Dạy Con Làm Giàu – Tập 13

CHƯƠNG 7



IQ tài chính #5: Cải thiện thông tin tài chính

Tháng 1 năm 1972, tôi được chuyển đến trại Pendleton ở California và làm nhiệm vụ là lái máy bay trợ không. Nó hộ tống cho những máy bay chở lính lớn hơn. Tiểu đội của tôi gồm đa số là máy bay chở lính, những chiếc hai động cơ như CH-46 và CH- 53, còn được gọi là Những người khổng lồ xanh đáng yêu. Nếu vùng giao tranh ngập trong lửa đạn, nhiệm vụ của máy bay trợ không là bảo vệ cho những máy bay chở lính nằm ở đó. Nó tốt hơn là làm phi công cho máy bay chở lính. Lái máy bay chở lính cần phải cực kỳ dũng cảm. Họ lái trực thăng lớn vào vùng giao tranh và ở đó chỉ để đợi binh lính lên hoặc xuống.
CÔNG VIỆC TỐI MẬT

Nhiệm vụ thứ hai của tôi là trợ lý cho chuyên viên thông tin mật của tiểu đoàn. Đó là một công việc cực kỳ thú vị. Những giờ cuối ngày, chúng tôi thường ngồi lại, lắng nghe, quan sát, thu thập và xử lý những thông tin mật. Định kỳ, chúng tôi báo cáo cho chỉ huy và nhóm của ông ta. Công việc của tôi là thu thập những dữ liệu thô và biến chúng thành những thông tin có ích.
NHỮNG THÔNG TIN MANG TÍNH SỐNG CÒN

Là một nhân viên thông tin, tôi học được cách tôn trọng giá trị do thông tin mang lại. Trước kia, tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Khi còn đi học, tôi cho là việc nghiên cứu thông tin là một trò hề. Đối với tôi, thông tin chỉ đơn thuần là những sự kiện và con số vô nghĩa, những ngày giờ cần phải học thuộc để đậu kỳ kiểm tra. Khi tôi làm phi công, thông tin trở nên quan trọng hơn. Nó có thể sẽ quyết định sự sống hoặc cái chết cho những người bạn cùng bay với tôi.

Giờ đây tôi trở thành một doanh nhân và nhà đầu tư tốt hơn là nhờ tôi từng làm nhân viên thông tin, tôi tin vậy. Ngày nay, tôi hiểu rằng thông tin có thể quyết định đến việc sống hay chết tại chiến trường và giàu hay nghèo trong thương trường.
THÔNG TIN QUAN TRỌNG HƠN CẢ TÍNH MẠNG

Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi được đào tạo cách xử lý hàng tá thông tin và khả năng ra quyết định trong tíc tắc dưới áp lực cao độ. Nếu làm tốt công việc xử lý thông tin, chúng tôi toàn mạng. Nếu không, chúng tôi đánh cược mạng sống của mình. Khi tôi hiểu rằng mạng sống của tôi và những người khác phụ thuộc vào chất lượng những thông tin tôi nhận được, nó (thông tin) trở nên quan trọng hơn cả mạng sống của tôi.
TÀI SẢN QUAN TRỌNG NHẤT
Một người bạn của tôi, một học giả về Kinh Thánh, thường nói rằng, “Không có kiến thức, loài người sẽ tàn lụi.” Ngày nay, nhiều người đang “tàn lụi” vì không có kiến thức về tài chính. Chúng ta dang sống trong Thời đại Thông tin. Ngay cả ở những nơi xa xôi nhất, tôi bắt gặp những người trẻ đang nhắn tín điện thoại trong lúc di chuyển trên xe kéo bằng lừa. Chưa bao giờ thế giới lại có thể kết nối nhanh đến vậy.

Thông tin chính là tài sản lớn nhất trong thời đại này. Trong những thời dại trước, có nhà máy, trại chăn nuôi gia súc, mỏ vàng, giếng dầu, hoặc những tòa nhà chọc trời, bạn được xem là giàu. Trong Thời đại Thông tin, chỉ cần có thông tin thôi là bạn đã có thể làm giàu. Bạn không cần phải có những thứ tài sản hữu hình như là đất đai, vàng hay dầu mỏ. Những doanh nhân trẻ tạo ra MySpace và YouTube đã chứng minh điều đó. Chỉ cần một ít tiền, thông tin cộng với sức mạnh của công nghệ, những con người chỉ mới hai mươi tuổi này đã trở thành triệu phú.

Tương tự, thông tin tồi hay thông tin nhầm lẫn là một thứ tiêu sản. Thông tin tồi khiến chúng ta nghèo đi. Một trong những lý do mà nhiều người gặp khó khăn về tài chính là bởi vì họ tiếp thu những thông tin lỗi thời, mang định kiến hoặc sai lạc vào não mình, thứ tài sản quan trọng nhất. Nhiều người gặp khó khăn về tài chính là do họ sử dụng những thông tin của Thời đại Công nghiệp và Nông nghiệp trong Thời đại Thông tin. Những thông tin của Thời đại Công nghiệp như là, “Tôi cần một sự giáo dục tốt để có công việc lương cao.” Ví dụ về thông tin của Thời kỳ Nông nghiệp là, “Đất đai là nguồn gốc của mọi của cải.”
BỐN GIAI ĐOẠN CỦA LOÀI NGƯỜI

Có bốn giai đoạn trong lịch sử kinh tế của loài người:

1. Thời kỳ Săn bắt – Hái lượm. Trong giai đoạn này, thiên nhiên cung cấp mọi của cải. Các bộ lạc săn thú lấy thức ăn. Nếu bạn biết săn bắt và hái lượm, bạn có thể tồn tại. Nếu không, bạn sẽ chết. Trong xã hội, mọi người đều bình đẳng. Thủ lĩnh của bộ lạc không có tiêu chuẩn sống cao hơn những người còn lại. Ông ta có thể được ăn trước và cưới nhiều vợ hơn nhưng về cơ bản, lửa là lửa và hang động là hang động, về mặt tiền bạc, chỉ có duy nhất một nhóm người. Mọi người đều nghèo.

2. Thời kỳ Nông nghiệp. Khi loài người biết cách trồng trọt và thuần hóa thú rừng, đất đai trở thành tài sản. Đất đai do vua chúa sở hữu, những người khác làm thuê trên đó và đóng thuế cho hoàng gia. Đó là lý do tại sao từ “real estate” (bất động sản) dịch sát nghĩa là “royal estate” (đất của nhà vua). Khi thú rừng được thuần hóa, hoàng gia cưỡi ngựa còn nông dân thì đi bộ. Đó cũng là lý do tại sao từ “peasant” (nông dân) có nguồn gốc từ những chữ có nghĩa đại khái là hoàng gia thì cưỡi ngựa còn nông dân thì đi bộ. Nông dân không sở hữu gì cả. Xã hội tồn tại hai nhóm người, người giàu và nông dân.

3. Thời đại Công nghiệp. Vào năm 1492, Christopher Columbus và các nhà thám hiểm khác lên đường tìm kiếm những tuyến đường thương mại, vừng đất và tài nguyên mới. Ở thời đại này, những nguồn tài nguyên như là dầu mỏ, đồng, thiếc và cao su trở thành tài sản. Cũng trong lúc này, có sự thay đổi trong giá trị bất động sản. Trong Thời đại Nông nghiệp, đất đai phải màu mỡ. để trồng trọt và chăn nuôi. Trong Thời đại Công nghiệp, đất đai phi nông nghiệp trở nên có giá hơn. Chẳng hạn như Henry Ford xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở Detroít bởi vì ông ta có thể mua những khu đất đá phi nông nghiệp không màu mỡ với một cái giá hời. Hiện nay thì đất sử dụng cho công nghiệp có giá hơn đất nông nghiệp. Xã hội xuất hiện một tầng lớp mới, tầng lớp trung lưu. Bấy giờ có ba nhóm người: người giàu, trung lưu và người nghèo.
4. Thời đại Thông tin. Thời đại này chính thức bắt đầu với sự phát minh ra máy vì tính kỹ thuật số. Trong thời đại này, thông tin được trợ giúp bởi kỹ thuật là một thứ tài sản và những nguồn tài nguyên phong phú và rẻ tiền, chẳng hạn như Silicon, tạo ra sự giàu có. Nói cách khác, cái giá để làm giàu đã rẻ đi. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự giàu có là cái có thể đạt được và dành cho tất cả mọi người, bất kể anh/cô ta sống ở đâu. Xã hội tồn tại bôn nhóm người: người nghèo, trung lưu, người giàu và siêu giàu. Bill Gates là ví dụ tiêu biểu nhất cho nhóm siêu giàu trong thời đại thông tin.
TẦNG LỚP SIÊU GIÀU

Ngày nay, tầng lớp siêu giàu có thể tạo ra tài sản trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Họ có thể là những người săn bắt hái lượm giàu có như người Maon ở New Zealand nhờ quyền đánh bắt cá. Họ cũng có thể là những người chủ trang trại hay nông dân giàu có của Thời kỳ Nông nghiệp hoặc những người sản xuất ôtô nhiều tiền của Thời đại Công nghiệp. Như có nói ở trên, đã xuất hiện những tỷ phú tuổi hai mươi trong Thời đại Thông tin, những người trẻ làm giàu với nguồn lực phong phú và ít tốn kém là công nghệ, thông tin và ý tưởng. Điểm chung ở họ là vai trò của thông tin trong việc phối hợp các nguồn lực được nâng lên một tầm cao và nhanh hơn so với trước đây. Chính sự phối hợp này tạo ra tầng lớp siêu giàu.
KHOẢNG CÁCH

Cùng lúc đó, có những người nghèo đi bởi vì thiếu thông tin hoặc là thông tin đã lỗi thời. Những bộ lạc bản xứ bị xóa sổ bởi vì rừng không còn nữa. Nông dân thì trở nên khánh kiệt còn những nhà sản xuất ôtô thì sa thải hàng ngàn lao động. Âm nhạc trên mạng đã làm biến mất dần những cửa hàng băng đĩa trước đây rất thịnh vượng.

Ở Mỹ, quốc gia giàu có nhất thế giới, chúng ta có hàng triệu người mắc nợ chồng chất, bám víu vào điểm tựa cuối cùng là công việc và lo lắng không biết làm thế nào để trang trải học phí cho con và kiếm đủ tiền cho khi về hưu. Hàng triệu người gặp khó khăn trên đất nước này bởi vì họ vẫn còn áp dụng những quy luật của Thời kỳ Săn bắt – Hái lượm, thời kỳ Nông nghiệp hay Thời đại Công nghiệp.

Thông tin tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa tầng lớp siêu giàu và những người còn lại. Nhưng mặt tích cực là thông tin có nhiều và miễn phí. Hiện nay, khá dễ dàng để chúng ta, thậm chí những người còn rất trẻ, đi từ con số 0 đến siêu giàu mà không cần phải có quá nhiều tiền. Để làm giàu bạn không cần phải giống như người Tây Ban Nha, vượt biển đến những vùng đất mới và chiếm đoạt của cải của người dân bản địa. Bạn không cần phải huy động hàng triệu đôla từ thị trường chứng khoán để xây nhà máy sản xuất ôtô và thuê hàng ngàn lao động. Ngày nay, chỉ cần có thông tin và máy vi tínhi không tốn kém lắm là bạn có thể từ nghèo trở nên giàu trong khi vẫn ngồi ở nhà. Tất cả cái bạn cần chỉ là thông tin thích hợp.
QUÁ TẢI THÔNG TIN

Như đã nói, mặt tích cực là thông tin có nhiều và miễn phí. Tuy nhiên, mặt tiêu cực cũng là thông tin có nhiều và miễn phí. Sự mỉa mai của Thời đại Thông tin là có quá nhiều thông tin. Người ta than phiền là họ bị quá tải thông tin. Vào bất cứ lúc nào, một người bình thường cũng có thể vừa xem tivi, lướt net, nói chuyện điện thoại trong khi lái xe qua những bảng quảng cáo điện tử. Trong những thời đại trước, không ai than phiền là có quá nhiều đất đai hoặc dầu mỏ. Nhưng ngược lại, trong Thời đại Thông tin, người ta lại than phiền là có quá nhiều thông tin và bị quá tải với chính cái tài sản mà có thể giúp họ trở nên siêu giàu.
TRÍ TUỆ QUÂN SỰ

Ở trong quân đội, tôi học được cách tôn trọng sức mạnh của thông tin. Tôi nhận thức sâu sắc được quyền năng sinh sát của nó. Sử dụng trí tuệ quân sự để chiến thắng không còn ý nghĩa đối với tôi nữa. Bây giờ, tôi thích sử dụng thông tin để cứu hơn là cướp sinh mạng.

Làm nhân viên thông tin, tôi cũng rơi vào tình trạng quá tải thông tin. Lượng thông tin chúng tôi phải xử lý trông đến chóng mặt. Rất mau chóng, chúng tôi phải học cách sắp xếp, phân loại, loại bỏ và xử lý khôi lượng thông tin khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu không làm như vậy, chúng tôi hoặc những người khác sẽ chết.
PHẦN LOẠI THÔNG TIN

Để xử lý tình trạng quá tải thông tin, nghệ thuật quân sự đã cố gắng nghĩ ra cách phân loại thông tin. Không được phân loại, mọi thông tin đều như nhau và gần như là vô dụng. Làm chuyên viên thông tin trong quân đội, tôi học được cách phân loại thông tin theo một số tiêu chí sau:

1. Thời gian. Trong chiến tranh và kinh doanh, thông tin có ích bây giờ có thể trở nên vô dụng một phút sau dó. Cuộc chiến là một thứ chất lỏng, luôn chuyển động. Kinh doanh và đầu tư cũng vậy. Đội quân của kẻ thù có thể ở nơi này hôm nay, hôm sau đã di chuyển đến một nơi xa hàng trăm dặm. Trong kinh doanh, lợi thế thương mại vô giá hôm nay có thể trở nên vô ích trong ngày hôm sau.

2. Độ tin cậy. Chúng ta phải biết là thông tin đến từ đâu. Nguồn của nó có đáng tin cậy hay không? Không may là, trong thế giới tiền bạc, đa số mọi người tiếp nhận thông tin từ những người họ làm chung hàng ngày hoặc những người bán hàng – những người cũng đang khôn đốn về tiền bạc. Họ có thể là những người tốt nhưng họ không phải là một nguồn thông tin đáng tín cậy.

3. Phân loại thông tin. Trong quân đội, tôi học được cách phân loại thông tin theo sự ưu tiên của nó. Ví dụ như, thông tin tối mật chỉ được cung cấp cho những người có quyền sử dụng nó.

Trong kinh doanh và đầu tư, thông tin tối mật còn được gọi là thông tin nội bộ. Khi một nhà đầu tư bình thường nghe đến nó, họ nghĩ đó là thông tin bất hợp pháp… thỉnh thoảng nó đúng là như vậy. Thông tin nội bộ là bất hợp pháp khi chúng ta nhận được chúng từ một người nào đó ở trong những công ty đại chúng và sử dụng chúng cho giao dịch cổ phiếu của mình.

Thực tế thì tất cả thông tin đều là thông tin nội bộ. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là bạn là “người ngoài” đến mức độ nào? Khi bạn biết được thông tin tốt về sản phẩm mới của một công ty hoặc những thông tin cho thấy công ty đang gặp khó khăn, những người trong cuộc và gần nguồn thông tin hơn đã thực hiện giao dịch dựa trên thông tin đó. Cuộc chiến đã kết thúc và nhà đầu tư bình thường đã thua thiệt.

Tôi muốn nói rõ là tôi không khuyến khích hoặc chấp nhận giao dịch bất hợp pháp của những người trong cuộc từ những thông tin mà họ có. Cái tôi muốn nói là tầm quan trọng của việc trở thành người trong cuộc và tiếp cập nguồn thông tin gần hơn nữa. Một trong những lý do mà tôi thích làm doanh nhân và đầu tư bất động sản là bởi vì tôi có thể giao dịch dựa trên những thông tin nội bộ một cách hợp pháp. Do không phải là một công ty đại chúng, tôi được quyền tự do nói cho bạn bè những điều mà mình biết và cách thức mà mình kinh doanh.

Trên thị trường chứng khoán, những người chuyên nghiệp biết rằng các nhà đầu tư không chuyên thường giao dịch dựa trên thông tin quá khứ. Đó là cách mà họ kiếm tiền từ những người không chuyên. Chẳng hạn như, một ông tên Trung Bình thức dậy buổi sáng, đọc báo, uống cà phê và cập nhật được thông tin công bố từ công ty đại chúng yêu thích của mình. Ông ta liền gọi cho môi giới hoặc lên mạng để đặt lệnh. Mặc dù thông tin chỉ mới công bố vài giờ trước đó, quý ông Trung Bình dã ở trong vị thế người thua cuộc. Ông ta đã trễ cuộc chơi mà không bao giờ ông ta được chào đón. Ông ta không phải là người ở trong cuộc. Ông ta chỉ là người ngoài cuộc.

Một trong những lý do chính mà người cha giàu khuyên tôi nên nâng cao sự thông minh tài chính là để tôi có thể tiếp cận những thông tin nội bộ. Càng gần nguồn thông tin nội bộ hơn, bạn càng trở nên giàu.

4. Thông tin suy luận. Quan sát thông tin của cuộc chiến thay đổi hàng ngày giúp chúng ta có thể diễn dịch thông tin quá khứ, hiện tại để dự đoán cho tương lai. Chẳng hạn như, nếu chúng ta biết được rằng kẻ thù ở đây vào ngày thứ Ba, ở chỗ khác vào ngày thứ Tư và một chỗ khác nữa vào ngày thứ Năm, chúng ta có thể đoán được họ sẽ di chuyển đến đâu và mục tiêu của họ là gì. Nói cách khác, chúng ta phải biết cách liên kết thông tin lại với nhau.

Trong kinh doanh và đầu tư, việc thu thập thông tin quá khứ, hiện tại và tương lai được gọi là quan sát xu hướng.

5. Thông tin lừa đảo. Trong chiến tranh, đôi khi chúng ta bị đánh lạc hướng bởi những thông tin không chính xác của kẻ địch. Ví dụ, họ sẽ di chuyển một số lượng lớn binh lính, vũ trang, tạo ra nhiều tiếng ồn và bụi chỉ để làm cho chúng ta mất tập trung vào những mục tiêu và động cơ thực sự của họ. Hoặc họ để cho chúng ta tóm được một quân đoàn và những người này sẽ cung cấp những thông tin sai lạc. Hoặc họ sẽ sử dụng gián điệp, người mà chúng ta nghĩ là đứng về phía mình, để cung cấp cho chúng ta những thông tin không chính xác.
LÀM GIÁ
Thế giới kinh doanh và đầu tư tràn ngập kênh thông tin lừa đảo. Doanh nhân và nhà đầu tư cần phải không ngừng cảnh giác và đề phòng những thông tin như vậy. Ví dụ, nhiều khi một chuyên gia tài chính khuyên bạn nên làm thế này nhưng sau đó lại làm ngược lại. Người này có thể lên truyền hình và nói rằng ông ta rất lạc quan về một cổ phiếu nào đó và đang mua vào. Thông tin này làm những người khác mua cổ phiếu đó, khiến cho giá cổ phiếu tăng. Một khi giá tăng, người đưa ra lời khuyên đó bắt đầu bán và kiếm được lợi nhuận lớn. Cái này được gọi là làm giá.

SỰ BIẾN HÓA CỦA ĐÔI BÀN TAY

Một dạng lừa đảo khác là sự biến hóa của đôi bàn tay, được đặt tên theo một thủ thuật của các ảo thuật gia. Khi ảo thuật gia gõ nhẹ lên nón của họ, mắt bạn bị hút về hướng chiếc mũ mà không để ý đến hành động của bàn tay kia phía sau lưng họ.

Trong kinh doanh, người tiêu dùng cũng thường bị lừa như thế. Ví dụ như, một hộp ngũ cốc có thể in đậm dòng chữ “Ít Béo.” Những khách hàng quan tâm đến cân nặng nghĩ rằng ngũ cốc đó sẽ tốt cho sức khỏe của họ. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn những dòng chữ in nhỏ, bạn sẽ thấy rằng ngũ cốc đó mặc dù ít béo nhưng lại chứa nhiều đường.

Còn trong đầu tư, một quỹ hỗ tương có thể quảng cáo rằng, “Suất sinh lời cao nhất trong tất cả các quỹ.” Nhưng cái tít đó quên đề cập đến chuyện là không có quỹ nào khác có lợi nhuận và quỹ của họ cũng thế. Nó tựa như việc nói rằng, “Tôi bắt được con săn sắt lớn nhất.”
PHÂN LOẠI THÔNG TIN ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ HƠN

Có một số bài học mà tôi có được khi còn ở trong quân đội về cách phân loại thông tin mà cũng có thể áp dụng trong kinh doanh.

Bài học thứ nhất: Thực tế hay Nhận định. Mâu chốt của trí tuệ quân sự là phải biết phân biệt đâu là thực tế còn đâu là nhận định. Một trong những lý do nhiều người nghĩ đầu tư là rủi ro là bởi vì họ không biết được sự khác nhau giữa thực tế và nhận định. Vài ví dụ về nhận định như sau:

• Khi một ai đó nói là giá cổ phiếu của một công ty sẽ tăng, đó là một nhận định bởi vì nó nói về một sự kiện trong tương lai.
• Khi một ai đó nói rằng tài sản ròng của anh ta trị giá một triệu đôla, đó là một nhận định bởi vì hầu hết việc định giá đều có nhân tố chủ quan.
• Nếu một ai đó nói rằng, “Anh ấy rất thành công,” đó là một nhận định bởi vì định nghĩa của thành công chỉ là tương đối.

Bài học thứ hai: Những phương án ngớ ngẩn. Một phương án được coi là ngớ ngẩn khi mà nhận định được sử dụng như là thực tế. Trong chiến tranh, điều này có thể cướp đi mạng sống của bạn. Trong kinh doanh, nó có thể làm cho bạn phá sản. Ví dụ:

CÂU HỎI: “Tại sao bạn mua căn nhà đó khi mà bạn biết rằng là mình không thể kham nổi nó?”

TRẢ LỜI: “Tôi mua nó bởi vì tay môi giới nói rằng nó sẽ lên giá. Tôi nghĩ rằng tôi có thể mua nó, sống ở đó và rồi sau đó bán đi kiếm lời để giải quyết những rắc rối tài chính của tôi.”

CÂU HỎI: “Tại sao bạn cưới anh ta ngay cả sau khi bạn biết anh ta là một kẻ lãng nhăng, chuyên sống bám đàn bà?”
TRẢ LỜI: “À, anh ấy rất dễ thương. Tôi sợ rằng tôi sẽ mất anh ta. Tôi không muốn ai chiếm lấy anh ta từ tôi. Vì vậy, mặc dù biết rằng anh ta hay la cà và không thích làm việc, tôi nghĩ sau khi đám cưới và có con, anh ta có thể thay đổi.”

CÂU HỎI: “Tại sao bạn vẫn làm công việc đó ừong bây nhiêu năm mặc dù không thích?”
TRẢ LỜI: “Tôi nghĩ là tôi có thể được thăng chức.”

CÂU HỎI: “Tại sao bạn đầu tư vào những quỹ hỗ tương đó?”
TRẢ LỜI: “Bởi vì sếp tôi bảo thế. Bà ấy nói đó là một khoản đầu tư tốt.”

Bài học thứ ba: Những hành động rủi ro. Trong chiến tranh nếu bạn không xác minh thông tin mà hành động một cách mù quáng dựa vào nó, bạn đang đặt cược mạng sống của mình. Một nhà đầu tư dễ bị rủi ro thường đầu tư dựa trên nhận định. Không may là, có nhiều nhà đầu tư thuộc loại này. Bởi vì hầu hết các nhà đầu tư đầu tư vì lãi vốn, quyết định đầu tư của họ dựa trên những nhận định về tương lai. Nhiều người đầu tư vào quỹ hỗ tương dựa trên nhận định là thị trường chứng khoán sẽ tăng từ 8 đến 10% một năm. Nếu nhận định mà sai, họ thua cuộc.

Một nhà đầu tư thông minh sẽ phân biệt được sự khác nhau giữa thực tế và nhận định. Nói chung là những người đầu tư vì lãi vốn đầu tư dựa trên những nhận định. Một nhà đầu tư cho dòng lưu kim đầu tư dựa trên thực tế. Nếu có thể, một nhà đầu tư thông minh sẽ đầu tư sử dụng cả thực tế lẫn nhận định, đầu tư vì cả lãi vốn lẫn dòng lưu kim.

Nếu bạn đầu tư vào chứng khoán, quỹ hỗ tương, bất động sản hoặc một doanh nghiệp, hãy hỏi bản thân liệu thông tin mình dựa vào để ra quyết định là thực tế hay nhận định.

Bài học thứ tư: Kiểm soát đối với tài sản. Một thông tin quan trọng mà tôi cần biết là tôi có quyền kiểm soát tới đâu. Trong chương trước về IQ tài chính #4: tạo đòn bẩy cho tiền, tôi có nói rằng bạn cần phải có quyền kiểm soát trước khi dùng đến đòn bẩy. Nếu không, tôi sẽ không sử dụng quá nhiều đòn bẩy. Tôi kiểm soát được giá trị tài sản của tôi bằng cách kiểm soát được giá cho thuê. Giá trị tài sản của tôi không phải do thị trường định giá, cái mà 99% trường hợp chi là nhận định.

Lý do mà ngân hàng thường yêu cầu trả trước một khoản tiền lớn khi vay mua nhà đơn giản là vì họ không tin tưởng những giá trị được định giá. Dĩ nhiên là điều này không được áp dụng khi mà việc vay tiền trở nên rẻ hơn. Cùng với việc tín dụng dễ dàng và cái giá của tiền trở nên rẻ hơn, giá nhà đất tăng như tên lửa khi mà những tên ngốc nhập cuộc để kiếm Pyrit[6]. Nhiều người mua hơn nghĩa là giá sẽ tăng. Mà giá tăng thì những giá trị được định giá cũng cao hơn. Lúc đó, các gia đình cảm thấy mình trở nên giàu có bởi vì họ nghĩ giá trị nhà của họ tăng. Nhiều người đi vay cầm cố nhà theo giá trị được định giá mới. Họ mua xe mới, mua nhà để ở khi đi du lịch, thuê du thuyền và đi mua sắm. Bỗng nhiên một vết nứt xuất hiện trên quả bong bóng, một vết rách với tên gọi cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất thứ cấp. Khi vết nứt càng ngày càng lớn, bong bóng bắt đầu rơi xuống đất.

Đấy là hậu quả của việc dùng nhận định (lãi vốn) chứ không phải thực tế (dòng lưu kim) để làm cơ sở định giá. Vì vậy khi tìm kiếm thông tin tài chính, tôi muốn biết liệu đó là một thực tế hay nhận định. Sai lầm tài chính là do nhận định được dùng như là một thực tế.
KHI KẺ NGỐC NHẬP CUỘC

Có hai bài hát đáng để suy nghĩ lần sắp tới khi bạn phải ra một quyết định đầu tư, “Fools Rush In” (Khi kẻ ngốc nhập cuộc) của Johrmy Mercer và Rube Bloom và “The Gambler” (Con bạc) của Don Schlitz, trình bày bởi Kenny Rogers. Lời bài hát tôi thích từ bản “The Gambler” là “Bạn không bao giờ nên đếm tiền khi còn trên chiếu bạc”. Khi ai đó nói, “Tài sản của tôi trị giá…,/ ” hay là “Nhà của tôi được định giá…/” tôi biết rằng mình đang nói chuyện với một con bạc. Người cha giàu của tôi có nói, “Lý do không nên đếm tiền trên chiếu bạc là bởi vì nếu con vẫn còn ở chiếu bạc nghĩa thì tiền đó chưa thuộc về con. Khi ra khỏi đó thì tiền trong túi mới là tiền của con và con có thể đếm.”

Hiện nay, hàng triệu người làm thuê có tài khoản hưu trí đang đếm tiền trên chiếu bạc. Bởi vì đa số nhà đầu tư đầu tư vào tài sản giấy và vì lãi vốn, đa số họ không có quyền kiểm soát và đầu tư với hy vọng là nhận định sẽ trở thành thực tế. Điều đó rất rủi ro.

Nói vậy không có nghĩa là một nhà đầu tư thông minh chỉ đầu tư dựa trên thực tế. Một nhà đầu tư thông minh là người đầu tư dựa vào cả thực tế lẫn nhận định. Họ hiểu là cả thực tế lẫn nhận định đều là nguồn thông tin đáng giá. Nói dễ hiểu là, “Thực tế là cái đã được kiểm chứng còn nhận định là cái có thể xảy ra hoặc không dựa trên thực tế có sẵn.” Nói cách khác, nhận định có thể trở thành thực tế nhưng nó vẫn chỉ là một nhận định cho đến khi chúng đã được kiểm chứng. Người bạn tốt và đối tác kinh doanh của tôi Ken McElroy nói rằng, “Cứ tin, nhưng vẫn phải kiểm tra.”

Bài học thứ năm: Những luật lệ là gì? Luật lệ là một nguồn thông tin rất quan trọng.

Nhiều người gặp rắc rối chi vì họ không biết, phớt lờ hoặc phá vỡ những luật lệ.

Bản thân tôi không thích luật lệ cho lắm. Khi ở trong quân đội thì càng tệ hơn nữa. Một trong những lý do là chúng tôi phải theo một khuôn luật lệ cứng nhắc. Một nguyên tắc tôi cảm thấy mắc cười là chúng tôi không được phép truy đuổi quá xa, vì còn phải rút lui an toàn khi cần.

Một nguyên tắc khác tôi không thích là tôi phải mặc đồng phục. Một trong những điều khó khăn nhất trong chiến tranh là không nhận biết được ai là kẻ thù ai không. Đồng phục là để nhằm mục đích đó.
LUẬT LỆ LÀM TĂNG GIÁ TRỊ TÀI SẢN

Chính người cha giàu đã làm thay đổi quan điểm của tôi đối với luật lệ. Ông nói, “Nếu không có luật lệ, sẽ không có tài sản.” Giải thích thêm, ông nói, “Trong một khu phố, nếu như mọi luật lệ đều bị phá vỡ, tội phạm sẽ tăng và dĩ nhiên là giá bất động sản sẽ giảm.” Ông cũng nói, “Nếu con chơi thể thao mà không có trọng tài để giám sát luật chơi, trận đấu sẽ trở nên hỗn loạn. Nếu lái xe trên đường cao tốc mà không có cảnh sát để thực thi pháp luật, chúng ta sẽ chết vì tai nạn. Cho nên luật lệ rất quan trọng.”

Luật lệ sẽ làm chúng ta trở nên giàu có hoặc nghèo đi. Vì vậy, hiểu biết luật lệ là cần thiết. Cách đây không lâu, các quan chức cấp cao của Enron phá vỡ các luật lệ; công ty bị xóa sổ, công nhân bị mất việc và cổ đông thì mất tiền. Trong thế giới đầu tư, các loại tài sản khác nhau có những nguyên tắc khác nhau. Lý do mà tôi không thích quỹ hỗ tương là bởi vì tôi không thích những nguyên tắc của nó. Tôi không có sự kiểm soát. Tôi thích những nguyên tắc của bất động sản, cái cho phép tôi kiếm nhiều tiền hơn và trả ít thuế hơn một cách hợp pháp. Nếu áp dụng nguyên tắc của bất động sản vào quỹ hỗ tương, tôi sẽ phải đi tù.

Đối với những ai muốn làm giàu thì việc có những kế toán viên, luật sư giỏi là quan trọng: Ngày nay, có quá nhiều luật lệ, nguyên tắc, quy định đến nỗi khó ai mà biết và hiểu tất cả. Mặc dù viặc thuê luật sư hoặc kế toán viên có thể trông tốn kém, số tiền kiếm được và những mất mát họ tránh cho bạn có thể còn nhiều hơn nhiều số phí mà bạn trả cho họ.

Hãy ghi nhớ hai điều: Luật lệ có thể là một nguồn thông tin giá trị về cách mà trò trơi tiền bạc diễn ra. Không có luật lệ, tài sản sẽ bị suy giảm giá trị.

Bài học thứ sáu: Những xu hướng. Xu hướng được hình thành bằng cách nhà đầu tư nghiên cứu các sự kiện trong quá khứ và đưa ra một nhận định.
XU HƯỚNG LÀ NGƯỜI BẠN CỦA CHÚNG TA

Lúc ở trong quân đội tôi học được ba bài học. Thứ nhất là về sức mạnh của thị trường thế giới. Thị trường thế giới có nghĩa là giá cả giống nhau trên toàn thế giới. Vàng được định giá theo thị trường thế giới. Còn bất động sản lại được định giá theo thị trường địa phương.

Giờ đây tôi hiểu là mình cần phải biết thông tin nào là quan trọng cả về mặt tại chỗ lẫn trên toàn cầu. Tôi thích bất động sản bởi vì nó chịu ảnh hưởng nhiều vào thông tin tại chỗ hơn là thông tin toàn cầu. Đầu tư vào bất động sản, tôi có thể là một chuyên gia trong khu vực nhỏ bé của mình. Nắm bắt được thông tin tại chỗ, tôi có thể nhạy bén hơn những nhà đầu tư tổ chức ở New York, London, Hong Kong hoặc Tokyo. Như David đánh thắng Goliath, một nhà đầu tư nhỏ với lợi thế thông tin và trí thông minh có thể đánh bại kẻ khổng lồ.

Bài học thứ hai tôi học được là sức mạnh của xu hướng. Nếu tôi hiểu rõ xu hướng và giá cả của vàng hơn, tôi đã có thể kiếm được nhiều tiền. Cái tôi cần làm là nên đầu tư theo xu hướng. Tôi đã có thể vô bất kỳ tiệm vàng nào tại bất kỳ thành phố nào trên thế giới và mua được vàng tại cùng một mức giá. Đến năm 1979, xu hướng đã làm cho vàng tăng lên đến gần 800 đôla một ounce. Tôi không cần phải được giảm giá để kiếm tiền.

Bài học thứ ba và bài học quan trọng nhất là thông tin vẫn chỉ là thông tin.
Quan trọng hơn là sự thông minh để biến thông tin thành tiền.

Khi mọi người hoảng loạn vì thị trường sụp đổ ngày 9 tháng 8 năm 2007, điều tôi làm đầu tiên là kiểm tra lại xu hướng. Thay vì theo đám đông rơi vào trạng thái hoảng loạn, đơn giản là tôi kiểm soát sự lo sợ của mình và tập trung vào những xu hướng của thị trường, chứ không phải những biến động lên hoặc xuống của nó. Tôi xác minh lại các sự kiện và hình thành quan điểm của mình về tương lai.

Tôi nghiên cứu thông tin về hành động của các ngân hàng trung ương. Một lần nữa, họ in thêm những đồng tiền khôi hài hơn là giải quyết vấn đề. Biết được thông tin các ngân hàng trung ương trên thế giới bơm tiền vào thị trường đang sụp đổ, nhận định của tôi rằng sức mua của đồng đôla sẽ tiếp tục giảm vẫn có giá trị thuyết phục.

Ngày nay thay vì đa dạng hóa, tôi thích tập trung vô một loại tài sản, tìm hiểu xu hướng và đầu tư vô nó. Bởi vì tôi hiểu rằng xu hướng có thể đổi chiều, tôi không mù quáng đầu tư dài hạn. Thời đại Thông tin là thời đại của sự thay đổi và tôi cần phải linh hoạt … chứ không phải hành động như một con rôbốt. Một số xu hướng mà tôi đang đầu tư vô nó là:

Xu hướng giá dầu. Như các bạn biết, khi mà Trung Quốc, Ân Độ và Đông Âu càng trở nên Tây hóa, nhu cầu dầu mỏ càng tăng cao. Dù cho chúng ta chạy đua tìm nguồn năng lượng thay thế, dầu mỏ vẫn tiếp tục là nguồn năng lượng chính trong những năm sắp tới. Thực tế phũ phàng là chúng ta, ngay cả những người hoạt động môi trường tích cực nhất, vẫn phải sử dụng nhiều đến nó, nhiều như việc tôi không thích tác hại của chúng lên môi trường. Tôi chắc chắn rằng trong tương lai giá dầu sẽ có xu hướng tăng, có thể lên cao đến mức 200 đôla một thùng trong tương lai gần. Giá dầu cao sẽ có tác động ngược nghiêm trọng lên nền kinh tế thế giới và những xu hướng khác tất nhiên sẽ xuất hiện khi công nghệ năng lượng thay thế như là nặng lượng mặt trời tiến bộ hơn.

Xu hướng giá bạc. Tôi cho rằng bạc là một khoản đầu tư tốt nhất trong năm 2007. Nó còn tốt hơn cả đầu tư vào dầu mỏ. Có hai lý do tôi nhận định như vậy. Lý do thứ nhất là bởi vì bạc là một kim loại dùng cho công nghiệp có thể cạn kiệt. Bạc là thứ kim loại phổ biến trong công nghiệp điện tử. Nó được dùng trong sản xuất máy tính, điện thoại di động, tivi và những thiết bị điện tử tối tân khác. Người ta ước tính là 95% lượng bạc tồn tại đã được sử dụng. Chúng ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Vàng thì khác. 95 phần trăm vàng phát hiện được vẫn chưa được sử dụng. Khác với bạc, vàng được dùng để dự trữ. Theo nhiều nghĩa thì bạc còn đáng giá hơn vàng.

Lý do thứ hai là bởi vì bạc cũng là một kim loại hiếm – một dạng tài sản. Khi sức mua của đồng đôla giảm, càng nhiều người tìm kiếm những cái được cho là tài sản thật hoặc ít ra là cũng giữ được giá trị của chúng. Như tôi có nói, bạc rất rẻ nếu so với vàng. Nó đủ chừng 13 đôla một ounce trong khi vàng là 600 đôla một ounce. Lịch sử cho thấy, giá vàng thường cao gấp 14 lần giá bạc, có nghĩa là nếu giá bạc là 10 đôla một ounce thì vàng sẽ là 140 đôla. Hiện nay, vàng đang giao dịch với giá cao gấp 50 lần so với bạc. Đối với tôi, căn cứ vào xu hướng của lịch sử và lý do bạc là một kim loại có thể cạn kiệt, nhiều khả năng là giá của bạc sẽ tăng.

Cách đây một năm, nhiều sàn giao dịch chứng khoán giới thiệu quỹ đầu tư bạc cho các nhà đầu tư không muốn giữ bạc hoặc đầu tư vào các công ty khai thác bạc. Quỹ đầu tư bạc tạo thuận tiện cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào bạc. Nó giống như đồng đôla Mỹ trước đây, một tờ giấy được bảo đảm bằng bạc, nên còn được gọi là chứng chỉ bạc. Điểm khác biệt là giá của chứng chỉ bạc có thể tăng hoặc, giảm theo biến động của giá bạc thế giới. Tôi tin rằng sự xuất hiện của chứng chỉ bạc đồng nghĩa với việc thế giới đang bắt đầu tích trữ ngày càng nhiều bạc trong bối cảnh sức mua của nhiều đồng tiền trên thế giới tiếp tục giảm.

Việc bạc là một thứ kim loại hiếm có thể cạn kiệt khiến nó trở thành tiêu điểm đầu tư trong thập kỷ này. Các báo cáo cho rằng chỉ còn chưa tới 300 triệu ounce bạc tồn tại trên trái đất. Điều này có nghĩa là thế giới sẽ cạn kiệt bạc trước năm 2020. Vì lý do này, một số tay đầu tư cho rằng bạc sẽ mắc giống vàng trong vài năm nữa. Tôi không nghĩ nó sẽ tăng đến mức đó. Tuy nhiên, với tình hình cung cầu như hiện nay, tôi cho rằng đây là một cơ hội có một không hai. Hiện nay, nó vẫn còn rẻ và ít rủi ro mà bất kỳ người dân phương Tây nào cũng có thể kham nỗi. Đó là lý do tại sao tôi vẫn theo dõi xu hướng và mua vào mỗi khi bạc giảm giá. Dĩ nhiên, tôi có thể sai và vì thế tốt nhất là bạn nên tự mình làm nghiên cứu và tìm kiếm những thông tin cho mình trước khi đầu tư vào xu hướng này.

Xu hướng giá nhà đất. Một trong những lý do mà giá cả hàng hóa cao là bởi vì thế giới cần và muốn có nhiều nhà ở hơn nữa. Ví dụ, nhu cầu bêtông ở Trung Quốc đã gây ra tình trạng thiếu hụt ở Hoa Kỳ, dẫn đến giá bêtông tăng như tên lửa.

Một trong những lý do mà tôi thích đầu tư vào các căn hộ cho thuê là bởi vì, dù giàu hay nghèo, chúng ta đều phải có một mái nhà che đầu. Ở Mỹ, dự kiến là dân số sẽ tăng từ 300 triệu người lên 400 triệu trong vòng hai thập kỷ tới. Vì vậy tôi tin là giá nhà đất sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.

Khi mà giá nhà trở nên đắt đỏ và vượt quá khả năng với đồng lương giảm, tôi tin là những xu hướng này khiến nhiều người trở thành người đi thuê nhà. Một trong những lý do mà tôi và Kim không hốt hoảng vào ngày 9 tháng 8 năm 2007 là vì chúng tôi cho thuê nhà để nhận dòng lưu kim. Chúng tôi không bán bất động sản. Những người đầu tư vì lãi vốn mới mua để bán lại.

Khi thi trường tín dụng thứ cấp sụp đổ và người bán hoảng loạn thì những ai đầu tư cho dòng lưu kim – cho thuê bất động sản – lại không. Thực lòng thì tôi nhận thấy đó là cơ hội. Lúc thị trường suy giảm, sẽ có nhiều người đi thuê hơn là người mua, cho nên sự sụp đổ đó nhìn chung lại là tốt cho chủ cho thuê chứ không phải người bán.

Những ai bán bất động sản hay đang chờ đợi tăng giá, những xu hướng trong ngắn hạn có thể chống lại họ. Thay vì tăng, giá có thể giảm hoặc không đổi. Sự bùng nổ của thị trường đã chấm dứt đối với những người bán nhưng đó mới chỉ là bắt đầu cho những người cho thuê.
NHÂN KHẨU HỌC CHÍNH LÀ SỐ MỆNH

Một nguồn thông tin cực kỳ hữu ích đó là nhân khẩu học. Như người ta vẫn thường nói, “Nhân khẩu học chính là số mệnh”. Nói cách khác, chỉ cần quan sát mọi người, bạn sẽ biết nên đầu tư vào đâu. Khi tôi biết được rằng, trong lúc hoảng sợ, người ta thường dùng tiền để mua hàng hóa, tôi có một cơ sở vững chắc cho những nhận định của mình về xu hướng. Khi vàng giảm xuống mức 400 đôla một ounce, tôi bắt đầu mua vào một ít và mua rất nhiều khi nó xuống tới mức 275 đôla một ounce. Sau đó, giá bắt đầu tăng ngược trở lại. Hay nói cách khác, tôi theo xu hướng giá giảm và đã mua rất nhiều khi xu hướng đảo chiều. Lý do mà tôi thích vàng và bạc là bởi vì thị trường cho chúng luôn tồn tại. Nó tương đối thanh khoản, và khi cần, tôi có thể chuyển nó thành tiền mặt một cách nhanh chóng.
TÍNH THANH KHOẢN CÀNG KÉM, CÀNG CẦN NHIỀU THÔNG TIN HƠN

Khi nói về bất động sản, xu hướng là có một phần lớn những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sẽ về hưu ở Arizona và Nevada. Vì thế tôi đầu tư vào những bang đó. Do tình trạng mất việc làm, người ta đang dần chuyển khỏi Detroit, khiến cho giá nhà đất và giá cho thuê giảm. Phải mất một vài năm trước khi xu hướng đó thay đổi. Bởi vì tính thanh khoản của bất động sản kém hơn so với vàng, bạc và chứng khoán, tôi cần phải nắm rõ xu hướng nhiều hơn nữa.

Sau ngày 9 tháng 8 năm 2007, nhiều chủ nhà, nhà đầu tư tay ngang, các công ty phát triển bất động sản có những căn hộ được định giá cao lại gặp khó khăn về tính thanh khoản. Thay vì bán để rút lui, hầu hết họ chỉ có thể đứng nhìn giá trị của bất động sản chìm theo ánh hoàng hôn, một cách tuyệt vọng. Bài học ở đây là: tính thanh khoản của khoản đầu tư càng kém, bạn càng cần nhiều thông tin về xu hướng hơn. Nhiều người đã mua với giá cao nay đối mặt với tình trạng buộc phải bán thấp. Một nhà đầu tư thông minh phải biết cách làm sao để mua rẻ và bán mắc.
CHIM SĂN MỒI

Mỗi khi tôi thấy cần trục của các công ty xây dựng mọc trên những khu căn hộ cao tầng, tôi biết rằng xu hướng đang sắp kết thúc. Mỗi khi bạn thấy những cần trục như vậy, tôi gọi chúng là những con chim săn mồi, nằm ở đường chân trời, bạn hiểu là xu hướng tăng giá đã sắp chấm dứt. Nó có nghĩa là xu hướng đã đạt tới đỉnh điểm của nó, và nói chung, không còn cách nào hơn là giá sẽ giảm. Vì vậy sắp tới, nếu bạn bắt gặp hơn hai cái cần trục, bạn nên tiến hành bán hết những bất động sản không cần đến đi.
LỊCH SỬ VÀ CHU KỲ

Điểm cuối cùng khi nói về xu hướng là tầm quan trọng của lịch sử và chu kỳ. Sống sót qua những đợt lên xuống của thị trường, tôi học được rất nhiều từ lịch sử. Có một xu hướng trong lịch sử mà tôi tin rằng đáng để bạn theo dõi. Đó là chu kỳ hai mươi năm của chứng khoán và các loại hàng hóa. Là người từng đi biển cho một công ty dầu khí và lái trực thăng đi tìm vàng, tôi tò mò về lý do tại sao giá của hàng hóa tăng khi giá của chứng khoán giảm. Cách đây vài năm, tình cờ tôi có đọc cuốn sách của một tác giả về tài chính yêu thích của tôi, Jim Rogers, có tựa đề Hot Commodities. Rogers quan sát thấy là giá chứng khoán tăng trong vòng hai mươi năm, trong cùng thời gian đó giá hàng hóa lại giảm.

Ví dụ, từ năm 1960 đến năm 1980, khi tôi đang trong giai đoạn trưởng thành, giá hàng hóa như là dầu mỏ và vàng tăng. Năm 1980, giá của dầu mỏ, vàng, bạc và bất động sản giảm nhanh chóng trong khi giá chứng khoán bắt đầu leo thang. Giữa năm 1980 và năm 2000, thị trường chứng khoán là nơi để đầu tư còn dầu mỏ, vàng và bạc trở nên kém hấp dẫn. Trong lúc thị trường hàng hóa giảm giá, tôi bắt đầu mua vào càng nhiều càng tốt. Theo chu kỳ, năm 2000, cao điểm sự bùng nổ của các công ty dotcom, giá cổ phiếu giảm mạnh còn giá hàng hóa bắt đầu tăng trở lại. Nếu như lịch sử lặp lại, điều này có nghĩa là giá hàng hóa sẽ đi xuống vào năm 2020 và lúc đó thị trường chứng khoán lại trở thành nơi để đầu tư.

Rõ ràng là tôi không có hòn đá tiên tri. Nhưng lịch sử có vẻ như thường lặp lại và tôi sống đủ lâu để nhận thấy điều đó. Nếu bạn quan tâm muốn biết nhà đầu tư đẳng cấp thế giới như Jim Rogers đã phân tích các xu hướng như thế nào, tôi khuyên bạn nên đọc cuốn Hot Commodities hay là bất kỳ cuốn sách nào khác của ông ta. Ông ấy là một nhà đầu tư thông minh đồng thời là một chuyên gia phân tích sắc sảo các xu hướng. Hãy nhớ, “Xu hướng là bạn của bạn.” Nếu như bạn phớt lờ xu hướng, chim săn mồi sẽ rỉa bạn đến tận xương.
KẾT LUẬN
Tóm lại, không phải tài sản là cái làm cho bạn giàu có. Thông tin mới quyết định là bạn giàu hay nghèo. Ví dụ, nếu như tôi mua vàng với giá 800 đôla một ounce vào năm 1979, thì đến hôm này tôi vẫn phải chờ để lấy lại vốn. Nếu tính đến việc sức mua của đồng đôla đã giảm như thế nào, tôi phải đợi đến khi vàng tăng đến mức 1.500 đôla một ounce thì mới lấy lại đúng số tiền đã bỏ ra.

Điều này cũng đúng cho bất kỳ loại tài sản nào. Ví dụ như bất động sản, đa số nhà đầu tư mất tiền là do thiếu thông tin và sự thông minh. Đó là lý do tại sao mỗi khi có ai đó hỏi tôi, “Bất động sản có phải là một khoản đầu tư khá?”, tôi trả lời là, “Tôi không biết nữa. Thế anh có phải là một nhà đầu tư khá không?”

Hầu hết các doanh nghiệp thất bại là do thiếu thống tin tốt và sự thông minh chứ không phải là do thiếu tiền. Khi mọi người hỏi tôi, “Tôi có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời và đang cần vốn, anh có hứng thú đầu tư vào công ty mới của tôi không?”, câu trả lời của tôi là, “Tôi không biết nữa. Mà anh đã khởi sự thành công bao nhiêu doanh nghiệp rồi?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.