Đứng Dậy Mạnh Mẽ

2. HÃY TRỞ THÀNH CƠN ÁC MỘNG CỦA NHỮNG KẺ BẮT NẠT



Hãy xác định mình là ai để không kẻ bắt nạt nào có thể nói khác đi về bạn.
Gã đó đã say khướt. Tôi và vợ tôi đang bơi trong bể bơi của một khu nghỉ mát trong một chuyến đi du lịch bằng đường bộ. Gã cứ chằm chằm nhìn tôi. Thoạt đầu tôi không thể nghe được những gì gã đó nói bởi vì giọng của gã lè nhè, nhưng tôi biết đó chẳng phải là những lời hay ho gì. Khi gã tới gần, nỗi sợ trong tôi được xác nhận. Gã chỉ vào mẩu chân nhỏ của tôi khi tôi ngồi trên thành bể bơi. Gã nói những lời lỗ mãng về mẩu chân và thân hình của tôi. Sau đó gã quấy rầy tôi bằng những câu hỏi gây khó chịu rõ ràng có ý coi khinh tôi và làm cho tôi lúng túng.
Rõ ràng, gã đã tự biến mình thành kẻ lố bịch. Chẳng cần sự giúp đỡ của tôi, gã đã trở thành một tên ngốc rồi, vậy nên tôi giữ im lặng và để mặc gã tự chuốc mệt vào thân. Vài phút sau gã lảo đảo đi vào trong khách sạn. Tôi cầu nguyện cho gã. Tôi quả thực đã làm vậy. Tôi cầu cho gã đâm sầm vào cửa kính!
(Tôi đùa thôi)
Khi tôi buộc phải đương đầu với những kẻ bắt nạt, tôi cố gắng xử sự như Chúa Jesus. Chúa Jesus là ví dụ cực kỳ sinh động về một người bị kẻ khác bắt nạt vì niềm tin tôn giáo của Người. Tuy nhiên, Chúa rất điềm tĩnh, và Người không bao giờ sử dụng sức mạnh của Người để tấn công lại những kẻ bắt nạt. Tôi dám chắc rằng nếu muốn Người hoàn toàn có thể hạ gục những kẻ hành hạ mình trong nháy mắt. Thay vì làm thế, Người đương đầu với những kẻ bắt nạt như đối xử với tất cả mọi người – đối xử bằng lòng trắc ẩn bắt nguồn từ tình yêu thương và sự cứu rỗi.
Trước kia không phải lúc nào tôi cũng được mạnh mẽ như vậy.
Những trải nghiệm với những kẻ bắt nạt thường để lại trong tôi cả cảm giác sợ hãi lẫn nỗi tức giận, ấy là chưa kể đến cảm giác buồn phiền, lo lắng, căng thẳng và chán nản.
Khi tôi trở thành người lớn, tôi được trang bị tốt hơn để vượt lên sự bắt nạt. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng kẻ bắt nạt tôi ở bể bơi đã khiến tôi bực mình. Gã làm cho tôi cảm thấy khó chịu, cũng như gã đã làm tất cả những ai có mặt ở quanh bể bơi cảm thấy khó chịu vì cái vẻ huênh hoang của một kẻ say rượu.
Gã đó đã khiến tôi cảm thấy xấu hổ hoặc bất an hay chán nản chăng?
Không hề! Bạn thấy đấy, tôi có sự phòng vệ tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể có khi phải đương đầu với những kẻ bắt nạt, và trong cuốn sách này tôi sẽ chia sẻ với bạn những cách phòng vệ đó.
Bước đầu tiên trong việc tự xây dựng hệ thống phòng vệ là giúp bạn xác định rõ mình là ai để không kẻ bắt nạt nào và không ai có thể nói khác đi về bạn hoặc xúc phạm bạn.
TỰ NHẬN THỨC VỀ BẢN THÂN MÌNH
Đây là một bài học mà khó khăn lắm tôi mới học được. Khi còn nhỏ, tôi đã để cho những lời chế giễu của những kẻ bắt nạt bám nhằng nhẵng lấy mình như đỉa đói. Tôi giả vờ ốm để có thể nghỉ học và khỏi phải đương đầu với những kẻ đó.
Khi đến trường, tôi nấp trong những bụi cây để chúng không tìm thấy tôi. Tôi rất dễ bị tổn thương và những kẻ bắt nạt đã lợi dụng điểm yếu đó để hành hạ tôi. Có rất nhiều câu hỏi mà tôi không thể trả lời, trong đó có câu hỏi lớn này: Nếu Chúa yêu tất cả những đứa con của mình, thì tại sao Người lại tạo ra tôi với nhiều khiếm khuyết như vậy?
Hầu hết những đứa trẻ ở tuổi tôi lo lắng rằng mũi của mình quá to, hoặc những cái mụn trên mặt mình sẽ không bao giờ biến mất. Tôi đã từng thức trắng đêm trong nỗi khổ sở khi tôi nghĩ đến những khiếm khuyết về thân thể của mình: Chúa không thể ban cho con đôi tay, hoặc chí ít là đôi chân, hoặc chỉ một cánh tay hoặc một bên chân ư? Tại sao Người lại để con sinh ra trên đời này mà không có chân tay gì hết? Người để con sinh ra như thế nhằm mục đích gì chứ? Làm thế nào con có thể sống nổi trong một thế giới dành cho những người có chân, có tay đây?
Sự hoài nghi dai dẳng về giá trị của bản thân và về tương lai của tôi bị những kẻ bắt nạt làm cho trở nên trầm trọng hơn. Chúng nói những lời hèn hạ, xấu xa với tôi, đem tôi ra chế giễu, hoặc xa lánh tôi như thể tôi không phải là một con người. Tất cả những điều đó đè nặng lên tâm trí tôi đến nỗi đã có lúc tôi muốn tự tử.
Đã vài lần tôi muốn gieo mình xuống khỏi rìa tường hoặc mép bàn cao.
Cuối cùng, hồi tôi gần mười tuổi, tôi đã cố tự tử bằng cách dìm mình trong bồn tắm. Tôi để đầu mình chìm xuống nước và nín thở trong một khoảng thời gian, nhưng tôi đã không thể tự kết thúc đời mình. Lúc đó, khi tôi cận kề cái chết, tôi thấy trong đầu mình hiện lên hình ảnh cha mẹ tôi, em trai và em gái tôi khóc vật vã trong đám tang của tôi. Tôi không thể chịu đựng nổi khi nghĩ đến việc những người thân của mình phải đau buồn hay khổ sở vì tôi. Đó đâu phải là lỗi của họ, những người đã yêu thương tôi hết lòng; làm sao tôi có thể gây ra cho họ nỗi đau ấy?
Ngày hôm đó, tôi quyết định rằng tự tử không phải là một sự lựa chọn. Thỉnh thoảng, cảm giác muốn hủy hoại mình vẫn xuất hiện, nhưng ngày qua ngày, chúng mờ nhạt dần. Tuy nhiên, bằng chính kinh nghiệm của bản thân, tôi biết rằng những kẻ bắt nạt có thể đẩy bạn đến bên bờ tuyệt vọng. Tôi hiểu những cảm giác đó.
Nếu bạn cảm thấy buồn nản và có ý nghĩ muốn tự hủy hoại bản thân hoặc muốn tự tử, thì xin đừng cho phép một kẻ bắt nạt cướp đi niềm vui sống và sự khao khát được sống của bạn. Tại sao chúng ta lại trao cái quyền này cho người khác chứ?! Đừng để những kẻ bắt nạt tước đi cuộc sống tuyệt vời mà Đấng Sáng Tạo để dành cho bạn ở phía trước.
CUỘC SỐNG TỐT ÐẸP HƠN ÐANG ÐỢI BẠN Ở PHÍA TRƯỚC
Nếu tôi để cho việc bị bắt nạt đẩy mình đến chỗ tự kết thúc cuộc đời, thì tôi sẽ bỏ lỡ mất một cuộc sống tràn đầy niềm vui và tình yêu mà thậm chí có nằm mơ tôi cũng không dám mơ tới. Tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội kết hôn với tình yêu của cuộc đời mình, ấy là chưa kể đến niềm hạnh phúc được làm cha! Nếu tôi cho phép sự bắt nạt đẩy mình đến kết cục đó, thì tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội gặp gỡ và khích lệ triệu triệu người trên khắp thế giới.
Bạn và tôi không thể biết những điều tuyệt vời nào có thể đang đợi chúng ta ở phía trước. Chỉ Đấng Sáng Tạo mới biết điều gì đang đợi chúng ta ở phía trước. Có thể hiện thời bạn đang phải đối mặt với thách thức, thất bại. Có thể một kẻ bắt nạt nào đó đang khiến cho cuộc sống của bạn trở nên bất hạnh. Đó là một cảm giác đáng ghét, tôi biết. Nhưng tôi có thể giúp bạn. Bạn có thể vượt qua chuyện này. Những ngày tốt đẹp hơn vẫn còn ở phía trước và chắc hẳn bạn không muốn bỏ lỡ những ngày tốt đẹp đó, đúng không nào?
Tất cả chúng ta ai cũng có những thách thức dành cho mình. Có thể những thách thức của bạn còn lớn hơn của tôi nhiều. Tôi sinh ra không có chân, không có tay, nhưng ở nhiều khía cạnh khác, tôi lại là người may mắn. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có khả năng vượt qua thách thức nhờ sự quyết tâm của bản thân và sự giúp đỡ của Đấng Sáng Tạo. Hãy nhớ rằng bạn có thể cảm thấy mình không có đủ sức mạnh để đương đầu với thách thức nhưng Đấng Sáng Tạo thì có.
Tôi không có chân, không có tay, nhưng tôi không ngừng cố gắng và tôi đã vượt qua nhiều giông bão khắc nghiệt của cuộc đời. Tôi đã đương đầu với những kẻ bắt nạt mình từ khi tôi còn bé cho đến bây giờ. Thậm chí khi tôi đã có vợ, có con tôi vẫn phải đương đầu với những kẻ bắt nạt. Tôi đã học được cách đương đầu với những kẻ đó, chủ yếu bằng cách kiểm soát phản ứng của mình đối với những kẻ đó và bằng cách xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc để bảo vệ mình khỏi những kẻ bắt nạt.
Bạn cũng có thể học để làm được như tôi. Bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm của mình, tôi muốn giúp bạnmột tay (Khiếu hài hước có thể cũng có ích đấy!) Trong những năm ở tuổi mới lớn, đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể học đại học, không thể tự kiếm sống, không thể đóng góp gì cho đời. Tôi đã nghĩ rằng không người con gái nào có thể yêu tôi, và rằng tôi sẽ không bao giờ có thể làm cha, có thể ôm con mình vào lòng
Tôi đã lầm, đã lầm, đã lầm! Những kẻ bắt nạt, những kẻ đã nói những điều kinh khủng với tôi đã lầm và tôi đã lầm. Cuộc sống của tôi – cuộc sống dường như đã rất tối tăm, u ám trong một thời gian dài vì bị bắt nạt và những nỗi bất an – giờ đây đã trở nên tuyệt vời, thực sự tuyệt vời!
Ngày đó có nằm mơ tôi cũng không dám mơ đến những gì mà Đấng Sáng Tạo ấp ủ cho tôi, một người không có chân, không có tay từ khi lọt lòng mẹ. Bạn cũng vậy, bạn không thể tưởng tượng được kế hoạch mà Đấng Sáng Tạo dành cho bạn đâu. Tôi cho rằng chúng ta nên kiên trì hướng tới những điều tốt đẹp hơn đang đợi chúng ta ở phía trước.
BIẾN TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC
Có thể một kẻ bắt nạt nào đó chế giễu bạn vì bạn thấp bé nhẹ cân, cao kều, gầy nhom hoặc “khác” những người khác ở một điểm nào đó. Tôi đã biết được rằng những điều khiến chúng ta cảm thấy mình “khác biệt” có thể lại là tài sản lớn nhất của chúng ta.
Tôi biết rằng bị người khác chê bai hoặc xa lánh buồn lắm chứ.
Tuy nhiên, việc trải nghiệm nỗi buồn đó cũng có thể giúp bạn trở thành một con người giàu lòng biết ơn, giàu lòng trắc ẩn, thấu hiểu và cảm thông với người khác hơn.
Bạn có thể đã nghe câu châm ngôn này – hoặc thậm chí đã nghe ca khúc của Kelly Clarkson trong đó có câu này: “Điều gì không thể khuất phục được bạn sẽ chỉ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn mà thôi.” Trong những ngày tồi tệ của mình, tôi đã nghĩ:
“Chắc chắn là như vậy rồi, nhưng hiện giờ nó vẫn làm mình cảm thấy đau đớn!” Đó là sự thật. Nhưng bạn có thể sử dụng những lời chế giễu của những kẻ bắt nạt bạn như một động cơ thúc đẩy bạn trở thành con người khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn, sáng suốt hơn và tự tin hơn.
“Ðiều gì không thể khuất phục được bạn sẽ chỉ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn mà thôi.”
Nếu ai đó làm bạn bị tổn thương, thì bạn hãy tìm đến với những người khác đang bị tổn thương. Nếu bạn không được đối xử với sự cảm thông và lòng trắc ẩn, thì hãy tạo ra sự thay đổi bằng cách mang đến cho người khác sự cảm thông và lòng trắc ẩn.
Nếu không ai bênh vực bạn, thì bạn hãy bênh vực người khác.
Thông điệp của tôi khá đơn giản: Nếu một người không có chân, không có tay có thể vượt qua những thách thức chẳng hạn như bị bắt nạt, thì bất cứ ai cũng có thể vượt qua. Tôi cho sự không hoàn hảo của mình một cơ hội và bạn có thể thấy kết quả tốt đẹp của cách sống đó rồi đấy!
Bạn thấy đấy, những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta không phải là ngẫu nhiên, mà là sự lựa chọn. Bạn và tôi có thể không ngăn được những kẻ bắt nạt và những người thiếu suy nghĩ nói và làm những điều gây tổn thương cho người khác, nhưng chúng ta có quyền tối thượng – quyền lựa chọn cách phản ứng trước sự bắt nạt và cách chúng ta sống.
BẠN MẠNH MẼ HƠN BẠN NGHĨ
Những kẻ bắt nạt tìm kiếm những người mà chúng có thể áp đảo bằng lời nói, bằng nắm đấm, hoặc bằng cách cô lập và thao túng ở ngoài đời thực hoặc ở trên mạng Internet. Những kẻ đó tìm kiếm những điểm yếu, những điều nhạy cảm hoặc những mối bất an để chúng có thể lợi dụng. Có thể bạn có tất cả những điều nói trên, đúng không nào? Ai mà chẳng có những điều đó cơ chứ?
Ai cũng có những mối bất an, những điều nhạy cảm. Điều đó không khiến chúng ta trở nên yếu đuối. Nó khiến chúng ta là “người”, nhưng đồng thời nó cũng khiến chúng ta dễ bị tổn thương, và điều đó cũng không có gì bất bình thường cả. Vì dễ bị tổn thương, chúng ta nhạy cảm và giàu lòng cảm thông hơn, biết suy nghĩ khi đối xử với người khác. Bạn có thể rất dễ bị tổn thương nhưng vẫn rất mạnh mẽ.
Những kẻ bắt nạt cũng săn tìm những người mà chúng có thể làm cho bị cô lập, trong đó có những đối tượng như học sinh mới, hàng xóm mới, hoặc một bạn trẻ trên mạng hoặc ở ngoài đời. Tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này trong những trang sau của cuốn sách, nhưng bạn hãy nhớ rằng tự tách mình ra khỏi người khác trong một thời gian dài không phải là điều tốt. Tôi đã từng trải qua chuyện đó rồi nên tôi có thể khẳng định như vậy.
Khi bạn không có ai để có thể trò chuyện, những ý nghĩ tiêu cực sẽ len lỏi vào đầu bạn. Ngay cả những điều nhỏ nhặt mà bình thường không là gì đối với bạn cũng có thể làm bạn khó chịu khi bạn cô đơn. Những kẻ bắt nạt thích điều đó. Chúng như những trận cuồng phong. Chúng ập đến và phá tan tành bất cứ cái gì không vững chắc, không có bệ đỡ chắc chắn. Sát cánh cùng nhau, chúng ta có thể khiến bạn trở thành người không bị tổn thương bởi sự bắt nạt bằng cách xây dựng một nền tảng vững chắc không bao giờ rạn nứt.
Đó không phải là sự tự mãn. Đó là việc xây dựng nền tảng để trở nên yên tâm và mạnh mẽ đến mức không một kẻ bắt nạt nào có thể làm cho bạn cảm thấy mình yếu đuối, vô giá trị. Bạn sẽ biết chính xác mình là ai và biết rõ giá trị mà bạn có thể mang đến cho đời.
Điều đó không có nghĩa là những kẻ bắt nạt sẽ không bám theo bạn nữa. Trong số chúng, sẽ có vài kẻ thích sự thách thức.
Nhưng việc cố bắt nạt bạn chẳng khác nào tự đập đầu vào tường.
Sự tự tin của bạn sẽ làm cho chúng phát điên và rồi chúng sẽ đi tìm một mục tiêu yếu hơn hoặc chúng sẽ quyết định rằng bắt nạt người khác là một việc chẳng hay ho gì và chúng sẽ từ bỏ việc đó!
BẮT CHƯỚC ÐỂ LÀM NGƯỜI KHÁC
Điều chúng ta bàn đến ở đây không mới mẻ đối với các bạn đang ở tuổi mới lớn. Tôi nghĩ hầu hết các nhà tâm lý học và các nhà tâm thần học đều đồng ý rằng những năm của tuổi mới lớn là giai đoạn mà hầu hết chúng ta đều bắt đầu rèn tính cách, cố hiểu mình là ai, mình hợp với chỗ nào và điều gì mình có thể lấy làm trụ cột để xây dựng cuộc sống. Khi tôi bước vào những năm của tuổi mới lớn, tôi vô cùng muốn mình giống như tất cả những cậu bạn cùng trang lứa. Tôi không muốn bất cứ ai coi tôi là một đứa con trai yếu đuối hoặc bất an, và bạn thử đoán xem tôi đã làm gì nào? Tôi đã giả vờ làm một người khác. Đó không phải là một bước tiến tích cực đâu, Nick!
Tôi cố hòa nhập bằng cách làm ra vẻ dữ dằn và chửi thề giống như những đứa con trai mà tôi đang muốn gây ấn tượng. Cái cách cư xử đó rất kỳ cục và xa lạ đối với tôi. Trước khi vào trung học tôi thậm chí không thể nhớ được mình đã từng nghe một câu chửi thề. Trong gia đình tôi tuyệt đối không có ai chửi thề hết.
Cha mẹ tôi nuôi nấng chúng tôi để chúng tôi yêu kính Chúa và tôn thờ Người mỗi ngày. Cuộc sống của chúng tôi được xây dựng dựa trên đức tin. Xét về nhiều khía cạnh, anh chị em chúng tôi được bảo vệ một cách cẩn thận khỏi sự xô bồ và hỗn tạp của thế giới. Chúng tôi không được phép tự tiện nghe radio, trừ đài phát thanh của người Cơ Đốc giáo.
Chúa chắc hẳn sẽ rất thất vọng khi Người nghe thấy tôi chửi thề, nhưng tôi chắc chắn Người hiểu rằng ít nhiều tôi đã lầm lạc.
Những tuần đầu của tôi ở trường trung học tôi được mở mang tầm mắt trước những điều mình chưa từng thấy. Ai cũng chửi thề! Chí ít thì tôi cảm thấy có vẻ như vậy. Quá nhiều tiếng chửi thề bay lượn xung quanh tôi và tôi bắt đầu tự hỏi liệu có phải mình đã hiểu nhầm và liệu có phải những câu chửi thề mà tôi vẫn nghĩ là xấu thực ra lại không phải vậy hay không. Cứ như thể tôi tiếp xúc với thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới vậy.
Quả thực trong những ngày đó tôi đã tin rằng chửi thề chỉ là cách nói thông thường của tuổi mới lớn mà thôi. Tôi chỉ muốn mình có vẻ bình thường và hay ho và giống như một cậu trai ngầu hết mức; đến nỗi tôi từ bỏ con người thực của mình để trở thành một gã Nick choai choai ăn nói thô tục.
Tôi bắt đầu chửi thề bởi vì tôi sợ mình lạc lõng giữa những người khác. Chẳng có gì sai trong việc bạn muốn hòa nhập với đám đông và muốn được chấp nhận, nhưng từ bỏ những giá trị và niềm tin của bản thân để làm điều đó thì không đúng đâu bạn ạ.
Hãy cảm thấy thoải mái với bản thân mình đến mức người khác cũng cảm thấy thoải mái với bạn
Tôi đã từ bỏ bản thân mình trong niềm hy vọng rằng mọi người sẽ không chối bỏ tôi. Thật điên rồ, phải không các bạn? Tất cả chúng ta đều có những điều chỉnh để hòa hợp với những người khác. Tất cả chúng ta ít nhiều đều phải phục vụ những mong muốn và nhu cầu của những người xung quanh. Đó là một phần của việc sống trong một thế giới rộng lớn hơn – là một phần của gia đình, cộng đồng, quốc gia và thế giới.
Nhưng bạn không bao giờ nên làm những điều mà bạn cảm thấy sai chỉ vì muốn hòa nhập. Bạn không cần phải giả vờ làm một người khác để hòa nhập. Bạn đã có một chỗ trên trái đất này rồi.
Thay vì thế, hãy cố gắng như thế này: Hãy cảm thấy thoải mái với bản thân mình đến mức người khác cũng cảm thấy thoải mái với bạn. Hãy tạo ra một cuộc sống khiến cho bạn vui vẻ đến mức người khác cũng muốn chia sẻ niềm vui với bạn.
ÐEO MẶT NẠ
Trong một thời gian, tôi đã chơi một trò chơi ngớ ngẩn và cố làm ra vẻ mình giống như “những đứa trẻ hay ho”. Tôi không biết tại sao chửi thề lại được coi là “mốt”, nhưng tôi nhiễm thói quen đó một cách nhanh chóng. Cứ như thể chúng tôi có ngôn ngữ riêng của tuổi mới lớn khiến chúng tôi cảm thấy mình độc lập và trưởng thành. Tôi cũng cảm thấy có lỗi bởi vì mỗi lần chửi thề là một lần tôi thách thức, coi thường những chuẩn mực mà cha mẹ mình đặt ra. Tôi không có lý do để coi thường cha mẹ mình. Cha mẹ yêu tôi hết mực và luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tôi. Tôi luôn biết điều đó.
Có lẽ từ trong tiềm thức tôi đang tuyên bố sự độc lập của mình đối với cha mẹ. Những cuộc nổi loạn nho nhỏ cũng là một phần của quá trình trưởng thành, mặc dù có thể đó không phải là điều mà hầu hết các bậc cha mẹ đều thích.
Khi còn nhỏ chúng ta được người lớn bảo phải làm gì và khi nào thì làm một việc gì đó vậy nên những năm của tuổi mới lớn dường như là lúc để chúng ta tuyên bố sự độc lập của mình, ở mức độ ít hoặc nhiều. Những đứa trẻ mới lớn, ít nhiều gì cũng có những hành vi nổi loạn và đó không phải là điều lạ. Vấn đề là ở tuổi đó chúng ta chưa thực sự tự lập. Chúng ta vẫn sống trong gia đình. Chúng ta vẫn phụ thuộc vào cha mẹ bởi vì cha mẹ cung cấp thức ăn, nhà ở và trả tiền mua quần áo cho chúng ta vậy nên chúng ta cảm thấy mình nên sống theo các luật lệ của cha mẹ.
Đó là một cuộc chiến lâu đời, nhưng nó có thể trở thành một trò kéo co nhẹ nhàng hơn là một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu bạn đánh giá sự việc một cách khách quan và cố gắng hiểu nhau thay vì chỉ phản ứng theo cảm xúc. Tôi may mắn có được những đấng sinh thành luôn quan tâm đến lợi ích cao nhất của tôi, ngay cả khi chúng tôi bất đồng với nhau. Cha mẹ tôi cũng là những người luôn che chở, bảo vệ các con của mình. Tôi không thể trách họ vì điều đó, nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi được mạo hiểm hơn.
Lần đầu tiên khi tôi bắt đầu chửi thề để giống với các bạn của mình, tôi cảm thấy không thoải mái lắm. Tôi biết đó không phải là tôi. Trong một nửa thời gian tôi tự hỏi: Mình đang chửi thề đó sao? Vấn đề của mình là gì vậy?Trong một nửa thời gian còn lại “gã Nick Tồi Tệ” trong tôi nói: “Mình chỉ đang trở thành người hợp thời như những tất cả mọi người thôi mà. Đó chỉ là sự giả vờ thôi mà. Mình đang diễn vai để hòa nhập với đám đông thôi chứ có gì nghiêm trọng đâu.”
Tôi đã đưa ra sự phản hồi đầy quả quyết cho những hành động tiêu cực của mình. Tôi đang tạo ra một cái mặt giả, một cái mặt nạ. Tôi phớt lờ giọng của chàng Nick Tử Tế đang nói với tôi rằng tôi không còn là chính mình. Tôi lờ giọng nói đó đi bởi vì tôi chỉ muốn vượt qua những ngày dài mà không bị bắt nạt hoặc bị người khác làm cho cảm thấy mình là một đứa trẻ “tật nguyền” hoặc dị biệt so với một đứa con trai bình thường.
KHÓI VÀ GƯƠNG
Bạn cố giả vờ làm một người khác càng lâu thì càng khó cho bạn quay trở lại với con người thật của mình. Khi tôi không trung thực với bản thân, điều đó làm nảy sinh đủ mọi vấn đề đối với các mối quan hệ của tôi, việc học của tôi ở trường và cả lòng tự trọng của tôi nữa.
Bạn cố giả vờ là một người khác càng lâu thì càng khó cho bạn quay trở lại với con người thật của mình
Cuối cùng tôi phải đương đầu với một số câu hỏi khó trả lời. Một trong những câu hỏi đó là: Làm sao mình có thể trung thực với bản thân mình khi mà mình lừa dối mọi người? Cuối cùng tôi không muốn giả vờ nữa. Tôi ngẫm nghĩ và tự hỏi bản thân: Mình muốn đi xa đến mức nào chứ? Mình cứ tiếp tục giả vờ như thế này bao lâu nữa? Cha mẹ mình sẽ nghĩ gì về mình khi mình làm ra vẻ như thế này? Thực sự mình muốn làm vui lòng ai đây – những người yêu thương mình hay những người chỉ muốn điều khiển mình vì mục đích của cá nhân họ?
Bằng cách nhiễm thói chửi thề, tôi đã khoác cho mình một hình ảnh giả tạo. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn cảm thấy mình là một đứa trẻ Cơ Đốc, nhưng những hành động của tôi không phù hợp với một đứa trẻ Cơ Đốc – và mọi người đánh giá tôi không phải qua những gì ở trong trái tim tôi mà qua cách cư xử của tôi.
VÌ CHÚA ÐỪNG BAO GIỜ TRỞ NÊN QUÁ HỢP THỜI
Trong một thời gian những hành động của tôi không phù hợp với đức tin của mình. Chửi thề không phải là thứ giả tạo duy nhất mà tôi nạp vào mình. Trong một thời gian tôi đã quay lưng lại với những người bạn cùng chia sẻ niềm tin với mình. Những học sinh Cơ Đốc đích thực ở trường chúng tôi có một nhóm cùng cầu nguyện trong giờ ăn trưa vào các ngày thứ Sáu. Chỉ có vài người tham gia nhóm đó và họ bị trêu chọc, bị bắt nạt vì điều đó.
Một số kẻ bắt nạt gọi những học sinh trong nhóm đó là “Đám cuồng tín” và “những kẻ lập dị mê cuồng Jesus”.
Tôi nghĩ các bạn đó thật sự dễ thương và là những người có niềm tin đích thực, nhưng tôi đã không gia nhập nhóm của họ. Khi có người hỏi tôi tại sao tôi không tham gia nhóm đó, tôi nói rằng tôi thích chơi với những người bạn không theo Cơ Đốc giáo hơn. Tôi cảm thấy không thoải mái khi nói điều đó và trong một thời gian dài tôi đã tự dằn vặt mình vì đã thốt ra những lời ấy. Tôi có lý do để cảm thấy không thoải mái. Một lần nữa, tôi đã không trung thực với những giá trị của mình, niềm tin của mình và con người thật của mình. Một phần lý do là bởi tôi cố gắng hòa nhập với đám đông và tôi chưa thực sự thoải mái khi hành động như một người theo đạo Cơ Đốc. Tôi không muốn mình bị gọi là kẻ cuồng tín hay kẻ lập dị mê cuồng Jesus. Tôi sợ mình bị cô lập và không đứa trẻ ngoại đạo nào muốn chơi với tôi nữa.
Bạn có thể sống không thật với con người thật của mình trong một thời gian, nhưng bạn thực sự không thể “bắt chước để làm người khác” trong một thời gian dài. Không sớm thì muộn cuộc sống giả tạo sẽ quay lại ám ảnh bạn. Bạn sẽ phải trả giá. Trong trường hợp của tôi, một trong những ngày tôi phải trả giá đã đến khi tôi mang cái gã Nick-Biết-Chửi-Thề về nhà. Tôi vô tình để một câu chửi thề bật ra khỏi miệng mình và bị mẹ tôi “tóm
sống”.
“Con vừa mới nói gì thế hả Nick?”
“Ôi, con xin lỗi. Con xin lỗi. Con không biết câu đó từ đâu ra nữa!”
Chửi thề là điều lạ ở tôi đến nỗi tôi nghĩ mẹ không biết phải làm gì với tình huống đó. Mẹ choáng váng. Mẹ đã bắt tôi hứa không bao giờ nói như vậy nữa, và sau mấy câu quở trách, mẹ cho qua chuyện này. Tuy nhiên, cái lần sơ sẩy đó đã khiến tôi hiểu ra rằng không phải tôi đang sống đúng theo đức tin của mình.
LỠ LỜI
Tôi tự coi mình là một người Cơ Đốc ngoan đạo, người hiến dâng cuộc đời mình cho Đức Chúa, nhưng một phần đầu óc tôi, cái phần kiểm soát lời nói lại không nhớ điều đó.
Tôi cố loại bỏ những lời nói tục ra khỏi vốn từ vựng của mình nhưng chúng cứ bật ra khỏi miệng. Trong hầu hết thời gian ở nhà, tôi đã cố gắng kiểm soát bản thân, nhưng khi tôi ở trường, quay trái, quay phải đều nghe thấy những câu chửi thề, tôi quả thực phải vất vả để giữ cho lời nói của mình “sạch”. Scott và Reese, hai người bạn của tôi, nhận thấy sự thay đổi trong từ vựng của tôi và hỏi tôi về điều đó.
“Mình không muốn chửi thề nữa,” tôi nói.
“Tại sao? Chửi thề thì đã sao nào?”
“Mình được nuôi dạy để sống làm một người có đạo. Nói tục, chửi thề không phải là một phần của đời sống của một người ngoan đạo, ” tôi giải thích. “Chúa không thích điều đó đâu.”
Scott và Reese là những người bạn tốt. Họ có thể không hiểu hoặc không đồng ý với ý kiến của tôi, nhưng họ lập tức cố tìm cách để giúp tôi “cai” chửi thề.
Nhưng quả thực việc bỏ chửi thề khó hơn tôi tưởng. Chửi thề đã trở thành một thói quen thật sự. Tôi cứ buột miệng và những tiếng chửi thề lại văng ra, nhưng dần dà tôi đã học được cách tắt cái máy nói ngu xuẩn của mình lúc cần. Ở tuổi 16, trong suốt mười một tháng ba tuần tôi đã không chửi thề. Đúng vậy, tôi đếm từng ngày. Tôi vô cùng muốn loại bỏ gã Nick tục tĩu trong con người mình đi, nhưng rồi một ngày, khi tôi bị một chuyện gì đó gây bực mình, bệnh chửi thề của tôi lại tái phát.
Tôi đã gọi tên Chúa một cách bất kính, và điều đó khiến tất cả mọi người ở trong tầm nghe, trong đó có tôi, choáng váng. Tôi không thể nhớ được chuyện gì đã khiến tôi buột miệng sau một thời gian dài kiềm chế, nhưng tôi cảm thấy tồi tệ, cực kì tồi tệ.
Vậy nên tôi cầu xin Chúa giúp đỡ. Tôi phó mình cho Chúa, nguyện cầu mình bỏ được thói quen chửi thề.
Nếu bạn từng băn khoăn liệu Chúa có phải là đấng giàu lòng bao dung hay không, thì bạn hãy đọc câu Kinh John 1:9 (“Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”) và hãy nhớ điều này: Sau khi tôi xưng tội và cầu xin lòng bao dung của Chúa, Người đã gột rửa và thanh lọc vốn từ vựng của tôi. Tôi rất biết ơn vì điều đó và tôi đã làm tất cả những gì có thể để tránh xa
những người hay chửi thề.
Tôi đã quyết định rằng “những đứa hay ho” không có vẻ gì là hay ho lắm đối với tôi và tôi quay trở lại với những người bạn theo Cơ Đốc giáo của mình. Những người bạn đó tha thứ cho những lầm lạc của tôi và đón nhận tôi trở lại. Làm bạn với những người đó tôi không còn cảm thấy mình là một kẻ giả tạo nữa. Tôi cảm thấy thoải mái, tự nhiên và không cảm thấy bị xúc phạm nếu ai đó chế giễu tôi là một “kẻ cuồng tín” nữa.
Vậy là, giống như trong bài hát của nhóm Doobie Brothers (Anh em nhà Doobie), tôi chẳng có vấn đề gì trong việc kính yêu Chúa (Tôi chỉ hy vọng rằng Ngài cũng yêu quý tôi). Một điều gì đó thật lạ lùng và tuyệt vời đã xảy ra khi tôi bước vào nơi mà tôi cảm thấy rất thoải mái và được chấp nhận: Bỗng nhiên dường như tất cả mọi người ai cũng muốn làm bạn của tôi! Thậm chí cả những kẻ hay bắt nạt nhất cũng lùi bước. Khi tôi không cố giấu con người thật của mình đi và cho mọi người thấy mình là một đứa trẻ theo đạo Cơ Đốc, mọi người nói chung trở nên dễ chấp nhận tôi hơn, tốt với tôi hơn, thậm chí háo hức muốn biết tôi. Tôi cảm ơn những người bạn tốt, những người bạn thực sự đã yêu mến tôi và luôn ở bên tôi. Ở bên những người bạn đó tôi có thể là chính mình và khi họ thấy tôi tiến bộ chúng tôi càng trở nên gần gũi nhau hơn, và điều đó giúp tôi rất nhiều trong việc đương đầu với những kẻ bắt nạt.
LÀ CHÍNH MÌNH
Khi đó tôi hiểu ra rằng một trong những diễm phúc lớn nhất trong cuộc đời là luôn trung thực về bản thân mình và trung thực với chính mình. Khi tôi tìm được nhóm các bạn cùng trang lứa yêu quý tôi vì chính bản thân tôi – một con người yêu thích Kinh Thánh, không chân, không tay – sự tự tin trong tôi được chắp cánh và điều đó có tác dụng giống như nam châm thu hút những người khác.
Tôi đã lầm khi nghĩ rằng mình phải biến đổi bản thân để trở nên dễ ưa, hợp thời. Những người ở tuổi mới lớn khắt khe với bản thân và họ có thể cũng khắt khe với người khác. Khi chúng ta ở tuổi mới lớn, chúng ta có xu hướng phân loại mọi người thay vì để họ tự cho chúng ta thấy họ là ai. Tất cả chúng ta đều có nhiều mối quan tâm, nhiều đặc điểm, nhiều tâm trạng. Bạn không nên phân loại bất cứ ai, chí ít là bản thân mình.
Khi tôi xác định rằng việc làm vui lòng Chúa quan trọng hơn việc trở thành “một người nổi tiếng”, tôi cảm thấy thanh thản. Khi tôi chấp nhận rằng mình không cần phải cố bắt chước người khác để hòa nhập tôi cũng trở nên bớt khắt khe và dễ chấp nhận người khác hơn. Yên tâm và thoải mái về bản thân mình, tin rằng bạn có giá trị, và có ý thức sâu sắc về mục đích sống của bạn là điều quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Những phẩm chất này cũng giúp bạn ít bị tổn thương hơn trước sự bắt nạt.
Làm thế nào để xây dựng được một bản sắc vững chắc và mạnh mẽ, biết ý thức về giá trị của bản thân và có mục đích sống rõ ràng? Gần như tất cả những người ở tuổi mới lớn đều bị tổn thương khi họ phải đương đầu với một dạng khủng hoảng bản sắc, băn khoăn không biết vai trò của mình trong cuộc sống là gì, chỗ của mình ở đâu trên đời này và mình có gì để đóng góp cho cuộc đời. Nếu bạn đang trải nghiệm cảm giác đó thì bạn đừng lo lắng. Đây là một trong những trải nghiệm phổ biến của con người. Nếu bạn chưa trải nghiệm cảm giác đó thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ trải nghiệm nó thôi. Chúng ta không giống nhau và trải nghiệm đó có thể đến sớm hay muộn tùy theo từng người.
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI Ở BÊN TRONG BẠN
Có thể bạn đang tự hỏi mình những câu hỏi mà tất cả chúng ta sớm muộn gì cũng đều đặt ra khi chúng ta cố xác định chỗ của mình trên đời này. Điều đó tốt thôi, nó cho thấy bạn đang trưởng thành và đang chuẩn bị cho những giai đoạn quan trọng sắp tới của cuộc đời. Nhưng chúng ta có thể tìm những câu trả lời ở đâu?
Tôi xin cam đoan với bạn rằng mọi câu trả lời bạn cần đều ở trong chính con người bạn. Đừng hoảng sợ nếu bạn không thể luận ra từng câu trả lời và mọi câu trả lời ngay lập tức. Theo thời gian một số câu trả lời sẽ hé mở và xuất hiện. Điều quan trọng bây giờ là, bạn hãy ý thức rằng bạn không cần phải dựa vào bất cứ ai khác để nói cho bạn biết bạn là ai, giá trị của bạn là gì. Đấng Sáng Tạo đưa bạn đến thế giới này là có chủ đích. Người trao cho bạn “cả gói” những đặc điểm riêng bao gồm cả hình thức, tài năng, năng lực, trí tuệ và những yếu tố khác khiến bạn đẹp đẽ và đặc biệt.
Tôi xin cam đoan với bạn rằng mọi câu trả lời bạn cần đều ở trong chính con người bạn
Tất nhiên, ai cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh. Một số người trong chúng ta có thể khiếm khuyết về mặt này hoặc mặt kia. Lời khuyên của tôi dành cho bạn là hãy chăm bồi những điểm mạnh của bạn. Như vậy, khi một kẻ bắt nạt nhằm vào điểm yếu của bạn, chuyện đó sẽ chẳng thành vấn đề nữa!
Nếu bạn tin vào giá trị của bản thân mình, thì không kẻ bắt nạt nào có thể tước nó của bạn được. Nếu sâu thẳm trong lòng bạn biết rằng Đấng Sáng Tạo yêu bạn và rằng bạn được sinh ra cho mục đích của Người, thì không kẻ bắt nạt nào có thể nói khác đi với bạn.
Ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy buồn nản. Ai trong chúng ta cũng có lúc mắc sai lầm. Ai cũng có lúc gặp thất bại.
Những nỗi bất an có thể đeo bám bạn. Khi tôi ở tuổi mới lớn, thỉnh thoảng tôi bị mọc mụn ở mũi, những cái mụn to đùng, đỏ ửng. Tôi đấy, không có chân, không có tay, nhưng lại có đầy mụn! Mấy cái mụn trên mũi tôi to đến nỗi, có vẻ như, chúng che bớt tầm nhìn của tôi. Những lúc như thế tôi nhìn vào gương và cố gắng tự động viên mình. Một trong những điều giúp ích cho tôi trong những lúc như thế là buộc bản thân nhớ đến những đặc điểm dễ thương mà mình có và tập trung vào những điểm ấy.
“Mình có đôi mắt đẹp đấy chứ, ” tôi tự nhủ. “Mọi người luôn nói với mình rằng mình có đôi mắt đẹp, vậy nên mình sẽ tập trung nghĩ đến điểm tích cực ấy thôi.”
Tại sao chúng ta không thể làm thế vì bản thân mình chứ? Nếu chúng ta để cho những kẻ bắt nạt làm cho mình buồn chán bằng những lời lẽ xấu xa, tàn nhẫn, thì tại sao chúng ta lại không thể làm cho mình phấn chấn trở lại bằng cách làm bạn với bản thân mình và xây dựng tinh thần và sự tự tin khi cần? (Nỗi sợ hãi không nhỏ của tôi là, ngày hôm sau có người nói với tôi rằng mắt tôi thâm quầng – làm hư hại nét đẹp mà tôi nghĩ mình đang sở hữu.)
Những người ở tuổi mới lớn thường hay chỉ trích bản thân mình.
Trong những năm của tuổi mới lớn chúng ta luôn so sánh mình với bạn bè và tự hỏi tại sao mình không thể trở nên cao ráo, xinh xắn như bạn này, bạn kia, hoặc khỏe mạnh, thông minh hơn bạn kia, bạn nọ. Nếu chúng ta có thể chê bai bản thân mình, thì tại sao chúng ta lại không thể tự khích lệ mình?
Hồi còn học trung học, đã nhiều lần tôi phải chịu sự chê bai, sự hắt hủi và những lời bình phẩm tàn nhẫn, hết cái này đến cái kia.
Tôi cứ cúi gằm mặt xuống, cảm thấy tủi thân cho gã Nick đáng thương. Sau đó, một bạn học bước đến bên tôi và nói: “Nick, hôm nay trông cậu dễ thương đấy, ” hoặc “Nick, lời phát biểu trước lớp của cậu hôm nay thật tuyệt!”
Chỉ một lời nói ân cần, tử tế, hoặc một chút khích lệ cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn thái độ của tôi! Trong những tuần sau đó tôi cứ nghĩ đến những lời động viên tích cực đó và sử dụng chúng để cứu mình thoát khỏi sự chán nản. Thật điên rồ khi chúng ta có thể cho phép một lời bình phẩm tàn nhẫn, xấu xa đẩy chúng ta đến bên bờ của sự tuyệt vọng. Thay vì thế, tại sao chúng ta không tập trung vào những điều tốt, những lời nói ân cần, và những món quà mà Thượng Đế và cuộc sống ban cho chúng ta? Vậy nên, đây là sự gợi ý đơn giản và dễ áp dụng mà tôi dành cho các bạn, và đây cũng là bước đầu tiên không quá phức tạp, không ồn ào để xây dựng hệ điều hành 1.0 giúp bạn đương đầu với sự bắt nạt. Hãy là người bạn của chính mình. Hãy tha thứ cho những lỗi lầm, những khiếm khuyết, những thất bại của bản thân. Hãy tử tế, ân cần với bản thân mình. Hãy tập trung vào những điều tốt mà bạn có.
Hãy là người bạn của chính mình. Hãy tha thứ cho những lỗi lầm, những khiếm khuyết, những thất bại của bản thân
Bạn có gì để mất đâu nào? Sống với thái độ chấp nhận và quý trọng bản thân bạn sẽ có được nhiều điều. Bạn sẽ trở nên can đảm hơn, kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn, lạc quan hơn, đáng quý hơn. Để bắt đầu quá trình này, bạn hãy ghi ra giấy một số điểm mạnh, một số thành công của mình. Hãy lập một danh sách bao gồm những điều bạn có thể làm tốt hoặc những điều ở bạn được mọi người khen ngợi. Hãy liệt kê cả những điều bạn đã đạt được, những vấn đề mà bạn đã giải quyết thành công, những thiếu sót mà bạn đã khắc phục được, những quyết định đúng đắn mà bạn đã đưa ra, những thứ tốt đẹp mà bạn đã tạo ra, những mục tiêu mà bạn đã đạt được, những rủi ro mà bạn đã hạn chế được, những người hoặc những con vật mà bạn đã từng giúp đỡ.
HÃY TRỞ THÀNH PHÉP MÀU
Một trong những triết lý chủ đạo của tôi là, nếu bạn không thể có được một phép màu cho bản thân mình thì bạn hãy trở thành phép màu đối với người khác. Hồi ở tuổi mới lớn, khi tôi cảm thấy mệt mỏi, tôi có thể làm cho tinh thần mình trở nên phấn chấn hơn nếu tôi “bước” ra xa khỏi những vấn đề của mình một thời gian và tìm đến với những người khác để giúp đỡ họ vượt qua những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Tôi đã được nhận nhiều từ việc cố gắng đem lại lợi ích cho người khác. Cách đó khiến cho tôi mạnh mẽ hơn – đủ mạnh mẽ để đương đầu với bất cứ điều gì tiêu cực hoặc gây tổn thương mà tôi gặp phải trong cuộc sống.
Một bạn trẻ ở California tên là Michael đã viết thư tới trang web Life Without Limbs (Cuộc sống của những người không chân không tay) để chia sẻ câu chuyện của chính cậu, một câu chuyện về những điều may mắn và hạnh phúc đến với cậu khi cậu trở thành điều may mắn đối với những người khác. Cậu đã viết như thế này:
“Tôi chào đời không đủ tháng nên tôi bị khoèo chân và phổi của tôi yếu đến mức tôi không thể thở bình thường được, đã từng phải phẫu thuật phổi và phẫu thuật mắt phải mười lần, nhưng ơn Chúa, tôi vẫn sống đến ngày hôm nay. Tôi cũng bị khuyết tật về phát triển nhưng tôi đang nỗ lực hết mình. Tôi sắp vào học tại trường đại học Los Medanos để một ngày nào đó tôi có thể trở thành nhân viên của một tổ chức hỗ trợ về giáo dục chuyên giúp đỡ những trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó là việc tôi thực sự thích làm.
Trong những năm lớn lên tôi thường bị người ta trêu chọc. Tôi từng phải làm tất cả những điều chẳng hay ho gì và đã cố giành lấy sự an toàn để có thể thoát khỏi những vấn đề của mình. Tôi đã học cách tha thứ cho mọi người, không để người khác làm mình tuyệt vọng, bị điều khiển bởi những gì mà trước kia mình đã lệ thuộc vào. Tôi nghiên cứu Kinh Thánh với những người bạn cùng sinh hoạt tôn giáo và biết được nhiều điều về Đức Chúa, về bản thân mình và về cuộc sống. Vào ngày 4 tháng Tư năm 2010, trong Lễ Phục sinh tôi đã được rửa tội và được sống cuộc đời mới vì Chúa.”
Nếu bạn đang sống trong một giai đoạn khó khăn, phải đương đầu với một kẻ bắt nạt hoặc một người nào đó muốn hạ thấp bạn – hoặc nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc hiểu và đánh giá đúng giá trị của bản thân mình – thì bạn hãy thử làm tình nguyện tại một tổ chức từ thiện của địa phương, tại một trung tâm dành cho người khuyết tật, một bệnh viện dành cho các cựu chiến binh, hoặc một trung tâm nhân đạo dành cho người vô gia cư. Hãy hỏi giáo viên hoặc ban giám hiệu của ngôi trường mà bạn đang học, hoặc mục sư của bạn xem những người ấy có biết một nơi nào mà bạn có thể đóng góp sức mình để tạo ra sự thay đổi tích cực hay không. Tôi xin hứa với bạn rằng bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì trải nghiệm đó. Rất có thể bạn sẽ cảm thấy khá hơn về bản thân mình và điều đó cũng sẽ làm cho tinh thần của bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn cảm thấy mình chưa thực sự thành công, chưa thực sự hài lòng với cuộc sống, thì bạn hãy đặt ra một số mục tiêu thích hợp và hãy theo đuổi những mục tiêu đó, cố gắng tiến từng bước một cho tới khi bạn đến đích. Hãy trân trọng những thành tích mà bạn đạt được. Hãy tự thưởng cho mình. Hãy vui mừng vì những gì mình đã làm được, sau đó hãy đặt ra những mục tiêu khác cao hơn để phấn đấu vươn tới.
Khi bạn đã xây dựng được cho mình sự tự tin và sự tinh thông, thì đừng ngại việc đặt ra những mục tiêu cao hơn. Gần như từ nhỏ cho đến bây giờ tôi luôn làm như thế. Nói thực, đôi khi tôi gặp thất bại. Bạn cũng vậy, không phải lúc nào bạn cũng thành công, nhưng chừng nào bạn vẫn tiếp tục nỗ lực vươn tới những tầm cao, thì chừng đó bạn sẽ tạo ra những cơ hội để thành công.
Mục tiêu trước mắt là làm cho mình trở thành người không bị ảnh hưởng bởi sự bắt nạt, nhưng khả năng đương đầu với những thất bại và thách thức của bạn sẽ tăng lên khi bạn trở nên tự tin hơn, quý trọng bản thân mình hơn.
Những lưu ý của Nick cho chương 2:
– Một khi bạn biết mình là ai và cảm thấy an tâm về bản thân mình thì không kẻ bắt nạt nào có thể khiến bạn cảm thấy bất an hay cướp đi niềm vui của bạn.
– Bạn được tạo ra cho một mục đích, và điều đó có nghĩa là bạn có giá trị, có tương lai tiềm tàng vô hạn mà bạn sẽ không muốn bỏ lỡ.
– Bạn trở nên mạnh mẽ và ít bị ảnh hưởng bởi sự bắt nạt hơn khi bạn chấp nhận và yêu quý bản thân mình, khi hàng ngày bạn luôn cố gắng trở thành con người tốt nhất có thể.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.