Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 29: Tôi nhận hối lộ



Trong quãng đời này, tôi đã nhận ra rằng chúng ta quả thật đã bước vào một thời đại mới của nền kinh tế thế giới. Các sự kiện nối đuôi nhau xảy ra khi Robert Mac Namara- người đã từng là thần tượng của tôi- lên nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ngân hàng thế giới, khiến tôi ngày càng cảm thấy khiếp sợ. Cái cách tiếp cận kinh tế học theo trường phái Keynes của Mac Namara, và cách lãnh đạo hung hăng của ông ta đã xâm nhập khắp mọi nơi. Khái niệm EHM đã chi phối tất cả các phong cách quản lý của các giám đốc điều hành trong đủ loại lĩnh vực kinh doanh. Có thể NSA đã không tuyển chọn và lưu giữ hồ sơ của họ, nhưng họ cũng làm công việc, chức năng giống như vậy. 

Cái khác biệt duy nhất là giờ đây những vị giám đốc EHM của các công ty không nhất thiết phải dính líu tới hoạt động của giới ngân hàng quốc tế khi mà cái nghề cũ của tôi tiếp tục phát triển, cái kiểu EHM mới này còn phô bày những mặt tai hại hơn nhiều. Trong những năm 1980, đa số lớp trẻ đi lên từ hàng ngũ quản lý bậc trung tin tưởng rằng người ta có thể làm bất cứ điều gì vì mục đích làm tăng lợi nhuận. Cái đế chế toàn cầu chỉ đơn giản là một lối mòn để đến với lợi nhuận.

Ngành năng lượng nơi tôi đang làm việc đã ngay lập tức chạy theo những xu thế mới. Dự luật chính sách điều chỉnh dịch vụ công (PURPA) được Quốc hội thông qua năm 1978, vượt qua một loạt các rào cản luật pháp, và cuối cùng đã trở thành luật vào năm 1982. Ban đầu, Quốc hội hình dung là luật này sẽ là một cách để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân nhỏ như công ty của tôi khai thác các nhiên liệu thay thế và tìm ra mức đột phá trong sản xuất điện. Theo điều luật này, các công ty dịch vụ công lớn phải mua năng lượng do các công ty nhỏ hơn sản xuất với một giá hợp lý phải chăng. Tổng thống Carter đã từng mơ về một nước Mỹ không phụ thuộc vào dầu lửa- dầu lửa nói chung chứ không chỉ là dầu lửa nhập khẩu, và chính sách này kết quả của ước mơ đấy. Mục đích của điều luật rõ ràng là vừa để khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng  thay thế vừa để ủng hộ các công ty tư nhân nhỏ, vốn đại diện cho sự nhạy bén, năng động của người dân Mỹ, nhưng trên thực tế mọi việc đã không như mong đợi. 

Trong suốt thập niên 80 và đầu những năm 90, sự nhảy bén, năng động không còn đóng vai trò quan trọng nữa mà thay vào đó là sự bãi bỏ các quy định. Tôi đã chứng kiến cảnh phần lớn các công ty nhỏ bị các công ty xây dựng và lắp ghép lớn, và chính các công ty dịch vụ công nuốt chửng. Các công ty dịch vụ công đã tìm mọi kẽ hở trong luật pháp để thành lập công ty cổ phần cho phép những công ty này vừa sở hữu cả những công ty dịch vụ phải chịu những quy định ngặt nghèo lẫn những công ty năng lượng  độc lập được ưu đãi về nặt pháp lý. Rất nhiều công ty lớn đã phát động những chiến dịch nhằm làm cho các công ty nhỏ phá sản rồi sau đó mua lại chúng. Các công ty khác thì đơn giản là tự đứng ra thành lập những công ty năng lượng độc lập của riêng mình.

Mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu lửa đã bị gạt sang một bên. Reagan chịu ơn các công ty dầu lửa, Bush đã từng phất lên nhờ kinh doanh dầu lửa. Và phần lớn những người trong cuộc và thành viên nội các của cả hai chính phủ này đều đã từng ở trong ngành dầu lửa hoặc làm việc cho các công ty xây dựng và lắp ghép có quan hệ mật thiết với dầu lửa. Hơn nữa, suy cho cùng, không chỉ riêng đảng Cộng hòa là con nợ của ngành dầu lửa và xây dựng; rất nhiều người thuộc đảng Dân chủ cũng đã được lợi nhờ hai ngành này và chịu ơn chúng. 

IPS tiếp tục theo đuổi cái ý tưởng tạo ra một nguồn năng lượng  không có hại cho môi trường. Chúng tôi quyết tâm đi theo những mục tiêu gốc của PURPA, và dường như một phép màu đã đến với chúng tôi. Chúng tôi là một trong số ít các công ty nhỏ không những đã sống sót mà còn phát triển. Tôi dám chắc điều này xảy ra là bởi tôi đã từng phục vụ cho chế độ tập đoàn trị. 

Những gì diễn ra trong ngành năng lượng đặc trưng cho một xu hướng đang tác động đến toàn thế giới. An sinh xã hội, môi trường, và những điều làm nên một cuộc sống tươi đẹp đang phải nhường chỗ cho sự  tham lam. Lúc này, người ta đang quan tâm quá mức đến việc khuyến khích, hỗ trợ cho kinh doanh tư nhân. Ban đầu, điều này tưởng như được biện minh bởi những cơ sở lý thuyết, trong đó có cả cái thuyết cho rằng chủ nghĩa tư bản là ưu việt. Nhưng cuối cùng, sự biện minh này trở nên không cần thiết.

Người ta hoàn toàn công nhận rằng, những dự án do các nhà đầu tư tư nhân giàu có thực hiện thì tốt hơn những dự án của chính phủ. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới cũng đồng tình với quan điểm này, và ủng hộ cho việc giảm thiểu sự điều tiết của chính phủ, tư nhân hóa các hệ thống cấp thoát nước, các mạng lưới truyền thông, hệ thống dịch vụ công và các trang thiết bị mà từ trước đến nay vẫn nằm dưới sự quản lý của nhà nước.

Kết quả là, cái khái niệm EHM dễ dàng xâm nhập đến khắp mọi nơi, những nhà quản lý từ nhiều lĩnh vực kinh doanh giờ cũng làm cái sứ mệnh MAIN trước kia chỉ dành riêng cho số ít người được tuyển chọn vào cái câu lạc bộ riêng của chúng tôi. Những nhà quản lý này đến khắp nơi trên thế giới. Họ tìm những nơi có nhân công rẻ hơn, những nguồn lực dễ tiếp cận hơn, và những thị trường lớn hơn. Họ rất tàn nhẫn trong những việc họ làm. Giống như những EHM đã đi trước họ, như chính bản thân tôi, ở Inđônêxia , ở Panama, và ở Colombia – họ tìm cách để hợp lý hóa những hành động sai trái của mình.

Và cũng giống chúng tôi, họ đưa cả quốc gia và những người dân vào tròng. Họ hứa hẹn một sự giàu sang, hứa tìm ra cách để các quốc gia có thể sử dụng khu vực tư nhân để thoát khỏi cảnh nợ nần. Họ xây dựng trường học và đường cao tốc, tặng không máy điện thoại, ti vi, và các dịch vụ y tế. 

Nhưng cuối cùng, nếu họ tìm thấy ở một nơi nào khác nhân công rẻ hơn hay nguồn tài nguyên phong phú hơn, họ sẽ bỏ đi. Khi họ bỏ những nơi mà họ đã từng reo rắc hi vọng, hậu quả thường rất tang thương, nhưng rõ ràng là họ làm những điều này mà không hề do dự và cũng chẳng mảy may cắn rứt lương tâm chút nào. Tôi không hiểu những điều này ảnh hưởng thế nào đến tâm hồn họ, có lúc nào họ cảm thấy chùn chân, như tôi đã từng chùn chân? Đã bao giờ họ đứng cạnh một con lạch nhơ bẩn và thấy một nhười phụ nữ cố tắm rửa trong dòng nước ấy ngay trong khi một ông già đại tiện cũng chính trên con lạch đó? Chẳng lẽ không có một Howard Parker nào còn sót lại để đặt ra những câu hỏi hóc búa vậy?

Tuy tôi rất hài lòng với những thành công ở IPS và có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, tôi không tránh khỏi những phút giây buồn phiền. Giờ tôi đã là cha của một bé gái, và tôi lo sợ cho tương lai của con gái  tôi. Tôi bị ám ảnh bởi những tội lỗi mà tôi đã từng gây ra. 

Tôi cũng có thể nhìn lại và thấy những diễn biến lịch sử đầy rối loạn. Hệ thống tài chính quốc tế hiện đại được thành lập cuối Đại chiến Thế giới thứ II, tại một cuộc họp mặt của các nhà lãnh đạo từ rất nhiều quốc gia tại Bretton Woods, New Hampshire – quê hương tôi. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế được thành lập để khôi phục lại một Châu Âu bị tàn phá, và hai tổ chức này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hệ thống này phát triển rất nhanh, và nhanh chóng chiếm được sự ủng hộ của tất cả những đồng minh lớn của Mỹ và được hoan nghênh như một vị thuốc chống lại sự đàn áp. 

Nhưng tôi không khỏi tự hỏi liệu những điều này sẽ đưa chúng tôi tới đâu. Vào cuối thập niên 1980, với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự chuyển mình của CHủ nghĩa Cộng sản, tất cả trở nên rõ ràng là ngăn cản Cộng sản không còn là mục tiêu của chúng tôi nữa. Như Jim Garrison, chủ tịch của diễn đàn thế giới, nhận xét:

Nhìn nhận một cách tổng quát, hội nhập thế giới, đặc biệt là dưới hình thức toàn cầu hóa kinh tế và những đặc trưng huyền thoại của cái chủ nghĩa tư bản với “thị trường mở”, đại diện cho một “đế chế” thực sự với đầy đủ tư cách… Không có bất cứ một quốc gia nào trên thế giới có thể cưỡng lại viên nam châm đầy hấp dẫn của toàn cầu hóa. Rất ít nước có thể thoát khỏi những “chương trình điều chỉnh cơ cấu” và “những điều kiện” của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế hoặc những phân xử của Tổ chức Thương mại Thế giới, những thiết chế tài chính mà, cho dù không thỏa đáng đi nữa, vẫn quyết định ý nghĩa của toàn cầu hóa kinh tế, định ra những luật lệ và quyết định ai được thưởng vì sự phục tùng và ai bị trừng phạt vì vi phạm. Chính là nhờ sức mạnh của toàn cầu hóa mà trong đời chúng ta có thể chứng kiến sự hội nhập, ngay cả khi không đồng đều, của tất cả các nền kinh tế trên thế giới vào một hệ thống thị trường tự do toàn cầu duy nhất.1

Những vấn đề này khiến tôi quyết định đã đến lúc phải viết một cuốn sách để thú nhận tất cả, cuốn Lương tâm của một sát thủ kinh tế, song tôi không có ý định giữ kín việc này. Ngay cả bây giờ, tôi cũng không thuộc trường phái những nhà văn viết trong sự cô lập. Tôi thấy cần phải trao đổi những gì tôi viết. Tôi lấy cảm hứng từ những người khác, và tôi cần sự giúp đỡ của họ để nhớ lại và sắp xếp các sự kiện theo đúng dòng thời gian. Tôi thích đọc những đoạn mà tôi đang viết cho những người bạn của tôi nghe để có thể thấy phản ứng của họ. Tôi hiểu điều này là mạo hiểm nhưng tôi không thể viết theo cách khác được. Vì vậy chuyện tôi đang viết một cuốn cách về thời gian tôi làm việc ở MAIN không còn là một bí mật. 

Một buổi chiều năm 1987, một hội viên cũ của MAIN liên hệ với tôi và chào mời một hợp đồng hết sức béo bở với công ty Stone & Webster Engineering Corporation (SWEC). Vào thời điểm này, SWEC là một trong những công ty xây dựng và lắp ghép hàng đầu thế giới, và đang tìm cách giành một vị trí trong cái môi trường không nggừng biến đổi của ngành năng lượng. Ông ta giải thích là tôi sẽ làm việc tại chi nhánh mới của họ, một chi nhánh phát triển năng lượng hoạt động độc lập, về hình thức rất giống với các công ty như công ty IPS của tôi. Tôi thở phào khi được biết là tôi sẽ không phải dính líu gì tới những dự án quốc tế hay những dự án theo kiểu EHM.

Sự thật là, như ông ta nói với tôi, tôi cũng sẽ chẳng phải làm gì nhiều. Tôi là một trong số ít những người đã thành lập và điều hành thành công một công ty năng lượng  độc lập, và tôi tất có tiếng tăm trong ngành. SWEC chủ yếu muốn sử dụng lý lịch của tôi và đưa tôi vào danh sách cố vấn, đó là điều hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với những thông lệ trong ngành. Lời đề nghị này đặc biệt hấp dẫn với tôi vì nhiều lý do, nhất là vì tôi đang có ý định bán IPS. Ý tưởng tham gia tập đoàn SWEC và nhận một khoản thù lao kếch xù thật dễ chịu. 

Vào cái ngày Tổng giám đốc của SWEC nhận tôi, ông ta mời tôi đi ăn trưa. Chúng tôi chuyện trò thân mật và khi đó tôi nhận thức được rằng một phần trong tôi khao khát được trở lại với nghề tư vấn, bỏ lại đằng sau cái trách nhiệm điều hành một công ty năng lượng đầy phức tạp. Cứ khi nào có công trình xây dựng một nhà máy mới thì lại phải lo cho cả trăm người, cùng với một loạt các nghĩa vụ gắn liền với việc xây dựng và điều hành những nhà máy điện. Tôi đã bắt đầu tưởng tượng mình sẽ tiêu cái khoản lương hậu hĩnh mà tôi chắc ông ta sẽ trả tôi như thế nào. Tôi quyết định sẽ sử dụng số tiền đó- ngoài những việc khác- để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận.

Trong lúc thưởng thức món tráng miệng, ông ta nói về cuốn sách đã được xuất bản của tôi: Thói quen không gây căng thẳng. Ông ta nói ông đã được nghe rất nhiều lời ngợi khen cuốn sách này. Sau đó ông ta nhìn thẳng vào tôi. “Anh có ý định viết thêm cuốn sách nào nữa không?”. Ông ta hỏi. 

Bụng tôi quặn lại. Tôi chợt hiểu ra tất cả. Không một chút nao núng, tôi trả lời:”Không”. Tôi nói: “Trong lúc này, tôi không định cho xuất bản một cuốn sách nào cả”. 

“Tôi rất hài lòng khi anh nói thế,” ông ta nói. “Ở công ty này, chúng tôi đánh giá cao sự kín đáo. Cũng như ở MAIN.” “Tôi hiểu”. Ông ta ngồi ngả ra phía sau, mỉm cười và có vẻ thoải mái. “Tất nhiên những quyển sách như cuốn vừa rồi của anh, nói về cách làm giảm căng thẳng và những thể loại như vậy, hoàn toàn được hoan nghênh. Đôi khi chúng thậm chí có thể giúp cho người ta thăng tiến. Là một cố vấn của SWEC, anh hoàn toàn tự do xuất bản loại sách như vậy.” 

Ông ta nhìn tôi như đang chờ đợi một câu trả lời. “Thật mừng khi được biết điều đó”. “Vâng, hoàn toàn được. Tuy nhiên, chắc tôi không cần phải nhắc là anh sẽ không bao giờ nhắc đến tên tuổi của công ty trong những cuốn sách của anh, và anh sẽ không viết bất cứ điều gì động chạm đến bản chất công việc ở đây cũng như những gì anh đã làm ở MAIN. Anh sẽ không nói đến những vấn đề chính trị hay những gì liên quan đến các ngân hàng quốc tế và các dự án phát triển.” Ông ta nhìn sâu vào tôi. “Chỉ đơn giản vì lý do bí mật”. 

“Điều đó là dĩ nhiên”. Tôi đảm bảo với ông ta. Trong một lát, tim tôi ngừng đập. Cái cảm giác cũ lại quay trở lại, giống cái cảm giác mà tôi có với Howard Parker ở Inđônêxia, khi lái xe qua thành phố Panama bên cạnh Fidel, và khi ngồi ở quán càfê tại Colombia với Paula. Tôi lại đang bán mình. Đây không phỉ là hối lộ theo đúng nghĩa của nó. Việc công ty này trả tiền cho tôi, yêu cầu tôi tư vấn hoặc thỉnh thoảng tham gia các các cuộc họp chẳng có gì phải che đậy giấu diếm và tuyệt đối hợp pháp, nhưng tôi hiểu rõ lý do vì sao họ muốn tuyển tôi. 

Khoản tiền lương mà ông ta đưa ra tương đương với lương của một quản lý cấp cao. Buổi chiều hôm đó, khi đang ngồi ngoài sân bay chờ chuyến bay về Florida, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Tôi có cảm giác tôi là một con điếm. Còn tệ hơn, tôi có cảm giác là tôi đã lừa dối con gái tôi, gia đình tôi, Tổ quốc tôi. Tuy vậy, tội tự nhủ là tôi đã không có lựa chọn nào khác. Tôi biết rằng lần này, nếu tôi không nhận hối lộ, tôi sẽ gặp nguy hiểm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.