Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

CHƯƠNG 6: HÌNH ẢNH THẬT SỰ CỦA MỘT CUỐN SÁCH



Vậy còn sách thì sao? Trong số các phương tiện truyền thông phổ biến có lẽ sách là phương tiện chống lại ảnh hưởng của Internet nhiều nhất. Các nhà xuất bản sách chịu nhiều thua lỗ khi độc giả chuyển từ giấy in sang màn hình, tuy nhiên bản thân hình dạng của cuốn sách vẫn chưa thay đổi nhiều. Một dãy dài các trang giấy kẹp giữa hai tấm bìa cứng là minh chứng của một công nghệ mạnh mẽ đáng kinh ngạc, vẫn giữ được tính hữu dụng và phổ biến trong hơn một nửa thiên niên kỷ.
Không có gì khó để nhận ra lý do sách chậm tạo bước nhảy vào thời đại số. Giữa màn hình máy tính và màn hình tivi không có nhiều khác biệt và âm thanh từ loa tác động đến tai bạn cũng tương tự âm thanh truyền qua máy tính hoặc đài. Tuy nhiên trong vai trò một phương tiện dùng để đọc, sách vẫn giữ được một vài thế mạnh so với máy tính. Bạn có thể mang sách ra bãi biển mà không sợ dính cát. Bạn có thể mang sách vào giường mà không lo làm rơi xuống sàn khi ngủ gật. Bạn có thể làm đổ cà phê lên sách. Bạn có thể ngồi lên sách. Bạn có thể đặt sách lên bàn, mở trang bạn đang đọc ra và vài ngày sau khi đọc lại thì quyển sách vẫn ở nguyên vị trí trang đó. Bạn không bao giờ cần lo nghĩ phải cắm sách vào ổ điện hay hết pin.
Trải nghiệm đọc với sách cũng dễ chịu hơn. Chữ cái in bằng mực đen trên giấy dễ đọc hơn chữ cái tạo từ rất nhiều điểm ảnh trên màn hình ngược sáng. Bạn có thể đọc hàng chục hoặc hàng trăm trang giấy in mà không sợ mỏi mắt, một triệu chứng thường gặp phải khi đọc trực tuyến. Giở một quyển sách cũng đơn giản hơn và theo các kỹ sư lập trình phần mềm thì cũng có tính trực giác nhiều hơn. Bạn có thể lật qua các trang giấy nhanh hơn và linh hoạt hơn so với các trang sách ảo. Và bạn có thể ghi chú ra lề sách hoặc đánh dấu những đoạn mình yêu thích. Thậm chí tác giả có thể ký vào trang đầu của cuốn sách. Khi đọc xong một cuốn sách, bạn có thể đặt trên giá sách hoặc cho bạn bè mượn.
Sau nhiều năm quảng cáo rầm rộ về sách điện tử, phần lớn mọi người vẫn chưa thật sự thích thú với loại hình này. Bỏ ra vài trăm đôla cho một “thiết bị đọc sách điện tử” chuyên dụng nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhất là khi đọc và mua sách kiểu cũ rất dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên sách vẫn không thoát khỏi cuộc cách mạng truyền thông số. Lợi ích kinh tế của việc sản xuất và phân phối số – không cần mua nhiều mực và giấy, không hóa đơn in, không phải vận chuyển hàng đống thùng sách lớn lên xe tải, không phải trả lại sách thừa – thật sự rất hấp dẫn với các công ty xuất bản và phân phối sách cũng như các công ty truyền thông. Và chi phí thấp thì dẫn tới giá cả thấp. Không có gì ngạc nhiên khi e-book có giá bằng một nửa so với phiên bản sách in, một phần nhờ trợ giá từ các công ty sản xuất thiết bị đọc sách. Chiết khấu cao khuyến khích người dân chuyển từ giấy sang điểm ảnh.
Các thiết bị đọc sách điện tử cũng cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Lợi ích của sách truyền thống không còn rõ ràng như trước đây. Nhờ màn hình độ phân giải cao làm từ các chất liệu như Vizplex, một loại giấy điện tử do công ty E Ink ở Massachusetts phát triển, văn bản số hiện này đã có thể cạnh tranh với văn bản in về độ rõ nét. Các thiết bị đọc sách mới nhất không cần chiếu sáng ngược nên có thể đọc dưới ánh sáng mặt trời và giảm đáng kể sự mỏi mắt. Chức năng của các thiết bị đọc sách cũng được cải thiện, giúp người đọc dễ dàng hơn khi giở qua các trang, đánh dấu trang đọc dở, đánh dấu đoạn nổi bật và thậm chí là viết ghi chú bên lề. Những độc giả mắt kém có thể tăng cỡ chữ của e-book – một điều mà họ không thể làm được với sách in. Khi giá của bộ nhớ máy tính ngày càng giảm thì dung lượng của các thiết bị đọc sách ngày càng tăng. Hiện nay bạn có thể tải xuống hàng trăm cuốn sách. Cũng giống như một chiếc iPod có thể lưu trữ toàn bộ bộ sưu tập âm nhạc của một người bình thường, thiết bị đọc e-book nay cũng có thể lưu trữ toàn bộ thư viện sách cá nhân của họ.
Mặc dù doanh số bán e-book hiện nay chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng doanh số sách giấy nhưng tốc độ tăng trưởng lại nhanh hơn nhiều. Đầu năm 2009, Amazon.com ghi nhận đã bán 275.000 bản sách ở cả dạng điện tử và dạng giấy truyền thống, trong đó phiên bản e-book chiếm 35% tổng doanh số bán ra, tăng mạnh so với con số dưới 10% của năm trước đó. Thoát khỏi thời kỳ trì trệ trước đây, doanh số bán các thiết bị đọc sách điện tử hiện bắt đầu bùng nổ, tăng từ khoảng 1 triệu chiếc năm 2008 lên tới 12 triệu chiếc năm 2010.[185]Brad Stone và Motoko Rich của tờ New York Times gần đây nhận định “e-book đã bắt đầu khởi sắc”.[186]
MỘT TRONG NHỮNG THIẾT BỊ đọc sách điện tử phổ biến hơn cả là Kindle của Amazon. Với màn ra mắt phô trương vào năm 2007, thiết bị này kết hợp cả công nghệ màn hình mới nhất với các chức năng đọc và bao gồm cả một bàn phím đầy đủ. Tuy nhiên nó còn có một tính năng khác giúp tăng đáng kể sức hấp dẫn của mình. Kindle tích hợp kết nối Internet sẵn sàng mọi lúc mọi nơi. Chi phí kết nối bao gồm trong giá bán của Kindle nên người dùng không phải trả thêmphí thuê bao. Không có gì ngạc nhiên khi kết nối Internet cho phép bạn mua sách tại cửa hàng của Amazon và ngay lập tức tải xuống những cuốn sách mới mua. Tuy nhiên nó còn cho phép bạn làm nhiều hơn vậy. Bạn có thể đọc báo và tạp chí điện tử, xem blog, tìm kiếm trên Google, nghe nhạc MP3 và lướtWeb nhờ một trình duyệt Web được thiết kế đặc biệt. Tính năng nổi trội nhất của Kindle, ít nhất khi nghĩ về những cuốn sách đang bán ngoài cửa hàng, đó là việc tích hợp các đường liên kết vào văn bản hiển thị. Kindle biến từ ngữ trên sách thành các siêu văn bản. Bạn chỉ cần nhấp vào một từ hoặc một cụm từ và ngay lập tức được đua tới một từ mục trong từ điển, một bài trên Wikipedia hoặc một danh sách các kết quả tìm kiếm có liên quan trên Google.
Kindle chỉ ra tương lai của các thiết bị đọc sách điện tử. Các tính năng và thậm chí là phần mềm của Kindle đang được tích hợp vào iPhone và máy tính cá nhân, chuyển từ một thiết bị chuyên dụng đắt tiền thành một ứng dụng giá rẻ chạy trên cỗ máy phổ dụng của Turing. Kindle cũng chỉ ra tương lai của sách. Trong một bài báo trên tờ Newsweek năm 2009, nhà báo kiêm biên tập viên lacob Weisberg, một người từng hoài nghi về sách điện tử, đã ca ngợi Kindle như “một chiếc máy đánh dấu cuộc cách mạng văn hóa” mà ở đó “đọc và in ấn là hai hoạt động hoàn toàn tách biệt”. Weisberg nhận định tiếp rằng thông điệp mà Kindle gửi tới là “sách in, tạo tác quan trọng nhất của nền vãn minh loài người, sẽ gia nhập báo và tạp chí trên con đường dẫn tới lỗi thời”.[187] Charles McGrath, từng là biên tập viên của New York Times Book Review, cũng đã trở thành tín đồ của Kindle, gọi “thiết bị màu trắng quyến rũ” là “tiền thân” của cái sẽ tới đối với sách và việc đọc. Ông nói: “Thật ngạc nhiên khi chúng biến mất, bạn dễ dàng chịu thua sự tiện dụng và ít nhớ tới vẻ đẹp của hình thức và thiết kế mà bạn từng rất trân trọng”. Mặc dù không cho rằng sách in sẽ sớm biến mất nhưng ông nhận thấy “trong tương lai, chúng ta sẽ giữchúng như những di vật yêu thích, nhắc nhở về việc đọc một thời”.[188]
Cách chúng ta đọc những thứ từng đọc trên sách có ý nghĩa như thế nào? L. Gordon Crovitz của Wall Street Journal đề xuất rằng những thiết bị đọc sách dễ sử dụng và được nối mạng như Kindle “có thể giúp chúng ta lấy lại sự tập trung và mở rộng những thứ tạo nên giá trị của sách: từ ngữ và ý nghĩa”.[189] Đó là tình cảm mà những người có đầu óc văn chương sẵn sàng chia sẻ. Tuy nhiên đó chỉ là mong ước. Crotvitz rơi vào sự mù quáng mà McLuhan từng cảnh báo: không thể nhận ra rằng thay đổi hình thức sẽ dẫn tới thay đổi cả về nội dung. “E-book không chỉ đơn thuần là sách in được hiển thị trên thiết bị điện tử”, một phó giám đốc của HarperStudio, công ty con của tập đoàn xuất bản khổng lồ HarperCollins, nhận xét. “Chúng ta cần tận dụng phương tiện truyền thông này và tạo ra một thứ năng động hơn để nâng cao trải nghiệm cho người đọc. Tôi muốn có các đường liên kết, các thông tin bên lề, các bài tường thuật, phim và hội thoại”.[190] Ngay khi bạn bổ sung đường liên kết cho cuốn sách và kết nối với Internet – ngay khi bạn “mở rộng”, “nâng cao” và làm cuốn sách trở nên “năng động” – bạn đã thay đổi bản chất của cuốn sách đó cũng như trải nghiệm đọc sách. Báo mạng giống báo giấy như thế nào thì sách điện tử so với sách in cũng thế.
Ngay sau khi nhà văn Steven Johnson bắt đầu đọc e-book trên máy Kindle mới của mình, ông nhận ra rằng “cuộc di cư của sách sang vương quốc số không chỉ đơn giản là vấn đề thay đổi mực in bằng điểm ảnh mà có lẽ sẽ thay đổi một cách sâu sắc cách chúng ta đọc, viết và bán sách”. Ông phấn khởi khi thấy Kindle có tiềm năng mở rộng “thế giới sách ngay trên đầu ngón tay của chúng ta” và mang lại cho sách tính tìm kiếm giống trang web. Tuy nhiên thiết bị điện tử cũng khiến ông bồn chồn. “Tôi sợ rằng một trong số những niềm vui khi đọc sách – hoàn toàn đắm chìm vào một thế giới khác hoặc vào thế giới trong ý tưởng của tác giả – sẽ không còn nguyên vẹn. Có thể chúng ta sẽ đọc sách theo cách đang đọc báo và tạp chí ngày nay: chỗ này một chút, chỗ kia một chút”.[191]
Christine Rosen, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm chính sách công và đạo đức tại Washington DC, gần đây viết về trải nghiệm dùng Kindle để đọc tiểu thuyết Nicholas Nickleby của Dickens. Câu chuyện của cô khẳng định thêm nỗi lo của Johnson: “Mặc dù ban đầu hơi bối rối nhưng tôi nhanh chóng quen với màn hình của Kindle và sử dụng thành thạo các phím cuộn lên xuống và giở sách. Tuy nhiên mắt tôi không lúc nào được nghỉ và đảo liên hồi khi tôi cố gắng đọc sách lâu trên máy tính. Tôi cũng liên tục bị sao nhãng. Tôi tra cứu về Dickenstrên Wikipedia, sau đó rơi vào một tình huống kỳ lạ khi vào đường liên kết về truyện ngắn “Mugby Junction” của Dickens. Hai mươi phút trôi qua mà tôi vẫn chua đọc tiếp được tiểu thuyết Nickleby trên Kindle”.[192]
Tình trạng của Rosen gần giống với tình trạng mà nhà sử học David Bell gặp phải vào năm 2005 khi đọc một cuốn sách điện tử mới có tên The Genesis of Napoleonic Propagandatrên Internet, ông mô tả trải nghiệm của mình ở một bài báo đăng trên New Republic. “Chỉ với một vài cú nhấp, cuốn sách đã xuất hiện ngay trên màn hình máy tính của tôi. Tôi bắt đầu đọc, tuy nhiên mặc dù cuốn sách viết rất hay và nhiều thông tin nhưng tôi vẫn cảm thấy khó tập trung. Tôi cuộn chuột lên xuống, tìm từ khóa, tự làm đứt quãng nhiều hơn thường lệ để đổ đầy cốc cà phê, kiểm tra hòm thư điện tử, xem tin tức hay sắp xếp lại các tập tài liệu trong ngăn kéo. Cuối cùng tôi cũng đọc hết cuốn sách và mừng vì đã đọc xong. Tuy nhiên một tuần sau tôi không thể nhớ được mình đã đọc những gì”.[193]
Khi một cuốn sách in – cho dù là sách lịch sử khoa học mới được xuất bản hay tiểu thuyết 200 tuổi từ thời Victoria – được chuyển vào một thiết bị điện tử có kết nối với Internet thì nó sẽ biến thành một thứ giống trang web. Từ ngữ trong cuốn sách bị bao bọc bởi nhiều sự sao nhãng từ máy tính được nối mạng. Các đường liên kết và chức năng nâng cao khác khiến người đọc ghé qua chỗ này chỗ kia. Cuốn sách đánh mất cái mà John Updile quá cố gọi là “biên giới” và hòa lẫn vào biển Internet mênh mông.[194] Sách in không còn giữ được tính nối tiếp và sự lưu tâm của độc giả. Các tính năng công nghệ cao của những thiết bị như Kindle và iPad của Apple làm tăng khả năng đọc e-book của chúng ta nhưng cách đọc sẽ hoàn toàn khác với khi chúng ta đọc sách in.
THAY ĐỔI CÁCH ĐỌC cũng dẫn tới thay đổi văn phong khi nhà văn và nhà xuất bản thay đổi để phù hợp với thói quen và kỳ vọng mới của độc giả. Một ví dụ đáng chú ý của quá trình này đã được bày bán tại Nhật Bản. Năm 2001, phụ nữ Nhật Bản bắt đầu viết truyện trên điện thoại di động dưới dạng hàng dãy tin nhắn và tải lên trang web Maho no i-rando để người khác có thể đọc và bình luận. Các truyện này mở rộng thành “các tiểu thuyết di động” và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Một số truyện có hàng triệu độc giả trực tuyến. Nhà xuất bản nhận thấy điều này và ngay lập tức xuất bản các tiểu thuyết này ở dạng sách in. Đến cuối thập kỷ, tiểu thuyết di động bắt đầu thống trị danh sách các cuốn sách bán chạy nhất trong nước. Ba tiểu thuyết bán chạy nhất tại Nhật Bản năm 2007 đều khởi nguồn từ điện thoại di động.
Hình thức phản ánh xuất xứ của tiểu thuyết. Theo phóng viên Norimitsu Onoshi, các tiểu thuyết “phần lớn là những câu chuyện tình yêu viết ở dạng câu ngắn đặc trưng của tin nhắn di động nhưng lại chứa cách phát triển nhân vật hoặc cốt truyện thường thấy ở tiểu thuyết thông thường”. Một trong những tiểu thuyết gia di động nổi tiếng nhất, một thanh niên 21 tuổi với nghệ danh Rin, giải thích cho Onoshi nguyên nhân độc giả trẻ tuổi đang rời xa tiểu thuyết truyền thống: “Giới trẻ không đọc tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp bởi câu cú ở đó quá khó hiểu, cách diễn đạt dài dòng và câu chuyện không quen thuộc”.[195] Có thể sự phổ biến của tiểu thuyết di động sẽ không vượt xa khỏi biên giới của Nhật Bản, một đất nước chuộng các mốt nhất thời lạ thường, tuy nhiên chúng cũng chứng minh rằng thay đổi cách đọc tất yếu sẽ dẫn tới thay đổi văn phong. Một dấu hiệu về tầm ảnh hưởng của trang web tới việc viết sách đến vào năm 2009 khi O’Reilly Media, nhà xuất bản sách công nghệ của Mỹ, cho ra đời một cuốn sách về Twitter dùng phần mềm trình chiếu PowerPoint của Microsoft. Tim O’Reilly, giám đốc điều hành công ty phát biểu trong buổi giới thiệu cuốn sách ở cả phiên bản in và điện tử: “Từ lâu chúng tôi đã quan tâm tìm hiểu cách phương tiện truyền thông trực tuyến thay đổi hình thức, văn phong và cấu trúc của sách. Phần lớn sách ngày nay vẫn sử dụng nguyên tắc tổ chức chủ yếu là mô hình tường thuật kiểu cũ. Ở đây chúng tôi sử dụng mô hình giống trang web gồm nhiều trang giấy độc lập để người đọc có thể đọc tách rời nhau (hoặc nhiều nhất là đọc một nhóm hai, ba trang)”. O’Reilly giải thích “cấu trúc môdun” phản ánh sự thay đổi trong thói quen đọc sách của người dân khi họ quen dần với văn bản trực tuyến. Trang web “mang tới cho chúng ta rất nhiều bài học về lý do sách cần thay đổi khi chuyển sang dạng trực tuyến”.[196]
Cách viết và trình bày sách sẽ có một vài thay đổi sâu sắc. Ít nhất một nhà xuất bản lớn là Simon & Schuster đã bắt đầu xuất bản tiểu thuyết điện tử có kèm phim. Cuốn tiểu thuyết kiểu này được gọi là “vook”. Một số công ty khác cũng đang thử nghiệm các tác phẩm đa phương tiện. Judith Curr, giám đốc điều hành của Simon & Schuster, giải thích động lực đằng sau vook: “Mọi người cố gắng nghĩ cách kết hợp hoàn hảo sách và thông tin trong thế kỷ XXI. Bạn không thể chỉ làm việc tuần tự với văn bản được nữa”.[197]
Những thay đổi khác về hình thức và nội dung vẫn chưa rõ ràng nhưng sẽ phát triển từ từ. Chẳng hạn, khi nhiều độc giả tìm thấy quyển sách mình cần qua các công cụ tìm kiếm văn bản trực tuyến, nhà văn sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều áp lực phải chỉnh sửa từ ngữ của mình cho phù hợp với các công cụ đó, cũng giống như cách các blogger và tác giả trên Web ngày nay thường làm. Steven Johnson phác thảo một vài kết quả có thể xảy ra: “Nhà văn và nhà xuất bản sẽ bắt đầu nghĩ về cách làm thế nào để từng trang giấy hoặc từng chương trong cuốn sách được xếp hạng trong kết quả tìm kiếm của Google với hy vọng sẽ thu hút được một lượng người tìm kiếm ổn định. Mỗi đoạn văn sẽ đi kèm với các thẻ (tag) mô tả để định hướng cho những người tìm kiếm tiềm năng, tên chương sẽ được kiểm tra khả năng xếp hạng”.[198]
Rất nhiều nhà quan sát tin rằng chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi chức năng kết nối mạng xã hội được tích hợp vào các thiết bị đọc sách điện tử, biến việc đọc sách thành một hoạt động giống chơi thể thao theo nhóm. Chúng ta sẽ trò chuyện và trao đổi các ghi chú ảo khi đang đọc văn bản điện tử. Chúng ta sẽ tham gia vào những dịch vụ tự động cập nhật vào e-book các bình luận và chỉnh sửa của độc giả khác. Ben Vershbow đến từ Viện nghiên cứu tương lai sách, cánh tay phải của Trung tâm thông tin Annerberg của USC, cho biết: “Không bao lâu nữa, bên trong sách sẽ xuất hiện các cuộc thảo luận, bao gồm cả trò chuyện trực tiếp và trao đổi không đồng bộ thông qua các bình luận và chú thích xã hội. Bạn sẽ biết có những ai đang đọc cuốn sách đó và bắt đầu trò chuyện với họ”.[199] Trong một bài thảo luận, nhà văn khoa học Kevin Kelly thậm chí còn đề xuất rằng chúng ta nên tổ chức các bữa tiệc cắt-dán công cộng trực truyến. Chúng sẽ tạo ra nhiều cuốn sách mới từ những phần nhỏ của các cuốn sách cũ. Ông viết: “Khi được số hóa, các cuốn sách sẽ được tách thành nhiều trang đơn lẻ hoặc nhỏ hơn nữa, thành nhiều đoạn nhỏ trong một trang. Những đoạn này sẽ được kết hợp với nhau tạo thành các cuốn sách mới”, những cuốn sách này sau đó “sẽ được xuất bản và trao đổi trước công chúng”.[200]
Viễn cảnh đó có thể xảy ra hoặc không, tuy nhiên rõ ràng xu hướng biến mọi phương tiện thông tin thành phương tiện xã hội sẽ có ảnh hưởng lớn tới phong cách đọc và viết sách cũng như tới bản thân ngôn ngữ. Khi hình thức của cuốn sách thay đổi để phù hợp với việc đọc trong im lặng, một trong những kết quả là sự phát triển quá trình viết cá nhân. Các tác giả thường cho rằng một độc giả chu đáo, gắn bó sâu sắc cả trí óc và tình cảm với cuốn sách “cuối cùng sẽ đến và cảm ơn họ”, vì vậy họ thường nhanh chóng nhảy ra khỏi giới hạn của bài diễn văn xã hội và bắt đầu khám phá nhiều thể loại văn học đặc biệt, trong đó rất nhiều thể loại chỉ có thể tồn tại trên giấy. Như chúng ta thấy, tự do mới của nhà văn cá nhân dẫn tới một loạt những thí nghiệm nhằm mở rộng vốn từ, kéo dài giới hạn cấu trúc và nhìn chung tăng tính linh hoạt và biểu đạt của ngôn ngữ. Hiện nay khi ngữ cảnh của việc đọc lại thay đổi một lần nữa từ trang giấy cá nhân sang màn hình chung, tác giả lại phải thay đổi để đáp ứng. Họ sẽ tăng cường chỉnh sửa tác phẩm để phù hợp với một hoàn cảnh mà nhà văn Caleb Crain gọi là “tính cộng đồng”, ở đó mọi người đọc chủ yếu “vì cảm giác thuộc về một nhóm nào đó” hơn là để giải trí cá nhân.[201]Khi các mối lo ngại về xã hội lấn át các lo ngại về văn học, nhà văn thường tránh thể hiện sự điêu luyện cũng như tránh các thử nghiệm mới và ưu tiên văn phong nhạt nhẽo nhưng dễ tiếp thu với độc giả. Viết văn trở thành một phương tiện để ghi lại các cuộc trò chuyện.
Bản chất nhất thời của văn bản số hóa cũng hứa hẹn sẽ ảnh hưởng tới văn phong. Một cuốn sách in là một vật thể hoàn chỉnh. Một khi đã được in trên giấy, từ ngữ của cuốn sách sẽ còn mãi. Sự kết thúc hành động xuất bản truyền cho các nhà văn và biên tập viên giỏi nhất và tận tâm nhất một ham muốn, thậm chí là một mối lo lắng, phải làm các tác phẩm trở nên hoàn hảo – viết bằng cả con mắt và đôi tai hướng tới sự vĩnh hằng. Văn bản điện tử chỉ mang tính tạm thời. Trên thị trường điện tử, xuất bản là một quá trình luôn tiếp diễn hơn là một sự kiện rời rạc và việc chỉnh sửa có thể kéo dài đến vô tận. Ngay cả khi được tải xuống một thiết bị được nối mạng thì e-book vẫn có thể dễ dàng và tự động được cập nhật – giống các chương trình phần mềm ngày nay.[202] Có vẻ việc loại bỏ cảm giác kết thúc khi viết sách sẽ có lúc thay đổi được thái độ của nhà văn với tác phẩm của họ. Áp lực phải đạt tới sự hoàn hảo sẽ biến mất cùng sự chính xác nghệ thuật mà áp lực đó tạo ra. Để có thể nhận ra những thay đổi nhỏ về giả thiết và thái độ của nhà văn cuối cùng sẽ có ảnh hưởng lớn như thế nào tới tác phẩm của họ, ta chỉ cần nhìn vào lịch sử thư tín. Chẳng hạn vào thế kỷ XIX, một lá thư cá nhân không giống nhiều với email hoặc tin nhắn cá nhân ngày nay. Sự dễ dãi của chúng ta trong niềm ưa thích tính xuề xoa và tức thời dẫn tới việc thu hẹp tính biểu cảm và mất mát tính thuyết phục trong diễn đạt.[203]
Không nghi ngờ gì khi tính kết nối và các tính năng khác của e-book sẽ mang tới niềm vui và trò tiêu khiển mới. Như Kelly nói, chúng ta thậm chí sẽ nhìn nhận quá trình số hóa như một hành động phóng thích, một cách giải phóng văn bản khỏi trang giấy in. Tuy nhiên chi phí sẽ ngày càng làm giảm, nếu không muốn nói là cắt đứt, mối gắn kết trí tuệ khăng khít giữa nhà văn cô đơn và độc giả đơn độc. Thói quen đọc sâu từng phổ biến khi xuất hiện phát minh của Gutenberg, ở đó “sự yên tĩnh là một phần của ý nghĩa, một phần của tâm hồn”. Tuy nhiên thói quen này sẽ tiếp tục mờ nhạt dần và có nhiều khả năng trở thành một thứ xa xỉ. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ trở lại một chuẩn mực lịch sử. Theo một bài báo do một nhóm các giáo sư của Đại học Northwestern viết trong Bản đánh giá xã hội học thường niên, những thay đổi gần đây trong thói quen đọc sách của chúng ta cho thấy “kỷ nguyên đọc [sách] đại chúng” chỉ là một “sự bất thường” nhỏ trong lịch sử trí tuệ của chúng ta: “Chúng ta hiện đang chứng kiến việc đọc sách quay về nền tảng xã hội trước đó: một phần thiểu số tự tồn tại mà chúng ta gọi là tầng lớp đọc”. Họ tiếp tục nêu lên câu hỏi chưa có lời giải đáp là liệu tầng lớp đọc sẽ có “quyền lực và uy tín liên quan tới dạng vốn văn hóa ngày càng hiếm” không, hay sẽ bị xem như những kẻ lập dị với “thói quen ngày càng khó hiểu”.[204]
Khi Jeff Bezos, giám đốc điều hành của Amazon, giới thiệu Kindle, ông nói giống như đang tự khen mình: “Cải thiện một thứ vốn đã rất tiến hóa như sách là một hành động đầy tham vọng. Và thay đổi cách đọc của mọi người có lẽ cũng vậy”.[205] Không “có lẽ” gì ở đây cả. Cách mọi người đọc – và viết – vốn đã bị thay đổi bởi Internet và những thay đổi vẫn tiếp tục diễn ra từ từ nhưng chắc chắn, khi từ ngữ trong cuốn sách bị tách khỏi giấy in và nhúng vào “hệ sinh thái các công nghệ chen ngang” của máy tính.
TỪ LÂU CÁC NHÀ PHÊ BÌNH đã muốn chôn vùi sách in. Trong những năm đầu của thế kỷ XIX, sự phổ biến ngày càng tăng của báo chí – có khoảng hơn 100 đầu báo được phát hành chỉ riêng tại London – khiến nhiều nhà quan sát cho rằng sách đang đứng bên bờ vực của sự lỗi thời. Làm thế nào sách có thể cạnh tranh với tính cập nhật của báo chí thường ngày? Alphonse de Lamartine, một nhà thơ kiêm chính trị gia của Pháp, đã tuyên bố vào năm 1831: “Trước khi kết thúc thế kỷ này, ngành báo chí sẽ là tư tưởng của loài người. Tư tưởng sẽ lan khắp thế giới với tốc độ ánh sáng, được bày tỏ, viết và hiểu ngay lập tức. Báo chí sẽ bao phủ khắp trái đất từ cực này tới cực kia – đột ngột, tức thời và bùng cháy cùng tâm hồn sôi nổi. Báo chí sẽ thống trị toàn bộ ngôn từ của loài người. Tư tưởng sẽ không có thời gian để chín muồi, để tích góp dưới dạng một cuốn sách – sách sẽ đến quá muộn. Loại sách duy nhất có thể tồn tại ngày nay là báo chí”.[206]
Lamartine đã nhầm. Đến cuối thế kỷ, sách vẫn hiện diện và tồn tại vui vẻ bên cạnh báo chí. Tuy nhiên một mối de dọa mới cho sự tồn tại của sách cũng nổi lên: máy quay đĩa của Thomas Edison. Mọi thứ có vẻ hiển nhiên, ít nhất là với giới học thức, khi người dân nhanh chóng nghe, thay vì đọc, văn học. Trong một bài tiểu luận viết năm 1889 trên tờ Atlantic Monthly, Philip Hubert dự đoán rằng “rất nhiều sách truyện có lẽ sẽ không nhìn thấy ánh sáng của máy in bởi sẽ rơi vào tay của độc giả, hay chính xác hơn là thính giả, trong vai trò đĩa hát”. Ông nhận xét vào thời điểm đó, máy quay đĩa vừa thu âm và vừa chơi nhạc “hứa hẹn sẽ vượt xa máy đánh chữ” trong vai trò soạn thảo tác phẩm văn học.[207] Cùng năm đó, Edward Bellamy, một người theo thuyết vị lai, cũng đề xuất trong một bài báo của Harper rằng người dân sẽ đọc “khi nhắm mắt”. Họ sẽ mang bên mình một máy chơi nhạc nhỏ xíu, gọi là “một thứ tất yếu” trong đó chứa đựng toàn bộ các cuốn sách, tờ báo và tạp chí của họ. Theo Bellamy, các bà mẹ sẽ không còn phải “khản giọng kể truyện cho con cái mình nghe vào những ngày mưa gió để đề phòng chúng nghịch ngợm nữa”. Tất cả trẻ con đều đã có thứ tất yếu của riêng chúng.[208]
Năm năm sau, tờ Scribner’s Magazine ra đòn chí tử vào sách khi đăng một bài báo có tựa đề “Kết thúc của sách vở” do Octave Uzanne, một nhà văn kiêm chủ báo lỗi lạc của Pháp, viết: “Các bạn thân mến, quan điểm của tôi về số phận của sách là gì? Tôi không tin (và sự phát triển của ngành điện cùng cơ chế hiện đại không cho phép tôi tin) rằng phát minh của Gutenberg có thể làm gì khác ngoài việc sớm hay muộn sẽ trở nên lỗi thời trong vai trò là phương tiện phiên dịch các sản phẩm trí tuệ của chúng ta”. In ấn, “một quá trình có đôi chút cũ kỹ đã lộng quyền thống trị tâm trí của loài người” trong hàng thế kỷ và nay sẽ bị thay thế bởi “máy quay đĩa” và thư viện sẽ biến thành “trung tâm máy quay đĩa”. Chúng ta sẽ chứng kiến sự trở lại của “nghệ thuật lời nói” khi người đọc truyện chiếm chỗ của người viết truyện. Uzanne kết luận: “Khi nói về một nhà văn thành công, các quý cô quý bà sẽ không ca ngợi: “Quả là một nhà văn quyến rũ!” nữa. Thay vào đó, họ sẽ thổn thức: “Ôi, chất giọng của ‘nhà kể chuyện’ này mê hoặc ta, quyến rũ ta, lay động ta””.[209]
Sách vẫn sống sót qua thời kỳ máy quay đĩa cũng như qua thời kỳ báo chí. Nghe không thể thay thế đọc. Phát minh của Edision chủ yếu dùng để nghe nhạc hơn là ngâm thơ. Trong thế kỷ XX, việc đọc sách phải chống lại một đợt phản công mới từ những mối đe dọa có thể dẫn tới sự diệt vong: xem phim ngoài rạp, nghe đài phát thanh và xem tivi. Ngày nay, sách vẫn rất phổ biến và người ta có quyền tin rằng các tác phẩm in sẽ tiếp tục được sản xuất và được đọc với số lượng lớn trong nhiều năm tới. Cho dù sách in có thể sắp trở nên lỗi thời nhưng con đường tới lúc đó vẫn còn rất xa và quanh co. Tuy nhiên sự tồn tại của sách, mặc dù có phần khích lệ người yêu sách, không thể thay đổi sự thật rằng sách và việc đọc sách, ít nhất theo những gì chúng ta định nghĩa trong quá khứ, đang ở thời điểm chạng vạng văn hóa. Xã hội chúng ta dành ít thời gian để đọc các tác phẩm in ấn và ngay cả khi đọc thì chúng ta cũng đọc trong bóng tối bận rộn của Internet. Nhà phê bình văn học George Steiner viết năm 1997: “Tĩnh lặng, nghệ thuật của sự tập trung và ghi nhớ, những thứ xa xỉ về thời gian là nền tảng của “việc đọc có hiệu quả” nhưng phần lớn đã bị loại bỏ”. Và ông tiếp tục: “Nhưng sự xói mòn này gần như vô nghĩa so với một thế giới điện tử mới”.[210] 50 năm trước, chúng ta có thể nghĩ mình vẫn đang sống trong thời đại in ấn. Nhưng ngày nay, điều đó là không thể.
Một vài nhà tư tưởng đã chào đón sự lu mờ của sách và tư duy văn học. Trong một bài diễn văn gần đây trước một nhóm các giáo viên, Mark Federman, một nhà nghiên cứu giáo dục tại Đại học Toronto, lập luận rằng văn học, như chúng ta từng hiểu, “hiện chỉ là một khái niệm kỳ quặc, một thể loại thẩm mỹ không còn liên quan tới những câu hỏi và vấn đề thực tế của ngành sư phạm ngày nay, giống thơ ca – mặc dù không phải không có giá trị nhưng không còn là yếu tố cấu thành nên xã hội”. Theo ông, đã đến lúc giáo viên và học sinh cùng nhau từ bỏ thế giới sách vở “tuần tự, phân cấp” để bước vào “thế giới kết nối rộng khắp mọi nơi” của Internet – một thế giới mà ở đó “kỹ năng tuyệt vời nhất” là “khám phá ý nghĩa nổi bật trong những hoàn cảnh liên tục thay đổi”.[211]
Trong một bài blog viết năm 2008, Clay Shirky, một nhà nghiên cứu về truyền thông số tại Đại học New York cho rằng chúng ta không nên phí hoài thời gian kêu khóc cho cái chết của việc đọc sâu – nó đã được đánh giá quá cao. “Không còn ai đọc Chiến tranh và Hòa bình nữa”, ông viết, chọn thiên tiểu thuyết của Tolstoy như tinh hoa của thành tựu văn hóa cao quý. “Nó quá dài và chẳng thú vị lắm”. Mọi người “ngày càng quả quyết rằng tác phẩm quan trọng của Tolstoy không thật sự xứng đáng để họ dành thời gian đọc”. Điều tương tự cũng xảy ra với tiểu thuyết In Search of Lost Time (Đi tìm thời gian đã mất) của Proust và nhiều tiểu thuyết khác khi gần đây được nhận xét, bằng cụm từ chua cay của Shirky, rằng “rất quan trọng một cách mơ hồ”. Trên thực tế chúng ta đã “ngợi ca suông” những nhà văn như Tolstoy và Proust “trong nhiều năm qua”. Thói quen văn học cũ “chỉ là hiệu ứng phụ của việc sống trong một môi trường thiếu thốn khả năng truy cập”.[212] Hiện nay Internet đã mang đến cho chúng ta “khả năng truy cập dồi dào”. Shirky kết luận rằng cuối cùng chúng ta có thể bỏ những thói quen nhàm chán này sang một bên.
Những tuyên bố như vậy có vẻ hơi quá “kịch” để mọi người có thể nghiêm túc chấp nhận. Chúng là biểu hiệu mới nhất của điệu bộ quá đà, đặc trưng của giới học thuật phản trí tuệ. Tuy nhiên, một lần nữa, có thể vẫn có cách giải thích hợp lý hơn. Federman, Shirky và nhiều người khác là những hình mẫu ban đầu của tâm lý hậu văn học, những người mà với họ, màn hình chứ không phải trang giấy luôn là phương tiện truyền thông tin chủ yếu. Như Alberto Manguel từng viết, “Luôn tồn tại một vực thẳm không thể lấp nổi giữa cuốn sách mà truyền thống coi là kinh điển và cuốn sách (cùng là cuốn sách đó) mà chúng ta cho là của riêng minh bằng bản năng, cảm xúc và sự cảm thông: chúng ta đau khổ theo đó, vui mừng theo đó, biến đó thành kinh nghiệm và (bất chấp cuốn sách đi kèm bao nhiêu bài đọc khi nằm trong tay chúng ta) thật sự trở thành độc giả đầu tiên của cuốn sách đó”.[213] Nếu bạn thiếu thời gian, sự ham thích hay điều kiện để sống trong một tác phẩm văn học – để biến nó thành của riêng bạn như cách Manguel mô tả – thì đương nhiên bạn sẽ coi kiệt tác của Tolstoy là “quá dài và chẳng thú vị lắm”.
Mặc dù rất dễ bỏ qua những người cho rằng giá trị của tâm hồn văn học luôn bị cường điệu hóa, nhưng đó sẽ là sai lầm lớn. Luận điệu của họ là một dấu hiệu quan trọng của sự thay đổi cơ bản đang diễn ra trong thái độ của xã hội đối với các thành tựu trí tuệ. Ngôn từ của họ giúp nhiều người dễ dàng biện hộ cho thay đổi đó – thuyết phục bản thân rằng lướt Web là một hành động thích hợp, thậm chí tốt hơn, để thay thế cho việc đọc sâu và nhiều dạng tư duy tập trung yên tĩnh khác. Để chứng minh rằng sách đã cũ kỹ và không còn cần thiết, Federman và Shirky mang đến một vỏ bọc trí tuệ cho phép những người suy nghĩ sâu sắc có thể thoải mái rơi vào trạng thái phân tâm vĩnh viễn đặc trưng của cuộc sống trực tuyến.
HAM MUỐN NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ nhanh chóng và kỳ ảo của chúng ta không xuất phát từ phát minh Internet. Nó luôn hiện hữu và ngày càng phát triển trong rất nhiều thập kỷ khi nhịp sống và làm việc ngày càng tăng và khi những phương tiện truyền thông như đài và tivi mang đến cho chúng ta một mớ hỗn độn các chương trình, thông điệp và quảng cáo. Mặc dù Internet đánh dấu sự khởi đầu từ một phương tiện truyền thống theo nhiều cách nhưng nó cũng thể hiện sự tiếp nối các xu hướng trí tuệ và xã hội, bắt nguồn từ việc con người chấp nhận phương tiện truyền thông điện tử của thế kỷ XX, và những phương tiện này đã hình thành nên cuộc sống và tư tưởng của chúng ta kể từ đó. Trong một thời gian dài, những sự sao lãng trong cuộc sống của chúng ta ngày càng tăng nhưng chưa bao giờ xuất hiện một phương tiện giống Internet được lập trình để liên tục phân tán hơn nữa sự chú ý của chúng ta.
Trong cuốn sách Scrolling Forward (Cuộn về phía trước), tác giả David Levy mô tả một buổi hợp ông từng tham dự tại Trung tâm nghiên cứu Palo Alto (PARC) nổi tiếng của Xerox vào giữa thập niên 1970, khoảng thời gian khi các kỹ sư và lập trình viên của phòng thí nghiệm công nghệ cao này đang phát minh ra rất nhiều tính năng của máy tính cá nhân ngày nay. Một nhóm các nhà khoa học máy tính xuất chúng được mời đến PARC để xem cuộc trình diễn một hệ điều hành mới có thể khiến “việc đa nhiệm” trở nên dễ dàng. Không giống các hệ điều hành trước đó chỉ có thể hiển thị mỗi lần một nhiệm vụ, hệ điều hành mới chia màn hình thành nhiều “cửa sổ”, mỗi cửa sổ có thể chạy một chương trình khác nhau hoặc hiển thị một văn bản khác nhau. Để minh họa tính linh hoạt của hệ điều hành, người dẫn chương trình của Xerox nhấp chuyển từ một cửa sổ mà anh đang soạn mã phần mềm sang một cửa sổ khác hiển thị email mới đến. Anh nhanh chóng đọc và trả lời email đó, sau đó quay lại với cửa sổ lập trình và tiếp tục viết mã. Một số khán giả vỗ tay khen hệ điều hành mới. Họ nhận ra rằng hệ điều hành này sẽ cho phép con người sử dụng máy tính hiệu quả hơn. Một số khác tỏ ra chùn bước. Một trong những nhà khoa học tham dự ở đó giận dữ hỏi: “Tại sao người ta lại có thể muốn bị gián đoạn – và phân tâm – bởi email khi đang lập trình?”.
Ngày nay câu hỏi đó nghe có vẻ kỳ lạ. Giao diện cửa sổ trở thành giao diện chung cho mọi máy tính cá nhân và hầu hết các thiết bị máy tính khác. Trên Internet, trong cửa sổ lại có các cửa sổ khác, chưa kể đến một dãy dài các thẻ (tab) có thể mở ra nhiều cửa sổ hơn. Sự đa nhiệm trở thành công việc thường nhật đến nỗi phần lớn chúng ta không thể chấp nhận được nếu phải quay lại dùng những chiếc máy tính chỉ có thể chạy mỗi lần một chương trình hoặc mở một tập tin. Tuy nhiên, mặc dù có thể trước đây chưa từng được thảo luận, nhưng câu hỏi hiện vẫn rất cần thiết như 35 năm trước đó. Levy nói rằng nó chỉ ra “mâu thuẫn giữa hai cách làm việc khác nhau và hai cách hiểu khác nhau về ứng dụng của công nghệ trong từng cách làm việc đó”. Trong khi các nhà nghiên cứu Xerox “háo hức tung hứng nhiều luồng công việc cùng một lúc”, những người hoài nghi vẫn xem công việc của mình “như một hoạt động tập trung tư duy đơn lẻ”.[214] Trong những lựa chọn, dù là cố tình hay vô tình, về cách sử dụng máy tính, chúng ta từ chối truyền thống trí tuệ của việc tập trung tư duy đơn lẻ, một đạo lý mà sách vở đã dạy cho chúng ta. Chúng ta đã lựa chọn việc tung hứng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.