Ban Ki Moon
Tiếp tục sự nghiệp vì hòa bình thế giới
5 Năm cống hiến và sự khởi đầu mới
Tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon bắt đầu nhiệm kỳ của mình với hàng loạt thách thức chờ đón, điển hình là hàng loạt các cuộc phân tranh quốc tế, vấn đề cải tổ Liên Hợp Quốc… Một trong những nội dung được ông tập trung nhiều công sức nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngày 9/11/2007, lần đầu tiên, một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có chuyến đi đến Nam Cực. Nhận lời mời của Tổng thống Chilê, Michelle Bachelet, Tổng thư ký Ban đã đến thăm Nam Cực. Sau đó, ông được nghe báo cáo về tính nghiêm trọng của tình hình biến đổi khí hậu tại căn cứ không quân Eduardo Frei và đến thăm Viện khoa học Sejong của Hàn Quốc. Qua màn ảnh nhỏ, hình ảnh một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trên con tàu xuyên biển đầy băng đã gây ấn tượng sâu sắc cho nhân dân toàn thế giới.
Sau đó, Tổng thư ký Ban lập tức di chuyển đến Brazil và có thời gian tiếp xúc với thổ dân tại khu vực Amazon. Tại đây, ông đã tìm hiểu thêm tình hình môi trường sinh thái Amazon, nơi thiên nhiên đã bị phá hủy nghiêm trọng do tốc độ khai thác, phát triển của con người.
Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thư ký Ban đã chọn biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu. Ông chia sẻ, “biến đổi khí hậu, cũng như chiến tranh, là mối nguy mang tính sống còn đối với nhân loại” và liên tục yêu cầu cộng đồng quốc tế có những đối sách khẩn cấp cho vấn đề này.
Vào tháng 12/2007, hội nghị ký kết Hiệp ước biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại Bali, Indonesia. Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, vì thế việc tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế mang tính bức thiết. Vì đây là hội nghị do Liên Hợp Quốc chủ trì nên Tổng thư ký Ban đã đến tham dự và ngay sau đó, ông đến Đông Timor theo đúng lịch trình đã được lên sẵn. Lúc bấy giờ, lộ trình phương án quy định về hỗ trợ kinh tế của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển nhằm hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ khiến nó có nguy cơ bị phá sản. Vì vấn đề này, Tổng thư ký Ban lại gấp rút quay trở lại hội nghị tại Bali để khơi mào cho vấn đề hiệp thương.
Tại hội nghị, ông kêu gọi bằng một bài diễn thuyết hùng hồn: “Đây là giờ phút mang tính quyết định đối với tôi với tư cách là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Chúng ta không thể mong muốn một sự hài lòng hoàn toàn cho bản thân, vì thế, tôi hy vọng tất cả hãy tôn trọng nhau và phát huy tính linh động của mình.” Đại biểu của các nước đồng loạt hưởng ứng bằng tràng pháo tay nồng nhiệt và cuối cùng, Bản đồ Lộ trình Bali (Bali Roadmap) đã được thông qua trước giờ hội nghị kết thúc.
Tổng thư ký Ban đã nói về ý nghĩa của kết quả trên như sau: “Đây là chuyến công tác hiệu quả nhất từ trước đến nay. Đây là một việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì toàn thể nhân loại và trái đất này.” Trước mắt, ông đã cứu vãn hiệp ước trước nguy cơ phá sản nhưng đường đến thành công vẫn còn xa vợi.
Bởi tại hội nghị lần thứ 15 diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch, ông đã thất bại trong nỗ lực hình thành một hiệp ước mang tính ràng buộc có khả năng thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Bão lũ hay những thay đổi tiêu cực về tình hình thời tiết ngày càng diễn ra thường xuyên với quy mô lớn hơn và tần suất dày dặc hơn. Toàn thế giới đều có chung suy nghĩ về tính nghiêm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu. Thế nhưng, mỗi người đều có cách hiểu khác nhau về việc ai sẽ phải giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và giảm với dung lượng bao nhiêu.
Trái với quan điểm của các nước phát triển là tất cả các nước đều phải giảm thiểu khí thải nhà kính để cứu sống toàn cầu, các quốc gia đang trên đà phát triển kinh tế dựa trên sản xuất công nghiệp lại phản đối quan điểm này.
Ngay cả Mỹ cũng khăng khăng không chấp nhận việc tiếp tục giảm thiểu khí thải cho thấy mối quan hệ lợi ích giữa các quốc gia ngày càng trở nên đối lập sâu sắc. Vì thế, hiệp ước biến đổi khí hậu mang tính ràng buộc vẫn chưa được thông qua. Một lần nữa, cả thế giới kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon.
Nghị định thư Kyoto là gì?
Là thỏa thuận quy định mức độ giảm thiểu khí thải nhà kính của các nước phát triển bằng phương án thực thi cụ thể Hiệp ước biến đổi khí hậu nhằm hạn chế và phòng trừ hiện tượng nóng lên trên toàn cầu. Hiệp ước biến đổi khí hậu đã được thông qua trong hội nghị lần thứ ba diễn ra tại Kyoto Nhật Bản vào tháng 12/1997. Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 16/2/2005 cho đến năm 2012 và có 38 quốc gia tham gia thực hiện bao gồm Úc, Canada, Mỹ, Nhật và các thành viên khối EU. Các nước phải giảm lượng bài thải khí thải nhà kính trong giai đoạn 2008-2012 trung bình là 5,2% so với giai đoạn những năm 1990. Hàn Quốc được xem là quốc gia đang phát triển trong giai đoạn hội nghị lần thứ ba được tổ chức nên được miễn thực hiện nghĩa vụ, nhưng về sau, từ năm 2008, theo yêu cầu của một số nước phát triển, Hàn Quốc và Mexico… buộc phải tham gia nghĩa vụ giảm thiểu khí thải nhà kính.
Riêng Mỹ, với lượng bài thải khí carbonic lớn nhất thế giới, đã tuyên bố rút khỏi Nghị định thư vào tháng 3/2001 nhằm bảo hộ ngành công nghiệp nước nhà.
Bản đồ Lộ trình Bali là gì?
Là một ý tưởng về Hiệp ước biến đổi khí hậu nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Bản đồ Lộ trình Bali được thông qua tại hội nghị thứ 13 của Liên Hợp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu tại Bali, Indonesia từ ngày 3 đến ngày 15/12/2007. Theo nội dung của Bản đồ Lộ trình Bali, Hiệp ước về biến đổi khí hậu sẽ được thảo luận trong vòng hai năm, được ký kết vào năm 2009 tại Copenhagen Đan Mạch và sẽ có hiệu lực từ năm 2013. Đối với các nước phát triển, lượng giảm thiểu khí thải nhà kính không được cụ thể hóa bằng con số mà được thống nhất chung là “giảm thiểu một lượng đáng kể”, và đối với các nước đang phát triển, lượng khí thải giảm thiểu phải được đo đạc và kiểm chứng cụ thể. Ngoài ra, Bản đồ Lộ trình Bali còn có các nội dung khác như là các nước đang phát triển được khuyến khích giảm khai thác rừng nhiệt đới và trong đó quốc gia nào có những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực sẽ được các nước phát triển chuyển giao công nghệ… Theo lộ trình này, vào năm 2013, các quốc gia như là Hàn Quốc cùng với Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… đều được liệt vào đối tượng giảm thiểu khí thải nhà kính.
Bôn ba thế giới vì hòa bình Trung Đông
Ngày 22/3/2007, Tổng thư ký Ban bắt đầu chuyến thăm Iraq.
Trong chuyến thăm Iraq đầu tiên ở cương vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã có buổi họp báo cùng Thủ tướng Iraq, Nouri al-Maliki. Trong thời gian này, một vụ pháo kích đã diễn ra gần Văn phòng Thủ tướng, nơi đang diễn ra cuộc họp báo. Một quả rocket đã rơi gần Văn phòng Thủ tướng khiến trong phút chốc nơi này trở thành một bãi chiến trường và sự việc đã được truyền đi khắp thế giới. Đó là khoảnh khắc phô bày một cách cụ thể nhất tính nghiêm trọng của vấn đề Trung Đông.
Quả rocket có sức công phá ghê gớm đến mức dù phát nổ cách khu vực tòa nhà Thủ tướng đến 50 mét nhưng đã tạo ra một hố sâu có đường kính 1 mét. Tổng thư ký Ban Ki Moon và Thủ tướng Nouri al Malaki đều may mắn vô sự. Vài phút sau vụ pháo kích, cuộc họp báo đã được tiếp tục triển khai. Tổng thư ký Ban Ki Moon và Thủ tướng al-Maliki đều điềm tĩnh trả lời phỏng vấn mà không đề cập đến vụ nổ. Chuyến viếng thăm Trung Đông của Tổng thư ký Ban Ki Moon đã được thực hiện theo đúng lịch trình bất kể vụ tấn công vừa diễn ra.
Sau đó, vào tháng 1/2009, ông đã đến thăm Dải Gaza, khu vực tranh chấp giữa Israel và Palestine. Đây là thời điểm được ông chọn là đáng nhớ và có ý nghĩa nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên khi trả lời phỏng vấn chuẩn bị cho việc tái cử nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Ông cho biết: “Vào đầu tháng 1/2009, khi diễn ra tranh chấp tại Dải Gaza, tôi đã đến nhiều nước để gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và thực hiện phương thức ngoại giao trung gian hòa giải. Và cuối cùng, tôi đã thuyết phục được các bên đạt đến thỏa thuận đình chiến. Cá nhân tôi cảm thấy rất vui mừng khi đến thăm Dải Gaza ngay sau khi thỏa thuận đình chiến được thực thi.”
Ban Ki Moon cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa của khu vực Trung Đông với “Cuộc cách mạng hoa nhài13”. Tổng thư ký Ban Ki Moon cũng tích cực ủng hộ cuộc vận động dân chủ hóa tại Ả Rập. Ông nói, “các nhà lãnh đạo Ả Rập cần phải biết người dân của họ thật sự mong muốn điều gì” hay “Chính phủ cần phải lập tức ngưng các hành động bạo lực đối với những người biểu tình”. Vì những vấn đề Trung Đông mà Tổng thư ký Ban đã không hề có thời gian nghỉ ngơi trong suốt tháng 3/2011. Sau chuyến thăm Ai Cập và Tuynidi, nơi đã tiến hành cách mạng dân chủ hoá, ông lập tức quay lại New York, tham dự hội nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để trình bày sơ qua vấn đề thường dân hy sinh trong cuộc nội chiến Libya và tổ chức họp báo về vấn đề này. Trong một ngày, ông phải thực hiện đến 3 bài diễn thuyết có liên quan đến vấn đề của khu vực Trung Đông.
Sau đó, Tổng thư ký Ban Ki Moon đã đưa ra yêu cầu bức thiết với chính phủ Syria về việc “ngừng ngay các hành động bạo lực và tuân thủ các cam kết về nhân quyền quốc tế, bao gồm đảm bảo quyền biểu tình trong hòa bình của nhân dân” khi xung đột giữa người dân biểu tình và chính phủ Syria diễn ra khiến cho thường dân liên tiếp thiệt mạng. Giữa lúc đó, xung đột vũ trang giữa Israel và Palestine có nguy cơ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cuối cùng, ông phải đến thăm Palestine và nỗ lực trong vai trò trung gian hòa giải nhằm cứu vãn tình hình.
Tháng 3/2011, thời điểm mang tên “mùa xuân Ả Rập”, là một giai đoạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Tổng thư ký Ban Ki Moon. Một mình ông đã không thể nào có đủ sức để gìn giữ hòa bình của cả khu vực Trung Đông, nhưng không ai có thể hoài nghi về vai trò hết sức quan trọng của Tổng thư ký Ban Ki Moon trong việc gìn giữ hòa bình khu vực này. Điều quan trọng là ông đã trực tiếp tìm hiểu sâu sát tình hình thực tế và kêu gọi sự hiểu biết lẫn nhau của các quốc gia có liên quan. Đó là phương thức làm việc giống như thời ông còn làm việc tại Bộ Ngoại giao.
Chỉ trong năm 2007, năm đầu tiên nhậm chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã thực hiện các cuộc viếng thăm đến 120 thành phố của 58 quốc gia thuộc châu Phi, Trung Đông, châu Á, châu Âu, Nam Mỹ… Sau này có lần ông đã chia sẻ: “Cứ mỗi tháng, tôi lại đi được một vòng trái đất, một năm 12 vòng với khoảng từ 400 đến 500 cuộc điện đàm cho các nguyên thủ của các quốc gia.”
Ông thậm chí còn không thể tăng cân do phải di chuyển quá nhiều đến mức mọi người xung quanh đều gọi ông là “người ham công tiếc việc”.
“Cuộc cách mạng hoa nhài” là gì?
Vào năm 2010, một thanh niên Tuynidi 26 tuổi tên là Mohammed Bouazizi đã bị lực lượng cảnh sát vốn đã thối nát của chính phủ bắt giữ vì hành vi bán hàng rong. Anh đã tự thiêu khi bị uy hiếp. Dân chúng Tuynidi đã phẫn nộ trước sự kiện này và họ bắt đầu tiến hành các cuộc biểu tình chống chính phủ và chế độ độc tài.
Cuộc đấu tranh chống chính phủ của nhân dân Tuynidi kéo dài đến năm 2011, lan rộng khắp cả nước khiến quân đội rơi vào thế trung lập. Tổng thống độc tài của Tuynidi là Zine El-Abidine Ben Ali cuối cùng phải lưu vong sang Ả Rập Saudi, đánh dấu sự kết thúc của chế độ độc tài kéo dài suốt 24 năm. Hoa nhài là quốc hoa của Tuynidi, vì thế, ngôn luận quốc tế đã lấy tên loài hoa này để đặt tên cho cuộc đấu tranh trên.
Cuộc đấu tranh dân chủ hóa này không chỉ diễn ra trong phạm vi Tuynidi mà còn lan rộng tầm ảnh hưởng đến các nước khác như Ai Cập, Libya, các quốc gia Ả Rập… Sức lan tỏa của nó đã dẫn đến nhiều cuộc cải cách chính trị lẫn chính biến do bất mãn của người dân về chế độ độc tài kéo dài, như là việc lật đổ chính quyền Qaddafi của Libya hay chính quyền Mubarak của Ai Cập…
Bùng nổ phê phán về phong cách ngoại giao trầm lặng
Ngay sau khi nhậm chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã không màng tới sức khỏe bản thân mà dồn toàn bộ tâm sức cho công việc. Tuy thế, không phải ai cũng ca ngợi ông về điều này. Bởi thật khó làm hài lòng mọi quốc gia tại một nơi tập trung nhiều luồng quan điểm như Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, đối với một Tổng thư ký là người phương Đông vốn khiêm tốn như ông, bức tường ngăn cách lại càng lớn.
Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) đã gọi Ban Ki Moon là “người tàng hình của Liên Hợp Quốc” (The U.N.”s Invisible Man).
Trong bài báo có nhan đề “Phong cách ngoại giao trầm lặng đối với nhà độc tài gây bất hòa tại Liên Hợp Quốc”, Tạp chí phố Wall đã viết: “Với thái độ thường xuyên trầm lặng một cách thái quá của mình trước các hành vi dã man của các nhà độc tài, Tổng thư ký Ban đang đối mặt với những chỉ trích ghê gớm vì đã khiến Liên Hợp Quốc trở thành một vũ đài của sự thỏa hiệp tồi tệ.”
Ngoài ra, tạp chí này cũng phê phán ông không gặt hái được kết quả gì trong các cuộc gặp mặt các nhà độc tài, trong đó có nhà độc tài quân sự Than Shwe của Myanmar, và cuối cùng chỉ làm mất uy danh của một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Tổng biên tập Jacob Heilbrunn của tạp chí ngoại giao Mỹ, tờ National Interest, đã giật tít bằng lời lẽ mỉa mai Tổng thư kýBan Ki Moon – Người chẳng bao giờ lộ diện, sao lại có thể là người Hàn Quốc đáng gờm nhất thế giới? Ban Ki Moon đã chịu nhiều lời phê phán như “kẻ làm việc như chơi”, hay là “tay a-ma-tơ”…
Đó là những lời chỉ trích cho rằng Ban Ki Moon là người nhu nhược, thiếu uy lực của một vị lãnh đạo.
Tờ tuần báo của Anh, The Economist, còn dành một bài viết chấm điểm Ban Ki Moon theo từng tiêu chí để thể hiện thái độ chế giễu. Bài báo cho Ban Ki Moon 8 điểm về ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu và nạn thiếu lương thực; 3 điểm cho hình ảnh mềm yếu trước các nước lớn như Trung Quốc hay Nga và 2 điểm cho năng lực tổ chức quản lý. Tính trên số điểm tuyệt đối là 10 điểm, Ban Ki Moon chỉ đạt trung bình 4,75 điểm. Bài báo kết luận: “Ban Ki Moon cần lập mục tiêu rõ rệt và cần thể hiện rõ năng lực lãnh đạo của mình”.
Trong phần trả lời phỏng vấn đài BBC của Anh, Tổng thư ký Ban Ki Moon đã khẳng định: “Sự điềm đạm không đồng nghĩa với thiếu quyết đoán hay thiếu năng lực lãnh đạo. Tôi đã thể hiện đúng mực tiếng nói của mình trong việc ủng hộ những giá trị phổ biến như là vấn đề nhân quyền”.
Đặc biệt, ông giải thích thêm: “Tôi cũng đã có những quyết định mang tính sống còn trong những lúc đối mặt khủng hoảng. Chẳng hạn như chuyến bay tới Myanmar tháng 5/2008, bằng nỗ lực thuyết phục chính phủ nước này đón nhận các chương trình viện trợ nhân đạo từ phía cộng đồng quốc tế, giúp cứu mạng 500.000 nạn nhân của cơn bão Nargis, hay như việc đến thăm Dải Gaza đầu tiên ngay khi thường dân Palestine phải chịu thống khổ do cuộc tấn công của Israel vào đầu năm 2009, hay cử Lực lượng Gìn giữ Hòa bình sang Darfur nhằm chế ngự Tổng thống Sudan, Omar al-Bashir, vào năm 2007…”
Ngoài ra, ông khẳng định: “Khi đối diện với những vấn đề mang tính thiết thực, tôi đã thể hiện rõ quan điểm của mình cho dù đối với các nước lớn. Cũng chính vì điều này mà tôi phải chịu nhiều chỉ trích và phê phán từ các quốc gia hùng mạnh.”
Về sau, trong một cuộc hội thảo do câu lạc bộ phóng viên truyền hình trong nước tổ chức, ông cũng khẳng định: “Trong nhiều trường hợp, tôi đã thể hiện quan điểm bằng một thái độ mềm mỏng và khiêm tốn do ảnh hưởng bởi lối giáo dục và tập quán phương Đông. Tuy nhiên, không ai có thể cương quyết hơn tôi trong những vấn đề liên quan đến nguyên tắc và khi phải đưa ra các quyết định quan trọng.”
Vai trò thống lĩnh thế giới của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thực ra cũng có giới hạn, ông không thể huy động tài chính hay vũ lực như những người đứng đầu các nước lớn. Nói một cách chính xác, đây là vai trò “đại thống lĩnh hòa bình thế giới”. Đó là vai trò trung gian hòa giải các mâu thuẫn quốc tế bằng quan điểm hợp lý chứ không phải trên cương vị một lãnh đạo đầy quyền lực sử dụng năng lực cưỡng chế trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Thêm nữa, một trong những nguyên nhân của các chỉ trích này là dư luận phương Tây còn lạ lẫm với phong cách “ngoại giao trầm lặng” của Ban Ki Moon.
Một học giả nổi tiếng thế giới, giáo sư Jeffrey Sachs, của Đại học Columbia đã không tiếc lời khen ngợi Tổng thư ký Ban Ki Moon khi ông có dịp quan sát Tổng thư ký trong dự án mục tiêu thiên niên kỷ mới. Ông nói: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon không hề đánh mất sự điềm tĩnh của mình ngay cả khi đối mặt với một đối phương khó tính. Tôi nghĩ rằng phong cách của ông đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng trong thời đại mà mọi người dễ dàng phê phán lẫn nhau như ngày nay.”
Tổng thư ký Ban cũng cho thấy năng lực xúc tiến mạnh mẽ của mình trong việc cải tổ nội bộ Liên Hợp Quốc.
Ông cho biết: “Trong suốt 60 năm qua, Liên Hợp Quốc không có cả những điều khoản quy định về đạo đức và về công khai tài chính. Một nhân viên tiền nhiệm, vì vấn đề tài chính mà chịu áp lực phải thôi việc từ dư luận nhưng vẫn cương quyết không công khai tài chính đến cùng. Tôi sẽ tiến hành công khai tài sản của mình.”
Nội bộ Liên Hợp Quốc cực lực phản đối đề nghị này. Tổng thư ký Ban Ki Moon phải đối diện với sự phản đối của các viên chức tại Liên Hợp Quốc đã trở nên quan liêu hóa trong quá trình xúc tiến đánh giá kết quả công việc và công khai tài sản của quản lý cấp cao từ cấp phó bộ phận. Bất mãn với chính sách này, một quan chức thuộc Ủy ban giám sát, kiểm tra và thanh tra của Liên Hợp Quốc đã phê phán: “Liên Hợp Quốc dưới sự dẫn dắt của Tổng thư ký Ban đã mất đi tính minh bạch và trở nên vô trách nhiệm”. Điều này đã đến tai các cơ quan ngôn luận.
Nhưng những lời lẽ chỉ trích trên đã dần mất đi theo thời gian. Điều đó có nghĩa là con người và phong cách ngoại giao trầm lặng của Ban Ki Moon đã được thấu hiểu. Sau 5 năm làm việc của ông, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, người ta khó lòng tìm thấy những bài báo phê phán về Tổng thư ký Ban Ki Moon nữa.
Bản khuyến nghị tái bổ nhiệm được thông qua chỉ trong 3 giây
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon trong chuyến viếng thăm Strasbourg – Pháp vào ngày 19/10/2010 đã gặp gỡ đoàn đặc phái viên của Hàn Quốc. Ông cho biết: “Về việc tuyên bố tái ứng cử cho nhiệm kỳ tới, tôi có thể tuyên bố ngay hoặc là đợi đến thời điểm thích hợp. Nhưng tôi cho rằng những việc làm của Liên Hợp Quốc đang nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, với tư cách là Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc, tôi nghĩ rằng mình đã thành công cho dù trải qua nhiều khó khăn trong việc định lượng hóa và chuẩn hóa công việc một cách cụ thể trong gần 4 năm qua.” Đây là tuyên bố thể hiện ý chí của ông cho việc tái cử nhiệm kỳ mới.
Ngày 6/6/2011, Ban Ki Moon tổ chức cuộc họp báo chính thức và tuyên bố tái cử.
Tại cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc này, ông cho biết: “Tôi lấy làm vinh dự nếu như nhận được ủng hộ của các nước thành viên để tiếp tục hoàn thành các vấn đề mà Liên Hợp Quốc đã và đang đối mặt trong cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu trong vòng 5 năm tới đây.”
Ông cũng tự đánh giá về thành quả trong 4 năm rưỡi vừa qua trong nhiệm kỳ của mình như sau: “Tôi nghĩ rằng với việc biến vấn đề biến đổi khí hậu thành vấn đề toàn cầu, tôi đã có những đối sách kịp thời và hiệu quả về những thảm họa thiên nhiên diễn ra tại Myanmar, Haiti, Pakistan; và cũng gieo những hạt giống hòa bình tại các quốc gia châu Phi như Sudan, Somalia, Congo, Bờ Biển Ngà… Tôi rất lấy làm tự hào về những thành quả đó.”
Ông nói thêm, “Nhằm tạo nên một tổ chức Liên Hợp Quốc minh bạch, đáng tin cậy, làm việc với hiệu suất cao và hướng tới kết quả cụ thể, tôi đã thực hiện chính sách công khai tài sản, thỏa ước về hiệu quả công việc… và gần đây nhất, tôi đã thiết lập một nhóm quản lý nhằm cải tiến các thói quen nghiệp vụ theo hướng hiện đại và hiệu quả nhất.”
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thư ký Ban, các quốc gia ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp… đã đồng loạt thể hiện sự ủng hộ đối với ông. Sau đó, các thủ tục tái nhiệm đã được tiến hành một cách nhanh chóng.
3 giờ chiều ngày 21/6/2011, với sự có mặt của các đại biểu từ 192 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Joseph Dace phát biểu, “Hôm nay, chúng ta sẽ thẩm định và bầu chọn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc”.
Tiếp theo, Đại sứ của Gabon là quốc gia đóng vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an đã trình bày lý do ủng hộ Tổng thư ký Ban như sau: “Tổng thư ký Ban đã đáp ứng kỳ vọng của chúng ta trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 4 năm rưỡi qua.”
Ngay khi Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Joseph Dace đề nghị, “chúng ta hãy cho một tràng pháo tay về bản khuyến nghị tái bổ nhiệm do Hội đồng Bảo an đề ra”, một tràng pháo tay đã đồng loạt vang lên. Nghĩa là việc thông qua đề nghị chỉ diễn ra trong vòng 3 giây. Bản khuyến nghị này đã được thực hiện với sự đồng thuận của 20 quốc gia, bao gồm 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an và 5 quốc gia đại diện cho 5 khu vực của thế giới.
Việc đồng thuận ký kết vào bản khuyến nghị của 15 quốc gia Hội đồng Bảo an và 5 quốc gia đại diện khu vực là điều chưa từng có tiền lệ. Điều này đồng nghĩa với việc đạt được sự đồng thuận của toàn bộ 192 quốc gia trên thế giới.
Các đại biểu của 5 khu vực lần lượt phát biểu chúc mừng Tổng thư ký Ban. Sau đó, Đại sứ của Mỹ, Susan Rice, đại diện cho quốc gia chủ trì chương trình đã phát biểu:
“Có thể nói không có ai có thể hiểu rõ vai trò của một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc như Tổng thư ký Ban Ki Moon. Hoa Kỳ sẽ luôn ủng hộ tích cực cho vai trò lãnh đạo của Tổng thư ký Ban.”
Bắc Triều Tiên không công khai biểu lộ thái độ cụ thể về việc tái bổ nhiệm Tổng thư ký Ban. Tuy nhiên, lúc đó, Đại sứ của nước này tại Liên Hợp Quốc là Shin Sun Ho đã vỗ tay chúc mừng và tham dự đến phút chót buổi lễ bổ nhiệm.
Thật ra, việc Tổng thư ký Ban Ki Moon được tái đề cử bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ hai đã được trù liệu từ khi ông đắc cử trong nhiệm kỳ đầu. Bởi đây là thông lệ từ nhiều đời Tổng thư ký trước, trừ trường hợp Tổng thư ký thứ sáu của Liên Hợp Quốc là Boutros Boutros Ghali người Ai Cập do mối bất hòa với Mỹ. Tuy nhiên, theo tôi, việc thông qua bản khuyến nghị chỉ trong vòng 3 giây là bất khả thi nếu như các nước thành viên không tin tưởng và đánh giá đúng về nhiệt tâm trong công việc của Tổng thư ký Ban trong suốt thời gian qua.
Cuối cùng, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã lăn dấu tay vào Bản Hiến chương của Liên Hợp Quốc và tuyên thệ. Bản Hiến chương Liên Hợp Quốc được ký kết vào tháng 6/1945 tại San Francisco với sự tham gia của 50 quốc gia thành viên. Sau đó, bản Hiến chương được lưu giữ tại Cục lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ ở Washington nhưng nhờ thiện chí của chính phủ Mỹ, nó được đưa đến trụ sở Liên Hợp Quốc.
Việc một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lăn dấu tay và tuyên thệ trước bản Hiến chương Liên Hợp Quốc là một việc chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay.
Mở đầu bài diễn văn nhậm chức của mình, ông xúc động nói: “Tôi vừa điểm chỉ vào hiến chương của Liên Hợp Quốc được ký kết tại San Francisco. Hiến chương Liên Hợp Quốc chính là tinh thần và linh hồn của cơ quan vĩ đại này.”
Trong bài diễn văn của mình, ông cũng trích dẫn lời trong chương 81, cuốn Đạo đức kinh của Lão Tử như sau: “Đạo trời chỉ có lợi cho vạn vật chứ không có hại; đạo thánh nhân giúp người mà không tranh với ai14”
Cũng giống như lần phát biểu nhậm chức trước đây, Tổng thư ký Ban đã luân phiên dùng tiếng Anh và tiếng Pháp trong bài diễn văn của mình.
Ông kết thúc bài diễn văn bằng câu “Không việc gì là không thể nếu chúng ta cùng sát cánh bên nhau” và nói lời cảm ơn bằng các ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha… khiến đại biểu các nước ồ lên vì thích thú.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.