Bí Mật Sau Bức Tường Đổ

CHƯƠNG 14 – ĐƯỜNG TỚI THẮNG LỢI



Ba! Mà chúng ta vẫn chưa qua thủ tục đầu tiên là tự giới thiệu danh tánh với nhau mà! Bà chủ ngôi nhà trọ gia đình tươi cười nói. Ta là bà Johnson, còn con?
– Con tên Alice Roy. Con không phải dân ở đây.
– Ồ! Tên tuổi của con tuy vậy đâu có xa lạ gì đối với ta. Báo chí đã nhiều phen nói đến con và về ông thân của con. Theo ta biết thì con đây là một nữ thám tử vào hàng cao thủ.
Những lời trên đã làm Alice đỏ mặt. Thấy vẻ lúng túng của cô, bà Johnson mau mắn tiếp lời:
– Con đang vội, ta đoán thế. Vậy ta sẽ nói con nghe tất cả những gì ta biết về Floriane. Sắp sửa vừa chẵn mười năm vào cuối tháng này, cô ấy đã thuê căn buồng trông ra đường phố. Cô ta chỉ định ngủ lại có mỗi một đêm thôi.
– Cô ta có cho bà biết cô ta là ai chứ ạ?
– Hôm đầu thì không. Cô ta đã đăng ký dưới cái tên là bà Demott và ta không hề nghi ngờ gì về mối tương quan nào giữa bà ấy và nữ nghệ sĩ múa lừng danh cả. Đến chập tối, cô ta đã ngã bệnh. Ta đã chăm sóc cô ta.
– Bệnh có nặng không ạ?
– Không. Cô ta chỉ bị kiệt sức thôi, vẻ gầy guộc của cô ta nhìn đến là ghê. Ta đã chăm sóc cô ta với tất cả khả năng của mình và, ba hôm sau, cô ta đã có đủ sức để ra đi.
Alice yêu cầu bà cụ mô tả cho mình hình dung của bà Demott.
– Ta sẽ làm hơn thế nữa kìa.
Bà cụ lôi ra từ một ngăn kéo bàn một tấm hình chụp và đưa cho Alice.
– Sau khi cô ta đi rồi, đây là cái mà ta đã bắt gặp trên mặt tủ com-mốt trong buồng cô ta.
Kính biếu bà Johnson, với lòng biết ơn chân thành. FLORIANE.
Đây đúng là hình chân dung và tuồng chữ của người đã mất tích. Alice còn nhớ rất rõ những tấm hình chụp và mẫu chữ mà Fenimore đã cho mình coi.
– Bà có biết hồi ấy cô ta tính đi đến đâu không ạ?
– Cô ta định sống một thời gian dài tại một nông trại ở gần Plainville.
– Cô ta không để lại địa chỉ cho bà ư?
– Không. Và ta chả bao giờ gặp lại cô ta nữa. Dù rằng ta rất thích thấy cô ta biểu diễn nghệ thuật múa ba-lê.
– Cô ta đã bỏ nghề rồi bà ạ. Đã mười năm nay, tên tuổi cô ta không hề xuất hiện trên một bích chương quảng cáo nào nữa.
Bà Johnson ngạc nhiên nhìn Alice.
– Tiếc quá nhỉ! Và con đang ra sức tìm lại bằng được cô ta hả? Ta hy vọng là con sẽ thành công. Cô ta thật dễ thương hết sức.
– Plainville có xa đây không ạ?
– Khoảng tám mươi lăm cây số… Thị xã không được thông thương với đường xe lửa. Vậy mà, khi Floriane khởi hành từ nơi đây, cô ta đã ra lệnh cho người tài xế lái taxi chở đến nhà ga. Thế mới lạ chứ.
– Có lẽ cô ta không hề biết là xe lửa không đi ngang qua Plainville chăng. Hẳn là sau đó cô ta sẽ lại phải kêu xe taxi chở mình đi tiếp tới thị xã Plainville thôi.
Sau khi cám ơn bà cụ về những chỉ dẫn đầy nhã ý của bà, Alice lật đật quay trở lại khách sạn. Trong bữa ăn trưa, cô đã thuật lại cho cha những tin tức mới thu lượm được.
– Hoan hô Alice! Ba đâu dám mong đợi một thành quả tốt đẹp đến thế.
– Vậy thì, để thưởng công, ba sẽ đem con đến Plainville chứ?
– Tại sao lại không nhỉ! Ông Roy “phán” trong tiếng cười vang. Được làm tài xế cho một nữ thám tử tài năng như thế cũng vinh dự lắm chứ!
Lộ trình cực kỳ thú vị. Con đường uốn lượn ngoằn ngoèo qua những ngọn đồi và những thung lũng. Tại nhiều đô thị nhỏ, Alice đã thăm dò, uổng công vô ích, về nữ nghệ sĩ múa tài danh. Nhưng ở Espérance – cái tên tiền định – may mắn đã mỉm cười với cô.
Khi Alice bước vào đồn cảnh sát, viên trung sĩ trực ban đang bận bàn cãi sôi nổi với một mụ đàn bà già mồm nhiều chuyện, cứ một mực cho rằng bầy gà con của mụ đã bị “bắt cóc” không sót con nào do sự bất tài và thói lè phè biếng nhác của lực lượng cảnh sát địa phương. Nửa bực bội, nửa châm biếm, viên trung sĩ đã khuyên mụ nên đặt một cái bẫy chồn trong chuồng gà của mụ thì hơn.
Alice canh me mãi mới xen vào được một câu, nhưng mụ vẫn không vì thế mà chịu bỏ đi. Biết được con nhỏ lạ hoắc này đến đây vì chuyện gì, kể ra cũng hay đấy chứ!
– Tôi rất lấy làm tiếc vì không thể trả lời thắc mắc của cô được, viên trung sĩ nói với Alice sau khi đã nghe cô hỏi thăm, nhưng tôi tuyệt nhiên không có một hồi ức nào về người có cái tên là Floriane Demott như cô mô tả cả. Người kỳ cựu nhất trong số các bạn đồng nghiệp của tôi cũng như trong số các thủ trưởng của chúng tôi cũng chỉ mới về đây công tác được tám năm là cùng.
– Điều đó càng chứng tỏ thêm một lần nữa sự bất tài của ngành cảnh sát, mụ đàn bà nhiều chuyện nói xen vào. – Còn tôi thì tôi trả lời cô được đấy, cô ạ. Thiên hạ đã đồn thổi khá nhiều về bà ta – một thiếu phụ vừa trẻ đẹp vừa thanh lịch đã đến thị xã này mười năm về trước. Bà ta bị một chiếc xe hơi tông phải và đã được đưa đến bệnh viện Plainville.
– Chuyện chưa từng nghe nói bao giờ! Viên trung sĩ vừa lầu bầu vừa đứng lên để đến dòm sơ qua những hồ sơ lưu từ thời đó.
Mấy phút sau, ông quay trở lại chỗ ngồi sau bàn buya- rô của mình.
– Quả thật, tai nạn ấy có dược ghi vào sổ sách, nhưng ở chỗ ghi họ tên nạn nhân người ta chỉ đề hai chữ “khuyết danh”. Tôi đoán là tại bà ấy đã không đem theo giấy tờ gì trong người.
– Khi một nạn nhân được chở vào bệnh viện để cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh nhân sự, cảnh sát sau đó không hạch hỏi gì về lý lịch của người ấy hay sao?
– Không, chúng tôi chỉ làm thế khi nạn nhân đâm đơn kiện kẻ gây ra tai nạn mà lại bỏ trốn ngay sau đó, đúng như trường hợp đã xảy ra cho thiếu phụ trẻ ấy.
– Ông có nghĩ rằng người của bệnh viện có thể đã tìm hiểu và ghi nhớ về các địa điểm đến và đi của thiếu phụ bị nạn ấy không?
– Tôi thì tôi có quen biết với cô y tá đã từng chăm sóc cho bà ấy, mụ đàn bà nhiều chuyện huênh hoang khoe với vẻ giương giương tự đắc. Cô ta tên là Emilia Foster. Cô ta thậm chí còn nói với tôi rằng cô ta nghi là nữ bệnh nhân của mình đã không khai tên thật tại phòng nhận bệnh nữa kìa.
Rốt cuộc rồi cũng có được những thông tin! Alice hỏi xem mình có thể tìm được Emilia Foster ở đâu.
– Hồi ấy cô ta sống tại Plainville, cách thị trấn khoảng hai cây số. Chỉ có điều là cô ta đã rời khỏi nơi ấy được mấy năm nay rồi. Cô ta đã hứa sẽ biên thư cho tôi, nhưng đó chỉ là lời hứa… hão.
– Bệnh viện có lẽ biết địa chỉ của cô ta đấy, Alice phát biểu ý kiến.
Với một nụ cười dễ thương để tạm biệt viên trung sĩ và người đàn bà nhiều chuyện mà tốt bụng, Alice ra khỏi đồn cánh sát. Cô cùng với cha đến thẳng bệnh viện Plainville. Người ta đã giao cho hai cha con toàn bộ các sổ sách trùng khớp với thời kỳ xảy ra tai nạn. Không một người bệnh nào được ghi vào sổ sách dưới cái tên Flossie hoặc Floriane cả.
Thấy vẻ lúng túng của hai cha con, nhân viên công tác ỏ đó khuyên họ hãy thử dò hỏi Jess, một người da đen, là y công dọn phòng đã công tác suốt hai chục năm qua, vốn có trí nhớ phi phàm.
Jess đang bận chà rửa những tấm đall của một đường hành lang. Khi ông Roy đưa ra một bản miêu tả tương đối chính xác về dung mạo của nữ diễn viên múa, một nụ cười toe toét đã nở rộ trên đôi môi ông già da màu.
– Ồ! Phải rồi! Tôi vẫn còn nhớ bà ấy, thật là tội nghiệp hết sức. Bà ấy đã khóc như mưa trong lúc tôi đưa bà ấy xuống trên chiếc xe lăn. Tôi thật đau lòng khi thấy bà ấy bỏ đi trong tình trạng đó.
– Cái gì? Bà ấy đã rời bệnh viện trên một chiếc xe lăn hả? Ông Roy lật đật hỏi. Bà ấy bị thương tật à?
– Phải! Bà ấy là người tàn phế mà!… Và bác sĩ Bame thậm chí đã bảo bà ấy rằng bà ấy sẽ chẳng bao giờ còn bước đi như trước được nữa.
Đấy là điều đã chiếu rọi một luồng sáng mới vào sự mất tích của Floriane. Đành rằng cả Alice lẫn cha cô đều không thể nào khẳng định rằng kẻ tàn phế đã rời khỏi bệnh viện mười năm trước quả đúng là nữ diễn viên múa tài danh, nhưng cả hai cha con đều có xu hướng nghĩ thế.
– Do biết rằng mình sẽ không thể nào lại bước lên sàn diễn được nữa, kẻ xấu số hẳn đã muốn mai danh ẩn tích luôn cho rồi. Chắc hẳn bà ta đang sống ở đâu đó dưới một cái tên khác, Alice nói.
– Điều đó rất phù hợp với bản tính cố hữu của bà ta. Là kẻ tật nguyền, bà ta đã không muốn trở thành một gánh nặng cho em gái hoặc cho bà cô của mình, ông Roy tán đồng.
– Cũng như cho John Trabert nữa chứ. Ôi! Ba ơi, con tin là chúng ta đang trên đường lần ra manh mối rồi đấy, ba ạ.
Tại phòng chỉ dẫn, Alice đã hỏi thăm địa chỉ của Emilia Foster, với hy vọng là chị ta sẽ có thể cung cấp thêm những thông tin chính xác hơn.
Người nhân viên văn phòng trả lời rằng chị ta thôi việc đã lâu rồi. Vào thời chị ta còn làm việc tại bệnh viện, thì chị ta thường trú tại số 20 đường Québec. Phó mặc cho cha lo việc đặt thuê hai phòng tại khách sạn, Alice lập tức đến ngay ngôi nhà đã được chỉ dẫn. Hai khách trọ mới đang trú tại dó nhưng, tiếc thay, thậm chí ngay cả cái tên Emilia Foster họ cũng mù tịt.
Đúng lúc bỏ đi, Alice bỗng có cảm tưởng đang bị ai theo dõi. Cô liền giả bộ đánh rơi ví tiền của mình. Lúc cúi xuống để lượm ví lên, cô ngoảnh đầu lại và nhìn thấy một người đàn ông mặc một bộ đồ màu nâu non; trên bộ mặt xương xẩu của y nổi rõ một cái nốt ruồi. Hiểu rằng Alice đã phát hiện được mình, tên đàn ông liền lẩn ngay vào một con phố cắt ngang.
– Quỉ thật! Hắn muốn gì ở mình chứ? Cô gái tự hỏi.
Cô chưa từng thấy y lần nào trước đó. Hơi lo, Alice nóng lòng chờ đợi cơ hội thuận tiện để nói với cha về chuyện này. Rủi thay, Alice không thực hiện được ý định vì cha cô đang bận tiếp một người khách. Rồi bữa ăn tối thật vui vẻ, đến nỗi cô đã quên khuấy câu chuyện vặt ấy.
Trước đi đi ngủ, ông Roy và Alice chuyện gẫu mấy phút trong phòng riêng của luật sư. Alice đã khơi lại đề tài về Emilia Foster.
– Ba không nghĩ rằng con nên tiếp tục cuộc điều tra của mình về mặt này ư?
Ông Roy không đáp. Từ nãy đến giờ, ông chỉ nghe với đôi tai lơ đãng những gì con gái ông kể lại. Bỗng nhiên, ông đứng lên và, rón rén như mèo rình chuột, ông tiến về phía cánh cửa ra vào ăn thông ra ngoài hành lang. Bằng một cử chỉ đột ngột, ông xoay nhanh quả đấm cửa.
Cửa bật mở, để lộ nguyên hình một người đàn ông trong bộ đồ màu nâu non đang ngồi chồm hổm theo tư thế ghé tai vào ổ khóa. Y chúi nhủi về phía trước và té nhào vào trong phòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.