Viên lục sự long trọng tuyên bố thành phần bồi thẩm đoàn. Chánh án Markham, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu tinh tường về bản chất con người, ngồi ngự sau chiếc ghế “băng dài” đồ sộ bằng gỗ đào. Hamilton Burger, Luật sư biện lý vai rộng, cổ bạnh, người cuồn cuộn bắp thịt mạnh mẽ của tuổi sung mãn đang chăm chú quan sát Perry Mason như tay đua quan sát người chạy trước mình một quãng xa khi vừa rời vạch xuất phát. Bên cạnh ông ta là Sam Blane trẻ trung, cao gầy đang cố tỏ ra vẻ phong độ, bàn tay không ngớt mân mê chiếc băng đen đeo lủng lẳng ở gọng kính. Ở bàn luật sư phía đối diện, Perry Mason đang ngồi một mình. Ngay sau lưng ông là Peter Kent khuôn mặt trắng nhợt, nhăn nhúm, đôi tay không ngớt vặn vẹo với nhau. Chênh chếch phía sau Mason, Lucille Mays đang chăm chú nhìn các cảnh tượng trước mắt với cặp mắt lo lắng. Thỉnh thoảng cô gượng mỉm cười, trấn an Peter Kent, nhưng cố gắng ấy chỉ luống công một cách tội nghiệp.
Chánh án Markham phát biểu:
– Cho phép tôi được chúc mừng quý vị luật sư của cả hai bên. Quý vị có đủ tư cách xứng đáng để dự tòa, tư cách mà các bồi thẩm viên cần phải có để được tuyển chọn. Thưa Luật sư biện lý, ông có muốn phát biểu mở đầu không?
Luật sư biện lý bước đến chỗ ngay trước vành móng ngựa phân cách mười hai vị bồi thẩm khỏi khu vực dành cho các luật sư. Phía sau vành móng ngựa là quần chúng đông như nêm cối đến theo dõi xét xử, bầu không khí căng ra vì chờ đợi.
– Thưa quý tòa, – Burger bắt đầu nói – tôi sẽ không chăm chú vào sự hùng biện. Lần này tôi chỉ xin trình bày vắn tắt những gì mà Công tố viên sẽ phải chứng minh. Vào ngày mười ba trong tháng vừa qua, bị cáo, tức ông Peter Kent, đang ở lại nhà riêng ở Hollywood. Trong nhà đó ngoài các gia nhân còn có Edna Hammer cháu gái của bị cáo, P. L. Rease em trai cùng cha khác mẹ của bị cáo, John J. Duncan một luật sư ở Chicago, Frank B. Maddox người hợp tác kinh doanh với bị cáo, Helen Warrington nữ thư ký của bị cáo. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng vào buổi sáng ngày mười bốn bị cáo đã vào phòng ngủ của P. L. Rease và đâm chết ông này. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng ông P. L. Rease đã đổi phòng cho ông Frank B. Maddox mà bị cáo không hề hay biết; rằng giữa bị cáo và Maddox đã có sự thù địch; rằng có cơ sở hoặc không có cơ sở, bị cáo đã mang ấn tượng rằng Maddox lừa gạt mình trong một vụ thương lượng làm ăn.
Hầu như đoán chắc được rằng kẻ xấu số chết vì một vết đâm bằng dao phay vào khoảng ba giờ sáng. Cái chết đã đến tức thời. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng vào lúc ba giờ sáng bị cáo Peter Kent với đúng con dao phay đó trên tay, đi chân không; đang lén lút băng qua khoảng sân nằm giữa cánh nhà có phòng ngủ của bị cáo và cánh nhà có phòng ngủ của ông Frank B.Maddox mà hiện lúc đó đang do nạn nhân P. L. Rease chiếm ngụ. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng món vũ khí giết người sau đó đã được tìm thấy dưới gối của chiếc giường mà đêm đó bị cáo đã nằm ngủ; rằng lưỡi dao cho thấy chắc chắn đó chính là vũ khí đã được dùng để giết ông P. L. Rease. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng sau khi bị bắt, bị cáo đã tự nguyện thừa nhận mình thường bị mộng du; rằng bị cáo có đủ lý do để tin trong lúc mộng du bị cáo có những khuynh hướng phạm tội hình sự.
Tòa sẽ lưu ý quý vị rằng một khi hành vi giết người của bị cáo đã được thiết định xong, lúc đó sẽ đến lượt bị cáo phải chứng minh các hoàn cảnh có thể làm giảm nhẹ, biện minh hoặc tha thứ cho hành vi giết người đó. Nhiệm vụ của công tố là chứng minh cái chết của ông Rease; rằng cái chết đó là do một vết đâm bằng dao phay; rằng con dao phay này đang nằm trong khả năng sử dụng của bị cáo vào khoảng thời điểm xảy ra án mạng; rằng đã có người nhìn thấy bị cáo đang rời khỏi cánh nhà có phòng ngủ của nạn nhân vào khoảng thời điểm xảy ra án mạng. Chứng tôi sẽ chứng minh rằng bị cáo tưởng lầm ông Maddox đang nằm trên chiếc giường mà ông Rease đang ngủ; rằng bị cáo cố đủ động cơ để giết ông Maddox. Thông qua các câu hỏi do Bào chữa viên đã đặt ra cho quý vị khi quý vị được tuyển vào Bồi thẩm đoàn, hẳn quý vị biết rằng Bào chữa viên sẽ phải trả lời ít ra là một phần, về giả thuyết bị cáo đã gây án trong lúc mộng du. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng vào một dịp cách đây khoảng một năm bị cáo đã cầm một con dao phay và…
Perry Mason từ từ đứng lên:
– Thưa quý tòa, tôi phản đối việc Luật sư biện lý đưa vào lời phát biểu của mình bất cứ sự kiện gì đã xảy ra một năm trước vụ án này. Tôi phản đối việc ông ta gợi ra trước công việc bào chữa của chúng tôi, và trân trọng đề nghị quý vị bồi thẩm bác bỏ các lời phát biểu đó.
Burger cự nự:
– Chúng tôi nêu ra chứng cử đó hoàn toàn đúng nguyên tắc vì nhờ đó có thể chứng minh rằng trước đây bị cáo đã có biết đến những khuynh hướng phạm tội hình sự của mình trong lúc mộng du. Chúng tôi nêu ra phần luận chứng ấy dựa trên chính giả thuyết mà Bào chữa viên đã phác thảo ra.
Chánh án Markham gõ búa và tuyên bố:
– Công tố viên không có nhiệm vụ gợi trước công việc bào chữa. Chứng cứ có thể hay không có thể bao gồm cả những sự kiện xảy ra trước án mạng mười hai tháng điều đó sẽ được quyết định khi có ván nạn nổi lên. Còn trong lúc này, Tòa chấp thuận lời phản đối của Bào chữa viên. Tòa truyền cho Bồi thẩm đoàn tước bỏ phần phát biểu đó của Công tố viên, và trân trọng xin các Bồi thẩm viên coi như phần đó không có. Cũng lưu ý quý vị bồi thẩm rằng bài phát biểu của Luật sư biện lý chỉ được phác họa những gì mình sẽ chứng minh; bài phát biếu chỉ nhằm giúp quý vị bồi thẩm nhìn thấy rõ các điểm khái quát lớn. Những lời phát biểu của Luật sư biện lý không được coi như chứng cứ. Xin Luật sư biện lý tiếp tục phát biểu.
Hamilton Burger tiếp tục nói tiếp:
– Chúng tôi sẽ chứng minh rằng trước khi xảy ra án mạng, cụ thể là hai ngày, cháu gái của bị cáo đã tìm thấy ở dưới gối của bị cáo chính món vũ khí mà bị cáo sẽ dùng để gây án. Thưa quý Tòa, dựa trên chứng cứ này và dựa trên chứng cứ kia rất có thể sẽ được nêu ra sau. Công tố chúng tôi sẽ đề nghị, Tòa tuyên án: tội giết người với mức nặng nhất.
Hamilton Burger ngồi xuống. Chánh án Markham hỏi Perry Mason:
– Thưa Luật sư bào chữa, ông có muốn phát biểu mở đầu không?
– Tôi xin hoãn phát biểu cho đến khi tôi khởi sự vụ án của tôi.
– Được. Công tố viên sẽ gọi nhân chứng thứ nhất.
– Tôi sẽ chứng minh Corpus Delicti 1 bằng nhân chứng Frank B. Maddox.
Maddox bước lên tuyên thệ.
– Ông tên là Frank B. Maddox cư ngu tại Chicago.
– Vâng.
– Ông có mặt tại nhà của bị cáo trong đêm mười ba rạng ngày mười bốn trong tháng vừa qua?
– Vâng.
– Theo ông biết, P. L. Resse có quan hệ với bị cáo hay không?
– Ông ta là em cùng cha khác mẹ của bị cáo.
– Tính đến ngáy mười ba, ông đã ở trong nhà của bị cáo được bao lâu?
– Tôi đến vào hôm mùng mười.
– Sáng ngày mười bốn ông có dịp nhìn thấy ông P. L. Rease không?
– Có.
– Lúc đó ông Rease ở đâu?
– Trong phòng ngủ của ông ta.
– Còn sống hay đã chết?
– Ông ta đã chết, nằm ngửa trên giường, một chiếc mền mỏng kéo sát lên đến dưới cằm. Trên mền có một vết rách do lưỡi dao đâm xuyên qua và cắm vào người ông Rease. Mền ướt sủng máu và ông Rease chết rồi.
– Tôi sẽ gọi lại nhân chứng này để hỏi thêm. Lúc này tôi chỉ nhằm chứng minh Corpus Delicti và xin phép cho nhân chứng được tạm lui.
– Được – Chánh án Markham nói.
– Ông có muốn hỏi lại không? – Burger hỏi.
– Vâng – Mason đáp – Ông Maddox, ông nói ông có mặt trong vào chiều tối ngày mười ba phải không?
– Vâng.
– Và buổi sáng ngày mười bốn?
– Buổi, sáng ngày mười bốn ông rời khỏi nhà lần đầu tiên vào giờ nào?
– Câu hỏi đó có liên quan đến vụ an không? – Burger nhíu mày hỏi.
– Tôi cho rằng có.
– Tôi không đồng ý. Xin phản đối câu hỏi này vì không liên quan, vì thẩm vấn không hợp lệ.
Chánh án Markham lưỡng lự một lát. Perry Mason nói:
– Tôi xin sửa lại câu hỏi như sau: Ông rời khỏi căn nhà lần đầu tiên vào giờ nào trong buổi sáng ngày mười bốn trước thời điểm phát hiện ra tử thi?
– Câu hỏi đó hiển nhiên nằm trong tầm mức tái thẩm vấn – Chánh án Markham phán quyết – Xin trả lời.
– Tôi không hề rời khỏi căn nhà. – Maddox nói.
Mason nhướng mày:
– Phải chăng ông không rời khỏi căn nhà vào khoảng ba giờ sáng?
– Không.
– Ông về phòng riêng vào lúc mấy giờ tối ngày mười ba?
– Khoảng chín giờ rưỡi.
– Sau khi về phòng ông có đi ngủ ngay hay không?
– Không. Luật sư của tôi tức là ông Duncan sang phòng tôi. Chúng tôi bàn chuyện rất lâu.
– Ông thức dậy lúc mấy giờ sáng ngày mười bốn?
– Tôi bị đánh thức bởi ông và bác sĩ Kelton đột nhập vào phòng tôi để cố tìm xem ai đã bị giết…
– Đề nghị lược bỏ phần sau của câu trả lời coi như kết luận của nhân chứng.
– Đồng ý lược bỏ – Chánh án Markham phán quyết – Tòa xem phần đó như không có.
– Lúc ấy là mấy giờ?
– Tôi nghĩ vào khoảng tám giờ.
– Ông Maddox, có phải ông muốn tòa hiểu rằng ông có mặt trong nhà liên tục từ lúc ông lui về phòng vào buổi tối ngày mười ba đến tám giờ sáng ngày mười bốn.
– Thưa vâng.
– Phải chăng ông không hề đến Trạm Viễn thông Thái Bình Dương vào khoảng ba giờ sáng ngày mười bốn và gọi điện thoại đường dài cho bà Doris Sully Kent ở Santa Barbara?
Maddox mím chặt môi và lắc đầu. Thông tín viên tòa án nhắc nhở:
– Ông phải trả lời câu hỏi bằng tiếng nói.
– Tôi quả quyết là không. – Maddox nói dẳn từng tiếng.
– Ông đã không đến đó ư? – Giọpg Mason lộ vẻ ngạc nhiên.
– Thưa không.
– Ông có trỗi dậy vào khoảng ba giờ sáng không?
– Thậm chí tôi không hề thức giấc.
– Phải chăng ông đã không bàn chuyện với luật sư của ông vào khoảng ba giờ sáng ngày mười bốn?
– Thưa không, tuyệt đối không.
– Thôi.
Hamilton Burger gọi chuyên viên đồ họa trình bày thiết kế khu nhà của ông Kent. Lời trình bày rất rõ ràng và được chấp nhận không có phản đối. Viên pháp y xác định thời điểm nạn nhân tắt thở vào khoảng từ hai giờ ba mươi đến ba giờ ba mươi sáng ngày mười bốn. Cảnh sát trưởng Holcomb ra làm chứng, nhận diện con dao phay với lưỡi dao dính một chất màu đỏ xỉn gớm ghiếc chính là món vũ khí đả được tìm thấy dưới gối của ông Kent. Perry Mason bỏ qua các nhân chứng khác, chỉ tái thẩm vấn cảnh sát trưởng Holcomb.
– Áo gối và khăn trải giường thế nào?
Tôi không biết.
– Anh không biết ư?
– À, tôi nghe nói người giúp việc đã đem chúng đi tiệm giặt.
– Bà ta không để riêng chúng ra sao?
– Không.
– Tại sao anh không đưa chúng ra làm bằng chứng?
– Vì tôi thấy không cần thiết.
– Phải chăng không hề có một chút máu nào trên gối cũng như trên khăn trải giường?
– Tôi không nghĩ thế. Hình như có những vết máu nhưng tôi không nhớ rõ.
Mason mỉa mai:
– Nếu có những vết máu ắt là anh nhận thấy những vật ấy có tầm quan trọng đáng để giữ lại làm bằng chứng, phải không?
– Xin phản đối vì đó là suy luận. – Burger lồng lộn.
– Tôi chỉ nhằm khêu gợi ký ức của nhân chứng vì anh ta vừa làm chứng rằng không nhớ rõ có vết máu hay không?
– Nhân chứng trả lời câu hỏi đó. – Chánh án Markham phán quyết.
– Tôi không biết – Holcomb nhìn nhận và nói thêm – Ông Mason, ông tất biết rõ. Chính ông là người phát hiện ra con dao mà.
Trong phòng xử có tiếng cười khúc khích. Mason nói:
– Đúng, tôi biết rõ. Anh đang hỏi tôi phải không?
Chánh án Markham gõ búa ra lệnh:
– Đủ rồi. Nhân chứng phải được thẩm vấn bằng những câu hỏi hợp lệ. Không được trao đổi riêng giữa nhân chứng và luật sư.
Mason cao giọng:
– Vì khăn trải giường và áo gối không có vết máu, nghĩa là có thể dùng đó làm bằng chứng chống lại giả thuyết của Công tố viên, nên anh đã lo đưa chúng vào tiệm giặt trong khi anh độc quyền chịu trách nhiệm về các đồ vật ấy, và như thế Bào chữa viên không kịp giữ chúng lại, phải không?
Burger đứng dậy và gầm lên phản đối:
-… Suy luận không hợp lệ, thiếu cơ sở, có tính chất lăng mạ, tái thẩm vấn sai nguyên tắc, không liên quan.
Perry Mason chỉ mỉm cười.
– Nhân chứng có thể trả lời – Chánh án Markham phán quyết – Câu hỏi này nhắm thẳng tới trách nhiệm của nhân chứng.
– Không – Holcomb trả lời – Tôi không có liên hệ gì với mớ vải ấy.
– Nhưng có phải anh đã đề nghị bà giúp việc lau rửa căn phòng?
– Có lẽ có.
– Và dọn dẹp chiếc giường?
– Có lẽ.
Mason hả hê nhìn bồi thẩm đoàn:
– Thế đủ rồi.
– Xin mời ông John J. Ducan – Luật sư Sam Blaine lên tiếng khi Hamilton Burger ngồi xuống ghế để người trợ lý của mình chấp nhiệm một lát. Duncan ì ạch bước lên tuyên thệ.
– Ông tên là John J. Duncan, luật sư ở Illinois và ông có biết bị cáo tức là ông Peter Kent?
– Đúng.
– Theo chúng tôi được biết, ông ở trong nhà bị cáo vào ngày mười bốn trong tháng vừa qua phải không?
– Điều ấy đúng. Tôi dự bàn chuyện làm ăn với ông Kent và luật sư của ông ta là ông Perry Mason. Cùng trong buổi dự bàn ấy còn có Helen Warrington nữ thư ký của ông Kent, thân chủ của tôi tức ông Frank B. Maddox. Ngoài ra một bác sĩ tên là Kelton cũng có mặt.
– Ông lui về nghĩ lúc mấy giờ?
– Khoảng mười một giờ. Tôi nói chuyện với thân chủ tôi trong phòng của ông ấy sau khi tan buổi họp với các vị kia.
– Sau đó cùng buổi tối hôm ấy ông có nhìn thấy ông Kent nữa không?
– Tôi nhìn thấy ông ta vào sáng sớm ngày mười bốn.
– Lúc mấy giờ?
– Đúng ba giờ sáng.
– Ông nhìn thấy ông ta ở đâu?
– Trong sân nhà.
– Ông có thể chỉ trên bản đồ, tức Hiện Vật Công Tố số I, vị trí chính xác ông đã nhìn thấy bị cáo vào lúc đó không? – Duncan chỉ tay vào một điểm trên bản đồ – Chỗ nào trên bản đồ là phòng ngủ của ông? – Duncan chỉ một điểm khác – Và từ phòng ngủ đó ông có thể nhìn thấy bị cáo một cách rõ ràng chứ?
– Thưa đúng.
– Ông nhìn thấy bị cáo lần đầu tiên khi nào?
– Tôi bị đánh thức vì một cái bóng đổ xuống ngang mặt. Tôi thức dậy và thấy có người nào đó di chuyển băng qua hành lang. Tôi chồm dậy xem đồng hồ lớn để biết là mấy giờ và đi tới cửa sổ. Tôi thấy ông Peter Kent lúc bị cao chỉ mặc áo ngủ dài đang đi bộ băng qua khoảng sân. Ông ta cầm trên tay một con dao. Ông ta tới bên một chiếc bàn cà phê, dừng lại một lúc, sau đó đi hết khoảng sân và biến mất qua cửa ra vào ở phía bên kia.
– “Cửa ra vào ở phía bên kia” có phải là vị trí tôi đang chỉ trên bản đồ Hiện Vật Công Tố số I và được ghi chú là “cửa ra vào ở cạnh phía bắc khoảng sân”?
– Đúng vậy.
– Bàn cà phê nằm ở khoảng nào? – Duncan dùng phấn màu đánh một dấu trên bản đồ.
– Ông nói ông có xem đồng hồ lớn?
– Phải.
– Lúc ấy là mấy giờ.
– Ba giờ.
– Ông có bật đèn để xem đồng hồ không?
– Không. Đồng hồ có mặt số da quang và tôi có thể nhìn thấy vị trí của các cây kim.
– Ông xem đồng hồ trước hoặc sau khi ông quan sát bóng người trên sân?
– Cả hai. Vừa ngồi dậy trên giường là tôi xem đồng hồ ngay và xem lại một lần nữa lúc trở lại giường sau khi nhìn thấy bị cái băng qua hết khoảng sân và biến mất qua cửa ra vào.
– Rồi ông làm gì, nếu có?
– Quan tâm đến sự kiện ấy, tôi bèn mặc áo khoác tắm, mở cửa phòng ăn thông ra hành lang và nhìn suốt dãy hành lang nhưng không thấy ai cả. Tôi nghĩ rằng mình đang ở trong nhà có bầu không khí thù địch nên tốt hơn là cứ lo chuyện mình mà thôi. Tôi bèn trở lại giường và ngủ lại.
Mason nói:
– Xin phép Tòa, tôi nghĩ rằng chúng tôi có quyền đòi lược bỏ khỏi câu trả lời của nhân chứng chi tiết căn nhà có bầu khí thù địch. Đó là kết luận của nhân chứng. Liên hệ với các động cơ của nhân chứng, kết luận này không nhằm trả lời câu hỏi nên có thể phản đối được.
– Lược bỏ chi tiết đó. – Chánh án Markham phán quyết.
Sam Blaine quay sang Perry Mason.
– Ông Mason, ông có thể hỏi lại: Có lẽ ông sẽ cần hỏi ông ta tại sao ông ta đi ngủ lại.
Chánh án Markham cau mày nhìn Blaine:
– Không được, ông Blaine.
– Vâng – Mason nói thoải mái – Tôi sẽ hỏi đúng như thế. Ông Duncan, do đâu ông có thể về giường và ngủ lại được sau khi đã nhìn thấy một cảnh đáng kinh ngạc như như vậy?
Duncan ngả người về trước rất kiểu cách:
– Vì tôi mệt mỏi. Tôi đã phải nghe ông nói suốt cả buổi tối.
Cả phòng xử bùng lên tiếng cười ầm ĩ. Trật tự viên tòa án gõ búa inh ỏi. Chờ cho trật tự được vãn hồi, chánh án Markham phán bảo nhân chứng:
– Ông Duncan, ông là luật sư. Không cần thiết phải nhắc nhở ông về các nhiệm vụ của nhân chứng. Xin ông đừng cố ý gây cười hoặc thêm vào câu trả lời của mình những nhận định không có trong yêu cầu. Ông cũng phải tránh trao đổi chuyện riêng với luật sư.
Duncan do dự một chút rồi cáu kỉnh đáp:
– Xin vâng, thưa quý Tòa.
Chánh án Markham nhìn Duucan trừng trừng, dường như định khuyến cáo thêm nữa, nhưng lại từ từ ngồi xuống và gật đầu với Mason:
– Xin Luật sư bào chữa tiếp tục.
– Xin phép Tòa cho tôi chấp nhận câu trả lời của nhân chứng theo giá trị bề ngoài của nó. Tôi không yêu cầu lược bỏ bất cứ chi tiết nào. Tôi muốn được hỏi dựa theo lời phát biểu ấy của nhân chứng.
– Được – Chánh án nói – Ông có thể hỏi nhân chứng dựa theo lời phát biểu ấy tùy mức độ ông muốn.
Mason đứng lên đăm đăm nhìn Duncan:
– Vì phải nghe tôi nói suốt cả buổi tối, ông mệt mỏi quá đến nỗi có thể ngủ lại được, đúng không?
– Đúng, tôi đã nói như thế.
– Ông nói chuyện với thân chủ ông khoảng một tiếng đồng hồ sau khi cả hai người đã lui về phòng.
– Đúng.
– Chuyện tôi nói đã không làm ông mệt mỏi đến nỗi ông không thể tiếp tục thức để bàn bạc những vấn đề chiến lược với thân chủ ông?
– Tôi chỉ nói chuyện với ông ta.
– Và đi ngủ vào khoảng mười một giờ?
– Phải.
– Thế mà sau bốn tiếng đồng hồ ngủ nghỉ, hậu quả nặng nề do cuộc nói chuyện với tôi vẫn còn mạnh mẽ đến nỗi cảnh tượng ghê gờm kia – một người đàn ông chỉ mặc áo ngủ, tay cầm dao đi lang thang dưới ánh trăng – vẫn không làm cho ông hết buồn ngủ, đúng không?
– Tôi đã thức dậy và nhìn khắp hành lang.
Mason tiếp tục.
– Rồi vào ngủ lại, có phải thế không thưa ông Duncan?
– Tôi vào ngủ lại.
– Ngay sau đó mấy phút?
– Ngay sau đó mấy phút.
– Và ông đã khai chúng bằng lời tuyên thệ rằng ông ngủ lại được là do bị mệt mỏi vì cuộc nói chuyện của tôi?
– Ông hiểu ý tôi nói gì rồi.
– Ông Duncan, phương tiện duy nhất giúp tôi hiểu ý ông nói chính là lời của ông, và tất nhiên đó cũng là phương tiện duy nhất giúp bồi thẩm đoàn hiểu ý ông nói. Bây giờ, chúng ta hãy thành thật với bồi thẩm đoàn. Tôi đã không họp bàn với ông quá mấy phút, đúng không?
– Tôi không tính giờ.
– Phần lờn lời tôi nói là tuyên bố “không” trước những yêu cầu của ông, đúng không?
– Thiết nghĩ chúng ta không cần đi vào vấn đề đó.
– Nhưng khi ông phát biểu rằng cuộc nói chuyện của tôi làm ông mệt mỏi đến nỗi rất dễ dàng đi ngủ lại được, ông đã cường điệu các sự kiện của vụ án, đúng không?
– Tôi đã đi ngủ lại thật mà.
– Phải rồi, và lý do thật sự khiến ông đi ngủ lại được là vì ông thấy không có gì đặc biệt đáng sợ về bóng người đó khi ông mới nhìn thấy, đúng không?
– Đối với tôi cảnh tượng một người đàn ông cầm dao phay đi trong đêm rất đáng sợ – Duncan cáu kỉnh – Tôi không biết ông có thấy đáng sợ hay chăng?
– Rất đúng. Và nếu quả thật ông đã nhìn thấy con dao phay trong tay của một người đàn ông đi trên sân vào lúc ba giờ sáng ngày mười bốn, ắt là ông đã đủ kinh hãi để báo cảnh sát hoặc đánh thức cả nhà dậy, đúng không?
– Tôi không hiểu câu hỏi. Tôi nhìn thấy bóng người, tôi nhìn thấy con dao và tôi đi ngủ lại.
– Tôi xin nhìn theo một hướng khác. Có đúng là ông đã không nhìn thấy con dao một cách rõ ràng?
– Không đúng. Tôi quả có nhìn thấy nó.
– Chính là con dao đó phải không? – Mason chỉ tay về phía con dao dính máu đã được đưa ra làm bằng chứng.
– Chính con dao đó – Duncan trả lời, giọng gắt gỏng. Mason không nói gì, cử đứng đó mỉm cười với ông ta. Duncan bồn chồn khó chịu nói thêm – Ít ra là một con dao trông rất giống như thế.
Mason bước trở lại bàn luật sư, mở cặp của mình lấy ra một chiếc gói bọc giấy nâu. Ông bóc lớp giấy để lộ một con dao phay chuôi sừng và nói với nhân chứng:
– Tôi sẽ trao cho ông con dao này và hỏi ông phải chăng đây không phải là con dao ở trên tay bóng người mà ông thấy đi băng qua sân.
Duncan cộc cằn:
– Không, không phải.
– Do đâu ông biết là không phải?
– Hừm, tôi nghĩ rằng nó không phải là cùng một con dao đó.
– Ông muốn Tòa và bồi thẩm đoàn hiểu rằng ông đã nhìn thấy con dao đó đủ rõ ràng để nhận diện được nó?
– Không phải để nhận diện, nhưng tôi có thể miêu tả nó một cách tổng quát.
– Và ông bảo đảm rằng đây không phải là một con dao phay đó?
– Tôi cho rằng không phải.
– Ông có bảo đảm rằng không phải?
– Hừm, tất nhiên tôi không thể bảo đảm ở một khoảng cách xa như thế.
– Thế là ông không thể bảo đảm rằng con dao này, do Công tố viên đưa ra làm Hiện Vật Công Tố số 2, là cùng một con dao đó, đúng không?
– Không, tôi không thể.
Mason nêu ý kiến:
– Tôi xin Tòa cho con dao thứ hai này ký danh nhân diện là Hiện Vật Bào Chữa A.
– Tôi phản đối – Burger hét lên – Thưa quý Tòa, con dao đó không có trong vụ án. Đây chỉ là một thủ đoạn của Luật sư bào chữa nhằm làm rối rắm sự việc. Tôi có thể chứng minh rằng Luật sư bào chữa đã sắm con dao đó nhờ một cửa hàng kim khí vào thời điểm sau vụ án mạng rất xa.
Mason qua ngoắt về phía ông ta, nhưng ông chưa kịp ngắt lời thì Chánh án Markham đã tung ra lời phán quyết:
– Đủ rồi thưa Luật sư biện lý. Ông không cần bận tâm chứng minh về nguồn gốc con dao. Nhân chứng này vừa khai rằng bóng người mà ông ta nhìn thấy trên sân có cầm một con dao mà ông ta nghĩ rằng chính là Hiện Vật Công Tố số 2, hoặc ít ra cũng có hình dáng tương tự. Người tái thẩm vấn có quyền hợp pháp để đưa ra một con dao khác và hỏi nhân chứng như Luật sư Mason đã hỏi. Những câu hỏi đó không bị phản đối. Nay luật sư chỉ yêu cầu Tòa cho con dao ấy ký danh để nhận diện nhằm phân biệt với con dao trước giống hệt như vậy, liên quan đến con dao trước đã có một số lời khai rồi. Tòa chấp thuận cho con dao mới ký danh nhận diện là Hiện Vật Bào Chữa A.
Mason quay lại và bất ngờ đối mặt với Duncan:
– Ông Duncan, ông đi ngủ lại được, phải chăng lý do thật sự là vì lúc ấy ông không nhận thấy bóng người có cầm dao?
– Tôi thấy ông ta có cầm vật gì trên tay, một vật gì đó lấp lánh.
– Nhưng phải chăng lúc đó ông không nhận ra đó là một con dao? Phải chăng mãi đến sáng hôm sau khi án mạng được phát hiện thì ông mới nghĩ rằng ắt đó là một con dao? Phải chăng ông chỉ nhìn thấy một bóng trắng đi trên sân? Phải chăng ông nghĩ rằng một người nào đó đang mộng du? Phải chăng ông quyết định không can thiệp mà chỉ lo tự vệ bằng cách khóa chặt cửa phòng mình và đi ngủ lại?
– Tôi không nói người đàn ông đó đang mộng du.
– Tôi chỉ hỏi có đúng hay không.
– Không đúng.
– Lý do duy nhất khiến ông đi ngủ lại được phải chăng là vì ông không nhìn thấy con dao trên tay người ấy đủ rõ ràng?
– Không, không phải thế.
– Xin ông nói rõ hơn.
– Tôi nhìn thấy con dao.
– Bóng người đi đến bên chiếc bàn cà phê ở trên sân?
– Phải.
– Ông có nhìn thấy ông ta nhấc mặt bàn lên không?
– Có.
– Sau đó ông nhìn thấy bóng người rời khỏi bàn cà phê, đi băng qua sân và rời khỏi sân bằng cửa ra vào mà ông đã chỉ rõ?
– Đúng.
– Sau khi rời khỏi chiếc bàn, bóng người còn tiếp tục cầm dao không?
– Ồ, có… Tôi không biết… Tôi không thể nói được.
– Ông muốn nói rằng bóng người không còn cầm dao nữa?
– Tôi không nói gì cả.
– Rất có thể bóng người để con dao vào cái ngăn rỗng hình chữ nhật bên dưới mặt bàn cà phê, ông có nghĩ như vậy không?
– Tôi không thể nói được.
– Ông có bảo đảm rằng bóng người đó cầm một con dao trước khi tới bên chiếc bàn cà phê?
Burger nói:
– Xin phản đối kiểu hỏi đáp như đã diễn ra hàng chục lần vừa rồi.
– Nhân chứng được phép trả lời câu hỏi này – Chánh án Markham phán quyết, vừa nói ông vừa ngả người về phía trước nhìn Duncan trừng trừng.
– Vâng – Duncan nói – Ông ta có cầm một con dao.
– Ông bảo đảm tính đồng nhất của bóng người mà ông đã nhìn thấy?
– Tôi bảo đảm.
– Đó chính là bị cáo?
– Phải.
– Ông ta ăn mặc thế nào?
– Chỉ có áo ngủ.
– Bàn chân để trần?
– Phải.
– Ông ta cách ông bao xa khi ông nhìn rõ ông ta lần đầu tiên?
– Ông ta đi ngang qua cửa sổ phòng tôi.
– Và đổ bóng lên mặt ông?
– Phải.
– Nhưng lúc đó ông không thể nhìn rõ ông ta. Ông đang ở trên giường và vừa mới thức dậy sau một giấc ngủ say, đúng không?
– Đúng.
– Ông ta ở cách bao xa khi ông nhìn thấy ông ta một cách minh bạch lần đầu tiên?
– Tôi không thể nói chính xác được.
– Ông có thể chỉ trên bản đồ không?
– Được, ông ta ở khoảng chỗ này.
Mason đánh dấu vị trí bằng phấn màu, sau đó đối chiếu với tỉ lệ kích thước bản đồ:
– Nói cách khác, ông ta cách xa vào khoảng mười mét rưỡi.
– Vâng, có thể là như thể.
– Ông ta quay lưng lại phía ông?
– Phải, tôi tin là thế.
– Nhưng ông vẫn nhận ra ông ta?
– Tôi nhận ra ông ta.
– Ông hiểu tầm quan trọng của lời khai theo kiểu chính xác tuyệt đối chứ?
– Tôi hiểu.
– Ông hiểu mức độ nghiêm trọng của cuộc xét xử này chứ?
– Chắc chắn.
– Nhưng ông vẫn sẵn sàng thề quyết rằng bóng người mà ông nhìn thấy – mặc áo ngủ, đi xa dần, cách mười mét rưỡi – chính là bị cáo?
– Tôi thề quyết như vậy.
– Khi trỗi đậy ông có xem đồng hồ lớn phải không?
– Phải.
– Và xem lại lần nữa khi trở lại giường?
– Phải.
– Lúc ông trỗi dậy là mấy giờ?
– Ba giờ đúng.
– Lúc ông trở lại giường là mấy giờ?
– Ồ cũng khoảng giờ đó thôi. Chuyện xảy ra không quá ba mươi giây.
– Lần thứ hai, ngay trước khi lên giường lại, ông có chú ý đến kim đồng hồ?
– Có.
– Thật ra có phải là mười hai giờ mười lăm không?
– Không.
– Thoạt tiên khi kể lại những gì mình đã nhìn thấy, có phải ông đã xác định thời điểm là mười hai giờ mười lăm?
– Rất có thể tôi đã nói như thế.
– Lúc đó những hồi tưởng của ông còn sinh động và mới mẻ hơn bây giờ, phải không?
– Không.
– Không à?
– Không.
– Tôi hiểu rằng sự hồi tưởng của ông theo thời gian ngày càng trở nên sinh động hơn trước?
– Trong trường hợp này, điều ấy đúng.
– Bởi vì khi biết được án mạng ắt phải xảy ra vào khoảng ba giờ sáng, ông đã giao hoán vị trí các cây kim đồng hồ trong đầu để trong vụ án này ông có thể làm nhân chứng chói sáng và…
Chánh án Markham gõ búa:
– Luật sư bào chữa, tôi thiết nghĩ chi tiết nhân chứng chói sáng không cần thiết.
– Tôi muốn chứng minh động cơ của nhân chứng.
– Không phải thế! – Duncan kêu lớn – Lúc này tôi biết lúc đó đúng là ba giờ sáng. Không thể nào là mười hai giờ mười lăm được.
– Thị lực của ông tốt không? – Mason hỏi.
– Rất tốt.
– Và vẫn tốt vào sáng ngày mười bốn?
– Chắc chắn.
– Hôm đó ông có mang kính phải không?
– Tôi mang kính ba mươi lăm năm nay rồi.
– Và ông vẫn mang kính trong suốt thời gian được đề cập đến trong lời khai của ông?
– Phải.
– Khi trỗi dậy để nhìn ra cửa sổ ông đã lấy kính đeo lên mắt phải không?
– Không… À có, hình như thế. Ắt là phải như thế.
– Tại sao ông đeo kính lên mắt?
– Tất nhiên là để nhìn.
Một lần nữa tiếng cười khúc khích chạy lan khắp phòng xử, nhưng lần này thái độ trang trọng của Perry Mason khiến cho tiếng cười tắt nhanh trước khi trật tự viên tòa án kịp ra tay vãn hồi trật tự.
Mason tiếp tục:
– Nói cách khác, khi bị đánh thức vì kẻ lang thang bên ngoài phòng giữa lúc đêm hôm khuya khoắt, việc đầu tiên của ông sau khi thức giấc là đeo kính lên mắt để có thể nhìn rõ hơn, có đúng không?
– Hừm, như vậy có gì đáng trách đâu?
– Không có gì đáng trách cả, ông Duncan, tôi chỉ hỏi việc ấy có xảy ra hay không mà thôi.
– Có, chắc là có.
– Nói cách khác, ông biết nếu không có kính, mắt ông trở nên vô giá trị.
– Tôi không nói thế.
– Không – Mason mỉm cười – Ông không nói thế, nhưng hành động của ông đã nói rõ hơn lời nói. Ông đeo kính lên mắt vì ông biết nếu không ông sẽ chẳng nhìn thấy gì. Có đúng không?
– Tôi biết kính sẽ giúp tôi trông nhìn.
– Ông biết nếu không có kính thì dù xa hay gần ông cũng không trông rõ, có phải không?
– Hừm, mắt của tôi có kính thì trông rõ hơn không có kính rất nhiều.
– Nếu có kính thì thị lực cua ông khá tốt chứ?
– Ồ, đúng rồi.
– Ông nói được là hoàn hảo chăng?
– Tôi nói là binh thường.
– Bình thường một cách hoàn hảo phải không?
– Nếu ông muốn diễn tả như vậy, tôi xin trả lời: phải.
– Thế thì – Mason trỏ thẳng vào mặt Duacan – tại sao ngay sau khi ông báo cáo với Luật sư biện lý về những gì đã nhìn thẩy, ông lại được gởi gắm đến bác sĩ nhãn khoa để thay mắt kính mới?
Burger kêu to:
– Ông ta không hề được mách bảo để làm bất cứ chuyện gì như thế! Tôi không bằng lòng kiểu nói bóng gió ấy!
– Tại sao ông làm như thế? – Mason hỏi Duncan.
– Tôi không nói là tôi có làm chuyện đó.
Mason đập mạnh tay xuống bàn luật sư:
– Tôi nói ông có làm. Tại sao ông làm như thế?
Duncan vặn vẹo người một cách lúng túng:
– Đựợc rồi, vì tôi cần làm, có thế thôi.
– Tại sao ông phải cần?
– Tôi đã cần từ lâu nhưng chưa có dịp làm. Tôi bận quá. Ông hiểu, tôi là một luật sư rất bận rộn.
– Ồ, ôg đã hoãn việc ấy lại một thời gian?
– Phải.
– Ông rất bận?
– Phải.
– Ông rất bận từ bao lâu rồi?
– Cả năm trời.
Vậy là ông đã hoãn việc thay mắt kính mới cả năm trời rồi, phải không?
– Phải… à không, tôi không có ý nói thế.
– Đừng bận tâm ý ông muốn nói gì. Điều quan trọng là các sự kiện của vụ án. Ông đã hoãn việc thay mắt kính mới được bao lâu rồi?
– Tôi không biết.
– Ông thay mắt kính lần cuối cùng khi nào, tính đến trước ngày mười bốn tháng vừa qua?
– Tôi không thể nói được.
– Dễ đến năm năm về trước chứ?
– Tôi không biết.
– Hay mười năm về trước?
– Tôi không nghĩ thế.
– Sau khi báo cho với luật sư biện lý những gì đã nhìn thấy, việc đầu tiên của ông là đi đến bác sĩ nhãn khoa và thay mắt kính mới, đúng không?
– Đó không phải là việc đầu tiên tôi đã làm.
– Gần như là việc đầu tiên ông đã làm, phải không?
– Tôi không biết.
– Vào chiều hôm đó phải không?
– Phải, vào chiều hôm đó.
– Ông có gặp bác sĩ nhãn khoa trong phòng mạch vào chiều hôm đó không?
– Có.
Mason mỉm cười tàn nhẫn:
– Ông Duncan, ông gặp bác sĩ nhãn khoa ở đó vì ông đã gọi điện hẹn trước với ông ta, có đúng không?
Duncan do dự một lúc rồi nói:
– Không, tôi không gọi điện cho ông ta.
Mason nhíu mày mấy giây đồng hồ rồi hỏi với vẻ đắc thắng:
– Ai đã gọi điện cho ông ta?
Luật sư Sam Blaine đứng phắt lên:
– Thưa quý Tòa, xin phản đối. Câu hỏi ấy bất hợp lệ và ngoài lề. Ai đã gọi điện cho bác sĩ nhãn khoa, điều ấy không có quan hệ gì.
– Có quan hệ chứ, xét theo những câu trả lời mà nhân chúng đã đưa ra cho những câu hỏi ấy – Perry Mason đáp – Nhân chứng này vốn là một luật sư. Tôi có quyền bắt bẻ lời khai của ông ta bằng cách vạch rõ thị lực của ông ta vào thời điểm có quan hệ đến vụ án. Nhân chứng này đã thừa nhận rằng mình cần mang kính và cũng thừa nhận rằng cặp mắt kính mà ông ta đã mang không còn thích hợp nữa và tình trạng không thích hợp đó đã kéo dài cả năm trời. Tôi cũng có quyền chứng minh chiều hướng và sự quan tâm của ông ta đã lộ rõ dần qua các câu trả lời có tính chất tránh né.
Chánh án Markham tuyên bố:
– Nhân chứng được phép trả lời câu hỏi đã nêu. Ông Duncan, ai đã gọi điện cho bác sĩ nhãn khoa, nếu ông biết?
Bằng giọng chỉ vừa đủ nghe, Duncan nói:
– Ông Blaine.
– Ông luật sư trợ lý công tố viên – Mason chất vấn – người vừa mời dõng dạc phản đối cho rằng câu hỏi của tôi là bất hợp lệ và ngoài lề ư?
Tiếng cười ầm vang khắp phòng xử. Chánh án Markham cau mày nhưng rồi cũng tự cho phép mình hé một nụ cười nửa miệng. Sau đó ông xem đồng hồ và nghiêm nghị nói:
– Luật sư, thôi đủ rồi. Đã gần đến giờ tạm hoãn phiên tòa. Thiết nghĩ hôm nay chúng ta đã tiến được rất xa. Tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai và xin ủy thác quý vị bồi thẩm dưới sự giám sát của ngài quận trưởng, người có trách nhiệm tiếp quản họ, không cho phép bất cứ ai đến gần hoặc nói chuyện với họ, chính ngài quận trưởng cũng không được trao đổi gì với họ trừ những vấn đề không có liên hệ cách này hay cách khác với vụ án. Tòa tạm đình đến mười giờ sáng ngày mai.
——————————–
1 Thuật ngữ tòa án bằng tiếng La Tinh có nghĩa là sự kiện phạm pháp, khẳng định đơn thuần một điều là đã có án xảy ra, sau đó cần phải có các nhân chứng để xác định mức độ phạm tội.