Ban Ki Moon
Gieo vào lòng hạt giống ước mơ
“Làm cho thật tốt những điều mình yêu thích, và khi đó nó sẽ trở thành đam mê”
Đứa trẻ bay lên bầu trời cao bằng đôi cánh mạnh mẽ
Trên đường từ nhà bà thím ở thôn Chín trở về, đập ngay vào mắt là một cây hồ đào lớn mà mình chưa từng thấy bao giờ. Những quả hồ đào sai trĩu trông đến phát thèm. Chỉ muốn hái một quả, “mà làm sao để hái đây”, mình vừa nghĩ cách vừa giương mắt nhìn lên cây. Đột nhiên, từ trên ngọn cây một con gà lôi lao vù xuống đất. Thường thì gà trống bao giờ lông cũng óng mượt và thân hình thì vạm vỡ hơn gà mái.
“Phải rồi! Thay vì hái quả hồ đào mình phải bắt cho được chú gà này.”
Thế nhưng, lũ gà lôi nhanh nhẹn hơn mình nghĩ. Đuổi thế nào cũng không thể tóm được. Mình nghĩ ra mẹo nấp trong bụi rậm mà chờ đến vài tiếng. Chú gà trong lúc nhớn nhác nhìn quanh liền bị mình tóm gọn. Buộc sợi dây vào chân chú xong, mình dắt về nhà trong khi chú không ngừng vỗ cánh phành phạch. Mình vòng sợi dây vào tay nắm cửa, chú ta vỗ cánh liên hồi và bay hất hút.
Thân mẫu của Ban Ki Moon, bà Shin Hyun Soon choàng tỉnh, người đầm đìa mồ hôi.
“Thật là một giấc mơ kỳ lạ! Không biết nó có ý nghĩa gì nhỉ? Hay là đây là thai mộng? Nếu quả vậy, thì cầu mong lần này mình sẽ sinh được một đứa bé khỏe mạnh…”
Hai lần mang nặng đẻ đau nhưng cả hai đứa con đều ra đi khi chưa đầy 100 ngày tuổi khiến cả nhà lo lắng cho đường con cái của bà.
Lần này bà không chút khinh suất trái lại vừa cẩn thận giữ gìn vừa chú ý bồi bổ. Gia đình chồng đều mong bà sinh con trai nhưng bà Shin chỉ cầu trời cho được mẹ tròn con vuông, đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh chứ không bận tâm là trai hay gái.
Bỗng nhiên bà thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ và cậu em trai ở Jeungjeong. Nhưng lần trước, khi sinh ở nhà bố mẹ, bà đã mất con nên lần này không dám nghĩ tới việc về đó sinh nở nữa. Vì thế, lần này bà mong sẽ được sinh con ở quê chồng, Eumsung. Run rủi thế nào, chồng bà cũng chuyển công tác về Eumsung và bà cũng về theo, lòng thầm mong ông bà tổ tiên phù hộ cho đứa bé khỏe mạnh.
Quê chồng bà – ông Ban Myung Hwan là một vùng quê nơi bà con dòng họ Ban Kwangju, nhánh Jangjulgong Hengchi sống quây quần bên nhau. Vì vậy, làng này cũng được gọi là làng Hengchi. Ngôi làng nhỏ vào thời kỳ Đế quốc Nhật xâm chiếm cũng heo hút và khô cằn như bao làng mạc khác nhưng bù lại nó được bao bọc bởi ba ngọn núi của dãy Jodeuksan nên được hưởng nguồn sinh khí mạnh mẽ nhưng ôn hòa. Về sau, các chuyên gia phong thủy nhận định rằng chính địa khí này đã góp phần sinh ra con người của nhân loại với bản tính ôn hoà, mềm mỏng. Và vào ngày 13/6/1944, sau 10 tháng lớn lên trong bụng mẹ cùng tâm trạng bồn chồn lo lắng của bà Shin, Ban Ki Moon đã cất tiếng khóc chào đời.
Biệt danh “thầy Ban” của cậu học trò vừa mới chuyển trường
Khi Ki Moon được một tháng rưỡi, bà Shin Hyun Soon rời làng Hengchi theo chồng chuyển về thành phố để tiện cho công việc của ông. Bố của Ban Ki Moon sau khi tốt nghiệp thủ khoa trường Phổ thông trung học Nông nghiệp Choongjoo vào thời kỳ chống Nhật đã vào làm cho công ty Choongbook Industries. Vào những năm 1930, tấm bằng cấp ba có giá trị hơn cả bằng tốt nghiệp đại học ngày nay. Thời buổi trường học ít, kiếm miếng ăn còn khổ cực nên bấy giờ nếu ai hoàn tất việc học hành sẽ nghiễm nhiên được xem là “tầng lớp trí thức”. Thêm vào đó, ông còn tốt nghiệp thủ khoa nên được xem là thanh niên có tương lai xán lạn trong xã hội lúc bấy giờ. Choongbook là công ty khá lớn chuyên về khai thác than đá và sản xuất bột mì, cho nên cũng không quá khó khăn để ông xoay xở nuôi sống gia đình bằng đồng lương của mình. Nhưng do phụ trách hoạt động phân phối nên gia đình ông thường xuyên phải thay đổi chỗ ở.
Vì lý do đó mà khi được 3 tuổi, Ki Moon đã theo gia đình chuyển đến Cheongjoo, và vào học lớp 1 ở đây. Nhưng khônglâu sau đó, năm lên 8 tuổi, ông lại chuyển đến Choongjoo. “Mình nên cho Ki Moon vào trường nào đây mẹ nó?”
Vừa chuẩn bị chuyển nhà đến Choongjoo, ông vừa bàn với vợ về việc học của Ki Moon.
“Thế chẳng phải bố của Ki Moon có đứa cháu họ dạy ở trường Kyohyun à?”
“Ừ nhỉ! Đúng là có con bé Young Hee dạy ở đó. Sao tôi lại không nghĩ ra sớm nhỉ? Tuy trường hơi xa một chút nhưng cũng nên cho con vào trường tốt mình nhỉ?”
Trường Tiểu học Kyohyun được thành lập năm 1896, là ngôi trường có tiếng nhất vùng Chungcheongbuk. Tuy có hơi xa nhà nhưng xét lại không có trường nào tốt bằng. Chiến tranh mới chấm dứt nên ai nấy đều tất tả lo toan, vì thế số trẻ phải bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình không ít. Thế nhưng, những trẻ đã quyết tâm theo học cũng đông đến mức lớp học phải chen chúc, nhồi nhét. Tổng số học sinh (từ lớp 1 đến lớp 61) của trường Tiểu học Kyohyun lên đến hơn 2.000 em.
Do bị đánh phá trong một đợt tập kích từ thời chiến, ngôi trường với kiến trúc gỗ đã không còn, thay vào đó, giáo viên phải dựng phòng học tạm bằng lều bạt nên trường lớp trông đến là xập xệ. Văn phòng ấp, tòa án, thậm chí toa tàu hỏa chở hàng cũng được tận dụng làm lớp học nhưng các buổi học vẫn diễn ra đều đặn. Học sinh thậm chí không có cả bàn ghế để ngồi, chúng phải nhặt nhạnh các thanh gỗ, xếp lên đất để làm chỗ ngồi. Thầy cô giáo luôn động viên học trò mình rằng những người tài giỏi phải biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn.
Ban Ki Moon được đặt biệt danh là “thầy Ban” vào thời tiểu học. Vì lẽ, bạn bè không biết điều gì, đem hỏi đều được Ban giải thích thấu đáo như thầy cô. Ban Ki Moon đứng giữa, hàng thứ hai.
Ki Moon với địu sách trên lưng, nắm lấy tay chị họ Young Hee, giáo viên của trường Tiểu học Kyohyun lúc đó, bước vào lớp học. Lũ học trò bắt đầu xầm xì bàn tán.
“Này, lại thêm một thằng nhà quê mới đến kìa. Nhưng chẳng phải nó đi cùng cô giáo sao?”
Ban đầu, lũ trẻ đều tỏ ra dè chừng vì nghe nói Ki Moon là em họ cô giáo. Nhưng với cậu học trò lành như cục đất như Ki Moon thì việc hòa nhập với môi trường mới thật không dễ dàng. Thời bấy giờ, do hoàn cảnh chiến tranh, không ít đứa trẻ học muộn đến 3-4 năm.
Bọn trẻ bắt đầu trêu chọc Ki Moon. Ki Moon có một nốt ruồi rất to trên sống mũi, thế là bọn trẻ cùng lớp gọi cậu là“thằng cứt ruồi!”. Ki Moon vừa lạ lẫm vừa buồn bực toan bật khóc. Cậu không đủ can đảm để cho lũ bạn vài cú đấm.
Mẹ Ki Moon luôn miệng bảo “nhân quả báo ứng con ạ, ai làm điều xấu cho người khác rồi sẽ bị trừng phạt như vậy thôi” nhiều lần đến phát ngán. Nhưng bà cũng không ít lần cảm thấy lo lắng cho cậu con trai bản tính quá hiền lành của mình. Bởi con trai bà thường chịu trận trong các cuộc gây gổ thay vì ra tay với bạn.
Nhưng dần dà, lũ bạn không còn trêu chọc Ki Moon nữa. Đó là nhờ việc học hành của cậu. Cho dù là những bạn học hành giỏi giang trong lớp song về nhà vẫn phải nhắc nhở mới chịu học thì Ki Moon lại khác. Không những chăm chỉ màcậu còn học với một niềm yêu thích thực sự. Thái độ học tập của cậu cũng hết sức nghiêm túc. Những điều đó đã giúpmang tới kết quả học tập rất tốt. Vì thế, các bạn trong lớp không còn gọi Ki Moon là “thằng cứt ruồi” nữa. Hơn nữa, nếu có điều gì không biết đem hỏi, chúng sẽ được Ki Moon giảng giải một cách dễ hiểu hơn cả thầy cô bằng một thái độ điềmđạm rất đáng noi gương. Từ đó, Ban Ki Moon bắt đầu được các bạn gọi là “thầy Ban”.
Các thầy cô cũng rất yêu quý Ki Moon. Không phải chỉ bởi cậu học giỏi mà còn bởi sự ngây thơ, hồn nhiên ở cậu, dù đôilúc cũng bày trò quậy phá nhưng khi được giao việc liên quan đến bài vở thì cậu luôn hết mình thực hiện khiến thầy cô rất đỗi tự hào.
Học tập là sở thích của Ki Moon
Khi mà lũ bạn vẫn hay thách đố nhau “xem đứa nào ném túi cát này xa hơn”, “xem đứa nào có nắm đấm mạnh hơn”, thì Ki Moon lại hứng thú hơn với những cuộc thi kiểu như “xem ai nhớ được nhiều từ vựng hơn” hay “xem ai tính nhanh hơn”. Trên đường về nhà, cậu cũng thường khiến các bạn sửng sốt khi thách đố “xem ai thuộc được các câu văn trong giờ học quốc ngữ hôm nay”. Điều này có thể tạo nên hình ảnh một Ki Moon hay ra vẻ “ta đây học giỏi”, nhưng không bạn nào nghĩ về cậu như vậy. Bởi vốn dĩ Ki Moon bản tính hiền lành và lũ trẻ đều hiểu học hành là niềm vui đối với cậu.
Cùng học lớp 6 với Ki Moon có một bạn học rất giỏi tên là Han Seung Soo. Ki Moon và Seung Soo là đối thủ trong họctập. Vốn thông minh và điềm đạm, Seung Soo luôn buồn lòng khi phải đứng thứ hai trong môn tính toán bằng bàn tính. Trước khi diễn ra cuộc thi toán sử dụng bàn tính, Ki Moon đã đề nghị Seung Soo cùng so tài. Vào thời Ban Ki Moon học tiểu học, các trường đều coi trọng và thường xuyên khuyến khích học sinh học tốt môn học này. Môn tính toán bằng bàn tính được dạy riêng trong giờ học toán và định kỳ nhà trường cũng mở các cuộc so tài về môn này.
Seung Soo nghe Ki Moon thách đấu, bèn lôi bàn tính ra và chỉnh dây lại ngay ngắn. Một bạn trong lớp đứng ra làm trọng tài, bắt đầu đọc câu hỏi:
“35 nhân 24, trừ 541, cộng với 7.832, rồi lại trừ 81 bằng bao nhiêu?”
“8.050”
Seung Soo cho đáp án trước. “Trọng tài” đặt thêm vài câu hỏi khác nhưng cậu nhóc Seung Soo bao giờ cũng nhanh hơn. Đã lỡ lời thách đấu nên Ki Moon cảm thấy bẽ mặt. Thế nhưng, ngày hôm sau, Ki Moon lại thách đấu Seung Soo tiếp.
“Seung Soo à, hôm nay mình đấu tiếp đi.”
“Thôi, hôm qua cậu thua mà nay vẫn muốn đấu tiếp sao?”
“Không sao, chúng mình lại đấu tiếp nhé.”
Thế là từ hôm đó, ngày nào, hai bạn cũng đấu với nhau. Qua những trận đấu tay đôi với Seung Soo, Ki Moon đã tiến bộ rõ rệt. Cuối cùng, Seung Soo cũng phải đầu hàng. Thế là Ki Moon được chọn là đại biểu của trường để tham dự đại hội.
Bình thường, Ki Moon luôn là một cậu thiếu niên hiền lành và không tham vọng, nhưng trong học tập, thì ngược lại, cậu là người rất có chí tiến thủ. Học tập đối với Ki Moon là cả một thế giới kỳ thú. Với cậu, không niềm vui nào có thể sánh được với việc khám phá tri thức mới, tìm tòi những điều chưa biết và dường như chưa bao giờ thỏa mãn với kiến thức tích lũy được. Vậy nên, môn làm tính cũng là một trong những thú vui đối với Ki Moon.
Ki Moon là người ham mê đến mức quên cả thời gian. Nhà vệ sinh của gia đình cậu nằm ở một góc sân. Vào những đêm mùa đông rét buốt, sau mỗi lần đi vệ sinh, Ki Moon thường rất khó ngủ lại. Mỗi lần như vậy, cậu lại lôi sách ra đọc và thường bị các em phàn nàn đòi cậu tắt đèn đi ngủ.
“Xin lỗi nhé, tại anh không buồn ngủ. Anh đọc thêm chút nữa rồi sẽ tắt đèn.”
Vì vậy, bọn trẻ thường phải trùm chăn kín đầu để ngủ. Và chúng chẳng thể nói thêm được gì. Hoặc nếu như không ngủ được, chúng thường ngồi đọc sách cùng Ki Moon.
Ki Moon có khả năng tập trung cao độ, không bao giờ bỏ qua khoảnh khắc khám phá những điều mới lạ. Đó là những lúc cậu thốt lên “à, ra là thế!” khi đang tìm hiểu một vấn đề. Và đó chính là những khoảnh khắc kỳ diệu mang đến cho cậu niềm hứng thú vô bờ đối với việc học. Cậu có thể tập trung như thế trong vài tiếng đồng hồ. Vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc là lúc cậu cảm thấy dễ tập trung nhất.
Sắp đến ngày bế giảng năm học cuối cấp tiểu học, cô giáo chủ nhiệm mời mẹ Ki Moon đến trường.
“Tôi thấy Ki Moon là một học trò rất thông minh, không biết sau này cho em theo nghề giáo viên thì mẹ Ki Moon thấy thế nào? Nếu được thì gia đình nên cho em theo học trường Phổ thông cơ sở Poosul liên thông lên trường Phổ thông trung học Sư phạm. Không biết mẹ Ki Moon nghĩ sao ạ?”
Vào thời bấy giờ, nếu tốt nghiệp trường cấp hai và cấp ba chuyên về sư phạm thì ra trường có thể trở thành giáo viên. Đa phần học sinh sư phạm được trao học bổng nên các em gia đình có hoàn cảnh khó khăn thường không do dự chọn ngànhnày để tương lai được đảm bảo. Tuy được gọi là trường phổ thông cơ sở nhưng đó là một quá trình chọn lọc chuyển cấp, nên có quy định rất chặt chẽ và có tính cạnh tranh cao.
Bà Shin cảm thấy rất tự hào về con trai cả của mình khi cậu được nhà trường khen ngợi. Hơn nữa, con trai bà trở thành giáo viên cũng tốt. Nhưng bản thân bà nhận ra rằng mình không thể quyết định tương lai thay con.
“Để tôi về nói chuyện với Ki Moon và ba nó rồi trả lời cô sau nhé.”
Bà đem chuyện trao đổi với cô giáo ở trường về bàn với ba Ki Moon khi ông tan sở về nhà.
“Chuyện đó thì để tự Ki Moon quyết định mình ạ. Mình cũng đừng bắt ép mà hãy để con tự lựa chọn điều nó muốn.”
Bố mẹ Ki Moon luôn kỳ vọng vào cậu con trai cả vốn ngay từ nhỏ đã tỏ ra thông minh và chăm học hơn người. Thế nhưng, ông bà không bao giờ biểu hiện điều đó ra ngoài. Vì thế, cũng chưa bao giờ ông bà nói với Ki Moon về việc phải học giỏi để sau này thành tài, hay vì là con trưởng nên cậu phải làm rạng danh gia đình. Có lẽ, chính nhờ sự quan tâmđúng mực của cha mẹ mà Ki Moon luôn yêu thích việc học hành như một niềm đam mê chứ không vì một mục tiêu nào khác, trong khi xã hội luôn coi việc học là chìa khoá của thành công.
Hôm đó, sau khi ăn tối, ông Ban hỏi Ki Moon:
“Cô giáo chủ nhiệm gợi ý con nên theo học trường cấp hai ngạch sư phạm. Con thấy thế nào?”
Ki Moon sau một hồi suy nghĩ trả lời:
“Lúc này con chưa có ý định chọn nghề gì. Con muốn theo học trường Phổ thông cơ sở Choongjoo có được không ạ?”
Không phải Ki Moon không thích nghề dạy học bởi trong suốt thời gian qua cậu luôn yêu quý các thầy cô. Mà cũng không phải cậu chưa từng nghĩ đến công việc này. Có điều, cậu nghĩ rằng có một thế giới rộng lớn hơn đang chờ đợi mình ở phía trước.
“Được. Nhưng nếu thế thì con phải học cho tốt nhé.”
“Vâng ạ. Con sẽ chuẩn bị cho kỳ thi vào trường Choongjoo ạ.”
Khi Ki Moon về phòng, cậu em Ki Sang kém Ki Moon hai tuổi nghe được câu chuyện của bố mẹ với anh bước lại gần và ngồi xuống cạnh Ki Moon.
“Anh ơi, anh định vào trường Choongjoo à? Thế thì em cũng theo anh. Anh cho em theo cùng nhé. Nhé?”
“Ừ. Em chịu khó học cho tốt rồi hai anh em mình cùng vào học trường Choongjoo nhé.”
Thực hành 20 lần cho mỗi bài tập tiếng Anh
Tháng 3 năm 1957, Ki Moon đỗ vào trường Phổ thông cơ sở Choongjoo với thành tích xuất sắc theo đúng mục tiêu đề ra. Theo thông lệ, giáo viên chủ nhiệm sẽ chỉ định bạn đứng nhất lớp làm lớp trưởng, và người đó không ai khác chính là Ki Moon. So với hồi tiểu học thì việc học các môn, hay việc làm lớp trưởng đối với Ki Moon chẳng mấy lạ lẫm. Chỉ khác chăng là lên cấp hai, cậu phải mặc đồng phục và được học tiếng Anh. Vào cấp hai, lần đầu tiên Ki Moon được học tiếng Anh và cậu bé đã rất say mê với môn học này.
Lúc bấy giờ, xe quân dụng của Mỹ vẫn thường xuyên ra vào làng. Lũ trẻ trong làng cứ trông thấy xe là đuổi theo và hét “Give me chocolate! (Cho bọn em sô-cô-la)”. Thế là những anh lính Mỹ tốt bụng thường lấy từ trong túi ra nào sô-cô-la, nào kẹo gôm và chia cho chúng. Người lớn trong làng thường hay bảo những người mũi cao kia đến từ nước Mỹ. Và họ bảo Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. “Mỹ ư? Nó như thế nào nhỉ? Mình có thể đến đó không nhỉ?”, ngay từ bé, Ki Moon đã có suy nghĩ đó trong đầu.
Vì thế, trong giờ học tiếng Anh, Ki Moon thường nghĩ đến điều đó.
“Phải rồi, đây chính là thứ tiếng mà người Mỹ sử dụng. Nếu học thứ tiếng này, mình có thể nói chuyện được với người Mỹ.”
Khi bắt đầu học tiếng Anh, Ki Moon dành nhiều ngày liền để học thuộc bảng chữ cái Alphabet. Cách phát âm và chữ cái trong tiếng Anh thật kỳ lạ. Trông thì hay nhưng dù rất cố gắng, vẫn không tài nào nhớ nổi những chữ cái “cong khòng”này. Cậu cứ nghĩ rằng giỏi tiếng mẹ đẻ ở cấp một thì sang cấp hai cũng sẽ học tốt tiếng Anh. Nhưng đánh vật mãi với những chữ cái cong cong hoàn toàn khác biệt với tiếng Hàn, Ki Moon lại càng thấy mình khó có thể tiếp thu. Đã thế, khi chấm cây bút vào mực để viết, cậu lại càng vụng về, lóng ngóng. Liếc nhìn qua đứa bạn ngồi cạnh, cậu thấy bạn mình viết khá đẹp. Hẳn là cậu ta đã được anh chị dạy trước rồi. Ki Moon cố gắng bắt chước theo cách cậu bạn viết nhưng vẫn không được.
“Ai dà, chữ của mình đúng là không tự nhiên chút nào.”
Cuối giờ học, giáo viên tiếng Anh giao bài tập viết mỗi chữ cái 20 lần. “Ôi, sao nhiều thế ạ,” lũ bạn cậu than vãn. Nhưng riêng Ki Moon lại có suy nghĩ khác.
“Ừm. Về nhà mình sẽ tập viết cho bằng được.”
Thấy Ki Moon làm bài tập tiếng Anh, lũ em túm lại trêu: “Anh, cái này mà là chữ á? Em cứ tưởng là mấy con sâu đang bò ấy chứ.” “Sao anh không vẽ tiếp đi?” Cậu em Ki Sang cũng vào cấp hai thấy anh viết chữ “i” và “j” luôn miệng vặn vẹo: “Anh, sao trong bao nhiêu chữ cái, chỉ có mỗi hai chữ này là có dấu chấm trên đầu thế?”
Viết đi viết lại mỗi chữ hơn 20 lần, Ki Moon bắt đầu thấy mình bớt nhầm lẫn và đã phân biệt được các chữ. Đến lúc cảm thấy tạm yên lòng cho buổi học ngày mai, Ki Moon mới chịu bỏ bút xuống. Ngón tay giữa của cậu vì tì vào bút viết quá lâu nên dính mực đỏ quạch.
Ki Moon luôn tự tin trong học tập. Lúc nào cậu cũng nghĩ mình sẽ làm được. Sự tự tin đó đến từ nỗ lực của bản thân. Cậu tin rằng những môn học thiên về nghệ thuật cần năng khiếu nhưng các môn học bình thường khác thì chỉ cần cố gắng là sẽ học tốt. Với lối suy nghĩ như vậy, cộng thêm nghĩ rằng điều đó giúp bản thân bình đẳng với mọi người mà cậu yêu thích việc học hành.
Ban Ki Moon với suy nghĩ rằng một thế giới rộng mở, to lớn hơn đang chờ đón trước mắt cậu đã thi đỗ thủ khoa vào trường cấp hai Choongjoo. Lần đầu tiên, cậu được học tiếng Anh và rất say mê môn học này.
Nguyên tắc ra bài tập của giáo viên tiếng Anh luôn là 20 lần. Cho dù là từ vựng hay cấu trúc, sau mỗi tiết học về nhà học sinh đều phải viết lại 20 lần. Những đứa trẻ khác thường đến trước buổi học mới vội vàng làm bài tập. Cũng có đứa quyết định chịu phạt thay vì làm bài tập. Nhưng Ki Moon thì khác, cậu làm bài tập về nhà ngay sau khi buổi học kết thúc. 20 lần cho mỗi bài tập của giáo viên tiếng Anh có thể khiến bất cứ ai cảm thấy nhàm chán, nhưng với Ki Moon, đó là một hình thức học tập hiệu quả cho môn học còn mới lạ này. Viết đi viết lại nhiều lần sẽ giúp cậu thuộc cả nội dung bài học mà không cần xem lại sách giáo khoa. Và dần dần, những câu thoại tiếng Anh sẽ đi vào tâm thức một cách tự nhiên. Vì thế, nếu bài tập tiếng Anh với các bạn là nhàm chán thì với Ki Moon lại là điều thú vị.
Cho đến kỳ nghỉ đông của năm thứ ba cấp trung học cơ sở, Ki Moon không còn cảm thấy hứng thú với những nội dung trong sách giáo khoa nữa. Cậu muốn thỏa thích đọc sách tiếng Anh. Thi thoảng vẫn có các tạp chí và báo bằng Anh từ quân đoàn Mỹ nhưng ở Choongjoo rất khó kiếm.
Một hôm, Ki Moon vét sạch tiền bỏ ống để mua một tờ Time. Khác với tên gọi đơn giản của tờ tạp chí, nội dung của nó không hề dễ đọc. Có đầy rẫy từ vựng mới so với trình độ tiếng Anh cấp hai của cậu. Ki Moon mò mẫm từng dòng, tra từng từ bằng từ điển. Ban đầu, cậu thấy chỉ cần đọc được một hai dòng thông qua đoán nghĩa các từ vựng mà mình đã biết cũng đã mãn nguyện lắm rồi, và có thể đắc chí là mình đang đọc cả tạp chí tiếng Anh.
Cứ như thế, khả năng và tốc độ đọc báo của cậu tăng dần và cậu bắt đầu nắm bắt được nội dung. Chiến tranh lạnh xảy ra do mâu thuẫn giữa Liên Xô và Mỹ, cái nhìn của Mỹ về tình hình thế giới, khoa học kỹ thuật đã được con người thay đổi và phát triển ra sao… Những điều khó tưởng tượng này vẫn được đưa tin định kỳ trong tờ tạp chí ở Choongjoo – một đô thị không nhỏ nhưng cũng không khác mấy so với những vùng quê khác. Một thế giới rộng lớn đang dần mở ra trước mắt cậu thiếu niên Ban Ki Moon qua từng trang tạp chí Time.
Một thế giới mới, một thế giới rộng lớn hơn
Ki Moon tốt nghiệp cấp hai và bắt đầu theo học trường Trung học phổ thông Choongjoo vào năm 1960. Ki Moon đã đạt thành tích cao khi tham gia kỳ thi tuyển đầu vào của trường, đúng như kỳ vọng của các thầy cô dành cho cậu học trò vốn dĩ đã nổi tiếng học giỏi từ nhỏ.
Niềm đam mê tiếng Anh của Ki Moon khi vào cấp ba vẫn mãnh liệt như trước. Ngày đầu tiên học tiếng Anh ở cấp trung học cơ sở, cậu thiếu niên Ki Moon cảm thấy thua kém bạn bè đã nỗ lực hết mình để học tốt môn này, thế mà nay, các bạn khó lòng có thể theo kịp cậu. Điều này cũng giống như dù là giống đậu đỏ tốt thế nào chăng nữa cũng không thể sánh bằng loại đậu được trồng và chăm sóc bởi các bác nông dân chăm chỉ. Bạn học thấy Ki Moon đọc làu làu, miệng luôn lẩm nhẩm tiếng Anh thì thè lưỡi bảo nhau “đúng là hắn quá say ‘em’ tiếng Anh rồi!” Vì vậy, bạn bè có người mang bài hát nhạc pop tiếng Anh đến hỏi Ki Moon xem nó có nghĩa là gì, có bạn thì cứ sắp tới mùa thi lại mang bài tới hỏi Ki Moon. Một ngày nọ, thầy giáo môn tiếng Anh, người vốn đã quan sát và nhận thấy năng lực vượt trội của Ki Moon, đã gọi cậu đến hỏi chuyện.
“Ki Moon à, em thử soạn giáo trình tiếng Anh theo ý hiểu của em để giúp các bạn học tiếng Anh xem sao.”
Thầy để Ki Moon dùng chiếc máy thu âm duy nhất của trường, loại máy chuyên dụng dành cho phóng viên truyền hình và đề nghị cậu soạn giáo trình cho phần nghe.
Nhận chiếc máy thu âm, rời khỏi phòng thầy nhưng Ki Moon vẫn thấy mông lung, không biết phải làm gì với nó. Bất chợt, cậu nghĩ đến nhà máy sản xuất phân bón Choongjoo. Đó là nhà máy quy mô lớn được xây dựng trước nhất ở Choongjoo và cũng là nhà máy sản xuất phân bón đầu tiên của cả nước được xây dựng nhằm tăng sản lượng lương thực trong thời kỳ đất nước còn khó khăn. Nếu như trước đây, Hàn Quốc phải nhập khẩu 100% phân bón thì từ khi có nhà máy Choongjoo, đã giúp tự cấp tự túc phần nào phân bón. Vì thế, báo chí cũng đưa tin còn người dân khu vực lân cận thì xôn xao bàn tán. Sự kiện này trở thành tiêu điểm cho mối quan tâm của nhiều người đến mức các trường học cũng bắt đầu tổ chức các khoá thực tế để tham quan nhà máy. Sở dĩ Ki Moon nghĩ đến nhà máy này bởi cậu cho rằng nếu đến đây tham quan, cậu có thể gặp gỡ các kỹ sư người Mỹ đang có mặt tại đây để chuyển giao công nghệ cho người Hàn Quốc.
Thế là cậu mang theo chiếc máy thu âm và tìm đến nhà các kỹ sư ấy. Cậu bị đeo bám bởi ý nghĩ phải thu âm bằng được những giọng phát âm chuẩn chứ không phải thứ tiếng Anh kiểu Hàn. Thế nhưng, không dễ gặp được các kỹ sư Mỹ bởi lúc bấy giờ gặp được người nước ngoài đã khó, mở lời với họ lại càng khó hơn.
Lấy hết can đảm, cậu đến gần một người mà cậu đoán là kỹ sư người Mỹ và mở lời chào “How are you?”. Ông ta thoạt liếc nhìn mái tóc húi cua của Ki Moon nhưng cậu chưa kịp thốt nên lời thì ông ta đã khoát tay ra hiệu không muốn nói chuyện và bỏ đi. Vài lần bị từ chối khiến cậu có suy nghĩ “bỏ cuộc” nhưng đúng lúc ấy, cậu chợt thấy có một phụ nữ đang tiến vào nhà máy. Thế là cậu rảo bước đến và mở lời chào.
“Hello?” “Can you speak English?” Người phụ nữ Mỹ vừa ngạc nhiên nhìn Ki Moon vừa hỏi.
“Yes, I can.”
Và rồi Ki Moon bập bõm giải thích lý do cậu tiếp cận bà.
Người phụ nữ nói rằng bà theo chồng đến Hàn Quốc do công việc của chồng bà tại đây và thấy Ki Moon dễ mến, bà vui vẻ đồng ý thu âm nội dung sách giáo khoa giúp cậu. Ki Moon vận hành chiếc máy thu âm đúng như những gì cậu đã làm thử ở nhà. Người phụ nữ Mỹ kiên nhẫn ngồi hàng giờ đồng hồ để đọc giúp Ki Moon được một phần tư cuốn sách. Bàphải chuẩn bị bữa tối nên hứa sẽ thu âm tiếp cho cậu vào lần sau.
Ki Moon vô cùng mừng rỡ khi hoàn thành được nhiệm vụ dù khá vất vả, hơn thế nữa, chỉ cần nghĩ đến việc được trò chuyện với một người nước ngoài thôi là đã đủ vui rồi. Tim cậu đập rộn ràng khi nghĩ đến khả năng tiếng Anh của mình sẽ tiến bộ hơn trong tương lai.
Trong lúc thu âm, hẳn là do căng thẳng nên cậu nghe không rõ. Nhưng khi về nhà, mở máy nghe lại, cậu nhận thấy phát âm của người phụ nữ này khác với giọng thầy giáo tiếng Anh của mình. Cậu mở sách ra và bắt chước giọng đọc của người phụ nữ nọ nhưng thật không dễ chút nào. Cũng chính vì không dễ nên cậu càng nỗ lực luyện tập. Cứ thế nhiều lần, cậu nhận thấy phát âm của mình đã dần dần giống với giọng đọc trong băng thu âm. Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của Ki Moon, mấy đứa em tiến lại gần và bắt đầu khúc khích cười.
Người phụ nữ Mỹ rất quý mến Ki Moon bởi dù phải trải qua một quãng đường khá xa để đến gặp bà nhưng cậu luôn đúng giờ và thái độ thì rất mực lễ phép. Bà cũng nhận thấy niềm đam mê đối với tiếng Anh ở Ki Moon dù khả năng nói của cậu còn chưa tốt, nhưng cậu luôn nỗ lực hết mình, luôn nhận và sửa sai khi phát âm. Hình ảnh cậu thiếu niên luôn nỗ lực học tiếng Anh trong hoàn cảnh khó khăn khiến bà rất cảm phục. Sau khi kết thúc việc ghi âm giáo trình tiếng Anh của trường và hoàn tất việc soạn giáo án mà thầy giao, Ki Moon vẫn thường xuyên đến nhà người phụ nữ Mỹ để học thêm tiếng Anh. Khi thấy Ki Moon ham học đến vậy, bà liền giới thiệu cậu với một phụ nữ hàng xóm khác. Những phụ nữ Mỹ lúc bấy giờ thường dạy tiếng Anh giao tiếp hoặc đọc hiểu cho bọn trẻ lân cận, nhưng người mà họ yêu quý nhất chính là Ki Moon.
Vốn là người kiệm lời, nhưng lạ thay, khi nói tiếng Anh, Ki Moon lại rất hăng hái. Dù gia đình theo đạo Phật nhưng cứ mỗi chủ nhật, cậu lại đến nhà thờ. Bởi thời điểm đó, các linh mục và các nhà truyền giáo người Mỹ đang tích cực truyền giáo tại Hàn Quốc, và người phụ nữ Mỹ mà cậu quen cũng nhận nhiệm vụ truyền giáo tại nhà thờ gần đó. Ki Moon luôn theo sát và luôn miệng hỏi chuyện vị linh mục người Mỹ đến mức ông cảm thấy cậu thật “phiền phức”.
Ki Moon đam mê tiếng Anh đúng như bạn bè cùng lớp nhận xét. Thời bấy giờ, không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh đối với thành công. Với Ki Moon, đơn giản chỉ là cậu thấy nó thú vị và ôm ấp niềm tin rằng, tiếng Anh sẽ dẫn dắt và đưa cậu đến với một thế giới mới, một thế giới rộng lớn hơn.
Ki Moon rất giỏi tiếng Anh nhưng lại kém các môn học về văn-thể-mỹ nhất là âm nhạc và thể thao. Cả hát lẫn chơi ghi ta – nhạc cụ đang được yêu thích bấy giờ Ki Moon đều không biết, bóng đá hay bóng rổ cậu đều không giỏi. Thường thì, người ta chỉ thích làm những gì bản thân yêu thích. Với Ki Moon đó chính là tiếng Anh. Chính vì yêu thích nên cậu học rất giỏi, và khi đã học giỏi, cậu càng ham mê và quyết tâm chinh phục nó.
Đối với Ki Moon, tiếng Anh đã trở thành trò tiêu khiển đầy thú vị. Không chừng chính vì chỉ quan tâm đến nó mà cậu không màng đến ca hát, chơi ghi-ta, bóng đá hay bóng rổ nữa.
Dành hết tâm ý cho việc học hành
Nhận thấy niềm đam mê đối với môn tiếng Anh của Ki Moon, thầy giáo dạy môn này, Kim Sung Tae, đã đặt ra cho cậu một thử thách lớn hơn. Khi Ki Moon học lớp 11, thầy dạy tiếng Anh của cậu chính là thầy Kim Sung Tae, người từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng tại Seoul, một giáo viên hiếm có ở nông thôn lúc bấy giờ, một người thầy còn rất trẻ, đầy hoài bão, nhiệt tình và rất tâm huyết trong giảng dạy.
Phải nói thêm là thời bấy giờ, tài liệu tham khảo tiếng Anh đều được biên dịch từ giáo trình tiếng Anh của Nhật Bản. Chính vì thế mà các tài liệu này thường mắc rất nhiều lỗi, nhiều điểm thiếu logic và cũng không được biên dịch bài bản sang tiếng Hàn. Thầy Kim Sung Tae cảm thấy khó có thể dạy tiếng Anh hiệu quả bằng giáo trình này và chính nó đãkhiến học sinh không còn hứng thú với môn học nữa. Thầy bèn lên Seoul, tìm kiếm khắp các nhà sách và mua được cuốn sách học tiếng Anh do người Hàn biên soạn. Đó là thời điểm cả nước chỉ có một hai cuốn sách dạy học tiếng Anh được phát hành. Thầy đã dựa trên giáo trình này để chuẩn bị bài giảng cho học sinh.
Tâm huyết của thầy Kim Sung Tae cũng được truyền sang học trò qua mỗi bài học. Chính vì thế, không chỉ những học sinh vẫn theo đuổi tiếng Anh, mà cả những em vốn bỏ cuộc ngay từ đầu đã bắt đầu tiến bộ trông thấy. Nỗ lực của thầy và năng lực của trò đã được thể hiện đầy đủ trên bảng thành tích học tập. Đặc biệt là thành tích xuất sắc của Ki Moon. Lúc bấy giờ, trong kỳ thi tiếng Anh chỉ cần đạt 70 điểm là được vào một trường danh tiếng của Seoul. Bấy giờ, Ki Moonđược 75 điểm.
Thầy Kim Sung Tae đã gọi Ki Moon đến và khích lệ.
“Này Ki Moon, với năng lực của mình, em hoàn toàn đủ khả năng vào một trường đại học danh tiếng của Seoul. Thế nên đừng để bị thụt lùi mà phải nỗ lực đến cùng đấy nhé.”
Thầy Kim Sung Tae biết, dù trường Phổ thông trung học Choongjoo là một trường rất tốt ở địa phương, nhưng khó lòng sánh được với các trường cấp ba khác ở Seoul. Vì vậy, cậu học trò như Ki Moon khiến thầy rất hài lòng.
Ki Moon vô cùng cảm kích khi được thầy khen ngợi. Bấy lâu nay, cậu học tiếng Anh vì yêu thích, và cảm thấy hứng thú nên càng tìm hiểu càng say mê, nhưng cậu không có cách nào để tự đánh giá khả năng và trình độ của mình đang ở mức nào. Hẳn là vì lẽ đó mà cậu càng tích cực nói tiếng Anh với người nước ngoài để tự kiểm tra trình độ của bản thân và nhận được lời khen ngợi của thầy Kim Sung Tae, “Em đang đi đúng hướng rồi đấy. Cứ thế phát huy nhé!” khiến cậu như được tiếp thêm sức mạnh.
Kể từ khi được trò chuyện với thầy Kim Sung Tae, Ki Moon hầu như luôn đạt điểm tối đa trong các kỳ thi tiếng Anh cuối kỳ ở trường. Đó là nhờ cậu đã ý thức được phương hướng học tập cho mình. Đến mức thầy Kim Sung Tae thường đùa rằng “Thầy không còn gì để dạy em nữa rồi”.
Nhưng không chỉ có thầy Kim giúp cho Ki Moon học tập và phát triển năng lực của mình.
Ban Ki Moon thời trung học phổ thông, khi cậu ý thức được phương hướng học tập cho mình. Ki Moon đứng giữa hàng cuối cùng. Ảnh được chụp trong dịp họp lớp tiểu học.
Năm 1960, đó là lúc Ki Moon đang học cấp ba, cuộc cách mạng 19/4 đã bùng nổ, và năm kế tiếp, ngày 16/5, lại xảy ra cuộc chính biến quân sự khiến cho xã hội vô cùng loạn lạc. Sinh viên đại học tình nguyện dấn thân thành lập các hiệp hội vận động sinh viên tham gia phong trào dân chủ hóa khiến các học sinh cấp ba cũng bắt đầu rục rịch theo. Bầu không khí của việc thành lập hiệp hội lấn át cả việc học hành.
Trường Choongjoo cũng không ngoại lệ. Nếu có học sinh nào không gia nhập hiệp hội, người đó lập tức bị cô lập. Mặc dù ai cũng biết rằng việc tham gia các hoạt động của hiệp hội sẽ khiến họ sao nhãng học hành. Họ phải đồng hành cùng nhau mỗi ngày nên đầu óc khó có thể tập trung và thời gian dành cho việc học cũng bị rút ngắn.
Thầy Kim Sung Tae tập trung các học trò giỏi hoặc gương mẫu kết nạp vào Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên (Red Cross Youth-RCY) do mình phụ trách. Đó là tổ chức được thành lập với mục đích hoạt động thiện nguyện nhưng việc các học sinh ưu tú tập trung lại tất yếu sẽ dẫn đến sự ganh đua.
Ở Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên, Ki Moon được làm quen với hai người bạn là Jeong Ji Young và Her Moon Young. Họ đều là những học sinh xuất sắc nên có tác động rất tích cực đến Ki Moon.
Jeong Ji Young học khác trường với Ki Moon nhưng là một tài năng tiếng Anh có tiếng khắp thành phố Choongjoo. Ki Moon cũng đã nghe danh Jeong Ji Young nên rất tò mò về người bạn này. Cậu lấy làm vui mừng vì thông qua Hội Chữ thập đỏ Thanh thiếu niên, cậu có thể cùng tham gia hoạt động và trở nên thân thiết với Jeong Ji Young. Ji Young rất giỏi ngữ pháp và đọc hiểu tiếng Anh, trong mọi lúc cậu ta đều tỏ ra tự tin. Trong giờ học tiếng Anh, với khả năng phát âm tự tin và lưu loát, Ki Moon luôn là người đọc mẫu cho cả lớp. “Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài của cậu bạn Ki Moon này khó lòng mà theo kịp. Cho nên mình chỉ chú trọng vào môn đọc hiểu và ngữ pháp thôi”, Ji Yong tỏ vẻ chịu thua nỗ lực của Ki Moon, nhưng thực ra trong suốt ba năm phổ thông trung học, cậu luôn xứng đáng là đối thủ đáng gờm của Ki Moon.
Còn Her Moon Young cũng không hề thua kém Ki Moon. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và vật lý, cậu chàng nhanh trí khác thường. Vì thế, ở trường Choongjoo, lũ học trò kháo nhau rằng “khoa học xã hội là của Ban Ki Moon mà khoa học tự nhiên là của Her Moon Young”. Cả hai đều dẫn đầu trong lĩnh vực của mình. Moon Young bị Ki Moon thuyết phục và cả hai cùng học tiếng Anh tại gia đình kỹ sư người Mỹ nọ.
Bấy giờ còn nhiều khó khăn, xe cộ còn hiếm mà phải đi bộ khá xa mới đến được nhà máy Choongjoo, vì thế Ki Moon mong có thêm bạn đồng hành. Moon Young cũng rất ham học nên khi Ki Moon đề nghị, cậu đồng ý ngay lập tức. Nhưng Moon Young không yêu thích tiếng Anh bằng Ki Moon. Một ngày nọ, trên đường về nhà, trông thấy Ki Moon vừa đi vừa lẩm bẩm những câu thoại tiếng Anh vừa được học, Moon Young nhăn mặt tỏ vẻ không thể hiểu nổi mà hỏi bạn:
“Này Ki Moon, cậu thích hội thoại tiếng Anh đến thế cơ à? Chẳng phải đề thi cũng chỉ có vài câu thôi sao?”
“Ừ. Mình thích lắm. Với lại mình phải học tiếng Anh thật chăm chỉ ngay từ bây giờ để biến ước mơ của mình thành hiện thực.”
Lúc này, Ki Moon đã bắt đầu ấp ủ ước mơ trở thành nhà ngoại giao. Moon Young nghe bạn trả lời với vẻ mặt nghiêm túc chợt bật cười mà thầm ghen tị với bạn “cái thằng, đúng là người biết phấn đấu.”
“Ki Moon à, nếu mình và cậu mà học cùng hệ với nhau chắc là hay ho lắm đây. Mình mà phải cạnh tranh với cậu thì quả là đau đầu thật.”
Ki Moon nở nụ cười hiền như mọi khi mà không nói gì trước câu nói của cậu bạn Moon Young.
Về sau, Moon Young và Ki Moon cùng đỗ vào Đại học Seoul. Moon Young học ngành khoa học công nghệ, còn Ki Moon theo học ngành quan hệ quốc tế nên họ gặp nhau thường xuyên. Dù đã vào đại học nhưng Ki Moon vẫn luôn mang theo mình cuốn sách tiếng Anh. Mỗi lần thấy hình ảnh đó, Moon Young lại thầm nghĩ “Quả là không sai. Mình làm sao địch nổi niềm đam mê của cái thằng bạn Ki Moon này chứ.”
Đối với Ki Moon, Ji Young và Moon Young không chỉ là những người bạn, họ vừa là đối thủ trong cuộc ganh đua, vừa là người thầy của nhau khi ai đó cần giải đáp bất cứ điều gì, và luôn dành thời gian chia sẻ, trao đổi với nhau về phương pháp học tập.
Nhiều người tò mò về phương pháp học tập khác người của Ki Moon cũng như những thành tích vượt trội của cậu. Đúng là Ki Moon có những phương pháp học tập khác người. Cậu học không chỉ để được mọi người công nhận, mà còn học vì sự đam mê.
Ban Ki Moon tuy sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cậu không học vì mục tiêu thay đổi cuộc sống. Đơn giản là cậu luôn toàn tâm toàn ý với việc học và không muốn đi ngược lại tâm ý đó. Đây cũng là lý do khiến thành tích của cậu luôn luôn xuất sắc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.