Cái cười của thánh nhân

Phần 2: (tiếp)



Trang Tử cười Khổng Tử, đâu phải cười đạo đức của Khổng Tử, mà cười cái thứ đạo đức giả của lũ học trò Khổng giáo, họ “bảo hoàng” hơn hoàng đế! Nietzche nguyền rủa đạo đức, vì ông là một nhà đạo đức thật, thấy rõ cái trò hề giả dối của bọn giả nhân giả nghĩa. Bởi vậy mới có người bảo: “Kẻ nói nhân nói nghĩa là thằng khôn, bọn nghe thuyết nhân thuyết nghĩa là đồ dại.”

Nhưng dù “chống đối”, u mặc chống đối bằng cách nhẹ nhàng cười đùa chứ không hằn học khắc nghiệt.

Trang Tử viết:

“Có nơm là vì cá,

Đặng cá hãy quên nơm”

“Có dò, là vì thỏ

Đặng thỏ hãy quên dò”

“Có lời, là vì ý,

Đặng ý, hãy quên lời”

“Ta tìm đâu đặng người biết

Quên lời, hầu cùng nhau đàm luận!”

Đọc kinh Kim Cang, ta cảm thấy dường như Phật viết tới đâu, là xé tới đó. Đến cùng, không còn một câu một chữ nào để cho người đời sau bấu víu: Phật đã xé kinh mà nói Pháp. Đọc kinh Phật thượng thừa, phải biết đọc kinh “vô tư”.

Cho nên văn u mặc còn lại chỉ những bài văn ngụ ngôn, nói bâng quơ, nói bông lông, không nhắm việc của ai cả, không cổ, không kim, không sách, không vở… Là để nói lên những gì thoát khỏi văn tự, thoát khỏi thời gian và không gian. Danh từ phải có định nghĩa. Mà có định nghĩa là có giới hạn rõ ràng. Cho nên văn tự không phải để nói lên có một khía cạnh nào của chân lý mà thôi. Vì vậy, ta thấy trong những câu văn u mặc có lối ghép chữa lạ lùng: Những danh từ đối lập thường được đôi như cặp âm dương trong đồ Thái cực. Văn u mặc phát lên tiếng cười, tiếng cười của thức giả đã thấy rõ con voi toàn diện, cười lũ mù rờ voiđang tranh luận với nhau om sòm để dành lẽ phải về mình: Một lẽ phải tương đối và phiến diện.

Về văn chương, phần cốt tử là ở những chữ “nhưng”, chữ “ma”‘… Có những việc dở, nhờ chữ “nhưng” mà trở thành hay, cũng có lắm chuyện hay, chỉ vì chữ “nhưng” mà đâm ra dở.

Trong khi nhà Nho xem quá nặng cái chết, câu chấp trong việc tang lễ, an táng thì lo quan quách mỏng dầy, phục tang thì hạng kì nhất định với những nghi lễ vô cùng phức tạp chung quanh một cái xác thúi, thì Trang Tử cất tiếng cười vang… cười về cái chết của mình mà được người người muốn hậu táng:

Trang Tử gần chết. Các đệ tử muốn hậu táng.

Trang Tử không cho:

Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú là ngọc châu, vạn vật làm lễ táng. Đám táng như thế, chưa đủ sao?

Lại thêm chi lắm việc. Đệ tử thưa:

Chúng con sợ diều quạ ăn xác thầy!

Trang Tử cười nói: Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây cho đó, sao có thiên lệch thế?

Cái tiếng cười ấy của Trang Tử đã thức tỉnh không biết bao nhiêu người rồi! Đã giải thoát không biết hàng bao nhiêu tâm hồn đã bị ngộp thở trong sự ràng buộc hình thức của luân lý đạo đức vô cùng khắc khe phức tạp.

U Mặc Và Giả Vờ

Tóm lại có được một tâm hồn siêu thoát, không bị ràng buộc trong cảnh giới nhị nguyên, có nhận rõ đủ mọi khía cạnh của sự đời muôn mặt, có thấy rõ những cái đáng kinh mà thế nhân quá trọng, nghĩa là có thấy được cả bề trái của sự đời, mới viết nổi văn u mặc thượng thừa.

Không có một ai dám vừa quả quyết lại vừa phủ nhận một điều gì: Nhưng thường thường có biết bao việc mà chính mình cho là phải hôm trước, hôm sau lại phủ nhận nó ngay mà mình không hay không biết. Chân lý nào trên cõi tương đối này cũng chỉ là một thứ chân lý tạm thời và phiến diện mà thôi. Vì vậy bậc trí giả ngày xưa ở Đông phương không bao gời dám quả quyết một việc gì, họ thường hay dùng đến những danh từ “dường như” (nhược) như Lão Tử: “Chánh ngôn nhược phản”, “đại thành nhược khuyết”, “đại doanh nhược xung”, “đại xảo nhược chuyết”, “đại biện nhược nột”…

Văn u mặc, vì vậy, thường có cái giọng giả vờ: Nói mộtđàng nghĩ một ngả, giả vờ nói thuận là để nói nghịch, nói nghịch là để nói thuận, nói ít để nói nhiều, hoặc nói huyên thiên để rồi chả nói gì cả. Là vì, như đã nói ở trên đây. Chân lý có hai chiều, gồm cả thị phi lưỡng diện không thể rời nhau.

Nhà văn Okakura Kakuzo, nhận xét về văn u mặc của người xưa bên Đông phương có viết: “Ngày xưa bên Đông phương, các bậc thánh hiền không bao giờ trình bày học thuyết của mình bằng sự quả quyết một chiều. Họ nói toàn bằng giọng nghịch thuyết, mâu thuẫn… là vì họ sợ đưa ra những thứ chân lý phiến diện… Họ bắt đầu nói chuyện như người ngu, nhưng rồi họ làm cho người nghe tỉnh ngộ.”

Nhà văn u mặc vẫn thường dùng phép “nhái văn”(parodie), họ giả vời đóng vai đối phương, nói theo giọngđối phương nên lập trường tư tưởng của họ. Về lối bút pháp này, Trang Tử phải kể là tay cự phách.

Nhưng độc đáo nhất là giả vờ cười mình để khỏi phải làm ngượng kẻ khác. Lão Tử nói:

“Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi

Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn nhược vong

Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo.”

(Bậc cao nghe nói đến Đạo, thì cố gắng làm theo, Bậc trung nghe nói đến Đạo thì thoạt nhớ thoạt quên, hạng thấp nghe nói đến Đạo, thì cười to lên, thì sao đủ gọi là Đạo cả)

“Không cười to lên, sao đủ để gọi đó là Đạo cả!”

U mặc tế nhị làm sao! Cái tiếng cười to của hạng người hạ sĩ khi nghe nói đến Đạo, đâu có làm cho Đạo nhỏ hơn, mà lại làm cho Đạo càng thêm lớn rộng, càng thêm bất khả tư nghị đối với hạng người đầu óc thiển cận như “ếch ngồi đáy giếng”. Tiếng cười to ấy là cái ngu xuẩn của những thứ nhãn quan phiến diện, chỉ thấy có cái lợi àm không thấy cái hại của cái lợi ấy, cũng như chỉ thấy có cái hại mà không thấy cái lợi của cái hại ấy.

Trang Tử ở thiên Thiên Địa, cũng cười mình là người mê: “Ôi! Hạng thật mê suốt đời mà không tỉnh. Hạng thật ngu, suốt đời không khôn… Ba người đang đi, mà có một người mê, thì chỗ mình định nói có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có đến hai người mê, thì chỗ mình định nói đến, không thể mong đạt tới được là vì người mê nhiều mà người tỉnh ít. Nay cả thiên hạ đều mê, ta dù muốn chỉ đường cũng không thể nào chỉ được… Biết là sự chẳng được mà vẫn cự gượng làm, đó lại càng mê hơn thiên hạ nữa!”

Văn u mặc chuyên về lối giả vờ: Giả vờ khiêm tốn, giả vờ thơ ngây, giả vờ lú lẫn…

Làm như nhớ đầu quên đuôi, sự việc bất nhất, trật tự hỗn loạn… là để tỏ sự phi lý và mâu thuẫn của cuộc đời,đối với lý trí hẹp hòi thiển cận của con người.

Chân lý thì có tính cách toàn diện, cớ sao vẫn u mặc lại không nhắm vào toàn khối mà cứ nhắm vào một vài khía cạnh đặc biệt nào đó thôi? Là vì nhà văn u mặc Đông phương quan niệm không có gì nhỏ, không có gì lớn: Tuy là một phần tử mà nó vẫn chứa đựng cả toàn thể. Một hột nguyên tử cũng là cả một vũ trụ vô tận vô biên. Họ giả vờ lú lẫn, bỏ sót bỏ quên… là để đừng bỏ sót bỏ quên gì cả. Bởi vậy mới nói: “Đại thang nhược khuyết”.

Các nghệ sĩ tài hoa bao giờ cũng tin tưởng nơi óc thông minh nhạy cảm của những người thưởng thức tác phẩm của họ. Sở dĩ ít khi họ chịu nói hết lời là vì họ hiểu rất rõ công dụng của hư ngôn, của cái gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Cái “hư không” của văn nghệ giống như các lỗ hổng trên không trung: Nó thu hút mạnh không khí chung quanh: “Oa tắc doanh” là thế.

Văn u mặc thường có sự nửa úp nửa mở, giả vờ nói nghịch mà chỉ nói nửa lời thôi, là vì cái gì có vẻ bí mật sẽ có cái sức hấp dẫn lạ lùng. Bí mật mà càng cố giữ kín, là càng kêu gợi óc tò mò. Trong các bài nhạc, thường có những khúc lặng lẽ, những khúc nghe rất nhỏ… là để cho người nghe phải hết sức chú tâm mới nghe rõ được. Bởi vậy sự lặng thinh rất hùng biện, có khi còn hùng biện hơn hùng biện nữa. Thần thoại Hy Lạp có câu chuyện u mặc sauđây: Midas, vua xứ Phrygie, vì làm phật lòng thần Apollon nên bị vị thần này cho mọc hai cái tai lừa. Ông đã giữ kín việc này, nhưng không sao giữ kín được với tên thợ cạo của ông. Ông bắt tên này phải thề độc với ông là cho tới chết không được tiết lộ việc bí mật này. Sợ mắc lời thề, nhưng không sao giữ mãi sự bí mật ấy nó giằng dập tâm tư anh đến phát đau. Anh bèn nghĩ ra một kế: Đào một lỗ dưới đất, rồi kê miệng thì thầm bí mật: Vua Midas có lỗ tai lừa! Bấy giờ anh thấy lòng mình thơ thới nhẹ nhàng… Nhưng, nơi lỗ sâu mà anh đã cẩn thận lấp đất, lại mọc lên một đám sậy… Mỗi khi gió hiu hiu thổi, chúng sậy lại thì thầm tâm sự với nhau: Vua Midas có lỗ tai lừa!

Quả cái công dụng của Hư Vô đâu phải tầm thường. Thiện dụng hư ngôn, nói lên được cái không nói (ngôn vô ngôn) mới có thể viết được văn u mặc. Điều quan trọng ở văn u mặc, không phải ở những gì nó đã nói lên, mà quan trọng là ở những gì nó đã khiêu gợi được nơi ta Nếu muốn làm văn u mặc hãy lựa chọn những danh từ nào thật hùng biện, còn chưa tìm ra được, tốt hơn không nên viết gì cả. Bởi vậy cái hay của một bài thơ hay, là ở nơi sự khêu gợi của nó: Một bài thơ hay, vì thế, hay hơn cả một pho triết lý trên hằng vạn lời minh chứng dài dòng và lê thê bất tận.

Viết được lối văn u mặc thường thừa, ít lắm phải có một nhân sinh quan rộng rãi, phải biết thoát lên ăn tự, phải có được một tâm hồn siêu thoát khỏi cảnh giới nhị nguyên để nhìn việc đời một cách bao trùm muôn mặt. Lâm Ngữ Đường quả quyết rất đúng: Trang Châu là người rất xứng đáng làm thủy tổ cho văn học u mặc thượng thừa Trung Hoa. Là vì cái nhìn của Trang là cái nhìn của con chim Bằng trên chín từng mây, nhìn sự vật trên đời chỉ có một màu xanh xanh huyền ảo thôi: Hư hư thật thật. Hay nói một cách khác: Văn của Trang nói nghịch là để nói thuận, nói hư là để nói thực: Cái giả nằm trong cái chân, cái chân nằm trong cái giả.

Đọc sách Trang Tử, không sao không liên tưởng đến văn chương của phái Thiền, họ vượt lên rất xa văn tự tầm thường mà bách gia chư tử chưa ai sánh kịp.

Để cảnh tỉnh bọn đệ tử bo bo bấu víu vào văn tự, Thích Ca Như Lai đã phải long trọng tuyên bố:

“Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm mà chưa từng nói một lời nào! (…) Kìa đệ tử hãy xem theo ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ, ngón tay ta không phải là mặt trăng!”

U mặc dịu dàng sâu sắc làm sao!

Tôi chưa từng thấy một bậc vĩ nhân nào trong tư tưởng giới, dù trang nghiêm đạo mạo bậc nào mà chẳng có ít nhiều tinh thần u mặc. Từ Phật, Lão, Khổng, Mạnh… bên phương Đông, đến Socrate, Platon, Héraclite, Pascal… bên phương Tây, không một người nào là không u mặc. Khi vị nồng nhạt nhiều ít là tùy tính khí, tất cả đều vô cùng thanh nhã và thoát tục. Nhà văn Mallarmé nhận xét rất đúng: “Bất cứ nhà văn hoàn bị nào, rốt cuộc đều trở thành một nhà văn u mặc.”

U mặc mà dùng đúng với tinh thần của nó đều có công thay đổi cả một đời tư tưởng sai lầm của chúng ta.

Vậy, tư tưởng cần được cởi mở tự do, triết học cần phải vui tươi và tế nhị, hợp lý và hợp tình, không nên quá thiên về cơ trí. Một thứ triết lý vui vui, tư tưởng tự nhiên và giản dị… là những yếu tố chính của văn học u mặc. Hay nói một cách khác, có vui vẻ, có tự nhiên là vì có u mặc.

Một nhà văn đạo mạo trang nghiêm thường dễ vấp phải sự vụng về và lố bịch, bởi họ đã phải cố gắng rất nhiều để luôn luôn giữ bộ mặc trang nghiêm trong khi đời chung quanh chỉ là một tấn hài kịch không hơn không kém:

Nhộn nhàng trong một lớp tuồng,

Rồi ra ai cũng vô buồng như ai…

Đời không phải chỉ là hài kịch, cũng không phải ròng là bi kịch, mà là một tấn bi hài kịch. Cho nên cố gắng trang nghiêm thành ra trò hề, như Pascal đã nói: “Kẻ muốn làm thánh, lại làm thú”. Còn cố gắng, sẽ mất tự nhiên: Nhà văn quá tôn nghiêm đạo mạo giống như một anh nhà giàu mới học làm sang.

Giản dị và tự nhiên, mới thấy tưởng như là tầm thường, kì thực đó là biểu thị của sự trưởng thành tư tưởng. Đó là hai đức tính khó đạt nhất trong văn chương nghệ thuật. Nhưng đó là hai yếu tố chính của văn u mặc.

Nhà cách mạng Proudhon, trong ngục thất ở Sainte Pélagie, còn đã phải ca tụng không tiếc lời vai trò của trào lộng châm biếm như sau:

“Ôi! Trào lộng! Mi mới quả thật là Tự do!

Chính mi đã giải thoát ta ra khỏi:

– Lòng tham vọng uy quyền,

– Óc nô lệ đảng phái,

– Óc sùng bái vĩ nhân,

– Thói tôn kính tập quán,

Thái độ kiêu hãnh đổm của bọn người thông thái,

– Những thủ đoạn lừa đảo chính trị,

– Óc cuồng tín của các nhà cách mạng.

“Mi đã khuyên Jésus, khi người sắp trút linh hồn trên cây Thập giá thốt lên lời cầu nguyện cho bọn người hành hạ tàn nhẫn ông: Xin Cha hãy tha tội cho chúng, vì chúng làm mà chẳng hiểu gì cả những việc chúng làm!

Trào lộng dịu dàng làm sao!

Chỉ có mi là trong sạch, trinh khiết, kín đáo mà thôi.

Mi thêm duyên dáng cho cái đẹp,

Mi thêm mùi vị cho tình yêu.

Mi giúp cho lòng nhân nẩy thêm lòng hỉ xả,

Mi làm cho tan đi cái thành kiến giết người.

Mi làm cho hạng người có óc bè phái và cuồng tín hết cuồng!

Và Đạo đức, ôi, lại cũng là mi nữa!”

Jésus đã chết… nhưng đâu phải chết vì sự tàn ác của con người, mà chính vì cái ngu xuẩn của con người: “Họ làm mà không hiểu rõ việc làm của họ!” Ai trong chúng ta, dù là hạng người đại trí, dám tự hào là người đã hiểu rõ lý do những việc mình làm!

U mặc quả có công dụng “phá chấp” đúng như Proudhon đã viết. Nó đã san băng Thị Phi, Vinh Nhục, Đại Tiểu… Cái mà thiên hạ cho là phải, nó chứng minh rằng cái phải ấy chỉ là một cái phải tương đối và phiến diện… Cái mà thiên hạ tôn thờ cho là vinh quang cao cả nhất, nó chứng minh rằng trong cái vinh quang ấy vẫn còn có cái bề trái ẩn khuất rất nhục nhã và đê hèn của nó. Nó có công dụng giải thoát ta ra khỏi lòng tham vọng uy quyền tối thượng, bằng cách khuyên ta “ngoại kì thân nhi thân tồn”. Trong khi cái thông bệnh của loài người là tưởng rằng đời đục cả, một mình ta trong, đời say cả, một mình ta tỉnh, thì nó khuyên ta: “thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu, dũng lực chấn thế, thủ chỉ dĩ khiếp” và trong ba cái báu mà người trí nên ấp ủ, nó khuyên ta: “Bất cảm di thiên hạ tiên” (không dám đứng trước thiên hạ) để khỏi phải làm nhục lòng người, khỏi phải vô tình vời họa đến cho mình.

Nghịch luận và bất ngờ, đó là hai yếu tố chính của văn u mặc. Nó làm cho con người “hốt nhiên” mà “tỉnh ngộ”. Có trí là khó, mà thông minh mới khó hơn. Thông minh cũng còn dễ, thông minh mà như ngu mới khó hơn. Văn học u mặc ít thấy nói đến những cái gì vinh quang cao quý, mà chỉ nói đến những cái thấp hèn thấp nhỏ bé nhất của cuộcđời, và nếu có nói đến những gì cao xa vĩ đại là để nói đến những gì mà tự nó không có gì cao xa vĩ đại cả!

Văn học u mặc cũng hay bàn đến các con người “điên”, “say” và “ngu”, nhưng đều là những cái “điên”, cái “say”, cái “ngu” của hạng người đại trí không còn mê chấp trong việc lấy cái tương đối làm tuyệt đối. Về loại văn học u mặc này, Trung Hoa có thể gọi là giàu nhất với những bộ truyện trào phúng cao xa, như Tây Du Ký là một và đọc Lỗ Tấn, quả là một kì thú!

Đọc văn u mặc, nhất là u mặc Đông phương của Lão Trang hay Thiền Tông, ta sẽ thấy câu định nghĩa sau này của phái Thiền thật là sâu sắc: “Cười là một sự ngạc nhiênđồng tình”. Phần đông sở dĩ có sự đồng tình là vì có đồng mới có ứng. Cái cười của Thiền, trước tiên là sự ngạc nhiên, vì nó là một nhận xét nghịch lại với lối suy tư và thành kiến lâu nay của mình. Vừa ngạc nhiên, thì lại vừa tỉnh ngộ. Giác ngộ thường được biểu thị bằng một tiếng cười rất đặc biệt: Cái cười của người đắc Đạo vừa phá được cái vô minh của mình.

Đọc một câu văn u mặc, ta có cảm tưởng đầu tiên gặp một đối thủ, một kẻ thù thân yêu bởi họ dám nói nghịch lại với ta. Nhưng rồi người thù ấy biến thành người bạn, người bạn ấy lại trở thành một người thầy!

Đọc văn u mặc của Thiền sẽ gặp toàn là những nghịch thuyết vô cùng táo bạo. Cho nên mới nói: Thiền mà không có “cười” chưa phải là Thiền.

Các thiền sư thường căn dặn: Mỗi khi một câu hỏiđược nêu ra, hãy trả lời nghịch lại hoặc làm thinh… vì chân lý có hai chiều, coi chừng bị kẹt. Nếu ai có hỏi ta về cái Hữu, hãy trả lời bằng cái Vô. Nếu hỏi ta về cái Vô, hãy trả lời bằng cái Hữu… Với phép nói nghịch ngợm ấy, anh sẽ giúp họ hiểu rõ thế nào là Trung đạo. Còn có câu văn u mặc tối thượng thừa nào qua nổi câu này của kinh Kim Cang: “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng phải là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp… Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên mới gọi là chúng sinh”. Không hiểu nổi giọng u mặc này, tụng kinh niệm Phật vô ích.

Bên Nhật có chế ra một món đồ chơi gọi là con lật đật. Con lật đật không có chân, bụng thì tròn mà có đổ chì chođầu nhẹ đít nặng. Bởi vậy, dù lật ngửa lật nghiêng, nó vẫn ngồi thẳng lên một cách tự nhiên không cần ai giúp cả. Đó là cái tượng của Bồ Đề Đạt Ma. Các thiền sư muốn mách nhỏ với bọn “đầu to” (đại trí giả) Âu Mỹ rằng óc thông minh của con người thực sự không phải ở trên đầu, nghĩa là ở trong những bộ óc thông minh lý trí của con người, và sự gìn giữ lẽ thăng bằng đâu phải chỉ do một đầu óc đầy cơ trí: Trí huệ không liên quan gì đến bộ óc thông thái cả. Đó cũng là muốn nói lên cái chân lý “cao dĩ hạ vi cơ” của Lão Tử. Vật chất là cơ bản của tinh thần, chỉ e kẻ chỉ muốn làm thánh lại biến thành con thú.

Đọc văn u mặc của Thiền chỉ có hai lẽ: Hoặc hiểu, hoặc không hiểu gì cả, chứ không thể bao giờ giải nghĩađược. U mặc mà cố phân tích và giải nghĩa sẽ mất cả ý vị của u mặc. Nhắp một hớp rượu ngon hay uống một ngụm trà. Tàu thượng hạng không thể cắt nghĩa hương vị của nó ra làm sao. Cho nên u mặc mà hay, là ở tại chỗ “ý tại ngôn ngoại”. Đọc văn u mặc mà hiểu thì cười, đó là cái cười giác ngộ. Đọc văn u mặc mà không hiểu cũng cười, đó là cái cười của hạng “hạ sĩ văn Đạo”!…

Tóm lại, vai trò u mặc trong văn chương là nhẹ nhàng, nhân hậu, dùng phép nghịch luận để đánh thức con người, chỉ cho họ nhớ rằng sự vật nào cũng có hai mặt và hoạtđộng hai chiều. Trong cái cười của u mặc bao giờ cũng trang nghiêm, trong cái trang nghiêm, bao giờ cũng có cái ý cười đùa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.