Sáng hôm sau, vào khoảng mười giờ, Peter Crentch đến quầy tiếp tân thư viện đại học thuộc trường đại học nơi Charles Wooley giảng dạy trước kia. Chính ông Barrister, giáo sư đại học Ruxton đã gọi điện thoại cho người phụ trách thư viện để thông báo là Peter sẽ đến.
Giáo sư Barrister đã quen với Ba Thám Tử Trẻ trong một cuộc điều tra trước đây 1 và từ đó vẫn giữ quan hệ với ba cậu. Mỗi khi ba thám tử cần tư vấn hay thông tin gì đó trong lĩnh vực khoa học, giáo sư sẵn lòng giúp ba thám tử.
Cô nhân viên tiếp tân còn rất trẻ và mỉm cười tử tế khi Peter nói mình đã được giáo sư Barrister gọi điện thoại giới thiệu đến đây.
– Thì ra cậu là cậu sinh viên muốn viết bài báo về kiến à? – Cô nói.
Cô lấy hai quyển sách đặt trong góc bàn.
– Tôi có nhớ đến cậu. Đây là hai quyển sách của ông Wooley về các công trình nghiên cứu ở Panama. Có phải cậu tìm hai tựa sách này không?
– Dạ đúng. – Peter nói đại.
Peter không cảm thấy thoải mái khi phải đóng vai chàng sinh viên chăm chỉ. Lỡ có ai hỏi một câu gì đó mà Peter không trả lời được thì sao? Peter là vận động viên thể dục, chứ có phải nhà bác học đâu! Vậy mà Hannibal cứ bắt Peter nhận nhiệm vụ đến thư viện và khẳng định một thám tử giỏi phải biết tự xoay xở trong mọi lĩnh vực. Thám tử trưởng đã nghĩ ra cái cớ viết bài báo về kiến và khuyên thám tử phó phải hành động thật tự nhiên, thoải mái. Nhưng Peter vẫn cảm thấy rất hồi hộp.
Sau khi cám ơn cô nhân viên, Peter lấy hai quyển sách, ra phòng đọc, ngồi vào bàn. Rồi cậu mở một quyển ra, bắt đầu đọc.
Nửa tiếng sau, Peter thở dài đặt mấy quyển sách trở xuống. So với lúc mới bước vào thư viện, Peter vẫn không biết gì nhiều hơn về loài kiến chiến sĩ. Các bài viết của Wooley hết sức chuyên môn và đầy thuật ngữ khoa học khó hiểu. Nhưng vẫn cung cấp được thông tin. Thật vậy hai quyển sách khá mới vẫn còn bìa bọc sách, có hình của. Charles Wooley cùng bản tiểu sử ngắn. Wooley là nhà côn trùng học thật!
Peter ghi chép vào sổ tay. Charles Wooley đã nhanh chóng lấy được bằng cấp, bằng cuối cùng là bằng tiến sĩ về khoa côn trùng học. Chuyến đi Panama diễn ra cách đây ba năm. Về đời tư, bản tiểu sử nói ông vẫn còn độc thân.
Peter mang hai quyển sách ra trả.
– Cậu có tìm ra cái cậu cần không? – Cô nhân viên hỏi.
– Có! – Peter mạnh dạn nói.
– Tôi biết mà. Có lần, tôi lướt qua mấy quyển sách của ông Wooley. Hầu như không có gì mà ông không biết về kiến. Một con người kiến thức sâu như đáy giếng, ôi! Đúng ông rất sành về lĩnh vực này. Cậu có biết là ông ấy giảng dạy ở đây từ hai năm nay không, mặc dù hiện ông đang nghỉ. Sinh viên rất quý ông và đặt cho ông bí danh là “người kiến”.
– Người kiến à? – Peter lặp lại – Đúng là trông ông cũng giống con kiến.
Cô gái cười, rồi nghiêm mặt trở lại.
– Đáng lẽ tôi không nên nói nhiều quá như thế. Lỡ giáo sư là bạn cậu?
– Không hẳn là bạn. Nhưng em vừa mới gặp ông trên vùng núi Santa Monica. Ông ấy đã tạm thời rời bục giảng để nghiên cứu.
– Tính tình ông không thích giao thiệp và hay tránh xa mọi người. Ông chỉ quan tâm đến kiến. Tôi thật ngạc nhiên là cậu đã nói chuyện được với ông.
– Ông ấy có nói chút ít đến công trình nghiên cứu của mình – Peter giải thích để phù hợp với nhân vật “sinh viên chăm học” mà mình đang thủ vai – Em thích chủ đề này và quyết định nghiên cứu kỹ hơn về kiến chiến sĩ để viết bài báo nhân dịp tựu trường. Chị có biết là ở đây, chính tại bang Californie này, cũng có kiến chiến sĩ không?
– Có, tôi có nghe nói. Thật là may cho ông Wooley, đúng không? Nhờ vậy, ông không phải đi xa để tìm gặp kiến!
Peter cô moi thêm vài thông tin về nhà côn trùng học từ cô gái, nhưng cô không biết thêm gì nữa. Peter chào cô, sau khi đã cám ơn.
Peter ra ngoài, dưới ánh nắng mùa hè, thông tin ghi chép trong túi áo. Peter rất vui là đã thủ vai rất đạt, nhưng đồng thời cảm thấy hơi thất vọng. Peter không mang được tin gì mới về Charles Wooley, ngoại trừ việc người mà ba thám tử trẻ biết không phải là kẻ giả danh.
Trong khi đó, Hannibal không hề ngồi không. Đúng giây phút này, thám tử trưởng đang vội vã bước trên một đại lộ ở Beverly Hills. Sáng hôm nay, Hannibal đã gọi điện thoại cho Letitia Radford để xin tên hãng giới thiệu gia nhân đã gửi vợ chồng Burrow đến bà Chumley.
– Dường như là hãng Barker và Phillips. – Letitia đã trả lời – Đáng tin cậy: mẹ tôi biết rõ hai ông chủ. Dì Chumley gọi đến mỗi khi cần gia nhân. Có cần tôi xin thêm chi tiết không?
– Không nên! Xin cô đừng nói ai bết về cú điện thoại của cháu.
Nói xong, Hannibal xỏ bộ quần áo đẹp nhất, rồi nhảy lên xe buýt đi Beverly Hills.
Hãng Barker và Phillips chiếm hai phòng rộng, bố trí rất đẹp, trên tầng hai của một cao ốc thương mại tại Donely Drive. Trong văn phòng thứ nhất có một bà lớn tuổi, tóc bạc ánh xanh và nước da hồng hào.
– Chào. – Bà nói khi thấy Hannibal bước vào.
– Cháu tên là Hannibal Jones, – Cậu giải thích – cháu đang tìm việc làm, và…
– Ôi, trời ơi! – Bà già thở dài.
– Ồ, cháu biết mình còn rất trẻ – Hannibal nhanh miệng đáp – Nhưng cháu thông minh và kiên quyết làm việc cật lực. Cháu có thể giúp được rất nhiều việc trong một ngôi nhà lớn. Cháu biết làm vệ sinh, dọn dẹp, sửa chữa các thứ, và nếu có chó cần dẫn đi chơi ra ngoài, thì…
Bà tóc bạc phá lên cười.
– Tôi rất vui khi được gặp một thanh niên còn trẻ mà lại đa tài như cậu. Nhưng rất tiếc là các chủ nhà lớn thích thuê người lớn hơn. Sao cậu không tìm chân giao hàng?
Mặt Hannibal xị xuống rõ ràng.
– Cháu hy vọng kiếm được một việc gì đó hay hơn! – Hannibal thở dài – Chú Burrow có nói là bác có thể giúp cháu tìm được một chỗ làm ngon.
– Burrow à? – Bà già hỏi lại.
– Dạ phải, chú Burrow ấy. Chú đang làm tại nhà Radford.
Bà nhân viên xoay ghế, lục trong hồ sơ, lấy một phiếu ra. Sau khi đọc nhanh, bà mỉm cười:
– Đúng rồi! Burrow! Gia nhân cũ của Lord Armiston. Chúng tôi đã bố trí việc cho hai vợ chồng, theo yêu cầu của bà Chumley. Một gia nhân rất tốt.
– Cháu có thư giới thiệu – Hannibal nhanh nhẹn tuyên bố – Chú Burrow có nói bác yêu cầu phải có giấy giới thiệu của mấy chỗ làm trước và bác kiểm tra rất kỹ.
– Tất nhiên! – Bà trả lời – Hãng sẽ không thể nào tồn tại lâu dài nếu những người mà chúng tôi giới thiệu không đáng tin cậy. Chẳng hạn như trường hợp của Burrow, chúng tôi đã đánh điện tín sang Anh quốc cho người chủ trước. Khi Lord Armiston, cũng bằng điện tín đã xác nhận với chúng tôi rằng Burrow là một quản gia rất tốt, còn cô vợ là một đầu bếp giỏi. Chúng tôi đã gửi ngay cả hai đến một ngôi nhà danh giá. Còn về cậu, thì rất tiếc, thư giới thiệu không giúp gì được. Chúng tôi không bố trí việc cho những người trẻ như thế!
– Cháu hiểu! – Hannibal nói khẽ.
– Tôi rất ngạc nhiên là Burrow đã khuyên cậu đến gặp hãng chúng tôi.
– Thật ra, chú ấy không khuyên thế – Hannibal thú nhận – Khi chú ấy nói về chỗ làm tốt mà hãng của bác đã tìm ra, cháu đến để thử vận may.
– Vậy thì khác, đúng không? Thôi, cậu chờ thêm vài năm nữa rồi trở lại đây. Có thể hãng sẽ có một chỗ làm tốt giới thiệu cho cậu.
Hannibal cám ơn, chào, rồi ra về, hơi thất vọng. Burrow đã từng là gia nhân cho một quý tộc người Anh. Vậy thì khó mà tưởng tượng ông đang giả làm thằng bù nhìn đi nhét kiến vào giường chủ của mình…
Trong khi Hannibal cực nhọc leo lên xe buýt đầu ắp người đi về Rocky, Bob đang cố hoàn thành cho tốt nhiệm vụ được giao.
Lúc đầu Bob xuất phát chung với Hannibal đến Beverly Hills. Nhưng Bob xuống sớm hơn vài trạm xe buýt, chỗ đối diện với viện Graham. Bob đã nghe nói đến trường này, là nơi đào tạo ra nhiều họa sĩ tài giỏi. Bob leo nhanh lên vài bậc thềm, đẩy cánh cửa đồng nặng nề.
Bob bước vào một tiền sảnh rộng mênh mông, hai bên có hàng loạt cửa, bên trái và bên phải. Viện phảng phất một mùi giống như mùi ở nhà bảo tàng Mosby: mùi sơn.
– Cậu đang tìm gì à?
Một anh chàng trẻ mặc quần jean xanh đang khiêng cái bục vừa mới bước ra khỏi một cửa bên hông.
– Ơ… ơ… – Bob ngạc nhiên kêu – có… em đang tìm ông chú họ.
Rồi Bob bực mình với chính mình, ở địa vị Bob, Hannibal đã không do dự, không cà lăm. Thám tử trưởng sẽ nói chuyện tự tin và cương quyết.
Bob hít thở thật mạnh, ưỡn người lên rồi giải thích:
– Em có ông chú họ đang là sinh viên trường này. Em đã bị mất liên lạc với chú ấy một thời gian, không còn địa chỉ nữa. Em nghĩ em sẽ hỏi thăm được ở viện.
Như vậy khá hơn rồi. Bob cảm thấy tự hào về những gì mình mới nói.
– Chắc là dễ thôi, – Anh chàng kia trả lời – cậu lên lầu đi. Văn phòng nằm trên lầu hai.
Bob cám ơn, lên cầu thang cuối hành lang, nhanh chóng tìm thấy văn phòng. Hiện không có ai sau quầy, ngoại trừ một ông râu đang tra hồ sơ.
– Chào! Cậu cần gì đây?
– Chào chú. Cháu có một người bà con hồi xưa học ở viện này. Người anh họ của ba cháu… Chú tên là Gérald Malz. Cháu đang ghé qua Los Angeles, và theo lời dặn của mẹ chú Gérald, cháu nhân tiện ghé qua đây. Nhưng không tài nào tìm ra tên của chú Gérald trong danh bạ.
– Malz hả? Đúng, ông này từng là sinh viên ở đây, nhưng từ khá lâu rồi. Dường như bây giờ làm chủ nhiệm nhà bảo tàng Mosby.
Bob vẫn thản nhiên, như chưa bao giờ nghe đến nhà bảo tàng này. Ông râu đi lục lạo trong hồ sơ.
– Đúng rồi! Nhà bảo tàng Mosby nằm trên sườn đồi nhìn xuống Rocky. Cậu đừng tìm cách tự đi lên đó. Cậu sẽ dễ bị lạc đường đây. Trong danh bạ có số điện thoại đây. Cách đơn giản nhất là gọi điện thoại cho chú của cậu, để biết đường tiện nhất rồi lên đó hoặc hẹn một chỗ hai chú cháu gặp nhau. Khi đó, ông ấy sẽ dẫn cậu đi tham quan nhà bảo tàng. Hy vọng cậu sẽ thích các danh họa thời xưa.
– Ý chú nói… các bức tranh à? – Bob hỏi.
– Đúng. Tranh ký tên Rembrandt, Van Dyck, Vermeer… Phòng tranh Mosby có nhiều báu vật lắm.
– Cháu sẽ rất thích – Bob cam đoan – Làm chủ nhiệm nhà bảo tàng là một chức rất lớn, phải không chú?… Ý cháu muốn nói… ba mẹ cháu sẽ rất mừng khi biết chú Gerry làm một chỗ ngon lành.
Ông râu gật đầu:
– Chú của cậu có một địa vị rất khá. Cháu có thể nói với ba mẹ thế. Có thể ba mẹ cháu sẽ vui…
Ông gật đầu. Bob đoán được nét dè dặt trong lời nói của ông.
– Dường như chú nghĩ rằng đáng lẽ chú Gérald có thể khá hơn nữa?
– Tùy nhìn từ góc độ nào?
– Là sao ạ?
– Thì nhiều thầy giáo của Gerald Malz nghĩ rằng tài năng như anh, đánh lẽ chính anh phải ra tay tự vẽ tranh, chứ sao lại đi trông coi tranh người khác. Và tôi cũng nghĩ như họ. Thậm chí cậu có thể nói lại cho chú của cậu những gì tôi vừa mới nói, tên tôi là Edward Anson. Mà chắc chú của cậu cũng chẳng thèm đếm xỉa gì đến ý kiến của tôi đâu. Nhưng thấy lãng phí tài năng như vậy, tiếc quá! Nghĩ đến thôi, tôi cũng thấy tức giận!
– Chú… chú thật sự muốn cháu lặp lại những gì chú vừa mới nói à? – Bob hỏi – Vì… chú biết không, cháu không quen chú Gerald. Ý cháu nói là… cháu chưa bao giờ gặp chú ấy. Như đã nói với chú, chú Gerald là anh em chú bác với ba của cháu, nhưng hai người sống xa nhau. Có thể chú ấy sẽ không thích khi thấy cháu đến thăm… nhất là khi cháu nhắn lại những lời không hay. À… chú Gerald tính tình có tử tế không ạ?
– Xin lỗi cậu nhé. Tôi nói hơi nhiều quá… Có, chú của cậu làm tỏ ra tử tế. Rất biết điều. Tôi biết tính chú ấy đủ để đoán rằng thế nào chú ấy cũng sẽ xin nghỉ một hai ngày để dẫn cậu đi chơi Disneyland. Cũng không có gì độc đáo lắm, nhưng chú ấy không giỏi về mặt này. Tài năng của chú ấy cũng không hề có tính chất sáng tạo độc đáo. Chú ấy giỏi sao chép lại hơn là sáng tạo. Cậu có biết là chú ấy có thể bắt chước hoàn hảo bất kỳ danh họa nào không?
Người đàn ông lắc đầu:
– Tôi nhiều chuyện quá! Tôi cứ nhớ lại kỷ niệm… Và tôi quên mất rằng cậu chưa quen biết với Gerald. Cậu đừng để ý đến lời nói nhảm của tôi. Tôi là kẻ theo chủ nghĩa lý tưởng và hối tiếc khi thấy một số họa sĩ từ bỏ sự tìm tòi cá nhân để chọn một địa vị an toàn vừa có tiền vừa có tiếng. Theo tôi nghĩ, một chỗ làm an toàn sẽ làm hỏng tài năng mất.
Ông mỉm cười phúc hậu rồi nói tiếp:
– Thôi, cậu đi tìm ông chú bà con đi. Nếu ông ấy không quên tôi, thì nhắn ông ấy cứ đến nói chuyện với tôi khi nào rảnh.
– Vâng, thưa chú. Cháu sẽ nói lại.
Bob đã quay lưng ra về rồi, thì ông lưu trữ lại nói khẽ:
– Anh em họ chú bác à? Lạ thật. Tôi cứ tưởng Gerald không có bà con. Chưa nghe Gerald nói đến ai bao giờ. Mà chúng tôi cũng thường hay nói chuyện với nhau lắm… nhưng Gerald cũng kín miệng.
Bob mỉm cười:
– Ai lại chẳng có gia đình bà con. – Bob nói.
– Đúng… có lẽ ít nhiều gì cũng có. Nhưng một số người tránh không nói đến gia đình mình… Chào cậu nhé. Hy vọng Gerald sẽ dẫn cậu đi chơi ở Los Angeles. Nhớ nhé! Nhớ nói Gerald ghé thăm tôi. Tôi rất muốn nghe Gerald kể về công việc của mình.
– Cháu sẽ nói, thưa chú. Cám ơn chú nữa nhé!
Khi ra đến ngoài, Bob thấy chiếc xe buýt chạy ngang qua và phải chạy để bắt kịp xe. Bob chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, rồi ngồi thoải mái suốt đường đi dọc theo bờ biển, tổng kết lại cuộc điều tra của mình…
Xem nào, cậu đã biết được gì về Malz? Rằng người này rất có tài, rằng người này ít nói về bản thân mình và hy sinh nghệ thuật để chọn sự an toàn. Các chi tiết này chỉ bổ sung thêm cho nhân vật đã biết. Gérald Malz đúng là con người mà mọi người xét theo bề ngoài: một chủ nhiệm nhà bảo tàng đặc biệt tài giỏi.
Lưu trữ nghiên cứu thở dài. Cậu đã không tìm ra được sự kiện mới khả nghi nào. Bob tự hỏi không biết Peter và Hannibal có may mắn hơn không. Nếu không, sẽ phải xem xét lại toàn bộ vấn đề. Dù gì đi nữa nhất định phải vạch mặt thằng bù nhìn rơm thật nhanh!
——————————–
1 Mời bạn tìm đọc tập “Con rắn hát lầm rầm”.