Perry Mason nhấn nút chuông điện cửa trước nhà Kent. Ông mới cạo râu, bộ vét tông ngoại giao màu xám mặc trên người như vừa mới lấy ở tiệm may về.
Cánh cửa lập tức được cảnh sát trưởng Holcomb mở ra. Khuôn mặt Mason lộ vẻ ngạc nhiên:
– Thưa cảnh sát trưởng, anh đi công tác sớm thế?
– Vâng. Nghĩa là còn sớm và tôi đang thi hành công tác. Ông cần gì?
– Tôi muốn xem qua hiện trường và hỏi các nhân chứng mấy câu. Có gì phản đối không?
– Các nhân chứng đã được công tố mời hầu tòa. Ông không được phép mớm cung cho họ.
– Tôi không mớm cung, tôi chỉ muốn nói chuyện với họ.
Holcomb vẫn giữ tay trên cánh cửa đã mở:
– Nếu thế, ông cứ vào. Tôi ở quanh đây để tránh sự hiểu lầm.
Edna Hammer bước tới và chìa tay cho Mason.
– Chào ông Mason, em có thể giúp gì cho ông chăng?
Mason gật đầu. Holcomb giải thích:
– Cô ấy là nhân chứng cho Công tố viên.
Mason quay sang đối mặt với Holcomb:
– Luật sư biện lý đã gởi trát đòi hầu tòa cho người nào thì không có nghĩa là người ấy trở nên thiên liêng. Bổn phận của nhân chứng là nói lên sự thật. Khi vụ án được đem ra tòa xử, tôi sẽ gởi trát đòi hầu tòa cho một vài người trong số các nhân chứng này. Thưa cảnh sát trưởng, tôi muốn được nói chuyện riêng với cô Hammer.
– Ông không được gợi y cho cô ấy làm chứng điều gì.
– Và anh không được sai bảo tôi điều gì cả. – Ông nắm tay Edna – Cô Edna, ta vào phòng cô nói chuyện đi.
Hai người bước dọc theo hành lang. Holcomb bước đến máy điện thoại.
– Anh ta định làm gì thế? – Edna hỏi.
Mason cười cười:
– Gọi luật sư biện lý ấy mà. Anh ta ở đây bao lâu rồi?
– Từ lúc bảy rưỡi.
– Cô gọi điện cho anh ta à?
– Vâng. Ban nãy em không được thân thiện với ông cho lắm. Em không muốn tỏ ra như có dàn xếp sẵn.
Mason gật đầu:
– Cô cất con dao ngon lành chứ?
– Vâng.
– Chìa khóa đâu rồi?
– Em đang giữ.
– Có đảm bảo đó là chiếc chìa khóa duy nhất?
– Vâng, tất nhiên.
– Cô khóa tủ được bao lâu rồi?
– Từ hôm em tìm thấy con dao.
– Do đâu cô biết đó là chiếc chìa khóa duy nhất?
– Vì trước đây chìa khóa được cất trong ngăn tủ. Em lấy chìa khóa ra để khóa ngăn tủ lại. Chỉ có một chìa.
– Ban ngày tủ không khóa?
– Vâng.
– Cô có đảm bảo rằng tủ vẫn khóa suốt đêm hôm qua không?
– Vâng, tất nhiên. Chính ông đã bảo em khóa lại.
– Không ai nhìn thấy cô chứ?
– Không ai cả.
– Và sau đó cô không có dịp nào mở khóa tủ?
– Không, tất nhiên là không. Sao ông lại hỏi như thế?
– Tôi nghĩ rằng có thể người quản gia cần lấy vật gì trong đó chăng?
– Ồ, không. Khuya rồi. Ông ấy đã đi ngủ.
– Được. Bây giờ chờ cho Holcomb rời máy cô sẽ lùi xa tôi ra một chút rồi gọi anh ta. Bảo anh ta rằng cô muốn anh ta có mặt bất cứ khi nào tôi muốn hỏi cô điều gì nhằm để tránh rắc rối cho cô về sau. Ráng diễn cho thật khéo nhé để dễ thuyết phục.
– Ồ, em rất thích diễn một vai trò như vậy.
– Bắt đầu đi.
Một lát sau, Holcomb rời máy điện thoại quay lại nhìn hai người với vẻ hầm hầm tức giận vì không được việc. Chỉ chờ có thế, Edna Hammer lùi lại tách ra khỏi Mason một vài bước và đứng yên trừng trừng nhìn ông như bối rối. Mason bước về phía cô, nhưng ông tiến tới đâu thì cô lùi tới đó. Bất giác, cô quay sang gọi Holcomb:
– Cảnh sát trưởng ơi, cho tôi nói chuyện với anh một chút được không?
Thay cho câu trả lời là tiếng gót giầy lốp cốp hăm hở của Hơlcomb tiến nhanh về phía họ. Đợi cho anh ta đến nơi, Edna nói:
– Ông Mason cho rằng có thể nói chuyện với tôi mà không phải lo ngại gì cả, nhưng tôi không đồng ý, Nếu có anh đứng đây cùng nghe thì tốt hơn.
– Anh ta không có quyền đứng đây – Mason giận dữ nói – Tôi có quyền hỏi cô tùy ý tôi và anh ta nên ở ngoài.
– Nhưng dường như anh ta nghĩ rằng cần phải đứng gần đây để có thể nghe được những gì ông nói.
Mason bắt bẻ:
– Anh ta nghĩ gì thì mặc xác anh ta, không ăn nhập gì vào đây. Cô muốn cộng tác với tôi mà, đúng không nào? Cô không thương ông cậu của cô sao?
– Thương lắm chứ, nhưng không biết phải làm gì.
– Cô cứ theo lời khuyên của tôi.
Holcomb đứng sát vào cô gái:
– Nếu cô muốn tôi có mặt thì không quyền lực nào ở đây bắt tôi ở ngoài được. Rõ ràng cô đã tỏ ý muốn của mình. Vậy cứ mặc kệ ông ta muốn nói gì thì nói. Cô hoàn toàn có lý.
Cô gái mỉm cười e thẹn:
– Thưa ông Mason, em nghĩ nên như thế thì hơn. Dù sao chắc ông cũng chẳng nói gì đến nỗi không muốn cảnh sát trưởng Holcomb nghe được, đúng không?
– Phải. Đó là nguyên tắc.
– Nếu anh ta đứng nghe ông nói là điều hợp lý thì ông cứ nói đi.
Mắt cô gái mở to, giọng nói hồn nhiên như thật. Cảnh sát trưởng Holcomb bật cười.
Mason cộc cằn:
– Thôi được. Tôi muốn tìm hiểu cái tủ chén đĩa và nơi cô cất chìa khóa.
– Trước đây em đeo nó bằng dây thun ở cổ tay.
– Tại sao cô không cất vào ví hoặc một nơi nào khác?
– Bởi vì em sợ sáng ra em quên mở khóa tủ, điều này sẽ làm trở ngại cho mọi người. Thật ra có lúc em đã quên mở, nhưng đó chỉ vì em bị xúc động quá. Chỉ khi nào đi tắm em mới bỏ chìa khóa ra. Em muốn là mỗi sáng thức dậy em mở tủ ngay.
Holcomb nói một cách đắc thắng:
– Như vậy sau khi cô đi ngủ tuyệt đối không ai có thể lấy con dao ra khỏi ngăn tủ trừ phi người ấy có chìa khóa khác hoặc chọc ổ khóa.
Edna gật đầu. Mason nói:
– Có thể giả định rằng khi cô khóa tủ thì con dao vẫn nằm ở trong đó.
– Nếu không như thế – Holcomb nói – thì có nghĩa là ông Kent đã lấy con dao trước khi ông ta đi ngủ. Và do đó không có nghĩa là mũi tôi bị tróc da.
– Tôi muốn xem cái chìa khóa – Mason nói.
Cô gái mở ví lấy ra một chìa khóa lớn, kiểu cách rất đặc biệt.
– Cô vẫn mang chìa khóa ấy bên mình sao? – Mason hỏi.
– Vâng, em nghĩ như thế tốt hơn.
– Nhưng hiện bây giờ tủ không khóa.
– Ồ, có. Em khóa từ hồi tối hôm qua.
– Tại sao?
– Em không biết, chỉ vì thấy lo lo thế nào ấy. Cứ nghĩ có người đi lang thang quanh nhà là em thấy… Có lẽ em không nên nói thêm gì nữa.
– Ta hãy đi xem ổ khóa. – Mason đề nghị.
Holcomb nhận xét:
– Ông nên an tâm về chuyện này vì cảnh sát đã đoán trước được suy luận của ông. Chúng tôi đã cho chuyên viên xem xét kỹ ổ khóa rồi. Không có dấu hiệu ổ khóa bị chọc ra. Không có vết xước trên tấm sắt trang trí mặt khóa, nghĩa là không có vật nhọn từ bên ngoài chọc vào. Không có dấu vết trên gỗ. nghĩa là khoen sắt giữ khóa không bị nhổ ra.
Mason nhún vai:
– Hừm, dù sao tôi cũng đi xem qua một chút.
Ba người bước đến bên tủ chén đĩa. Mason chăm chú quan sát ổ khóa. Ông quỳ một gối xuống để nhìn lên cạnh trên của ngăn tủ.
– Xin cô mở tủ ra. Tôi muốn xem bên trong.
Cảnh sát trưởng Holcomb thọc hai tay vào túi quần và cười cười ra dáng kẻ cả. Edna Hammer tra chìa vào ổ khóa, xoáy chốt nghe tách một tiếng và mở ngăn tủ ra. Quan sát Holcomb, Mason nhận thấy chàng cảnh sát không hề biế đổi sắc mặt, trong khi Edna Hammer há hốc miệng vì kinh ngạc. Ngăn tủ mở ra cho thấy một cái giá bọc nhung dùng để đặt dao và nĩa. Trên cái giá có rãnh lõm vào chỉ còn lại cái nĩa. Mason nghiêng người như để quan sát kỹ trong khi Holcomb cũng nghiêng người để chăm chú canh chừng, e rằng Mason bỏ thêm vật gì vào đó chăng.
Edna Hammer bấu chặt cánh tay Mason một cách thành thật. Mason làm ra giọng ỡm ờ:
– Tối hôm qua cô có nhìn vào ngăn tủ khi khóa nó lại không?
Cô gái gật đầu, đôi mắt mở to vì kinh ngạc:
– Được rồi – Mason nói – Tôi chỉ cần xem qua thế thôi. Bây giờ tôi muốn nói chuyện với các nhân chứng khác.
– Chẳng hạn là ai?
– Duncan và Maddox.
– Sáng nay họ có trát đòi ra hầu tòa Đại hình.
– Đó là một trong những lý do khiến tôi muốn nói chuyện với họ.
– Ông không thể nói chuyện với họ trừ phi họ muốn nói chuyện với ông.
– Đương nhiên là như thế. Tôi sẽ hỏi họ xem…
Holcomb ngắt lời:
– Tôi sẽ hỏi họ xem họ có muốn nói chuyện với ông chăng. Nếu họ muốn, tốt thôi. Nếu họ không muốn thì ông không thể nói chuyện với họ. – Nói xong anh ta bước nhanh về phía cánh trái của khu nhà.
Mason nắm vai Edna và xoay cô lại đối mặt với ông.
– Hôm qua cô có cất con dao vào đây không? – Giọng nói của ông cộc cằn vì nóng nảy.
– Có.
– Nghĩa là đêm hôm quá khi cô khóa ngăn tủ thì nó có ở đó?
– Vâng.
– Ai nhìn thấy cô cất nó?
– Không có ai.
– Vậy ắt đã có ai lấy nó đi – Cô gái ngoan ngoãn gật đầu, Mason nói tiếp – Có ai đó biết được tôi định chơi trò gì và quyết định chiếu tướng trước.
– Nhưng đó là ai nhỉ?
– Trừ cô ra còn hai người nữa biết con dáo ấy, nếu không tính luôn khả năng cô kể lại với ai khác nữa.
– Ông Mason, em xin lấy danh dự mà thề rằng em không hề kể cho một người nào khác.
– Có ai nhìn thấy cô cất con dao vào đó không?
– Chắc chắn là không.
– Tối hôm qua cô để chìa khóa ở đâu?
– Em giấu nó đi.
– Ở đầu?
– Trong một chiếc giày cũ. Em sợ rằng… rằng có thể xảy ra chuyện gì đó không hay, mà công việc này đối với ông lại hết sức quan trộng. Em…
Cô gái im bặt khi cảnh sát trưởng Holcomb bước vào phòng và cất giọng hể hả:
– Không một người nào trong các nhân chứng muốn nói chuyện với ông.
Mason lấy hơi thật nhanh như thể sắp buông lời đôi co, nhưng ông chỉ nhún vai nói: “Thôi được” và đĩnh đạc bước ra khỏi khu nhà sau khi đóng sầm cửa lại sau lưng. Ông chạy lướt trên lối đi tráng xi-măng nhảy lên xe hơi và lái như bay về văn phòng. Nhưng giữa đường ông lại dừng lại ở một tiệm giải khát để gọi điện cho văn phòng của Paul Drake.
– Khi Drake về – Ông nói với cô gái trả lời điện thoại – Cô nhắn anh ta gởi ngay một tham tử đến lục soát nhà ông Kent để tìm cho ra một con dao phay giống y hệt còn dao đã được dùng để gây án mạng. Phải dùng lược khít răng mà chải không sót một chỗ nào. Có thể bắt đầu bằng chiếc bàn cà phê trong sân.
Della Street nhướng lông mày lên như thầm hỏi khi Mason treo mũ và áo khoác vào tủ.
– Thế nào?
Mason đáp:
– Bà Doris Sully Kent đã khóa trương mục ngân hàng của ông Kent.
– Nghĩa là thế nào?
– Chiều hôm qua bà ta đã phát lệnh cưỡng chế ngăn không cho ông Kent tùy nghi sử dụng bất cứ một phần tài sản nào nữa. Bà ta còn làm đơn xin chỉ định một người trông coi tài sản này. Lệnh cưỡng chế có hiệu lực cho đến khi có công bố về trách nhiệm trông coi tài sản.
– Nhưng điều đó… Ồ, như vậy ông Kent không thể trả phí tổn luật sư cho ông được – Mason gật đầu – và cũng không thể trả thù lao điều tra cho Paul Drake? – Mason lắc đầu – Giả sử người trông coi tài sản được chỉ định thì sẽ ra sao?
Mason đáp:
– Ấy còn tùy người trông coi tài sản là ai và quan tòa xem xét các sự việc như thế nào.
– Ông Kent có rất nhiều nguồn tài lợi doanh nghiệp. Làm thế nào bà ta khóa hết lại được?
– Bà ta đã tuyên bố rằng ông Kent hăm dọa sẽ phân tán tài sản, chuyển ngân lậu và mấy chuyện khác nữa. Bà ta tìm được một quan tòa sẵn sàng lắng nghe bà ta.
Della bắt bẻ một cách tức tối:
– Nghĩa là quan tòa này đã nhìn bà ta như nhìn một em nhỏ ngây thơ vô tội!
Mason cười:
– Cô phải công bằng một chút. Hãy nhớ rằng bà ta chỉ là một phụ nữ cô thân cô thế muốn làm những chuyện phải mà thôi. Bà ta nói trong đơn rằng số tiền cấp dưỡng mà tòa đã chấp thuận cho bà ta trong vụ ly hôn phải được đình chỉ ngay vì toàn bộ vụ ly hôn là sự lừa bịp bà ta và lừa bịp tòa án. Đơn khiếu nại nêu ý muốn của bà ta là số tiền một ngàn năm trăm đô-la mỗi tháng phải được đình chỉ lại.
– Nói cách khác, bà ta muốn toàn bộ tài sản của ông Kent chứ không phải chỉ một phần mà thôi. – Della kêu lên. Mason cười cười – Làm thế nào mà bà ta xin được lệnh cưỡng chế mà không phải nộp một số tiền bảo chứng lớn?
– Nhờ Luật Dân sự. Lúc nào cô thử mở ra mà xem. Khoản 529 quy định rằng không cần nộp tiền bảo chứng khi tòa chấp thuận ban lệnh cưỡng chế chống lại bên người chồng hoặc người vợ trong vụ kiện ly hôn hoặc ly thân.
– Thế thì bà ta có thể ra tòa và tha hồ viện ra đủ mọi luận điệu man trá, đồng thời làm ra vẻ như mình đúng là bên chịu nhiều sự thiệt thòi. Và rồi, khi tòa xét xử và nhận thấy bà ta không có một cái chân nào để dựa vào, lúc ấy ông Kent cũng chẳng làm gì được.
– Cô đừng lo cho em nhỏ ngây thơ vô tội ấy không có một cái chân nào để mà dựa vào. Khi bà ta ra trước tòa, quan thẩm phán sẽ thấy bà ta có những hai cái chân mỹ miều để dựa, và còn nhiều cái khác nữa. Bà ta sẽ tạo được một dáng vẻ tuyệt vời trong khung nhân chứng, ông Kent thì không làm nổi chuyện đó. Ông ta sẽ hoang mang, bối rối và bực tức. Ông ta sẽ cãm thấy mình bị chèn ép một cách bất công, ông ta sẽ lắp bắp và ấp ung, ông ta sẽ điên cả đầu đến nỗi không thể tạo được ấn tượng gì tốt đẹp trước tòa. Trái lại, bà Kent sẽ hết sức bình tĩnh, thản nhiên và tự chủ. Tôi nhấn mạnh cái điểm tự chủ đấy, Della! Bà ta sẽ mỉm cười duyên dáng với quan tòa và nói rằng thật lòng bà ta không hề muốn gây sự bất công cho ông chồng yêu quý và khốn khổ; rằng bà ta đã bị đánh lừa để đâm đơn xin ly hôn; rằng giờ đây bà ta nhận ra chồng mình không còn đầu óc minh mẫn, tỉnh táo nữa; rằng ông ta hiện rất cần có người chăm sóc; rằng ông ta bị bệnh tâm thần; rằng bây giờ chính là lúc ông thật sự cần đến vợ mình; rằng bà ta muốn và phải ở sát bên chồng.
– Sếp ơi, tại sao ông không ra tòa mà vạch mặt bà ta?
– Không có đủ điều kiện để làm. Ông Kent sẽ phải thương lượng với bà ta thôi. Từ nay cho đến ngày xử kiện ông ta không thể nào chịu nổi cảnh tài sản của mình bị khóa chặt. Ông ta cũng chẳng chịu chỉ định người trông coi tài sản đâu. Rồi lại còn mệt nhoài vì biết bao chuyện kiện tụng lôi thôi. Lúc này ông ta hoang mang lắm. Tình hình này sẽ làm ông ta điên lên mất thôi. Đến lúc ông ta ra hầu tòa thì bà ta chẳng còn khó khăn gì trong việc giữ vững những luận điệu khiếu nại của mình.
– Ông đành chịu bó tay ư?
– Chỉ còn một cách: mua đứt bà ta.
– Do đâu mà ông đoan chắc rằng bà ta sẽ gây được ấn tượng tốt với quan tòa?
– Trước hết là quá khứ của bà ta. Đây là việc mà bà ta đã quen làm. Xin cô nhớ cho, bà này từng trải lắm rồi. Khi cần diễn trò trước tòa, bà ta là dân chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư đâu.
– Và ông định để mặc bà ta lộng hành chăng?
– Tôi định mua bà ta, nếu ý cô muốn nói thế.
– Như vậy bà ta sẽ giúp Maddox vơ thêm được chút tiền?
Mason hứa hẹn:
– Trước khi đi đến một thỏa thuận, bà ta sẽ nói ra sự thật về Maddox.
– Nghĩa là sao?
– Nghĩa là bà ta sẽ phải thú nhận rằng Maddox có gọi điện cho bà ta vào lúc ba giờ sáng!
– Theo ông, Maddox sẽ phủ nhận điều ấy chứ?
– Tôi tin chắc hắn sẽ chối.
– Tại sao?
– Có nhiều lý do lắm. Trước hết là chuyện họ kết hợp quyền lợi với nhau. Duncan khờ lắm! Lão tưởng mình đang thu phục được một đồng minh, mà thật ra chỉ tự nộp mình làm quân cờ cho kẻ khác. Bà ta sẽ dùng hắn làm cái chày vồ dứ trên đầu chúng ta. Sau khi đã đánh gục chúng ta, bà ta sẽ dịu dàng ném Maddox vào một xó và ra tay thương lượng chuyện riêng.
– Ông định khi nào sẽ thương lượng với bà ta?
– Nội buổi sáng hay tòa Đại hình sẽ truy tố ông Kent về tội giết người. Luật sư biện lý sẽ cố xoay để tòa xử sớm. Tôi bằng lòng chuyện đó. Maddox và Duncan sẽ làm chứng vô số điều hổ lốn. Tôi sẽ chọc thằng vào Maddox mà hỏi vào lúc ba giờ sáng hôm ấy hắn ở đâu và đang làm gì. Hắn sẽ nói quanh và không trả lời hoặc trả lời láo. Sau đó, tôi sẽ lôi Doris Sully Kent ra và thương lượng với bà ta. Tôi sẽ giải thích cho bà ta hiểu rằng nếu tôi chứng minh được là Maddox đã gọi điện cho bà ta, ắt những khó khăn của ông Kent có thể sẽ được giải tỏa, do đó ông Kent sẽ cảm thấy có thể đi đến một thỏa thuận bằng tiền trả luôn một lần cho bà ta. Sau đó Harris có thể ra làm chứng về cú điện thoại và bà ta ra xác nhận. Maddox sẽ lòi ra là một kẻ dối trá.
– Tất nhiên bà ta sẽ phải thề là đã nhận ra giọng nói của Maddox, nhưng trên thực tế bà ta mời chỉ nghe ông ta nói lần đầu tiên.
– Về mặt chuyên môn: đúng; về mặt thực tế: không đúng. Moi chuyện cần làm là đưa Harris ra hầu tòa, để anh ta khai chuyện, gọi bà ta ra làm chứng với tư cách một nhân chứng đối nghịch. Tôi sẽ hỏi bà ta phải chăng vào giờ đó Maddox đã gọi điện cho bà ta. Bên kia sẽ phản đối. Tôi lại hỏi phải chăng vào giờ đó một người đàn ông nào đó tự xưng là Maddox đã gọi điện cho bà ta. Có lẽ bên kia sẽ phản đối và tòa sẽ chấp thuận lời phản đối trừ phi bà ta khai rằng có nhận ra giọng nói của Maddox. Tôi sẽ già vờ như bực tức và bất chợt hỏi “Thưa bà, bà đang làm gì khi xảy ra án mạng vào sáng ngày mười bốn, vào giờ đó bà có cầm điện thoại nói chuyện dường dài với một người nào đó hay không?”. Bà ta sẽ rụt rè và miễn cưỡng trả lời “Có” và đó là tất cả những gì bồi thẩm đoàn cần biết. Tôi sẽ cho bà ta lui ra. Luật sư biện lý sẽ không dám xét hỏi lại. Sau đó tôi đưa ra bản sao sổ lưu của công ty điện thoại.
– Ông Kent sẽ phải tốn bao nhiêu tiền để thương lượng?
– Ông ta bảo tôi nếu cần thì có thể lên tới một trăm năm chục ngàn đô-la.
– Có cần tới mức đó không?
– Hy vọng là không, nhưng bà ta tham lam lắm. Tôi sẽ bàn chuyện vòng vo trước khi ra giá với bà ta.
– Ông sẽ bàn với luật sư của bà ta chứ?
– Phải.
– Vậy là sẽ phải tốn kém thêm phải không?
– Phải.
– Sao không bàn trực tiếp với bà ta?
– Làm như thế không đúng nguyên tắc.
– Em có cảm tưởng rằng bà ta không phải là kẻ sẵn sàng trả cho luật sư của mình một khoản lớn trích từ những gì bà ta đạt được.
Mason định nói gì đó thì chuông điện thoại reo vang. Della Street nhấc máy, lấy tay bịt ống nghe và nói:
– Bà Doris Sully Kent đang chờ ở phòng ngoài. Bà ta muốn gặp ông để báo tin đã bãi miễn các luật sư, thành thử hiện nay bà ta không có ai đại diện cho mình – Mason huýt sáo nho nhỏ – Chúng ta phải làm gì? – Della hỏi.
Mason quay mặt ra phía phòng ngoài và cúi mình thật sâu:
– Đàn bà dễ có mấy tay! Nên gặp bà ta.
– Ông có cần em ghi chép mọi lời bà ta nói không?
– Có. Nhưng cô hãy vào thư viện và nghe bằng đường dây loa nối từ phòng này. Ghi chép tất cả những gì được nói ra. À này, Della, cô có gặp bà ta bao giờ chưa?
– Chưa.
– Vậy hãy cố nhìn thử bà ta một lần khi bà ta bước vào, nhưng cô hãy tránh mặt đi.
Della Street gật đầu, nhặt sổ tay và bút chì rồi bước ra phòng ngoài. Mason bật nút nối dây loa thông tin nội bộ và cất giọng như nói chuyện:
– Xin nhắn cho bà Kent rằng tôi chỉ dành cho bà ta năm phút.
Ông châm một điếu thuốc và giả vờ như đang chăm chú trên trang sách luật đến nỗi không nghe thấy tiếng chân bà khách bước vào phòng.
Doris Sully Kent ho lên một tiếng. Mason nhướng mắt lên nói:
– Xin chào.
Ông phác tay mơ hồ về phía chiếc ghế rồi lại chăm chú đọc sách.
Do dự một lát, Dovis bước đến bên bàn và đứng sát vào người Mason:
– Nếu ông bận việc, tôi không dám làm phiền ông nữa.
– Không sao đâu – Mason nói, mắt vẫn không nhìn lên – Một lát nữa tôi sẽ tiếp bà. Xin đừng cắt ngang công việc của tôi.
Cô nàng vẫn đứng sát vào người Mason.
– Tôi đến với tư cách người bạn – Giọng nói người phụ nữ nhỏ nhẹ một cách quyến rũ.
Mason thở dài, đẩy cuốn sách sang một bên và chỉ tay vào một chiếc ghế:
– Bà đi qua kia và ngồi xuống. Vào đề luôn đi và nói rõ mọi chi tiết để tôi khỏi phải hỏi lại nhiều.
Doris hơi ngập ngừng. Khẽ nhún vai vẻ như hờn dỗi, cô nàng ngồi xuống, bắt chéo chân và mỉm cười.
– Bắt đầu đi! – Mason nói.
– Tôi đã bãi miễn luật sư của tôi.
– Nhưng trả hết thù lao chứ?
– Điều đó có hề gì đâu?
– Có thế có chứ. Nhất là nếu ông ta giữ những giấy tờ thuộc về bà.
– Tôi đã đạt đến sự thông cảm hoàn toàn với ông ta.
– Rất tốt. Sao nữa?
– Tôi muốn nói chuyện với ông.
– Nói đi. Tôi nghe đây.
Bỗng nhiên cô nàng bỏ hết kiểu cách quyến rũ:
– Ông Mason, ông có thấy tôi nắm đằng chuôi không?
– Không.
– Tôi nắm đấy – Mason phác một cứ chỉ như định lấy cuốn sách luật. Doris vội vàng nói như lửa cháy – Ông biết sự thể sẽ ra sao nếu tôi đứng trước tòa mà thề rằng lão Peter đã vớ lấy một con dao phay và toan giết tôi; rằng hồi ấy lão nói lão bị mộng du, nhưng tôi biết lão nói dối. Hừ, tôi đâu có muốn làm như vậy, tôi chỉ muốn giúp lão mà thôi. Nhưng nếu lão muốn chống tôi, tôi buộc lòng phải chống lại lão.
– Bà nói tiếp đi.
– Mong ông hiểu cho, tôi phải phòng ngừa cho bản thân mình.
– Tôi hiểu chứ.
– Và đừng tưởng rằng tôi không làm được điều ấy.
– Tôi cũng hiểu về chuyện này bà rất khéo.
– Này, tôi muốn biết hiện nay mình đang đứng ở đầu?
– Chắc chắn tôi không thể nói được.
– Được mà. Ông là luật sư của Peter. Tôi thừa hiểu về Peter nên biết chắc rằng khi cần một trận quyết đầu đánh – gục – và – lôi – ra – ngoài, ông ta sẽ không làm. Ông ta thuộc loại người hay hoang mang, lo lắng. Chúng ta có thể ổn định việc này. Ông ta sẽ muốn ổn định và phải ổn định.
– Bà muốn gì? Trợ cấp hàng tháng hay thỏa thuận trả luôn một lần?
– Không. Tôi muốn Peter lại đưa tôi về làm vợ. Tôi đứng bên anh ấy trong thời kỳ gian khó này. Tôi muốn anh ấy cho phép tôi được vào chỗ đứng bên cạnh anh ấy.
– Để rồi mấy tháng sau bà lại xoay vòng lại hầu đòi được thỏa thuận cao hơn và số tiền cấp dưỡng lớn hơn chăng?
– Tệ quá ông Mason. Ông không có quyền nói thế. Đó không phải là điều tôi muốn. Tôi muốn làm vợ của Peter.
Mason cay đắng:
– Khi biết ông Kent yêu và muốn cưới người khác, bà quyết định chọc gậy vào bánh xe bằng cách ràng chặt ông ta với bà. Tất nhiên ông ta sẽ phải chi trả nhiều hơn để mua lại tự do.
Doris lấy ra một chiếc khăn mùi xoa có viền đăng-ten bằng dáng điệu chậm rãi và kiểu cách. Đôi mắt đẫm lệ chớp chớp, khóe môi run run. Nấc lên một tiếng nhỏ, cô nàng đưa khăn lên lau mắt, đôi vai trĩu xuống vì nức nở.
Mason tỉnh khô ngồi nhìn:
– Quyết toán luôn một lần thì bao nhiêu?
– Tôi không muốn quyết… quyết toán… gì hết!
– Cấp dưỡng hàng tháng thì bao nhiêu?
– Tôi không cần cấp… cấp dưỡng hàng tháng. Tôi chỉ muốn… muốn Peter. Tôi muốn… muốn giúp đỡ anh ấy. Tôi muốn… muốn làm… làm chứng rằng anh ấy có bệnh thần kinh. Tôi hy vọng anh ấy có… có thể chữa khỏi bệnh. Mà lỡ không… không khỏi được, tôi muốn… đứng.. đứng bên cạnh anh ấy.
Mason tỏ vẻ bực bội. Ông đứng lên đến bên con người đang nức nở và đưa tay ra như muốn giật phắt chiếc khăn tay trên mắt cô nàng. Trong lúc đứng đó, mắt ông bỗng nhiên nhíu lại đầy tư lự. Ông đứng đăm chiêu một lúc rồi trở lại bàn, kín đáo nhấn nút gọi Della Street vào văn phòng. Trong chốc lát, cô thư ký bối rối nhẹ mở cánh cửa phòng, Mason đưa tay lên đầu làm hiệu chỉ chiếc mũ, sau đó lại làm điệu bộ trên đôi vai bắt chước cử chỉ của người đang khép chặt cổ áo khoác trước ngực. Della Street cau mày cố đoán xem ông muốn nói gì. Doris vẫn tiếp tục khóc lóc với chiếc khăn tay. Mason bước đến vỗ vai cô nàng:
– Tôi không có ý đối xử thô bạo với bà. Có lẽ tôi hiểu lầm bà đó thôi. Xin lấy mũ và áo khoác rồi trở lại đây.
Doris hé khăn tay nhìn ông, vẻ bối rối:
– Mũ và áo khoác của tôi ư?
– Ồ, xin lỗi bà – Mason nói vội – Ý tôi muốn mời bà trở lại đây khi nào không còn xúc động như thế này nữa.
Della Street khép cánh cửa không gây một tiếng động nhỏ..
– Ông đã nhỏ nhen với tôi – Doris nức nở trong chiếc khăn tay.
Mason vỗ vai nàng:
– Xin bà thứ lỗi cho. Sáng nay tôi hơi khó ở và có lẽ đã xử không phải với bà.
Cô nàng lau nước mắt, hỉ mũi, thở dài thườn thượt rồi cất khăn tay vào ví, trên khóe mắt vào long lanh ngấn lệ có thật.
Mason hỏi ỡm ờ:
– Bà vẫn giữ các chìa khóa nhà ông Kent chứ?
– Tất nhiên, nhưng cả năm nay tôi không dùng đến chúng. Ông hỏi làm gì?
– Không có gì đặc biệt. Tôi chỉ hỏi vậy thôi.
– À, điều ấy có hề gì không?
– Không nhất thiết. Sắp tới đây, thái độ của đối với ông Maddox sẽ như thế nào?
Doris nhường mày:
– Maddox?… Maddox nào nhỉ? Tôi không quen biết người này.
– Ông Maddox ở Chicago. Bà biết đấy. Công ty Chế tạo Maddox.
– À, cái đó do luật sư của tôi tìm ra, có liên quan đến tài sản của chồng tôi. Luật sư cho biết Cống ty Chế tạo Maddox, có những bằng sáng chế đáng giá cả triệu đô-la, nhưng Peter đã cố tình giấu tôi; thành thử khi tôi nộp đơn xin ly hôn, Peter không có vẻ giàu có cho lắm. Nhưng nay mọi chuyện đã qua rồi.
– Bà không quen biết ông Maddox sao?
Doris nhìn ông bằng cặp mắt to đầy vẻ ngạc nhiên:
– Chắc chắn là không.
– Cả ông Duncan là luật sư của Maddox?
Cô nàng lắc đầu, gương mặt càng ngạc nhiên hơn nữa.
– Tôi tưởng bà đã có nói chuyện với ông Maddox bằng điện thoại.
– Ồ, do đâu mà ông nghĩ như thế?
Mason nhún vai:
– Thôi bỏ chuyện ấy đi.
– Không. Tôi muốn biết. Tôi thật sự quan tâm, thưa ông Mason, bởi lẽ tôi có cảm tưởng như có người đã nói không đúng về tôi. Có lẽ chính vì thế mà Peter nghĩ tôi thế này thế nọ.
Cánh cửa lặng lẽ mở ra. Della Street mặc áo khoác lông thú, đeo găng tay nhung và cầm ví tay, chiếc mũ vừa khít đội lệch một cách nghịch ngợm trên đầu. Cô ngượng ngùng bước vào phòng. Mason tiến ra:
– Ồ, cô Della Street thân mến.
Doris Kent trừng mắt lạnh lùng.
– Làm sao, cô vào đây được? – Mason vừa hỏi vừa bước lại gần – Tôi bận quá, lại không muốn bỏ dở công việc. Tôi vẫn nhớ có hẹn với cô… Tôi…
Della Street vui vẻ bước đến chìa tay ra cho Mason:
– Tôi xin lỗi đã đường đột vào đây, nhưng tôi biết ông luôn luôn tôn trọng giờ hẹn một cách chính xác. Cô ở phòng ngoài bảo tôi vào ngồi chờ ở thư viện vì ông đang bận. Tôi không tin như vậy bởi tôi đã hẹn giờ rõ ràng với ông và công việc của tôi rất là quan trọng. Thành thử tôi chỉ chờ năm ba phút rồi mở cửa vào. Xin ông thứ lỗi cho.
– Thế là công việc khác bị lỡ dở… – Mason ngưng nói và chỉ tay về phía Doris Kent đang từ từ đứng lên.
Della vừa nói vừa quan sát vẻ mặt của Mason:
– Tôi e rằng phải nhấn mạnh với ông về cái hẹn. Tôi chỉ có vài phút thôi. Chắc ông còn nhớ ông đã bảo với tôi qua điện thoại rằng tôi sẽ không phải chờ. Tôi biết vào đây đường đột như thế là không phải, nhưng dù sao hẹn vẫn là hẹn.
Cử chỉ của Mason rất bối rối. Ông quay sang Doris Kent:
– Rất tiếc. Bà còn nhớ ban nãy tôi nói chỉ dành được cho bà một vài phút. Tôi có hẹn trước với cô Street đây…
– Không sao đâu – Doris nghênh cằm lên nói – Tôi sẽ trở lại.
Mason bắt được cái nhìn của Della Street, ông hất hàm về phía Doris Kent. Della bước đến bên bà khách:
– Chắc bà vui lòng, thứ lỗi cho tôi vì tôi chỉ có ít phút thôi.
Doris Kent mỉm cười duyên dáng:
– Không sao đâu. Cô đừng bận tâm làm gì. Tôi biết ông Mason rất bận. Dù sao ông ấy chắc cũng đã hiểu hoàn cảnh của tôi và…
– Tôi sẽ liên hệ với bà ở đâu? – Mason hỏi.
– Khách sạn Lafitte. Tôi còn ở đó hai ba hôm nữa.
Mason tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Cùng một khách sạn với cô phải không, cô Street?
– Vâng, tôi đang ở đó. Khách sạn thật tuyệt vời. – Giọng Della Street thân mật.
Mason tiễn Doris Kent ra cửa:
– Tôi lấy làm tiếc đã xảy ra như thế. Đáng lẽ cô ta không được mở cửa văn phòng riêng của tôi. Nhưng cô ta có hẹn trước. Cô ta có của và tinh hay bốc đồng…
– Tôi hoàn toàn thông cảm – Doris Kent vừa nói vừa quay lại chìa tay cho Mason – Dù sao ta có thể là bạn với nhau, được không? – Trong mắt cô nàng tràn đầy lời hứa hẹn.
Mason bắt tay khách rồi quay về phòng. Della Street ngước cặp mắt lo lắng nhìn ông:
– Em làm hỏng chuyện rồi phải không?
– Không, cô xử sự thật tuyệt vời, theo đúng như ý tôi muốn.
– Sáng kiến vĩ đại gì thế?
– Cô thu xếp mấy bộ đồ đẹp rồi vào ngay khách sạn Lafitte. Cứ lân la ở đó cho đến khi gặp được Doris Kent. Bước đến làm quen với bà ta và bảo rằng cô rất lấy làm tiếc vì đã làm gián đoạn buổi nói chuyện của bả ta; rằng cô đã nghĩ lại và thấy mình không có quyền xông vào như thế; rằng không biết sao cô lại có hành động đó. Nhớ bảo bà ta rằng tôi vốn có thói quen rất tôn trọng các buổi hẹn; rằng lúc ấy cô có cảm tưởng là văn phòng đã lầm lẫn về giờ giấc; rằng khi đó cô vội lắm và cần phải gặp tôi ngay.
– Rồi sao nữa, sếp? Lẽ nào bà ta tin em ngay và thổ lộ những điều có thể khiến bà ta thua kiện? Nhất là bà ta biết em quen ông…
Mason tắc lưỡi:
– Cô gái bị gạt cả tình lẫn tiền tên là gì nhỉ?
Della cau mày nhìn ông:
– Sếp nói sao?
– Cái cô muốn nhờ tôi lo việc cho ấy mà? Bị lừa năm ngàn đô la…
– À, cô Myrna Duchene.
– Phải đấy. Anh chàng bồ của cô ta hiện ở đâu?
– Anh ta ở khách san Palace, dưới cái tên George Pritchard.
– Được, cô vào ngay khách sạn Lafitte. Cố gắng bắt chuyện với bà Kent. Liên hệ với Myrna Duchene nhờ cô ta chỉ mặt gã sở khanh bịp bợm kia. Chắc là anh chàng này có cái mã làm rụng tim các cô, phải không?
Della Street bối rối:
– Có lẽ thế. Em đã xem hình của hắn rồi. Đúng là người trong mộng của các cô chưa chồng.
– Tìm cách làm quen với hắn. Sau khi hắn đã đến thăm cô ở khách sạn Lafitte, cô hãy than thở với hắn về chuyện cô mới bị mất tiền. Cố lưu giữ hắn lui tới đó cho đến khi cô có dịp chỉ cho hắn thấy bà Kent góa phụ giàu có. Sau đó, nếu có thể đươc, cô giới thiệu hắn cho bà Kent và rồi…
Mắt Della Street tỏ ra hiểu ý rất nhanh. Cô tiếp lời:
– Và rồi mặc cho con tạo xoay vần?
Mason nghiêng mình mỉm cười:
– Chính thế!