Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

KẾT LUẬN: Việc quan trọng nhất trên đời



Người bố thông thái thường nói: “Có hai loại trẻ con. Có những đứa trẻ thành công bằng cách đi theo đường mòn và có những đứa trẻ ghét đi theo đường mòn và cảm thấy chúng phải tự khai phá con đường cho mình. Trong mỗi chúng ta đều tồn tại hai đứa trẻ đó.”

ĐỪNG ĐÙA VỚI LỬA

Đó là cách người bố thông thái cho tôi biết, đối với tôi việc tìm con đường riêng cho mình trong đời là hợp lý miễn là tôi đáng được tôn trọng và sự tìm kiếm của tôi là chính đáng. Và có lúc tôi lầm đường lạc lối một thời gian dài. Tuy nhiên, dù cho tôi có lạc đường lâu đến đâu, bố tôi vẫn để đèn sáng và luôn chào đón tôi trở về nhà.

Khi Người không tán thành những gì tôi làm, Người liền cho tôi biết suy nghĩ của người, nhưng Người không cản tôi. Người thường nói: “Cách duy nhất để một đứa trẻ hiểu những từ bếp lửa nóng là cứ để nó chạm tay vào bếp lửa đang còn nóng.”

Tôi nhớ mình đã xem Người diễn thuyết vào một buổi chiều, trong đó người kể về câu chuyện bếp lửa nóng. Có khoảng 150 bậc cha mẹ đang nghe, Người nói: “Cách duy nhất những người lớn chúng ta biết bếp lửa nóng nghĩa là gì là bởi vì chúng ta đã từng chạm vào bếp lửa. Ai trong chúng ta cũng đã từng nghịch lửa mặc dù dã được răn đe là không được đùa với lửa. Và nếu có ai chưa từng chạm vào bếp lửa nóng thì tôi khuyên nên sớm thử. Chưa thử coi như mất cả cuộc đời.”

Các phụ huynh và thầy cô bật cười khi nghe vậy. Rồi một phụ huynh giơ tay lên hỏi: “Có phải ông nói rằng chúng tôi không nên đưa con mình vào kỷ luật?”

“Không. Tôi không nói vậy. Tôi đang nói rằng con cái của chúng ta sẽ học bằng kinh nghiệm sống. Tôi nói rằng cách duy nhất để một đứa trẻ biết bếp lửa nóng là chạm vào nó. Nếu chúng ta bảo chúng đừng đụng vào thì thật lố bịch. Đứa trẻ sẽ thử ngay. Đó là cách Thượng đế sắp đặt để trẻ con học hỏi. Trẻ con học bằng cách làm, phạm lỗi và rồi rút ra bài học. Chúng ta là người lớn,trong nỗ lực của chúng ta để dạy dỗ con minh, bảo chúng đừng phạm sai lầm và rồi trừng phạt nếu chúng phạm sai lầm. Đó là một sai lầm.”

Lúc đó tôi mới 14 tuổi, nhưng tôi có thể thấy nhiều bậc phụ huynh và thầy cô không thích thông điệp của bố tôi. Đối với nhiều người trong số họ, tránh sai lầm là một cách sống. Một phụ huynh khác giơ tay lên nói: “Cho nên ông nói rằng mắc sai lầm là điều tự nhiên, rằng mắc sai lầm là cách để chúng ta học.”

“Đó là những gì tôi muốn nói,” bố tôi đáp.

“Nhưng trường học trừng phạt con em chúng ta vì chúng phạm sai lầm,” phụ huynh đó nói, ông vẫn còn đang đứng.

“Và đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây tối hôm nay. Tôi ở đây vì chúng ta là những người thầy đã bỏ qua việc sửa sai, và chúng ta đã quá chú trọng vào việc vạch lá tìm sâu và trừng phạt những học sinh mắc lỗi. Tôi e rằng chúng ta càng trừng phạt những sai lầm thay vì dạy bọn trẻ biết sửa sai và rút kinh nghiệm thì chúng ta càng bỏ lỡ nhiều quan điểm giáo dục. Thay vì trừng phạt bọn trẻ vì chúng phạm lỗi, chúng ta cần khuyến khích chúng phạm nhiều lỗi hơn. Chúng càng phạm nhiều sai lầm và học hỏi rút kinh nghiệm thì chúng càng giỏi hơn.”

“Nhưng các thầy giáo như ông đã trừng phạt và đánh rớt những học sinh mắc quá nhiều lỗi.”

“Đúng vậy. Và đó là thiếu sót của hệ thống giáo dục của chúng ta, và tôi là một phần của hệ thống, và đó là lý do tại sao tối hôm nay tôi lại ở đây.”

Bố tôi tiếp tục giải thích rằng tính hiếu kỳ tự nhiên của một đứa trẻ thúc đẩy nó học hỏi. Nhưng tính hiếu kỳ đôi lúc có thể giết chết một con mèo, cho nên việc quá hiếu kỳ có thể hủy hoại đứa trẻ. Thông điệp của bố tôi tối hôm đó là bố mẹ và thầy cô cần sửa sai nhưng không làm ảnh hưởng gì đến tính hiếu kỳ tự nhiên của trẻ.

Rồi Người hỏi: “Làm thế nào quý vị có thể sửa sai mà không ảnh hưởng gì đến tính hiếu kỳ tự nhiên của trẻ?”

Bố tôi trả lời luôn: “Tôi không có câu trả lời. Tôi tin rằng nó vừa là một nghê thuật vừa là một tiến trình tuần tự, nên có thể là không có câu trả lời. Tôi chỉ ở đây để nhắc quý vị với tư cách là bố mẹ rằng tất cả chúng ta đã biết được bếp lửa nóng khi ta chạm vào nó. Chúng ta chạm vào nó bởi vì chúng ta hiếu kỳ và muốn học hỏi điều mới. Tôi đứng đây để trình bày về tính hiếu kỳ tự nhiên và mong muốn học hỏi của con quý vị, đồng thời làm hết sức để bảo vệ bọn trẻ. Thứ quan trọng cần bảo vệ là tính hiếu kỳ bởi vì đó là cách chúng ta học. Hủy diệt tính hiếu kỳ chính là hủy diệt tương lai của trẻ.”

Một phụ huynh khác giơ tay lên và nói: “Tôi là một người mẹ đơn độc. Hiện nay tôi không kiểm soát nổi con tôi. Nó đi về trễ và không chịu nghe lời tôi. Nó đang theo lũ bạn xấu. Tôi phải làm gì đây? Tôi có khuyến khích sự hiếu kỳ của nó không hay chờ cho đến khi nó bị vào tù?”

Bố tôi hỏi: “Con trai bà bao nhiêu tuổi?”

“Nó vừa mới mười sáu tuổi.”

“Như tôi đã nói, tôi không có câu trả lời. Khi trẻ lớn lên, thì không có ‘Câu trả lời nào phù hợp với mọi thứ.’ Có lẽ cảnh sát sẽ có câu trả lời mà con trai bà cần tìm. Vì lợi ích của con bà, tôi hy vọng họ không làm vậy.”

Rồi bố tôi tiếp tục kể về hai loại trẻ con, loại thứ nhất đi theo con đường thẳng và hẹp, còn loại trẻ kia cần tạo ra con đường riêng cho mình. Tất cả những gì bố mẹ có thể làm là giữ cho đèn sáng và hy vọng con mình quay lại đúng đường. Nhiều người trong số họ đã tự mình rời bỏ con đường. Trong chúng ta có người đôi khi muốn tìm con đường riêng cho mình. Người giải thích thêm: “Tất cả chúng ta tin rằng có một con đường đúng và một con đường sai. Nhưng đôi khi, con đường của chúng ta là con đường tốt nhất. Và đôi khi con đường của chúng ta không phải là con đường của con chúng ta.”

Không hài lòng với câu trả lời đó, người mẹ trẻ lại đi lên và nói: “Nhưng nếu nó đi lang thang ngoài phố vào ban đêm và không trở về thì sao? Lúc đó tôi phải làm gì?”

Bố tôi ngưng một chút và, với cặp mắt cảm thông và chia sẻ với mối lo ngại của bà ta, Người trầm tĩnh nói: “Chỉ việc để đèn sáng.” Rồi Người thu xếp giấy tờ và bước xuống bục. Dừng lại trước khi bước ra khỏi căn phòng đang lặng đi, bố tôi quay lại và nói: “Việc quan trọng nhất trên đời của bố mẹ và thầy cô là giữ cho đèn sáng!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.