Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

CHƯƠNG 07 Liệu con bạn có thể nghỉ hưu trước tuổi 30?



Một ngày nọ tôi hỏi người bố giàu tại sao Người lại giàu có đến thế. Người đáp: “Bởi vì ta nghỉ hưu sớm. Nếu con không phải đi làm, thì con sẽ có rất nhiều thời gian để làm giàu.”

ĐI QUA TẤM GƯƠNG SOI

Trong những chương trước về bài tập ở nhà, người bố giàu của tôi nói: “Con không làm giàu ở sở làm, mà con làm giàu ở nhà. Chính vì thế mà con phải làm bài tập ở nhà.” Người bố giàu đã làm bài tập ở nhà của mình bằng cách dạy tôi công thức làm giàu qua việc chơi cờ Tỉ phú. Dành thời gian để chơi với Mike và tôi, Người đã cố gắng hết sức để hướng tâm trí chúng tôi vào thế giới mà rất ít người thấy được. Ở đâu đó của quãng từ 9 tới 15 tuổi, tâm trí tôi đã di chuyển từ thế giới của người bố nghèo vào thế giới của người bố giàu. Đó cũng là thế giới mà tất cả mọi người đều có thể thấy; chỉ có điều là sự nhận thức khác nhau mà thôi. Tôi có thể thấy những thứ mà trước đây tôi chưa bao giờ từng thấy.

Trong chuyện Alice Lạc Vào Xứ Thần Tiên của Lewis Carroll, cô bé Alice đi qua tấm gương soi và vào một thế giới hoàn toàn khác. Người bố giàu đã dẫn tôi đi qua tấm gương soi của mình bằng cờ Tỉ phú, và để tôi nhìn thế giới bằng đôi mắt của Người, theo quan điểm của Người. Thay vì bảo tôi “Hãy đi học, đạt điểm cao và tìm một công việc ổn định”, Người luôn khuyến khích tôi thay đổi đầu óc và suy nghĩ cách khác đi. Người luôn giảng giải: “Hãy mua bốn căn nhà màu xanh lá cây rồi bán chúng đi, và mua lại một khách sạn màu đỏ. Đó là cách giúp con trở nên giàu có khi con trưởng thành.” Tôi không biết Người muốn tôi thấy cái gì, nhưng tôi biết Người muốn tôi biết điều gì đó – điều mà Người chắc chắn rằng vào lúc đó tôi không thấy được.

Vì còn nhỏ, tôi không hiểu được chủ ý của Người. Tôi chỉ biết Người nghĩ việc mua bốn căn nhà màu xanh lá cây, bán đi rồi mua một khách sạn màu đỏ là một ý tưởng rất quan trọng. Cứ liên tục chơi cờ Tỉ phú với người bố giàu, xem nó là một công việc quan trọng hơn là một trò chơi vớ vẩn của con nít, tôi bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ của mình. Tôi bắt đầu thấy mọi việc khác đi. Rồi một ngày kia, trong khi chúng tôi cùng đi tới ngân hàng với Người, tâm trí tôi bỗng chuyển biến. Trong khoảnh khắc, tôi có thể thấy rõ tâm trí của người bố giàu và thấy thế giới mà Người trông thấy. Tôi đang đi qua tấm gương soi.

THAY ĐỔI TRONG SỰ TỰ NHẬN THỨC

Khi tôi nhìn thấy người bố giàu viết ngân phiếu, ký giấy tờ trao cho chủ ngân hàng và cầm chìa khóa ngôi nhà mới, tôi thấy được mối liên hệ giữa cuộc đời thực và những gì tôi chơi trên bàn cờ Tỉ phú. Khi đó tâm trí và thế giới của tôi thay đổi do sự nhận thức về bản thân đang thay đổi. Tôi tự nhủ mình có thể làm được điều này. Nó không khó khăn gì. Mình không cần phải thông minh ghê gớm mới trở nên giàu có. Thậm chí mình cũng không cần phải đạt điểm cao ở trường nữa kìa. Có vẻ như tôi đang đi qua tấm gương soi và đi vào một thế giới khác. Nhưng đi vào thế giới này cũng gây ra vài vấn đề rắc rối với thế giới tôi đã bỏ lại đằng sau. Tôi đã tìm ra được phương pháp để thành công của mình. Phương pháp này đòi hỏi phải có cách thức để thành công trong công việc, học tập, và tài chính. Nó là phương pháp mà tôi sẽ phải theo suốt cuộc đời mình. Và vào lúc đó tôi biết mình sẽ trở nên giàu có. Không nghi ngờ gì, tôi đã hiểu được cờ Tỉ phú. Và tôi thích trò đó. Tôi thấy ngưởi bố giàu chơi nó bằng tiền thật, và nếu Người làm được thì tôi biết mình cũng có thể làm được.

TRƯỜNG HỌC RẤT QUAN TRỌNG

Tôi không có ý đề nghị bạn hãy đem con về nhà, cho nó nghỉ học và mua cho nó cờ Tỉ phú để chơi. Một nền tảng giáo dục tốt là rất quan trọng. Trường học cung cấp những kiến thức nền tảng, cơ bản, và những kỹ năng học thuật, rồi sau đó dạy những kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù tôi không hoàn toàn đồng ý với phương pháp và nội dung chương trình của hệ thống giáo dục, thì việc học phổ thông, lên đại học hay vào những trường dạy nghề vẫn là nền tảng cho hầu hết những thành công trong cuộc sống ngày nay.

Vấn đề là, trường học không dạy những kỹ năng tài chính cơ bản. Và vì nó không dạy những kỹ năng ấy, nên nhiều người ra trường mà không có được phương pháp để thành công về tài chính. Thực tế, nhiều người còn ra trường với một phương pháp không thành công về tài chính. Nhiều thanh niên ngày nay ra trường với những khoản nợ học phí. Nhiều người không bao giờ thoát khỏi nợ nần. Một số người ra trường, và bắt đầu mua xe hơi, mua nhà, thuyền,… Nhiều người đến khi chết đi và truyền khoản nợ đó cho con cái. Nói tóm lại, nhiều người ra trường với tấm bằng đỏ, nhưng vẫn không có được phương pháp để thành công trong tài chính cho cuộc đời mình.

CẢ HAI NGƯỜI BỐ ĐỀU QUAN TÂM

Người bố thông thái của tôi nhận ra rằng nền giáo dục phổ thông thiếu thiếu một cái gì đó, nhưng Người không bao giờ xác định được.

Nhưng người bố giàu thì biết! Người biết rằng trường học không dạy nhiều, nếu không nói là không dạy gì cả về tiền bạc. Người biết rằng thiếu phương pháp để thành công trong tài chính khiến cho nhiều người phải hùng hục làm việc, đeo bám vào sự an toàn và ổn định của công việc, và không bao giờ tiên liệu được về tài chính. Khi tôi kể cho Người nghe chuyện những đồn điền của bố ruột tôi sử dụng trường học để bảo đảm cho sự ổn định nguồn nhân công, thì giọng chùng xuống, Người nói: “Không có nhiều thay dổi.” Người biết rằng người ta bám lấy việc làm và cặm cụi làm việc đơn giản chỉ vì họ cần phải làm thế. Người biết mình luôn có một nguồn nhân công ổn đinh.

Người rất quan tâm đến việc trợ cấp tài chính cho những người làm việc cho mình. Người ái ngại khi thấy công nhân của mình làm việc vất vả, chỉ để về nhà và lún sâu hơn vào nợ nần. Khi nói “Con không làm giàu ở sở làm, mà con làm giàu ở nhà. Chính vì thế mà con phải làm bài tập ở nhà”, Người cũng biết rằng, hầu hết công nhân của mình đều không được giáo dục cơ bản về tài chính để làm những bài tập về tài chính của họ. Và điều đó khiến Người quan tâm và buồn rầu.

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA NGƯỜI BỐ GIÀU

Tôi học được rất nhiều từ người bố giàu bởi vì Người có cách dạy dỗ độc đáo, một cách dạy có tác dụng nhất đối với tôi.

Còn nhớ, lúc chín tuổi, khi tôi làm việc cho Người và kiếm 30 xu mỗi ngày nhưng vẫn chẳng học được gì cả. Run rẩy và khóc, tôi bước tới đứng trước bàn làm việc của Người và đòi hỏi để học được điều gì đó (quyển Dạy Con Làm Giàu tập 1). Trầm ngâm một lúc, mỉm cười, Người nói: “Ta đang dạy cho con bài học quan trọng nhất nếu con muốn làm giàu. Nhiều người làm việc suốt cả đời và không bao giờ học được bài học như con, nếu con muốn học.” Kéo tay áo chùi mặt, cố gắng giữ bình tĩnh, tôi nói: “Ý bố nói gì, ‘nếu con muốn học’ cái gì? Con đang học cái gì mà nhiều người khác không bao giờ học được?”. Tôi đã không gặp Người từ lúc tôi đồng ý làm việc cho Người, và bây giờ Người lại nói là đã dạy tôi bài học quan trọng nhất.

Nhiều năm đã trôi qua và tôi nhận ra bài học đó quan trọng như thế nào – rằng hầu hết mọi người không thể giàu lên bằng cách làm việc cật lực để có tiền và có sự ổn định trong công việc. Một khi tôi hiểu được sự khác nhau giữa làm việc để kiếm tiền và bắt tiền làm việc cho mình, tôi dần thông minh hơn. Tôi nhận ra rằng trường học dạy ta làm việc để kiếm tiền, và nếu ta muốn làm giàu ta cần phải học cách bắt tiền làm việc cho mình. Một sự khác biệt nhỏ, nhưng đã thay đổi sự lựa chọn của tôi trong học tập và cách chọn môn học của tôi. Như tôi đã nói ở những chương trước, thông minh là có khả năng phân biệt giỏi hơn. Và sự khác biệt mà tôi cần học là làm cách nào để tiền làm việc cho tôi nếu tôi muốn làm giàu. Trong khi đám bạn cùng lớp cố công học để có được việc làm thì tôi đang học chăm chỉ để không cần một công việc!

Tôi nhận ra chủ ý của người bố giàu khi Người nói: “Nhiều người không bao giờ học được bài học đó.” Người bố giàu sau đó giải thích cho tôi rằng, đa số người ta đi làm để lĩnh lương, đi làm, lĩnh lương… cứ thế… mãi mãi… và không bao giờ học được bài học Người đã dạy tôi. Người nói: “Khi con yêu cầu ta dạy con cách làm giàu, ta nghĩ cách tốt nhất để dạy con bài học đầu tiên là tìm hiểu xem mình mất bao lâu mới biết được rằng, làm việc để kiếm tiền sẽ không khiến ta trở nên giàu có. Con chỉ mất có ba tuần trong khi nhiều người mất cả đời. Rất nhiều người trở lại để đòi hỏi tăng lương, và khi họ có thể nhận thêm tiền thì lại nhận được rất ít bài học.” Đó chính là cách người bố giàu dạy tôi những bài học. Cách dạy của Người là trước nhất hãy hành dộng, nhận ra sai sót, và rút ra bài học. Với người đã đọc quyển sách đầu tiên, người bố giàu đã mất 10 xu và một giờ, còn tôi phải làm việc công không.

PHÍA BÊN KIA CHIẾC BÀN

Một bài học khác ảnh hưởng sâu sắc đến tôi là bài học tôi thường gọi là “Phía bên kia chiếc bàn”. Sau bài học đầu tiên lúc 9 tuổi, người bố giàu nhận ra tôi nghiêm túc muốn làm giàu, nên Người cho tôi xem nhiều công việc khác nhau Người đã làm, như việc đưa tôi đi xem Người mua một ngôi nhà. Khoảng 10 tuổi, Người bảo tôi ngồi cùng với Người khi Người phỏng vấn tuyển nhân viên. Tôi ngồi kế bên Người, phía bên này chiếc bàn, khi Người hỏi các ứng viên xin việc về lý lịch, hay thái độ của họ khi làm việc cho những công ty của Người. Đó là một quy trình thú vị. Tôi thấy nhiều người không có bằng phổ thông trung học sẵn sàng làm việc dưới 1 đôla một giờ. Mặc dù chỉ là một đứa trẻ, nhưng tôi biết thật khó mà chăm lo nổi một gia đình chỉ với dưới 8 đôla một ngày, chưa kể thuế. Khi nhìn vào bản lý lịch hoặc đơn xin việc của họ, và số con cái mà họ phải chăm lo, thì trái tim tôi dần nặng lên. Tôi nhận ra gia đình mình không phải là gia đình duy nhất gặp khó khăn về tài chính. Tôi muốn giúp họ y như tôi muốn giúp gia đình mình vậy, nhưng tôi vẫn không biết mình phải làm như thế nào.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ GIÁO DỤC TỐT

Nhìn thấy sự khác nhau trong bảng lương là một bài học quan trọng tôi nhận được ldhi ngồi bên bàn phỏng vấn với người bố giàu. Sự phân bổ lương khác nhau giữa một công nhân không có bằng phổ thông và người có bằng đại học đủ trở thành động lực thúc đẩy tôi ngồi lại ở trường. Sau đó, bất cứ khi nào nghĩ đến chuyên bỏ học, thì những điều đó lại trở về nhắc nhở tôi tại sao một nền tảng giáo dục tốt lại quan trọng.

Mặc dù vậy, điều khiến tôi sửng sốt nhất là thỉnh thoảng cũng có người có bằng cử nhân hoặc bác sĩ vẫn tới xin làm công việc được trả lương ít ỏi như vậy. Tuy không biết đích xác, nhưng tôi biết hàng tháng thu nhập của người bố giàu còn nhiều hơn số tiền những người có bằng cấp ấy làm ra. Tôi cũng biết rằng người bố giàu chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Trong khi có sự khác nhau trong lương bổng như thế, tôi nhận ra rằng người bố giàu biết một điều gì đó mà những người tốt nghiệp đại học không biết.

Sau khi ngồi với người bố giàu được năm lần, tôi hỏi Người tại sao lại cho tôi ngồi cùng như vậy. Người đáp: “Ta tưởng con không bao giờ hỏi câu ấy chứ. Thế con nghĩ tại sao ta lại yêu cầu con chỉ ngồi và nhìn ta phỏng vấn mọi người nào?”

“Con không biết,” tôi đáp. “Con nghĩ bố chỉ muốn cho con ngồi cùng thế thôi.”

Cười lớn, Người bố giàu nói: “Ta không bao giờ phung phí thời gian của con như thế đâu. Ta hứa ta sẽ dạy con làm giàu mà, và ta đang chỉ cho con điều con yêu cầu. Vậy, rốt cuộc là con học được cái gì?”

Ngồi bên bàn, cùng phía với người bố giàu trong căn phòng bây giờ đã trống rỗng, không còn người xin việc nữa, tôi suy nghĩ câu hỏi của Người. “Con không biết,” tôi đáp. “Con không bao giờ nghĩ đây là một bài học.”

Người bố giàu lại cười lớn và nói: “Con đang học một bài học rất quan trọng… nếu con muốn làm giàu. Một lần nữa, rất nhiều người không bao giờ có cơ hội học được bài học mà ta muốn con học, bởi vì đa số họ đều chỉ thấy thế giới từ phía bên kia bàn.” Người bố giàu chỉ chỗ ngồi trống không ở trước mặt chúng tôi. “Rất ít người thấy được thế giới từ phía bên này. Con đang nhìn thấy thế giới thật – thế giới mà người ta thấy khi họ ra trường. Nhưng con có cơ hội thấy nó từ phía bàn bên này, trước khi con ra trường.”

“Vậy, nếu con muốn làm giàu, con cần phải ngồi ở bên này chiếc bàn phải không ạ?” tôi hỏi.

Người bố giàu lắc đầu. Chầm chậm và cân nhắc, Người nói: “Hơn cả việc ngồi bên này bàn, con cần phải học và nghiên cứu xem cái gì khiến cho con được ngồi bên này bàn… Và hầu hết những điều đó không được dạy ở trường. Trường học dạy con để con ngồi phía bàn bên kia.”

“Vậy hả bố?” tôi đáp, hơi hoang mang. “Trường học đã làm điều đó như thế nào?”

“Ồ, vậy chứ vì lý do gì mà bố con bảo con cần phải đi học?” người bố giàu hỏi.

“Để con có thể tìm được một việc làm,” tôi đáp. “Và đó là điều những người hồi nãy đang tìm kiếm, phải không ạ?”

Người bố giàu gật đầu và nói: “Và đó chính là lý do tại sao họ ngồi phía bàn bên kia. Ta không kết luận phía bàn bên nào tốt hơn bên nào. Điều ta muốn con thấy là sự khác biệt. Nhiều người không thấy được sự khác biệt ấy. Đó là bài học ta dành cho con. Tất cả những gì ta muốn là để cho con một sự lựa chọn – xem con muốn ngồi phía bên nào của chiếc bàn. Nếu con muốn giàu có khi còn trẻ, thì phía bàn bên này cho con cơ hội tốt hơn để đạt được mục tiêu. Nếu con thực sự mong muốn làm giàu và không cần làm việc vất vả suốt cuộc đời, ta sẽ dạy con cách làm như thế nào. Nếu con muốn ngồi phía bên kia chiếc bàn, thì hãy làm theo lời khuyên của bố ruột con.”

NHỮNG BÀI HỌC ĐÃ ĐƯỢC LĨNH HỘI

Đó là một bài học trực tiếp từ cuộc sống rất quan trọng. Người bố giàu không bảo tôi phải ngồi bên nào. Người đưa cho tôi một sự lựa chọn và tôi đã có quyết định của mình. Tôi chọn những gì tôi muốn học hơn là ngang ngạnh cố chống lại điều mình đang bị bắt học. Và đó là cách người bố giàu dạy tôi trong những năm gần gũi Người. Đó là trước tiên hãy hành động, phát hiện sai sót và rút ra những bài học. Sau bài học, Người để cho tôi tự lựa chọn cách làm đối với bài học đã học.

TA THƯỜNG KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐIỀU ĐÚNG ĐẮN NGAY TRƯỚC MẶT MÌNH

Bài học “phía bên kia chiếc bàn” bao gồm cả những bài học làm đổi đời khác. Thông minh là khả năng phân biệt giỏi hơn, hoặc khả năng nhân bằng cách chia. Bằng việc ngồi phía bên này chiếc bàn, tôi đã biết phân biệt tinh tế hơn và học được nhiều bài học mới. Tôi đã ngồi đó hàng giờ liền, cùng nhìn nhưng không học được gì cả. Nhưng khi người bố giàu chỉ ra cho tôi rằng chiếc bàn có hai phía, tôi mới thấy được thế giới xuất phát từ mỗi phía là khác nhau. Tôi có thể cảm nhận được sự khác nhau về sự tự nhận thức mà mỗi phía đòi hỏi. Nhiều năm trôi qua, tôi còn nhận thức thêm rằng những người ngồi phía đối diện với tôi chỉ đang làm những điều mà họ được bảo làm, tức là đi kiếm một công ăn việc làm. Họ được dạy ở trường là “hãy trau dồi những kỹ năng mà người thuê mướn đang tìm kiếm.”

Họ không được dạy để có được những kỹ năng giúp họ có thể ngồi ở phía bên này chiếc bàn. Do sự định hướng ngay từ ban đầu này mà hầu hết mọi người đã phải trọn đời ngồi ở phía bên kia chiếc bàn. Cuộc đời của họ có thể khác đi như thế nào, nếu như họ được bảo “hãy học những kỹ năng tài chính để có thể làm chủ một cái bàn”?

NGƯỜI TA TÌM ĐƯỢC ĐlỀU MÀ HỌ ĐƯỢC LẬP TRÌNH ĐỂ TÌM KIẾM

Tôi cũng học được rằng mọi người tìm kiếm những điều rất khác nhau. Người bố giàu nói với tôi: “Hầu hết mọi người ra trường đều để đi kiếm việc làm, nên họ tìm được việc.” Người giải thích với tôi rằng điều mà trí óc một người tìm kiếm chính là điều mà người đó tìm trong thế giới thực. Người nói thêm: “Người tìm việc sẽ thấy việc. Ta không đi tìm một công ăn việc làm. Ta không đi tìm việc. Ta huấn luyện trí óc mình tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và đầu tư. Từ cách đây rất lâu ta đã học được rằng người ta sẽ tìm điều mà cái đầu họ được huấn luyện để tìm. Nếu con muốn làm giàu, thì con cần rèn luyện cái đầu biết đi tìm những điều khiến con trở nên giàu có…

Mà một công ăn việc làm sẽ không làm cho con giàu, vì vậy con đừng có đi tìm nó làm gì.”

Bây giờ chúng ta đang ở vào thời đại Công nghệ Thông tin. Và đã đến lúc phải dạy cho mọi người cách rèn luyện cái đầu hơn là cách tìm một việc làm ổn định. Trong thời đại này, chúng ta cần được giáo dục vượt ra cách nghĩ “có những kỹ năng chủ thuê mướn đang tìm kiếm”. Cũng trong thời đại này, con cái chúng ta rất có thể trở thành đồ thừa về mặt kỹ thuật ở tuổi 30. Nếu điều đó xảy ra thì tại sao chúng ta lại không trang bị cho chúng những kỹ năng về tài chính, để chúng có thể nghỉ hưu trước khi chúng tới tuổi 30?

TA KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC ĐIỀU TA KHÔNG THẤY

Tôi không khẳng định trở thành người làm thuê hay người lính là tốt hay xấu, là đúng hay sai. Tôi chỉ khẳng định rằng khi người bố thông thái của tôi nhận ra có cái gì đó sai sót trong hệ thống giáo dục, Người bắt đầu dự định thay đổi nó. Người muốn tìm ra những phương pháp hầu giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn để bước vào thế giới thực. Vấn dề là, Người từng được giáo dục bởi chính cái hệ thống mà Người muốn thay đổi, cho nên Người không thể thấy được điều mà người bố giàu có thể thấy được bằng cách nhìn khác. Người bố giàu đã nghỉ học để quán xuyến công việc kinh doanh của gia đình lúc 13 tuổi vì cha mất. Ở tuổi 13, Người học những kỹ năng thiết yếu để có thể ngồi ở phía bên này chiếc bàn.

TÔI CẦN PHẢI HỌC NHIỀU HƠN NỮA ĐỂ NGỒI Ở PHÍA BÊN NÀY CỦA CHIẾC BÀN

Khi đã biết được có hai phía của chiếc bàn, tôi càng ham thích việc tự rèn luyện những kỹ năng giúp tôi có thể ngồi ở cùng bên bàn với người bố giàu. Tôi nhận ra mình không chỉ cần học những môn học ở trường, mà còn phải học những đề tài mà trường học không dạy. Tôi trở nên chú tâm vào việc học hành của mình hơn. Tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt ra xa những kiến thức ở trường nếu tôi muốn có cái quyền được ngồi phía bên này chiếc bàn, đối diện với những người chỉ đi học mà thôi.

Tôi biết tôi cần phải giỏi hơn những đứa trẻ giỏi giang ở trường học nếu tôi muốn ngồi ở phía khác của chiếc bàn. Tôi cần học nhiều hơn những kỹ năng mà các ông chủ tìm kiếm.

Cuối cùng tôi đã nhận ra điều thách thức mình, cho mình lý do để học, khiến mình chú tâm và hăng hái học hơn. Từ lúc 9 tuổi đến năm 15 tuổi, tôi bắt đầu học thật sự. Tôi trở thành một người học suốt đời, biết rằng việc học hành của mình vẫn còn tiếp tục sau khi ra trường. Tôi cũng nhận ra điều người bố thông thái đang tìm kiếm, điều mà hệ thống giáo dục không có – một hệ thống được thiết kế để duy trì một nguồn nhân công ổn định, những người chuyên đi tìm công ăn việc làm an toàn, ổn định nhưng không được dạy cách làm giàu, và những gì người ngồi ở phía bên kia chiếc bàn thật sự biết.

KIM TỰ THÁP HỌC TẬP

Khi nói về giáo dục và học tập, tôi thường dùng biểu đồ mà tôi gọi là “Kim tự tháp học tập”. Nó là sự tổng hợp của bảy tư chất khác nhau của Gardner với những kinh nghiệm cá nhân khi tôi là một giáo viên dạy kinh doanh và đầu tư. Mặc dù Kim tự tháp này không dựa vào một ngành khoa học chính thống, nhưng nó cũng cung cấp cho bạn nhiều điều hữu ích.

Cá nhân tôi, tôi học được rất nhiều điều qua cờ Tỉ phú, bởi vì nó buộc tôi phải vận dụng cả trí tuệ, cảm xúc và thể chất của mình. Chơi cờ Tỉ phú khiến tôi phải động não suy nghĩ, tâm trạng cảm xúc của tôi phấn khích và tôi cũng cần phải động tay động chân. Trò chơi thu hút tôi vì nó gắn với nhiều thứ trong tôi, nhất là tôi lại thuộc típ người ưa cạnh tranh.

Khi tôi ngồi trong lớp học, bị buộc phải ngồi im và lắng nghe giáo viên nói về một đề tài mình không thích, hay thấy không có liên quan, thì cảm xúc của tôi sẽ chuyển từ giận dữ sang chán nản. Tôi cựa quậy luôn hoặc cố ngủ để khỏi bị tra tấn đầu óc và cảm xúc. Tôi vốn không giỏi ngồi im, cố bắt bộ não tiếp nhận thông tin, nhất là khi tôi không thích hay khi người nói thật chán ngắt. Liệu đây có phải là lý do mà những bậc bố mẹ và trường học ngày càng sử dụng nhiều thứ thuốc để bắt những đứa trẻ quá hiếu động phải ngồi im lặng tại chỗ ngồi của mình? Trẻ em chắc chắn không thích như thế, và thường không thích điều chúng được yêu cầu phải học. Bởi vậy khi chúng nổi loạn thì hệ thống có cho chúng uống thuốc không?

Chúng ta thấy những đứa trẻ bị tật chạy hay đẩy xe lăn bằng tất cả thể chất, trí tuệ và tinh thần của chúng. Cách đây một năm, tôi cũng tham dự một chương trình đặc biệt và cảm nhận rằng tinh thần của những đứa trẻ này làm rung động toàn thể khán giả. Tôi cũng nhảy cẫng lên và reo hò khi nhìn bọn trẻ đẩy cơ thể tàn tật của chúng còn hăng hái, quyết tâm hơn tôi đẩy cơ thể lành lặn của mình. Tinh thần của chúng đã tỏa ra và chạm thấu đến tinh thần của tất cả chúng ta. Những tinh thần trẻ trung ấy nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta thật sự là ai và chúng ta thật sự được tạo ra từ cái gì. Đó chính là tinh thần học tập mà tôi đề cập tới.

SỰ THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Giai đoạn từ 9 đến 12 tuổi, tôi nhớ mình có thay đổi cơ bản nhờ vào Kim tự tháp học tập, thay đổi về trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần. Khi trông thấy người bố giàu ký giấy tờ, trao đổi ngân phiếu, nhận chìa khóa sở hữu tài sản, thì có gì đó bên trong tôi đã thay đổi. Khi điều đó diễn ra, thì mối quan hệ giữa cờ Tỉ phú và cuộc sống thực đã trở nên rất thật. Sau nhiều năm rầu rĩ vì thấy mình không thông minh – ít nhất là không thông minh như người bố thông thái và Andy Kiến – tôi đã thay đổi. Giờ đây tôi cảm thấy tốt hơn. Tôi biết mình sẽ tồn tại và có thể thành công trong cuộc sống, thành công theo cách của riêng mình. Tôi biết mình không cần phải có một công việc được trả lương cao hay thậm chí nhiều tiền để giàu có. Tôi biết mình phải giỏi ở cái gì, và tôi tin mình sẽ làm được. Tôi đã tìm ra điều mình muốn học. Như tôi đã nói, có sự thay đổi gì đó trong tinh thần khiến tôi cảm thấy tự tin, phấn chấn và tự hào về mình. Một cảm giác ấm áp đong đầy trái tim tôi và lan tỏa ra khắp người tôi. Tôi biết chắc chắn minh là ai và mình sẽ trở thành người như thế nào. Tôi biết mình sẽ trở thành một người giàu có. Tôi biết mình sẽ tìm ra con đường để giúp đỡ bố mẹ mình. Tôi không biết mình sẽ làm điều đó như thế nào, nhưng tôi biết mình sẽ làm được. Tôi biết mình sẽ thành công ở lĩnh vực mà mình thật sự muốn thành công, hơn là cố thành công ở điều ai đó bảo mình cần phải thành công. Tôi đã thấy được chân giá trị mới của mình.

SỰ THAY ĐỔI Ở TUỔI LÊN 9

Ngày nay, tôi biết nhiều nhà giáo dục học không tán thành tác phẩm “Sự thay đổi ở tuổi lên 9” của Steiner. Và tôi không có ý thuyết phục dể họ thay đổi. Tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi với các bạn. Tôi nhớ lúc 9 tuổi tôi bắt đầu tìm kiếm một cái gì đó khác đi. Tôi biết những gì bố mẹ mình đang làm là không có tác dụng, và tôi không muốn tuân theo sự chỉ dẫn của họ. Tôi vẫn nhớ rõ những ký ức sợ hãi trong ngôi nhà của chúng tôi mỗi khi thảo luận về tiền bạc. Tôi vẫn nhớ bố mẹ tôi hay cãi nhau vì tiền bạc – đó là những khi bố tôi kêu ca: “Tôi không quan tâm tới tiền. Tôi đang cật lực làm việc hết sức mình. Tôi không biết phải làm gì hơn nữa.”

Bằng cách rút ra những bài học từ người bố giàu và bằng cách chơi đi chơi lại cờ Tỉ phú – chơi đến năm mươi lần một năm – tôi đã dần thay đổi cách suy nghĩ của mình. Tôi cảm thấy mình đang đi qua tấm gương soi và bắt đầu thấy thế giới mà bố mẹ ruột tôi không thấy, mặc dù nó ở ngay trước mắt họ. Hồi tưởng lại ngày đó, tôi tin bố mẹ tôi không thể thấy được thế giới mà người bố giàu của tôi thấy, bởi vì về mặt trí tuệ, họ được dạy là phải tìm kiếm một công ăn việc làm; về mặt cảm xúc, họ được dạy phải đi tìm sự an toàn, ổn định; và về mặt thể chất, họ được dạy phải làm lụng chăm chỉ. Tôi tin rằng bởi vì họ không có phương pháp để thành công về tài chính, cho nên về mặt tinh thần sự tự nhận thức về tài chính của họ yếu đi, thay vì phải mạnh lên, và những hóa đơn cứ chồng chất mãi. Bố tôi càng ngày càng phải làm việc cật lực hơn, cố phấn đấu để được tăng lương nhưng vẫn không bao giờ bứt lên trước được về mặt tài chính. Khi sự nghiệp của Người xuống dốc ở tuổi 50, Người không đủ sức hồi phục nổi sự tụt hậu về chuyên môn nghiệp vụ, và tôi tin là tinh thần của Người rồi cũng sụp đổ luôn.

SINH VIÊN RA TRƯỜNG MÀ KHÔNG ĐƯỢC CHUẨN BỊ

Trường học không dạy những kỹ năng sống cần thiết trong môi trường cạnh tranh ngày nay. Hầu hết sinh viên ra trưởng đều thiếu thốn tài chính và ráo riết tìm kiếm sự an toàn… Sự an toàn không thể tìm thấy ở bên ngoài; nó chỉ được thấy ở bên trong. Sinh viên ra trường mà không được chuẩn bị cả về trí tuệ, cảm xúc, thể chất lẫn tinh thần. Trường học đã thực hiện bổn phận của nó là cung cấp một dòng chảy đều đặn những người làm thuê và những người lính. Cả hai người bố của tôi đều nhận ra điều này, nhưng mỗi người lại nhìn từ những góc độ khác nhau. Một người từ phía bên này chiếc bàn; và một người nhìn từ phía bên kia chiếc bàn.

Khi tôi nói: “Đừng lệ thuộc vào sự an toàn của công ăn việc làm. Đừng phụ thuộc vào công ty, trông cậy vào sự chăm chút về tài chính của nó cho bạn. Đừng trông chờ chính phủ chăm lo những nhu cầu của bạn khi bạn về hưu” thì mọi người thường e dè hoặc tỏ ra né tránh. Thay vì chỉ trích và kích động, tôi thấy họ sợ hãi hơn. Mọi người thường bám chặt lấy sự an toàn của công ăn việc làm hơn là tin cậy vào những khả năng của mình. Họ đi theo con đường của bố mẹ, làm những điều bố mẹ họ làm, và tuân theo lời khuyên “hãy đi học để học những kỹ năng mà chủ thuê mướn đang tìm” của bố mẹ họ. Đa số sẽ kiếm được một việc làm, nhưng chỉ một số ít tìm được sự an toàn thật sự. Thật khó mà tìm được sự an toàn đúng nghĩa khi bạn phụ thuộc vào ai đó, một ai đó tình cờ ngồi ở phía bên kia chiếc bàn.

Vào tháng 7-2000, Alan Greenspan, Giám dốc Cục Dự trữ Liên bang, nói về sự lạm phát. Theo ông, lý do lạm phát không cao là vì mọi người muốn một việc làm ổn định hơn là đòi tăng lương. Ông tiếp tục giải thích rằng hầu hết mọi người sợ bước tiến của khoa học kỹ thuật và những khả năng của máy tính sẽ chiếm mất công ăn việc làm của họ, như đã xảy ra ở nhiều ngành công nghiệp, hơn là thư thả và làm việc ít đi. Ông nói chính vì vậy mà người giàu đang ngày càng giàu hơn, nhưng đa số mọi người lại không được chia phần trong sự giàu có mới này. Cũng theo ông, điều đó là vì nhiều người sợ mất việc. Nhưng tôi nghĩ điều đó là do nhiều người không nhận ra được khả năng về tài chính của mình… và thế là họ làm theo lời khuyên và dẫm lên những bước chân của bố mẹ họ.

Một nhà báo đã nổi cơn lôi đình với ý kiến của tôi về giáo dục trong một cuộc phỏng vấn gần dây. Anh học rất giỏi ở trường và có một công ăn việc làm ổn định. Anh giận dữ nói với tôi: “Ông nói rằng mọi người không nên là kẻ làm thuê? Điều gì sẽ xảy ra nếu như không có công nhân? Thế giới sẽ đi đến chỗ diệt vong!”

Tôi đồng ý với anh. Hít một hơi dài, tôi đáp lại: “Tôi đồng ý rằng thế giới cần công nhân. Và tôi tin rằng mỗi công nhân đều làm một nhiệm vụ cao quý. Giám đốc công ty không thể làm được việc của ông hay bà ta nếu như người gác cổng không làm tròn bổn phận của anh ta. Vì vậy tôi không có ác cảm gì với công nhân. Tôi cũng là một công nhân mà.”

“Thế thì có gì không ổn với hệ thống giáo dục chỉ lo đào tạo người ta trở thành người làm thuê và người lính?” nhà báo hỏi. “Thế giới cần công nhân.”

Một lần nữa tôi đồng ý và nói: “Đúng vậy, thế giới cần những công nhân có kiến lực. Thế giới không cần những kẻ nô lệ có kiến thức. Tôi nghĩ đã đến lúc tất cả những sinh viên, không chỉ những sinh viên ưu tú được đào tạo để có suy nghĩ độc lập.”

ĐỪNG ĐÒI TĂNG LƯƠNG

Nếu tôi nghĩ việc đòi tăng lương sẽ giải quyết được vấn đề, thì tôi sẽ bảo tất cả những người làm công cho tôi đòi tăng lương. Nhưng điều Greenspan nói là sự thật.

Nếu người làm công đòi hỏi quá nhiều tiền, vịn vào sự phục vụ mà anh hay chị ấy cung cấp cho công ty, thì người ngồi ở bên kia chiếc bàn sẽ phải tìm một người làm công mới. Nếu chi phí quá cao thì tương lai của công ty sẽ bị đe dọa. Nhiều công ty biến mất vì không thể trả nổi chi phí nhân công. Nhiều doanh nghiệp tiến triển nhờ săn lùng nhân công giá thấp. Và khoa học kỹ thuật đang thay thế rất nhiều công việc. Vì vậy Alan Greenspan đúng khi nói người ta sợ mất việc nếu đòi hỏi tiền công quá cao.

Nhưng với tôi, lý do chính để “đừng đòi hỏi lương cao” là trong hầu hết các trường hợp, nhận thêm nhiều tiền cũng không giải quyết được vấn đề. Khi mọi người được tăng lương thì các chi phí sinh hoạt cũng tăng theo, và rồi người ta lại mắc vào các khoản nợ nần. Những quyển sách và những trò chơi giáo dục của tôi được viết và được tạo ra là nhằm thay đổi sự nhận thức của một người. Nếu người nào thật sự muốn tìm ra sự an toàn tài chính, thì anh ta cần phải thay đổi về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và cả tinh thần. Một khi sự nhận thức được cải thiện, họ thấy rằng mình ít cần công ăn việc làm của minh hơn, và bắt đầu làm bài tập ở nhà nhiều hơn… như người bố giàu nói: “Con không làm giàu ở sở làm, mà con làm giàu ở nhà”. Tôi cũng thấy rằng khi nào nhận thức của bạn thay đổi và sự tự tin của bạn lên cao, thì ông chủ sẽ sẵn sàng tăng lương cho bạn. Chính vì thế mà làm bài tập ở nhà rất quan trọng.

BÀI TẬP Ở NHÀ CỦA BẠN

Tôi nói với các bậc bố mẹ rằng điều họ dạy con ở nhà cũng quan trọng không kém những gì trường học dạy chúng. Một điều tôi đề xuất với các bố mẹ là hãy bắt đầu cổ vũ cho con cái tìm cách để nghỉ hưu ở tuổi 30. Điều này ít nhất cũng khiến cho chúng nghĩ khác đi. Nếu chúng nhận ra chúng chỉ có một vài năm để làm việc và nghỉ hưu, thì chúng sẽ hỏi những câu đại loại như: “Làm thế nào con có thể nghỉ hưu ở tuổi 30?” Ngay lúc chúng hỏi câu đó, chúng đã bắt đầu đi qua tấm gương soi rồi. Thay vì ra trường tìm một công ăn việc làm ổn định, chúng sẽ đi tìm một thế giới của sự tự do về tài chính. Ai mà biết được? Có thể chúng sẽ tìm ra nếu chúng làm tốt bài tập ở nhà của chúng.

NHỮNG KẾT QUẢ SAU CÙNG

Kết quả học tập thật sự của một người không tìm thấy được trong học bạ. Hầu hết chúng ta đều biết rằng có nhiều người là sinh viên giỏi ở trường, nhưng không thành công lúc cuối đời.

Có nhiều cách để xác định kết quả học tập. Và một trong những thước đo tốt nhất là xem họ xoay sở như thế nào về mặt tài chính sau khi ra trường. Kết quả nghiên cứu gần đây trên 100 người cho thấy ở tuổi 65 có một người giàu có, bốn người sống thoải mái, năm người vẫn còn phải làm việc và 56 người sống nhờ trợ cấp xã hội hay gia đình, và số còn lại đã chết.

Theo ý kiến của tôi,đây không phải là một kết quả tốt đẹp, xét theo hàng tỉ đôla và hàng giờ công chúng ta đã tiêu tôn vào việc giáo dục con người. Điều đó có nghĩa là, trong 700 sinh viên ra trường, 7 người sẽ giàu có, 392 người sẽ cần sự hỗ trộ của xã hội hoặc của gia đình. Không tốt chút nào.

Và có một sư khác biệt hơn nữa từ những con số này: trong số 7 người giàu có, gần 2 người sẽ ở vị trí tuyệt đỉnh nhờ dược thừa khế tài sản hơn là sự nỗ lực của chính họ.

Ngày 16-8-2000, tờ US Today chạy một tít lớn KIẾM TIỀN KHÔNG DỄ NHƯ THẾ. Trong đó nhà phân tích Danny Sheridan tính được có bảy con đường có tiền khác nhau. Đó là:

Làm chủ một doanh nghiệp nhỏ 1 trong 1000 người
Làm việc cho một công ty máy tính nổi danh 1 trong 10.000 người
Tiết kiêm $800 một tháng trong vòng 30 năm 1 trong 1.500.000 người
Giật giải một chương trình trò chơi 1 trong 4.000.000 người
Chơi với máy đánh bạc 1 trong 6.000.000 người
Trứng số 1 trong 12.000.000 người
Thừa kế 1 triệu đôla 1 trong 12.000.000 người

Bảng thống kê này chỉ ra rằng có rất ít người trở thành triệu phú qua sự thừa kế. Như vậy, cơ hội tốt nhất cho con cái bạn trở thành một triệu phú là qua việc làm chủ doanh nghiệp riêng của mình và xây dựng nó đi tới thành công.

Nếu bạn dạy con bạn rằng chúng có thể sống và tự túc được về tài chính – biết cách quản lý tài chính, không bị sa lầy vào nợ nần do tiêu xài, và không bao giờ cần một công việc – bạn sẽ chuẩn bị tốt cho chúng đón nhận thế giới đang tới.

Một hệ thống giáo dục mà khiến cho người ta phải sống phụ thuộc vào lúc cuối đời thì không thể chuẩn bị cho họ thích nghi với thế giới ngày nay. Suy nghĩ cho rằng một công ty hay chính phủ sẽ chăm sóc bạn lúc về hưu là một ý nghĩ lạc hậu. Con bạn cần sự giúp đỡ của bạn để phát triển những kỹ năng tài chính cần cho tương lai chúng.

KẾT LUẬN CHO PHẦN MỘT

Phần I của quyển sách này là “tiền bạc là ý tứởng”. Điều tương tự cũng có thể nói về giáo dục. Sự nhận thức của trẻ em, hoặc ý tưởng của chúng trong học tập và tài chính, sẽ báo trước chúng sẽ như thế nào trong suốt quãng đời còn lại của chúng. Chính vì thế mà công việc quan trọng của bố mẹ là hướng dẫn, chỉ bảo và bảo vệ sự nhận thức của con mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.