Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 24: Tổng thống Êcuađo đấu tranh với các công ty dầu lửa



Công việc ở Côlômbia và Panama giúp tôi có nhiều cơ hội qua lại và thăm Êcuađo, đất nước mà tôi coi là quê hương thứ hai của mình. Êcuađo đã từng có thời gian dài đặt dưới ách thống trị của độc tài và các thế lực cánh hữu vốn chịu sự điều kiện của những quyền lợi chính trị cũng như thương mại của Hoa Kỳ. Kinh tế Êcuađo chủ yếu nhờ vào xuất khẩu hoa quả, và chế độ tập đoàn trị đã thâm nhập rất sâu vào đất nước này. Từ cuối những năm 60, dầu lửa ở lưu vực sông Amazon của Êcuađo bắt đầu được khai thác, gây nên những cơn sốt mua sắm lu bù của một nhóm các gia đình nắm quyền thống trị Êcuađo, và làm lợi cho các người nước ngoài. Những gia đình này đã chất lên Êcuađo gánh nợ chồng chất, cùng lời hứa sẽ trả nợ bằng nguồn thu từ dầu lửa. Những con đường và các khu công nghiệp, những đập thủy lợi, các hệ thống phân phối và truyền dẫn, cũng như các dự án năng lượng khác mọc lên khắp đất nước. Các công ty kỹ thuật và xây dựng nước ngoài lại một lần nữa phất lên nhanh chóng. 

Ngôi sao đang tỏa sáng trên dãy Andy này là một ngoại lệ đối với quy luật về sự tham nhũng gắn liền với chính trị và sự đồng lõa với chủ nghĩa tập đoàn. Jaime Roldos là một giáo sư đại học, một luật sư sắp bước sang tuổi 40, người mà tôi đã có vài dịp gặp trước đây. Ông là một người có sức lôi cuốn và rất thanh lịch. Một lần, tôi đã bốc đồng và đề nghị bay tới Quito và tư vấn miễn phí cho ông bất cứ khi nào ông cần. Tôi nói điều này một phần là đùa, nhưng cũng bởi vì tôi vui lòng được làm điều đó vào kỳ nghỉ của mình – tôi quý ông và, như tôi đã nói ngay với ông rằng tôi luôn tìm cơ hội để đến thăm đất nước quê hương ông. Ông cười lớn và đưa ra một thỏa thuận tương tự, rằng bất cứ khi nào tôi có vướng mắc gì trong việc đàm phán về giá dầu, tôi có thể gọi cho ông. 

Ông nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa dân túy và là một nhà yêu nước, luôn tin tưởng mạnh mẽ vào quyền lợi của người nghèo và tin rằng trách nhiệm của các nhà chính trị là phải sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước một cách thận trọng. Khi ông bắt đầu tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1978, ông đã giành được sự quan tâm của những người dân Êcuađo cũng như những nước có dầu lửa đang bị nước ngoài khai thác- và cả những công dân của tất cả các quốc gia đang mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Roldos là một chính trị gia tân tiến hiếm có, và không bao giờ sợ phải đối mặt với thực tế. Ông theo sát các công ty dầu lửa và cái hệ thống không quá tinh vi đang hỗ trợ chúng.

Chẳng hạn, ông buộc tội Viện Ngôn ngữ mùa hạ (SIL), thực chất là một nhóm truyền giáo từ Mỹ, đã câu kết với các công ty dầu lửa. Tôi có quen những người truyền giáo thuộc viên SIL từ ngày tôi còn trong Quân đoàn Hòa bình. Viện cớ là đi nghiên cứu, ghi lại, và dịch các ngôn ngữ bản địa, tổ chức này đã thâm nhập vào Êcuađo cũng như nhiều nước khác. 

Vào những năm đầu đi tìm dầu mỏ, khi SIL đang hợp tác tích cực với bộ tộc Huaorani ở lưu vực sông Amazon, thì những rối loạn bắt đầu xuất hiện. Hễ các nhà địa chất học của các công ty dầu lửa báo về trụ sở công ty rằng một khu vực nào đó có những đặc điểm cho thấy có khả năng có dầu lửa dưới lòng đất thì SIL lại đến và khuyên người dân bản địa di chuyển đi khỏi vùng đất đó, đến những vùng đất truyền giáo dành riêng cho các bộ tộc lạc; nơi họ sẽ được cấp miễn phí nơi ăn, chỗ ở, quần áo, các thiết bị y tế, và một nền giáo dục hướng đạo. Đổi lại, họ phải nhượng đất cho các công ty dầu lửa. 

Có rất nhiều lời đồn đại cho rằng các nhóm truyền giáo của SIL đã dùng hàng loạt các chiêu thức gian dối nhằm thuyết phục các bộ lạc bỏ nhà chuyển đến sống tại vùng truyền giáo. Có một câu chuyện thường được người ta kể đi kể lại rằng các nhóm này đã phát thức ăn có pha thêm thuốc nhuận tràng- rồi lại tặng thuốc để chữa bệnh ỉa chảy cho các bộ lạc này. Trên khắp lãnh thổ của Huaorani, SIL đã dùng máy bay thả các thùng thực phẩm có đáy giả gắn những máy phát radio nhỏ xíu. Các máy thu đặt tại các trạm liên lạc hết sức tinh vi do quân nhân Mỹ đóng tại căn cứ quân sự ở Shell cung cấp đã bắt sóng các máy phát này. Bất cứ khi nào có một người dân của bộ lạc bị rắn độc cắn hay bị ốm nặng, thì một đại diện của SIL đều đến, mang theo thuốc chữa rắn cắn hay các loại thuốc thích hợp – thường là bằng máy bay trực thăng của các công ty dầu lửa. 

Trong người ngày đầu tìm kiếm dầu lửa, người ta đã tìm thấy 5 người truyền giáo SIL chết với cây giáo của người Huaorani đâm xuyên qua cơ thể. Sau nay, người Huaorani đã tuyên bố rằng họ làm thế để cảnh cáo SIL lã hãy dừng lại. Nhưng không ai để ý gì đến lời cảnh cáo này cả. Trên thực tế thì nó có tác động hoàn toàn ngược lại. Rachel Saint, chị của một trong những người đàn ông bị giết, đi khắp Hoa Kỳ, xuất hiện trên Đài Truyền hình Quốc gia để quyên góp tiền và kêu gọi sự ủng hộ cho SIL và các công ty dầu lửa, những người mà cô ta khẳng định là đang cố giúp “những kẻ man di mọi rợ kia” trở nên văn minh hơn và có văn hóa hơn. 

SIL đã nhận được tài trợ từ các tổ chức từ thiện của Rockefeller. Jaime Roldos  khẳng định, mối quan hệ với Rockefeller cho thấy SIL thực sự là một đạo quân tiên phòng trong chiến dịch cướp đất của thổ dân và thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu lửa; chính John D.Rockefellerm, người thừa kế dòng họ Rockefeller đã thành lập Standard Oil – công ty mẹ của Chevron, Exxon và Mobil sau này. 1 

Tôi có cảm giác Roldos  đang đi theo con đường mà Torrijos đã soi rọi. Cả hai đã đứng lên chống lại cường quốc mạnh nhất thế giới. Torrijos muốn lấy lại kênh đào, trong khi quan điểm dân tộc mạnh mẽ của Roldos  về dầu lửa đã đe dọa những công ty có thế lực nhất trên thế giới. Giống như Torrijos, Roldos  không theo chủ nghĩa cộng sản, mà đang đứng lên giành quyền lợi cho dân tộc để đảm bảo cho vận mệnh của một đất nước. Và cũng ngân hàng với Torrijos, các chuyên gia đã tiên đoán là Washington và các công ty dầu lửa sẽ không bao giờ chịu để Roldos  trở thành tổng thống, và nếu ông có được bầu thì số phận của ông cũng sẽ chẳng khác nào số phận của Arbenz ở Guatemala hay Allende ở Chile.

Với tôi thì dường như cả hai con người này đều dẫn đầu một phong trào mới trên chính trường Mỹ Latinh. Phong trào này có thể sẽ là nền tảng cho những thay đổi có ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên hành tinh này. Họ không phải là Castro hay Gadhafi. Họ không có quan hệ gì với Ngay hay Trung Quốc; hay như trong trường hợp của Allende, không có quan hệ gì với phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế. Họ, những người lãnh đạo thông minh, có uy tín, được quần chúng yêu mến, là những người theo chủ nghĩa thực tế chứ không theo chủ nghĩa giáo điều. Họ là những người yêu nước những không phải là những người chống Mỹ. Nếu chế độ tập đoàn trị được xây dựng trên ba trụ cột- các tập đoàn lớn, các ngân hàng quốc tế, và các chính phủ đầy mưu mô- thì Roldos  và Torrijos đã không cho phép trụ cột thứ 3 là sự cấu kết giữa các chính phủ tồn tại. 

Một phần chính trong cương lĩnh chính trị của Roldos  là chính sách Hydrocarbon. Nền tảng của chính sách này là dầu lửa, tiềm năng lớn nhất của Êcuađo và việc khai thác nó trong tương lai phải đem lại lợi ích lớn nhất cho phần lớn người dân nước này. Roldos  tin tưởng mạnh mẽ rằng, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ người nghèo và người bị tước quyền công dân. Ông hy vọng rằng chính sách Hydrocarbon trên thực tế có thể trở thành một phương tiện để tiến hành cải cách xã hội. Song, ông cũng biết cần phải thận trọng vì ông hiểu rằng ở Êcuađo, cũng như ở nhiều nước khác nữa, ông không thể được bầu làm tổng thống nếu không có được sự ủng hộ của ít nhất là một số dòng tộc có quyền thế, và rằng thậm chí nếu ông có tìm cách thắng cử mà không nhờ đến họ đi nữa thì các chương trình cải cách của ông cũng sẽ không thể tiến hành được khi không nhận được sự ủng hộ của những nhóm người này. 

Bản thân tôi đã nhẹ nhõm khi Tổng thống Carter đang bám trụ trong Nhà Trắng vào thời khắc quan trọng này. Mặc dù phải chịu áp lực từ Texaco và các tập đoàn dầu lửa khác, Washington vẫn duy trì quan điểm của mình. Tôi biết sẽ không thể có điều này nếu đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa nắm quyền.    

Hơn hết thảy mọi thứ, tôi tin rằng chính chính sách Hydrocarbons đã thuyết phục những người Êcuađo đưa Jaime Roldos  đến Dinh Tổng thống ở Quito- vị Tổng thống đầu tiên của họ được bầu cử một cách dân chủ sau một thời gian dài dưới ách thống trị độc tài. Ngày 10 tháng 8 năm 1979, ông đã đặt ra nền tảng cho chính sách này với lời mở đầu như sau: Chúng ta phải áp dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn năng lượng  của đất nước. Nhà nước phải duy trì sự đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và không đánh mất đi tính độc lập về kinh tế của nước mình… Các quyết định của chúng ta phải dựa trên các quyền lợi quốc gia và trong khuôn khổ bảo vệ vô hạn chủ quyền dân tộc. 

Một lần khi còn đương chức, Roldos đã phải đối đầu với Texaco, vì trong thời gian đó, Texaco đã trở thành một trong những thế lực mạnh trong lĩnh vực này. Đó là một mối quan hệ gai góc. Kẻ khổng lồ trong lĩnh vực dầu lửa không tin vị Tổng thống mới và không muốn trở thành một phần của cái chính sách đang có nguy cơ trở thành tiền lệ mới. Công ty này hiểu rất rõ rằng những chính sách như vậy có thể sẽ là mô hình cho các nước khác đi theo.

Bài phát biểu của một trong những cố vấn chính cho Roldos, Jose Carvajal, đã tóm tắt thái độ của chính quyền mới: 
Nếu một đối tác (Texaco) không muốn chấp nhận rủi ro, không muốn đầu tư để tìm kiếm thăm dò, hay không muốn khai thác các khu khai thác dầu lửa có điều kiện, thì đối tác khác có quyền tiến hành các dự án đầu tư đó và sau đó được quyền sở hữu… Chúng ta tin rằng mối quan hệ của chúng ta với các công ty nước ngoài phải là một mối quan hệ công bằng; chúng ta phải cứng rắn trong đấu tranh; chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để đương đầu với mọi áp lực, song chúng ta không nên tỏ ra sợ hãi hay cảm thấy kém cỏi hơn khi thương thảo với các đối tác nước ngoài đó. 

Vào ngày đầu năm 1980, tôi đã đưa ra quyết định. Đó là sự khởi đầu một thập niên mới. Và 28 ngày nữa tôi sẽ bước sang tuổi 35. Tôi quyết tâm trong năm tới tôi sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, và trong tương lai tôi sẽ cố gắng theo gương những người anh hùng thời hiện đại như Jaime Roldos  và Omar Torrijos. 

Thêm vào đó, một sự kiện chấn động đã xảy ra. Xét về lợi nhuận, Bruno là Chủ tịch thành công nhất trong lịch sử của MAIN. Song, thật bất ngờ và không hề báo trước, Mac Hall đã hạ bệ ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.