Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 11: Những tên cướp biển ở vùng kênh đào
Ngày hôm sau, Chính phủ Panama cử một người đến để đưa tôi đi đây đi đó. Tên anh ta là Fidel, và ngay lập tức tôi có cảm tình với anh ta. Anh ta cao, gày, và rõ ràng là rất hãnh diện về đất nước mình. Cụ cố của anh ta đã từng chiến đấu bên cạnh Bolívar trong cuộc chiến giành độc lập từ Tây Ban Nha. Tôi nói với anh ta là tôi có họ hàng với Tom Pain và rất cảm kích khi biết rằng Fidel đã từng đọc cuốn Lẽ phải bằng tiếng Tây Ban Nha. Anh ta nói tiếng anh nhưng khi biết tôi thạo tiếng Tây Ban Nha thì anh hết sức cảm động.
“Rất nhiều người dân nước ông tới sống ở đây nhiều năm rồi nhưng chẳng bao giờ có ý định học tiếng Tây Ban Nha cả”, anh nói.
Fidel lái xe đưa tôi đi qua một nơi sang trọng đến bất ngờ mà anh ta gọi là New Panama. Khi chúng tôi đi qua những ngôi nhà chọc trời, anh giải thích rằng Panama là nước có nhiều ngân hàng quốc tế hơn bất cứ quốc gia nào khác từ Rio Grande trở xuống phía nam. Anh nói: “Chúng tôi thường được gọi là Thụy Sĩ của Châu Mỹ. Chúng tôi hầu như không hỏi gì các khách hàng của mình”.
Xế chiều, khi mặt trời đang lặn dần xuống Thái Bình Dương, chúng tôi đi dọc con đường vòng quanh vịnh. Một dãy dài thuyền bè đang đậu ở đây. Tôi hỏi Fidel xem liệu có vấn đề gì với con kênh đào không. “Nó vẫn luôn như vậy đấy.” Anh bật cười. “Hàng dãy tàu dài đang chờ đến lượt qua kênh đào. Một nửa trong số đó là giao thương với Nhật Bản. Thậm chí còn lớn hơn cả với Hoa Kỳ.” Tôi thừa nhận là trước kia tôi không hề biết đến điều này. Anh ta nói rằng: “tôi không ngạc nhiên về điều đó. Dân Bắc Mỹ không biết nhiều về phần còn lại của thế giới.”
Chúng tôi dừng chân ở một công viên tuyệt đẹp với những cây hoa giấy mọc lên trên những tàn tích cổ xưa. Một bảng chỉ dẫn cho biết đây là một pháo đài được xây dựng để bảo vệ thành phố trước sự cướp bóc của những tên cướp biển người Anh. Một gia đình đang chuẩn bị cho một cuộc picnic tối: cha, mẹ, một cô bé và một cậu bé, một cụ già mà tôi đoán là ông của bọn trẻ. Tôi chợt khao khát có được sự yên bình dường như đang bao bọc năm con người này. Khi đi ngang qua chỗ họ, cặp vợ chồng cười với chúng tôi, vẫy tay và chào bằng tiếng anh. Tôi hỏi họ có phải là khách du lịch không, họ bật cười. Người đàn ông đi lại phía chúng tôi.
“Tôi là thế hệ thứ 3 ở khu vực kênh đào này”, anh ta giải thích một cách tự hào. Ông tôi đã đến đây 3 năm sau khi nó được hình thành. Ông lái một trong những chiếc máy kéo, những cỗ máy dùng để kéo thuyền mắc kẹt. “Anh ta chỉ tay về phía ông già, người đang giúp bọn trẻ kê bàn ghế. “Cha tôi là một kỹ sư và tôi theo nghề của ông.”
Người phụ nữ quay lại giúp bố chồng và bọn trẻ. Phía sau lưng họ, mặt trời đang lặn dần xuống biển xanh. Thật là một cảnh thôn dã tuyệt đẹp khiến người ta liên tưởng đến những bức tranh của Monet. Tôi hỏi người đàn ông rằng họ có phải là công dân Mỹ không.
Anh ta nhìn tôi với vẻ ngờ vực: ”Tất nhiên rồi, khu vực kênh đào là địa phận của nước Mỹ mà.” Đứa trẻ chạy lại báo với cha nó rằng bữa tối đã chuẩn bị xong. “Con trai của anh sẽ là thế hệ thứ tư chứ?” Người đàn ông áp hai lòng bàn tay lại như người cầu nguyện và giơ cao lên trời. “Ngày nào tôi cũng cầu mong Đức Chúa tối cao cho nó có cơ hội đó. Cuộc sống ở khu vực kênh đào thật là một cuộc sống hạnh phúc.” Sau đó anh ta hạ tay xuống và nhìn thẳng vào Fidel. “Tôi chỉ hy vọng chúng tôi duy trì được nó trong vòng 50 năm nữa. Cái tên độc tài Torrijos đang gây ra nhiều sóng gió. Một tay nguy hiểm.” Một cái gì đó thôi thúc tôi, tôi nói với anh ta bằng tiếng Tây Ban Nha, “Adios (xin chào). Tôi hy vọng anh và gia đình anh hạnh phúc ở đây và học hỏi được nhiều về văn hóa của Panama.”
Anh ta nhìn tôi với vẻ tức giận và nói: “Tôi không dùng ngôn ngữ của họ”. Sau đó anh ta quay ngoắt và đi về phía gia đình mình. Fidel bước lại gần tôi, quàng tay qua vai tôi, siết mạnh và nói: “Cảm ơn.”
Trở lại thành phố, Fidel lái xe và đưa chúng tôi qua một khu nhà mà anh ta miêu tả đó là một khu nhà ổ chuột. Anh ta cho biết: “Đó chưa phải là khu tệ nhất đâu, nhưng anh sẽ cảm nhận được hương vị của nó.”
Những cái lều dựng bằng gỗ một cách sơ sài và những con mương đầy nước tù đọng chạy dọc theo các con phố, những ngôi nhà tạm bợ trông như những chiếc thuyền mục nát bị chìm trong một vũng xình. Mùi thối rữa và mùi cống rãnh ùa vào trong xe khi bọn trẻ bụng ỏng chạy theo xe chúng tôi. Khi chúng tôi đi chậm lại, chúng tụ tập quanh tôi, gọi tôi bằng bác và xin tiền. Điều này làm tôi nhớ tới Jakarta.
Những hình vẽ nguệch ngoạc đầy trên các bức tường. Có một vài hình trái tim với tên người ở bên trong, nhưng hầu hết các hình vẽ là những khẩu hiệu thể hiện sự căm thù đối với Mỹ. “Hãy cút về nước, bọn nước ngoài”, “Hãy nói với Nixon rằng Panama không phải là Việt Nam”. Tuy nhiên, câu khẩu ngữ làm tim tôi ớn lạnh nhất là “Chết cho tự do là cách đến với Chúa”. Rải rác xung quanh những hình vẽ trên là những bức ảnh của Omar Torrijos.
“Bây giờ là mặt kia của bức tranh”, Fidel nói với tôi: “Tôi đã xin được giấy tờ chính thức và anh là công dân Mỹ nên chúng ta có thể đi.” Trong ráng chiều đỏ rực, anh ta lái xe tiến vào khu vực kênh đào. Tôi chưa được chuẩn bị kỹ cho những gì tôi sắp được thấy. Khó có thể tin được một sự sang trọng như vậy- những tòa nhà trắng khổng lồ, những bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng, những ngôi nhà lộng lẫy, những sân gôn, những cửa hàng và những rạp chiếu phim. Anh ta nói rằng: “Tất cả mọi thứ ở đây thực chất đều là tài sản của Mỹ. Những siêu thị, tiệm cắt tóc, thẩm mỹ viện, nhà hàng, tất cả- đều không chịu sự quản lý của luật pháp và sắc lệnh thuế của Panama. Có 7 sân gôn 18 lỗ, bưu điện của Mỹ nằm rải rác khắp nơi rất thuận tiện, tòa án và trường học của Mỹ. Nó thực sự là một quốc gia bên trong một quốc gia.”
“Thật đáng xấu hổ!” Fidel chăm chú nhìn tôi như để đánh giá rất nhanh. “Vâng”, anh đồng tình: “Đó là một từ khá chính xác.” Anh chỉ tay về phía thành phố: “Ở đằng kia, thu thập bình quân đầu người chưa đến 1.000 USD/năm và tỷ lệ thất nghiệp là 30%. Tất nhiên, ở những khu nhà ổ chuột bé nhỏ mà chúng ta vừa tới thăm, chẳng có ai kiếm nổi được gần 1.000 USD và hầu như chẳng ai có việc làm.”
“Thế người ta đang làm gì rồi?” Anh quay lại phía tôi với một cái nhìn dường như chuyển từ giận dữ sang buồn bã. “Chúng tôi có thể làm gì?” Anh ta lắc đầu. “Tôi không biết nhưng tôi sẽ nói với anh điều này: Torrijos đang cố gắng. Tôi nghĩ rằng có thể ông sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình nhưng chắc chắn ông sẽ cống hiến tất cả những gì mình có. Ông sẽ chiến đấu để bảo vệ cho người dân của mình.” Khi chúng tôi ra khỏi khu vực kênh đào, Fidel cười: “Anh có muốn khiêu vũ không?” Không đợi tôi trả lời, anh nói: “Chúng ta kiếm cái gì ăn tối rồi sau đó tôi sẽ chỉ cho anh thấy một mặt khác nữa của Panama.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.