Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

CHƯƠNG 5: PHƯƠNG TIỆN CÓ BẢN CHẤT TỔNG QUÁT NHẤT



Mùa xuân năm 1954, khi những chiếc máy tính số đầu tiên bắt đầu được sản xuất hàng loạt, Alan Turing, một nhà toán học lỗi lạc người Anh, đã tự tử bằng cách ăn một trái táo có chứa xyanua – hành động này khiến chúng ta đua ra kết luận rằng một phần của quả táo đã được hái xuống từ cây tri thức với chi phí không thể tính được. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Turing sống như một “người vô tội của thế giới bên kia”[140], theo cách gọi của một nhà viết tiểu sử. Trong Thế chiến thứ hai, ông đóng vai trò quan trọng trong việc giải mã Enigma, một máy đánh chữ tinh vi mà phát xít Đức từng dùng để mã hóa và giải mã các mệnh lệnh quân sự và nhiều thông điệp nhạy cảm khác. Việc giải mã Enigma là một thành tựu vĩ đại giúp xoay chuyển tình thế cuộc chiến và đảm bảo thắng lợi cho phe Đồng minh. Tuy nhiên nó không giúp Turing khỏi tình trạng bẽ mặt khi bị bắt giam một vài năm sau đó vì có quan hệ với một người đàn ông khác.
Ngày nay người ta nhớ đến Alan Turing nhiều nhất với vai trò là người phát minh ra thiết bị điện toán ảo đóng vai trò là hình mẫu cho máy tính hiện đại ngày nay. Ông chỉ 24 tuổi và mới được làm nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge khi giới thiệu một thứ sau này được gọi là máy Turing trong một bài nghiên cứu năm 1936 có tiêu đề “On Computable Numbers, with an Application to the Entschei- dungsproblem” (“về những số có thể tính được, với ứng dụng vào bài toán Quyết định”). Mục đích của Turing khi viết bài nghiên cứu là nhằm chứng minh rằng không có hệ thống logic hay toán học hoàn hảo – rằng sẽ luôn có những mệnh đề không thể chứng minh đúng hay sai và sẽ mãi mãi “không thể tính được”. Để chứng minh luận điểm này, ông tạo ra một máy tính số đơn giản có thể tuân theo các chỉ dẫn được mã hóa và có thể đọc, viết và xóa các ký tự. Ông cho rằng có thể lập trình cho một máy tính như vậy thực hiện chức năng của bất kỳ thiết bị xử lý thông tin nào.Đó là “một cỗ máy phổ dụng”.[141]
Trong bài nghiên cứu tiếp theo có tên “Computing Machinery and Intelligence” (Thiết bị tính toán và trí thông minh), Turing lý giải sự xuất hiện của máy tính có thể lập trình được “có tầm ảnh hưởng quan trọng đến mức, nếu tính riêng về tốc độ thì không cần thiết phải thiết kế mới nhiều máy móc khác nhau để làm từng quy trình tính toán. Chỉ một máy tính số có thể làm được tất cả nếu được lập trình phù hợp cho từng trường hợp”.Ông kết luận điều đó có nghĩa là “mọi máy tính số đều tương đương nhau”. [142]Turing không phải người đầu tiên nghĩ về cách hoạt động của máy vi tính có thể lập trình – khoảng một thế kỷ trước, một nhà toán học người Anh tên là Charles Babbage cũng vạch ra kế hoạch lắp ráp một “động cơ phân tích” có thể trở thành “chiếc máy có bản chất tổng quát nhất”[143] – tuy nhiên có lẽ Turing là người điều tiên hiểu được ứng dụng không giới hạn của máy tính số.
Điều ông không bao giờ ngờ tới là chiếc máy phổ dụng của ông nhanh chóng trở thành phương tiện truyền thông phổ dụng chỉ vài thập kỷ sau khi ông mất. Các loại thông tin khác nhau do phương tiện truyền thông truyền tải – chữ, số, âm thanh, hình ảnh, ảnh động – đều có thể chuyển thành mã số, do vậy đều có thể “tính toán được.” Mọi thứ từ bản giao hưởng số 9 của Beethoven đến phim sex đều có thể được rút gọn thành một dãy các số 1 và 0, sau đó được xử lý, truyền tải và hiển thị hoặc chạy trên máy tính. Ngày nay, cùng với sự xuất hiện của Internet, chúng ta đang tận mắt chứng kiến những ứng dụng phi thường do phát minh của Turing đem lại. Bao gồm hàng triệu máy tính và cơ sở dữ liệu được kết nối với nhau, mạng Internet là một cỗ máy Turing có sức mạnh khổng lồ và chứa đựng phần lớn các công nghệ trí tuệ của loài người. Internet đang dần trở thành máy đánh chữ và máy in, bản đồ và đồng hồ, máy tính và điện thoại, bưu điện và thư viện, đài và tivi của chúng ta. Thậm chí Internet còn thực hiện được chức năng của nhiều máy tính khác, ngày càng có nhiều phần mềm chạy trên Internet – hay ‘Trên mây” như người dân Thung lũng Silicon thường nói – thay vì chạy trên máy tính cá nhân của chúng ta.
Đúng như Turing đã chỉ ra, giới hạn cho chiếc máy phổ dụng của ông là tốc độ. Về lý thuyết, ngay cả chiếc máy tính số đầu tiên cũng có thể làm công việc xử lý thông tin, tuy nhiên một nhiệm vụ phức tạp – chẳng hạn như rửa ảnh – sẽ tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc để có thể trở thành hiện thực. Một người trong phòng tối cùng các khay hóa chất có thể làm công việc này nhanh và rẻ hơn rất nhiều.Tuy nhiên giới hạn tốc độ tính toán chỉ là trở ngại tạm thời.Kể từ khi máy tính chủ kích thước lớn đầu tiên được lắp ráp vào thập niên 1940, tốc độ của máy tính và mạng dữ liệu đã tăng một cách chóng mặt và chi phí xử lý cũng như truyền tải dữ liệu cũng giảm nhanh không kém.Chỉ trong ba thập kỷ gần đây, cứ sau ba năm thì số lượng lệnh một con chip máy tính có thể xử lý mỗi giây lại tăng gấp đôi, trong khi hàng năm chi phí xử lý những lệnh này giảm gần một nửa. Nhìn chung, chi phí thực hiện một nhiệm vụ tính toán cơ bản đã giảm 99,9% kể từ thập niên 1960.[144] Băng thông mạng lưới ngày càng được mở rộng. Kể từ khi mạng toàn cầu World Wide Web được phát minh, trung bình mỗi năm số người truy cập Internet tăng gấp đôi.[145]Những ứng dụng máy tính không thể tưởng tượng nổi ở thời của Turing ngày nay chỉ còn là công việc thường nhật.
Quá trình phát triển của trang web như một phương tiện truyền thông tái hiện lại toàn bộ lịch sử của truyền thông hiện đại với vận tốc của một bộ phim chiếu chậm (time-lapse). Hàng trăm năm được thu gọn trong một vài thập kỷ. Chiếc máy xử lý thông tin đầu tiên mà Internet tái tạo là máy in của Gutenberg. Việc chuyển văn bản thành mã phần mềm và chia sẻ khắp mạng lưới khá đơn giản – không đòi hỏi nhiều bộ nhớ lưu trữ, băng thông để truyền tải hay sức mạnh xử lý để hiển thị trên màn hình – vì vậy những trang web thuở ban đầu thường chỉ gồm các ký hiệu in ấn. Cụm từ mà chúng ta sử dụng để mô tả những gì nhìn thấy trực tuyến – các trang – nhấn mạnh mối liên hệ với các văn bản in ấn. Các nhà xuất bản báo và tạp chí nhận ra rằng lần đầu tiên trong lịch sử họ có thể truyền tải một lượng lớn văn bản giống các chương trình truyền hình và phát thanh. Do vậy, các công ty xuất bản trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên mở kênh thông tin trực tuyến, đăng tải các bài báo, đoạn trích và nhiều loại văn bản khác trên trang web của mình. Tương tự, việc dễ dàng truyền tải từ ngữ khiến thư điện tử trở nên phổ biến và khiến thư tay trở nên lỗi thời.
Khi chi phí cho bộ nhớ và băng thông giảm xuống, việc kết hợp ảnh và hình vẽ vào trang web trở nên khả thi hơn. Ban đầu, hình ảnh đi kèm văn bản chỉ ở dạng đen trắng với độ phân giải thấp khiến ảnh thường bị mờ. Trông chúng giống như những bức ảnh lần đầu tiên in trên báo chí cách đây cả trăm năm. Tuy nhiên dung lượng của mạng Internet đã mở rộng để có thể xử lý được ảnh màu, do vậy kích thước và chất lượng hình ảnh tăng đáng kể. Không lâu sau, các hình động đơn giản bắt đầu xuất hiện trực tuyến, bắt chước chuyển động của sách lật trang từng phổ biến vào cuối thế kỷ XIX.
Tiếp đó, trang web bắt đầu tiếp quản nhiệm vụ của thiết bị xử lý âm thanh truyền thống – đài, máy quay đĩa và máy ghi âm băng từ.Những âm thanh đầu tiên trên mạng là lời nói, tuy nhiên không lâu sau, các đoạn nhạc rồi cả bài hát và thậm chí nhạc giao hưởng cũng được truyền tải trên các trang web với độ trung thực cao chưa từng có. Khả năng xử lý dòng âm thanh của mạng lưới được trợ giúp bởi sự phát triển của các thuật toán phần mềm, như thuật toán dùng để sản xuất các tập tin MP3 sẽ xóa những âm thanh mà tai con người khó có thể nghe thấy trong bản nhạc hoặc trong các tập tin ghi âm khác. Các thuật toán nén tập tin âm thanh xuống kích thước nhỏ hơn rất nhiều mà không làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng.Các cuộc điện thoại cũng bắt đầu được truyền qua dây cáp quang của Internet, bỏ qua đường dây điện thoại truyền thống.
Cuối cùng, phim cũng xuất hiện trực tuyến khi mạng Internet kết hợp với công nghệ điện ảnh và truyền hình. Do việc truyền tải và thể hiện ảnh động đặt ra yêu cầu lớn cho máy tính và mạng lưới nên phim trực tuyến đầu tiên được chạy trên những cửa sổ tí hơn bên trong trình duyệt. Hình ảnh hay bị giật hoặc bị mất và thường xuyên không khóp với âm thanh. Tuy nhiên mọi thứ nhanh chóng được cải thiện. Chỉ trong vài năm, người ta bắt đầu chơi trực tuyến những trò chơi ba chiều tinh vi và những công ty như Netflix và Apple đang mang phim và chương trình truyền hình có độ phân giải cao trên khắp mạng lưới, đến với màn ảnh trong ngôi nhà của khách hàng. Thậm chí cuối cùng “điện thoại hình” được hứa hẹn từ lâu cũng đã thành hiện thực khi webcam trở thành đặc trưng thường thấy của máy tính và truyền hình kết nối Internet.Các dịch vụ điện thoại Internet phổ biến như Skype cũng kết hợp truyền tải phim.
MẠNG INTERNET khác với phần lớn các phương tiện truyền thông mà nó thay thế ở một đặc điểm rất quan trọng và hiển nhiên: tính hai chiều. Chúng ta có thể vừa gửi và nhận thông điệp trên mạng lưới.Điều đó khiến hệ thống trở nên hữu ích. Khả năng trao đổi thông tin trực tuyến, tải lên và tải xuống biến mạng Internet thành một hành lang rộng lớn cho kinh doanh và thương mại. Chỉ với một vài cú nhấp chuột, mọi người có thể tìm kiếm trên catalô ảo, đặt hàng, theo dõi hàng hóa và cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên Internet không chỉ kết nối chúng ta với các doanh nghiệp mà còn kết nối chúng ta với nhau.Đó là một phương tiện truyền thông vừa mang tính cá nhân vừa mang tính thương mại.Hàng triệu người sử dụng Internet để đăng tải sản phẩm số của mình ở dạng blog, phim, ảnh, nhạc và podcast, cũng như để nhận xét, chỉnh sửa hoặc thay đổi sản phẩm của người khác. Bách khoa toàn thư mở khổng lồ Wikipedia, dịch vụ phim không chuyên YouTube, kho ảnh Flickr rộng lớn, trang blog Huffington Post – không ai có thể tưởng tượng nổi tất cả những dịch vụ truyền thông phổ biến này cho đến khi xuất hiện trang web. Tính tương tác của phương tiện này cũng biến nó trở thành điểm hẹn của thế giới, một nơi mọi người có thể tụ tập để nói chuyện, tán gẫu, tranh luận, khoe khoang và tán tỉnh trên Facebook, Twitter, MySpace hoặc nhiều mạng xã hội (và đôi khi cả phản xã hội) khác.
Khi các tính năng của Internet ngày càng phong phú hơn thì khoảng thời gian dành cho phương tiện truyền thông này của chúng ta cũng tăng nhanh, cho dù kết nối nhanh hơn cho phép chúng ta làm được nhiều hơn trong mỗi phút đăng nhập. Đến năm 2009, những người trưởng thành tại Bắc Mỹ dành trung bình 12 giờ trực tuyến mỗi tuần, tăng gấp đôi so với năm 2005.[146] Nếu bạn chỉ tính những người có truy cập Internet thì số lượng giờ trực tuyến tăng đáng kể, hơn 17 giờ một tuần. Đối với thanh thiếu niên, con số này còn cao hơn khi những người ở độ tuổi 20 dành hơn 19 giờ trực tuyến mỗi tuần.[147] Năm 2009, trẻ em Mỹ ở độ tuổi từ 2 đến 11 sử dụng Internet khoảng 11 giờ mỗi tuần, tức là tăng 60% so với năm 2004.[148] Năm 2009, một người trưởng thành tiêu biểu ở châu Âu dành gần 8 giờ trực tuyến mỗi tuần, tăng khoảng 30% kể từ năm 2005. Thanh niên châu Âu ở độ tuổi 20 trung bình dành khoảng 12 giờ trực tuyến mỗi tuần.[149] Một khảo sát quốc tế năm 2008 trên 27.500 người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 đến 55 cho thấy mọi người đang dành 30% thời gian rảnh rỗi của mình trên mạng, trong đó Trung Quốc có số người lướt Web nhiều nhất, dành tới 44% thời gian bên ngoài giờ làm việc để lên mạng.[150]
Những con số này không bao gồm thời gian mọi người sử dụng điện thoại di động và các thiết bị máy tính cầm tay khác để trao đổi tin nhắn và hành động này ngày càng tăng một cách chóng mặt. Hiện nay nhắn tin văn bản là một trong số những ứng dụng được dùng nhiều nhất của máy tính, đặc biệt trong giới trẻ. Đến đầu năm 2009, một người dùng di động trung bình tại Mỹ gửi hoặc nhận khoảng 400 tin nhắn mỗi tháng, tăng gấp bốn lần kể từ năm 2006. Một thiếu niên Mỹ trung bình gửi hoặc nhận tới 2.272 tin nhắn hàng tháng.[151] Hàng năm trên toàn thế giới có hơn hai tỷ tin nhắn văn bản được trao đổi qua lại giữa các điện thoại di động, vượt xa số lượng cuộc gọi.[152] Theo lời Danah Boyd, một nhà khoa học xã hội làm việc cho Microsoft, nhờ có hệ thống và thiết bị nhắn tin hiện tại mà chúng ta “không bao giờ bị mất liên lạc”.[153]
Chúng ta thường đưa ra giả thiết rằng nếu không xem tivi, chúng ta sẽ dùng khoảng thời gian đó để truy cập Internet. Tuy nhiên các thống kê lại thể hiện điều khác. Phần lớn các nghiên cứu về hoạt động truyền thông chỉ ra rằng trong khi thời gian sử dụng Internet tăng lên thì thời gian xem truyền hình hoặc giữ nguyên hoặc cũng tăng lên. Nghiên cứu theo dõi truyền thông dài hạn của công ty Nielsen cho thấy thời gian người Mỹ xem tivi tăng lên trong kỷ nguyên của Internet, số giờ chúng ta ngồi trước màn hình tăng thêm 2% từ năm 2008 đến năm 2009, đạt 153 giờ mỗi tháng, mức cao nhất kể từ khi Nielsen bắt đầu thu thập dữ liệu vào thập niên 1950 (và con số đó chua bao gồm khoảng thời gian mọi người xem chương trình truyền hình trên máy tính).[154] Tương tự tại châu Âu, người dân tiếp tục xem truyền hình nhiều hơn trước đây. Một người châu Âu trung bình xem hơn 12 giờ tivi mỗi tuần vào năm 2009, tức là tăng hơn gần một giờ so với năm 2004.[155]
Một nghiên cứu năm 2006 do công ty Jupiter Research thực hiện đã chỉ ra “một sự chồng chéo khổng lồ” giữa việc xem tivi và lướtWeb, với 42% các fan hâm mộ tivi cuồng nhiệt nhất (những người xem ít nhất 35 giờ mỗi tuần)[156] cũng là những người dùng Internet nhiều nhất (những người dành ít nhất 30 giờ trực tuyến mỗi tuần). Nói cách khác, việc tăng thời gian trực tuyến của chúng ta cũng làm tăng tổng thời gian chúng ta ngồi trước màn hình. Theo một nghiên cứu mở rộng năm 2009 do Trung tâm thiết kế truyền thông của Đại học Ball State, phần lớn người Mỹ, không phụ thuộc vào tuổi tác, dành ít nhất tám tiếng rưỡi mỗi ngày nhìn vào màn hình tivi, màn hình máy tính hoặc màn hình điện thoại. Thông thường họ sử dụng hai hoặc thậm chí cả ba thiết bị cùng một lúc.[157]
Trong khi thời gian sử dụng Internet tăng lên thì có một thứ có vẻ giảm đi. Đó là khoảng thời gian chúng ta dành để đọc các ấn phẩm – đặc biệt là báo, tạp chí và sách. Trong số bốn loại phương tiện truyền thông cá nhân, hiện nay ấn phẩm ít được sử dụng nhất, bị truyền hình, máy tính và đài phát thanh bỏ xa. Năm 2008, theo Cục thống kê lao động Mỹ, khoảng thời gian trung bình một thiếu niên Mỹ trên 14 tuổi dành để đọc các tác phẩm in ấn giảm xuống còn 143 phút mỗi tuần, tức là giảm 11% kể từ năm 2004. Trong năm 2008, thanh niên ở độ tuổi từ 25 đến 34, thuộc lớp người dùng Internet nhiều nhất, chỉ dành tổng cộng 49 phút mỗi tuần để đọc các tác phẩm in ấn, giảm 29% so với năm 2004.[158] Năm 2008, trong một nghiên cứu nhỏ nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ, tạp chí Adweek đã quan sát việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong một ngày của bốn kiểu người Mỹ điển hình – thợ cắt tóc, nhà hóa học, hiệu trưởng trường trung học và nhân viên bất động sản. Theo tạp chí này, mỗi người có một thói quen khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm: “Không ai trong số họ mở một ấn phẩm trong khoảng thời gian chúng tôi quan sát”.[159]Do các văn bản xuất hiện ở khắp trên Internet và trên điện thoại nên chắc chắn ngày nay chúng ta đọc nhiều từ ngữ hơn cách đây 20 năm, tuy nhiên chúng ta lại dành ít thời gian để đọc các từ ngữ in trên giấy.
Internet, giống như máy tính cá nhân trước đó, đã chứng minh được tính hữu ích trên nhiều mặt đến nỗi chúng ta chào đón mọi khía cạnh của nó. Hiếm khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ, chưa nói đến đặt câu hỏi, về cuộc cách mạng truyền thông đang diễn ra xung quanh mình, trong nhà, tại công sở và trong trường học. Trước khi Internet xuất hiện thì lịch sử truyền thông chỉ là một câu chuyện đứt khúc. Các công nghệ khác nhau phát triển theo các hướng khác nhau, dẫn tới việc gia tăng nhiều công cụ có chức năng đặc biệt. Sách báo có thể biểu thị văn bản và hình ảnh nhưng lại không thể xử lý âm thanh hay hình động. Những phương tiện hình ảnh như rạp chiếu phim và truyền hình không phù hợp để thể hiện văn bản, trừ khi có rất ít chữ. Đài, điện thoại, máy quay đĩa và máy phát băng đều chỉ truyền tải được âm thanh. Nếu bạn muốn thực hiện phép tính, bạn dùng máy tính. Nếu bạn muốn tra cứu thông tin, bạn tìm đến tuyển tập bách khoa toàn thư hoặc sách Niên giám thế giới. Đầu sản xuất của các doanh nghiệp phân đoạn giống như đầu tiêu thụ. Nếu muốn bán từ ngữ thì công ty sẽ in trên giấy. Nếu muốn bán phim ảnh thì công ty sẽ cuộn trong các ống phim. Nếu muốn bán bài hát, công ty sẽ nén vào đĩa nhựa hoặc ghi âm vào băng từ. Nếu muốn phân phối các chương trình truyền hình hoặc quảng cáo, công ty sẽ phát từ một ăng-ten lớn hoặc truyền qua các dây cáp đồng trục to dày.
Khi thông tin được số hóa, ranh giới giữa các phương tiện truyền thông cũng tan biến. Chúng ta thay thế nhiều công cụ với mục đích đặc biệt bằng một công cụ dùng cho mọi mục đích. Và bởi tính kinh tế của việc sản xuất và phân phối kỹ thuật số luôn tốt hơn nhiều so với những phương pháp trước đó – chi phí sản xuất các sản phẩm điện tử và truyền tải qua mạng Internet chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí sản xuất hàng hóa vật chất và vận chuyển từ nhà kho tới cửa hàng – nên quá trình chuyển đổi diễn ra rất nhanh, tuân theo logic không mủi lòng của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, hầu hết các công ty truyền thông đều phân phối phiên bản số của các sản phẩm trên mạng Internet và tăng trưởng trong việc tiêu thụ các sản phẩm truyền thông hầu như diễn ra hoàn toàn trực tuyến.
Điều đó không có nghĩa là các phương tiện truyền thống đã biến mất. Chúng ta vẫn mua sách và đặt tạp chí. Chúng ta vẫn đến rạp chiếu phim và nghe đài phát thanh. Một vài người vẫn mua đĩa nhạc CD và đĩa phim DVD. Một số thậm chí thỉnh thoảng còn cầm báo lên đọc. Khi bị công nghệ mới thay thế, công nghệ cũ vẫn tiếp tục được sử dụng trong một thời gian dài, đôi khi là mãi mãi. Nhiều thập kỷ sau sáng chế của bàn xếp chữ in, rất nhiều cuốn sách vẫn được những người chép thuê viết tay hoặc được in từ bản gỗ – và ngày nay một vài trong số những quyển sách đẹp nhất vẫn tiếp tục được xuất bản theo những cách này. Vẫn có những người tiếp tục nghe đĩa nhựa, sử dụng máy ảnh phim và tra cứu số điện thoại trên quyển danh bạ Những trang vàng. Tuy nhiên công nghệ cũ đã đánh mất sức mạnh kinh tế và văn hóa của mình. Chúng không thể phát triển hơn nữa. Chính công nghệ mới chi phối việc sản xuất và tiêu thụ cũng như chỉ dẫn hành vi của mọi người và định hình nhận thức của họ. Đó là lý do tương lai của tri thức và văn hóa không còn nằm trong tầm kiểm soát của sách, báo, chương trình truyền hình, chương trình phát thanh hay băng đĩa. Các tập tin số với tốc độ truyền tin nhanh như chóp mới là nhân tố quyết định.
TRONG CUỐN SÁCH Understanding Media, tác giả McLuhan viết: “Một phương tiện truyền thông mới không bổ sung hay để yên cho phương tiện cũ. Phương tiện mới không bao giờ ngừng đàn áp phương tiện cũ cho đến khi tìm được hình dáng và vị trí mới cho những phương tiện cũ này”.[160] Trong tình hình hiện nay, quan sát của ông thật sự chính xác. Các phương tiện truyền thống, kể cả các phương tiện điện tử, được tân trang hoặc tái định vị trong quá trình chuyển đổi sang phân phối trực tuyến. Khi Internet hấp thụ một phương tiện truyền thông, nó sẽ tái tạo lại phương tiện đó bằng một hình ảnh riêng. Internet không chỉ làm biến mất trạng thái vật chất của phương tiện đó mà còn chèn thêm các siêu liên kết vào nội dung, chia nội dung thành các phân đoạn có thể tìm kiếm và bổ sung thêm nội dung từ các phương tiện khác. Tất cả những thay đổi hình thức này cũng thay đổi cách sử dụng, trải nghiệm và hiểu biết của chúng ta về nội dung.
Một trang văn bản trực tuyến khi xem trên màn hình máy tính trông rất giống với một trang văn bản in trên giấy. Tuy nhiên việc cuộn lên xuống hoặc nhấp chuột vào văn bản Web bao gồm các hoạt động vật chất và các nhân tố cảm ứng khác hoàn toàn với việc giữ và giở các trang sách báo. Các nghiên cứu cho thấy hành động nhận thức của việc đọc không chỉ thu hút thị giác mà còn cả cảm giác của chúng ta. Nó vừa nhìn thấy được lại vừa có thể cảm nhận được. Anne Mangen, một giáo sư văn hóa Na Uy viết: “Đọc là một hành động đa giác quan”. Có một “liên kết cốt yếu” giữa “trải nghiệm vật chất giác quan” của một tác phẩm in với “quá trình xử lý nhận thức về nội dung văn bản”.[161] Việc chuyển từ giấy in sang màn hình không chỉ thay đổi cách đọc thông tin mà còn ảnh hưởng tới mức độ tập trung và chiều sâu hiểu biết của chúng ta với thông tin đó.
Các siêu liên kết cũng thay đổi trải nghiệm truyền thông của chúng ta. Có thể coi các đường liên kết (link) là biến thể của các trích dẫn và chú thích vốn rất phổ biến trên văn bản. Tuy nhiên ảnh hưởng của chúng lên việc đọc của chúng ta hoàn toàn khác. Các đường liên kết không chỉ dẫn mà đẩy chúng ta đến với các tác phẩm bổ sung hoặc có liên quan. Chúng khuyến khích ta tìm hiểu sâu hơn một loạt các văn bản thay vì chỉ chú ý tới một vài văn bản trong số đó. Các siêu liên kết được tạo ra để gây sự chú ý của chúng ta. Tuy nhiên chúng cũng khiến ta bị xao lãng.
Khả năng tìm kiếm của các tác phẩm trực tuyến cũng thể hiện một biến thể của các công cụ trợ giúp điều hướng như mục lục và phụ lục. Tuy nhiên ở đây, ảnh hưởng của các công cụ này cũng rất khác nhau. Đối với các đường liên kết, sự dễ dàng và sẵn sàng của công cụ tìm kiếm giúp đơn giản hóa việc giở qua lại giữa các văn bản số so với văn bản in ấn. Các tài liệu đính kèm văn bản mang tính tạm thời và ít ý nghĩa hơn. Việc tìm kiếm cũng dẫn tới sự đứt đoạn của các tác phẩm trực tuyến. Công cụ tìm kiếm thường hướng sự chú ý của chúng ta đến một mẩu văn bản, một vài từ hoặc một vài câu có liên quan nhất tới những gì chúng ta đang tìm kiếm nhưng rất ít khuyến khích chúng ta xem xét toàn bộ tác phẩm. Chúng ta không nhìn thấy cả khu rừng khi tìm kiếm trên trang web. Chúng ta thậm chí còn không nhìn thấy cả cây cối. Chúng ta chỉ nhìn thấy lá và cành cây. Khi những công ty như Google và Microsoft hoàn thiện các công cụ tìm kiếm nội dung phim và âm thanh thì ngày càng có nhiều sản phẩm bị đứt đoạn giống như các văn bản.
Bằng cách kết hợp nhiều loại thông tin trên một màn hình duy nhất, mạng Internet đa phương tiện ngày càng làm đứt đoạn nội dung và phá vỡ sự tập trung của chúng ta. Một trang web có thể hiển thị một vài đoạn văn bản, một đoạn phim hoặc âm thanh, một loạt các công cụ điều hướng, rất nhiều mẩu tin quảng cáo và một số ứng dụng phần mềm nhỏ hay còn gọi là “widget” chạy trong cửa sổ riêng. Chúng ta đều biết điều này sẽ gây sao nhãng ra sao. Chúng ta nói đùa về điều đó suốt. Một thông điệp báo có email mới khi chúng ta đang xem những tiêu đề mới nhất trên một trang báo mạng. Một vài giây sau, trình đọc tin RSS thông báo rằng một trong những blogger yêu thích của chúng ta mới đăng tải một bài mới. Một lúc sau, chuông điện thoại báo có tin nhắn. Cùng lúc, một thông báo Facebook hoặc Twitter xuất hiện trên màn hình. Bên cạnh những thứ xuất hiện trên mạng lưới, chúng ta còn có thể truy cập vào rất nhiều chương trình phần mềm khác trên máy tính – những chương trình này cũng đang cạnh tranh thu hút sự chú ý của chúng ta. Mỗi khi bật máy tính lên, chúng ta lại lao vào một “hệ sinh thái các công nghệ gián đoạn” như tên gọi do Corry Doctorow, một blogger kiêm tác giả truyện khoa học viễn tưởng, đặt cho.[162]
Tính tương tác, các siêu liên kết, khả năng tìm kiếm và đa phương tiện – tất cả những đặc tính này mang lại lợi ích hấp dẫn cho Internet. Cùng với khối lượng khổng lồ các thông tin trực tuyến sẵn có, chúng là lý do chính khiến phần lớn chúng ta đều bị thu hút bởi Internet. Chúng ta muốn có thể chuyển giữa đọc, nghe và xem mà không phải đứng dậy và bật một thiết bị khác hay vùi đầu vào một đống tạp chí hoặc băng đĩa. Chúng ta muốn có thể tìm thấy và ngay lập tức được chuyển tới những thông tin liên quan – mà không phải duyệt qua hàng đống những thứ không liên quan. Chúng ta muốn giữ liên lạc với bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Chúng ta thích cảm giác được kết nối – và chúng ta ghét cảm giác bị chia cắt. Mạng Internet không thay đổi thói quen tri thức trái với mong muốn của chúng ta. Nhưng nó vẫn thực sự thay đổi những thói quen này.
Trong tương lai, việc sử dụng Internet và ảnh hưởng của nó tới chúng ta sẽ chỉ tăng lên chứ không giảm đi khi Internet ngày càng hiện hữu trong cuộc sống nhiều hơn bao giờ hết. Giống như đồng hồ và sách vở trước đó, máy tính ngày càng trở nên nhỏ hơn và rẻ hơn nhờ công nghệ tiên tiến. Những chiếc máy tính xách tay rẻ tiền giúp chúng ta mang Internet bên cạnh khi rời nhà hoặc văn phòng. Tuy nhiên bản thân laptop là một thiết bị cồng kềnh và kết nối với Internet không phải lúc nào cũng dễ dàng.Sự ra đời của netbook tí hơn và điện thoại thông minh đã giải quyết vấn đề này. Những chiếc máy tính bỏ túi cấu hình mạnh như iPhone của Apple, Droid của Motorola và Nexus One của Google luôn đi kèm khả năng truy cập Internet. Cùng với việc tích hợp các dịch vụ Internet vào mọi thứ, từ bảng điều khiển trên xe hoi cho đến tivi và các cabin trên máy bay, những thiết bị nhỏ nhắn này hứa hẹn sẽ mang trang web vào mọi hoạt động thường nhật của chúng ta, làm phương tiện phổ dụng này ngày càng trở thành phổ dụng hơn.
Mạng Internet càng mở rộng thì các phương tiện truyền thông khác càng thu hẹp lại. Bằng cách thay đổi tính kinh tế của việc sản xuất và phân phối, mạng Internet đã giảm lợi nhuận của rất nhiều công ty giải trí, thông tin và tin tức, đặc biệt là những công ty chuyên bán các sản phẩm vật chất. Trong thập kỷ trước, doanh số bán đĩa CD nhạc giảm đều đều, riêng trong năm 2008 đã giảm tới 20%.[163] Doanh số bán đĩa phim DVD, một nguồn lợi nhuận chính của các phim trường Hollywood trong thời gian gần đây, hiện nay cũng bắt đầu giảm: trong năm 2008 giảm 6% và trong nửa đầu năm 2009 lại giảm thêm 14%.[164] Doanh số bán bưu thiếp cũng sụt giảm.[165] Trong năm 2009, số lượng thư được gửi qua Dịch vụ bưu chính Mỹ giảm với tốc độ nhanh chưa từng có.[166] Các trường đại học ngừng in các tài liệu tham khảo và tạp chí, và chuyển sang chỉ phân phối trực tuyến.[167] Các trường công khuyến khích học sinh sử dụng tài liệu tham khảo trên mạng thay cho “những quyển sách giáo khoa cũ kỹ, to, nặng và đắt tiền” như mô tả của Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger.[168]Ở khắp mọi nơi bạn đều có thể nhìn thấy sự thống trị của Internet.
Có lẽ ngành công nghiệp báo chí là nơi chịu ảnh hưởng đáng lo ngại nhất từ Internet bởi phải đối đầu với những thử thách tài chính nghiêm trọng khi độc giả và công ty quảng cáo xem Internet là lựa chọn yêu thích, số lượng người Mỹ đọc báo bắt đầu giảm từ nhiều thập kỷ trước, khi đài phát thanh và tivi bắt đầu xâm chiếm thời gian rảnh rỗi của người dân, tuy nhiên Internet mới thật sự làm gia tăng thêm xu hướng này. Từ năm 2008 đến 2009, số lượng báo chí tiêu thụ giảm hơn 7% trong khi lượng khách ghé thăm trang web của các tờ báo tăng hơn 10%.[169] Đầu năm 2009, một trong những nhật báo nhiều tuổi nhất của Mỹ, tờ Christian Science Monitor, thông báo sắp ngừng xuất bản sau 100 năm tồn tại. Trang web sẽ trở thành kênh cung cấp thông tin chính. Jonathan Well, một nhà xuất bản báo, nói rằng động thái này báo hiệu cho các tờ báo khác về những thứ đang bày bán trong cửa hàng. Ông giải thích: “Những thay đổi trong ngành công nghiệp – thay đổi trong khái niệm tin tức và nền kinh tế bên duói ngành công nghiệp – đã ảnh hưởng lên tờ Monitor đầu tiên”.[170]
Không lâu sau, thực tế chứng minh ông đã đúng. Chỉ trong vài tháng, Rocky Mountain News, tờ báo nhiều tuổi nhất của bang Colorado, đã phá sản; tờ Seattle Post-Intelligencer ngừng sản xuất phiên bản in giấy và sa thải phần lớn nhân viên; tờ Washington Postđóng cửa toàn bộ các văn phòng ở Mỹ và cho hơn 100 phóng viên nghỉ việc; chủ sở hữu của hơn 20 tờ báo khác của Mỹ như Los Angeles Times, Chicago Tribune, Philadelphia Inquirer, và Minneapolis Star Tribuneđệ đơn xin phá sản. Tim Brooks, giám đốc điều hành công ty Guardian News and Media chịu trách nhiệm xuất bản báo The Guardian và The Independentở Anh, thông báo rằng mọi khoản đầu tư trong tương lai của công ty sẽ dồn vào các sản phẩm kỹ thuật số đa phương tiện, chủ yếu xuất hiện trên các trang web. Ông phát biểu trong một cuộc hợp của toàn ngành: “ Những ngày bạn có thể trao đổi chỉ bằng từ ngữ đã qua rồi”.[171]
KHI TÂM TRÍ của khách hàng bị cuốn vào nội dung của trang web, các công ty truyền thông phải thay đổi để đáp ứng kỳ vọng mới của khán giả. Rất nhiều nhà sản xuất cắt xén bớt các tác phẩm của mình để vừa với sự chú ý của người tiêu dùng trực tuyến cũng như cải thiện tiểu sử của mình trên các công cụ tìm kiếm. Các đoạn chương trình truyền hình và phim truyện được phát qua YouTube, Hulu và các dịch vụ xem phim khác. Các trích đoạn chương trình phát thanh được phát dưới dạng podcast và stream. Các bài báo và tạp chí lưu truyền độc lập. Các trang sách được hiển thị trên Amazon.com và Google Book Search.Các album nhạc được chia nhỏ ra, từng bài hát được bán qua iTunes hoặc qua Spotify.Ngay bản thân mỗi bài hát cũng bị chia thành nhiều đoạn nhỏ với đoạn mở đầu hoặc điệp khúc dùng làm nhạc chuông điện thoại hoặc trong các trò chơi điện tử. Vẫn còn rất nhiều điều để nói về cái mà các nhà kinh tế học gọi là “tách” nội dung. Nó mang đến cho mọi người nhiều lựa chọn hơn và giúp họ không phải mua những thứ mình không muốn. Tuy nhiên nó cũng minh họa và củng cố các kiểu thay đổi trong tiêu thụ sản phẩm truyền thông do các trang web khơi mào. Theo lời nhà kinh tế học Tyler Cowen, “Khi việc truy cập [thông tin] trở nên dễ dàng, chúng ta thường thiên vị những thứ ngắn gọn và ngọt ngào”.[172]
Ảnh hưởng của Internet không kết thúc ở viền màn hình máy tính. Các công ty truyền thông đang tái định hình các sản phẩm truyền thống của mình, ngay cả những sản phẩm vật chất, để tái tạo trải nghiệm trực tuyến của khách hàng. Nếu trong những ngày đầu tiên xuất hiện trang web, thiết kế của phiên bản trực tuyến lấy cảm hứng từ phiên bản in ấn (giống như thiết kế Kinh thánh của Gutenberg lấy cảm hứng từ những cuốn sách chép tay) thì ngày nay, nguồn cảm hứng có xu hướng đi theo chiều ngược lại. Rất nhiều tạp chí chỉnh sửa bố cục để bắt chước hoặc ít nhất lặp lại vẻ bề ngoài và cảm giác của các trang web. Họ rút ngắn các bài báo, bổ sung bản tóm tắt nội dung và nhồi nhét các trang giấy bằng các mẩu tin quảng cáo và chú thích dễ nhìn. Rolling Stone, một thời từng nổi tiếng vì xuất bản những tác phẩm phiêu lưu của các nhà văn như Hunters. Thompson, hiện cũng tránh những tác phẩm như vậy và mang đến cho độc giả một mớ hỗn độn các bài báo và bài phê bình ngắn ngủi. Nhà xuất bản Jann Wenner giải thích: “Thời Rolling Stone xuất bản những câu chuyện dài 7000 từ, Internet vẫn chưa xuất hiện”. Phần lớn các tạp chí phổ biến đều “chứa đầy màu sắc, các tiêu đề quá khổ, hình ảnh, đồ họa và đoạn trích”, Michael Scherer viết trên tờ Columbia Journalism Review. “Trang chữ xám, một thời là trọng tâm của các tạp chí, nay đã hoàn toàn biến mất”.[173]
Thiết kế của các tờ báo cũng đang dần thay đổi. Nhiều tờ báo, bao gồm cả các “cây đại thụ” trong ngành như Wall Street Journal và Los Angeles Times, trong vài năm gần đây cũng cố gắng cắt bớt chiều dài các bài báo và bổ sung thêm nhiều đoạn tóm tắt và công cụ điều hướng để khiến việc đọc qua nội dung trở nên dễ dàng hơn. Một biên tập viên của tờ Times of London cho rằng những thay đổi định dạng trong quá trình thích ứng của ngành báo chí là do “thời đại Internet, thời đại của tiêu đề”.[174] Tháng 3 năm 2008, tờ New York Times thông báo sẽ bắt đầu dành ba trang trong mọi số báo cho các bản tóm tắt dài một khổ và các bài báo ngắn gọn khác. Tom Bodkin, giám đốc thiết kế, giải thích rằng “đường tắt” cho phép những độc giả eo hẹp thời gian có thể nhanh chóng nắm bắt các tin tức trong ngày, giúp họ thoát khỏi phương pháp “kém hiệu quả” khi phải giở qua các trang giấy và đọc bài báo.[175]
Những chiến dịch bắt chước này chưa đặc biệt hiệu quả trong việc khống chế dòng chảy độc giả chuyển từ báo giấy sang báo mạng. Sau một năm liên tục giảm lượng báo phát hành, tờ New York Times đã lặng lẽ từ bỏ phần lớn các tái thiết kế của mình, giảm số lượng bài tóm tắt còn trong một trang giấy của phần lớn các ấn phẩm. Một vài tạp chí nhận ra rằng cạnh tranh với trang web theo phong cách của chính trang web đó là một việc làm không hiệu quả nên đã thay đổi hoàn toàn chiến lược. Các tạp chí này quay lại thiết kế đơn giản hơn, bớt lộn xộn hơn và các bài báo dài hơn. Tờ Newsweek đã “đại tu” các trang trong năm 2009, nhấn mạnh hơn vào các bài tiểu luận và tranh ảnh chuyên nghiệp cũng như sử dụng giấy nặng và đắt tiền hơn. Cái giá phải trả vì đi ngược lại quy ước của trang web là ngày càng mất đi độc giả. Khi ra mắt thiết kế mới, Newsweek cũng thông báo giảm số lượng báo tiêu thụ cam kết với công ty quảng cáo từ 2,6 triệu xuống 1,5 triệu.[176]
Giống như các đối tác in ấn của mình, phần lớn các chương trình truyền hình và phim truyện cũng đang cố gắng trở nên giống trang web hơn. Các mạng lưới truyền hình thêm vào những dòng chữ có thể chạy khắp màn hình và thường xuyên chạy những đồ họa thông tin và quảng cáo pop-up trong thời gian phát sóng. Một số chương trình mới hơn như Late Night With Jimmy Fallon trên kênh NBC, rõ ràng được thiết kế để phục vụ cả khán giả truyền hình và người lướtWeb khi nhấn mạnh vào những đoạn ngắn có thể dùng như các phim trên YouTube. Các công ty cáp và vệ tinh cung cấp các kênh chủ đề cho phép người xem theo dõi nhiều chương trình cùng một lúc, sử dụng điều khiển tivi như một loại chuột máy tính để click chọn giữa các bản nhạc. Nội dung trên Web cũng bắt đầu được cung cấp trực tiếp qua tivi khi các công ty sản xuất tivi hàng đầu thế giới như Sony và Samsung tái thiết kế máy móc của mình để kết hợp Internet và các chương trình phát sóng truyền thống. Các phim trường bắt đầu kết hợp các tính năng của mạng xã hội vào sản phẩm đĩa phim của mình. Với phiên bản Blu-ray của bộ phim Snow White của Disney, người xem có thể chat với người khác trên Internet trong khi đang xem bảy chú lùn hành quân đi làm. Đĩa phim Watchmen tự động đồng bộ với tài khoản Facebook, cho phép người xem trao đổi “nhận xét trực tiếp”về bộ phim với “bạn bè”.[177]Craig Kornblau, chủ tịch Universal Studios Home Entertainment, cho biết phim trường của ông cũng dự định sẽ giới thiệu nhiều tính năng tương tự với mục đích biến việc xem phim trở thành “những trải nghiệm mang tính tương tác”.[178]
Internet bắt đầu thay đổi cách chúng ta trải nghiệm các chương trình biểu diễn cũng như thay đổi việc thu lại các chương trình này. Khi mang một máy tính di động cấu hình mạnh vào rạp chiếu phim hoặc các địa điểm khác tức là chúng ta đang mang theo toàn bộ các công cụ thông tin và nối mạng xã hội hiện có trên trang web. Từ lâu rất nhiều người xem hòa nhạc thường xuyên dùng máy ảnh trên điện thoại di động để thu lại và phát các đoạn phim cho bạn bè. Hiện nay người ta bắt đầu chú ý kết hợp máy tính di động vào các buổi biểu diễn như một cách thu hút một thế hệ mới các khách hàng đã bão hòa với Internet. Trong một buổi biễu diễn Bản giao hưởng đồng quê của Beethoven tại Wolf Trap, bang Virginia vào năm 2009, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia đã gửi một dòng các tweet trên trang Twitter do người chỉ duy dàn nhạc Emil de Cou viết nhằm giải thích một số hợp âm của Beethoven.[179]Dàn nhạc giao hưởng Indianapolis và New York Philharmonic cũng bắt đầu khuyến khích thính giả sử dụng điện thoại bình chọn qua tin nhắn để diễn lại chương trình. Một thính giả bình luận sau buổi biển diễn mới đây của Philharmonic: “Điều đó thể hiện sự chủ động hơn là chỉ ngồi và nghe nhạc”.[180] Ngày càng có nhiều nhà thờ ở Mỹ khuyến khích các giáo dân mang laptop và điện thoại thông minh khi đi lễ để trao đổi các thông điệp đầy cảm hứng qua Twitter và các dịch vụ tiểu blog khác.[181]Eric Schmidt, giám đốc điều hành của Google, xem sự kết hợp mạng xã hội và các sự kiện sân khấu cũng như các sự kiện khác như một cơ hội kinh doanh mới mẻ cho các công ty Internet. Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy mọi người dùng Twitter ở khắp mọi nơi khi đang xem kịch và bận rộn bàn tán về vở kịch trong khi vở kịch vẫn đang tiếp diễn”.[182] Máy tính nối mạng sẽ sớm can thiệp vào cả những trải nghiệm trong thế giới thực của chúng ta.
Tại bất kỳ thư viện nào chúng ta cũng có thể nhận thấy cách Internet đang tái định hình kỳ vọng của chúng ta về truyền thông. Mặc dù chúng ta không cho rằng thư viện là công nghệ truyền thông nhưng đúng là vậy. Trên thực tế, thư viện công cộng là một trong những phương tiện truyền thông thông tin quan trọng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất – và chỉ thật sự mở rộng sau cuộc đổ bộ của các ấn phẩm có thể di chuyển và đọc trong im lặng. Thái độ và ưu đãi của một cộng đồng dành cho thông tin phụ thuộc chặt chẽ vào dịch vụ và thiết kế của thư viện. Trước đây thư viện công cộng là một ốc đảo sách vở thanh bình nơi mọi người có thể tìm kiếm trên những giá sách sắp xếp ngăn nắp hoặc ngồi trong phòng đọc yên tĩnh. Thư viện ngày nay hoàn toàn khác. Truy cập Internet nhanh chóng trở thành dịch vụ phổ biến nhất trong thư viên. Theo những điều tra mới đây của Hiệp hội thư viện Mỹ, 99% các thư viện công cộng ở Mỹ cung cấp dịch vụ truy cập Internet và trung bình một thư viện có 11 máy tính. Hơn ba phần tư trong số đó còn có mạng không dây cho các thành viên sử dụng.[183] Âm thanh chủ đạo của một thư viện hiện đại là tiếng bàn phím chứ không phải tiếng giở sách.
Kiến trúc của Trung tâm thư viện Bronx, một trong số những chi nhánh mới nhất của Thư viện công cộng New York, là minh chứng cho vai trò thay đổi của thư viện. Ba nhà tư vấn quản lý đã viết trên nhật báo Strategy & Business khi mô tả bố cục của tòa nhà như sau: “Trên bốn sàn nhà chính của thư viện có giá sách đặt tại các góc, dành nhiều không gian ở giữa cho những chiếc bàn đặt máy tính, phần lớn đều có kết nối Internet băng thông rộng. Những người dùng máy tính đều còn trẻ và không nhất thiết sử dụng vì mục đích học hành – ở chỗ này một người đang tìm kiếm ảnh Hannah Montana trên Google, chỗ khác một người đang cập nhật trang Facebook và xa hơn, một vài trẻ em đang chơi điện tử, chẳng hạn trò The Fight for Glorton. Các nhân viên thủ thư trả lời câu hỏi, tổ chức các cuộc đấu game trực tuyến và không yêu cầu mọi người phải giữ im lặng”.[184]Các nhà tư vấn đều lấy Bronx làm ví dụ về cách các thư viện nhìn xa trông rộng cố giữ “mối liên hệ” với độc giả bằng cách “khởi xướng những thiết bị kỹ thuật số mới để đáp ứng nhu cầu của người dùng”. Kiến trúc của thư viện cũng là biểu tượng mạnh mẽ về quang cảnh phương tiện truyền thông mới của chúng ta: ở trung tâm là màn hình máy tính có kết nối Internet, những văn bản in ấn bị đẩy ra bên lề.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.