Từ khi bắt đầu biết viết, con người đã để lại dấu vết lên bất cứ thứ gì có ở xung quanh – phiến đá nhẵn, miếng gỗ, mảnh vỏ cây, mảnh vải, khúc xương, mảnh gốm vỡ. Những thứ dễ hỏng như vậy là phương tiện nguyên thủy của chữ viết. Chúng có ưu điểm là rẻ và có nhiều, nhưng nhược điểm là nhỏ, hình dạng không đồng đều và dễ mất, dễ vỡ hoặc dễ hỏng. Chúng phù hợp để khắc và ghi nhãn, có thể để viết ghi chú hay thông báo ngắn, nhưng không thể dùng cho việc gì khác. Không ai nghĩ sẽ để lại một suy nghĩ sâu sắc hay một luận điểm dài hơi lên một viên đá cuội hay một mảnh sành.
Người Sumerian là những người đầu tiên sử dụng một phương tiện chuyên dụng cho chữ viết. Họ khắc loại chữ hình nêm của họ một cách tỉ mỉ vào những tấm đất sét, thứ tài nguyên dư thừa ở Mesopotamia. Họ rửa đất sét, tạo thành tấm mỏng, dùng cây sậy vót nhọn để khắc chữ, sau đó để khô dưới nắng hoặc trong lò. Tài liệu chính trị, thư tín thương mại, hóa đơn, và thỏa thuận pháp lý đều được viết vào những tấm đất sét lâu bền. Tiếp đến là các tác phẩm dài hơn, mang tính văn học hơn, như truyện lịch sử, tôn giáo và bản tường thuật các sự kiện đương thời. Để thuận tiện cho những văn bản dài, người Summerian thường đánh số các tấm đất sét, từ đó tạo ra một loạt các “trang” đất sét, tiên liệu hình thức của cuốn sách hiện đại. Các tấm đất sét tiếp tục là phương tiện viết chữ phổ biến trong nhiều thế kỷ, nhưng vì khâu chuẩn bị, vận chuyển và lưu trữ khó khăn, chúng chỉ được những người chuyên chép chữ dùng và chỉ dành cho những tài liệu trang trọng. Việc viết và đọc vẫn là những biệt tài ít người biết.
Khoảng năm 2500 Trước Công nguyên, người Ai Cập bắt đầu sản xuất giấy cuộn từ cây cói mọc ở châu thổ sông Nile. Họ lấy sợi cây cói, đan chéo chúng và làm ẩm để loại bỏ nhựa cây. Nhựa cây giúp gắn sợi cói thành tấm liền, sau đó chúng được đập bẹt để tạo bề mặt nhẵn và trắng không khác mấy với giấy chúng ta dùng ngày nay. Họ có thể gắn tới 20 tấm cói thành một cuộn giấy dài, và cũng giống như những tấm đất sét, các cuộn giấy được đánh số thứ tự. Mềm dẻo, gọn nhẹ và dễ lưu trữ, giấy cuộn có nhiều ưu thế so với những tấm đất sét nặng nề. Người Hy Lạp và La Mã đã chọn giấy cuộn làm phương tiện viết chữ chủ yếu, mặc dù cuối cùng giấy da làm từ da dê hoặc da cừu đã thay thế vị trí của giấy cói.
Giấy cuộn thì đắt đỏ, giấy cói phải được chở về từ Ai Cập, còn thuộc da để làm giấy là một công việc tốn thời gian và cần tay nghề nhất định. Thế là khi chữ viết trở nên phổ biến, người ta cần một giải pháp rẻ hơn, thứ gì đó mà bọn trẻ có thể dùng để chép bài giảng và viết văn. Nhu cầu đó đã thúc đẩy sự ra đời của một công cụ viết mới là bảng sáp. Bảng sáp là một khung gỗ đơn giản chứa một lớp sáp dày. Chữ được khắc vào sáp bằng một loại bút mới, ngoài đầu nhọn để viết, nó còn có một đầu cùn để cạo sạch lớp sáp. Vì bảng sáp có thể tẩy xóa dễ dàng, học sinh và người viết nói chung có thể dùng đi dùng lại, khiến chúng tiết kiệm hơn nhiều so với giấy cuộn. Dù không phải là một công cụ phức tạp, bảng sáp cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đọc và viết từ một công việc chuyên môn, lễ nghi trở thành hoạt động thông thường hàng ngày của người dân biết chữ.
Bảng sáp trở nên quan trọng còn bởi một lý do khác. Khi tổ tiên chúng ta muốn có một cách rẻ tiền để lưu trữ hoặc phân phối những văn bản dài, họ buộc một vài tấm bảng lại bằng dây da hoặc vải. Chính những tấm bảng ghép đó đã trở nên phổ biến và trở thành nguyên mẫu để một thợ thủ công La Mã vô danh khâu nhiều mảnh giấy da lại, với hai miếng da cứng hình chữ nhật ở ngoài cùng và tạo ra cuốn sách thực sự đầu tiên không lâu sau Công Nguyên. Dù phải sau vài thế kỷ, sách ghép, còn gọi là sách chép tay, mới chiếm được ngôi vị của những cuộn giấy, nhưng lợi ích của công nghệ này đã trở nên rõ ràng đối với ngay cả những người dùng đầu tiên. Vì người viết có thể viết lên cả hai mặt của một trang giấy ghép, cuốn sách cần ít cói hoặc da hơn nhiều so với giấy cuộn một mặt, từ đó giảm mạnh chi phí sản xuất. Sách cũng nhỏ gọn hơn, khiến việc chuyên chở hay cất giấu dễ dàng hơn. Sách nhanh chóng trở thành hình thức xuất bản của những cuốn Kinh Thánh đầu tiên và các tác phẩm gây tranh luận khác. Sách cũng dễ dùng hơn. Việc tìm một đoạn văn, vốn khá bất tiện với một cuộn giấy dài, trở nên đơn giản với việc giở qua giở lại những trang sách.
Dù sách phát triển nhanh chóng, di sản của văn hóa truyền miệng vẫn tiếp tục chi phối cách chữ được viết và đọc trên những trang sách. Việc đọc thầm gần như không tồn tại trong xã hội cổ xưa. Cũng giống như các loại bảng và giấy cuộn trước đó, sách ghép mới hầu như được đọc thành tiếng, dù chỉ có một người đọc hay cả một nhóm người. Trong một đoạn văn nổi tiếng trong cuốn Confessions (Lời xưng tội) vào khoảng năm 380 sau Công nguyên, Thánh Augustine tả lại sự ngạc nhiên của mình khi thấy Ambrose, một giám mục của Milan, đọc thầm. “Khi ông ấy đọc, mắt ông nhìn vào trang giấy và trái tim ông khám phá ý nghĩa, nhưng không có một tiếng nói, lưỡi ông không động đậy”, Augustine viết. “Thường khi đến gặp ông, chúng tôi thấy ông đọc như thế trong tĩnh lặng, vì ông không bao giờ đọc thành tiếng”. Bối rối bởi hành động lạ lẫm đó, Augustine tự hỏi liệu có phải Ambrose “cần giữ giọng vì ông dễ bị khản giọng”.[97]
Với chúng ta ngày nay, thật khó tưởng tượng rằng chữ viết sơ khai không có khoảng cách giữa các từ. Trong những cuốn sách được chép tay, dòng chữ cứ chảy dài hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác mà không ngắt quãng, lối viết đó ngày nay gọi là thể viết liên tục (scriptura continua). Việc không cách biệt các từ phản ảnh nguồn gốc từ tiếng nói của ngôn ngữ. Khi chúng ta nói, chúng ta không ngắt giữa các từ – các âm tiết cứ nối nhau thoát ra khỏi miệng chúng ta. Những người viết đầu tiên hẳn không hề nghĩ đến việc tạo khoảng trống giữa các từ. Họ chỉ đơn giản phiên âm lại lời nói, viết ra những thứ tai họ nghe thấy. (Ngày nay, khi mới học viết, trẻ em cũng viết chữ liền nhau. Giống người xưa, chúng viết ra cái chúng nghe thấy). Những người viết xưa cũng không chú ý lắm đến trật tự từ trong câu. Trong ngôn ngữ nói, ngữ nghĩa phần lớn thể hiện qua sự đổi giọng, tức là cách nhấn giọng vào các âm tiết khác nhau, và thói quen nói đó tiếp tục chi phối chữ viết. Trong giai đoạn đầu thời Trung Cổ, khi đọc chữ trong sách, người đọc không thể sử dụng thứ tự từ để quyết định ý nghĩa, vẫn chưa có quy tắc nào cả.[98]
Việc không có khoảng cách giữa các từ, cộng với việc thiếu quy tắc về trật tự từ tạo một “gánh nặng lớn” lên những người đọc cổ xưa, John Saenger giải thích trong cuốn sách lịch sử về sách chép tay Space between Words (Khoảng cách giữa các từ).[99] Mắt người đọc phải di chuyển chậm chạp và ngập ngừng trên các dòng chữ, thường xuyên dừng lại và quay lại đầu câu, vì trí óc phải vật lộn để hiểu một từ kết thúc ở đâu và từ mới bắt đầu ở đâu, và mỗi từ có vai trò thế nào trong ý nghĩa của câu. Việc đọc chữ giống như giải đố. Toàn bộ vỏ não, bao gồm các vùng não trước liên quan tới chức năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, hẳn đã phải làm việc cật lực.
Yêu cầu đọc chậm và tập trung khiến việc đọc sách trở nên vấtvả. Đó cũng là lý do không ai đọc thầm, ngoại trừ trường hợp lạ kỳ của Ambrose. Đọc to các âm tiết là cần thiết để hiểu được chữ viết. Những hạn chế không thể chấp nhận được với chúng ta ngày nay lại không quá quan trọng trong xã hội với văn hóa truyền miệng đã bén rễ. Saeger viết: “Bởi người đọc thích thú việc đọc có trọng âm và âm điệu, việc không có khoảng cách giữa từ trong tiếng Hy Lạp và Latin không bị coi là trở ngại với việc đọc như cách nhìn nhận của người đọc hiện đại, những người cố gắng đọc nhanh”.[100] Hơn nữa, hầu hết những người Hy Lạp và La Mã biết chữ đều rất thích thú khi được nghe các nô lệ đọc sách.
MỘT THỜI GIAN DÀI sau sự sụp đổ của đế chế La Mã, ngôn ngữ viết mới phá bỏ được tập tục truyền miệng và bắt đầu phù hợp với nhu cầu riêng của người đọc sách. Trong suốt thời Trung cổ, số người biết chữ – tu sĩ, học sinh, lái buôn, quý tộc – tăng đều, và sách cũng phổ biến hơn. Nhiều sách mới mang tính kỹ thuật, tức là không để giải trí hoặc nghiên cứu, mà để thực hành. Mọi người bắt đầu muốn và cần đọc nhanh và riêng tư. Việc đọc ít mang tính chất biểu diễn hơn, mà trở thành phương tiện hướng dẫn và phát triển cá nhân. Sự thay đổi đó dẫn tới bước biến đổi quan trọng nhất của chữ viết kể từ khi bảng chữ cái ngữ âm ra đời. Đầu thiên niên kỷ thứ hai, người viết bắt đầu đặt ra các quy tắc về trật tự từ trong các tác phẩm của họ, sắp xếp từ thành một hệ thống cú pháp dễ hiểu và được chuẩn hóa. Cùng lúc đó, bắt đầu ở Ai-len và Anh, sau đó lan rộng ra toàn Tây Âu, người viết bắt đầu tách câu thành nhóm từ, và ngăn cách các từ bằng khoảng trống. Vào cuối thế kỷ XIII, thể viết liên tục đã gần như không được dùng trong cả tiếng Latin và các ngôn ngữ bản địa khác. Dấu chấm câu cũng bắt đầu phổ biến, giúp việc đọc dễ dàng hơn. Lần đầu tiên, chữ viết được hướng tới cả mắt và tai.
Khó mà nói quá lời về tầm quan trọng của những thay đổi này. Sự ra đời các quy tắc về trật tự từ châm ngòi cuộc cách mạng trong cấu trúc ngôn ngữ mà theo ghi nhận của Saenger, ‘Vốn đã đối chọi với lối dùng từ vần điệu cổ xưa”[101]. Phải học mới có thể đọc thành thạo được. Theo các nghiên cứu đương đại về việc đọc ở trẻ em, để đọc trôi chảy, hệ thống mạch thần kinh trong não cần có những thay đổi phức tạp, Maryanne Wolf giải thích, người đọc thành thạo phát triển những vùng não chuyên biệt cho việc giải nghĩa nhanh chữ viết. Các vùng não được kết nối “để biểu diễn những thông tin hình ảnh, âm vị và ngữ nghĩa quan trọng và để truy vấn những thông tin này trong chóp mắt”. Ví dụ, vỏ não thị giác phát triển “một bức tranh ghép thực sự” gồm các kết cấu thần kinh chuyên nhận diện “hình ảnh các chữ cái, kiểu chữ cái và từ”[102] trong vài phần nghìn giây. Khi bộ não thành thạo với việc nhận dạng chữ viết, tức là biến một hoạt động giải quyết vấn đề phức tạp thành một quá trình tự động, nó có thể tập trung nhiều tài nguyên hơn cho việc phân tích ngữ nghĩa. Nhờ đó, chúng ta có thể đạt tới khái niệm “đọc sâu”. Bằng cách “biến đổi quá trình tâm sinh lý của việc đọc”, khoảng cách giữa các từ “đã giải phóng năng lực trí tuệ của người đọc”, Saenger viết; “những người đọc với trí tuệ khiêm tốn cũng có thể đọc nhanh hơn, và họ có thể hiểu thêm nhiều văn bản vốn ngày càng khó hơn”[103].
Người đọc không chỉ đọc hiệu quả hơn. Họ còn trở nên tập trung hơn. Đọc thầm một cuốn sách dài cần khả năng tập trung dài, cần “đắm mình” vào những trang sách như cách ngày nay chúng ta vẫn thường nói. Phát triển khuôn khổ tâm lý như vậy không hề dễ dàng. Giống như não của hầu hết các động vật họ hàng của chúng ta, trạng thái tự nhiên của não người là sao lãng. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là chuyển hướng nhìn, và cả sự chú ý, từ vật này sang vật khác nhằm nhận biết những thứ đang diễn ra xung quanh càng nhiều càng tốt. Các nhà khoa học thần kinh đã khám phá ra “cơ chế từ dưới lên” nguyên thủy trong não chúng ta. Theo tác giả một bài viết năm 2004 trên tạp chí Current Biology, cơ chế đó “chi phối tín hiệu giác quan thô, và vô thức hướng sự chú ý vào những đặc điểm trực quan nổi bật có thể quan trọng”[104]. Những thứ thu hút hầu hết sự chú ý của chúng ta là bất cứ biến đổi nào trong môi trường xung quanh. “Các giác quan của chúng ta rất nhạy bén với thay đổi”, Maya Pines từ Học viện Y Howard Hughes giải thích.“Những vật đứng yên hoặc không thay đổi trở thành một phần cảnh quan và gần như không được chú ý tới”.Nhưng ngay khi “thứ gì đó trong môi trường thay đổi, chúng ta cần để ý bởi đó có thể là nguy hiểm hoặc cơ hội”[105].Việc chuyển hướng sự chú ý nhanh và có tính phản xạ từng thiết yếu với sự sống còn của chúng ta. Nó làm giảm bớt khả năng chúng ta bị động vật săn mồi tấn công bất ngờ và khả năng chúng ta bỏ qua một nguồn thức ăn ở gần. Trong hầu hết lịch sử loài người, cách nghĩ của con người không hề theo trình tự.
Đọc sách là quá trình tư duy phi tự nhiên, đòi hỏi sự chú ý liền mạch, lâu dài vào một đối tượng cố định duy nhất.Người đọc cần phải đặt chính mình vào cái mà TS Eliot gọi trong tác phẩm Four Quartets là “điểm đứng yên của thế giới đang quay”. Họ phải rèn luyện bộ não để bỏ qua mọi thứ khác đang diễn ra xung quanh, để chống lại sự thôi thúc hướng sự chú ý từ tín hiệu này sang tín hiệu khác. Họ phải hun đúc hoặc củng cố các kết nối thần kinh cần để chống lại sự sao lãng bản năng, áp đặt “sự kiểm soát từ trên xuống” đối với sự chú ý của họ[106]. Nhà tâm lý học của trường King’s College London, Vaughan Bell nhận xét “Khả năng tập trung khá liền mạch vào một công việc duy nhất” biểu hiện “sự dị thường kỳ lạ trong lịch sử phát triển tâm lý của chúng ta”[107].
Dĩ nhiên, nhiều người từ lâu đã có được khả năng tập trung liên tục trước khi sách và thậm chí bảng chữ cái ra đời. Thợ săn, thợ thủ công, người tu hành – tất cả đều phải rèn luyện bộ não để kiểm soát và tập trung sự chú ý. Điểm nổi bật của việc đọc sách là sự tập trung sâu được kết hợp với hoạt động nhận diện con chữ và phân tích ngữ nghĩa. Việc đọc không chỉ giá trị ở kiến thức người đọc thu nhận được từ những dòng chữ, mà còn ở cách những dòng chữ đó kích thích biến đổi trí tuệ trong chính trí óc họ. Trong không gian tĩnh lặng khi đọc sách liền mạch, mọi người tự đặt ra các liên hệ, đua ra các suy luận, liên tưởng, và ấp ủ các ý tưởng.Họ suy nghĩ sâu sắc khi họ đọc sâu.
Ngay cả những người biết đọc thầm sớm nhất cũng nhận ra thay đổi kinh ngạc trong nhận thức khi họ đắm mình trong những trang sách.Giám mục thời Trung cổ Isaac of Syria đã mô tả mỗi khi ông đọc thầm một mình, “cứ như mơ, tôi lại bước vào trạng thái mà giác quan và ý nghĩ của tôi được tập trung. Sau đó, khi sự tĩnh lặng này kéo dài, những rối loạn tâm trí lắng đọng lại trong tim tôi, những làn sóng hạnh phúc không ngừng vỗ vào tâm trí tôi và bỗng làm say mê trái tim tôi”[108]. Đọc sách là sự trầm ngâm, nhưng nó không làm sáng sủa trí óc. Nó lấp đầy hoặc bổ sung cho trí óc. Người đọc ngắt sự chú ý khỏi những kích thích diễn ra xung quanh để tập trung vào những từ ngữ, ý tưởng và cảm xúc bên trong.Đó là bản chất của quá trình tâm lý có một không hai – đọc sâu.Chính công nghệ của những cuốn sách đã biến sự “dị thường kỳ lạ” này trong lịch sử tâm lý của chúng ta thành hiện thực.Bộ não của người đọc sách không chỉ là bộ não biết chữ.Nó còn là bộ não văn vẻ.
Những thay đổi trong ngôn ngữ viết đã giải phóng cả người viết và người đọc. Lối viết liên lục không chỉ là sự phiền toái trong việc đọc, nó còn là nỗi gian nan trong việc viết. Để tránh mệt nhọc, các tác giả trước kia thường đọc chính tả để người chuyên chép chữ viết lại. Ngay khi việc viết lách dễ dàng hơn vì có khoảng cách giữa các từ, các tác giả đã cầm bút và bắt đầu tự thảo ra những trang giấy một cách riêng tư. Tác phẩm của họ lập tức mang tính cá nhân và phiêu lưu hơn.Họ bắt đầu góp tiếng nói vào những ý tưởng không chính thống, đáng ngờ và cả những vấn đề dị giáo hay nổi loạn, từ đó mở rộng giới hạn kiến thức và văn hóa. Một mình trong phòng, thầy tu Guibert thuộc dòng Benedictine ở Nogent đã có đủ tự tin để viết ra lời giảng giải không chính thống về kinh thánh, lời giải thích sinh động về những giấc mơ của ông, và thậm chí thơ ca khiêu dâm – những thứ hẳn ông không bao giờ viết nếu cần phải đọc cho một người chuyên chép chữ. Cuối đời, khi không còn nhìn được và phải trở lại cách đọc chính tả, ông phàn nàn về việc phải viết “chỉ bằng miệng, mà không có tay, không có mắt”[109].
Các tác giả cũng bắt đầu đọc lại và sửa lại tác phẩm của mình, công đoạn thường bị bỏ qua khi chép chính tả. Việc đó cũng làm biến đổi hình thức và nội dung của văn bản viết. Saenger giải thích, lần đầu tiên người viết “có thể nhìn toàn bộ bản thảo của mình và bằng việc tham khảo chéo, họ có thể tạo ra những mối quan hệ nội tại và loại bỏ những sự dư thừa vốn phổ biến trong văn học chép chính tả” của thời Trung cổ trước đó[110].Các luận điểm trong sách dài hơn và rõ hơn, đồng thời phức tạp và kích thích hơn, bởi người viết đã tự giác nỗ lực chắt lọc ý tưởng và lý lẽ của họ.Cuối thế kỷ XIV, văn bản viết thường được chia thành đoạn và chương, đôi khi có mục lục để giúp người đọc định hướng trong cấu trúc ngày càng phức tạp của chúng[111]. Dĩ nhiên trong quá khứ đã có những những người chú trọng đến hình thức văn thơ, như minh chứng trong các mẩu đối thoại tao nhã của Plato, nhưng các quy ước viết lách mới đã kích thích mạnh mẽ sự phát triển của văn học, đặc biệt là văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Tiến bộ của công nghệ sách đã thay đổi việc đọc và viết của mỗi cá nhân.Chúng cũng tạo ra những hệ quả xã hội. Văn hóa xoay quanh việc đọc thầm bắt đầu hình thành theo những cách vừa tinh vi vừa hiển nhiên. Tính chất của giáo dục và học tập thay đổi, khi các trường đại học nhấn mạnh việc tự đọc để bổ trợ cho bài giảng trên lớp. Các thư viện bắt đầu đóng vai trò trung tâm hơn trong đời sống các trường đại học, và đời sống thành thị nói chung. Kiến trúc thư viện cũng biến đổi. Hành lang tu viện và phòng đọc riêng trước kia dùng cho việc đọc thành tiếng đã được dỡ bỏ và thay vào đó là những phòng công cộng lớn, nơi sinh viên, giáo viên và khách đọc có thể ngồi sát nhau dọc theo những chiếc bàn dài và đọc trong tĩnh lặng. Sách tham khảo như từ điển, sách chú giải, sách mục lục trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng cho việc đọc.Những bản sao quý thường được buộc vào các bàn đọc. Để phục vụ nhu cầu về sách tăng lên, ngành xuất bản bắt đầu hình thành. Việc xuất bản sách, từ lâu bị chi phối bởi những người chép chữ theo tôn giáo và làm việc trong tu viện, bắt đầu tụ lại ở các hiệu sách lâu đời, nơi những người chép chữ chuyên nghiệp được trả tiền để làm việc theo yêu cầu của chủ. Và thị trường sách cũ ra đời.Lần đầu tiên trong lịch sử, sách được gắn giá[112].
Trong hàng thế kỷ, chữ viết đã phản ánh và củng cố quy cách tri thức của văn hóa truyền miệng mà từ đó nó bắt nguồn.Việc sử dụng bảng đất, bảng sáp, giấy cuộn và sách để viết và đọc ban đầu chú trọng sự phát triển cộng đồng và truyền bá kiến thức. Sự sáng tạo cá nhân vẫn phụ thuộc vào nhu cầu tập thể. Việc viết mang tính chất ghi chép hơn là sáng tác. Lúc này, việc viết bắt đầu tuân theo, đồng thời phổ biến, một quy cách tri thức mới: quy cách của sách. Phát triển kiến thức đã trở thành một hoạt động ngày càng riêng tư, với việc mỗi người đọc tự tổng hợp ý tưởng và thông tin chứa trong văn bản của những người khác. Ý thức về chủ nghĩa cá nhân tăng lên. Tiểu thuyết gia kiêm sử gia James Carroll nhận định: “Việc đọc thầm là dấu hiệu và phương tiện của sự tự ý thức, trong đó chủ thể chịu trách nhiệm cho cái họ biết”[113]. Việc nghiên cứu yên tĩnh, một mình trở thành điều kiện tiên quyết cho các thành tựu tri thức. Tính độc đáo của ý nghĩ và sự sáng tạo về cách diễn đạt trở thành dấu ấn của mô hình tư duy đó. Mâu thuẫn giữa nhà hùng biện Socrates và triết gia Plato cuối cùng cũng được định đoạt với phần đúng thuộc về Plato.
Nhưng chữ viết vẫn chưa thắng lợi hoàn toàn. Bởi sách chép tay vẫn đắt và hiếm, quy cách tri thức của sách và tư duy của người đọc sâu vẫn chỉ duy trì trong một nhóm tương đối nhỏ những người có đặc quyền. Bảng chữ cái, phương tiện của ngôn ngữ, đã tìm thấy phương tiện lý tưởng cho mình trong trang sách, phương tiện của chữ viết.Tuy vậy, sách vẫn chưa tìm thấy phương tiện lý tưởng cho chính nó – thứ công nghệ có thể giúp sản xuất, phân phối sách thật rẻ, nhanh và nhiều.
TRONG KHOẢNG NĂM 1445, người thợ chế tác vàng người Đức có tên Johannes Gutenberg rời Strasbourg, nơi ông đã sống trong vài năm, và theo sông Rhine trở lại Mainz, thành phố nơi ông sinh ra. Ông mang theo mình một bí mật – một bí mật lớn. Trong vòng mười năm, ông đã ngầm sáng chế một số thứ mà ông tin khi kết hợp lại, chúng sẽ tạo ra nền tảng cho một ngành xuất bản kiểu mới. Ông nhìn thấy cơ hội trong việc tự động hóa sản xuất những cuốn sách và các văn bản viết khác, từ đó thay thế những người chép chữ đáng kính bằng một loại máy in mới lạ. Sau khi dàn xếp được hai khoản vay lớn với Johann Fust, một người hàng xóm giàu có, Gutenberg lập một xưởng ở Mainz, mua một số công cụ và vật liệu để bắt tay vào việc. Bằng kỹ năng chế tác kim loại, từ một loại hợp kim nóng chảy, ông đã tạo ra các khuôn đúc nhỏ và có thể xếp được để đúc các chữ cái với chiều cao bằng nhau nhưng bề rộng khác nhau. Chữ đúc, còn gọi là con chữ, có thể được sắp xếp nhanh chóng trên một trang giấy cần in; sau khi công việc hoàn thành, chúng lại được tháo ra và xếp cho một trang giấy mới[114].Gutenberg cũng phát triển một phiên bản cải tiến của máy ép bắt vít bằng gỗ, thời đó được dùng để ép nho làm rượu; chiếc máy mới có thể đưa hình các con chữ lên một trang giấy da hoặc giấy thường mà không làm nhòe các chữ cái. Và ông sáng chế tiếp thành tố quan trọng thứ ba trong hệ thống in của mình: một loại mực bằng dầu có thể dính vào con chữ kim loại.
Sau khi hoàn chỉnh phương pháp in nổi, Gutenberg nhanh chóng dùng nó để in văn bản xá tội cho các nhà thờ Thiên chúa.Công việc sinh lợi rất tốt, nhưng đó không phải tất cả kế hoạch Gutenberg dành cho cỗ máy mới của mình, ông có tham vọng lớn hơn nhiều. Nhờ vào số vốn của Fust, ông bắt đầu chuẩn bị tác phẩm lớn đầu tiên: một bản Kinh thánh hai tập bề thế mang tên ông. Dài 1.200 trang, mỗi trang hai cột, mỗi cột 42 dòng, cuốn Kinh thánh của Gutenberg được in bằng mẫu chữ Gothic đậm, được thiết kế tỉ mỉ nhằm bắt chước mẫu chữ viết tay của những thợ chép chữ giỏi nhất nước Đức. Cuốn Kinh thánh thai nghén không dưới ba năm là một chiến công lớn của Gutenberg. Nhưng nó cũng đánh dấu sự lụi tàn của ông. Năm 1455, sau khi mới in được 200 bản, ông cạn tiền. Không thể trả tiền lãi vay, ông buộc phải giao máy in, con chữ, mực cho Fust và rời khỏi ngành in. Fust, một người thành đạt với tư cách nhà buôn, đã tỏ ra rất tinh thông trong việc kinh doanh in ấn cũng như Gutenberg thành thạo với máy móc. Cùng với Peter Schoeffer, một trong những nhân viên tài năng của Gutenberg (và trước kia là một người chuyên chép chữ), Fust đã điều hành thành công, tổ chức lực lượng bán hàng và xuất bản các loại sách ra khắp nước Đức và Pháp[115].
Dù Gutenberg không giành được sự tặng thưởng đó, phương pháp in nổi của ông đã trở thành một trong những phát minh quan trọng nhất trong lịch sử. Với tốc độ khá cao, ít nhất là với tiêu chuẩn thời Trung Cổ, phương pháp in nổi “đã thay đổi diện mạo và trạng thái của mọi thứ trên thế giới”, như Francis Bacon viết trong cuốn sách Novum Organum năm 1620, “nhờ đó không đế chế hay giáo phái hay nhân vật nào có quyền năng và sức ảnh hưởng lớn hơn đối với những vấn đề của con người”[116]. (Những phát minh duy nhất mà Bacon cảm thấy có tác động ngang với phương pháp in nổi là thuốc súng và la bàn). Bằng cách biến một nghề thủ công thành một ngành máy móc, Gutenberg đã thay đổi ngành in ấn và xuất bản.Nhiều ấn bản chất lượng có thể được sản xuất hàng loạt chỉ bởi một vài người thợ.Từ một món hàng đắt và hiếm, sách đã trở thành món hàng rẻ và phong phú.
Năm 1483, một xưởng in tại Florence, do các tu sĩ từ Nữ tu viện San Jacopo di Ripoli điều hành, ra giá ba đồng vàng florin để in 1.025 bản dịch cuốn Dialogues (Những mẩu đối thoại) của Plato. Một người chép chữ có thể tính phí khoảng một đồng vàng florin cho việc sao chép, nhưng người đó chỉ có thể chép được một bản mà thôi.[117] Sự cắt giảm mạnh mẽ trong chi phí sản xuất sách được thúc đẩy bởi sự phổ biến của giấy, một phát minh du nhập từ Trung Quốc, thay thế cho giấy da đắt đỏ. Giá sách đi xuống cộng với nhu cầu tăng lên dẫn tới sự tăng nhanh về nguồn cung. Các ấn bản mới tràn ngập các thị trường ở châu Âu. Theo ước tính, số lượng sách xuất bản trong 50 năm sau phát minh của Gutenberg bằng với số lượng sách được chép tay ở châu Âu trong hàng ngàn năm trước đó.[118] Sự nở rộ của sách vốn từng khan hiếm đã đánh mạnh vào người dân thời đó, “đủ mạnh để coi là một sự can dự siêu nhiên”, Elizabeth Eisenstein ghi nhận trong cuốn The Printing Press as an Agent of Change (Máy in với vai trò tác nhân thay đổi).[119] Có tài liệu ghi nhận, khi Johann Fust mang một lượng sách in lớn tới Paris trong một chuyến làm ăn, ông đã bị cảnh sát đuổi khỏi thành phố vì nghi ngờ câu kết với quỷ dữ.[120]
Nỗi sợ quỷ sa tăng nhanh chóng biến mất khi mọi người đổ xô đi mua và đọc những sản phẩm giá rẻ của phương pháp in nổi. Năm 1501, khi thợ in người Italia Aldus Manutius cho ra đời mẫu sách bỏ túi khổ tám, nhỏ hơn đáng kể so với khổ hai và khổ bốn truyền thống, sách trở nên rẻ tiền, gọn nhẹ và riêng tư hơn. Giống như việc thu nhỏ đồng hồ giúp mọi người tự theo dõi thời gian, sự thu nhỏ sách giúp gắn kết hoạt động đọc sách vào cuộc sống hàng ngày. Sách không còn chỉ để cho học giả và thầy tu ngồi đọc trong những căn phòng tĩnh lặng. Một người bình thường nhất cũng bắt đầu có thể bày biện một thư viện riêng với một vài cuốn sách. Điều đó không chỉ phổ biến việc đọc sách mà còn kéo theo sự so sánh giữa các tác phẩm khác nhau. Nhân vật Gargantua trong tác phẩm cùng tên bán chạy nhất năm 1534 của Rabelais thốt lên: “Cả thế giới ngập tràn những con người hiểu biết, những giáo viên giỏi và những thư viện mênh mông, tôi cảm thấy sự thật là kể cả ở thời Plato hay Cicero hay Papinian, chưa từng có điều kiện học tập thuận lợi như chúng ta thấy lúc này”.[121]
Một vòng quay tri thức đã bắt đầu lăn bánh. Sự sẵn có của sách khơi dậy nhu cầu văn chương của công chúng, và sự mở rộng của văn chương lại kích thích thêm nhu cầu về sách. Ngành in nở rộ. Cuối thế kỷ XV, gần 250 thành phố ở châu Âu đã có xưởng in với số lượng sách xuất bản lên tới 12 triệu cuốn. Thế kỷ XVII chứng kiến bước nhảy của công nghệ in của Gutenberg từ châu Âu sang châu Á, Trung Đông, và châu Mỹ khi người Tây Ban Nha lập nhà máy in ở thành phố Mexico năm 1539. Tới đầu thế kỷ XVII, phương pháp in nổi có ở mọi nơi, in sách, báo, tạp chí khoa học, và các loại tập san định kỳ khác. Sự đơm hoa kết trái đầu tiên của văn học in xuất hiện với những kiệt tác của Shakespeare, Cervantes, Molière, và Milton, đó là chưa nói tới Bacon và Descartes, góp phần vào phòng chứa của các hiệu sách và thư viện của các độc giả.
Không chỉ những tác phẩm đương thời được xuất bản. Với mong muốn đáp ứng nhu cầu của công chúng với chất liệu sách rẻ tiền, các nhà in đã cho ra đời nhiều ấn bản của sách kinh điển bằng cả tiếng Hy Lạp lẫn La tin nguyên gốc và bằng bản dịch. Dù hầu hết nhà in đều có động cơ thu lợi nhuận, việc phân phối văn tự cổ đã giúp mang lại chiều sâu tri thức và tính liên tục lịch sử cho văn hóa đọc sách đang dần chiếm vị trí trung tâm. Eisenstein nhận xét rằng việc các nhà in “sao chép những cuốn sách cũ kỹ” có thể đang làm đầy túi họ, nhưng đồng thời họ cũng đem lại cho người đọc “một bữa ăngiàu dinh dưỡng và phong phú hơn so với những gì người chép chữ mang lại”.[122]
Có những trí óc cao siêu, cũng có những trí óc thấp hèn. Tiểu thuyết hào nhoáng, lý thuyết suông, báo lá cải, giấy tờ tuyên truyền và dĩ nhiên cả văn hóa phẩm khiêu dâm đổ vào thị trường và tìm được những khách hàng vồ vập ở khắp chốn trong xã hội. Theo lời nhận xét năm 1660 của nhân viên kiểm duyệt sách đầu tiên của Anh, các thầy tu và chính khách bắt đầu tự hỏi “thế giới Thiên chúa giáo tổn hại hay tiến bộ hơn nhờ phát minh của máy in”[123]. Nhà viết kịch nổi tiếng người Tây Ban Nha Lope de Vega thể hiện cảm tưởng của nhiều nhà quý tộc trong vở kịch All Citizens Are Soldiers (Tất cả công dân là lính) năm 1612 như sau:
Quá nhiều sách – quá nhiều nhầm lẫn!
Sách báo in tràn ngập quanh ta
Hầu hết chúng đều là tạp nham.[124]
Nhưng chính những thứ tạp nham đó lại là thiết yếu.Chúng còn xa mới làm hỏng bước biến đổi tri thức của sách in, thực ra chúng góp phần nhân rộng nó. Bằng cách lan truyền văn hóa đọc sách và biến nó thành hoạt động chính trong thời gian rảnh rỗi, những thứ càng thô thiển, càng ngu ngơ, và càng vụn vặt càng giúp phổ biến quy cách đọc sâu, tập trung của sách. Eisenstein viết: “Sự yên lặng, riêng tư và thái độ trầm tư cùng với sự tập trung tinh thần thuần khiết cũng diễn ra khi người ta nghiền ngẫm những vụ tai tiếng, ‘những bài hát dâm dật’, ‘những cuốn sách Italie vui nhộn’, và ‘những mẩu chuyện suy đồi trong Inke and Paper’”[125]. Dù một người chìm đắm trong tiểu thuyết khiêu dâm hay sách thánh ca, hiệu ứng (liên hợp) thần kinh gần như giống nhau.
Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều đọc sách.Nhiều người – người nghèo, người mù chữ, người bị cô lập, người thờ ơ – không hề tham gia, ít nhất là không trực tiếp tham gia, vào cuộc cách mạng của Gutenberg.Và trong bộ phận những người hào hứng nhất với việc đọc sách trong công chúng, nhiều tập tục truyền miệng xua cũ vẫn phổ biến.Mọi người vẫn tiếp tục bàn tán, tranh cãi, đến dự các buổi giảng bài, diễn thuyết, tranh luận và thuyết pháp.[126] Những yếu tố đó đáng ghi nhận – bất kì sự suy rộng nào về việc lựa chọn và sử dụng một công nghệ mới đều không hoàn toàn đúng – nhưng chúng không làm thay đổi thực tế là sự xuất hiện của phương pháp in nổi là một sự kiện trung tâm trong lịch sử văn hóa phương Tây và sự phát triển của tư duy phương Tây.
J.Z. Young viết: “Với những bộ óc thời Trung cổ, việc công nhận điều gì đó phụ thuộc vào tính phù hợp với các biểu tượng tôn giáo”. Phương pháp in nổi đã thay đổi điều đó.“Khi sách trở nên phổ biến, mọi người có thể xem xét trực tiếp nhận định của nhau, với độ chính xác và hàm lượng nội dung cao hơn nhiều”.[127] Sách đã cho phép người đọc so sánh suy nghĩ và kinh nghiệm của họ không chỉ với những giáo huấn tôn giáo ẩn trong những biểu tượng hay giọng nói của các tăng lữ, mà còn với suy nghĩ và kinh nghiệm của những người khác.[128]Các hệ quả văn hóa và xã hội của nó vừa sâu sắc vừa rộng khắp, trải từ biến động tôn giáo và chính trị cho đến uy thế của phương pháp khoa học như những phương tiện chính để xác định chân lý và làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.“Nền cộng hòa của con chữ” đã thành hiện thực, đem lại, ít nhất trên lý thuyết, cho mọi người cơ hội sử dụng cái mà nhà sử học Harvard Robert Darnton gọi là “hai đặc điểm chính của tư cách công dân, đó là viết và đọc”[129]. Tư duy văn chương, từng hạn chế trong các hành lang tu viện và các tòa tháp trường đại học, đã trở thành tư duy đại trà. Bacon nhận định rằng thế giới đã được xây dựng lại.CÓ NHIỀU KlỂU ĐỌC.David Levy, trong cuốn Scrolling Forward về sự chuyển đổi ngày nay của chúng ta từ tài liệu in sang tài liệu điện tử, đã luu ý rằng những người biết chữ “đọc suốt cả ngày, và hầu như không ý thức được điều đó”. Chúng ta vẫn nhìn thoáng qua các biển báo giao thông, thực đơn, tiêu đề, danh sách mua hàng, nhãn hiệu sản phẩm trong cửa hiệu. Ông nhận xét rằng “Những hình thức đọc này thường hòi hợt và trong thời gian ngắn”.Đó là những kiểu đọc tổ tiên xa xưa của chúng ta cũng dùng để giải nghĩa những vết khắc trên đá cuội và mảnh sành. Nhưng theoLevy, cũng có những lúc “chúng ta đọc tập trung và lâu hơn, chúng ta bị cuốn vào cái chúng ta đang đọc trong những khoảng thời gian dài hơn. Thực ra, một số người không đọc theo cách này nhưng vẫn nghĩ họ là độc giả”.[130]
Trong bài thơ tinh tế The House Was Quiet and the World Was Calm (Ngôi nhà tĩnh lặng và thế giới bình lặng), Wallace Stevens đã khắc họa sâu sắc và đầy cảm xúc về kiểu đọc mà Levy nói tới:
Ngôi nhà tĩnh lặng và thế giới bình lặng
Người đọc trở thành cuốn sách; và đêm hè
Giống như tâm hồn cuốn sách
Ngôi nhà tĩnh lặng và thế giới bình lặng
Những lời nói thoát ra như không hề có cuốn sách
Mà chỉ có người đọc nghiêng mình trên trang giấy,
Muốn nghiêng mình và muốn nhiều hơn nữa
Để trở thành học giả đích thực của cuốn sách của mình
Đêm hè như sự hoàn thiện suy nghĩ
Ngôi nhà tĩnh lặng vì nó phải thế
Tĩnh lặng là một phần ý nghĩ, một phần tâm trí
Là lối đi hoàn hảo tới trang giấy.
Bài thơ của Stevens không chỉ mô tả việc đọc sâu.Nó đòi hỏi sự đọc sâu.Ý thơ yêu cầu lối tư duy mà bài thơ mô tả.“Sự tĩnh lặng” và “bình lặng” của tâm trí người đọc sâu trở thành “một phần ý nghĩa” của bài thơ, tạo thành lối đi để sự “hoàn thiện” suy nghĩ và diễn đạt đến với trang giấy.Trong hình ảnh ẩn dụ “đêm hè” chỉ sự toàn tâm toàn ý, người viết và người đọc đã hợp thành một, cùng tạo và chia sẻ “tâm hồn cuốn sách”.
Các nghiên cứu gần đây về hiệu ứng thần kinh của việc đọc sâu đã tạo thêm vẻ đẹp khoa học cho lời thơ của Stevens.Trong một nghiên cứu thú vị được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Nhận thức chức năng của Đại học Washington và được đăng trên tạp chí Psychological Science năm 2009, các nhà nghiên cứu đã quét hình ảnh não để theo dõi điều gì xảy ra khi người ta đọc tiểu thuyết. Họ phát hiện rằng “người đọc tái lập trong trí óc mỗi tình huống xảy ra trong lời kể. Tình tiết về các diễn biến và cảm xúc thu được từ truyện được gắn kết với kiến thức bản thân từ những kinh nghiệm trong quá khứ”. Các vùng não được kích hoạt thường “trùng với những vùng não hoạt động khi chúng ta thực hiện, tưởng tượng, hoặc quan sát các hoạt động tương tự trong thế giới thật”. Trưởng nhóm nghiên cứu, Nicole Speer, cho biết việc đọc sâu “không hề thụ động”. Người đọc thực sự trở thành cuốn sách.[131]
Mối liên kết giữa người đọc sách và người viết sách luôn là một mối quan hệ cộng sinh gắn bó, là phương tiện gieo mầm trí tuệ và nghệ thuật. Từ ngữ của người viết đóng vai trò chất xúc tác trong tâm trí người đọc, thúc đẩy những cách nhìn, liên tưởng, nhận thức mới, và đôi khi cả sự sáng tạo. Và sự tồn tại của những người đọc chú tâm và khắt khe lại kích thích công việc của người viết. Nó đem lại cho tác giả sự tự tin để khám phá những hình thức diễn đạt mới, để khai phá những quan điểm phức tạp, để phiêu lưu vào những vùng đất chưa được đặt tên và đôi khi nguy hiểm. “Tất cả những con người vĩ đại đều viết một cách tự hào, mà không cần giải thích”, Emerson nói. “Họ biết rằng những người đọc thông minh cuối cùng cũng sẽ tới và cảm ơn họ”.[132]
Sẽ không thể có lịch sử văn chương giàu có của chúng ta nếu không có sự trao đổi gần gũi giữa người đọc và người viết qua những cuốn sách. Sau phát minh của Gutenberg, ranh giới của ngôn ngữ đã mở rộng nhanh chóng khi người viết nỗ lực thể hiện ý tưởng và cảm xúc với sự rõ ràng, thanh nhã và độc đáo ở mức độ cao, nhằm giành được sự chú ý của những độc giả ngày càng phức tạp và khắt khe. Từ vài nghìn từ, vốn từ tiếng Anh đã mở rộng tới một triệu từ cùng với sự phổ biến của sách.[133] Nhiều từ mới hàm chứa những khái niệm trừu tượng chưa từng tồn tại trước đó. Các tác giả thử nghiệm các cú pháp và chọn lọc từ, mở ra những lối đi mới cho tư duy và tưởng tượng. Người đọc háo hức bám theo những lối đi đó và trở nên thông thạo với văn thơ đa dạng, phức tạp và nhiều phong cách. Những ý tưởng người viết có thể diễn đạt và người đọc có thể hiểu đã trở nên phức tạp và tinh tế hơn, khi các lý lẽ có thể trải dài qua nhiều trang giấy. Khi ngôn ngữ mở rộng, ý thức trở nên sâu sắc hơn.
Sự đào sâu đó đã vượt qua những trang giấy. Không quá lời khi nói việc viết sách và đọc sách đã nâng tầm và tinh lọc kinh nghiệm của con người về cuộc sống và tự nhiên. Eisenstein viết: “Trình độ đáng kể thấy được ở các văn sĩ, những người có thể cô đúc vị giác, xúc giác, khứu giác và thính giác chỉ bằng ngôn từ, cho thấy một tầm ý thức cao hơn và sự quan sát các kinh nghiệm kỹ càng hơn đã được chuyển tới người đọc”. Giống như họa sĩ và nhạc sĩ, văn sĩ có thể “làm thay đổi nhận thức” theo cách “làm giàu hơn chứ không làm thui chột phản ứng giác quan đối với kích thích bên ngoài, mở rộng chứ không thu hẹp phản ứng nhân ái đối với các trải nghiệm của con người”.[134] Ngôn từ trong sách không chỉ củng cố khả năng tư duy trừu tượng; chúng còn làm giàu kinh nghiệm của con người về thế giới khách quan, thế giới bên ngoài sách.
Một trong những bài học quan trọng nhất rút ra từ tính mềm dẻo thần kinh là năng lực trí óc hay chính mạch thần kinh mà chúng ta phát triển cho mục đích nào đó cũng có thể được dùng cho mục đích khác. Khi tổ tiên chúng ta rèn luyện trí óc để theo dõi một lý lẽ hay một câu chuyện qua nhiều trang giấy, họ đã trở nên trầm ngâm, biết suy nghĩ và sáng tạo. “Ý nghĩ mới xuất hiện dễ dàng hơn với một bộ não đã học được cách đọc”, Maryanne Wolf nói; “các kỹ năng trí tuệ ngày càng phức tạp được thúc đẩy bởi việc đọc và viết đã góp phần vào kho tri thức của chúng ta”.[135] Việc đọc sâu trong yên lặng đã trở thành “một phần của tư duy” đúng như cách hiểu của Stevens.
Sách không phải nguyên nhân duy nhất khiến ý thức con người biến chuyển trong những năm sau sự ra đời của phương pháp in nổi – nhiều công nghệ khác cùng các xu thế xã hội và dân số cũng đóng những vai trò quan trọng – nhưng sách vẫn ở trung tâm sự thay đổi. Khi sách trở thành phương tiện chính để trao đổi kiến thức và quan điểm, quy cách tri thức của nó trở thành nền tảng cho nền văn hóa của chúng ta. Sách đã mang lại những sắc thái tinh tế trong bài thơ Preludecủa Wordsworth, trong những bài luận của Emerson và những hiểu biết sâu sắc về quan hệ xã hội và cá nhân trong tiểu thuyết của Austen, Flaubert, và Henry James. Cũng khó có thể xuất hiện những thử nghiệm tuyệt vòi trong văn phi trình tự ở thế kỷ XX của James Joyce và William Burroughs, nếu các nhà văn không tin tưởng vào sự tập trung và kiên nhẫn ở độc giả. Khi trải ra trang giấy, dòng ý nghĩ trở nên có tính văn học và có trình tự.
Quy cách văn học không chỉ thể hiện trong cái chúng ta thường nghĩ là văn học. Nó đã trở thành quy cách của các sử gia, soi sáng các tác phẩm như Decline and Fall of the Roman Empire (Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã) của Gibbon. Nó đã trở thành quy cách của các triết gia, hình thành nên tư tưởng của Descartes, Locke, Kant, và Nietzsche.Và rất quan trọng, nó đã trở thành quy cách của các nhà khoa học. Ai đó có thể lập luận rằng công trình văn học có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XIX là On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài) của Darwin. Trong thế kỷ XX, quy cách văn học đã xuyên suốt nhiều cuốn sách như Relativity (Thuyết tương đối) của Einstein, General Theory of Employment, Interest and Money(Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ) của Keynes, Structure of Sciende Revolutions (Cấu trúc Cách mạng Khoa học) của Thomas Kuhn, và Silent Spring (Mùa xuân tĩnh lặng) của Rachel Carson. Không một thành tựu tri thức quan trọng nào trong số đó có thể thành hiện thực nếu không có những thay đổi trong việc đọc và viết – và trong việc nhận thức và tư duy – được thúc đẩy bởi sự kế thừa hiệu quả những bài viết dài trên giấy in.
GIỐNG NHƯ TỔ TIÊN CHÚNG TA ở cuối thời kỳ Trung cổ, chúng ta đang đứng giữa hai thế giới công nghệ. Sau 550 năm, máy in và các sản phẩm của nó đang bị đẩy từ trung tâm đời sống tri thức ra bên lề. Sự chuyển đổi bắt đầu từ những năm giữa thế kỷ XX, khi chúng ta bắt đầu dành càng lúc càng nhiều thời gian và sự quan tâm cho những sản phẩm rẻ, phong phú và luôn luôn thú vị của làn sóng đồ điện và điện tử đầu tiên: radio, rạp chiếu phim, máy hát, tivi. Những công nghệ đó luôn bị hạn chế bởi chúng không thể truyền tải chữ viết. Chúng có thể xê dịch nhưng không thể thế chỗ những cuốn sách. Dòng chảy văn hóa chính vẫn đi qua những chiếc máy in.
Giờ dòng chảy đó đang chuyển nhanh chóng và dứt khoát sang một hướng mới. Cuộc cách mạng điện tử đang tiến tới đỉnh điểmkhi máy vi tính – máy tính để bàn, máy tính xách tay, thiết bị cầm tay – trở thành người bạn đồng hành mọi lúc mọi nơi của chúng ta, và Internet trở thành phương tiện hàng đầu cho việc lưu trữ, xử lý và chia sẻ thông tin dưới mọi hình thức, bao gồm cả chữ viết. Thế giới mới dĩ nhiên sẽ vẫn là thế giới của chữ viết, vẫn với các bảng chữ cái quen thuộc. Chúng ta không thể trở lại thế giới truyền miệng đã mất, cũng như chúng ta không thể đưa đồng hồ trở lại thời đồng hồ chưa tồn tại.[136] Walter Ong nhận định: “Chữ viết, máy in, và máy vi tính đều công nghệ hóa ngôn từ/từ ngữ” và một khi đã được công nghệ hóa, không có cách nào đảo ngược. Nhưng thế giới trên màn hình, mà chúng ta đang trên đường tìm hiểu, khác xa thế giới trên trang giấy. Một quy cách tri thức mới đang chiếm lĩnh. Những tuyến đường trong não chúng ta lại một lần nữa được điều chỉnh.