Ở một sân bay khác
– Từ rừng rậm đến cao tốc 405.
– Ưu điểm của thế giới hiện đại.
– Ưu điểm của thế giới truyền thống.
– Chúng ta có thể học được gì?
– Từ rừng rậm đến cao tốc 405
Vào cuối chuyến thám hiểm đến New Guinea kéo dài trong nhiều tháng, chủ yếu là ở cùng với người New Guinea trong khu cắm trại trong rừng, sự chuyển đổi cảm xúc quay về với thế giới công nghiệp hiện đại của tôi không bắt đầu tại Sân bay Port Moresby của Papua New Guinea, nơi tôi đã bắt đầu viết Lời mở đầu của cuốn sách này. Đó là vì trên chuyến bay dài từ New Guinea trở về Los Angeles, tôi đã sử dụng toàn bộ thời gian này để sắp xếp lại những đoạn ghi chú trong chuyến đi của mình, hồi tưởng lại những sự kiện hàng ngày đã diễn ra trong những tháng ở trong rừng và tâm trí hoàn toàn vẫn đang ở New Guinea. Thay vào đó, quá trình chuyển đổi cảm xúc bắt đầu khi tôi ở khu vực nhận hành lý của sân bay Los Angeles, tiếp tục khi đoàn tụ với gia đình đang chờ bên ngoài khu nhận hành lý, khi lái xe về nhà trên đường cao tốc Freeway 405, khi phải đối mặt với hàng đống thư và e-mail chất dồn trên bàn của tôi. Việc quay về Los Angeles từ thế giới truyền thống của New Guinea đã liên tục đổ chụp xuống tôi những hỗn hợp cảm xúc trái ngược nhau. Những cảm xúc đó là gì?
Đầu tiên và quan trọng nhất dĩ nhiên là niềm vui và sự nhẹ nhõm khi được trở lại với vợ và con tôi. Mỹ là quê hương của tôi, đất nước của tôi. Tôi đã sinh ra và lớn lên ở đây. Những người Mỹ bao gồm những người bạn mà tôi đã biết trong 60 hay 70 năm, những người chia sẻ và hiểu được những gì tôi đã trải qua, văn hóa của tôi và nhiều mối quan tâm của tôi. Tôi sẽ luôn nói tiếng Anh tốt hơn bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tôi sẽ luôn hiểu người Mỹ rõ hơn người New Guinea. Nước Mỹ có nhiều lợi thế khi cân nhắc về một nơi để sinh sống. Tôi có thể có đủ thức ăn, tận hưởng tiện nghi vật chất và an ninh, cũng như sống gần như gấp đôi tuổi thọ trung bình của những người New Guinea truyền thống. Tôi dễ dàng thoả mãn tình yêu dành cho âm nhạc phương Tây của mình, theo đuổi sự nghiệp của một tác giả và một giảng viên địa lý trong trường đại học ở Mỹ hơn là ở New Guinea. Đó là tất cả lý do tại sao tôi chọn sống ở Mỹ. Dù yêu thích New Guinea và người New Guinea đến thế nào, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chuyển đến sống ở đó.
Một cảm xúc khác ùa đến khi tôi ra khỏi sân bay Los Angeles và bắt đầu đi vào cao tốc Freeway 405. Cảnh quan xung quanh tôi trên đường cao tốc hoàn toàn chỉ gồm mạng lưới đường nhựa, cao ốc và xe máy. âm thanh nền trong môi trường chỉ toàn là tiếng ồn giao thông. Đôi khi nhưng không phải lúc nào cũng vậy, dãy núi Santa Monica thấp thoáng 16km về phía bắc của sân bay, có thể nhìn thấy như một vệt mờ trong sương mù. Sự tương phản với không khí trong lành tinh khiết ở New Guinea, những thảm rừng xanh nhiều màu dày đặc ở đấy và sự phấn khích không thể nào che giấu được của hàng trăm tiếng chim hót. Theo phản xạ, tôi vặn nhỏ nút điều khiển các giác quan và trạng thái cảm xúc của mình, ý thức rằng chúng sẽ nằm ở mức thấp như vậy hầu hết thời gian của năm sau cho đến khi tôi bắt đầu một chuyến đi mới đến New Guinea. Tất nhiên ta không thể khái quát hết tất cả sự khác biệt giữa thế giới truyền thống và thế giới công nghiệp chỉ bằng cách so sánh những cánh rừng New Guinea với cao tốc Freeway 405. Những nhận thức về vẻ đẹp và cảm xúc sẽ bị đảo ngược hoàn toàn nếu tôi từ chuyến đi nhiều tháng đến Port Moresby (một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới) trở về căn nhà mùa hè của chúng tôi ở thung lũng Bitterroot tuyệt đẹp thuộc Montana, dưới đỉnh núi có cánh rừng phủ tuyết trắng ở Continental Divide của Bắc Mỹ. Tuy nhiên, có những lý do rất thuyết phục làm tôi chọn Los Angeles để sống, chọn những cánh rừng New Guinea và thung lũng Bitterroot cho các chuyến đi. Nhưng những lợi thế của Los Angeles có giá rất đắt.
Trở về với cuộc sống đô thị ở Mỹ có nghĩa là trở về với áp lực về thời gian, lịch làm việc và căng thẳng. Chỉ cần nghĩ về những điều này thôi cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp của tôi. Trong những khu rừng của New Guinea, không có áp lực về thời gian, không có lịch làm việc. Nếu trời không mưa, tôi đi dạo quanh trại mỗi ngày trước khi bình minh để nghe những tiếng chim hót của cuối đêm trước và bắt đầu một buổi sáng mới, nhưng nếu trời mưa, tôi ngồi trong trại chờ mưa tạnh và chẳng ai biết bao giờ trời mới tạnh. Một người New Guinea từ ngôi làng gần nhất có thể hứa với tôi hôm qua rằng anh ta sẽ ghé thăm trại “ngày mai” để dạy cho tôi tên những loài chim trong ngôn ngữ địa phương của anh: nhưng anh ta không có đồng hồ đeo tay và không thể cho tôi biết khi nào anh ấy sẽ đến, anh ta cũng có thể sẽ đến vào một ngày khác. Ở Los Angeles, cuộc sống được lên kế hoạch rất cụ thể. Cuốn nhật ký bỏ túi của tôi cho tôi biết mình cần làm những gì vào giờ nào ngày nào, với nhiều chi tiết được ghi chú trước cả tháng hoặc năm hoặc nhiều hơn nữa trong tương lai. E-mail và điện thoại tràn vào như lũ mỗi ngày và phải được liên tục tái định vị mức độ ưu tiên trong những đống chất chồng hoặc danh sách được đánh số chờ được xử lý.
Trở lại Los Angeles, tôi dần đánh mất sự cảnh giác về sức khỏe mà tôi học được như một phản xạ ở New Guinea. Tôi không còn ngậm chặt môi lại trong khi tắm, vì sợ rằng mình có thể vô tình mắc bệnh kiết lị do liếm một vài giọt nước bị nhiễm bẩn trên môi. Tôi không còn phải quá tỉ mỉ về việc thường xuyên rửa tay, cũng như không phải để ý đến đĩa và thìa trong trại được rửa sạch chưa hoặc ai là người chạm vào chúng. Tôi không còn phải theo dõi từng vết xước trên da của mình, vì sợ nó phát triển thành một vết lở loét vùng nhiệt đới. Tôi ngưng dùng thuốc chống sốt rét hàng tuần hay liên tục đem theo ba loại thuốc kháng sinh (Không, tất cả những biện pháp phòng ngừa này không phải là hoang tưởng: những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu bỏ qua bất kỳ điều nào). Tôi không còn phải tự hỏi liệu một cơn đau bụng của tôi có phải là viêm ruột thừa không, tại một nơi giữa rừng như vậy tôi sẽ không thể nào đến bệnh viện kịp.
Trở về Los Angeles từ những cánh rừng New Guinea mang đến những thay đổi lớn trong môi trường xã hội xunh quanh tôi: ít tương tác liên tục, trực tiếp và mạnh mẽ hơn với mọi người. Trong suốt thời gian tỉnh giấc ở New Guinea, tôi liên tục ở cách những người New Guinea chỉ vài mét và luôn sẵn sàng nói chuyện với họ, dù chúng tôi đang ngồi trong trại hay đang trên đi đường mòn tìm kiếm các loài chim. Khi nói chuyện, chúng tôi hoàn toàn chú tâm đến người khác; không ai bị phân tâm nhắn tin hoặc kiểm tra e-mail bằng điện thoại di động. Những cuộc trò chuyện ở trại thường có xu hướng chuyển qua lại giữa nhiều ngôn ngữ, tùy thuộc ai đang ở trong trại vào lúc đó và tôi phải biết ít nhất là tên các loài chim trong tất cả những ngôn ngữ này ngay cả khi tôi không thể nói được chúng. Ngược lại, trong xã hội phương Tây, chúng ta dành ít thời gian để giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt với người khác. Ước tính trung bình người Mỹ dành tám tiếng mỗi ngày ngồi trước màn hình (máy tính, tivi, hoặc thiết bị cầm tay). Trong khoảng thời gian mà chúng ta dành để liên lạc với người khác, hầu hết các liên lạc đó đều là gián tiếp: bằng e-mail, điện thoại, tin nhắn, hoặc (đang giảm dần) thư. Đến nay hầu hết các tương tác của tôi ở Mỹ đều là đơn ngữ bằng tiếng Anh: sẽ là may mắn nếu tôi có thể trò chuyện bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác vài giờ trong tuần. Tất nhiên, những khác biệt này không có nghĩa là tôi tôn thờ môi trường xã hội đa ngôn ngữ trực tiếp, liên tục, ở khắp nơi, phải tập trung chú ý của New Guinea: người New Guinea có thể rất phiền toái cũng như thú vị, giống như người Mỹ.
Sau 50 năm đi lại giữa Mỹ và New Guinea, tôi đã tìm ra sự thỏa hiệp cho mình, tìm thấy sự bình an. Xét về thể xác, tôi dành khoảng 93% thời gian của mình ở Mỹ và thỉnh thoảng ở các nước công nghiệp khác, và khoảng 7% thời gian ở New Guinea. Xét về cảm xúc, tôi vẫn dành nhiều thời gian và suy nghĩ ở New Guinea, ngay cả khi thể xác tôi đang ở Mỹ. Sự ảnh hưởng của New Guinea khó có thể rũ bỏ ngay cả khi tôi muốn, nhưng tôi thì rõ ràng không muốn. Ở New Guinea tôi có thể nhìn thấy thế giới tóm gọn trong những màu sắc sinh động, khi so với những nơi khác trên thế giới toàn là màu xám.
Ưu điểm của thế giới hiện đại
Vì hầu hết phần còn lại của chương này sẽ nói về những đặc điểm của cuộc sống truyền thống mà chúng ta trong thế giới hiện đại có thể học hỏi, hãy bắt đầu bằng cách nhắc nhở bản thân chúng ta về một kết luận rõ ràng. Cuộc sống truyền thống không nên bị lãng mạn hoá: thế giới hiện đại vẫn có những lợi thế rất lớn. Công dân của các xã hội phương Tây không phải chạy trốn khỏi những cơn lũ của các công cụ bằng kim loại, những tiện nghi về sức khỏe, vật chất và một nhà nước hòa bình, để cố gắng quay về lối sống bình dị săn bắt – hái lượm. Mà ngược lại, khuynh hướng áp đảo ngày nay là những người săn bắt – hái lượm và những người nông dân quy mô nhỏ đã từ bỏ lối sống truyền thống của họ, chứng kiến lối sống phương Tây và tìm cách bước vào thế giới hiện đại. Lý do của họ là hoàn toàn thuyết phục, đó là những tiện nghi hiện đại như của cải vật chất giúp cho cuộc sống dễ dàng và thoải mái hơn; cơ hội được giáo dục và làm việc đàng hoàng; sức khỏe tốt, các loại thuốc có hiệu quả, các bác sĩ và bệnh viện; an toàn cá nhân, ít bạo lực, ít nguy hiểm từ những người khác và từ môi trường; bảo đảm về lương thực; tuổi thọ cao hơn; tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn nhiều (ví dụ, khoảng 2/3 số trẻ em Fayu truyền thống chết trong thời thơ ấu). Đương nhiên, không phải tất cả các làng truyền thống sau khi hiện đại hóa và tất cả những người dân làng chuyển đến thành phố, đều thành công trong việc có được những điều họ mong muốn. Nhưng một số đã đạt được hầu hết dân làng còn lại có thể thấy rằng họ sung sướng tận hưởng những điều này và điều đó mang lại cho họ hy vọng.
Ví dụ, phụ nữ Pygmy Aka được phỏng vấn bởi Bonnie Hewlett đã đưa ra những lý do sau đây để từ bỏ lối sống săn bắt – hái lượm truyền thống trong rừng của họ để trở thành nông dân sống theo làng xã: của cải vật chất như muối, tiêu, dầu cọ, nồi và chảo, dao phay, giường và đèn lồng; quần áo và giày dép tốt; một cuộc sống khoẻ mạnh hơn; cơ hội cho con cái đi học; trồng thức ăn trên đồng ruộng dễ dàng hơn là kiếm ăn trong rừng; săn thú bằng súng dễ dàng hơn, an toàn hơn và nhanh hơn so với việc làm lưới, gỡ những con thú giãy giụa, cào cắn bị mắc kẹt ra khỏi lưới. Thổ dân da đỏ Ache được phỏng vấn bởi Kim Hill và A. Magdalena Hurtado cho biết, động cơ làm họ từ bỏ cuộc sống trong rừng và chuyển đến định cư ở những khu bảo tồn là: để có súng, đài phát thanh và quần áo mới; để bản thân và con cái được ăn uống đầy đủ và có sức khoẻ tốt; sống lâu hơn và để trẻ em có thể sống sót đến tuổi trưởng thành nhiều hơn. Của cải vật chất phương Tây mà bạn bè New Guinea của tôi trân trọng – một cách đáng chú ý nhất – bao gồm diêm quẹt, búa rìu bằng thép, quần áo, một chiếc giường mềm mại và một chiếc dù (Để hiểu được giá trị của một chiếc dù, hãy nhớ rằng lượng mưa ở New Guinea có thể lên đến gần 13.000mm mỗi năm hoặc cao hơn). Người New Guinea cũng quý trọng những lợi ích phi vật chất khác như: sự chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ em và sự kết thúc của chiến tranh bộ lạc. Ishi, một thổ dân Yahi ở Bắc California, đã từ bỏ lối sống săn bắt – hái lượm của mình ở độ tuổi 50 để sống những năm cuối đời ở San Francisco, đầu tiên ông ngưỡng mộ diêm quẹt và keo dính hơn tất cả các phát minh khác của châu âu và dần dần ông cũng thích nhà ở, đồ nội thất, nhà vệ sinh xả nước, nước, đèn điện, bếp gas và xe lửa. Chị của Sabine Kuegler, Judith, sau một năm chuyển từ nhà của gia đình trong rừng New Guinea đến Đức, đã ngạc nhiên bởi tất cả các thương hiệu sô-cô-la khác nhau trong một siêu thị ở Đức.
Đây là một trong nhiều lợi thế rõ ràng và cụ thể của lối sống phương Tây đã liệt kê bởi những người lớn lên trong những xã hội truyền thống đầy bất an, nguy hiểm và không tiện nghi. Những lợi thế khác, tinh vi hơn, được kể ra bởi những người New Guinea có học vấn mà nhu cầu căn bản của cuộc sống đã được đáp ứng ở những ngôi làng New Guinea và họ ngưỡng mộ những thứ khác về cuộc sống ở Hoa Kỳ. Họ thèm khát được truy cập thông tin, được tiếp xúc với một xã hội rộng lớn đa dạng và có nhiều quyền hơn cho phụ nữ ở Mỹ so với ở New Guinea. Một người bạn New Guinea đã làm tôi ngạc nhiên khi bảo rằng điều cô ấy thích nhất về cuộc sống ở Mỹ là “sự ẩn danh”. Cô giải thích rằng sự ẩn danh nghĩa là cô ấy được thoát khỏi những ràng buộc xã hội đã làm cho cuộc sống ở New Guinea tràn đầy cảm xúc nhưng đồng thời cũng rất gò bó. Đối với bạn của tôi, sự ẩn danh bao gồm cả sự tự do để được ở một mình, đi một mình, có sự riêng tư, để tự thể hiện mình, để tranh luận một cách công khai, để có quan điểm độc lập, để được giải thoát những cái nhìn đầy áp lực và để không bị đánh giá, bàn tán về nhất cử nhất động của mình. Nó có nghĩa là được tự do ngồi ở một quán cà phê trên đường phố đông đúc và đọc một tờ báo trong yên bình, mà không bị bao vây bởi những người quen yêu cầu giúp đỡ. Nó có nghĩa là sự tự do như người Mỹ để tiến thân như một cá thể riêng biệt, với ít nghĩa vụ phải chia sẻ những gì mình kiếm được với tất cả người thân hơn so với ở New Guinea.
Ưu điểm của thế giới truyền thống
Bây giờ, chúng ta hãy nghe mặt khác của câu chuyện. Những người đã sống cả trong xã hội truyền thống và xã hội kỳ lạ (WEIRD) trân trọng điều gì trong xã hội cũ và cảm thấy bị đánh mất trong xã hội mới? Những quan sát thường xuyên và quan trọng nhất có liên quan đến những mối quan hệ lâu dài trong cuộc sống. Cô đơn không phải là một vấn đề của xã hội truyền thống. Mọi người dành cả đời ở trong hoặc ở gần nơi họ được sinh ra, và được bao quanh bởi người thân và bạn bè từ thời thơ ấu. Trong những xã hội truyền thống nhỏ hơn (các bộ lạc và các tộc chỉ có vài trăm người hoặc ít hơn), không ai là người lạ. Dù con gái hoặc con trai (trong hầu hết các xã hội truyền thống, thường là con gái) phải rời khỏi nơi họ sinh ra và lớn lên khi kết hôn, sự di chuyển thường chỉ nằm trong một khoảng cách đủ nhỏ để họ có thể thường xuyên quay lại thăm người thân.
Ngược lại, nguy cơ bị cô đơn là một vấn đề kinh niên ở các xã hội công nghiệp đông dân. Khái niệm “cảm giác cô đơn giữa một căn phòng đông người” không phải là chỉ là một cụm từ văn học: đó là một thực tế cơ bản đối với nhiều người Mỹ và châu âu sống ở các thành phố lớn và làm việc giữa những người mà họ hầu như không quen biết. Người trong xã hội phương Tây thường xuyên chuyển đi xa, con cái và bạn bè của họ cũng độc lập chuyển đi xa, nên họ cuối cùng có thể ở rất xa họ hàng và bạn bè thời thơ ấu. Hầu hết những người ta gặp gỡ đều là người lạ và sẽ luôn là người lạ. Trẻ em thường xuyên rời khỏi nhà của cha mẹ và có cuộc sống của riêng mình khi kết hôn hoặc trở nên độc lập về kinh tế. Như cách mà một người bạn Mỹ của tôi, một người đã dành nhiều thời gian ở châu Phi, tóm tắt: “Cuộc sống ở châu Phi nghèo nàn về vật chất nhưng giàu tình cảm xã hội, trong khi cuộc sống ở Mỹ phong phú về vật chất nhưng nghèo nàn về tình cảm xã hội.” Những quan sát thường gặp khác là áp lực về thời gian lớn hơn, kế hoạch làm việc chặt chẽ, căng thẳng ở mức độ cao và sự cạnh tranh trong xã hội phương Tây nhiều hơn trong xã hội truyền thống. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng có những khía cạnh mà một số tính chất của thế giới truyền thống vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi của xã hội công nghiệp hiện đại, chẳng hạn như khu vực nông thôn, nơi mọi người đều biết tất cả những người còn lại và hầu hết mọi người đều dành cả cuộc đời sống gần nơi mình sinh ra.
Để đưa ra ví dụ cụ thể cho những khái quát hóa, tôi sẽ trích dẫn lại một số quan sát sâu sắc của những trẻ em là con của các doanh nhân hay các nhà truyền giáo người Mỹ lớn lên ở New Guinea, Philippin, hoặc Kenya và sau đó quay về Mỹ ở độ tuổi thiếu niên và kể với tôi về kinh nghiệm của chúng: “Con trai Mỹ có kiểu đại trượng phu, ăn to nói lớn và đánh đập những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ ngoan không sống được ở Mỹ”. “Sau khi lớn lên với những đứa trẻ ở New Guinea, điểm khác nhau đầu tiên ở Mỹ cháu nhận ra là trẻ em Mỹ đi vào nhà, đóng sầm cửa lại, chơi điện tử và rời khỏi nhà một lần nữa để đi học. Ở New Guinea, trẻ em chúng cháu luôn ở ngoài trời và chơi với nhau.”
“Trẻ em châu Phi luôn ở cùng nhau. Chúng cháu chỉ về nhà để ngủ. Chúng cháu có thể đi vào bất kỳ ngôi nhà nào và luôn được chào đón ở đó. Nhưng trẻ em Mỹ thường không ở cùng với những đứa trẻ khác. Ngày nay, với sự xuất hiện của các trò chơi điện tử, vấn đề ở nhà một mình suốt ngày thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ so với khi tôi lớn lên chỉ có tivi và không có trò chơi điện tử”. “Ở Philippines, tất cả trẻ em đều gọi người lớn là‚ ‘cô’ và ‘chú’. Chúng cháu có thể ra vào bất kỳ ngôi nhà nào trong làng. Vào bữa tối, chúng cháu có thể ăn ở nhà của bất cứ ai mà chúng cháu đang ở chơi vào lúc đó với những đứa trẻ khác”. “Trẻ em Mỹ ít hòa đồng hơn trẻ em New Guinea. Ở New Guinea, cháu thường cười và chào bất cứ ai cháu gặp và bắt đầu trò chuyện. Nhưng trẻ em Mỹ đi ngang qua nhau hay người lạ, đều không nói gì, không chào hỏi. Khi cháu mỉm cười và chào chúng, chúng sẽ trả lời, nhưng chúng không bao giờ bắt đầu trước.”
“Ở Mỹ, người dân phải được giải trí và họ không biết làm sao để tự làm mình vui”. “Ở châu Phi, nếu bạn cần một cái gì đó, bạn tự làm nó và kết quả là bạn biết nó được tạo ra như thế nào và hoạt động ra sao. Ở Mỹ, nếu bạn cần gì đó, bạn mua nó và bạn không biết nó được tạo ra thế nào”. “Trẻ em Mỹ ít sáng tạo hơn trẻ em New Guinea, bởi tất cả mọi thứ đều được đóng gói sẵn cho chúng. Ở New Guinea, nếu bạn nhìn thấy một chiếc máy bay và bạn muốn có một mô hình máy bay, bạn tự mình làm mô hình máy bay từ gỗ hoặc từ những cây gậy. Sau đó bạn chơi với chiếc máy bay, làm cho nó chao lượn và làm đủ thứ tiếng động. Anh trai cháu và cháu bắt chước những chuyến bay một cách chi tiết với mô hình máy bay tự chế của mình. Nhưng trẻ em Mỹ chỉ nhận được những chiếc máy bay đồ chơi đóng gói sẵn và không buồn bắt chước những chuyến bay.”
“Ở châu Phi bạn chia sẻ mọi thứ. Ví dụ, trong khi cháu còn đi học, cháu mua được một cái ruột xe bằng cao su màu đỏ. Cao su rất quý để dùng làm súng cao su. Trong một thời gian dài, cháu đã chia sẻ cái ruột xe màu đỏ quý giá của mình với những đứa trẻ khác để chúng làm súng cao su. Nhưng ở Mỹ, nếu bạn có thứ gì đó có giá trị, bạn giữ nó cho riêng mình và không chia sẻ cho ai. Ngoài ra, không có ai ở Mỹ biết phải làm gì với một cái ruột xe.”
“Điều chỉnh lớn nhất của cháu để quen dần khi chuyển từ New Guinea đến Hoa Kỳ là sự thiếu tự do. Trẻ em tự do hơn ở New Guinea. Ở Mỹ, cháu không được phép trèo cây. Cháu luôn luôn trèo cây ở New Guinea; cháu vẫn thích trèo cây. Khi anh trai và cháu trở lại California và chuyển về nhà của chúng cháu ở đó, một trong những điều đầu tiên chúng cháu làm là leo lên cây và xây một ngôi nhà trên đó; các gia đình khác đều nghĩ điều đó thật kỳ lạ. Mỹ có quá nhiều quy tắc và quy định, vì sợ bị kiện, làm cho trẻ em không có cơ hội tự khám phá. Hồ bơi phải được rào chắn để nó không trở thành một điều “phiền toái hấp dẫn”. Hầu hết người New Guinea không có hồ bơi, nhưng ngay cả những dòng sông chúng cháu thường xuyên tới cũng không có biển cảnh báo “Tự chịu trách nhiệm khi nhảy xuống,” bởi điều đó là hiển nhiên. Tại sao cháu lại nhảy xuống nếu không sẵn sàng cho những hậu quả? Ở Mỹ, trách nhiệm được chuyển từ hành động của người nhảy xuống và gán lên các chủ sở hữu đất hoặc người xây dựng ngôi nhà. Tất cả người Mỹ đều muốn đổ lỗi càng nhiều càng tốt cho người khác hơn là bản thân họ. Ở New Guinea cháu có thể lớn lên, chơi một cách sáng tạo và khám phá bên ngoài cũng như thiên nhiên một cách tự do, dĩ nhiên là có những yếu tố rủi ro bắt buộc nhưng vẫn quản lý được mà trẻ em trong xã hội sợ rủi ro ở Mỹ không phải đối diện. Cháu đã lớn lên với sự giàu có về kinh nghiệm mà trẻ em Mỹ không có.”
“Bực bội nhất ở Mỹ là áp lực phải làm việc liên tục. Nếu bạn ngồi thưởng thức một tách cà phê vào buổi chiều, bạn sẽ cảm thấy tội lỗi vì lãng phí thời gian và cơ hội để kiếm tiền. Nhưng nếu bạn là một trong số những người dùng thời gian đó để kiếm tiền thay vì thưởng thức một tách cà phê, bạn lại không tiết kiệm được số tiền bạn kiếm được, mà bạn sẽ chỉ sống xa hoa hơn và phải tiếp tục làm việc nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Người Mỹ đã mất đi khả năng (phần lớn là như vậy) cân bằng giữa làm việc và vui chơi hoặc thư giãn. Ở New Guinea, cửa hàng đóng cửa vào giữa ngày và mở lại vào cuối buổi chiều. Điều đó cực kỳ không-Mỹ.”
“Cháu đã bị sốc về sự thiếu đạo đức của các bạn ở Mỹ. Trong một xã hội đa ngôn như Mỹ, có rất ít cơ sở để bảo vệ những gì bạn tin là sự thật và đúng. Ở New Guinea, chắc chắn sự thật được giải thích và ứng dụng tuỳ vào văn hóa, nhưng nó được công nhận là hiện diện và có thể biết được”. “Trẻ em ở Mỹ, và có lẽ người Mỹ nói chung, bị ám ảnh với hàng hóa. Lần cuối trở về California, chúng cháu rất ấn tượng với các mốt mới nhất và những thứ “phải-có”, trong trường hợp này là tivi màn hình phẳng lớn. Nó sẽ còn là gì sau sáu tháng?”
“Mọi người ở Mỹ đều sống trong chiếc hộp kín của mình. Những người trẻ châu Phi mà cháu biết đều quan tâm mạnh mẽ đến những gì đang xảy ra ở những nơi khác trên thế giới và rất rành địa lý. Một trong những thú tiêu khiển của chúng cháu là đố nhau về vị trí của các quốc gia khác nhau, tên của các nhà lãnh đạo thế giới và các người hùng thể thao. Tất nhiên chúng biết tên của những nhà vô địch bóng đá quốc gia và chạy đường dài của Kenya, nhưng chúng cũng quen thuộc với các siêu sao Mỹ, Anh, Đức và Brazil. Chúng biết đến Lone Ranger, Wilt hamberlain và Muhammad Ali và liên tục hỏi cháu về cuộc sống ở Mỹ. Khi lần đầu tiên đến Mỹ, cháu tưởng sẽ được hỏi về cuộc sống ở châu Phi nhưng rồi nhanh chóng nhận ra rằng rất ít người quan tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài những việc trực tiếp ảnh hưởng đến họ hằng ngày. Lối sống, phong tục và các sự kiện ở những nơi khác trên thế giới là những điều thứ yếu và cháu đã học cách ngừng nói về châu Phi. Nhiều người ở Mỹ đã có được nhiều thứ tuyệt vời, nhưng họ thật nghèo nàn về kiến thức và sự hiểu biết về phần còn lại của thế giới. Họ dường như thoải mái giới hạn mình trong những bức tường của sự lơ đãng được xây dựng một cách cẩn thận và có chọn lọc.”
Chúng ta có thể học được gì?
Thế giới của ngày hôm qua đã hình thành bộ gen, văn hóa và hành vi của chúng ta trong suốt lịch sử của loài người có tập tính hiện đại, loài người đã phát triển từ 60.000 đến 100.000 năm trước. Như những tài liệu khảo cổ ghi lại, những thay đổi trong lối sống và trong công nghệ diễn ra rất chậm cho đến khi bắt đầu tăng tốc với sự xuất hiện đầu tiên của nền nông nghiệp vào khoảng 11.000 năm trước ở vùng Fertile Crescent. Chính quyền nhà nước lâu đời nhất được hình thành, một lần nữa cũng ở Fertile Crescent, vào khoảng 5.400 năm trước đây. Điều này có nghĩa là tổ tiên của tất cả chúng ta hôm nay vẫn còn sống trong thế giới ngày hôm qua cho đến 11.000 năm trước đây, và rằng những tổ tiên này vẫn còn hoạt động nhiều cho đến gần đây. Tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài chỉ bắt đầu từ những thế hệ gần đây ở các khu vực đông dân nhất của New Guinea, việc liên hệ trực tiếp với bên ngoài cũng như chính quyền nhà nước vẫn còn chưa chạm đến một vài nhóm người còn lại ở New Guinea và Amazon.
Tất nhiên, phần lớn thế giới của ngày hôm qua vẫn còn với chúng ta ngày nay, ngay cả trong khu vực đông dân cư nhất của xã hội công nghiệp hiện đại. Cuộc sống trong khu vực nông thôn dân cư thưa thớt của thế giới phương Tây vẫn còn lưu giữ nhiều khía cạnh của xã hội truyền thống. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa thế giới truyền thống và xã hội hiện đại WEIRD của chúng ta (phương Tây, giáo dục, công nghiệp, phong phú và dân chủ). Dân tộc truyền thống đã được vô thức thực hiện hàng ngàn thực nghiệm về cách vận hành một xã hội loài người. Chúng ta không thể lặp lại tất cả những thực nghiệm một cách cố ý dưới điều kiện kiểm soát để xem những gì sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta vẫn có thể học từ những gì thực sự đã xảy ra.
Một số điều từ thế giới của ngày hôm qua đã dạy chúng ta phải biết trân trọng xã hội hiện đại của chúng ta, và không nói xấu chúng. Hầu như tất cả chúng ta sẽ cố gắng biện hộ cho chiến tranh kéo dài, nạn giết trẻ sơ sinh và bỏ rơi người già. Chúng ta hiểu lý do tại sao những xã hội quy mô nhỏ thường phải làm những điều độc ác, hoặc bị ép phải làm vậy. May mắn thay, với chính quyền nhà nước chúng ta không còn phải mắc kẹt trong những vòng lặp của chiến tranh và với lối sống ít vận động, dư thừa thực phẩm chúng ta không bị buộc phải giết trẻ sơ sinh hay bỏ rơi người già nữa. Chúng ta cũng có thể nguỵ biện về việc bóp cổ góa phụ và những sự tàn ác khác diễn ra trong một số xã hội truyền thống như đặc điểm văn hóa, mặc dù không yếu tố môi trường hay sinh tồn nào buộc họ phải làm điều đó.
Nhưng có những đặc điểm khác của thế giới ngày hôm qua không làm chúng ta kinh hoàng mà đã thu hút nhiều độc giả của cuốn sách này. Một trong số những đặc điểm này, chẳng hạn như không rắc muối vào thức ăn trên bàn, là những thứ chúng ta có thể dễ dàng kết hợp vào cuộc sống của mỗi cá nhân, dù xã hội xung quanh chúng ta có chấp nhận hay không. Các đặc điểm khác mà chúng ta ngưỡng mộ sẽ khó để áp dụng hơn đối với từng cá nhân nếu xã hội xung quanh chúng ta không thay đổi: thật khó để nuôi dạy con cái như trẻ em New Guinea khi tất cả những đứa trẻ khác xung quanh chúng vẫn được nuôi dạy như trẻ em Mỹ hiện đại. Những quyết định để ứng dụng các đặc tính của xã hội truyền thống đòi hỏi sự hành động của toàn thể xã hội. Nhận ra rằng việc áp dụng các đặc tính được ngưỡng mộ của thế giới ngày hôm qua đòi hỏi một sự kết hợp của cả quyết định cá nhân và quyết định của xã hội, chúng ta có thể làm được gì?
Chế độ ăn uống và thói quen ăn uống là những mặt mà mỗi người đều có thể làm rất nhiều điều một cách độc lập để tự giúp chính mình. Quay lại với suy nghĩ về thực tế đáng ngạc nhiên rằng hầu như không có người New Guinea truyền thống nào chết vì đột quỵ, tiểu đường, hoặc đau tim. Điều đó không có nghĩa là bạn phải tiếp tục chiến tranh bộ lạc và áp dụng một chế độ ăn uống với 90% là khoai lang nếu muốn tránh khỏi những căn bệnh này. Thay vào đó, bạn có thể thưởng thức những món ăn ngon nhất thế giới và sống một cách hòa bình mà vẫn tránh được bệnh tật, bằng cách kết hợp ba thói quen vào cuộc sống của bạn: tập thể dục; ăn chậm và nói chuyện với bạn bè trong khi ăn, thay vì ăn nhanh một mình; lựa chọn thực phẩm lành mạnh như trái cây tươi, rau quả, thịt ít chất béo, cá, các loại hạt, ngũ cốc, trong khi tránh các loại thực phẩm có ghi trên nhãn là có chứa nhiều muối, chất béo chưa bão hòa và đường đơn. Đây cũng là một lĩnh vực mà xã hội (ví dụ, cử tri, chính phủ và các nhà sản xuất thực phẩm) có thể khiến mọi việc dễ dàng hơn cho chúng ta, bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn sức khỏe cho thực phẩm chế biến, như Phần Lan và các nước khác đã và đang làm.
Một điều nữa mà chúng ta có thể tự làm một mình hoặc với vợ/chồng, mà không cần chờ cho toàn thể xã hội thay đổi, là nuôi dạy con cái sử dụng song ngữ hoặc đa ngữ, giống như rất nhiều trẻ em trong xã hội truyền thống. Nhiều người Mỹ có khả năng làm như vậy nhưng hạn chế, bởi họ nghe nói rằng nghe hai ngôn ngữ cùng lúc sẽ làm trẻ em nhầm lẫn. Chúng ta biết rằng, việc này không hề gây nhầm lẫn cho trẻ, mà ngược lại nó mang đến lợi ích lâu dài cho việc tư duy của chúng, cũng như làm phong phú thêm cho cuộc sống của chúng. Nhiều cặp vợ chồng người Mỹ biết nhiều hơn một ngôn ngữ: mỗi phụ huynh có thể nói một ngôn ngữ khác nhau với con cái của họ và phát triển chúng như những đứa trẻ “song ngữ từ trong nôi”. Những gia đình nhập cư có thể nói tiếng mẹ đẻ của họ với con cái, thay vì ngăn chặn không cho chúng nghe tiếng mẹ đẻ của cha mẹ: dù sao đi nữa các bé sẽ nhanh chóng học được tiếng Anh từ những đứa trẻ khác. Tôi nói với tất cả chúng ta (trong đó có cả tôi) – những người đã phải vật lộn với việc học ngoại ngữ trong trường hay khi đã trưởng thành, đã bỏ ra hàng ngàn giờ nghiên cứu sách ngữ pháp và ghi nhớ từ vựng cũng như nghe băng đàm thoại, mà cuối cùng vẫn chỉ có thể nói chuyện một cách ấp úng và phát âm không đúng: bạn hoàn toàn đã có thể không phải vất vả như vậy mà vẫn nói trôi chảy và phát âm chính xác, nếu cha mẹ của bạn đã nuôi bạn như trẻ song ngữ. Chúng ta nên nghĩ về điều này khi tìm cách nuôi dạy con cháu mình.
Bên cạnh việc đa ngôn ngữ, nuôi dạy trẻ trong xã hội truyền thống đưa ra nhiều mô hình khác nhau để chúng ta lựa chọn. Tất cả những ai sẽ là cha mẹ nên tự hỏi bản thân mình lựa chọn nào sau đây có vẻ hợp lý: một giai đoạn chăm sóc theo yêu cầu trong chừng mực những yêu cầu đó thực tế, cai sữa trễ, duy trì tiếp xúc cơ thể giữa trẻ sơ sinh và người lớn, ngủ chung (trải nệm cứng hoặc đem nôi em bé vào phòng ngủ của bạn, nhớ thảo luận trước với bác sĩ nhi khoa!), ẵm trẻ sơ sinh theo chiều dọc và hướng về phía trước, có vú em, phản ứng nhanh chóng khi đứa trẻ khóc, tránh trừng phạt về thể chất, cho con cái tự do khám phá (vẫn phải theo dõi một cách hợp lý!), chơi với nhiều lứa tuổi (tốt cho cả trẻ nhỏ và trẻ lớn hơn), giúp con cái học được cách tự giải trí thay vì bóp nghẹt chúng với những món “đồ chơi giáo dục” sản xuất hàng loạt, trò chơi điện tử và các món giải trí đóng gói sẵn khác. Bạn có thể thấy sự áp dụng của mỗi cá nhân riêng lẻ cho một số biện pháp này là khó khăn nếu khu phố của bạn hoặc xã hội địa phương không thay đổi: trong khi tất cả trẻ em trên phố có trò chơi điện tử, chỉ nhà bạn không có, bạn có thể thấy con mình muốn qua nhà những đứa trẻ khác suốt ngày. Nhưng cũng đáng suy nghĩ nghiêm túc về những lựa chọn này: sự độc lập, đảm bảo an toàn và sự trưởng thành xã hội của trẻ em trong xã hội truyền thống gây ấn tượng rất lớn với mọi khách từng gặp chúng.
Vẫn còn một điều nữa mà chúng ta có thể thực hiện như những cá nhân riêng lẻ là đánh giá một cách thực tế sự nguy hiểm trong lối sống của chúng ta và áp dụng tính hoang tưởng có căn cứ của người New Guinea. Bạn bè New Guinea của tôi không ngủ dưới cây chết trong rừng và chú ý đến một nhánh cây gãy có vẻ vô hại cắm trên mặt đất mặc dù họ có thể ngủ hàng chục đêm dưới những gốc cây chết và bỏ qua hàng chục gậy có vẻ vô hại mà không gặp phải rắc rối gì. Nhưng họ biết rằng, nếu họ áp dụng những cách thức bất cẩn này trong thực tiễn hàng trăm lần, rủi ro cuối cùng sẽ rơi vào họ. Đối với hầu hết người phương Tây chúng ta, những mối nguy hiểm lớn của cuộc sống không phải là cây chết hoặc gậy trên mặt đất, nhưng cũng không phải là khủng bố, lò phản ứng hạt nhân, tai nạn máy bay, hay những mối nguy hiểm đáng chú ý khác nhưng không đáng kể trong thực tế mà chúng ta luôn bị ám ảnh. Thay vào đó, số liệu thống kê tai nạn cho thấy hầu hết chúng ta nên xây dựng tính hoang tưởng có căn cứ về xe hơi (do bản thân hoặc người khác lái), rượu (do chính mình hoặc người khác uống), và (đặc biệt là khi chúng ta già) cầu thang và trượt ngã trong khi tắm. Đối với mỗi người trong chúng ta, có những rủi ro mà chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn thận, tùy thuộc vào lối sống cụ thể của mỗi cá nhân.
Tôn giáo của chúng ta (hoặc không tôn giáo) là một sự lựa chọn cá nhân khác. Nhiều người trong chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống khi chúng ta đánh giá lại niềm tin tôn giáo của mình. Vào những lúc như vậy, hãy nhớ rằng sự lựa chọn tôn giáo là một vấn đề rộng lớn hơn và phức tạp hơn so với việc chỉ áp dụng niềm tin siêu hình mà chúng ta đã quyết định là đúng, hay từ chối niềm tin mà chúng ta đã quyết định là sai. Khi tôi viết những dòng này, tôi suy nghĩ về những lựa chọn khác nhau của ba người bạn tôi đã biết trong nhiều thập kỷ: một, một người theo thuyết nhất thể cả đời và nhà thờ đã trở thành trung tâm trong cả cuộc sống của cô ấy; hai, một người Do Thái suốt đời theo đạo mà tôn giáo và sự đấu tranh của anh với những mối quan hệ với Israel đã tạo nên bản sắc cốt lõi của anh; và ba, một người Đức được nuôi dạy như một người Công giáo, sống trong một khu vực Công giáo đông đảo người của Đức, đã làm tôi rất ngạc nhiên khi anh cải đạo ở độ tuổi 40 sang đạo Tin lành. Trong cả ba trường hợp, quyết định duy trì hoặc thay đổi tôn giáo của họ hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của tôn giáo thay vì là nguồn gốc của niềm tin. Những vai trò khác nhau thay đổi mạnh và yếu ở các thời điểm khác nhau đối với bạn bè của tôi trong suốt cuộc đời họ, cũng như những vai trò đó đã phát triển mạnh và yếu trong những thời kỳ lịch sử khác nhau của xã hội trong suốt thiên niên kỷ. Vai trò này bao gồm việc tìm kiếm lời giải thích thoả mãn cuối cùng cho câu hỏi về thế giới vật chất; đối phó với các tình huống lo lắng và căng thẳng; tạo nên ý nghĩa cho cái chết của người thân, triển vọng về cái chết của chính mình, và các sự kiện đau đớn khác; biện minh cho các nguyên tắc đạo đức về hành vi và sự tuân phục hoặc bất tuân chính quyền; xác định một người là thành viên của một nhóm người có cùng lý tưởng. Đối với những ai trải qua thời kỳ khủng hoảng tôn giáo, có lẽ suy nghĩ của chúng ta có thể trở nên rõ ràng hơn khi nhớ rằng tôn giáo có những ý nghĩa khác nhau đối với những xã hội khác nhau và phải trung thực với chính mình về việc tôn giáo có hoặc có thể có ý nghĩa đặc biệt và cụ thể gì đối với chúng ta.
Bây giờ hãy chuyển sang các đặc tính đáng ngưỡng mộ của xã hội truyền thống mà sự áp dụng đòi hỏi hành động từ cá nhân và cả xã hội, tôi đã nêu một ví dụ: giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, một mục tiêu mà chúng ta có thể làm được như từng cá nhân riêng lẻ, nhưng vẫn đòi hỏi hành động của các chính phủ và các nhà sản xuất thực phẩm nếu chúng ta muốn giảm lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn. Tương tự như vậy, mỗi cá nhân trong chúng ta có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tiểu đường bằng cách tập thể dục và có chế độ ăn uống thích hợp, nhưng các chính phủ cũng có thể đóng góp bằng các chiến dịch nâng cao nhận thức và quản lý doanh số bán hàng của các loại thực phẩm béo ở căng tin các trường công lập. Ngoài ra, xã hội (không chỉ cha mẹ song ngữ của trẻ sơ sinh) có thể thúc đẩy sự đa ngôn ngữ và chống lại sự tuyệt chủng của ngôn ngữ, một số chính phủ (ví dụ, Thụy Sỹ) đã cố gắng không ngừng để bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ của họ; các chính phủ khác (ví dụ, Mỹ) chỉ mới ngừng việc tiêu diệt sự đa dạng quốc gia của các ngôn ngữ bản địa gần đây; có những chính phủ vẫn khác (ví dụ, người Pháp ở vùng Brittany) tiếp tục phản đối việc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tình trạng của người cao tuổi cũng phụ thuộc vào quyết định của cả cá nhân và xã hội. Số lượng ngày càng tăng của người cao tuổi làm cho họ có những giá trị mới, giúp cuộc sống của con cái đang đi làm của họ dễ dàng hơn, làm phong phú thêm cuộc sống của cháu chắt và của chính họ, bằng đem đến sự chăm sóc và nuôi dưỡng cháu chắt một-kèm-một có chất lượng cao. Những người trở thành cha mẹ trong độ tuổi từ 30 đến 60 nên bắt đầu tự hỏi chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống còn lại như thế nào và con cái sẽ đối xử với chúng ta ra sao khi chúng ta già đi. Chúng ta nên nhớ rằng con cái của chúng ta đang nhìn vào cách chúng ta quan tâm đến cha mẹ già của mình: khi chúng ta đến tuổi nhận nhiều hơn là cho đi, con cái chúng ta sẽ nhớ lại và bị ảnh hưởng bởi tấm gương của chúng ta. Xã hội có thể làm phong phú thêm cuộc sống của người cao tuổi như một nhóm người và có thể làm giàu cho chính xã hội, bằng cách không ép buộc người già phải nghỉ hưu ở một độ tuổi nhất định đối với những người còn có khả năng và mong muốn được tiếp tục làm việc. Chính sách nghỉ hưu bắt buộc đã suy giảm ở Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây, tuy nhiên điều này không dẫn đến tình trạng người lớn tuổi không có khả năng vẫn cứ bám víu vào các công việc vì lo sợ, mà thay vì vậy giúp giữ lại các thành viên giàu kinh nghiệm nhất cho xã hội chúng ta. Nhưng nhiều tổ chức châu âu vẫn còn yêu cầu nhân viên đang ở đỉnh cao của năng suất phải nghỉ hưu, chỉ vì họ đã đến một độ tuổi nhất định trong phạm vi thấp đến mức ngớ ngẩn từ 60-65 tuổi.
Trái ngược với việc ăn chậm và nuôi dạy con song ngữ từ trong nôi mà chúng ta có thể thực hiện một cách độc lập trong khi chờ đợi những thay đổi trong toàn thể xã hội, kết hợp những ưu điểm của xã hội truyền thống với những lợi thế của nhà nước đòi hỏi quyết định của cả xã hội. Hai cơ chế mà tôi đã thảo luận là công lý phục hồi và ngồi thiền. Chúng không phải là thuốc chữa bách bệnh, cả hai đều hữu ích trong một số trường hợp nhất định nhưng không phải trong tất cả các trường hợp và cả hai đều cần những quyết định về chính sách của hệ thống tòa án chính quyền của chúng ta. Nếu bạn thấy những giá trị tiềm năng trong các lựa chọn này, vai trò của bạn như một cá nhân là tham gia các phong trào ủng hộ những cơ chế này tại các tòa án; bạn không thể tự áp dụng chúng cho chính mình. Nhưng bạn có thể tự mình thực hành những thế mạnh của người New Guinea về việc ngồi thiền không chính thức, giải phóng cảm xúc và tái thiết lập các mối quan hệ (hoặc lập ra các mối quan hệ) khi bạn thấy mình đứng giữa những xung đột cá nhân và cơn giận đang tăng lên.
Những xã hội mà hầu hết các độc giả của cuốn sách này thuộc về chỉ đại diện cho một lát cắt mỏng của nền văn hóa đa dạng của con người. Xã hội từ lát cắt đó thống trị thế giới không phải vì một ưu thế chung, nhưng vì những lý do cụ thể: công nghệ, chính trị và lợi thế quân sự của họ bắt nguồn từ nguồn gốc ban đầu về lợi thế nông nghiệp giúp sản xuất ra nhiều thực vật và động vật hoang dã địa phương đã được cải tạo thành cây trồng vật nuôi. Mặc dù có những lợi thế đặc biệt này, xã hội công nghiệp hiện đại không phát triển những phương pháp tốt hơn để nuôi dạy con cái, hay đối xử với người cao tuổi, giải quyết tranh chấp, tránh các bệnh không truyền nhiễm và các vấn đề xã hội khác. Hàng ngàn xã hội truyền thống đã phát triển một loạt các phương pháp để giải quyết những vấn đề. Sự nhìn nhận về cuộc sống của riêng tôi đã được thay đổi và làm giàu thêm nhờ những năm sống giữa tập hợp các xã hội truyền thống của New Guinea. Tôi hy vọng rằng bạn đọc như những cá nhân riêng lẻ và xã hội hiện đại của chúng ta như một tổng thể, cũng sẽ tìm thấy nhiều điều để thưởng thức và học hỏi từ vốn kinh nghiệm to lớn của con người truyền thống giống như tôi.