Dạy Con Làm Giàu – Tập 4
CHƯƠNG 05 Con hạn sẽ cần bao nhiêu phươmg pháp để thành công?
Nhìn lại cuộc đời của người bố giàu và người bố nghèo, tôi đã nhận ra ai thành công hơn ai đơn giản vì người đó có nhiều phương pháp để thành công hơn.
Bạn của tôi – Adrian – đã làm việc nhiều năm cho một tập đoàn lớn và vào đầu năm 1990 cô đã nghỉ việc. Với sự cầu tiến và luôn muốn tự mình, kinh doanh, Adrian đã mua lại quyền kinh doanh một đại lý du lịch bằng tiền để dành, và tiền nghỉ việc từ công ty cũ. Khi cô điều hành đại lý của mình, các công ty hàng không bắt đầu cắt giảm tiền hoa hồng trên mỗi vé mà đại lý bán được. Tiền hoa hồng trước kia là 800 đôla, nay chỉ còn dưới 100 đôla, thậm chí có lúc chỉ còn 50 đôla. Cô đang phải đối mặt với việc đóng cửa đại lý, và lần này cô sạch nhẵn tiền tiết kiệm và sẽ không nhận được xu nào tiền nghỉ việc từ đại lý của mình. Cô đang rao bán đại lý du lịch của mình, nhưng giá của nó đã sụt thê thảm vì hoa hồng của các hãng hàng không ngày càng giảm.
Tôi tin rằng một trong những lý do khiến Adrian túng thiếu lúc về già là cô không có đủ phương pháp để thành công chuẩn bị sẵn cho suốt cuộc đời. Adrian không phải là người duy nhất tôi biết đang phải sống chật vật bởi vì cô thiếu phương pháp để thành công. Có nhiều người học giỏi nhưng ra trường vẫn không có đủ phương pháp để thành công trong cuộc đời. Chương này sẽ giúp các bậc bố mẹ chuẩn bị đầy đủ phương pháp để giúp con mình thành công trong cuộc dời.
CON BẠN CẦN TỐI THIỂU BA PHƯƠNG PHÁP ĐỂ THÀNH CÔNG
Có ba phương pháp cơ bản mà một đứa trẻ cần phải học để thành công trong công việc và tài chính trên đường đời:
Một phương pháp trong học tập
Một phương pháp trong công việc
Một phương pháp trong tài chính
PHÁT HUY MỘT PHƯƠNG PHÁP ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG HỌC TẬP
Giai đoạn từ lúc mới sinh ra cho đến năm 15 tuổi rất quan trọng; đó là thời gian trẻ con tìm kiếm và phát huy một phương pháp để thành công trong học tập của mình. Nếu một đứa trẻ thích thú trường học, học hành tốt và luôn đạt điểm cao, thì đứa trẻ đó sẽ phát huy được một phương pháp để học giỏi. Nếu trẻ chật vật trong việc học hành ở những năm đầu đời, hoặc có cảm giác không được thông minh như những đứa trẻ đồng trang lứa khác, thì chúng có thể sẽ tự ti mặc cảm, có thái độ không ưa trường học, và những năm cắp sách đến trường đối với chúng sẽ là cực hình. Đứa trẻ có thể cảm thấy mình “ngu xuẩn” và thấy không thể sống nổi trong hệ thống giáo dục. Chúng bắt đầu bị gán những biệt danh tệ hại như “chậm phát triển” thay vì được gọi bằng những từ mỹ miều như “tài năng”, “sáng láng” hay “có năng khiếu”. Là một người lớn tôi ghét bị gán cho những biệt danh xấu như “ngu đần”. Bạn có nghĩ những đứa trẻ 11,12 tuổi thích những biệt danh như vậy không?
Hệ thống đánh giá kết quả học tập là một lý do nữa để trẻ em thấy ít an toàn về mặt giáo dục. Trên đồ thị của hệ thống, nếu có 10 đứa trẻ thì sẽ có 2 đứa trên đỉnh đường cong, 2 đứa ở đáy đường cong và 6 đứa ở giữa. Thông thường,trong các cuộc kiểm tra năng lực học tập, tôi thường được đánh giá là thuộc 2% ở trên về tiềm năng nhưng lại thuộc 2% ở dưới về điểm số. Người bố nhà giáo của tôi thường nói về phương pháp đồ thị để đánh giá học sinh: “Học đường đúng là một hệ thống loại trừ hơn là một hệ thống giáo dục.” Với tư cách là một người bố, ông có trách nhiệm giữ cho tôi được an toàn về tinh thần và cảm xúc, và giúp tôi tránh khỏi bị hê thống loại trừ.
SỰ THAY ĐỔI NĂM CHÍN TUỔI
Triết lý giáo dục của một nhà giáo dục hàng đầu – Rudolf Sterner – đã được kết hợp chặt chẽ trong các trường học Waldorf, được đánh giá là một trong những hệ thống trường học phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Steiner thường nói và viết về “sự thay đổi năm 9 tuổi.” Sự khám phá của ông là khoảng độ 9 tuổi, trẻ em bắt đầu tách khỏi tính cách của bố mẹ và tự hình thành tính cách của mình. Steiner đã khám phá ra rằng đây thường là một giai đoạn trẻ con cảm thấy cô độc. Đứa trẻ bắt đầu tìm kiếm “cái tôi” của nó trong cái “chúng tôi, chúng ta” của gia đình. Trong giai đoạn này, đứa trẻ cần học những kỹ năng sống thực tế. Vì lý do này, những đứa trẻ học tập ở hệ thống Waldorf vào độ tuổi này sẽ được dạy trồng vườn, xây nhà chòi, nướng bánh mì, và những thứ giống vậy. Không phải là chúng học nghề cho tương lai mà là chúng đang học các kỹ năng này như một sự đảm bảo cá nhân rằng chúng có thể tự tồn tại được. Đứa trẻ cần biết rằng chúng có thể tồn tại trong giai đoạn này để tìm kiếm đặc điểm riêng của mình. Nếu chúng không phát triển được một cảm giác an toàn nào trong giai đoạn này thì hậu quả có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên các đường hướng và lựa chọn trong tương lai của chúng. Hiển nhiên, mỗi đứa trẻ phản ứng lại sự khủng hoảng tính cách này khác nhau, và đó là lý do tại sao những quan sát và cảm nhận cẩn thận của các bậc phụ huynh lại cần đến vậy. Một thầy giáo với 30 học sinh không thể nhận ra được từng sự lựa chọn và nhu cầu khác nhau của các học sinh mình ở độ tuổi này.
Người bố học thức của tôi không tán thành công trình của Rudolf Steiner, nhưng ông công nhận giai đoạn phát triển này trong cuộc đời đứa trẻ. Khi Người để ý thấy rằng tôi không học giỏi ở trường, và tôi bị Andy Kiến ảnh hưởng thế nào khi tôi thông báo rằng Andy là thiên tài còn tôi thì không, Người bắt đầu quan sát và hướng dẫn tôi một cách tường tận hơn. Đó là lý do Người khuyến khích tôi chơi thể thao nhiều hơn.
Người biết rằng Andy học bằng cách đọc và tôi học bằng cách làm. Người muốn tôi biết rằng tôi cũng có thể thành công trong học tập theo cách riêng của tôi. Người muốn tôi tìm ra cách để giữ được sự tự tin trong trường học, ngay cả khi qua thể thao hơn là qua các môn học lý thuyết.
Gia đình tôi cũng gặp vấn đề về tiền bạc vào thời điểm tôi 9-10 tuổi. Tôi đoán là người bố học thức đã nhận ra rằng sự thiếu khả năng kiếm tiền của Người đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Người biết rằng tôi thường thấy mẹ ngồi khóc trước những hóa đơn cần trả. Tôi nghĩ Người biết rằng tôi có lẽ sẽ tìm kiếm một phong cách khác hẳn Người, và tôi đã làm vậy. Tôi bắt đầu học với người bố giàu năm 9 tuổi. Nhìn lại, tôi đã tự tìm ra được câu trả lời về cách tôi có thể giúp gia đình trong giai đoạn khó khăn về tài chính này. Rõ ràng là tôi đang tìm kiếm một tính cách không giống bố mẹ tôi.
PHƯƠNG PHÁP CỦA ADRIAN NGƯỢC VỚI PHƯƠNG PHÁP CỦA TÔI
Bởi vì trước đây Adrian học tập tốt ở trường nên tôi khuyên cô trở về trường để học một lĩnh vực mới. Phương pháp học tập của tôi khác với của Adrian. Đó là phương pháp tôi đã học năm 9 tuổi – tìm một chuyên gia giỏi và học bằng cách làm. Ngày nay tôi vẫn tìm những chuyên gia giỏi để học hỏi. Tôi tìm những chuyên gia giỏi đã làm những việc tôi muốn làm, hoặc tôi nghe họ nói về những gì họ đã làm. Tôi cũng đọc, nhưng đó là cách sau cùng. Thay vì trở về trường để học kinh doanh, tôi tự xây dựng công ty cho mình, bởi vì tôi học bằng cách làm hơn là học bằng cách ngồi trong lớp. Tôi tìm kiếm một chuyên gia giỏi, hành động, phạm sai lầm, và tìm sách hoặc băng nói về những sai lầm tôi mắc phải để học hỏi từ những sai lầm. Ví dụ, khi chiến dịch tiếp thị – một trong những công việc của tôi – bị thất bại, tôi vào một phòng học lớn và tìm cách để có câu trả lời mới mẻ. Ngày nay, là một nhà tiếp thị khá giỏi… nhưng tôi sẽ không được như vậy nếu tôi chỉ ngồi trong lớp, đọc sách và nghe giảng từ những người thầy có lẽ không có công ty riêng nào để làm chủ cả.
Mỗi đứa trẻ sẽ có một phương pháp độc đáo riêng để thành công trong học tập. Việc của bố mẹ là quan sát và hỗ trợ để chúng chọn được phương pháp học tập tốt nhất. Nếu đứa trẻ học không giỏi ở trường, hãy gần gũi với trẻ hơn để hỗ trợ nó tìm cách tốt nhất để học giỏi.
Nếu con bạn học giỏi và thích đi học, thì bạn thật hạnh phúc. Hãy để chúng vượt trội hơn và tận hưởng điều đó. Nếu chúng không thích trường học, hãy làm cho chúng biết rằng chúng vẫn có tài năng, và khuyến khích chúng tìm ra cách học trong một hệ thông chỉ cần có một tài năng. Nếu chúng có thể làm được, chúng sẽ đạt được những kỹ năng để có thể tồn tại trong thế giới thực, một thế giới đòi hỏi nhiều tài năng khác nhau để tồn tại. Đó là những gì bố tôi đã khuyến khích tôi làm. Người khuyến khích tôi tìm ra phương cách học tập cho mình, mặc dù thực tế là tôi ghét những gì tôi học. Đó là một sự rèn luyện chuẩn bị cho cuộc sống thực tế sau này.
SỰ TỰ NHẬN THỨC BỊ ĂN MÒN
Tôi đã nói rằng nợ nần và mất cảm giác an toàn về tài chính có thể làm ăn mòn sự tự nhận thức về tài chính của một người. Nói cách khác, nếu bạn có quá nhiều thất bại về tài chính hoặc cảm thấy sa lầy trong việc cần sự an toàn trong công việc và trang trải mọi thứ, thì sự tự nhận thức về tài chính của bạn có thể bị đông đặc. Đối với chuyện học hành cũng vậy, nếu chúng ta nói rằng đứa trẻ không thông minh như những đứa trẻ khác thì chúng cũng có cảm giác ghét chuyện học. Nếu không có sự ủng hộ của bố tôi, tôi có thể đã nghỉ học từ lâu chỉ vì không ai muốn cảm thấy mình ngu đần. Tôi biết mình không dốt. Tôi biết mình chỉ chán ngán những môn đang phải học ở trường thôi. Tuy nhiên, những điểm số tồi tệ ở trường của tôi vẫn bắt đầu ăn mòn sự tự nhận thức về học hành của tôi. Chính người bố thông thái của tôi đã giúp tôi qua khỏi giai đoạn khó khăn đó trong đời.
Dù cho con bạn có học giỏi hay không, hãy quan sát và khuyến khích chúng tìm ra phương pháp học tập, bởi vì một khi chúng ra trường và bước vào đời, sự giáo dục của chúng mới thực sự bắt đầu.
NHỮNG MỐI QUAN TÂM CỦA NGƯỜI BỐ THÔNG THÁI CỦA TÔI
Một vài năm trước, người bố nhà giáo của tôi đã cố thử thay đổi hệ thống. Người biết rằng những đứa trẻ khác nhau thì sẽ có những năng khiếu khác nhau. Người cũng nhận ra rằng hệ thống là một dạng “một cỡ cho tất cả mọi người”, hệ thông này chỉ thích hợp với khoảng 30% trẻ và đúng là đáng sợ đối với những đứa trẻ còn lại. Người thường nói: “Lý do hệ thống giáo dục không thay đổi là vì nó không được thiết kế để thay đổi. Nó là một hệ thống được thiết kế để tồn tại vĩnh cửu.”
Hầu như ai cũng biết các thầy cô đang cố hết sức để dạy bọn trẻ. Vấn đề ở chỗ, một hệ thông như đề cập ở trên chỉ sẽ làm chậm chúng lại thay vì thay đổi để thúc đẩy chúng. Đối với tôi, đó là một hệ thông cứng nhắc. Đó là công ty duy nhất mà tôi biết không cung cấp nổi cho khách hàng những gì họ cần mà còn đổ lỗi cho khách hàng.
Thay vì nói chúng ta có một hệ thống đáng chán thì họ nói: “Con cái bạn chậm quá!” hoặc “Các giáo viên có sự yếu kém trong việc giảng dạy.” Như tôi đã nói, đó là đơn vị duy nhất đổ lỗi cho khách hàng những sai lầm của mình.
Trước đây người bố ruột tôi đã nhận ra rằng đó là một hệ thống có những chỗ rạn nứt kinh khủng bên trong. Người rất bực khi phát hiện ra rằng hệ thống giáo dục được hầu hết các nước nói tiếng Anh áp dụng là một hệ thống giáo dục có nguồn gốc hàng trăm năm trước ở nước Phổ. Người còn bực mình hơn khi nhận thấy mình cũng là một phần của hệ thống được thiết kế không phải để giáo dục trẻ em mà để tạo nên những người lính và người làm thuê tốt. Một hôm Người nói với tôi: “Lý do chúng ta có từ ‘nhà trẻ’ trong hệ thống giáo dục là vì hệ thống của chúng ta có nguồn gốc hàng trăm năm trước từ nước Phổ, từ ‘nhà trẻ’ là theo tiếng Phổ. Nói cách khác, một nhà trẻ để chính quyền giáo dục, hoặc ‘truyền bá’. Đó là một hệ thống dược thiết kế để lấy đi trách nhiệm giáo dục khỏi bố mẹ và dạy cho trẻ em cách phục vụ tốt nhất cho nhu cầu và mong muốn của chính quyền.”
TỪ SAMURAI ĐẾN BÁC SỸ ĐẾN THẦY GIÁO
Bên nội tôi có truyền thống chiến đấu, nhiều người thuộc samurai trong thời đại phong kiến ở Nhật. Nhưng sau khi giao thương với phương Tây được Commodore Perry mở ra, hệ thông của chế độ phong kiến bắt đầu tàn lụn. Gia đình bên nội tôi bắt đầu từ bỏ con đường samurai và trở thành những bác sĩ y khoa. Ông nội tôi được định sẵn để trở thành một thầy thuốc, nhưng ông đã bỏ đến Hawaii, ông đã phá vỡ dây chuyền. Mặc dù ông nội tôi không phải là một bác sĩ, nhưng bố tôi vẫn mong được vào trường y, nhưng ông cũng lại phá vỡ dây chuyền đó.
Khi tôi hỏi bố tôi tại sao Người không làm bác sĩ thì Người trả lời: “Lúc bố còn học trung học, bố bắt đầu tự hỏi tại sao nhiều bạn học đột nhiên nghỉ học giữa chừng. Hôm trước bạn bố còn đó, hôm sau đã không thấy trong lớp nữa. Bố bắt đầu tò mò và bắt đầu tìm hiểu về ban giám hiệu. Bố sớm phát hiện ra rằng đồn điền mía đường và trồng thơm (dứa) yêu cầu các trường học đánh rớt ít nhất là 20% trẻ di cư từ châu Á. Đó là cách đồn điền đảm bảo là họ có một đội ngũ nhân công thủ công thất học ổn định. Máu bố sôi lên khi nhận ra điều đó, và bố đã quyết định bước vào lĩnh vực giáo dục thay vì vào y tế. Bố muốn đảm bảo rằng tất cả mọi đứa trẻ đều có cơ hội được giáo dục tốt như nhau. Và bố sẵn sàng đấu tranh vì điều đó.”
Bố tôi đã đấu tranh cả đời để thay đổi hệ thống và cuối cùng nỗ lực của ông bị đánh bại. Gần cuối đời, ông được công nhận là một trong hai nhà sư phạm hàng đầu trong lịch sử 150 năm của nền giáo dục công ở Hawaii. Mặc dù Người được những người trong hệ thống công nhận vì lòng can đảm, nhưng hệ thống nhìn chung vẫn còn như cũ. Như tôi đã nói, đó là hệ thống được thiết kế cho sự tồn tại hơn là cho sự thay đổi. Điều đó không có nghĩa là hệ thống đã không làm việc tốt cho nhiều người. Nó đã làm một công việc xuất sắc cho khoảng 30% số người làm việc tốt trong hệ thống. Vấn đề ở chỗ, hệ thống hiện nay đã được tạo ra từ hàng trăm năm trong thời đại nông nghiệp,thời đại trước cả xe hơi, máy bay, radio, tivi, máy tính và Internet. Đó là hệ thông đã không đứng vững nổi trước những thay đổi về kỹ thuật cũng như về xã hội. Đó là một hệ thống mạnh, hơn cả khủng long và dai như cá sấu. Đó là lý do bố tôi chịu khó hướng dẫn cách học ở nhà, Người thường nói với các con: “Điểm cao không quan trọng bằng việc phát hiện ra năng khiếu của các con.” Nói cách khác, mọi đứa trẻ đều học khác nhau. Tùy bố mẹ có chịu khó quan sát những cách giúp con họ học tốt hay không – và hỗ trợ con trong việc phát triển phương pháp để thành công trong học tập của chúng.
Bất cứ khi nào tôi thấy những đứa trẻ là tôi thấy ngay những thiên tài nhỏ tuổi hào hứng học hỏi. Mấy năm sau, có khi tôi lại thấy những đứa trẻ thần đồng đó đang chán học, và tự hỏi tại sao chúng bị ép buộc học những điều mà chúng cảm thấy là không thích hợp. Nhiều học sinh cảm thấy bị sỉ nhục vì chúng bị xếp loại dựa trên cùng những môn mà chúng không hề ưa thích và rồi bị gán cho là thông minh hay không thông minh. Một anh bạn trẻ đã nói với tôi: “Chẳng phải là cháu không thông minh. Chỉ vì cháu không quan tâm thôi. Trước hết hãy nói cho cháu biết tại sao cháu nên quan tâm đến những môn học đó và cháu có thể sử dụng kiến thức đó như thế nào, rồi cháu sẽ học tốt môn học đó.”
Vấn đề này quan trọng hơn cả chuyện điểm cao điểm thấp. Người bố thông thái của tôi dĩ nhiên đã nhận ra là điểm số có thể ảnh hưởng đến tương lai của một học sinh một cách tích cực hay tiêu cực, nhưng Người cũng quan tâm đến sự ảnh hưởng của điểm kém có thể có trên sự tự nhận thức và tự tin của một học sinh. Người thường nói: “Nhiều đứa trẻ bước vào trường với sự hào hứng học hỏi nhưng chẳng bao lâu khi ra trường chỉ học được việc chán ghét học hành.” Lời khuyên của Người là: “Nếu một vị bố mẹ có con ghét phải đi học, việc quan trọng nhất của vị đó là ở giai đoạn này trong cuộc đời của trẻ, đừng ép trẻ phải đạt điểm cao: việc quan trọng nhất là đảm bảo cho con mình duy trì được sự yêu thích học hỏi bẩm sinh. Hãy phát hiện ra năng khiếu bên trong con bạn, hãy phát hiện ra những gì mà con quan tâm muốn học, và giữ cho chúng luôn hào hứng trong chuyện học, ngay cả không phải trong trường học.”
Thực tế là ngày nay trẻ con học nhiều hơn chúng ta trước kia. Nếu không vậy, chúng sẽ bị rớt lại trong 2 phương pháp để thành công kế tiếp, sẽ được đề cập trong chương tiếp theo. Đó là lý do mà theo tôi, việc phát triển phương pháp để thành công trong học tập của con bạn ở nhà quan trọng hơn nhiều so với điểm số chúng nhận được ở trường. Như cả hai người bố tôi đã nói: “Việc giáo dục thực sự của bạn bắt đầu khi bạn ra trường và bước vào đời.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.