 70 trong một thời đại mà tuổi thọ trung bình là dưới 50. Xu hướng thứ hai là sự gia tăng năng suất kinh tế, đến nỗi lực lượng lao động bao gồm một phần nhỏ hơn của dân số đã có khả năng hỗ trợ một phần lớn dân số không còn làm việc.
Xu hướng hiện đại còn lại thúc đẩy cho việc về hưu là các hình thức khác nhau của bảo hiểm xã hội hỗ trợ kinh tế cho người già đã về hưu. Lương hưu mà chính phủ quy định hoặc của chính phủ hỗ trợ hình thành tại Đức dưới thời của Thủ tướng Bismarck vào những năm 1880, đã lan rộng ra các nước châu âu khác ở phía tây và phía bắc và New Zealand vào những thập kỷ sau và lan cả đến Hoa Kỳ vào năm 1935 thông qua Đạo luật An ninh Xã hội của chúng ta. Điều đó không nói lên rằng việc nghỉ hưu bắt buộc là một điều tốt hoàn toàn: nhiều người phải nghỉ hưu ở độ tuổi thiếu căn cứ (ví dụ, 65 hoặc 60) khi họ vẫn muốn tiếp tục làm việc, có khả năng làm việc và trong thực tế có thể đang ở đỉnh cao năng suất. Tuy nhiên có vẻ như không lý do nào để phản đối việc con người ít ra cũng phải có lựa chọn để về hưu và được chính phủ tạo ra cơ chế (dựa trên thu nhập trong suốt cuộc đời làm việc của họ) để hỗ trợ họ về mặt kinh tế nếu họ chọn nghỉ hưu. Mặc dù vậy, chúng ta phải nhận ra và giải quyết một vấn đề mới phát sinh bởi việc nghỉ hưu: vấn đề về cắt đứt các mối quan hệ công việc lâu dài của một người, do đó, người ta còn rơi sâu hơn vào tình trạng cô lập xã hội vốn đã có từ lối sống “neolocal” và việc thường xuyên di chuyển.
Tuy nhiên, có một sự thiết lập hiện đại khác để giải quyết những vấn đề có từ lâu của người già và đồng thời cũng tạo ra những vấn đề mới, đó chính là các cơ sở chuyên môn hóa mà người già trú ngụ và được chăm sóc cách biệt khỏi gia đình. Trong khi việc tu viện và các nhà tu kín đón nhận một số người già đã trở thành dĩ vãng, nhà cộng đồng dành cho những người lớn tuổi đầu tiên được biết đến đã thành lập ở áo dưới thời nữ hoàng Maria Theresa năm 1740. Những cơ sở như vậy có nhiều loại khác nhau và có tên khác nhau, bao gồm nhà nghỉ hưu, khu nghỉ hưu cộng đồng, nhà điều dưỡng và bệnh viện dành cho những người hấp hối. Mọi cơ sở phục vụ trên nhằm giải quyết những thực tế nhân khẩu hiện đại từ việc có nhiều người già còn sống hơn, có ít con cái trưởng thành sẵn sàng chăm sóc cho họ hơn, hầu hết những đứa con trưởng thành đều làm việc bên ngoài và không thể chăm nom một người già suốt ngày. Khi các cơ sở dạng này cho người già vận hành tốt, chúng có thể thiết lập các mối quan hệ xã hội mới để thay thế cho những mối quan hệ lâu năm đã mất khi người già chuyển đến những cơ sở này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng đóng góp vào tình trạng cô lập xã hội của người già khi trang bị nơi ở cho những bậc cha mẹ già có thể bị con cái bỏ rơi và đáp ứng được ít nhiều nhu cầu vật chất của họ, nhưng đây cũng là nơi nhu cầu xã hội của người già không được đáp ứng vì con cái trưởng thành của họ (khi biết rằng những nhu cầu vật chất đã được đáp ứng) thăm viếng với tần suất khác nhau như một ngày một lần, mỗi tuần một lần, mỗi năm một lần, hoặc không bao giờ, trong số những người mà tôi quen biết.
Ẩn sau sự gia tăng tình trạng cô lập xã hội với người già hiện đại là thực tế rằng họ bị xem là kém hữu ích hơn là người già trong quá khứ, vì ba lý do: trình độ học vấn hiện đại, giáo dục chính thức và sự thay đổi công nghệ nhanh chóng. Ngày nay, chúng ta lưu trữ kiến thức bằng văn bản, do đó, trình độ học vấn hầu như đã xóa bỏ vai trò của ký ức của người già như một phương tiện chiếm ưu thế trước đây để lưu trữ kiến thức. Tất cả các xã hội nhà nước đang hoạt động đều hỗ trợ hệ thống giáo dục và ở các nước Thế giới Thứ nhất việc đi học của trẻ em gần như là bắt buộc, do đó toàn thể người già không còn là giáo viên của xã hội cũng như không còn là ký ức của xã hội. Nói đến công nghệ lỗi thời, sự thay đổi công nghệ với tốc độ siêu chậm trong quá khứ có nghĩa rằng công nghệ mà một người học được trong thời thơ ấu vẫn được sử dụng không đổi 70 năm sau đó, do đó, các kỹ năng công nghệ của người già vẫn hữu ích. Với tốc độ đổi mới công nghệ nhanh chóng ngày nay, công nghệ trở nên lỗi thời trong vòng một vài năm và sự đào tạo mà người già nhận được cách đây 70 năm dường như không còn hữu dụng. Một ví dụ đơn giản từ kinh nghiệm của riêng tôi, khi tôi đi học vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, chúng tôi sử dụng những phương pháp để làm phép nhân: ghi nhớ bảng cửu chương; thước loga, để có được câu trả lời nhanh, chính xác với ba chữ số thập phân; và bảng logarit, để ra được đáp án chính xác đến bốn hoặc năm chữ số thập phân khá nhanh chóng. Nhưng tất cả những kỹ năng của tôi về các phương pháp nhân đó giờ đã trở nên vô ích, bởi thế hệ con trai tôi đã sử dụng máy tính bỏ túi đưa ra đáp án chính xác tới 7 chữ số thập phân chỉ trong vài giây. Nhiều thứ khác mà tôi và những người cùng thời đã học được từ khi còn trẻ nay đã trở nên vô dụng, trong khi nhiều điều mà chúng tôi chưa từng được học lại trở thành những điều thiết yếu cho cuộc sống hiện đại.
Phải làm gì với người già?
Tóm lại, tình trạng của người già trong xã hội phương Tây hiện đại đã thay đổi mạnh mẽ và đầy mâu thuẫn trong vòng một thế kỷ. Chúng ta vẫn đang phải vật lộn với các hệ quả rắc rối đó, vốn đang gây nên một phần khủng hoảng trong cuộc sống hiện đại. Một mặt, con người sống lâu hơn, người già được có sức khỏe thể chất tốt hơn và phần còn lại của xã hội có thể có đủ khả năng để chăm sóc cho họ tốt hơn so với bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử nhân loại. Mặt khác, người già đã mất đi hầu hết sự hữu ích truyền thống mà họ từng cung cấp cho xã hội, và rốt cuộc, họ thường đau khổ về tinh thần khi không còn hữu ích cho xã hội hơn là về thể chất. Hầu hết các độc giả của cuốn sách này sẽ phải đối mặt hoặc đã phải đối mặt với những vấn đề này, đó là khi bạn phải nghĩ xem cần làm gì với cha mẹ già của mình, hoặc khi chính bạn trở nên già đi. Chúng ta có thể làm những gì? Tôi sẽ đưa một vài đề nghị từ những quan sát cá nhân, dù không kỳ vọng chúng giải quyết được vấn đề to lớn này.
Đề nghị đầu tiên của tôi là hãy làm mới tầm quan trọng trong vai trò truyền thống của ông bà. Cho đến Thế chiến II, hầu hết phụ nữ ở Mỹ, châu âu trong độ tuổi sinh đẻ phải ở nhà và chăm sóc con cái. Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tham gia vào lực lượng lao động bên ngoài, được thúc đẩy bởi lợi ích, sự cần thiết về kinh tế, hoặc bởi cả hai. Điều đó gây ra các khó khăn khi chăm sóc trẻ nhỏ, một hiện tượng quen thuộc với rất nhiều bậc cha mẹ trẻ. Trong khi họ cố gắng để giải quyết bằng cách dùng người trông trẻ cùng với các cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày, những khó khăn về độ tin cậy và chất lượng của các phương cách này rất phổ biến.
ông bà có lợi thế khi giải quyết vấn đề giữ trẻ cho các cặp vợ chồng hiện đại phải làm việc. ông bà có động lực cao để chăm sóc cho cháu của họ, có kinh nghiệm từ việc nuôi dạy các con, có thể tập trung hoàn toàn vào một đứa trẻ, sẵn sàng làm việc không lương và không phàn nàn về vấn đề lương thưởng. Bạn bè của tôi là những người ông, người bà đã về hưu có nhiều chuyên môn đa dạng trong công việc – bác sĩ, luật sư, giáo sư, giám đốc doanh nghiệp, kỹ sư và những nghề khác – đều thích chăm sóc các cháu thường xuyên khi các con của họ bận đi làm. Những người bạn già của tôi đã đóng vai trò tương tự với những người ông bà người!Kung chăm lo cháu trong trại, để con cái của họ đi săn linh dương và thu lượm các loại hạt mongongo. Đây là một trường hợp mà cho ông bà, cha mẹ đứa trẻ và cả đứa trẻ đều có lợi. Song, tôi phải cảnh báo rằng: giờ đây, các cặp vợ chồng thường sinh con khá muộn (khoảng 30 tuổi hoặc thậm chí 40 tuổi), do đó, cha mẹ của họ cũng có thể đã khoảng 70-80 tuổi và mất dần khả năng cần thiết để chăm sóc một đứa trẻ cả ngày.
Đề nghị thứ hai liên quan đến mặt tích cực của sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và xã hội. Trong khi sự thay đổi đó có xu hướng khiến những kỹ năng của người già lỗi thời, nó cũng làm cho kinh nghiệm của họ có giá trị theo nghĩa rộng hơn vì những kinh nghiệm đó bao gồm cả những điều kiện không phổ biến ngày nay. Nếu những điều kiện tương tự tái diễn trong tương lai, thanh niên ngày nay sẽ thiếu kiến thức cá nhân để đối phó với chúng. Thay vào đó, những người có kinh nghiệm phù hợp nhất có thể là người già.
Đề nghị còn lại của tôi là hãy hiểu và tận dụng những thay đổi trong điểm mạnh và điểm yếu của người già. Với nguy cơ khái quát hóa một cách thái quá về một chủ đề rộng lớn và phức tạp mà thiếu bằng chứng hỗ trợ, người ta có thể nói rằng các đặc tính hữu ích có xu hướng suy giảm theo tuổi tác bao gồm tham vọng, mong muốn cạnh tranh, sức mạnh và độ bền thể chất, khả năng tập trung tinh thần và năng lực đưa ra những lý luận mới để giải quyết vấn đề chuyên sâu. Ngược lại, những đặc tính hữu ích có xu hướng tăng theo tuổi tác bao gồm kinh nghiệm về một lĩnh vực, sự am tường về con người và các mối quan hệ, khả năng giúp đỡ người khác và bỏ qua cái tôi của mình, cùng những năng lực tư duy đa lĩnh vực tổng hợp để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến thông tin đa diện (chẳng hạn như nguồn gốc của các loài, phân bố địa sinh học, lịch sử so sánh). Những thay đổi về điểm mạnh dẫn đến nhiều người đi làm lớn tuổi lựa chọn cống hiến nỗ lực của họ nhiều hơn nữa để giám sát, quản lý, tư vấn, giảng dạy, vạch ra chiến lược và tổng hợp. Ví dụ, những người bạn nông dân của tôi vào những năm 80 tuổi ít dành thời gian trên lưng ngựa và máy kéo, thay vào đó, họ đưa ra quyết định chiến lược về việc kinh doanh nông nghiệp; những người bạn luật sự già của tôi giờ đang làm cố vấn cho các luật sư trẻ; và những người bạn bác sĩ phẫu thuật già của tôi dành phần lớn thời gian để đào tạo các bác sĩ trẻ.
Vấn đề đối với xã hội nói chung là phải sử dụng người lớn tuổi vào những việc họ giỏi và thích làm, thay vì yêu cầu họ tiếp tục làm việc 60 giờ một tuần như một người làm công trẻ đầy tham vọng, hoặc làm theo thái cực ngược lại là áp đặt chính sách nghỉ hưu bắt buộc đầy ngớ ngẩn ở một độ tuổi tùy ý (như vẫn phổ biến một cách đáng tiếc ở châu âu). Thách thức đối với chính người già là phải suy nghĩ một cách hướng nội, chú ý đến những thay đổi trong chính mình và tìm công việc nào có thể tận dụng những năng lực mà họ có hiện tại.
Việc tạo các điều kiện sống mới cho người già của chúng ta, để phù hợp với thế giới hiện đại đang thay đổi, vẫn còn là một thách thức lớn đối với xã hội. Nhiều xã hội xưa đã tận dụng người già tốt hơn và cho họ cuộc sống tốt hơn chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, chắc chắn rồi chúng ta có thể tìm ra những giải pháp tốt hơn hiện tại.
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.