Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

TẢN MẠN VỀ QUÁ TRÌNH VIẾT CUỐN SÁCH NÀY



TÔI BIẾT BẠN ĐANG NGHĨ GÌ. Sự tồn tại của cuốn sách này có vẻ mâu thuẫn với luận điểm của nó. Nếu tôi cảm thấy khó có thể tập trung vào một dòng suy nghĩ thì làm sao tôi có thể viết được vài trăm trang văn xuôi như thế này?
Điều đó không hề đơn giản. Khi bắt đầu viết cuốn sách Trí tuệ giả tạo vào cuối năm 2007, tôi đã phải cố gắng trong vô vọng để giữ tâm trí tập trung vào nhiệm vụ. Như thường lệ, Internet mang tới rất nhiều thông tin và công cụ tìm kiếm hữu ích, tuy nhiên sự gián đoạn liên tục từ Internet cũng làm gián đoạn suy nghĩ và ngôn từ của tôi. Tôi thường viết thành nhiều đoạn thiếu liên kết, tương tự cách viết blog. Rõ ràng nhiều thay đổi lớn đang diễn ra. Mùa hè năm kế tiếp, tôi cùng vợ chuyển từ vùng ngoại ô Boston đến vùng núi Colorado. Trong ngôi nhà mới của tôi không có sóng điện thoại di động và kết nối Internet thông qua mạng DSL khá tầm thường. Tôi hủy tài khoản của mình trên Twitter, tạm ngừng tài khoản trên Facebook và khai tử blog cá nhân. Tôi tắt trình đọc RSS và giảm bớt các tin nhắn chat. Quan trọng hơn cả, tôi giảm dùng ứng dụng email của mình. Từ lâu ứng dụng này được thiết lập để kiểm tra thư mới mỗi phút một lần. Tôi chỉnh lại để mỗi giờ nó kiểm tra thư mới một lần, và khi điều đó vẫn gây ra nhiều sao nhãng thì tôi đóng luôn nó trong cả ngày.
Việc từ bỏ cuộc sống trực tuyến không hề đơn giản. Trong nhiều tháng, các dây thần kinh của tôi kêu gào đòi Internet. Tôi thấy mình vẫn lén nhấp chuột vào nút “kiểm tra thư mới”. Thỉnh thoảng, tôi dành cả ngày say sưa lướt Web. Tuy nhiên cơn nghiện cũng dần lắng xuống và tôi đã có thể gõ bàn phím trong nhiều giờ liền hoặc đọc một bài viết học thuật dày đặc chữ mà không vẩn vơ suy nghĩ đến điều khác. Một vài mạch thần kinh cũ bị ngung sử dụng nay đã sống lại và dường như một số mạch thần kinh mới hơn về Web cũng im ắng hơn. Tôi bắt đầu cảm thấy bình tĩnh hơn và kiểm soát được suy nghĩ của mình tốt hơn – ít cảm thấy giống chú chuột bạch đang chạy trong lồng và giống con người hơn. Bộ não của tôi lại có thể thở.
Tôi nhận ra mình không phải trường hợp điển hình. Là người làm việc ở nhà và có bản tính khá đơn độc, tôi có thể lựa chọn ngắt kết nối. Phần lớn mọi người không có lựa chọn đó. Web cần thiết cho công việc và cuộc sống xã hội của họ tới mức cho dù muốn thoát khỏi mạng thì họ cũng không thể làm vậy. Trong một bài viết gần đây, tiểu thuyết gia trẻ tuổi Benjamin Kundel đã nghiền ngẫm về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Internet tới giờ thức giấc của anh: “Đúng như những người ủng hộ Internet thường hay nhắc nhở chúng ta, Internet tạo ra sự đa dạng và tiện lợi, nó không bắt buộc bạn điều gì. Tuy nhiên mọi thứ có vẻ không hoàn toàn như vậy. Chúng ta không cảm thấy mình có thể tự do lựa chọn các hoạt động trực tuyến của mình. Thay vào đó chúng ta cảm thấy nó là thói quen mà chúng ta phải lựa chọn hoặc lịch sử đã áp đặt, và chúng ta không phân phối sự chú tâm của mình như bản thân đã dự định hoặc thậm chí mong muốn”.[388]
Câu hỏi không phải là liệu con người có còn đọc hoặc viết sách hay không. Dĩ nhiên họ vẫn làm vậy. Khi bắt đầu sử dụng một công nghệ trí tuệ, chúng ta không lập tức chuyển từ trạng thái tinh thần này sang trạng thái tinh thần khác. Bộ não không có tính nhị phân. Công nghệ trí tuệ tạo ra tầm ảnh hưởng bằng cách chuyển trọng tâm tư duy của chúng ta. Mặc dù người dùng công nghệ ban đầu thường có thể nhận ra thay đổi trong việc chú ý, nhận thức và ghi nhớ khi bộ não thích ứng với phương tiện mới, nhưng phần lớn các thay đổi sâu sắc diễn ra chậm chạp hơn, qua một vài thế hệ, khi công nghệ gắn sâu hơn vào công việc, giải trí và giáo dục – trong mọi tiêu chuẩn và quy tắc định nghĩa một xã hội và văn hóa. Cách chúng ta đọc thay đổi như thế nào? Cách chúng ta viết thay đổi như thế nào? Đây là những câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra cho bản thân và con cháu.
Về phía mình, tôi đã quay lại con đường cũ. Khi sắp kết thúc cuốn sách, tôi quay lại để ứng dụng email chạy mọi lúc và bật lại trình đọc RSS. Tôi lại “vọc” một vài dịch vụ mạng xã hội mới và đăng một vài bài viết mới trên blog. Gần đây tôi mua máy đọc đĩa Blu-ray tích hợp kết nối Wi-fi. Nó cho phép tôi nghe nhạc từ Pandora, xem phim từ NetFlix và từ YouTube qua tivi và dàn máy. Tôi phải công nhận: nó rất thú vị. Chẳng biết tôi có thể sống thiếu chiếc máy này không nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.