Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 9: Cơ hội ngàn năm có một



Thử thách thực sự về Inđônêxia đang chờ tôi tại MAIN. Buổi sáng, việc trước tiên mà tôi làm là đến trụ sở của MAIN tại Trung tâm Prudential. Khi đi thang máy cùng hàng chục đồng nghiệp khác, tôi được biết Mac Hall, vị Chủ tịch và Tổng giám đốc đầy bí ẩn ngoại bát tuần của MAIN đã tiến cử Einar làm Chủ tịch văn phòng Oreegon tại Portland. Thế là từ giờ tôi sẽ chính thức dưới quyền Bruno Zambotti. 

Được mệnh danh là “con cáo bạc” vì mái tóc và khả năng kỳ lạ luôn vượt trội mọi đối thủ muốn thách thức ông ta, Bruno có dáng vẻ bảnh bao của Cary Grant. Ông ta có khả năng hùng biện, và có cả bằng kỹ thuật lẫn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông ta thành thạo kinh tế lượng và là Phó giám đốc phụ trách bộ phận điện năng và hầu hết các dự án quốc tế ở MAIN. Ông ta chắc chắn sẽ kế vị người thầy của ông ta, Jake Dauber lên làm Chủ tịch Tập đoàn khi ông này đến tuổi về hưu. Cũng như hầu hết các đồng nghiệp tại MAIN, tôi rất kính nể và sợ Bruno Zambotti. 

Ngay trước bữa ăn, Bruno cho gọi tôi đến văn phòng của ông ta. Sau khi hỏi han rất thân về Inđônêxia, ông ta nói một số câu khiến tôi đứng ngồi không yên. “Tôi sẽ sa thải Howard Paker, chúng ta không cần đi vào chi tiết, trừ một điều là ông ta đã quá xa rời thực tế.” Nụ cười thân thiện của ông ta khiến tôi bối rối. Ông ta lấy ngón tay khẽ gõ lên tập giấy ở trên bàn: “Tám phần trăm một năm. Đó là dự báo lượng điện của ông ta. Anh có tin được không? Ở đâu đất nước đầy tiềm năng như Inđônêxia!” Nụ cười của ông ta tắt ngấm và ông ta nhin thẳng vào mắt tôi. “Charlie Illingworth nói với tôi rằng dự báo kinh tế của anh bám sát mục tiêu đề ra và sẽ cần lượng điện tăng vào khoảng 17 đến 20 phần trăm. Đúng thế không?” 

Tôi bảo đảm với ông ta là đúng. Ông ta đứng dậy bắt tay tôi. “Xin chúc mừng. Anh vừa được thăng chức.” 

Lẽ ra, tôi nên cũng các đồng nghiệp tại MAIN đi ăn mừng ở một khách sạn sang trọng- hay thậm chí chỉ riêng mình tôi. Tuy nhiên, tâm trí tôi chỉ hướng về Claudine. Tôi rất nóng lòng muốn báo cho cô ta biết về sự thăng tiến của mình và những gì tôi đã trải qua ở Inđônêxia. Cô ta đã bảo tôi không được gọi cho cô ta từ nước ngoài, và tôi đã không gọi. Bây giờ tôi thất vọng khi điện thoại của cô ta không thể liên lạc được và cũng không có số chuyển tiếp. Tôi quyết định đi tìm cô ta. 

Một cặp vợ chồng trẻ đã chuyển đến sống trong căn hộ của cô ta. Lúc ấy là giờ ăn trưa nhưng chắc chắn là tôi vừa đánh thức họ; rất khó chịu, họ tuyên bố là không hề biết gì về Claudine. Tôi đến cả văn phòng cho thuê nhà, vờ là anh họ của Claudine. Trong hồ sơ của họ chưa từng có ai thuê nhà với cái tên như vậy; người thuê nhà trước đây là một người đàn ông yêu cầu được giấu tên. Quay lại Trung tâm Prudential, phòng nhân sự của MAIN cũng khẳng định không có hồ sơ nào của cô ta. Họ xác nhận chỉ có hồ sơ của một “cố vấn đặc biệt” nhưng tôi không được phép xem. 

Đến cuối buổi chiều, tôi thấy mệt mỏi rã rời, cả thể xác lẫn tinh thần. Thêm vào đó, sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài cũng bắt đầu hành hạ tôi. Trở lại căn hộ trống trải, tôi cảm thấy cô đơn khủng khiếp và bị bỏ rơi. Sự thăng tiến trở nên vô nghĩa, thậm chí còn tệ hơn, nó trở thành dấu hiệu là tôi đã bán rẻ bản thân. Tôi quăng mình xuống giường, quay cuồng với nỗi tuyệt vọng. Claudine đã lợi dụng tôi và sau đó vứt đi. Quyết không để nỗi đau chi phối, tôi gạt bỏ mọi cảm xúc của mình. Tôi lên giường, nhìn chằm chằm vào những bức tường trống hàng tiếng đồng hồ.

Cuối cùng, tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh. Tôi ngồi dậy, uống hết một chai bia và đập mạnh chai xuống bàn. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhìn xuống con phố phía đằng xa, tôi tưởng như nhìn thấy cô ta đang đi về phía tôi. Tôi chạy vội ra phía cửa nhưng rồi lại quay trở về phía cửa sổ để nhìn kỹ lại. Người phụ nữ đang tiến lại gần hơn. Cô ta rất hấp dẫn, và dáng đi của cô ta rất giống Claudine, nhưng cô ta không phải là Claudine. Tim tôi như thắt lại, và cảm xúc của tôi chuyển từ giận dữ và căm ghét sang sợ hãi. Trong đầu tôi bỗng lóe lên hình ảnh Claudine quằn quại và ngã xuống dưới làn đạn vì bị ám sát. Tôi cố rũ bỏ hình ảnh ấy bằng một vài viên Valium và uống cho đến khi say mềm và ngủ thiếp đi. 

Sáng hôm sau, cú điện thoại từ phòng nhân sự đã đánh thức tôi khỏi cơn say. Trưởng phòng nhân sự, Paul Mormino, cam đoan là ông ta hiểu tôi cần được nghỉ ngơi, nhưng ông nài nỉ tôi ghé đến văn phòng vào buổi chiều.

“Có tin tốt”, ông ta nói. “Tin này sẽ làm anh hết mệt đấy.” Tôi tuân lệnh triệu tập và được biết rằng Bruno đã giữ lời, và còn hơn thế nữa. Không những tôi có được vị trí của Howard mà còn được thêm chức danh Kinh tế trưởng và được tăng lương. Điều đó khiến tôi phấn chấn hơn một chút. 

Chiều hôm đó tôi xin nghỉ và lang thang dọc bờ sông Charles với một chai bia. Khi tôi ngồi nhìn những chiếc thuyền buồm và lấy lại sức sau chuyến bay dài mệt mỏi va sau cơn say, tôi tự thuyết phục bản thân rằng Claudine đã làm xong công việc của mình và đã chuyển sang một nhiệm vụ mới. Cô ta luôn nhấn mạnh phải giữ bí mật. Cô ấy sẽ gọi. Mormino đã đúng. Sự mệt mỏi và nỗi lo âu tiêu tan. 

Trong suốt nhiều tuần sau đó, tôi đã cố gạt mọi suy nghĩ về Claudine sang một bên. Tôi tập trung viết báo kinh tế của Inđônêxia và sửa lại phần dự báo lượng tải điện của Howard. Tôi đã đưa ra nghiên cứu theo đúng ý muốn của các sếp: nhu cầu điện tăng trung bình khoảng 19% một năm trong vòng mười hai năm đầu sau khi hệ thống được hoàn thiện, sau đó giảm xuống 17% trong tám năm tiếp theo và duy trì ở mức 15% trong những năm còn lại của hai mươi lăm năm tới. 

Tôi đã trình bày kết luận của mình tại những buổi họp chính thức với các tổ chức tài trợ quốc tế. Nhóm chuyên gia của các tổ chức này liên tục hỏi tôi nhiều câu rất tàn nhẫn. Nhưng khi đó, cảm xúc của tôi đã chuyển thành sự quyết tâm không gì lay chuyển được, chẳng khác gì sự quyết tâm đã thôi thúc tôi phấn đấu để vượt trội thay vì nổi loạn trong thời gian ở trường nội trú nam sinh. Tuy nhiên, ký ức về Claudine vẫn luôn ám ảnh tôi.  Khi một nhà kinh tế trẻ ăn mặc bảnh bao muốn ra vẻ ta đây của Ngân hàng Phát triển châu Á hỏi tôi dồn đập suốt cả buổi chiều, tôi chợt nhớ lại lời khuyên của Claudine lúc chúng tôi gặp nhau tại căn hộ của cô ta trên phố Beacon nhiều tháng trước. 

“Ai có thể thấy trước được tương lai của hai mươi lăm năm tới cơ chứ?” cô ta hỏi tôi. “Những dự báo của anh cũng tốt chẳng kém gì của họ. Chỉ cần anh tự tin.” Tôi tự nhủ mình là một chuyên gia, có nhiều kinh nghiêm sống ở các nước đang phát triển hơn những người- kể cả nhiều người trong đó còn gấp đôi tuối tôi- đang ngồi phán xét công việc của tôi. Tôi đã từng sống ở Amazon và đã đến rất nhiều nơi của đảo Java, những nơi mà không ai muốn đặt chân đến. Tôi đã tham gia một số khóa đào tạo chuyên môn, được thiết kế để dạy cho các nhà quản lý những điều tinh túy nhất của kinh tế lượng. 

Tôi tự nhủ rằng mình là một trong số những con người của thế hệ mới, những người trẻ tuổi, ưu tú, sùng bái kinh tế lượng và những số liệu thống kê rất hợp gu với Robert McNamara – Chủ tịch đương nhiệm của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc tiền nhiệm Ford Motor và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Tổng thống Kenedy. Ông ta là người đã tạo dựng danh tiếng cho mình dựa trên những con số thống kê, lý thuyết xác suất, các mô hình toán học và – tôi cho là – dựa trên sự táo bạo hão huyền xuất phát từ lòng vị kỷ khủng khiếp. 

Tôi cố gắng bắt chước cả McNamara và Bruno. Tôi học cách diễn thuyết của McNamara và dáng đi đầy tự tin của Bruno, cái cặp da luôn kè kè bên mình. Nhìn lại, tôi cũng phải kinh ngạc bởi sự trơ trẽn của chính mình. Thực ra, chuyên môn của tôi rất hạn chế, song những kiến thức tôi thiếu hay không qua đào tạo đã được bổ sung bằng sự táo bạo của tôi. 

Và tôi đã thành công. Cuối cùng thì nhóm các chuyên gia cũng chấp nhận những bản báo cáo của tôi. Trong những tháng tiếp theo, tôi tham dự nhiều cuộc họp ở Teheran, Caracas, Guatemala, London, Vienna và Washington DC. Tôi gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có cả Quốc vương Iran, những người đã từng là tổng thống của nhiều nước, và cả Robert McMamara. Cũng giống như trường nội trú dành cho nam sinh, đó là một thế giới đàn ông. Tôi kinh ngạc nhận thấy chức danh của mình và những thành công vừa đạt được trong các buổi họp với các tổ chức tài trợ quốc tế đã làm thay đổi thái độ của mọi người với tôi. 

Ban đầu, tất cả những điều này khiến tôi choáng ngợp. Tôi bắt đầu nghĩ mình như một vị phù thủy với cây đũa thần, chỉ cần dùng cây đũa chỉ vào một đất nước, phút chốc đất nước này sẽ bừng sáng, và các ngành công nghiệp thăng hoa. Nhưng rồi tôi vỡ mộng. Tôi nghi ngờ động cơ của bản thân và của các đồng nghiệp. Dường như một chức vị danh giá hay một tấm bằng tiến sĩ không làm cho người ta hiểu cảnh thống khổ của một người bị bệnh phong phải sống bên lề xã hội ở Jakarta, và tôi ngờ rằng việc hiểu rõ các số liệu thống kê chẳng thể mang lại cho người ta khả năng nhìn trước được tương lai. Càng biết rõ về những người nắm quyền quyết định vận mệnh thế giới, tôi càng nghi ngờ khả năng và mục đích của họ. Nhìn vào những người đang ngồi quanh bàn họp, tôi thấy khó mà kiềm chế được cơn giận dữ của mình. 

Tuy nhiên, cuối cùng cách nhìn này của tôi cũng thay đổi. Tôi chợt hiểu ra rằng hầu hết những người này đều tin tưởng rằng họ đang làm những việc đúng đắn. Cũng giống như Claudine, họ tin chắc rằng chủ nghĩa khủng bố là xấu xa- chứ không phải là cách người ta phản ứng lại những quyết định mà bản thân họ và những người tiền nhiệm đã đưa ra- và rằng trách nhiệm của họ đối với đất nước, với con cái và với Chúa là phải đưa thế giới trở lại với chủ nghĩa tư bản. Họ cũng trung thành với quy luật chỉ những kẻ mạnh nhất mới có thể tồn tại; nếu họ tình cờ có được số phận may mắn là sinh ra trong một tầng lớp có đặc quyền chứ không phải trong những căn lều làm bằng bìa các tông thì nghiễm nhiên việc đảm bảo cho con cháu họ được hưởng những đặc quyền tương tự là một nghĩa vụ mà họ phải hoàn thành.

Tôi không biết phải nhìn nhận những người này như những kẻ thật sự có mưu đồ hay chỉ đơn giản là một nhóm những người có chung đặc quyền đặc lợi đang có khuynh hướng chiếm lĩnh thế giới. Song, càng ngày tôi càng thấy họ giống với những tay chủ đồn điền vào thời kỳ trước cuộc Nội chiến miền Nam. Họ là những người trong cùng một hội với những niềm tin vào lợi ích chung, chứ không phải là một hội kín bí mật với mục đích nham hiểm. Những tay chủ đồn điền lớn lên có người hầu và nô lệ, được nuôi dạy để tin rằng họ có quyền và thậm chí có nghĩa vụ bảo vệ “những kẻ ngoại đạo dốt nát” và dạy cho họ sống theo tôn giáo và cách sống của các ông chủ. Kể cả khi về đạo lý họ phản đối chế độ nô lệ, họ vẫn có thể, giống như Thomas Jefferson, bào chữa rằng chế độ nô lệ là cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Những kẻ nắm quyền của những chính thể đầu sỏ ngày nay, mà tôi thường coi là thể chế tập đoàn trị, dường như cũng cùng một giuộc. 

Tôi bắt đầu tự hỏi: không biết ai là người được lợi từ chiến tranh từ việc sản xuất vũ kí hàng loạt, từ việc xây đập thủy điện trên những con sông và phá hủy môi trường và văn hóa dân tộc. Tôi cũng bắt đầu để ý ai là người được hưởng lợi khi hàng trăm nghìn người khác chết vì đói, vì nước ô nhiễm và vì những căn bệnh có thể chữa được. Dần dần, tôi nhận ra rằng rốt cuộc chẳng ai được lợi, nhưng trong tương lai gần thì những kẻ ăn trên ngồi trốc – như những ông chủ của tôi và tôi – dường như là có lợi, ít nhất là về mặt vật chất.

Điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi: tại sao tình trạng này tồn tại? Tại sao nó kéo dài lâu như vậy? Liệu câu trả lời có đơn giản như trong câu châm ngôn cổ “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, rằng những kẻ nắm quyền lực trong tay sẽ duy trì hệ thống hay không? 

Có lẽ là chưa đủ khi nó rằng chỉ có quyền lực gây nên tình trạng kéo dài này. Tuy lời nhận xét “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đã giải thích được phần lớn, nhưng tôi vẫn cảm thấy chắc hẳn phải có một động cơ nào đó mạnh hơn rất nhiều. Tôi nhớ lại những ngày còn học ở đại học, một vị giáo sư kinh tế của tôi, một người Bắc Ấn, đã giảng về những nguồn lực có hạn, về nhu cầu không ngừng phát triển của con người, và về nguồn gốc của nô lệ. Theo vị giáo sư này, mọi hệ thống tư bản chủ nghĩa thành công bao giờ cũng có hệ thống cấp bậc với những chuỗi mệnh lệnh khắt khe, và chỉ có một số ít người ở vị trí cao nhất có quyền kiểm soát cấp dưới và một đội quân khổng lồ những người lao động ở dưới đáy xã hội mà theo thuật ngữ kinh tế có thể được xếp vào hàng nô lệ. Cuối cùng thì tôi tin chắc rằng chúng tôi khuyến khích hệ thống này vì chế độ tập đoàn trị đã thuyết phục chúng tôi rằng Chúa đã trao cho chúng tôi quyền đặt một số người lên trên đỉnh của cái kim tự tháp tư bản này và chúng tôi có sứ mệnh truyền bá hệ thống đó trên khắp thế giới. 

Tất nhiên, chúng tôi không phải là những người đầu tiên làm như vậy. Danh sách những người đã làm điều đó có từ thời những đế quốc cổ đại ở Bắc Phi, Trung Đông, và châu Á, rồi tiến dần lên phía vịnh Ba tư, Hy Lạp, Roma, cuộc Thập tự chinh của Thiên chúa giáo, và tất cả những người dựng nên đế chế Châu Âu vào thời đại sau ColumbusTiến trình phát triển của chủ nghĩa đế quốc đã và sẽ là nguyên nhân của hầu hết các cuộc chiến tranh, sự ô nhiễm, nạn đói, sự tuyệt chủng của các loài, và nạn diệt chủng. Và nó luôn luôn đưa đến sự hủy hoại nghiêm trọng cả tinh thần và hạnh phúc của những công dân thuộc các đế quốc đó, gây bất ổn xã hội. Cuối cùng, những nền văn hóa thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại cũng đều bị hủy hoại vì sự lan tràn của tình trạng tự sát, tệ lạm dụng ma túy và bạo lực. 

Tôi nghĩ rất nhiều về những câu hỏi này, nhưng tôi tránh nghĩ về vai trò của mình trong tất cả những vụ việc này. Tôi cố nghĩ rằng bản thân mình không phải là một EHM mà là một Kinh tế trưởng. Điều đó nghe có vẻ hợp pháp, và nếu tôi cần bất cứ sự xác nhận nào, tôi có thể nhìn vào cuốn biên lai tiền lương của tôi: tất cả đều từ MAIN, một công ty tư nhân. Tôi không kiếm được dù chỉ một xu từ phía NSA hay bất kỳ một cơ quan chính phủ nào. Tôi gần như chắc chắn. Gần như vậy. 

Vào một buổi chiều, Bruno gọi tôi vào phòng làm việc của ông ta. Ông ta vòng ra sau ghế ngồi và đặt tay lên vai tôi: “Anh đã hoàn thành công việc xuất sắc. Để chứng tỏ chúng tôi đánh giá điều đó cao thế nào, chúng tôi sẽ cho anh một cơ hội ngàn năm có một, một lời đề nghị mà rất ít người, kể cả khi đã gấp đôi tuổi anh có được”. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.