Từ nơi nào đó trong nhà vẳng đến tiếng đồng hồ điểm chín giờ. Duncan đang nói chuyện. Hơn mười lăm phút qua lão vẫn đang “phác họa vị trí của thân chủ mình”. Maddox, lưng gù, gò má cao, ngồi yên lặng, mắt nhìn đăm đăm xuống mũi giày, trong cử chỉ ấy cũng có nét thủ đoạn. Kent vặn vẹo các ngón tay, vẻ sốt ruột. Bên phải ông là cô thư ký Helen Warrington tay cầm sẵn bút chì. Tiếng chuông đồng hồ vừa dứt thì Duncan cũng ngừng nói.
Mason hỏi cô thư ký:
– Cô Warrington, đoạn cuối cùng ra sao?
Cô gái nhìn vào cuốn sổ và bắt đầu đọc: “Xét rằng hai bên liên hệ cùng muốn ổn định và chỉnh đốn một cách dứt khoát nhưng vấn đề thuộc về việc hợp tác nói trên, hai bên cùng muốn bãi miễn cho nhau mọi quyền đòi buộc thuộc mọi loại, mọi bản chất và dưới mọi hình thức khả dĩ có thể phát sinh vì bất cứ một lý do nào…”
– Đó chính là điểm tôi đang muốn nói rõ – Duncan đường đột cắt ngang – Thân chủ của tôi chỉ bãi miễn quyền đòi buộc nào có được với tư cách người hợp tác. Bản văn vừa đọc bao gồm mọi quyền. Mục đích duy nhất của cuộc thương lượng này là ổn định công việc hợp tác làm ăn. Thân chủ tôi…
Mason không nhịn được, bèn ngắt lời:
– Quyền đòi buộc nào của thân chủ ông đối với Peter Kent mà không phải là quyền đòi buộc về mặt hợp tác?
– Tôi không biết – Duncan đáp.
– Thế thì bãi miễn toàn bộ cùng chẳng hề gì.
Duncan phản công một cách nghi hoặc.
– Nếu thân chủ tôi không có quyền đòi buộc nào khác thì cần gì phải bãi miễn toàn bộ?
– Tôi muốn làm sáng tỏ điểm này để giữ mãi về sau. Nếu thân chủ ông có bất cứ quyền đòi buộc nào khác đối vời ông Kent, xin thân chủ ông hãy nói ra.
– Đừng trả lời! Đừng trả lời – Duncan quay sang nội với Maddox – Cứ để tôi nói chuyện.
Mason thở dài. Duncan rút khăn mùi xoa ở túi áo ngực ra lau cặp kính hai tròng. Mason lấy một lá thư trong tập hồ sơ nằm trên bàn trước mặt Kent và nói:
– Đây là một lá thư do ông Maddox ký. Chắc ông chẳng còn lạ gì chữ ký của thân chủ ông. Trong thư ông Maddox tuyên bố…
Duncan vội vã đón lá thư. Lão giơ thẳng tay cầm tờ giấy ở trước mắt, mặt hơi ngửa lên để có thể nhìn qua tròng kính bên dưới. Đọc thư xong, lão miễn cưỡng trả lại cho Mason và nói:
– Thư này được viết trước khi ông Maddox ý thức được các quyền lợi pháp lý của mình.
Mason đứng lên:
– Thôi xong. Tôi không thích cuộc nói chuyện của chúng ta cứ diễn tiến theo kiểu này. Thân chủ của ông phải ký giấy bãi miễn toàn bộ mọi quyền đòi hỏi đối với ông Kent, hoặc đừng mong nhận được một xu nào. Còn nếu ông muốn lý sự cùn để đi đến một thỏa thuận có lợi cho thân chủ ông thì ông cứ việc làm.
Maddox rời mắt khỏi mũi giày và nhìn thoáng qua Duncan. Ông ta định nói gì đó nhưng kìm lại được và cứ ngồi yên nhìn luật sư của mình. Duncar đỏ mặt lên vì tức giận, nhưng lão ta hỉểu cái nhìn trong mắt Maddox.
– Nếu ông vui lòng chờ một chút – Lão nói – Tôi xin được hội ý với thân chủ tôi.
Lão xô ghế đứng lên. Hai người đưa nhau ra khỏi phòng. Bác sĩ Kelton từ đầu vẫn ngồí gần bàn để quan sát vẻ mặt của Kent, ông nhấc điếu xì gà ra khỏi miệng để vừa đủ nói kịp một câu: “Ôi, luật sư các anh!”
Mason cằn nhằn:
– Thật đáng đời tôi khi tự dây mình vào cuộc cãi cọ vì một bản họp đồng khốn kiếp. Nghề chuyên môn của tôi là các vụ án giết người kia mà. Trí khôn tôi cất đâu để đến nỗi tôi phải chạy ra khỏi phạm vi của mình?
Bỗng nhiên Kent bắt đầu co giật. Cơn co giật khởi đầu từ khóe miệng lan đến mắt. Ông đưa tay lên mặt để trấn áp cơn co giật, nhưng tay cũng bắt đầu run. Bác sĩ Kelton nheo mắt lại chăm chú quan sát thân người đang run lẩy bẩy. Bằng một cố gắng thấy rõ, Kent tự chủ lại được. Cơn run rẩy ngừng lại. Ông rút khăn mùi xoa tvong túi áo ra lau trán.
– Đừng trả cho hắn một xu nào – Ông nói – nếu ông không đạt được mức bãi miễn đã nêu ra. Hắn là tên lừa đảo, gian tham…
Cửa mở ra. Người quản gia đứng bên ngoài nói vọng vào:
– Mời ông Mason nghe điện thoại.
Mason ra khỏi phòng và theo người quản gia đi dọc hành lang dẫn đến một căn phòng nhỏ đặt máy điện thoại có lắp kính cách âm. Ông nhấc máy nói: “Sao”. Tiếng Della Street trả lời:
– Paul Drake đang ở văn phòng với bản báo cáo gởi về từ Chicago. Jackson cũng vừa gọi về theo đường dây từ Santa Barbara. Nói chuyện với Paul xong, xin ông giữ máy để em nối dây cho Jackson.
Mason nói: “Được”. Có tiếng nút bật lách tách và giọng của Paul Drake vang lên:
– Chào ông Perry. Có chút ít tin tức về Chicago Frank B. Maddox đang bị khốn đốn ở đó. Ông ta mở Công ty chế tạo Maddox nhưng tiền vốn rõ ràng là của một ông Peter B. Kent nào đó. Công việc khởi đầu từ con số không, nay đã thành một cơ sở công nghiệp nho nhỏ. Ông Kent đứng đàng sau. Ông Maddox điều hành công việc. Hai tháng trước bà vợ góa của ông James K. Fogg đâm đơn kiện Maddox. Bà ta nói ông Fogg chồng bà đã phát minh ra chiếc máy xoáy van mà hiệu đang là sản phẩm duy nhất của Công ty chế tạo Maddox. Chuyện dài lắm. Tôi chỉ xin nêu mấy điểm chính. Khi Fogg sắp chết vì bệnh lao, Maddox đứng ra với tư cách một người bạn để lo cho công trình sáng chế kia. Ông ta đem cái mẫu máy của Fogg đi nhận bằng sáng chế đề tên mình và đưa bằng sáng chế vào Công ty chế tạo Maddox mà không hề nói gì với Fogg về tất cả những việc đó, Fogg chết. Mấy tháng trước khi chết Fogg không ở với vợ, nhưng sau đám tang bà vợ lục lọi các giấy tờ cũ và tìm được đủ tài liệu để hiểu ra sự vụ. Bà điều tra và đâm đơn kiện. Maddox lảng tránh vụ thưa kiện này. Nay bà đã được cấp lệnh thu hồi tài sản và đang truy tìm Maddox để đưa trát đòi hầu tòa. Bà chưa lần ra chỗ ở của ông ta. Văn phòng thám tử mà tôi thuê để tìm hiểu về Maddox ở Chicago cũng được các luật sư của bà Fogg nhờ truy tìm ông ta để đưa trát đòi hầu tòa.
Mason hỏi:
– Anh có cho họ biết Maddox đang ở đâu không?
– Không. Tôi muốn lắm. Có được phép không?
– Anh xử sự đúng lắm – Mason vui vẻ nói – Cứ kể hết cho họ nghe. Họ sẽ xoay sở để đưa trát hầu tòa và thu hồi tài sản tại đây. Họ càng ra tay sớm càng tốt cho tôi.
– Được – Giọng Drake lè nhè – Một tin khác nữa: Chiếc xe Packard màu xanh không mui hai chỗ ngồi là xe riêng của Doris Sully Kent ở Santa Barbara.
Giọng Della Street chợt xen vào đường dây:
– Xin chờ một chút, thưa xếp. Jackson đang chờ máy. Em sẽ nối dây cho ông.
Giọng Jackson lạc đi vì xúc động:
– Sự việc ở đây rối mù cả lên.
– Sao?
– Giấy ly hôn tạm thời đã được cấp đúng một năm trước, vào ngày mười ba. Nhóm luật sư của bà Kent là các ông Hudson, Reynolds và Hunt. Hudson chịu trách nhiệm vụ án này, nhưng mới sáng nay đã bị bà Kent cho thôi việc. Ba ta chọn một luật sư khác ở Los Angeles để tiếp tục lo việc.
– Giấy ly hôn tạm thời được cấp vào ngày mười ba?
– Vâng.
– Chắc chắn chứ?
– Chắc một trăm phần trăm. Tôi đã kiểm tra ở sổ lưu.
Mason hỏi:
– Anh tìm ra chỗ ở của bà Kent chưa?
– 1325 a, đường Cabrillo.
– Được rồi, Jackson. Tôi cần nhờ anh việc này: Kiếm một chỗ nào đó đậu xe và quan sát căn nhà của bà Kent cho đến khi tôi phái người đến bảo anh lui. Bà ta có chiếc xe Packard màu xanh lá cây không mui hai chỗ ngồi. Theo dõi sát nếu bà ta đi ra và ghi số xe của tất cả mọi người tìm đến nhà này. Quá nửa khuya một chút tôi sẽ cho người tới anh.
Mason gác máy và trở vào văn phòng. Duncan đang bối rối bẻ cong điếu xì gà trên miệng, đôi mắt nghi hoặc nằm dưới đám lông mày chổi xể. Lão nói:
– Tôi thiết nghĩ có thể dàn xếp được. Thân chủ tôi cho rằng ông Kent, có lẽ vì vô tình, đã đem phát tán một vài tài sản hợp tác rất giá trị mà không hề hỏi ý kiến thân chủ tôi, các bằng sáng chế đáng giá.
– Dẹp đi – Mason ngắt lời – Ông đã nói điều ấy ít nhất năm lần rồi kể từ khi bắt đầu cuộc thương lượng này.
Duncan ngửa mặt lên và cau có nhìn Mason qua tròng kính bàn dưới:
– Tôi không ưa cái giọng và lời bàn của ông.
Mason lặng thinh. Lão nói tiếp:
– Nếu được thêm mười ngàn, thân chủ tôi sẽ ký bãi miễn toàn bộ.
Kent định nói gì đó, nhưng Mason ra hiệu ngăn lại.
– Tôi phải bàn với thân chủ tôi về điểm này. – Mason nói.
– Tốt lắm, ông có cần tôi lui ra ngoài không?
– Chúng tôi không quyết định ngay được đâu vì phải bàn cho thật kỹ. Xin gặp lại ông tối mai cũng vào giờ này.
– Thiết tưởng chúng ta đã sẵn sàng kết thúc vấn đề một cách thân ái. – Duncan phản đối.
Mason không nói gì. Một lát sau, Duncan nhận định:
– Thôi được tối hậu là như thế, tôi đành phải chờ thôi, biết làm sao được.
– Phải, tối hậu là như thế.
Duncan ung dung quay gót. Lão đừng lại ở ngưỡng cửa một khoảnh khắc vừa đủ để “chúc ngủ ngon” giọng nói không che giấu được sự thất vọng, sau đó đóng sầm cửa và cùng thân chủ của mình đi vào hành lang.
Kent nói:
– Khốn nạn! Ông Mason, tôi muốn dứt điểm đi. Tiền bạc không thành vấn đề, miễn sao xong việc…
– Được – Mason ngắt lời – Tôi xin báo ông rõ: Maddox là tên lừa đảo. Ngày mai ta sẽ đâm đơn kiện Maddox viện lẽ hắn đã lừa gạt ông bằng cách giả danh là chủ nhân và người sáng chế chiếc máy xoáy van Maddox. Chẳng phải chủ nhân, cũng chẳng phải người sáng chế, hắn đã lừa gạt ông Fogg là nhà phát minh thật để lấy mẫu máy. Ông hãy yêu cầu kết toán sổ sách, chỉ định người nhận công việc ở Chicago và hất cẳng Maddox cùng Duncan.
– Ông bảo rằng Frank không hề phát minh ra chiếc máy?
– Đúng như thế. Hắn đã đánh cắp toàn bộ công trình.
– Khốn nạn thật, tôi sẽ cho hắn ở tù! Tôi sẽ cho hắn biết tay! Tôi sẽ đi gặp hắn ngay bây giờ và…
– Bỏ chuyện ấy đi – Mason xen vào – Có cái cần hơn đây này. Ba Fogg đang thưa kiện Maddox ở Chicago và đang ráo riết tìm hắn để trao trát đòi hầu tòa. Hắn dông đến đây, tìm mọi cách để vòi ông, vơ lấy tiền và bỏ trốn. Nếu ông làm động, bà Fogg sẽ không bao giờ thu hồi được tài sản của mình. Ông nên kéo dây dưa để giữ chân hắn trong nhà này để người của bà Fogg kịp đưa trát tòa đến. Còn lắm chuyện khác nữa. Vợ ông đã tống khứ nhóm luật sư sư Santa Barbara và thuê một người khác ở Los Angeles đây. Tay luật sư mới này phải mất ít nhiều thời gian trước khi thật sự bắt tay vào việc. Giấy ly hôn tạm thời đã được cấp vừa tròn một năm? Như vậy là sáng mai tôi đã có thể vào tòa – nếu tôi nhanh chân hơn đám luật sư của bà ta – để lấy giấy ly hôn chính thức. Hễ có giấy, ông cứ việc cưới vợ khác một cách hợp pháp.
– Không cần chờ ba ngày thông báo à?
– Ở tiểu bang này thì phải chờ, nhưng ở Arizona thì không cần. Lát nữa tôi sẽ đưa ông ký mấy thứ giấy cần thiết để xin ly hôn chính thức. Đương nhiên tòa sẽ chấp thuận theo đúng thủ tục. Ông và cô Mays cứ bay sang Arizona và chờ cho đến khi tôi gọi điện báo rằng đã có giấy ly hôn chính thức. Lúc ấy cứ việc cưới. Cuộc hôn nhân ấy sẽ hợp pháp.
– Có cần phải vội vã như thế không? Cô Mays cần có thời giờ thu xếp và…
– Ông phải biết – Mason thốt lên – nếu bà Kent đem nộp các giấy tờ kia thì ông không có quyền cưới vợ khác, mà đành phải chờ cho đến khi tòa bãi nại. Nhưng nếu ông đánh nước trên, xin được giấy ly hôn chính thức và cưới vợ khác, thế đứng của ông sẽ không lay chuyển được nữa.
Kent đứng bật dậy, đi ra cửa và nói:
– Helen, cô phải đi giữ chỗ máy bay ngay cho tôi.
Và hai người rời khỏi văn phòng.
Mason quay sang bác sĩ Kelton:
– Nào, Jim, cậu nghĩ sao về ông ta?
Bác sĩ Kelton rít nhanh một hơi thuốc, gương mặt đăm chiêu. Ông nhấc điếu xì gà ra khỏi miệng và nói:
– Perry, tôi cóc hiểu ra chuyện gì! Ông ta đóng kịch đầt!
– Chuyện run giật ấy hả?
– Ừ…
– Té ra đó không phải là triệu chứng thác loạn thần kinh?
– Đúng như anh nói. Các cơ liên kết với nhau co thắt liên tục không kềm chế nổi, bệnh này có cái tên thông thường là Tic. Những biến đổi thoái hóa trong não làm chấn thương các dây thần kinh mặt; ngoài điểm đó ra, bệnh Tic không hề gây đau đớn. Ở ông Kent, không phải là bệnh Tic. Quan sát kỹ, tôi dám thề rằng ông ta chỉ giả vờ.
– Nhưng tại sao Kent phải giả vờ mắc bệnh thần kinh? Chính ông ta đang ra sức phủ nhận lời bà vợ cho rằng ông ta điên. Chính ông ta đang cố gắng chứng tỏ mình là người lành mạnh, tỉnh táo. Vì lẽ đó ông ta yêu cầu mình đưa cậu đến đây.
Kelton lắc đầu:
– Chính ông ta đề nghị anh đưa bác sĩ đến quan sát sao?
– Phải. Có lẽ cô cháu gái có dính dáng vào, nhưng lời đề nghị…
Kelton chậm rãi nói:
– Ông ta nhờ anh đưa tôi đến đây để có thể đóng kịch ngay trước mặt tôi. Như hầu hết những người không biết gì về y học, ông ta quá cường điệu khi tưởng mình có thể đánh lừa được bác sĩ. Rất có thể ông ta đủ khả năng dẫn dắt một vị bác sĩ đa khoa đi đến chỗ chẩn bệnh lầm, nhưng cái kiểu run giật ấy không che mắt nổi một nhà phân tâm học.
– Vậy ông ta dựng lên chuyện đó để làm gì? – Mason hỏi.
Bác sĩ Kelton nhún vai:
– Còn vụ mộng du thì sao? Có cho ta thấy được điều gì không?
– Phải chăng anh muốn hỏi mộng du có phải là triệu chứng lệch lạc thần kinh?
– Phải.
– Không, mộng du là do cảm xúc bị ức chế, các ý tưởng được liên kết với cá nhân một cách vô tổ chức. Mộng du không phải là dấu hiệu thần kinh bị lệch lạc, mà gần gần giống hình thức thôi miên trong đó tiềm thức đóng vai trò khơi gợi.
– Người mộng du trở nên năng động hơn vào độ trăng tròn, có đúng không?
– Đúng.
– Tại sao thế?
– Thành thật mà nói, chúng tôi không biết.
Mason cười:
– Vụ này lạ đấy chứ, thân chủ trả tiền để nhờ tôi chứng minh cho mình là người tỉnh táo, và rồi đóng kịch giả làm kẻ dại khờ.
Bác sĩ Kelton nhấc điếu xì gà ra khỏi miệng và lạnh lùng nói:
– Chưa kể cái thói quen dễ thương của ông ta: đêm đêm cầm dao đi dạo quanh nhà.