Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 10: Vị tổng thống, người anh hùng của Panama



Tôi đáp xuống sân bay quốc tế Tocumen của Panama vào một đêm tháng tư năm 1972 trong một cơn mưa nhiệt đới lớn. Như thường lệ, tôi đi chung taxi với một số quan chức khác và vì biết tiếng Tây Ban Nha, tôi được xếp ngồi ở ghế trước bên cạnh lái xe. Tôi thẫn thờ nhìn cảnh vật bên ngoài qua kính ô tô. Dưới mưa, ánh đèn pha ô tô chiếu vào một tấm áp phích có hình một người đàn ông điển trai với cặp lông mày rậm và đôi mắt sáng long lanh. Một bên chiếc mũ rộng vành của ông được uốn cong lên một cách ngang tàng. Tôi nhận ra người anh hùng Panama, Omar Torrijos. 

Như thường lệ, để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi đến Thư viện Công cộng Boston để đọc những cuốn sách viết về đất nước này. Tôi biết rằng một trong những lý do khiến Torrijos được lòng dân là vì ông rất cứng rắn, cả trong việc bảo vệ quyền tự trị của Panama cũng như tuyên bố chủ quyền đối với kênh đào Panama. Dưới dự lãnh đạo của mình, ông quyết tâm đưa đất nước tránh khỏi những cạm bẫy nguy hiểm đã làm nên một lịch sử đáng khinh của đất nước này. 

Panama đã từng là một phần của Colombia khi kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps, người chỉ đạo xây dựng kênh đào Suez, quyết định xây một con kênh qua dải đất vùng Trung Mỹ để nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Từ năm 1881, Pháp đã huy động một nguồn lực khổng lồ để tiến hành công việc trên nhưng đã gặp phải hết thất bại này đến thất bại khác. Cuối cùng, vào năm 1889 dự án đã thất bại do thiếu nguồn tài chính nhưng nó đã khởi nguồn cho một giấc mơ của Tổng thống Mỹ- Theodore Roosevelt. Trong suốt những năm đầu của thế kỷ XX, Mỹ yêu cầu Colombia ký một hiệp ước chuyển dải đất này cho một tập đoàn Bắc Mỹ nhưng Colombia đã từ chối. 

Năm 1903, Tổng thống Roosevelt hạ lệnh cho tàu chiến Nashville của Mỹ tới đây. Lính Mỹ đã đổ bộ xuống, chiếm giữ và giết một thủ lĩnh quân du kích địa phương nổi tiếng, rồi tuyên bố Panama là một quốc gia tự độc lập. Một chính phủ bù nhìn được dựng lên và Hiệp ước Kênh đào đầu tiên được ký kết; nó đã thiết lập nên một vùng đất Mỹ ở cả 2 bên con đường thủy tương lai này, hợp pháp hóa sự can thiệp quân sự của Mỹ và trao quyền kiểm sóat quốc gia “độc lập” mới được thành lập này cho Mỹ. 

Điều thú vị là Hiệp ước này lại được Ngoại trưởng Mỹ Hay và một kỹ sư người Pháp là Philippe Bunau-Varilla, người trước đây là một thành viên của dự án bắt đầu, chứ chẳng do một người Panama nào ký. Thực chất, một thỏa thuận giữa một người Mỹ và một người Pháp đã buộc Panama phải rời bỏ Colombia để phục vụ quyền lợi của Mỹ. Nhìn lại, đây quả là một sự khởi đầu mang tính báo trước.(1)        

Trong hơn nửa thế kỷ, Panama chịu sự cai trị của một chế độ đầu sỏ chính trị gồm những gia đình giàu có, có quan hệ chặt chẽ với Washington. Đó là những kẻ độc tài cánh hữu, luôn sẵn sàng thực hiện bất cứ biện pháp nào mà chúng cho là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của Mỹ. Giống như hầu hết những tên độc tài Mỹ Latinh là đồng minh của Mỹ, đối với những kẻ cầm quyền Panama, lợi ích của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc đàn áp bất cứ phong trào dân túy nào thoáng có hơi hướng xã hội chủ nghĩa. Những kẻ này cũng ủng hộ CIA và NSA trong các hoạt động chống phá chủ nghĩa cộng sản ở nửa bán cầu này và giúp các công ty lớn của Mỹ như Công ty Standard Oil của Rockerfeller và Công ty United Fruit (được George H.W.Bush mua). Các chính quyền này hoàn toàn không nhận thấy rằng lợi ích của Mỹ được thúc đẩy nhờ việc củng cố cuộc sống đói nghèo của những người dân buộc phải làm việc như nô lệ trong các đồn điền và cho các tập đoàn lớn. 

Những kẻ cầm quyền tất nhiên được bù đắp hậu hĩnh cho sự phụng sự của họ; lực lượng quân đội Mỹ đã đại diện cho những kẻ cầm quyền Panama để can thiệp hàng chục lần trong cả giai đoạn từ khi Panama tuyên bố độc lập đến năm 1968. Tuy nhiên, trong năm đó- khi tôi vẫn còn là tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình ở Êcuađo, lịch sử Panama đã rẽ sang một hướng khác. Một cuộc nổi dậy lật đổ Arnulfo Arias, tên độc tài cuối cùng trong đội ngũ độc tài ở Panama và Omar Torrijos trở thành người lãnh đạo đất nước, mặc dù ông không tích cực tham gia vào cuộc lật đổ.(2) 

Torrijos được tầng lớp trung lưu và hạ lưu ở Panama đề cao. Bản thân ông lớn lên ở thành phố nghèo Santiago, nơi bố mẹ ông làm nghề dạy học. Ông thăng tiến nhanh qua các cấp bậc của Lực lượng Cận vệ Quốc gia, đơn vị quân đội đầu tiên của Panama trong những năm 60 ủng hộ mạnh mẽ. Ông nổi tiếng là biết lắng nghe người nghèo. Ông đến những khu nhà ổ chuột, nơi mà những chính trị gia không dám lui tới, để tổ chức các cuộc mít tinh, giúp đỡ những người thất nghiệp tìm việc làm, thường xuyên làm từ thiện cho những gia đình ốm đau và rơi vào hoàn cảnh bi đát bằng nguồn tài chính ít ỏi của mình.(3) 

Tình yêu cuộc sống và lòng nhân ái của ông thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới Panama. Torrijos quyết tâm biến đất nước trở thành một bến bờ cho những người phiêu dạt trốn khủng bố, thành nơi trú ngụ cho những người tị nạn của cả hai phe phái chính trị, từ những phe đối lập cảnh tả với chế độ độc tài Pinnochet của Chi Lê cho tới những người du kích cánh hữu chống lại P.Castro. Nhiều người coi ông như một sứ giả hòa bình, và điều này khiến ông được ngưỡng mộ trên khắp bán cầu. Ông cũng được biết đến với tư cách là nhà lãnh đạo có quyết tâm hòa giải mối bất đồng giữa các phe phái đã gây chia rẽ rất nhiều quốc gia Mỹ Latinh: Honduras, Guatemala, El Salvador, Nicaragua, Cuba, Colombia, Peru, Argentina, Chile và Paraguay. Quốc gia bé nhỏ với 2 triệu dân của ông là một mẫu hình về cải cách xã hội và là nguồn cảm hứng cho các nhà lãnh đạo thế giới, từ những nghiệp đoàn lao động âm mưu chia cắt Liên bang Xô Viết đến những lãnh đạo du kích Hồi giáo như Muammar Gadahfi của Libya.(4) 

Đêm đầu tiên ở Panama, dừng lại ở cột đèn tín hiệu giao thông, nhìn cái cần gạt nước đang hối hả gạt nước trên kính chắn gió, tôi thấy xúc động bởi người đàn ông từ trên tấm áp phích đang mỉm cười với mình – đẹp trai, hấp dẫn và can đảm. Từ những gì học được ở BPL tôi biết rằng ông đã đứng lên bảo vệ cho đức tin của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Panama không phải là bù nhìn của Washington hay của bất kỳ một quốc gia nào khác. Torrijos luôn chống lại sự cám dỗ của Matxcơva hay Bắc Kinh; ông tin vào cải cách xã hội và tin sẽ giúp đỡ được những người nghèo nhưng ông lại không theo chủ nghĩa cộng sản. Không giống như Castro, Torrijos quyết tâm giành lại tự do từ tay nước Mỹ mà không trở thành đồng minh của những kẻ thù của Mỹ. 

Tôi đã tình cờ đọc qua một bài ở một tờ báo không mấy tiếng tăm nào đó mà tôi tìm thấy trên giá sách của BPl, bài báo đã ca ngợi Torrijos như một người có thể thay đổi lịch sử của Châu Mỹ, đảo ngược xu hướng thống trị lâu đời của Mỹ. Trong lời mở đâu, tác giả đã trích dẫn Thuyết Bành trướng do định mệnh, một học thuyết mà những người dân Mỹ trong những năm 1840 biết, đó là sự xâm chiếm Bắc Mỹ là lệnh của bề trên; rằng Chúa chứ không phải con người đã ra lệnh giết người da đỏ, phá rừng và giết trâu bò, tháo nước của các đầm lầy và các kênh rạch; Chúa cũng quyết định rằng sự phát triển của con người và nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Bài báo này đã làm tôi suy ngẫm về thái độ của đất nước mình đối với thế giới. Học thuyết Monroe, do Tổng thống James Monroe khởi xướng năm 1823, đã được dùng để phát triển thuyết Bành Trướng do định mệnh thêm một bước. Vào những năm 50, 60, người ta dùng nó để khẳng định rằng Mỹ có những quyền năng đặc biệt đối với toàn bộ bán cầu này, bao gồm cả quyền xâm lược bất kỳ quốc gia nào ở Trung và Nam Mỹ, nếu các nước này không ủng hộ các chính sách của Mỹ. Teddy Roosevelt đã dùng Học thuyết Monroe để tiến hành hoạt động can thiệp của Mỹ vào Cộng hòa Dominica, vào Venezuela và trong suốt quá trình “tự do hóa” Panama từ Colombia. Một loạt các đời tổng thống Mỹ sau đó- đáng chú ý là Taft, Wilson và Franklin Roosevelt – đều dựa vào học thuyết trên để mở rộng các hoạt động liên Mỹ của Washington trong suốt những năm cuối Đại chiến Thế giới lần thứ Hai. Cuối cùng, trong nửa cuối của thế kỷ XX, Mỹ đã dùng con bài mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản để bành trướng Học thuyết này ra các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam và Inđônêxia.(5) 

 Giờ đây, dường như có một người đang chặn trước bước tiến của Washington. Tôi biết rằng ông không phải là người đầu tiên- các nhà lãnh đạo như Castro và Allende đã đi trước ông- những một mình Torrijos đã làm điều đó mà không theo lý tưởng cộng sản, không tuyên bố rằng phong trào của ông là một cuộc cách mạng. Ông chỉ nói đơn giản rằng Panama có những quyền riêng của mình- chủ quyền đối với con người, đất liền và con đường thủy chia đôi Panama- và rằng những quyền này cũng có giá trị, cũng thiêng liêng như những quyền mà nước Mỹ đang có. 

Torrijos cũng phản đối các trường học của Mỹ và Trung tâm Huấn luyện Sỹ quan ở Nam Mỹ, cả hai đều nằm ở khu vực kênh đào. Đã từ lâu, các lực lượng vũ trang của Mỹ vẫn mời nhà độc tài và tổng thống các nước Mỹ Latinh gửi con cháu và các tướng lĩnh quân đội vào học tại các trường và trung tâm nay- những cơ sở lớn nhất và được trang bị tốt nhất trong số các trung tâm ngoài Bắc Mỹ. Tại đây, họ được đào tạo các kỹ năng thẩm tra và hoạt động bí mật cũng như các chiến thuật quân sự mà họ sẽ dùng để chống lại chủ nghĩa cộng sản và bảo vệ tài sản của chính họ cũng như những quyền lợi của các công ty dầu lửa và các tập đoàn lớn khác. Họ cũng có cơ hội liên kêt với những sĩ quan cao cấp của Mỹ.

Người dân Mỹ Latinh rất ghét những cơ sở đào tạo này – ngoại trừ những gia đình giàu có được hưởng lợi từ các trường và trung tâm trên. Những nơi này đã đào tạo ra những kẻ giết người cánh hữu và những tên tra tấn đã đẩy rất nhiều quốc gia vào chế độ chuyên quyền. Torrijos chỉ rõ ràng ông không muốn những trung tâm đào tạo này tồn tại ở Panama- và rằng ông coi khu vực kênh đào là một phần lãnh thổ Panama.(6)

Nhìn khuôn mặt điển trai của vị tướng trên tấm áp phích và đọc dòng chữ ở phía dưới- “Lý tưởng của Omar là tự do; chưa có một loại tên lửa nào được chế tạo ra có thể giết chết một lý tưởng!”- một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống tôi. Tôi có linh cảm câu chuyện của Panama ở thể kỷ XX chưa đến hồi kết và rằng Torrijos sẽ phải đối mặt với một thời khác khó khăn và thậm chí là bi thảm. 

Cơn bão nhiệt đới vẫn đập liên hồi vào kính xe, đèn giao thông chuyển sang màu xanh và người lái xe bấm còi để giục chiếc xe phía trước. Tôi nghĩ về vị trí của mình. Tôi được cử tới Panama để kết thúc một thỏa thuận rất có thể sẽ trở thành bản quy hoạch phát triển toàn diện thực sự đầu tiên của MAIN. Kế hoạch này sẽ là lý do để Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và USAID đầu tư hàng tỷ đô la vào các lĩnh vực năng lượng, vận tải, và nông nghiệp của quốc gia nhỏ bé song cực kỳ quan trọng này. 

Tất nhiên đây là một thủ đoạn, một phương tiện để biến Panama mãi mãi trở thành con nợ và do đó sẽ quay trở lại chế độ bù nhìn. Chiếc taxi xuyên vào đêm tối, một cảm giác tội lỗi lóe lên trong đầu nhưng tôi đã chặn nó lại. Tôi thực sự quan tâm đến điều gì? Ở Java, tôi đã dấn sâu vào con đường này, đã bán rẻ linh hồn mình và giờ đây tôi đang có trong tay một cơ hội ngàn năm có một. Trong phút chốc, tôi có thể trở nên giàu có, nổi tiếng và đầy quyền lực. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.