Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

PHẦN 1: “TIỀN BẠC LÀ Ý TƯỞNG”. CHƯƠNG 01 Mọi đứa trẻ sinh ra đều thông minh và giàu có



Khi tôi còn bé, người bó giàu thường nói: “Tiền bạc là ý tưởng. Tiền bạc có thể là bất kỳ thứ gì con muốn. Nếu con nói, ‘Con sẽ chẳng bao giờ giàu’, thì hẳn là con sẽ chẳng bao giờ giàu có nổi. Nếu con nói, ‘Con không thể trả được’, thì hẳn là con không trả nổi.”

Người bố thông thái của tôi lại nói nhiều về giáo dục.

Có phải mỗi đứa trẻ sinh ra đều giàu có và giỏi giang không? Một số người nghĩ là có thể như vậy và cũng có một số người nghĩ là không thể. Ý kiến của bạn ra sao?
Cả hai người bố của tôi là những người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Cả hai đều tin rằng tất cả mọi đứa trẻ sinh ra đã có sẵn thông minh và giàu có. Họ là những người thầy vĩ đại vì họ tin vào việc làm bộc lộ tài năng của đứa trẻ. Nói cách khác, họ không tin vào việc nhồi nhét kiến thức, mà họ tin việc làm bộc lộ tài năng ở những đứa trẻ.

Từ education (giáo dục) xuất phát từ tiếng Latin educare, có nghĩa là “làm bộc lộ ra”. Không may là nhiều người trong chúng ta, ký ức về giáo dục chỉ là những năm học dài, khổ sở với những kỳ thi, những bài kiểm tra, để nhồi nhét một đống kiến thức vào đầu, và rồi quên béng mất những gì đã học được. Hai người bố của tôi thường nói rất ít, chờ tôi hỏi khi muốn tìm hiểu điều gì mới trả lời. Hoặc họ hỏi tôi, để xem tôi đã biết đến đâu, thay vì chỉ nói cho tôi biết những gì họ biết.

Mẹ tôi cũng là một người thầy lớn và tấm gương sáng cho tôi. Người là thầy của tôi về lòng yêu thương, lòng tốt và sự quan tâm đến người khách. Chẳng may mẹ tôi mất sớm lúc mới bốn mươi tám tuổi. Mẹ đau ốm liên miên, vật lộn với một trái tim đau yếu từ cơn sốt thấp khớp hồi bé. Chính sự ân cần, yêu thương người khác bất chấp đau bệnh của mẹ đã dạy tôi một bài học sống động. Rất nhiều lần khi tôi bị tổn thương và muốn trả miếng lại người khác, thì tôi lại nghĩ về mẹ và nhớ ra phải tốt bụng… thay vì giận dữ. Và dối với tôi, đó là một bài học quan trọng mà tôi cần nhớ hằng ngày.

NHỮNG BÀI HỌC TỪ BỐ VÀ MẸ

Có cả bố và mẹ làm thầy như thế là rất may mắn đối với tôi. Tôi to con và nặng hơn hầu hết những đứa trẻ cùng lứa khác. Mẹ tôi luôn lo ngại tôi ỷ thế bự con đi bắt nạt bạn bè, nên mẹ đã ép tôi phát triển thành dạng mà ngày nay người ta hay gọi là thỏ đế. Mẹ muốn tôi tốt bụng và nhân ái như người, nên tôi đã theo thế. Năm cuối lớp một, tôi đem học bạ về nhà, trong đó thầy giáo ghi: “Robert cần mạnh mẽ hơn. Tất cả những em trai khác hay trêu chọc em mặc dù em to con hơn các em đó nhiều!”

Khi mẹ tôi xem học bạ, bà không có ý kiến gì. Bố tôi đi làm về và đọc nó, Người nổi điên. “Những đứa khác trêu chọc con là sao? Tại sao con để cho chúng trêu chọc? Con là thỏ đế hả?” Người la mắng và để ý đến những nhận xét về hành vi của tôi chứ không mấy để ý đến điểm số. Khi tôi giải thích với bố là tôi chỉ nghe theo lời dạy của mẹ, bố quay sang mẹ và nói: “Học cách đối phó với chuyện bị ức hiếp là điều quan trọng đối với tất cả trẻ con, nếu không khi lớn lên chúng sẽ hay bị ức hiếp. Tốt bụng cũng là một cách đối phó với những đứa hay bắt nạt, nhưng như vậy là phản tác dụng nếu lòng tốt không được trân trọng.”

Quay sang tôi, bố hỏi: “Còn con cảm thấy thế nào khi bị bạn trêu chọc?”

Ràn rụa nước mắt, tôi trả lời: “Con cảm thấy khiếp sợ. Con cảm thấy bơ vơ, hoảng loạn. Con không muốn đến trường. Con muốn chống trả, nhưng con cũng muốn là một đứa trẻ ngoan như bố mẹ muốn vậy. Con ghét bị gọi là “thằng mập” và “thằng khờ” hay bị trêu chọc. Con ghét nhất là đứng chịu trận. Con cảm thấy mình là thỏ đế. Thậm chí mấy bạn gái còn cười con vì con chỉ biết đứng khóc. Con biết con có thể đánh lại tụi nó. Tụi nó chỉ là mấy đứa hay kiếm chuyện với người khác, và tụi nó thích kiếm chuyện với con vì con là đứa to con nhất trong lớp. Mọi người nói đừng đánh chúng vì con lớn hơn, nhưng con ghét đứng chiu trận. Con ước gì mình có thể làm gì đó. Tụi nó biết con sẽ không làm gì hết nên tụi nó mới trêu chọc con trước mặt những đứa khác hoài. Con muốn thộp cổ và đấm tụi nó.”

“Được rồi, đừng đánh chúng. Nhưng bằng bất cứ cách gì có thể được, con phải cho chúng biết rằng con sẽ không chịu để bị chọc ghẹo nữa. Con đang học một bài học rất quan trọng về lòng tự trọng và học cách đứng lên vì lẽ phải. Đừng đánh chúng. Hãy nghĩ ra cách cho chúng biết là con sẽ không để bị bắt nạt nữa.”

Tôi ngưng khóc. Tôi cảm thấy khá hơn nhiều và lấy lại được phần nào dũng cảm và tự tin. Bây giờ tôi đã sẵn sàng quay trở lại trường học.

Hôm sau, bố mẹ tôi bị mời vào trường vì tôi đã ấn hai tên ‘đại bàng’ xuồng vũng bùn sau khi đã kiên nhẫn yêu cầu chúng thôi trêu chọc tôi, nhưng chúng vẫn cứ tiếp diễn.

Từ đó trở đi, năm học của tôi dễ chịu hơn nhiều. Tôi đã có một chút tự tin, tôi đã có được sự nể trọng trong lớp, và cô bạn xinh nhất lớp trở thành bạn gái của tôi. Nhưng thú vị nhất là hai ‘đại bàng’ cuối cùng cũng trở thành bạn của tôi. Tôi đã học được cách sống hòa mình bằng sự mạnh mẽ thay vì sợ hãi dai dẳng.

Mấy tuần sau, tôi đã học thêm được một số bài học đáng giá trong cuộc sông từ cả bố và mẹ tôi. Tôi học được rằng trong cuộc sống không có câu trả lời đúng hoặc sai. Tôi học được rằng trong cuộc sông, chúng ta có sự chọn lựa, và mỗi chọn lựa có một hệ quả. Nếu chúng ta không thích chọn lựa này và hệ quả của nó thì chúng ta có thể tìm kiếm một chọn lựa khác với một hệ quả dễ chịu hơn. Từ vụ vũng bùn, tôi đã nghiệm ra tầm quan trọng của cả tốt bụng, nhân ái từ mẹ, và mạnh mẽ, chuẩn bị chống trả từ bố. Tôi học được rằng quá nhiều cái này hoặc cái khác, hoặc chỉ cái này mà không phải cái khác có thể làm ta tự hạn chế mình. Giống như quá nhiều nước có thể làm chết một cái cây đang khô héo, con người chúng ta có khuynh hướng đi quá xa về một hướng này hoặc hướng khác. Tối hôm chúng tôi từ phòng hiệu trưởng về nhà, bố tôi nói: “Rất nhiều người sống trong một thế giới trắng đen hoặc đúng sai. Rất nhiều người sẽ khuyên con, ‘Đừng bao giờ đánh trả’, và cũng có những người khác nói, ‘Đánh trả đi.’ Nhưng con cần nhớ cái chính để thành công trong đời là: Nếu con phải đánh trả, con phải biết chính xác đánh trả khó khăn thế nào. Để biết điều đó đòi hỏi phải thông minh hơn nhiều so với chỉ việc nói, ‘Đừng đánh trả/ hay ‘Đánh trả đi.'”

Bố tôi thường nói: “Thông minh thực sự là biết cái gì tường tận và thỏa đáng hđn là chỉ đơn giản biết cái gì là đúng hoặc sai.” Là một đứa trẻ sáu tuổi, tôi đã học được từ mẹ rằng tôi cần phải tốt bụng và hòa nhã… nhưng tôi cũng học được rằng không nên quá tốt bụng và hòa nhã. Từ bố tôi, tôi học sự mạnh mẽ, nhưng tôi cũng nghiệm ra rằng tôi cần phải thông minh, sử dụng đúng sức mạnh của mình. Tôi đã thường nói rằng đồng tiền có hai mặt. Tôi chưa bao giờ thấy đồng tiền một mặt. Nhưng tất cả chúng ta thường hay quên điều đó. Chúng ta thường nghĩ mặt chúng ta đang đứng trên đó là mặt duy nhất hoặc là mặt phải. Khi đó, chúng ta có thể thông thái, chúng ta có thể biết sự thật của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể giới hạn sự thông minh của mình.

Có lần một thầy giáo của tôi nói: “Thượng đế cho chúng ta chân phải và chân trái. Thượng đế không cho chúng ta chân phải và chân sai. Con người tiến lên bằng cách bước chân phải trước rồi đến chân trái. Người nào nghĩ rằng họ luôn luôn phải cũng giống như người chỉ có chân phải. Họ nghĩ họ đang tiến lên, nhưng thông thường họ đang bị lẩn quẩn trong vòng tròn.”

Chúng ta đang ở trong thời đại Công nghệ Thông tin và các bạn trẻ có thể “thạo đời” hơn bố mẹ mình, nhưng chúng ta có thể học để thông minh hơn bằng chính thông tin và cảm xúc của chúng ta. Chúng ta cần phải học từ cả bố và mẹ mình, bởi vì với thông tin nhiều hơn, chúng ta cần phải thông minh hơn mới xử lý hết được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.