Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

CHƯƠNG 03 Cho con sức mạnh trước khi cho con tiền



Một ngày nọ, đứa bạn cùng lớp – Richie mời tôi đến nghỉ cuối tuần tại nhà nghỉ ở bãi biển của gia đình nó. Tôi cảm động lắm, Richie là một trong những đứa giàu nhất lớp, và ai cũng muốn kết bạn với nó. Và tôi lại may mắn nhận được lời mời đến nhà nghỉ bờ biển của nó, trên mảnh đất riêng cách nhà tôi khoảng 45km.

Mẹ giúp tôi chuẩn bị hành lý và cảm ơn bố mẹ của Richie khi họ đến đón tôi. Tôi đã có những giờ phút thần tiên. Richie có du thuyền riêng và rất nhiều đồ chơi hiện đại. Chúng tôi chơi từ sáng đến tối. Lúc bố mẹ Richie đưa tôi về nhà lại, da tôi dã rám nắng, lòng phấn khởi và đầy cảm kích.

Mấy hôm sau, ở đâu tôi cũng cứ huyên thuyên về những ngày cuối tuần đó. Tôi kể về những trò chơi, những món đồ chơi, chiếc du thuyền, những món ăn ngon, và ngôi nhà tuyệt đẹp ven biển. Đến ngày thứ tư cả nhà tôi ngán đến tận cổ khi nghe những chuyện đó. Tối thứ Năm, tôi hỏi bố mẹ xem chúng tôi có thể mua một ngôi nhà ngoài bãi biển gần nhà của Richie không. Chỉ có thế mà bố tôi nổi giận lôi đình.

“Bốn ngày nay, tất cả những gì cả nhà nghe được là mấy ngày nghỉ cuối tuần của con ở nhà nghỉ ngoài bãi biển của nhà Richie. Ta mệt mỏi vì nghe ba cái thứ đó rồi. Bây giờ con muốn chúng ta mua một ngôi nhà ở bãi biển. Con nghĩ bộ ta in ra tiền hả? Ta chỉ có khả năng thanh toán hết các hóa đơn và giữ cho cả nhà còn cơm để mà ăn. Ta còng lưng làm lụng suốt ngày lo cho cả nhà có đủ cơm ăn áo mặc và thanh toán hết được các hóa đơn tính tiền hàng tháng. Nếu con muốn sống như Richie thì sao không qua ở bên đó luôn đi?”

Khuya đó, mẹ rón rén vào phòng tôi. Trên tay mẹ là một chồng phong bì. Ghé ngồi xuống giường tôi, bà nói: “Bố con đang căng thẳng về tài chính.”

Tôi nằm đó trong bóng đêm, rối tung vì những cảm giác lẫn lộn và ngước nhìn mẹ. Là đứa bé mới chín tuổi, tôi đã buồn, sốc, giận, và thất vọng. Tôi không có ý chọc giận bố. Tôi biết chúng tôi đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế. Tôi chỉ muốn chia sẻ một chút với cả nhà về niềm hạnh phúc của tôi và về bức tranh của một cuộc sống tốt đẹp… một cuộc sống mà tiền bạc có thể đem lại… một cuộc sống mà có lẽ chúng tôi cũng khao khát đạt được.

Mẹ bắt đầu cho tôi xem những tờ hóa đơn, rất nhiều con số được đánh dấu đỏ.

“Chúng ta đã rút quá số tiền gởi trong ngân hàng, những hóa đơn này chưa thanh toán và còn một số hóa đơn đã trễ hạn hai tháng.”

“Tại sao?” Tôi hỏi, gần như nài nỉ một sự giải thích nào đó.

“Chúng ta xài quá nhiều, nhưng bố con lại không kiếm ra nhiều tiền đến thế. Và mẹ của bố, bà nội con, lại đề nghị chúng ta gởi tiền để giúp đỡ họ. Bố con vừa nhận được thư hôm nay, và bố con rất lo lắng vì chúng ta cũng đang gặp khó khăn. Chúng ta không thể trả nổi những thứ mà bố mẹ Richie có thể trả.”

“Nhưng tại sao?”

“Mẹ không biết tại sao. Mẹ chỉ biết chúng ta không thể trả nổi những thứ như họ. Chúng ta không giàu như họ. Bây giờ thì nhắm mắt và ngủ đi con. Ngày mai con phải đi học rồi, và con cần phải học thật giỏi nếu con muốn thành công trong cuộc sống. Nếu con có học vấn cao thì con có thể giàu như bố mẹ Richie.”

“Nhưng bố có học vấn cao, mẹ cũng có học vấn cao,” tôi cãi lại. “Vậy tại sao chúng ta không giàu? Tất cả những gì chúng ta có là một đống hóa đơn chưa trả nổi. Con không hiểu nổi.”

“Đừng bận tâm, con yêu. Đừng lo nghĩ về tiền bạc. Bố mẹ sẽ giải quyết vấn đề tiền bạc. Sáng mai con phải đi học, nên con cần phải ngon giấc tối nay.”

Lúc bấy giờ tôi chín tuổi và gặp đứa bạn học như Richie, tôi biết đó là sự khác biệt lớn giữa gia đình tôi và nhiều gia đình của các bạn học. Trong Dạy Con Làm Giàu tập 1, thật may là tôi đã được học ở trường tiểu học của những đứa trẻ giàu thay vì trường tiểu học của những đứa trẻ nghèo hay trung lưu. Có những đứa bạn con nhà giàu trong khi gia đình mình nợ ngập đầu, và ở vào độ tuổi nhạy cảm đó, nhận thức này trở thanh một bước ngoặc trong đời tôi.

CÓ PHẢI CẦN CÓ TIỀN MỚI LÀM RA TIỀN KHÔNG?

Một trong những câu hỏi thường xuyên nhất mà tôi nhận được là: “Có phải cần có tiền mới làm ra tiền không?”

Câu trả lời của tôi là: “Không, không phải vậy. Tiền bạc đến từ ý tưởng của bạn bởi vì tiền bạc chỉ là ý tưởng.”

Một câu hỏi khác là: “Tôi đầu tư thế nào nếu tôi không có tiền? Làm sao tôi có thể đầu tư khi thậm chí tôi không thể trả nổi những hóa đơn của mình?”

Lời đáp của tôi là: “Điều đầu tiên tôi đề nghị là hãy ngưng than vãn ‘tôi không trả nổi.'”

Tôi biết rằng với nhiều người câu trả lời của tôi là không thỏa mãn, trong khi họ đang tìm kiếm những câu trả lời về cách nhanh chóng kiếm một vài đồng bạc để họ có thể đầu tư và tiến lên trong đời. Tôi muốn người ta biết rằng họ có quyền lực và khả năng để có tiền như ý muốn… nếu họ muốn. Và sức mạnh đó không có trong tiền bạc, không có ở bên ngoài con người họ. Sức mạnh đó có trong ý tưởng của họ… sức mạnh của ý tưởng. Đáng mừng là chuyện đó không cần dùng đến tiền bạc… nó chỉ cần sự sẵn lòng thay đổi một vài ý tưởng, và bạn có thể đạt được sức mạnh về tiền bạc, thay vì để cho tiền bạc khống chế bạn.

Người bố giàu của tôi thường nói: “Người ta nghèo vì họ có những ý tưởng nghèo. Hầu hết những người nghèo có ý tưởng về tiền bạc và cuộc sống từ bố mẹ của họ. Vì chúng ta không được dạy dỗ gì cả về tiền bạc ở trường học, nên ý tưởng về tiền bạc được truyền từ bố mẹ sang con cái, qua nhiều thế hệ.”

Mặc dù lúc đó tôi không hiểu tại sao nhà Riehie giàu hơn nhà tôi, nhưng mấy năm sau thì tôi hiểu ra. Nhà Riehie biết cách bắt tiền làm việc cho họ, và họ truyền lại kiến thức đó cho con cái. Richie vẫn đang rất giàu và sẽ còn giàu nữa. Ngày nay, bất cứ khi nào chúng tôi gặp lại nhau chúng tôi vẫn là những người bạn thân thiết nhất, và đã hơn bốn mươi năm kể từ khi chúng tôi kết bạn với nhau. Thường 5 năm chúng tôi mới gặp nhau một lần, thế mà cứ như là mới gặp nhau hôm qua vậy. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao nhà cậu ấy giàu hơn nhà tôi; tôi thấy cậu truyền đạt lại kiến thức đó cho con mình. Nhưng không những truyền đạt lại cách “kiếm tiền”, cậu còn truyền đạt lại sức mạnh về tiền bạc. Và đó là sức mạnh về tiền bạc… chứ không chỉ tiền, khiến người ta giàu có. Sức mạnh về tiền bạc – đó là điều mà tôi muốn quyển sách này truyền đạt lại cho bạn để bạn có thể truyền đạt lại cho con cháu.

NGƯỜI GIÀU KHÔNG CẦN TIỀN

Mặc dù người bố giàu cho những đứa con khác của người một khoản tiền, nhưng Người không cho Mike đồng nào cả, và Người không trả tiền công cho chúng tôi khi chúng tôi làm việc cho Người. Người nói: “Cho một đứa trẻ tiền, đó là con đã dạy nó làm việc cho đồng tiền thay vì học cách làm ra đồng tiền.”

Bây giờ tôi không nói là bạn nên bắt con mình làm việc không công. Và tôi cũng không nói là đừng cho bọn trẻ tiền.

Tôi sẽ không ngớ ngẩn đến độ bảo bạn nói với con của bạn những gì, vì rằng mỗi đứa trẻ mỗi khác và mỗi nhà mỗi cảnh. Điều tôi đang nói là tiền bạc đến từ ý tưởng. Có một câu nói rất quen thuộc là: “Một cuộc hành trình hàng ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân đơn giản.” Một câu nói chính xác hơn sẽ là: “Một cuộc hành trình hàng ngàn dặm bắt đầu bằng ý tưởng tạo nên cuộc hành trình.” Đối với tiền bạc, nhiều người bắt đầu cuộc hành trình trong đời họ bằng những ý tưởng nghèo nàn hoặc những ý tưởng hạn chế họ sau này trong cuộc đời.

KHI NÀO BẠN DẠY CON VỀ TIỀN BẠC?

Tôi thường được hỏi: “Ở độ tuổi nào thì tôi nên bắt đầu dạy con về tiền bạc?”

Câu trả lời của tôi là: “Khi con bạn bắt đầu quan tâm đến tiền.” Tôi có một người bạn có đứa con 5 tuổi. Giả dụ tôi có một tờ 5 đôla hoặc một tờ 20 đôla và hỏi thằng bé: “Con muốn cái nào?” thì thằng bé sẽ chọn cái nào? Người tôi hỏi luôn trả lời không chút ngập ngừng: “Tờ 20 đôla.” Tôi đáp lại: “Chính xác, thậm chí một đứa trẻ 5 tuổi cũng hiểu sự khác biệt giữa một tờ 5 đôla và 20 đôla.”

Người bố giàu lấy 10 cent mỗi giờ cho việc dạy tôi cách làm giàu. Người đã không làm điều đó chỉ để dạy tôi chuyên tiền nong. Tôi yêu cầu được học làm giàu, tôi không chỉ muốn học về tiền nong. Nếu đứa trẻ không thật sự muốn học làm giàu, thì hiển nhiên bài học nên khác đi. Một trong những lý do mà người bố giàu cho những đứa con khác tiền tiêu là vì những đứa con đó không quan tâm đến chuyện làm giàu, nên Người đã dạy họ những bài học khác về tiền. Mặc dù những bài học khác nhau, Người vẫn dạy họ có được sức mạnh về tiền bạc thay vì phí cả đời chạy theo nhu cầu về tiền bạc, Người đã nói: “Con càng cần nhiều tiền bao nhiêu thì con càng có ít sức mạnh bấy nhiêu.”

GIỮA CHÍN TUỔI VÀ MƯỜI LĂM TUỔI

Nhiều nhà tâm lý giáo dục đã nói với tôi rằng lứa tuổi từ 9 đến 15 tuổi rất quan trọng trong sự phát triển của một đứa trẻ. Tôi không phải là một chuyên gia về sự phát triển của trẻ em, cho nên hãy xem những lời của tôi như những hướng dẫn chung chung chớ đừng xem nó như một kinh nghiệm chuyên môn. Một chuyên gia tôi từng tiếp xúc đã nói rằng ở khoảng 9 tuổi, trẻ con bắt đầu phá vỡ một số điều mà bố mẹ áp đặt và tự tìm cho mình một con đường riêng. Tôi biết rằng điều đó đúng với tôi bởi vì năm lên 9, tôi bắt đầu làm việc với người bố giàu. Tôi muốn thoát khỏi thế giới thực tại của bố mẹ tôi, thế nên tôi cần một cá tính mới.

Một chuyên gia khác đã nói rằng ở độ tuổi này, trẻ con phát triển những gì mà chúng gọi là “phương pháp để thành công”. Đó chính là ý tưởng của một đứa trẻ về cách mà nó sẽ tồn tại tốt nhất và thành công. Nói cách khác, nếu một đứa trẻ nghĩ rằng nó học giỏi ở trường thì phương pháp để thành công của nó có thể là ở lại trường và tốt nghiệp trong danh dự. Nếu một đứa trẻ không học giỏi ở trường, hoặc không thích trường học, đứa trẻ đó có thể tìm một phương pháp khác.

Chuyên gia này cũng nêu một số điểm đáng chú ý về phương pháp để thành công, rằng mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái bắt đầu khi phương pháp để thành công của đứa trẻ không giống với của bố mẹ. Và những vấn đề gia đình nảy sinh khi các bậc bố mẹ bắt đầu áp đặt phướng pháp của họ lên con trẻ mà không tôn trọng phương pháp của con. Bố mẹ trước tiên cần phải lắng nghe kỹ lưỡng phương pháp để thành công của con mình.

Chuyên gia này cũng nói rằng nhiều người lớn gặp rắc rối lúc về già khi họ nhận ra rằng những phương pháp mà họ đặt ra cho bọn trẻ không còn thành công đối với họ nữa. Nhiều người lớn sau đó đã thay đổi công việc hoặc nghề nghiệp. Một số khác thì tiếp tục cố gắng làm cho phương pháp của mình có hiệu lực trở lại. Còn những người khác thất vọng, nghĩ là mình đã thất bại trong cuộc đời, thay vì nhận ra phương pháp để thành công của mình đã không còn phù hợp nữa. Nói cách khác, người ta thường hạnh phúc nếu phương pháp của mình thành công. Người ta thường thấy bất hạnh với cuộc sống nếu cảm thấy mệt mỏi vì phương pháp của mình, hoặc phương pháp đó không còn phù hợp nữa, hoặc phương pháp của mình không đạt được hiệu quả như mong muốn.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỂ THÀNH CÔNG CÓ SỨC MẠNH

Nói về tiền bạc, nhiều người đã phát triển một phương pháp để thành công mà không có một sức mạnh nào cả. Họ lập nên một phương pháp làm họ thua lỗ tiền bạc bởi vì đó là phương pháp duy nhất mà họ biết.

Ví dụ, tôi vừa mới gặp một người sa lầy vào một nghề nghiệp mà hiện nay anh rất ghét. Anh điều hành việc buôn bán xe hơi cho bố mình. Anh có thu nhập cao, nhưng lại không hạnh phúc. Anh ghét làm nhân viên cho bố mình, và ghét bị xem là con của ông chủ. Vậy mà vẫn phải làm. Khi tôi hỏi tại sao anh vẫn làm công việc đó, anh trả lời: “Tôi không nghĩ tôi có thể tự mình gầy dựng việc buôn bán xe Ford. Thế nên tôi nghĩ tốt nhất tôi nên chịu đựng công việc này cho đến khi nghỉ hưu. Hơn nữa, tôi kiếm được nhiều tiền.” Cách thức của anh đã thành công về mặt tiền bạc, nhưng anh đã thất bại trong việc tìm ra sức mạnh mà anh có thể có nếu anh thoát khỏi sự an phận.

Một ví dụ khác về phương pháp để thành công bị thất bại là một người vợ của bạn tôi vẫn đang làm công việc cô yêu thích nhưng không kiếm được nhiều tiền. Thay vì thay đổi phương pháp bằng cách học những kỹ năng mới, cô nhận làm công việc đó luôn cả vào cuối tuần và rồi than thở không có đủ thì giờ dành cho con cái. Hiển nhiên, phương pháp để thành công của cô là: “Làm cật lực việc mình thích, và kéo dài chịu dựng.”

MỘT HẠT CÁT CHỌI VỚI CẢ MỘT NGỌN NÚI

Người bố giàu thường hay nói: “Con không bao giờ dạy được một người nghèo làm giàu. Con chỉ có thể dạy một người giàu làm giàu.”

Người bố nghèo thường hay nói: “Bố sẽ không bao giờ giàu. Bố không quan tâm đến tiền bạc.” Và “Bố không thể trả nổi nó.” Có lẽ những hóa đơn tiền thuốc phải trả hoặc sự chật vật về tài chính trong những năm trưởng thành đã làm Người nói thế. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ chính hạt cát trong tư tưởng của Người đã gây nên nhiều vấn đề về tài chính.

Điều quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm khi đề cập đến tiền bạc là gây ảnh hưởng lên tư tưởng tiền bạc của con cái. Tôi muốn bố mẹ cho con cái họ tư tưởng rằng trẻ con cũng có sức mạnh đối với tiền bạc, thay vì làm nô lệ cho tiền bạc. Như người bố giàu của tôi từng nói: “Con càng cần nhiều tiền thì con càng có ít sức mạnh đối với tiền hơn.”

KHÔNG HẲN “CON VUA THÌ LẠI LẢM VUA, CON SÃI Ở CHÙA LẠI QUÉT LÁ ĐA”

Nhiều người nghèo bởi vì họ học cách “làm nghèo” từ gia đình. Người ta cũng có thể có nhận thức làm nghèo, mặc dù xuất thân từ gia đình giàu có và khá giả. Có điều gì đó xảy ra với họ trên đường đời, và họ luôn bị ám ảnh bởi nhận thức mình lúc nào cũng nghèo. Tôi tin rằng đó là điều đã xảy ra với bố tôi. Người cứ làm việc cật lực, cố kiếm tiền nhiều hơn nữa, nhưng thậm chí cả một núi tiền, và một núi học vấn, có lẽ cũng chẳng thay đổi nổi “hạt cát” nhận thức của Người.

Khi tôi phá sản và mất công ty đầu tiên, điều khó khăn nhất tôi phải làm là bảo vệ nhận thức của mình. Nếu không vì những bài học của người bố giàu về sự tự nhận thức thì tôi không biết mình có gượng dậy nổi và mạnh mẽ hơn từ kinh nghiệm không.

Làm thế nào để bảo vệ sự tự nhận thức của mình là một trong những bài học quan trọng nhất mà người bố thứ hai đã dạy cho tôi. Một người bố đã dạy tôi cách thể hiện sự mạnh mẽ khi bị đì và một người bố khác đã dạy tôi cách mạnh mẽ hơn về tài chính.

Nhiều người có nhận thức rất kém về bản thân trên đường đời. Tôi có thể nghe trong giọng của họ điều đó khi họ nói:

– Tôi đang nợ ngập đầu nên chẳng thể nào ngưng làm việc được.

– Tôi không thể thoát nổi nợ.

– Nếu tôi có thể kiếm thêm được vài đô la nữa…

– Cuộc đời sẽ dễ chịụ hơn nhiều nếu tôi không có con cái nheo nhóc.

– Tôi sẽ không bao giờ giàu nổi.

– Tôi không thể chịu đựng được khi bị thua lỗ tiền bạc.

– Tôi muốn khởi nghiệp, nhưng tôi cần có đủ ngân phiếu.

– Làm thế nào tôi có thể đầu tư nổi khi tôi thậm chí không thể trả nổi những hóa đơn của mình?

– Tôi sẽ thế chấp nhà để vay tiền trả thẻ tín dụng,

– Không phải ai cũng có thể làm giàu được.

– Tôi không quan tâm đến tiền bạc. Tiền không phải là điều quan trọng đối với tôi.

– Nếu Thượng đế muốn tôi giàu, Thượng đế sẽ ban tài lộc cho tôi.

Như người bố giàu của tôi nói: “Con càng cần tiền, thì con càng có ít sức mạnh hơn.” Có nhiều người không học giỏi ở trường nhưng đã tìm được việc làm lương cao. Nhưng bởi vì họ không được dạy cách khiến tiền bạc làm việc cho họ, họ đã làm việc cật lực vì đồng tiền và lún sâu vào nợ dài hạn. Họ càng cần nhiều tiền thì họ càng lung lay sự phát triển tự nhận thức của họ.

TIỀN KHÔNG LÀM CHO BẠN GIÀU

Nhiều người tích góp tiền bạc với hy vọng sẽ trở nên giàu có, trong khi những người khác lại sưu tầm bằng đại học và bảng điểm cao với hy vọng sẽ trở nên thông thái. Chiến lược riêng của tôi là vượt qua sự nhận thức nghèo nàn của tôi về tài chính và nhận thức rằng tôi không thông minh bằng những đứa trẻ khác. Nói cách khác, tôi đã không biết mình nghèo cho đến khi tôi quen những đứa bạn xuất thân từ những gia đình dư giả tiền bạc; và tôi đã không biết mình không mấy thông minh cho đến khi tôi so sánh mình với những đứa trẻ có điểm học cao hơn.

Tôi tin tưởng rằng mọi đứa trẻ sinh ra đã sẵn thông minh và giàu có… miễn là nhận thức đó của chính đứa trẻ được củng cố và không để hàng núi thông tin mà chúng sẽ tiếp thu từ trường học, nhà thờ, việc kinh doanh, truyền thông, và từ thế giới làm ảnh hưởng. Cuộc sống đã có nhiều khó khăn rồi, nhưng nó có thể còn khó khăn hơn nếu bạn nhận thức rằng bạn không thông minh và bạn không bao giờ giàu. Một vai trò quan trọng nhất mà các bậc bố mẹ cần có là làm gương, ủng hộ và bảo vệ nhận thức đúng của con mình.

DẠY CHO NGƯỜI LỚN QUÊN ĐI NHỮNG GÌ HỌ ĐÃ HỌC

Với vai trò là một thầy giáo của những người lớn, tôi nhận thấy dễ dạy một người giàu làm giàu hơn và một người thông minh, trở nên thông minh hơn. Rất khó dạy một người làm giàu khi bạn chỉ toàn nghe thấy họ nói:

– “Nhưng lỡ tôi bị lỗ thì sao?”

– “Nhưng anh phải có một nghề nghiệp ổn định.”

– “Ý anh là sao, làm không công hả? Anh phải trả tiền công cho người ta chứ!”

– “Đừng để bị mắc nợ.”

– “Hãy làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền bạc.”

– “Chơi an toàn thôi và đừng chịu rủi ro.”

– “Nếu tôi giàu, tôi sẽ tội lỗi và ngạo mạn.”

– “Người giàu thường tham lam.”

– “Chúng ta không bàn chuyện tiền bạc trên bàn ăn.”

– “Tôi không quan tâm đến tiền bạc.”

– “Tôi không thể trả nổi.”

– “Nó quá xa xỉ.”

Những câu nói hay những câu hỏi như thế xuất phát từ những nhận thức cá nhân đã bắt rễ khá sâu trong họ. Tôi nhận thấy khi tôi nâng học phí lên thì những lời than phiền đó biến mất và tôi có thể tiếp tục bài giảng của mình.

KHÔNG BAO GIỜ NÓI “TÔI KHÔNG THE TRẢ NỔI”.

Người bố giàu của tôi không phải là một nhà trị liệu bài bản, nhưng Người đủ thông minh để biết tiền chỉ là một ý tưởng. Người cấm con của Người và tôi nói “Tôi không thể trả nổi”, để giúp chúng tôi thay đổi nhận thức của mình, thay vào đó Người bắt chúng tôi nói “Tôi có thể trả nó thế nào?”. Tôi nhận ra rằng do cứ lãi nhãi “Tôi không thể trả nổi”, tôi đã củng cố nhận thức của mình rằng tôi là một người nghèo. Bằng cách nói “Tôi có thể trả nó thế nào?” tôi đã củng cố nhận thức của mình rằng tôi là một người giàu. Tôi đề nghị bạn đừng nói lung tung với con bạn kiểu “Bố/mẹ không thể trả nổi.” Và khi con bạn hỏi xin tiền, có lẽ bạn muốn nói: “Viết cho bố/mẹ một danh sách mười điều khác nhau mà con có thể làm, hợp pháp và đạo đức, để con có thể trả những gì con muốn mà không cần hỏi xin tiền bố mẹ.”

Nếu bạn kiểm nghiệm hai câu này, bạn sẽ thấy rằng “Tôi có thể trả nó thế nào?” mở tâm trí bạn ra để tìm ra những khả năng tích lũy của cải. Còn “Tôi không thể trả nổi” lại đóng tâm trí bạn lại với bất kỳ khả năng đạt được những gì bạn mong muốn.

CUỘC SỐNG BẮT ĐẦU BẰNG NHỮNG NHẬN THỨC

Có một hôm một nhà báo đã phỏng vấn tôi: “Xin cho biết làm thế nào ông trở thành một tỉ phú?”

Và tôi trả lời: “Tôi xây dựng doanh nghiệp và mua bất động sản.”

Nhà báo đáp lại: “Ồ, không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Tôi biết rằng tôi không thể làm được điều đó. Xin cho biết tôi có thể làm gì để trở thành một tỉ phú?”

Tôi trả lời: “Được, anh có thể tiếp tục công việc và mua bất động sản.”

Và nhà báo trả lời: “Nhưng thị trường bất động sản cao quá. Tôi không thể trả nổi, và tôi không muốn quản lý tài sản. Hãy cho biết còn điều gì tôi có thể làm được nữa không?”

Tôi nói: “Được, thị trường chứng khoán hiện giờ đang sôi động. Tại sao anh không đầu tư vào một số cổ phiếu?”

“Bởi vì thị trường chứng khoán quá rủi ro. Nó có thể phá sản nay mai không biết chừng. Mà tôi có vợ và mấy đứa con phải nuôi với một đống hóa đơn phải trả, nên tôi không thể chịu nổi việc thua lỗ tiền bạc như ông,” nhà báo nọ trả lời.

Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi đang làm những gì mà người bố giàu đã dạy tôi không nên làm. Tôi đang đưa ra những câu trả lời cho những người cần một sự thay đổi trong nhận thức. Tôi ngưng trả lời và bắt đầu hỏi. Tôi nói: “Hãy nói cho tôi biết làm thế nào anh có thể trở thành một tỉ phú?”

Anh ta nói: “Tôi có thể viết một quyển sách và bán hai triệu bản như ông đã làm.”

“Tốt. Anh là một nhà văn giỏi, và tôi nghĩ đó là một ý hay.”

“Nhưng nếu tôi không thể tìm được một đối tác để trình làng quyển sách thì sao? Ông biết đó, đã có lần tôi viết một quyển sách, nhưng không ai muốn đọc.” Anh nói qua một đề tài mới, nhưng nhận thức của anh ta vẫn như cũ.

Điều quan trọng nhất mà một người bố hoặc mẹ có thể bắt đầu là phát triển và bảo vệ sự tự nhận thức của con mình. Tất cả chúng ta có những nhận thức riêng về người khác, đúng hoặc sai. Bạn có thể nghĩ một người là ngớ ngẩn hoặc ngu xuẩn, hoặc thông minh, hoặc giàu có. Tôi nhớ khi tôi đang học phổ thông, tôi có một cô bạn gái thật kiêu ngạo. Nên dù tôi bị cô mê hoặc đến đâu thì nhận thức của tôi về cô khiến tôi không dám rủ cô đi chơi. Rồi một hôm tôi đã nói chuyên với cô và nhận ra cô thật tốt bụng, thân thiện và nồng nhiệt. Sau khi thay đổi nhận thức về cô, tôi đã rủ cô đi chơi. Câu trả lời của cô là: “Ồ, giá mà anh rủ tôi đi chơi từ trước. Tôi mới làm bạn với Jerry cách đây ít lâu, anh ấy và tôi hiện giờ sắp thành người yêu chính thức của nhau rồi.” Bài học rút ra từ câu chuyện này là, cũng giống như ta có nhận thức về người khác, ta thường có nhận thức về bản thân mình – và những nhận thức của người khác về chúng ta cũng có thể thay đổi như những nhận thức của ta về người khác vậy.

GIÀU CÓ VÀ THÔNG MINH CHỈ LÀ NHẬN THỨC

Bố ruột tôi đã kể cho tôi nghe về một nghiên cứu nổi tiếng được thực hiện ở trường Chicago mấy năm trước. Những nhà nghiên cứu giáo dục đã nhờ một nhóm giáo viên trợ giúp. Những thầy cô giáo này được nói rằng họ được chọn vì khả năng dạy giỏi. Họ cũng được bảo là chỉ những đứa bé có năng khiếu mới được vào học trong lớp họ. Các thầy cô giáo được bảo rằng cả học sinh và phụ huynh sẽ không biết về thí nghiệm vì họ muốn thấy những đứa trẻ có năng khiếu sẽ bộc lộ ra sao nếu chúng không biết chúng có tài năng.

Như dự đoán, các giáo viên đã báo cáo những học sinh biểu lộ sự xuất sắc. Các giáo viên đã báo cáo rằng làm việc với những đứa trẻ này hết sức thú vị và họ mong có thể được dạy chúng luôn.

Có một bí mật trong dự án. Điều mà các giáo viên không biết là họ không phải là những giáo viên dạy giỏi. Họ được chọn ngẫu nhiên. Cũng vậy, những học sinh không phải được chọn vì có năng khiếu đặc biệt. Chúng cũng được chọn ngẫu nhiên. Nhưng kỳ vọng quá lớn thì kỳ công cũng lớn, bởi vì những đứa trẻ và giáo viên được nhận thức là thông minh và xuất sắc, nên họ đạt kết quả xuất sắc.

Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là những nhận thức của bạn về con bạn có thể có tác động lớn đến kết quả của cuộc đời nó. Nói cách khác, nếu bạn thấy được năng khiếu đặc biệt của con bạn thì bạn sẽ giúp nó trở nên thông thái hơn. Nếu bạn thấy con bạn giàu có, bạn sẽ giúp nó trở nên giàu có hơn.

Sự học của con bạn bắt đầu từ đây, đó là lý do tôi nói: “Cho con sức mạnh – trước khi cho con tiền.” Giúp chúng phát triển sự tự nhận thức mạnh mẽ là bạn đã giúp chúng trở thành những đứa trẻ giàu có và thông minh. Nếu chúng không có điều đó, thì tất cả sự giáo dục hay tiền bạc trên thế giới này sẽ chẳng giúp được gì cho chúng. Nếu chúng có điều đó, việc trở nên thông minh hơn và giàu có hơn sẽ dễ dàng hơn nhiều.

MÓN QUÀ TỪ CẢ HAI NGƯỜI BỐ CỦA TÔI

Có lẽ món quà quý nhất là món quà tôi nhận được từ hai người bố trong thời kỳ tôi gặp khó khăn nhất. Khi tôi bị đuổi khỏi trường trung học, người bố nhà giáo của tôi vẫn luôn nhắc nhở rằng tôi là một đứa thông minh. Khi tôi mất sạch cơ nghiệp, người bố giàu vẫn nhắc nhở tôi rằng một người giàu có thực sự đã bị mất đến mấy công ty. Người cũng luôn nói rằng chỉ những người nghèo mới bị thua lỗ tí tiền mà đã sống trong sự sợ hãi bị thua lỗ.

Thế nên một người bố khuyến khích tôi nhận lấy sự thất bại trong học tập và biến chúng thành sức mạnh. Còn một người bố khuyên khích tôi nhận lấy sự thụa lỗ về tài chính và biến chúng thành những mối lợi. Họ dạy những vấn đề khác nhau, nhưng dù theo cách nào, cả hai người bố đều nói như nhau. Đó là khi những đứa trẻ thấy sự tệ hại nhất trong bản thân chúng thì bố mẹ chỉ thấy điều tốt đẹp nhất.

Nếu mọi thứ đều tệ hại trong thời thơ ấu của bạn, khi làm bố mẹ, bạn sẽ có được cơ hội lớn nhất – cơ hội làm người thầy và người bạn thân nhất của con bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.