Dạy Con Làm Giàu – Tập 4

CHƯƠNG 14 Tiền tiêu vặt để làm gì?



Một ngày kia tôi nhìn thấy một trong những người bạn của mình đưa cho con anh 100 đôla. Thằng bé cầm lấy và điềm nhiên đút vào túi quần, quay đi mà không nói một lời nào.

Thấy vậy anh bảo: “Con không nói gì hết sao? Thậm chí con không nói cám ơn à?”

Thằng bé 16 tuổi quay lại hỏi: “Cám ơn vì cái gì?”

“Vì 100 đôla ba vừa mới đưa con đó.”

“Đây là tiền tiêu vặt của con mà. Con xứng đáng có nó. Mấy đứa bạn học trong trường con còn được nhiều hơn con. Nhưng nếu ba nghĩ con cần phải cám ơn thì đây con sẽ nói ‘Cảm ơn’.” Xong, thằng bé ấn món tiền sâu vào túi và bước ra cửa.

Đây là một ví dụ tiêu biểu về lối suy nghĩ “quyền lợi hiển nhiên” tồn tại trong thanh niên ngày nay. Rủi thay, tôi thấy điều này diễn ra thường xuyên. Sharon Lechter thích gọi đó là hiện tượng “cha mẹ trở thành máy rút tiền tự động của con cái.”

TIỀN LÀ MỘT CÔNG CỤ GIÁO DỤC

“Tiền là một công cụ giáo dục,” Người bố giàu nói. “Ta có thể huấn luyện cho mọi người làm nhiều thứ. Tất cả những gì ta làm là thảy một mớ đôla lên không trung và mọi người sẽ phản ứng lại tức khắc. Như những người huấn luyện thú dùng sự tử tế để dạy chúng, tiền được dùng cho con người cũng như vậy.”

“Đó không phải là cách nhìn quá thô thiển về tiền và giáo dục sao?” tôi hỏi. “Bố nói sao có vẻ tàn bạo và mất tính người quá vậy.”

“Ta rất mừng khi nghe con nói thế. Ta chủ ý làm cho nó có vẻ tàn bạo và mất tính người.”

“Tại sao vậy ạ?”

“Vì ta muốn con thấy được mặt kia của đồng tiền. Ta muốn chỉ cho con sức mạnh của tiền bạc. Ta muốn con biết sức mạnh ấy, và ta muốn con tôn trọng nó. Nếu con tôn trọng sức mạnh đó, hy vọng con sẽ không lạm dụng quyền năng của đồng tiền khi con có nó.”

“Bố ngụ ý gì khi nói mặt kia của đồng tiền?” tôi hỏi. Bấy giờ tôi đã 17 tuổi và đang học năm cuối trung học. Tới tuổi này, người bố giàu đã dạy tôi cách kiếm, giữ và đầu tư tiền. Và lúc này Người đang dạy tôi thêm điều mới gì đó về tiền.

Người bố giàu lôi từ túi quần ra một đồng tiền xu. Người đưa lên và bảo: “Mỗi đồng tiền đều có hai mặt. Con hãy nhớ điều đó.” Người nhét chúng trở vô túi rồi bảo: “Chúng ta hãy đi lòng vòng xuống phố đi.”

Mười phút sau người bố giàu tìm thấy bãi đậu xe. “Gần 5 giờ rồi,” Người bảo, “Chúng ta hãy nhanh nhanh lên.”

“Nhanh để làm chi ạ?”

“Đi rồi con sẽ thấy,” Người bố giàu vừa nói vừa dòm chừng hai bên đường rồi băng qua đường.

Người và tôi chỉ đứng nhìn vỉa hè với những dãy cửa hàng bán lẻ. Đột nhiên, vào đúng 5 giờ, những cửa hàng lục tục đóng cửa. Khách hàng vội vã với những nỗ lực mua sắm cuối cùng và những nhân viên bắt đầu bước ra chào người chủ cửa hàng: “Chào ông/bà” và người chủ cửa hàng đáp lời “Hẹn gặp lại sáng mai.”

“Hãy coi xem ta muốn nói điều gì về sự huấn luyện tốt?” Người bố giàu nói.

Tôi không đáp. Tôi đang nhìn vào bài học mà Người muốn tôi học. Và tôi không thích bài học đó.

“Nào, giờ con đã hiểu câu nói: ‘Tiền là một công cụ giáo dục’ rồi chứ?” Người bố giàu hỏi khi hai bố con đi ngang qua những cửa hàng đã đóng cửa. Đường phố im lặng, vắng vẻ, tạo cho cảm giác trống trải, lạnh lẽo. Chốc chốc, người dừng lại và ghé mắt nhìn qua cửa sổ những cửa hàng Người thấy thích.

Tôi vẫn im lặng.

Trở lại vào trong xe, người bố giàu nhắc lại câu hỏi “Con có hiểu không?”

“Con hiểu. Ý bố nói thức dậy mỗi ngày và đi làm là xấu à?”

“Không. Ta không nói về tốt hay xấu. Ta chỉ muốn con hiểu sức mạnh to lớn của đồng tiền và tại sao ‘Tiền là một công cụ giáo dục’.”

“Bố giải thích cho con nghe đi?”

Người bố giàu ngẫm nghĩ một lúc,cuối cùng Người lên tiếng: “Trước khi có tiền xuất hiện, con người tụ tập nhau lại và cùng nhau đi săn, họ sống xa đất liền và biển.Về cơ bản, Thượng đế hay thiên nhiên đã cung cấp tất cả mọi thứ con người cần để tồn tại. Nhưng khi con người văn minh hơn thì thật khó mà trao đổi hàng hóa và những dịch vụ được, thế là tiền ra đời và trở nên càng ngày càng quan trọng. Ngày nay, người nào kiểm soát được tiền có quyền lực mạnh hơn những người vẫn còn trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Nói cách khác, tiền đã chiếm lĩnh trò chơi cuộc đời.”

“Bố nói tiền đã chiếm lĩnh trò chơi cuộc đời là sao?”

“Cách đây vài trăm năm, con người thật sự không cần tiền để tồn tại. Thiên nhiên đã cung cấp sẵn cho con người rồi. Họ có thể trồng rau nếu muốn ăn hay đi vào rừng săn bắn nếu cần thịt. Ngày nay tiền bạc cho chúng ta cuộc sống. Thật khó mà sống được chỉ bằng trồng rau trong căn hộ một phòng ở thành phố hay ở vùng ngoại ô. Ta không thể trả hóa đơn điện bằng cà chua, và chính phủ không thể chấp nhận thu thuế bằng thịt nai mà con săn bắn được.”

“Vì con người cần tiền để trao đổi những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống, nên bố mới nói tiền đã chiếm lĩnh trò chơi cuộc đời. Tiền và cuộc sống luôn có nhau.”

Người bố giàu gật đầu. “Ngày nay thật khó mà tồn tại được nếu không có tiền. Tiền và sự tồn tại cá nhân giờ như bóng với hình với nhau.”

“Và chính vì vậy bố mới dạy con rằng Tiền là một công cụ giáo dục’,” tôi trầm ngâm nói. “Bởi vì tiền nối kết với sự tồn tại cá nhân, nếu có tiền, ta có thể bảo người khác làm những điều họ không muốn làm – những thứ như thức dậy và đi làm mỗi ngày.”

“Hoặc phải học thật chăm chỉ để có một việc làm tốt,” Người bố giàu nói với nụ cười mỉm.

“Nhưng những công nhân giỏi và thạo nghề không quan trọng đối với xã hội chúng ta sao?”

“Rất quan trọng chứ,” Người bố giàu nói. “Trường học cung cấp những bác sĩ, kỹ sư, cảnh sát, lính cứu hỏa, thư ký, phi công, và nhiều người ở những lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn khác, để giữ gìn cho xã hội văn minh luôn văn minh. Ta không nói rằng trường học không quan trọng… mà rằng, ta muốn con cần tiếp tục học hết đại học, cho dù con không muốn. Ta chỉ muốn con hiểu ‘tiền là một công cụ giáo dục’ có sức mạnh như thế nào.”

“Giờ thì con hịểu rồi.”

“Một ngày nào đó con sẽ trở thành người rất giàu có. Và ta muốn con nhận thức được quyền năng và trách nhiệm của con, khi con có tiền. Thay vì dùng sự giàu có để bắt người ta làm nô lệ cho tiền, thì ta yêu cầu con dùng sự giàu có để dạy mọi người trở thành ông chủ của đồng tiền.”

“Như bố đang dạy con…”

Người bố giàu gật đầu. “Xã hội văn minh của chúng ta càng phụ thuộc vào tiền vì cuộc sống, thì quyền năng của đồng tiền càng thống trị chúng ta. Cũng giống như con dạy con chó vâng lời bằng bánh bích quy của chó, con có thể dạy mọi người tuân lệnh và làm việc suốt cuộc đời họ bằng tiền. Quá nhiều người làm việc kiếm tiền chỉ để tồn tại, hơn là tập trung vào việc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ để làm cho xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn. Quyền năng đó cho thấy ‘tiền là một công cụ giáo dục’. Và có cả mặt tốt lẫn mặt xấu trong quyền năng đó.”

BẠN DẠY CON BẠN NHỮNG GÌ BẰNG TIỀN?

Tôi ngạc nhiên là có rất nhiều người trẻ có ý nghĩ rằng họ xứng đáng được có tiền, hoặc họ có “quyền lợi hiển nhiên” để nhận tiền. Tôi biết không phải tất cả, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ có thái độ đó. Tôi cũng để ý thấy rất nhiều bậc bố mẹ đã dùng tiền như một cách để cảm thấy bớt lỗi đi. Vì họ quá bận làm việc nên họ có khuynh hướng dùng tiền để thay thế cho tình yêu và quan tâm, chăm sóc con. Tôi cũng thấy nhiều bố mẹ thuê vú em trọn thời gian. Con số những bà mẹ đơn độc làm chủ doanh nghiệp đem con tới sở làm cũng tăng nhanh, đặc biệt là vào những tháng mùa hè. Nhưng vẫn có những đứa trẻ phải ở nhà một mình, được gọi là “những đứa trẻ giữ chìa khóa”. Chúng đi học về và không bị giám sát giờ giấc, bởi vì cả bố mẹ chúng đang ở sở làm… làm việc vất vả để có thức ăn đặt lên bàn. Như người bố giàu nói: “Tiền là một công cụ giáo dục.”

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ TRAO ĐỔI

Bố mẹ có thể cho con một bài học quan trọng về tiền nếu họ dạy chúng về khái niệm trao đổi. Từ trao đổi rất quan trọng đối với người bố giàu. Người nói: “Con có thể có bất cứ thứ gì con muốn, miễn là con sẵn lòng trao đổi cái gì đó có giá trị tương đương với điều con muốn.” Nói cách khác, bạn càng cho đi thì bạn càng nhận lại nhiều hơn.

Tôi nhận được nhiều lời thỉnh cầu làm tư vấn cho họ. Cách đây một năm, một thanh niên gọi cho tôi và mời tôi đi ăn trưa. Tôi từ chối nhưng anh cứ nài nỉ mãi, cuối cùng tôi nhận lời. Trong bữa trưa, anh đề nghị: “Tôi muốn ông làm cố vấn cho tôi”. Tôi lại từ chối, nhưng lần này anh ta còn năn nỉ dữ hơn.

Cuối cùng tôi hỏi anh: “Nếu tôi đồng ý thì anh muốn tôi làm gì nào?”

Anh đáp: “Ồ, tôi muốn ông cho tôi cùng ngồi vào bàn họp với ông, dành ít nhất bốn giờ một tuần cho tôi và chỉ cho tôi cách đầu tư vào nhà đất. Tôi chỉ muốn ông dạy tôi những gì ông biết.”

Tôi nghĩ về lời thỉnh cầu của anh ta một lúc rồi hỏi: “Thế để đổi lại anh sẽ cho tôi cái gì?”

Anh thanh niên hơi nao núng trước câu hỏi ấy, bèn ngồi thẳng lên và mỉm cười duyên dáng, nói: “Ừm, không gì cả. Tôi không có bất cứ cái gì. Chính vì thế nên tôi mới muốn ông dạy tôi y như người bố giàu của ông dạy ông vậy. Ông đâu có phải trả cho ông ấy bất cứ cái gì, đúng không?”

Tôi ngả người ra ghế, nhìn chăm chăm vào anh. “Vậy là anh muốn tôi tiêu thời gian để dạy anh điều tôi biết một cách miễn phí?”

“Đúng thế. Chứ ông mong tôi làm gì? Trả tiền mà tôi không có? Nếu tôi có tiền thì tôi đã không hỏi ông. Tất cả những gì tôi cầu xin ông là hãy dạy tôi vài điều. Hãy dạy tôi cách làm giàu.”

Nụ cười lan tỏa khắp gương mặt tôi, và những ký ức cũ về việc ngồi cùng bàn với người bố giàu lại ùa về. Lần này tôi đang ngồi ở ghế của người bố giàu, và tôi có cơ hội dạy theo giống cách người bố giàu đã dạy tôi. Đứng lên, tôi nói: “Cám ơn vì bữa trưa này. Câu trả lời của tôi là ‘Không’. Tôi không thích làm cố vấn cho anh. Nhưng tôi đang dạy anh một bài học vô cùng quan trọng. Và nếu anh đã nhận được bài học anh cần, anh sẽ trở thành người giàu có như anh mơ ước. Hãy nhận lấy bài học đó và tìm ra câu trả lời anh đang tìm.” Đến đây, người bồi bàn mang hóa đơn thanh toán ra và tôi chỉ anh: “Đó là hóa đơn của anh ta.”

“Nhưng câu trả lời là gì vậy? Hãy cho tôi biết. Hãy cho tôi câu trả lời đi,” anh giục tôi.

MƯỜI LỜI THỈNH CẦU MỘT TUẦN

Tôi thường được người ta yêu cầu làm cố vấn. Một trong những điều tôi thường thấy nhất là rất ít những lời thỉnh cầu ấy đi kèm với cái từ quan trọng nhất trong kinh doanh: đó là trao đổi. Nói cách khác, nếu bạn đòi hỏi một cái gì đó, thì bạn phải có sẵn cái gì đó để trao đổi.

Nếu bạn dọc Dạy Con Làm Giàu tập 1, bạn sẽ nhớ lại câu chuyện người bố giàu lấy đi 10 xu một giờ và bắt tôi làm việc miễn phí. Như tôi đã nói, với một cậu bé lên 9, làm việc miễn phí là một bài học cực kỳ quý báu, một bài học ảnh hưởng đến suốt cuộc đời tôi. Người lấy tiền để dạy tôi một trong những bài học quan trọng nhất để làm giàu, và đó là bài học về sự trao đổi. Như người bố giàu đã nói: “Tiền là một công cụ giáo dục”, Người cũng hàm ý rằng thiếu tiền cũng là một công cụ giáo dục.

Vài năm sau đó tôi hỏi người bố giàu liệu Người có tiếp tục dạy tôi nếu tôi không làm việc miễn phí hay không. Câu trả lời của người là: “Không, hoàn toàn không. Khi con yêu cầu ta dạy con, ta muốn thấy vật trao đổi của con. Nếu con không sẵn sàng trao đổi, thì đó là bài học đầu tiên dành cho con – sau khi ta đã từ chối con. Những người mà trông chờ được nhận cái gì đó mà không đổi lại cái gì hết thường cũng không nhận được gì trong cuộc sống.”

Trong cuốn Dạy Con Làm Giàu tập 3, tôi nêu câu chuyện tôi đã hỏi xin Peter làm cố vấn cho mình. Khi ông đồng ý, điều đầu tiên ông yêu cầu tôi làm là đi đến Nam Mỹ bằng tiền túi của tôi để nghiên cứu mỏ vàng cho ông ấy. Đây là một ví dụ hoàn hảo khác về sự trao đổi. Nếu tôi không đồng ý đi Nam Mỹ hoặc đòi hỏi chi phí cho chuyến đi, tôi bảo đảm Peter sẽ không bao giờ đồng ý làm người cố vấn cho tôi. Điều này cũng chứng minh rằng tôi toàn tâm toàn ý muốn học hỏi từ ông ấy.

BÀI HỌC ĐẰNG SAU BÀI HỌC

Trong khi bài học về sự trao đổi mà hầu hết bạn đọc quyển sách này đều biết, vẫn còn có một bài học khác – bài học đằng sau bài học về sự trao đổi mà người bố giàu dạy tôi khi ông lấy đi 10 xu một giờ. Đó là bài học mà hầu hết mọi người không thấy và là bài học rất quan trọng cho bất cứ ai muốn làm giàu. Bắt đầu dạy con bạn từ lúc chúng còn nhỏ tuổi rất quan trọng.

Nhiều người giàu hiểu được bài học này, đặc biệt nếu họ có của cải, nhưng nhiều người làm việc quần quật suốt đời lại không bao giờ hiểu.

Người bố giàu nói với tôi: “Lý do hầu hết mọi người không trở nên giàu có là vì họ được dạy để tìm một công ăn việc làm. Thật không thể thành người giàu có nếu con chỉ chăm chăm đi tìm việc.” Người bố giàu nói hầu hết những người tới gặp Người đều hỏi: “Ông sẽ trả tôi bao nhiêu nếu tôi làm việc này cho ông?”. Người nói tiếp: “Những người nói như vậy sẽ không bao giờ giàu có được. Con không thể mong chờ giàu có được nếu cứ đi vòng quanh và kiếm tìm người trả tiền công cho con.”

CHỈ CÓ BAO NHIÊU ĐÓ GIỜ TRONG NGÀY THÔI!

Hầu hết giới trẻ ngày nay tới trường để học một nghề, sau đó đi tìm việc làm. Tất cả chúng ta đều biết, chỉ có bao nhiêu đó giờ trong ngày thôi. Nếu chúng ta bán sức lao động theo giờ hay theo một cách đo lường thời gian nào đó, thì số lượng thời gian chúng ta có trong một ngày là cố định. Và đó là số thời gian xác định để coi chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền là hết cỡ. Ví dụ, một người làm được 50 đôla một giờ, và làm 8 giờ một ngày, thì người đó kiếm được tối đa là 400 đôla một ngày, 2.000 đôla một tuần, và 8.000 đôla một tháng. Cách duy nhất cho người này tăng con số đó lên là làm việc thêm giờ. Hầu hết người ta được huấn luyện để nghĩ theo kiểu được trả lương cho một công việc, hơn là nghĩ theo kiểu họ có thể phục vụ được bao nhiêu người. Người bố giàu thường nói: “Con càng phục vụ được nhiều người, thì con càng trở nên giàu có.”

Hầu hết mọi người được dạy chỉ để phục vụ cho mỗi một ông chủ, hay một số khách hàng chọn lọc. Người bố giàu nói: “Lý do khiến ta trở thành một thương gia là vì ta muốn phục vụ được càng nhiều người càng tốt.” Thỉnh thoảng Người vẽ ra sơ đồ sau đây, dựa theo Kim Tứ Đồ, để nhấn mạnh ý của mình.

Chỉ vào phía bên trái của Kim Tứ Đồ, Người nói: “Phía bên này phụ thuộc vào lao động thể chất để thành công.” CM sang phía bên phải của Kim Tứ Đồ, Người bảo: “Phía này đòi hỏi lao động tài chính để thành công. Có một sự khác nhau rất lớn giữa lao dộng thể chất và lao động tài chính. Con càng làm ít công việc thuộc thể chất thì con càng phục vụ được nhiều người, và đổi lại, con càng kiếm được nhiều tiền.”

Mối quan tâm chính của tôi khi viết Dạy Con Làm Giàu là tìm cách để phục vụ được càng nhiều người càng tốt, biết rằng nếu tôi làm thế tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Trước khi viết bộ sách này, tôi đã dạy đề tài này và kiếm được hàng ngàn đôla. Mặc dù tôi kiếm được tiền nhưng tôi phục vụ được ít người và trở nên mệt mỏi và kiệt quệ trong quá trình đó. Một khi tôi nhận ra mình cần phục vụ nhiều người hơn nữa, tôi đã xác định viết thay vì nói.

Ngày nay những bài học tương tự đáng giá chưa đến 20 đôla (tiền sách). Tôi phục vụ được hàng triệu người và tôi kiếm được nhiều tiền hơn mà lại làm việc ít đi. Vì vậy, bài học bị lấy đi 10 xu cách đây bao nhiêu năm vẫn còn nguyên giá trị. Bài học nằm đằng sau bài học làm giàu của người bố giàu là càng phục vụ được nhiều người càng tốt. Như Người nói: “Hầu hết mọi người ra trường để đi tìm một công việc lương cao, chứ ít ai tìm cách phục vụ được càng nhiều người càng tốt.”

TÔI NÊN CHO CON TÔI BAO NHIÊU TIỀN TIÊU VẶT?

Tôi thường bị hỏi những câu sau:

– “Tôi nên chọ con tôi bao nhiêu tiền tiêu vặt?”

– “Tôi có nên ngừng trả công cho con tôi về những gì chúng làm?”

– “Tôi trả tiền cho con tôi khi nó được điểm cao. Ông có khuyến khích chuyện đó không?”

– “Tôi có nên bảo con tôi đừng nên tìm việc ở khu thương xá?”

Câu trả lời chung cho những câu hỏi này của tôi là: “Bạn cho con bạn bao nhiêu tiền là tùy bạn. Mỗi đứa trẻ mỗi khác nhau và mỗi nhà mỗi cảnh.” Tôi chỉ đơn giản nhắc bạn về những bài học của người bố giàu của tôi, và muốn bạn nhớ rằng: “Tiền là công cụ giáo dục”. Nếu con bạn học cách trông chờ tiền không vì gì hết, thì đương nhiên cuộc đời chúng kết cục không có gì cả. Nếu con bạn học chỉ vì được trả tiền, thì điều gì xảy ra khi bạn không có ở đó mà trả tiền cho nó? Vấn đế mấu chốt là hãy cẩn thận về cách bạn dùng tiền như là công cụ giáo dục. Vì ngay cả khi dùng tiền là công cụ giáo dục cũng có thêm những bài học nữa cho con cái bạn cần học. Chính những bài học đằng sau những bài học mới là quan trọng nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.