Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

TẢN MẠN VỀ XU THẾ IQ



30 NĂM TRƯỚC, James Flynn, sau này là trưởng khoa Khoa học chính trị của Đại học Otago, New Zealand, bắt đầu nghiên cứu lịch sử các bài kiểm tra IQ. Khi xem xét số liệu, loại bỏ các điều chỉnh khác nhau về điểm số qua từng năm, ông phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: chỉ số IQ tăng dần – ở hầu hết mọi nơi – trong suốt thế kỷ. Mặc dù gây nhiều tranh cãi khi mới được công bố nhưng hiệu ứng Flynn, tên gọi của hiện tượng này, đã được khẳng định bởi nhiều nghiên cứu sau này.Nó có thật.
Kể từ đó, phát hiện của Flynn cung cấp bằng chứng chống lại những người cho rằng sức mạnh trí tuệ của chúng ta đang giảm dần: Nếu chúng ta ngu ngốc đến vậy thì tại sao chúng ta ngày càng thông minh hơn? Người ta dùng hiệu ứng Flynn để biện hộ cho các chương trình tivi, trò chơi điện tử, máy tính cá nhân và gần đây nhất là Internet. Don Tapscott, trong cuốn sách Grown Up Digital (Công nghệ số phát triển), khúc khải hoàn cho thế hệ “công dân số” đầu tiên, đã phản lại lập luận cho rằng sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông có thể giảm trí thông minh của trẻ em. Đồng tình với ý kiến của Flynn, Don chỉ ra rằng “kể từ sau Thế chiến thứ II, cứ mỗi thập kỷ thì chỉ số IQ lại tăng thêm ba điểm”.[270]
Tapscott đã đúng về các con số và chắc chắn điểm IQ tăng khích lệ chúng ta rất nhiều, đặc biệt khi điểm IQ tăng mạnh nhất ở những phân đoạn dân số trước đây có điểm thấp. Tuy nhiên vẫn có nhiều lý do chính đáng để hoài nghi về luận điểm rằng hiệu ứng Flynn chứng tỏ con người ngày nay “thông minh hơn” trước đây hoặc Internet thúc đẩy trí thông minh tổng quát của loài người. Như chính Tapscott đã ghi nhận, chỉ số IQ đã tăng trong một khoảng thời gian dài – trên thực tế là từ trước Thế chiến thứ II – và tốc độ tăng rất ổn định, chỉ thay đổi nhỏ qua các thập kỷ. Mô hình đó cho thấy sự gia tăng có lẽ chỉ phản ánh một thay đổi sâu sắc và dai dẳng trong một khía cạnh nào đó của xã hội hơn là thay đổi trong một sự kiện hoặc công nghệ gần đây. Sự thật là Internet mới chỉ bắt đầu được sử dụng phổ biến từ cách đây khoảng chục năm, và như vậy nó không chắc là yếu tố đáng kể thúc đẩy chỉ số IQ.
Các phương pháp kiểm tra trí thông minh khác không thể hiện sự gia tăng như tổng điểm IQ. Trên thực tế, ngay cả bài kiểm tra IQ cũng có các dấu hiệu không rõ ràng. Các bài kiểm tra chia làm nhiều phần khác nhau để kiểm tra nhiều khía cạnh khác nhau của trí thông minh và kết quả của từng phần cũng rất khác. Phần lớn sự gia tăng ở tổng điểm là do việc cải thiện khả năng ở những bài kiểm tra có liên quan tới việc xoay các dạng hình học trong tâm trí, nhận biết sự tương đồng giữa các vật thể khác nhau và sắp xếp các hình theo thứ tự logic. Điểm số của các bài kiểm tra trí nhớ, từ vựng, kiến thức chung và thậm chí là số học cơ bản không được cải thiện hoặc cải thiện rất ít.
Đối với các bài kiểm tra thông thường khác để kiểm tra kỹ năng trí tuệ, điểm số thường giữ nguyên hoặc giảm xuống. Điểm số của kỳ thi PSAT, một kỳ thi dành cho học sinh lớp 11 của Mỹ, không tăng lên chút nào kể từ năm 1999 đến 2008, thời kỳ việc sử dụng Internet trong gia đình và trường học tăng đột biến. Trên thực tế, trong khi điểm trung bình phần toán trong thời kỳ đó vẫn khá ổn định thì điểm phần ngôn ngữ giảm đáng kể, từ 49,2 xuống 48,8. Điểm trung bình phần đọc có phản biện giảm 3,3%, từ 48,3 xuống 46,7; và điểm trung bình phần viết giảm tới 6,9%, từ 49,2 xuống còn 45,8.[271] Điểm phần ngôn ngữ của kỳ thi SAT dành cho học sinh chuẩn bị vào đại học cũng giảm xuống. Một báo cáo năm 2007 của Bộ giáo dục Mỹ chỉ rarằng từ năm 1992 đến 2005, điểm số của học sinh lớp 12 trong các bài thi ở ba hình thức đọc – làm theo yêu cầu, tập hợp thông tin và trải nghiệm văn học – đều giảm. Điểm thi của phần kiểm tra năng lực đọc văn học giảm nhiều nhất, tới 12%.[272]
Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy hiệu ứng Flynn bắt đầu mờ nhạt dần khi việc sử dụng Internet tăng lên. Các nghiên cứu tại Na Uy và Đan Mạch cho thấy sự gia tăng điểm số các bài kiểm tra trí thông minh bắt đầu chậm dần trong khoảng thời gian từ thập kỷ 1970 đến 1980 và kể từ giữa thập kỷ 1990, điểm số hoặc giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.[273] Tại Anh, một nghiên cứu vào năm 2009 chỉ ra rằng sau hàng thập kỷ chỉ tăng lên, chỉ số IQ của thanh thiếu niên giảm 2 điểm từ năm 1980 đến 2008.[274] Người dân vùng bán đảo Scandinavi và nước Anh là những người tiên phong trong việc sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao và điện thoại di động đa năng. Nếu phương tiện truyền thông số có thể tăng chỉ số IQ thì bạn sẽ nhận thấy minh chứng rõ ràng trong điểm số của người dân ở đó.
Vậy nguyên nhân đằng sau hiệu ứng Flynn là gì? Người ta đã đưa ra rất nhiều giả thiết, từ quy mô gia đình nhỏ hơn cho đến chế độ dinh duỡng tốt hơn hay sự mở rộng của giáo dục chính quy, tuy nhiên giải thích hợp lý nhất là của chính James Flynn. Trước đó trong nghiên cứu của mình, ông nhận ra rằng các kết quả thể hiện một vài nghịch lý. Trước hết, việc điểm số các bài kiểm tra tăng mạnh trong thế kỷ XX cho thấy tổ tiên của chúng ta chắc hẳn rất tối dạ cho dù tất cả những gì chúng ta biết về họ đều cho thấy điều ngược lại. Flynn viết trong cuốn sách What Is Intelligence? (Trí thông minh là gì?) của mình như sau: “Nếu chỉ số IQ thật sự tăng thì chúng ta đang hướng tới một kết luận vô lý rằng phần lớn tổ tiên của chúng đều chậm phát triển về thần kinh”.[275] Nghịch lý thứ hai bắt nguồn từ sự khác biệt về điểm số giữa các phần khác nhau trong bài kiểm tra IQ: “Làm thế nào mà mọi người có thể trở nên thông minh hơn trong khi không có vốn từvựng rộng hơn, không biết nhiều kiến thức phổ thông hơn, không giải các bài toán số học tốt hơn?”.[276]
Sau nhiều năm cân nhắc các nghịch lý, Flynn đi đến kết luận rằng sự gia tăng chỉ số IQ không liên quan tới việc gia tăng trí thông minh tổng quát, ngoài việc thay đổi cách suy nghĩ của con người về trí thông minh. Cho đến cuối thế kỷ XIX, quan điểm khoa học về trí thông minh – nhấn mạnh vào khả năng phân loại, tương quan và lý luận trừu tượng – vẫn còn rất hiếm, chỉ giới hạn ở những người học và dạy tại các trường đại học. Phần lớn mọi người tiếp tục xem trí thông minh là việc giải mã các hoạt động của tự nhiên và giải quyết các vấn đề thực tế – trên nông trại, trong nhà máy và ở nhà. Sống trong một thế giới vật chất chứ không phải biểu tượng, họ không có lý do hay cơ hội để nghĩ về các hình trừu tượng và hệ thống phân loại lý thuyết.
Tuy nhiên Flynn nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi kể từ thập kỷ trước, khi lý luận trừu tượng dần trở nên quan trọng vì các nguyên nhân về giáo dục, công nghệ và kinh tế. Flynn mô tả một cách hoa mỹ rằng mọi người bắt đầu đeo “những chiếc kính khoa học” giống với chiếc kính của những người đầu tiên phát triển nên bài kiểm tra IQ.[277] Khi đã có cái nhìn sâu sắc, Flynn nhớ lại trong một bài phỏng vấn năm 2007: “Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang rút ngắn khoảng cách giữa trí óc của chúng ta và trí óc của cha ông. Chúng ta không thông minh hơn cha ông mình, nhưng chúng ta học được cách áp dụng trí thông minh vào nhiều vấn đề mới. Chúng ta tách logic ra khỏi những thứ cụ thể, sẵn sàng đối phó với các giả thiết và nghĩ về thế giới như một nơi cần được phân loại và hiểu biết một cách khoa học, thay vì một nơi để chúng ta điều khiển”.[278]
Patricia Greenfield, một nhà tâm lý học của Đại học California, cũng đi đến kết luận tương tự trong bài báo về truyền thông và trí thông minh đăng trên tạp chí Science. Nhận thấy việc tăng chỉ số IQ “tập trung vào phần phi ngôn ngữ”, phần này “chủ yếu là các bài kiểm tra thị giác”, bà cho rằng hiệu ứng Flynn do nhiều yếu tố gây ra, từ quá trình đô thị hóa cho tới việc tăng “mức độ phức tạp xã hội”, tất cả đều là “một phần của phong trào chuyển từ những cộng đồng quy mô nhỏ, công nghệ thấp với nền kinh tế tự cung tự cấp thành những cộng đồng quy mô lớn, công nghệ cao với nền kinh tế thương mại diễn ra trên toàn thế giới”.[279]
Chúng ta không thông minh hơn cha mẹ hay ông bà của mình. Chúng ta thông minh theo cách khác. Và điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận thế giới mà còn tới cách chúng ta nuôi nấng và giáo dục con em mình. Cuộc cách mạng xã hội về cách chúng ta nghĩ về tư duy giải thích tại sao chúng ta trở nên chuyên nghiệp hơn khi giải các bài toán ở phần thị giác và trừu tượng trong bài kiểm tra IQ, trong khi không tiến triển hoặc tiến triển rất ít trong việc mở rộng kiến thức cá nhân, nâng cao kỹ năng học thuật cơ bản hoặc cải thiện khả năng giao tiếp các ý tưởng phức tạp một cách dễ hiểu. Ngay từ nhỏ, chúng ta được đào tạo để phân loại mọi thứ theo hạng mục, giải các bài toán và tư duy theo các biểu tượng không gian. Việc sử dụng máy tính cá nhân và Internet có thể củng cố vững chắc hơn một số kỹ năng tinh thần và các mạch thần kinh tương ứng bằng cách tăng cường thị lực, đặc biệt là khả năng nhanh chóng đánh giá mọi vật và các tác nhân kích thích khác khi chúng xuất hiện trên khu vực trừu tượng của màn hình máy tính. Tuy nhiên, như Flynn nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa là chúng ta có “bộ não tốt hơn”. Điều đó chỉ đơn giản là chúng ta có bộ não khác biệt.[280]

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.