Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Phần mở đầu



Quito, thủ đô của Êcuađo, nằm trải dài qua một thung lũng núi lửa trên dãy Andy, với độ cao so với mặt biển là 9000 feet. Tuy chỉ sống cách đường xích đạo có vài dặm về phía nam, người dân của cái thành phố có từ trước cả khi Columbus đặt chân đến Châu Mỹ này đã quen với việc nhìn thấy tuyết phủ trên những ngọn núi bao quanh. Thành phố Shell, một đồn biên phòng và căn cứ quân sự nằm sắt rừng rậm Amazon của Êcuađo để phục vụ cho công ty dầu lửa mà nó mang tên, nằm thấp hơn so với thủ đô Quito gần 8.000 feet. Một thành phố ẩm thấp với dân cư chủ yếu là những người lính, công nhân khai thác dầu mỏ, với những người bản địa thuộc bộ tộc Shuar và Kichwa hành nghề mại dâm và lao động chân tay cho họ. 

Để đi từ Quito đến Shell, bạn phải qua một con đường vừa quanh co vừa hiểm trở. Người dân địa phương sẽ nói với bạn rằng con đường này bạn phải trải qua cả bốn mùa chỉ trong một ngày. Mặc dù đã lái xe đi qua con đường này rất nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy chán phong cảnh hùng vĩ ở đây. Một bên đường là những vách đá thẳng đứng, thỉnh thoảng được xen kẽ bởi những thác nước và những cây họ dứa. Phía bên kia là vực sâu, nơi con sông Pastaza, thượng nguồn của Amazon, uốn mình chảy dọc theo dãy Andy. Từ những dòng sông băng của Cotopaxi, một trong những ngọn núi lửa cao nhất trên thế giới đang trong thời kỳ hoạt động và cũng là tên một vị thần của người Incas, nước chảy qua dòng Pastaza để đổ xuống Đại Tây Dương cách đó hơn 3.000 dặm. 

Năm 2003, từ Quito tôi lái chiếc Subaru Outback đến Shell với một nhiệm vụ không giống bất kỳ nhiệm vụ nào tôi đã từng đảm nhận. Tôi đã hy vọng có thể kết thúc một cuộc chiến mà tôi đã góp phần tạo ra. Cũng như rất nhiều điều mà những EHM chúng tôi phải chịu trách nhiệm, không một nơi nào khác bên ngoài đất nước đang xảy ra cuộc chiến biết đến nó. Tôi đang trên đường đến gặp những người Shuars, người Kichwas và những người thổ dân ở những vùng lân cận là Achuars, Zaparos và Shiwas- những bộ tộc quyết tâm ngăn không cho các công ty khai thác dầu của chúng tôi phá hủy nhà cửa, gia đình, và đất đai của họ ngay cả khi họ phải chết vì điều đó. Với họ, đây là cuộc chiến vì sự sinh tồn của con cháu và nền văn hóa của họ; trong khi đối với chúng tôi đó là cuộc chiến giành quyền lực, tiền bạc và tài nguyên thiên nhiên. Nó là một phần của cuộc đấu tranh giành quyền thống trị thế giới và giấc mơ của một số ít những kẻ tham lam, của Đế chế toàn cầu.(1) 

Đó là việc mà những EHM chúng tôi thạo nhất: xây dựng nền Đế chế toàn cầu. Chúng tôi là một nhóm người ưu tú, những người tận dụng tối đa các tổ chức tài chính quốc tế để khiến các quốc gia khác phải phụ thuộc vào chế độ tập đoàn trị đang điều khiển các tập đoàn lớn nhất, chính phủ và các ngân hàng của chúng tôi. Chẳng khác nào Mafia, các EHM ban ân huệ. Những ân huệ này tồn tại dưới hình thức các khoản vay để phát triển cơ sở hạ tầng- nhà máy điện, đường cao tốc, bến cảng, sân bay, các khu công nghiệp. Một điều kiện cho những khoản vay như thế là các công ty xây dựng của nước chúng tôi phải được đảm nhiệm công việc xây dựng tất cả các dự án này. Xét về bản chất, hầu hết các khoản tiền trên không bao giờ rời khỏi nước Mỹ; nó chỉ đơn giản được chuyển từ các phòng giao dịch của ngân hàng ở Washington sang cho các công ty xây dựng ở New York, Houston, hoặc San Francisco. 

Mặc dù thực tế là những khoản tiền trên gần như ngay lập tức sẽ trở lại về các công ty là thành viên của chế độ tập đoàn trị (chủ nợ) nhưng những nước nhận tiền vay vẫn phải trả tất cả, cả tiền gốc và lãi. Nếu một EHM hoàn toàn thành công, thì chỉ sau vài năm các khoản vay sẽ là quá lớn tới mức mà các nước mắc nợ buộc phải tuyên bố vỡ nợ. Khi điều này xảy ra, thì giống như tổ chức Mafia, chúng tôi sẽ đòi nợ. Việc đòi nợ này thường kèm theo một hoặc nhiều yêu cầu sau: kiểm soát những lá phiếu của Liên Hợp Quốc, thiết lập các căn cứ quân sự hoặc khai thác các nguồn tài nguyên quý giá như dầu hay kênh đào Panama. Tất nhiên, nước mắc nợ sẽ vẫn nợ chúng tôi tiền- và lại một nước nữa rơi vào Đế chế toàn cầu của chúng tôi. 

Lái xe từ Quito đến Shell vào một ngày nắng đẹp năm 2003, tôi nhớ lại 35 năm về trước khi lần đầu tiên tôi đến khu vực này. Tôi đã đọc là dù diện tích của Êcuađo chỉ bằng bang Nevada, nơi đây có hơn 30 núi lửa đang hoạt động, hơn 15% các lòai chim quý trên thế giới và hàng ngàn loại cây vẫn chưa được phân loại và đây là vùng đất đa dạng về văn hóa- nơi vô số người nói tiếng bản địa cổ gần bằng với số người nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi thấy đất nước này thật hấp dẫn và kỳ lạ; và những từ ngữ xuất hiện trong tâm trí tôi lúc đó còn trong trắng, vô tội và trinh nguyên. Sau 35 năm, đã có nhiều biến đổi. 
Khi tôi đến Êcuađo lần đầu tiên vào năm 1968, Texaco vừa mới tìm thấy dầu ở khu vực Amazon của Êcuađo. 

Ngày nay, dầu chiếm tới gần một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này. Một đường ống dẫn dầu xuyên qua dãy Andy được xây dựng không lâu sau lần đầu tiên tôi đến nơi đây; từ đó đến nay đã làm hơn nửa triệu thùng dầu thấm vào đất của khu rừng nhiệt đới này- nhiều gấp đôi lượng dầu bị tràn do vụ Exxon Valdez.(2) Hiện nay, một đường ống dẫn dầu dài 300 dặm trị giá 1,3 tỷ USD được xây dựng bởi một tập đoàn do các EHM tổ chức hứa hẹn biến Êcuađo trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới cung cấp dầu cho Mỹ.(3) Nhiều khu vực rộng lớn của rừng mưa nhiệt đới đã bị hủy diệt, vẹt đuôi dài và báo đốm Mỹ đã biến mất, ba nền văn hóa bản địa của người Êcuađo cũng bị dồn đến bờ vực diệt vong, nhiều dòng sông đã bị ô nhiễm. 

Cũng trong thời gian này, các nền văn hóa bản địa bắt đầu phản công khai. Ngày 7/5/2003 một nhóm luật sư Mỹ đại diện cho hơn 3.000 người Êcuađo bản địa đã tiến hành một vụ kiện đòi 1 tỷ USD của tập đoàn Chevron Texaco. Vụ kiện khẳng định rằng trong khoảng thời gian từ 1971-1992, mỗi ngày công ty dầu lửa này đổ xuống những hố chôn lộ thiên và các dòng sông hơn 4 triệu gallon nước thải độc hại có chứa dầu, kim loại nặng, các chất gây ung thư, đồng thời công ty này cũng để lại gần 350 hố rác thải lộ thiên và những hố rác đang tiếp tục giết chết con người và động vật.(4)

Bên ngoài cửa sổ chiếc xe Outback, những đám mây mù lớn đang lơ lửng bay lên từ khu rừng về phía hẻm núi Pastaza. Mồ hôi thấm đẫm áo tôi và dạ dày tôi bắt đầu sôi lên không chỉ vì cái nóng của vùng nhiệt đới và sự khúc khuỷu của con đường. Tôi lại đang phải trả giá vì tôi đã góp phần hủy hoại đất nước tươi đẹp này. Vì tôi và những đồng nghiệp EHM của mình mà kinh tế Êcuađo ngày nay đã kém xa so với lúc trước khi chúng tôi mang lại cho đất nước này sự kỳ diệu của kinh tế học, của hệ thống ngân hàng và kỹ thuật xây dựng hiện đại. Kể từ những năm 1970, thời kỳ mà người ta thường gọi là bùng nổ dầu mỏ, tỷ lệ đói nghèo chính thức đã tăng từ 50% lên 70%, tỷ lệ thất nghiệp và bán thất nghiệp tăng từ 15% lên 70%, và nợ công tăng từ 240 triệu USD lên 16 tỷ USD. Trong khi đó, phần tài nguyên thiên nhiên dành cho bộ phận dân số nghèo nhất lại giảm từ 20% xuống còn 6%.(5) 

Thật không may, Êcuađo không phải là trường hợp ngoại lệ.(6) Gần như tất cả cá nước mà chúng tôi, những EHM đã đưa vào dưới vòng cương tỏa của Đế chế toàn cầu đều phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự. Khoản nợ của các nước thế giới thứ 3 tăng lên hơn 2,5 nghìn tỷ USD, chi phí để trả cho các khoản nợ đó- hơn 375 tỷ USD mỗi năm theo số liệu năm 2004, lớn hơn tất cả các chi tiêu cho y tế và giáo dục của các nước thế giới thứ 3 cộng lại và gấp 20 lần số tiền viện trợ nước ngoài hàng năm mà các nước đang phát triển nhận được. Có tới hơn một nửa dân số trên thế giới đang sống dưới mức 2 USD một ngày, tương đương với số tiền mà họ nhận được đầu những năm 70. Trong khi đó 1% số hộ gia đình ở các nước thế giới thứ 3 lại chiếm tới 70% đến 90%  tiền bạc và bất động sản ở nhữgn nước này; tỷ lệ cụ thể của từng nước phụ thuộc vào từng quốc gia cụ thể. (7) 

Chiếc Subaru giảm tốc độ khi đi ngang qua những con phố của khu du lịch tươi đẹp Baos, nổi tiếng với những suối nước khoáng nóng chảy từ các dòng sông nằm dưới Tungurahgua, một ngọn lửa đang hoạt động mạnh. Bọn trẻ chay theo xe, vẫy tay và cố nài bán kẹo cao su và các loại bánh. Bỏ lại Baos ở phía sau, chiếu Subaru tăng tốc khỏi thiên đường để đi vào quang cảnh hiện đại của khúc Địa ngục Dante. Một bức tường lớn màu xám như con quái vật khổng lồ đứng sừng sững chắn ngang con sông. Khối bê tông đứng đó hoàn toàn không thích hợp và đối nghịch với phong cảnh. Tất nhiên tôi không hề ngạc nhiên khi thấy nó đứng đó. Suốt dọc đường, tôi đã biết rằng nó đang phục kích ở đây. Trước đây, tôi đã nhìn thấy nó rất nhiều lần và đã từng ca ngợi nó như một biểu tượng cho những thành tựu của EHM. Mặc dù vậy nó vẫn làm tôi sởn gai ốc. 

Bức tường phi lý và gớm ghiếc đó là một cái đập ngăn dòng chảy của sông Pastaza, làm chuyển dòng nước vào hệ thống đường ngầm lớn chảy xuyên qua ngọn núi và chuyển nguồn năng lượng đó thành điện năng. Đó là dự án thủy điện Agoyan với công suất 156 mêgawatt. Nó cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp đã giúp cho một vài gia đình ở Êcuađo trở nên giàu có, đồng thời đó cũng là nguồn gốc những nỗi khổ khôn xiết của những người nông dân và người bản địa sống dọc con sông này. Nhà máy thủy điện này chỉ là một trong rất nhiều những dự án được xây dựng nhờ vào nỗ lực của tôi và những EHM khác. Những dự án như vậy chính là nguyên nhân tại sao hiện nay Êcuađo là một thành viên của Đế chế toàn cầu, chúng cũng là lý do tại sao các bộ tộc Shuars và Kichwas cùng những bộ tộc sống ở những vùng lân cận đe dọa tuyên chiến với các công ty dầu lửa của chúng tôi. 

Vì các dự án do EHM mang lại mà Êcuađo bị ngập chìm trong nợ nước ngoài và phải dành một phần lớn ngân sách quốc gia để trả nợ thay vì dùng số tiền đó để giúp đỡ hàng triệu công dân được chính thức liệt vào danh sách những người hết sức đói nghèo. Cách duy nhất để Êcuađo có thể trả nợ nước ngoài là bán những khu rừng nhiệt đới của họ cho các công ty dầu lửa. Thực chất lý do khiến các EHM nhòm ngó đến Êcuađo là vì biển dầu nằm dưới khu vực rừng Amazon được cho là có tiềm năng ngang với các mỏ dầu ở khu vực Trung Đông.(Cool Đế chế toàn cầu đòi nợ dưới dạng quyền khai thác dầu. 

Những nhu cầu này đặc biệt trở nên cấp thiết sau sự kiện 11/9/2001, khi Mỹ lo sợ rằng các nguồn cung cấp dầu ở  Trung Đông sẽ bị ngưng lại. Trên hết, Vênêzuêla, nhà cung cấp dầu lớn thứ 3 của Mỹ, vừa bầu ra một vị tổng thống theo chủ nghĩa dân túy là Hugo Chavez, người có lập trường cứng rắn chống lại cái mà ông gọi là Chủ nghĩa đế quốc Mỹ; ông cũng đe dọa ngừng bán dầu cho Mỹ. EHM đã thất bại ở Iraq và Vênêzuêla nhưng chúng tôi đã thành công ở Êcuađo; và bây giờ chúng tôi sẽ bòn rút tất cả những gì đáng giá. 

Êcuađo là trường hợp điển hình của các nước trên thế giới đã được EHM đưa vào một nhóm có cùng lợi ích kinh tế- chính trị. Cứ 100 USD dầu thô lấy ra từ các khu rừng nhiệt đới của Êcuađo thì có tới 75 USD rơi vào túi của các công ty dầu lửa. 25 USD còn lại sẽ được dùng để trả nợ nước ngoài. Hầu hết số tiền còn lại sẽ được dùng để trang trải chi phí quân sự và chi tiêu của chính phủ- trong đó khoảng 2,5 USD được chi cho y tế, giáo dục và các chương trình giúp đỡ người nghèo.(9) Như vậy, cứ 100 USD dầu khai thác được tại khu vực Amazon sẽ chỉ có dưới 3 USD đến được với những người cần nó nhất- những người mà cuộc sống của họ bị ảnh hưởng xấu bởi những con đập, việc khoan dầu, các đường ống- và những người đang chết dần chết mòn do thiếu thức ăn và nước uống. 

Tất cả những người đó- hàng triệu người dân Êcuađo, hàng tỷ người khác trên khắp hành tinh- là những tên khủng bố tiềm năng. Không phải bởi họ theo chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa vô chính phủ hay bởi họ thực sự là những tên tội phạm, mà đơn giản chỉ vì họ tuyệt vọng. Nhìn xuống con đập này, tôi phân vân – như cảm giác mà tôi thường có ở rất nhiều nơi khác trên thế giới- rằng khi nào thì những người này sẽ hành động, giống như người Mỹ chống lại nước Anh những năm 1770 và người Mỹ Latin chống lại Tây Ban Nha đầu thế kỷ XIX. 

Mức độ tinh vi trong việc thiết lập đế chế hiện đại này vượt trội hơn hẳn của những chiến binh La Mã cổ đại, đế quốc Tây Ban Nha và sức mạnh của thực dân Châu Âu thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX. Chúng tôi, những EHM là những kẻ xảo trá; chúng tôi học từ lịch sử. Ngày nay, chúng tôi không dùng gươm kiếm. Chúng tôi không mặc áo giáp hay bất cứ thứ gì để người ta có thể phân biệt được chúng tôi. Ở một số quốc gia như Êcuađo, Nigiêria, Inđônêxia, chúng tôi ăn mặc giống như những giáo viên và những ông chủ cửa hàng. Ở Washington và Paris, chúng tôi trông giống như các quan chức nhà nước và nhân viên ngân hàng. Bề ngoài chúng tôi khiêm tốn và bình dị. Chúng tôi đến thăm những nơi quảng bá chủ nghĩa vị tha, tán tụng với các báo chí địa phương về những điều nhân đạo tuyệt vời mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi đem đến các bàn hội nghị của các ủy ban chính phủ những bảng tính và những đề án tài chính, và chúng tôi giảng bài ở Đại học Harvard về sự kỳ diệu của kinh tế vi mô. 

Chúng tôi được biết đến một cách công khai, giữa thanh thiên bạch nhật. Hay ít ra thì chúng tôi cũng tự thêu dệt nên chính mình và được chấp nhận như thế. Đó là cách mà hệ thống hoạt động. Chúng tôi rất hiếm khi phạm pháp vì bản thân hệ thống này được xây dựng trên sự lừa gạt và hệ thống này trên lý thuyết là hợp pháp. 

Tuy nhiên, nếu chúng tôi thất bại- và điều này là rất có thể – một thế hệ khác tồi tệ hơn sẽ tiếp nối, thế hệ mà chúng tôi – những EHM đã nói đến như những tên sát nhân thực sự, những kẻ sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của những đế chế trước chúng tôi. Những tên sát nhân luôn chờ sẵn, ẩn nấp trong bóng tối. Khi chúng xuất hiện, người đứng đầu nhà nước sẽ bị lật đổ hoặc chết trong một “tai nạn” khủng khiếp.(10) 

Và nếu chẳng may những tên sát nhân thất bại, như chúng đã thất bại ở Afganistan và Iraq thì mô hình cũ lại nổi lên. Khi những tên sát nhân thất bại, lớp trẻ Mỹ được cử đi để giết và để chết. 

Đi qua con quái vật, cái bức tường xi măng màu xám đồ sộ và khổng lồ đang hiện ra trên dòng sông này, mồ hôi càng ướt đẫm áo tôi và ruột gan tôi càng xiết chặt. Tôi rảo bước về phía khu rừng để gặp những người dân bản địa, những người quyết tâm chống lại đến cùng để ngăn chặn đế chế mà tôi góp phần tạo ra và cảm giác tội lỗi dâng trào trong tôi. Tôi tự hỏi, làm thế nào mà một đứa trẻ xinh xắn từ New Hampshire lại có thể nhúng tay vào một việc bẩn thỉu như vậy?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.