Lời thú tội của một sát thủ kinh tế
Chương 21: Côlômbia – hòn đá tảng của Châu Mỹ Latinh
Một mặt, Ảrập Xêút, Iran và Panama là những nước vừa rất hấp dẫn vừa khiển người ta lo ngại, song mặt khác đây lại là những quốc gia hoàn toàn khác so với quy luật thông thường. Do Ảrập Xêút và Iran có trữ lượng dầu lớn, còn Panama lại có kênh đào, nên ba nước này không giống với những nước khác. Trường hợp của Côlômbia thì điển hình hơn, và MAIN vừa là công ty thiết kế, vừa là công ty thi công hàng đầu cho một dự án thủy điện khổng lồ ở nước này.
Một giáo sư đại học Côlômbia, người đang viết một cuốn sách về lịch sử mối quan hệ giữa Panama và Mỹ có lần nói với tôi rằng Tổng thống Teddy Roosevelt đánh giá cao tầm quan trọng của Côlômbia. Người ta bảo, có lần vị Tổng thổng và cựu đại tá trong cuộc chiến Mỹ- Tây Ban Nha này đã chỉ vào bản đồ và miêu tả Côlômbia như “hòn đá đỉnh vòm của cánh cửa hình vòng cung Nam Mỹ”. Tôi chưa bao giờ xác minh lại câu chuyện này song có thể nhìn thấy rõ điều đó trên bản đồ Nam Mỹ: Côlômbia nằm ở đỉnh trên cùng của Nam Mỹ và dường như là điểm nối tất cả những phần còn lại của lục địa với nhau. Côlômbia nối tất cả các nước Nam Mỹ với eo biển Panama, và do đó với cả vùng Trung và Bắc Mỹ.
Cho dù có đúng là Roosevelt đã nói như vậy về Côlômbia hay không thì ông ta cũng chỉ là một trong số nhiều tổng thổng ý thức được vai trò then chốt của Côlômbia. Trong gần hai thế kỷ, nước Mỹ đã coi Côlômbia là hòn đá tảng- hoặc gọi một cách chính xách hơn là cửa ngõ dẫn vào bán cầu nam, cả về kinh tế và chính trị.
Côlômbia còn được trời phú cho một thiên nhiên tuyệt đẹp: Những bãi biển mê hồn với những hàng cọ chạy dài ở cả bên bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, những ngọn núi hùng vĩ, những cánh đồng hoang có thể sánh ngang với những thảo nguyên mênh mông của Bắc Mỹ, và những cánh rừng nhiệt đới với vô số loài thực vật. Con người nơi đây cũng mang những nét tính cách đặc biệt, kết hợp các nét đặc trưng về thể chất, văn hóa nghệ thuật của rất nhiều dân tộc, từ người Taironas bản xứ tới người nhập cư từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Trung Đông.
Từ xa xưa, Côlômbia đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa của khu vực Châu Mỹ Latinh. Trong thời kỳ thực dân, Côlômbia là nơi ở của các lãnh chúa từ tất cả các thuộc địa của Tây Ban Nha ở miền Bắc Pêru và miền Nam Côxta Rica. Rất nhiều đoàn tàu lớn chở vàng đã xuất phát từ thành phố ven biển Cartagena của Côlômbia, chở những kho báu vô giá từ những vùng xa xôi ở Nam Mỹ như Chilê và Áchentina tới các bến cảng ở Tây Ban Nha. Rất nhiều sự kiện then chốt trong các cuộc chiến giành độc lập đã diễn ra ở Côlômbia; ví dụ, quân đội của Simón Bolívar đã chiến thắng quân đội Hoàng gia Tây Ban Nha trong trận chiến quan trọng ở chiến trường Boyacá năm 1819.
Đương nhiên, Côlômbia nổi tiếng là quê hương của nhiều nhà văn, nghệ sỹ, triết gia và nhân tài chói sáng nhất Châu Mỹ Latin. Đất nước này cũng nổi tiếng có một chính phủ được tín nhiệm và tương đối dân chủ. Côlômbia trở thành hình mẫu cho các chương trình xây dựng đất nước của Tổng thống Kenedy ở khắp Châu Mỹ Latinh. Không giống trường hợp của Goatêmala, Chính phủ Côlômbia không bị mang tiếng là do CIA lập ra; và cũng không giống Nicaragoa, Chính phủ Côlômbia là một chính phủ do dân bầu, hoàn toàn trái ngược với những chính phủ độc tài cánh hữu. Cuối cùng, khác với rất nhiều nước, trong đó có cả những nước mạnh như Braxin và Áchentina, Côlômbia không mất lòng tin vào nước Mỹ. Côlômbia tiếp tục là hình ảnh của một đồng minh đáng tin cậy, dù nước này có đầy rẫy những tập đoàn buôn ma túy.1
Tuy nhiên, vòng hào quang sáng chói trong lịch sử Côlômbia lại bị lu mờ bởi lòng căm thù và bạo lực. Nơi ở của các vị lãnh chúa Tây Ban Nha cũng chính là ngôi nhà của Giáo hội Thiên chúa. Những pháo đài nguy nga, những đồn điền, thành phố đều được xây dựng trên xương máu của những người nô lệ da đỏ và Châu Phi. Kho báu trên những chiếc thuyền chở vàng, những báu vật linh thiêng và những kiệt tác nghệ thuật được nấu chảy để vận chuyển dễ dàng hơn đều là đồ cướp đoạt từ trái tim của những người Cổ đại. Bản thân những nền văn hóa đáng tự hào đã bị lưỡi kiếm của quân Tây Ban Nha xâm lược và bệnh dịch tàn phá. Gần đây hơn, cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi năm 1945 đã gây chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị và dẫn đến sự kiện La Violencia (1948-1957) khiến hơn hai trăm nghìn người thiệt mạng.
Cho dù chứa đầy những mâu thuẫn và cả những nghịch lý như vậy, song Côlômbia vẫn luôn được Washington và phố Wall từ trước đến nay xem là một nhân tố cốt yếu thúc đẩy các lợi ích thương mại và chính trị trong mối quan hệ giữa Panama và Mỹ. Ngoài vị trí địa chính trị quan trọng của Côlômbia, điều này còn do nhiều nhân tố khác nữa, trong đó có quan điểm cho rằng các nhà lãnh đạo trên cả bán cầu này đang hướng tới Bogotá để có thêm sức mạnh và sự chỉ dẫn, cũng như trên thực tế là nước này đang cung cấp cho thị trường Mỹ rất nhiều sản phẩm như cà phê, chuối, hàng dệt may, hoa tươi, dầu và ma túy, đồng thời cũng là thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Một trong những dịch vụ quan trọng nhất mà chúng tôi cung cấp cho Côlômbia trong giai đoạn cuối thế kỷ XX là chuyên gia xây dựng và kỹ thuật. Côlômbia rất giống với nhiều nơi tôi đã từng tới làm việc. Rất dễ thấy đất nước này có thể vay những khoản nợ lớn và sau đó thanh toán các khoản nợ này bằng lợi nhuận có được từ chính các dự án cũng như bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước mình. Vì thế, những khoản đầu tư lớn vào mạng lưới điện, đường cao tốc, và viễn thông sẽ giúp Côlômbia khai thác các nguồn tài nguyên dầu và khí ga của nước này và phát triển những vùng đất hoang sơ của Amazon. Ngược lại, chính những dự án đó sẽ mang lại nguồn thu cần thiết để trả các khoản vay, bao gồm cả lãi suất.
Đó là về lý thuyết. Tuy nhiên, sự thực nhất quán với ý định thực sự của chúng tôi trên khắp thế giới này là chiếm Bogotá để mở rộng hơn nữa đế chế toàn cầu. Công việc của tôi ở đây cũng giống như ở nhiều nơi khác, đó là chứng minh rằng nước này cần những khoản vay cực lớn. Côlômbia không có được một người như Torrijos; vì thế tôi thấy mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố thổi phồng lên các dự báo về trọng tải điện và tăng trưởng kinh tế.
Ngoại trừ những cảm giác tội lỗi mà đôi khi tôi chợt có về công việc của mình, đối với tôi, Côlômbia đã trở thành nơi trú ẩn bí mật. Tôi và Ann đã sống ở đây hai tháng vào đầu thập niên 70. chúng tôi còn bỏ tiền mua cả một trang trại nhỏ trồng cà phê nằm ở dải núi dọc theo bờ biển Caribê. Tôi nghĩ thời gian chúng tôi bên nhau khi đó suýt nữa đã có thể giúp chúng tôi hàn gắn những nỗi đau mà chung tôi đã gây cho nhau trong những năm trước đó. Song, những vết thương đó còn quá sâu, và phải đến khi cuộc hôn nhân của chúng tôi kết thúc, tôi mới nhận ra rằng tôi đã thực sự gắn bó với đất nước này.
Trong thập niên 70, MAIN đã nhận được một số hợp đồng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng mạng lưới nhà máy thủy điện và phân phối điện để chuyển tải điện từ rừng sâu cho tới những thành phố nằm tít trên núi cao. Tôi được phân một văn phòng ở thành phố duyên hải Barranquilla. Chính ở đó, năm 1977, tôi đã gặp cô gái Côlômbia xinh đẹp, người đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Khác với các phụ nữ Côlômbia khác, Paula có mái tóc dài vàng óng và đôi mắt xanh lục quyến rũ. Cha mẹ cô ấy là người Bắc Ý đến sinh sống ở Côlômbia, và để kế thừa truyền thống của gia đình, Paula trở thành nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, Paula đã tiến một bước xa hơn thế. Cô xây dựng một nhà máy nhỏ để sản xuất các trang phục theo thiết kế của mình. Những trang phục do Paula thiết kế được đem bán ở các cửa hàng thời trang sang trọng trên khắp đất nước Côlômbia cũng như ở Panama và Vênêzuêla. Cô ấy là một người rất nhân hậu và đã giúp tôi vượt qua những tổn thương mà cuộc hôn nhân tan vỡ để lại trong tôi và khiến tôi thay đổi thái độ đối với phụ nữ vốn làm tôi khốn khổ. Cô ấy cũng khiến tôi nhận ra rất nhiều hậu quả mà công việc của tôi đưa lại.
Như tôi vẫn luôn nói, cuộc sống là sự kết hợp một chuỗi những điều trùng hợp ngẫu nhiên mà chúng ta không thể nào kiếm soát nổi. Đối với tôi, đó là việc được nuôi dạy tại trường nội trú nam ở vùng nông thôn New Hampshire với tư cách là con trai của một giáo viên, gặp Ann và chú Frank của cô ấy, chiến tranh Việt Nam và gặp Einar Greve. Song, một khi đã rơi vào những hoàn cảnh ngẫu nhiên, chúng ta buộc phải lựa chọn. Cách phản ứng của mỗi chúng ta, những gì chúng ta làm khi đối mặt với những sự ngẫu nhiên đó quyết định tất cả. Ví dụ, trở thành nam sinh xuất sắc của trường, kết hôn với Ann, tham gia Quân đoàn Hòa bình và quyết định trở thành một sát thủ kinh tế – tất cả những quyết định này đã đưa tôi đến với cuộc sống hiện tại.
Paula là một sự ngẫu nhiên khác của tôi, và ảnh hưởng của cô ấy với tôi đã đưa tôi đến những hành động làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Trước khi gặp cô ấy, tôi đã xoay xở khá tốt với guồng máy công việc của mình. Dù tôi thường tự hỏi bản thân mình đang làm gì, đôi khi tôi cảm thấy tội lỗi vì công việc của mình, song tôi vẫn tìm ra cách để hợp lý hóa việc tôi tiếp tục ở lại trong hệ thống đó. Có lẽ Paula chỉ vô tình xuất hiện đúng vào thời điểm cần thiết. Có thể khi đó tôi đã quyết tâm, cũng có thể những gì tôi đã trải qua ở Ảrập Xêút, ở Iran và ở Panama đã thôi thúc tôi phải hành động. Nhưng tôi chắc chắn rằng cũng như Claudine đã từng là một cộng cụ để thuyết phục tôi tham gia vào hàng ngũ của các sát thủ kinh tế, thì Paula là những gì mà tôi cần vào lúc đó. Cô ấy đã thuyết phục tôi nhìn lại chính mình, để thấy rằng, tôi sẽ không bao giờ có được hạnh phúc nếu tôi vẫn tiếp tục đóng vai trò đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.