Đứng Dậy Mạnh Mẽ

8. VƯƠN LÊN



Hãy phát triển một nền tảng tinh thần để giúp bạn bình yên và mạnh mẽ.
Khi còn nhỏ, tôi không thể hiểu tại sao Chúa lại để tôi sinh ra trên đời này trong tình trạng không chân, không tay.
Mọi người nói với tôi rằng “Chúa không phạm sai lầm đâu” và rằng Người yêu tất cả những đứa con của người, nhưng tôi không thể dung hòa ý kiến đó với những khuyết tật của mình được.
Trong suốt những năm dài tôi đã cầu xin Chúa cho tôi chân tay, nếu không, chí ít cũng cho tôi điều gì đó giúp tôi hiểu được kế hoạch của Người dành cho tôi. Một hôm tôi mở cuốn Kinh Thánh để tìm câu trả lời và tôi tìm thấy đoạn John 9:1-3, đoạn Kinh đã thực sự làm thay đổi cuộc đời tôi.
Đoạn Kinh Thánh đó nói rằng Chúa Jesus gặp một người đàn ông bị mù bẩm sinh. Một trong những tông đồ của Người hỏi: “Ai có tội, người đàn ông này hay cha mẹ ông ta, mà người này phải chịu cảnh mù lòa như vậy?” Tôi cũng đã bị đeo bám bởi chính câu hỏi đó. “Cha mẹ tôi đã làm điều gì khiến Chúa nổi giận chăng? Tôi sinh ra không có chân có tay là hình phạt mà cha mẹ tôi phải chịu ư? Hay bản thân tôi bị trừng phạt vì lý do nào đó?”
Khi tôi đọc đoạn tiếp theo trong Kinh Thánh, tôi ớn lạnh. Quả thực, nó làm tôi bối rối. Cứ như thể tôi cũng bị mù nhưng sau đó lại được làm cho sáng mắt trở lại.
Chúa Jesus đã trả lời câu hỏi của tông đồ về người đàn ông mù như sau: “Cả người đàn ông này và cha mẹ của anh ta đều không có tội, nhưng điều này xảy ra để công việc của Đức Chúa được hiển lộ qua anh ta.”
Từ đó trở đi tôi tin rằng Chúa tạo ra tôi trên đời này là có chủ đích. Khi đó tôi có thể chưa hiểu được một cách đầy đủ mục đích đó là gì, nhưng tôi có niềm tin sâu sắc rằng kế hoạch của Ngài là một ngày nào đó sẽ mang đến cho tôi một phép màu, hoặc sẽ thực hiện các phép màu thông qua tôi.
Việc tìm được đoạn Kinh Thánh về người đàn ông mù đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi bằng cách thay đổi thái độ của tôi. Vậy nên khi tôi bắt đầu gặp vấn đề với những kẻ bắt nạt, tôi lại mở Kinh Thánh để tìm câu trả lời. Tôi tìm thấy hai đoạn kinh dường như có đưa ra một số cách phản ứng khác nhau trước sự bắt nạt.
Trong một câu chuyện quen thuộc, Chúa Jesus có nói chúng ta nên đưa cả má bên kia(1) khi gặp những người xấu làm chúng ta tổn thương. Thế nhưng, sau đó, trong đoạn Kinh John 18:19-23 Chúa đã không làm như thế khi một tên lính tát vào mặt Người vì Người đã công khai kháng cự viên thượng tế.
(1) Nguyên văn lời dạy của Chúa: Nếu ai tát má bên phải của con thì hãy đưa má bên kia cho họ nữa.
Sau khi bị tát, Chúa Jesus phản ứng bằng sự phản kháng mạnh mẽ hơn: “Nếu tôi đã nói sai thì các người hãy chứng minh xem điều gì sai nào,” Người nói. “Nhưng nếu tôi nói sự thật, thì tại sao các người lại đánh tôi?”
Trong trường hợp này, Chúa dường như đã thể hiện sự đối đầu, hỏi tên lính tại sao lại đánh Người. Chúa Jesus đã không làm ngơ, nhưng người đã không đánh lại kẻ đã đánh mình. Điều tôi rút ra được từ tình huống này là chúng ta có thể bảo vệ mình trước sự bắt nạt mà không tìm kiếm cái gọi là “nợ máu phải trả bằng máu.”
Vài năm sau, khi tôi đương đầu với một kẻ bắt nạt ở trường học, kẻ đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên khổ sở, tôi đã thấm thía bài học này. Tôi đã chia sẻ câu chuyện đó trong cuốn sách thứ hai, cuốn Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng. Thật chẳng dễ để kể câu chuyện đó trong cuốn sách ấy, và đó cũng là lần đầu tiên tôi chia sẻ nó một cách công khai.
Tôi cũng chẳng muốn kể lại chuyện đó ở đây đâu, nhưng các bạn ở tuổi mới lớn có thể rút ra được điều gì đó từ sự đau khổ mà kẻ bắt nạt tên là Andrew đã gây ra cho tôi. Câu chuyện này đặc biệt thích hợp khi chúng ta bàn về vai trò của niềm tin trong việc đương đầu với những kẻ bắt nạt và những thách thức khác trong cuộc sống, và đó cũng là một lý do nữa khiến tôi chia sẻ nó ở đây.
Phòng khi bạn chưa đọc cuốn sách thứ hai của tôi, tôi sẽ kể lại nó một cách vắn tắt, nhưng bạn nên biết rằng điều mà Andrew đã nói hết lần này đến lần khác để làm tôi tổn thương hơi thô, vậy nên nếu bạn cảm thấy khó chịu thì bạn có thể bỏ qua đoạn này để đọc đoạn tiếp theo.
Tôi biết sự bắt nạt của Andrew không phải là hình thức bắt nạt tồi tệ nhất bởi vì cậu ta chưa bao giờ chạm tay vào người tôi, nhưng hồi đó tôi đã sống trong nỗi sợ gặp phải cậu ta ở hành lang – ấy vậy mà ngày nào tôi cũng giáp mặt với cậu ta ở trường ít nhất một lần.
Cậu ta lớn hơn tôi một tuổi và hoàn toàn có khả năng cậu ta không nghĩ mình là một kẻ bắt nạt. Điều đó cũng thường thấy ở một số kẻ bắt nạt. Họ nghĩ họ chỉ đùa hoặc trêu chọc ai đó cho vui thôi, nhưng những người phải nhận những lời trêu đùa lại cảm thấy bị tổn thương, lúng túng và sợ hãi.
Bạn hãy nhớ điều đó nếu bạn nhận thấy mình đã từng “chỉ đùa” một ai đó, người không sẵn sàng tiếp nhận sự hài hước của bạn.
Bạn có thể không biết được rằng “chỉ đùa” thôi, bạn đã vô tình trở thành kẻ bắt nạt bởi vì bạn thiếu nhạy cảm và không thể biết được điều gì mình nói có thể gây tổn thương cho người khác. Ai cũng có những điều nhạy cảm. Bạn có thể nghĩ việc trêu đùa về mái tóc quăn của một cô gái là một việc rất vui, nhưng có thể cô gái đó lại cảm thấy những gì bạn nói thật tồi tệ, gây tổn thương.
Vậy nên nếu bạn trêu đùa ai đó và họ không cười hoặc trông họ có vẻ bị tổn thương thì xin hãy dừng ngay sự trêu đùa đó lại!
Andrew đã không dừng lại. Cậu ta vẫn tiếp tục hành hạ tôi.
Trong khoảng hai tuần, mỗi lần nhìn thấy tôi ở trường, cậu ta lại hét lên một câu khiến tôi tổn thương ghê gớm: “Nick không có c-!”
Nếu bạn trêu đùa ai đó và họ không cười hoặc trông họ có vẻ bị tổn thương thì hãy dừng ngay sự trêu đùa đó lại
Sự trêu chọc của cậu ta thô tục, tầm thường, gây tổn thương mặc dù những gì cậu ta nói không phải là sự thật. Tôi biết đó không phải là sự thực, nhưng tất nhiên không ai khác ở trường biết.
Không có chân không có tay còn chưa đủ tệ, chưa đủ khó khăn cho tôi hay sao? Tại sao Andrew phải đi loanh quanh nói như thế?
Sự trêu chọc của cậu ta có vẻ như cực kỳ tàn nhẫn. Nó cũng khiến tôi khó chịu bởi những đứa trẻ khác cười ồ lên khi cậu ta nói như vậy. Hồi đó, tôi đã có một nhóm bạn khá thân. Hầu hết các học sinh trong trường đều biết tôi, và tôi hòa hợp gần như với tất cả mọi người. Thế nhưng không ai bênh vực tôi hết, và điều đó dường như cũng tàn nhẫn đối với tôi.
Mỗi buổi sáng, chỉ cần nghĩ đến việc đi học và chạm trán với Andrew ở hành lang tôi đã thấy chán lắm rồi. Tôi cố tránh cậu ta nhưng lịch học của chúng tôi dường như luôn đặt chúng tôi vào cùng một đường, cùng một thời gian.
Cuối cùng, tôi quyết định rằng tôi phải làm một điều gì đó bởi vì Andrew có vẻ như không có khả năng dừng việc trêu chọc tôi.
Cậu ta giống như một con vẹt chỉ được dạy nói mỗi một câu và cậu ta cứ nhắc đi nhắc lại câu đó hết lần này đến lần khác. Vậy là một hôm, thay vì cố tránh cậu ta ở hành lang, tôi đã lái xe lăn đến thẳng trước mặt cậu ta.
Sự sợ hãi hiện lên trong mắt Andrew trong khoảng một giây. Có lẽ cậu ta nghĩ xe lăn của tôi được trang bị một máy phóng tên lửa. Thật tuyệt! (Tất nhiên tôi không ủng hộ bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.)
“Tại sao cậu lại làm điều đó?” Tôi nói với Andrew.
“Làm gì cơ?” cậu ta đáp.
“Tại sao cậu lại trêu chọc tôi, tại sao cậu lại nói như thế?”
“Điều đó làm cậu khó chịu à?”
“Đúng vậy, mỗi lần cậu nói câu đó, tôi đều bị tổn thương.”
“Tôi không biết điều đó. Tôi chỉ đùa thôi mà. Tôi xin lỗi.”
Tôi nhìn mặt cậu ta trong một vài phút để chắc chắn rằng cậu ta nói thật lòng. Quả thực, chắc hẳn tôi sẽ không biết phải làm gì nếu như cậu ta bảo tôi cút đi và tiếp tục trêu chọc tôi.
Nhưng điều tôi nói sau đó dường như có sự tác động lớn hơn bất cứ điều gì khác tôi có thể nghĩ ra được để nói.
“Tôi tha thứ cho cậu,” tôi nói.
Tôi nghĩ Andrew không ngờ tôi lại nói điều đó. Cậu cúi đầu một lát. Tôi muốn nghĩ rằng cậu cảm thấy xấu hổ, hay chí ít cũng hối hận vì đã làm tôi tổn thương. Sau đó cậu ta bước ra khỏi cuộc sống của tôi và không bao giờ trêu chọc tôi nữa.
Nếu bạn đã từng bị bắt nạt giống như thế, có lẽ bạn biết cảm giác của tôi lúc ấy. Đó là một cảm giác nhẹ nhõm khó tả. Tôi thực sự cảm thấy như cơ thể mình vừa mới nhận được hai buồng phổi mới tinh khiến tôi thở thật dễ dàng, thoải mái. Mức độ căng thẳng của tôi giảm một cách đột ngột. Không còn những buổi sáng đầy sợ hãi trước giờ đến trường nữa.
Tôi tạ ơn Chúa vì đã dẫn dắt tôi. Tôi cảm thấy khá hơn về bản thân mình. Tôi là David. Andrew là Goliath (2). Chí ít đó cũng là cách tôi cảm nhận trong việc đối mặt với kẻ quấy rầy đó. Tôi không hẳn là đã “đưa má còn lại”. Thay vì thế, tôi đã nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt mình và nói rằng cậu ta đã làm tôi bị tổn thương và yêu cầu cậu ta dừng hành động đó lại.
(2) David và Goliath là những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.
Theo thần thoại Hy Lạp David là chàng thiếu niên dũng cảm của Israel đã chiến thắng người khổng lồ man rợ Goliath trong một cuộc đấu khốc liệt.
Cách đó có tác dụng đối với tôi trong trường hợp với kẻ bắt nạt đó; tôi không thể đảm bảo rằng nó có tác dụng với tất cả mọi người trong mọi trường hợp. Trong chương sau tôi sẽ đưa ra một số cách khác để đương đầu với những kẻ bắt nạt. Bây giờ điều tôi muốn nói là dù niềm tin của bạn là gì, bạn đều có thể hướng tới nó để tìm sự dẫn dắt và sức mạnh khi bạn đương đầu với những thách thức của cuộc sống.
SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
Tôi biết ơn vì Chúa đã mở ra những cơ hội chưa từng thấy để tôi có thể nói chuyện ở những nơi mà, nếu không, vẫn đóng cửa với hoạt động truyền giáo. Tôi đã cố gắng hết sức để những đặc ân dành cho tôi trở nên hữu ích nhất bằng cách khích lệ tất cả những người đàn ông, đàn bà, trẻ em bộc lộ tình yêu của mình với Đức Chúa Jesus. Tôi đã cho họ thấy rằng một người không chân, không tay cũng có thể sống một cuộc đời vui vẻ và hạnh phúc thông qua Đức Chúa.
Tôi có thể sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nhờ niềm tin của mình, và bạn cũng có thể. Tôi biết điều đó bởi vì nhiều người đã đến gặp tôi kể về sức mạnh của Chúa trong cuộc đời của họ và mỗi ngày tôi đều nhận được những bức thư giống như bức thư này của một phụ nữ trẻ ở châu Phi:
“Sau khi tôi biết về Nick và được thấy anh bằng xương bằng thịt khi anh đến thăm nhà thờ của chúng tôi… tôi đã nghĩ về tất cả những cái cớ của mình trong cuộc đời. Tôi sinh ra với một đôi mắt nhỏ tí và vì thế mà ở trường tôi bị trêu chọc. Tôi luôn cảm thấy bất an và bất hạnh. Bây giờ tôi sống một cuộc sống mãn nguyện trong Chúa Jesus mà không có một cái cớ nào hết. Tôi nguyện cầu rằng những thông điệp của Nick sẽ đến được với những nơi tận cùng thế giới để thay đổi cách nghĩ của chúng ta và cho phép chúng ta sống cuộc đời mãn nguyện. Tôi phó mình
cho Chúa sử dụng để truyền lòng nhân từ của Người tới tất cả những trái tim đau khổ, mang nụ cười đến cho những gương mặt, mang hy vọng đến cho những trái tim!”
Những bức thư như thế giúp nhắc nhở tôi rằng tôi có một mục đích sống trên đời này, và bạn cũng vậy. Nhiều nạn nhân của nạn bắt nạt đã viết thư cho tôi nói rằng niềm tin đã giúp họ. Tôi đã nhận được thư của những em ở tuổi mới lớn đang phải đấu tranh với bệnh tật, khuyết tật, sự đổ vỡ trong gia đình, sự nghiện ngập và các vấn đề khác. Tất cả các em đều có những câu chuyện chân thực cho thấy sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống.
Một em trai mười sáu tuổi ở vùng Scandinavia, người cũng có gốc gác Serbia như tôi, đã viết thư cho tôi kể rằng việc cầu nguyện đã giúp em vượt qua được chứng trầm cảm và chiến thắng ý nghĩ muốn tự sát: “Bất cứ khi nào em gặp khó khăn, em lại tự an ủi mình rằng Chúa yêu thương em và có một kế hoạch dành cho em,” em trai đó viết. “Niềm tin của em giờ đây mạnh hơn trước nhờ có anh và giờ đây em cũng biến niềm tin của mình thành những hành động cụ thể.”
BỊ BẮT NẠT BỞI NHỮNG KỲ VỌNG
Như tôi đã lưu ý ở phần đầu của chương này, một số hình thức bắt nạt khủng khiếp nhất là những kiểu bắt nạt có liên quan đến văn hóa và chính trị. Khi tôi đi khắp thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Á, tôi đã gặp nhiều em ở tuổi mới lớn bị bắt nạt bởi những kỳ vọng của người khác, trong đó có các bậc phụ huynh và các nhà lãnh đạo chính phủ. Tôi đã được mời đến nói chuyện với các em ở tuổi mới lớn tại những nước đó bởi vì tỉ lệ người trẻ mắc chứng trầm cảm và tỉ lệ tự vẫn ở đó quá cao. Tôi thường khuyến khích các em hướng tới Chúa để tìm sự giúp đỡ trong những tình huống này và nhiều em đã viết cho tôi khẳng định rằng niềm tin đã cứu sống các em.
Camellia là một trong số những em đó. Cô bé ấy lớn lên ở nơi chỉ có một phần nhỏ dân số theo đạo Cơ Đốc và có ít cơ hội để biết về Chúa. Em không biết chút gì về người Cơ Đốc giáo, nhưng ở tuổi mới lớn, em nghe nói rằng Kinh Thánh là sách bán chạy số 1 trên thế giới và điều đó khiến em tò mò. Điều gì đã khiến Kinh Thánh trở nên nổi tiếng như vậy?
Vậy là em đọc Kinh Thánh và em được truyền cảm hứng bởi sức mạnh của Chúa Jesus và tình yêu của Người dành cho nhân loại, nhưng Camellia vẫn không thể tìm được đức tin để tin rằng trên đời này có Chúa. Em dành những năm của tuổi mới lớn làm những gì mà người khác kỳ vọng ở mình, cố gắng đạt điểm cao ở trường. Mặc dầu vậy, khi em bước vào giai đoạn cuối của tuổi mới lớn em cảm thấy trống rỗng. Em cảm thấy mình luôn sống theo những kỳ vọng của người khác, làm theo những gì mà người khác bảo em nên làm mà không nghĩ đến những gì em thực sự muốn.
Sự chăm chỉ của Camellia đã được đền đáp và em đang trên đường hướng tới một cuộc sống thành công mà cha mẹ em muốn, nhưng em cảm thấy mất mát, buồn chán. Giống như nhiều người trẻ tuổi, Camellia cảm thấy mình bị bắt nạt với những kỳ vọng mà người khác đã đặt ra cho em. Em muốn chọn con đường riêng của mình trong cuộc đời, và em muốn khám phá sâu hơn những câu hỏi của mình về sự tồn tại của Chúa.
Không có gì ngạc nhiên khi em cảm thấy mất mát.
“Tại sao mình không thể tìm được chính bản thân mình?” Em nhớ đã hỏi bản thân mình như vậy. “Tại sao mình không thể tìm được hướng đi của mình? Mình thực sự muốn gì? Mình dùng toàn bộ thời gian của cuộc đời mình chỉ để làm những gì mà người khác cho là thành công sao?”
Camellia bị mắc chứng trầm cảm và đã nghĩ đến chuyện tự tử, như em tâm sự, “bởi vì em không biết mình tồn tại trên đời này để làm gì.”
Đúng vào thời điểm Camellia bị trầm cảm, trường đại học dành cho em cơ hội đi du học ở New Zealand một năm.
“Em đã quyết định đi, không chần chừ bởi vì em biết đây là cơ hội cuối cùng mà em có thể nắm bắt để thay đổi cuộc đời mình theo hướng khác,” em viết trong bức thư em gửi tới cho trang web Life Without Limbs.
Ở New Zealand mọi người đều có thể truy cập trang chia sẻ video trên mạng Internet này, và trong thời gian học ở New Zealand, Camellia đã phát hiện ra một trong những video của tôi. Em nói sự minh chứng về niềm tin của tôi đã chạm tới trái tim em và truyền cảm hứng để em đọc Kinh Thánh trở lại. Em cũng tham dự một sự kiện mà Greg Laurie, một người bạn của tôi, điều hành ở New Zealand, một sự kiện cho phép em gặp gỡ những người Cơ Đốc giáo và em bị gây ấn tượng bởi những người đó cũng như niềm tin của họ.
Ít lâu sau Camellia đã hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa. Em bắt đầu tham gia sinh hoạt tại một nhà thờ Baptist và gia nhập một cộng đồng Cơ Đốc giáo ở đó. Em quyết định ở lại New Zealand, nơi em tạo dựng được “một cuộc sống hạnh phúc chưa từng có”.
“Tôi chỉ muốn nói rằng nếu không có Chúa thì ngày hôm nay tôi đã không có cuộc sống hạnh phúc. Tôi thật mừng vì Chúa đã chọn tôi làm môn đệ của Người,” Camellia đã viết trên blog của mình.
Người phụ nữ trẻ này đã vượt qua nhiều trở ngại để kiểm soát cuộc sống và theo đuổi những ước mơ của mình. Em đã làm điều này trong cuộc hành trình của niềm tin. Giờ đây em đã chia sẻ may mắn của mình bằng cách chỉ cho những người khác thấy con đường đó. Camellia là một trong nhiều người trẻ tuổi mà tôi từng gặp đã mang đến cho tôi niềm hy vọng rằng thế giới này sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn, giàu tình yêu thương và niềm tin hơn, nơi sự bắt nạt và áp bức sẽ không còn tồn tại nữa. Tôi cảm thấy biết ơn vì em đã chia sẻ câu chuyện của mình với chúng ta và tôi hy vọng nó cũng truyền cảm hứng cho bạn thật nhiều như nó đã truyền cảm hứng cho tôi.
Một lần nữa, tôi khuyến khích bạn sử dụng niềm tin để bảo vệ mình trước những kẻ bắt nạt và những kẻ áp bức khác ở mọi mức độ. Hãy làm giống như tôi đã làm trong các chuyến đi của tôi.”
Lưu ý của Nick cho chương 8:
– Niềm tin là một điều tuyệt vời, nhưng nó chỉ tuyệt vời nếu bạn sử dụng nó. Vậy nên hãy tin ở Chúa, hãy biến niềm tin thành hành động trong cuộc sống của bạn và trong việc phục vụ người khác.
– Niềm tin là tấm khiên bảo vệ đầy hiệu quả chống lại những kẻ bắt nạt và những thách thức khác trong cuộc sống vậy nên hãy luôn ý thức rằng bạn có thể “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời để cầu xin sức mạnh và sự giúp đỡ từ Người”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.