Dạy Con Làm Giàu – Tập 13
Donald J. Trump Lời tác giả
TIỀN BẠC KHÔNG XẤU
Một trong những thất bại lớn nhất của hệ thống giáo dục Mỹ là đã không đào tạo về tài chính cho sinh viên. Những chuyên gia giáo dục có vẻ nghĩ rằng tiền bạc dường như là một thứ tôn giáo hay là một điều xấu xa được đem ra tôn sùng, tin rằng ham muốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác.
Như hầu hết chúng ta đều biết, ham muốn tiền bạc không xấu mà chính việc thiếu tiền mới gây ra những điều xấu. Chính việc làm những điều mình không thích mới là xấu. Làm việc chăm chỉ nhưng không kiếm đủ tiền để chu cấp cho gia đình của bạn là xấu. Đối với một số người, nợ nần chồng chất là xấu. Tranh cãi với những người bạn yêu thương về vấn đề tiền bạc là xấu. Tham lam là xấu. Phạm pháp hoặc những hành vi trái đạo đức để có tiền là xấu. Tiền bản thân nó không có gì là xấu. Tiền đơn giản chỉ là tiền.
NHÀ CỦA BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TÀI SẢN
Không được đào tạo về tài chính cũng khiến cho người ta làm những điều ngu xuẩn hoặc bị dẫn dắt bởi những người ngu xuẩn. Ví dụ, vào năm 1997, khi chúng tôi xuất bản lần đầu tiên cuốn sách Dạy con làm giàu Tập 1 và phát biểu rằng: “Nhà của bạn không phải là tài sản… nhà bạn là tiêu sản,” có nhiều làn sóng phản đối. Cuốn sách và tôi bị chỉ trích kịch liệt.
Nhiều người tự nhận là chuyên gia tài chính tấn công tôi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mười năm sau đó, năm 2007, khi thị trường tín dụng sụp đổ và hàng triệu người bị rơi tự do về tài chính – nhiều người mất nhà, một số tuyên bố phá sản, những người khác mắc nợ nhiều hơn giá trị ngôi nhà mà họ cầm cố khi thị trường bất động sản suy giảm giá trị – những người này đau khổ nhận ra rằng thực sự, nhà của họ là tiêu sản chứ không phải tài sản.
HAI NGƯỜI GIÀU, MỘT THÔNG ĐIỆP
Vào năm 2006, tôi và anh bạn Donald Trurnp có viết một cuốn sách tựa đề là Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu? Chúng tôi viết về tại sao tầng lớp trung lưu lại ngày càng nghèo đi và những nguyên nhân mà chúng tôi cho rằng lý giải điều này. Chúng tôi nói rằng nhiều nguyên nhân gây ra bởi tình hình toàn cầu, bởi chính phủ và thị trường tài chính. Cuốn sách cũng bị các phương tiện truyền thông về tài chính chỉ trích. Và đến năm 2007, hầu hết những gì chúng tôi nói đã trở thành sự thật.
NHỮNG LỜI KHUYÊN LỖI THỜI
Ngày nay, nhiều chuyên gia về tài chính vẫn tiếp tục khuyên rằng: “Hãy làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, thoát nợ, sống dưới khả năng và đầu tư vào các quỹ hỗ tương được đa dạng hóa.” Vấn đề ở chỗ là những lời khuyên tồi, đơn giản bởi vì chúng đã lỗi thời. Quy luật của tiền tệ đã thay đổi vào năm 1971. Ngày nay xuất hiện một chủ nghĩa tư bản mới. Tiết kiệm, thoát nợ và đa dạng hóa danh mục đầu tư chỉ áp dụng trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản cũ. Những ai theo kim chỉ nam “làm việc cực lực và tiết kiệm” của chủ nghĩa tư bản cũ sẽ gặp khó khăn về tài chính trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản mới.
THÔNG TIN VÀ GIÁO DỤC
Theo tôi, thiếu đào tạo về tài chính trong hệ thống giáo dục là một sự tàn bạo và một điều đáng hổ thẹn. Trong xã hội hiện nay, giáo dục tài chính tuyệt đối cần thiết cho sự sống còn, bất chấp việc chúng ta giàu có hay nghèo khổ, thông minh hay không.
Hầu hết chúng ta biết rằng, chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin. Vấn đề của Thời đại Thông tin là bội thực thông tin. Ngày nay, có rất nhiều thông tin. Phương trình sau giải thích tại sao giáo dục tài chính lại quan trọng như vậy.
Thông tin + Giáo dục = Kiến thức
Không có giáo dục tài chính, chúng ta không thể xử lý thông tin thành những kiến thức hữu ích. Không có kiến thức tài chính, chúng ta sẽ gặp khó khăn về tài chính. Không có kiến thức về tài chính, chúng ta sẽ làm những việc đại loại như mua nhà và nghĩ rằng đó là một tài sản. Hoặc là tiết kiệm mà không nhận ra rằng kể từ năm 1971, tiền không còn là tiền mà chỉ là đơn vị thanh toán. Hoặc là không phân biệt được nợ tốt và nợ xấu. Hoặc là tại sao người giàu kiếm tiền nhiều hơn nhưng lại trả thuế ít hơn. Hoặc là tại sao nhà đầu tư giàu nhất thế giới, Warren Buffett, không đa dạng hóa đầu tư.
NHỮNG CON LEM-MUT NHẤP NHÔ
Không có kiến thức về tài chính, người ta thường tìm người để khuyên họ nên làm gì. Và những gì mà hầu hết các chuyên gia tài chính khuyên là hãy làm việc tích, cực, tiết kiệm, thoát nợ, sống dưới khả năng và đầu tư vào các quỹ hỗ tương được đa dạng hóa. Giống như những con lem-mut chỉ đơn giản đi theo con dẫn đầu, họ lao về phía bờ vực và nhảy vào vô vàn những bất ổn tài chính, hy vọng rằng họ sẽ bơi được đến bên kia bờ.
CUỐN SÁCH NÀY KHÔNG PHẢI ĐỂ TƯ VẤN VỀ TÀI CHÍNH
Cuốn sách này sẽ không chỉ cho bạn phải làm gì. Cuốn sách không phải để tư vấn về tài chính. Cuốn sách này giúp bạn thông minh hơn về tài chính để có thể xử lý những thông tin tài chính của riêng mình và tự mình nghiệm ra con đường để đạt đến sự tự do về tài chính.
Tóm lại, cuốn sách này bàn về việc trở nên giàu có bằng cách trở nên thông minh hơn. Nó giúp bạn tăng cường chỉ số IQ về tài chính của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.