Lời thú tội của một sát thủ kinh tế

Chương 30: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xâm lược Panama



Torrijos đã chết, nhưng Panama vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Sống ở Florida, tôi tiếp cận được với rất nhiều nguồn tin về những sự kiện đang diễn ra ở Trung Mỹ. Sự ngiệp của Torrijos vẫn sống, tuy nó đã bị bóp méo phần nào bởi những người không được trời phú cho lòng thương người và tính cách mạnh mẽ của ông. Những nỗ lực nhằm giải quyết những bất hòa trên bán cầu cũng như quyết tâm buộc Hoa kỳ thực hiện những thỏa thuận trong Hiệp ước kênh đào của Panama vẫn tiếp tục sau khi ông ra đi. 

Người kế nhiệm ông, Manuel Noriega, thoạt tiên tưởng là quyết tâm đi theo con đường của Torrijos. Bản thân tôi chưa bao giờ gặp Noriega nhưng theo những thu thập được, ban đầu, ông ra đã nỗ lực đấu tranh giành quyền lợi cho những người nghèo và bị áp bức. Một trong những kế hoạch quan trọng nhất của ông ta là tiếp tục thăm dò những khả năng xây dựng một kênh đào mới, với sự tài trợ và kỹ thuật của Nhật Bản. 

Và đúng như dự đoán, ông ta đã phải chịu những áp lực từ phía Washington và từ phía các công ty Hoa Kỳ. Như Noriega đã viết: 

Ngoại trưởng George Schultz đã từng là một quan chức cấp cao của Bechtel, một công ty xây dựng đa quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger đã từng là Phó Chủ tịch của Bechtel. Chẳng có gì có thể khiến Bechtel hài lòng hơn là việc kiếm hàng tỷ đô la lợi nhuận từ dự án xây dựng kênh đào. Chính quyền của Bush và Reagan lo ngại người Nhật sẽ chiếm ưu thế trong dự án xây dựng kênh đào, đó không chỉ là sự lo lắng nhầm chỗ về an ninh mà còn là vấn đề tranh chấp thương mại. Các công ty xây dựng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ mất hàng tỷ đô la.1 

Nhưng Noriega không phải là Torrijos. Ông ta không có được sức cuốn hút vì sự chính trực mà người sếp cũ của ông ta từng có. Dần dần, những vụ tham nhũng và buôn bán ma túy khiến ông ta bị tai tiếng ghê ghớm, và thậm chí ông ta còn bị nghi ngờ là có nhúng tay vào vụ ám sát một đối thủ chính trị- Hugo Spadafora. Noriega đã từng là một Đại tá đứng đầu đơn vị Lực lượng Quốc phòng Panama  G-2, Bộ Tư lệnh Tình báo quân đội có quan hệ với CIA. 

Với tư cách này, ông đã thiết lập một mối quan hệ mật thiết với giám đốc CIA Willwam J. Casey. CIA sử dụng mối quan hệ này để xúc tiến những kế hoạch với Trung và Nam Mỹ. Năm 1983, khi chính quyền Reagan muốn cảnh báo Castro về quan hệ với Grenada, Casey đã nhờ Noriega thông tin cho Castro. Noriega cũng đã giúp cho CIA thâm nhập các cacten buôn bán ma túy của Colombia cũng như các nơi khác.

Năm 1984, Noriega lên tướng và là Tổng tư lệnh của Lực lượng Quốc phòng Panama. Người ta kể lại rằng năm đó, khi Casey đến Panama City và được người đứng đầu CIA đóng tại Panama đón, ông ta đã hỏi: “Bạn của tôi đâu? Noriega đâu?” Khi Noriega đến Washington, hai người gặp gỡ tại nhà riêng của Casey. Nhiều năm sau đó, chính Noriega cũng thừa nhận là mối quan hệ mật thiết với Casey khiến vị thế của ông ta trở nên bất khả xâm phạm. Ông ta tin rằng CIA, cũng như G-2, là những tổ chức hết sức có thế lực của chính phủ. Ông ta tin chắc rằng Casey sẽ bảo vệ ông ta, kể cả nếu ông có quan điểm khác về hiệp ước kênh đào Panama và những căn cứ quân sự Mỹ.2

Do đó trong khi Torrijos là một biểu tượng quốc tế về sự công bằng và bình đẳng thì Noriega trở thành biểu tượng của tham nhũng và thoái hóa. Tai tiếng của ông ta lại càng tăng lên khi trên trang nhất của tờ New York Times số ra ngày 12 tháng 6 năm 1986 đăng tải dòng tít “Con người đầy thế lực của Panama bị đồn là có dính líu đến buôn lậu ma túy và những đồng tiền mờ ám”. Bài báo do một phóng viên đã từng được giải Pulitzer viết, trong đó có đưa ra những dẫn chứng như, ông này đã từng tham gia vào một số vụ buôn bán ở Mỹ Latinh, đã từng là gián điệp cho cả Mỹ và Cuba, là một loại điệp viên hai mang, rằng thực tế là G-2, dưới sự chỉ đạo của ông ta, đã chặt đầu Hugo Spadafora, và rằng Noriega đã đích thân chỉ huy “mạng lưới buôn lậu quan trọng nhất ở Panama”. Bài báo này được kèm theo bởi một bức chân dung không lấy gì làm đẹp đẽ của vị tướng và phần hai với nhiều chi tiết hơn được đăng tải ngay ngày hôm sau.3         

Cộng thêm vào đó, Noriega còn bất hòa với vị tổng thống Mỹ đang có vấn đề về hình ảnh của mình, George H W. Bush bị giới báo chí gán cho cái hình ảnh  “con người hèn nhát”4. điều này càng có ý nghĩa khi Noriega kiên quyết từ chối cho trường quân sự Mỹ được kéo dài thời hạn thêm 15 năm nữa. Hồi ký của vị tướng giúp hiểu rõ hơn điều này:
Chúng tôi quyết tâm và tự hào kế tục sự nghiệp của Torrijos, đó là điều mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn. Họ muốn chúng tôi gia hạn hoặc thương lượng việc gia hạn, vịn vào cớ là họ cần căn cứ này để chuẩn bị cho cuộc chiến ở Trung Mỹ. Nhưng trường quân sự Mỹ là cái mà chúng tôi không muốn. Chúng tôi không muốn có một cơ sở đào tào những đội quân giết người và những quân đội cánh hữu tàn ác trên đất nước chúng tôi.5

Vì thế, đáng ra thế giới phải đoán trước được điều đó, song thực tế là cả thế giới bị choáng váng khi ngày 20 tháng 12 năm 1989, Mỹ tấn công Panama theo cái cách mà người ta bình luận là cuộc không kích lớn nhất xuống một thành phố kể từ khi Đại chiến Thế giới thứ II xảy ra.6  Đó là một cuộc tấn công vô cớ xuống những người dân thường. Panama và dân chúng nước này hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với Mỹ hay với bất cứ quốc gia nào. Những nhà chính trị, các chính phủ và giới báo chí lên án hành động đơn phương của Mỹ là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Nếu như chiến dịch quân sự này nhắm vào một nước đã từng gây nên một cuộc thảm sát hàng loạt hay có những tội ác vi phạm nhân quyền như Chilê với Pinochet, Paraguay với Stroessner, Nicaragua với Somosa, El Salvador với D’Aubuisson hay Iraq với Saddam, thế giới còn có thể chấp nhận. Nhưng Panama chưa từng làm những điều này, Panama chỉ dám coi thường những mong muốn của một nhúm người trong đó có các nhà chính trị đầy thế lực và các lãnh đạo cấp cao của các công ty. Panama chỉ nhất định muốn hiệp ước kênh đào được tôn trọng, chỉ thảo luận với những nhà cách mạng xã hội, và mới đang thăm dò khả năng xây dựng một kênh đào mới với sự tài trợ và kỹ thuật của Nhật Bản. Thế mà kết quả là đất nước này phải chịu những hậu quả thảm khốc. 

Noriega viết: 
Tôi muốn làm rõ điều này: Chiến dịch phá hoại mà Mỹ phát động vào năm 1986,  kết thúc bằng cuộc xâm lược Panama vào năm 1989, là kết quả của việc Mỹ bác bỏ bất cứ viễn cảnh nào trong đó kênh đào Panama được giao về tay một nước Panama độc lập, có chủ quyền, với sự trợ giúp từ phía Nhật Bản. Trong lúc đó, Schultz và Weinberger, với cái cớ phục vụ cho lợi ích của quần chúng và tắm mình trong sự ngu dốt không hề biết gì về những lợi ích kinh tế ghê gớm mà họ đại diện, đang phát động một chiến dịch bôi nhọ nhằm hạ thủ tôi.7

Washington bào chữa cho hành động của mình là cuộc tấn công chỉ nhắm vào một người duy nhất. Lý do duy nhất của Mỹ cho việc cử hàng loạt người đến Panama, mạo hiểm cuộc sống và lương tâm họ để giết hại những người dân vô tội trong số đó có cả trẻ em, và việc đốt cháy thành phố Panama, chỉ là Noriega. Ông ta được mô tả như một con người xấu xa, là kẻ thù của dân chúng, như con quỷ buôn lậu ma túy, và như vậy ông ra tạo cho chính phủ Mỹ một lời biện hộ cho sự xâm lược ồ ạt vào một đấy nước với hai triệu dân, tình cờ nằm trên một trong những mảnh bất động sản có giá trị nhất của thế giới.        

Việc Mỹ xâm lược Panama đã khiến tôi suy sụp trong một thời gian dài. Tôi biết là Noriega có vệ sĩ, nhưng tôi tin rằng những tên giết người có thể xóa sổ ông ta như đã từng làm với Roldós và Torrijos. Phần lớn những vệ sĩ của ông ta được quân đội Mỹ đào tạo, theo như tôi phán đoán, và có thể được trả tiền để không gây cản trở hoặc để tự thực hiện vụ ám sát.

Vì vậy, càng đọc nhiều càng nghĩ đến cuộc xâm lược, tôi càng tin chắc đó là một tín hiệu cho thấy, Mỹ đang quay trở lại với những phương thức cũ để xây dựng đế chế rằng chính phủ của Bush quyết tâm làm tốt hơn chính phủ của Reagan và chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng, Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để đạt được mục đích. Và dường như mục tiêu ở Panama là: ngoài việc thế chỗ của Torrijos bằng một chính quyền bù nhìn có lợi cho nước Mỹ, còn hòng đe dọa các nước như Iraq phải phục tùng Mỹ.

David Harris, biên tập viên của tờ New York Times Magazine và là tác giả của rất nhiều cuốn sách đã có một nhận xét thú vị. Trong cuốn Shooting the moon xuất bản năm 2001 của mình, ông nêu rõ: 
Trong số hàng ngàn những kẻ chuyên quyền, những tên độc tài, những kẻ đã dùng vũ lực để dành quyền cai trị khắp nơi trên thế giới mà Mỹ đã từng phải đối phó, tướng Manuel Antonio Noriega là người duy nhất mà Mỹ săn đuổi theo kiểu này. Chỉ một lần duy nhất trong lịch sử 225 năm tồn tại, nước Mỹ đã xâm lược một nước khác và đem người cầm quyền của nước này về Mỹ để đưa ra tòa và bỏ tù vì đã xâm phạm luật pháp Mỹ ở trên chính lãnh thổ của ông ta.8  

Sau vụ ném bom, Mỹ bỗng thấy mình rơi vào một tình thế khó xử một thời gian dài sau đó, dường như toàn bộ sự việc đã đem lại một kết quả ngược với mong đợi. Có thể là chính phủ Bush đã dập tắt được những lời đồn đại về sự hèn nhát, nhưng giờ lại bị mang tiếng là bất hợp pháp, vì đã hành động chẳng khác nào một tên côn đồ bị bắt gặp khi đang thực hiện một hành động khủng bố. Người ta đã vạch trần việc quân đội Mỹ từng cấm báo chí, Hội chữ thập đỏ và những nhà quan sát ngoài cuộc không được bước vào những khu vực bị dội bom nặng trong vòng 3 ngày để có thời gian tiêu hủy và chôn những người tử nạn. 

Báo giới đặt ra những câu hỏi về việc có bao nhiêu bằng chứng liên quan đến hành vi tội ác đó và những hành vi đáng lên án khác đã được tiêu hủy, và có bao nhiêu nạn nhân đã chết trong vụ ném bom vì họ không được cấp cứu kịp thời, nhưng những câu hỏi như vậy không bao giờ được giải đáp. 

Chúng ta sẽ không bao giờ được biết sự thật về cuộc xâm lược, hoặc sự thật về quy mô của cuộc thảm sát. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Cheney xác nhận số người thiệt mạng ở vào khoảng từ 500 đến 600, nhưng những tổ chức hoạt động độc lập đấu tranh vì quyền con người ước tính số người chết lên tới khoảng 3 đến 5 nghìn người và khoảng 25 nghìn người khác rơi vào cảnh không nhà.9 

Noriega bị bắt, đưa về Miami và bị tuyên án 40 năm tù: vào thời điểm đó, ông ta là tướng lĩnh duy nhất ở Mỹ được chính thức xếp vào danh sách tội phạm chiến tranh.10 

Sự vi phạm luật quốc tế và cái chết của hàng ngàn người dân vô tội bởi một trong những quân đội hùng mạnh nhất hành tinh làm cho thế giới căm phẫn,nhưng ít người tại Mỹ nhận thức được những tội ác mà Washington đã gây nên. Rất ít tin tức xuất hiện trên báo chí. Chính sách của chính phủ, những cú điện thọai từ nhà Trắng tới các chủ báo và các biên tập viên của các hãng truyền hình, những nghị sĩ không dám phản đối vì sợ cái hình ảnh hèn nhát vấy bẩn vào họ, và các nhà báo nghĩ rằng cái mà công chúng cần không phải là sự khách quan mà là những anh hùng đã góp phần tạo nên điều này.

Nhưng Peter Eisner, tổng biên tập của tờ Newsday và phóng viên của hội liên hiệp báo chí, người đã từng theo dõi, đưa tin và tiếp tục phân tích sự kiện xâm lược Panama trong nhiều năm sau đó là một ngoại lệ. Trong cuốn hồi ký của Manuel Noriega: Tù nhân của nước Mỹ, xuất bản năm 1997, Eisner viết: 
Sự chết chóc, tàn phá và bất công đã được tiến hành dưới danh nghĩa một cuộc chiến chống lại Noriega – và sự dối trá xung quanh cái sự kiện ấy – là mối đe dọa đối với những nguyên tắc dân chủ cơ bản của nước Mỹ… Những người lính được lệnh giết người ở Panama, và họ làm như vậy bởi người ta bảo với họ rằng họ phải cứu một đất nước thoát khỏi sự kìm kẹp của một tên độc tài tàn ác, suy đồi; và khi họ đã hành động, những người dân đất nước họ (Mỹ) hành quân theo sát họ.11 

Sau khi đã tìm hiểu rất kỹ và đã phỏng vấn Noriega trong xà lim ở Miami, Eisnier tuyên bố: 
Điểm then chốt là tôi nghĩ rằng không có bằng chứng gì để chứng minh những tội danh mà Noriega bị gán cho là đúng. Tôi không nghĩ  là những việc mà ông ta đã làm với tư cách là người đứng đầu quân đội và nhà nước Panama có chủ quyền có thể biện minh cho sự xâm lược Panama, cũng như tôi không nghĩ ông ta đại diện cho một mối hiểm họa đối với sự an toàn quốc gia của Mỹ.12        
Eisner kết luận:
Những phân tích của tôi về tình hình chính trị và những tin tức mà tôi đã đưa trước, trong và sau cuộc xâm lược dẫn đến kết luận là việc Mỹ xâm lược Panama là một sự lạm quyền đáng ghê tởm. Cuộc xâm lược chủ yếu là để phục vụ cho những mục đích của những nhà chính trị ngạo mạn và của Mỹ cùng những kẻ cấu kết với họ ở Panama, và kết cục là sự đổ máu vô lương tâm.13

Gia đình Arias và nền chính trị đầu sỏ đã từng phục vụ như những tên bù nhìn cho Mỹ từ khi Panama bị cắt khỏi Colombia cho đến khi Torrijos lên nắm quyền, lại được phục hồi. Hiệp ước kênh đào mới được đem ra thảo luận. Về thực chất, một lần nữa đường thủy lại nằm dưới quyền kiểm soát của Washinhton, cho dù những văn bản chính thức có nói thế nào đi nữa. 

Càng suy ngẫm về những vụ việc này và về tất cả những gì mà tôi đã trải qua trong thời gian làm việc cho MAIN, tôi lại càng tự hỏi đi hỏi lại mình những câu hỏi như: Có bao nhiêu quyết định- trong đó có cả những quyết định hết sức quan trọng có ảnh hưởng tới hàng triệu người- do những người bị chi phối bởi những động cơ cá nhân đưa ra thay vì mong muốn được làm một việc đúng đắn? Có bao nhiêu trong số những viên chức cao cấp trong chính phủ bị chi phối bởi lòng tham thay vì sự trung thành với đất nước? Liệu có bao nhiêu cuộc chiến tranh diễn ra vì một vị tổng thống không muốn những cử tri của mình thấy mình hèn nhát?

Mặc dù đã hứa với chủ tịch SWEC, sự chán nản và những cảm giác bất lực của tôi về vụ xâm lược Panama hối thúc tôi tiếp tục viết sách, chỉ khác là giờ đây tôi quyết định tập trung vào Torrijos. Tôi thấy câu chuyện của ông sẽ giúp tôi vạch trần rất nhiều những sự bất công đã làm vấy bẩn thế giới của chúng ta, và giúp tôi thoát khỏi những tội lỗi của mình. Tuy thế, lần này tôi quyết tâm giữ im lặng về việc tôi đang làm chứ không tìm kiếm lời khuyên của bạn bè và người quen. 

Trong khi viết sách, tôi kinh ngạc bởi tầm quan trọng mà chúng tôi, những EHM đã đạt được ở từng ấy nơi. Tôi cố tập trung vào một số ít những nước không bị chúng tôi làm lũng đoạn, nhưng cái danh sách những nơi tôi từng tới làm việc và sau đó những nước đó bị nghèo đi khiến tôi kinh hoàng. Tôi thấy ghê tởm sự tham nhũng của chính bản thân. Tôi đã làm quá nhiều việc đáng tiếc, tuy vậy tôi nhận thức được rằng trong lúc làm những công việc đó tôi đã quá tập trung vào những công việc hàng ngày mà không nìn thấy được cả bối cảnh lớn. Vì vậy, khi còn ở Inđônêxia tôi đã khó chịu vì những gì tôi và Howard Parker bàn luận, hoặc những vấn đề mà những người bạn trẻ Inđônêxia của Rasy đã từng nói. Khi làm việc tại Panama, tôi đã rất xúc động bởi khu nhà ổ chuột, khu vực kênh đào và cái sàn nhảy. Ở Iran, cuộc trò chuyện gữa tôi với Yamin và ông tiến sỹ làm tôi hết sức băn khoăn. Giờ đây, viết cuốn sách này, nó giúp tôi có được một cái nhìn khái quát. Tôi hiểu tại sao lại khó nhìn thấy cái bức tranh toàn cảnh đến thế và vì sao tôi lại có thể bỏ qua tầm quan trọng trong những hành động của mình. 

Nghe qua thật đơn giản, thật rõ ràng hiển nhiên, tuy vậy bản chất của những gì tôi đã trải qua thật sâu xa. Để có thể hiểu được những điều này, tôi phải cần tới hình tượng của một người lính. Lúc đầu, anh ta ngây thơ. Lương tâm anh ta có thể bị cắn rứt khi phải giết những người khác, nhưng phần lớn thời gian anh ta phải đối phó với nỗi lo sợ của chính mình, anh ta phải tập trung vào việc làm thế nào để sống sót. Lần đầu tiên, khi anh ta giết kẻ thù của mình, anh ta tràn đầy xúc động. Có thể anh ta sẽ nghĩ về gia đình của người đã chết và cảm thất hối hận. Nhưng dần dần, anh ta tham gia nhiều trận đánh hơn, giết nhiều người hơn, anh ta trở nên sắt đá hơn. Anh ta trở thành một người lính chuyên nghiệp. 

Tôi đã trở thành một người lính chuyên nghiệp. Thú nhận điểu đó giúp tôi hiểu rõ hơn về quá trình gây tội ác và về sự hình thành của những đế chế. Bây giờ, tôi có thể hiểu tại sao những người Iran tử tế, hết lòng với gia đình lại có thể làm việc cho lực lượng công an mật tàn ác của Quốc vương, tại sao những người Đức tử tể có thể làm theo mệnh lệnh của Hitler, tại sao những công dân Mỹ có thể ném bom Panama. 

Là một EHM, tôi chưa bao giờ trực tiếp nhận một xu từ NSA hay từ bất cứ một tổ chức nào của chính phủ; MAIN trả lương cho tôi. Tôi là một công dân bình thường, làm việc cho một công ty tư nhân. Hiểu được điều này giúp tôi thấy rõ hơn vai trò đang lên của những EHM- vai trò quản lý các công ty. Cả một thế hệ lính mới đang xuất hiện trên thế giới, và những người này đang bị tê liệt vì những công việc mà chính họ đang làm. Tôi viết vào cuốn sách:

Ngày nay, người ta đến Thái Lan, Philipin, Botswana, Bolivia,và tất cả những nơi mà họ hy vọng sẽ tìm được những người khao khát có được một việc làm. Họ đi tới những nơi này với một mục đích rõ ràng là để bóc lột những người dân khốn khổ – những người dân mà con cái họ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí đang chết đói, những người dân sống trong những khu nhà ổ chuột và mất hết hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, những người dân thậm chí đã thôi không mơ về một ngày mai nữa. 

Họ bỏ lại sau lưng những văn phòng sang trọng ở Manhattan, San Francisco hay Chicago, đi xuyên lục địa và đại dương trong những chiếc phản lực xa hoa, ở tại những khách sạn hạng nhất, ăn tại những nhà hàng ngon nhất mà nơi ấy có thể có. Sau đó, họ đi tìm những con người tuyệt vọng. Ngày nay, vẫn tồn tại những tên buôn bán nô lệ. Chúng không còn phải đi vào những khu rừng rậm ở Châu Phi để tìm giống người vượt trội có khả năng sinh lời cho chúng tại những cuộc bán đấu giá ở Charleston, Cartagena và Havana. Chúng chỉ cần thuê những con người tuyệt vọng và xây nhà máy để sản xuất áo khoác, quần jeans, giầy thể thao, phụ tùng ôtô, linh kiện máy tính và hàng ngàn những thứ khác mà chúng có thể bán trên những thị trường mà chúng lựa chọn. Thậm chí chúng cũng chẳng cần phải tự làm chủ nhà máy, thay vào đó, chúng thuê một doanh nhân bản địa để làm những công việc bẩn thỉu cho chúng. 

Những kẻ đó nghĩ thật chính trực. Họ mang về nhà những bức ảnh phong cảnh lạ và những tàn tích cổ đại cho con cái họ xem. Họ tham dự những buổi hội thảo, vỗ vào lưng nhau và trao nhau những lời khuyên ngắn ngủi về cách sử sự với những phong tục tập quán kỳ quặc ở những vùng đất xa xôi. Những ông chủ của họ thuê luật sư để đảm bảo với họ rằng những gì họ làm là hoàn toàn hợp lệ. Họ có cả một đội ngũ những nhà trị liệu tâm lý và các chuyên gia nhân sự mà họ có thể tùy ý sử dụng để thuyết phục rằng họ đang giúp đỡ những con người tuyệt vọng.

Những tay buôn nô lệ kiểu cũ tự bảo với bản thân là hắn đang làm việc với một loài động vật không hoàn toàn là người, rằng hắn đang cho họ cơ hội để trở thành một người Thiên chúa giáo. Hắn cũng hiểu rằng những người nô lệ là nền tảng cơ bản cho sự sống còn của xã hội hắn, rằng họ là nền móng cho nền kinh tế của hắn. Kẻ buôn nô lệ kiểu mới tự trấn an mình rằng, những con người tuyệt vọng sẽ khá hơn với  một đô la mỗi ngày thay vì không làm ra đồng nào cả, rằng họ đang có được cơ hội gia nhập vào một cộng đồng thế giới rộng lớn hơn. Hắn cũng hiểu rằng những con người tuyệt vọng này là nền tảng cơ bản cho sự sống còn của công ty hắn, họ là nền móng cho lối sống của bản thân hắn. Hắn không bao giờ dừng lại để nghĩ về những điều mà hắn, lối sống của hắn, và cái hệ thống kinh tế đứng dằng sau hắn có thể gây ra cho thế giới – hoặc về những gì mà những điều trên có thể gây ảnh hưởng đến tương lai của con cái hắn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.